Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (1911-1999)

29/03/201318:04(Xem: 5059)
Ni Trưởng Thích Nữ Như Thanh (1911-1999)


ni truong nhu thanh 3

Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH

(1911-1999)
Viện chủ Tổ đình Huê Lâm và Từ Nghiêm



I. THÂN THẾ

Sư trưởng pháp danh Như Thanh (Đàm Thanh), húy thượng Hồng hạ Ẩn, tự Diệu Tánh, thế danh Nguyễn Thị Thao, sanh ngày 08 tháng 02 năm 1911 (Tân Hợi) tại làng Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, là đệ tử Sư tổ Pháp Ấn chùa Phước Tường (Thủ Đức), thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 40.

Thân phụ là Tri huyện Nguyễn Minh Giác. Cụ ông pháp danh Hồng Ngộ, tự Phổ Minh, là nhà Nho- Y nổi tiếng đương thời, cũng là nhà nghiên cứu Phật học thâm thúy.

Thân mẫu là Cụ bà Đỗ Thị Gần, pháp danh Hồng Tín, một hiền nội mẫu mực, đảm đang, là người tôn kính Phật pháp.

Sư trưởng là người con thứ tám trong một gia đình có mười anh chị em. Người chị thứ sáu, bà Nguyễn Thị Tư, là người thay mặt anh em, giúp phụ thân quản thủ gia đình và tạo điều kiện cho Sư trưởng xuất gia hành đạo. Về sau, bà xuất gia thọ Sa-di-ni, pháp danh Huệ Hạnh. Người anh thứ bảy, ông Nguyễn Minh Đạt là kiến trúc sư, về sau xuất gia, nay là Hòa thượng Hồng Đạo – Viện chủ chùa Quy Sơn (Vũng Tàu).

Ấu thời, Sư trưởng học vỡ lòng bằng chữ Hán, sau học văn hóa chương trình Pháp. Tuy nhiên, sở thích không phải là Tây học, nên Người trở về gia đình học Hán văn và giáo lý đạo Phật do thân phụ truyền dạy.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO:

Năm 1932, ở tuổi 22, Sư trưởng đã giác ngộ cuộc thế vô thường, Người xin phép phụ thân xuất gia tu học. Thế là thiện duyên đã đến, Người lên đường tầm sư học đạo. Năm đó, chùa Giác Hoàng (Bà Điểm) mở trường Hương an cư ba tháng. Trường Hương này chia thành hai phái Tăng, Ni và đây là trường Hương Ni đầu tiên trong Nam, do Hòa thượng Pháp Ấn, chùa Phước Tường (Thủ Đức) làm Chứng minh sư. Sư trưởng đã đến đây cầu Hòa thượng chứng minh làm Thầy, được Hòa thượng thâu nhận, làm lễ thế phát xuất gia và đặt pháp danh là Hồng Ẩn.

Phái Tăng: Hòa thượng Thái Thượng làm Chủ hương, Hòa thượng Thái Bình làm Thiền chủ.

Phái Ni: Hòa thượng Hội Phước làm Thiền chủ, Sư cụ Diệu Tịnh làm Chánh na.

Năm 1933 (23 tuổi), Sư trưởng từ giã chùa Giác Hoàng đến lớp Gia giáo chùa Viên Giác ở Bến Tre cùng Sư cụ Diệu Hường tu học một thời gian. Sau đó, Sư trưởng về chùa Thiên Bửu ở Búng hợp tác với Sư cụ Diệu Tịnh mở trường Gia giáo (ba tháng) đồng thời để nâng cao kiến thức Phật học, Người đã thọ giáo với Sư tổ Khánh Thuyên. Trường Gia giáo mãn khóa, Sư trưởng cùng quý Sư Ni đến ở chùa Thiên Phước và tiếp tục học kinh với Sư tổ.

Năm 1935, lúc 25 tuổi, Sư trưởng cùng quý Sư cụ Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Thuận xây dựng chùa Ni, hiệu Từ Hóa, tại làng Tân Sơn Nhì, Bà Quẹo, tỉnh Gia Định, sau đổi hiệu là Hải Ấn Tự. Đây là chùa Ni đầu tiên do chính chư Ni đứng lên dựng lập. Cũng trong năm đó, Sư trưởng vâng lệnh Sư tổ Pháp Ấn từ giã huynh đệ chùa Từ Hóa về lãnh chùa Hội Sơn, xã Long Bình, huyện Thủ Đức. Tại đây, Người đã hóa độ một số Ni chúng, giới trí thức ở địa phương rất mến phục, thường đến chùa cùng Người đàm đạo.

Năm 1938 (28 tuổi), Sư trưởng nhờ thân phụ trông coi và tu sửa chùa Hội Sơn để Người cùng Sư cụ Diệu Hường ra Huế tham học Phật pháp. Dịp này, Sư cụ Diệu Không mời Sư trưởng ở lại chùa Diệu Đức và thọ học với Hòa thượng Mật Hiển. Hơn một năm, Sư trưởng học được những bộ kinh quý báu: Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Bát Nhã… được Hòa thượng khen ngợi là người thông minh xuất chúng.

Năm 1939 (29 tuổi), Sư trưởng từ giã cố đô Huế, một mình ra Hà Nội tìm học và nghiên cứu Luật tạng. Muốn học và nghiên cứu Luật tạng, trước tiên phải thọ Đại giới Tỳ-kheo-ni. Vì thế, sau khi đến Hà Nội, Sư trưởng đã mau chóng tìm Luật sư cầu giới Tỳ-kheo-ni. Nhân duyên đã đến, Người được thọ giới Tỳ-kheo-ni tại chùa Phúc Loại, tỉnh Hà Đông, được pháp hiệu Đàm Thanh. Trong đàn giới này, Hòa thượng Tâm An chùa Phúc Loại, tỉnh Hà Đông làm Hòa thượng Đàn đầu.

Năm 1940 (30 tuổi), Sư trưởng đến cầu học bộ Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Lược Ký với Cụ tổ Trụ trì chùa Trấn Quốc, tỉnh Hưng Yên (Bắc Việt). Học xong bộ Luật Tứ Phần, Sư trưởng đến cầu học bộ Luật Tỳ Kheo Ni Sao với Cụ tổ Trụ trì chùa Bằng Sở, Hà Đông. Nhờ trí thông minh tuyệt vời, với thiên tư sẵn có, Sư trưởng tiếp thu lý nghĩa các bộ Luật rất nhanh. Học xong hai bộ Luật Ni căn bản vững chắc, Sư trưởng bắt đầu cuộc hành trình chiêm bái các Phật tích tại miền Bắc. Khi đến núi Yên Tử, trước thánh tích Trúc Lâm Tam Tổ với cảnh trí thanh tĩnh u nhàn, hương thiền phảng phất đó đây, Sư trưởng đã quyết định lưu chân tại chùa Giải Oan ba tháng. Nơi đây, Sư trưởng vừa tọa thiền để an tâm, bồi bổ khí lực, bù lại sự mệt nhọc trong thời gian miệt mài học tập, vừa ôn luyện những Kinh Luật đã học cho thông suốt ý chỉ của Đức Phật.

Năm 1941 (31 tuổi), sau khi chu du tham học khắp nơi với hoài bão tự lợi lợi tha, Sư trưởng tự rèn luyện cho mình có trình độ cao sâu về Tam tạng giáo điển, hầu đủ năng lực hướng dẫn Ni chúng trên đường học đạo giải thoát sau này. Đến đây, chí nguyện du phương tham học đã mãn, với lòng vị tha nung nấu, Sư trưởng tự thấy cần phải ra gánh vác Phật sự, dìu dắt Ni chúng còn thiếu kém về Phật pháp.

Cuối năm đó, Sư trưởng thu xếp về Nam. Trên đường về, Người được biết Quốc sư Phước Huệ, Viện chủ chùa Thập Tháp (Bình Định) là vị Cao tăng nổi tiếng bác thông Kinh Luận vào bậc nhất thời bấy giờ. Không bỏ lỡ cơ hội, Sư trưởng liền ghé lại Bình Định, đến chùa Thập Tháp cầu học bộ kinh Lăng Già Tâm Ấn với Sư tổ Phước Huệ. Xét thấy Sư trưởng có căn khí đại thừa, tâm cầu pháp tha thiết, Sư tổ liền hứa khả và đã dạy kinh Lăng Già Tâm Ấn trong suốt năm tháng. Đây là bộ kinh khó nhất trong giáo điển Đại Thừa, nhưng nhờ thiên tư mẫn tiệp, Sư trưởng lãnh hội thâm nghĩa rất nhanh.

Với trí thông minh và lòng hiếu học cộng thêm nhẫn lực vô biên, Sư trưởng đã đạt được thành quả trên đường tham cầu học đạo từ Nam chí Bắc.


III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:

Đầu năm 1942 (32 tuổi), Sư trưởng về đến miền Nam, trở lại chùa Hội Sơn (Thủ Đức). Việc đầu tiên là mở lớp dạy Luật cho quý Ni sư, Sư cô. Tại đây, chư Ni từ các nơi như Nha Trang, Mỹ Tho, Sài Gòn đều về tham học trong ba tháng Hạ. Cùng mùa an cư năm ấy, Sư cụ Diệu Tấn, trụ trì chùa Kim Sơn (Phú Nhuận) khai Hạ an cư, mời Sư trưởng làm Thiền chủ và giảng dạy giáo lý cho chư Ni, Ni chúng tụ về an cư hơn 80 vị. Sau đó Sư trưởng mở lớp dạy Quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho dân trong vùng.

Năm 1943 (33 tuổi), Sư trưởng và Sư cụ Diệu Tấn dẫn chư Ni như Huyền Huệ, Viên Huy… đến chùa Phước Tường cầu học kinh Kim Cang Chư Gia với Sư tổ của bổn tự.

Năm 1944, chùa Bình Quang, Phan Thiết khai Đại giới đàn bên Ni, thỉnh Sư trưởng và Sư bà Diệu Ấn làm Giới sư Ni, Sư trưởng đã đăng đàn thuyết pháp trong Giới đàn này. Sau đó, trở về Thủ Đức, Sư trưởng khai trường Hạ tại chùa Hội Sơn. Trong số chư vị nhập hạ có quý Sư bà Diệu Huệ (chùa Tâm Ấn, Bình Định), Sư bà Tâm Đăng (chùa Linh Sơn, Nha Trang), Sư bà Huyền Huệ (chùa Hải Ấn, Bà Quẹo), cùng chư Ni miền Trung, miền Nam tụ về đông đủ, tất cả đã thỉnh Sư trưởng dạy bộ Luật Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Lược Ký trong ba tháng. Người thường nhắc nhở Ni chúng: “Giới luật là thọ mạng của Phật pháp.” Sau ba tháng miệt mài tu học, dưới sự hướng dẫn của Sư trưởng, kiến thức về Luật học của chư Ni được nâng cao. Từ đó, chư Ni có thể hướng dẫn môn Luật học cho Ni chúng tại trụ xứ của mình.

Năm 1945, ông bà Tri huyện Nguyễn Kỳ Sắc cung thỉnh Sư trưởng về trụ tại chùa Huê Lâm và được Người hứa khả. Nhờ uy đức và hạnh nguyện, Người đã biến nơi đây thành chốn Già-lam trang nghiêm thanh tịnh, chư Ni và tín đồ đến thọ pháp rất đông, người dân quanh vùng sống đời an vui trong bầu không khí của chánh pháp. Thời gian ở Huê Lâm, Sư trưởng bắt tay vào việc xây dựng trú xứ từ việc tu bổ chùa, đến sửa sang toàn diện, tạo điều kiện cho chư Ni có chỗ tu học.

Năm 1947 (37 tuổi), Sư trưởng mở Phật học Ni viện tại chùa Huê Lâm, chư Ni về học rất đông. Trong số Ni chúng lúc bấy giờ, hiện nay là Ni trưởng Như Trí (chùa Thiên Long), Ni trưởng Như Huy (chùa Từ Vân), Ni trưởng Đạt Lý (chùa Long Nhiễu)… Hằng năm, Sư trưởng đều mở Hạ an cư tại chùa, phần lớn chư Ni các vùng lân cận đến đây kiết Hạ.

Năm 1948 (38 tuổi), Sư trưởng nhận thấy cần áp dụng sở tu, sở học của mình trong tiến trình hành đạo, bèn lần lượt tìm nơi mở trường đào tạo Ni tài. Bước đầu, trường được mở tại chùa Linh Sơn (Quận 8), chùa Giác Thiên (Vĩnh Long), sau đó đến chùa Tân Hiệp (Mỹ Tho). Trên đường du hóa, mỗi nơi Sư trưởng ở vài ba tháng và đã thâu nhận chọn lọc một số Ni chúng để đào tạo tại chùa Tân Hiệp.

Năm 1952 (42 tuổi), Sư trưởng xây cất trường Tiểu học Kiều Đàm (miễn phí) tại chùa Huê Lâm để dạy bổ túc văn hóa cho chư Ni và để giúp đỡ cho trẻ em nghèo hiếu học. Đây là lần đầu tiên chùa Ni mở trường thế pháp, làm nền tảng cho chư Ni mở trường và học thế pháp cũng như tham gia công tác từ thiện xã hội một cách tích cực sau này.



Năm 1956 (46 tuổi), Sư trưởng nhận thấy thời gian qua có những vị Ni hữu tài, nhiệt tâm vì đạo, nên Người muốn nâng đỡ những vị ấy và kêu gọi đoàn kết, thống nhất. Đến khi Giáo hội Tăng Già Nam Việt được thành lập, Sư trưởng bày tỏ ý nguyện thống nhất Ni bộ, được Chư Tôn Đức trong Giáo hội ủng hộ. Cơ duyên đã đến, Sư trưởng mạnh dạn đứng ra lãnh lấy trách nhiệm kêu gọi Ni chúng đoàn kết, thống nhất thành một sức mạnh tổng hợp trên phương diện đối nội cũng như đối ngoại. Để thực hiện được công cuộc ấy, trải qua nhiều tháng, Sư trưởng đích thân lặn lội khắp các chùa Ni tại các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ, không kể ngày đêm lao nhọc để vận động chư Ni hợp nhất đoàn thể, mở đầu cho thời kỳ thống nhất Ni bộ. Ngày 06 và 07 tháng10 năm 1956, tất cả chư Ni tựu về chùa Huê Lâm và đã thành lập Ban lãnh đạo Ni bộ lâm thời. Trong kỳ Đại hội này, với tư cách là vị đứng đầu Ban quản trị Ni Bộ Nam Việt, Sư trưởng lãnh đạo Ni chúng.

Ban quản trị Ni bộ ra đời có nội quy riêng, tổ chức hành chánh riêng, trụ sở đặt tại chùa Huê Lâm. Thật là một thành công vĩ đại, thỏa lòng mong mỏi của mọi người!

Nhân dịp này, Sư trưởng đã cảm tác bài thơ:

Túc duyên tiền định lý u huyền,
Ni bộ thành phần thị bản nguyên.
Diệu lạc thiền cơ do tịnh cực,
Thức thời Thánh trí tự chơn truyền.
Hà lao Đông trực, Tây quy khứ,
Chỉ đáo mê xuyên giác ngạn thuyên,
Ngũ sắc, tường vân tùng nguyện hướng,
Niết-bàn thanh tịnh tự tâm thiền. 

Nghĩa:

Duyên xưa định sẵn lẽ thâm huyền,
Ni bộ thành đoàn thẳng cội nguyên.
Vui đẹp cơ thiền do lặng ngắm,
Sáng soi trí Thánh bởi lưu truyền.
Nhọc chi Đông tới Tây về nữa,
Chỉ đến sông mê nẻo giác thuyên.
Năm sắc mây lành theo nguyện đến,
Niết-bàn thanh tịnh tại lòng thiền.

Để đánh giá sự thành công này, xin trích dẫn một vài ý kiến phát biểu trong Đại hội:

– Hòa thượng Trị sự trưởng Giáo hội Tăng Già Nam Việt Thích Thiện Hòa đã viết trong lời giới thiệu tập Kỷ Yếu Đại hội ngày 12-02-1957:

“Gia nghiệp vĩ đại của Từ Phụ truyền lại các chúng đệ tử có bổn phận duy trì, đề cao và tuyên dương…

Người ta thường tưởng rằng Ni lưu chỉ có khả năng tự tu, chứ không có khả năng đảm đang những Phật sự lớn lao làm vẻ vang cho Phật pháp. Nhưng trái lại, ngày nay người ta đã thấy Ni lưu với ý chí mạnh mẽ cương quyết, đứng ra lãnh lấy nhiệm vụ cùng với chư Tăng chia sớt gánh nặng lo đào tạo Ni tài để duy trì gia phong của Từ Phụ. Thật là một điểm son đáng ghi trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam.”

– Phát biểu của Hội Phật học Nam Việt:

“Nay cơ duyên đầy đủ chư Ni đã mạnh dạn đứng lên chia sớt với chư Tăng một gánh nặng ở phần nào ảnh hưởng tốt đẹp này, chúng tôi dám tin rằng các giới phụ nữ trong nước sẽ vui mừng khôn xiết.

Đường đạo có khác chi ở đường đời, nếu ở đường đời nam giới rất cần có nữ giới tiếp tay trong sự sanh tồn cạnh tranh, thì trong đường đạo chư Tăng ắt cũng cần có chư Ni hiệp lực trong cuộc hoằng dương chánh pháp và nhất là về mặt từ thiện xã hội… Với tâm thành, chúng tôi xin gởi niềm mong mỏi nơi vị Ni trưởng hữu tài, hữu đức do Đại hội công cử hôm nay.”

Việc thống nhất Ni Bộ Nam Việt là tiền đề cho Giáo hội sau này có đủ hai vụ Tăng, Ni trong Tổng vụ Tăng vụ. Quý vị Trưởng lão Ni, ở các tỉnh miền Tây, ngày nay có tự viện tại thành phố, phần nhiều do Sư trưởng mời về trong dịp này để làm Phật sự.

Cuối năm 1956, Giáo hội Tăng Già Nam Việt giao chùa Dược Sư cho Ni Bộ Nam Việt quản lý. Sư trưởng và toàn thể Ban quản trị vâng lệnh chư Tăng đứng ra lãnh trách nhiệm quản lý chùa Dược Sư, trụ sở Ni bộ cũng được dời về đây.

Năm 1957 (47 tuổi), Sư trưởng cùng quý Sư bà trong Ban quản trị Ni Bộ Nam Việt xét thấy cần có một trụ xứ khang trang rộng rãi để đặt trụ sở Ni bộ, thuận tiện cho việc hội họp sinh hoạt. Do đó, Sư trưởng đích thân kêu gọi quý Sư bà trong Ban chấp hành đứng vào Ban kiến lập, để vận động tài chánh xây dựng chùa Từ Nghiêm làm Tổ đình Ni giới và trụ sở Ni Bộ Nam Việt. Công trình này, do Hòa thượng Hồng Đạo thiết kế đồ án và chỉ đạo thi công, ông Tố Tân và bà Diệu Đạo phụ lực, cùng chư Phật tử xa gần đóng góp tài chánh một cách đắc lực.

Năm 1962, ngôi chùa hoàn thành khang trang yên tĩnh. Sau Lễ khánh thành, Sư trưởng và quý Sư bà trong Ban quản trị Ni bộ đã mở Phật học viện tại chùa để đào tạo Ni tài. Trong chương trình giảng dạy, Sư trưởng đảm nhiệm các bộ môn cần yếu thuộc Kinh Luật, ngõ hầu sau này có người tài đức ra gánh vác Phật sự; cùng lúc mở lớp giảng giáo lý hàng tuần cho Phật tử và cứ ba năm mở Đại giới đàn hiệu Kiều Đàm để truyền giới cho Ni chúng.

Năm 1964, Sư trưởng hướng dẫn chư Ni nhập thất tĩnh tu tại chùa Từ Nghiêm hầu củng cố thêm đạo lực và công hạnh trước khi ra phụng sự chánh pháp.

Năm 1972, Giáo hội giao chức Vụ trưởng Ni Bộ Bắc Tông cho Sư trưởng. Về sau, các vị thừa kế chức vụ này đều tôn Sư trưởng làm Cố vấn tối cao. Cũng trong năm này, chỉ có Sư trưởng, vị giàu uy tín nhất, mới có thể đứng ra triệu tập một Đại hội Ni khoáng đại (từ vĩ tuyến 17 trở vào) tại chùa Từ Nghiêm, vào hạ tuần tháng 12.

Mục đích của Đại hội:

  1. Củng cố tinh thần đoàn kết trong Ni giới.
  2. Kiểm điểm công tác Phật sự từ thiện đã qua.
  3. Chỉnh đốn và phát triển các tổ chức Phật sự của Ni bộ.

Đại hội lần này thành công mỹ mãn.

Đến 1975, sau ngày đất nước thống nhất, Sư trưởng vẫn ở tại chùa Huê Lâm, tiếp tục nghiên cứu, phiên dịch Kinh điển và xây dựng các công trình Phật giáo. Lúc này, Ni bộ không còn chính thức hoạt động như xưa, nhưng Sư trưởng – với tư cách là người lãnh đạo Ni giới – vẫn đầy đủ uy tín và đạo đức như ngày nào. Một bằng chứng hiển nhiên là những nghi lễ, qui điều mà Ni bộ đã đưa ra, các chùa Ni vẫn luôn tuân thủ hành trì. Thế mới biết niềm tin yêu và sự kính trọng của Ni giới đối với Sư trưởng chẳng phải một thời!

Năm 1981, Sư trưởng đã được mời tham dự Đại hội thống nhất Phật giáo nhưng vì tứ đại bất an, nên Người ủy thác cho Ni trưởng Diệu Đức chùa Kiều Đàm ở Long Thành thay mặt.

Đến 1987, Đại hội Phật giáo Việt Nam lần hai tổ chức tại Hà Nội, Sư trưởng đã tham dự với tư cách Đại biểu danh dự.


IV. LÀM ĐÀN CHỦ VÀ HÒA THƯỢNG ĐÀN ĐẦU CÁC GIỚI ĐÀN:

Trong giáo pháp Phật, Luật tạng là một trong ba tạng Thánh giáo có công năng đưa hành giả từ phàm phu lên Thánh vị tới đích giải thoát an vui. Đạo Phật đề cao nghiêm minh Giới luật, Giới luật được coi là kỷ cương trong Phật pháp, là mạng mạch Tăng-già. Nơi nào Giới luật được hoằng truyền nơi đó Phật pháp hưng thịnh. Trước khi nhập Niết-bàn, Phật dạy: “Dĩ Ba-la-đề-mộc-xoa vi Sư”, “Tỳ-ni tạng trụ Phật pháp diệc trụ.” Đệ tử Phật nương nơi Giới luật làm Thầy, hành trì Giới luật Phật pháp sẽ trường tồn trên thế gian này. Sư trưởng là bậc uyên thâm tinh tường giới pháp, là bậc nghiêm minh Giới luật. Điều này được thể hiện qua đạo phong cốt cách của Người. Vì thế trong các Giới đàn từ năm 1946 đến năm 1998, Hội đồng Ni Bộ Bắc Tông cung thỉnh Sư trưởng làm Hòa thượng Đàn đầu truyền giới cho giới tử Ni:

  1. Năm 1946, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Tiểu giới đàn chùa Huê Lâm (Quận 11).
  2. Năm 1949, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn chùa Giác Nguyên (Quận 4).
  3. Năm 1953, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn chùa Dược Sư (Quận Gò Vấp).
  4. Năm 1961, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  5. Năm 1965, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  6. Năm 1968, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  7. Năm 1970, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Kiều Đàm I tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  8. Ngày 17- 10- 1972, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Kiều Đàm II tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  9. Ngày 26- 9- 1977, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Kiều Đàm IV tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  10. Ngày 03- 9- 1981, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Kiều Đàm V tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  11. Năm 1984, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Thiện Hòa tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  12. Ngày 07- 10- 1988, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Thiện Hòa tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  13. Ngày 13- 3- 1990, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn chùa Long Thiền (Đồng Nai) .
  14. Ngày 20- 3- 1991, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Thiện Hoa tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  15. Ngày 15- 9- 1994, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Thiện Hoa tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).
  16. Ngày 04- 4- 1998, Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Thiện Hào tại chùa Từ Nghiêm (Quận 10).

V. TRƯỚC TÁC VÀ DỊCH THUẬT:

Suốt 60 năm ròng rã, Sư trưởng đã trước tác và phiên dịch nhiều tác phẩm quan trọng nhằm xiển dương chánh pháp. Sau đây là những tác phẩm còn lưu giữ tại Tổ đình Huê Lâm:

  • Trước tác soạn thuật:
  1. Lược Sử Đức Phật Thích Ca– Sen Vàng xuất bản (Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang) năm 1956.
  2. Lược Sử Kiều Đàm Di Mẫu– Sen Vàng xuất bản (Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang) năm 1956.
  3. Nghi Thức Tụng Niệm – Ni chúng Huê Lâm ấn tống năm 1963.
  4. Nghi Thức Niệm Hương– Ni chúng Huê Lâm ấn tống năm 1965.
  5. Oai Nghi Người Xuất Gia– Ni chúng Huê Lâm ấn tống năm 1965.
  6. Nghi Thức Phóng Sanh – Phật tử Sài Gòn và Vũng Tàu ấn tống năm 1966.
  7. Cẩm Nang của Người Phật Tử– Phật tử chùa Huê Lâm ấn tống năm 1970.
  8. Giới Đức Kiêm Ưu– Ni chúng Huê Lâm ấn tống năm 1972.
  9. Hành Bồ Tát Đạo– Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành năm 1988.
  10. Bát Nhã Cương Yếu – Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành năm 1989.
  11. Duy Thức Học– Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành năm 1991.
  12. Phật Pháp Giáo Lý– Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản và phát hành năm 1992.
  • Dịch phẩm:
  1. 24 Bài Kệ Bát Nhã– Bản đánh máy năm 1957.
  2. Thiền Tông và Tịnh Độ Tông– Ni Thiền Viện xuất bản và phát hành năm 1962.
  3. Thiền Tông Cương Yếu– Bản đánh máy năm 1963.
  4. Gương Tăng Sĩ Hiện Đại– Bản đánh máy năm 1965.
  5. Tinh Thần Tu Dưỡng(thơ) – Phật tử chùa Huê Lâm ấn tống năm 1965.
  6. Hưng Thiền Hộ Quốc– Bản đánh máy năm 1970.
  7. Làm Cách Nào để Hoằng Dương Phật Pháp– Bản đánh máy, năm 1992. (có đăng trong báo Giác Ngộ số 28,29,31,32,33 năm 1992).
  • Thi phẩm:
  1. Hoa Thiền– Bản đánh máy (40 bài).
  2. Hoa Đạo– Bản đánh máy (140 bài).
  3. Hoa Đạo Hạnh– Bản đánh máy (15 bài).
  4. Hoa Bát Nhã– Bản đánh máy (27 bài).
  5. Hoa Chánh Giác– Bản đánh máy (52 bài).
  6. Hoa Thanh Hương– Bản đánh máy (21 bài).
  7. Thơ Ngụ Ngôn– Bản đánh máy (Ngụ Ngôn 6 bài, Nhàn Đàm 29 bài, Nhàn Ngâm 21 bài).
  8. Thơ chữ Hán– Bản đánh máy (27 bài).

Những tập thi trên được Sư trưởng làm từ năm 1938 trải dài đến năm 1992.

  1. Phẩm chất người con Phật:

 Phẩm Chất Người Con Phật.
 Nếu Con (10 bài).
 Con ơi (10 bài).
 Người Con Phật (10 bài).
 Ngày Về Phật.

Thi phẩm này được Sư trưởng làm vào năm 1992, do chùa Huê Lâm ấn tống và chỉ được phổ biến khi Người viên tịch (theo lời di chúc của Sư trưởng).

  • Chủ biên các Tập san:
  1. Tập san Nhân Cách – Ni chúng Huê Lâm ấn tống năm 1966.
  2. Tập san Hoa Đà– Tòng Lâm Ni Bộ xuất bản năm 1973.
  3. TU SỬA VÀ THÀNH LẬP CÁC TỰ VIỆN.

1- Chùa Hội Sơn:

Năm 1935 (25 tuổi), sau khi vâng lệnh Sư tổ Pháp Ấn chùa Phước Tường lãnh chùa Hội Sơn tại xã Long Bình huyện Thủ Đức, Sư trưởng nhờ thân phụ là cụ Hồng Ngộ đứng ra trông nom tu sửa ngôi chùa này. Ngoài số gạch ngói do kiến trúc sư Nguyễn Minh Đạt (nay là Hòa thượng Hồng Đạo) vận động một cơ sở vật liệu người Pháp phát tâm ủng hộ, một phần cây gỗ khai thác trong vườn chùa, chi phí còn lại đều do gia đình Sư trưởng cúng dường.

2- Chùa Huê Lâm I:

Để có nơi đào tạo Ni tài và để Ni chúng có chỗ ở yên hầu an tâm tu học, vào năm 1945, Sư trưởng nhận lời mời của ông bà tri huyện Nguyễn Kỳ Sắc về ở tại chùa Huê Lâm. Ngoài việc tu bổ sửa sang, chùa được tái thiết toàn diện vào năm 1959 theo kiến trúc hiện đại. Kiến trúc sư Nguyễn Minh Đạt lập đồ án theo ý kiến của Sư trưởng. Đến 1970, một dãy lầu năm tầng được cất thêm phía sau chánh điện để làm Ni xá và trường học.

Ngày 11- 3- 1993 (19- 02 Quý Dậu), chùa Huê Lâm đặt viên đá đầu tiên xây dựng lại. Đến năm Ất Hợi (1995), trải qua bao năm tháng khó nhọc với biết bao công sức, việc xây dựng Tổ đình đã hoàn thành. Lễ lạc thành được tổ chức vào ngày 19- 3- 1995 (19- 02 Ất Hợi). Trong dịp lễ này, Sư trưởng mở Tăng Thiên Hội cúng dường 1250 vị Tăng Ni.

3- Chùa Từ Nghiêm:

Năm 1957, Sư trưởng và quý Ni trưởng trong Ban quản trị Ni bộ được Hòa thượng Đạt Từ nhượng chùa Từ Nghiêm tại quận 10 để lập trụ sở Ni bộ.

Đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa Từ Nghiêm năm 1959 (trước đó chùa Từ Nghiêm còn là chùa lá); tổ chức Lễ khánh thành năm 1962, Sư trưởng là người có công đầu trong việc vận động kiến lập và lo tài chánh.

4- Chùa Phổ Đà:

Chùa đã được Sư trưởng khởi công xây cất vào năm 1960 trên một vùng đồi bỏ hoang tại Vũng Tàu, do một người Pháp cúng. Trong công trình xây dựng này, đệ tử Tâm Minh là người nhiệt tâm ủng hộ nhiều nhất.

5- Chùa Hải Vân:

Sư trưởng có ý muốn tạo lập một tự viện nơi thanh vắng, trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, để độ hàng Phật tử lớn tuổi có chí nguyện xuất gia và mở đạo tràng Tòng Lâm Ni Chúng Bộ, nên vào năm 1964, Sư trưởng xây cất chùa Hải Vân trên vùng đất cao tại Bãi Dứa, Vũng Tàu. Ở vùng đất trên còn có một lô-cốt của người Pháp để lại, Sư trưởng tạm ở và đích thân trông coi việc khai hoang, xây cất. Đồ án do kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện thiết kế, tài chánh do một số Phật tử thuần thành chùa Huê Lâm phụ giúp.

6- Chùa Quy Sơn:

Chùa được xây cất vào năm 1966, trên một vùng đồi cao ở gần Thích Ca Phật Đài, Vũng Tàu. Việc xây cất được sự hỗ trợ tích cực của Hòa thượng Hồng Đạo và kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Sư trưởng trong vai trò cố vấn và ủng hộ tài chánh.

7- Chùa Huê Lâm II:

Với mảnh đất trong khuôn viên Đại Tòng Lâm (Bà Rịa- Vũng Tàu) do Hòa thượng Giám đốc Tổ đình Ấn Quang cấp, chùa được xây cất thô sơ vào tháng 10- 1975. Đến năm 1983, Sư trưởng cho xây dựng lại để làm nơi tu học cho Ni chúng. Công trình này được Phật tử Huê Lâm ủng hộ tài chánh, nhất là hai đạo hữu Diệu Phước và Thiện Phước. Đạo hữu Thiện Chí vẽ đồ án và chỉ đạo thi công.

8- Quan Âm Phật Đài:

Vào ngày 19- 02 năm Kỷ Tỵ (1989), Quan Âm Phật Đài được đặt viên đá đầu tiên tại chùa Huê Lâm II. Đây là một công trình xây dựng rất quy mô kiên cố, với cấu trúc cầu vồ讧 mềm mại thanh thoát, phù hợp với truyền thống Á Đông. Công trình kéo dài 12 tháng. Đến ngày 19- 02 năm Canh Ngọ (15- 3- 1990) cử hành Lễ an vị Phật.

9- Quan Âm Bảo Điện:

Sau khi xây dựng công trình Quan Âm Phật Đài, Sư trưởng liền ra chùa Hải Vân ở Vũng Tàu để khởi công xây dựng Bảo Điện Quan Âm, công trình kéo dài suốt 2 năm. Ngày 19 tháng 02 năm Nhâm Thân (22- 3- 1992), Sư trưởng đã tổ chức Lễ khánh thành.

Ngày nay, Quan Âm Bảo Điện là một trong những danh lam thắng cảnh tại Thành phố Vũng Tàu.

10- Pháp Hoa Tịnh Viện:

Vào ngày 24 tháng 11 năm 1994, Ni sư Tịnh Hoa và môn nhơn đại diện phái Hoa Tông chùa Diệu Pháp, đường Hậu Giang Thành phố Hồ Chí Minh, đã cúng ngôi Pháp Hoa Tịnh Viện (Tùng Nghĩa, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cho Sư trưởng trước sự chứng minh của Giáo hội và chính quyền địa phương.


VII- MỞ CÁC CƠ SỞ TỰ TÚC VÀ TỪ THIỆN XÃ HỘI:

1- Các cơ sở tự túc:

Để tập cho Ni chúng, nhất là giới trẻ, chịu khó chịu khổ hoàn chỉnh về mọi mặt để hiểu giá trị của đồng tiền có được từ lao động chân chính, và cũng để chủ động phần nào trong đời sống của tự viện, từ năm 1959 Sư trưởng đã mở các cơ sở tự túc như sau:

– Tiệm cơm chay Tịnh Tâm Trai, 170A Hiền Vương, Sài Gòn (170A Võ Thị Sáu, Thành phố Hồ Chí Minh).

– Tiệm cơm chay Thanh Tâm Trai, Ngã Bảy Sài Gòn.

– Cơ sở sản xuất nước tương Hoa Sen Trắng tại chùa Huê Lâm I, Huê Lâm II và Hải Vân.

– Phòng may pháp phục tại chùa Huê Lâm I, Huê Lâm II.

– Phòng phát hành kinh sách tại chùa Huê Lâm I, Huê Lâm II và Hải Vân.

– Cơ sở sản xuất nhang tại chùa Huê Lâm I và Huê Lâm II.

Các cơ sở trên đều do Sư trưởng chỉ đạo, tập Ni chúng quản lý sản xuất, đến nay vẫn còn phát triển và hoạt động đều, chỉ có tiệm cơm chay Thanh Tâm Trai (Ngã Bảy) vì không thuận lợi nên đã đóng cửa sau nhiều năm hoạt động.

2- Hoạt động từ thiện xã hội:

Song song với công việc hoằng pháp, thành lập các Ni học viện từ sơ cấp đến trung cấp, mở các lớp giáo lý cho cư sĩ, các Giới đàn, lo các Phật sự, chỉnh đốn lại hàng ngũ Ni chúng v.v…, Sư trưởng vẫn không quên công tác từ thiện xã hội và luôn luôn quan tâm chăm sóc những mầm non kém may mắn của đất nước. Sư trưởng mở hàng loạt trường học, Ký nhi viện, phòng phát thuốc Đông, Tây y, trường huấn nghệ ở khắp nơi để trẻ em và đồng bào nghèo đều được học chữ, học nghề và được chữa bệnh.

a- Mở trường dạy văn hóa:

Năm 1952, mở Trường Tiểu Học Kiều Đàm tại chùa Huê Lâm I (200 học sinh).

Năm 1967, Trường Trung Tiểu Học Kiều Đàm, gồm 14 lớp học, dạy từ Mẫu giáo đến lớp 9, khoảng 800 học sinh (Trường này từ Trường Tiểu Học Kiều Đàm mở rộng).

Năm 1967, mở Trường Mẫu Giáo Kiều Đàm tại Gò Vấp.

Năm 1970, mở Ký Nhi Viện Kiều Đàm ở chùa Huê Lâm I và Trường Kiều Đàm ở Vũng Tàu.

Năm 1971, mở Ký Nhi Viện Kiều Đàm ở Vũng Tàu.

Tất cả các trường trên đều miễn phí.

b- Phòng thuốc:

Năm 1961, mở phòng thuốc Nam miễn phí, mỗi tháng điều trị khoảng 600 bệnh nhân.

Năm 1966, mở phòng thuốc Tây miễn phí, mỗi tháng điều trị khoảng 600 bệnh nhân.

Năm 1975, mở phòng châm cứu miễn phí, mỗi tháng có 300 bệnh nhân được điều trị.

c- Mở lớp huấn nghệ:

Năm 1966, mở lớp dạy đan len miễn phí tại chùa Huê Lâm I.

Năm 1968, mở lớp dạy may miễn phí tại chùa Huê Lâm I.

Các lớp học, ký nhi viện, phòng phát thuốc, lớp huấn nghệ đều có chư Ni tham gia đảm trách.


VIII- CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG CỦA SƯ TRƯỞNG:

Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống đời và đạo, cuộc sống đời thường của Người đã là một tấm gương sáng ngời cho mọi người hành xử và noi theo. Sau đây là những nét thể hiện phong cách sống đó:

1- Phong cách ứng xử:

Do nghiêm trì Giới luật, lại là người lãnh đạo tối cao, Sư trưởng rất quan tâm tới oai nghi của Ni chúng, luôn thể hiện khuôn vàng thước ngọc để Ni chúng noi theo. Trông bề ngoài, Sư trưởng có vẻ nghiêm khắc, nhưng nếu được kề cận bên Người, ta sẽ thấy bên trong là cả tấm lòng từ ái. Với tình thương bao la như bể cả, với đức độ lượng vô biên, Người luôn quan tâm đến mọi người, nhất là những người già và bệnh. Dù đối với người có địa vị giàu sang hay kẻ bất hạnh nghèo nàn, Người đều đối xử bình đẳng và luôn mong mỏi mọi người chung quanh lập chí tiến thủ. Với Ni chúng, Sư trưởng không hề phân biệt người miền nào, là đệ tử của ai, mà bất cứ ai có chí cầu tiến, tu học, hành trì đúng chánh pháp, đều được Sư trưởng nâng đỡ, dạy dỗ tận tình. Sư trưởng là người thông hiểu thiền lý nên dạy dỗ Ni chúng tùy theo căn cơ và nhân duyên mỗi người.

2- Không chịu xuất ngoại:

Dù có nhiều cơ hội, được nhiều người mời và đài thọ mọi chi phí để xuất ngoại tham quan, Sư trưởng vẫn một mực từ chối với lý do:

– Nước nhà còn nghèo, tiền bạc cần phải chi dùng trong các Phật sự cần thiết, tham quan nước ngoài bây giờ chưa phải lúc. Hơn nữa, nội bộ Ni giới cần phải từng giờ chấn chỉnh, từng giờ sách tấn rèn luyện để Ni chúng sau này có đủ năng lực tiếp tay với Đại tăng trong công tác hoằng dương chánh pháp.

– Nước nhà có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử làm rạng rỡ giống nòi, chúng ta còn chưa biết hết, thậm chí có khi còn chưa nghe qua. Có dịp nên tham quan trong nước để tăng thêm lòng tự hào về dân tộc.

– Trong lịch sử Phật giáo nước nhà, các tông phái đều phát triển và trở thành nét đặc thù của Việt Nam. Đã có không ít vị Tiền bối thâm đạt Tam tạng giáo điển, đã huân tu, đạt đạo, để lại gương sáng về hạnh giải cho muôn đời, đủ để cho chúng ta tôn kính và học tập.

3- Không giữ tài sản:

Mặc dù có rất nhiều tự viện, có nhiều tài sản, Sư trưởng không hề trực tiếp nắm giữ, ngay cả đồ dùng cá nhân, mọi thứ đều phó thác cho đệ tử.

Với năng lực quản lý hoàn hảo, Sư trưởng không giữ mà biết rất rõ và điều động thu chi một cách hợp lý đúng thời, buộc người có bổn phận trong mỗi phần việc luôn có trách nhiệm cao.



IX. THỜI KỲ VIÊN TỊCH
Tám mươi tuổi lão, vẫn còn đây,
Trùng kiến Huê Lâm phước đủ đầy.
Thiết lập Phật đài nơi bãi Dứa,
Trang nghiêm núi Phổ, quyết đắp xây.
Từ Nghiêm mấy chục năm gìn giữ,
Đạo pháp thừa đương vẹn ý Thầy.
Bổn nguyện viên thành về chốn cũ,
Ta-bà an đắc ở nơi đây.
Gá thành Cực lạc vui tình Phật,
Thượng thiện cùng nhau buổi họp vầy.
Xuân thu qua mãi, tuổi lão hơi tàn,
Kêu môn nhơn đến trước thiền sàng,
Lời từ giã chung lo Phật sự.
Từ nay Tông phong Tổ ấn gởi lại non sông,
Pháp quyến môn đồ ngàn thu vĩnh biệt.
Trụ thế 89 tuổi đời, Pháp lạp 67 tuổi đạo. Viên tịch ngày 13 tháng 3 năm 1999 (nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ Mão). Để tưởng nhớ công đức và đạo nghiệp của người, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP. HCM và môn nhơn đệ tử cây tháp tôn thờ tại chùa Huê Lâm II tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu.

V. TỔNG KẾT:

Sinh trưởng trong gia đình quí phái, trí thức, rất được cưng quí, khi xuất gia lại chịu lao nhọc, gặp không ít khó khăn trở ngại trong quá trình hành đạo, Sư trưởng vẫn không nản chí, sờn lòng, mà đã dũng cảm vượt qua mọi thử thách hiểm nguy, chỉ nhằm một mục đích lấy hoằng pháp lợi sanh làm sự nghiệp. Người nâng đỡ, dìu dắt chư Ni theo kịp trào lưu tiến hóa của xã hội về mọi phương diện qua các thời đại, trong khuôn khổ giới luật, kỷ cương của Phật dạy. Từ đó, bằng cả trí tuệ, tài năng và sự quyết tâm làm rạng rỡ Ni giới, Người đã tìm được một vị trí xứng đáng, vững chắc cho Ni chúng trong hàng ngũ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có thể nói, hầu hết chư Ni, kể cả các vị Lão Ni tài danh nổi tiếng trong sự nghiệp hoằng truyền chánh pháp từ miền Trung đến miền Nam ít nhiều đều có tham học hoặc thọ giáo với Sư trưởng.

Sư trưởng là vị Hòa thượng Ni đầu tiên xây dựng nhiều công trình Phật giáo vĩ đại tại Việt Nam, tạo lập nhiều chùa nguy nga đồ sộ, độ Ni chúng rất đông trong thời gian rất dài. Người không những đã trước tác, phiên dịch nhiều tác phẩm kiệt xuất, mà còn là một nhà thơ lớn, và cũng là vị Giảng sư Ni rất nổi tiếng về tư tưởng Đại Thừa Liễu Nghĩa, là bậc Hạnh Giải kiêm ưu, nghiêm trì Giới luật. Tất cả công việc dù đạo hay đời, dù lớn hay nhỏ, văn hóa nghệ thuật hay từ thiện xã hội, Sư trưởng không bỏ việc nào, tất cả đều phát tâm làm việc một cách đắc lực, nhiệt tình và có hiệu quả lâu dài.

Cuộc đời của Sư trưởng là cuộc đời hoạt động theo chí nguyện lợi tha, danh lợi chẳng màng. Tựa như gỗ chiên đàn có mùi hương rộng tỏa, uy đức và tài danh của Sư trưởng khiến nhiều người xuất gia cũng như tại gia ở trong và ngoài nước kính ngưỡng. Trong tạp chí Đông Nam Á Phật giáo Kiến Văn Ký, xuất bản năm 1972 tại Đài Loan, ông Chữ Văn đã viết về Sư trưởng như sau:

“Cai quản chùa Từ Nghiêm là Sư trưởng Như Thanh, một nữ Pháp sư lão thông Tam tạng, nghiêm trì Giới luật, Người đi đến đâu cũng được Tăng Ni kính nể, thường chủ tọa các buổi lễ công cộng, Giới đàn hay các cuộc họp của toàn thể Ni chúng khắp các tỉnh, để giải quyết các vấn đề Phật sự và hành chánh. Ở Đài Bắc, chúng ta có các tự viện lớn hơn, sung túc hơn, nhưng về mặt Giới luật không sánh kịp. Phật giáo Đài Loan đã phát triển từ ngàn xưa, nhưng chưa thành lập được Ni bộ và hoạt động có tổ chức, có đoàn thể như ở miền Nam Việt Nam.”


Lời khen trên đây tuy kín đáo nhưng chứa đựng nội dung làm vinh dự cho Ni giới và Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra còn có rất nhiều bài thơ do các bậc Đại đức hữu danh gởi đến, khen tặng công hạnh của Người. Những thành quả đạt được trong mấy mươi năm hoằng pháp độ sanh, đôi lúc cũng đối đầu với thị phi, nhưng nhờ có ý chí thể hiện đức bi hùng cao độ nên dù công việc khó khăn đến đâu Sư trưởng vẫn hăng say thực hiện đến cùng. Chẳng những Ni chúng hiện tại được thừa hưởng những cơ ngơi Phật giáo đồ sộ cùng những di sản tinh thần của Sư trưởng, mà sự nghiệp hoằng pháp về mọi mặt có một không hai của Người sẽ còn lưu lại mãi cho hậu thế.


Đến đây, chúng con thành tâm đốt nén tâm hương, cầu mười phương Chư Phật gia hộ cho Sư trưởng lưu nguyện trụ thế năm bảy niên nữa, hầu làm tàn cây che mát cho chúng con và làm nhiều Phật sự vĩ đại một cách bất ngờ mà chúng con không tài nào đoán trước được.


Kính ghi,

Ni trưởng Như Huy (chùa Từ Vân)
Ni trưởng Huyền Huệ (chùa Hải Ấn)
Ni trưởng Như Ấn (chùa Huê Lâm)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 7523)
Gần cả tuần này nhiều bài báo tiếng Thái và tiếng Anh dấy lên tin đồn về Hậu thân của Steve Jobs; nguyên do b ởi ông Tony Tseung, m ột kỹ sư công ty Apple hỏi về việc tái sinh của Steve Jobs v ới Sư Phrathepyanmahamuni, Vi ện trưởng tu viện Wat Phra Dhammakaya, Thái Lan, v ị sư có kinh nghiệ m thâm niên tu thi ền đị nh . Người dịch xin dịch lại toàn bộ nguyên văn bài trình bày c ủa Sư Phrathepyanmahamuni nói v ề vi ệc đ ã th ấ y đượ c đờ i s ố ng m ớ i c ủ a Steve Jobs cho Sinh viên c ũ ng nh ư ông Tseung.
29/03/2013(Xem: 5164)
Có lẽ cũng không cần phải chờ đợi lâu để quý vị sẽ thấy là quyển sách bé nhỏ này là biểu trưng không biết bao nhiêu lần hơn cho lòng tin tưởng và quyết tâm của tác giả so với một quyển sách trước đây mang tựa đề là. Chúng ta hãy phẫn nộ ( "Indignez vous!" - quyển sách này của Stéphane Hessel đã được xuất bản vào tháng 10, năm 2010, và đã bán được 300 000 cuốn trong ba tháng đầu, 950 000 cuốn trong vòng 10 tuần l ễ sau đó, và con số bán đã lên hơn 4 triệu cuốn trong năm vừa qua và vẫn còn tiếp tục tăng đều.
29/03/2013(Xem: 7392)
Năm con rồng vừa qua, vợ chồng đều ở nhà, kiếm việc không có được, tháng ngày mau trôi xa, thời tiết lại khắc nghiệt, mưa nhiều ướt lá đa, đầy vườn cỏ xanh mọc, dậu cúc tốt rườm rà, toàn thời gian đòi kinh nghiệm, . . .
29/03/2013(Xem: 6300)
Trải mấy giờ bay thấy đã xa, vẫn thương vẫn mến mối tình nhà, quan tâm trước nhất người em ruột, cảm mến sau cùng lũ cháu da, đất khách tiêu sầu bao vận phú, quê người sảng khoái mấy bài ca, chơi vơi trời biển đấy xa cách, . . .
29/03/2013(Xem: 7064)
Giáp Tý đâu chi bé tý teo, người chê xấu xí lại hay trèo, sách ghi cắn lưới phò nguy hổ, sử chép gậm dây cứu khổ mèo, nổi tiếng đóng phim vai hoạt họa, lừng danh chơi xiệc giỏi trèo leo, trên đời ai biết mà tri kỷ, . . .
29/03/2013(Xem: 6899)
Cho gươm mời đến Thúc Lang hay, chàm đổ mặc ai, áo ướt đầy, quỷ quái vợ Chàng, chàng có biết, tinh ma kẻ cắp cắp người ngay, lòng riêng mừng sợ như ngây ngất, tấc dạ lo buồn phút thoáng bay, . . .
29/03/2013(Xem: 7060)
Thân này hồ dễ gặp người tiên, hỏi khắp âm cung chốn cửu tuyền, tam đảo lại tìm đâu đó cả, một năm trời nữa mới hay tin, đôi bên giáp mặt không nhìn nhận, trăm miệng nào ngờ, truyện dĩ nhiên, . . .
29/03/2013(Xem: 9255)
Thần đổ bác hỡi thần đổ bác, bác ở đâu bác lạc về đây, cùng ta trên diễn đàn này, gặp nhau ta tạm giãi bầy mấy câu, số bác đứng hai cầu chẳn lẻ, . . .
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]