Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

13. Hạ thứ 5 tại Mahàvana, thuộc Vesàlì (năm -585)

01/03/201420:59(Xem: 18805)
13. Hạ thứ 5 tại Mahàvana, thuộc Vesàlì (năm -585)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)

5- Hạ thứ 5 tại Mahàvana, thuộc Vesàlì (năm -585)

Sau mùa an cư thứ tư tại Venuvana đức Phật trở lại Vesàlì để chuẩn bị mùa an cư thứ năm tại Mahàvana (Đại Lâm) theo lời thỉnh cầu của các Vương tử Licchavi. Mahàvana đã được các vương tử Licchavi chỉnh trang thành tinh xá gồm có một tòa giảng đường rộng lớn hai tầng, nóc nhọn, gọi là giảng đường Kùtàgàra (Trùng Các), và một số các tăng đường rải rác trong rừng. Hầu hết cây trong rừng này đều thuộc loại cây sàla (shorea robusta).

Phật đến Vesàlì không bao lâu thì nghe xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai xứ Sàkya và Koliya về nước sông Rohinì[1]ở ranh giới hai xứ.

Tranh chấp giữa hai xứ Sàkya và Koliya[2]

Trước mùa an cư, vào tháng Jettha (tháng 6 dl), bỗng xảy ra sự xích mích giữa hai xứ Sàkya và Koliya về dòng sông Rohinì (hiện nay là sông Rowai), ranh giới giữa hai xứ. Sàkya là quê nội của Phật. Koliya là quê ngoại của Phật và cũng là quê hương của công chúa Yasodharà.

Số là năm ấy trời hạn hán, không có mưa, nên mực nước sông Rohinì rất thấp, không đủ cho nông dân hai bên bờ sông dùng. Đại diện nông dân bên xứ Koliya bảo :

Nước sông Rohinì năm nay ít quá, không đủ cho cả hai bên dùng. Nhưng lúa phía chúng tôi sắp chín rồi. Vậy quý vị hãy để cho chúng tôi dùng nước trước, đến khi lúa chín rồi sẽ tới phiên quý vị.

Lúa bên phía chúng tôi cũng đang lúc cần nước. Đợi đến khi lúa bên phía quý vị chín rồi thì lúa phía chúng tôi đã quá mất sức, lúc ấy nước sông cũng đã cạn. Chúng tôi sẽ phải đi qua đó xin ăn thôi. Hãy để chúng tôi dùng nước trước rồi quý vị hãy dùng sau.

Lời qua tiếng lại một hồi đi đến chỗ nặng lời :

Chúng bây có đói thì kéo nhau về Kapilavatthu mà xin ăn. Đồ quân gì mà anh chị em lấy nhau như chó[3].

Chúng bây nói ai là chó ? Chúng bây là quân cùi hủi sống trong rừng như thú vật[4].

Từ thương thuyết đến tranh cãi nặng lời, rồi đến đấm đá. Cuối cùng binh đội hai nước dàn trận hai bên bờ sông. Tình thế trở nên gay cấn, sắp xảy ra chiến tranh.

Đức Phật đang ngụ tại giảng đường Trùng Các (Kùtàgàra) ờ Đại Lâm (Mahàvana), hay tin, vội tức tốc đến nơi để dàn xếp cuộc tranh chấp. Hỏi các vị tướng chỉ huy quân đội hai bên thì họ nói rằng phía bên kia khinh người, xâm phạm ranh giới và tài sản bên này. Không ai nói đến lý do thật sự của cuộc tranh chấp. Mãi đến khi Phật nói chuyện với các nông dân chất phác mới biết nguyên nhân chính là do thiếu nước tưới vào ruộng rẫy hai bên bờ sông.

Nhờ có thân tình với cả hai bên, đức Phật sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa các vương tử đại diện cho hai xứ Sàkya và Koliya để thảo luận và tìm biện pháp hòa giải. Phật nói :

Này quý vị vương tử, sở dĩ nước sông Rohinì năm nay yếu kém là vì trời ít mưa, mùa mưa năm nay đến trễ. Chỉ vài tuần nữa sẽ có mưa, đến chừng đó mực nước sông sẽ trở lại bình thường như cũ thì cả dân chúng hai bên bờ sông đều có đủ nước dùng. Nếu để xảy ra chiến tranh thì chẳng những binh lính hai bên phải chết hoặc bị tàn phế thảm thương mà dân chúng và ruộng vườn của cả hai bên cũng sẽ bị thiệt hại không thể lường trước được. Này quý vị, quý vị thử nghĩ xem mạng sống của quý vị, của binh lính, của dân chúng là quan trọng hay nước sông Rohinì và ruộng vườn là quan trọng ?

Bạch Thế Tôn, mạng sống của con người tất nhiên đáng quý trọng hơn.

Đúng thế ! Vậy Như Lai khuyên quý vị nên tìm biện pháp hòa giải để tạm thời chia nước sông Rohinì ra đồng đều cho dân chúng hai bên bờ sông đều có nước dùng tạm. Chiến tranh thường chỉ gây chết chóc, hận thù, chứ không bao giờ mang đến một giải pháp tốt đẹp, kể cả đối với người thắng trận.

“Này quý vị, chúng ta sẽ được hạnh phúc bằng cách gạt bỏ hận thù khi sống giữa đám người thù hận(Pháp Cú, bài 197); chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu biết sống lành mạnh giữa đám người bệnh tật(Pháp Cú, bài 198); chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu biết sống thanh tịnh giữa đám người đầy tham vọng(Pháp Cú, bài 199). Thắng lợi sinh thù oán, thất bại chịu khổ đau, người không tranh thắng bại, sống an lành hạnh phúc(Pháp Cú, bài 201).

Rồi đức Phật nói kệ:

“Nó làm nhục tôi, tấn công tôi !

“Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi !

“Ai chứa trong lòng tư tưởng ấy,

“Hận thù như vậy chẳng hề nguôi.(Pháp Cú, bài 3)

“Nó làm nhục tôi, tấn công tôi !

“Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi !

“Không chứa trong lòng tư tưởng ấy,

“Hận thù như vậy sẽ dần nguôi. (Pháp Cú, bài 4)

“Các mối hận thù ở thế gian

“Chẳng hề tiêu diệt bởi lòng sân.

“Vô sân trừ khử niềm sân hận,

“Định luật muôn đời của cổ nhân. (Pháp Cú, bài 5)

Nghe xong, 250 vương tử xứ Sàkya và 250 vương tử xứ Koliya xin xuất gia theo Phật. Do sự can thiệp của Phật mà hai bên đã đi tới một sự thỏa thuận về vấn đề phân chia nước tưới cho dân chúng hai bên bờ sông Rohinì trong khi chờ đợi mùa mưa tới. Các vị vương tử rút binh về triều, thuật lại lời Phật giảng hòa cho vua Suddhodana, vua Suppabuddha, triều thần và vợ con của họ nghe. Hai xứ Sàkya và Koliya tái lập bang giao thân tình như cũ.

Vua Suddhodana băng hà[5](năm -585)

Năm nay Phật được 39 tuổi. Khi mùa an cư thứ năm tại Vesàlì vừa chấm dứt thì có tin từ Kapilavatthu báo quốc vương Suddhodana bệnh nặng. Năm nay nhà vua được 81 tuổi. Chính vua đã sai đại thần Mahànàma, con hoàng thân Sukkodana (Bạch Phạn vương) đi thỉnh Phật về cung để vua được thấy mặt lần cuối cùng.

Thành Kapilavatthu cách thành Vesàlì độ 220 km về phía tây-bắc. Mahànàma yêu cầu Phật dùng xe ngựa đi cho nhanh hầu về kịp trước giờ vua băng hà. Phật nhận lời và bảo Anuruddha, Nandà, Ànanda và Ràhula cùng đi. Mọi người lên xe đi ngay trưa hôm ấy. Các vương tử Licchavi và bà Ambapàli cũng không hay kịp để tiễn đưa. Chỉ có các vị khất sĩ tiễn Phật ra cổng giảng đường Kùtàgàra (Trùng Các). Sau khi Phật đi rồi, trên hai trăm vị khất sĩ, phần lớn thuộc dòng Sàkya, cũng lên đường đi Kapilavatthu, hướng tây-bắc. Họ muốn có mặt bên cạnh Phật trong lễ trà tỳ của vua Suddhodana.

Về đến Kapilavatthu, Phật đi ngay vào hoàng cung. Hoàng hậu Mahà Pajàpati đưa ngài đến ngay bên giường bệnh. Vua Suddhodana nhìn thấy Phật thì xúc động mạnh, miệng mỉm cười thỏa mãn, hai giọt nước mắt từ từ lăn trên đôi má nhăn nheo. Đức Phật lấy khăn lau nước mắt cho vua, rồi cầm lấy tay vua cha thong thả nói :

Thưa Phụ vương con đã về đây. Xin Phụ vương hãy an lòng. Suốt đời Phụ vương đã lo lắng cho hoàng tộc, cho thần dân xứ Sàkya được ấm no hạnh phúc. Giờ đây Phụ vương không còn gì phải lo lắng nữa. Phụ vương nên mỉm cười vì đã làm tròn trách nhiệm của một quốc vương theo khả năng mình. Bây giờ điều quan trọng là Phụ vương nên giữ thân tâm an tịnh bằng cách quán niệm hơi thở. Phụ vương thở đi. Hít hơi vào thật nhẹ và dài, thở hơi ra thật nhẹ và dài cho đến khi tâm Phụ vương được nhẹ nhàng thanh thoát, không còn lo nghĩ đến việc gì khác ngoài hơi thở.

Nhà vua thực hành trong giây lát, vẻ mặt ngài trở nên bình thản, vua nói :

Bây giờ ta đã thấy được cuộc đời là vô thường. Tám mươi năm qua mau như giấc mộng. Càng nhiều danh vọng càng khổ tâm nhọc trí. Hạnh phúc có lẽ chỉ đến trong một cuộc sống thanh nhàn, bình dị và tự do.

Thưa Phụ vương, đúng vậy, Phật nói. Nhưng bây giờ cũng chưa phải là trễ. Phụ vương có thể bắt đầu cuộc sống thanh nhàn, bình dị và tự do ngay từ bây giờ. Thưa Phụ vương, thân người tuy có trẻ có già, vọng tâm con người tuy từng giây phút biến đổi, sanh diệt không ngừng, nhưng Chơn tâm của Phụ vương vẫn luôn luôn thường trụ, bất biến, là nguồn an lạc vô tận. Một khi Phụ vương đã nhận thức rõ thân thể và tâm thức đều vô thường, đều là nguồn gốc của đau khổ, đáng được xả bỏ không có gì luyến tiếc; lúc bấy giờ trí tuệ bát-nhã sẽ bừng sáng đưa Phụ vương trở về Bản tâm chân thật, thanh tịnh, nhiệm mầu, thánh thiện của Phụ vương ....

Đức Phật tiếp tục giảng về vạn vật vô thường, hể có sanh thì có diệt, chỉ có Chơn tâm của mọi người là đầy đủ các đức tính thường, lạc, ngã, tịnh, rồi khuyên vua nên an trụ tâm vào đó. Vua Suddhodana lắng nghe, tâm thức cởi mở. Nghe xong, vua được thân tâm an lạc, đắc quả A-la-hán. Vua nói :

Trẫm biết sanh, già, bệnh, chết là lẽ thường. Trẫm không còn luyến tiếc gì ở thế gian này nữa. Hôm nay, nhân có đủ mặt mọi người ở đây, xin Thế Tôn và các quan đại thần sắp xếp việc cử người thay thế trẫm để trị nước. Nếu trước đây trẫm có làm điều gì lầm lỗi khiến các khanh phiền lòng, trước khi nhắm mắt, trẫm muốn các khanh hãy tha thứ cho trẫm.

Đức Phật xin phép vua được qua phòng bên với các vương tử để nghị sự. Trong phòng chỉ còn lại hoàng hậu Pajàpati ngồi lại bên cạnh giường để chăm sóc cho vua. Nét mặt vua rất bình thản. Sau khi thương nghị, mọi người đều chấp thuận đề nghị của Phật để cho Mahànàma, con trưởng nam của hoàng thân Sukkodana (Bạch Phạn vương) lên ngôi kế vị vua Suddhodana.

Khi mọi người trở vào phòng trình quyết nghị này, vua Suddhodana hoan hỉ mỉm cười khuyên mọi người nên giúp đỡ Mahànàma hoàn thành sứ mệnh, nhất là trong giai đoạn đầu. Nói xong, vua bình thản nhắm mắt trong sự an lạc. Đức Phật khuyên mọi người nên ra ngoài để vua được an nghỉ. Vua Suddhodana nằm yên, an hưởng hạnh phúc giải thoát trong bảy ngày rồi băng hà.

Hoàng hậu Pajàpati Gotamì xin xuất gia[6]

Sau lễ trà tỳ vua Suddhodana là lễ đăng quang của Mahànàma. Phật và giáo đoàn ở lại Kapilavatthu ba tháng tại tinh xá Nigrodha (Ni Câu Đà) để hoằng hóa. Một hôm bà Mahà Pajàpati Gotamì đến tinh xá cúng dường một số áo cà-sa cho Phật và các đại đệ tử, rồi bà xin được xuất gia làm một nữ khất sĩ. Bà nói :

Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn chấp thuận cho nữ giới được xuất gia, từ bỏ nếp sống gia đình để khép mình vào đời sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà đức Thế Tôn đã công bố, thì trong thiên hạ sẽ có thêm rất nhiều người được thừa hưởng ân huệ của đức Thế Tôn. Như hiện nay, phu nhân của các vương tử đã qua đời hoặc đã xuất gia, và tôi đang sống cuộc đời buồn thảm trong nội cung, rất mong muốn được sống cuộc đời cao thượng của kẻ xuất gia. Kính xin Thế Tôn hoan hỉ chấp thuận.

Đức Phật lặng thinh. Một lát sau người nói :

Không được đâu, lệnh bà Gotamì.

Lần thứ nhì và lần thứ ba, bà Mahà Pajàpati Gotamì lập lại lời thỉnh cầu, nhưng đức Phật vẫn không chấp thuận. Bà trở về cung than thở với lệnh bà Yasodharà. Mấy hôm sau Phật lên đường trở về Vesàlì. Tới Vesàlì, Phật cư trú tại tinh xá Mahàvana (Đại Lâm).

Ở lại Kapilavatthu, bà Pajàpati Gotamì không nản chí trước lời từ chối của đức Phật. Được biết 250 phu nhân xứ Sàkya và 250 phu nhân xứ Koliya có chồng đi xuất gia sau khi nghe Phật thuyết pháp tại bờ sông Rohinì cũng đồng ý nguyện như bà, bà triệu tập tất cả 500 vị ấy lại và nói :

Chính đức Thế Tôn đã nói, theo tinh thần đạo lý tỉnh thức, mọi người đều bình đẳng, vì ai cũng có khả năng giác ngộ và giải thoát. Thế Tôn đã nhận vào giáo đoàn cao quý những người thuộc giai cấp hạ tịện thì không lý nào ngài lại không cho nữ giới xuất gia. Nếu chúng ta chứng tỏ quyết tâm của chúng ta bằng cách tự ý xuống tóc, cởi bỏ tất cả đồ trang sức, khoác y vàng lên người, sống đời khất sĩ không nhà cửa, đi bộ đến Vesàlì để xin xuất gia, thì tôi tin rằng Thế Tôn sẽ chấp thuận.

Mọi người trong phiên họp đều phấn khởi khi nghe bà Gotamì nói. Họ tôn bà làm vị lãnh đạo để thực hiện ý nguyện xuất gia, vì ai cũng biết bà là người không thối tâm bất cứ trước một trở lực nào. Bà quay sang khuyên Yasodharà :

Này Gopà, con hãy thong thả chờ, đừng đi theo ta trong chuyến này. Không có con, mọi việc sẽ có thể dễ dàng hơn. Chừng nào ta thành công, con sẽ xuất gia sau.

Hoàng hậu Pajàpati và 500 nương tử xuất gia tại Vesàlì[7]

Độ một tháng sau, vào đầu năm 584 trước tây lịch, tại tinh xá Mahàvana ở Vesàlì, vào sáng sớm, trong lúc đi ra hồ lấy nước, đại đức Ànanda trông thấy lệnh bà Gotamì và một số đông phụ nữ mặc áo vàng, xuống tóc, đi chân không, đang xúm xít đứng trước giảng đường Kùtàgàra. Vô cùng ngạc nhiên, đại đức đến trước lệnh bà Gotamì hỏi :

Thưa lệnh bà, sao lệnh bà lại đứng đây vào sáng tinh sương như thế này? Sao chân lệnh bà sưng trầy và chảy máu như vậy? Và các công nương này cũng thế nữa...

Đại đức Ànanda, tôi và 500 công nương này muốn từ bỏ đời sống cô đơn buồn chán ở nội cung nên đã tự xuống tóc, bỏ hết đồ trang sức, từ bỏ hết mọi tiện nghi vật chất, chỉ mong được sống đời thanh nhàn cao thượng của kẻ xuất gia. Chúng tôi đã tập sống đời khất sĩ, xin ăn, ngủ dưới gốc cây, trong khi đi chân không từ Kapilavatthu đến đây. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng chúng tôi cũng có thể sống cuộc đời không nhà cửa của người khất sĩ. Xin đại đức hoan hỉ bạch Phật cho phép chúng tôi được xuất gia.

Lệnh bà và các công nương hãy đứng đây chờ. Tôi sẽ vào bạch đức Thế Tôn. Tôi hứa sẽ làm hết sức tôi.

Đại đức Ànanda vào đến am Phật gặp lúc Phật vừa xả thiền đứng dậy, đang mặc áo, sắp đi thiền hành với thầy thị giả Nagita. Ànanda bạch Phật :

Bạch đức Thế Tôn, xin ngài hãy nhìn kia, lệnh bà Pajàpati Gotamì và 500 công nương đang đứng trước giảng đường, chân sưng vù vì đi chân không từ Kapilavatthu đến đây, mình mẩy lấm lem đầy cát bụi và trông có vẻ âu sầu phiền muộn. Xin đức Thế Tôn hoan hỉ chấp thuận cho hàng phụ nữ được từ bỏ đời sống gia đình, khép mình vào nếp sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Thế Tôn đã công bố. Bạch đức Thế Tôn, sẽ là một đại hạnh cho nữ giới nếu hàng phụ nữ được phép từ bỏ nếp sống gia đình để thực hành đời sống cao thượng của hàng khất sĩ không nhà cửa.

Đủ rồi, Ànanda, Như Lai không thể chấp thuận cho hàng phụ nữ xuất gia.

Lần thứ nhì và lần thứ ba đại đức Ànanda cố xin, nhưng đức Phật một mực chối từ. Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, đại đức Ànanda lại kính cẩn bạch :

Bạch Thế Tôn, người phụ nữ có khả năng thành tựu đạo quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti), Tư-đà-hàm (Sakadàgàmi), A-na-hàm (Anàgàmi) và A-la-hán (Arahattà) không, nếu họ tu tập đúng theo Giáo Pháp và Giới Luật mà đức Thế Tôn đã công bố ?

Này Ànanda, Phật đáp, bất cứ ai tu tập đúng theo Giáo Pháp và Giới Luật của giáo đoàn khất sĩ đều có thể thành tựu các thánh quả như sau :

Quả vị thứ nhất là Tu-đà-hoàn (Sotàpatti): Nhờ quán Tứ đế nên kiến[8]đạo. Nhờ kiến đạo nên biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiễm, sự xuất ly 5 uẩn; biết cách đoạn trừ phiền não[9]nhất là ba kiết sử (thân kiến, giới cấm thủ, hoài nghi), tâm lần hồi được thanh tịnh và bắt đầu nhập vào dòng thánh, xả bỏ ân ái, chẳng bận trần duyên, kiên trì trai giới, giữ thân miệng ý thanh tịnh, chứng quả Dự lưu. (Người chứng quả này, gọi là Sotàpanna, đã nương theo Tứ Đế thực hành Chánh Kiến, Chánh Tư Duy để đoạn trừ ba kiết sử).

Quả vị thứ nhì là Tư-đà-hàm (Sakadàgàmi): Đã đoạn trừ ba kiết sử (samyojana) là thân kiến, giới cấm thủ và hoài nghi; tham, sân, si, chỉ còn mỏng nhẹ; thân được oai nghi, động ít tĩnh nhiều, tâm được nhẹ nhàng thanh tịnh, chẳng vướng sáu trần, chứng quả Nhất lai, chỉ còn tái sanh một lần nữa ở cõi người, sau đó sẽ sanh lên các cõi trời. (Người chứng quả này, gọi là Sakadàgàmin, đã nương theo Tứ Đế thực hành Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp để đoạn trừ ba kiết sử và làm giảm nhẹ tham sân si).

Quả vị thứ ba là A-na-hàm (Anàgàmi): Đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử là tham, sân, thân kiến, giới cấm thủ và hoài nghi; ba nghiệp (thân, khẩu, ý) và sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều thanh tịnh, chứng quả Bất hoàn, không còn tái sanh vào các cõi Dục nữa mà sẽ sanh về các cõi Sắc và Vô Sắc. (Người chứng quả này, gọi là Anàgàmin, đã nương theo Tứ Đế thực hành Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn để đoạn trừ năm hạ phần kiết sử).

Quả vị thứ tư là A-la-hán (Arahattà): Đã đoạn trừ tất cả phiền não và vọng tưởng, được lậu-tận-trí, thành bậc Vô-học[10], chứng quả Vô-sanh[11], tâm luôn luôn an lạc thanh tịnh, đầy đủ Tam Minh, đầy đủ thiện phương tiện để chỉ dạy chúng sanh, xứng đáng nhận lãnh mọi sự cúng dường của các cõi trời và người. (Người chứng quả này, gọi là Arahanthay Arahathay Arhat, đã nương theo Tứ Đế thực hành Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Trí và Chánh Giải Thoát để đoạn trừ năm thượng phần kiết sử là sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, ngã mạn, vô minh).

Được khích lệ bằng câu trả lời thuận lợi ấy, đại đức Ànanda tha thiết thỉnh cầu đức Phật một lần nữa :

Bạch đức Thế Tôn, như vậy là hàng phụ nữ nếu được phép xuất gia tu hành cũng có thể chứng quả thánh ! ? Bạch đức Thế Tôn, lệnh bà Mahà Pajàpati Gotamì năm nay đã 81 tuổi, bà đã có rất nhiều công nuôi dưỡng đức Thế Tôn. Bà đã trông nom, chăm sóc, bồng bế ngài trong lòng thay lệnh bà Mahà Màyà. Để chứng tỏ phái nữ cũng có thể sống đời khất sĩ không nhà cửa, bà và 500 công nương dòng Sàkya và Koliya đã tự xuống tóc, vất bỏ tất cả đồ trang sức, đi chân không, ngủ dưới gốc cây, khất thực để ăn, từ Kapilavatthu đến đây. Xin đức Thế Tôn từ bi chấp thuận cho lệnh bà và các công nương được xuất gia trong Giáo Pháp của Thế Tôn. Nữ giới từ nay cũng sẽ có nơi nương tựa, tu tập theo Chánh Pháp để được giải thoát khỏi cảnh đau khổ luân hồi. Bạch đức Thế Tôn, xin ngài từ bi rộng mở cánh cửa giải thoát cho lệnh bà và các công nương.

Đức Phật lặng thinh. Một lát sau, ngài bảo thầy thị giả Nagita đi mời các đại đức Sàriputta, Moggallàna, Anuruddha, Bhaddiya, Kimbila và Mahà Kassapa đến thảo luận. Sau khi hội ý với các đại đệ tử, đức Phật bảo :

Này Ànanda, thầy hãy đến báo cho lệnh bà Mahà Pajàpati biết là nếu lệnh bà và các công nương chấp thuận triệt để tuân theo “Tám điều cung kính” sau đây thì Như Lai sẽ đồng ý cho thành lập Giáo Hội Tỳ Kheo Ni. Tám điều cung kính (Bát Kính Pháp, Garudhammà) của Giáo Hội Tỳ Kheo Ni là :

1- Tỳ kheo ni, dù tuổi đời lớn, tuổi hạ cao, cũng phải luôn luôn cung kính chào hỏi một Tỳ kheo.

2- Tỳ kheo ni không thể nhập hạ (vassa) nơi nào không có Tỳ kheo.

3- Cứ mỗi tháng hai kỳ, chúng Tỳ kheo ni phải cử người đi thỉnh Tỳ kheo chỉ định ngày Bố-tát (Uposatha)[12]và giờ thăm viếng, giáo huấn và khích lệ việc tu học của ni chúng.

4- Lúc mãn hạ, Tỳ kheo ni phải thọ lễ Tự-tứ (Pavàranà) chánh thức ra hạ trước mặt những vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni khác (để kiểm thảo xem trong ba điều thấy, nghe và hoài nghi, mình có lầm lỗi điểm nào không).

5- Tỳ kheo ni đã phạm trọng giới phải chịu phạt Manattà[13]trước chư tăng và chư ni.

6- Thức-xoa-ma-na (sikkhamànà, chánh học)[14]đã thọ trì 8 giới trong thời gian hai năm, có thể thọ cụ túc giới Tỳ kheo ni trước chư tăng và chư ni.

7- Bất luận trong trường hợp nào, Tỳ kheo ni không có quyền khiển trách hay nặng lời với Tỳ kheo (bhikkhu, bhiksu).

8- Tỳ kheo không được sám hối với Tỳ kheo ni (bhikkhuni, bhiksuni), nhưng Tỳ kheo ni có thể sám hối với những vị Tỳ kheo.

“Những giới luật trên đây phải được tôn trọng trọn đời, phải được kính nể và không được đổi thay, xê dịch.

Khi đại đức Ànanda trở ra thì mặt trời lên đã cao. Bà Pajàpati và 500 công nương vẫn kiên nhẫn đứng chờ. Sau khi nghe kể lại lời Phật và nội dung “Bát Kính Pháp”, bà Pajàpati nói :

Đại đức Ànanda, xin đại đức bạch với đức Thế Tôn rằng: Khi một cô gái xinh đẹp và trẻ trung mới tắm gội bằng nước thơm mà có người mang tới cho một vành hoa, kết bằng hoa sen hay hoa lài thơm ngát, thì cô gái ấy sẽ sung sướng đưa hai tay đón nhận rồi để lên đầu mình. Cũng thế, chúng tôi rất sung sướng chấp nhận "Bát Kính Pháp" và sẽ tôn trọng "Bát Kính Pháp" suốt đời, nếu chúng tôi được phép xuất gia.

Rồi bà quay sang nói với các công nương :

Các em, các cháu đừng e ngại. Điều quan trọng nhất là chúng ta được xuất gia làm nữ khất sĩ (bhikkhuni, bhiksuni). Những điều trong “Bát Kính Pháp” không phải là những trở ngại cho sự tu học của chúng ta, mà chính là cửa ngõ để chúng ta đi vào Giáo Pháp cao thượng.

Đại đức Ànanda vui mừng vào báo tin này với Phật. Chiều hôm đó 501 người nữ đầu tiên được làm lễ xuất gia thọ giới sa di ni (samaneri). Bà Mahà Pajàpati Gotamì được cử làm ni trưởng[15]. Bà Ambapàli xin Phật tạm dùng vườn xoài của bà để làm tinh xá cho ni chúng. Đại đức Sàriputta được Phật ủy thác việc chỉ dạy những phép tắc hành trì sơ đẳng trong đời sống xuất gia cho các vị sa di ni. Phật bảo:

Này các thầy, ta cho phép các tỳ kheo được làm lễ xuất gia tỳ kheo ni cho người nữ (Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 519). Nhưng người nữ xin xuất gia cần được hội chúng tỳ kheo ni xác nhận trong sạch sau khi đã hỏi các pháp chướng ngại[16]về người nữ (Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 574-580).

Qua hôm sau, Phật bảo :

Này Ànanda, nếu nữ giới không được chấp thuận thoát ly thế tục để khép mình vào nếp sống không nhà cửa trong khuôn khổ của Giáo Pháp và Giới Luật mà Như Lai đã công bố thì đời sống xuất gia và Chánh Pháp sẽ tồn tại lâu đến 1000 năm. Nhưng nay nữ giới đã được phép sống đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Chánh Pháp chỉ còn tồn tại 500 năm thôi[17].

Rồi đức Phật nói thêm :

Này Ànanda, trong nhà nào có đông phụ nữ và ít nam giới thì trộm cướp sẽ dễ lọt vào. Cũng thế, trong bất luận Giáo Pháp và Giới luật nào, nếu hàng phụ nữ được phép từ bỏ thế gian để sống đời không nhà cửa thì đời sống thiêng liêng sẽ không tồn tại lâu dài. Cũng như người kia đấp đê bên bờ hồ nước rộng lớn để chận nước khỏi tràn qua, Như Lai lo ngăn chận trước bằng cách ban hành Bát Kính Pháp cho các Tỳ kheo ni, buộc phải giữ nguyên vẹn trọn đời không được vi phạm.

Bảy hôm sau, nữ khất sĩ Mahà Pajàpati tới xin tham vấn Phật. Bà thưa:

Bạch Thế Tôn, tôi nay tuổi đã cao, xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy cho tôi một cách vắn tắt pháp môn tu nào có thể giúp tôi tinh tấn tiến mau trên đường giải thoát.

Này Gotamì, trong đời sống hằng ngày, người tu phải nhận thức rõ ràng rằng những điều nào dẫn đến tham ái, không dẫn đến ly tham ái; đến ràng buộc, không đến thoát khỏi ràng buộc; đến sự tích lũy, không đến sự không tích lũy; đến ham muốn nhiều, không đến ham muốn ít; đến sự bực bội, không đến sự hoan hỉ; đến sự ngã mạn, không đến sự tôn kính; thích cảnh phồn hoa đô thị, không ưa ẩn dật; dã dượi, không tinh tấn; khó được thoả mãn, không có đức tri túc; những điều đó chắc chắn không phải thuộc Chánh Pháp (Dhamma), không phải thuộc Giới Luật (Vinaya), không phải là giáo huấn của đức Đạo sư[18].Nên biết rõ những điều nào nên tránh, những điều nào nên làm. Ngoài ra phải tinh tấn thực hành pháp quán niệm hơi thở (Ànàpàna sati), pháp quán Tứ Niệm Xứ[19](Cattàro sati-patthàna) để đạt được những đức tánh vừa kể.

Bà Mahà Pajàpati lạy tạ lui ra. Bà tinh tấn thực tập những điều Phật dạy. Ít lâu sau bà đắc quả A-la-hán. Năm trăm công nương dòng Sàkya và Koliya cùng xuất gia với bà, về sau cũng đều đắc quả A-la-hán.

Từ ngày có ni chúng, giáo đoàn khất sĩ của Phật bắt đầu được gọi là giáo đoàn tứ chúng, gồm có: Tỳ kheo (bhikkhu, bhiksu), Tỳ kheo ni (bhikkhuni, bhiksuni), thiện nam (upàsaka)[20], tín nữ (upàsikà)[21].

Ni trưởng Mahà Pajàpati, sau khi nghiên cứu kỹ, đã trình Phật về y phục của ni chúng và được Phật chấp thuận. Một bộ y phục của tỳ kheo gồm có :

- một tấm an-đà-hội (antàravasaka), tức là quần dưới.

- một tấm uất-đa-la-tăng (uttarasangha) là áo mặc bên trên.

- một tấm tăng-già-lê (sanghàti) là áo khoác bên ngoài.

Ngoài ba tấm trên, Tỳ kheo ni được phép có thêm :

- một samkaksika để thắt ngang hông.

- một kusulaka dùng như một chiếc váy.

Ngoài ba bộ y như trên và một bình bát, các khất sĩ còn có quyền có một cái quạt để quạt muỗi và che đầu khi trời nắng, một cái vợt vải lọc nước uống, một cây kim, một ít chỉ, một cái tăm xỉa răng, một con dao để cạo râu tóc mỗi tháng hai lần.

Cuộc đời đau khổ của sư cô Uppalavannà[22]

Một hôm, lúc đi ngang qua một công viên trong thành Vesàlì, đại đức Moggallàna gặp một thiếu phụ nhan sắc mặn mà đứng chận đường đại đức, liếc mắt lả lơi có ý trêu chọc. Đó là Uppalavannà, một hoa khôi trong giới kỹ nữ. Người đời gọi cô là Liên Hoa Sắc (Uppalavannà), họ cho cô có sắc đẹp tươi mát như một hoa sen màu xanh. Đại đức Moggallàna nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ này và biết ngay đây là một người đàn bà có nhiều u uẩn khổ đau. Đại đức nói :

Cô tuy có hình dáng xinh đẹp, bề ngoài trang phục lộng lẫy, nhưng tôi biết tâm hồn cô chứa đầy mặc cảm khổ đau. Nghiệp chướng của cô nặng nề lắm và càng ngày cô càng sa vào con đường lầy lội. Cô nên thức tỉnh càng sớm càng hay.

Uppalavannà hoảng kinh, thấy vị khất sĩ này nhìn thấu nội tâm mình. Nhưng cô cố giữ vẻ mặt bình thản, mỉm cười nói :

Có thể là thầy nói đúng. Nhưng tôi không còn con đường nào khác hơn.

Tại sao cô lại bi quan như thế ? Dù quá khứ có sao đi nữa, ta vẫn có thể chuyển hướng để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Áo quần dơ bẩn thì ta dùng nước sông để giặt giũ. Thân thể dơ bẩn thì ta tắm gội. Tâm tư vẩn đục và chán chường thì ta dùng Giáo Pháp cao thượng để tu sửa. Phật dạy “Ai cũng có khả năng giác ngộ và giải thoát. Ai cũng có khả năng thành Phật. Chỉ cần biết tu tập đúng Chánh Pháp.”

Uppalavannà lấy khăn chậm nước mắt, thổn thức nói :

Nhưng cuộc đời của con dẫy đầy trái ngang và tội lỗi. Con e Phật cũng không cứu được con nữa là thầy.

Không sao đâu. Cô cứ kể tự sự cho tôi nghe thử xem.

Uppalavannà kể lại rằng nàng là con gái của một gia đình giàu có ở thủ đô Ràjagaha. Nàng lấy chồng năm mười sáu tuổi. Sau ngày cha chồng mất, mẹ chồng của nàng lại ăn nằm với chính chồng của nàng. Lúc đó Uppalavannà đã sinh được một đứa con gái. Chứng kiến cảnh loạn luân ấy, cô bỏ nhà ra đi, bỏ luôn cả đứa con gái lại. Mấy năm sau cô gặp một thương gia ở Benares và được ông này cưới làm vợ. Một thời gian sau, nghe nói chồng cô có mua một nàng hầu đem giấu trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố. Cô tìm đến đánh ghen, mới phát giác ra đó chính là con gái năm xưa của cô.

Đau xót vô cùng, cô lại bỏ nhà ra đi, đem lòng thù hận cả trời đất và con người. Cô không còn tin ai, thương ai được nữa. Đến thủ đô Vesàlì, cô theo nghề kỹ nữ, chỉ cần tiền bạc, trang sức lộng lẫy và các thú vui vật chất. Đạo đức đối với cô chỉ là ảo tưởng, giả dối, không có nghĩa chân thật. Đối với cô, bộ áo cà-sa chỉ là một lớp đạo đức giả dối che đậy những dục vọng đê hèn của con người. Để chứng minh điều đó cô mới tỏ vẻ khêu gợi, trêu chọc đại đức Moggallàna.

Nói tới đó, Liên Hoa Sắc úp mặt vào hai bàn tay thổn thức khóc. Đợi Uppalavannà khóc xong, đại đức Moggallàna mới bắt đầu khuyên nhủ cô nên hỷ xả những chuyện đã qua và bắt đầu tập sống một cuộc đời cao thượng vừa lợi ích cho mình vừa lợi ích cho người khác. Rồi thầy đưa cô Uppalavannà về gặp Phật. Phật an ủi Uppalavannà và cho phép cô đến ni viện tập sự tu học dưới sự hướng dẫn của ni sư Pajàpati Gotamì.

Uppalavannà được giao trách nhiệm đóng cửa, mở cửa và quét dọn giảng đường. Một hôm, vừa thắp ngọn nến trong giảng đường, Uppalavannà chợt chăm chú đứng nhìn sửng ngọn nến bập bùng cháy, bổng phát tâm quán hỏa đại, một lúc sau liền chứng quả A-la-hán và đắc ngũ thông. Chẳng bao lâu, Uppalavannà đã trở nên một sư cô gương mẫu, nổi tiếng là vị Tỳ kheo ni thần thông đệ nhất. Đến khi Devadatta phản nghịch muốn gia hại đức Phật, Uppalavannà đến núi Gayàsìsa trách mắng, bị Devadatta nổi giận đánh vào đầu mà chết. Khemà và Uppalavannà là hai đệ tử Tỳ kheo ni gương mẫu của đức Phật, chẳng khác nào Sàriputta và Moggallàna vậy.



[1]Sông Rohinìhiện nay là sông Rowai.

[2]Xem Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 44-45; Buddhist Legends, quyển III, trang 70-72; Tiểu Bộ, Jàtaka 475: kinh Phadana.

[3]Xem phần Lai Lịch Họ Gotama và Bộ Tộc Sàkya trong phần đầu sách này.

[4]Xem phần Lai Lịch Họ Gotama và Bộ Tộc Sàkya trong phần đầu sách này.

[5]Xem Đường Xưa Mây Trắng, trang 281-284.

[6]Xem Tạng Luật, Tiểu Bộ, tập 2: 513; Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh 51.

[7]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 514; Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh 51 và 53; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 1428 và 1421; Trung A Hàm 116: Cừu Đàm Di Kinh; Trung A Hàm 130: Giáo Đàm Di Kinh.

[8]Kiếnlà thấy, biết và hiểu.

[9]Phiền nãolà các hiện tượng tâm lý tiêu cực như tham, giận, buồn, phiền, thương, ghét, lo, sợ ...

[10]Bậc vô học: Bậc thánh nhân đã đạt được vô-sư-trí nên không còn phải học gì nữa.

[11]Quả vô sanh: Nhờ đã sạch nghiệp nên không còn bị nghiệp lực thiện ác dẫn đi tái sanh nữa.

[12]Bố tát(Uposatha) là khóa lễ tụng giới mỗi nữa tháng của tăng ni.

[13]Manattà(Ma-na-đỏa, biến tịnh, chiết phục cống cao): Phương pháp diệt tội và sám hối của một vị tăng hay ni khi phạm trọng tội Xả-đọa hoặc Tăng-tàn. Vị tăng phạm tội phải phát lồ sám hối trong vòng 6 ngày đêm, làm các việc nặng nhọc thay cho chúng tăng như quét dọn tháp, tăng phòng, cầu tiêu, nhà tắm, ... vừa chí thành sám hối, vừa làm cho chúng tăng hoan hỉ.

[14]Sikkhamànà(Thức-xoa-ma-na, Thức-xoa-ma-ni, Chánh học), trong 2 năm trước khi thọ giới Cụ-túc, phải tu học 4 giới căn bản (dâm, sát, đạo, vọng) và 6 pháp (Tâm ô nhiễm đụng chạm người nam, Trộm cắp vặt, Giết hại súc sanh, Tiểu vọng ngữ, Ăn phi thời, Uống rượu). Người nữ mới xuất gia phải qua các giai đoạn làm Samaneri (sa di ni), Sikkhamànà (thức xoa ma ni, chánh học), rồi mới được thọ giới Bhikkhuni.

[15]Sau khi bà Pajapati qua đời, Phật chỉ định bà Khemà và bà Uppalavannà làm Ni-trưởng của Giáo Hội Tỳ Kheo Ni.

[16]Các pháp chướng ngại này được xác định trong Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 573.

[17]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 518; Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh 51. Phật Pháp ở thế gian được phân ra làm 3 thời kỳ: Chánh Pháp500 năm, Tượng Pháp1000 năm, từ 1500 năm về sau là Mạt Pháp.

[18]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 523; Tăng Chi Bộ, chương 8 pháp, kinh 53.

[19]Tứ Niệm Xứ= Quán thânbất tịnh, quán thọlà khổ, quán tâmvô thường, quán phápvô ngã.

[20]Thiện namcòn được gọi là cận sự nam, nam cư-sĩ hay ưu-bà-tắc (upàsaka).

[21]Tín nữcòn được gọi là cận sự nữ, nữ cư-sĩ hay ưu-bà-di (upàsikà).

[22]Xem Tiểu Bộ, Trưởng Lão Ni Kệ, kinh 64: Uppalavannà; Tạp A Hàm 12, 23, 45; Tăng Nhất A Hàm 3, 4, 28; Tỳ Ni Mẫu 5; Đại Bảo Tích; Luật Tứ Phần 6, 12; Hữu Bộ Tỳ-nại-da 10, 30; Luận Đại Trí Độ 13, 14. Cũng nên xem Buddhist Legends, quyển II, trang 127.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/12/2014(Xem: 16295)
“Milarepa, Con Người Siêu Việt” là bản dịch tiếng Việt do chúng tôi thực hiện vào năm 1970 và được nhà xuất bản Nguồn Sáng ấn hành tại Sài gòn vào năm 1971
24/11/2014(Xem: 17956)
Tập sách nhỏ “Du-già Tây Tạng, Giáo Lý và Tu Tập” này được dịch từ bản văn tiếng Anh có nhan đề là “Teachings of Tibetan Yoga” do Giáo sư Garma C. C. Chang – giảng sư của Tu viện Kong Ka ở miền Đông Tây Tạng khoảng trước năm 1950 – biên dịch từ Hoa ngữ, do nhà xuất bản Carol Publishing Group ấn hành năm 1993 tại New York, Hoa Kỳ.
18/08/2014(Xem: 26090)
Tập Tổng quan kinh Đại Bát Niết-bàn này được chúng tôi biên soạn như một phần trong công trình dịch thuật và chú giải kinh Đại Bát Niết-bàn và đã được in chung với bảng thuật ngữ tra cứu thành một Phụ lục đính kèm theo toàn bộ kinh, xuất bản trong năm 2009.
18/08/2014(Xem: 23256)
Tôi nghe như thế này: Một thuở nọ, đức Phật ngự tại thành Tỳ-da-ly, trong vườn cây Am-la với chúng đại tỳ-kheo là tám ngàn người, Bồ Tát là ba mươi hai ngàn vị mà ai ai cũng đều biết đến, đều đã thành tựu về đại trí và bổn hạnh. Oai thần mà chư Phật đã gầy dựng được, chư Bồ Tát ấy nương vào đó mà hộ vệ thành trì đạo pháp. Các ngài thọ lãnh giữ gìn Chánh pháp, có thể thuyết pháp hùng hồn như tiếng sư tử rống, danh tiếng các ngài bay khắp mười phương. Chẳng đợi sự thỉnh cầu giúp đỡ mà các ngài tự mang sự an ổn đến cho mọi người. Các ngài tiếp nối làm hưng thạnh Tam bảo, khiến cho lưu truyền chẳng dứt.
18/08/2014(Xem: 27196)
Tôi nghe như thế này: Có một lúc đức Phật tại thành Vương Xá, núi Kỳ-xà-quật, cùng với sáu mươi hai ngàn vị đại tỳ-kheo. Các vị đều là những bậc A-la-hán đã dứt sạch lậu hoặc, không còn sinh khởi các phiền não, mọi việc đều được tự tại, tâm được giải thoát, trí huệ được giải thoát, như các bậc đại long tượng khéo điều phục. Các ngài đã làm xong mọi việc cần làm, buông bỏ được gánh nặng, tự thân đã được sự lợi ích, dứt hết mọi chấp hữu, đạt trí huệ chân chánh nên tâm được tự tại. Hết thảy các ngài đều đã được giải thoát, chỉ trừ ngài A-nan. Trong pháp hội có bốn trăm bốn mươi vạn Bồ Tát, đứng đầu là Bồ Tát Di-lặc. Các vị đều đã đạt được các pháp nhẫn nhục, thiền định, đà-la-ni. Các ngài hiểu sâu ý nghĩa các pháp đều là không và hoàn toàn không có tướng nhất định. Các vị đại sĩ như thế đều là những bậc không còn thối chuyển trên đường tu tập.
18/08/2014(Xem: 18619)
Sách Liên Tông Bảo Giám nói rằng: “Tâm thể chính là cõi Cực Lạc trải khắp mười phương. Tự tánh là đức Di-đà tròn đầy trí giác. Mầu nhiệm ứng theo thanh sắc nơi ngoại cảnh, tỏa sáng nơi tự tâm. Bởi vậy, bỏ mê vọng liền về chân thật, thẳng lìa trần ai tức là giác ngộ.” “Thuở trước ngài Pháp Tạng phát lời nguyện lớn, khai mở con đường nhiệm mầu sang Cực Lạc. Cho nên đức Thế Tôn mới chỉ về phương Tây mà dạy cho bà Vi-đề-hy biết rõ cõi diệu huyền. Khi ấy, mười phương chư Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài mà xưng tán. Nên báo trước rằng khi các kinh khác đều đã mất, sẽ chỉ riêng lưu lại bộ kinh A-di-đà.
18/08/2014(Xem: 20422)
Cuốn sách này được biên soạn chủ yếu dựa vào một cuốn sách bằng tiếng Tây Tạng có nhan đề là Bardo Thődol, trước đây được một vị Lạt-ma Tây Tạng là Kazi Dawa Samdup dịch sang tiếng Anh, nhan đề là The Tibetian Book of the Dead, với lời bình giải của Hòa thượng Chőgyam Trungpa. Sau đó đã có thêm bản tiếng Pháp của bà Marguerite La Fuente, dịch lại từ bản tiếng Anh. Chúng tôi đã sử dụng phần lớn bản dịch tiếng Việt của dịch giả Nguyên Châu, cũng được dịch từ bản tiếng Anh.
18/08/2014(Xem: 17497)
Tập sách này là phần tinh yếu của giáo pháp mật truyền thuộc Mật tông Tây Tạng, được Đại sư ORGYEN KUSUM LINGPA giảng giải thật chi tiết và rõ ràng. Sách đề cập đến các giai đoạn tu tập và chuẩn bị cho giai đoạn thân trung ấm (bardo), tức là giai đoạn quyết định sự tái sinh của mỗi chúng sinh.
18/08/2014(Xem: 58869)
108 lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma được gom góp trong quyển sách tuy bé nhỏ này nhưng cũng đã phản ảnh được một phần nào tư tưởng của một con người rất lớn, một con người khác thường giữa thế giới nhiễu nhương ngày nay. Thật vậy tư tưởng của Ngài có thể biểu trưng cho toàn thể lòng từ bi và trí tuệ Phật Giáo trên một hành tinh mà con người dường như đã mất hết định hướng. Các sự xung đột không hề chấm dứt, con người bóc lột con người, giết hại muôn thú và tàn phá thiên nhiên. Phật giáo thường được coi như là một tín ngưỡng nhưng những lời khuyên của Đức Đạt-lai Lạt-ma trong quyển sách này vượt lên trên khuôn khổ hạn hẹp của một tôn giáo: - "Mỗi khi phải đề cập đến các vấn đề tâm linh thì không nhất thiết là tôi buộc phải nói đến các vấn đề liên quan đến tôn giáo (câu 87).
17/08/2014(Xem: 21569)
Tập sách này trong nguyên ngữ Tây Tạng được biên soạn từ quyển Truyền thuyết về 84 vị Thánh tăng (Grub thob brgyad bcu tsa bzhi’i lo rgyus) do ngàiMondup Sherab ghi chép từ lời kể của ngài Abhayadatta Sri (thế kỷ 12th) và quyển Tâm chứng của 84 vị Thánh tăng (Grub thob brgyad bcu rtogs pa’i snying po rdo rje’i lu) của ngài Vira Prakash, đã được Keith Dowman và Bhaga Tulku Pema Tenzin dịch sang Anh ngữ. Phần giới thiệu và các chú giải, nhận xét là củaKeith Dowman, hình minh họa là của H. R. Downs. Sách đã được phát hành tại Hoa Kỳ vào năm 1985 (The State University of New York Press, Albany, NY., 1985) với độ dày 454 trang. Sách cũng đã từng được dịch sang tiếng Đức vào năm 1991 với nhan đề Die Meister der Mahamudra (Diederichs, Munchen, 1991). Bản dịch Việt ngữ được giới thiệu lần này là của Nguyên Thạnh Lê Trung Hưng, được dịch từ bản tiếng Anh Masters of Mahamudra of the Eighty-four Buddhist Siddhas của Keith Dowman.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]