Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sống Đời Có Ý Nghĩa

07/09/201822:22(Xem: 4660)
Sống Đời Có Ý Nghĩa
dalai_lama_143

Cách sống một cuộc đời có ý nghĩa là nuôi dưỡng giá trị căn bản của con người, đi đôi với việc sử dụng trí thông minh.

  

          Sống Đời Có Ý Nghĩa
             Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Mười Bốn
               
              https://studybuddhism.com/vi

  

Tất cả chúng sinh, đặc biệt là con người, có trí phân biệt giữa hạnh phúc và khổ đau, tốt và xấu, điều gì có hại và có lợi. Vì có khả năng nhận thức và phân biệt các loại cảm giác khác nhau nên chúng ta đều giống nhau, vì chúng ta đều muốn được hạnh phúc và không muốn khổ đau.

 

Tuy ở đây, tôi không thể bàn luận phức tạp về việc truy tầm nguồn gốc về cách những loại cảm giác này phát triển như thế nào, nhưng điều hiển nhiên và rõ rệt đối với tất cả mọi người là chúng ta có thiện cảm đối với hạnh phúc, và ác cảm đối với kinh nghiệm đau đớn và khổ sở. Vì thế nên việc sống một cuộc đời hòa hợp và bình an, không tạo ra sự xáo trộn và hỗn loạn là điều vô cùng quan trọng.

 

Khi nói đến việc đạt được bình an và hạnh phúc, nếu như ta cho rằng tất cả sự bình an và hạnh phúc chỉ bắt nguồn từ việc giàu có về mặt vật chất bên ngoài thì điều này sai. Khi nương tựa vào phương tiện vật chất thì điều khả dĩ là ta có thể gia tăng hạnh phúc và lạc thú về mặt thể chất, và loại trừ một số khó khăn về thể chất, nhưng những gì mình có được từ phương tiện vật chất chỉ giới hạn trong kinh nghiệm thân thể.

 

Không giống như các loài động vật khác, con người có nhiều khả năng suy nghĩ, tính toán, đánh giá và lập kế hoạch dài hạn. Vì vậy mà con người có khả năng trải nghiệm thêm những nỗi khổ liên quan đến khả năng suy nghĩ của con người.

 

Thí dụ, trong trường hợp của con người, không như thú vật, chúng ta không thấy thỏa mãn với loại hạnh phúc tạm bợ, và có thể loại trừ một vài nỗi khổ tạm thời. Đó là vì là con người, chúng ta có khả năng lập kế hoạch dài hạn và tính toán, do đó, chúng ta cũng có sự phân chia giữa ta và người. Dựa vào sự phân chia này, chúng ta nói về các quốc gia khác nhau, các nòi giống khác biệt và tôn giáo khác nhau. Chúng ta có vô số sự phân chia, và dựa trên những điều này, chúng ta phát triểu nhiều loại ý tưởng tản mạn và khái niệm mê lầm. Vì những điều này mà đôi khi, chúng ta có quá nhiều hy vọng, và đôi khi quá nhiều nghi ngờ.

 

Vì vậy, nếu chỉ dựa vào trí thông minh và khái niệm của con người thì ta sẽ chịu nhiều nỗi khổ. Điều này được nêu ra rất rõ ràng trong tác phẩm lừng danh gọi là Tứ Bách Kệ Tụng của ngài Thánh Thiên, trong đó có nói (II.8): “Những kẻ có địa vị cao thì khổ tâm, còn thường dân thì khổ thân.”. Điều này có nghĩa là những người có nhiều quyền thế hơn, giàu sang hơn thì có thể không khổ thân nhiều, nhưng họ lại khổ tâm nhiều hơn, còn trong trường hợp của thường dân thì họ khổ thân nhiều hơn, vì không có đủ cơm no, áo ấm, v.v… Vậy thì rõ ràng là chỉ vì cách mình suy nghĩ mà chúng ta phải chịu thêm nhiều khổ đau.

 

Như tôi đã nói trước đây, nỗi khổ thể chất có thể giảm thiểu, nhờ sự tiến bộ về vật chất. Tuy nhiên, nỗi khổ tinh thần thì không thể giảm bớt, bằng cách gia tăng sự thoải mái về mặt vật chất. Một ví dụ rõ ràng là ta có thể thấy nhiều người giàu có, đầy đủ phương tiện vật chất, nhưng vẫn tiếp tục chịu nhiều nỗi khổ tinh thần. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều có thể thấy. Vì vậy, rõ ràng là sự khó chịu, khó khăn và nỗi khổ thuần túy là kết quả của thái độ của bạn có thể được giảm thiểu hay loại trừ bằng cách thay đổi quan điểm trong tâm thức, chứ không phải bằng phương tiện vật chất bên ngoài.

 

Để tóm tắt điểm này, khi nói về kinh nghiệm hạnh phúc và khổ đau thì có hai cách để trải nghiệm chúng. Một cách thì rất liên quan đến kinh nghiệm giác quan, nghĩa là sự sung sướng hay đau đớn mà chúng ta trải nghiệm bằng năm giác quan, rồi cách thứ hai là có một mức độ kinh nghiệm hạnh phúc và khổ đau dựa trên tâm thức, hay thái độ của mình. Trong hai cách này thì hạnh phúc và nỗi khổ mà bạn trải nghiệm trong tâm thì mạnh mẽ hơn và dữ dội hơn niềm hạnh phúc và nỗi khổ mà bạn kinh qua bằng giác quan.

 

Một ví dụ rõ rệt là ngay cả khi có mọi phương tiện vật chất, và có lẽ là bạn không có bất cứ vấn đề hay nỗi khổ nào về mặt thể chất, nhưng tâm vẫn không thanh thản, khi bạn có nỗi khổ tâm, thì sự thoải mái về mặt thể chất không thể khắc phục nỗi khổ mà bạn đang trải nghiệm ở mức độ tinh thần. Mặt khác thì dù đang gặp một chút khó khăn và đau khổ về mặt thể chất, nhưng nếu tâm bạn chấp nhận được hoàn cảnh, thì bạn sẽ có khả năng chịu đựng nỗi đau về mặt thể chất.

 

Lấy ví dụ về một người hết lòng dấn thân tu tập một hành trì tôn giáo nào đó. Trong khi theo đuổi pháp tu ấy, dù có thể gặp nhiều gian khổ về mặt thể chất, nhưng nhờ có sự tri túc và mãn nguyện, và viễn ảnh rõ ràng về mục tiêu mà họ đang theo đuổi, người ấy sẽ xem những gian khổ này như niềm vinh dự, thay vì là sự khó khăn. Vậy thì một người có thể khắc phục nỗi khổ về thể chất, nhờ sự sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh về mặt tinh thần, bằng cách thấy những mục tiêu lớn hơn. Có nhiều ví dụ về cách mình có thể khắc phục nỗi khổ về mặt thể chất, khi hướng đến một chủ đích và mục tiêu. Trong những trường hợp như vậy, dù có gặp nhiều khó khăn về thể chất, ta sẽ xem chúng như điều thú vị lớn lao, niềm vui lớn, và là một niềm vinh dự.

 

Để tóm gọn điểm này, trong hai kinh nghiệm mà bạn có qua giác quan và tâm thức thì điều mà bạn tiếp cận và trải nghiệm qua tâm thức quan trọng hơn nhiều.

 

Như tôi có nói, khi phải đối phó với vấn đề tinh thần, đối với những vấn đề thuần túy là kết quả của thái độ và quan điểm thì chúng có thể được giảm thiểu đến mức tối đa và loại trừ bằng cách thay đổi thái độ của mình. Vậy thì chúng ta có cách, có phương tiện và phương pháp để loại trừ những khó khăn về mặt tinh thần. Vì vậy nên việc hiểu biết các phương pháp và phương tiện để ta có thể giảm thiểu tối đa và loại trừ nhiều vấn đề tinh thần là điều quan trọng. Hơn nữa, khi nói về các phương tiện và phương pháp để loại trừ những vấn đề tinh thần thì điều quan trọng là hiểu biết và nhận thức các phẩm chất tốt đẹp bẩm sinh của con người.

 

Ví dụ, tôi nhận thức nó như vầy: nếu xem xét xã hội loài người một cách kỹ càng thì bạn sẽ thấy rằng chúng ta là động vật xã hội. Điều này có nghĩa là chúng ta sống trong một xã hội, và hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau. Ngay từ lúc chào đời cho đến khi trưởng thành và có khả năng tự chăm sóc cho mình, chúng ta phải nhờ vào lòng tốt của người khác, thậm chí cho sức khỏe của mình. Sự việc là như vậy, do cấu trúc sinh học của chúng ta, do cấu trúc thân thể của mình. Càng biểu lộ sự gần gũi và phát triển lòng bi mẫn, quan tâm lẫn nhau thì chúng ta càng có khả năng thành tựu hạnh phúc và an lạc nhiều hơn. Bởi vì lợi ích của những giá trị cơ bản này của con người, ta có thể nói rằng chúng quan trọng và cần thiết, vì thế nên chúng là những phẩm chất cần thiết.

 

Trong trường hợp của một số ví dụ khác, như con của một con bướm, hay con của một con rùa thì dường như giữa mẹ và con của loài rùa hay bướm không có nhiều sự phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ như, trong trường hợp của bướm thì sau khi đẻ trứng, bướm con không thể gặp gỡ cha mẹ của chúng, và trong trường hợp của rùa thì chúng chỉ đẻ trứng, rồi biến mất. Thậm chí nếu bạn đem mẹ của chúng đến gần chúng thì tôi nghi ngờ là các con có thể đáp ứng hay biểu lộ bất cứ tình thương hay tình cảm nào đối với cha mẹ của chúng hay không, bởi vì chúng sống đời độc lập ngay từ lúc chào đời. Điều này có thể là do tập khí của kiếp trước, hay cấu trúc thân thể của chúng. Trong trường hợp con của một con rùa thì chúng có thể tự chăm sóc cho bản thân, nhờ tập khí của kiếp trước, hay cấu trúc cơ thể của chúng. Khi nghe tiếng sóng biển thì chúng bò dần ra biển, và có thể tự chăm sóc cho mình. Hiển nhiên là rùa mẹ không đến để chào mừng các con và dạy chúng bơi, vân vân; những điều này không xảy ra. Vì vậy nên chúng sống một cuộc đời độc lập, và ta không thấy nhiều tình cảm giữa các con và cha mẹ ở đây.

 

Bây giờ, trong trường hợp của con người, vì cấu trúc thân thể của mình, ngay từ lúc chào đời, chúng ta đã có thể biểu lộ tình thương và tình cảm mạnh mẽ đối với cha mẹ mình, đặc biệt là người mẹ. Tôi nhấn mạnh những điểm này, không vì quan điểm chấp nhận kiếp trước và kiếp sau, hay là đề tài tôn giáo, nhưng nếu nhìn kỹ vào cách con người sinh tồn và phát triển thì bạn sẽ thấy vì sự sinh tồn mà chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào giá trị con người, lòng từ bi của con người. Trong trường hợp của trẻ con thì ngay từ lúc chào đời, chúng phụ thuộc vào sữa mẹ, rồi dần dần, chúng lại hoàn toàn phụ thuộc vào lòng nhân từ của cha mẹ, cho đến khi chúng có thể tự chăm sóc cho bản thân. Ngay cả sau khi lớn khôn thì chúng vẫn phụ thuộc vào lòng nhân từ của người khác.

 

Ngày nào bạn có một người bạn đồng hành, ngày nào bạn có ai đó chăm sóc cho mình thì bạn sẽ thấy bình an hơn, thư giãn và thoải mái hơn, như đang sống trong mái ấm gia đình nhiều hơn. Vì vậy, việc sống một cuộc đời không phương hại bất cứ ai và cố gắng giúp đỡ tất cả mọi người càng nhiều càng tốt là điều quan trọng. Nếu có tình thương, tình cảm với những chúng sinh khác thì bạn sẽ được tất cả mọi người, mọi loài yêu thích, và vào phút lâm chung, bạn cũng sẽ không lo âu, sợ hãi, không rối loạn tinh thần.   

 

Tuy nhiên, khi bạn lớn lên, đôi khi một loại trí thông minh của con người sẽ có mặt một cách mạnh mẽ và đôi khi, trí thông minh ấy cho ta niềm hy vọng trống rỗng. Chúng ta học những đề tài mới, có thêm kiến thức mới nhờ trí thông minh của con người. Với loại kiến thức này, chúng ta nghĩ rằng đôi khi, đặc biệt trong trường hợp bạn rất thành công, thì bạn có thể nghĩ rằng: “Mình có thể bắt nạt người khác, mình có thể bóc lột họ, bởi vì mình có trí thông minh và kiến thức tuyệt vời, nên trong trường hợp của mình thì giá trị căn bản của con người không quan trọng.”. Bạn có cảm giác về hy vọng trống rỗng ấy, và theo cách này, bạn sẽ phát triển một thái độ và cái nhìn khác biệt, và không ngần ngại bóc lột, bắt nạt người khác, như thể là nhờ vậy mà bạn có thể đạt được một số lợi lạc nào đó.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu bạn sống một cuộc đời không quan tâm đến hạnh phúc của tha nhân, rồi dần dần, bạn sẽ thấy mọi người trở thành kẻ thù của bạn. Dù có nhìn sang phải, trái, đằng sau hay phía trước thì bạn sẽ thấy chẳng có bao nhiêu người ưa thích bạn. Vì sống một cuộc đời tiêu cực như vậy, vào phút lâm chung, tất cả mọi người có thể vui mừng vì giờ đây, bạn sắp chết. Chính bạn cũng có thể bắt đầu hối hận khi nhìn lại và phản ảnh về cuộc đời mà bạn đã sống. Bạn cũng có thể thấy thất vọng, là tại vì cách sống như vậy nên không có ai chăm sóc cho bạn nữa. Vì vậy nên rõ ràng là nếu bạn bỏ mặc giá trị căn bản của con người thì việc trông mong hạnh phúc chân thật hay an lạc dài lâu là điều vô vọng. Vì vậy mà cuối cùng, khi chết, bạn sẽ không có ai chăm sóc, không ai yêu thương bạn, và bạn sẽ rời bỏ thế gian này với hai bàn tay trắng, với cảm giác trống rỗng to lớn, một cảm giác thất vọng lớn lao. Thế thì cách sống như vậy, không quan tâm đến các chúng sinh khác, thật sự là cách sống dại dột.

 

Mặt khác, nếu có thể nuôi nấng và trân quý giá trị cơ bản của con người, cộng thêm trí thông minh và trí tuệ cao cả của mình, thì bạn sẽ có khả năng phát triển lòng bi mẫn của con người đến mức vô hạn. Cách sống cuộc đời như vậy là cách của người khôn ngoan; đó là cách làm cho đời sống của bạn tràn đầy ý nghĩa.

 

Graz, nước Áo, Kalachakra Cho Hòa Bình Thế Giới, tháng 10, năm 2002. Tiến sĩ Alexander Berzin hiệu đính sơ. Lozang Ngodrub chuyển Việt ngữ; Võ Thư Ngân hiệu đính.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 3869)
Ðã 2 lần, tôi nhắc đến Na Uy trong các bài viết ít ỏi của tôi. Kỳ nầy, tôi muốn dành trọn một bài để nói về khóa giáo lý lần thứ 16 tại Oslo, được tổ chức từ ngày 23.12 đến ngày 30.12.2001.
10/04/2013(Xem: 3983)
Bài giảng nầy được trích từ quyển sách sắp xuất bản của Lama Zopa Rinpoche: “Tạo cho đời sống đầy ý nghiã” sẽ được phát hành bởi Hội Lama Yeshe Wisdom Archive vào cuối năm 2001.
10/04/2013(Xem: 4235)
Ðược thơ chị, thấy chị lo lắng nhiều về đám cưới của cháu, em thương chị quá... Em muốn viết hồi âm cho chị liền nhưng em không làm sao viết được, chắc chị cũng biết là em bận lo cho cái đám cưới của cháu mà.
10/04/2013(Xem: 3838)
Trời Sydney sau những ngày bảo lửa do nạn cháy rừng, khí hậu của những ngày hè càng nóng bức hơn. Sáng nay như có một phép lạ, tiết trời thật dịu ,thật êm và thật mát khiến mọi người cảm thấy dễ chịu.
10/04/2013(Xem: 3829)
Vậy là đã một năm, thời gian trôi quá nhanh nhưng lại thật không nhẹ nhàng khi những buồn thương vẫn còn hằn in trên dấu đá. Giờ này chắc chị đã bắt đầu một cuộc đời nào khác tại một nơi chốn bình yên vĩnh cửu, và tiếng cười của chị, những thương yêu của chị vẫn mênh mang trong một cõi thiên thu nào đó.
10/04/2013(Xem: 4675)
Một đứa con trai bỏ cha nó ra đi ở tuổi thiếu thời và sau đó bị vương vào cảnh màn trời chiếu đất trong nhiều năm. Trong khi đó, cha của đứa nhỏ làm ăn buôn bán trao đổi với nước ngoài và tạo dựng nên của báu nhiều không đếm xuể.
10/04/2013(Xem: 5528)
Mùa Thu Adelaide, cơn mưa phùn lất phất, thỉnh thoảng thêm vào một vài cơn mưa rào. Tôi không hiểu mình đang mơ hay tỉnh khi vào sở làm.
10/04/2013(Xem: 3762)
Bà Mẹ ấy là vợ tôi, và cũng nhờ Bà đau mà tôi bắt đầu ăn chay trường được 10 năm rồi. Tôi còn nhớ ngày xưa, hồi tôi còn là học sinh trung học, mẹ tôi nấu cơm tháng cho các bạn tôi từ Quảng Trị, Quảng Nam, Ðà Nẳng đến Huế học . . .
10/04/2013(Xem: 3576)
Tôi không có nhiều kỷ niệm với cô Kim Ngọc trên bình diện hoạt động nghệ thuật sân khấu xã hội .Nhưng ở khía cạnh nghệ thuật sân khấu Phật giáo thì một vài kỷ niệm cũng nói lên được nhiều điều.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]