Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ôm lấy niềm đau sau trận hải chấn.

10/04/201313:15(Xem: 3448)
Ôm lấy niềm đau sau trận hải chấn.

Ôm lấy niềm đau sau trận hải chấn

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
giảng tại Làng Mai Xóm Thượng, Chùa Pháp Vân
ngày 30 thang 12 năm 2004

---o0o---

Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 30 tháng chạp năm 2004, chúng ta đang ở tại xóm Thượng.

Trong kinh Du Hành có chuyện một chú sa di đem tin tới cho đức Thế Tôn là thầy Xá Lợi Phất mới qua đời. Vị sa di đó tên là Cunda (Thuần Đà). Hồi đó Bụt đang ở miền Bắc sông Hằng tại thành phố Vaisali. Thầy Xá Lợi Phất tịch ở quê hương của ngài. Chú sa di Thuần Đà đợi cho lễ trà tỳ xong mới đem tro của thầy về cho Bụt. Tro được để trong một cái bát. Chú nói: 'Đây là tro của thầy con. Thầy con vừa mới tịch.' Trước khi chú sa di Thuần Đà được gặp đức Thế Tôn thì chú đã được gặp thầy A Nan . Khi chú chỉ vào cái bát và nói đây là tro của thầy Xá Lợi Phất thì thầy A Nan bủn rủn tay chân và đứng không vững. Sau đó thầy A Nan đưa chú sa di lên thăm đức Thế Tôn để báo cái tin dữ này. Đức Thế Tôn là một bậc giác ngộ hoàn toàn. Nhưng chúng ta biết đức Thế Tôn cũng là một con người, và nghĩ rằng khi nghe tin người đệ tử thương của mình tịch thì thế nào đức Thế Tôn cũng buồn. Đức Thế Tôn đâu phải là gỗ đá ? Có điều cái buồn đó không làm cho đức Thế Tôn bủn rủn tay chân như thầy A Nan . Làm sao mình không buồn được khi mình một người đệ tử thương vừa tịch ? Thầy A Nan bạch với đức Thế Tôn: 'Bạch đức Thế Tôn, khi nghe tin sư anh con tịch thì tay chân con bủn rủn, con đứng không vững.' Đức Thế Tôn an ủi thầy A Nan.

Có một hôm ở xóm Thượng, tôi nằm mơ thấy có hai vị giáo thọ gởi đi dạy tại các nước Scandinavia , không biết vì tai nạn nào mà chết ở bên đó. Nghe tin đó tôi khóc. Lúc này ở trong phòng có sư chú Pháp Hữu, một sư chú Pháp Hữu trẻ hơn Pháp Hữu bây giờ. Tôi ôm Pháp Hữu. Hai thầy trò ôm nhau khóc. Khi thức dậy tôi mừng quá, thì ra hai vị đệ tử ấy còn sống. Nhưng mừng thì mừng, cái ấn tượng, cái nỗi buồn ở trong giấc mơ cũng còn lãng vãng tới mấy ngày.

Mấy ngày nay chú nguyện cho các nạn nhân của trận động đất sóng thần ở Đông Á, tôi thấy rằng trong giấc mơ mình đã may mắn có Pháp Hữu để ôm mà khóc, có một người thân để mình chia sẻ niềm đau nỗi buồn của mình. Có những người mà gia đình chết hết, thì niềm đau nỗi khổ một mình mình chịu, không có ai để mà chia sẻ. Đó trường hợp của nhiều chuyện xảy ra trong trận hải chấn ở Đông Nam Á. Trận hải chấn ở Đông Nam Á xảy ra vào ngày 26 tháng chạp. Số người chết từ Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan, cho đến Miến Điện, con số đó lên đến gần một trăm ngàn người. Chỉ trong vòng mấy ngày thôi. Và có những gia đình chết hết. Có một em bé hai tuổi được sóng thần đưa lên một nơi cao, còn sống, và người ta tìm ra được, nhưng ba má và anh chị của bé đều chết hết. Động đất ở dưới biển gọi là hải chấn. Sóng thần đã tràn lên bờ, quét sạch tất cả những làng mạc ở các miền duyên hải. Ban đầu người ta nghĩ rằng có thể là chỉ khoảng trên mười ngàn người chết, nhưng mà mỗi giây mỗi phút đồng hồ người ta đều khám phá ra những cái thây chết. Hiện bây giờ đây con số đã lên trên tám mươi ngàn (khi chép bài này ra, con số đã lên tới 155 ngàn). Có những người Âu châu sống sót trở về, họ báo cáo lại rằng họ thấy cái thân phận con người trong hoàn cảnh đó còn tệ hơn thân phận của một con kiến, con muỗi, không có nghĩa lý gì cả đối với các đợt sóng thần kia. Sóng thần lên cao tới mười thước ! Nó phủ ấp vào, cuốn trôi đi tất cả và kéo ra biển. Bây giờ biển trả lại những xác chết rất nhiều. Bây giờ người ta chỉ có thể chôn tập thể xuống hố: 50 người, 100 người, 200 người. Không thể nào chôn riêng được ! Ngoài ra ta còn có những sợ hãi rất lớn : những xác chết không chôn kịp rữa ra sẽ gây ra bệnh truyền nhiễm: bệnh dịch, thương hàn... và có thể hàng triệu người sẽ chết vì tai nạn này và đang có hàng năm bảy triệu người không có nhà cửa, nước uống và cơm ăn. Tất cả các nước Âu châu, Mỹ châu đều đã gởi máy bay chuyên chở người và phẩm vật về cứu trợ. Đây là một cái tang lớn cho tất cả nhân loại. Hàng ngàn người Âu châu đã chết, và nhiều ngàn người chưa biết được tin tức. Có những cặp vợ chồng mới cưới đi tuần trăng mật ở miền ấy, không bao giờ gọi điện thoại về nữa. Trong những ngày vừa qua, ngày nào tôi cũng niêm hương, niệm Bụt, gởi năng lượng cho họ và thân nhân của họ. Thế giới đang chấn động vì cái tai nạn lớn lao này ở tại Đông Nam Á. Indonesia và Sri Lanka bị nặng nhất. Những đợt sóng thần đi qua tới bờ biển Phi châu, và hàng trăm người ở bờ biển Phi châu cũng đã thiệt mạng.

Tuy đang ngồi đây, chúng ta cũng đã chết một phần nào trong trái tim và trong cơ thể của chúng ta. Ở các miền Bắc Âu như Thụy Điển có rất nhiều người đi về miền đó nghỉ lễ, đi tìm tới những chỗ rất thanh tĩnh, rất trong lành, rất ấm áp, vậy mà chỉ trong mấy phút đồng hồ của cuộc hải chấn đã mất mạng. Các nhà khoa học nói rằng nếu những nước ở Đông Nam Á có hệ thống báo động thì đã có thể giúp được cho một số người tránh được thảm họa. Họ nói rằng có thể có tới bốn giờ đồng hồ để cho người dân trốn chạy. Nhưng dầu có hệ thống báo động đi nữa, thì làm sao báo được cho dân chúng: những người không nghe radio, không coi ti vi, những người đang làm việc ở ngoài biển, những nông dân, những em bé.

Trong số những người Tây phương chết trong trận hải chấn này, cố nhiên phần lớn là những người đi nghỉ lễ, trốn lạnh, nhưng cũng có những người đi làm công việc thiện nguyện. Họ không phải đi chơi, họ đi là để giúp đỡ, nhưng họ cũng chết trong trận hải chấn này. Cái đau thương nó thúc đẩy chúng ta quán chiếu và suy nghĩ tới thân phận của con người. Ở trong đạo Chúa, vấn đề này được đặt ra từ lâu: tại sao Thượng Đế sinh ra thế giới muôn loài mà lại để cho những thương đau như vậy xảy ra được ? Đó là một đề tài thần học có từ ngàn xưa. Đạo Bụt nói về thuyết Nhân Quả, mình gây ra nhân gì thì mình chịu quả đó. Nhưng có người hỏi: 'Tại sao những em bé mới có ba tuổi, năm tuổi, đã gây ra những tội tình gì mà phải mất cha mất mẹ, hoặc bản thân mình cũng chết ?' Làm sao cắt nghĩa được luật nhân quả nghiệp báo ?' Chúng ta, dầu trong truyền thống Cơ Đốc giáo hay truyền thống đạo Bụt, cũng có những câu hỏi được đặt ra. Tín đồ Cơ Đốc hỏi: 'Tại sao Thượng Đế nhân từ mà lại để cho những cái như vậy xảy ra ?' Phật tử hỏi: 'Tại sao những người đi làm thiện nguyện, những người đi với một trái tim rất lành, những em bé đang còn ngây thơ, đã gây ra nghiệp báo gì, tội tình gì mà phải chết như vậy ?'' Có những người nói rằng, tuy trong kiếp này họ chưa gây ra nghiệp xấu, nhưng trong kiếp trước có thể họ đã gây ra nghiệp xấu rồi. Chúng ta đi tìm những câu trả lời tương tự. Thi sĩ Pháp tên là Victor Hugo vào năm bốn mươi mấy tuổi mất đứa con gái. Cô con gái trên dưới hai mươi. Cô tên là Léopoldine. Thi sĩ rất đau khổ và ông hỏi trời hỏi đất tại sao như vậy. Đứa con gái chết cũng vì bị chết trôi. Một bông hoa mơn mởn đang nở như vậy mà bỗng nhiên bị sóng vùi, gió giập. Lúc đó thi sĩ đã trở về quê của mình, ở Villequier. Victor Hugo nói trong bài thơ A Villequier: Con người chỉ có thể thấy được một mặt của sự thật, còn mặt kia bị chìm đắm trong một màn đêm rất bí mật, rất hãi hùng (Nous ne voyons jamais qu'un seul côté des choses. L'autre plonge en la nuit d'un mystère effrayant). Con người đã chịu đựng những khổ đau, những tang tóc mà không biết được tại sao mình phải chịu đựng (L'homme subit le joug sans connaitre les causes). Tất cả những cái gì con người thấy, cảm nhận được, đều là ngắn ngủi, đều là vô ích, đều là vô thường (Tout ce qu'il voit est court, inutile et fuxyant). Victor Hugo kêu Thượng Đế : 'Thượng Đế ơi, con đến đây đặt trước chân ngài những mảnh nát của trái tim đầy vinh quang của ngài, trái tim mà ngài đã đập nát ra thành từng mảnh.' (Je viens à vous, Seigneur, Père auquel il faut croire. Je vous porte, apaisé, les morceaux de ce coeur tout plein de votre gloire que vous avez brisé). '' Con thấy rằng chỉ có ngài mới biết được cái gì ngài đang làm thôi, còn cái thân phận con người chẳng qua chỉ là thân phận của một cây sậy đong đưa trong gió, chẳng có nghĩa gì cả.'' (Je conviens que vous seul savez ce que vous faites. Et que l'homme n'est rien qu'un jonc qui tremble au vent). Con người bất lực, con người không có giá trị gì hết, thân phận con người là như vậy, và chỉ có Thượng Đế biết là ngài đang làm gì thôi, và chúng con không hiểu tại sao ngài làm như vậy. Và các nhà thần học đã tìm cách để giải thích. Trong những lối giải thích đó có kẻ nói rằng là nếu con người không đau khổ thì con người không thể nào lớn lên được, vì vậy cho nên những tang tóc và đau khổ đó là chính Thượng Đế muốn cho mình phải gánh chịu để cho mình học hỏi và lớn lên. Có những người chấp nhận được cái lý luận đó, nhưng có những người không chấp nhận được.

Ở Làng Mai, chúng ta đã học nhiều về luân hồi, về tái sinh. Chúng ta biết rằng trong đạo Bụt bình dân, giáo lý về luân hồi và tái sinh được dựa trên niềm tin về ngã: một người khi chết đi sinh ra một người khác hay vật khác. Niềm tin là có sự tiếp nối, là khi mình chết thì mình không mất hẳn, mình sẽ được tiếp nối dưới một hình thức khác, đó là luân hồi sinh tử. Nhưng chúng ta đã học rất nhiều lần rằng trong đạo Bụt thâm sâu, chúng ta phải hiểu luân hồi trong ánh sáng vô ngã. Nền tảng của đạo Bụt là cái thấy vô ngã. Nếu chúng ta hiểu luân hồi và nhân quả trên nền tảng hữu ngã thì chúng ta chưa tiếp xúc được với cái sâu sắc nhất ở trong đạo Bụt. Vì vậy cho nên vấn đề khổ nạn (the problem of evil) cũng phải được giải quyết trong ánh sáng của vô ngã. Khi chúng ta đặt ra câu hỏi : 'Tại sao ta phải gánh chịu tai họa, khổ đau trong lúc những người khác sống phây phây không hề hấn ? Tại sao những em bé đầu xanh chưa có tội tình gì mà đã gánh chịu những cái tang thương quá lớn lao như vậy ?' Phần lớn các câu trả lời ta được nghe đều đã căn cứ trên cái ý niệm hữu ngã. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta còn căn cứ trên quan niệm hữu ngã thì chúng ta chưa tìm được câu trả lời đích thực của đạo Bụt. Và vì vậy các vấn đề nhân quả, nghiệp báo và luân hồi phải được giải quyết trên nền tảng vô ngã. Trong Duy Biểu học, chúng ta đã học về nghiệp. Chúng ta thấy có biệt nghiệp và cộng nghiệp. Những người ở Đông Nam Á, sinh ra ở đó, lớn lên ở đó, làm ăn lập nghiệp ở đó, thì họ chết vì trận hải chấn này đã đành rồi, nhưng tại sao hàng chục ngàn người ở Tây phương, mắc mớ gì mà đi về đó để cùng chết ? Hiện bây giờ có hàng ngàn người ở các nước Tây Phương vẫn chưa biết sống chết thế nào, mà mỗi giờ trôi qua như vậy thì cái hy vọng càng bớt đi. Khi một chiếc máy bay nổ, rơi xuống, có thể là phần lớn những hành khách đi trên chiếc máy bay chết hết, có chừng một hay hai người sống sót, chúng ta hỏi: Tại sao vậy ? Tại sao không chết hết mà còn một hai người sống ? Khi quán sát như vậy, chúng ta thấy nghiệp có hai mặt: biệt nghiệp (nghiệp riêng) và cộng nghiệp (nghiệp chung). Khi ta tìm ra được nguyên tắc biệt nghiệp cộng nghiệp thì chúng ta đã có thể bắt đầu giải quyết được một phần rất quan trọng của các vấn đề rồi. Nếu chúng ta đi về hướng của tuệ giác vô ngã thì chúng ta sẽ từ từ tìm ra những câu trả lời xác đáng. Trong cuộc chiến Việt Nam, đất nước cũng như con người Việt Nam bị tàn hại rất nhiều: trên hai triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến tranh. Tại sao hai triệu người đó chết, còn những triệu người khác không chết ? Nhìn cho kỹ, chúng ta thấy rằng những người không chết cũng đã chết, và chết ở những mặt khác. Chúng ta thấy rất rõ rằng khi có một người thương chết, thì chính người đó ít đau khổ hơn những người còn sống. Sự thật là như vậy. Vì vậy cái đau thương là cái đau thương chung, chứ không phải là cái đau thương riêng. Victor Hugo, trong suốt cuộc đời làm thi sĩ của mình, cũng đã tìm hiểu, quán chiếu, và vì vậy rất nhiều bài thơ của Victor Hugo đã có tính cách quán chiếu. Những bài thơ có tính cách quán chiếu của Victor Hugo được gom lại và in thành một tập gọi là Les Contemplations. Contemplation là quán chiếu. Victor Hugo cũng đã tìm ra được rằng số phận con người là số phận chung, và ông cũng đã thoáng thấy được cái tính vô ngã của vạn sự vạn vật. Khi tai nạn xảy ra cho một người trong gia đình, nó xảy ra cho tất cả mọi người trong gia đình. Khi một tai nạn xảy ra cho một phần của đất nước, nó xảy ra cho cả đất nước. Khi tai nạn đó xảy ra cho một phần của trái đất, nó xảy ra cho cả trái đất, và chúng ta đều gánh chung tai nạn đó. Khi chúng ta thấy được rằng niềm đau của họ chính là niềm đau của mình, họ chết tức là mình chết, thì chúng ta đã bắt đầu thấy được cái tính vô ngã. Khi tôi thắp hương và cầu nguyện cho những người chết ở trận hải chấn, tôi thấy rất rõ là tôi không chỉ cầu nguyện cho những người chết và cho thân nhân của họ mà cũng cầu nguyện cho chính tôi, tại vì chính tôi cũng là nạn nhân của cuộc hải chấn đó. Chính chúng ta đã chết chứ không phải chỉ có trên tám mươi ngàn người chết. Hễ mình thương là mình thấy được rằng người kia cũng là mình, và nếu người kia chết thì mình cũng chết. Tuy rằng mình đang ngồi đây, coi như mình còn sống nhưng kỳ thực mình cũng đã chết. Cái đang xảy ra cho một phần của cơ thể đã xảy ra cho cả cơ thể. Nhân loại, trái đất là một cơ thể. Tôi có cảm tưởng rằng trái đất của mình đang đau khổ, và trận hải chấn này như một tiếng gọi quặn đau của trái đất, như một tiếng kêu than, kêu cứu, một lời cảnh cáo. Lâu nay chúng ta sống với nhau không có từ bi, chúng ta tiêu diệt nhau, chúng ta làm khốn khổ luôn cả đất mẹ. Vì vậy cho nên trái đất đã quặn mình, đã rên siết, đã khổ đau. Trái đất là mẹ của tất cả mọi loài. Chúng ta làm khổ nhau và chúng ta làm khổ mẹ. Những trận hải chấn như vậy là những tiếng chuông chánh niệm. Sự đau khổ của một phần nhân loại là sự đau khổ của cả nhân loại. Chúng ta phải thấy như vậy, chúng ta phải tỉnh dậy !

Ngày xưa, mỗi khi có thiên tai, như lụt lội, hay động đất, hay bệnh dịch, các vị vua chúa ở các nước Á châu cảm thấy đó là cái lỗi chung, và họ tin rằng là những người trị nước, họ đã không sống xứng đáng để cho tai họa thiên nhiên đổ ập xuống đất nước và dân chúng. Thường thường các vị vua chúa ở Á châu, mỗi khi có tai nạn thiên nhiên như vậy thì phát nguyện ăn chay, nằm đất, cầu nguyện, và các quan trong triều cũng ăn chay, nằm đất, cầu nguyện theo như vậy trong nhiều tuần lễ. Rất hay ! Truyền thống ấy hiện bây giờ không còn nữa. Một ông vua phát nguyện ăn chay, phát nguyện không nằm trên giường ngự nữa, đem chiếu trải xuống nằm dưới đất. Nó có nghĩa là ông vua đó đã thấy được rõ trách nhiệm của mình, mình đã sống như thế nào, mình đã cai trị như thế nào mà để cho những tai ương như vậy xảy ra trong nước. Hành động ăn chay, nằm đất của vua, của các quan trong triều đình là hành động của sự sám hối. Rất đẹp ! Các nhà làm chính trị thời nay không thấy được như vậy. Chúng ta không phải là những nhà chính trị, chúng ta không phải là những ông vua, nhưng chúng ta thấy những đau thương khổ nạn xảy ra cho trái đất, cho nhân loại như vậy, thì chúng ta cũng phải ăn chay, chúng ta cũng phải nằm đất, chúng ta cũng phải tu tĩnh trở lại, tại vì cái nghiệp là cái nghiệp chung. Tất cả chúng ta, dầu ít dầu nhiều, cũng đã đóng góp vào cái nghiệp chung, và những tai họa xảy ra cho bất cứ một bộ phận nào của trái đất, của nhân loại, thì dầu ít dầu nhiều chúng ta cũng phải chịu chung một phần trách nhiệm. Và khi người ấy chết thì ta cũng chết, người đó đau ta cũng đau, người đó tuyệt vọng ta cũng tuyệt vọng. Thấy như vậy là cái thấy vô ngã. Trong cái thấy của Victor Hugo, người ta tìm ra được cái ý hướng, cái nhận thức của sự vượt thoát cái ngã. Khi người ta thấy được cái tính vô ngã của những hiện tượng thương đau như vậy, thì người ta bắt đầu chấp nhận được và chịu đựng được những đau khổ đó, và người ta không còn phản kháng nữa, phản kháng Thượng Đế, phản kháng lại thân phận con người. Trong Đạo Đức kinh có câu:

Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật như sô cẩu

Thánh nhân bất nhân dĩ vạn vật như sô cẩu

Có nghĩa là trời đất bất công coi muôn loài như là con chó rơm, các bậc thánh nhân là bất nhân tại vì các bậc thánh nhân cũng coi muôn loài như là con chó rơm. Con chó rơm, tức là thân phận tồi tàn, không có nghĩa gì cả. Sanh ra muôn loài lại để muôn loài đau khổ và chết chóc như vậy thì trời đất quả thật là bất nhân. Thánh nhân ở đây tức là các vị vua. Những hiệu lệnh của vua gọi là thánh chỉ, những ý kiến của vua gọi là thánh ý. Thánh nhân ở đây là các nhà làm chính trị. Các nhà làm chính trị quyết định về số mạng của con người, họ quyết định phải đi chinh phục, phải tạo chiến tranh, và vì vậy họ cũng bất nhân như trời và đất. Đó là những câu phản kháng về số phận con người.

Lát nữa đây, chúng ta sẽ niệm danh hiệu của đức Bổn Sư, danh hiệu của đức bồ tát Văn Thù Sư Lợi, danh hiệu của đức bồ tát Phổ Hiền và danh hiệu của đức bồ tát Quan Thế Âm. Chúng ta như một tăng thân hãy chế tác ra năng lượng của từ bi, của chánh niệm, chúng ta ôm lấy hết cả trái đất, chúng ta cầu nguyện cho tất cả những nạn nhân, chúng ta cầu nguyện cho gia đình của họ hiện bây giờ đang khóc, người thì có người ôm lấy để khóc, người thì không có ai để ôm mà khóc, và chúng ta cầu nguyện cho chính chúng ta, tại vì chúng ta cũng là nạn nhân của trận hải chấn kinh khiếp vừa mới xảy ra. Xin đại chúng quán chiếu. Đây là cơ hội để cho chúng ta lớn lên, để chúng ta hiểu thêm. Dù quý vị đến từ truyền thống Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, hay Phật giáo, quý vị cũng phải quán chiếu. Cái chìa khóa của sự quán chiếu là vô ngã. Victor Hugo là người Cơ Đốc giáo, ông đã tìm ra được sự vượt thoát cái ngã. Chúng ta phải quán chiếu rằng người chết đó cũng chính là ta, người mồ côi đó cũng chính là ta, em bé đó cũng chính là ta. Chỉ như vậy chúng ta mới chấp nhận được, chịu đựng được những nỗi đau thương quá lớn như nỗi đau thương hôm nay.

Xin đại chúng ngồi thẳng lên, chắp tay lại, để chúng ta cùng hộ niệm..(chuông).



---o0o---

Source: http://www.langmai.org

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 3604)
Nếu ai đã từng tìm đến Tu viện Trúc lâm,thì hẳn sẽ được biết đến "Tu viện Tây Thiên". Đây là một trong những cơ sở tu học do HT Viện chủ khai sáng ngót đó đã gần 10 năm.
10/04/2013(Xem: 3493)
Qua xứ người đã hơn mười năm,lần đầu tiên tôi quyết định đi xa 1 chuyến để thỏa chí nguyện tu hành,và tôi đã đặt chân đến xứ sở Canada.Một Vương quốc yên bình nhưng cũng thật kiêu sa bởi sắc màu của lá vào mỗi độ thu về.
10/04/2013(Xem: 4514)
Cụ bà Quách Thị Huế, sanh ngày 15-1-1921 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Việt Nam. Bà là chị thứ tư trong gia đình cùng với 3 người em trai, hai người em đã quá vãng, hiện còn một người em trai là Quách Văn Bội, đang cư ngụ tại Melbourne, Australia.
10/04/2013(Xem: 7869)
Quý vị và các bạn đang cầm trên tay quyển “Vài chuyện bạn và tôi học Phật” của Đại Đức Thích Phổ Huân, tri sự chùa Pháp Bảo tại Sydney Úc Đại Lợi. Hẳn quý vị cũng đã nhận thấy công phu của tác giả đã phải trải qua nhiều thời . . .
10/04/2013(Xem: 7413)
Thế giới mênh mông trong vũ trụ, bằng cái nhìn của chư đại Bồ Tát chỉ là ảnh chớp chập chờn nửa hiện nửa ẩn trong dòng thức sinh diệt của chúng sanh. Thế giới loài vật vô minh ngây dại chẳng hiểu biết nên sống mà như chết.
10/04/2013(Xem: 3893)
Xã hội ngày nay nam nữ bình đẳng, người nữ tuyệt đối không còn lệ thuộc vào người nam, người nam cũng không làm nô lệ vào người nữ. Tổ chức trong gia đình là cả hai cùng phân chia công việc để làm.
09/04/2013(Xem: 6151)
Đoàn đi lúc 6:50g tối và trở về chùa Phước Hậu là gần 10g đêm. Cảm ơn Minh Bình đã phát tâm đưa rước thay cho Thức. Vì Minh Bình nói nếu Minh Bình đi thì chì có 2 vòng trong khi nếu để Thức (cha của Viên Bảo Mỹ) đến rước thì sẽ mất bốn vòng đến . . .
09/04/2013(Xem: 4626)
Mỗi một trong vô lượng cuộc đời của chúng ta từ vô thuỷ, chúng ta phải có những bậc cha mẹ. Vào lúc này hay lúc khác, mỗi một chúng sinh duy nhất hẳn đã từng là mẹ hay cha của ta.
08/04/2013(Xem: 2993)
Trong quyển Nhập Bồ Tát hạnh có nói: “Muốn diệt trừ vô lượng khổ đau trong ba cỏi, và trừ những nỗi bất an cho hữu tình, muốn hưởng được trăm thứ khoái lạc, thì đừng bao giờ xả bỏ Tâm Bồ Đề. Những hữu tình đang bị trói buộc trong ngục sinh tử mà phát Tâm Bồ Đề chốc lác cũng được gọi là con của Phật, đáng được trời người kính lễ.
08/04/2013(Xem: 12217)
Hằng năm, vào tháng 4 là con lại hân hoan náo nức chờ ngày kỹ niệm Phật giáng thế. Con mong chóng đến ngày Phật đản để tưởng niệm Đức Thế Tôn–vị Thầy của tất cả chúng sinh biết mến mùi Đạo pháp–vị cha lành của tất cả chúng sanh còn đắm chìm trong sinh tử.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]