Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10: Đạo Phật Làm Cho Đời Tôi Tươi Sáng, An Vui Và Hạnh Phúc Vô Cùng

11/02/201105:50(Xem: 2418)
Chương 10: Đạo Phật Làm Cho Đời Tôi Tươi Sáng, An Vui Và Hạnh Phúc Vô Cùng

HẠNH PHÚC KỲ DIỆU
Thích Phụng Sơn

Chương 10

ĐẠO PHẬT LÀM CHO ĐỜI TÔI TƯƠI SÁNG

AN VUI VÀ HẠNH PHÚC VÔ CÙNG

Đức Phật ra đời để nói rõ tánh tự nhiên chân thật của chúng ta tự nó rộng lớn bao la, thuần một tình thương yêu trong sáng, sự thông minh tươi mát, sự hiểu biết chân thật và nguồn hạnh phúc vô biên. Tánh ấy được gọi là Chân Tâm, tâm chân thật hay Phật tánh. Đức Phật mở bày, giảng dạy cho ta rõ ràng về cái tâm chân thật đó vốn mãi mãi có mặt, vốn rộng lớn bao la, vốn an vui vô cùng và vốn trong sạch không chút nhiễm ô hay tội lỗi. Mỗi người khi sinh ra dù giàu hay nghèo, nam hay nữ, đen hay trắng đều có Phật tánh như nhau. Ngay cả với đức Phật dù ngài đã thành Phật, tức là sống an vui chân thật vĩnh viễn thì Phật tánh của Ngài cũng không khác gì Phật tánh của mỗi chúng ta. Thật như thế, Phật tánh vốn có mặt và bình đẳng nơi mọi người.

Ngoài ra, đức Phật còn chỉ cho chúng ta cách thực hành, tức là phương pháp cụ thể để sống với nguồn hạnh phúc bao la sẵn có nơi mỗi chúng ta trong đời sống hàng ngày, tức là sống với Phật tánh đó trong các sinh hoạt khác nhau ở sở hay ở nhà. Chúng ta có thể chọn sống lối sống vui trong các ngôi chùa hay trong mái ấm gia đình. Dù sống cuộc đời người tu sĩ hay cuộc đời người cư sĩ, tức Phật tử có gia đình, chúng ta đều có khả năng thực hành và sống đời an vui hạnh phúc như nhau.

Phương pháp thực hành sống đời an vui gồm nhiều cách mà chúng ta gọi là pháp môn như Thiền, Tịnh Độ, Nguyên Thủy hay Mật Tông. Nhưng dù theo tông phái nào chúng ta cũng có thể thực hành sống đời an vui hạnh phúc và đạt được sự hiểu biết chân thật như nhau. Các vị ở trong chùa chiền đem tình thương trong sáng mà hướng dẫn Phật tử về đạo Phật, giúp họ có sự hiểu biết chân thật để sống đời an lành hạnh phúc. Các vị Phật tử nương tựa vào đức Phật, vào chân lý Ngài đã giảng dạy, vào quý thầy cô để hiểu rõ giá trị của đời sống chính mình và cách thực hành để sống đời an vui, đẹp đẽ nhất mà mình, gia đình mình, cộng đồng mình, xã hội mình có thể đạt được.

Làm Sao Sống Với Niềm An Vui Hạnh Phúc Bao La Ấy

Nếu cuộc sống cứ bình thản trôi qua thì chúng ta ít để ý đến đời sống nội tâm của mình. Trên thực tế, chúng ta thấy đời mình vui buồn lẫn lộn. Và nhiều lúc buồn phiền khổ não quá, chúng ta ước mong tìm một lối thoát nhưng tìm hoài chẳng được. Chúng ta đến với đạo Phật để tìm hiểu về suối nguồn tâm linh sẵn có nơi mình.

Đức Phật chỉ cho chúng ta các sự hiểu biết chân thật để chúng ta hiểu rõ mọi sự vật và thực hành những điều tích cực, tốt đẹp để cho ta có thể sống với cuộc đời an lành hạnh phúc cao vút nhất mà mỗi người có thể đạt được.

Những điều chân thật và giản dị Ngài đã dạy đó gọi là Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Thánh Đế hay Tứ Diệu Đế, the Four Noble Truths).

1. Sự Thật Cao Quý Về Khổ (Khổ Đế):

Thông thường chúng ta sống yên ổn thì ít biết về những cái khổ. Nhưng bất chợt một chuyện gì không may xảy ra thì ta cuống cuồng trong sự khổ đau không biết cách nào giải quyết vì không biết cái khổ đến từ đâu và làm sao diệt trừ chúng. Là một vị Thầy chân thật, đức Phật chỉ rõ cho chúng ta các sự khổ gồm hai loại: Khổ về thể chất và khổ về tinh thần.

Khổ về thể chất chúng ta rất dễ nhận biết qua các hiện tượng như sinh sản, quá già cả yếu đuối, bệnh hoạn và chết chóc. Tóm lại, tất cả những gì làm cho thân thể chúng ta đau đớn.

Khổ về tinh thần như buồn rầu, tức tối, giận dữ, lo lắng, sợ hãi xuất hiện khi người hoặc vật ta ưa thích, thương yêu bị chia lìa, xa cách, hay những gì chúng ta không muốn hay ghét bỏ lại phải gần gũi, gặp phải. Nói khác đi: Ưa mà không được, ghét mà phải gần.

2. Sự Thật Cao Quý Thứ Hai Về Nguyên Nhân Của Khổ (Tập Đế):

Khổ về thể chất là do các sự thay đổi thể chất tạo ra như đứa bé khi sinh ra bị đau đớn vì em bé đang nằm yên ổn và ấm áp trong bụng mẹ bị áp lực mạnh mẽ tống ra ngoài, lại phải tiếp xúc với ánh sáng làm chói mắt, đụng các vật làm đau da và thịt, hoặc khi chúng ta bị bệnh tật, tai nạn làm chúng ta đau đớn, v.v…

Sự khổ đau về tinh thần còn ghê gớm hơn nữa vì nó khó nhận biết, dai dẳng, thâm sâu và có mặt khắp mọi nơi, chỗ nào có loài người là có sự đau khổ này. Nước giàu mạnh nhất hiện nay là Hoa Kỳ hàng năm có đến sáu chục triệu người bị chứng đau đầu (Xin đọc tài liệu đính kèm), bốn chục triệu người bị các chứng sợ hãi, 30% dân số bị xem là có bịnh tâm trí, nạn nghiện cần sa, ma túy, rượu lan tràn vì áp lực của đời sống, v.v… Đức Phật thấy rõ chung quy do sự dính mắc (Attachment) vào những điều mình thích hay mình ghét nên đưa đến những căng thẳng bên trong tạo ra oán ghét, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, bất an, thù hận, chua xót, buồn tủi mà chúng ta gọi chung là khổ đau về tinh thần.

3. Sự Thật Cao Quý Thứ Ba Về Diệt Khổ (Diệt Đế):

Đạo Phật hướng đến một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Nhiều kinh điển diễn ta chốn cực lạc, chốn Tịnh Độ trong đó các hài nhi được sinh ra từ các đóa hoa sen tinh khiết, như thế người đàn bà không bị khổ đau vì thai nghén hay sinh nở, không ai bị bệnh tật, già cả và chết chóc. Tóm lại, mọi sự khổ đau về thể chất và tinh thần không có nơi đó. Đó là thế giới lý tưởng mà người Phật tử hướng về khi còn sống hoặc khi qua đời.

Về các khổ đau thể chất, đức Phật khuyến khích người Phật tử đem tình thương yêu trong sáng mà giúp đỡ những ai đang bị khó khăn. Làm cách nào ngăn chặn những bệnh tật, đói kém, nghèo nàn, khổ đau qua các chương trình y khoa, giáo dục hay xã hội. Nói khác đi, chúng ta cải tiến và nâng cao đời sống con người để giảm thiểu mọi khổ đau thể chất: làm cho sự sinh nở bớt đau đớn cho người mẹ lẫn người con, chữa trị các bệnh tật, chăm sóc người đau ốm, tật nguyền, già nua tuổi tác, làm cho các sự chém giết, tàn hại đừng xảy ra gây thương tích và chết chóc. Tóm lại, làm giảm thiểu tối đa mọi khổ đau về thể chất. Do đó, người Phật tử xưng tụng ngài là bậc Y Vương, vị vua thầy thuốc và là vị cha lành, Đấng Từ Phụ vì ngài nói điều chân thật, dạy chúng ta điều chân thật để chúng ta có được đời sống an lành hạnh phúc. Các nhà khoa học hy vọng trong thế kỷ tới, với sự tiến bộ nhanh chóng của y khoa hóa học, vật lý nguyên tử, v.v… người ta có thể thay đổi các di thể (Gene) trong thân thể người cha và mẹ để con cái sinh ra mạnh khỏe và không bệnh tật, tuổi thọ gia tăng, những người già yếu được chích các loại thuốc để được trẻ trung trở lại.

Về sự đau khổ tinh thần, đức Phật chỉ dạy phương pháp mầu nhiệm giúp cho mỗi người chúng ta quay về với tánh an vui rộng lớn trong sáng sẵn có nơi chính mình. Các phương pháp thực hành như ngồi thiền, thiền hành, tụng kinh, lạy Phật, trì chú để buông xả mọi sự dính mắc, mọi sự ám ảnh để cho lòng ta tràn đầy niềm hạnh phúc trong sáng bao la. Người Phật tử thực hành Pháp môn tu tập nào như Thiền, Tịnh, Mật một cách đúng đắn đều được cả vì tu đúng đưa đến giải thoát, tu sai tạo thêm khổ đau. (Do đó, quý thầy luôn luôn nhắc nhở quý vị Phật tử đừng ham tu tắt, nghe bất cứ ai hứa hẹn theo họ là lên thiên đàng hay thành Phật, thành tiên ngay tức thì thì vội theo mà không phân biệt những điều ấy vốn giả dối và vô ích, chỉ là sự trốn chạy khổ đau chứ không đối diện và giải quyết tận cội nguồn của chúng theo lời Phật dạy cùng phương pháp ngài chỉ bày).

Như thế, tu là quay về với Phật tánh tràn đầy niềm an vui rộng lớn, rồi từ kinh nghiệm tâm linh rõ rệt và chân thật đó chúng ta áp dụng vào các sinh hoạt hàng ngày như làm việc, học hành, lái xe, đi chợ, nấu ăn, chùi nhà, tập thể thao, v.v… Người Phật tử tu ngay trong cuộc sống hàng ngày, không phải chờ già, đến tuổi về hưu rồi mới lên chùa tu vì tu như thế không ích lợi gì cho khoảng thời gian trẻ trung đầy sức mạnh tinh thần và thể chất của họ cả và làm phí phạm cuộc đời thanh xuân trong những khổ đau tiếp nối. Chính từ kinh nghiệm an vui tươi sáng có được khi thực hành đạo Phật mà người Phật tử thấy rõ sự chân thật của cuộc sống tích cực nên biết ơn đức Phật và gọi ngài là bậc Vô Thượng Sư, bậc Thầy không ai hơn được nữa hay là bậc Dược Vương, bậc ban cho món thuốc linh diệu làm tan biến mọi khổ đau tinh thần.

Khi tâm ta thực hành sự buông xả thoải mái, không dính mắc vào các ý tưởng xung đột mâu thuẫn làm dấy khởi những lo âu, sợ hãi, giận hờn, khổ đau thì tâm ta quay về với trạng thái trong sáng rộng lớn ấy bừng dậy tình thương yêu trong sáng bao la, sự thông minh tươi mát linh động và niềm an vui sung sướng hạnh phúc nồng ấm sâu thẳm. Sống hạnh phúc như thế là sống với chân tâm, với Phật tánh, với tâm giác ngộ.

4. Sự Thật Cao Quý Về Sống Đời An Vui Hạnh Phúc (Đạo Đế):

Sống với tâm chân thật, với Phật tánh như thế từ ngày này qua ngày khác là Sống Đời An Vui Hạnh Phúc Chân Thật. Đức Phật là bậc giác ngộ nên ngài sống miên viễn trong niềm an vui hạnh phúc bao la đó còn chúng ta khi thực hành đời sống giác ngộ chúng ta sống vài giây, vài phút hay vài giờ mỗi ngày trong niềm hạnh phúc tràn đầy, niềm hạnh phúc tự nó tỏa chiếu, tự nó có mặt mà không nương tựa vào bất cứ điều gì cả. Tâm ta lúc đó như bầu trời xanh cao rộng lớn bao la tươi mát, êm dịu, thoải mái, vui vẻ và sung sướng không cùng. Trong tâm đó chỉ tràn đầy tình thương yêu trong sáng và sự hiểu biết chân thật nên chúng ta thấy biết rõ ràng, suy nghĩ đúng đắn, nói năng hòa nhã lịch sự, làm những điều tốt cho mình và cho người, trí óc sáng suốt và hiểu biết đúng sai, v.v…

Sống Đạo là sống an vui hòa thuận thoải mái vui vẻ như thế từ ngày nầy qua ngày khác. Từ kinh nghiệm tâm linh đó chúng ta biết rõ ý nghĩa sự có mặt của mình trong cuộc đời này: Chúng ta sinh để sống hạnh phúc, lớn lên trong hạnh phúc, già đi trong hạnh phúc và khi qua đời, ta quay về vũ trụ rộng lớn bao la của chốn Cực Lạc, thế giới an vui rực rỡ kỳ diệu của chư Phật.

Đạo Phật Không Diệt Dục Mà Chỉ Diệt Khổ

Dục là muốn. Muốn có thức ăn ngon và bổ dưỡng hay muốn uống thật nhiều rượu và ăn thật nhiều thịt, muốn có sự giao tiếp tốt đẹp với bạn bè hay muốn gây gổ đánh lộn, muốn chăm sóc con cái để chúng nên người tốt hay muốn dùng thì giờ tìm thú vui cho mình không quan tâm đến gia đình đều là những cái muốn, chỉ khác nhau một bên là tốt và một bên là xấu. Đạo Phật khuyến khích chúng ta thực hành các điều muốn tốt và đừng làm những điều muốn xấu chứ không bao giờ dạy phải diệt tất cả mọi cái muốn. Nếu chúng ta thực hành các điều muốn tốt (thiện dục) thì chúng ta được nhiều an vui.

Như thế đạo Phật không chủ trương diệt dục (diệt mọi thứ chúng ta muốn) mà chỉ diệt những cái muốn xấu đưa đến khổ đau và thực hành những cái muốn tốt đem lại nhiều hạnh phúc. Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, có năm nhu cầu thông thường mà mỗi người chúng ta cần có để sống đời an vui lành mạnh: có được sự đầy đủ về thể chất, an ninh, tình thân thiết, tự kính trọng và thể hiện được khả năng của mình. Năm nhu cầu ấy rất lành mạnh, chúng cần phải được thỏa mãn để chúng ta có được đời sống khỏe mạnh, an vui và phát triển về tinh thần lẫn thể chất. Những nhu cầu tự nhiên kia tạo ra những cái muốn. Nơi đây đạo Phật giúp chúng ta nhận rõ những cái muốn nào để thỏa mãn các nhu cầu nói trên là tốt (thiện dục) và những thứ nào là xấu (ác dục) để chúng ta không bị những cái muốn xấu tàn hại đời mình và đời kẻ khác.

1. Nhu cầu thể chất:

Mỗi người chúng ta đều cần có cơm ăn, áo mặc, nhà cửa, phương tiện di chuyển, thuốc men khi đau ốm, bệnh tật. Muốn có các thứ ấy cho bản thân và cho gia đình là điều muốn tốt (thiện dục). Nếu chúng ta có thực phẩm để ăn, nhà tốt để gia đình ở, xe cộ tốt để đi làm việc, trường học tốt để con cái học hành, bạn tốt để giao du, việc làm tốt để nuôi sống bản thân và gia đình thì đó là sự tốt đẹp trong đời sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta bị dính mắc quá nhiều bởi ý muốn phải ăn cho thật nhiều, uống cho thật nhiều, có thật nhiều áo quần, xe cộ, nhà cửa thì chúng sẽ làm cho thân thể và tinh thần chúng ta luôn luôn bị căng thẳng và dễ đưa đến bệnh tật. Đó là điều muốn xấu (ác dục).

2. Nhu cầu an ninh:

Mỗi người chúng ta đều muốn đời sống mình được yên ổn, không bị ai đe dọa, bắt bớ, đánh đập hay hành hạ về tinh thần. Điều muốn này là thiện dục, là điều muốn tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ muốn mình được an ổn mà lại tạo ra sự bất an, đau khổ cho kẻ khác là điều muốn xấu, là ác dục.

3. Nhu cầu tình thân thiết:

Mỗi chúng ta đều có tình thương mến cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè, xóm làng, quê hương xứ sở. Tình thương yêu đó làm cho đời sống chúng ta được nhiều an vui hạnh phúc trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá bị ám ảnh hay mê đắm một loại tình yêu nào đưa đến sự rối loạn cho đời sống của mình và đời sống của người thì đó là ác dục mà chúng ta thường gọi là ích kỷ: chỉ thương gia đình mình, muốn cho gia đình mình sung sướng dù phải làm hại đến gia đình người khác, chỉ muốn dân tộc mình, xứ sở mình giàu mạnh dù phải xâm chiếm hay tàn hại xứ sở người khác. Đó là ác dục.

4. Nhu cầu tự trọng:

Có sự tự tin và bằng lòng về chính mình, biết rõ mình có khả năng và làm những điều tốt đẹp cho mình, cho gia đình và xã hội. Như thế, người tự trọng là người rất thoải mái về chính mình, và khi đã có được điều ấy thì họ có đời sống quân bình, không đòi hỏi người khác phải đề cao hay sùng kính mình. Muốn mình có được sự tự trọng là thiện dục. Ngược lại, nếu mình thiếu sự tự trọng, bắt buộc kẻ khác phải tôn kính mình nếu không mình trừng phạt họ hoặc dùng những cách lừa dối để cho họ tưởng thật và ca ngợi mình thì đó là ác dục.

5. Nhu cầu tự thể hiện, thực hiện các khả năng của mình:

Mỗi người chúng ta đều có năng khiếu khác nhau như sửa chữa máy móc, làm toán, làm thơ, ca hát, viết lách hay đánh đàn. Khi chúng ta phát triển các khả năng ấy và thực hiện chúng một cách tốt đẹp thì chúng ta sẽ rất vui sướng. Do đó, muốn thực hiện khả năng mình là một điều rất tốt. Trường hợp chúng ta chỉ muốn thực hiện những khả năng của mình mà chèn ép không cho người khác phát triển khả năng của họ thì đó là ác dục.

Về sau, nhà tâm lý học này nhận thấy ngoài năm nhu cầu chính nói trên, con người còn có nhu cầu sống với niềm hạnh phúc bao la của tâm giải thoát. Đối với một số người, nhu cầu ấy có thể làm cho họ không còn quan tâm đến những nhu cầu căn bản. Do đó, chúng ta thấy nhiều vị tu sĩ, tuy sống cuộc đời đạm bạc nhưng họ rất an vui hạnh phúc gấp bội lần những người giàu sang hay có nhiều tài năng. Các vị tu sĩ giác ngộ đó, tức là những vị sống với lòng an vui trong sáng hạnh phúc tràn đầy đó, đem sự hiểu biết chân thật của mình mà hướng dẫn cho người Phật tử để họ đạt được sự an vui giải thoát trong cuộc sống hàng ngày trong gia đình và ngoài xã hội.

Như thế, mọi người đều có các nhu cầu cần phải được đáp ứng để sống lành mạnh. Chính các nhu cầu ấy tạo ra những cái muốn nơi chúng ta và nếu chúng ta thực hiện những cái muốn tốt (thiện dục) thì ta được khỏe mạnh an vui. Ngược lại, nếu chúng ta bị những cái muốn xấu lôi kéo (ác dục) thì chúng ta tạo ra khổ đau, bệnh tật cho mình và cho người. Để giúp cho người Phật tử nhận rõ những điều muốn nào là có hại (Ác dục) đức Phật khuyến khích chúng ta nhận và thực hành năm giới căn bản như không giết người, không ăn nằm với vợ hay chồng người khác, không nói láo, không trộm cắp, không uống rượu hay dùng các chất độc hại như cần sa, ma túy. Các ác dục trên là ham muốn sai lầm nên gọi là tham. Khi đã có sự ham muốn sai lầm mà không thỏa mãn chúng được thì đâm ra tức giận, đó là sân. Sở dĩ có tham và sân là do mình mê mờ không biết được điều chân thật, đó là si. Tham, sân và si là ba thứ độc hại, tam độc tàn phá đời sống của rất nhiều người quanh ta.

Quả thật như thế, những điều ác dục không nên làm, vì nếu làm sẽ gây ra những tổn hại cho mình hay cho người. Để đời sống được an vui phát triển, đức Phật dạy những người Phật tử tại gia phải cố gắng thực hành bốn điều tốt lành (thiện dục) để tạo căn bản cho đời sống lành mạnh hạnh phúc của mỗi chúng ta.

Bốn Điều Muốn Tốt (Thiện Dục) Cần Thực Hành

Trong kinh Thiện Sanh, đức Phật dạy người Phật tử tại gia phải có bốn điều muốn tốt lành (thiện dục) như sau:

1. Muốn học tập một nghề nghiệp vững chắc (phương tiện cụ túc): Tùy theo khả năng và hoàn cảnh mỗi người chúng ta chọn một nghề mà học và thực hành cho hoàn hảo (Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh). Khi làm việc phải hướng đến kết quả tốt đẹp.

2. Muốn bảo tồn của cải làm ra (thủ hộ cụ túc): Chúng ta biết giữ gìn của cải làm ra, không hoang phí trong bài bạc, trai gái, rượu chè, hút sách hay ăn tiêu xa xỉ. Đức Phật dạy nên chia tiền bạc làm ba phần:

· Một phần để tiêu dùng cho các nhu cầu hàng ngày như áo quần, ăn uống, xe cộ, nhà cửa.

· Một phần để đầu tư vào việc kinh doanh sinh lời.

· Một phần để giúp đỡ bà con hay làm việc từ thiện như giúp kẻ nghèo khó, xây dựng chùa chiền, phổ biến Phật pháp, đóng góp vào các việc ích lợi chung.

Như thế, muốn có tiền bạc, muốn kinh doanh cho thêm nhiều tiền của, muốn thực hiện các chương trình có lợi ích cho nhiều người là các điều muốn tốt mà đức Phật khuyến khích người Phật tử tại gia nên làm.

3. Muốn có bạn lành và tốt (thiện tri thức cụ túc): Kết thân với những người hiền và tốt để nâng đỡ, khuyến khích và giúp đỡ lẫn nhau phát triển nghề nghiệp, mở mang kinh doanh, học hỏi đạo pháp, sống đời đạo hạnh và hạnh phúc.

4. Muốn sống tốt đẹp theo khả năng và tài sản của mình (chính mạng cụ túc): Không keo kiệt mà cũng không lãng phí. Sống tương xứng với mức lợi tức của mình thu được để cá nhân mình an vui, gia đình hạnh phúc, bạn bè hòa thuận, cộng đồng mến mộ và ích lợi cho xã hội.

Dĩ nhiên, cuộc sống ngoài đời rất phức tạp, việc phân biệt các điều muốn tốt (thiện dục) và các điều muốn xấu (ác dục) nhiều lúc không dễ dàng nên đức Phật chỉ dạy chúng ta giữ gìn năm giới căn bản, tức là không làm những điều gây tổn hại cho mình hay cho người.

Năm Điều Xấu Ác Không Làm (Ngũ Giới)

Để giúp chúng ta nhận biết rõ ràng đâu là điều muốn lành, đâu là điều muốn ác, đức Phật dạy chúng ta thực hành năm giới tức là năm điều mình nguyện không làm:

1. Không giết người và không xúi giục kẻ khác giết người. Trong trường hợp các quân nhân có nhiệm vụ bảo vệ xứ sở chống xâm lăng hay nhân viên công lực thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cộng đồng thì hành vi của họ không phát xuất từ ý muốn giết người mà là ý muốn bảo vệ những người yếu đuối chống lại kẻ gây tội ác. Nói khác đi, khi họ thực hành nhiệm vụ giao phó đúng đắn.

Riêng về giới không sát hại loài vật thì người thọ giới không giết hại các loài vật gây thiệt hại hay bệnh tật cho cộng đồng. Còn những con vật mang mầm bệnh như dán, ruồi, muỗi, chuột bọ, vi trùng, v.v... thì chúng ta có thể trừ khử chúng mà không phạm vào lời nguyện không giết hại (Bất sát). Như thế, đối với Phật tử tại gia, giới không giết hại (Bất sát) rất hạn chế vì người cư sĩ phải làm nhiều công việc như làm vườn thì phải trừ sâu bọ phá hoại mùa màng, làm bác sĩ thì phải giết các vi trùng gây bệnh tật, làm cảnh sát thì ngăn chặn kẻ trộm cướp sát nhân, v.v... Người tu sĩ giữ gìn giới bất sát chặt chẽ hơn vì quý tăng ni ở trong chùa, và việc ăn chay trường để biểu lộ lòng hiếu sinh, thương yêu đời sống của mọi loài.

2. Không tà dâm: Không ăn nằm với vợ hay chồng người khác làm cho gia đình họ bị đổ vỡ, khổ đau vì sự ham muốn bất thiện của mình. Đối với các vị tăng ni, họ nguyện không làm điều dâm dục để chuyển tất cả nguồn năng lực của sự ham muốn thành tình thương yêu trong sáng bao la và sự dũng mãnh trên con đường thực hành cứu độ chúng sinh.

3. Không trộm cắp của cải người hay làm giàu trên sự đau khổ của người khác như đầu cơ tích trữ, cho vay nặng lời, trả tiền nhân công quá rẻ, v.v...

4. Không nói láo, nói điều ác độc hay nói điều tạo ra sự xung đột.

5. Không sử dụng các chất độc hại như rượu, ma túy và các thứ làm tàn hại thân thể.

Việc giữ gìn giới luật như thế không phải là điều dễ dàng, do đó người Phật tử tùy hoàn cảnh sinh hoạt của mình mà xin thọ từ từ các giới. Dĩ nhiên thọ và giữ được năm giới là điều rất tốt, nhưng tùy theo khả năng của mình mà xin nhận từ một đến năm giới. Nếu nhận một giới mà giữ gìn tốt đẹp còn hơn là nhận cả năm giới mà chẳng giữ được giới nào cả làm mất niềm tin của kẻ khác là điều không tốt. Để cho người Phật tử tiến dần trên con đường đạo hạnh và sống đời an vui, đầu tiên người Phật tử nhận (thọ) Ba Sự Quay Về (Tam Quy): Quay về nương tựa Phật để hiểu biết điều chân thật, quay về nương tựa Pháp để thực hành cách sống an lành hạnh phúc, quay về nương tựa Tăng là những người nguyện sống cuộc đời an vui chân thật và chỉ dẫn cho kẻ khác tiến bước trên con đường cao đẹp đó. Sau thời gian tìm hiểu điều hay lẽ thật của đạo, hiểu rõ sự giữ gìn giới luật đem đến cho mình nhiều điều an lành tốt đẹp trong cuộc sống và tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người, chúng ta xin thọ nhận từ một đến năm giới. Khi thọ giới như thế chúng ta phải biết rõ ràng là mình muốn thọ giới nào và phải làm điều gì như thế mới có ích lợi cho con đường tâm linh của chúng ta. Dĩ nhiên, cuối cùng chúng ta cũng đi đến việc thọ nhận năm giới nhưng sự tiến bước từ từ tạo cho chúng ta một nền tảng tâm linh vững chắc và thấy rõ mình tiến bộ trên con đường tu tập.

Năm Điều Lành Nguyện Làm

Không làm các điều ác, làm các điều lành để lòng mình được trong sáng an vui đó là lời dạy của đức Phật. Khi trở thành người Phật tử chúng ta thấy lòng mình gia tăng tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật do đó từ năm điều xấu ác chúng ta nguyện không làm, chúng ta lại còn muốn làm điều tốt đẹp cho mọi người an vui. Năm điều tốt đẹp đó hoàn toàn ngược lại với năm điều xấu ác nói trên mà chúng ta nguyện không làm. Năm điều lành này hoàn toàn tích cực và mang lại nhiều hạnh phúc cho mình và cho người khi ta thực hành chúng:

1. Cứu giúp người đang bị tai nạn, bệnh tật hay khổ đau.

2. Bảo vệ hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

3. Nói lời thành thật, hòa nhã, và lịch sự để tạo sự giao hảo tốt đẹp và an vui chung.

4. Bố thí tiền bạc cho người nghèo khó hay đóng góp tài lực vào các chương trình có ích lợi chung.

5. Thực hành các chương trình làm cho thân thể mình lành mạnh, trí óc mình trong sáng, tài năng mình gia tăng như thể thao, thơ văn, âm nhạc, khoa học, v.v... (Năm điều lành này thường được chia nhỏ ra thành mười điều lành gọi là Thập Thiện, nơi đây chúng ta thu tóm lại cho dễ nhớ để tự nhắc nhở mình và phổ biến cho nhiều người hiểu, tin và thực hành).

Như thế, thực hành các điều trên là thực hành đạo Phật. Càng thực hành đạo Phật thì càng thấy an vui hạnh phúc. Càng thấy hạnh phúc thì càng thực hành những điều trên một cách dễ dàng. Từ đó chúng ta có niềm tin mãnh liệt (Tín) về đạo Phật, có sự mong ước làm điều lành (Nguyện) và thực hành các điều lành trong cuộc sống (Hạnh).

Bồ Tát Đạo

Khi thực hành các điều trên tức là sống với tâm an vui giải thoát, tức là sống với tâm Phật, lòng chúng ta chỉ thuần tình thương trong sáng, sự thông minh tươi mát bén nhạy, sự hiểu biết chân thật và nguồn an vui rộng lớn. Đó tức là chúng ta thấy biết được, giác ngộ được, trực tiếp sống với chân tâm hay Phật tánh nơi mình. Khi đời sống chúng ta có nhiều tình thương, sự hiểu biết chân thật và hạnh phúc rộng lớn thì ta mong muốn mọi người đều hưởng được điều quý báu ấy. Do đó, ta thực hành Bồ Tát Đạo, đem chánh pháp truyền bá sâu rộng và khuyến khích họ thực hành. Làm điều ấy với lòng thành là phổ độ chúng sinh, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn về tinh thần biết cách hành trì chánh pháp để sống đời an vui hạnh phúc.

Càng thực hành việc phổ độ chúng sinh thì tình thương yêu nơi ta càng phát triển, sự hiểu biết chân thật càng lớn mạnh, nguồn hạnh phúc càng gia tăng càng làm khơi động nguồn năng lực trong lành nơi mỗi chúng ta thúc dục chúng ta mạnh mẽ tiến lên trên đường sống an vui giác ngộ (Tự giác) và giúp người khác sống an vui chân thật (Giác tha). Hai điều ấy hòa hợp tròn đầy (Giác hạnh viên mãn) làm cho cuộc sống mỗi chúng ta rực rỡ như ánh sáng ban mai.

Quả thật như thế, tự mình thực hành sống đời hạnh phúc và giúp kẻ khác sống đời hạnh phúc sẽ làm cho đời sống chúng ta tràn đầy hạnh phúc. Từ đó, tự thân mỗi chúng ta kinh nghiệm được, biết rõ ràng là hạnh phúc của mỗi chúng ta và hạnh phúc của người khác vốn không thể tách lìa được: hạnh phúc của mỗi người và mọi người trong xã hội liên hệ với nhau một cách mật thiết.

Sống Đời Tích Cực Là Sống Giác Ngộ

Sự tu tập quý vị tăng ni nơi chùa chiền theo những quy luật rõ ràng, sự tu tập của quý vị Phật tử ở ngoài đời phức tạp hơn vì phải ứng dụng đạo Phật vào đời sống hàng ngày sao cho phù hợp niềm tin, với lời nguyện làm các điều lành cùng thực hành những điều lành để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Tám con đường cao quý, Bát Chánh Đạo (The Eight Noble Paths) vốn là ngọn đuốc soi đưòng cho bao nhiêu thế hệ Phật tử hàng chục thế kỷ qua vẫn còn là những nguyên tắc hoạt động tích cực nhất mà người Phật tử chúng ta có thể noi theo. Dĩ nhiên, đạo Phật luôn luôn khuyến khích người Phật tử phải có sự hiểu biết chân thật về đạo và thực hành sự hiểu biết ấy để đem lại an vui hạnh phúc nhưng đồng thời phải áp dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh sinh hoạt hiện nay. Đức Phật ngày xưa chỉ đi bộ từ vùng này đến vùng khác để giáo hóa chúng sanh, quý vị tăng ni ngày nay khi đi giảng đạo ở những nơi xa xôi thì sử dụng các phương tiện chuyên chở nhanh chóng như xe hơi, máy bay hay xe lửa. Đạo Phật luôn luôn nhắc nhở chúng ta trong mọi sinh hoạt và phát triển đạo pháp làm sao cho phù hợp với chánh pháp và hoàn cảnh đang sinh sống. Chính ngay đức Phật khi giáo hóa các người có sinh hoạt và hiểu biết khác nhau, ngài cũng dạy cho họ đem tinh thần đạo Phật áp dụng vào các sinh hoạt họ vẫn thường làm. Đó là khế lý và khế cơ: phù hợp với chân lý cao quý của đạo Phật đồng thời phù hợp với hoàn cảnh và trình độ mỗi người hay mỗi xã hội.

Bát Chánh Đạo là tám sự thực hành cao quý đưa chúng ta đến con đường an vui tuyệt đối, là động lực mãnh liệt khai mở suối nguồn hạnh phúc nơi mỗi chúng ta, là chìa khóa quý báu mở cánh cửa tâm linh bao la của tình thương yêu rộng lớn và sự hiểu biết chân thật làm cho đời sống chúng ta tràn đầy ánh sáng giác ngộ. Tám điều thực hành ấy gồm có:

1. Chánh Kiến:

Thấy biết chân thật mọi sự vật. Khi ta buông xả mọi sự dính mắc với các ý tưởng xung đột mâu thuẫn làm khơi dậy những giận hờn, lo sợ, phân biệt, khổ đau thì tâm ta tràn đầy tình thương yêu trong sáng và sự hiểu biết chân thật. Từ đó, ta nhận biết rõ ràng mọi sự vật tự chúng đầy đủ, tự tại, rỗng lặng, không ngăn ngại hay chống đối nhau. Khi tình thương yêu trong sáng có mặt thì ta thấy Phật tánh, niềm an vui trong sáng rộng lớn bao la, có nơi ta cũng như nơi mọi người. Phật tánh có đầy đủ nơi chư Phật cũng như nơi mỗi chúng ta, dù chúng ta chưa kinh nghiệm được sự mầu nhiệm đó. Mọi người vốn không khác nhau vì mọi người đều có Phật tánh. Từ sự thấy biết chân thật đó chúng ta biết rõ mọi người đều bình đẳng, không phân biệt nam nữ, chủng tộc, v.v... và áp dụng nguyên tắc bình đẳng này vào trong các sinh hoạt xã hội, giáo dục, chính trị, phát triển nghề nghiệp, và khuếch trương thương mại: Tạo cho mỗi người những điều kiện tốt đẹp nhất để họ có thể phát triển các khả năng tiềm ẩn và hưởng được hạnh phúc an lành và giúp đỡ những người nghèo khổ để họ có cơ hội sống an lành hạnh phúc.

2. Chánh Tư Duy:

Nhờ sự hiểu biết chân thật nói trên mà chúng ta suy nghĩ, nghiệm xét mọi thứ hợp với lẽ thật trong đạo cũng như ngoài đời, không bị các thành kiến, tình cảm riêng tư hay sự thiếu hiểu biết về các kiến thức khoa học, giáo dục, tâm lý, xã hội mà lý luận sai lầm, không phù hợp với chân lý đạo Phật cùng các sự hiểu biết khách quan.

Từ sự hiểu biết chân thật và suy nghĩ đúng đắn ấy mà ta hiểu rõ mình phải sống cuộc đời đạo hạnh trong gia đình: Có hiếu với cha mẹ, thương yêu và trung thành với chồng vợ, thương mến con cái và nuôi dưỡng chúng nên người, cũng như ngoài xã hội: có tình nghĩa với bạn bè, thân thuộc, sở mình làm việc, yêu thương đồng bào, xứ sở và mọi người.

Điều ấy làm cho chúng ta thấy rõ là ánh sáng của lòng từ bi và hiểu biết chân thật đưa chúng ta trở về với thế giới bao la hạnh phúc của Phật tánh sẵn có nơi mỗi chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng đạo để biện minh cho cái sai lầm của mình thì đó là vô minh, sự mờ tối, còn nếu chúng ta theo ánh sáng của đạo, tức là tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật, tức là Phật tánh nơi mỗi chúng ta, thì hạnh phúc sẽ dâng tràn. Nguồn hạnh phúc trong lành bao la ấy lập tức xuất hiện, bây giờ và nơi đây chứ không phải chờ đợi đến một chốn thiên đàng xa vời nào.

Như thế, người Phật tử đề cao sự học hỏi trong đạo cũng như ngoài đời: Học đạo để biết rõ sự chân thật và học các môn như văn chương, khoa học, nghệ thuật, các bộ môn thể thao và các kỹ thuật sinh hoạt để có sự hiểu biết và sự suy nghĩ đúng trong mọi hoàn cảnh sinh hoạt xã hội.

3. Chánh ngữ:

Nói điều chân thật, thẳng thắn, điều mang lại lợi ích và an vui cho mình và cho người. Như thế, chúng ta:

· Nói điều chân thật không nói điều dối trá

· Nói điều đem lại an vui cho mình và cho người. Do đó những điều gì không cần nói hay nói ra đem lại sự buồn phiền xung đột thì chúng ta không nói.

Khi thực hành các chương trình Pháp Thí thì là lúc chúng ta thực hành chánh ngữ trọn vẹn nhất.

4. Chánh nghiệp:

Nghiệp là các hành vi do thân, khẩu, và ý cùng hậu quả của chúng. Như thế, chánh nghiệp là hành động, lời nói, ý tưởng biểu lộ tình thương yêu và lòng mong muốn đem lại sự an vui, lợi lạc cho chính mình và cho mọi người. Người Phật tử ở ngoài đời, khi thực hành chánh nghiệp họ hướng tới:

· Đem lại sự an vui cho mình và cho người qua các chương trình phổ biến rộng rãi đạo Phật. Sự thực hành và hoằng pháp đó đem lại rất nhiều ích lợi cho ta vì khi trình bày về đạo Phật thì thân ta làm điều tốt, miệng ta nói lời chân thật và ý chúng ta hướng về sự cứu độ chúng sanh. Nói khác đi, thân, khẩu và ý chúng ta thanh tịnh, trong sáng, an vui, hạnh phúc vì chúng ta làm và nói điều thanh tịnh, trong sáng, an vui và hạnh phúc. Bất cứ lúc nào ta hướng về chúng sanh, muốn đem lại cho họ niềm an vui qua chương trình Pháp Thí, đem sự chân thật của đạo Phật mà bố thí cho chúng sanh thì lòng chúng ta lập tức tỏa sáng niềm an vui hạnh phúc.

· Cùng nhau thực hành sự tu tập và áp dụng niềm an vui trong sáng linh động vào trong các sinh hoạt thường ngày.

Quả thật như thế, khi chúng ta nói điều chân thật, làm các điều lành, nghĩ điều tốt đẹp lúc ở nhà, ở sở hay khi thực hành các chương trình Pháp Thí để đem lại an vui cho người thì ba nghiệp thân, khẩu, và ý (thân thể, lời nói và ý tưởng) trở nên trong sáng an lành. Nói khác đi, ta sống đời hạnh phúc chân thật.

5. Chánh Mạng:

Sống bằng nghề nghiệp chân chánh tức là những nghề nghiệp không gây tổn hại và khổ đau cho kẻ khác. Và rộng hơn, không những không gây tổn hại mà còn đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Như thế, người Phật tử đề cao sự làm việc, hiệu quả sự làm việc, sự thích nghi với hoàn cảnh để cải thiện và gia tăng sự tốt đẹp của đời sống cá nhân và cộng đồng.

· Làm việc để sinh sống và phát triển: “Tay làm hàm nhai” hay “Một ngày không làm một ngày không ăn” vẫn là những lời thường nghe nói ở ngoài đời hay trong chốn thiền môn. Làm việc là biểu lộ Phật tánh của chính mình.

· Làm việc có kết quả cụ thể: Tức là có chương trình và có kết quả rõ ràng. Như thế, chúng ta nhấn mạnh đến sự hữu hiệu thật sự của công việc làm chứ không phải làm cho xong chuyện.

· Phát triển nghề nghiệp qua các chương trình học hỏi và tu nghiệp.

· Làm việc trong tinh thần hòa hợp chung: Chấp nhận kỷ luật và trật tự, xóa bỏ sự dính mắc vào cái tôi (chấp ngã) bằng cách tuân theo những luật lệ và trật tự chung cần có và áp dụng đồng đều cho mọi người.

6. Chánh tinh tấn:

Siêng năng và mạnh mẽ thực hiện các điều nói trên trong đời sống hàng ngày.

Như thế về phương diện Đạo người Phật tử thực hiện sự tu tập trong gia đình để mọi người an vui, tu học ở chùa để gia tăng sự hiểu biết về chân lý và thực hành các chương trình pháp thí để đem lại nhiều an vui cho mình và cho mọi người.

Về phương diện đời, người Phật tử siêng năng làm việc để sinh sống, nâng cao hiệu năng làm việc, cải thiện hoàn cảnh sinh sống cho mỗi ngày một tốt đẹp hơn thêm. Kinh A Di Đà cho chúng ta một hình ảnh lý tưởng về một đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất và an vui tinh thần mà người Phật tử hướng đến để tạo dựng trên cõi đời này cũng như mãi mãi về sau. Đời sống siêng năng đó là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc và tiến bộ. Theo tinh thần các bộ kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, A Di Đà, v.v... đời sống vật chất đầy đủ và tốt đẹp của cá nhân và cộng đồng làm cho đa số dân chúng có được thì giờ và phương tiện thực hành tu tập và sống đời an vui giải thoát.

7. Chánh niệm:

Tâm luôn luôn trong sánh và tỉnh thức, biết rõ các hoạt động của thân thể (khi đi, đứng, nằm, ngồi) cùng tâm ý (các tư tưởng cùng tâm tư như vui, buồn, thương, ghét mà không dính mắc vào chúng). Như thế tâm ta rất nhạy bén với mọi ý tưởng tâm tư bên trong cũng như những việc xảy ra bên ngoài, hiểu biết rõ ràng nhưng không dính mắc vào đâu cả. Thực hành sự tu tập như thế thì chúng ta trở thành năng động và tích cực hơn trong đời sống. Sống tích cực, thực hành các công việc tốt đẹp với tâm an vui hạnh phúc tỏa sáng là lối tu hoạt động, là thiền hoạt động khác xa với những người chủ trương sai lầm tu là xa lánh cuộc đời, đó thật là đúng như lời các bậc chân tu từng nói rõ áp dụng sự tu hành khó nhất là tại gia đình, thứ nhì là ở nơi chốn làm ăn buôn bán, và thứ ba là chốn chùa chiền. Người Phật tử sống trong cuộc đời, phải áp dụng sự tu tập trong các sinh hoạt hàng ngày để làm gia tăng hạnh phúc cho mình và cho người.

Khi ta sống trong chánh niệm thì tâm ta trở về trạng thái trong sáng rộng lớn tự nhiên của nó, do đó năng lực trong người gia tăng, ta trở thành hoạt động hơn, thích làm những công việc tốt đem lại lợi ích cho mình và cho người. Làm việc với tâm tỉnh thức và an vui thì làm việc trở thành sự giải trí chứ không còn là một gánh nặng, chính sự ăn không ngồi rồi là gánh nặng cho đời sống tinh thần của mỗi chúng ta.

8. Chánh định:

Thực hành chánh niệm trong các hoạt động thường ngày thì tâm ta lúc nào cũng an trú trong tánh rộng lớn, trong sáng, an lạc và chân thật tự nhiên. Đó tức là chánh định: mắt thấy, tai nghe, tay chân cử động, trí óc nhận biết nhưng tâm luôn luôn trong sáng và bén nhạy. Lúc đó mọi phản ứng trong đời sống hàng ngày của chúng ta xảy ra rất tự nhiên, rất nhanh nhẹn, rất tốt đẹp, rất an vui, rất linh động, rất thoải mái. Tâm mỗi chúng ta khi quay về với sự yên ổn, thoải mái, và chân thật của mình thì tự nó là tốt, tự nó là tình thương yêu bao la, tự nó là sự hiểu biết chân thật, tự nó là sự thông minh tươi mát và tự nó là nguồn hạnh phúc vô biên. Khi sống với tâm Phật đó thì chúng ta biết rõ:

· Ta chỉ muốn làm điều tốt và đạo đức vì làm điều tốt và đạo đức đem đến cho ta niềm an vui chân thật.

· Ta muốn thực hiện việc cứu độ chúng sinh, giúp người được an vui hạnh phúc vì thực hành điều ấy làm cho ta hạnh phúc vô cùng.

Như thế, khi thực hành đạo Phật trong đời sống hàng ngày ta hưởng niềm hạnh phúc kỳ diệu cao vút nhất mà con người có thể đạt được. Chính từ suối nguồn hạnh phúc bao la đó tình thương yêu trong sáng tỏa chiếu khắp mười phương thế giới và sự hiểu biết chân thật bao trùm mọi nơi. Đó chính là cõi Niết Bàn, chốn Tịnh Độ bây giờ và nơi đây. Đó là chốn thiên thu vĩnh cửu, không già không bệnh và không chết như lời đức Phật dạy:

“Chính ta cũng phải trưởng thành và suy nhược, nhưng xét thấy có trưởng thành và suy nhược là khổ nên ta hướng đến cảnh an tịnh vô thượng của Niết Bàn vốn không trưởng thành và suy nhược, cảnh an tịnh vô thượng ấy chính ta đã chứng, và cả Niết Bàn không trưởng thành và suy nhược nữa.

Chính ta cũng phải mắc phải bệnh tật, nhưng xét thấy có bệnh tật thì có khổ nên ta hướng đến cảnh an tịnh vô thượng của Niết Bàn vốn không bệnh tật, cảnh an tịnh ấy ta đã chứng đến và cả Niết Bàn không bệnh tật nữa.

Chính ta cũng phải chết đi, nhưng xét thấy có chết thì có khổ nên ta hướng đến cảnh an tịnh vô thượng của Niết Bàn vốn không có chết. Cảnh an tịnh vô thượng ấy ta đã chứng và cả Niết Bàn không chết nữa.”

(Kinh Trung A Hàm)

Như thế thực hành đạo Phật là thực hành đạo chiến thắng: chiến thắng những thứ tiêu cực, những khổ đau phiền não và đạt được niềm an vui hạnh phúc vô cùng. Đó chính là bầu trời mênh mông của tâm Phật nơi mỗi chúng ta như lời Phật dạy:

“Chiến thắng không thể bại

Trên đời không dấu tích

Phật giới rộng mênh mông

Làm sao hòng theo dõi

Lưới mê được giải thoát

Ai! Phược hết buộc ràng

Phật giới rộng mênh mông

Làm sao hòng theo dõi...”

Phẩm Phật Đà (Buddhavagga)

Kinh Pháp Cú (H.T. Minh Châu dịch)

SÁCH THAM KHẢO

·Childhood Stress: How to Raise a Healthier, Happier Child, Bell Publisher Co., New York, 1987

·Forever Young, Stuart Berger, M.D., William Morrow & Company, Inc., New York 1989

·Healing and the Mind, Bill Moyers, Double Day, New York, 1993

·Health Science, The Harford Courant, October 18, 1993

·Health Through Balance, Dr. Yeshi Donden

·Peace, Love & Healing, Bernie S. Siegel, M.D., Harper & Row, Publishers, New York, 1989

·Perfect Health, Dr. Deepak Chopra, Harmony Books, New York, 1991

·The Art of Happiness, Teaching of Buddhist Psychology, Mirko Fryba, Sambala, Boston & Shatesbury, 1989

·The Healing Heart, Norman Cousins, W.W. Norton, New York, 1983

·The Relaxation Response, Dr. Herbert Benson, William Morrow, New York, 1975

·Thiền Luận tập I, II và III, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Trúc Thiên và Tuệ Sỹ dịch, Chùa Khánh Anh tái bản

·Unconditional Life, Deepak Chopra, M.D., Bantam Book, New York 1991

PHƯƠNG DANH QUÝ VỊ PHÁT TÂM ẤN TỐNG “HẠNH PHÚC KỲ DIỆU”

Xin chân thành tri ơn những đạo hữu đã phát tâm ấn tống để đem lại lợi lạc chung cho nhiều người.

1. Bon’s Clothing Pty-Ltd (Australia) $100.00

2. Ông Bà Bùi Ngọc Quân $50.00

3. Ông Bà Bùi Tiến Huân $30.00

4. Ông Bà Đoàn Hựu $30.00

5. Ông Bà Nguyễn Mạnh Hùng $20.00

6. Ông Bà Nguyễn Mậu Hưng, MD (Orlando) $50.00

7. Ông Bà Nguyễn Xuân Dũng $200.00

8. Ông Bà Phạm Văn Thức $20.00

9. Ông Bà Phạm Mai Khanh (France) $50.00

10. Ông Bà Phạm Ngọc Loan $10.00

11. Ông Bà Trần Văn Nhựt (Oklahoma) $50.00

12. Ông bà Trần Duy Chế $50.00

13. Ông Bà Tôn Nữ Châu Anh $100.00

14. Ông Bà Tôn Nữ Minh Triều $20.00

15. B à Phan Thị Huệ $20.00

16. Nhà Sách Ngày Nay $30.00

17. Philip Nguyễn (France) $50.00

18. Bà Nguyễn Mạnh Hoa $200.00

19. Ông Nguyễn Minh Tường $20.00

20. Cụ Bà Thông $10.00

21. Bà Tuyết $10.00

22. Ông Bà Nguyễn Cửu Tuyên (Tân Đảo) $20.00

23. Ông Bà Nguyễn Xuân Tính (Orlando) $20.00

24. Bà Nguyễn Thị Khứu, P.D. Đồng Anh $50.00

25. Ông Bà Vĩnh Phổ $50.00

26. Ông Bà Mai Văn Trọng và Hợp Nguyên $100.00

27. Bà Huyền Tôn Nữ Quế Hương $50.00

28. Ông Lê Quang Mân $50.00

29. Ông Bà Nguyễn Văn Triệu $100.00

30. Ông Bà Trần Sĩ Tuấn (Toronto) $50.00

31. Một vị ẩn danh ở Montreal $50.00

32. Ông Bà Phạm Minh Châu $50.00

33. Bà Trần Hồng Chung $20.00

34. Một vị ẩn danh ở Houston $30.00

35. Ông Bà Dương Đức Nhự $20.00

36. Ông Bà Phan Quang Nam $20.00

37. Bà Lê Thị Tường Quy $20.00

38. Bà Nguyễn Thị Nguyên Hảo $180.00

Xin hồi hướng công đức ấn tống này nguyện cầu cho tất cả mọi người đều được an lành như ý nguyện và chóng thành Phật quả.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/06/2016(Xem: 9361)
Khóa An Cư Kiết Hạ PL.2560- DL.2016 Do GHPGVNTN Hoa Kỳ tổ chức tại Niệm Phật Đường Fremont, San Jose từ ngày 13 đến 23/6/2016
26/09/2015(Xem: 11814)
Đoàn Hoằng Pháp sẽ có 4 Tuần ở Âu Châu vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2015 1. Tuần 1: từ ngày 24 đến 27/9 ở Aschaffenburg 2. Tuần 2: từ ngày 01 đến 04/10 ở Koblenz 3. Tuần 3: từ ngày 09 đến 11/10 ở Thụy Điển 4. Tuần 4: từ ngày 15 đến 18/10 ở Đan Mạch Xin Chư Tôn Đức mua vé máy bay: đến phi trường Frankfurt và về từ phi trường Copenhagen.
03/02/2015(Xem: 3679)
Cũng như hai năm vừa qua, vào ngày 21 tháng 12 năm 2014, Giải Khuyến Học Phật Pháp kỳ 3 do hội Phật tử An Lạc Pháp vùng Orange County, CA, tổ chức tại Hội Trường Việt Báo với sự chứng minh của chư tôn thiền đức tăng ni và nhiều thí sinh Phật tử địa phương tuổi từ 12-15 đến tham dự. Hội trường vui nhộn hẵn lên như ngày đầu xuân để hoan nghênh chào đón các ban chứng minh, ban giám khảo và ban cố vấn quang lâm hội trường. Ban chứng minh gồm có Hòa Thượng Thích Nguyên Trí (Viện Chủ Chùa Bát Nhã, Santa Ana),
13/12/2014(Xem: 5680)
Đáng lẽ ra đã mua vé về miền cực lạc sớm đề về đúng ba ngày Miền Cực Lạc của Thầy, dự Pháp Hội Niệm Phật mùa Đông như năm ngoái, nhưng rồi thiếu chút duyên tìm được vé thì không còn đến sớm mà phải đến trễ tối thứ sáu 28.11.14.
04/12/2014(Xem: 10704)
In 2011, Kyabje Lama Zopa Rinpoche began a series of one-month teaching retreats, all to be presented at the Great Stupa of Universal Compassion near Bendigo. The series of these teachings include Shantideva’s Bodhicaryavatara - A Guide to the Bodhisattva’s Way of Life as well as preparation for the transmission of the rare Rinjung Gyatsa initiations. The three host centres – Atisha Centre, Thubten Shedrup Ling Monastery and the Great Stupa of Universal Compassion – are pleased to welcome Lama Zopa back to Australia in 2014 to continue these teachings, instructions and transmissions. The three host centres, operating together as Lama Zopa Australia Inc., are also pleased to be hosting the Council for the Preservation of the Mahayana Tradition (CPMT) meeting during the fortnight prior to the 2014 retreat. Please click here for more information about the CPMT meeting. These are two unique Australian events with Kyabje Lama Zopa Rinpoche. If you are looking for a great opportunity
20/10/2014(Xem: 18964)
Đây là một trong những câu hỏi mà phóng viên tờ Mandala đã phỏng vấn bác sĩ Alan Molloy, một thành viên lâu năm của Viện Phật học Tara ở tiểu bang Melbourne, Úc, một người đã chứng kiến sự phát triển của đạo Phật tại quốc gia này từ cuối thập niên bảy mươi đến nay.
04/05/2014(Xem: 13118)
Hằng năm tại Thụy Sĩ nói riêng, Âu Châu nói chung, nhằm vào lễ Phục Sinh được nghỉ 4 ngày liên tiếp từ thứ 6 đến thứ 2, thiên hạ thường nô nức mua sắm, du lịch hay tiệc tùng ăn nhậu..v.v..và..v.v.. để đền bù và thưởng thức cuộc sống cho bõ những ngày tháng làm việc mệt nhọc mà họ cho là "đi cày" vất vả.
29/03/2014(Xem: 13237)
Cùng với Chùa Bạc nằm ngay sát bên cạnh, một phần của Hoàng Cung Campuchia được mở cửa cho du khách vào thăm quan. Tuy nhiên, tất cả du khách tới thăm buộc phải tuân thủ những quy định rất nghiêm ngặt như không được mặc quần ngắn trên đầu gối, - áo thun sát nách, hở hang, - không đi dép lê, - không gây ồn ào, - không được chụp ảnh, quay phim bên trong các điện. -Một số khu vực như nơi ở của gia đình Quốc vương hay phòng làm việc của các nhân viên Hoàng gia đều không cho phép người dân được tới gần.
29/11/2013(Xem: 20333)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
15/10/2013(Xem: 12884)
Thông báo Khóa Thiền Vipassana 10 ngày ở Sydney, Úc Châu
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567