Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hòa Nhập Vào Cuộc Sống

05/12/201015:46(Xem: 5528)
Hòa Nhập Vào Cuộc Sống

ỐC ĐẢO TỰ THÂN

PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TÂM THANH TỊNH
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema - Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh
Dịch từ bản tiếng Anh: Be An Island The Buddhist Practice of Inner Peace
Wisdom Publications 1999
Nhà xuất bản PHƯƠNG ĐÔNG 2010

Hòa Nhập Vào Cuộc Sống

Chương 8
Sống Hòa Hợp

Khi hợp ca, chúng ta phải giữ đúng nhịp, hòa hợp với nhau. Chúng ta phải chú tâm đến thời điểm, đến các bạn trong ban hợp ca, nếu không tất cả sẽ lổi nhịp, sai lời. Khi chúng ta sống chung với nhau cũng thế. Ta phải để ý, quan tâm đến người khác, phải ý thức về sự chung sống để tạo nên một môi trường sống chan hòa. Đó là nền tảng cho nghệ thuật sống hòa hợp.

Nghệ thuật sống này đôi khi bị phá vỡ vì mỗi cá nhân không biết hòa hợp, chỉ biết có mình, không chú tâm đến người khác. Những gì chúng ta tạo ra ở chung quanh, phản ảnh những gì ở bên trong chúng ta.

Vì thế bước đầu tiên để tạo lập sự hòa hợp, cần phải bắt đầu từ bên trong ta. Không cần phải có một môi trường lý tưởng, mà chúng ta có thể làm điều đó ở bắt cứ nơi nào: Khi ta đang ngồi trong thiền đường, đang chèo thuyền, đang nấu ăn, đang đọc sách hay làm việc trong vườn. Trạng thái cân bằng hòa hợp trong ta, tùy thuộc vào mức độ an nhiên, tự tại trong tâm ta. Nếu không, chỉ có rối loạn.

Sự an nhiên, tự tại không thể tùy thuộc vào những hoàn cảnh bên ngoài ta, vì chúng sẽ không bao giờ hoàn toàn theo ý muốn của ta. Thí dụ trong những tháng mùa khô, ai cũng than phiền phải ra công tưới cây. Ngược lại, mùa mưa thì ta than phiền ướt át, đường xá lầy lội. Làm sao ta tìm đưọc nơi nào hoàn toàn trên thế giới này?

Vì thế, nếu chúng ta nhìn ra ngoài để tìm sự an nhiên, tự tại cho tâm hồn, thì chỉ uổng công thôi. Chúng ta cần phải quay vào bên trong mới mong tìm đưọc những điều có thể mang đến cho ta sự an nhiên tự tại. Một trong những điều này là sự độc lập -không phải là độc lập về vật chất, vì điều này có thể gây một số khó khăn cho ta, mà là một sự độc lập về tinh thần, không phụ thuộc vào những khen chê của người khác. Điều đó có nghĩa là, khi ta biết mình đã cố hết sức để làm gì đó, nhưng nếu người khác không vừa ý, ta cũng đành chịu thôi. Đâu phải tất cả mọi người đều tán thành những việc làm của Đức Phật, nhưng Đức Phật chỉ nói rằng: "Tôi không tranh cãi với ai. Đó là người ta muốn gây chuyện với tôi". Đức Phật chấp nhận việc người ta chống báng Ngài hay các giáo lý của Ngài. Đức Phật hoàn toàn hiểu là không thể bắt tất cả mọi người đều đồng ý theo mình.

Người có tính độc lập cũng không đi tìm sự che chở, ngợi khen của người khác. Không phải tất cả những cố gắng của ta đều mang lại sự thành công. Chúng ta phải sẳn sàng chấp nhận điều đó. Không thể mong đợi ai chở che. Nếu đôi khi ta không thể thực hiện điều gì đó đúng như ý ta mong đợi, thì cũng không hề hấn gì, không có lý do gì phải sầu khổ cho những việc như thế.

Muốn độc lập về tình cảm (tinh thần) đòi hỏi ta phải có một trái tim thương yêu. Trái lại nếu chúng ta đi tìm sự thương yêu, ta phải tùy thuộc vào tình cảm người khác, ta dễ bị thất vọng vì không toại nguyện hoặc người khác không đáp ứng đủ như lòng ta mong muốn. Mà dầu người khác có ban tặng ta đầy đủ tình thương, họ cũng không thể thõa mản hết những đòi hỏi của ta. Chạy đuổi theo tình thương yêu chỉ hoài công, là một việc làm hoàn toàn thất bại. Điều thành công, ngược lại, là yêu thương kẻ khác. Làm đưọc điều đó sẽ khiến ta đưọc độc lập trong tình cảm và an nhiên tự tại. Vì khi hết lòng yêu thương tha nhân, ta không đòi hỏi họ phải đáp trả. Tình thương yêu thật sự không phụ thuộc vào người khác mà chỉ là tính cách của con tim.

Sự an nhiên, tự tại tùy thuộc vào việc hình thành những cánh đồng thanh bình trong trái tim ta -một cánh đồng rộng mở, đầy bông hoa, đầy thương yêu, độc lập về tinh thần và biết chấp nhận mình. Chúng ta không chạy đuổi theo tình thương yêu hay sự tán thành, nhưng lại ban phát chúng một cách hào phóng. Đơn giản nhưng hiệu nghiệm. Việc đó đòi hỏi ta phải có trái tim rộng lượng. Thông thường khi có ai đòi hỏi ở ta một điều gì đó, tự ngã của ta bị đe dọa, và bao nỗi lo sợ bỗng phát sinh. Điều này rất rõ ràng trong lãnh vực của cải vật chất, vì ta lo sợ phải mất của cải. Khi ai đó đòi hỏi đưọc ta thương yêu, ta cũng thấy bị đe dọa. Ngược lại nếu ta ban tặng tình thương, lời động viên, ta sẽ không cảm thấy bị đe dọa hay đe dọa ai. Yêu thương là cách duy nhất khiến ta có thể sống tự tại với chính mình.

Đôi khi thân ta có bịnh. Đó cũng là điều ta không nên quá bận tâm. "Có thân thì có bịnh", Đức Phật luôn nhắc nhở ta điều đó. Nhưng Ngài đâu có nói ta phải khổ sở, thất vọng vì nó. Rồi cũng có lúc tâm ta phát khởi lòng tham ái. Ta cũng không thể ngăn cản điều đó, nhưng ta không cần phải chạy theo chúng. Nếu chúng ta cứ phải khổ sở vì các nghiệp của thân tâm, thì ta khó thể có đưọc sự an nhiên, tự tại. Vậy biết tìm chúng ở đâu? Dĩ nhiên không phải là ở các ngôi nhà đồ sộ, ở khung cảnh thiên nhiên hay ở người khác. Chúng chỉ có một nơi để an trú: đó chính là trong tim ta. Nơi đó chứa đựng sự hiểu biết là quà tặng của tình thương và sự tán thán tạo nên những cánh đồng hòa hợp chung quanh ta, đó cũng chính là nơi rèn luyện nên ta.

Đó là trường huấn luyện cách sống hòa hợp, vì chúng ta có thể tìm thấy chính mình nơi kẻ khác. Chúng ta cần nhận rõ cái bóng của chính mình nơi người khác, để nhận rõ bản thân hơn. Khi có sự xung đột với người khác, đó cũng chính là tấm gương phản chiếu chính ta. Nếu nội tâm ta an nhiên tự tại, ta sẽ không thấy khó khăn với người. Tâm gương phản chiếu không thể dối gạt ai. Một trong những bài giảng của Đức Phật có kể về ba vị tu sĩ đã sống với nhau chan hòa như nước với sữa. Ý kiến của họ, tâm tình của họ hoàn toàn phù hợp với nhau. Sở dĩ có sự hòa hợp hoàn toàn đó là vì không ai muốn cái gì theo ý riêng của họ. Điều đó cũng chỉ rõ cho ta thấy sống hòa hợp, vui vẻ là chuyện có thể làm đưọc, nếu không ta tiếp tục cho rằng thái độ tiêu cực của chúng ta là có thể chấp nhận đưọc.

'Sự hòa hợp' có thễ hiểu theo nhiều nghĩa. Tựu trung, đó là cốt lõi căn bản để sống yên vui, hạnh phúc. Đôi khi chúng ta bị nghiệp lực dẫn dắt. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, nhưng sau đó, khi chúng ta đã thấy đưọc sự khờ dại của mình, ta cần phải chấm dứt. Tất cả mọi loài chúng sanh đều muốn đưọc an ổn, hạnh phúc, không chỉ riêng loài người. Chúng ta thiền định để đưọc hạnh phúc hơn, nhưng ta không thể ngồi thiền suốt cả ngày dài. Đôi khi, thiền định lại khơi mở những đau khổ, phiền não mà ta đã chôn giấu, không muốn nghĩ đến. Điều đó khiến ta có cảm tưởng việc hành thiền còn mang đến nhiều khổ đau hơn trước đó. Thật ra không phải vậy, mà là vì nhờ thiền định ta có thể nhìn thấy khổ đau của mình tận mặt hơn để có thể chấp nhận, đối mặt với chúng. Điều đó cũng dễ khiến ta sinh tâm từ bi đối với mọi người, vì ta đã nhận thấy rằng thân phận con người chứa đầy những khổ đau. Có nhiều giai đoạn trong quá trình phát triển tâm linh, lúc bắt đầu chúng ta giống như những đứa trẻ con. Và dầu ta đang ở lớp năm, sáu hay bảy, tất cả chúng ta đều là những đứa trẻ đang lớn.

Có người chấp nhận nghiệp của mình dễ hơn người khác. Nhưng chạy trốn nghiệp không phải là cách trả nghiệp khôn ngoan. Dầu chúng ta chạy trốn ở đâu, nghiệp cũng sẽ đuổi theo. Vì nghiệp không phải ở một nơi chốn hay hoàn cảnh nào đó, mà nó ngự trị trong trái tim ta. Nó theo ta lên trời, xuống biển, ta ở đâu, nó có đó, ở bất cứ nơi nào. Trốn tránh nghiệp bằng cách chạy trốn là điều không thể thực hiện đưọc.

Còn một cách trả nghiệp không khéo nữa, mà tất cả chúng ta đều đã từng thử qua, là trách cứ, đổ thừa cho người khác, hay cho hoàn cảnh, sự việc. Hành động như thế tức là ta đã không nhận trách nhiệm cho chính hành động, cách sống của mình. Cách trả nghiệp không khéo thứ ba là trở nên chán nản, đau khổ vì nghiệp quả của mình. Hầu hết chúng ta đều như thế. Sau đó là buông xuôi tất cả để chờ đợi một may mắn, một niềm vui nào đó đến với ta, để giúp ta thoát ra sự khổ đau -như là một món quà, một phần thưởng hay một lời khen ngợi nào đó -và rồi ta lại thấy yêu đời trở lại.

Tất cả những cách trả nghiệp như trên khiến chúng ta như thể ở trên đầu ngọn giáo của hy vọng và thất vọng. Cách đối phó với nghiệp khôn khéo nhất là hãy coi đó như là một kinh nghiệm, và hãy nhớ rằng Đức Phật đã dạy khổ đau là sự thật đầu tiên trong tứ đế. Rõ ràng Đức Phật rất hiểu nỗi khổ đau của chúng sanh.

Sự thật thứ hai là nguyên nhân của khổ đau, là ái dục: muốn điều ta không có hay muốn dứt bỏ cái ta đang có. Ngoài ra không còn gì có thể khiến ta khổ đau. Nếu ta nhận ra đưọc sự khổ đau trong ta, nhưng không để nó tác động ta, mà chấp nhận nó như là một thực trạng, một phần của cuộc sống, rồi từ đó có thể nhận ra đưọc nguồn gốc của nó chính là ở bên trong ta. Lúc đó ta có thể nói: 'Đúng rồi, đó chính là nó'. Bằng những cách đó, ta có thể chứng nghiệm đưọc hai đế trong Tứ Diệu đế, và như thế có nghĩa là đế thứ ba và thứ tư không thể sai đưọc. Sự thật thứ ba là ta có thể đoạn trừ mọi khổ đau, để đạt tới Niết bàn, hoàn toàn giải thoát. Và sự thực thứ tư là Đạo đế, là Bát chánh đạo, con đường đưa ta đến sự giải thoát hoàn toàn. Hai sự thực đầu tiên thì dễ chứng nghiệm rồi -hằng ngày ta có thể kinh nghiệm về chúng biết bao lần. Chỉ cần chánh niệm một chút là ta có thể nhận ra chúng ngay.

Đau khổ sẽ tiếp tục hiện hữu, không bao giờ chấm dứt cho đến khi ta có thể diệt trừ đưọc mọi ái dục, như là một vị A-la-hán, hoàn toàn Giác Ngộ. Tại sao ta lại ngạc nhiên khi đau khổ phát sinh? Nếu đau khổ không phát sinh, ta ngạc nhiên mới đúng chứ. Nếu còn ngạc nhiên, là ta đã hy vọng có thể tìm đưọc sự hoàn thiện, hoàn mỹ trên thế giới này.

Để tâm đưọc an nhiên tự tại, ta phải biết chấp nhận khổ đau như một phần không thể tách rời của kiếp con người. Nếu ta không biết chấp nhận, thì sự chống đối, phản kháng càng khiến ta thêm đau khổ, rồi phải tìm cách trốn tránh. Trốn chạy khổ đau có nghĩa là cố gắng thay đổi người khác, thay đổi hoàn cảnh, công việc làm, hay là bất cứ thứ gì mà ta nghĩ là nguyên nhân khiến ta đau khổ. Hành động như thế không thể nào giúp ta diệt trừ đưọc khổ đau. Chỉ có một cách duy nhất đó là buông bỏ đưọc lòng ái dục -đó là những điều Đức Phật đã dạy. Ngay hiện tại, ta chỉ có thể dựa vào các giáo lý của Đức Phật để thực hành. Có nhiều hy vọng là ta có thể chứng nghiệm đưọc phần nào những lời dạy đó, còn lại ta có thể chứng nghiệm bằng lòng tin của mình.

Khi đau khỗ phát sinh, ta có thể thấy rõ là đã có một ao ước, ham muốn nào đó không thành hiện thực. Tìm cho ra ái dục đó, rồi quyết buông bỏ nó đi, vì không có cách nào khác để thoát khỏi khổ đau. Chúng ta càng có thể buông bỏ đưọc nhiều ái dục, chúng ta càng dễ tìm đưọc niềm vui ở nội tâm, vì ái dục phá vỡ sự tự tại trong nội tâm ta. Hãy tưởng tượng chúng ta đang hát một bài đồng ca, và bỗng ai đó, muốn vượt trội lên tất cả, át cả giọng hát của mọi người, và người khác nữa lại muốn hát với nhịp nhanh hơn. Rõ ràng là sẽ không thể có sự hòa hợp nào trong đó.

Sự tự tại trong tâm hồn khiến ta dễ có sự độc lập trong tình cảm, khiến ta muốn bố thí, muốn tán thán người khác hơn là khao khát kiếm tìm nó cho cá nhân mình. Chúng ta cần phải nhận biết rõ rằng tất cả mọi khổ đau đều do tham ái, vì thế ta cần diệt trừ tham ái. Đó là con đường đạo, là giáo lý Đức Phật. Đáng tiếc, chúng ta thường dễ quên những sự thật căn bản đó.

Sao ta có thể quên dễ dàng thế? Chính là vì sự bám víu vào ngã, làm ta thấy mọi thứ khác đều là thứ yếu, không quan trọng để nhớ. Tâm ta luôn nhớ nghĩ về 'tôi', ‘cái của tôi', và vì tất cả mọi người đều suy nghĩ như thế, mà xã hội trở thành hổn loạn. Chỉ có chúng ta mới có thể tìm đưọc sự tự tại trong chính nội tâm mình, không ai giúp ta tìm ra nó cả. Đức Phật đã chỉ cho ta con đường bằng từ bi quán, bằng các hành động từ bi, thiền định và thiền quán. Tất cả đều là những phương tiện để đạt đưọc giải thoát, chứ chúng không phải là cứu cánh cuối cùng. Mục đích của chúng ta là cố gắng thấm nhuần đưọc tính vô thường, đau khổ và vô ngã -hiểu đưọc vạn pháp đều thay đổi không ngừng, hiểu rằng cuộc đời luôn gắn bó với khổ đau, biết đưọc bao hình tướng của ngã, khiến cho sự hòa hợp, hạnh phúc bị xáo trộn. Khi còn có ngã, có cái tôi, thì những đau khổ còn, nếu không có cái ngã, không có cái tôi, thì làm gì có ai để khổ đau?

Sự hòa hợp là hòa đồng với người khác, nhưng cũng phải có hòa hợp trong chính nội tâm mình. Trở thành một người thánh thiện sẽ đem lại sự hòa hợp đó. Chữ 'thánh' có gốc từ chữ 'thánh thiện'. Tuy nhiên, ta không cần phải làm thánh, chỉ cần sống lương thiện, an nhiên với chính mình. Đó là việc khó khăn nhất, nhưng cũng đáng thực hành nhất. Khi ta nhận thức đưọc rằng trong ta có đầy đủ các căn tánh thiện, không cần phải tìm kiếm ở bên ngoài, thì sự an nhiên, hạnh phúc sẽ tràn đầy trong trái tim ta.


Chương 9
Giao Tiếp Với Người

Tìm sự vắng lặng cho tâm, thay vì giao tiếp với người khác, đem lại cho ta nhiều ích lợi hơn. Đức Phật đã nhiều lần nhắc đến chánh ngữ: trong Bát Chánh đạo, trong năm giới và cả trong Kinh Phúc Đức Tối Thắng (Mahamangala-The Great Blessing). Nói lời tử tế, hòa nhã cũng đưọc nhắc đến trong các kinh Phật khác. Trong bài Luận về Sự Hòa hợp (Exposition of Nonconflict), Đức Phật cũng chỉ cho ta thấy rằng lời nói có thể tạo sự chia rẽ, nếu không đưọc sử dụng đúng.

Nhiều người lầm nghĩ rằng vì họ hoạt bát, biết cách ăn nói, thì họ biết thế nào là chánh ngữ. Thật ra chánh ngữ là một nghệ thuật cần phải học hỏi. Lời nói tùy thuộc vào quá trình suy tư và cả các phản ứng tâm lý. Khi đang ở trong trạng thái giận dữ, ta khó mà sử dụng đưọc chánh ngữ. Nếu chúng ta muốn tỏ ra quan trọng -một khía cạnh tâm lý của ngã tưởng- lời nói của ta sẽ đầy tự mãn. Vì thế ta cần phải kiểm soát không chỉ ý mà còn cả thọ nữa. Chỉ có bậc Giác Ngộ hoàn toàn, bậc A-la-hán mới có thể luôn làm chủ lời nói, luôn sử dụng chánh ngữ. Nhưng điều đó không cản trở ta thực hành, và học sử dụng chánh ngữ càng nhiều càng tốt.

Không nên nói lời tâng bốc, ngọt ngào quá đáng. Những lời nói đó là tà ngữ, nhưng nhiều người vẫn quen sử dụng chúng. Họ luôn tán đồng, ủng hộ một cách thái quá. Nhưng dầu họ có cố tỏ ra tử tế, lời nói họ vẫn không chân thật.

Một điều thú vị về ngôn ngữ, cần đưọc nhắc ở đây, là dầu ngôn ngữ là phương tiện chính yếu ta sử dụng trong giao tiếp, nó chỉ đóng góp khoảng bảy phần trăm trong việc giao tế giữa con người với nhau. Dữ kiện này đưọc một phụ nữ phụ trách về các hội thảo giao tế tiết lộ -chuyện chúng ta cần những hội thảo như thế cũng cho ta biết rất nhiều về chính bản thân mình. Công việc của người này rất ăn khách. Có lẽ vì con người không biết cách giao tế, nói chuyện với nhau -đặc biệt là những người sống gần bên nhau. Có rất nhiều điều đã xảy ra ở ngoài phạm vi của bảy phần trăm ngôn ngữ. Vì chín mươi ba phần trăm còn lại không thuộc về ngôn ngữ, do đó ta còn cần phải cẩn trọng hơn về ý và các cảm xúc của mình. Chúng ta không thể che giấu hay coi chúng như là bí mật của riêng mình. Chúng ta thường nghĩ rằng mình muốn nghĩ hay cảm xúc thế nào cũng đưọc, vì không ai biết đưọc, nếu ta không nói với họ. Điều đó hoàn toàn không chính xác.

Tư tưởng, tình cảm chúng ta cũng dễ bị người khác nhận biết nếu có chú tâm. Người ta thường suy đoán tình cảm ẩn giấu sau lời nói. Vì thế mà thường đưa đến những sự hiểu lầm. Có người nói điều gì đó, và nghĩ rằng mình không có ẩn ý gì, nhưng người nghe thì cảm nhận tình cảm gì đó ở đằng sau câu nói, nên hiểu câu nói hoàn toàn khác. Dĩ nhiên là người nghe có thể trao đổi với người nói để tránh sự hiểm lầm. Nhưng thường người ta không chất vấn, mà chỉ giữ sự hiểu lầm, rồi sinh ra hiềm khích, lạt lẻo tình cảm, ghét bỏ nhau.

Tình cảm sâu kín của ta cũng có thể đưọc biểu lộ qua cử chỉ. Nếu để tâm, ta có thể hiểu đưọc nhiều thứ qua thái độ, nét mặt, giọng nói của người khác. Trái lại ngôn ngữ và cách diễn tả bằng ngôn ngữ thì hạn chế hơn nhiều. Chúng ta có thể đọc một tờ báo bằng bất cứ ngôn ngữ nào, nếu ta biết đưọc khoảng hơn ngàn từ vựng. Không nhiều lắm. Và trong ngôn ngữ hằng ngày, ta cũng sử dụng chỉ từng ấy từ ngữ. Chúng ta không đưọc khéo léo lắm trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách thâm sâu.

Lời nói, tình cảm, cử chỉ định hình sự liên hệ giữa con người với nhau. Khi sống chung trong một cộng đồng, ta không nên chỉ liên hệ với một số ít người, mà nên liên hệ với tất cả mọi người. Nếu ta chỉ chọn lựa một vài người mà ta nghĩ dễ liên hệ, gắn bó vàø mặc kệ những người khác, thì đó không phải là sống hòa hợp với cộng đồng, với chúng. Một cộng đồng phải bao gồm tất cả mọi người, và mỗi thành viên phải có bổn phận, có quyền đưọc liên hệ với tất cả mọi người.

Chúng ta phải làm sao để cuộc sống chung đụng ít sinh ra những hiểu lầm, để sự chung sống đó mang lại thoải mái cho nhau? Một trong những đức tính đó đã đưọc nhắc đến trong Kinh Từ Bi (Metta Sutta) đó là 'dễ cho người ta trao đổi, nói chuyện'. Điều đó có nghĩa là phải sẳn sàng từ bỏ quan điểm của mình, để chia sẻ quan điểm của người khác. Biết sẳn sàng nhận lổi, biết nói lời xin lổi một cách chân thành. Ta không đáp trả lại khi ai đó nói lời xúc chạm đến ta, mà thật sự lắng nghe điều họ nói. Vì điều nói và điều nghe nhiều khi không giống nhau. Nghe và lắng nghe cũng là hai vấn đề khác nhau. Lắng nghe giúp ta biết rõ những gì đang xảy ra. Tự phác họa ra trong đầu những ý kiến, quan điểm riêng của mình là lổi lầm nghiêm trọng nhất mà ta thường mắc phải, khi ta nghĩ rằng ta đang lắng nghe, và nhất là khi ta tự cho mình là kẻ biết lắng nghe. Biết lắng nghe có nghĩa là hoàn toàn không có ngã chấp, biết cảm thông với tất cả những gì ta lắng nghe. Đó là một nghệ thuật, một khả năng cũng giống như nói vậy. Nó đòi hỏi ta phải hoàn toàn chú tâm vào người nói. Chỉ chăm chú lắng nghe những gì đã đưọc nói ra, mà không thêm thắt gì vào đó, không suy nghĩ thêm về điều gì, đó là một biểu hiện của lòng nhiệt tâm. Đó cũng là lòng từ bi. Nếu lời ta nói không phát xuất từ tâm từ, ta rất dễ bị hiểu lầm.

Trong bài Luận về Sự Hòa Hợp như đã nói ở trên, Đức Phật cũng khuyên chúng ta không đưọc đề cao thái quá, cũng không đưọc hạ xuống tận cùng; cả hai đều là lời nói không chân thật. Thí dụ, nếu chỉ có một ngàn rưởi người đến dự một buổi lễ nào đó, nhưng ta lại nói là có mười lăm ngàn, để tăng thêm sự quan trọng của mình, là ta đã không thành thật. Nói phóng đại như vậy có vẻ quá đáng, nhưng thực tế thì con người thường nói đủ những chuyện trên trời dưới đất. Thí dụ, tôi có thể bóp méo sự thật bằng cách nói: "Không bao giờ bạn chào hỏi tôi trước". Cũng có thể bạn không hay chào hỏi tôi, nhưng nói 'không bao giờ' thì có lẽ không đúng sự thực. Vì thế ta cần suy nghĩ trước khi nói. Khi chúng ta nói không suy nghĩ, ta ít khi đúng, mà sai thì hẳn nhiều hơn. Ta không nên để điều đó xảy ra. Ta không thiếu thì giờ để suy nghĩ, cân nhắc.

Cũng có khi ta cần nhắc nhở người khác về việc họ nên làm hay không nên làm. Thí dụ như: 'Tôi không thể ngủ khi cửa sổ để mở', hay 'Bạn đừng đạp lên chân tôi'. Nói những điều đó không có gì là sai, nhưng ta cần bình tĩnh, không nên nói theo phản ứng. Trước hết ta cần phát khởi tâm hỉ xả. Khi đã bình tĩnh trở lại, ta nên nhớ đến những điểm tốt của người mà ta định khiển trách, khi chúng ta đã cảm thấy tự tại, ta có thể nói điều mình nghĩ. Cần phải đánh thức từ tâm, vì nếu trong lời nói của ta không phản ảnh đưọc từ tâm, thì có nghĩa là ta chưa biết giao tế, đối thoại với người . Chúng ta sẽ khiến cho người nghe hiểu lầm, chống đối ta hay ít nhất cũng lúng túng, khó xử. Khi lới nói của ta gây bất mãn cho người nghe, là ta đã làm vết thương đau đến hai lần.

Có một công thức rất hữu dụng trong bài Luận về Sự Hòa Hợp: 'Nếu bạn nói điều gì có thể gây đau khổ, mà không đúng sự thật, thì không nên nói. Nếu bạn muốn nói điều gì hữu ích, mà không đúng sự thật, thì cũng không nên nói. Nếu bạn muốn nói điều gì đó có thể gây đau khổ, nhưng đúng với sự thật, thì cũng đừng nên nói. Nếu bạn nói điều gì đem lại lợi ích, và đúng với sự thật, thì hãy đợi đúng lúc mới nói'. Đúng lúc có thể là mười phút, mười ngày hay mười tháng sau đó.

Có những lúc bạn cảm thấy hay mơ hồ cảm thấy người khác đang thay đổi, chuyển hóa tốt hơn. Thì có lẽ không cần nên nói điều gì cả. Ai cũng có lổi lầm, không thể nói hết những điều ấy - có lẽ ta sẽ chẳng bao giờ hết chuyện. Có lúc ta cũng cần nói lên điều này, điều nọ, nhưng thường thì cũng không cần phải nói gì cả, vì mọi thứ đều sẽ phải đổi thay. Lời nói chân thật, lợi ích cho người không cần phải là những lời tán thán, khen ngợi họ, nhưng tất cả đều phải là những lời chứa đựng từ bi. Có lẽ thời điểm tốt nhất để khuyên nhủ, dạy dổ là lúc chúng ta hoàn toàn bình tĩnh, người kia cũng không ở trong trạng thái bất ổn, và họ sẳn sàng để nghe ta. Nếu ta đang cơn nóng giận, thì không phải lúc rồi. Đó là sự quán sát cẩn thận và lời nói có chánh niệm. Nếu không thực tập những khả năng này, thì chúng ta sẽ tạo ra nhiều lầm lổi trong khi giao tiếp với mọi người. Chúng ta không thể sống bừa, sống đại, mà phải sống một cách chánh niệm, phải giữ thân, khẩu và ý suốt ngày. Nhưng đôi khi chúng ta không thể 'lên lịch' mỗi khi nói; lời nói của ta có nội dung và thời điểm của riêng nó. Quan trọng là phải nhớ tà ngữ là gì, và chúng ta đã lãng phí biết bao thời gian để bàn chuyện này, chuyện nọ. Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng, ngoại trừ lúc ngủ, và những lúc chú tâm, chánh niệm, thời gian còn lại, mười lăm, mười sáu tiếng mỗi ngày là để trao đổi, trò chuyện. Vậy tại sao ta không khéo léo hơn khi nói năng?

Nghệ thuật giao tiếp không phải dễ học như ta tưởng. Cư xử tế nhị chỉ là một phần của nó. Ngay khi chúng ta muốn khen ngợi, tán thán ai đó, ta cũng cần phải xét xem động lực nào thúc đẩy ta làm như thế. Ta thật sự muốn khen ngợi người khác hay đang đưa ta lên? Ta cần phải biết làm thế nào là khéo léo nhất. Nếu chúng ta thật lòng muốn khen ngợi người khác thì không sao. Nhưng nếu thật sự là ta muốn đề cao mình, thì ta nên chừa bỏ tánh đó, nên xét lại động lực chính của các hành động của ta. Nếu ta không thực hành lời nói có chánh niệm, ta dễ buông ra lời nói thiếu suy nghĩ, theo bản năng, nhất là khi ta đang căng thẳng, không đưọc bình tĩnh. Vì thế, không thể coi thường lời nói.

Mỗi tối khi lên giường, thay vì suy nghĩ về những khó khăn hay sung sướng vật chất, hãy nghĩ về những cái thiện, cái ác ta đã tạo tác trong ngày. Lời nói của ta có đem lại lợi ích gì không? Hay cả ngày ta bị năm uẩn làm chủ? Tham sân, si, mạn nghi, trạo cữ, hôn trầm có dấy khởi không? Chúng ta đã làm gì để chúng không thể tác động đến ta? Làm thế nào để ta có thể mang từ, bi, hỉ xả đến cho người khác? Mỗi tối ta nên làm một bảng liệt kê nhu thế. Nếu trong ngày, ta đã nói điều gì khiến ta giờ phải hối tiếc, đó là vì ta thiếu chủ tâm, chánh niệm. Làm vậy không phải để tự trách mình, mà chỉ để nhận biết đưọc những thiếu sót của mình.

"Nhận biết, không buộc tội, và thay đổi" -với công thức có vẻ sáo mòn, cũ kỷ nhưng xác thực này, ta soi rọi tâm, và chuyển hóa tâm. Vào buổi tối, sau một ngày đầy hoạt động, ta có thể thấy đôi khi lời nói của ta không chân thực, không ích lợi cho ai. Ta có thể chấp nhận điều đó với thái độ xả bỏ, nhưng quyết tâm phải sửa đổi để ngày mai làm tốt hơn.

Không bao giờ đưọc quên xét lại động lực hành động của mình. Người làm thiện không phải có thể thực hiện điều thiện ở khắp mọi nơi. Mà trước hết tánh thiện phải xuất phát từ tim ta. Rồi tâm từ, tâm thánh thiện mới có thể xuất phát từ đó. Vì nếu trong ta không có những điều tốt ấy, thì làm sao ta ban phát cho người khác. Nếu tim ta tràn đầy tình thương trong sạch, điều đó sẽ phản ảnh ra ngoài, và lời nói không còn giữ vai trò quan trọng nữa. Lời nói không phải đong đo bằng số lượng, mà là tình cảm ở đằng sau đó. Nếu không luôn xem xét lại động lực của lời nói, ta thường dễ mắc lổi. Rồi chúng sẽ ám ảnh tâm trí ta, khiến việc hành thiền của ta bị ảnh hưởng. Vậy thì ai là nạn nhân? Chính chúng ta là kẻ lãnh hậu quả của lời nói sai của mình, chứ không phải ai khác.

Lời nói quan trọng đến nổi, khi La Hầu La chỉ mới bảy tuổi, Đức Phật đã giảng cho La Hầu La nghe về lời nói. Đó là lúc Đức Phật vừa trở lại nhà sau khi chứng đắc. Và cũng là lần đầu tiên Ngài gặp lại con trai nhỏ của mình. Đức Phật đã giảng rất kỹ với con về hậu quả của việc nói dối. Đức Phật nhấn mạnh rằng tà ngữ sẽ khiến ta mất tất cả mọi thành quả tâm linh.

Sở dĩ Đức Phật phải thuyết giảng nhiều về lời nói, vì chúng sanh thường mắc phải lổi lầm trong lời nói. Lời nói của họ thường thiếu sự thân mật, ấm áp, không phải vì những điều họ nói, mà chính là vì tình cảm trong lòng họ. Đức Phật dạy ta cách đối trị là hãy khởi tâm yêu thương đồng loại không có điều kiện, một tình thương không phải chỉ dành cho người dễ thương. Chỉ có bậc A-la-hán, kẻ đã hoàn toàn Giác Ngộ- là người có thể hoàn toàn dễ thương. Ngoài ra, ai cũng có tánh xấu nào đó. Không ích lợi gì để chỉ nghĩ đến những tánh xấu của tha nhân; tánh xấu cần đưọc để ý đến là tánh xấu của chính bản thân mình. Mọi tánh xấu đều giống nhau, cái khác là số lượng.

Tà ngữ không chỉ là lời chưởi mắng; mà có thể là lời không tử tế, lời châm chích, lời tự cao, tự đại. Tất cả đều là tà ngữ. Bằng cách luôn tự xét mình, ta có thể diệt bỏ chúng, để thanh tịnh hóa tâm.

Chánh ngữ có nghĩa là không nói dối, không nói sau lưng người, không nói lời ác hay chưởi rủa người, không thóc mách, không nói chuyện vô ích, không xúi người này chống báng người khác. Trừ khi ta có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, còn lại ta cần phải trao dồi lời nói sao cho có hiệu quả, mà không xảy ra những điều bất như ý, nếu không, chứng tỏ là ta chưa hiểu đưọc những lời dạy của Đức Phật về lời nói. Những điều dạy này của Đức Phật rất quan trọng cho tất cả chúng ta.


Chương 10
Biết Chấp Nhận Mình

Rầt lạ là có nhiều người không biết thương chính bản thân. Có lẽ do họ nghỉ rằng thương yêu chính bản thân là điều dễ làm nhất trên đời này, vì ai cũng lo cho mình là trước nhất. Thật vậy, lúc nào mà ta không lo xem ta có bao nhiêu của cải, công việc của ta thế nào, sức khỏe ta ra sao. Đức Phật đã nói rằng: "Chư ngã độc tôn' mà. Vậy tại sao ở đây ta lại nói yêu thương mình là khó?

Biết yêu thương mình không có nghĩa là dễ dải với chính mình. Nhiều người không thể chịu đưọc một số tánh nết trái khoáy của chính bản thân họ. Trong mỗi người chúng ta đều có biết bao tánh khí riêng, có cái ưa, có cái ghét cần phải đưọc buông bỏ. Tuy nhiên khi tự xét mình, ta thường bằng lòng với những cái tốt của mình, và che dấu đi cái xấu. Không muốn chấp nhận chúng. Dễ dải với bản thân như thế sẽ không giúp ta tiến xa đưọc trên con đường tìm đến chân như.

Một hành động sai lầm nữa là tự dằn vặt mình vì những lổi lầm mình đã tạo ra, khiến cho tình thế càng thêm xấu. Điều này chỉ mang đến cho ta sự sợ hãi, đôi khi dẫn đến rối loạn, mất thăng bằng. Nếu chúng ta muốn nhìn mình một cách chân thực, thì cũng không nên tự coi mình như hoàn toàn, không hề có mặt tiêu cực nào -những tánh như lấn lướt, sân, tham dục, hay dối gạt. Không dám nhìn vào những tánh xấu này, khiến ta xa rời thực tế, trở nên giả dối, hai mặt. Chúng ta vẫn thường gặp những người có vẻ quá lịch sự, tử tế nhưng đầy giả tạo, che giấu bộ mặt thật của họ.

Đổ lổi cho người khác cũng không đưọc, vì người ta cũng có thể làm thế với mình. Ta thường trách những yếu kém của người khác -dù có thực hay không, hay không coi họ cũng là con người như ta. Chúng ta ai cũng sống trong một thế giới không thực, đầy ngã tưởng, nhưng thế giới của phán xét, trách móc càng không thực hơn nữa, vì nó coi mọi thứ hoặc là quá hoàn mỹ, hoặc quá gớm ghê.

Sự thực là mỗi người chúng ta đều có lục căn: ba căn lành, ba căn ác. Căn ác là tham, sân và si, ngược lại là độ lượng, từ bi và trí tuệ. Nếu trung thực, ta có thể dễ dàng nhìn thấy chúng ở trong ta và ở tha nhân. Mọi hành động của ta đều do lục căn chi phối. Hiểu đưọc như thế ta có thể soi lại mình một cách trung thực hơn, không dằn vặt mình vì những tánh xấu, cũng không tự đề cao những tánh tốt, chỉ chấp nhận sự có mặt của chúng trong ta. Nhờ thế ta cũng dễ dàng chấp nhận người khác, thông cảm với họ hơn.

Một thế giới phân chia rạch ròi giữa trắng đen, giữa người tốt, kẻ xấu thực ra không thể có; chỉ có bậc A-la-hán là hoàn toàn thánh thiện. Còn ở chúng sanh thì tùy vào mức độ tốt xấu khác nhau. Sự khác biệt giữa chúng ta về cái xấu, cái tốt rất ít, không đáng kể. Ai cũng phải thực hành giống nhau, vun trồng những tánh tốt và nhổ bỏ những cái xấu.

Chúng ta có vẻ khác nhau, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Tất cả chúng ta đều đối mặt với những vấn đề chung, cùng có những khả năng giải quyết giống nhau. Chỉ khác nhau trong quá trình luyện tập. Khi đã tu tâm trong một số kiếp, ta có thể nhìn đưọc điều đó rõ hơn.

Tâm sáng suốt có đưọc là do đã thanh lọc đưọc các cảm thọ, là điều không dễ thực hiện. Chúng ta chỉ có thể thực hiện đưọc, khi không đồng hóa mình với những tình cảm lúc vui, lúc buồn. Khi chúng ta có thể thấu suốt các cảm thọ của mình, coi đó là một trong những phận sự ta phải thực hiện cho chính mình, lúc đó những sợi dây bám víu đưọc tháo gở, những ý nghĩ như 'Tôi thật tốt", hay "tôi thật tệ" có thể đưọc dẹp tan. Mỗi người là một chúng sanh với đầy những triển vọng cũng như trở ngại. Nếu chúng ta có thể chấp nhận, thương yêu 'con người này' với những ưu và khuyết điểm của nó, thì chúng ta cũng có thể chấp nhận, thương yêu kẻ khác một cách trung thực, và lợi ích. Nhưng nếu chúng ta có tâm phân biệt, chỉ biết yêu những ưu điểm mà không chấp nhận những thứ khác, thì chúng ta mãi mãi xa rời thực tế. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải chấp nhận mọi thứ như chúng hiện hữu. Chúng ta là 'môi trường đào tạo' (kammatthana) của chính mình.

Nếu chúng ta cũng biết nhìn mình bằng con mắt như thế, ta sẽ biết thương yêu bản thân một cách trọn vẹn -như chúng ta hiện hữu - giống như Đức Phật đã dạy, 'một người mẹ không kể đến tính mạng mình, thương yêu, bảo vệ con'. Nếu chúng ta muốn có cái nhìn trung thực về mình, để vươn lên, thì chúng ta cần phải là người mẹ hiền của chính mình. Một người mẹ có ý thức có thể phân biệt hành động tốt, xấu của con, nhưng bà vẫn không ngừng yêu con, dầu khi nó không phải là đứa trẻ ngoan. Đây có thể là điều quan trọng nhất ta cần phải lưu tâm. Tất cả mọi người, cũng có những lúc, phạm phải sai lầm ở thân, khẩu, ý -nhiều nhất là ở ý, trung bình là ở khẩu, hành động lại ít hơn. Trong những trường hợp đó chúng ta làm gì? Người mẹ sẽ làm gì? Người mẹ sẽ khuyên con đừng tiếp tục hành động như thế, khẳng định tình thương của mình luôn dành cho con, nhưng kết quả thế nào, cuối cùng vẫn tiếp tục bổn phận làm mẹ của mình, nuôi dưỡng con cái. Có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu tự nuôi dưỡng thân.

Tất cả quá trình này là để dạy dổ đứa con trưởng thành. Có trưởng thành mới có trí tuệ, là điều buồn thay không quan hệ gì đến tuổi tác. Nếu không, thì dễ lắm rồi, sự thành công là một bảo đảm của tương lai. Nhưng trên thực tế, ta cần phải phấn đấu rất nhiều mới đạt đưọc trí tuệ, và điều đó đòi hỏi sự phấn đấu của từng cá nhân. Trước hết ta bắt đầu bằng cách luyện tập nhận thức, sau đó là chấp nhận chính mình, không đánh giá, kết tội. Bước thứ ba là sửa đổi. Có lẽ đối với nhiều người, vấn đề nhận thức là gian khổ, khó khăn nhất -không phải dễ biết những gì đang diễn biến bên trong nội tâm ta. Đó là điểm quan trọng nhất và thú vị nhất trong thiền quán.

Chúng ta cần sống một cuộc đời đầy quán chiếu, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải ngồi thiền suốt cả ngày. Một cuộc sống quán chiếu có nghĩa là ta xem tất cả những gì đang xảy là một phần của kinh nghiệm sống, cần đưọc học hỏi. Trong tất cả mọi trường hợp ta luôn quay vào, đối mặt với nội tâm của chính mình. Khi chúng ta hướng ra ngoài -khi ta dẫy đầy 'sức sống trẻ' như Đức Phật đã nhắc đến, và để cả thân, khẩu và ý của chúng ta vào những chuyện thế gian, ta cần phải tự thức tỉnh, để quay lại trở vào trong. Một cuộc sống quán chiếu đối với một vài tôn giáo là cuộc sống hoàn toàn hướng đến tôn giáo. Trong đạo của chúng ta, đó là sự kết hợp giữa đạo và đời. Một cuộc sống quán chiếu không bao giờ ngừng nghỉ. Bề ngoài, ta vẫn hành động bình thường, dầu có hay không có sự kiềm chế. Sự trầm ngâm, lắng đọng là yếu tố quan trọng nhất của quán chiếu nội tâm. Không cần phải ngồi yên cả ngày, để theo dõi hơi thở. Nhưng mỗi hành động, mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói đều đưọc ý thức.

Làm đưọc như thế sẽ giúp ta có một nội tâm vững chắc, nhưng không xa rời thực tế. Nhiều người ao ước, mong muốn đưọc có sự vững chải này, nhưng không biết làm thế nào để diễn tả, nói gì đến chứng nghiệm nó. Sống trong mộng ảo, sống trong sợ hãi, hoài vọng không bao giờ ngừng, không cho phép nội tâm ta đưọc trưởng thành. Cảm giác an toàn sẽ phát sinh khi ta có thể đối diện với chính mình một cách trung thực, nhìn người khác một cách trung thực, và biết chấp nhận tất cả.

Đức Phật đã nói tất cả chúng sinh đều có bảy đặc tính: tham dục, sân, tà kiến, mạn nghi, tự cao, chấp ngã và vô minh. Khi nhận ra sự hiện hữu của chúng trong ta, hãy tự nhủ: Ta biết người rồi, ta sẽ tự sửa đổi.

Cuộc sống trầm tư thường có vẻ nặng nề, u uất. Không có niềm vui, ta thường bù đắp bằng cách hướng ra ngoài. Nhưng làm thể không đưọc. Trái lại, ta cần tìm những nguồn vui nhẹ nhàng hơn cho nội tâm. Không có gì đáng phải lo âu, sợ hãi, không có gì quá khó khăn. Pháp có nghĩa là luật tự nhiên, và chúng ta luôn chịu ảnh hưởng của chúng trong cuộc sống. Dầu ở đâu, ta cũng là Pháp, ta là vô thường (anica), là khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Dầu đang ngồi đây hay ở trên cung trăng, cũng giống nhau cả. Chúng ta không nên nghiêm trọng quá những vấn đề của mình hay của người khác. Không cần phải bộc lộ ra bên ngoài, nhưng luôn suy gẫm ở bên trong với một chút khôi hài. Có lẽ đó là cách tốt nhất. Nếu chúng ta có thể tự chế diểu mình, hẳn là ta sẽ dễ chấp nhận chính mình hơn. Và cũng dễ chấp nhận người khác hơn.

Ở Mỹ, trước kia có chương trình TV gọi là "Con Người Buồn Cười" (Funny People). Đúng là chúng ta có những phản ứng kỳ dị nhất. Khi nhìn lại, phân tích ra, đôi khi ta thấy chúng thật là kỳ quặc. Chúng ta có những ước muốn lạ kỳ, những hình ảnh thiếu trung thực về chính mình. Con người thật buồn cười -đúng là có vậy- thế thì sao ta không nhìn thấy những khía cạnh đó của mình? Như thế sẽ khiến ta dễ chấp nhận những gì ta thấy khó chấp nhận ở trong ta và tha nhân.

Một đặc tính của cuộc đời là ta không thể thay đổi nó: cuộc đời cứ tiếp tục diễn ra. Tất cả chúng ta đã hành thiền ở đây một thời gian, nhưng thế giới bên ngoài có ai biết đến? Cuộc đời vẫn cứ đi tới. Chỉ có tâm ta là biết đến, là bị tác động. Khi có sự lo lắng, xáo trộn, ảo tưởng, thì đồng thời cũng có khổ đau. Nhưng không cần phải như thế. Hãy cứ để mọi chuyện như như. Nếu chúng ta có thể thay đổi để nhìn mọi việc xảy ra với tâm hỉ xả, thì việc thanh tịnh hóa tâm ta sẽ dễ dàng hơn. Đó là việc ta cần làm, đó là sự thanh tịnh hóa của chính mình, mỗi người phải tự thực hiện lấy.

Nếu chúng ta có thể nhớ mình đã làm gì, ngày này qua ngày khác, không xao lãng, kiên trì hành thiền mà không kỳ vọng vào những kết quả to tát, dần dần tâm thanh tịnh sẽ đến với ta. Cũng như mọi thứ, hãy để sự thanh tịnh cũng như như. Khi chúng ta càng bớt dần các thói hư tật xấu, ta sẽ càng nhận thấy rằng chúng không mang đến cho ta sự tốt đẹp, sung sướng nào. Đâu có ai không muốn buông bỏ khổ đau. Và dần dần, ta không còn thấy cần phải làm gì hơn là lo rèn luyện tâm. Khi đó, ta biết rằng sự chuyển đổi tâm đã dần hình thành. Điều đó có thể không dễ dàng xảy ra, nhưng nếu ta đã sinh diệt qua bao kiếp sống, thì một ngày, một tháng, một năm hay mười năm nữa có là bao?

Không cần phải làm gì hơn thế nữa, không cần phải chạy tìm kiếm lăng xăng. Trái đất vẫn chuyển động theo một quỷ đạo, cũng như cuộc đời ta chuyển dịch từ sinh đến tử. Tất cả đều xảy ra dầu ta có muốn hay không. Điều duy nhất ta cần phải làm là nhận ra và hiểu đưọc thực tại đó. Có như thế ta mới cảm thấy dễ thương yêu chính mình và tha nhân, vì đó là công việc của con tim -để thương yêu. Ngoài ra, nếu ta cũng nhìn ra đưọc những khía cạnh còn yếu kém của mình để sửa đổi, thanh tịnh hóa tâm, thì ta không cần phải có một nỗ lực nào khác, cái đẹp của nội tâm cũng phát sáng ra ngoài.

Quay trở vào bên trong là một đặc tính quan trọng của cuộc sống trầm tư quán chiếu. Bất cứ điều gì xảy ra bên trong tâm ta đều ảnh hưởng đến tất cả những gì xảy ra ở ngoài ta. Ngọn đèn nội tâm và sự trong sáng bên trong không thể che giấu đưọc, cũng như các tánh xấu của ta.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể tỏ ra là một người khác. Đâu biết rằng đó chỉ là hoài công. Đức Phật dạy rằng chỉ cần nghe một người nói nhiều chuyện hay sống với họ một thời gian, ta sẽ biết rõ họ là ai. Con người thường cố tỏ ra là một người tốt hơn con người thực của họ. Rồi khi thất bại, họ thất vọng với chính mình và người chung quanh. Hiểu đưọc bản thân một cách chân thật, từ bi sẽ khiến lòng ta thấy nhẹ nhàng, đem lại niềm vui cho nội tâm. Chấp nhận mình và kẻ khác đúng như bản thể của ta, sẽ khiến cho việc thanh tịnh hóa tâm, đoạn trừ cấu uế, trở nên là một công việc dễ dàng hơn nhiều.


Chương 11
Lý Tưởng Cô Độc

Trong kinh Nipata, có bài giảng về Cái Sừng Con Tê Giác (Rhinoceros Horn), trong đó Đức Phật so sánh vị thánh sống một mình với chiếc sừng của các con tê giác. Đức Phật đã tán thán cuộc sống một mình, và lập lại ở mỗi đoạn của bài kinh điệp khúc: "Chiếc sừng tê giác, lang thang một mình".

Có hai loại cô độc, một về tâm (citta-viveka), và một thuộc về thân (kaya-viveka). Ai cũng biết về sự cô đơn của thân. Đó là khi ta ở một mình trong phòng hay trong hang, hoặc khi ta bảo với người thân ta cần đưọc ở một mình. Nhiều người thường thích đưọc ở một mình trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng khi phải ở một mình lâu hơn, do ta khó hòa đồng với người khác hay sợ đối mặt với người khác vì ta không yêu thương họ, ta thường thấy cô đơn trong những trường hợp như vậy.

Khi ta sống trong gia đình hay trong cộng đồng, ta khó đưọc yên thân một mình. Nhưng mỗi ngày, ta cần tìm thời gian để đưọc có những giờ phút thật sự một mình. Đó cũng là một loại tĩnh lặng. Tâm tĩnh lặng góp phần không nhỏ vào sự tu tập của ta. Nếu không có tâm tĩnh lặng, ta khó có thể biết ta cần phải thay đổi như thế nào khi quán sát nội tâm.

Tâm tĩnh lặng trước hết và quan trọng hơn hết là không đưọc tùy thuộc vào người khác để đưọc chấp nhận, được có một chỗ dựa, một liên hệ tình cảm nào đó. Nhưng cũng không có nghĩa là ta phải quay lưng lại với mọi người, nó chỉ có nghĩa là ta cần đưọc độc lập về tinh thần. Tâm tĩnh lặng là tâm mạnh mẻ, vì người có tâm đó có thể giữ cho nó không xao động. Người ấy có thể sống một mình, quay trở vào nội tâm, mà vẫn có thể thương yêu người khác. Nếu tha nhân có tử tế với họ, cũng tốt. Nếu ngược lại, cũng đưọc thôi. Người có tâm tĩnh lặng dầu đang ở giữa đám đông cũng vẫn như đang ở một mình. Dầu đám đông đó có hỗn loạn, hung dữ, ta vẫn có thể quay trở vào trong ta, vẫn có thể yêu thương họ mà không bị đám đông làm xao động.

Chiếc sừng trên đầu con tê giác thẳng đứng, cứng chắc khó thể bẻ cong đưọc. Tâm của ta có đưọc thế không? Tâm tĩnh lặng giúp ta dứt bỏ đưọc những cuộc đàm thoại vô ích. Những cuộc đàm thoại không có đề tài, cũng giống như hơi bốc lên từ lò nấu, rất tai hại đến sự phát triển tâm linh. Khi chúng ta không thể giử hơi nóng trong các nồi nấu, thì thức ăn khó thể đưọc nấu chín. Sự tu tập của ta cũng giống như việc giử cho hơi nóng không bị bốc hơi. Nếu hơi nóng cứ bị tắt đi, tắt lại, thì quá trình hoạt động của nội tâm sẽ bị gián đoạn. Tốt hơn hết là hãy giữ cho sức nóng đừng lan tỏa. Có lẽ đó là điều chúng ta cần làm nhất.

Đôi khi ta lo sợ "Người ta đang nói xấu tôi!" Điều đó không quan trọng- chúng ta là chủ của nghiệp mình mà. Nếu ai đó nói xấu ta, đó là nghiệp của họ. Nhưng nếu ta nổi lòng sân, thì đó là nghiệp của ta. Nếu còn quan tâm đến những điều người khác nói về mình, tức là ta còn tùy thuộc vào sự khen chê của người. Nhưng ai khen chê ai đây? Không lẽ là năm uẩn -sắc, thọ, tưởng, hành và thức- khen chê? Hay tóc, hay răng hay da?

Nếu ta không thể tìm đưọc sự tĩnh lặng nơi nội tâm, nơi không có mảy may xao động nào, thì ta sẽ chẳng bao giờ thấy yên ổn, tự tại. Không có ai, ngay cả Đức Phật, đều đưọc tất cả mọi người yêu mến. Vì chính tự ta cũng đầy cấu uế, nên chúng ta cũng luôn đi bới tìm cái xấu của người. Những thứ chẳng đáng để ta quan tâm. Điều quan trọng hơn là cần phải có chánh niệm, tỉnh giác với những gì chúng ta đang làm, đang nghĩ, đang cảm thọ. Nhưng điều đó dễ quên làm sao! Lúc nào cũng có những công việc khác lôi kéo chúng ta như là chuyện trò với bè bạn, hay nhâm nhi bên tách trà. Vì cuộc sống, vì thế giới là như thế đó, nên con người sống trong thế giới đó cũng luôn khổ đau. Trái lại con đường đạo của Đức Phật dẫn dắt chúng ta ra khỏi thế giới đó để đến đưọc chân hạnh phúc.

Đời sống tâm linh cô độc là một đời sống không phụ thuộc vào quá khứ và tương lai, chỉ có đứng thẳng người và bước tới một mình. Nếu bám víu vào tương lai, ta sinh ra lo âu. Còn đeo đuổi quá khứ, lại sinh ra tham ái hay sân hận.

Sự đơn độc chỉ thực sự đưọc chấp nhận khi nội tâm ta đã đưọc an bình. Nếu không sự cô đơn sẽ khiến chúng ta đi tìm cái để khỏa lấp nỗi trống không, lạc lỏng. "Mọi người biến đâu hết cả rồi? Làm sao tôi chịu nổi nếu không có bạn bè? Tôi cần chia sẻ, tâm sự với ai đó". Chánh niệm sẽ không để những tư tưởng như thế xảy ra trong đầu ta, vì chánh niệm giữ ta trong giờ phút hiện tại, nên ta chẳng thể nghĩ tới tương lai, hay quá khứ. Chánh niệm khiến ta không lơi lỏng, giúp ta tránh bớt lổi lầm. Càng có nhiều chánh niệm, tai nạn càng ít xảy ra. Những lổi lầm vụn vặt sẽ biến mất trên con đường tâm linh. Nhưng khi thiếu chánh niệm ta sẽ gây ra nhiều khổ đau cho chính mình, ta lại tìm kiếm ai đó để đổ lổi hay để giải sầu.

Sự cô đơn lý tưởng có thể phát khởi khi ta một mình hay giữa đám đông mà vẫn giữ đưọc tâm bình lặng, không bị những phiền não của người khác ảnh hưởng đến mình. Chúng ta có thể phản ứng tùy theo hoàn cảnh, nhưng không để bị xao động. Tất cả chúng ta đều có đời sống nội tâm của riêng mình, nhưng ta chỉ nhận ra đưọc điều đóù khi tâm dừng hết những lăng xăng, để ta có thể hướng vào bên trong. Một khi ta đã nhìn ra đưọc những gì xảy ở bên trong ta, chắc chắn ta sẽ muốn thay đổi chúng. Chỉ có bậc đại Giác Ngộ -một vị A-la-hán- mới có tâm hoàn toàn không cần phải chuyển hóa. Tâm căng thẳng, thiếu tĩnh lặng sẽ khiến ta phải chạy tìm ai đó giải thoát ta ra khỏi khổ đau, đâu hay rằng chỉ có ta mới tự cứu đưọc bản thân.

Tâm độc lập cũng khởi sinh đưọc những ý tưởng độc đáo, sâu sắc, trong khi tâm bám víu chỉ có những suy nghĩ theo ước lệ, vì loại tâm này rất cần đưọc khen tặng, chấp nhận. Tâm trần tục chỉ có thể hiểu những điều tầm thường, không thể nào hiểu đưọc giáo lý sâu xa của Đức Phật.

Giá trị đích thực của tâm độc lập là không đổi dời. Như một cây đại thụ, nó chẳng thể lung lay, và cũng không cần dựa vào ai mới có thể đứng thẳng. Nếu tâm thiếu sinh lực, thiếu sức sống độc lập của riêng mình, thì tâm đó cũng khó có sức mạnh, sự quyết tâm để hành theo Phật pháp. Tâm tự tại, không sợ khổ đau, có thêm một lợi điểm nữa là trí nhớ tốt, nó có thể nhớ rất nhiều thứ.

Mỗi ngày ta cần thực hành bằng cách dành thời gian cho riêng mình để soi rọi lại nội tâm, để suy gẫm. Đọc sách báo, chuyện trò hay nghe ngóng đều là những hình thức của sự trao đổi, nhiều khi cũng cần thiết. Nhưng thiết yếu là phải có thời gian để tự vấn mình: Điều gì đang xảy ra trong tôi? Tôi đang suy nghĩ gì? Tốt hay xấu? Tôi có thể tự tại với chính mình không? Tôi có lo nghĩ về cái tôi của mình nhiều quá không? Tôi có sống theo Phật pháp hay sống theo bản năng?

Sức khỏe, của cải, tuổi trẻ không giúp ta thoát khỏi khổ đau. Nhưng chúng có thể khéo che đậy khổ đau hơn. Đến lúc tuổi già, sức yếu hay nghèo khó, ta mới thấy rõ hơn những đau khổ của kiếp con người. Khi một mình, đó là lúc để ta tự tìm hiểu về mình. Ta có thể suy gẫm về những pháp đã đưọc nghe, để có thể thực hành những gì mà ta thấy có ý nghĩa nhất cho chính mình.

Một cộng đồng có những người hiểu Pháp là một nơi lý tưởng để tu tập. Trong cộng đồng đó cũng có những sinh hoạt tập họp, cầu nguyện. Nhưng tất cả phải do vì lòng từ bi, chứ không phải vì ta muốn chạy trốn những khổ đau. Lần sau, khi bắt chuyện với ai, ta hãy trước hết tự hỏi: Tại sao tôi muốn có cuộc nói chuyện này? Có thật sự cần thiết không hay chỉ vì tôi buồn, tôi muốn chạy trốn những vấn đề của mình?

Trí tuệ sáng suốt là một yếu tố tinh thần cộng với chánh niệm sẽ giúp chúng ta biết đưọc mục đích và hướng đi của mình. Chúng ta sẽ biết xét xem lời nói hành động của mình có đúng mục đích không, xét xem chúng ta đang sử dụng những phương tiện thiện xảo hay chúng ta đã đạt đưọc nguyện vọng ban đầu của mình. Không có đường hướng, mục đích rõ ràng, sẽ sinh ra nói chuyện phiếm, tán gẫu. Ngay trong khi ngồi thiền, tâm cũng 'tán gẫu', đó là vì tâm thiếu đưọc luyện tập. Khi chúng ta thực hành với trí tuệ sáng suốt là chúng ta biết ngưng lại, quán sát về hoàn cảnh, dữ kiện trước khi bắt tay vào việc gì. Điều đó có thể giúp ta có đưọc một thói quen thiện xảo, khó thể tìm thấy trên đời.

Một khía cạnh nổi bật của giáo lý Đức Phật là sự dung hòa giữa sự hiểu biết rốt ráo và chánh niệm. Đức Phật thường nói đến hai yếu tố này như một liều thuốc chống khổ đau, nhưng chúng ta cần thực tập bằng những việc làm nhỏ mọn hằng ngày như: học một điều mới, nhớ lại một câu pháp, học thuộc một câu kinh, có đưọc cái nhìn mới về chính mình; nhận thức đưọc những khía cạnh cuộc đời. Một tâm như thế chắc chắn sẽ có thêm sức mạnh và sự tự tin.

Buông bỏ là cách tốt nhất để có đưọc tự tin. Ta biết rằng ta có thể tồn tại mà hầu như không cần đến bất cứ thứ gì, kể cả thức ăn, trong một khoảng thời gian nào đó. Có lần Đức Phật đến một làng nơi đó không ai có lòng tin vào Đức Phật. Không ai trong làng để ý đến Ngài, vì vậy Ngài không nhận đưọc thức cúng dường nào cả. Đức Phật đi ra xa khỏi làng, xếp đệm cỏ, ngồi thiền. Một đạo sư khác, thấy Đức Phật không nhận đưọc gì, nên an ủi Ngài: "Hẳn Ngài buồn lắm vì không có gì để ăn. Cũng không có chỗ tốt để ngủ". Đức Phật trả lời: "Ta sống bằng niềm vui. Niềm vui nội tâm có thể giúp ta no nhiều ngày".

Chúng ta cũng có thể sống không cần rất nhiều thứ, nếu chúng ta tự ý buông bỏ chúng. Nếu ai đó muốn chiếm đoạt sở hữu của ta, ta sẽ chống trả, đó là khổ đau. Nhưng khi chúng ta thực hành hạnh xả bỏ, tâm ta sẽ mạnh mẻ lên, không dễ bị xao động. Lòng tự tin thực sự giúp ta dễ xả bỏ hơn.

Đức Phật không khuyên chúng ta nên theo những hình thức khổ hạnh cực đoan. Nhưng chúng ta có thể buông bỏ nhiều thứ -thí dụ thay vì buổi chiều ngồi nói chuyện phiếm, ta dùng thời gian đó để tĩnh tâm. Khi làm đưọc những điều đó, tâm thấy hoan hỉ vì sự nỗ lực của mình. Càng nhiều nỗ lực, càng có thêm nhiều niềm vui.


Chương 12
Tâm Bình An

Hạnh phúc cũng có nghĩa là bình an, thanh tịnh, nhưng thường ít ai nghĩ đến điều đó. Trái lại trạng thái bình an,thanh tịnh lại bị coi là "nhàm chán" , 'không có gì xảy ra', sự vắng mặt của phát triển, sinh động. Mà đâu phải bình an, thanh tịnh có mặt ở khắp mọi nơi. Trạng thái đó rất khó có đưọc, nhưng cũng không mấy ai bỏ công kiếm tìm. Vì có lẽ sự bình an thanh tịnh tựa như thiếu sức sống, như phủ nhận cái ngã tối thượng của con người. Chỉ có các hành giả tha thiết với đời sống tâm linh, mới quan tâm, mới tìm kiếm sự bình an, thanh tịnh.

Bản năng tự nhiên của con người là tìm cách tôn vinh mình, trái ngược với một cực đoan khác là lòng tự ty. Những kẻ giàu lòng tự cao, thì khó thể tìm đưọc sự bình an. Lúc nào họ cũng phải tranh hơn thua với mọi người chung quanh: "Ai làm đưọc điều gì, thì tôi cũng làm đưọc tốt hơn như thế". Nhung khi thấy thực tế không phải là thế, thì đổi lại là: "Bất cứ chuyện gì bạn làm, tôi cũng không thể làm tốt bằng". Trong cuộc đời, có ai, không có lúc phải thừa nhận rằng có những việc mình phải thua kém người khác, dầu đó là quét đường hay viết sách.

Mặc cảm tự tôn hay tự ti, đều không mang lại sự bình an. Sự phô trương tài năng hay mặc cảm thiếu sót, kém cỏi tài năng, đều khiến lòng ta không yên. Lúc nào ta cũng cảm thấy phải tìm kiếm, chờ đợi một kết quả nào đó, qua sự tán thưởng khen ngợi hay chê bai của người khác. Khi bị chê bai, trong ta dường như có cả một cuộc chiến tranh, nhưng với lời khen ngợi, thì ta lại như một kẻ thắng trận.

Trong chiến tranh, không bao giờ có người chiến thắng, chỉ có những kẻ thất bại. Không cần biết ai là người phải ký bảng hòa ước trước, cả hai phe đều thua trận. Cũng thế, nếu bạn cảm thấy mình là người chiến thắng, kẻ mạnh hơn, người hiểu biết hơn, thông minh hơn, bạn cũng không thể tìm đưọc sự bình an, vì chiến tranh và hòa bình không đi đôi với nhau.

Cuối cùng người ta tự hỏi rằng: Có ai thực sự muốn tìm sự bình an? Có ai thực sự tìm đưọc nó không? Ta cần phải quay vào bên trong, soi rõ tâm mới có thể tìm đưọc câu trả lời. Hành động tự vấn này không phải dễ làm. Đối với nhiều người, dường như có một cánh cổng sắt nặng nề đóng kín cửa ngõ tâm. Họ không bao giờ biết đưọc điều gì đang xảy ra bên trong họ. Nhưng tất cả chúng ta đều phải cố gắng tự vấn để xem thật sự mình muốn gì.

Trong những cơn hoạn nạn, khi chúng ta không thiết gì về mặc cảm tự tôn hay tự ti, những lúc đó chúng ta thực sự chỉ cầu mong đưọc bình an. Khi lòng xao động hay mặc cảm tự tôn tự ti đã biến mất, thì điều gì sẽ xảy ra? Có phải lúc đó thực sự chúng ta chỉ mong đưọc bình an? Hay chúng ta mong đưọc trở thành một nhân vật đặc biệt, một người quan trọng, đáng kính?

Là một 'nhân vật' thì sẽ chẳng bao giờ có bình an. Có một giai thoại thú vị về cây xoài như sau. Một vị vua khi cưỡi ngựa qua rừng, Ngài đã trông thấy một cây xoài trĩu quả. Ngài ra lệnh cho quân hầu: "Tối nay hãy trở lại đây hái tất cả xoài đó cho ta". Quân lính ra đi và trở về tay không. Họ thưa: "Tâu Bệ hạ, tất cả mọi quả xoài trên cây đều đã bị hái, chẳng còn gì trên cây cả". Nhà vua cho rằng quân hầu lười biếng đã chẳng muốn trở lại khu rừng kia, nên Ngài tự thân hành cưỡi ngựa trở lại đó. Và nhà vua đã thấy thay vì một cây xoài tươi đẹp trĩu quả, giờ chỉ là một thân cây xác xơ đến tội. Người ta đã bẻ cả các cành cây để hái quả. Khi nhà vua dong ngựa đi xa hơn tí nữa, ngài đã gặp một cây xoài khác xanh tươi đẹp đẻ với lá cành xum xê, nhưng không có quả trái gì trên cành. Chẳng có ai đến gần cây xoài này. Vì không có trái, nên cây xoài đưọc yên thân. Trở về cung điện, nhà vua trao áo mũ, ngai vàng lại cho các quan thần và nói: "Các người hãy gìn giữ quốc gia này, còn ta, ta sẽ vào sống ẩn dật trong rừng kia".

Khi ta không là ai cả, và không có gì cả, ta sẽ không sợ bị tấn công, mất mát, ta sẽ có đưọc sự bình an. Cây xoài trĩu quả không có đưọc một phút yên ổn, vì ai cũng muốn hái đưọc quả của nó. Vì thế, nếu thật sự muốn đưọc bình an, hãy không là ai cả. Không phải người quan trọng, cũng không thông minh, đẹp đẻ, nổi tiếng hay giữ chức quyền gì cả. Mà hãy là người khiêm tốn, ít phô trương, không có nhiều cá tính càng tốt. Hãy nhớ cây xoài không trái đã đưọc đứng bình yên, đưọc giữ lại những cành lá xanh tươi của mình để tỏa bóng mát cho người. Không là ai cả, không có nghĩa là không làm gì cả. Chúng ta vẫn hành động nhưng không phô trương tự ngã, không mong muốn lợi lộc. Cây xoài cho bóng mát, chỉ lặng lẻ tỏa bóng mát, đâu có cần ai biết đến. Đó là một đức tính rất cần thiết cho tâm tĩnh lặng. Nhưng khó có đưọc, vì phần đông chúng ta hoặc ở cực đoan này hoặc ở cực đoan khác, hoặc không làm gì cả, với ý nghỉ rằng: "Không có tôi, xem họ xoay sở thế nào", hoặc phải nắm quyền lãnh đạo, phát biểu ý kiến này nọ.
Là một ai đó, có vẻ quan trọng và đã ăn sâu trong suy nghĩ của ta hơn là có đưọc sự bình an. Vì thế ta cần phải quán sát tâm cẩn thận để biết thật sự ta tìm kiếm điều gì. Ta mong mỏi điều gì trong cuộc sống? Nếu chúng ta muốn làm người quan trọng, muốn đưọc kính trọng, mến yêu, thì cũng phải biết chấp nhận cái giá phải trả. Mọi việc đều có mặt tích cực và tiêu cực của nó, giống như mặt trời thì có bóng. Nếu muốn đưọc cái này, thì phải chấp nhận cái kia, đừng than thở.

Nếu chúng ta thực sự muốn tâm đưọc bình an, muốn có nội lực vững chãi, thì chúng ta phải từ bỏ ý muốn trở thành một nhân vật, một ai đó. Nhưng không phải vì thế mà ta phải đánh mất thân tâm, cái ta mất là lòng ham muốn chứng tỏ sự quan trọng, sự cao siêu của con người đặc biệt mà ta gọi là "cái tôi'.

Tất cả mọi người đều tự coi mình là quan trọng. Nhưng trên trái đất này, có hàng tỉ con người khác, vậy thì có ai là người nghỉ đến chúng ta? Hãy thử đếm xem. Sáu hay tám, hay mười hai, mười lăm trong những con số tỉ này. Có lẽ chúng ta đã phóng đại quá tầm quan trọng của cá nhân mình. Hiểu đưọc như thế, sẽ giúp ta thấy cuộc đời dễ sống hơn.

Muốn đưọc là ai đó rất nguy hiểm. Giống như chơi với lửa, sẽ không tránh khỏi bị phỏng tay. Người khác không phải lúc nào cũng ủng hộ ta. Có người đã thành công trong việc trở thành một ai đó, ví dụ những nguyên thủ quốc gia, nhưng họ đã phải nhờ đến các chiến sĩ bảo vệ, vì mạng sống của họ luôn bị đe dọa.

Giữa bao nhiêu thứ trên đời -tha nhân, cầm thú, vật dụng thiên nhiên hay nhân tạo- chỉ có một thứ ta làm chủ đưọc đó là tâm của ta. Nếu bạn thật sự muốn trở thành ai đó, hãy trở thành con người hiếm có là người có thể làm chủ tâm mình. Trở thành một người như thế không chỉ là đặc biệt mà còn mang đến cho ta nhiều lợi lộc nhất. Một người như thế sẽ không thể rơi vào bẫy của tội lỗi, cấu uế.

Có câu chuyện về Ngài Achaan Chah, một vị thiền sư nổi tiếng ở miến đông bắc Thái Lan. Có lần Ngài bị phê bình là chứa chất nhiều sân hận. Ngài Achaan Chah đã trả lời: "Cũng có thể đúng, nhưng tôi ít sử dụng chúng lắm". Một câu trả lời như thế phải xuất phát từ một con người hiểu rất rõ về cá tính của mình. Đó là một người không để cho lời nói, ý nghĩ, hành động của mình trở nên bất thiện. Một người như thế mới đúng là một nhân vật, một ai đó. Ngài không cần phải chứng tỏ, hay thanh minh với ai, nếu không muốn nói là Ngài không cần phải chứng minh điều gì, vì điều đó đã quá rõ ràng. Ngài chỉ có một ước muốn không di dịch, đó là tâm bình an.

Khi chúng ta đặt sự bình an của tâm lên hàng đầu, làm điều tâm huyết, thì tất cả mọi ý nghĩ, lời nói hay hành động, đều hướng về đó. Tất cả những gì không đem lại sự bình an cho tâm đều bị hủy bỏ. Tuy nhiên ta đừng lầm lẫn điều này với việc lúc nào cũng phải là người đúng, là lẽ phải. Có thể người khác sẽ không đồng ý với ta. Nhưng tâm bình an là của riêng ta. Ta sẽ đạt đưọc điều đó, nếu ta cố gắng tu tập.


Chương 13
Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chiến Tranh Và Hòa Bình -thiên sử ca của nhân loại- là tất cả những gì chứa trong các sử sách, vì đó cũng là những gì đưọc chứa chất trong lòng ta.

Nếu bạn đã từng đọc qua Don Quixote, bạn sẽ nhớ rằng anh ta chỉ chiến đấu với các chiếc cối xay gió, với những kẻ thù tưởng tượng của mình. Don Quixote tự cho rằng mình là một chiến sĩ tài giỏi. Anh ta tưởng tượng rằng kẻ thù là những chiếc cối xay gió mà anh đi qua, và quay ra đánh nhau với chúng. Đó cũng chính là những gì đang xảy ra trong nội tâm ta, và cũng vì thế mà câu truyện này đã đưọc lưu truyền mãi sau này. Đó là câu chuyện của chính chúng ta. Các nhà văn, nhà thơ luôn tìm cách thể hiện những cá tính của con người. Nhưng ta nào có lắng nghe, vì có ai muốn nghe những sự thật không tốt đẹp về mình. Chính ta phải tự khám phá ra sự thật đó thôi, nhưng cũng không mấy ai làm đưọc điều đó.

Chiến đấu với cối xay gió, có nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta đấu tranh với những gì không quan trọng hay không thực có, chỉ là những kẻ thù, những chiến trận trong tưởng tượng -những chuyện vụn vặt mà ta tự biến thành quan trọng, và giữ mãi trong lòng. Ta tự nhủ: "Tôi không thể chịu đựng nỗi", thế là ta phải phản kháng; "Tôi không ưa hắn", thế là một cuộc chiến tranh xảy ra; "Tôi bất mãn", thế là một cuộc chiến sôi sục khởi lên trong lòng ta. Trong lúc chúng ta cũng chưa thực hiểu mình không vừa lòng với điều gì. Thời tiết? Món ăn? Tha nhân? Công việc? Thú vui? Nơi chốn? Có lẽ là bất cứ lý do gì cũng đưọc. Tại sao điều đó lại xảy ra cho ta? Tất cả là vì chúng ta không muốn buông xả để trở thành con người thật sự của mình, đó là không là ai cả. Nhưng có ai muốn làm thế đâu.

Ai cũng muốn mình phải là người quan trọng, người hiểu biết, người có ý kiến quan điểm thế này, thế nọ, dầu tất cả cũng chỉ giống như chàng Don Quixote với những chiếc cối xay gió. Chúng ta đôi khi còn khăng khăng đeo bám cả những tà kiến, chỉ vì điều đó khẳng định đưọc một cái 'tôi' to lớn. Chúng ta nghĩ rằng không là ai cả, không có gì cả, thì cuộc đời đáng buồn biết bao. Đâu biết rằng, khi đã tự khám phá ra sự thật, ta sẽ thấy rằng làm đưọc như thế, ta cảm thấy hạnh phúc, tự do biết bao. Nhưng chỉ vì chúng ta sợ bị những chiếc cối xay gió tấn công, chúng ta đã chẳng muốn buông bỏ những ảo tưởng của mình.

Tại sao chúng ta khó tìm đưọc cuộc sống bình an trong đời? Thưa, vì không ai muốn buông bỏ khí giới cả. Không có đất nước nào sẳn sàng ký hiệp ước buông bỏ vũ khí hoàn toàn. Ai cũng trách cứ sự kiện đó, nhưng chúng ta có tự xét lại xem mình có buông bỏ vũ khí chưa? Nếu chính chúng ta còn chưa thể làm đưọc, trách gì ai? Không ai muốn làm người đầu tiên buông bỏ vũ khí, vì sợ bị người khác tấn công. Có vậy, thì đã sao? Nếu không có cái ngã, làm gì có sự chinh phục? Làm gì có sự chiến thắng trước cái vô ngã? Hãy để những ai thích gây chiến, thắng cuộc, việc quan trọng là ta có đưọc tâm bình an.

Ở bên ngoài ta nhận biết chiến tranh vì sự bạo động, hung hãn, tàn sát lẫn nhau. Nhưng làm sao ta nhận biết chiến cuộc trong lòng ta? Mỗi chúng ta chứa một kho vũ khí bên trong: đó là lòng sân hận, oán thù, tham ái. Chúng ta tự làm tổn thương mình bằng chính những vũ khí đó. Bằng cớ là ta khó tìm đưọc sự bình an trong nội tâm. Đôi khi ai đó đến gần ta, trong tầm đạn và cũng bị thương tổn; đôi khi một trái bom nào đó nổ bên trong ta, tạo ra bao điêu tàn.

Chúng ta hãy cứ tự xét lại xem ta có thực sự cảm thấy trong lòng bình an, vui vẻ không. Thiếu vắng niềm vui ở nội tâm, nhiều người tìm kiếm chúng ở bên ngoài. Đó là lý do dẫn tới chiến tranh. Lúc nào cũng là do lỗi của nước khác, hoặc nếu không tìm ra lỗi, thì đổ cho nhu cầu phải mở mang, nhu cầu phải có đất đai để trị vì. Đối với cá nhân, thì người ta đi tìm kiếm thêm thú tiêu khiển, thêm các trò vui, những sự hưởng thụ. Nếu không tìm đưọc mục tiêu để đổ lổi, thì ta tin rằng đó là những nhu cầu không đưọc thoả mãn.

Rất ít người trong chúng ta biết rằng những chiếc cối xay gió ta đang chạy đuổi theo chỉ là ảo ảnh, chúng sẽ tan biến đi ngay nếu ta không dung dưỡng cho chúng thêm sức mạnh, thêm quan trọng. Rằng ta có thể mở rộng lòng khoan dung, không sợ hãi, dần dần buông bỏ, bớt chấp chặt vào quan điểm, ý kiến, thói quen hành động. Khi tất cả những thứ đó đã phai nhạt, ta còn lại gì? Một không gian rộng lớn tràn đầy để ta có thể chứa đựng những gì ta muốn có. Nếu khôn ngoan, ta sẽ chứa đựng trong đó những từ bi hỉ xả. Vậy là ta sẽ không còn gì phải tranh đấu nữa. Chỉ còn có niềm vui và an bình. Nhưng điều đó ta không thể tìm kiếm ở thế giới bên ngoài. Tất cả đều phải đưọc bắt đầu từ bên trong nội tâm chúng ta và lan tỏa ra ngoài. Không thể có trường hợp ngược lại. Nếu ta không hiểu rõ điều đó, ta sẽ mãi còn lang thang trên đường viễn chinh.

Hãy tưởng tượng ra những ngày tháng của các cuộc viễn chinh thập tự! Đã có bao hiệp sĩ đổ hết cả của cải vào việc trang bị cho mình những vũ khí tối tân nhất, sắm sửa những chiến mã và quân lính thiện chiến nhất, để rao truyền tôn giáo đến những kẻ vô đạo. Có nhiều người đã bỏ mình ngoài chiến trận hay vì kiệt sức, những người còn lại, dầu có đặt chân đưọc đến đất thánh, cũng không mang lại kết quả gì, ngoài mầm móng chiến tranh. Ngày nay, nhìn lại, ta thấy những việc làm đó thật là điên rồ, nực cười.

Vậy mà ta cũng làm như thế ngay trong cuộc sống của mình. Thí dụ, nếu có ai đọc lại những dòng nhật ký của mình, viết về những thất vọng, khổ đau của chính mình trong vài ba năm trước, giờ hẳn cũng thấy tự buồn cười. Chúng ta không thể nhớ tại sao lúc đó chúng lại quan trọng đến thế. Nhưng chúng ta vẫn không ngừng làm những việc ngốc nghếch đó đối với bao chuyện vụn vặt hằng ngày, chúng ta vẫn đổ bao sức lực cố gắng để uốn nắn mọi thứ theo ý muốn của mình. Nếu ta có thể bỏ qua tất cả các tâm hành đó để dốc tâm trí vào những việc thật sự quan trọng không tốt hơn sao? Chỉ có một điều quan trọng đối với tất cả mọi chúng sanh, đó là tâm bình an, hạnh phúc. Đó là thứ không thể mua, không thể kiếm tìm hay ban tặng. Ramana Maharshi, một vị thánh ở miền nam Aán độ, đã nói: "Không phải ai sinh ra cũng đưọc bình an, hạnh phúc. Muốn đưọc như thế, con người cần phải nỗ lực kiên trì".

Nhiều người lầm tưởng rằng bình an, hạnh phúc đồng nghĩa với không phải làm gì, không đeo gánh trách nhiệm hay bổn phận gì, và luôn có người chăm sóc mình. Đó là lười biếng. Trong khi muốn đạt đưọc sự bình an, hạnh phúc chúng ta phải nỗ lực chuyển hóa nội tâm không ngừng nghỉ. Chúng ta sẽ không có đưọc sự bình an, hạnh phúc bằng cách tích lũy thêm của cải, tài sản, mà phải bớt lòng tham muốn, để tâm thêm trống trải cho đến ngày tất cả chỉ còn lại là một không gian tràn đầy để hạnh phúc, bình an có thể ngự trị nơi đó. Khi trái tim ta còn đầy cái yêu, cái ghét, thi còn chỗ nào cho bình an, hạnh phúc len vào?

Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ ở đâu, lúc nào, ta cũng có thể tìm đưọc sự bình an cho tâm hồn, nhưng phải bằng chính nỗ lực nội tâm, chứ không phải bằng sự trốn tránh. Thế giới bên ngoài có đủ trò để chúng ta tiêu khiển, các sắc dục, đầy quyển rủ. Càng bám víu vào những thứ đó, tâm ta càng xao lãng, ta càng ít có cơ hội để nhận nhìn ra những khổ đau của mình. Nếu có thì giờ và cơ hội để soi rọi lại nội tâm, ta sẽ nhận thấy một thực tại nội tâm hoàn toàn khác với những gì chúng ta tưởng tượng. Đa số không dám chấp nhận sự thật đó - họ lảng nhìn nơi khác. Khổ đau không phải là do lỗi của ai tạo ra. Chỉ có buông xả là phương cách chữa trị khổ đau hữu hiệu nhất. Điều đó quá đơn giản, khiến ít ai tin tưởng để làm theo.

Có một chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về một cái bẫy khỉ ở Á châu -đó là một cái hộc bằng gổ có khe hở nhỏ, bên trong đựng kẹo. Khi con khỉ muốn lấy kẹo, phải bỏ tay vào cửa nhỏ để lấy. Khi tay đã đầy kẹo, khỉ không thể rút tay ra, thế là khỉ bị mắc kẹt đó, cho đến khi gã thợ săn đến bắt đi. Con khỉ không ngờ rằng, để thoát đưọc khỏi cái bẫy, nó chỉ cần thả tay không, bỏ kẹo ra.

Cuộc đời ta cũng như thế. Ta bị dính mắc vào đó, vì ta muốn hưởng những vị ngon ngọt của cuộc đời. Không biết buông bỏ, ta vướng mắc vào cái vòng lên xuống của hạnh phúc và khổ đau, hy vọng và thất vọng. Chúng ta chưa biết tự giải thoát mình bằng cách buông xả; ngược lại chúng ta còn phản kháng, chống cự, nếu có ai buông lời khuyên như thế. Dầu rằng tất cả chúng ta đều đồng ý rằng chỉ có sự bình an, hạnh phúc trong một tâm hồn tự tại mới là điều đáng quý nhất trong đời.

Có một câu chuyện kể rất hay về Nazrudin, lão phù thủy, có tài kể chuyện kỳ quặc. Chuyện rằng, có lần ông sai đệ tử ra chợ mua một bịch ớt. Người đệ tử làm theo ý ông, mang về bịch ớt cho Nazrudin. Oâng cầm ớt lên ăn, hết trái này qua trái nọ. Chẳng bao lâu, mặt ông bắt đầu đỏ lên, nước mắt, nước mũi chảy ra ròng ròng, ho sặc sụa. Người đệ tử đầy kinh hoàng, nhìn sư phụ mình, sau đó thưa: "Bạch thầy, mặt thầy đã đỏ, nước mắt, nước mũi thế kia, lại sặc sụa. Sao thầy không ngừng ăn ớt?" Nazrudin trả lời: "Vì ta đang chờ đợi một viên kẹo".

Đúng là bài học của những trái ớt! Chúng ta cũng thế, chỉ biết chờ đợi một điều gì đó, một nơi nào đó, sẽ mang đến cho ta sự bình an, hạnh phúc. Còn trước mắt thì chỉ có khổ đau. Nước mắt, nước mũi chúng ta cũng đang ràn rụa, nhưng chúng ta không muốn bỏ qua những ảo tưởng của mình. Chúng ta chờ đợi vị ngọt ở dưới đáy bịch ớt chăng? Nếu chỉ suy tưởng, đọc hay nghe về những điều này, tất cả đều chẳng lợi ích gì: chúng ta phải tích cực soi rọi, quán sát lại lòng mình để tìm ra thực tại nội tâm của mình. Tâm ta càng có nhiều ham muốn, tham ái, thì cuộc đời ta càng có lắm khổ đau.

Tại sao lại phải chạy đuổi theo những chiếc cối xay gió đó? Chúng ta đã tự tạo ra chúng, thì cũng phải chính ta hủy diệt chúng. Biết đưọc trái tim ta vướng vấn những gì, cũng đem lại cho ta nhiều lợi ích. Ta sẽ thấy tất cả chỉ là những cảm thọ, hết lớp này đến lớp khác, xô đuổi nhau. Nhưng thay vì tìm lý do để biện minh cho chúng, ta cần phải biết rằng chính chúng tạo nên những cuộc chiến tranh ở trên đời. Hãy buông bỏ khí giới, thì sự giải trừ quân bị sẽ trở thành hiện thực.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/11/2010(Xem: 17533)
Luận này chuyên thuyết minh hạnh bố thí. Bố thí nghĩa là sự hy sinh triệt để; hy sinh được triệt để mới là bực đại trượng phu, nên luận này mệnh danh là ĐẠI TRƯỢNG PHU LUẬN, trình bày những hành động vi diệu của các vị đại sĩ. Các vị đại sĩ vì hành động như thế mà gọi là Bồ Tát, nếu chúng ta cố gắng hành động như thế cũng gọi là Bồ Tát.
26/10/2010(Xem: 4987)
Bìa Kỷ Yếu An Cư 2013
04/08/2010(Xem: 7060)
"Đời sống mong manh, chết là điều chắc chắn" Đó là câu châm ngôn nổi tiếng trong Phật Giáo. Biết rõ Chết mong manh và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ cái chết. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ chết vì không nghĩ về điều không tránh được. Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều tham dục và luyến ái.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]