Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người Phật tử nên đọc Kinh điển như thế nào

08/11/201222:09(Xem: 9703)
Người Phật tử nên đọc Kinh điển như thế nào


Buddha_104Cách đây ít lâu - chính xác là ngày 14 tháng 9 - một bài viết được đăng lên trang Phật giáo Thư viện Hoa sen có nhan đề “Kinh Vu Lan Bồn thực hay giả?”của tác giả Đáo Bỉ Ngạn. Ngay hôm sau đó, bài viết này cũng xuất hiện trên trang Văn hóa Phật giáo và gợi lên một loạt những tranh biện kéo dài đến hơn một tháng sau. Ý kiến cuối cùng được đăng bên dưới bài viết này là vào ngày 20 tháng 10.

Qua bài viết trên và các ý kiến tranh biện của người đọc, tôi nhận ra khá nhiều sai lệch từ cả 2 phía, dù là tán thành hay không tán thành. Vìthế, tôi có cảm nhận là bài viết này không mang lại lợi ích về mặt tu tập cho cả người viết lẫn người đọc. Mặc dù bài viết không có giá trị nhiều lắm về mặt học thuật, do tác giả vấp phải quá nhiều sai sót rất cơbản, nhưng rõ ràng đây là vấn đề khiến nhiều người Phật tử quan tâm. Bản thân tôi đã được BBT Văn hóa Phật giáo online chuyển cho xem thư bạnđọc gửi về Tòa soạn bày tỏ ý kiến quan ngại về bài viết này. Điều quan trọng hơn nữa là, những ý kiến của đa số người đọc cho thấy họ có phần nào đó còn rất mơ hồ trong

việc tiếp cận Kinh điển, vốn là nguồn Giáo pháp quan trọng và chuẩn xácnhất cho người học Phật. Vì thế, tôi sẽ cố gắng trình bày trong bài viết này một vài kinh nghiệm bản thân cũng như những nhận thức chân chánh mà người Phật tử rất cần phải có khi đọc Kinh điển. Và như đã nêu trong tiêu đề bài viết, nội dung bài này sẽ không nhằm mục đích tranh biện, vì điều đó không cần thiết, mà chỉ thông qua sự phân tích sơ lược một vài điểm trong bài viết “Kinh Vu Lan Bồn thực hay giả?” để trình bàyvới người đọc một vấn đề quan trọng và có tính phổ quát hơn trong sự tutập. Đó là: Người Phật tử chúng ta nên đọc Kinh điển theo cách như thế nào? Nếu vấn đề này được làm sáng tỏ, thì chắc chắn người đọc sẽ không còn khởi tâm nghi ngại khi có người nêu lên những vấn đề tương tự. Và trong thực tế thì điều tương tự cũng đã từng xảy ra với Kinh Pháp Hoa, Kinh A-di-đà, Kinh Địa Tạng... và nhiều Kinh điển Đại thừa khác.

Mục đích là như vậy, nhưng với khả năng hiểu biết còn hạn chế mà phạm trù được đề cập thì quá lớn, nên cho dù người viết đã cố gắng giới hạn ởmức độ căn bản nhất cũng chắc chắn không thể tránh được ít nhiều sai sót trong khitrình bày. Vì thế, người viết sẽ vô cùng hoan hỷ nếu được đón nhận nhiều nhận xét góp ý cũng như những lời chỉ dạy từ các vị thiện hữu tri thức, chư tôn đức gần xa, để vấn đề càng được sáng tỏ hơn và mang đến những lợi ích thiết thực hơn cho mọi người trên con đường tu tập.

Trước hết, để trả lời câu hỏi mà ông Đáo Bỉ Ngạn nêu ra trong tiêu đề bài viết, chúng ta cần nhìn thấy bản văn gốc của kinh Vu Lan Bồn hiện đang tồn tại. Cũng như khi muốn thẩm định một món đồ là thật hay giả, chúng ta phải tận mắt nhìn thấy món đồ ấy, không thể chỉ nghe người khácnói về nó đã vội kết luận. Kinh Vu Lan Bồn, do ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa – Đàm-ma-la-sát 230 - 316) dịch vào đời Tây Tấn, là một trong số những kinh văn được dịch từ Phạn ngữ sang Hán ngữ từ khá sớm, được xếp vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh ở quyển số 16, kinh số 685, bắt đầu từ dòng 25 trang 779, tờ a và kết thúc ở dòng thứ 23, trang 779,tờ c. Như vậy, đây là một bản kinh rất ngắn. Toàn văn kinh không đến 1.000 chữ trong Hán ngữ. Quý vị không cần thiết phải khổ công sang tận Ấn Độ như các ngài Huyền Trang, Pháp Hiển... để tìm thỉnh kinh này, mà có thể bấm vào đâyđể xem ngay toàn văn trực tuyến.

Quý vị nào không tin cậy nơi bản văn điện tử vì sợ có sai sót, xin mời bấm vào đâyđể xem hình chụp bản khắc gỗ trong Càn Long Tạng.

Sở dĩ tôi xem đây là bản văn gốc, vì ông Đáo Bỉ Ngạn cho rằng bản kinh này do người Tàu ngụy tạo, cho nên bản văn ngụy tạo này phải là bản chữ Hán chứ không phải bản Việt dịch của nó. Bởi lẽ đơn giản là ta không thểxem xét bản dịch tiếng Việt rồi đi đến kết luận rằng bản gốc nguyên ngữlà ngụy tạo, vì còn phải xét đến khả năng bản dịch có chỗ không chính xác chẳng hạn.

Về lý thì là như vậy, nhưng sau khi đọc qua bản văn chữ Hán và xem lại các bản Việt dịch hiện đang lưu hành, tôi nhận thấy cũng không có sai lệch gì nhiều, hết thảy đều chuyển đạt được ý chính của toàn văn kinh. Vì thế, quý độc giả nào không biết chữ Hán vẫn có thể yên tâm đọc các bản dịch tiếng Việt, không cần phải nghi ngại.

Nhưng sau khi xem kỹ bản văn gốc thì tôi đi đến kết luận là ông Đáo Bỉ Ngạn chưa hề đọc qua Kinh này, hoặc ít ra thì cũng là đọc theo cách không khác gì chưa đọc. Kết luận này dựa trên 2 lý do rất rõ ràng:

Thứ nhất, ông nêu ra những thắc mắc trong bài viết vốn đã được giải thích rất rõ trong Kinh văn.

Thứ hai, ông dẫn ra những chi tiết để chứng minh kinh này ngụy tạo, nhưng những chi tiết đó hoàn toàn không có trong Kinh văn.

Như vậy là, điềuthật có trong Kinh thì ông không biết; điều không có trongKinh thì ông thêm vào, do đó nên tôi kết luận ông chưa đọc bản kinh nàyhẳn là không quá võ đoán. Tất nhiên, tôi có trách nhiệm phải chứng minhđược từng điểm đã nêu trên.

Điểm thứ nhất, những thắc mắc của ông đều đã được giải thích rõ ràng trong Kinh văn. Tôi sẽ liệt kê và chỉ rõ từng điểm dưới đây. Những chữ in nghiêng là nguyên văn trong bài viết của ông.

1. Nhưng tại sao chỉ nhắc đến Mẹ mà không báo hiếu Cha?(Hết trích) Xin thưa, toàn văn kinh có 19 lần sử dụng cụm từ phụ mẫu, như hiện tiền phụ mẫu, thất thế phụ mẫu, dục độ phụ mẫu... Tuy là nói chuyệnngài Mục-kiền-liên muốn cứu mẹ, nhưng khi Đức Phật dạy pháp Vu Lan Bồn ngài luôn nói đến cả cha và mẹ chứ không có chỗ nào nói đến mẹ mà không nhắc đến cha. Khuynh hướng nhắc đến Mẹ nhiều hơn Cha vào mùa Vu Lan cũngđã có người từng nêu ra, nhưng đó hoàn toàn là chuyện của người đời, không liên quan gì đến Kinh điển nên ở đây không bàn đến. Nhưng điều nàycho thấy tác giả chỉ "nghe nói" về Kinh Vu Lan Bồn chứ chưa từng thực sự đọc kinh!

2. Mà tại sao chỉ có báo hiếu vào mùa này nhỉ? Còn mùa khác thì không báo hiếu sao?(Hết trích) Ngay từ đầu Kinh, Đức Phật đã khen ngợi lòng hiếu thảo của ngài Mục-kiền-liên là "cảm động cả trời đất", như vậy có nghĩa ngài không cho rằng chỉ đến mùa Vu Lan hay thiết lễ Vu Lan mới là báo hiếu. Vu Lan Bồn là một thắng hội đặc biệt nhằm một mục đích đặc biệt, nhưng Kinh văn không hề nói rằng đây là cách duy nhất hay thời điểm duy nhất để báo hiếu. Người Phật tử xưa nay đến mùa Vu Lan ngoài việc tụng Kinh Vu Lan Bồn còn tụng đọc cả kinh Báo phụ mẫu ân, hay nói đủ là Phật thuyết Phụ mẫu ân trọng nan báo kinh. (Mời quý vị tìm hiểu thêm về kinh này tại đây.)Nếu đã đọc qua kinh này thì sẽ thấy Đức Phật dạy về hiếu hạnh như thế nào, không thể có thắc mắc kiểu như trên. Hơn thế nữa, cách đặt vấn đề này cũng rất ư kỳ quặc. Điều này cũng tương tự như đặt câu hỏi: "Tại saochúng ta có ngày Môi trường thế giới 5/6, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngàyNhà giáo Việt Nam 20/11... ? Chẳng lẽ những ngày khác trong năm thì không quan tâm đến môi trường, không tôn trọng nữ giới, không nhớ ơn Thầy Cô... ?" Đây là chuyện quá đơn giản nên xin tùy độc giả xem lại cách đặt vấn đề này của ông Đáo Bỉ Ngạn, tôi thấy không cần thiết phải dài dòng thêm ở đây.

3. Mà tại sao lại phải vào tháng Bảy âm lịch mới có Vu lan thắng hội?(Hết trích) Kinh văn giải thích điều này rất rõ, vì đây là ngày Tự tứ, chư tăng vâng lời Phật dạy trải qua 3 tháng an cư, đạo lực tăng trưởng, tâm ý thanh tịnh... Vì trên đã dẫn văn bản gốc, và quý vị nào không biếtchữ Hán vẫn có thể kiểm chứng thông qua bản dịch tiếng Việt (và có cả bản tiếng Anh bên dưới) tại đây, nên tôi không cần nêu thêm chi tiết nữa.

4. Nếu tôn giả Mục Kiền Liên làm như vậy, thì các tôn giả khác cũng có mẹ hoặc cha hoặc tứ thân phụ mẫu bị đoạ địa ngục. Vậy thì tính sao đây? Lẽ nào làm được cho tôn giả Mục Kiền Liên mà vị khác lại không?(Hết trích) Thật kỳ lạ thay, đây mới là phần nội dung chính của Kinh VuLan Bồn, thế mà ông Đáo Bỉ Ngạn lại hoàn toàn không biết nên nêu lên một câu hỏi hết sức ngây thơ đến mức thật dễ thương! Câu hỏi của ông thật ra chính là câu hỏi của ngài Mục-kiền-liên, là duyên khởi để Đức Phật thuyết dạy pháp Vu Lan Bồn. Quý vị đọc lại Kinh văn sẽ thấy rõ điềunày, không cần dẫn chứng rườm rà. Kinh văn nói rõ là, đáp lại câu hỏi của ngài Mục-kiền-liên, Đức Phật đã truyền dạy pháp Vu Lan Bồn vì các đối tượng đời sau bao gồm "tỳ kheo, tỳ-kheo ni, quốc vương, thái tử, vương tử, đại thần, tể tướng, tam công, bách quan, vạn dân, thứ nhân". Như vậy phải hiểu là tất cả mọi thành phần trong xã hội, cho đến hàng "vạn dân, thứ nhân" còn thực hiện được pháp này, huống hồ các vị đệ tử khác của Phật mà phải thắc mắc?

Đó là điểm thứ nhất đã nêu, về những thắc mắc của ông Đáo Bỉ Ngạn mà Kinh văn đã giải thích quá rõ ràng. Chỉ có người chưa đọc kinh hoặc đọc mà không hiểu gì cả mới có những thắc mắc như thế.

Bây giờ, tôi sẽ chứng minh điểm thứ hai, là ông Đáo Bỉ Ngạn đưa vào bài viết những điểm không có trong Kinh văn.Điểm này là cực kỳ quan trọng, vì ông đã dựa vào đó để kết luận Kinh VuLan Bồn là ngụy tạo. Tuy là quan trọng như thế, nhưng điểm này lại quá dễ dàng để làm rõ, bởi vì quý vị chỉ cần đọc lại Kinh Vu Lan Bồn qua bảntiếng Việt hoặc tiếng Anh tôi đã dẫn ở trên, thì sẽ thấy rõ. Bản thân tôi đã đọc qua bản Hán văn và xin xác nhận một lần nữa là các bản dịch Việt ngữ và Anh ngữ này đều có thể tin cậy được trong phạm vi chúng ta đang đề cập, vì trong bản Hán văn tôi cũng không tìm ra những chi tiết mà ông Đáo Bỉ Ngạn đã dẫn như dưới đây. Tương tự như trên, những chữ in nghiêng là nguyên văn trong bài viết của ông.

1. Trong kinh này có ghi là đàn tràng này được thiết lập với sự cúngdường phẩm vật (còn gọi là cúng trai tăng), và nhờ đến 500 vị thánh tăng A la hán cùng chú nguyện vào, thì mẹ Ngài mới siêu thăng.(Hếttrích) Chi tiết chính ở đây là nhờ đến 500 vị A-la-hán, hoàn toàn khôngcó trong Kinh văn. Đức Phật chỉ dạy ngài Mục-kiền-liên cúng dường Thập phương Tăng trong ngày Tự tứ. Thập phương Tăng hay Mười phương Tăng là một cụm từ phổ quát, chỉ đến Chư tăng ở khắp nơi. Tất nhiên, khi đọc Kinh văn một cách nghiêm túc, sẽ không ai trong chúng ta lại hiểu theo cách là phải mời cho đủ chư Tăng khắp mười phương, mà chỉ có nghĩa là cúng dường một tập thể Tăng chúng thôi. Trên tinh thần đó, các lễ trai tăng đều tùy duyên sự, tổ chức nơi nào thì mời chư tăng nơi đó, hoặc cúng dường tất cả chư tăng trong một tự viện... Và như vậy không có nghĩa là không đúng lời Phật dạy.

2. Vậy thì tôn giả chúng ta bấy giờ lấy đâu ra nhiều phẩm vật cúng dường?(Hết trích) Câu hỏi này nối tiếp ý câu trên, và cũng là một thắc mắc khá kỳ quặc. Bởi vì về phẩm vật, Kinh văn chỉ nêu lên một cách rất chunglà "cụ phạn bách vị ngũ quả, cấp quán bồn khí, hương du đĩnh chúc sàng phu ngọa cụ, tận thế cam mĩ dĩ trứ bồn trung", như vậy chỉ nên hiểu chung chung là "đầy đủ các loại thực phẩm, hương đèn hoa quả, những món nhu yếu cho sinh hoạt của chư tăng", chỉ thế thôi. Còn đó là những thực phẩm gì, hương đèn hoa quả loại nào, nhu yếu ra sao... tất nhiên là tùy tâm tùy sức của người trai chủ, Kinh văn không có chỗ nào thể hiện ý bắtbuộc, chỉ khuyến khích sự thành tâm thành ý mà thôi. Như nói "tận thế cam mỹ" (ngon ngọt nhất trên đời) thì cũng không có nghĩa là phải đi tìmcho được những món ngon nhất, mà chỉ có nghĩa là cung kính dâng lên những gì tốt đẹp nhất trong khả năng hiện có của mình. Như chúng ta khi cúng Phật thì chọn bông hoa tươi nhất, đẹp nhất, tất nhiên là trong hoàncảnh lúc đó, khả năng lúc đó, chứ hoàn toàn không có nghĩa là bắt buộc phải vượt hàng trăm cây số hay bỏ ra hàng triệu đồng để có được những bông hoa đẹp hơn mới là đúng pháp. Tinh thần này là phổ biến trong đạo Phật, nghĩa là chú trọng tâm thành hơn vật chất; chỉ xem vật chất như một phương tiện bày tỏ tâm thành mà thôi. Trong Kinh điển còn ghi chép lại câu chuyện ngọn đèn không tắt của bà lão bán dầu, vượt xa hàng vạn ngọn đèn hoa lệ của vua Ba-tư-nặc dâng cúng. Đó là khác biệt ở tâm thành, chẳng phải ở vật chất bên ngoài. Nếu không hiểu theo nghĩa như vậy, thì ngày nay Phật tử chúng ta làm sao thực hiện được pháp Vu Lan Bồn? Vì thế, chuyện khó khăn về phẩm vật là do ông Đáo Bỉ Ngạn gán ghép vào chứ hoàn toàn không có trong Kinh văn.

Như trên tôi đã trình bày những điểm không hóa có, có hóa không trongbài viết của tác giả Đáo Bỉ Ngạn. Với những dẫn chứng trực tiếp từ Kinhvăn, tôi nghĩ là việc có nên tin vào bài viết của ông hay không đã quá rõ ràng. Thế mà vấn đề ông nêu lên lại cực kỳ quan trọng, có thể nói là quan trọng nhất nhì trong các vấn đề của người học Phật: Đó là thẩm định tính chân thật của Kinh văn.Tất nhiên, tôi không hề phủ nhận tính chất cần thiết của công việc này,bởi chúng ta cách Phật quá xa, hơn 25 thế kỷ, nếu không thận trọng phânxét rạch ròi, biết đâu lại không tin nhầm vào những văn bản mạo nhận làKinh văn? Ai dám chắc là trong quãng thời gian dài đằng đẵng hơn 25 thếkỷ lại không có ít nhiều những văn bản ngụy tạo mạo xưng là Kinh điển? Thế nhưng, dường như ông không hề biết rằng, đây không phải vấn đề đơn giản và dễ dàng để những người học Phật còn ở mức độ thông thường có thểlàm được.

Về mặt văn bản và học thuật, nghĩa là phạm trù kiến thức thuộc về thế tục, thì đây là vấn đề của những học giả uyên thâm đa ngôn ngữ, có khả năng đọc thẳng vào các văn bản gốc, như Hán văn, đôi khi cả Phạn văn, Tạng văn... nhằm so sánh, đối chiếu trước khi kết luận. Hơn nữa, những vị có kiến thức như thế nhưng cũng phải làm việc này với một sự cẩn trọng tối đa, như cất công tìm kiếm những bản văn cổ, những bản văn có độ tin cậy cao, hợp tác và thảo luận với nhiều người có kiến thức thích hợp để soi rọi vấn đề từ nhiều góc độ, cùng nhau giải quyết nghi vấn v.v...

Nhưng Kinh văn là Thánh điển, nên những kiến thức thế tục vừa nói tuy làcần nhưng vẫn chưa đủ, mà còn phải có thêm một khía cạnh nữa là phải uyên thâm Phật pháp, có công phu hành trì mới hiểu được ý kinh. Kết hợp cả hai phạm trù đời và đạo, cộng thêm với một sự cẩn trọng tối đa và mộttinh thần vô vị lợi, chỉ hoàn toàn hướng đến sự hoằng truyền Chánh pháp. Có như thế thì may ra mới tạm gọi là đủ điều kiện, đủ tư cách để đề cập đến chuyện phân định thật giả trong Kinh điển.

Như vậy, ví như có người chưa từng nhìn thấy bản gốc của Kinh văn, hoặc thậm chí có nhìn thấy cũng không có khả năng đọc, hoặc có khả năng đọc nhưng chưa đủ sức hiểu hết ý nghĩa, thì liệu một người như thế có đủ tư cách phân định thật giả trong Kinh điển hay chăng? Và nếu có đủsự sáng suốt, liệu vị ấy có nên nêu vấn đề này ra trước công luận hay chăng? Xin nhường câu trả lời cho mỗi độc giả.

Và thông qua những biện giải thực tế như trên, tiếp theo đây mới là ý chính tôi muốn trình bày cùng quý độc giả. Liệu người Phật tử chúng ta khi đọc Kinh điển có nên khởi tâm nghi ngờ hay chăng? Làm sao để biết chắc là mình không tin nhầm vào những bản kinh ngụy tạo nếu có? Việc phân định thật giả rõ ràng là đòi hỏi nhiều khả năng và tri thức vượt ngoài tầm những người bình thường, vậy chẳng lẽ chúng ta cứ nhắm mắt tinbừa mà không thể tự mình phân định hay sao?

Xin thưa, không phải vậy. Từ lúc Phật còn tại thế, ngài đã nhiều lần cảnh báo các vị tỳ-kheo là chớ vội tin theo bất cứ điều gì mà chưa có sựthực nghiệm, tự mình phân tích, khảo xét, cho dù điều đó là do chính ngài nói ra. Từ chính kim khẩu Phật nói ra mà còn phải thực nghiệm, phảiphân tích, khảo xét, huống hồ là chỉ đọc thấy trên mảnh giấy, cho dù mảnh giấy đó là Kinh văn! Ngay như tinh thần học thuật của thế gian, hiện nay nhiều người trong chúng ta vẫn còn khâm phục và thực hành theo nguyên tắc của người xưa: "Tín thư bất như vô thư." (Đọc sách mà tin ngay vào sách thì chẳng bằng không đọc.) Sách thế tục còn như vậy, nếu đọc Kinh điển mà không cẩn trọng hơn, chí thiết hơn, thì thử hỏi làm saohiểu được ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm trong kinh? Vì thế, người Phật tử đọc kinh phải vâng theo lời Phật dạy, tự mình thể nghiệm, tự mình hành trì, khảo xét, phân tích nghĩa lý, ứng dụng thực tiễn, rồi mới có thể tựmình xác quyết xem những lời dạy trong kinh là đúng hay không đúng, là chân hay ngụy, thật hay giả.

Trong trường hợp Kinh Vu Lan Bồn cũng vậy, mở trang kinh ra chỉ là chữ nghĩa, văn tự. Nếu tin ngay vào những gì chép trong kinh, ấy là mù quáng, không đúng lời Phật dạy. Nhưng nếu tự mình làm theo, tự mình hànhtrì, ắt sẽ tự mình cảm nhận được phần nào đó những ý nghĩa sâu xa trongkinh, từ đó mới khởi lòng tin chân chánh, dù ai có xuyên tạc, đả kích cũng không thể làm cho lay động được. Tôi biết có nhiều Phật tử đến mùa Vu Lan thì phát tâm ăn chay, khai kinh trì tụng suốt tháng Bảy, hồi hướng công đức cho ông bà cha mẹ hiện tiền hoặc quá cố. Những vị này chodù không có điều kiện tổ chức cúng dường trai tăng, cũng có thể xem là đã thực hành đúng theo lời Phật dạy. Nhiều vị khác có điều kiện hơn thì tổ chức trai tăng, cung kính cúng dường Tam bảo, hoặc nhiều hoặc ít... tất cả những người làm như vậy đều có thể xem là làm theo lời Phật dạy. Qua những việc làm đó, chắc chắn tự thân các vị sẽ cảm nhận được nhiều sự an lạc, hoan hỷ. Vì sao vậy? Gia đình hòa thuận, con cái hiếu kính tôn trọng ông bà cha mẹ, tất yếu vợ chồng sẽ lấy lòng hòa kính đối đãi nhau, làm sao không có hạnh phúc? Làm sao không được an vui? Nếu có vị nào không tin, xin hỏi quý vị, nếu đã phát tâm tụng xong thời kinh Vu Lan, lẽ nào ngay sau đó gặp chuyện nhỏ nhặt liền quát tháo sừng sộ với vợ con? Chắc rằng sẽ tránh được điều này rồi. Hoặc giả quý vị thật lòng cung kính chăm sóc hầu hạ cha mẹ, lẽ nào khi quý vị bảo ban con cái chúng lại ngỗ nghịch không nghe? Chuyện ấy dù có ắt cũng sẽ được hạn chế, giảm thiểu hơn, chứ không thể nói là vô tác dụng. Lại nói, chẳng lẽtrong năm chỉ đợi đến mùa Vu Lan tháng Bảy mới lo báo hiếu? Xin thưa, trong 12 tháng nếu quý vị làm cho thật trọn vẹn được 1 tháng cũng quý báu lắm rồi, hãy xem đó là bước khởi đầu, sau đó tăng lên đến 2 tháng, 3tháng... cho đến ngày ngày tháng tháng đều cung kính báo hiếu mẹ cha, lẽ nào có thể nói như vậy không phải là làm theo lời Phật dạy? Như ngườimới về chùa, thầy dạy ăn chay mỗi tháng 2 ngày, hẳn sẽ thấy là ít ỏi quá, còn lại 28 ngày khác thì sao? Nhưng nếu làm được chuyện ít ỏi đó rồi, mai sau tự khắc muốn tăng lên 4 ngày, 8 ngày... cho đến trọn tháng hoặc thậm chí là trường trai. Tiến bộ hay không đều là do sự hành trì tutập của chính mình, nếu tự cảm nhận được sự an lạc, lợi ích, thì tất yếu sẽ ngày càng tăng tiến chứ không ai ép buộc, mà cũng không thể xem thường những ai mới bắt đầu với mục tiêu ít ỏi, nhỏ nhoi. Hãy xét như các chùa hiện nay thường tổ chức ngày Bát quan trai, mỗi tháng Phật tử về tu tập một hoặc hai ngày, chẳng phải là quá ít đó sao? Trong 28 ngày còn lại thì hỷ nộ ái ố tha hồ tăng trưởng hay sao? Thế nhưng, chỉ những ai có tham gia tu tập trong một hoặc hai ngày đó mới thực sự tự mình biết được nó có lợi ích hay không, nên làm hay không, và có giúp thay đổi phần nào tính tình, thay đổi cuộc sống của bản thân mình và gia đìnhmình hay không. Phật pháp là như vậy, chỉ có tự mình thực hành, tự mìnhthể nghiệm mới có thể tự mình hiểu được ý nghĩa chân thật trong lời Phật dạy; từ những hành vi cử chỉ ứng xử nhỏ nhặt thường ngày cho đến hết thảy các pháp môn sâu xa uyên áo cũng đều là như vậy.

Trở lại vấn đề Kinh Vu Lan Bồn, nếu Phật tử nào đã từng nhiều lần thành tâm báo hiếu mẹ cha trong mùa Vu Lan như lời dạy trong kinh, rồi xét thấy chẳng mang lại chút lợi ích gì cho bản thân và gia đình, thì tự khắc vị ấy sẽ không còn tin tưởng vào kinh điển này nữa, không cần thiếtphải đưa ra những lý luận có-không, không-có như ông Đáo Bỉ Ngạn để bácbỏ.

Nhưng nếu quý vị cũng giống như hàng bao nhiêu thế hệ đã qua, quả thật có tìm được chút ấm áp tình cảm, chút an vui lợi lạc, chút chia sẻ cảm thông đầy tình nghĩa trong mùa Vu Lan Thắng Hội, thì thiết tưởng dù có 100 bài viết đanh thép hơn, lập luận chặt chẽ hơn bài viết của ông Đáo Bỉ Ngạn, cũng không thể vì thế mà làm cho chúng ta khởi tâm nghi ngờ Kinh này. Mỗi chúng ta đều là con cái của cha mẹ mình, nhưng đồng thời cũng là những bậc cha mẹ, ông bà của thế hệ tiếp theo. Nhờ có Vu Lan Thắng Hội mà mối quan hệ trong chuỗi tiếp nối nhiều thế hệ như vậy từ xưa nay luôn được giữ gìn tốt đẹp, chan hòa đạo nghĩa cũng như tình cảm.Một mùa lễ hội thấm đẫm tình người, thấm đẫm tính nhân văn như vậy, thiết nghĩ nếu như hiện nay chưa có thì ắt là văn minh nhân loại cũng rất cần phải đặt ra cho có, huống hồ chúng ta may mắn được kế thừa truyền thống tốt đẹp từ hơn 25 thế kỷ qua mà nay lại khởi tâm hồ nghi, và lại hồ nghi dựa trên những lập luận hoàn toàn không xác đáng?

Tôi nói điều trên hoàn toàn không chỉ là ý kiến cá nhân, chủ quan, mà làcó thực tiễn chứng minh cụ thể. Trong truyền thống văn hóa phương Tây, do tiếp xúc muộn màng với đạo Phật nên trước đây họ không có lễ Vu Lan, nhưng họ lại có Ngày của Mẹ (Mother's Day) là ngày chủ nhật thứ nhì trong tháng Năm (nhưng cũng có khác biệt về thời gian ở một số nước khácnhau). Khi so sánh ngày này với Vu Lan Thắng Hội, chúng ta hoàn toàn cóquyền tự hào là chữ hiếu được đặt nặng hơn trong nền văn hóa chúng ta, vì tuy ý nghĩa là tương đồng ở chỗ tưởng nhớ đến cha mẹ (Ở đây mới là chỗ ông Đáo Bỉ Ngạn nên đặt câu hỏi, vì họ không nói đến cha, mà Ngày của Cha - Father's Day - lại rơi vào một ngày khác, là ngày chủ nhật thứba của tháng Sáu.) nhưng ý nghĩa của Vu Lan Thắng Hội là sâu xa hơn rấtnhiều, và ảnh hưởng của mùa Vu Lan trong toàn xã hội cũng mạnh mẽ hơn, rộng khắp hơn.

Nếu chúng ta đọc Kinh điển theo cách như trên, nghĩa là kết hợp song song với sự hành trì thực nghiệm, thì cho dù không có kiến thức uyên bác, không được đọc nhiều kinh điển, cũng vẫn có thể nhận được phầnlợi ích từ những kinh văn đã tụng đọc.

Thế còn việc phân định thật giả khi đọc Kinh điển thì sao? Tất nhiên, khi đã đọc kinh với sự nghiêm túc suy xét nghĩa lý thì ta sẽ thấy có những chỗ ta hiểu được và những chỗ ta chưa hiểu được. Và trong những chỗ ta chưa hiểu được đó, lại có khả năng hoặc là do ta còn kém hiểu biết, hoặc là ngay trong kinh văn có sự sai lệch. Tuy nhiên, đó là nói cho cạn lý mà thôi, chứ theo nhận định của riêng tôi thì những chỗ gọi là sai lệch đó thật ra không đáng kể, bởi tất cả kinh điển đều đã trải qua sự khảo đính, rà soát của nhiều bậc đại sư, trí giả qua nhiều thế hệ, nên việc sót lại một đôi chỗ sai lệch tuy là có thể có nhưng không đến nỗi làm lệch lạc ý kinh, và do đó nên nếu chúng ta không đủ trình độđể phân biệt cũng không phải là điều đáng ngại. Ta có thể đặt niềm tin vào các bậc thầy trực tiếp dẫn dắt ta, trực tiếp dạy dỗ ta trên đường tutập.

Tại sao tôi nhấn mạnh ở đây 2 chữ trực tiếp? Bởi vì cho dù là một vị caotăng danh tiếng nhưng ta không được trực tiếp tiếp xúc, trực tiếp thọ học, thì cũng không thể giúp ta được nhiều lợi lạc bằng một vị tăng bìnhthường nhưng trực tiếp dẫn dắt, dạy dỗ cho ta. Lấy trường hợp như ông Đáo Bỉ Ngạn dựa vào lời của Hòa thượng Tuyên Hóa là một bậc cao tăng, nhưng lời đó rõ ràng không mang đến lợi lạc cho ông, ấy là vì ông không được trực tiếp thọ học với ngài, nên chỗ hiểu sai của ông không thể đượcngài chỉ dạy.

Tất nhiên, vì là những người Phật tử nên chúng ta lấy lòng thành tín trao đổi cùng nhau, và tôi đặt niềm tin vào trích dẫn của ông là Hòa thượng Tuyên Hóa có tuyên bố "Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo". Nhưng nếu xét về mặt học thuật thì lẽ ra ông nên nói rõ Hòa thượng đã tuyên bố nhưvậy trong trường hợp nào, ghi chép ở sách nào, trang mấy, hoặc chí ít cũng cho biết là ở phần nào trong sách đó. Trong bài viết ông chỉ nói là"theo pháp ngữ của ngài" mà không cho biết chi tiết gì thêm, e rằng không đủ tính thuyết phục đối với người đọc.

Tuy nhiên, như đã nói, tôi lấy sự thành tín mà tin lời ông, nên sẽ tiếp tục phân tích những gì ông trích dẫn. Ông trích dẫn rằng:

"Theo pháp ngữ của Ngài thì người Tàu ngụy tạo ra kinh “Vu lan bồn” nhằm củng cố sự chuyên chế của giường cột phong kiến, vốn lấy Trung Hiếulàm đầu, dầu là ngu trung và ngu hiếu!" (Hết trích)

Và ngay sau đó ông viết:

"...niềm sùng kính của tôi đối với Ngài là tuyệt đối vào thời điểm đó, nên tôi hoàn toàn tin tưởng đây là sự thật."(Hết trích)

Ở đây, tôi xin nhắc lại Phật ngôn đã nói ở trên về việc "chớ vội tin". Đối với lời chính Phật nói ra, đức Phật còn dạy chúng ta chớ vội tin, huống gì lời của người chưa phải là Phật. Cho dù chúng ta chưa hề có ý nghi ngờ lời dạy của một cao tăng, nhưng cũng có rất nhiều khả năng có thể xảy ra khi ta đọc lời ấy trên văn bản: hoặc có thể bị sao chép, in ấn sai lệch, hoặc có thể được nói ra trong một hoàn cảnh nhất định, với những đối tượng nhất định, hoặc có những dụng ý nhất định mà ta chưa hiểu v.v... Vì thế, nói gì thì nói, việc ông Đáo Bỉ Ngạn "hoàn toàn tin tưởng" khi chưa tự mình phân tích, tự mình thể nghiệm, khảo xét mà chỉ dựa vào "niềm sùng kính"thì rõ ràng là không đúng như tinh thần Đức Phật đã dạy. Đã tự mình vộitin, lại đem niềm tin sai lệch ấy tác động đến nhiều người khác, nếu làngười chân chánh tu tập Giáo pháp Như Lai, có lẽ ông nên chí thành sám hối về sai lầm này.

Bây giờ, tôi mạo muội thử đặt mình vào vị trí của ông, nghĩa là do nhân duyên nào đó được đọc qua lời tuyên bố như ông trích dẫn ở trên. Vì đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự phân định thật giả trong Kinh điển,nên tôi không thể cho phép mình vội tin ngay, mà sẽ vâng theo lời Phật dạy để tự mình phân tích, khảo xét, tự mình thể nghiệm. Và dưới đây là kết quả phân tích, khảo xét, thể nghiệm của riêng tôi.

Thứ nhất, lý do ngụy tạo Kinh Vu Lan Bồn được nêu trong câu trên là "nhằm củng cố sự chuyên chế của giường cột phong kiến, vốn lấy Trung Hiếu làm đầu, dầu là ngu trung và ngu hiếu".Thú thật, dù đọc đi đọc lại Kinh văn cả trăm lần, dù là trong nguyên bản Hán văn hay bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh, tôi đều không thấy được cái mục đích này! Không một chỗ nào liên quan đến "giường cột phong kiến" (đúng ra phải là rường cột, tôi không biết nguyên bản viết sai hay người trích dẫn sai?), lại càng không có chỗ nào liên quan đến"ngu trung, ngu hiếu". Mà nếu làm theo Kinh này là "ngu hiếu",thì e rằng bao nhiêu thế hệ thầy tổ của chúng ta trước đây đều ngu cả rồi sao? Nghĩ đến đây tôi bất giác thấy lạnh cả người, dù muốn tin câu này cũng quả thật không dám tin!

Câu tiếp theo ông Đáo Bỉ Ngạn viết: "Ngoài ra còn nhiều mục đích khác nữa."Nhưng vì không thấy phân biệt rõ ràng nên tôi cũng đành chịu, không biết là lời của ông hay của Hòa thượng Tuyên Hóa. Hơn nữa, một câu chungchung như vậy chẳng nói lên được điều gì cả, nên muốn phân tích ý nghĩacũng chẳng biết làm sao mà phân tích! Vì thế, tôi bắt đầu quay sang khảo xét về mặt văn bản. Đến đây, tôi tìm được 2 văn bản có liên quan đến Hòa thượng Tuyên Hóa và Kinh Vu Lan Bồn.

Văn bản thứ nhất là Hòa thượng Tuyên Hóa lược giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, quý vị có thể xem tại đây.Trong văn bản này, Hòa thượng Tuyên Hóa có đoạn nhắc đến ngài Mục-kiền-liên và dẫn lại toàn bộ câu chuyện "Mục-kiền-liên cứu mẹ" trongkinh Vu Lan Bồn. Mặc dù ngài không dẫn chính xác kinh văn, vì là trình bày theo lối kể chuyện kết hợp giảng thuyết, nhưng tất cả chi tiết đều ynhư trong kinh. Vì Hòa thượng Tuyên Hóa là một nhân vật gần đây, các đệtử trực tiếp của ngài còn sống rất nhiều, nên khả năng bản Lược giảng Kinh Pháp Hoa nàybị giả mạo hầu như không thể xảy ra, bởi các đệ tử của ngài chắc chắn sẽ lên tiếng ngay nếu có điều đó. Do đây tôi có sự ngờ vực, nếu Hòa thượng Tuyên Hóa thực sự tuyên bố rằng Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo, vì sao ngài lại sử dụng nội dung kinh trong bài thuyết giảng của mình?

Văn bản thứ hai là bản dịch Anh ngữ của Kinh Vu Lan Bồn, nhan đề "The Buddha Speaks the Ullambana Sutra",do Vạn Phật Thánh Thành thực hiện, mà Vạn Phật Thánh Thành là do Hòa thượng Tuyên Hóa sáng lập, các dịch giả ở đây hầu hết đều là đệ tử của ngài hoặc ít ra cũng là làm việc theo tôn chỉ của ngài. Chúng ta đều biết, Hòa thượng Tuyên Hóa đề ra 8 quy tắc rất nghiêm khắc cho việc phiên dịch nói chung, và công việc phiên dịch ở Vạn Phật Thánh Thành nóiriêng. Do đây tôi có sự ngờ vực, nếu Hòa thượng Tuyên Hóa thực sự tuyênbố Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo, vì sao các đệ tử của ngài lại vận dụng 8quy tắc vàng để phiên dịch một bản văn ngụy tạo, hơn nữa vẫn ghi rõ đó là Kinh (sutra)?

Như vậy, sau khi tự mình khảo xét về mặt ý nghĩa và về mặt văn bản, tôi đều thấy có những lý do xác đáng để không nên vội tin vào lời tuyên bố vừa đọc thấy như trên.

Và từ đó tôi tiếp tục quay sang đặt câu hỏi về sự thực nghiệm của chính bản thân mình. Ngay từ thuở nhỏ tôi đã nhiều lần được theo cha mẹ đến chùa trong dịp lễ Vu Lan, thậm chí là khi còn chưa biết được ý nghĩa Vu Lan là gì. Từ đó đến nay, đã quá tuổi "tri thiên mệnh", tôi chưa thấy chút nguy hại hay không tốt nào của Kinh Vu Lan Bồn, mà trái lại mỗi MùaVu Lan về trong tôi đều đầy ắp những kỷ niệm đẹp, những tình cảm dào dạt khó phai. Tôi từng dự lễ Vu Lan với tư cách một người con, rồi đến một người cha, nhưng ở cương vị nào tôi cũng thấy lòng mình thanh thản theo từng nhịp kinh tiếng mõ trong Mùa Vu Lan. Với những trải nghiệm đó,tôi thấy không chút hoài nghi về tính chân thật của Kinh văn, và tôi vôcùng hoan hỷ nếu như từ nay đến cuối đời vẫn luôn may mắn có đủ thiện duyên để thực hành những lời dạy trong kinh vào mỗi Mùa Vu Lan.

Cuối cùng, sau khi kết hợp cả sự phân tích, khảo xét và tự mình thể nghiệm theo đúng như lời Phật dạy, tôi đi đến kết luận là bản thân tôi không thể tin vào lời tuyên bố nói trên, rằng Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo. Còn việc Hòa thượng Tuyên Hóa có tuyên bố như vậy hay không tôi xinmiễn bàn, vì tôi thấy không còn cần thiết nữa.

Bây giờ xin trở lại với vấn đề đọc Kinh điển của người Phật tử. Với cáchđọc cẩn trọng và toàn tâm toàn ý như trên, vậy mỗi khi gặp điều nghi ngại ta phải làm sao? Dưới đây tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm của bản thân tôi, hy vọng sẽ có ích phần nào cho quý vị khi rơi vào những trườnghợp tương tự.

Từ năm khoảng 20 tuổi, tôi đã rất nhiều lần đọc kinh Duy-ma-cật, nhưng cứ mỗi lần đọc đến câu "Tùy kỳ phát hành tắc đắc thâm tâm" (Từ chỗ khởi làm mà được lòng tin sâu vững) là trong lòng tôi lại khởi lên một mối nghi không sao xóa bỏ. Từ thuở còn đi học, mỗi khi đọc kinh điển tôi vẫnluôn dặn lòng là phải thực sự hiểu biết rồi mới đặt niềm tin, bởi nếu không hiểu mà tin thì đó hẳn phải là một niềm tin mù quáng. Điều này dẫnđến một hệ quả tất yếu là, đối với một sự việc ta cần phải nhận hiểu, đặt niềm tin rồi sau đó mới bắt tay vào làm; vì nếu chưa hiểu, chưa tin mà đã vội làm thì không thể tránh khỏi làm sai, làm bậy. Đối với tôi vàolúc ấy thì điều này có vẻ như một chân lý bất di bất dịch, bởi nó phù hợp với tinh thần lý luận khoa học cũng như những kiến thức mà tôi tiếp thu được từ nhà trường. Và khi vận dụng vào sự tu tập, tôi cũng thấy là hoàn toàn thích hợp. Như khi được nghe dạy về Năm giới, tôi nhất thiết phải tự mình tìm hiểu, suy xét xem đó là những giới gì, ý nghĩa ra sao, thọ trì sẽ được những lợi ích gì v.v... Chỉ sau nhận hiểu rõ ràng vấn đềvà đặt niềm tin, tôi mới bắt đầu việc thọ trì Năm giới... Và đối với tất cả những lời dạy khác trong kinh điển, tôi tin là cũng đều nên như thế.

Nhưng theo câu kinh văn vừa nói trên thì dường như nếu chưa khởi làm (phát hành) ta sẽ không thể có được lòng tin! Lẽ nào cách nhận hiểu của tôi từ trước là sai? Lẽ nào người ta có thể khởi làm một điều gì đó khi chưa có được niềm tin? Những nghi vấn này theo đuổi tôi trong nhiều năm liền, nhưng rất may mắn là nhờ tiếp nhận được nhiều ý nghĩa khác từ kinhvăn nên trong lòng tôi hoàn toàn không có sự nghi ngờ về tính chân thậtcủa kinh điển, chỉ khởi nghi tình duy nhất ở câu kinh mình chưa hiểu được đó mà thôi. Nhờ vậy, tuy vẫn ôm mối nghi tình nhưng niềm tin của tôi vào Tam bảo, vào Chánh pháp không hề suy suyển, vẫn mỗi ngày một tăng tiến hơn. Cho đến nhiều năm sau, khi trải qua những lần cận kề với cái chết, tâm thức được thử thách trong nhiều điều kiện khắc nghiệt, tôimới chợt nhận ra rằng cái niềm tin của tôi từ thuở đôi mươi về trước hoàn toàn không phải là niềm tin sâu vững (thâm tâm) mà kinh văn nói đến. Niềm tin đó dựa vào sự suy diễn, lý luận nên thực chất của nó là rất mong manh và dễ dàng bị lay chuyển, đổi thay theo hoàn cảnh. Trái lại, niềm tin có được sau nhiều năm thực hành lời Phật dạy là một niềm tin hoàn toàn khác hẳn. Đó là một niềm tin sâu vững, chắc chắn đến mức cho dù ta có rơi vào bất kỳ hoàn cảnh nào, đối trước bất kỳ trở lực nào,cũng sẽ không hề mảy may khởi lên một chút nghi ngại hay thối chí. Vì thế, đến lúc này thì ý kinh trở nên hoàn toàn sáng tỏ với tôi và mối nghi tình ngày xưa cũng tự nhiên tan biến.

Từ kinh nghiệm đó, tôi tin chắc rằng người Phật tử chúng ta khi đọc Kinhđiển hoàn toàn có quyền, và thậm chí là cần phải, sinh khởi nghi tâm ở những nơi nào ta không thực sự hiểu được. Mối nghi này không hề ảnh hưởng đến niềm tin hay sự tu tập của ta, mà ngược lại còn có tác dụng thôi thúc ta tìm hiểu chuyên sâu hơn vào Giáo pháp, thực hành tinh tấn hơn những gì đã học hiểu, nhằm có thể tự mình tháo gỡ nghi tình.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa nghi tâm cầu tiến như trên với sự hoài nghi, hoang mang của những người chưa đặt trọn niềm tin vào Chánh pháp. Những nghi ngờ loại sau này ngăn trở ta đi theo Chánh pháp, gợi lên trong lòng ta những phóng tưởng si mê, và vì thế nó là cực kỳ tai hại.

Chẳng hạn, như trường hợp nói trên của tôi, nếu thay vì giữ vững niềm tin vào Tam bảo, vào Chánh pháp, tôi lại quay sang phát triển sự biện luận, nhận hiểu của mình – tất nhiên là còn đầy si mê trong đó – để chứng minh rằng Kinh Duy-ma-cật có vấn đề, có chỗ sai lệch v.v... thì chẳng những bản thân tôi xem như tuột dốc không phanh, mà thậm chí còn có nguy cơ kéo theo nhiều người khác nữa, nếu họ đặt niềm tin nơi tôi.

Những phóng tưởng trong tâm thức ta có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, nhưng chúng thường hoạt động mạnh mẽ nhất khi ta có sự nghi ngờ không đúng pháp như vừa nói trên. Chẳng hạn, khi ta nghi ngờ một người nào đó là tội phạm thì có vẻ như mọi thứ nơi người ấy, từ cử chỉ hành vi cho đến dáng vẻ, cách ăn mặc... sẽ đều có vẻ như rất giống một tội phạm! Đó chính là do sự phóng tưởng nơi tâm ta. Nó như cặp kính màu khiến cho ta không còn nhìn thấy được sự vật đúng thật như bản chất của chúng. Nếu tựmình nhớ lại, chắc chắn mỗi người trong quý vị đều có thể dễ dàng tìm được những ví dụ sống động về những phóng tưởng tương tự như thế. Đây chính là nguyên nhân quan trọng khiến cho những mối bất hòa thường có khuynh hướng ngày càng trở nên sâu đậm hơn. Khi ta nghĩ về một người nhưlà "người xấu", ta sẽ luôn có khuynh hướng thấy mọi việc làm, mọi lời nói, thậm chí là mọi thứ liên quan đến người ấy đều... xấu. Một khuynh hướng hoàn toàn phản khoa học, nhưng lại là một khuynh hướng rất thường gặp và chi phối rất nhiều trong cuộc đời ta, nếu ta không có sự sáng suốt tu tập Phật pháp để hóa giải.

Tôi đi sâu vào điều này là để nêu ra một ý nữa mà người Phật tử cần lưu ýkhi đọc kinh điển. Hãy đọc kinh điển với tâm thanh tịnh sáng suốt và loại trừ mọi phóng tưởng. Mà phóng tưởng trong trường hợp này là gì? Đó là những điều hoàn toàn không thật có, nhưng do sự suy diễn, sự thiên kiến hoặc ngờ vực của ta mà chúng được tạo thành. Đối với ta, những phóng tưởng ấy thường có vẻ như rất hợp lý, rất đúng đắn. Thế nhưng, nếukhách quan phân tích thì ta sẽ thấy ngay là chúng rất vô lý và thậm chíđôi khi thật khôi hài. Tôi xin lấy một vài ví dụ ngay trong bài viết của ông Đáo Bỉ Ngạn. Ông viết:

Trong kinh “Địa tạng bổn nguyện” một người nữ Bà la môn, vì thương mẹ mình bị mất mà không biết thác sanh vào chốn nào, niệm tôn hiệu của Đức Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai chỉ một ngày một đêm thì người mẹấy từ địa ngục thác sanh vào cõi trời. Suy ra, 500 vị thánh tăng A la hán cùng chú nguyện chỉ bằng một người nữ Bà la môn? Phải chăng chỗ này lộ ra sự vô lý về đối tượng “cầu siêu” và “đạo lực” giữa một người phụ nữ với hàng trăm vị thánh tăng? (Hết trích)

Đoạn văn lý luận này mới đọc qua nghe như rất hợp lý, vì bao gồm đủ các phần nêu dữ kiện, so sánh và kết luận. Nhưng thực chất thì đây hoàn toànlà một phóng tưởng được sinh khởi từ sự nghi ngờ của ông đối với Kinh Vu Lan Bồn. Tôi sẽ làm một thao tác đơn giản là hệ thống hóa lập luận trên của ông để chỉ ra điều này:

Người nữ bà-la-môn niệm Phật để cứu mẹ mình trong 1 ngày đêm => có kết quả

Năm trăm vị A-la-hán chú nguyện để cứu mẹ ngài Mục-kiền-liên => có kết quả

Suy ra: Năm trăm vị A-la-hán chú nguyện = Người nữ bà-la-môn

Sự tóm tắt như trên phản ánh trung thực những gì nêu ra trong đoạn văn, nhưng khi nhìn vào hẳn quý vị sẽ thấy ngay tính khôi hài và vô lý của nó! Một đàng là niệm tôn hiệu Phật, nghĩa là cầu sự gia bị của đức Phật,và có kết quả là nhờ đặt niềm tin vào Đức Phật, nhờ có tha lực của Đức Phật; còn một đàng là sự chú nguyện trực tiếp của các vị A-la-hán cho mẹngài Mục-kiền-liên, hai trường hợp, hai phương tiện, hai pháp môn, hai đối tượng đều hoàn toàn khác nhau, làm sao có thể so sánh được? Và kết quả suy ra cũng không liên hệ vào đâu cả. Nếu trong vế trên là 2 người nữ bà-la-môn chẳng hạn, tất nhiên trong kết luận sẽ là 500 vị A-la-hán =2 người nữ bà-la-môn! Cách đặt vấn đề và suy luận như thế này, nếu là ởmột học sinh Tiểu học, tôi cũng rất lo ngại là học sinh ấy sẽ không quanổi kỳ thi tốt nghiệp! Và nếu không xếp lập luận này vào loại phóng tưởng, hẳn tôi cũng không biết phải lý giải thế nào về đoạn văn lập luậnnày. Đó là chưa nói đến việc 500 vị A-la-hán này cũng đã là sản phẩm tưởng tượng rồi chứ hoàn toàn không có trong bản Kinh văn đang đề cập.

Nếu như ví dụ này chưa đủ làm rõ ý nghĩa của sự phóng tưởng, tôi xin nêutiếp ví dụ thứ hai, cũng ngay sau đó trong bài viết của ông Đáo Bỉ Ngạn:

Đối với người Tàu, cái gì cũng có thể nguỵ tạo, bịa đặt, vẽ rắn thêmchân. Các vị xem “Tây du ký” là truyện chương hồi của Ngô Thừa Ân, khácxa với chính sử về hình ảnh của Pháp sư Trần Huyền Trang còn gọi là Đường Tam Tạng...(Hết trích)

Đoạn văn này được đưa ra để củng cố cho kết luận ở trên rằng Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo, vì thế ta có thể tóm tắt như sau:

Người Tàu cái gì cũng ngụy tạo => Tây du ký ngụy tạo chuyện ngài Huyền Trang

Kinh Vu Lan Bồn do người Tàu làm ra => Vậy Kinh Vu Lan Bồn là ngụy tạo.

Mới nhìn qua có vẻ như đây một lập luận vững chắc theo kiểu Tam đoạn luận. Thế nhưng xét lại thì thấy ngay là mỗi vế đi một đường, chẳng liênquan gì đến nhau cả! Nếu cách chứng minh này được chấp nhận, thì xem như tác giả sẽ chứng minh được tất cả kinh điển trong Đại Chánh Tạng đềulà ngụy tạo, vì đều do người Tàu làm ra cả! Chỉ cần thay tên kinh là Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Đại Bát Nhã v.v... thì phương trìnhvạn năng này sẽ bác bỏ hết tất cả Kinh điển Phật giáo trong Hán tạng. Thật đáng sợ! Nếu không hiểu đây là sự phóng tưởng từ mối nghi ngờ của tác giả thì không biết phải hiểu khác đi như thế nào? (Ấy là chưa nói đến một sai lầm cũng rất nghiêm trọng ở đây mà dường như tác giả hoàn toàn không biết: Người dịch kinh Vu Lan Bồn không phải người Tàu! Như đãlược dẫn ngay từ đầu bài viết, ngài là một cao tăng từ Ấn Độ sang, tên Phạn ngữ là Dharmarakṣa, hay Đàm-ma-la-sát, niên đại vào khoảng 230 – 316. Tên Hán ngữ của ngài là Trúc Pháp Hộ, với chữ Pháp Hộ là dịch nghĩa, còn chữ Trúc được lấy làm họ giống như một số vị tăng Ấn Độ khác vào thuở ban đầu Phật giáo mới truyền sang Trung Hoa, để chỉ xứ Thiên Trúc, tức là Ấn Độ, chẳng hạn như các ngài Trúc Pháp Lan, Trúc Phật Niệm...)

Như thế đó, nếu cũng trên tinh thần này, chúng ta đọc lại toàn bài viết thì sẽ thấy còn rất nhiều điểm phóng tưởng khác từ sự nghi ngờ không đúng pháp của tác giả. Vì thế, tôi muốn nhân đây nêu ra để tự nhắc nhở mình cũng như tất cả quý Phật tử khi đọc Kinh điển là: Hãy tỉnh táo loại trừ mọi sự phóng tưởng của tâm ý, rất dễ dàng sinh khởi khi trong tâm ta có sự nghi ngờ không đúng pháp.

Tóm lại, việc đọc kinh điển có thể nói là một phần cực kỳ quan trọng trong sự tu tập của người Phật tử. Chư Tăng Ni không phải lúc nào cũng hiện diện bên cạnh để dạy dỗ, dắt dẫn ta; mà dù có được vậy thì ta vẫn phải tự mình nỗ lực nghiên tầm học hỏi từ Kinh điển mới có thể vững tiếntrên đường đạo, chứ không thể hoàn toàn ỷ lại vào người khác. Qua bài viết này, tôi hy vọng có thể chia sẻ được với quý độc giả, quý Phật tử một số điểm cốt yếu khi đọc Kinh điển, để tránh không rơi vào sai lệch.

Thứ nhất,xin hãy thận trọng trong việc phân định thật giả, đừng vội kết luận hồ đồ rồi sinh tâm nghi ngờ không đúng pháp, điềuđó không những gây hại cho chính mình mà còn có thể làm hại đến nhiều người khác.

Thứ hai,
xin hãy đọc Kinh điển với tâm sáng suốt thanh tịnh, không vội tin chắc vào bất kỳ điều gì, mà phải nỗ lực thông qua sựhành trì thực nghiệm để ngày càng củng cố niềm tin sâu vững của mình vào Chánh pháp. Đối với những gì đã nhận hiểu, tin tưởng, phải nỗ lực thực hành, áp dụng ngay vào cuộc sống hằng ngày. Đối với những gì chưa thông suốt, chưa hiểu thấu, nên khởi nghi tình để tiếp tục nghiên tầm, tiếp tục chiêm nghiệm, nhưng tuyệt đối không để mối nghi tình ấy phát triển sai lệch thành sự bất tín Tam bảo, phỉ báng Kinh điển. Nếu giữ được lòng nghi thanh tịnh với chỗ chưa thông suốt, chắc chắn sẽ có ngày tháo gỡ được để tiến tới xa hơn trên đường tu tập. Nếu không lưu ý điểm này sẽ rất dễ dàng rơi vào chỗ chạy theo những phóng tưởng sai lầm, khiến chúng ta hiểu lệch lạc ý kinh và đánh mất niềm tin vào Thánh giáo.

Thứ ba,
hãy nỗ lực tìm kiếm những bậc thầy chân chánh, những thiện hữu tri thức để kề cận và trực tiếp nương theo. Những vị nàysẽ nâng đỡ, dắt dẫn ta trên đường tu tập. Cho dù họ không phải những bậc cao tăng danh tiếng, không có học thức uyên thâm, thì ít ra họ cũng là người đi trước ta được một vài chặng đường, nên chắc chắn sẽ có nhữngkinh nghiệm thiết thực nào đó để truyền đạt cho ta. Kinh điển là Thánh giáo, không phải dễ dàng mà có thể nắm hiểu ngay được hết ý nghĩa thâm sâu, nên khi đọc Kinh điển mà có thầy, có bạn thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Cuối cùng, tôi xin trích lời ông Đáo Bỉ Ngạn dưới đây để nêu ra một nhận xét nhằm kết lại bài viết này:

... chúng ta nên xét lại để mà minh bạch với đồ chúng, để nguỵ-chân,thực giả đưa ra ánh sáng Phật pháp chiếu soi. Đừng vì những gì gọi là truyền thống hay là những lợi ích gì đó mà không dám lên tiếng! (Hết trích)

Qua một số phản hồi của người đọc từ bài viết của ông Đáo Bỉ Ngạn, tôi được biết cụm từ "những lợi ích gì đó"được nêu ra ở đây nhằm chỉ đến việc một số chùa chiền hiện nay nhân dịplễ Vu Lan để kêu gọi Phật tử tổ chức các lễ trai tăng linh đình, cúng dường phẩm vật ê hề, cho đến có cả việc đòi hỏi cúng bằng tiền mặt để...tiện chi dụng. Là những người Phật tử chân chánh, chúng ta không ai tánthành những việc quá đà và phi pháp trong chốn thiền môn, nhưng cũng nên phân biệt rạch ròi đó là sự sai trái của những cá nhân, những người không có sự tu tập chân chánh, chứ không liên quan gì đến Kinh điển. KinhVu Lan Bồn hoàn toàn không dạy những điều như vậy, không nên liên kết một cách vô cớ để sinh lòng bất kính với Kinh điển. Những ai mượn đạo tạo đời, dựa vào lòng tin của tín đồ để mưu cầu lợi dưỡng cá nhân mà không có sự nỗ lực tu tập, tất yếu đều phải đối mặt với nghiệp quả của riêng họ. Chúng ta không thể vì những hiện tượng tiêu cực đó mà quay sang công kích Kinh điển hay suy giảm lòng tin nơi Chánh pháp, nơi Tam bảo.

Hy vọng là qua bài viết này, bản thân ông Đáo Bỉ Ngạn cũng như một số người đọc đã tán thành ý kiến của ông nêu ra sẽ có thể bình tâm nghĩ lạivà rút ra được đôi điều suy ngẫm, để tất cả những người Phật tử chúng ta đều có thể cùng nhau thẳng tiến trên con đường tu tập theo Giáo pháp của Như Lai.

Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến

________________________________

Để đáp ứng nguồn thông tin hai chiều, BBT TVHS đăng lại nguyên văn bài của tác giả Đáo Bỉ Ngạn:


KINH VU LAN BỒN THỰC HAY GIẢ?
Đáo Bỉ Ngạn

Vào mùa tháng Bảy (âm lịch) ở chùa nào cũng khai hội Vu Lan báo hiếu.Nhưng tại sao chỉ nhắc đến Mẹ mà không báo hiếu Cha? Mà thôi, ai cũng được vì ai cũng là đấng sinh thành như người ta thường nói vậy! Mà tại sao chỉ có báo hiếu vào mùa này nhỉ? Còn mùa khác thì không báo hiếu sao? Mà tại sao lại phải vào tháng Bảy âm lịch mới có Vu lan thắng hội?

Thực sự ra ngày 14 tháng Bảy âm lịch hằng năm là ngày cúng giỗ tổ tiên người Tàu. Tại sao có sự trùng hợp với lễ Vu lan bồn một cách kỳ lạnhư thế? Có ai suy nghĩ về điều này không? Tôi cũng như quý vị chưa từng nghĩ như vậy cho đến khi đọc được khai thị của hoà thượng Tuyên Hoá, vị thánh tăng người Trung Quốc, người sáng lập Vạn Phật Thánh Thànhtại nước Mỹ vào thập niên 80 của thế kỷ 20.

Theo pháp ngữ của Ngài thì người Tàu ngụy tạo ra kinh “Vu lan bồn” nhằm củng cố sự chuyên chế của giường cột phong kiến, vốn lấy Trung Hiếulàm đầu, dầu là ngu trung và ngu hiếu! Ngoài ra còn nhằm vào những mục đích khác nữa! Thật choáng váng cho tôi lúc đọc đến chỗ này, nhưng niềm sùng kính của tôi đối với Ngài là tuyệt đối vào thời điểm đó, nên tôi hoàn toàn tin tưởng đây là sự thật.

Giờ đây bình tâm mà xét lại quả nhiên kinh Vu lan bồn lộ ra nhiều sơ hở, trái với chánh tư duy của nhà Phật. Theo kinh điển đạo Phật, một người đắc thánh quả thì 9 đời tổ tiên dòng họ được siêu thăng. Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi quy y đầu Phật, chỉ 18 ngày sau là đắc A la hán, thì tại sao mẹ Ngài vẫn còn ở địa ngục?

Trong kinh Vu lan bồn, sau khi trở về từ địa ngục thăm mẹ, tôn giả Mục Kiền Liên được Đức Phật chỉ dẫn cách lập Vu lan bồn. Trong kinh nàycó ghi là đàn tràng này được thiết lập với sự cúng dường phẩm vật (còn gọi là cúng trai tăng), và nhờ đến 500 vị thánh tăng A la hán cùng chú nguyện vào, thì mẹ Ngài mới siêu thăng. Vậy thì tôn giả chúng ta bấy giờlấy đâu ra nhiều phẩm vật cúng dường và mời đâu ra dễ dàng 500 vị A la hán cùng một lúc nhỉ? Được biết, sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất chỉ có 499 vị, về sau có ngài A nan bổ sung mới đủ 500 vị. Như thế, thời điểm tôn giả Mục Kiền Liên “cứu mẹ” làm sao có được nhiều thánh tăng A la hán vậy?

Nếu tôn giả Mục Kiền Liên làm như vậy, thì các tôn giả khác cũng có mẹ hoặc cha hoặc tứ thân phụ mẫu bị đoạ địa ngục. Vậy thì tính sao đây? Lẽ nào làm được cho tôn giả Mục Kiền Liên mà vị khác lại không? Đây là sự thiếu công minh, chắc chắn không phải là chỉ dụ của Phật!

Trong kinh “Địa tạng bổn nguyện” một người nữ Bà la môn, vì thương mẹmình bị mất mà không biết thác sanh vào chốn nào, niệm tôn hiệu của ĐứcGiác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai chỉ một ngày một đêm thì người mẹ ấytừ địa ngục thác sanh vào cõi trời. Suy ra, 500 vị thánh tăng A la hán cùng chú nguyện chỉ bằng một người nữ Bà la môn? Phải chăng chỗ này lộ ra sự vô lý về đối tượng “cầu siêu” và “đạo lực” giữa một người phụ nữ với hàng trăm vị thánh tăng?

Do những sơ hở này, chúng ta hiểu thêm về xác quyết của hoà thượng Tuyên Hoá. Đây không phải lần đầu người Tàu nguỵ tạo kinh điển. Hoà thượng Hư Vân cho biết, thời Võ Tắc Thiên, kinh “Đại Vân” được “sáng tác” nhằm phục vụ cho việc soán ngôi vua của bà ấy!

Đối với người Tàu, cái gì cũng có thể nguỵ tạo, bịa đặt, vẽ rắn thêm chân. Các vị xem “Tây du ký” là truyện chương hồi của Ngô Thừa Ân, khác xa với chính sử về hình ảnh của Pháp sư Trần Huyền Trang còn gọi là Đường Tam Tạng. Xem truyện “Thuỷ Hử”, lại càng thấy tài hư cấu bịa đặt của người Tàu đối với chính sử mà Thi Nại Am đã phóng tác. Mới đây nhất,trong một bài viết đăng trên báo “Hôn nhân và Pháp luật”, tác giả PhongNguyệt cho biết, hậu bối của dòng họ Võ, đòi kiện con cháu nhà văn Thi Nại Am vì đã bôi xấu tên tuổi của Võ Đại Lang, vốn thời đó là một vị quan thanh liêm, chứ không phải là chàng gù bán bánh tiêu trong truyện “Thuỷ Hử”.

Dẫn chứng nóng hổi nhất, thời sự nhất là người Tàu cho rằng đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Trung Quốc, trong khi những tài liệu lịch sử đều không có. Còn đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra, chỉ mới đâythôi, khẳng định vùng biển Đông là của Trung Quốc. Cả thế giới lên án, ViệtNamđã bác bỏ luận điểm trên bằng những chứng cứ lịch sử đầy thuyết phục. Trung Quốc không dám đưa vấn đề này ra Toà án Quốc tế.

Trở lại kinh “Vu lan bồn”, chúng ta nên xét lại để mà minh bạch với đồ chúng, để nguỵ-chân, thực giả đưa ra ánh sáng Phật pháp chiếu soi. Đừng vì những gì gọi là truyền thống hay là những lợi ích gì đó mà khôngdám lên tiếng!

ĐÁO BỈ NGẠN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/01/2025(Xem: 301)
Duyên là những điều kiện cần và đủ để một việc được thành công như đúng thời cơ, đúng nguời, đúng phương tiện, đúng việc. Duyên nào đã đưa tôi được tháp tùng theo chuyến hành hương của Tu Viện Quảng Đức-Úc Châu do Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng làm trưởng đoàn, tổ chức từ 11/11/2024 đến 30/11/2024 . Chuyến đi đã khép lại nhưng những nhân duyên cùng những chuẩn bị, những kỷ niệm, những cảm nhận trước, trong và sau chuyến hành hương vẫn còn rất sống động trong tôi.....
08/11/2024(Xem: 976)
HIẾM NGƯỜI SỐNG MÀ BIẾT CHUẨN BỊ CHO KIẾP SAU! Cái vòng quay của thời tiết xuân hạ thu đông không làm cho ta lo lắm vì ta thấy ta còn tất cả, vẫn những người yêu thương ta đó, vẫn căn nhà đó, vẫn tiền bạc đó, vẫn sự nghiệp đó, nó vẫn đi tiếp, không có gì làm ta phải lo và chính cái không lo này làm cho ta chủ quan.
22/08/2024(Xem: 737)
Khí hậu Texas (TP Houston) hơi hầm vào Mùa Hè nhưng mọi người về khá đông trong 3 ngày. Đặc biệt, ngày thứ Hai (August 19) số người lên tới gần 1000 người. Vậy nhưng, sự nhẫn nại và lòng kiên trì của tất cả quý Phật tử (gồm nhiều cộng đồng như Tây Ban Nha, Việt, Đài Loan và Mỹ) đã tạo nên một KHOÁ TU MÙA HÈ 2024 đầy rực rỡ và tràn ngập năng lượng yêu thương. Buổi phỏng vấn và phát biểu của quý thiền sinh vào buổi trưa thứ Hai có nhiều người đã bậc khóc vì an lạc! Thiện Trí cảm ơn Thầy Trụ Trì Trúc Lâm đã tạo duyên lành cho Khoá Tu lần thứ 3 này tại Tu Viện Trúc Lâm Houston. Thầy cảm ơn tất cả quý vị volunteer đã dành hết tấm lòng phụng sự để khoá tu thành tựu viên mãn. Chúc lành đến tất cả! Namo Buddhaya 🙏☘️
10/08/2024(Xem: 1711)
ột người tâm không tĩnh thì rất khó suy nghĩ cặn kẽ một vấn đề gì đó, xã hội hiện đại là một thời đại rối ren, con người sống và làm việc cũng đều rất kiêu căng, xốc nổi. Chỉ có người nào tĩnh tâm thì mới có thể cẩn thận quan sát thời thế, suy xét một cách sâu sắc để có được cách giải quyết vấn đề hoặc hiểu được con người một cách chính xác.
14/07/2024(Xem: 1563)
Trong cuộc sống hiện nay, sự đa chiều và phức tạp của xã hội từ các mạng lưới truyền thông đã làm ảnh hưởng tâm trí của con người rất nhiều. Sức chứa từ não bộ thì giới hạn mà chúng ta lại ôm vào nhiều thông tin quá tải đã đưa chúng ta đến việc căng não, stress, áp lực và từ đó chúng ta sinh ra sự cáo gắt, trầm cảm, giận vô cớ, khổ đau từ những việc không đâu. May mắn thay, Thiền đã xuất hiện. Thiền Thực Nghiệm giúp đưa chúng ta tìm lại được những khoảnh khắc bình yên cho THÂN và TÂM. Ngoài ra, Thiền còn mang lại năng lượng tích cực tuyệt vời mà chỉ khi nào chính chúng ta cùng ngồi lại thật sự với năng lượng đó trong một lớp học hay khóa tu trọn vẹn, thì mỗi chúng ta mới “cảm” được hết cái năng lượng ấm áp đó từ Thiền tập.
03/07/2024(Xem: 1455)
Như vậy là các bạn học sinh sinh viên đã chính thức nghỉ hè. Với các em, đây là quãng thời gian quý giá để nghỉ ngơi, thư giãn, phát triển bản thân, tìm hiểu và học hỏi những gì hợp nhất, cần nhất, tốt nhất cho chính mình. Nắm bắt được nguyện vọng và nhu cầu này, năm nay một chương trình rất thú vị được tổ chức ngay trong những ngày tới. Với chủ đề “Ươm Mầm Thiện Nhân”, trại hè Phật Giáo tổ chức tại chùa Đại Tùng Lâm Hoa Sen mong muốn tạo môi trường sinh hoạt hè bổ ích giúp các bạn trẻ, đặc biệt là gieo thiện duyên để các em biết đến Đạo Phật và được trải nghiệm tu học Phật Pháp, tiếp thu những giá trị tốt đời đẹp đạo mà Đức Phật đã tìm ra và để lại cho chúng ta để ứng dụng vào đời sống học tập, làm việc, sinh hoạt hàng ngày.
07/05/2024(Xem: 3198)
Join us for this 7 day transformational retreat on Serenity island in Fiji with Dr Martin Nguyen TCM 27th May to 2nd June 2024 This Discover Serenity retreat integrates: Body Pulsing Negative Energy Release, Freedom Meditation, Serenity Qi Gong, Kava Ceremony, Transformational Workshops & Group activities, Beach Walks, Sunrise Meditation & Night Star gazing. Fijian Culture and Nature Immersion Inclusions: 6 Nights accomodation in beach front bure with ensuite &AC Organic herbal tea & bottled water Daily detox break fast, Fijian lunch & dinner Serenity island activities: snorkelling, kayaking, fish feeding tour, basket weaving & baby turtle care. 90 min Fijian full body massage x 1 2 hrs Island hopping & snorkelling tour x 1 (optional) 2 hrs Sand bar reef snorkelling tour x 1 (optional) 1 hr Traditional Fijian cooking class x 1 Body Pulsing Negative Energy Release, Freedom Meditation, Serenity Qi Gong, Kava Ceremony, Transformational Workshops & Group activities,
03/04/2024(Xem: 2871)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Xin thông báo tổng quát lịch Pháp thoại, khóa tu, Phật sự và hành hương của Thầy Tánh Tuệ năm 2024 Kính chia sẻ cùng chư Tôn đức, Pháp hữu và qúy Phật Tử lịch trình Hoằng Pháp, sinh hoạt tu học & Phật sự... với sự chia sẻ của Th Tánh Tụê cùng với sự hiện diện của chư Tôn đức tham dự trong tháng 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11- 2024
07/10/2023(Xem: 3003)
Thân đau yếu là để dạy cho Tâm biết Vô Thường!! - Thân thể đau yếu, bệnh tật là để tâm khởi lên sự chán ghét thế gian và có tác dụng làm sụp đổ các hy vọng . Tâm điên đảo, vọng tưởng chạy theo đủ thứ suy nghĩ là để giúp cho chúng ta thấy rõ cái đam mê, cái tham ái vào bản ngã.
31/07/2021(Xem: 6951)
Quyển sách nầy có 22 tác giả đóng góp bài vở, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Sách do ba tổ chức tại Hoa Kỳ xuất bản. Đó là: Ananda Viet Foundation, Bodhi M.Foundation và Lotus Media xuất bản nhân lễ Phật Thành Đạo, Phật Lịch 2563, Dương Lịch 2019. Sách có độ dày 280 trang, khổ A5, in trên giấy thường, hình bìa trình bày rất trang nhã. Ban Biên tập gồm ba người. Đó là Đh Tâm Diệu, Đh Nguyên Giác và Đh Tâm Thường Định.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]