Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đối Trị Corona: Bình Tâm Chữa Khi Chưa Bệnh

20/09/202112:34(Xem: 4507)
Đối Trị Corona: Bình Tâm Chữa Khi Chưa Bệnh

stayhomecovid19

ĐỐI TRỊ CORONA:
BÌNH TÂM CHỮA KHI CHƯA BỆNH!

Bs. Phạm Đức Thành Dũng


Thế giới đang hoảng loạn vì đại dịch toàn cầu SARS-CoV-2! Điều rất lạ là với những kỹ thuật văn minh nhất đại diện cho thành tựu khoa học vĩ đại nhất của loài người, càng lúc, càng nghiên cứu, thì con người càng tỏ ra mù mờ về nó. Nhiều nhà khoa học đã phải thú nhận dịch bệnh này không giống với những gì họ đã được biết, đã được học, đã nghiên cứu; nhiều giáo sư các trường đại học danh tiếng được xem là tượng đài y học của thế giới cũng thú nhận như vậy... Những nhận định ban đầu của khoa học hầu như không đúng: có vẻ tất cả con người đều rất bình đẳng trước bệnh tật, không kể dân tộc đảng phái, già trẻ gái trai, có bệnh lý nền hay không…; và kiểu chọn lọc đối tượng để xâm nhiễm của virus cũng không ai lường được, cùng một nhà ăn ở với nhau cũng có người nhiễm người không, vợ nhiễm chồng không, mẹ nhiễm nhưng con đang bú mẹ lại không… Diễn tiến của dịch bệnh không ai dự đoán được, những biến thể xuất hiện ngày mỗi nhiều, chưa thôi kinh hoàng vì Delta thì đã có Lamda, Eta, rồi đến MU thoáng chốc đã có mặt trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ… đến đỗi các nhà khoa học đã nghĩ đến cách đặt tên khác vì bảng chữ cái Hy Lạp e sẽ không đủ. Mức độ và tốc độ lan tràn của các biển thể là khủng khiếp và không tuân theo một quy luật nào cả, gần như cùng lúc xuất hiện khắp các châu lục, mặc cho bao nhiêu biện pháp ngăn chặn của con người…

Và đáng quan ngại nhất: mới gần đây thôi, khoa học vẫn chắc chắn một điều vaccine sẽ là cứu cánh chắc chắn cho con người… Những đất nước như Mỹ, Israel đã khiến cả loài người ngưỡng mộ vì đi đầu trong việc chủng vaccine, nhưng lại rất nhanh sau đó là sự bùng phát dịch bệnh dữ dội (!)…

Trên các phương tiện truyền thông Mỹ đã xuất hiện những câu hỏi biểu hiện sự hoang mang tột độ của con người, kể cả những nhà khoa học (theo FBNC):

-Liệu rằng còn bao nhiều biến thể nữa sau Delta, Lamda, Eta… sẽ tham gia cuộc chạy đua vũ trang: “Ai” mới là mối đe doạ khủng khiếp nhất của nhân loại?

-Liệu rằng những biến thể đời sau có khả năng đề kháng với các kháng thể tạo ra từ các loại vaccine hiện nay, để đưa cuộc chiến chống virus của loài người về lại vạch xuất phát?

-Liệu rằng các biến thể đời mới có thể mở rộng phạm vi tấn công từ phổi đến não, thận và các cơ quan nội tạng quan yếu khác, để cướp đi sinh mạng con người nhanh chóng hơn?

-Liệu rằng các biến thể mới có khả năng đánh lừa người mắc tưởng rằng mình đã hồi phục nhưng thực chất tình trạng bệnh sau đó ngày càng tồi tệ?

-Liệu rằng có tồn tại hay không một biến thể “ngày tận thế” thoát khỏi sự khống chế của vaccine rồi lan rộng như cháy rừng khiến cho ngày càng nhiều người mắc và bệnh nhanh chóng trầm trọng mà chúng ta chưa từng chứng kiến?...

-…

Còn bao nhiêu cái “Liệu rằng” khủng bố con người nữa, mà nếu đi vào con đường nghiên cứu vi thể thuần tuý, tính toán bằng xác suất, thì đều có cơ sở để thành hiện thực, vì rằng cứ 10 lần nhân lên của virus là có thể có biển thế, mà trong một cơ thể người nhiễm có thể chứa đến khoảng 10 tỷ bản sao của virus (!) Chưa bao giờ bức tranh bệnh tật thế giới toàn thể lại phủ một màu ảm đạm đến vậy!

Từ hiện thực như vậy, thông điệp của bài viết muốn gửi đến mọi người là: không nên quá sợ hãi, kinh khiếp, hoang mang, vô vọng hay oán thán, trách móc, thù hận, căm phẫn… vì đó là những trạng thái tinh thần vô cùng xấu đối với sức khoẻ, làm sút giảm khả năng chiến đấu của hệ Miễn dịch, tăng nguy cơ bệnh cảnh trầm trọng khi bị nhiễm; và hoàn toàn có cơ sở để chúng ta có niềm tin không sợ hãi; từ đó, phân tích bệnh học để thấy vai trò của con người trong tật bệnh để đặt vấn đề giải quyết nơi con người, bằng cách tích cực với những phương pháp luyện tập, sinh hoạt, ăn uống, điều dưỡng tinh thần,…, chuẩn bị một nền tảng thân tâm vững chãi để lỡ như virus xâm nhập thì không thể xảy đến tình trạng quá xấu; đồng thời liên hệ với đạo lý của Y học cổ truyền để hiểu được cái dụng của y đạo của người xưa đối với dịch bệnh ngày nay; và cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa là Phật học: nhận chân lại các loại “thuốc” của bậc Đại y vương mà chúng ta sẵn có, để tìm cách nương tựa vào giáo pháp của Ngài trong đại dịch lần này! Và, nguyên lý chung cần tuân thủ: Bình tâm chữa khi chưa bệnh! Ngay bây giờ và ở đây!

I.Hiểu để sẵn sàng tâm lý và chọn lựa giải pháp cho mình:


1.Hiểu về quy luật: Mọi sự vật hiện tượng đều có nhân có quả! Phải tin tưởng cái nhân mình đã gieo như thế nào thì có quả tương ứng, nên cứ quán xét trên bản thân, để hình dung kết quả. Đừng để những thứ “Liệu rằng” mà con người đang hoang mang nêu trên khủng bố tinh thần, vì mọi thứ sinh ra đều có lý, và mục đích cũng là tái lập lại cái toàn thể, nên cũng chưa thể phán xét nó là bạn hay thù. Chúng ta không nên để những trạng thái tình cảm tiêu cực như sợ hãi, kinh khiếp, hoang mang, vô vọng hay oán thán, trách móc, thù hận, căm phẫn… đè nặng lên bản thân, vì đó là những trạng thái là vô cùng xấu khi phải đối diện với dịch bệnh, làm suy giảm nhanh chóng hệ thống Miễn dịch, tăng nguy cơ trầm trọng khi nhiễm phải virus. Đừng để bị khủng bố bởi những thông tin nhiễu loạn, bình tâm là thái độ cần thiết của chúng ta, suy xét thấu đáo, cần đặt vấn đề: Phải làm gì để đón nhận virus không may lọt cơ thể một cách an toàn là vấn đề quan yếu nhất!

2.Hiểu sự phát triển của dịch và tỷ lệ nguy cơ

2.1.Bệnh tật có lý do để đến và cũng có lý do để ra đi:

-Đại dịch đã xảy ra khá nhiều lần trên thế giới, song tất cả đều có lý do để đến và cũng có lý do để tự ra đi, không phải do quyền năng của con người.

-Sự lan tràn của các biến thể như cháy rừng thì cũng đồng nghĩa với sự miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng sẽ được thiết lập nhanh, và chắc chắn rằng sự miễn dịch do chính bản thân con người từng nhiễm virus là miễn nhiễm chắc chắn và bền bỉ nhất, vì cái tạo ra miễn dịch cho họ là hạt virus hoàn chỉnh tự nhiên chứ không phải là loại mô phỏng từng bộ phận của nó như ở vaccine. Phải tin rằng, ngay cả khi con người không thể làm gì được nữa, thì miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng cũng sẽ thành lập vững chắc.

2.2.Tỷ lệ tử vong trên tỷ lệ số người mắc và vấn đề của chúng ta: Xin lấy những con số của ngày 11 tháng 9 năm 2021: Cả thế giới đã có 4.633.157 ca tử vong trên 224.767.939 trường hợp nhiễm phát hiện được, tức chiếm 2% (Việt Nam là 15.018 ca tử vong/ 601.349 ca nhiễm phát hiện được, tương đương 2,5%). Thực ra, con số nhiễm nêu trên chỉ là con số phát hiện được, vì có hơn 80% người nhiễm không có dấu chứng, cho nên con số nhiễm thực sự chắc chắn nhiều lần hơn; chưa kể rất nhiều ca tử vong nhiễm virus trên bệnh nền rất nặng, cái chết là do virus hay bệnh nền, cũng không thể chắc chắn; vậy nên, tỷ lệ tử vong thực sự ở người nhiễm chắc chắn không đến con số 1%! Vấn đề của chúng ta là: sống như thế nào để rơi vào số 99% nhiễm mà vẫn sống, chứ không phải lọt vào nhóm 1% uổng mạng vì nhiễm. Nếu mọi người hiểu và hành động đúng, con số tử vong sẽ tiến dần về 0% là điều có thể.

Hiểu tường tận sự phát triển của dịch và tỷ lệ nguy cơ như vậy, thì vấn đề của chúng ta vẫn là: Phải chữa thân mình khi chưa bệnh!

3.Hiểu, nhận chân bệnh học: Sợ vì không hiểu, hiểu thì không sợ! Cần hiểu thêm về bản chất của virus, những hệ thống cần được gia cường và cơ chế dẫn đến mức độ nặng nhẹ của bệnh, để thấy được hướng giải quyết.

3.1.Bản chất virus: chỉ là một thể trung gian giữa chất sống và chất vô sinh, không có khả năng sinh sản, không di chuyển được, không có khả năng trao đổi chất. Một năng lực thuộc về cơ thể điều phối sự nhân lên của virus bên trong tế bào, mục đích loại bỏ những thương tổn của cơ thể chủ yếu trên đường hô hấp, nên có những phản ứng biểu hiện bằng những triệu chứng bệnh; nhưng đôi khi có những sai lầm trong điều phối Miễn dịch học của chính cơ thể, dẫn đến kết quả đáng tiếc. Virus có thể xem là thứ cố định và có thể bị nhiễm bất cứ lúc nào, cho nên vấn đề thay đổi con người mới là cái cần thiết phải làm trong hoàn cảnh đối diện với tật bệnh!

3.2. Các hàng rào bảo vệ thuộc hệ miễn dịch không đặc hiệu cần được gia cường: Hoạt động cơ học của lớp tiêm mao nhầy của hệ thống đường hô hấp trên cũng chứa hoá chất diệt virus, hoặc bất hoạt chúng, loại bỏ và tống khứ virus qua các phản xạ ho, hắt hơi, chảy mũi nước…; các Enzyme ở nước mũi, đường hô hấp trên, các protein viêm, Interferon, bổ thể đều tham gia vào cơ chế đề kháng tự nhiên…; rồi các loại bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân đều có khả năng thực bào, rồi các tế bào tiêu diệt tự nhiên có khả năng tiêu diệt những tế bào nhiễm virus mà không cần được mẫn cảm trước…

3.3. Hệ thống miễn dịch đặc hiệu cần kiện toàn: Khi tế bào Lympho T nhận diện virus, tiết ra một loại chất dịch đặc thù của nó là Cytokin để kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động: Lympho B sản xuất ra kháng thể, Lympho T thì tăng sinh để tiếp tục bắt giữ virus, các bạch cầu được thu hút đến nơi có virus, các mạch máu được mở rộng để chuyên chở vật chất đến chiến đấu với virus. Khi tế bào T tiêu diệt các tế bào nhiễm, xác của các tế bào miễn dịch, các phân tử và dịch tiết có thể làm phổi phù nề, sưng lên, ngập nhiều dịch, dẫn đến sự hấp thu Oxy giảm… Sau khi hoàn tất chu trình miễn dịch thì virus sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, cơ thể thông thường hồi phục sau một bệnh cảnh viêm (cúm điển hình). Nhưng kết quả xấu có thể xảy ra, tựu trung bởi 3 cơ chế:

-Cơ chế (1) Cơ thể quá “nôn nóng” gây cuộc chiến quá kịch liệt, cuộc tàn sát 2 bên lan rộng, xác các loại bạch cầu chồng chất, dịch viêm dịch tiết ngập tràn… Đặc biệt hệ thống Miễn dịch bị kích thích quá mức, các tế bào lympho T sẽ tiết ra Cytokin tràn ngập trong máu như một cơn bão, gây nên các phản ứng viêm, đông máu, giảm bạch cầu Lympho, thâm nhiễm tế bào đơn nhân ở các cơ quan. Phản ứng viêm quá mức xảy ra, đặc biệt là tại phổi. Các phế nang xung huyết, tràn ngập dịch viêm, thành phế nang dày lên, giảm sức căng bề mặt, các mao mạch xung huyết… Tất cả đó cản trở sự trao đổi Oxy từ không khí hít vào và máu, Oxy trong máu giảm thấp (giai đoạn phổi mềm)… Tiếp theo, chính cơn bão Cytokin kích hoạt tình trạng tăng đông máu rải rác khắp các mao mạch phổi, gây tắc nghẽn lượng máu đến phế nang, dẫn đến sự trao đổi Oxy càng tồi tệ thêm (giai đoạn phổi cứng). Do cơ chế tổn thương vậy, bệnh nhân sẽ khó thở rất nặng, và hỗ trợ thở Oxy dòng cao hay thở máy thì cơ thể cũng không hấp thu Oxy được. Cách duy nhất trong giai đoạn này là chạy tim phổi nhân tạo ECMO và lọc hấp thu Cytokin, đợi cho cơn bão Cytokin qua đi để phổi có cơ may hồi phục.

-Cơ chế (2) Khi cơ thể chỉ huy các tế bào miễn dịch chiến đấu, sự phối hợp sai có thể xảy ra, gây tổn thương nhiều hơn, dẫn đến kết quả càng nặng nề.

-Cơ chế (3) Cơ thể phản ứng thái quá (gọi là quá mẫn) gây ra những thương tổn trầm trọng; tức thay vì tổn thương do virus, chính phản ứng miễn dịch lại thành gánh nặng vì gây tổn thương cho phổi và các cơ quan khác.

*Từ các cơ chế trình bày phần trên, chúng ta có thể phân ra 2 nhóm nguyên nhân thiết yếu quyết định các biến chứng mức độ từ nhẹ đến nặng cho đến tử vong và nhìn ra hướng giải quyết:

-Một là, nhiều yếu tố tác động lên khả năng loại bỏ virus trên đường hô hấp:  +số lượng, mức độ, tính chất tổn thương của tế bào niêm mạc hô hấp tạo điều kiện cho virus xâm nhiễm; +khả năng thông thoáng của đường hô hấp, dung tích khí lưu thông, lực lưu chuyển vận hành khí, độ căng của phế nang để trao đổi khí,…; +khả năng tiêu diệt virus, hoặc bất hoặc chúng bằng các loại chất sinh hoá có sẵn ở đường hô hấp; +sự hoạt động hiệu quả của hệ tiêm mao nhầy, và khả năng loại bỏ tống khứ các loại bệnh phẩm ra khỏi đường hô hấp bằng phản xạ ho, hắt hơi, chảy nước mũi…; +khả năng loại bỏ các loại bệnh phẩm do viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do bội nhiễm, hay cả bệnh phẩm do cơn bão Cytokin gây nên… Vậy nên, hướng giải quyết là rèn luyện một hệ hô hấp mạnh mẽ hiệu quả.

-Hai là, vấn đề toàn thể của cơ thể: tất cả phản ứng của cơ thể trong bệnh đều hướng đến một cơ thể tốt hơn sau khi bệnh đã đi qua, nhưng do cơ thể đã điều hành sai cuộc chiến giữa hệ Miễn dịch và virus mới xảy đến những biến chứng đáng tiếc như đã trình bày các Cơ chế (1), Cơ chế (2), Cơ chế (3). Trách nhiệm này đều thuộc về hệ Miễn dịch, nên hướng giải quyết là nâng cao khả năng đề kháng của hệ miễn dịch!

4.Nhìn nhận bản chất một số vấn đề trong cuộc giao tranh:

Từ phân tích bệnh học ở phần trên, ta có thể bình tâm nhìn nhận lại:

-Trách nhiệm bệnh tật thuộc về con người!

-Cơ thể tự chữa lành cho mình (trong 99% ca nhiễm không tử vong), các phương tiện khác kể cả ECMO cũng chỉ là chăm sóc hỗ trợ để duy trì mạng sống, đợi chờ cơ thể hoàn tất quy trình miễn dịch để loại bỏ hoàn toàn virus.

-Mức độ nặng nhẹ của bệnh cho đến tử vong đều do cơ thể con người điều hành!

-Virus không bao giờ chiến thắng được cơ thể con người, chỉ có cơ thể vì lý do nào đó điều hành hệ miễn dịch sai, dẫn đến hệ luỵ chính bởi những phế phẩm của cuộc chiến do chính mình phát động.

-Thế giới vi thể trong bệnh thể hiện cuộc bố ráp và tiêu diệt virus của hệ miễn dịch, đang được điều khiển bởi một lực vô cùng tinh tế thuộc về con người, để tạo ra muôn hình vạn trạng các bệnh cảnh khác nhau, có thể nhận ra đó là Nghiệp lực, nên có thể nhìn nhận: cơ thể sử dụng hạt virus như một cơ duyên để hoàn tất một quy trình nhân quả, nhằm mục đích tái lập lại quân bình cho mình!


*Tiểu kết 1: Vai trò của cơ thể con người quyết định tất cả: bệnh lành là do chính cơ thể tự hoàn tất quy trình miễn dịch để loại bỏ virus, còn mọi sự can thiệp của con người chỉ là chăm sóc hỗ trợ, duy trì sự sống bằng Oxy là chính, kể cả kỹ thuật hiện đại như ECMO. Cơ thể tự điều trị, và quá trình loại bỏ virus tuỳ mức độ tổn thương sẵn có của cơ thể và trạng thái tinh thần, để hình thành các cấp độ nặng nhẹ của các biến chứng. Ngay cả tử vong cũng chính là do cơ thể điều hành sai cuộc chiến khiến hệ luỵ bởi các chất phản ứng của cơ thể, dẫn đến một cái chết rất oan ức, bởi vì tất cả các cơ quan tạng phủ không hề tổn thương, song oxy lại không đưa vào máu được, nên về bản chất tương đương như người bị chết đuối... Mọi mức độ tật bệnh, từ không có dấu chứng cho đến tử vong, đều do cơ thể con người quyết định, nên vấn đề của chúng ta phải giải quyết là ở “con người”!

Từ bản chất virus, thấy được trách nhiệm của bản thân con người trong tật bệnh; từ tỷ lệ tử vong, suy xét lại để an lòng; từ cơ chế gây bệnh, cơ chế tử vong, như đã trình bày, chúng ta sẽ hiểu rằng điều tối quan trọng là chuẩn bị một sức khoẻ thật tốt; đặc biệt nhắm đến 3 mục đích:

-Một là, phòng tránh những ô nhiễm ảnh hưởng xấu đường hô hấp: khói, bụi, chất độc hoá học, chất độc sinh học… là điều hết sức cần thiết (Điều này là của cả xã hội, vì môi trường đang bị ô nhiễm nặng, con người thật khó gìn giữ sự trong sạch của thân thể khi nằm trong một cộng nghiệp quá nặng nề như hiện nay, nên chúng tôi không bàn sâu ở đây!). 

-Hai là, phải có một đường hô hấp trong sạch, không có sự thương tổn, dung tích lớn, khí lưu thông tràn trề, và phải thật mạnh mẽ, có khả năng tống ra ngoài những dị vật cũng như các sản phẩm phản ứng của cơ thể ứ đọng trong đường thở ngăn chặn sự trao đổi oxy giữa không khí đi vào và phế nang;

-Ba là, từ cơ chế tử vong chúng ta phải nghĩ đến mục đích hướng đến của con người là nâng cao thể trạng, chuẩn bị một hệ thống Miễn dịch thật hùng hậu và tinh tế để sẵn sàng đối phó khi nhiễm virus.

Để hướng đến 3 mục đích trên, chúng ta vẫn phải chữa “con người” trước khi bệnh! Và, thời điểm thực hiện là ngày bây giờ!


II. Phân tích một số đối trị: Chữa “con người” trước khi nhiễm bệnh!

Thực ra trong tất cả phương pháp đề cập phần sau đều là nâng cao thể trạng về mặt tổng thể, tức hệ Miễn dịch đều được kiện toàn, song chú trọng phân tích ở đường hô hấp để thấy rằng một đường hô hấp hoàn hảo thì virus không xâm phạm được. Xin khái quát về việc luyện tập để chuẩn bị một đường hô hấp, và những điều tiết sinh hoạt và trạng thái tâm lý tình cảm ảnh hưởng đến hệ Miễn dịch mà khoa học đã đề cập, để có thể hình dung những gì chúng ta phải làm!


Phần này chỉ nhấn mạnh đến những điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được; và, phải thực hành ngay, chữa khi chưa bệnh là vậy!

1.Tập luyện các môn thể dục thể thao:

Tất cả các môn thể dục thể thao đều có tác dụng bảo vệ cơ thể, có thể làm giảm đi sự trầm trọng của bệnh lỡ may mắc phải… Đi bộ, chạy bộ, bơi, tập gym, tập các môn có dụng cụ, hoặc các môn đối kháng… đều có tác dụng nâng cao dung tích sống, khả năng lưu thông khí, sức căng của phế nang, và cường độ trao đổi khí, cũng như khả năng tống khứ dị vật trên đường thở, thậm chí chữa lành được cả những bệnh nền đang mang sẽ là nguy cơ nặng nề khi bị nhiễm. Tạm lấy 2 ví dụ: Trường hợp 1, cô Sarah Thomas, người Mỹ, bị ung thư vú điều trị hoá trị, xạ trị từ tháng 11-2017, đã kiên trì tập luyện để vượt qua căn tật bệnh, đến ngày 17-9-2019 (lúc đó 37 tuổi) đã lập kỷ lục bơi một mạch 4 lần qua eo biển Manche nối giữa Anh và Pháp trong hơn 54 giờ (lẽ ra chặng đường bơi chỉ dài khoảng 182km nhưng thiết bị đeo tay ghi nhận cô đã phải bơi đến 215km do sóng và thuỷ triều)[1]; trường hợp 2: Vđv Lance Edward Armstrong tháng 10 năm 1996 được chẩn đoán là mắc ung thư tinh hoàn với một khối u đã di căn tới não và phổi, điều trị giải phẫu não và tinh hoàn, hoá trị kéo dài; sau đó, với một nghị lực phi thường, anh đã luyện tập và giành chiến thắng giải đua xe danh giá nhất Tour de France và bảo vệ danh hiệu vô địch 7 lần liên tục[2]. Dẫn ra 2 trường hợp này để thấy rằng, đối với các loại bệnh nan y như ung thư tỷ lệ tử vong gần đến 100%, và bệnh xâm lấn tàn phá toàn cơ thể, vẫn có thể chữa lành bằng các liệu pháp vận động, nên đối với các loại bệnh nhiễm virus, tỷ lệ tử vong chưa đến 1%, và đặc biệt không hề tàn phá cơ thể, hơn nữa chúng ta đang đặt vấn đề: chữa khi chưa bệnh, hẳn có thể yên lòng để thực hiện.

Bên trên chỉ là 2 trường hợp đỉnh cao hiệu ứng chữa bệnh: không những lành bệnh nan y mà còn trở thành những người khoẻ nhất hành tinh; còn chung quanh ta vô cùng nhiều trường hợp lành bệnh nhờ vào vận động liệu pháp, mà tất nhiên thành tựu trong điều trị phải là tác động của sự nâng cao sức khoẻ toàn thân, đặc biệt là gia cường hệ thống Miễn dịch trong vận động.

3.Luyện tập các môn thiên về “khí”

Chúng tôi đã tập qua các môn Thái cực quyền, Thập nhị huyền công, Bát đoạn cẩm, rồi Yogar… Trông thì rất nhẹ nhàng, nhưng đó là những môn tập vô cùng tốt cho sức khoẻ, đặc biệt công hiệu của nó tập trung vào hệ hô hấp, do tất cả đều thở bằng cơ hoành. Đây là cách thở tốt nhất, có hiệu quả cao nhất trong bảo vệ kiện toàn sức khoẻ và điều trị tật bệnh; cũng là cách thở mà tất cả các bậc đạo sư thông tuệ nhất ngày xưa đều sử dụng trong các cách tu tập rèn luyện: khí công, yogar, võ thuật, dưỡng sinh,…, kể cả 8 vạn 4 ngàn pháp môn của nhà Phật đều sử dụng cách thở này. Xin chia sẻ một chút về trải nghiệm bản thân: khi tôi hoạt động đỉnh cao của thể thao (năm 1981, tham gia đội điền kinh và bóng đá tỉnh Bình Trị Thiên) thì dung tích sống[3] đạt đến giới hạn cao nhất: 5 Lít (người nam bình thường 2,9 – 3,2 Lít); sau khi cơ thể bị bệnh tâm căn suy nhược trầm trọng (bắt đầu từ tháng 7/1986), chuyển sang tập Thái cực quyền, Thập nhị huyền công, Bát đoạn cẩm, Yogar khoảng 2 năm[4] (1987-1989), bệnh lành, và thật bất ngờ, ngày thực tập môn Vệ sinh dịch tễ ở năm tư Y khoa, sau khi cái máy của Việt Nam dung tích 5 Lít không đo được dung tích sống của tôi, các giảng viên đã phải lục tìm 1 cái máy của Liên Xô cũ dung tích tối đa 7 Lít, nhưng rồi phải bất lực vì dung tích phổi của tôi lớn hơn thế[5] (!?).

Từ trải nghiệm của bản thân, cùng phân tích về sự giãn nở của buồng phổi, lực lưu chuyển không khí, sự gia tăng lực căng phồng của phế nang, lực khạc mạnh để tống khứ dị vật… trong cách thở của các môn tập này, có thể hiểu tác dụng của nó, chưa kể tinh hoa từ các yếu lĩnh động tác khác… cũng khiến hiệu ứng trao đổi trong phổi tốt hơn. Và, không khí tươi mát tràn vào càng mạnh mẽ sẽ càng kích thích quá trình trao đổi chất làm cả hệ thống máu, bạch huyết lưu thông vô cùng tốt; hơn nữa, việc hít thở sâu có tác dụng kích thích thần kinh giao cảm có công dụng ổn định trạng thái tinh thần và nâng cao khả năng miễn dịch. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối rằng: các môn tập này có hiệu quả rất lớn trong việc làm giảm nhẹ triệu chứng nếu lỡ mắc phải Corona.

3. Điều độ trong cuộc sống: Lưu ý những kết quả sau đây để thấy những điều nên và không nên!

-Thời gian làm việc và nghỉ ngơi bị xáo trộn sẽ làm suy mòn hệ Miễn dịch

-Thức khuya và ăn uống không điều độ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ Miễn dịch.

-Tiết chế các trạng thái tình cảm: hỷ, nộ, ai, lạc… chừng mực, sẽ có lợi cho sự điều phối hệ Miễn dịch.

-Giữ được ý thành thực, lòng ngay thẳng thì khỏi phải lo âu; thuận lẽ phải, sửa thân mình để tránh phiền não; sự êm dịu nhẹ của tinh thần tăng tiết vô cùng nhiều các hoạt chất có lợi cho cơ thể, từ đó gia tăng sự tinh tế của hệ Miễn dịch.

-Sử dụng máy tính, điện thoại quá nhiều, đặc biệt là chìm đắm vào các chương trình độc hại, hệ Miễn dịch sẽ suy giảm nhanh chóng.

4. Điều chỉnh tiết độ trong sinh hoạt.

-Thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, nguy hiểm hơn nữa là các loại thuốc gây nghiện tổng hợp, ăn uống hoan lạc vô độ, các loại thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia, chất kích thích ngon miệng, thuốc kích thích tính dục, phòng the vô độ, sử dụng nhiều các loại thuốc hoá dược… cơ thể tiêu tốn rất nhiều Enzyme, dẫn đến hệ Miễn dịch càng suy yếu nhanh chóng.

-Ăn uống: Một chế độ ăn uống sai lầm sẽ làm cho hệ Miễn dịch suy giảm. Nên chọn cho mình một chế độ ăn uống có độ khả tín cao, tuỳ mỗi người (có thể ăn theo Dưỡng sinh của Phật giáo, hay thực dưỡng Ohsawa, hay công thức của các hành giả Yogi, hay ăn theo trường phái Bs Shinya, hay phương thức đang sử dụng nếu thấy tốt…). Ở đây không bàn sâu, chỉ lưu tâm một số nguyên tắc quan trọng: 1.Không đưa vào cơ thể quá nhiều; 2. Nên rời khỏi bàn ăn trong khi đang còn muốn ăn; 3.Phục dược bất như giảm khẩu (uống thuốc không bằng giảm ăn); 4.Ăn thức uống và uống thức ăn; 5.Ăn ít bữa và xa giấc ngủ; 6.Không dùng các chất kích thích trợ giúp việc ăn uống; 7.Ăn uống phải trong một cảm xúc thư thái với tình yêu thương và lòng biết ơn.

*Phần này, chúng tôi lý giải khái quát rằng: Hầu hết những sinh hoạt, ăn uống, nhậu nhẹt, hút hít,… thoả mãn nhu cầu dục tính của con người đều tiêu hao một lượng lớn Enzyme, dẫn đến suy giảm hệ Miễn dịch của con người. Tiến sĩ Edward Howell là nhà nghiên cứu Enzyme hàng đầu của nước Mỹ nhận định: “Sinh vật trong suốt thời gian sống chỉ có thể tạo ra một lượng enzyme nhất định. Và khi sinh vật dùng hết enzyme tiềm năng này thì kết thúc sinh mạng”[6]. Điều đó cũng có nghĩa: những bữa ăn thịnh soạn linh đình, lắm sơn hào hải vị, nhiều chất kích thích, hay bia rượu thuốc lá, các chất gây nghiện khác, các loại thuốc kích dục, phòng the vô độ… sẽ tiêu hao nhanh chóng lượng Enzyme, suy yếu hệ Miễn dịch, và sẽ rút ngắn cuộc đời một con người! Tất nhiên cũng sẽ là nguy cơ vô cùng lớn nếu không may nhiễm phải Corona!


5. Điều chỉnh trạng thái tinh thần:

Trạng thái tinh thần và cơ thể có mối liên hệ khăng khít không thể tách rời. Không có hoạt động nào của cơ thể mà độc lập với tinh thần, và bất cứ trạng thái tinh thần nào đều có hiệu ứng với cơ thể. Nên lưu tâm đến những điều cần tránh và những điều nên làm như nêu ở sau:

-Một lý tưởng sống đẹp, một động lực sống mạnh mẽ, một ý chí sắt đá, một quyết tâm sống mãnh liệt, là vô cùng cần thiết.

-Trạng thái tích cực của tinh thần rất tốt với hệ Miễn dịch, ngược lại với lười biếng, thụ động, buông xuôi sẽ suy thoái nhanh chóng hệ Miễn dịch của con người.

-Khoa học đã chứng minh được những trạng thái tình cảm như sợ hãi, lo âu, phiền muộn, chán nản, thù hận, ganh tỵ… đều làm cho hệ Miễn dịch suy yếu.

-Những áp lực xã hội, về kinh tế, giáo dục, thương mãi… khiến người với người thành như ốc đảo với nhau, càng lúc mâu thuẫn xã hội càng tăng cao, thì hệ Miễn dịch nói chung của con người càng giảm sút.

-Chỉ bằng xét nghiệm máu, khoa học đã chứng minh được khi con người cảm thấy hạnh phúc, tươi vui, bình yên, an lạc, thì khả năng miễn dịch của cơ thể tăng lên đáng kể.

-Một nghiên cứu của Mỹ gần đây đã kết luận cực kỳ nhân bản: những người luôn luôn toan tính những lợi ích và hưởng thụ cho riêng mình (gọi là tâm lý Vị kỷ, hay tâm lý khoái lạc) thì hệ Miễn dịch yếu hơn nhiều so với những người luôn suy nghĩ về lợi ích của người khác (gọi là tâm lý Vị tha). Khi so sánh khả năng kháng virus của 2 hạng người này, người ta thấy rằng: nhóm người Vị kỷ thì khả năng tạo ra Interferon và kháng thể, cũng như khả năng kháng virus kém hơn nhiều so với nhóm người Vị tha. Điều này trùng hợp nhận định của người xưa: “Nhân giả, thọ!”, có nghĩa là người nhân ái thì thường sống trường thọ. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này trong thực tế sống động: Những Ni cô lăn xả trong các công cuộc từ thiện với bao nhiêu người bệnh, chẳng thấy ốm đau gì; hay các Soeur suốt cả cuộc đời hiến mình phục vụ bệnh nhân trong các trại phong cùi, vẫn thấy họ bình yên an lạc; hay, tôi có một vị Thầy, suốt mấy mươi năm làm Trưởng khoa Lao của Bệnh viện TW Huế, chưa bao giờ sử dụng găng tay hay khẩu trang,… thứ “thần công hộ thể” duy nhất của Cô là lòng từ ái, năm nay Cô 85 tuổi, chẳng hề thấy dùng thuốc bao giờ! Sự trải rộng tấm lòng từ ái lại có khả năng bảo vệ được thân thể con người chống lại bệnh tật là một thực tế sống động chung quanh ta…


Tiểu kết 2
: Một điều rất thú vị là những điều khoa học chứng minh về giải pháp tăng cường hệ Miễn dịch và trải nghiệm của chúng tôi vừa nêu trong 5 phần trên, về thực chất đều không nằm ngoài những kiến giải của Y tổ Thiền sư Tuệ Tĩnh của chúng ta trong tôn chỉ bảo vệ kiện toàn sức khoẻ và phòng ngừa điều trị tật bệnh.  Nếu phân tích kỹ sẽ thấy rõ Phần (1) và một phần của Phần (2) chính là “luyện hình” (rèn luyện thân); một phần của Phần (2) và Phần (3) chính là “thủ chân” (bảo toàn chân khí, giữ lấy chân thường); Phần (4) chính là “quả dục” (giảm thiểu lòng ham muốn); Phần (5) chính là “thanh tâm” (gột rửa cho trong sạch cái tâm của con người). Tất cả, mục đích gìn giữ “Tinh, Khí, Thần” mà Y học cổ truyền xem là “tam bảo” của con người:

Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần,

Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.

Đó là một sự khái quát, cô đọng và minh triết! Điều rất hay là những thành tựu Khoa học tân tiến của hậu thế lại ngày càng minh chứng cho lời dạy của Y tổ, mọi điều phát minh lớn lao của nhân loại về sức khoẻ vẫn không ra ngoài kiến giải của Ngài. Tất nhiên, chúng ta cũng phải hiểu các loại “thuốc” của Tổ phải “uống” thường xuyên, không phải đợi đến khi bệnh mới đem ra uống, vì Đạo của người xưa là “trị người trước khi bệnh”, cũng như “trị nước trước khi loạn”. Nếu theo lời dạy của Ngài thực hiện được “Thủ chân, Luyện hình”, chúng ta sẽ chuẩn bị được một chính khí gìn giữ bảo hộ thân thể mà các loại tà khí không thể xâm phạm được; điều này lại quá phù hợp với tình hình dịch bệnh của hôm nay. Nếu căn cơ cao hơn nữa, công phu thâm sâu hơn nữa, thực hiện được “Thanh tâm, Quả dục” thì với tâm thái điềm đạm, hư vô, thanh tịnh, rỗng rang, không dính mắc với dục vọng, thì chân khí cứ thuận theo đó mà lưu chuyển nhu hoà, không bao giờ ách tắc, ngưng trệ; rồi tinh huyết và thần minh của con người được cố kết vững chãi bên trong, thì tất cả bệnh tật không thể tìm ra đường vào. Đó là đạo lý bất hủ của tiền nhân trong giải quyết tật bệnh từ bồi đắp cái gốc cho cơ thể!


III.Nương tựa vào “thuốc” của đấng Đại giác:

Suốt hơn hai ngàn rưỡi năm nay, con người luôn tôn xưng Đức Phật là Đại y vương, tức là Vị thầy thuốc vĩ đại nhất của mọi thời đại! Đó là một sự tôn xưng tuyệt đối. Nhưng liệu rằng chúng ta có nương tựa vào vị Đại y vương của mình trong khi bệnh tật, đặc biệt là dịch bệnh hiện nay? Chúng tôi muốn tham luận vấn đề này, từ trải nghiệm bản thân và lý giải theo nhãn quan của một thầy thuốc, nhằm phần nào gợi mở những cánh cửa hiệu dụng thực tế của các pháp môn, để cùng nhau tham cứu, mục đích tìm được phương cách nương tựa vào bậc Đại giác mà bớt đi những khủng hoảng lo âu phiền muộn…

1. Nhận thức căn bản:

Trước hết, nên nhận thức rõ:

-Thứ nhất: Đức Phật là Đại y vương điều trị cho chúng sanh cả tâm bệnh khổ lẫn thân bệnh khổ! Tất nhiên, cái rốt ráo Ngài hướng đến là giải thoát về tâm, nhưng trên đường đến đích cuối cùng ấy thì vấn đề của thân cũng được giải quyết, vì thân và tâm làm sao có thể tách biệt khỏi nhau được. Tuy thân chỉ là chiếc bè tạm bợ mượn để sang sông, nhưng làm sao có thể qua sông với một chiếc bè mục ruỗng, hư nát? Từ một số pháp môn bản thân có học tập và thực hành, chúng tôi nhận thấy nhà Phật đều gửi gắm vào trong đó những yếu lĩnh để bảo vệ kiện toàn sức khoẻ và có khả năng phòng ngừa và điều trị tật bệnh.

-Thứ hai: Ngài chuẩn bị sẵn cho chúng ta những 8 vạn 4 ngàn loại thuốc (tức 8 vạn 4 ngàn pháp môn) đối trị với tất cả các loại bệnh tật dính mắc từ thân cho đến tâm, tuỳ vào căn cơ mà chọn lựa, và chỉ cần sử dụng tốt một loại thuốc trong đó cũng đối trị được với các loại bệnh tật gặp trên cả thân và tâm!

-Thứ ba: Thuốc của Ngài dùng càng sớm càng tốt, càng bền bỉ càng hay, càng thường xuyên càng tác dụng, càng chuyên tâm càng hiệu quả, cho đến khi các loại thuốc đó luôn hiện hữu bên mình và bảo vệ thân tâm mình từng phút từng giây.

Sai lầm lớn nhất của con người, là thường đến lúc bệnh mới đem thuốc ra uống, nên thường chỉ thấy hiệu quả tức thời của các loại thuốc trị ở ngọn, mà không thấy công dụng của các loại thuốc trị ở gốc, càng không thể nào hiểu được tác dụng của các loại “thuốc” Đức Phật đã chuẩn bị cho sẵn. Bệnh tật cũng là nghiệp, hình thành do chúng ta tích luỹ từ mọi hành động có tác ý của mình cùng cộng hưởng với tác động của thời khí trời đất và môi trường như một cộng nghiệp, như tích luỹ dần dần thành một muỗng muối đắng chát phải uống; trong khi các loại “thuốc” của Đức Phật là chuẩn bị sẵn sàng cho chúng ta một lượng nước công đức để hoà loãng muỗng muối nghiệp lực ấy; nếu nước công đức do tu tập bằng tô bằng chén thì vẫn bị mặn, được nhiều như thau như chậu thì bớt mặn, nếu nước nhiều như hồ ao sông suối thì không còn mặn nữa, tức con người không còn cảm nhận cái khổ từ bệnh tật ấy (tức bệnh đến mà như không, nghiệp trả rồi mà chẳng hay!). Đó chính là đạo lý để chúng ta nương tựa vào pháp để có thể giảm nhẹ nguy cơ nếu nhiễm virus, đến mức lý tưởng là virus vào rồi ra khỏi cơ thể mà cũng chẳng hề biết!

2.Giới thiệu một vài loại “thuốc” của nhà Phật:

Dịch bệnh Corona lần này cũng nằm trong nguyên lý vừa trình bày phần trên. Chúng tôi xin giới thiệu vài loại “thuốc” của Đức Phật, những loại đơn giản nhất, rẻ tiền, đâu cũng có sẵn, lại hiệu quả, phổ tác dụng lớn, không tác dụng phụ, không chống chỉ định với căn cơ nào cả.


2.1.Pháp môn “Lạy Phật”:

*Phân tích về thân: Pháp môn này vô cùng đơn giản, nhưng nếu phân tích tác dụng theo đặc thù yếu lĩnh động tác, thì khó thể có môn thể dục thể thao hay khí công nào bì được.

-Đối với hệ cơ-xương-khớp: sự phối hợp chuyển động nhịp nhàng của toàn bộ thân thể, gần như tất cả hệ cơ, hệ xương, hệ khớp của con người chuyển động, và đảm bảo một biên độ hoạt động của các khớp mức lý tưởng… dẫn đến toàn thân được củng cố, tất nhiên hệ Miễn dịch cũng được gia cường.

-Hệ tuần hoàn: tăng cường lưu lượng máu vận chuyển, gia tăng sự trao đổi chất ở tế bào và Oxy ở phổi… Đặc biệt nhất, sự thay đổi nhịp nhàng độ cao của từng bộ phận cơ thể, đặc biệt vùng đầu cổ (như tôi, đầu từ coté 1,8m xuống coté 0, rồi lại lên, lại xuống), đưa hoạt động của tim luôn luôn thay đổi, vượt qua áp lực trọng trường và hoàn bị sự khéo léo, vận chuyển máu hiệu quả đến tận các nơi xa xôi cách trở nhất, để duy trì cho bằng được sự trao đổi chất đến từng tế bào của cơ thể, đặc biệt là tế bào não. Điều này, sẽ làm cho hệ thống mạch máu phải mềm mại nhu nhuyễn, nhưng bền vững hơn, hoạt động hiệu quả hơn, khả năng vận chuyển tốt hơn dinh dưỡng và Oxy đến tận những tế bào trong sự thay đổi liên tục áp lực trọng trường và sự chèn ép đa dạng của cơ nhục… Nên đối với người hành pháp này lâu năm, những chứng bệnh như giãn tĩnh mạch, viêm tắc tĩnh mạch, huyết khối, cao huyết áp, hay đột quỵ hoàn toàn không có cơ may xuất hiện… và tất nhiên, hệ Miễn dịch cũng sẽ gia tăng hùng hậu.

-Hệ hô hấp: Cách thở bằng cơ hoành làm tăng nhanh dung tích phổi, tăng độ lưu thông khí, tăng độ căng của phế nang, và tăng cả khả năng loại bỏ tất cả dị vật gây bất lợi ra khổi đường thở… Đây là tác dụng trực quan nhất của pháp môn đối với Corona.

Tất nhiên, tất cả các cơ quan khác đều được bổ trợ, hướng đến mục đích vô cùng quan trọng trong đối trị với Corona: tăng cường sức khoẻ toàn thân, đặc biệt là khả năng của hệ Miễn dịch.

*Về mặt tinh thần: Với tâm niệm thanh tịnh cao cả vì mục đích sửa mình, diệt trừ tính ngã mạn, cao ngạo, tâm hành giả luôn trong trạng thái bình yên an lạc. Bên cạnh đó, nương tựa được vào đấng Chí tôn, sẽ biết phục thiện khi nép mình dưới đức độ cao dày của Ngài. Lạy Phật còn là bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Phật, đấng cha lành đã dẫn đường cho bao nhiêu chúng sanh ra khỏi trầm luân khổ hải. Lòng biết ơn, tâm lý phục thiện, sự yên bình trong nương tựa, niềm tin chánh tín, buông chấp ngã mạn, giảm trừ ham muốn… là những trạng thái tinh thần lý tưởng để tăng trưởng một hệ Miễn dịch lý tưởng.

2.2.Tụng Kinh:

*Phân tích về thân:

-Tư thế ngồi Kiết già hay tư thế ngồi Kim cương đều mang đến một lợi ích vô cùng lớn. Cột sống con người giữ được ở tư thế lý tưởng nhất về độ giãn và sự ngay ngắn, cùng với nó là ép giãn tối đa tất cả các khớp quan trọng như khớp chậu, khớp háng, khớp gối, cổ chân, bàn chân, ngón chân… Đó là cách hay nhất tăng cường sức khoẻ và đẩy lùi sự lão hoá.

-Với hệ tuần hoàn và hô hấp cũng có tác dụng như ở pháp môn Lạy Phật. Riêng tư thế ngồi Kim cương còn gánh cả khối lượng cơ thể đè lên 2 chân, buộc tất cả mạch máu ở đó phải tăng cường vận chuyển, len lỏi giữa sự chèn ép, thắng được áp lực lớn để đưa máu đến từng tế bào đầu chi… Nếu hành pháp với tư thế này lâu năm, có thể ngồi được nhiều giờ liên tục, thì tim sẽ rất khoẻ mạnh, hệ mạch máu của cơ thể có một lực vận chuyển hùng hậu… Đó cũng là một thành tựu giúp được cơ thể rất tích cực trong trao đổi Oxy ở phế nang khi cơ thể phản ứng tăng tiết dịch ở đường hô hấp trong nhiễm SASK-CoV-2.

-Yếu lĩnh tụng kinh: Hít vào tụ khí ở đan điền rồi mới phát ra tiếng tụng… Thực hành nhiều chúng ta sẽ thấy lượng khí tụ ở đan điền ngày càng lớn, tiếng tụng kinh ngày càng mạnh, và chính tiếng tụng nhịp nhàng đều đặn ấy như tạo ra một dao động cộng hưởng đều làm mạnh mẽ vô cùng cho đường hô hấp… Chắc hẳn không ít người đã gặp những bậc tu hành có giọng nói như chuông ngân, có lẽ đó cũng là nguyên liệu thực cho nhà văn Kim Dung nghĩ đến pháp môn Sư tử hống mà Tạ Tốn đã thi triển trên Ngưu Bàng Sơn… Đường hô hấp như vậy hẳn là một đối trị với các loại virus hoành hành ở đó.

*Về tâm: Với một sự chú tâm vào từng chữ từng lời của bậc Đại giác, cùng với lòng thành kính vô biên đối với những lời vàng đưa con người về bến giác, người tụng có tín tâm hành pháp nghiêm trang, đúng đắn, công phu, dần dà sẽ thâu nhiếp tất cả những tâm vọng động của tâm mình, để sinh ra được định và phát được huệ, từ đó tiêu trừ những tham sân phiền não, đạt đến trạng thái an nhiên tự tại… Hệ Miễn dịch từ đó mà được hoàn bị, không thể có sai lầm nào trong cuộc chiến đối với virus để dẫn đến kết quả đáng tiếc.

Phân tích kỹ, chúng ta sẽ thấy tất cả những điều Y tổ Tuệ Tĩnh thiền sư đúc rút vô cùng trí tuệ để gìn giữ “Tam bảo: Tinh, Khí, Thần”, là “Thanh tâm, Quả dục, Thủ chân, Luyện hình”, đều nằm trọn trong một pháp môn đơn giản bất kỳ của nhà Phật. Đặc biệt nhất là “Thanh tâm”, “Quả dục”, không thể có phương pháp tập luyện nào của thế tục có thể có tác dụng đến tầng mức siêu việt như thế.

Tiểu kết 3: Hai loại “thuốc” của nhà Phật nói trên (trong tám vạn tư loại), chúng tôi chỉ mới phân tích sơ lược những giá trị hữu hình cân đong đo đếm được, còn cả những giá trị siêu hình khác lớn lao hơn nhiều mà chỉ có những người có tín tâm và chuyên tâm hành trì mới cảm nhận được hết bằng chính tâm thức của họ, chúng tôi không bàn thêm ở đây. Ngay cả giá trị hữu hình cũng chỉ điểm qua trên cơ sở cái biết ít ỏi của mình, may nhờ có khoa học đã chứng minh ngày càng rõ ràng hơn. Như trên đã nói, chúng tôi đã trải nghiệm những vận động thuộc về thể thao đỉnh cao (dung tích sống đạt đến 5 Lít), rồi chuyển qua tập luyện những môn luyện hình thuộc về “khí” cũng đã có những thành tựu (dung tích sống 7 Lít), rồi rút ra bài học là luyện khí tốt hơn nhiều so với luyện tập thuần tuý cơ bắp; đến khi tuổi đã xế, duyên may thực hành các pháp môn nhà Phật, lại ngộ ra ngay giá trị luyện thân (chỉ bàn ngang phần “thân” thôi) của các pháp còn cao hơn nhiều những môn trước đây mình đã luyện tập. Càng luyện tập, càng thực hành pháp môn (chỉ những pháp giản đơn như đã trình bày), càng hiểu rõ giá trị “thuốc” của bậc Đại y vương: Dùng “thuốc” ngay khi chưa bệnh, đều đặn, công phu, chính là tích tụ một lượng nước công đức ngày càng nhiều, đến khi đủ đầy, tật bệnh xâm nhiễm sẽ như một muỗng muối hoà vào bể nước mà không thể làm mặn được. Vì vậy, những người thực hành các pháp lâu năm hoàn toàn có thể dự đoán không mấy sai lệch về mức độ nặng nhẹ của bệnh tật diễn ra trên bản thân mình nếu virus xâm nhiễm! Đó chính là người tu đạo biết nhìn sự việc nơi “nhân đã gieo”, khác với người không hiểu đạo chỉ thấy chỗ “quả đã gặt” đó vậy! Vậy nên, việc cần làm của chúng ta là hạ thủ công phu ngay bây giờ và ở đây. Bình tâm chữa khi chưa bệnh là vậy!

Kết luận:

Toàn xã hội đang rất căng thẳng dùng mọi biện pháp để bảo vệ con người khỏi dịch bệnh, mà tất cả là ngăn chặn sự xâm nhập của Virus vào cơ thể con người. Tất nhiên, nếu được thì đó là giải pháp lý tưởng nhất! Thế nhưng, càng lúc hiệu quả của các giải pháp đó càng thấy giảm thiểu rõ rệt. Hơn nữa, đó là giải pháp của toàn xã hội, còn mỗi cá nhân chúng ta phải có giải pháp chuẩn bị cho bản thân khi mà virus đã xâm nhiễm vào cơ thể: tử vong chỉ là 1%, phải chuẩn bị để nếu nhiễm, chúng ta phải nằm trong số 99% còn lại! Mọi chứng lý và biện luận nêu ra ở đây để khẳng định cho được: chúng ta hoàn toàn có cơ sở để không sợ hãi, không bị khủng bố bởi bao thông tin tiêu cực, phải bình tâm nhìn nhận lại dịch bệnh để có thái độ đúng! Nhằm biện giải những mắc xích cần giải quyết, chúng tôi phải đi những bước cơ bản vào bệnh học, để nhận chân vấn đề cốt tuỷ: mọi biến chứng hiểm nghèo khi nhiễm virus, đều do chính bản thân con người, cho nên giải quyết bằng điều chỉnh nơi con người là hoàn toàn hợp lý! Và, để điều chỉnh bản thân con người, những phương pháp đối trị thông thường là tập hợp những vấn đề mà khoa học đã đề cập và chứng minh, liên quan đến sự gia cường củng cố hệ Hô hấp cũng như hệ Miễn dịch, lại trùng hợp với quan điểm của Y học cổ truyền là củng cố tinh huyết, nuôi dưỡng khí lực, gìn giữ thần minh, để giải quyết tật bệnh. Điều thú vị là các phương cách cốt tuỷ mà Y tổ Tuệ Tĩnh tổng kết là “Thanh tâm”, “Quả dục”, “Thủ chân”, “Luyện hình”… lại bao trùm lên những phương pháp đối trị thông thường đã được khoa học kiểm chứng. Sau rốt, chúng tôi giới thiệu một số liệu pháp nhà Phật mà ai cũng biết, song chỉ nhấn mạnh những giá trị cân đong đo đếm được mà khoa học có thể chứng minh được, hy vọng người đọc bình tâm mà tìm cách nương tựa vào pháp để đối phó với dịch bệnh. Đồng thời nêu kiến giải mà bản thân chúng tôi cũng mơ hồ trong thời gian dài, đó là “thuốc” của bậc Đại y vương của chúng ta giá trị như thế nào, và phân tích để khẳng định chắc chắn hiệu quả tối ưu khi lỡ nhiễm phải virus, nếu con người biết cách sử dụng! Điều chúng tôi rất tâm đắc là phát hiện ra được những điều cần làm để nâng cao sức khoẻ mà khoa học đã chứng minh được, lại nằm trọn trong những yếu lĩnh kiện toàn sức khoẻ mà Y tổ Tuệ Tĩnh đã dạy hậu thế: Thanh tâm, Quả dục, Thủ chân, Luyện hình; và càng tâm đắc hơn, khi nhận ra cả 4 yếu lĩnh ấy lại nằm trọn trong bất kỳ một pháp môn đơn giản nào của Phật tổ! Điều đó càng củng cố niềm tin tuyệt đối để nương tựa vào các loại “thuốc” của bậc Đại y vương để an nhiên với dịch bệnh: Chữa chính con người, chữa khi chưa bệnh, ngay bây giờ và ở đây!

Có được thân người trong kiếp này là một điều quá quý, gặp được pháp của Phật lại quý hơn vô vàn! Dịch bệnh đôi khi là giọt nước tràn ly cho người hữu duyên ngộ ra đạo lý nhân quả đang chi phối toàn bộ thế giới từ vĩ mô cho đến vi mô trong cuộc đời này. Phật Thích Ca giảng pháp như bàn tay để ngữa, không có gì che giấu cả, quý hồ chúng ta có niềm tin để thực hành ngay bây giờ và ở đây, thì sẽ sáng tỏ theo một sự tương tác riêng của từng căn cơ, mà sự biện giải của chúng tôi chỉ là một sự gợi mở nhỏ nhoi, và kết quả chắc hẳn là đạt được sự bình tâm trước tất cả các loại bệnh tật và tất cả những chướng ngại khác trong cuộc sống, không chỉ là dịch bệnh của hôm nay mà thôi! Không có phát kiến gì mới, chỉ từ những tri thức học ở trường y, rồi chút kiến thức của một lương y, và dựa vào những thành tựu gần đây của khoa học minh chứng cho kiến giải của các vị tổ của Y học cổ truyền, và duyên may hành được pháp của Phật, bằng vào những trải nghiệm của bản thân, quan trọng là nương tựa vào sự quán chiếu của Phật pháp lên những giao hoà đó, chúng tôi tìm được sự an lành rất mực trong dịch bệnh, chưa bao giờ có chút mảy may lo lắng cho sức khoẻ của bản thân, nên cũng mạnh dạn nói lên những kiến giải của mình. Tất nhiên, Phật pháp vô thượng, bài viết cũng chỉ là một góc nhìn thực tế đời thường mà thôi, song nếu như cúng dường được sự “vô uý” cho một ai, hay một ai bỗng khởi tâm từ ái khi đọc bài này, hoặc hơn thế, nếu có người phát tâm dùng những loại “thuốc” của nhà Phật để sẵn sàng một tâm thái vững chãi an nhiên, tuỳ duyên cho bệnh đến hay đi bất cứ khi nào, thì đối với chúng tôi, đó là một niềm hạnh phúc lớn lao cho cả đời người vậy!

 

P.Đ.T.D

 



[1] https://tuoitre.vn/nguoi-phu-nu-lap-ky-luc-boi-4-vong-qua-eo-bien-manche-khong-nghi-suot-54-gio-20190917154634534.htm#:~:text=TTO%20%2D%20Ng%C3%A0y%2017%2D9%2C,n%E1%BB%91i%20gi%E1%BB%AFa%20Anh%20v%C3%A0%20Ph%C3%A1p.

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Neil_Armstrong

[3] Dung tích sống là thể tích không khí tối đa có thể chứa trong buồng phổi khi hít vào hết sức. Đo bằng lượng khí thở ra hết sức sau khi đã hít vào hết sức.

[4] Giai đoạn này chúng tôi tập với Sư Tuệ Tâm ở Tuệ Tĩnh Đường số 100B Bạch Đằng Huế, cùng với một số đồng nghiệp, nay là PGS.TS.BS. Lê Đình Khánh (Đại học Y Dược Huế), PGS.TS.BS. Lê Đình Kỳ (Hà Nội), ThS.BS. Huỳnh Anh (sở YT Huế), Bs. Nguyễn Hoàng An (USA), Võ sư. Bs. Hoàng Cao Thắng (Trường ĐH Y Dược Huế), TS.BS. Trần Minh Phụng (Tuy Hoà)…

[5] Tất cả những Bác sĩ tốt nghiệp Y Huế khoá 86-92, lớp B, đều chứng kiến buổi thực tập này. Bác sĩ Lê Hoàng thủ khoa khoá đó, hiện đang công tác ở Pleiku, thường nhắc đến sự kiện này.

[6] Dẫn theo Hiromi Shinya, Enzyme - phương thức sống lành mạnh

 


facebook-1

***
youtube
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 5486)
Những báo cáo gần đây về vấn đề thực phẩm biến chế sản xuất tại Trung Cộng đã gây ra mối quan ngại lớn trên thế giới. Các tài liệu liên quan đến vấn đề này được trích dẫn từ các báo chí và các bài thông tin trên mạng điện toán từ Trung quốc và khắp nơi về một loại nước tương được bào chế từ tóc của con người.
10/04/2013(Xem: 5130)
Tuổi thanh thiếu niên thường là thời gian để xác định thái độ. Nhiều em ở tuổi vị thành niên thử thói quen ăn uống như là một hình thức bầy tỏ sự độc lập của các em. Đứng trên phương diện các mối quan tâm về ngoại cảnh, triết lý và sức khỏe được thăm dò tìm hiểu trong tuổi thanh thiếu niên . . .
10/04/2013(Xem: 5161)
Việc tìm những sản phẩm chay, ngay cả sản phẩm vegan (chay thuần túy, không trứng sữa) để thay thế bánh mì tròn kẹp thịt (burgers), sữa và xúc xích trở nên dễ dàng hơn; và bây giờ ngay cả phó mát(cheese, fromage) cũng có những loại chay và vegan.
10/04/2013(Xem: 5101)
Một hôm, Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm (em gái của Thượng sĩ Tuệ Trung) mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Thượng sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn. Hoàng Thái hậu hỏi.
10/04/2013(Xem: 11547)
Vấn đề ăn chay không phải là quan điểm cá biệt của Phật giáo, có thể nói nó là quan điểm chung của các tôn giáo cổ xưa. Do vậy, nội dung và ý nghĩa ăn chay của mỗi tôn giáo đều tùy thuộc vào chủ trương và quan niệm của tôn giáo đó, từ đó có những hình thức ăn chay khác nhau.
10/04/2013(Xem: 5775)
Trên các đường phố treo lồng đèn trang trí màu vàng sáng, trong khi chư Tăng và Phật tử nhộn nhịp xung quanh ngôi đền để sẵn sàng cho ngày trọng đại của lễ Phật Đản. Để kính tưởng niệm ngày Phật Thích Ca Đản sinh . . .
10/04/2013(Xem: 6307)
Nhiều loại nước tương (xì dầu) đang bán trên thị trường có chứa chất bảo quản thực phẩm vượt quá nồng độ cho phép đến 2-3 lần. Lượng chất này có thể gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, nếu sử dụng lâu dài có thể dẫn đến nguy cơ ung thư, rối loạn tổng hợp protein...
10/04/2013(Xem: 7261)
Tôi rất do dự khi đề cập đến chủ đề này, vì thật ra đã có rất nhiêu sách vở, bài viết về vấn đề ăn chay. Lật trở lại chủ đề này, tôi có cảm giác như đẩy một cánh cửa đã mở rộng, vì vậy tôi chỉ ước mong có thể đóng góp thêm một vài ý kiến về ý nghĩa của ăn chay . . .
10/04/2013(Xem: 5657)
Ý nghĩa của ăn chay là vì lòng từ bi, vì tránh ác báo, vì lìa trần nhiễm, vì thuận ích cho đường tu. Nếu lập cơ bản nơi bốn điểm nầy mà dùng chay, thì sự thật hành sẽ bền và tăng thêm phước huệ.
08/04/2013(Xem: 18409)
Sau khi phát hành quyển sách ĂN CHAY VÀ SỨC KHỎE, chúng tôi đã nhận được một số thư từ và điện thoại khắp nơi của các thân hữu gọi về để chúc mừng và nhận định về sự ích lợi của việc ăn chay trong đời sống hàng ngày. Chúng tôi xin thành thật cám ơn tấm chân tình của tất cả quý vị đã ưu ái ngợi khen, bình phẩm và đóng góp ý kiến xây dựng cho quyển sách được càng ngày càng hoàn chỉnh hơn trong những lần tái bản sắp tới.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]