Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ăn chay có phạm tội sát sinh & cỏ cây có linh hồn không

12/04/201213:04(Xem: 13077)
Ăn chay có phạm tội sát sinh & cỏ cây có linh hồn không

an_chay_5Lời Ban Biên Tập: Hiện nay vẫn còn có một số người tin rằng những người ăn chay vẫn phạm vào giới sát và họ còn cho rằng cây cỏ cũng có linh hồn nên (họ cho rằng) việc không ăn chay của họ là hoàn toàn hợp lý. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của họ và cũng xin giới thiệu bài viết dưới đây của tác giả Tâm Diệu. Bài viết, tuy có tính cách giải trình hai vấn đề nhưng không có ý thuyết phục những người đang ăn mặn chuyển đổi qua chế độ ăn chay vì đó là điều không cần thiết nữa. Bây giờ ai cũng rõ ăn chay có nhiều lợi ích hơn ăn mặn, nhất là trong bối cảnh công nghiệp chăn nuôi gia súc với nhiều hóa chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nguy hiểm đến con người. (xem báo chí nói về cơn sốt hóa chất tạo thêm thịt nạc, gia tăng trọng lượng).

1

Trước hết cần định nghĩa rõ ràng ăn chay là gì và sát sinh là gì? Ăn chay, theo các nhà dinh dưỡng học định nghĩa là một chế độ dinh dưỡng mà thực phẩm được lấy từ các nguồn thực vật bao gồm rau đậu quả củ và ngũ cốc; còn sát sinhlà giết hại sự sống hay nói một cách khác, sát sinh là hành động của một con người làm đoạn sự sống của một chúng sanh khác. Trong nhà Phật chúng sinh được phân chia làm hai loại: (1) chúng sinh hữu tìnhlà các loài có tình thức, có hệ thần kinh, biết cử động, biết đi, biết bò, biết bay, biết lội, nói chung là tất cả động vật có sinh mạng, bao gồm cả con người, (2) chúng sinh vô tìnhlà những sinh vật không nằm trong các loài chúng sinh hữu tình như đất đá, cỏ cây. Cỏ, cây là sinh vật sống nhưng không được xếp vào hàng chúng sinh hữu tình vì chúng không có giác quan, không có hệ thần kinh, không có biểu hiện của ngũ ấm, không có cảm xúc, tư tưởng, hành nghiệp... Vì thế, nếu ăn các loài chúng sinh hữu tình được gọi là ăn mặn (xuất xứ từ chữ “mạng” sống) và nếu ăn các loài chúng sinh vô tình được gọi là ăn chay.

Sát sinhlà đoạn diệt sự sống của chúng sinh. Chúng sinh ở đây bao gồm cả hai loại như đã nói trên và theo như kinh Phật thì mọi chúng sinh đều bình đẳng, như vậy không phải chỉ có những người giết mổ thịt hoặc đánh cá mới là phạm giới sát sinh mà những người giết hại cây cỏ hoa mầu cũng vậy.... Điều này không sai, nhưng cỏ cây là sinh thể sơ đẳng nhất, không có hệ thần kinh và có cấp độ tiến hóa thấp hơn rất nhiều so với động vật, khi bị cắt chúng không có cảm giác đau, có chảy mủ nhưng sau đó lại lành và tiếp tục nảy nhánh mới, hoàn toàn không sinh khởi phản ứng của tâm thức chống trả hay oán thù; còn động vật khi đau đớn biết rên la, khi sợ hãi biết chạy trốn, khi bị giết có những sinh khởi phản ứng của tâm thức, oán thù với đối tượng giết chúng. Một động vật, khi bị giết chết là chấm dứt sinh mạng, không nảy mầm hay nảy cành non như loài thảo mộc. Loài thảo mộc có nhị đực và nhị cái ở trên cùng một cái hoa hay trên cùng một thân cây, nhờ ong bướm hay gió thổi mà nhị đực rơi vào nhị cái, kết thành trái và hột để di truyền giống. Loài động vật thì con đực và con cái là hai thân thể, hai sinh mạng khác nhau, chúng có tình thức và lòng dục nên tìm đến nhau luyến ái và giao phối, để truyền giống.

Đạo lý cơ bản của người Phật tử là 5 giới cấm, trong đó có dạy là không sát sinh. Đối với cỏ cây cũng là chúng sinh, nhưng là chúng sinh vô tình, khác với con người và các loài động vật khác (chúng sinh vô tình). Người Phật tử tu, cái chính là không sát hại các loài hữu tình, còn nếu ở cấp độ tu chứng cao hơn thì không sát hại cả các loài vô tình. Tuy nhiên, mục đích chính của việc không sát sinh là để gieo trồng hạt giống từ bi và phát triển tâm từ bi đến với muôn loài chúng sinh từ gần đến xa, từ lớn đến nhỏ.

Tưởng cũng nên bàn thêm ở đây, chúng ta đang sống trong thế giới nhị nguyên “tương đối”, luôn có sự phân biệt đối đãi, tốt và xấu, sướng và khổ.. Ở thế giới tương đối này, chắc chắn mọi người đều cho rằng mạng sống của nhà bác học Einstein quý giá hơn mạng sống của một con chuột rất nhiều... Tương tự, việc giết một con bò phải được xem là một hành động sát sanh lớn hơn việc cắt một cành hoa hay ngọn cỏ vì con bò có hệ thần kinh, biết cảm giác đau đớn. Nhờ sống trong thế giới tương đối này, chúng ta mới biết con người có giá trị vô cùng về sự hiểu biết, trí thông minh và có tâm phân biệt mà các loài động vật khác không có. Cũng vì thế mà chúng ta mới không tin tưởng rằng mọi vật đều phải được nuôi sống bằng sinh mệnh của một loài nào đó.Ngược lại với thế giới “tương đối” mà chúng ta đương sống là thế giới “tuyệt đối”, nơi đó hoàn toàn bình đẳng, không có sự phân biệt giữa thấp và cao, giữa tốt và xấu hay giữa hữu tình và vô tình chúng sinh. Ở đó, chúng ta không còn quan niệm hay ý tưởng cho rằng việc giết đi sinh mạng của một con bò là ác hơn việc cắt đi một nhánh hoa. Đây là thế giới của những người đã có trình độ tu chứng, đã tiến hóa cao. Cũng như chuyện Tuệ Trung Thượng sĩ ăn mặn, không ăn chay, vì ngài là người đã giác ngộ, tâm không còn phân biệt, không còn vướng mắc, chấp trước vào chuyện ăn uống. Ăn chay hay ăn mặn đối với ngài chỉ là để nuôi thân và hành đạo.

Nói về sát sinh, còn một khía cạnh khác, đó là còn tùy thuộc vào tâm ý của chúng ta vào giây phút chúng ta lấy đi sinh mạng của sinh vật khác. Chính sát na đó quyết định rằng hành động đó có phải là phạm giới sát hay phạm đến một sự sai lầm về đạo đức không. Trong giới không sát sanh của người xuất gia, Đức Phật có đề cập đến các vi sinh vật, nhưng nếu có phạm đến chúng thì chỉ là tội nhẹ chứ không phải là trọng tội. Ngày xưa khi Phật còn tại thế, có một Tỳ kheo đi qua một cánh đồng khô, trời nóng khát nước, gặp vũng nước thấy có nhiều vi sinh vật nên không dám uống. Tỳ kheo ấy đến bạch với Đức Phật: Bạch Thế Tôn, con rất khát nước, con dùng thiên nhãn thấy vũng nước bên đường có vô số vi trùng nên không uống được. Phật bảo: Sao ông không dùng nhục nhãn (mắt thường) mà nhìn?

Câu chuyện cho thấy “tác ý” trong hành động mới là điều quan trọng. Nếu nhìn trong nước bằng con mắt thường sẽ không thấy những vi sinh vật và cứ tự nhiên uống thì sẽ không tạo nghiệp vì không tác ý. Tương tự, khi uống thuốc trụ sinh diệt vi trùng hay vi khuẩn trong cơ thể để trị bệnh cũng thế.

2

Bàn về cỏ cây cũng có linh hồn thần thức thì có một số ít người nói kinh Phật dạy rằng “mười phương cây cỏ cũng đều là hữu tình, cùng với người không khác. Cỏ cây chết làm người, người chết trở lại làm cỏ cây.” Và họ còn viện dẫn nghiên cứu khoa học cho biết cây cỏ cũng có linh hồn tình thức (*). Điều này không đúng vì như phần thứ nhất chúng tôi đã trình bày, cỏ cây là sinh vật sống nhưng không được (Phật Giáo) xếp vào hàng chúng sinh hữu tình vì chúng không có giác quan, không có hệ thần kinh, không có biểu hiện của ngũ ấm, không có cảm xúc, tư tưởng, hành nghiệp. Trong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật dạy rằng: "Người tu thiền định, khi hành ấm hết, tướng sanh diệt đã diệt, chơn tâm tịch diệt chưa hiện bày, lúc bấy giờ thấy thức ấm biến khắp tất cả, rồi sanh tâm chấp: "Mười phương cây cỏ cũng đều là hữu tình, cùng với người không khác. Cỏ cây chết làm người, người chết trở lại làm cỏ cây". Vì mê mờ tánh Bồ Đề, mất chánh kiến, nên sẽ làm bè bạnvới hai chúng ngoại đạo Bà Tra và Tán Ni, chấp tất cả vạn vật đều có tri giác (biết)." (Phật Học Phổ Thông Khóa thứ 6-7, Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm, Hòa Thương Thiện Hoa, Phật Học Viện Quốc Tế tái xuất bản năm 1987, Bài thứ 16: Mười Món Ma Về Thức Ấm, phân đoạn 4, chấp cỏ cây cũng đều biết, trang 252).

Bản dịch Kinh Lăng Nghiêm do Hòa Thượng Thích Duy Lực dịch như sau:

"Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi sở tri, kiến lập tri giải, cho các loài cây cỏ mười phương đều gọi là hữu tình, với người chẳng khác; cây cỏ làm người, người chết rồi lại thành cây cỏ, cho đến loài vô tình đều có sự giác tri, hữu tình vô tình chẳng có phân biệt, sanh tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "Tri vô tri", làm bạn với hai thứ ngoại đạo Bà Tra và Tiện Ni, chấp tất cả đều có sự giác tri, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm viên tri, thành cái quả hư vọng, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống Điên Đảo Tri thứ tư."(Kinh Lăng Nghiêm, Từ ân Thiền đường xuất bản tại Hoa Kỳ, trang 253).

Ngoài ra, bản dịch của cụ Tâm Minh Lê Đình Thám cũng tương tự.

Như thế, trên đây đã trả lời rõ ràng về cây cỏ, cũng đồng thời trả lời luôn về một câu hát của nhạc sĩ họ Trịnh được một vị thầy lập lại nhiều lần "làm sao em biết bia đá không đau?". Bia đá không biết đau vì chúng là vô tình chúng sinh, là vô tri giác.

Tâm Diệu

Chú thích:

(*) Ingo Swann, môt nhà Sinh Thực Vật (Biologist) viết trong quyển "The Real Story-Chuyện Có Thật’’, Quyển sách được xuất bản ngày 15-11-1998, trong đó có đoạn:“Sự nghiên cứu của Backster khởi đầu chỉ là môt khám phá hầu như tình cờ vào năm 1996 là thực vật có khả năng tri giác và đáp ứng tự nhiên những cảm xúc của con người... Những cây cỏ của bạn, biết là bạn đang nghĩ gì.”(His reseach started with the 1996 almost accidental rediscovery, plants are sentient and respond to the spontaneous emotions of relevant humans... Your plants know what you are thinking).

Source: thuvienhoasen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/06/2014(Xem: 8720)
Từ buổi sơ khai ở cõi trần gian, sinh, lão, bệnh, và tử đã không thể nào tránh khỏi. Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhartha) biết được chân lý này khi Ngài mạo hiểm vượt ra khỏi cung điện và đến viếng thăm một khu vực nghèo nàn trong thị trấn. Ở nơi đây, giữa những kẻ ăn xin, người bệnh tật, và lớp tuổi già yếu, Ngài đã trực tiếp thấy được những thực tế của cuộc đời. Ngay lập tức, một niệm mong muốn khởi sinh trong tâm để giúp đỡ họ giảm bớt nỗi đau đớn và niềm khốn khổ. Vì thế, Ngài đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa và trở thành một vị đạo sư, với hy vọng rằng bằng chính thiền định và tu dưỡng, Ngài có thể tìm ra giải pháp cho những kẻ nghèo nàn và đau yếu.
10/06/2014(Xem: 9487)
Năm 2007, một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra làm rúng động cả làng Phúc Lâm. Con trâu ở lò mổ nhà bà Nụ sổng chuồng, giật phăng dây rợ, quăng mình về phía trước, phầm phập lao vào làng. Nó chạy từ ngoài phía đình làng vào tận sân nhà ông Đỗ Văn Quy (SN 1946) - chủ một lò mổ lớn. Phía sau, chủ trâu rong xe máy rượt theo, con trâu thấy tiếng xe máy, đèn xe sáng choang lại càng trở nên hung hãn. Trời nhập nhoạng tối, bà Nguyễn Thị Ẩm (vợ ông Quy) đang cho gà vịt ăn thì bị con trâu dữ xông vào húc toang bụng.
07/06/2014(Xem: 10424)
Theo tư duy Đạo giáo Trung Quốc, “ Âm ” và “Dương” là hai nguyên lý cơ bản, đối lập và bổ sung cho nhau về mọi mặt, quyết định sự vận hành của vũ trụ. Trong ăn uống cũng vậy. Nấu nướng món ăn trường sinh nhằm lập lại sự cân bằng “âm dương” cho cơ thể. Cách nấu nướng này xem trọng ngũ cốc và rau quả, sữa, bỏ thịt, cá, nhưng dùng trứng (trứng đẻ ra nhờ ánh sáng bóng đèn chứ không phải trứng có trống). Lấy rau quả làm gốc, thỉnh thoảng nếu cần thiết thì thêm chút trứng.
24/03/2014(Xem: 13877)
Nhưng đối với người Tây Phương thì ăn chay là một phương pháp dinh dưỡng mới mẻ được chứng minh bằng những nghiên cứu khoa học rất có lợi ích cho cơ thể và sức khỏe. Phần đông chúng ta đều cho rằng ăn chay không đủ chất bổ dưỡng và không ngon miệng. Nhưng khi nhìn qua nhìn lại, có lẽ quý vị lấy làm lạ tự hỏi sao càng ngày càng có nhiều người ăn chay như vậy? Câu hỏi ấy đã được tác giả Trần Anh Kiệt trả lời trong quyển sách ĂN CHAY VÀ SỨC KHỎE sau khi ông đã dành ra rất nhiều thời giờ để khảo cứu về vấn đề này. Sách dày 140 trang được phân chia gọn ghẽ rất dễ đọc, từ ĂN CHAY THEO QUAN NIỆM CỦA MỖI THỜI Đại cho đến các bằng chứng khoa học mới nhất về lợi ích của sự ăn chay.
18/02/2014(Xem: 7632)
Bỡi nguồn lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện nay để chúng ta mua về dùng cho đời sống hằng ngày, trong đó chất bổ thì ít mà chất độc thì nhiều ! Chất độc từ đâu mà có ? Có từ bỡi bàn tay con người trong nuôi trồng , sản xuất, chế biến mà ra. Thế hệ ông bà chúng ta khi xưa, gieo trồng hạt lúa đến khi gặt là 6 tháng, trong 6 tháng họ chỉ chăm sóc bằng phân chuồng, phân lá cây ủ mục, cây lúa được hấp thu khí Âm Dương của Đất Trời nên cho ta hạt gạo đầy đủ chất dinh dưỡng cao, bao gồm các chất sinh tố (Viatmin ) và khoáng tố.
30/01/2014(Xem: 17350)
Bài viết này là của Tiến Sĩ Pinit Ratanakul. Ông tốt nghiệp Cao Học tại Đại Học Chulalongkom, Thái Lan và lấy bằng Tiến Sĩ tại Đại Học Yale, Tiểu Bang Connecticut, Hoa Kỳ. Ông là giáo sư triết và là giám đốc Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo tại Đại Học Mahidol, Thái Lan. Ông là tác giả của cuốn sách “Bioethics: An Introduction to the Ethics of Medicine and Life
13/12/2013(Xem: 12550)
Bệnh tim mạch: Được coi là “kẻ giết người số 1” ở các nước phát triển. Nghiên cứu của Trường đại học Harvard cho thấy, huyết áp trung bình của người ăn chay giảm rõ rệt so với những người ăn thịt;
30/10/2013(Xem: 13257)
Tạp chí nghiên cứu người tiêu dùng Journal of Consumer Research công bố một khảo sát năm 2012, kiểm chứng rằng tại sao người tiêu dùng là nam giới lại thường tránh xa chuyện ăn chay. Trong đó, khảo sát này nhấn mạnh "Thịt dường như đồng nghĩa với quyền lực và sức mạnh đàn ông".
08/09/2013(Xem: 13615)
Một chế độ ăn nhiều thịt có thể làm cho người ta mắc một số bệnh. Tuy nhiên không phải hễ ai ăn thịt là mắc các bệnh này, mà chỉ những người ăn quá nhiều thịt, không quan tâm đến số lượng và chất của thịt mới dễ bị mắc bệnh. Chế độ ăn nhiều thịt có thể làm dễ mắc một số bệnh do cách ăn không đúng theo khoa học.
12/08/2013(Xem: 10254)
Phật giáo nói chung, về cơ bản luôn nghiêm cấm bất kỳ loại thịt động vật nào hay những chất gây say. Tuy nhiên, khi khảo cứu nhiều hơn, lại có thêm một số bổ xung hoặc ngoại lệ không phổ biến hoặc ít biết đến cho những quy định tương đối đơn giản này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]