Phật giáo Việt Nam Hải Ngoại
tổ chức Trai Đàn Siêu Độ
ở hai tỉnh Sendai và Fukushima, Nhật Bản
Thích Minh Dung tường thuật
Trước thiên tai thế kỷ vào tháng Ba vừa qua, nhiều chục ngàn người Nhật đã bị Tsunami và động đất cướp đi sinh mạng của họ. Bốn phái đoàn đại diện bốn Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thống nhất các châu: Úc đại lợi – Tân tây lan, Âu châu, Hoa Kỳ và Canada đã gặp nhau tại Tokyo vào ngày 31 tháng 5, 2011 để ngày hôm sau lên đường đi đến bờ biển Sendai và tỉnh Fukushima thiết lễ Trai Đàn Cầu Siêu cho các nạn nhân bất hạnh này.
Có 15 chư Tôn đức Tăng Ni các châu cùng với chư Tôn đức Việt nam tại Nhật hiệp lực chú nguyện trong các trai đàn cầu siêu bạt độ. Hoa Kỳ, hai vị Hòa Thượng Nhật Quang và Thông Hải, hai Thượng Tọa Nhật Huệ và Minh Dung cùng Ni Sư Diệu Tánh. Chư Tôn đức đến từ Úc Đại lợi và Tân Tây Lan gồm chư Thượng Tọa Thích: Quảng Ba, Tâm Minh, Minh Hiếu, Tâm Phương, và Sư Cô Liên Hạnh. Phật giáo Âu Châu, Hòa Thượng Thích Như Điển. Phật giáo Canada, hai vị Thượng Tọa Thích Bổn Đạt và Trường Phước. Hòa Thượng Như Điển được đề cử làm trưởng phái đoàn. Nhưng vì Phật sự khẩn ở Âu châu nên Hòa thượng chỉ đi được ngày đầu và hai ngày còn lại Hòa Thượng Thông Hải và Thượng tọa Bổn Đạt thay thế. Thượng tọa Quảng Ba là phát ngôn viên của phái đoàn. Có một số Phật tử các Châu tháp tùng với chư tôn đức. Chư Tăng Việt Nam định cư tại Nhật có Hòa Thượng Minh Tuyền và Hòa Thượng Triệt Học.
Buổi lễ Siêu độ đầu tiên tại Đại Thánh Đường của Risho Koseikai thuộc Phật giáo Pháp Hoa Tông Nhật bản được tổ chức vào lúc 6 giờ sáng ngày 1 tháng 6, gần trung tâm thành phố Tokyo. Có trên một ngàn người Nhật tham dự lễ cầu siêu sáng nay. Họ đổ về điện Phật từ nhiều ngã đường của thành phố. Họ chào nhau trong cung cách cúi đầu thành kính. Buổi lễ thật trang nghiêm và cảm động. Họ đồng tụng những bài kinh ngắn trong Diệu Pháp Liên Hoa và cầu xin năng lực lời kinh độ giúp cho các hương linh nạn nhân sớm được siêu thoát.
Trên đường đi, một buổi lễ siêu độ tiếp theo tại chùa Honmonzi thuộc tông phái Nhật Liên nằm hướng đông của Tokyo. Rồi sau đó, Phái đoàn lên đường đi Sendai cùng ngày. Sendai và Tokyo cách nhau chừng 400 cây số. Phái đoàn đến Sendai vào đêm và nghỉ lại tại thiền viện Fukujujin, cách bờ biển phát xuất Tsunami chừng 6 mile.
Sáng sớm ngày 2 tháng 6, phái đoàn tiếp xúc với vị Thượng Tọa Idate Kozan, Trụ trì thiền viện Fukujujin (Phúc Tụ Viện). Thượng tọa thuyết trình về Tsunami và động đất xảy ra nơi thành phố này. Ngài không biết rõ con số chính thức thiệt mạng của người dân chung quanh vùng nhưng về phía Tăng sĩ thì có 6 người chết nhưng có một người không tìm được xác. Thượng tọa nói rằng, dù là người Nhật hay Việt Nam, chúng ta đều là con người. Trước sự tang thương Tsunami và động đất của người Nhật mà người Việt Nam quan tâm và chia sẻ. Ông ta nói: “quí vị đến đây cầu nguyện và chia sẻ chúng tôi, chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn.” Thượng tọa Idate Kozan và chư tăng trong vùng hướng dẫn phái đoàn đến nơi bờ biển bị Tsunami để làm lễ Cầu Siêu Bạt Độ và đi thăm các vùng thiệt hại ở Sendai.
Nước mắt lăn dài trên gương mặt nhà sư Matsuyama Koyu, khi phát biểu với phái đoàn sau thời kinh cầu siêu tại địa điểm đầu tiên sáng nay tại chùa Shohinji. Ngài nói: “trong lúc đồng bào chúng tôi đang lâm nạn thì quí Tăng Ni và Phật tử Việt Nam ở hải ngoại đến đây làm lễ siêu độ cho những người Nhật bất hạnh. Tình huynh đệ giữa chúng ta bắt đầu từ hôm nay”,Ngài Matsuyama cho biết, tất cả người dân trong vùng này chưa được lệnh trở về nhà của mình, hôm nay vì tiếp phái đoàn Phật giáo Việt Nam nên Ngài mới về lại chùa nhưng không được phép ở lại qua đêm. Chung quanh chùa, những đống gạch, cây cối đổ nát như lòng người đang bị nạn. Ngài cho biết có khoảng hai ngàn người trong vùng này bị thiệt mạng và các cư dân gần sát vườn chùa thì khoảng mười người đã chết. Khi được hỏi, trong lúc Tsunami càn tới thì Ngài đang làm gì? Thượng tọa Matsuyama nói, Ngài đang đi bưu điện, nếu không thì ngài cũng bị cuốn vào bão biển như bao sinh mạng khác. Ngài nói có 3 tăng sĩ trong chùa này nhưng tất cả đều may mắn.
Hai bên đường của tỉnh Sendai không thấy bóng người. chỉ có rác, xe cộ bị nước cuốn lật ngổn ngang, cây cối ngã la liệt. Xa xa một toán lính Nhật đang đào xới tìm xác, hay đẩy lui những đống gạch chắn đường. Một vùng đất mênh mông không còn một căn nhà nào sót lại. Tất cả đều bị san bằng, chỉ còn lại những đống gạch và ván nhà bị xé nát tan. Một ngôi chùa cổ lâu đời, chùa Jodo Jiato chỉ còn duy nhất là pho tượng Địa Tạng đứng giữa đất trời thê lương. Vùng này là nơi thiệt hại nặng nhất của tỉnh Sendai. Phái đoàn dừng lại ở đây và làm lễ cầu siêu cho tất cả những nạn nhân thiệt mạng. Một vị sư Nhật ở vùng này cho biết có khoảng 120 người không tìm được xác. Lời kinh và nước mắt rơi thấm xuống vùng đất này, đã khẳng định, phái đoàn chúng tôi đang ở cùng quí vị.
Xin hãy đến và làm lễ siêu độ tại vùng chôn tập thể. Hòa Thượng Triệt Học cho biết, theo luật pháp của nước Nhật, ngườì chết không được phép chôn cất mà chỉ hỏa thiêu thôi. Nhưng những ngôi mộ tạm thời này là một ngoại lệ, tất cả là nạn nhân của Tsunami. Ngài giải thích vùng đất an táng tạm này nguyên là sân vận động của trường học. Có bảy trăm mộ phần đã chôn tập thể nhưng hiện nay còn lại 260 và phần lớn đã cải táng hỏa thiêu. Những mồ đất đơn sơ nằm thẳng hàng nhau theo thứ tự bản số. Một vài bình hoa héo úa lâu ngày trên vài mộ phần. Có lẽ nhiều gia đình không còn ai sống sót để lo hỏa táng cho người thân của mình. Có bốn nơi chôn tập thể như vậy trong tỉnh này. Phái đoàn thiết lễ cầu Siêu cho những phần mộ nơi đây và hàng ngàn nạn nhân khác trong tỉnh Sendai. Lời kinh nghe sao se thắc trong cơn gió lạnh chiều nay giữa những nấm mồ tập thể hoang liêu.
Phái đoàn được chư tăng người Nhật đưa lên đỉnh núi cao công viên Hiyoriyama để có thể nhìn thấy toàn bộ sự đổ nát của tỉnh Sendai. Vị sư dẫn đường vừa chỉ ngón tay xuống hải cảng và nói rằng, nước dâng lên tới nửa lưng chừng ngọn đồi này rồi kéo ập ra biển, kéo theo hàng ngàn sinh mạng, và xô đẩy nhà cửa, xe cộ đi theo. Vị sư dẫn đường cho biết có ít nhất là 4 tới 5 ngàn người trong vùng này chết mà không tìm được xác, trong đó có 14 nhà sư. Mực nước hôm ấy dâng lên tới 20 mét, từ đỉnh đồi Hiyoriyama nhìn xuống, một biển mênh mông không phải là nước mà là rác rến, nhà cửa sụp đổ và đặc biệt vẫn còn nặng mùi hôi của cá biển và cũng có thể là của những sinh linh.
Tất cả những vùng tai nạn mà phái đoàn đi qua, không được ở lại đó lâu vì sự an ninh. Địa điểm sau cùng đến để thiết lễ Trai đàn Cầu siêu bạt độ hôm nay là thiền viện Dogenin ở trên núi cao, nơi có khoảng 100 người đang tá túc sau cơn Tsunami. Vị Thiền sư trụ trì, Ngài Onosaki Shutsu cho biết có khoảng từ 3 tới 4 ngàn người trong khu vực gần chùa thiệt mạng. Phái đoàn thiết lập trai đàn siêu độ trên đồi Tu viện hướng xuống vùng thung lũng ngập tràn bão nước. “Đây là trai đàn cầu siêu bạt độ lần đầu tiên do Tăng Ni Việt Nam tổ chức tại Nhật, nhà học giả Đỗ Thông Minh, người đã sinh sống trên đất Nhật hơn bốn mươi năm phát biểu
Trai đàn Cầu Siêu này dưới sự chứng minh của Thiền sư Onosaki Shutsu, ThượngTọa Date Kozan trụ trì chùa Fukujujin, Reverend Katsuji Suzuki và Reverend Tado Goto thuộc Hội Phật giáo Quốc tế Rissho Kosei-Kai, đông đảo chư Tăng Nhật Bản và phái đoàn chư Tăng Ni Việt Nam. Thượng Tọa Thích Tâm Minh chủ sám Trai đàn Cầu Siêu Chẩn thí cho các âm hồn, hương linh bất hạnh trong trận Tsunami. Những gia đình tạm lánh nạn tại chùa đã tham dự trai đàn rất thành tâm. Họ không đồng ngôn ngữ, họ chẳng hiểu lễ nghi tiếng Việt nhưng họ đã đồng cảm những gì mà Phật giáo Việt Nam đến đây để sái tịnh, chú nguyện cho thân nhân quá vãng của họ. Họ cảm và nghe tiếng lòng của Phật giáo Việt Nam. Họ khóc, họ vỗ tay, họ hát bài ca tiễn biệt, một nghĩa cử đã làm họ bất ngờ từ người Việt Nam.
Sáng ngày 3 tháng 6 phái đoàn từ giã tỉnh Sendai và đi về tỉnh Fukushima, nơi mà các lò nguyên tử bị bộc phát cho đến nay chưa chấm dứt. Thiền viện En Tsu Ji, cách lò nguyên tử chừng 32 mile. Đây là một Thiền viện có nhiều liên hệ mật thiết với Phật giáo Việt Nam. Vị sư Trụ trì, Yoshi Oka To Ken cho biết đại hồng chung chùa Vĩnh Nghiêm là do Thiền viện họ cúng tặng trước năm 1975. Chùa tổ chức một cuộc tiếp tân để tiếp đón phái đoàn thật trịnh trọng. Hòa thượng Thông Hải, trưởng phái đoàn đã ngỏ lời cảm ơn Sư trụ trì cũng như chư Tăng trong tỉnh Fukushima đã giúp cho phái đoàn thực hiện tinh thần Bồ tát đạo, đến đây thiết lễ trai đàn Cầu siêu cho các nạn nhân động đất và thăm viếng các đồng bào đang lánh nạn. Đại lão Hòa thượng Terashima Gen Shu, Chánh đại diện Phật giáo tỉnh Fukushima thỉnh cầu phái đoàn trong khi làm lễ cầu siêu bạt độ thì xin chú nguyện cho lò nguyên tử bộc phát sớm được khép lại.
Trai đàn siêu độ hôm nay, ngoài chư Tăng Việt Nam,có sự chứng minh của Hòa Thượng Terashima Gen Shu, Sư Trụ Trì, Yoshi Oka To Ken, Rev. Katsuji Suzuki, Rev. Tadao Goto cùng với chư Phật tử Nhật và Việt. Rev. Katsuji cho biết, thành phố này thiệt hại nặng nề về động đất và lò nguyên tử. Ông cho biết toàn tỉnh Fukushiam có 1547 người chết và 475 người mất tích. Còn số người di tản đến các trại tạm cư của các tỉnh là 24,119 người bao gồm Tsunami và động đất. Trai đàn Siêu độ làm theo nghi lễ Việt Nam và các vị Hòa thượng Nhật Bản dâng lời chú nguyện. Tất cả đều hướng về các nạn nhân bất hạnh. Chúng ta đều là con người và đều có những khổ nạn lớn lao trong cuộc đời này.
Sau đàn tràng siêu độ tại thiền viện En Tsu Ji, phái đoàn vội vàng lên đường để thăm trại tạm cư của những nạn nhân gần lò nguyên tử. Công viên thể thao Azu Ma là nơi được sử dụng cho người tạm cư. Ông Tsuchiya Fumiaki, Tổng thư ký của trại ra tiếp phái đoàn và mời vào bên trong hội trường, nơi hiện có 570 người tạm cư. Những miếng giấy carton được sử dụng làm bức ngăn, chia ra từng ô nhỏ cho các gia đình. Ông cho biết tất cả những người này ở gần lò nguyên tử. Số người tạm cư lúc đông nhất lên đến hai ngàn người. Trong thời gian qua, có nhiều người rời nơi đây đến ở với thân nhân hoặc các nơi khác. Khi được hỏi, họ sẽ còn sống lại ở đây bao lâu nữa, thì ông Tsuchiya cho biết khi nào khóa được sự bốc phát của lò nguyên tử.
Khi phái đoàn hỏi ông Tsuchiya muốn trao một số tiền của người Việt hải ngoại đến đồng bào tạm cư ở đây qua ông có được không. Ông cho biết ở đây không được nhận tiền hay quà trực tiếp của bất cứ tổ chức nào. Ông nói thêm, nếu đoàn thể hay tổ chức nào muốn cứu giúp thì xin liên lạc với Chính phủ, Hồng Thập Tự hay các tổ chức Tôn Giáo để có được sự phân phối đều đặn đến các trại tạm cư.
Khi hỏi về cuộc sống của người tạm cư ở đây, ông Tsuchiya cho biết là tháng đầu người tỵ nạn chỉ có bánh và sữa, nhưng hai tháng trở lại đây thì họ có cơm. Có những người đã tìm được việc làm, sáng họ đến công sở và chiều về lại trại. Ông Tsuchiya cho biết thêm, có khoảng chín ngàn năm trăm học sinh phải rời khỏi các vùng gần lò nguyên tử. Tất cả những trẻ em này được đến các trường gần nơi tạm cư.
Trước khi bước vào hội trường, ông Tsuchiya dặn dò phái đoàn không được chụp hình và quay phim các nạn nhân đang tạm cư ở nơi này. “Đừng đi quá sâu vào sinh hoạt mang tính riêng tư của người bị nạn”, ông Tsuchiya nói. Ông đã tiếp và hướng dẫn phái đoàn hơn 30 phút và trước khi từ giã, ông phát biểu rằng, ông rất hoan nghênh và cảm động khi phái đoàn của Phật giáo Việt nam đến đây, nơi mà mọi người trên thế giới rất lo ngại về chất phóng xạ. Ông Tsuchiya nói: “Xin quý vị hãy truyền đạt dùm rằng, người dân ở đây sinh sống rất bình thường và chất phóng xạ đã không ảnh hưởng gì đến họ.” Trại tạm cư này cách lò nguyên tử chừng 37 mile.
Trong hai ngày qua, Phái đoàn đã phân phối 130 ngàn Mỹ kim đến các trung tâm Phật giáo Nhật để nhờ họ phân phối đều đến các vùng bị nạn. Trong ba ngày liên tục cầu siêu và ủy lạo, Hòa thượng Triệt Học và học giả Đỗ Thông Minh vô cùng tận tình giúp đỡ phái đoàn. Hai vị đã phối hợp với các Thiền viện và Trung tâm tạm cư cũng như phiên dịch trong suốt lộ trình. Phái đoàn cảm ơn các Phật tử đang sinh sống ở Nhật tháp tùng phái đoàn, đặc biệt Phật tử Quảng Diệu Nguyện và Lê thị Hoa. Phái đoàn cũng xin tán thán công đức của Phật tử Quảng Nguyện đã cúng dường nửa chí phí vé máy bay từ các nước đến Nhật của phái đoàn.
Hai Giáo sĩ Katsuji và Tadao của Hội Phật Giáo Quốc Tế Rissho Kosei-kai cùng đi với phái đoàn và họ đã cảm kích việc làm của Phật giáo Việt Nam. Ông đã điện về Trụ sở trung ương của hội ở Tokyo xin tổ chức một buổi tiệc lớn vào tối ngày 3 tháng 6 tại đại sảnh đường của Hội để đãi phái đoàn và cùng lúc tổ chức họp báo về tinh thần Bồ tát đạo trong mấy ngày qua của Phật giáo Việt Nam.
Trước khi rời khỏi Tokyo về lại quốc gia của mình, các phái đoàn một lần nữa nhìn về Sendai, Fukushima và các nơi thiên tai để gởi trọn lòng cảm thương và chú nguyện của mình đến vùng đất và con người bất hạnh. Xin vào website: www.quangduc.com để xem hình ảnh của phái đoàn cứu trợ tại Nhật Bản.
Tokyo ngày 3/6/2011.
Thích Minh Dungtường thuật
Vài hình ảnh ghi nhận của phái đoàn tại Nhật Bản
Quang cảnh trước Chùa Dogenin
Quang cảnh hai bên đường đi tại Sendai
Quang cảnh tang thương tại Sendai
Lễ Cầu Siêu tại Chùa En Tsu
Lễ Cầu Siêu trước Chùa Jodo Jiato
Lễ Cầu Siêu tại Chùa Jodo Jiato
Quang cảnh tang thương tại Sendai
Quang cảnh đổ nát tại Chùa Shohinji
Phái đoàn chụp hình trước Chùa Jodo Jiato
***