Thiền Sư Trì Bát
(Đời thứ 12, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi)
🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐
Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm, Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc và online: Cư Sĩ Quảng Phước, Cư Sĩ Quảng Tịnh
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ,
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Trì Bát. Ngài thuộc đời thứ 12 thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 273 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).
Sư Phụ nhắc lại, thiền sư Trì Bát và thiền sư Từ Đạo Hạnh cùng là đệ tử của thiền sư Sùng Phạm đời thứ 11. Thiền sư Từ Đạo Hạnh là thầy của vua Lý Thánh Tông. Thiền sư Sùng Phạm có tướng đẹp và đặc biệt có trái tai dài tới vai và có thể là tăng sĩ Việt Nam đầu tiên đi du học ở Ấn Độ trong 9 năm và sau đó về Việt Nam hoằng pháp.
Sư họ Vạn, quê ở Luy Lâu, tuổi trẻ mà tâm mộ Phật rất thiết tha. Đến năm 20 tuổi, Sư theo thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân xin xuất gia và thọ giới Cụ túc.
Thiền sư Sùng Phạm thấy Sư siêng năng tu học, đức hạnh hoàn bị, làm việc rất cẩn thận, thầm ấn chứng và ban đạo hiệu là Trì Bát.
Sư Phụ giải thích, Trì là gìn giữ. Bát là Bát Nhã, là trí tuệ ( Phật tánh). Trì Bát là gìn giữ Phật tánh của mình. Sư được ấn chứng là Tổ thứ 13 của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.
Sau khi thiền sư Sùng Phạm tịch, Sư dạo khắp các thiền tịch, tham yết các vị Tôn Túc, và đến trụ trì ở chùa Tổ Phong ở núi Thạch Thất, làng Đại Cầu để giảng cứu.
Tướng quốc Lý Thường Kiệt là một thí chủ của Sư. Những tài vật tín thí cung cấp, Sư đều để vào Phật sự trùng tu các ngôi chùa: Pháp Vân, Thiền Cư, Thê Tâm, Quảng An…để báo đáp phần nào công ân pháp nhũ.
Thí chủ nổi tiếng là Lý Thường Kiệt, ngài là danh tướng vĩ đại nhất trong thời ba vị vua nhà Lý, vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Ngài chinh phạt quân Chiêm Thành, đánh bại cuộc xâm lược của quân Tống.
Ngài là vị anh hùng của dân tộc và trên thế giới, tàu chiến USS Chincoteague trong năm 1972-1975 được mang tên RVNS Lý Thường Kiệt (HQ-16) để vinh danh ông.
Sư Phụ giải thích: Chùa Pháp Vân là linh hồn, là chị cả trong tín ngưỡng Tứ Pháp của cư dân thuộc đồng bằng Bắc Bộ, chùa này thờ thần mây vì nước Đại Việt xưa và nay là một nước nông nghiệp, trồng lúa nên, luôn cần có mưa, muốn có mưa phải có mây, có sấm, có chớp… người nông dân cầu thần mây, mưa, sấm, chớp để mưa tuông xuống cho đất đai phì nhiêu, cho lúa được tốt tươi.
Chùa Pháp Vân do Thiền Sư Trì Bát trùng tu là ngồi tổ đình mà chính Sư phụ của ngài trụ trì, ngài xây dựng lại để trả ơn pháp nhũ mà Sư phụ ngài giáo hóa ngài ngộ đạo. Chùa Pháp Vân (Chùa Dâu) là một chùa trong tín ngưỡng Tứ Pháp ở miền Bắc VN, chùa này thờ thần Mây, 3 chùa khác là: Chùa Pháp Vũ (Chùa Đậu) thờ Thần Mưa, Chùa Pháp Lôi (Chùa Tướng) thờ Thần Sấm và Chùa Pháp Điện (Chùa Dàn) thơ Thần Chớp.
Sư phụ cũng giải thích thêm về tín ngưỡng Tứ Pháp này biểu trưng cho giáo lý Từ Bi Hỷ Xả, qua đó chúng đệ tử được hiểu là: Pháp Vân với áng mây lành (Từ); Pháp Vũ với những giọt mưa tưới mát vì thương xót (Bi) chúng dân; Pháp Lôi với tiếng rang rền như pháo nỗ mừng vui (Hỷ); Pháp Điện với tia chớp lóe sáng rồi tắt liền (Xả) biểu thị cho sự buông xuống dính bám vào ngã chấp và pháp chấp. Con thấy ý nghĩa Tín ngưỡng Tứ Pháp qua Tứ Vô Lượng Tâm quá hay, quá tuyệt với.
Niên hiệu Hội Trường Đại Khánh thứ tám (1117) đời Lý Nhân Tông, ngày 18-2, Sư gọi đồ chúng đến nói bài kệ thị tịch:
Có tử ắt có sanh,
Có sanh tất có tử.
Chết là người đời buồn,
Sanh là người đời vui.
Buồn vui hai không cùng.
Chợt vậy thành kia đây.
Đối sanh tử chẳng để lòng
Án tô rô tô rô tất rị.
Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng mà đi, thọ 69 tuổi.
Đệ tử là thiền sư Tịnh Hạnh, Pháp Nhãn …làm lễ hỏa táng thu xá lợi xây tháp cúng dường.
Sư Phụ giải thích:
-Chúng sanh thường thấy quả, không thấy nhân nên chúng sanh sợ quả còn Bồ Tát thấy quả nên sợ nhân.
Khi chúng sanh ra đời thì cái tử đã có mặt dầu muốn hay không muốn. Chúng sanh cứ thích thú trong đời sống không thấy cái chết sẽ tới lúc nào.
Sanh làm người đời vui trong vô minh nên cứ tổ chức vui mừng sanh nhật mỗi năm. Chư Phật, chư Bồ Tát khi thấy một chúng sanh ra đời là báo hiệu một chặng đường đắng cay đau khổ đang chờ đợi họ.
-Chư Phật Bồ Tát ra đời báo cho biết trước những bất hạnh và dẫn dắt chúng sanh vào con đường ra khỏi sanh tử luân hồi.
Đức Phật cho biết trong kinh A Hàm, Phật đứng từ trên toà nhà cao tầng nhìn xuống ngã tư đường, thấy dân chúng đi tới đi lui trong 4 hướng đông, tây, nam, bắc, cũng ví như Phật thấy rõ chúng sanh vào ra trong 3 cõi 6 đường theo nghiệp quả của họ, chính nghiệp báo của họ đã gây tạo là đường dẫn họ di chuyển trong vòng luân hồi sanh tử. Chết không phải là hết mà là bắt đầu một hành trình khác không gián đoạn.
Phật ra đời để hướng dẫn chúng sanh tu tập để chấm dứt nghiệp sanh tử. Vì luân hồi tái sanh là kết quả của nghiệp, muốn chấm dứt luân hồi sanh tử phải tận trừ nghiệp, muốn nghiệp hết thì phải tu, tu để giải nghiệp và chuyển nghiệp.
Nghiệp tạo ra chính mình tạo ra từ thân, khẩu, ý. Quan trọng nhất là ý tạo ra tham, sân và si, trong đó si là đầu mối, si là vô minh, do vô minh nên lầm nhận thân này là thật có, chấp thân và những cái xung quanh cái thân này là thật nên mình cứ mãi đeo bám, gây tạo đủ điều ác nghiệp chỉ vì muốn bảo vệ tấm thân này từ đời này qua đời khác, Sư phụ đọc bài thơ của nhân quả tái sanh quá hay, con xin ghi xuống để học thuộc lòng:
“Kiếp trước mở hồ bao bố-thí
Nên kiếp này địa-vị giàu sang
Kiếp này bỏn-sẻn tham gian
Kiếp sau đói khó nghèo nàn tả tơi
Mới kiếp trước ghét cay, ghét đắng
Kế kiếp sau làm bạn, làm chồng
Luân-hồi lộn bậy cỏi hồng
Khi cha, khi mẹ, khi chồng, khi con
Mới đời trước đánh đòn đứa ở
Kế đời sau làm tớ bị đòn
Chết rồi nhưng nghiệp vẩn còn
Mạnh thì nở trước, yếu tồn lại sau”
*Tu theo Phước hữu lậu, chấp nhận tái sanh, phải dọn đường tái sanh từ ngay hiện thời:
“Kiếp sau xin được người
Sanh trong giáo pháp sống đời chân tu”
Vì trong đời sống hiện tại này, mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ của mình là mỗi nét vẽ cho họa đồ, căn nhà của mình ở kiếp tương lai, khi chết mình chỉ dọn qua căn nhà mới đó. Muốn tái sanh làm người phải tu 5 giới, muốn thác sanh về các cõi trời để hưởng phước thì phải tu 10 điều thiện. Muốn giải thoát sanh tử nhập Niết bàn thi phải tu niệm Phật, Thiền quán để chấm dứt vọng tưởng, tận trừ nghiệp báo.
Hành giả một khi nhận ra được mấu chốt của nghiệp dẫn đi tái sanh thì phải ráng tu để chấm dứt nghiệp, nghiệp tạo ra là do vọng tưởng điên đảo, muốn hết vọng tưởng điên phải niệm Phật, phải trì chú, phải ngồi thiền để giúp tâm mình lắng đọng, sạch trong, chánh niệm, vô niệm, đó là lúc tâm không còn vọng tưởng, không vọng tưởng thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không còn luân hồi.
Tóm lại theo cách giải thích của Sư phụ, Tu quá dễ nhưng cũng không dễ: Nghiệp là đầu mối dẫn dắt chúng sanh có mặt trong đời này và đời sau. Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi thì phải cắt đứt nghiệp nhân, nghiệp hết thì không còn tái sanh, không sanh thì sẽ không còn chết nữa, vô sanh thì bất tử. Con cảm ơn Sư phụ đã chỉ ra con đường ngắn nhất để chấm dứt luân hồi sanh tử khổ đau này.
Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của thiền sư Trì Bát do Thầy Chúc Hiền cúng dường:
Thiếu thời mộ Phật học kinh thiền
Rời tục xuất gia tu học siêng
Sùng Phạm thầm khen trao ấn chứng
Pháp Vân mật nguyện tỏa hương nguyền
Du phương khắp chốn tham thiền tuệ
Hoá đạo cùng nơi độ chúng duyên
Chuyển kiếp trầm luân qua bến giác
Tổ Phong Thạch Trụ sáng trăng huyền…!
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về thiền sư Trì Bát, ngài có Đức hạnh hoàn bị, siêng năng tu học gìn giữ tuệ giác Bát Nhã nên được Sư Phụ Sùng Phạm ban cho danh hiệu Trì Bát. đặc biệt, Sư có đại thí chủ là một anh hùng dân tộc vĩ đại Lý Thường Kiệt, hộ trì cho ngài tịnh tài tịnh vật để trùng xây dựng lại những ngôi Già Lam danh tiếng ở miền Bắc. Sư cũng để lại cho đời sau bài kệ thị tịch quá hay, giúp cho hàng đệ tử chúng con thấu rõ lẽ sanh tử vô thường mà cố gắng tu tập để đạt đến giải thoát giác ngộ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
(Đời thứ 12, Thiền Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi)
Đạo hiệu Trì Bát (do Minh Sư Sùng Phạm ấn chứng và ban tặng ) và với bài kệ thị tịch Ngài đã vinh danh vẻ vang dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi ( Thiền Mật song tu ) một thiền phái đã bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm, rồi có khuynh hướng thiên trọng về Mật giáo, theo tinh thần bất lập văn tự nhưng vẫn chú trọng sự nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, Đây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ.
Theo tích sử :
(1) Sư họ Vạn, ( 1049-1117) quê ở Luy Lâu, tuổi trẻ mà tâm mộ Phật pháp rất thiết tha. Đến độ 20 tuổi, Sư theo Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân xin xuất gia và thọ giới cụ túc.
Thiền sư Sùng Phạm thấy Sư siêng năng tu học, đức hạnh hoàn bị, làm việc rất cẩn thận, thầm ấn chứng và ban đạo hiệu là Trì Bát.
(2)
Sau khi Sùng Phạm tịch, Sư dạo khắp các thiền tịch, tham yết các vị tôn túc, và đến trụ trì chùa Tổ Phong ở núi Thạch Thất, làng Đại Cầu, Tân Trại để giảng cứu.
Tướng quốc Lý Thường Kiệt là một thí chủ của Sư. Những tài vật tín thí cung cấp, Sư đều để hết vào Phật sự trùng tu các ngôi chùa: Pháp Vân, Thiền Cư, Thê Tâm, Quảng An... để báo đáp phần nào công ân pháp nhũ.
(3)
LÝ THÁI TÔNG (1028 – 1054)
Tên húy là Lý Phật Mã hay Lý Đức Chính, con trưởng của Lý Thái Tổ, mẹ đẻ là Lê Thái Hậu.
Vua Lý Thái Tông là vị vua anh minh và có nhiều đóng góp trong triều đại nhà Lý. Chính ông thân chinh đem quân đi dẹp cuộc nổi dậy của Nùng Tồn Phúc, Nùng Trí Cao; năm 1044 sau cuộc chiến tranh với Chiêm Thành vua cho đại xá miễn một nữa tiền thuế để khoan sức dân; năm 1049 cho xây chùa Diên Hựu (Chùa Một cột); Năm 1042 vua cho ban hành Bộ Luật Hình thư là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. LÝ THÁNH TÔNG (1054-1072)
Tên húy là Nhật Tôn. Đại Việt sử lược thì chép vua là con thứ ba, mẹ là Linh Cảm Thái hậu). Vua được xem là ông vua thương dân, gắn bó với nông dân, đồng ruộng, ông thường đi xem cấy, gặt hái. Năm 1070 vua cho mở trường lập Văn Miếu tại kinh đô Thăng Long.
LÝ NHÂN TÔNG (1072-1127)
Tên húy là Càn Đức, con trưởng của Vua Lý Thánh Tông, mẹ đẻ là Linh Nhân Thái hậu (tức bà Ỷ Lan).
(4)
Lý Thường Kiệt (chữ Hán: 李常傑 1019 – 1105) là một nhà quân sự, nhà chính trị cũng như hoạn quan rất nổi tiếng vào thời nhà Lý nước Đại Việt. Ông làm quan qua 3 triều Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và đạt được nhiều thành tựu to lớn, khiến ông trở thành một trong hai danh tướng vĩ đại nhất nhà Lý, bên cạnh Lê Phụng Hiểu.
Trong lịch sử Việt Nam, ông nổi bật với việc chinh phạt Chiêm Thành (1069), đánh phá 3 châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống(1075–1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy. Đặc biệt, trận chiến ở ba châu Khâm, Ung, Liêm đã khiến tên tuổi của ông vang dội ra khỏi Đại Việt và được biết đến ở đất Tống.
Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liệt ông vào một trong 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam.
Con tàu chiến USS Chincoteague (AVP-24) trong những năm 1972 - 1975 được mang tên là RVNS Lý Thường Kiệt (HQ-16), để vinh danh ông.
(5)
Chùa Pháp Vân hay còn gọi là Chùa Dâu
Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng (延應寺), Pháp Vân (法雲寺), hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên ứng tự. Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam mặc dù các dấu tích vật chất không còn, nó đã được xây dựng lại.[1]. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa nay. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4
Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu. Tại vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: chùa Dâu thờ Pháp Vân (法雲寺, "thần mây"), chùa Đậu thờ Pháp Vũ (法雨寺, "thần mưa"), chùa Tướng thờ Pháp Lôi (法雷寺, "thần sấm"), chùa Dàn thờ Pháp Điện (法電寺 "thần chớp") và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ Tứ Pháp.
Trong Tứ Pháp ( Tứ Vô Lượng Tâm : Từ, Bi , Hỷ, Xã)
thì Pháp Vân đứng đầu, tượng trưng cho Từ
Pháp Vũ tượng trưng cho Bi ( thương xót chúng sinh nước Việt làm nghề nông trồng lúa cần mưa )
Pháp Lôi tượng trưng cho Hỷ ( niềm vui khi nghe pháo nổ hay tiếng cười dòn tan )
Pháp Điện tượng trung cho Xã ( buông bỏ được gốc phiền não )
Thạch Quang Phật (tảng đá trong cây Dung thụ) luôn ở bên Pháp Vân và Pháp Vân đại diện cho cả Tứ Pháp, mỗi khi triều đình thỉnh tượng về kinh đô cầu đảo, có thể rước cả bốn tượng hoặc chỉ mình Pháp Vân.
Chùa Đậu tại vùng Dâu đã bị phá hủy trong chiến tranh nên pho tượng Bà Đậu được thờ chung trong chùa Dâu.
Có thể nói Tứ Pháp thì Pháp Vân, Pháp Vũ được thờ cúng rộng rãi hơn cả nhưng Pháp Vân là trọng tâm, nên Chùa Dâu đã trở thành trung tâm của tín ngưỡng này ở cả vùng Dâu lẫn cả nước
Chùa Pháp Vân được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, là ngôi chùa lâu đời nhất và gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28 tháng 4 năm 1962.
Chùa Dâu gắn liền với sự tích Phật Mẫu Man Nương thờ tại chùa Tổ ở làng Mèn, Mãn Xá cách chùa Dâu 1 km
Truyền thuyết Man Nương
Sửa đổiMan Nương là một người con gái rất sùng đạo, năm 10 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây.
Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền.
Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng Tư (âm lịch), đem đến chùa trả lại Thiền sư. Ông dùng cây tầm xích (gậy tích trượng) gõ vào cây Dung Thụ (dâu) ở cạnh chùa; cây dâu tách ra, thiền sư để đứa trẻ vào trong, cây lại khép vào. Khâu Đà La trao cho Man Nương cây gậy và dặn khi nào hạn hán thì đem gậy cắm xuống đất để cứu nhân dân. Khi vùng Dâu bị hạn hán ba năm liền, nhớ đến lời dặn của ông, Man Nương đã đem cây gậy thần cắm xuống đất. Ngay lập tức nước phun lên, cây cối, ruộng đồng lại tươi tốt và chúng sinh thoát nạn hạn hán.
Tiếp đó có trận mưa to, cây dâu bị gió bão quật đổ xuống sông Thiên Đức (sông Dâu) rồi trôi về Luy Lâu. Khi đó, Thái thú Sĩ Nhiếp cho quân lính vớt lên để làm nóc điện Kính Thiên, nhưng không ai lay chuyển nổi. Man Nương đi qua liền xuống sông, buộc dải yếm vào và bảo "Có phải con mẹ thì đi lên theo mẹ" lập tức kéo cây lên dễ dàng. Sĩ Nhiếp thấy thế kính sợ, tuyển mười người họ Đào tạc tượng Tứ pháp là Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp để thờ. Bốn bức tượng phật đó được đặt ở bốn ngôi chùa khác nhau ở trên cùng một khu vực là Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng.
Khi thợ tạc tượng gặp trong thân cây một khối đá bèn vứt xuống sông. Đến đêm thấy lòng sông rực sáng, Sĩ Nhiếp cho người vớt nhưng không tài nào vớt được. Man Nương liền đi thuyền ra giữa sông thì khì khối đá tự nhiên nhảy vào lòng. Khối đá ấy được gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng )
(6) Sư không chỉ giảng pháp độ sanh mà còn sáng tác nhiều thi ca thanh thoát, và những bài kệ uyên thâm nhưng bị thất lạc gần hết
Niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ tám (1117) đời Lý Nhân Tông, ngày 18 tháng 2, Sư gọi đồ chúng đến nói bài kệ thị tịch:
Có tử ắt có sanh,
Có sanh ắt có tử.
Chết là người đời buồn,
Sanh là người đời vui.
Buồn, vui hai không cùng
Chợt vậy thành kia đây.
Đối sanh tử chẳng để lòng,
Án tố rô tố rô tất rị.
(Hữu tử tất hữu sanh
Hữu sanh tất hữu tử
Tử vi thế sở bi
Sanh vi thế sở hỉ
Bi hỉ lưỡng vô cùng
Hốt nhiên thành bỉ thử
Ư chư sanh tử bất quan hoài
Án tố rô tố rô tất rị.)
Nói kệ xong, Sư ngồi ngay thẳng mà đi, thọ 69 tuổi. Đệ tử là Thiền sư Tịnh Hạnh, Pháp Nhãn... làm lễ hỏa táng thu xá-lợi xây tháp cúng dường.
(7) Đức Thế Tôn thường dạy
Cuộc sống con người chính là tập hợp của nghiệp trong đời quá khứ, cộng với nghiệp hiện tại do con người đã và đang tạo ra. Trong kinh Ví Dụ Hạt Muối – Trung A Hàm, Đức Phật dạy: “Tùy theo nghiệp sở tác của mỗi người mà thụ lấy quả báo”.
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng chẳng rời hình.
Như vậy, con người phải chịu trách nhiệm với bản thân mình, cũng như với xã hội về những lời nói, hành động của mình. Trong cuộc sống hiện tại, dẫu muốn hay không muốn, đối với nghiệp quá khứ chúng ta phải nhận lĩnh như một di sản bắt buộc, để cộng thêm vào gia tài hiện nghiệp. Cái hiện nghiệp của chúng ta ngày nay, khác hơn cái nghiệp quá khứ ở chỗ chúng ta hoàn toàn làm chủ nó, có trọn quyền chuyển hướng chúng về đâu theo ý muốn của mình, bởi con người là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Chư Phật đã tận dụng những giai đoạn hiện tại đó mà dạy cho chúng ta phương pháp chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Nghiệp của chúng ta trong hiện tại không thể chia sẻ cho ai được, nó như thế nào đều do chúng ta quyết định, tâm ý khởi động điều lành sẽ dẫn chúng ta đến cảnh giới Niết Bàn; ngược lại tâm ý khởi động điều ác là động lực đẩy chúng ta vào địa ngục.
(8)
Ngay từ đoạn 1 và 2 của Quy Sơn Cảnh Sách ta có thể chiêm nghiệm về Nghiệp đóng vài trò lớn trong sinh tử
Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miễn hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành. Tuy nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội.
Việt:
Do nghiệp lực trói buộc mà có thân, nên chưa thoát khỏi các khổ lụy về thân. Thọ nhận cái tinh huyết của cha mẹ, lại vay mượn các duyên mà hợp thành. Tuy nương nơi bốn đại mà duy trì nhưng bốn đại ấy thường chống trái lẫn nhau.
Vô thường lão bịnh bất dữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong, sát-na dị thế. Thí như xuân sương, hiểu lộ, thúc hốt tức vô, ngạn thọ, tỉnh đằng, khởi năng trường cửu. Niệm niệm tấn tốc, nhất sát-na gian, chuyển tức tức thị lai sanh. Hà nãi yến nhiên không quá?
Việt:
Vô thường già bệnh không hẹn một ai. Sớm còn tối mất, trong khoảng sát-na đã qua đời khác. Giống như sương của mùa xuân, móc của ban mai, chốc lát liền không, như cây bên bờ vực, như những thực vật leo mọc trên vách giếng, làm sao có thể lâu bền được!? Niệm niệm nhanh chóng nối nhau, trong một sát-na, chuyển hơi thở thì đã là đời sau. Làm sao có thể yên lòng để đời mình trôi qua vô ích như thế được?
(9)
Thiền sinh im lặng giây lâu, hỏi Ngài Huệ Hải
- Thế nào được Đại Niết-bàn?
- Chẳng tạo nghiệp sanh tử.
- Thế nào là nghiệp sanh tử?
- Cầu Đại Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ nhơ lấy sạch là nghiệp sanh tử, có đắc có chứng là nghiệp sanh tử, không vượt khỏi môn đối trị là nghiệp sanh tử.
- Thế nào chóng được giải thoát?
- Vốn tự không phược (trói buộc) chẳng cần cầu giải thoát, dùng thẳng hành thẳng là không thứ bực.
Thiền sinh khen:- Thiền sư như Hòa thượng thật là ít có.
Khen xong, bèn lễ tạ lui ra.
(10)
Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của HT Thích Nhất Hạnh :
Sùng Phạm còn có một vị đệ tử tên là Trì Bát (mất năm 1117) thuộc thế hệ thứ 12 của thiền phái. Trì Bát cũng học với Sùng Phạm tại chùa Pháp Vân. Thiền học của Trì Bát cũng thấm nhuần Mật giáo. Trong bài kệ thị tịch nói về sinh tử, Trì Bát đã kết thúc bài kệ bằng một câu mật ngữ “án tô rô tô rô tất rị"
Thành ra chúng ta có thể ghi nhớ một cách rất dễ dàng là thiền phái Tỳ-Ni Đa-Lưu-Chi có màu sắc Bát Nhã và màu sắc Mật Tông.
Mật giáo bắt nguồn từ tư tưởng thâm sâu của Bát Nhã đồng thời cũng bắt nguồn từ những tín ngưỡng nhân gian Ấn Độ. Về phương diện sau này, Mật giáo chấp nhận sự có mặt của những thần linh được thờ phụng trong dân gian, và như thế khiến cho đạo Phật phát triển rất rộng trong sinh hoạt quần chúng. Ở Giao Châu khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng và phong tục người Việt, vì vậy cho nên Mật giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn.
Đứng về phương diện tư tưởng, Mật giáo là một phản ứng đối với khuynh hướng quá thiên trọng trí thức và nghiên cứu của các hệ thống Bát Nhã và Duy Thức. Theo Mật giáo, trong vũ trụ có ẩn tàng những thế lực siêu nhiên; nếu ta biết sử dụng những thế lực siêu nhiên kia thì ta có thể đi rất mau trên con đường giác ngộ thành đạo, khỏi phải đi tuần tự từng bước. Sự giác ngộ có thể thực hiện trong giây phút hiện tại. Sự sử dụng thế lực của thần linh, sự sử dụng thần chú, ấn quyết và các hình ảnh mạn đà la có thể hỗ trợ đắc lực cho sự thiền quán hành đạo. Chính vì khuynh hướng này của Mật giáo mà Phật giáo đã bao trùm mọi tín ngưỡng bình dân trong lòng nó, ở Ấn Độ cũng như ở Việt Nam.