Hạt giống yêu thương (Bài 90)
Nghe Carolyn Foot, cô gái mang hai dòng máu Việt Úc
Thương biết mấy khúc hát quê hương
Chỉ mới lên 6 tuổi mà Carolyn Foot đã thuộc làu Người ơi người ở đừng về, Cò lả, quê hương, Lòng mẹ, Xe chỉ luồn kim.
Cô bé mang hai dòng máu Việt Úc bắt đầu yêu những khúc hát dân ca Việt Nam qua lời ru của bà, truyện cổ của mẹ từ khi nằm nôi và nói, đọc, viết tiếng Việt trôi chảy không ngờ.
Với Carolyn Foot, tình yêu quê hương bắt nguồn từ những khúc nhạc truyền thống, những bài đồng dao mà cô nghêu ngao hát khi nhổ những chiếc răng sữa đầu tiên.
Mẹ của Carolyn Foot là cô giáo Ái Tâm, đang dạy tiếng Việt tại trường tiểu học Richmond West và Victorian School of Languages ở Lalor.
Thông qua những câu hát mộc mạc, đơn sơ, Carolyn Foot Tâm Minh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Mỗi câu hát cô cất lên trong những buổi biểu diễn cho cộng đồng đều mọi người cùng hưởng ứng.
Điều thu hút Carolyn đến với âm nhạc truyền thống Việt Nam là ý nghĩa của những khúc hát dân ca.
“Những bài hát không cần nhạc đệm, nhưng ý nghĩa vô cùng thâm thúy. Những bài hát không để bán lấy tiền, khiến em rất cảm động.
Carolyn Foot chia sẻ Bèo dạt mây trôi là ca khúc mà cô cảm thấy thích nhất, và cũng là ca khúc duy nhất mà cô đã khóc khi nghe.
Clip Carolyn hát "Bèo dạt mây trôi" vào Hội chợ Tết năm 2015
Những bài hát có âm hưởng nhẹ nhàng, luyến láy là điểm mạnh của Carolyn, bởi cô được thừa hưởng giọng hát ngọt ngào từ bà ngoại.
"Em tưởng tượng những người hát dân ca là những người nông dân, sống cuộc đời chất phác, hát về quê hương, người bạn tình để vợi đi tình thương nỗi nhớ hoặc trao duyên". Carolyn Foot
Carolyn Foot luôn cảm thấy ngạc nhiên và thích thú khi mọi người đoán cô là người Việt hay người Úc sau khi cô hát. Tự nhận mình là người Úc nhưng có lối suy nghĩ và tư duy kiểu Việt Nam, Carolyn chia sẻ cô đang học cách sống cần cù, tiết kiệm từ mẹ.
Tiếng Việt vừa hay lại vừa dễ hiểu
Chị Ái Tâm vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm vui của hai mẹ con. Khi Carolyn 11tuổi mẹ và bà ngoại dạy cho Carolyn hát bài : “Xe chỉ luồn kim". Ấy vậy mà dạy xong rồi cô bé đem cải biên lời bài hát hành “Xe chỉ nhổ răng”.
Lý do là hồi đó thỉnh thoảng mẹ không đưa Carolyn đi nhổ răng ở nha sĩ đuợc, nha sĩ Úc nói răng sữa của trẻ con tự rụng, nếu trẻ không tự rụng răng, mà mọc lệch thì sau này lớn lên họ sẽ niềng răng lại trông cũng vẫn đẹp.
Chị Tâm bèn tự xe chỉ nhổ răng cho bé, giống kiểu ngày trước các bà mẹ VN thỉnh thoảng vẫn làm. Carolyn đã hát bài này ở Hội chợ Tết chùa Linh sơn năm 2005 góp vui cho quý thầy cô và Phật tử:
“Xe chỉ ớ mới răng em nhổ răng… dành tiền…
Nếu không nhổ răng mà… đi nha sĩ, một răng ớ tiền… là ba mươi đồng.
Rồi ngồi xe chỉ ớ mới răng em nhổ răng…
Carolyn còn hay làm thơ, viết truyện. Một hôm Carolyn giận bà ngoại bèn làm thơ kể xấu bà:
“Nhà ta có một người bà
Hễ hơi một tí quát la cả ngày
Khi giận thì gọi bằng “mày”
Khi vui thì gọi : “này này con ơi…”
Chị Tâm chia sẻ chị dành thời gian rất nhiều để chơi đùa và tâm tình cùng con khi con còn nhỏ để giúp trẻ yêu tiếng Việt.
“Mỗi tối tôi thường đọc chuyện cổ tích cho con nghe, dạy con cả khi học, chơi lẫn khi ăn. Trong nhà dán rất nhiều chữ cái tiếng Việt để con đi đâu cũng thấy. Để con gần gũi với ông bà.
Tôi còn dẫn cháu đi chùa, tham gia các sinh hoạt cộng đồng người Việt để cháu có cơ hội nói tiếng Việt.
Nhiều khi cha mẹ nản, thấy con học 1-2 năm mà chưa thấy con biết đọc thì bỏ. Nhưng cần phải có thời gian, vì đọc viết thường khó hơn nghe nói”.
“Em muốn trở thành một người truyền cảm hứng”
Nghe Carolyn- cô gái có gương mặt Tây Tây hát dân ca Việt trên đất Úc, người nghe như thấy vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống, nét văn hóa của cha ông để lại mãi mãi ngân vang...
Yêu âm nhạc nhưng lại quyết tâm theo con đường sư phạm, bởi Carolyn nghĩ rằng theo đuổi sự nổi tiếng sẽ phải thay đổi bản thân theo thị hiếu xã hội.
Tốt nghiệp cao học tại đại học Melbourne University, Carolyn mong muốn trở thành một người truyền cảm hứng, giúp học sinh trung học yêu thích những môn học khô khan ở trường.
“Em muốn dạy khoa học. Khi em còn nhỏ em rất thích học. Có nhiều bạn nhỏ không mê học như em ngày xưa. Em muốn truyền đam mê cho các em, dạy kiểu thú vị cho các em”. Carolyn Foot
“Khi em còn nhỏ, em từng đọc truyện Nhà bánh gừng, em thích quá và muốn trẻ em ở Việt Nam cũng được đọc câu chuyện này. Thế là em dịch câu chuyện từ Anh sang Việt, vẽ luôn cả ảnh minh họa và gửi về Việt Nam”.
Carolyn và Mẹ
Source: http://www.sbs.com.au/vietnamese