Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 28: Ăn chay và Phật giáo

25/02/202108:05(Xem: 2259)
Bài 28: Ăn chay và Phật giáo


buddha_140

Lý Tưởng của người Bồ-tát

The Bodhisattva Ideal

***

Chương IV

 

Lòng vị tha và chủ trương cá nhân

trong cuộc sống tâm linh

 

                   Bài 22 - Tình thương người và chủ trương cá nhân

                        Bài 23 - Tình thương người

                        Bài 24 - Dana và sự hào hiệp

                        Bài 25 - Hiến dâng sự can đảm hay không biết sợ là gì 

                        Bài 26 - Hiến dâng mạng sống của chính mình

                        Bài 27- Sila paramita hay Đạo đức hoàn hảo

                        Bài 28- Ăn chay và Phật giáo

                        Bài 29- Hôn nhân và Phật giáo

 

Bài 28

 

Ăn chay và Phật giáo 

***

(Trong bài giảng này nhà sư Sangharakshita nêu lên hai chủ đề: ăn chay và công ăn việc làm)

 

Ăn chay và Phật giáo

           

            Nguyên tắc chủ yếu nhất trong lãnh vực đạo đức Phật giáo liên quan đến vấn đề ẩm thực, chủ yếu hơn cả nguyên tắc phi-bạo-lực, bởi vì đó là thái độ tôn kính sự sống. Điều đó có nghĩa là ngoài các thứ khác (tu tập, thiền định, tụng niệm...), [người Phật giáo] còn phải ăn chay. Một số kinh Đại thừa cho biết người bồ-tát không được phép nghĩ đến việc ăn thịt một sinh vật, tưong tự như người mẹ không thể nào nghĩ đến là mình lại có thể ăn thịt con mình. Nếu muốn giữ gìn sila / đạo đức thì phải ăn chay. Không có bất cứ ai hoàn toàn giữ được thái độ phi bạo lực cả, chỉ có thể ít hay nhiều tùy từng người mà thôi (một tác ý thoáng qua trong tâm thức, một chút cảm tính giận dữ, một lời nói hay một cử chỉ tất cả đều có thể phản ảnh một hình thức bạo lực nào đó), thế nhưng mỗi người trong chúng ta đều phải tôn trọng sự sống.     

 

            Ăn chay là một hình thức áp dụng cụ thể nguyên tắc sống của người bồ-tát: đó là lòng từ bi. Đức Phật không hoàn toàn đặt nặng việc ăn chay (điểm này rất tế nhị, nhiều người hiểu lầm. Đức Phật đặt rất nặng việc ăn chay, thế nhưng Ngài không áp đặt điều đó bằng một lời phán lệnh độc đoán nào cả. Việc ăn chay chủ yếu được Đức Phật nêu lên trong "Bài kinh giảng cho Jivaka" (Jivaka Sutta - MN 55), chúng ta sẽ tìm hiểu về bài kinh này trong phần đọc thêm dưới đây). Đối với Ngài lối sống khất thực quan trọng hơn, bởi vì khi đã là một người ăn xin thì không có quyền lựa chọn mà phải chấp nhận những gì người ta cho mình, thế nhưng nếu đó là thịt thì phải biết thật chắc chắn rằng không phải là người ta giết con vật là vì mình.  

 

            (Người thế tục dành ra một chút phần ăn của mình để đặt vào bình bát của người tu hành. Trước sự ưu ái của người thế tục, người tỳ-kheo không có quyền lựa chọn hay từ chối. Nói chung miếng ăn vào các thời kỳ cổ đại thường rất quý hiếm, người tỳ-kheo phải ý thức cử chỉ cao quý đó của người thế tục. Nguyên tắc chủ yếu trong việc khất thực là người tỳ kheo phải nhìn thẳng trước mặt, không được nhìn vào những gì người thế tục đặt vào bình bát của mình. Khi ăn thì không được phép phân biệt miếng này ngon, miếng khác không ngọn, mà chỉ nên xem thực phẩm là phương tiện góp phần kéo dài sự hiện hữu hiện tại của mình hầu giúp mình tiếp tục bước theo con đường mà mình đã chọn. Trong bài kinh Jivaka Sutta nói đến trên đây Đức Phật cũng có nêu lên một thí dụ ngược lại với trường hợp khi người tỳ kheo khất thực, đó là trường hợp được người thế tục mời ăn và người tỳ kheo chấp nhận. Trong trường hợp này miếng ăn nói lên sự chủ tâm của người mời và đồng thời cũng là sự chấp nhận của người được mời. Trong trường hợp này người tỳ kheo không thể chối cãi được miếng ăn mà người mời đặt vào bình bát của mình là vì mình, dành cho mình, và nếu đó là một miếng thịt thì mình không ăn).

 

            Tuy thế thật hết sức lạ lùng, tại phương Đông không mấy người Phật giáo cố gắng tôn trọng nguyên tắc đạo đức căn bản đó của Phật giáo. Việc ăn chay đôi khi khó thực hiện trong những nơi khí hậu khắc nghiệt, chẳng hạn như xứ Tây Tạng. Thế nhưng trong khi sinh sống trên đất Ấn người Phật giáo Tây Tạng vẫn cứ tiếp tục ăn thịt, họ tự bào chữa : "Thật vậy, đúng lý ra thì chúng tôi phải ăn chay, thế nhưng thật hết sức khó tại Tây Tạng" (và nay thì đã thành thói quen, dù mình đang sinh sống trên đất Ấn), họ chỉ ăn chay trong các dịp lễ lạc (puja), chẳng hạn như những ngày lễ vía các vị Tara (nữ thần cứu nạn trong Kim Cương thừa) và Avalokitesvara (Quán Thế Âm) là hai vị bồ-tát biểu trưng cho lòng từ-bi. Một số các vị lạt-ma Tây Tạng cho rằng khi giết một con vật thì phải tụng niệm một số câu mantra, vì đấy là cách giúp cho dòng tri thức của con vật bị giết được giải thoát và hòa nhập vào một cõi thiên đường nào đó. Một số khác lại cho rằng xương thịt của một con vật sau khi đã hòa nhập vào hệ thống của họ (bầu không gian tu tập của họ) thì sự hòa nhập đó sẽ mang lại sự giải thoát cho nó. Những lời phát biểu đó quả không thể nào có thể kiểm chứng được là đúng hay sai. Điều đó dường như chỉ là một cách bào chữa (rationalization) (một hình thức hợp thức hóa hành động của mình) mà thôi. Những người Phật giáo Thái Lan và Miến Điện kể cả những người Phật giáo Tích Lan lại còn ăn thịt nhiểu hơn cả những người Tây Tạng nữa, Họ bảo rằng họ chỉ ăn những gì kẻ khác cho họ, thế nhưng [họ cũng nên hiểu rằng] qua hàng ngàn năm họ từng dạy người thế tục đủ mọi thứ chuyện [cần phải tôn trọng] - [trong số đó có] nhiều chuyện thật rắc rối, chẳng hạn như người phụ nữ khi hiến dâng lễ vật thì không được phép chạm tay minh vào các lễ vật đó - thì nay họ cũng nên dạy người phụ nữ không nên dọn các món ăn có thịt cá cho họ.  

 

            Hơn nữa ăn chay cũng có nghĩa là phát động lòng từ tâm (metta / lòng nhân từ, tình thương yêu) đối với cả chính mình (không bắt cơ thể mình phải tiêu hóa những thức ăn độc hại),  có nghĩa chỉ ăn những gì lành mạnh, cần thiết để mang lại sức khỏe cho mình. Đôi khi người ta quên mất công dụng của miếng ăn chỉ đơn giản là phương tiện giúp mình kéo dài sự sự sống của cơ thể.  Không nên ăn uống ngấu nghiến một cách bệnh hoạn (neurotic / một cách thèm thuồng, thích thú), xem thức ăn là phương tiện mang lại sự thỏa mãn trước các sự đòi hỏi khác của mình (chẳng hạn như phô trương sự sang trọng, giàu sang, quý phái, hoặc phải có người hầu hạ, có ca vũ giúp vui, v.v.). Nên ăn uống thật yên lặng, thanh thản, tương tự như mình đang trong thể dạng thiền định, có nghĩa là hoàn toàn tỉnh thức về những gì mình đang làm. Tiệc tùng trong giới kinh doanh (business meals) là một hình thức ẩm thực thô lỗ (trong nguyên bản là chữ uncivilized / kém văn minh. Tiệc tùng trong giới kinh doanh đôi khi chỉ là một hình thức mua chuộc, lời mời mọc, sự vui nhộn, các cử chi lịch sự đôi khi cũng chỉ là cách che dấu các ý đồ không lương thiện trong tâm thức mình). Đối với một người có một tâm hồn bén nhạy, một khả năng chú tâm cao độ thì không nên ăn uống trong khung cảnh ồn ào và nhộn nhịp, hoặc vừa ăn vừa đọc báo, hoặc tranh luận và bàn cãi với nhau về những chuyện vô bổ. Trong lãnh vực đó của sự chú tâm không có gì đẹp hơn là các nghi thức thiền trà của người Nhật, các nghi thức đó cho thấy dù chỉ là những cử chỉ thật đơn giản trong cuộc sống thường nhật thế nhưng với sự tỉnh giác (awareness / chánh niệm) cũng có thể mang lại cho các cử chỉ đơn giản ấy một sự hoàn hảo thật tuyệt vời. Một người ăn uống với sự tỉnh giác trong từng ngày, hết năm này sang năm khác, sẽ dần dần đạt được các kết quả ngang hàng với  phép luyện tập thiền định đều đặn trong từng ngày. Qua một góc nhìn nào đó chuyện ấy cũng có thể so sánh giữa một người ăn một miếng bít-tết với hành sống nhưng với sự tỉnh giác cao độ và một người ăn một ổ bánh mì burger chay trong tình trạng tâm thần thiếu tỉnh giác (nói chuyện huyên thiên, hoặc đang bị chi phối bởi đủ mọi xúc cảm trong tâm thức). Nếu muốn tạo được cho mình một sự chú tâm như vậy thì phải nhớ lại những điều chủ yếu về việc ẩm thực (thức ăn chỉ là phương tiện giúp mình sống còn chẳng hạn), hoặc nghĩ đến  nguồn gốc của thức ăn mà mình đang nhai (nếu thức ăn là một miếng thịt thì có nghĩa là mình đang nhai sự đớn đau của một sinh vật, nếu miếng ăn là rau đậu thì đấy là cách cho thấy mình không va chạm vào sự sống của chúng sinh).     

 

Công ăn việc làm và Phật giáo

 

            Một thể dạng giữ gìn đạo đức khác cũng thật quan trọng đối với thế giới Tây phương là vấn đề công ăn việc làm. Chúng ta (những người Tây phương) có xu hướng nghĩ rằng tất cả mọi người đều phải làm việc để kiếm tiền, nếu không tự mình "tìm kế sinh nhai" thì đấy là điều không tốt, kể cả có thể xem đấy là tội lỗi. Cung cách suy nghĩ đó có thể là một sự thừa hưởng từ tín ngưỡng Tin Lành (có thể nhà sư Sangharakshita muốn nói đến quyển sách The Protestan Ethic and the Spirit of Capitalism / Đạo đức Tin lành và Tinh thần Chủ nghĩa Tư bản (1905) của nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920), tựa tiếng Đức của quyển sách là Die protestantische Ethik und der Geist des Kapitalismus. Quyển sách này gồm hai tập, từng gây nhiều tranh luận trong thế gìới Tây phương. Quan điểm của Max Weber được dựa vào hai nhận xét cụ thể căn cứ vào các thống kê trong thời đại của ông: 1- những người Tin lành làm việc giỏi hơn và kiếm được nhiều tiền hơn so với những người Ki-tô giáo La-mã; 2- nhiều gia đình sống trong các vùng hay các thị trấn giàu có trước khi đạo Tin lành được hình thành, thường có xu hướng cải đạo, dần dần theo Tin lành giáo. Nhìn vào xã hội Đức và cả xã hội Mỹ ngày nay thì tất sẽ thấy Đạo đức Tin Lành ảnh hưởng đến sức làm việc của người dân như thế nào). Một số người không dám lấy vài ngày nghỉ, hoặc cảm thấy mang tội thật nặng nề mỗi khi nằm nướng vài giờ trên giường sau khi thức giấc. Chúng ta luôn nghĩ rằng mình phải làm một cái gì đó. Một người ngồi yên không chủ tâm làm một cái gì cả, đôi khi cũng có thể sẽ khiến chúng ta cảm thấy bất bình và khó chịu, chúng ta cứ muốn làm cho người ấy phải động đậy một tí. Sự kiện một người không làm gì cả trong khi mình bận rộn với đủ mọi thứ chuyện, cũng có thể là cả một sự khiêu khích đối với cá nhân mình. Đức Phật chưa bao giờ làm việc. Ngài sinh ra trong một gia đình sung túc, sau đó thì trở thành một kẻ ăn xin. Ngài thuyết giảng Dharma vì đấy là bản chất của Ngài, tương tự như mặt trời chiếu sáng (Đức Phật làm việc rất nhiều, hy sinh đời mình vì lý tưởng của mình, thế nhưng công việc đó rất thầm lặng, Ngài làm việc bằng cách ngồi yên dưới một cội cây trong một khu rừng vắng và lắng thật sâu vào tâm thức mình để tìm hiểu sự vận hành của sự sống và hướng vào không gian và thời gian để khám phá ra bản thể của vũ trụ. Công việc đó không tạo ra đồng tiền hay miếng ăn mà là cách khám phá ra Sự Thật của thế giới đưa đến sự hình thành của Dharma).   

 

            Công ăn việc làm mà tôi nói đến trên đây là các công việc thù lao (các ngành nghề được quy định trong sự sinh hoạt chung của xã hội), thế nhưng cũng có các công việc khác mang tính cách sáng tạo. Các công việc sáng tạo cũng rất cần thiết trên phương diện tâm lý. Các công việc sáng tạo đó mang nhiều hình thức khác nhau: nuôi nấng và dạy dỗ con cái, viết lách, sáng tác nhạc, vẽ tranh, nấu bếp, tham gia vào các chương trình từ thiện, v.v. Sự sáng tạo và phát minh là một thứ nhu cầu của con người, không liên hệ gì với các công việc thù lao. Trong một xã hội lý tưởng, không bắt buộc tất cả mọi người đều phải làm việc ăn lương. Mỗi người góp phần mình cho tập thể tùy theo khả năng của mình, và tập thể chu cấp cho từng người tùy theo nhu cầu của họ.  

 

            Thế nhưng tình trạng đó quả hết sức xa vời, trong khi chờ đợi thì chúng ta phải làm việc để tìm kế sinh nhai, tức là phải áp dụng nguyên tắc liên quan đến "phương tiện sinh sống đúng đắn" (yếu tố thứ ba của Con đường gồm tám yếu tố đúng đắn / Bát chánh đạo). Nói một cách vắn tắt là phải làm việc, nhưng không được bóc lột kẻ khác, cũng không làm hạ phẩm giá của mình. Dù phải làm công việc nào thì cũng nên dành thì giờ để học hỏi, thiền định, giao tiếp với bạn bè, góp phần mình vào các sinh hoạt tích cực (từ thiện, bảo vệ môi sinh,...) và các công trình sáng tạo.

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Bài giảng trên đây nêu lên hai chủ đề khác nhau: ẩm thực và công ăn việc làm. Đối với Phật giáo vấn đề công ăn việc làm tương đối giản dị, chỉ cần lương thiện, ngay thẳng, không tạo ra thiệt thòi hay khổ đau cho kẻ khác và tất cả chúng sinh. Vấn đề ẩm thực quan trọng hơn nhiều vì trực tiếp liên hệ đến bản năng sinh tồn và sự sống còn. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm vấn đề này.

 

            Việc ăn chay trong giáo lý Phật giáo từng làm tổn hao không biết bao nhiêu giấy mực. Một số người không hiểu được hết ý nghĩa và tác dụng của việc ăn chay trong cuộc sống, một số khác ý thức được rõ ràng vị trí, vai trò và cả lý tượng của việc ăn chay, thế nhưng việc ăn chay thì lại quá khó đối với họ, sự thèm khát thúc đẩy bởi bản năng sinh tồn dường như vượt lên trên quyết tâm của họ. Nói chung sự thèm khát thường biến miếng ăn trở thành một sự thích thú. Thức ăn thường được tô điểm thêm đủ mọi thứ rắc rối, biến nó trở thành cả một nghệ thuật sống, biểu trưng cho sự thành công trong xã hội hay cội nguồn của hạnh phúc. Đức Phật tách rời người tu hành ra khỏi các sự sinh hoạt đó bằng cách biến họ trở thành những kẻ ăn xin (bhikkhu / beggar).  

 

            Khất thực không nhất thiết chỉ là cách giúp người tu hành vượt lên trên bản năng sinh tồn mà còn giúp mình trút bớt mối lo toan phải tìm kiếm miếng ăn trong từng ngày. Khất thực cũng là cách tạo ra một sự nối kết hài hòa giữa người tu hành và kẻ thế tục, một sự trao đổi giữa đạo đức của người xuất gia và lòng kính phục của người tại gia không làm được như họ.

 

            Sự sinh hoạt xã hội ngày nay đã hoàn toàn khác hẳn, quy củ và hệ thống hóa hơn. Tất cả mọi người đều tham gia vào sự sinh hoạt chung của xã hội, nhất là đối với dây chuyền sản xuất và phân phối thực phẩm căn cứ vào giá trị của đồng tiền. Việc khất thực không còn giữ vai trò của nó như trước nữa, ngoại trừ trong các quốc gia theo Phật giáo Theravada, thế nhưng việc khất thực cũng chỉ mang ít nhiều tính cách hình thức. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề ăn chay qua một bài kinh mà Đức Phật giảng cho Jivaka đã được nói đến trên đây. .

 

Bài đọc thêm

 

Bài kinh giảng cho Jivaka

Jivaka Sutta (Majjima Nikaya / Trung Bộ Kinh - MN 55)

 

***

 

            Bản dịch tiếng Việt dưới đây của bài kinh này chủ yếu được dựa vào hai bản dịch, một bằng tiếng Pháp của Michel Proulx, một vị tu hành khiêm tốn và cũng là một dịch giả rất cẩn thận, và một bằng tiếng Anh của nhà sư người Mỹ Thanissaro Bhikkhu. Tuy nhiên một số các bản dịch khác cũng đã được tham khảo thêm. Đây là một bài kinh khá quan trọng, nêu lên quan điểm của Đức Phật về vấn để ẩm thực của những người Phật giáo, xuất gia cũng như tại gia. Có khá nhiều bản dịch về bài kinh này sang các ngôn ngữ Tây Phương, phải chăng điều đó cho thấy người Tây phương có ý muốn tìm hiểu ý nghĩa của việc ăn chay của những người Phật giáo Á châu?  

 

            Thế nhưng theo sự nhận xét của nhà sư Sangharakshita thì tại các nước Á châu những người Phật giáo, dù là theo tông phái hay học phái nào phần đông đều ăn thịt. Ăn thịt hoàn toàn đi ngược lại với lòng từ bi và tinh thần phi-bạo-lực của Phật giáo. Điều đó cho thấy những sự thúc đẩy của bản năng sinh tồn quá mạnh, tạo ra một sự hám ăn và thèm khát triền miên. Trên phương diện giáo lý, sự thèm khát là một trong các nguyên nhân chủ yếu trói buộc con người trong thế giới hiện tượng.  

 

            Bài kinh Jivaka Sutta dưới đây nêu lên quan điểm của Đức Phật về vấn đề ẩm thực, tuy tương đối dễ hiểu, thế nhưng thật ra rất khúc triết và tế nhị. Trước khi tìm hiểu bài kinh này thiết nghĩ trước hết chúng ta cũng nên tìm hiểu xem nhân vật Jivaka nói đến trong bài kinh là ai.

. 

            Jivaka là một nhân vật lịch sử và là vị y sĩ thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho Đức Phật, và đồng thời cũng là y sĩ chính thức của triều đình vua Bimbisara (Tần-bà Sa-la, -558-491 trước Tây lịch). Ông là một vị lương ý nổi tiếng trong khắp thung lũng sông Hằng vào thời bấy giờ và tiếng tăm của ông vẫn còn tiếp tục lưu truyền trong các nước Á châu sau này. Tạng Kinh và Tạng Luật trong Tam Tạng Kinh, kể cả một số các học phái xưa hình thành sau khi Đức Phật đã tịch diệt, đều có nói đến vị y sĩ khác thường này. Trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo tại Á châu nhân vật Jivaka dần dần trở thành cả một huyền thoại. Kinh sách Phật giáo và các tư liệu y khoa cổ truyền của Trung quốc, Tây Tạng, Thái Lan, Miến Điện nều có nói đến nhân vật Jivaka.

 

            Tên đầy đủ của vị lương y này là Jivaka Komarabhacca, chữ jiva có nghĩa là sự sống, jivaka có nghĩa là sống sót hay sống còn. Trong chữ Komarabhacca thì chữ komara có nghĩa là tuổi ấu thơ hay ngày nhỏ, bhacca có nghĩa là nhờ vả; hiểu theo tiếng Việt thì tên gọi của vị lương y này là "kẻ mồ côi". Kinh sách bằng ngôn ngữ Pali, tức là các kinh sách xưa, thuật lại trong hoàng triều của vua Bimbisara có một hầu thiếp xinh đẹp, giỏi tài múa hát, một kẻ "mua vui" cho toàn thể triều đình, lỡ mang thai, e sợ không còn đảm đang vai trò của mình được nữa, đành phải tạm trốn vào một nơi kín đáo, sau khi sanh thì sai một người hầu đặt đứa hài nhi vào một cái chậu gỗ đem vứt vào một đống rác. Một đàn quạ bâu đến. Trong lúc đó có một người con trai của vua Bimabisara là hoàng tử Abhaya đi ngang và trông thấy. Vị hoàng tử này bèn sai một người tùy tùng đến xem đứa bé còn sống hay đã chết. Sau khi biết đứa bé vẫn còn sống thì vị hoàng tử này quyết định mang về cung điện để nuôi.         

           

            Từ  ngày còn bé, Jivaka trông thấy các vị lương y lui tới chăm sóc sức khỏe cho những người trong hoàng cung, thường mơ ước sau này sẽ được trở thành một vị lương y như họ. Lớn lên ông được gửi đi học y khoa trong suốt bảy năm với các vị y sĩ tại thành phố Taxsasila - tiếng Hy Lạp thời bấy giờ là Taxila - nơi miền tây bắc của bán lục địa Ấn Độ, ngày nay là kinh đô Islamabad của Pakistan. Sau khi trở về vương quốc Magadha (Ma-kiệt-đà) ông hành nghề y sĩ và sớm nổi tiếng, sau đó được chánh thức phong làm y sĩ của hoàng triều Bimbisara. Vua Bimbisara bị bệnh trĩ, máu dính ra cả quần áo, Jivaka trị cho vua Bimbisara khỏi bệnh bằng cách bôi một thứ dầu thuốc vào chỗ đau. Ông cũng từng rạch da đầu và khoét một lỗ ở sọ để trị ung bướu cho một người giàu có thời bấy giờ, v.v.

 

            Các vị thánh lương y của Trung quốc cho biết các phép chẩn bệnh và nhiều phương thuốc mà họ sử dụng là các khám phá của vị Jivaka. Ngành châm cứu của của Trung quốc, cùng các các phép xoa bóp và bấm huyệt của Thái Lan cũng đưọc xem là các phát minh của vị y sĩ này. Ngày nay ông được xem là vị tổ của ngành y khoa cổ truyền của Ấn Độ và Thái Lan. Tư liệu nghiên cứu của Tây phương về Jivaka cũng rất phong phú, nói chung người Tây phương rất quan tâm đến nhân vật này, chẳng qua là vì họ muốn tìm hiểu những gì là huyền thoại và những gì là các khám phá đích thật của vị Jivaka trong lãnh vực y khoa trong các thời kỳ cổ đại tại các nước Á châu. .

 

            Thế nhưng điều quan trọng hơn cả đối với chúng ta là Jivaka là một người Phật giáo trung kiên. Ông là y sĩ luôn bên cạnh Đức Phật và cũng từng khuyên Đức Phật nên cho phép các tỳ-kheo mặc áo may bằng vải mới, bởi vì vải nhặt được ở các nơi hỏa táng dễ gây ra lây nhiễm. 

Bai-28-picture-1Bai-28-Picture-2

 

H.1: Tượng chạm nổi trên mặt đá cho thấy Jivaka đang quỳ gối băng bó vết thương ở chân của Đức Phật sau khi Ngài bị Devadatta (Đề-bà Đạt-đa), đệ tử và cũng là em họ của Đức Phật, lăn một tảng đá từ trên cao với ý định ám hại Ngài.  Nhân vật phía trên ở góc bên phải cầm một tảng đá biểu trưng cho nhân vật này.

H.2: Di tích tu viện Jivakarama do chính Jivaka xây dựng. Vị trí của tu viện này được nhà sư Huyền Trang của Trung quốc khám phá ra từ thế kỷ thứ VII trong khi tu học trong thung lũng sông Hằng, Gần đây hơn vào thế kỷ XIX, nơi này mới được khai quật và một số di tích đã được tìm thấy. Tu viện Jivakamara được xem là một trong các di tích hiếm hoi còn lưu lại từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế.

 

            Vua Bimbisara lúc trọng tuổi bị một người con trai là Ajatashattu, phó vương của lãnh thổ Anga thuộc vương quốc Magadha của mình làm phản, nhốt ông vào ngục bỏ đói cho đến chết vào năm -491, hầu sớm lên ngôi. Ajatashattu cũng đã có ý định giết cả mẹ vì người mẹ tìm cách ngăn chận hành động độc ác đó của mình. Dưới triều đại mới của Ajatashattu,  Jivaka vẫn được kính nể và trọng vọng, vẫn tiếp tục giữ chức y sĩ chính thức của triều đình. Với sự tín nhiệm và uy thế đó Jivaka dần dần biến cải Ajathasattu trở thành một người Phật giáo thật trung kiên và tích cực.

 

            Lúc đó Đức Phật cũng đã trọng tuổi và Jivaka vẫn tiếp tục ở bên cạnh Ngài. Kinh sách Tây Tạng cho biết có những lúc Jivaka phải chẩn bệnh cho Đức Phật ba lần một ngày. Jivaka rất đa đoan, vừa phải chăm sóc sức khỏe cho Đức Phật và cả triều đình, vừa phải chẩn bệnh cho Tăng đoàn, không còn thì giờ nào chăm lo cho người thế tục, khiến họ ồ ạt xin xuất gia để được Jivaka chữa trị bệnh tật cho mình. Phật giáo phát triển rất mạnh trong thời gian này, một phần là nhờ vào ảnh hưởng của Jivaka. 

           

            Jivaka nêu lên một thắc mắc liên quan đến việc ẩm thực của Đức Phật và đó là chủ đề của bài kinh Jivaka Sutta. Trong bài kinh này Đức Phật không những giải tỏa thắc mắc của Jivaka mà còn nêu lên cả vấn đề ẩm thực cho những người Phật giáo nói chung. Bài kinh như sau:

 

            Tôi từng được nghe như vầy:

 

            Lúc đó Đấng Thế tôn đang ngụ tại Rajagaha (raja có nghĩa là vua, gaha là nơi trú ngụ, kinh sách Hán ngữ gọi là Vương Xá) nơi vườn xoài của Jivaka Komarabhacca (chi tiết này cũng đáng lưu tâm: Đức Phật không ngụ trong nhà của Jivaka mà chỉ sống cùng với các đệ tử của mình trong khu vườn xoài của vị này. Cũng vậy, sau khi bị thương ở chân do người đệ tử Devadatta ám hại, Đức Phật cũng ngủ một mình trong một túp lều dựng tạm trong một công viên, thực ra trong thời bấy giờ "công viên" cũng chỉ là một khu rừng thưa hay một khu đất trống dành cho những người tu hành tạm trú. Trong đêm cuối cùng trong kiếp nhân sinh này của mình Đức Phật cũng ngủ trong một túp lều dựng tạm trong khu vườn xoài của một người thợ kim hoàn. Đó là cách mà Ngài làm gương cho các đệ tử của mình). Vị Jivaka Komarabhacca tìm gặp Đấng Thế Tôn [trong khu vườn xoài], vái chào và ngồi sang một bên. Sau khi ngồi xong thì Jivaka cất lời hỏi Đấng thế Tôn như sau:

 

            - "Thưa Ngài, tôi được nghe nói người ta giết các con vật là vì vị Samana Gotama (chữ Samana có cùng một nghĩa với chữ Muni / Mầu-ni, do đó cũng chỉ có nghĩa là "người tu hành" hay "người khổ hạnh". Chữ Gotama là tên gọi của Đức Phật, thường được dịch  âm là Cồ-đàm. Trong bản dịch của nhà sư  Thanissaro Bhikkhu thì các chữ Samana Gotama được dịch là vị Suy tư Gotama / Gotama the contemplative) và vị Samana Gotama biết rõ là mình ăn thịt các con vật bị giết vì mình, dành cho mình. Thưa Đấng Thế Tôn, có người bảo rằng: 'Người ta giết các con vật với chủ đích là vì vị Samana Gotama, và vị Samana Gotama biết rõ là mình ăn thịt các con vật bị giết với chủ đích là vì mình, dành cho mình', vậy thì những lời nói đó có phù hợp với những lời Ngài nói hay không? Hay đấy chỉ là những lời cáo buộc sai lầm nhằm vu khống Đấng Thế Tôn. Những điều khẳng định đó có phù hợp với những lời thuyết giảng của Đấng Thế Tôn hay không? Vậy có những lý do chính đáng nào, dù nhỏ nhặt cách mấy, có thể phủ nhận những lời nói đó của họ đối với Đấng Thế Tôn hay không, hầu tránh cho các kẻ khác khỏi đồn đại thêm".   

 

            - "Này Jivaka, những kẻ nói rằng: 'Người ta giết các con vật với chủ đích là vì vị Samana Gotama, và vị Samana Gotama hiểu rõ mình ăn thịt các con vật bị giết với chủ đích là vì mình, dành cho mình', những lời nói đó không phù hợp với những lời mà ta nói, đấy chỉ là những lời lầm lẫn, không đúng sự thật. Ta bảo rằng không được phép ăn thịt (thịt ở đây có nghĩa là thịt của tất cả các loài gia súc, tôm cá , v.v.) trong ba trường hợp sau đây: khi trông thấy, nghe nói hay nghi ngờ [con vật bị giết để làm thức ăn cho mình] thì trong cả ba trường hợp ấy, không được phép ăn".  

 

            - "Này Jivaka, ta bảo rằng trong ba trường hợp có thể ăn thịt: khi mình không trông thấy, nghe thấy hoặc nghi ngờ [con vật bị giết là để làm thức ăn cho mình]. Ta bảo rằng trong ba trường hợp đó thì có thể ăn" (xin lưu ý đây là trường hợp khi người tỳ kheo khất thực. Trong trường hợp đó người tỳ-kheo không thể chọn lựa hay từ chối, cũng không được phép phân biệt thức ăn mà người thế tục đặt vào bình bát của mình là gì, mà chỉ xem đó là phương tiện giúp mình sinh sống. Điều này sẽ được giải thích thêm bên dưới). 

 

            - "Này Jivaka, hãy hình dung hoàn cảnh một người tỳ-kheo sống nhờ vào một ngôi làng hay một thị trấn. Người tỳ-kheo ấy tỏa rộng sự tỉnh giác (samma-sati / mindfulness, awareness, sự tỉnh thức, chánh niệm) thấm đượm lòng từ tâm (metta / goodwill / tình thương, lòng nhân ái) trong tâm thức mình hướng vào phương trời thứ nhất (hướng đông), sau đó lại tiếp tục làm như thế hướng vào phương trời thứ hai (hướng tây), thứ ba (hướng nam) và thứ tư (hướng bắc), kể cả phía trên (không gian phía trên đầu) và phía dưới (không gian phía dưới chân) và cùng khắp; người tỳ-kheo tỏa rộng tâm thức thấm đượm lòng từ tâm phong phú, rộng lớn và vô biên đó của mình bao trùm toàn thể chúng sinh trong vũ trụ, không một thoáng hận thù hay ghét bỏ (Đức Phật dạy người tỳ-kheo mở rộng tâm thức mình với không gian, hòa mình với tất cả chúng sinh, và tự nhận diện mình là một chúng sinh như tất cả các chúng sinh khác, đấy là cách gián tiếp nói lên miếng ăn chỉ là những gì nhỏ nhoi và vô nghĩa, thương yêu chúng sinh mới thật là những gì chủ yếu. Cách tỏa rộng tâm thức tỉnh giác / hướng vào khắp miền không gian kể cả trên đầu và phía dưói chân mình là một phép thiền định rất hữu ích giúp mình tỏa rộng và tan biến vào không gian vô tận, thoát ra khỏi môi trường chật hẹp của hành tinh này).

 

            - "[Nếu trường hợp có] một người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình tìm gặp người tỳ-kheo và mời người này hôm sau đến dùng cơm với gia đình họ, thì người tỳ-kheo có thể chấp nhận hay không là tùy ý mình. Sau một đêm dài và đến sáng hôm sau, người tỳ kheo mặc áo, ôm bình bát, khoác thêm áo ngoài, đi đến nhà người chủ gia đình hay của người con của người chủ gia đình, sau đó ngồi vào chiếc ghế dành cho mình. Người chủ gia đình hay người con của người chủ gia đình trút thức ăn thật ngon vào bình bát của mình. Thế nhưng người tỳ-kheo không nên nghĩ bụng: 'Người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình cúng dường thực phẩm thật ngon cho mình là điều thật đáng quý (đáng khen, đáng mừng)', cũng không được mong: 'Nếu người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình sau này sẽ còn tiếp tục cúng dường thực phẩm thật ngon cho mình và xem điều đó như là một hành động đáng quý' (hay đáng khen, bởi vì cách suy nghĩ đó sẽ tạo ra cho người tỳ-kheo một sự bám víu, và đối với người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình thì đấy là cả một sự cố gắng và hy sinh của họ vì mình). Người tỳ-kheo ăn thức ăn cúng dường ấy nhưng không ngấu nghiến (voracious / hám ăn), không tìm sự thỏa mãn (sự thích thú), không tạo ra cho mình sự thèm khát (được tiếp tục hưởng những món ăn ngon như vậy), mà chỉ nên xem đấy (có nghĩa là xem các miếng ăn ngon) như là một mối hiểm nguy để hiểu rằng phải tìm cách để thoát ra (không vướng mắc vào các hình thức thèm khát và bám víu đó vì đấy là cả một sự nguy hiểm)".   

 

            - "Này Jivaka, người nghĩ sao [về những lời ta vừa nói]? Trong trường hợp đó, có phải là người tỳ-kheo đang tự hành hạ mình, hành hạ kẻ khác, hay là cả hai, vừa mình và cà kẻ khác?" (hành hạ mình bởi vì ăn thì không được ngấu nghiến, không tìm sự vui thích trong miếng ăn, cũng không được phép hy vọng sau này người khác sẽ còn hiến dâng cho mình các thức ăn ngon như thế. Sự thèm khát đó, những sự đòi hỏi đó cũng là cách hành hạ kẻ khác phải hy sinh vì mình). 

 

            - "Thưa Đấng Thế Tôn, không đúng là như thế" (người tỳ-kheo không thèm khát và bám víu là một sự giải thoát, người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình nhịn miếng ăn để hiến dâng cho người tu hành là một niềm vui sướng).

 

 

            - "Này Jivaka, trong trường hợp đó, chẳng phải người tỳ-kheo đã nuôi dưỡng mình bằng những thứ thức ăn không có điều gì đáng khiển trách hay sao? (không nghĩ đến là mình đang ăn thực phẩm gì, mà chỉ xem miếng ăn như là một phương tiện nuôi sống mình: ăn nhưng không hám ăn, không tìm sự thích thú trong miếng ăn, không mong muốn sẽ được dịp ăn thêm. Người thế tục thương yêu và quý trọng mình, nhịn bớt miếng ăn để đặt vào bình bát của mình là một niềm vui, một sự hy sinh cao quý)". 

 

 

            - "Quả đúng là như thế, thưa Đấng Thế Tôn. Tôi từng được nghe nói vị trời Brahma (Thượng đế của Ấn giáo) an trú trong thể dạng bình lặng đó (upekkha / equanimity / thể dạng thăng bằng và thanh thản của tâm thức, kinh sách Hán ngữ gọi là xả). Nay chính mắt tôi được trông thấy tận mắt Đấng Thế Tôn đúng là một nhân chứng cụ thể đang an trú trong thể dạng bình lặng (upekkha / thanh thản) đó. Quả đúng là như thế, thưa Đấng Thế Tôn, chính Ngài đang an trú trong thể dạng bình lặng đó (trong bản dịch của Michel Proulx là chữ bonne volonté / good will / ý nguyện, tâm nguyện)".

 

            - "Này Jivaka, Sự thiếu cảnh giác (tỉnh thức) cũng có thể xảy ra vì sự thúc đẩy của đam mê (thèm khát, dục vọng), ghét bỏ (hận thù) hay ảo giác (hoang mang, lầm lẫn). [Thế nhưng] Như lai đã loại bỏ tất cả mọi đam mê, ghét bỏ và ảo giác, đã nhổ bỏ tận rễ những thứ ấy (loại bỏ nguyên nhân tạo ra những sự bám víu), tương tự như một gốc cây dừa đã bị chặt tận gốc (cây dừa - nói chung là các loại cây cọ /palm tree, còn gọi là các lơài cây "đơn tử diệp" / monocotyledon  - sau khi đã bị chặt gốc hoặc chặt ngang thân sẽ không bao giờ có thể đâm chồi trở lại. Cách so sánh này thường thấy trong nhiều bài kinh), khiến những thứ ấy không còn tiếp tục tồn tại, cũng không phát sinh trở lại thêm một lần nữa. Này Jivaka, nếu các điều ấy đúng với những gì mà ngươi muốn nói [về ta], thì ta sẽ sẵn sàng chấp nhận những lời nói ấy".  

 

             - "Những gì tôi muốn nói lên quả đúng thật là như thế, thưa Đấng Thế Tôn"

 

            - "Này Jivaka, có năm hệ quả , (trong các bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp là chữ instance / trường hợp, thể loại, cấp bậc, giai đoạn) khiến mang lại thật nhiều điều bất hạnh cho người giết một con vật với chủ đích vì Như Lai (Tathagata) hay vì một đệ tử của Như Lai (các đệ tử ở đây có thể hiểu là những người xuất gia và cả những người tại gia, chẳng hạn như Jivaka là một y sĩ tại gia).   

 

            - "Khi một người chủ gia đình ra lệnh: 'Hãy mang con thú ấy đến đây', thì đấy là hệ quả thứ nhất, mang lại thật nhiều điều bất hạnh cho người chủ gia đình (liên quan đến ý định hay tác ý hiện lên trong tâm thức của người ra lệnh, đó là nghiệp tạo ra bởi tác ý).  

 

            - "Khi con vật bị cột cổ và mang đến, nó cảm thấy đớn đau và lo sợ, thì đấy sẽ là hệ quả thứ hai, mang lại thật nhiều điều bất hạnh cho người chủ gia đình (từ ý định bên trong tâm thức đưa đến hành động cụ thể bên ngoài, tạo ra sự lo sợ và khổ đau cho con vật).

 

            - "Khi người chủ gia đình ra lệnh: 'Hãy giết mổ con vật ấy đi', thì đấy là hệ quả thứ ba, mang lại thật nhiều điều bất hạnh cho người chủ gia đình (tác ý trước kia trở thành một sự quyết tâm giết con vật. Sự quyết tâm đó là để làm thức ăn hiến dâng cho người tu hành. Nếu người tu hành ý thức được sự chủ tâm đó thì đấy là cách gián tiếp tham gia vào hành động giết mổ con vật).

 

            "Khi con vật cảm thấy đau đớn và lo âu khi bị giết, thì đấy là hệ quả thứ tư, mang lại thật nhiều điều bất hạnh cho người chủ gia đình" (sự lo âu và đau đớn của con vật tuy không được nhận biết bởi phần tri thức nổi tức là phần tri thức nhận biết / conscious mind của mình, thế nhưng phần vô thức / unconscious mind hay alayavijnana / a-lại-da-thức trông thấy sự đau đớn và lo sợ đó của con vật bị giết, và sẽ tạo ra các xúc cảm tiêu cực lưu lại các dấu vết trên dòng tri thức / conciuousness của mình).

 

            "Khi người chủ gia đình làm hạ phẩm giá của Như Lai hay một đệ tử của Như Lai bằng cách cố tình hiến dâng những miếng thịt không thể nào chấp nhận được (vì sự tàn ác của hành động sát sinh), thì đấy là hệ quả thứ năm mang lại thật nhiều điều bất hạnh cho người chủ gia đình (hành động hiến dâng đó là cách gây ra thêm thật nhiều điều bất hạnh cho người tu hành cố tình chấp nhận những miếng thịt đó).

 

             "Này Jivaka, bất cứ ai giết một con vật với mục đích hiến dâng cho Như Lai hay một đệ tử của Như Lai thì sẽ mang lại cho mình thật nhiều điều bất hạnh qua năm hệ quả đó" (sự hiến dâng đó không những không mang lại cho mình một sự tốt lành nào mà ngược lại còn tạo ra thêm những điều bất hạnh cho mình vì các hành động thiếu ý thức đó của chính mình).  

 

            "Sau khi được nghe những lời đó thì Jivaka Komarabhacca bèn thốt lên: "Thưa Đấng Thế Tôn, quả thật tuyệt vời! Quả là phi thường! Kể từ đây các tỳ-kheo chỉ ăn những gì được cho phép. Thưa Đấng Thế Tôn, các tỳ-kheo chỉ ăn những gì không bị chê trách". 

 

            "Tuyệt vời thay, thưa Đấng Thế Tôn, tuyệt vời thay! Những lời Ngài giảng dạy tương tự như dựng trở lại một vật gì đã đổ xuống, như khám phá ra những gì bị che lấp, chỉ đường cho những người đi lạc, thắp lên một ngọn đèn trong bóng tối và để nghĩ rằng: 'Những ai có mắt sẽ trông thấy được hình dạng', chẳng khác gì như Đấng Thế Tôn đã soi sáng giáo lý bằng nhiều phương cách khác nhau (câu này mang tính cách công thức thường là để chấm dứt một bài kinh. Cũng tương tự như phần mở đầu thường khởi sự bằng câu "tôi từng được nghe như vầy", và sau đó còn cho biết thêm là mình được nghe tại nơi nào, vào dịp nào, có sự chứng kiến của những ai, v. v., đó là cách bảo đảm những lời mình thuật lại là những lời của Đức Phật nói ra và chính mình trực tiếp được nghe).

 

            "Xin Đấng Thế Tôn cho phép tôi được quy y nơi Đấng Thế Tôn, nơi Dhamma (Đạo Pháp)  và Sangha (Tăng Đoàn). Xin Đấng Thế Tôn chấp nhận tôi như là một người tu tập tại gia (lay follower / Cư sĩ ) kể từ giây phút này cho đến cuối cuộc đời tôi" (thật ra câu này cũng là một câu công thức, bởi vì Jivaka đã chính thức được xem là đệ tử tại gia đầu tiên của Phật từ trước, tức là một người được mệnh danh là sotapanna - chữ sota có nghĩa là dòng suối, dòng thác, panna là sự hiểu biết nhưng cũng có nghĩa là bước vào hay hòa nhập; sotapanna là người đã "bước vào dòng chảy" - thế nhưng thay vì xuất gia thì vẫn giữ nghề nghiệp và cuộc sống thế tục của mình).  

 

 

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

 

            Điểm đáng lưu ý trước nhất trong bài kinh trên đây là Đức Phật không đưa ra một lời phán lệnh nào cả đối với việc ẩm thực, chẳng hạn như không được ăn thịt bò, không được ăn thịt heo, hoặc trong một ngày nào đó trong tuần không được ăn thịt mà chỉ được ăn cá, v.v. Đức Phật trong bài kinh trên đây chỉ giải thích cho chúng ta hiểu chủ đích và các hậu quả của việc ẩm thực và các xúc cảm bám víu và thèm khát đối với miếng ăn, đồng thời Ngài cũng nêu lên sự lo sợ và đớn đau của một con vật bị giết, và cả sự độc ác trong hành động và trong tâm thức của người gây ra cái chết cho con vật đó. Sự ý thức và hiểu biết đó sẽ giúp chúng ta tạo ra cho mình một cung cách hành xử đúng đắn hơn đối với miếng ăn và sự sống.

 

            Jivaka nêu lên thắc mắc về một lời đồn đại về việc ẩm thực của Đức Phật, thể nhưng Đức Phật không những cho biết những lời đồn đại đó không đúng sự thật, không phù hợp với những lời thuyết giảng của mình, mà còn mở rộng vấn đề bằng cách nêu lên quan điểm của mình về việc ẩm thực nói chung. Quan điểm đó gồm năm điểm như sau:

 

            1- Trước hết người tu hành phải tỏa rộng sự tỉnh giác thấm đượm lòng từ tâm (metta) của mình hướng vào tất cả chúng sinh khắp các miền không gian, đồng thời tự nhận diện mình cũng là một chúng sinh như tất cả các chúng sinh trong bầu không gian đó. Sự ý thức và mở rộng đó của tâm thức sẽ giúp mình nhận thấy miếng ăn chỉ là phụ thuộc, một cái gì đó thật nhỏ nhoi trước sự sống và không gian vô tận.

 

            2- Sau đó Đức Phật đưa ra một nguyên tắc thật rõ rệt: người tu hành chỉ nên xem miếng ăn là một phương tiện kéo dài sự sống của mình hầu giúp mình tiếp tục tu tập, không được xem miếng ăn là một sự thích thú, bởi vì sự thích thú tất sẽ tạo ra cho mình sự thèm khát và bám víu. Một khi đã hiểu được miếng thịt là sự đau đớn của một sinh vật, thì phải suy nghĩ xem miếng thịt đó có phải là do người khác giết một sinh vật với chủ đích làm thức ăn cho mình hay không? Nếu trông thấy cái chết của một con vật là vì mình, hoặc chỉ cần nghe nói hay nghi ngờ cái chết của của con vật là vì mình, thì mình không được phép ăn.

 

            3- Tiếp theo, Đức Phật đưa ra một thí dụ cụ thể nhưng vô cùng sâu sắc và kín đáo: nếu một người tỳ-kheo được người thế tục mời ăn, và nếu nhận lời, thì điều đó có nghĩa là người tỳ-kheo được mời ý thức và chấp nhận thức ăn mà người mời đặt vào bình bát của mình là vì mình, dành cho mình, và trong trường hợp đó nếu nhận thấy thức ăn là thịt của một sinh vật thì nhất định mình sẽ không ăn. Trong bài kinh Đức Phật hay một đệ tử của Đức Phật là người được mời, người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình là người đứng ra mời, trong trường hợp đó nếu miếng ăn là thịt thì Đức Phật hay người đệ tử của Ngài với tư cách người được mời sẽ không ăn, và người chủ gia đình hay người con trai của người chủ gia đình sẽ là người đáng trách.

 

              4- Trái lại khi người tỳ kheo phải sống nhờ vả vào một ngôi làng hay một thị trấn thì trong khi đi khất thực thì người tỳ kheo không có quyền đòi hỏi hay chọn lựa gì cả, không được phân biệt nguồn gốc miếng ăn mà người thế tục đặt vào bình bát của mình. Khi ăn thì không được phép phân biệt miếng ăn trong bình bát của mình có lẫn với một miếng thịt nào hay không, đồng thời cũng không được phép tìm sự thích thú trong các miếng ăn đó mà chỉ nên xem đấy là phương tiện hỗ trợ sự sống của mình giúp mình tiếp tục tu tập. Thực phẩm trong trường hợp khất thực đó khác hẳn với thực phẩm trong trường hợp được mời. Trong trường hợp này người được mời và chấp nhận lời mời, tất phải hiểu được thức ăn mà người mời đặt vào bình bát của mình là vì mình, dành cho mình, và mình sẽ không được phép ăn nếu thức ăn ấy là thịt, bởi vì mình không thể tự bào chữa là mình không trông thấy, nghe thấy hay nghi ngờ là miếng ăn không phải là vì mình.

 

            Dầu sao các cảnh huống trên đây cũng là những gì xảy ra trong khung cảnh xã hội của hơn hai mươi lăm thế kỷ trước. Cách tổ chức và sự sinh hoạt trong các xã hội ngày nay hoàn toàn khác hẳn. Trong một phân đoạn dưới dây, chúng ta sẽ tìm hiểu việc ẩm thực của mình phải như thế nào để được đúng đắn và thích nghi với bối cảnh xã hội ngày nay.  

 

            5- Sau khi nêu lên hai trường hợp được mời và khất thực trên đây, Đức Phật phân tích năm giai đoạn hay hệ quả tạo nghiệp, mang lại thật nhiều điều bất hạnh cho người giết mổ sinh vật để làm thức ăn, dù là để hiến dâng cho Đức Phật hay một đệ tử của Đức Phật cũng vậy. Năm trường hợp tạo nghiệp đó cho thấy thật rõ bên trong mỗi miếng thịt của sinh vật bị giết đều ẩn chứa sự đớn đau và sợ hãi. Phật giáo cấm đoán sự hung bạo đó, và đấy cũng là giới luật thứ nhất trong năm giới luật quan trọng nhất của Phật giáo, đó là giới luật cấm sát sinh, dù là dưới hình thức nào hay lý do nào, dù đối với một sinh vật tiến hóa hay một con côn trùng nhỏ bé cũng vậy. Sự cấm đoán đó nói lên một thái độ phi-bạo-lực, một lý tưởng đạo đức, một sự tôn trọng quyền sống của tất cả chúng sinh. Sự cấm đoán đó không hề là một phán lệnh độc đoán mà là một cái gì đó thật cao cả, thiêng liêng và mang nhiều tình thương hơn.

 

            Các điều Đức Phật nêu lên trong bài giảng trên đây rất khúc triết và tế nhi, thế nhưng rất minh bạch và dứt khoát, phản ảnh trọn vẹn ý nghĩa của việc ẩm thực của người Phật giáo nói chung, dù là xuất xuất gia hay tại gia cũng vậy. Đức Phật không đưa ra một lời phán lệnh độc đoán mà dành cho chúng ta quyền suy nghĩ để tự mình tạo ra cho mình một cung cách hành xử đúng đắn trong từng miếng ăn.

 

            Cung cách hành xử đúng đắn đó nằm chung trong con đường trung đạo của Giáo huấn của Đức Phật. Trung đạo không có nghĩa là "nửa này nửa kia" mà là: "không phải như thế này, cũng không phải như thế kia, cũng không phải là cả hai, nhưng cũng không phài không cả hai". Cách lý luận hay phép lôgic đó gọi là "tứ đoạn luận". Phép "tam đoạn luận" là cách mang lại một sự hiểu biết hiển nhiên nào đó, trái lại "tứ đoạn luận" mang chủ đích nêu lên một sự hiểu biết vượt lên trên tất cả mọi thái cực, vượt thoát khỏi tất cả các khái niệm và các sự khẳng định cực đoan, kể cả sự hiển nhiên thiết lập bởi "tam đoạn luận".

 

            Hơn bảy thế kỷ sau khi Đức Phật tịch diệt, vị đại sư Nagarjuna (Long Thụ) đã khám phá ra ý nghĩa của phép logic "tứ đoạn luận" trong Giáo huấn của Đức Phật và dựa vào đó để thiết lập một học phái gọi là Madhyamaka / Trung quán, chủ trương một sự vượt thoát khỏi mọi sự lý luận và các khái niệm khẳng định, tiếng Anh gọi là Middle way / Trung đạo, thế nhưng cũng có một số học giả và triết gia gọi là Centrism / Trung điểm, có nghĩa là "ở giữa" không rơi vào một quan điểm cực đoan nào cả. Thế nhưng thật ra cũng không phải là "ở giữa" mà đứng hẳn ra ngoài mọi hình thức lý luận, nói lên một sự thật linh động không thể diễn tả được bằng ngôn từ.

 

            Trở lại với vấn đề ẩm thực thì Đức Phật không "bắt buộc" người tu hành phải ăn chay, nhưng cũng không cho phép người tu hành ăn thịt, thế nhưng cũng không phải là cho phép cả hai thứ, nhưng cũng không phải là không cho phép cả hai thứ. Ngài chỉ nhắc khéo chúng ta bằng cách nêu lên năm hệ quả tạo nghiệp mang lại thật nhiều điều bất hạnh cho tất cả những ai - dù là thế tục hay xuất gia, dù trực tiếp hay gián tiếp - tạo ra sự sợ hãi và đớn đau cho một sinh vật. Trước sự ý thức đó chúng ta tất sẽ hiểu rằng tự mình phải tạo ra cho mình một cung cách hành xử đúng đắn hơn trước sự sống của muôn loài.

 

            Trên đây thật ra là những lời giảng của Đức Phật dành cho những người sống trong một khung cảnh sinh hoạt xã hội hoàn toàn khác hẳn với chúng ta ngày nay. Thật hiển nhiên, nếu muốn tìm hiểu một vấn đề hay một sự kiện nào đó thì phải đặt vấn đề ấy, sự kiện ấy vào đúng khung cảnh không gian và thời gian của chúng. Xã hội ngày nay của chúng ta đã được tồ chức hóa và hệ thống hóa, chúng ta không còn phải cột cổ một con vật hay lùa bắt một con gà để giết thịt khi mời khách, chúng ta có sẵn một hệ thống chăn nuôi kỹ nghệ, các lò sát sinh, các cơ xưởng biến chế và một mạng lưới chuyên chở và phân phối thực phẩm. Chúng ta chỉ cần bước vào siêu thị để chọn miếng thịt nào nhiều nạc, ít mỡ hay ít da.

 

            Chúng ta có thể nghĩ rằng mình có quyền ăn những miếng thịt đó, bởi vì những miếng thịt bày bán đó không nhất thiết là "vì mình" mà là vì sự "lợi nhuận" của siêu thị và "nhu cầu" của vô số các người mua khác. Cách suy nghĩ đó là một hình thức vô trách nhiệm, một cách tự bào chữa thiếu ý thức, bởi vì trong xã hội ngày nay, chúng ta và cả những người tu hành khi mà họ không còn phải khất thực như trước đây nữa mà có sẵn bếp núc trong chùa, tất cả không thể ngoảnh mặt đi nơi khác để bảo rằng mình không trông thấy, nghe thấy hay nghi ngờ về nguồn gốc miếng thịt và sự khổ đau của các con vật bị giết mổ. Mỗi người trong chúng ta đều trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào sự vận hành của guồng máy xã hội và dây chuyền sản xuất và phân phối thực phẩm. Do vậy chúng ta không thể nào bảo rằng nguồn gốc của miếng thịt mà mình mua không phải là vì mình, dành cho mình. Trong sự sinh hoạt của xã hội ngày nay, tất cả chúng ta đều "trông thấy", "nghe thấy" và "không nghi ngờ gì cả" về nguồn gốc của miếng thịt mà mình đang nhai.  .    

 

            Thật ra ăn chay cũng chi là một thói quen, có thể tập được dễ dàng. Chúng ta có thể bắt đầu ăn chay một bữa trong một ngày, sau đó là nguyên ngày, và tiếp theo là nguyên một tuần hay một tháng, sau hết là một năm, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi nào cuộc sống của mình chấm dứt. Thức ăn tinh khiết sẽ mang lại cho mình một sức khỏe tinh khiết, một sức khỏe tính khiết sẽ mang lại một nội tâm tinh khiết, cách suy nghĩ đó sẽ giúp chúng ta ăn chay nhiệt tình hơn. Ăn chay là cách giữ gìn đạo đức cụ thể và thiết thực nhất, mang lại cho mình một niềm vui sướng trong hiện tại và một phần thưởng thật to lớn trong tương lai.              

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 23.02.21

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ 

 

(còn tiếp)

 

           




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/03/2011(Xem: 7103)
Ngài Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vịBồ-tát đồng tu một pháp môn cùng đứng dậy cung kính chấp tay bạch Phật : - Tôi nhớ hằng sa kiếp trước có Đức Phật ra đờihiệu Vô Lượng Quang
20/03/2011(Xem: 12719)
Trong các vị cao tăng Trung Hoa, ngài Huyền Trang là người có công nghiệp rất lớn, đã đi khắp các nơi viếng Phật tích, những cảnh chùa lớn, quan sát và nghiên cứu rất nhiều.
23/02/2011(Xem: 6421)
Sức mạnh gia trì là làm thay đổi tâm niệm của người được gia trì. Gọi thần lực gia trì chủ yếu giúp người được gia trì an tâm, an thân vượt qua khó khăn...
21/01/2011(Xem: 4287)
Bồ tát Di Lặc, vị Phật tương lai, có một vị trí quan trọng trong nền tín ngưỡng và văn hoá Phật Giáo. Di Lặc là vị bồ tát duy nhất được các tông phái Phật Giáo, từ tiểu thừa, đại thừa và mật tông tôn kính. Các kinh điển trong cổ ngữ tiếng Phạn Pali và Sanskrit, cũng như kinh tạng đại thừa chữ Hán và tiếng Tây Tạng đều có nói đến vị Phật tương lai này.
13/01/2011(Xem: 3535)
Cùng với thầy của mình là Bồ Tát Di Lặc, Vô Trước là khai tổ của Du Già Tông, hay Duy Thức Tông, một trường phái của Đại Thừa Phật Giáo. Ba người con trai lớn nhất, đều gọi là Thiên Thân (Vasubandhu), sinh ra ở Purusapura (Peshwar), là những thành viên của gia đình Kiều Thi Ca (Kausika) thuộc dòng dõi Bà La Môn, Ấn Độ. Tất cả ba người đều đã trở thành những Tỳ Kheo Phật Giáo. Người em trai út của Vô Trước được biết là Tỉ-Lân-Trì-Bạt-Bà (Virincivatsa), trong khi người em giữa được biết đơn thuần là Thiên Thân (Vasubandhu), tác giả của Duy Thức Tam Thập Tụng.
04/01/2011(Xem: 3236)
Quán Âm hay Quán Thế Âm là tên gọi của một vị Bồ Tát nổi tiếng trong hệ thống Phật giáo Bắc Truyền (vẫn được thậm xưng là Đại Thừa) khắp các xứ Trung Hoa, Hàn quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ và cả Việt Nam. Chữ Phạn của tên gọi này là Avalokitvesvara, thường được dịch sát là Quán Tự Tại. Chữ Tự Tại (Isvara) này không hề mang nghĩa thanh thản độc lập như nhiều người vẫn nghĩ. Nó là một từ tố thường thấy ngay sau tên gọi của các vị thần Ấn Độ, một chút dấu vết của Ấn Giáo, xa hơn một tí là Bà La Môn giáo thời xưa. Nói mấy cũng không đủ, với phương tiện Internet ngày nay, người muốn biết xin cứ Online thì rõ. Nãy giờ chỉ nói cái tên, cái ý nghĩa hay vai trò của khái niệm Quán Thế Âm mới là quan trọng.
19/12/2010(Xem: 5940)
Qua kinh sách thuộc truyền thống Đại thừa ta được biết mỗi vị Phật thường có hai vị Bồ tát làm thị giả. Nếu như Đức Phật A Di Đà có Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí làm thị giả thì một trong hai vị thị giả chính của Đức Phật Thích Ca là Văn Thù Sư Lợi, đại biểu cho trí tuệ siêu việt. Bồ Tát Văn Thù đã xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật,… như là một nhân vật thân cận nhất của Đức Phật Thích Ca, khi thì chính thức thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, có lúc lại đóng vai tuồng làm người điều hành chương trình để giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Đức Bổn Sư.
19/12/2010(Xem: 4369)
Từ trước đến nay, những khuynh hướng bài bác Đại Thừa -cả trong lẫn ngoài Phật giáo- thường cho rằng kinh điển Đại Thừa là ngụy tạo, từ đó họ cũng hạ bệ luôn tất cả những vị Bồ Tát đã được quần chúng Phật tử lâu đời tôn thờ kính ngưỡng -đặc biệt là Bồ Tát Địa Tạng- coi đó như là những nhân vật hư cấu, sản phẩm của đầu óc tưởng tượng phong phú của người Trung Hoa. Tuy nhiên các học giả nghiên cứu về Phật giáo cổ Ấn Độ hồi gần đây đã xác định rằng tín ngưỡng tôn thờ Bồ Tát Địa Tạng (Kshitigarbha) đã được khai sanh tại Ấn Độ rất lâu đời, có thể là vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất hoặc thứ hai sau công nguyên (C.E.), cùng một lúc với sự phát triển mạnh mẽ của khuynh hướng Phật giáo Đại Thừa, (2) mà bằng chứng cụ thể là Bồ Tát Địa Tạng và những kinh sách liên quan về Ngài đã được đưa vào chương trình học tập, nghiên cứu tại Đại học cổ điển Phật giáo nổi tiếng Nalanda xứ Ma Kiệt Đà.
14/12/2010(Xem: 2904)
Bồ Tát Quán Thế Âm đang thực sự có mặt bên cạnh chúng ta mang sứ mệnh Bồ Tát vào đời để cứu vớt nhân sinh qua cơn khổ nạn hay chỉ là một nhân vật huyền thoại tôn giáo? Với những người mang nặng tinh thần duy lý cho rằng Đạo Phật không hề đặt cơ sở trên những niềm tin mù quáng và do đó, tin vào sự cứu độ của một tha lực bên ngoài –ví dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát- theo họ là một hình thức dị đoan mê tín, khó chấp nhận.
03/12/2010(Xem: 13691)
Ngài Sàntideva (Tịch Thiên, 691-743) viết luận này tại Học Viện Nalanda, Ấn Độ vào thế kỷ 8. Ngài diễn giảng đường tu hạnh Bồ Tát, hạnh Lục độ và tu mười đại hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]