Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nuôi lớn bốn vị Bồ Tát

27/05/201407:13(Xem: 7392)
Nuôi lớn bốn vị Bồ Tát
BoTatVanThu
Bốn lời quán nguyện hướng về bốn vị bồ tát lớn: bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Văn Thù, bồ tát Phổ Hiền và bồ tát Địa Tạng là để đánh động những hạt giống vững chãi, thảnh thơi và hiểu biết trong con người của mỗi chúng ta. Ban đầu những vị bồ tát lớn như Quan Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền và Địa Tạng có thể được nhìn nhận như những vị bồ tát ở ngoài ta. 
 
Nhưng nếu thực tập tinh chuyên và vững chãi ta sẽ thấy được rằng những vị bồ tát đó đang ở trong ta và ta cũng có những hạt giống năng lượng của các vị bồ tát ấy. Có thể những nhà khảo cứu sẽ đặt câu hỏi rằng các vị Quan Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Địa Tạng có phải là những nhân vật lịch sử không, họ sinh ở đâu năm nào, họ xuất gia năm nào. Được hỏi như vậy chúng ta có thể sẽ bối rối tại vì chúng ta không có những tư liệu đó. Nhưng vì thực tập theo con mắt đại thừa, nên ta thấy được rằng những chi tiết kia không quan trọng. Quan trọng là cái tên ấy và con người ấy có đại diện được cho một cái gì không. 
Tình thương và khả năng lắng nghe là một cái gì có thật, nhưng ta chỉ tiếp xúc được với tình thương và khả năng lắng nghe khi mà ta tiếp xúc được với một con người. Bồ Tát Quan Thế Âm là một con người, nhưng chúng ta không nghĩ rằng chỉ có con người ấy mới có tình thương và khả năng lắng nghe, tại vì chung quanh ta, trong đoàn thể chúng ta sống, cũng có những người có tình thương và khả năng lắng nghe. Có những người có tình thương khá lớn, có khả năng lắng nghe khá lớn. Có người thì tình thương nhỏ hơn, khả năng lắng nghe nhỏ hơn. Nhưng ai cũng có tình thương, ai cũng có khả năng lắng nghe. 
Vì vậy cho nên Quan Thế Âm là một nhân vật có thiệt, không phải chỉ trong quá khứ, mà còn có thiệt ngay trong hiện tại. Và chính trong mỗi chúng ta cũng có Bồ Tát Quan Thế Âm. Vì vậy cái quan trọng là cái chất liệu có thật, còn cái hình tướng để biểu lộ chất liệu đó có thể là thiên hình vạn trạng. Cho nên vấn đề Bồ Tát Quan Thế Âm có phải là một nhân vật lịch sử không, điều đó không trở thành một vấn đề quan trọng nữa. Bồ Tát Quan Thế Âm có thể đang có mặt và đang ngồi sát cạnh ta mà ta không biết.

Trước hết ta có thể nghĩ rằng Quan Thế Âm Bồ Tát là một khía cạnh của Bụt Thích Ca. Bụt Thích Ca là một nhân vật lịch sử, và trong Bụt Thích Ca cũng có khả năng thương yêu và lắng nghe. Vậy thì ta có thể nói một cách rất đơn giản và rõ ràng rằng Bồ Tát Quan Thế Âm là một khía cạnh của đức Bổn Sư. Đức Bổn Sư có lòng thương lớn và có khả năng lắng nghe, nên là học trò của đức Bổn Sư thì ta phải thực tập thế nào để nuôi lớn cái tình thương ấy và cái khả năng lắng nghe ấy trong ta. Cho nên đức bồ tát Quan Thế Âm là một thực thể có thật, ít nhất là trong đức Thích Ca, trong ta và cố nhiên là trong các vị tổ sư qua các triều đại.


Bồ tát Văn Thù Sư Lợi cũng là một khía cạnh khác của đức Bổn Sư, tại vì trong đức Bổn Sư có tuệ giác lớn. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là biểu trưng cho tuệ giác lớn đó. Vậy thì khi ta xướng lên câu Nam Mô Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ta cũng tỏ bày sự cung kính của ta đối với đức Bổn Sư, tại vì bồ tát Văn Thù Sư Lợi nằm ngay trong đức Bổn Sư. Và hơn nữa bồ tát Văn Thù Sư Lợi cũng nằm ở trong ta, tại vì ta cũng có hạt giống của tuệ giác. 

 

Nếu ta tu hành cho đàng hoàng thì hạt giống của tuệ giác cũng lớn lên và bồ tát Văn Thù Sư Lợi cũng được thể hiện trong ta và ta trở thành bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Vì vậy cho nên vấn đề Ngài có phải là một nhân vật lịch sử hay không không còn quan trọng nữa. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi không những có mặt trong quá khứ mà cũng đang có mặt trong hiện tại và cũng sẽ có mặt trong tương lai. Cũng như Bụt Thích Ca đã có mặt trong quá khứ và đang có mặt trong hiện tại. Tại vì ta đang có mặt đây cho nên ta biết rằng đức Bổn Sư cũng đang có mặt và đức Bổn Sư sẽ có mặt trong tương lai. Ta biết điều đó vì ta sẽ có con cháu và con cháu ta sẽ tiếp nối ta nghĩa là tiếp nối đức Bổn Sư. Cho nên ngay cả vấn đề Bụt Thích Ca có phải là một nhân vật lịch sử không cũng không quan trọng mấy, tại vì nếu ta thấy được và tiếp xúc được với đức Thích Ca một cách rất thực tế thì ta đâu cần phải hỏi những câu hỏi như vậy.

Đức Bồ Tát Phổ Hiền cũng thế. Ngài biểu trưng cho hành động lớn. Đức Thích Ca là người có hành động lớn, bởi vì nếu không có hành động lớn thì Ngài đã không thiết lập tăng đoàn, đã không đi giáo hóa từ nước này sang nước khác, đã không dựng nên được một nếp sống văn minh tinh thần mà nhân loại đã và đang được thừa hưởng trong 2600 năm qua. Vì vậy cho nên đức Thích Ca là bồ tát Phổ Hiền, và bồ tát Phổ Hiền là một phần của đức Thích Ca. Khi ta lạy, ta lạy một cái gì rất cụ thể, tại vì ta biết rằng cái ước muốn hành động lớn và cái khả năng hành động lớn cũng có ở trong ta. Tuy rằng nó có thể đang còn yếu kém nhưng nếu ta thực tập nó sẽ lớn lên.

Nói tới bồ tát Địa Tạng ta thấy rằng ngài tượng trưng cho đại nguyện. Chữ nguyện này ta có dịch là vow, aspiration, deep longing, promesses. Nguyện là lời thề. Lời thề của đức Địa Tạng là không bỏ nhau. Dầu sao đi nữa tôi sẽ không bỏ anh, dầu sao đi nữa tôi sẽ không bỏ em, nhất là trong khi anh đang còn bị kẹt trong tình trạng đau khổ, tuyệt vọng thì tôi sẽ không thể bỏ anh. Đó là tinh thần bất xả. Trong đạo Bụt có danh từ xả nghĩa là buông bỏ. 

 

Có những cái mà ta cần phải buông bỏ thì ta mới có hạnh phúc. Nhưng có những cái ta không thể buông bỏ: đó là những người thương của ta. Ta buông bỏ những người thương của ta thì ta là kẻ không có giá trị gì cả. Mà những người thương của bồ tát Địa Tạng là những người đang đau khổ dưới địa ngục. Đó là tinh thần bất xả. Một mặt ta thực tập xả, một mặt ta thực tập bất xả. Xả là releasing, bất xả là not abandoning. Hai cái có thể đi đôi với nhau, và phải đi đôi với nhau.

Trái tim của sự thực tập là chánh niệm. Chánh niệm trong khi ăn, uống, đi, đứng, nằm, ngồi... Chánh niệm này tạo thành năng lượng. Năng lượng được thể hiện ra bốn mặt. Mặt thứ nhất là mặt Bi, tức là tình thương. Thử tưởng tượng đức Bổn Sư Thích Ca không có tình thương. Không tình thương thì đâu phải là đức Bổn Sư nữa. Tình thương là một yếu tố trong bản chất của đức Bổn Sư Thích Ca. Thứ hai là tuệ giác, là trí tuệ, là understanding, là wisdom. Nếu không có đại trí, thì đức Bổn Sư cũng đâu phải là đức Bổn Sư nữa. Và vì vậy đại trí là bản chất thứ hai của Bụt. Trí và Bi viên mãn, đó là lời khen ngợi đức Bổn Sư. Thứ ba là Hạnh (action). Khi đã thấy và hiểu rồi thì thế nào cũng phải thương, mà đã thương rồi thì không thể nào bỏ được. Cái đó gọi là bất xả. 

 

Năng lượng của tình thương đưa tới hành động. Thương tức là hành động. Và cuối cùng là khi có hiểu và thương rồi thì cũng có nguyện tức là có lời thề, và lời thề của đức Địa Tạng là "Địa ngục vị không thề bất thành Phật" có nghĩa là "khi nào địa ngục còn chưa trống trơn thì con chưa thành Phật". Lời nguyện đó cũng là lời nguyện của những người muốn hành động, muốn đi tới những vùng tối tăm nhất, khổ đau nhất để đem tới ánh sáng và niềm an ủi. Vì vậy chánh niệm ở đây được thể hiện bởi lời thề, và đại diện là bồ tát Địa Tạng. Tình thương được thể hiện bằng đức Quan Âm và ngài được nhận diện như là một người có khả năng lắng nghe. Đức Văn Thù đại diện cho Đại Trí. Và Hành Động là đức Phổ Hiền. Phổ có nghĩa là cùng khắp, Hiền có nghĩa là cái lòng tốt. Phổ Hiền được dịch là Universal Goodness. 

Vì vậy ta đi tới kết luận là bốn vị bồ tát này có mặt trong quá khứ, có mặt trong hiện tại và có mặt trong tương lai. Bốn vị bồ tát này không cần phải là nhân vật lịch sử. Bốn vị bồ tát đó là những thực thể, tại ta biết rằng khả năng thương yêu, khả năng hiểu biết, khả năng hành động và cái nguyện lớn của chúng ta là những điều có thật trong ta, trong đức Bổn Sư và trong những người khác. Tụng đọc bốn lời này là để nuôi lớn lên những năng lượng như vậy trong ta, những năng lượng ấy có ở nơi đức Bổn Sư một cách tràn đầy, có nơi các vị tổ sư một cách tràn đầy và cũng đang có trong những người chung quanh ta. Người nào cũng có những năng lượng ấy cả. Thành thử ta không cần biết đức Văn Thù, đức Phổ Hiền, đức Địa Tạng và đức Quan Thế Âm là những nhân vật lịch sử có thiệt hay không. Ta chỉ cần biết rằng những năng lượng đó là những gì có thật và ta đang tiếp xúc với những gì có thật. Ta không đang vẽ cho ta những hình bóng vẩn vơ để mà thờ phụng.


Vấn đề đức tin là vấn đề lớn. Có những người hoài nghi nói rằng giả sử mình thờ phụng Thượng Đế, mà nếu Thượng Đế không có thì mình mất công quá. Ngày nào cũng cầu nguyện, ngày nào cũng đầu tư vào Thượng Đế, lỡ Ngài không có thiệt, thì có phải là uổng công hay không. Mình tính toán, mình quen thói làm nhà buôn, mình đầu tư, cho nên mình xem việc tu hành cũng là một cách đầu tư. Trong lịch sử tư tưởng loài người đã có những câu hỏi như vậy, đã có những người tính toán như vậy. Có người nói: cứ thờ phụng Thượng Đế đi, nếu có Thượng Đế thì mình về thiên đường, nếu không có Thượng Đế thì mình đâu có mất gì. Đó là thói quen tính toán thiệt hơn của những nhà buôn.

Tôi biết bằng kinh nghiệm trực tiếp của tôi là đức Quan Âm có thật, tại kinh nghiệm ấy cho biết tình thương có thật. Tôi biết bằng kinh nghiệm trực tiếp của tôi là đức Địa Tạng có thật, tại vì ý chí đi tới những vùng khổ đau để làm công việc nâng đỡ và cứu giúp là năng lượng có thật. Bây giờ trên thế giới có những người đang đi về những phía có đau khổ như vậy. Có những Địa Tạng tuổi còn rất nhỏ nhưng đang đi vào những chốn địa ngục mong cứu giúp và làm nhẹ bớt khổ đau. Đức Địa Tạng đang có mặt trong giây phút hiện tại khắp nơi trên thế giới. Trong lòng ta cũng có một đức Địa Tạng, nhưng có thể là đức Địa Tạng trong ta chưa đủ lớn thành ra bây giờ ta đang không ở địa ngục mà thôi. Nếu đức Địa Tạng lớn thì ta đang ở trong địa ngục, đang làm công việc cứu giúp cho những người khổ đau trong địa ngục. 

 

Tuy nhiên ở trong địa ngục mà ta không đau khổ những cái khổ đau của những người đang ở trong địa ngục. Trong ta có nhiều tình thương, tình thương đi tới đâu là đem tịnh độ theo tới đó. Ta ở dưới địa ngục mà vẫn hạnh phúc như thường, càng ở dưới địa ngục lâu thì hạnh phúc của ta càng lớn, tại vì ở đó ta làm những cái có thể thỏa mãn được tình thương của ta, được nhu yếu thương yêu của ta. Địa ngục chính là cái đạo tràng tốt nhất. Chính trong môi trường đó mà ta có thể nuôi dưỡng tình thương và hạnh phúc của ta. Vì vậy cho nên khi một vị Bồ Tát có mặt dưới địa ngục thì địa ngục sáng lên. Vị Bồ Tát không đau khổ vì sự có mặt của vị Bồ Tát làm nhẹ đi rất nhiều những đau khổ của địa ngục. Trong ta ai cũng có một Bồ Tát Địa Tạng. Nếu chúng ta thờ ơ, nếu chúng ta làm lơ và phớt tỉnh về những đau khổ của mọi loài là vì đức Địa Tạng trong ta chưa được ta tiếp xúc. 

 

Vậy câu hỏi đức Địa Tạng có phải là một nhân vật lịch sử hay không không phải là một vấn đề với tôi, vì tôi biết đức Địa Tạng có thật bằng kinh nghiệm trực tiếp, vì mắt tôi đã trông thấy những bồ tát Địa Tạng ở khắp nơi, ở trong tổ chức Médecins Sans Frontière, ở trong các tổ chức những người thiện nguyện đang đi vào các vùng đói kém khổ đau ở trên thế giới. Họ không phải là những Địa Tạng thì họ là gì nữa, những vị Địa Tạng lớn tuổi, những vị Địa Tạng nhỏ tuổi, những vị Địa Tạng không muốn trở về với đời sống tiêu thụ của xã hội mà nguyện ở lại càng lâu càng tốt ở những vùng đói kém khổ đau. Địa Tạng là những nhân vật có thiệt, chúng ta phải trả lời như vậy. Đức Địa Tạng cũng đang có ở trong tôi và tôi đang nuôi lớn đức Địa Tạng trong tôi. Với tuệ giác đó, chúng ta đọc những lời quán nguyện này và chúng ta thấy rằng những lời quán nguyện này hoàn toàn không có tính cách cầu khẩn mê tín mà là sự thực tập vun tưới những hạt giống tốt ở trong ta và trong những người sống xung quanh ta.

 


Lạy đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Cái khả năng lắng nghe của con đang còn yếu kém, mỗi khi con giận con buồn con không ngồi lắng nghe được người kia một cách sâu sắc thì con cần tới ngài, con cần thực tập như ngài. Chúng ta biết chỉ cần lắng nghe người khác trong vòng một giờ đồng hồ với tất cả trái tim của ta thì người kia đã bớt khổ nhiều rồi, vậy mà ta không biết nuôi dưỡng khả năng lắng nghe của ta. Thực tập lời quán nguyện này là thực tập khả năng lắng nghe. 

Bo_Tat_Quan_The_Am_2

Con xin học theo hạnh bồ tát, nghĩa là con xin bắt chước bồ tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Nghe ở đây không phải là nghe bằng hai tai mà nghe bằng trái tim của mình (deep listening). Nghe như vậy thì mới có thể hiểu được, và hiểu được rồi thì khổ đau của người kia sẽ tự nhiên giảm bớt. Người đau khổ nhất đời là người có cảm tưởng không ai hiểu được mình. Giờ phút có một người chứng tỏ là đã hiểu được mình, và nghe được mình, thì cái khổ đau đó không còn lớn lao như trước nữa. Cho nên trong chúng ta nếu ai có thể tìm ra một người có thể nghe được mình và hiểu được mình thì người đó được xem như là đã có hạnh phúc. 

Vậy mình phải tự đào luyện mình thành một hành giả biết nghe và biết hiểu. Khả năng biết nghe và biết hiểu là khả năng của đức bồ tát Quan Thế Âm và của bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Câu này cho chúng ta thấy đức Văn Thù Sư Lợi nằm ở trong đức Quan Thế Âm. Biết nghe tức nhiên là biết hiểu, biết hiểu tức nhiên là biết nghe, Quan Âm và Văn Thù không phải là hai thực thể riêng biệt. Văn Thù là hiểu mà Quan Âm là nghe. Trong Quan Âm có Văn Thù, trong Văn Thù có Quan Âm, đó là sự tương tức của hai vị bồ tát lớn. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chú tâm ở đây là định. Nghe thì thân và tâm phải nhất như, mình phải có mặt thật sự. Có định nghĩa là hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại để lắng nghe một cách đích xác. Thành khẩn ở đây cũng chỉ có nghĩa là có mặt hoàn toàn. 

Mỗi người trong chúng ta đều có thể làm được như vậy, nhưng chúng ta chưa chịu làm đấy thôi. Chúng ta ai cũng biết thở. Khi thở ta đưa thân và tâm về một mối, để ta có mặt thật sự trong hiện tại. Ta không đánh mất ta trong tương lai, ta không đánh mất ta trong quá khứ, ta có mặt trong hiện tại để lắng nghe. Chúng ta thường hay nghe bằng nửa lỗ tai. Phải tập nghe bằng cả lỗ tai, bằng cả hai lỗ tai và phải để trái tim áp ngay phía sau lỗ tai thì mới nghe được. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Thành kiến là những ý kiến đã có sẵn trước. Vì có những ý kiến có sẵn trước rồi nên những điều đang nói không lọt được vào tâm hồn mình. Mình bóp méo tất cả những điều người kia nói. Đức Quan Thế Âm là người biết nghe với tâm không thành kiến. 

Chúng ta còn có những thành kiến; khi nghe chúng ta bị những thành kiến đó bít lấp và vì vậy ta không chấp nhận và không hiểu được. Thành kiến ở đây là những vọng tưởng mà ta đã chứa chấp. Tu tập thiền quán là để đả phá những thành trì của thành kiến và cố chấp. Nếu không phá được thành trì của thành kiến và cố chấp thì ta sẽ khổ, và ta sẽ làm cho những người khác khổ. Do đó thực tập nghe với tâm không thành kiến là một phương pháp tu hành rất sâu sắc. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Cái tật của chúng ta, cái tập khí của chúng ta là muốn làm quan tòa, nghe cái gì là muốn phán xét liền, giống như một bức tường hất trái bóng trở lại. Đó là một tập khí xấu. Chúng ta đừng làm một bức tường. Chúng ta phải làm không gian để khi trái bóng được liệng tới thì ta có thể tiếp đón được. Nếu mình là bức tường thì làm sao trái bóng đi vào được. Phải làm khoảng trống thì mới có thể nghe. 

Có câu chuyện thiền này: một ông giáo sư triết học tới tham vấn một thiền sư. Trong khi thiền sư pha trà, ông giáo sư cứ nói hoài không ngừng. Thiền sư muốn cho ông giáo sư một bài học. Ông pha trà tràn ra ngoài chén, để trà tràn ra khay, rồi để trà tràn ra bàn. Lúc đó ông giáo sư mới ngừng nói lại và la lớn: Thôi đừng rót nữa! Thầy không thấy sao, nước tràn ra ngoài như vậy mà cứ rót hoài. Thiền sư ngưng lại nhìn lên vị khách quý mỉm cười và nói: Ông giáo sư cũng đầy như chén trà vậy, làm sao tôi có thể rót thêm trà vào được nữa. Làm sao tôi có thể nói cho ông nghe chút gì về thiền được? Chúng con xin tập ngồi nghe để hiểu. 

Mục đích ngồi nghe là để hiểu. Ta có những cái ngu si trong ta. Khi biết nghe thì nghe những điều nói đúng ta hiểu, mà nghe những điều sai ta cũng hiểu. Nghe điều gì ta cũng quán chiếu điều đó. Người ta nói đúng mình cũng học được, nói sai mình cũng học được. Mình học được trong chiều sâu, mình biết tại sao người ta nói như vậy. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Có những điều người ta nói ra không được, tại vì họ không có khả năng nói. Khi một thiền sinh có những nỗi khổ niềm đau tới với chúng ta ban đầu họ làm như họ không có nỗi khổ niềm đau nào hết. Nhưng khi đã ở với mình năm bảy ngày, thấy tình thân phát triển thì họ bắt đầu nói ra những nỗi khổ của họ. 

Bo_Tat_Dia_Tang_1

Tuy nhiên họ giấu không nói tới điểm chính, mà chỉ nói những điểm chung quanh thôi. Họ ít dám nói thẳng niềm đau của họ. Ta phải lắng nghe rất kỹ để không những nghe được điều họ đang nói mà còn nghe được những điều họ chưa dám nói. Nếu ta khôn khéo hỏi đúng một câu thì họ òa lên khóc và nói cho ta tất cả sự thật. Một cặp vợ chồng nọ có khó khăn với nhau, người vợ tới không nói thẳng là mình có khó khăn với chồng, chỉ nói tới những khó khăn của riêng mình và của các con mình thôi. Bởi vì cũng cảm thấy ngại ngùng khi phải thổ lộ, khó nói với một người ngoài rằng tôi với nhà tôi có những khó khăn. Chỉ khi họ tin tưởng mình lắm thì họ mới dám nói. Do đó khi ta ngồi nghe, nếu ta không nghe bằng tất cả trái tim của ta thì ta không thể hiểu được, không thể hỏi được những câu hỏi khiến cho người kia bật ra sự thật. 

Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi. Bồ tát ngồi lắng nghe và làm cho người bớt khổ. Con cũng muốn làm được như bồ tát. Lắng nghe là một phương pháp mầu nhiệm để thiết lập lại sự cảm thông. Trong thời đại chúng ta có những phương tiện truyền thông rất tinh xảo như email, fax, điện thoại. Chỉ cần nửa phút thôi là chúng ta có thể gởi tin tức tới những địa điểm rất xa trên trái đất, trong khi đó sự truyền thông giữa người và người đã trở nên thật khó khăn. Truyền thông giữa cha con, anh em, vợ chồng hầu như bị cắt đứt. Nền văn minh của chúng ta đang bị phá sản về phương diện đó, cho nên đời sống trong gia đình không hạnh phúc, giao hảo quốc tế giữa nước này và nước khác trở nên khó khăn, những sắc tộc khác nhau trong một thành phố chống báng và kỳ thị nhau. Có chống đối, có hiểu lầm, vì cá nhân cũng như đoàn thể không truyền thông với nhau được. Do đó hạnh tu của bồ tát Quan Thế Âm rất thiết yếu. Ai cũng phải học hạnh lắng nghe để có thể thiết lập lại sự truyền thông.


Lạy đức bồ tát Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin học theo hạnh bồ tát biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Trong đời sống mới, chúng ta chỉ biết quen chạy, dầu chúng ta đang ngồi. Chúng ta chạy trong lòng, chúng ta chạy như bị ma đuổi. Tuy đang ngồi uống trà hoặc đang ăn cơm ta vẫn tiếp tục chạy, vì thế ta không thấy được sự thật đang xảy ra. Bởi muốn nhìn cho rõ thấy cho sâu thì phải dừng lại. Dừng là chỉ, thấy là quán. 

 

Đức bồ tát Văn thù là người thực tập thiền quán, ngài biết dừng lại và biết nhìn sâu. Biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Lòng người là lòng mình và lòng những người xung quanh mình. Lòng đây là những tâm hành như ghét, thương, vui, buồn, mừng, giận, sợ hãi, chán nản, hy vọng... tất cả những tâm tư ấy là đối tượng của cái nhìn. Nhìn làm sao để thấy được trong chiều sâu của các tâm hành. Muốn nhìn thì phải dừng lại. Cho nên trong khi ngồi, trong khi đi, trong khi đứng, trong khi ăn cơm ta phải thực tập dừng lại. Có thể là mình đang ngồi ăn cơm với một đại chúng cả hàng trăm người, và có những người đã thực sự dừng lại để ăn cơm trong khi đó một số chúng ta vẫn tiếp tục rong ruổi. 

 

Chúng ta chạy đi đâu mà chạy dữ vậy, vào giờ ăn cơm mà vẫn còn chạy nữa? Không có khả năng dừng lại thì làm sao ta có khả năng có hạnh phúc? Hãy dừng lại trong khi ăn cơm. Trong khi ăn cơm ta chỉ ăn cơm mà thôi. Anh có thể làm được chuyện đó không, chị có làm được chuyện đó không? Chúng ta đã chạy trong bao nhiêu đời, trong bao nhiêu kiếp rồi? Bây giờ có cơ hội này, vậy mà ta cũng còn chạy nữa. Tại sao ta không ngồi ăn cơm cho đàng hoàng một chút, tại sao ta không ngồi uống trà cho đàng hoàng một chút, tại sao ta không ngồi thiền cho đàng hoàng, không đi thiền cho đàng hoàng? Thiền hành tuy là đi nhưng mà cũng là để dừng lại. Thiền chỉ và thiền quán là bản chất của sự thực tập. 

 

Chúng con xin tập nhìn bằng tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chú tâm và thành khẩn tức là có mặt thật sự, thân, khẩu và ý hợp nhất. Chúng con xin tập nhìn với con mắt không thành kiến. Phải phá đổ hàng rào của thành kiến và cố chấp thì ta mới có thể thấy được. Một người Do Thái khi nhìn một người Palestinien thì phải nhìn bằng cách ấy mới thấy được những sợ hãi, khổ đau và ước mơ của người Palestinien. Một người Palestinien khi nhìn một người Do Thái cũng phải nhìn bằng cách ấy mới thấy được những sợ hãi, đau khổ và những ước mơ của người Do Thái. Nếu cả hai bên đều nhìn được nhau một cách sâu sắc như vậy rồi thì cả hai bên sẽ thấy rằng bên nào cũng tội nghiệp hết, bên nào cũng có sợ hãi, bên nào cũng có hận thù, bên nào cũng bị trấn ngự bởi cảm giác không có an ninh. 

 
Bo Tat Pho Hien 8

Và khi cả hai bên đều thấy được nhau như vậy rồi thì mới phát kiến ra được sự thật là nếu cứ tiếp tục trừng phạt nhau thì tình trạng sẽ không đi đến đâu cả. Chi bằng cùng nắm tay nhau ngồi xuống để tìm một giải pháp thiết lập lại truyền thông. Và nếu người Do Thái và người Palestinien chưa làm được thì chúng ta, những người không phải là Do Thái hay Palestinien, chúng ta phải làm được với nhau, để rồi chúng ta có thể tới với họ và giúp họ. Nếu có hai người không tới với nhau được, nếu có hai người không hiểu nhau thì ta phải tới với cả hai người để giúp cho hai người đó dừng lại sự làm khổ nhau, bắt đầu hiểu nhau và lắng tai nghe được nhau và nhìn được nhau bằng con mắt không thành kiến. Nghe bằng lỗ tai không thành kiến và nhìn bằng con mắt không thành kiến là một phương pháp thực tập rất quan trọng. Chúng con xin tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng.

Chúng ta không nhìn bằng con mắt của quan tòa, chúng ta phải nhìn bằng con mắt của người thương. Chúng con nguyện tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau. Đây là sự thực tập Tứ diệu đế. Khổ đau có mặt. Ta phải nhìn sâu vào khổ đau để thấy và để hiểu được gốc rễ của nó. Nhìn vào sự thật thứ nhất để thấy được sự thật thứ hai. Để thấy được tự tính vô thường và vô ngã của vạn vật. Thấy được tự tánh vô thường và vô ngã là tự nhiên ta có thể thay đổi cái nhìn của ta và ta chấp nhận được người khác một cách dễ dàng. Tôi với anh không phải là hai thực thể riêng biệt. Nếu anh còn khổ thì tôi còn khổ, nếu tôi còn khổ thì anh còn khổ, vì vậy chúng ta phải nương vào nhau và giúp đỡ nhau thay vì trừng phạt nhau. Chúng con xin học theo hạnh bồ tát dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não. 

 

Phiền não tức là tham, sân, si, mạn, nghi và tà kiến. Phiền não ở đây chỉ có thể bị chặt đứt bằng thanh gươm của trí tuệ. Đức Văn Thù có thanh gươm ấy. Ngày xưa dưới cây bồ đề đức Thế Tôn đã dùng thanh gươm ấy. Và giờ đây chúng ta đã được trao truyền thanh gươm ấy. Đó là thanh gươm chỉ và quán. Nếu không dùng thanh gươm chỉ và quán chúng ta sẽ không đoạn trừ được những sợi dây phiền não đang trói buộc ta. Nếu ta đang khổ, đó là tại vì ta đang bị trói buộc bởi những sợi dây của thèm khát, của giận hờn, của thù oán, của ngã mạn. Là đệ tử của đức Thế Tôn, là đệ tử của chư tổ, chúng ta phải biết dùng thanh gươm đó để diệt trừ phiền não. Bài kệ truyền đăng cho sư anh Pháp Đăng có câu: "Cung kiếm trao truyền trong nhật dụng". Cây cung và thanh kiếm mà Thầy đã trao cho con, con phải đem ra sử dụng hằng ngày, chứ không phải trao truyền là để mình có cảm tưởng mình là một vị giáo thọ. 

 

Nguyên bài kệ như sau:

Pháp môn tìm thấy trên non cũ
Đăng hỏa mười năm rạng cự môn
Cung kiếm trao truyền trong nhật dụng
Hoa đào nở sáng khắp cô thôn.

Pháp môn là cái mà Bụt trao truyền lại để mình có thể tháo gỡ những đau khổ của mình. Non cũ là núi Linh Thứu và cũng là núi Thệ Nhật, chùa Pháp Vân. Đăng hỏa là đèn lửa, tức là công phu đêm ngày. Mười năm là phải tu tập tinh chuyên trong vòng mười năm thì ánh sáng mới bắt đầu tỏa rạng trong gia đình của mình, gia đình huyết thống và tâm linh. Cự môn là một gia tộc lớn. Đèn lửa ở đây tức là công phu thiền tọa, kinh hành, dùng gươm trí tuệ để diệt trừ phiền não. Sau khi được truyền đăng ta phải hạ thủ công phu trong vòng mười năm để làm cho sáng lên gia nghiệp của cha ông. Cung kiếm mà Thầy trao truyền cho con là để con sử dụng trong đời sống hằng ngày chứ không phải để con bỏ trong rương rồi khóa lại. Hoa đào nở sáng khắp cô thôn là cảnh tượng của hạnh phúc, của một mùa xuân đạo pháp. 

 

Muốn có cảnh tượng đó xảy ra trên quê hương mình thì mình phải thực tập những điều mà mình đã được trao truyền. Đó là nghĩa cung kiếm trao truyền trong nhật dụng. Lưỡi gươm trí tuệ mà bồ tát Văn Thù đã sử dụng, chúng ta cũng đã được trao truyền. Đó là phương pháp chỉ, dừng lại, và phương pháp quán, nhìn sâu để thấy bản chất của khổ đau. Và ta phải thực tập ngày đêm để chuyển hóa những tập khí trong ta. Dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau cho chúng con và cho mọi giới. Nếu mình không cởi trói cho mình được thì làm sao mình có thể mong cởi trói cho người khác?

Lạy đức bồ tát Phổ Hiền, chúng con xin học theo hạnh nguyện của bồ tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống. Ta đi vào cuộc sống với hành trang nào, nếu không phải với con mắt và trái tim của ta? Con mắt nào có thể đem vào cuộc đời nếu không phải là con mắt của Văn Thù Sư Lợi? Nếu không có con mắt ấy, đi vào cuộc đời ta sẽ bị cuộc đời kéo theo như một dòng nước lũ. Anh đã có con mắt ấy chưa, em đã có con mắt ấy chưa? Nếu chưa có con mắt ấy thì đừng nên vội vã đi vào trong cuộc đời để trở thành chàng dũng sĩ trong truyện Cửa Tùng Đôi Cánh Gài. Ta phải có con mắt của bồ tát Văn Thù và trái tim của bồ tát Quan Thế Âm để đi vào đời. Mà có con mắt của Văn Thù và trái tim của Quan Thế Âm thì ta cũng trở thành bồ tát Phổ Hiền, nghĩa là mình có bàn tay hành động của bồ tát Phổ Hiền. 

 

Trong bồ tát Phổ Hiền có bồ tát Quan Âm và bồ tát Văn Thù. Các vị bồ tát có mặt trong nhau. Chúng con nguyện buổi sáng dâng niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ. Đạo pháp không phải là vấn đề miệng lưỡi, đạo pháp là vấn đề thực tập. Anh làm sao để buổi sáng có thể gây niềm vui ít nhất cho một người, và buổi chiều ít nhất làm cho một người bớt khổ. Những điều anh nói không đủ để tạo ra sự chuyển đổi đó. Ta đâu có cần làm chi nhiều. Ta chỉ cần đi, đứng, nằm, ngồi, ăn sáng cho có chánh niệm là đã có thể gây niềm vui cho rất nhiều người rồi. Khi trả lời cho anh, cho em, mình trả lời bằng một nụ cười, đó đã là trái tim của sự thực tập. Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự. 

 

Đây là một câu nói diễn tả được giáo lý của Làng Mai: hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Trong liên hệ giữa mình và người kia, nếu kẻ kia khổ đau thì đố mà mình có hạnh phúc cho được. Làm cho kẻ kia nở được nụ cười là mình đã thấy nhẹ trong lòng. Trên con đường của lý tưởng ta phải làm sao cho con đường ta đi trở thành một con đường vui, bởi nếu không vui thì tu để làm gì? Điều này ta phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ngoài đời người ta đã rầu rĩ khổ đau rồi, mình đi tu mà cũng rầu rĩ khổ đau nữa thì đâu có thể giúp đỡ được ai? Trong bài Quy Nguyện có câu: "Tăng là đoàn thể đẹp, cùng đi trên đường vui". Ngày nào cũng phải có niềm vui. Nếu chưa biết làm cho mỗi giây phút trong đời sống hằng ngày trở thành một giây phút an lạc thì mình chưa nắm được phép tu. 

 

Tu với nhau là hợp tác với nhau để tạo ra niềm vui trong đời sống hằng ngày. Ta sẽ được nuôi nấng bởi những niềm vui đó. Tu là nghệ thuật làm ra niềm vui và chuyển hóa khổ đau. Phải đem tài năng và sáng kiến của mình ra để áp dụng trong sự tu tập, làm thế nào để ngày nào tăng thân cũng vui như hội, vui như tết. Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ và mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho người. Mình có thể giàu sang hơn mình tưởng. Mỗi cử chỉ đều có thể đem lại hạnh phúc cho người ta, vậy mà mình cứ quen thói hà tiện. Chúng con biết rằng nếu chúng con siêng năng tu tập thì tự thân chúng con là một nguồn an lạc bất tuyệt cho những người thân yêu của chúng con và cho cả muôn loài. Ta rất giàu có, ta có thể bố thí, ta có thể đem lại niềm vui cho rất nhiều người, có thể ban bố hạnh phúc cho mọi loài. Chỉ cần sống cho tỉnh thức để bồ tát Quan Âm có mặt trong trái tim, để bồ tát Văn Thù có mặt trong hai mắt, thì tự nhiên những cử chỉ, những hành động, những lời nói của ta sẽ tạo ra niềm vui.

Lạy đức bồ tát Địa Tạng, chúng con xin học theo hạnh bồ tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự để có thể đem đến nơi ấy niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai không còn lối thoát, những ai còn bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình nhân phẩm và quyền được làm người. Có những lúc ngồi dưới đáy vực thẳm nhưng chúng ta không có cách nào để có thể truyền thông được với bên ngoài, có những người đang bị kẹt vào những tình huống khó khăn và tuyệt vọng. 

 

Hiện giờ trên thế giới có rất đông những người như vậy. Họ đang bị kẹt vào trong những tình huống rất tuyệt vọng và khó khăn mà không thể nào truyền thông với thế giới bên ngoài. Nếu không có bồ tát Địa Tạng thì ai có thể đem ánh sáng tới những vùng đó? Trong thế giới chúng ta có rất nhiều người trẻ muốn làm những vị bồ tát Địa Tạng, muốn đem ánh sáng tới những vùng xa xôi và sâu thẳm như vậy. Ở trong một khung cảnh đầy đủ về vật chất, có dân quyền, có tự do, vậy mà chúng ta lại giận hờn nhau, ganh tị với nhau, rồi xâu xé nhau. Chúng ta đau khổ mà không biết rằng cái đau khổ của chúng ta không thấm gì với những đau khổ của những người hiện đang ở trong những tình huống của địa ngục. Chúng ta phải tu tập như thế nào để trở thành một Địa Tạng trong vô số các vị Địa Tạng. Và cánh tay của ta phải với tới được những tình trạng khổ đau và tuyệt vọng đó.

Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người đang còn bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai đang không còn lối thoát, những ai đang bị bưng bít, không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế. Địa ngục có thật. Có những vị Địa Tạng đang tìm tới những nơi như thế. Có địa ngục vắng Địa Tạng, nhưng có những địa ngục bắt đầu có mặt Địa Tạng. Chúng ta phải nhận diện sự có mặt của những địa ngục đó ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta không cần phải đi tới một cõi nào xa xôi mới thấy địa ngục. Địa ngục nằm ngay bên hông của chúng ta. 

 

Trong những thành phố lớn như Chicago, như New York, như Manila, như thành phố Saigon. Hoặc ngay ở Paris cũng có những vùng địa ngục. Chúng ta phải khám phá ra những ổ địa ngục đó, để đưa bàn tay Quan Thế Âm tới. Ta phải nhờ bồ tát Địa Tạng dẫn ta tới. Đôi khi ta tưởng rằng ta không góp phần tạo ra các địa ngục đó, nhưng kỳ thật có thể là ta đã tiếp tay xây dựng chúng. Ta là đồng lõa. Ta bận rộn tiêu thụ. Và trong cuộc sống hằng ngày, ta kẹt vào những nhỏ mọn, ganh tị, buồn chán mà không biết rằng có những địa ngục đang được dựng lên chỗ này và chỗ khác. Và thái độ thờ ơ bất cần của chúng ta là một yếu tố giúp vào việc dựng lên những địa ngục như vậy trên trần gian. Chúng ta phải nói rất rõ là tôi không muốn tiếp sức vào sự xây dựng những địa ngục đó. 

 

Trái lại chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt tới đức vững chãi và kiên trì của đất. Bồ tát Địa Tạng có hai đức lớn là đức vững chãi và đức kiên trì. Có vững chãi thì mới kiên trì được. Kiên trì là không bỏ cuộc một cách dễ dàng, khó khăn cách mấy cũng bám lấy. Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng. Đất kiên và hậu nghĩa là vững và dày. Quảng hàm tàng là chứa đựng nhiều, trong ấy có tình thương, sự hiểu biết, có thể nâng đỡ, có thể làm chỗ nương tựa. Đó là lời khen ngợi bồ tát Địa Tạng. Chúng con nguyện tu học để đạt tới đức vững chãi và kiên trì của đất để trở thành trung kiên và không kỳ thị như đất, và cũng được như đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con. 

 

Đất là không kỳ thị, bởi khi ta đổ phân rác vào đất thì đất cũng chấp nhận, đổ sữa vào đất thì đất cũng chấp nhận, vì đất chuyển hóa được sữa, đất chuyển hóa được phân rác. Đất có khả năng xả, nghĩa là không kỳ thị, không phân biệt, chấp nhận được tất cả để có thể chuyển hóa. Ta hãy tự hỏi ta có khả năng làm chỗ nương tựa cho người khác hay không khi ta không có đức vững chãi, không có chiều dày. Vậy nếu ta thấy con người ta còn mong manh, đức ta còn mỏng, ta chưa có đủ vững chãi thì ta phải tu tập như thế nào để càng ngày ta càng có thêm vững chãi mà làm chỗ nương tựa cho những người khác.

Chúng ta đã biết Địa Tạng không phải là một nhân vật thần thoại, Địa Tạng có thật bây giờ và có thể đang ở trong tù để giúp những người bạn tù. Do đó chúng ta không nên phí thì giờ vào những chuyện vô ích không đâu vì chúng ta có thể đóng vai của bồ tát Địa Tạng ngay bây giờ và ở đây, đưa cánh tay ra mà tiếp xúc với những khổ đau không bờ không bến trong những địa ngục đang có mặt ở khắp nơi trên thế giới.

Quán Nguyện

Lạy đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con xin nguyện ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.

Lạy đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Chúng con xin tập nhìn với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập nhìn với con mắt không thành kiến. Chúng con xin tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau, để thấy được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn vật. Chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau cho chúng con và cho mọi giới.

Lạy đức Bồ Tát Phổ Hiền, chúng con xin học theo hạnh nguyện của Bồ Tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống. Chúng con xin nguyện buổi sáng dâng niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ. Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự. Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ và mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho người. Chúng con biết rằng, nếu chúng con siêng năng tu tập, thì tự thân chúng con có thể là một nguồn an lạc bất tuyệt cho những người thân yêu của chúng con và cho cả muôn loài.

Lạy đức Bồ Tát Địa Tạng, chúng con xin theo hạnh Bồ Tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự, để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai đang không còn bị lối thoát, những ai bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế; trái lại, chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Đất, để có thể được trung kiên và không kỳ thị như Đất, và cũng được như Đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con.

Làng Mai
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2016(Xem: 16539)
Đôi lời về Xá Lợi Phật_Lạt Ma Zopa Rinpoche_Hồng Như dịch, Bảo Tháp thờ Xá Phật còn sót lại ở Thành Tỳ Xá Ly, Ấn Độ (hình phái đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ của Tu Viện Quảng Đức tháng 11-2006)
21/03/2016(Xem: 4929)
Ở đây chúng ta cũng nên định nghĩa về hai chữ "tình yêu" (Liebe) và "tình thương" (Barmherzigkeit) nó khác nhau hay giống nhau ở điểm nào? Khi người ta nói đến tình yêu, tức giới hạn giữa con người và con người như nam và nữ yêu nhau hay giữa con người và động vật cũng như cảnh vật chung quanh mình. Tình yêu luôn có sự chấp ngã và hay bi lụy về đối tượng mình đang yêu, nhưng khi không được yêu và tự ngã của người nam hay người nữ bị tổn thương thì tình yêu ấy không còn là tình yêu nữa, mà đôi khi còn trở nên thù hận với nhau. Khi người nam yêu người nữ có nghĩa là người đàn ông ấy muốn chiếm hữu riêng người đàn bà kia về cho mình, còn khuynh hướng của người nữ là khuynh hướng nương tựa, nếu đối tượng là người nam mà giới nữ không còn nương tựa được nữa thì tình yêu ấy trở nên xa cách và nguội lạnh dần, không mặn nồng như thuở ban đầu nữa.
09/09/2015(Xem: 9271)
Như cố thi hào Nguyễn Du đã nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Đừng nên trách lẫn trời gần, trời xa”. Nghiệp như cái bóng theo hình, một ngày chưa chứng thánh quả A La Hán thì cho dù trên trời, dưới đất, trong hư không nó đều bám theo. Nghiệp quả thật ghê gớm. Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, muôn hình vạn trạng, có nặng có nhẹ mà chỉ chư Phật mới thấu rõ hết về chúng. Nếu quý vị muốn biết thì nên đọc qua Thủy Sám Pháp Văn hay Kinh Địa Tạng… thì cũng sẽ thấu hiểu được phần nào.
12/07/2015(Xem: 10262)
Quan Thế Âm Bồ Tát Tầm Thinh Cứu Khổ Phổ Môn Thị Hiện Đồ. Bản dịch của Viên Huệ Dương Chiêu Anh
03/04/2015(Xem: 15640)
Phổ Hiền thập đại nguyện hạnh là nội dung hạt nhân trong việc tin ngưỡng và tu trì của Bồ Tát Phổ Hiền, xuất phát từ Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm. Phật Giáo Hán truyền coi Bồ Tát Phổ Hiền là biểu tượng cho đại hạnh thực tiễn, cùng với Bồ Tát Quán Âm (biểu tượng cho Từ Bi), Bồ Tát Văn Thù (biểu tượng cho trí tuệ), Bồ Tát Địa Tạng (biểu tượng cho thệ nguyện); cùng hình thành nên nội hàm tín ngưỡng và tinh thần tiêu biểu của bốn tâm hạnh Bi-Trí-Nguyện-Hạnh của Phật Giáo Đại Thừa.
21/01/2015(Xem: 7661)
Phía Tây của Long thành, phía Nam của Tản sơn, thẳng ra ngoài cõi Ai Lao, Xiêm La, có một nơi gọi là Hương Tích Sơn, nằm giữa Bắc kỳ, Nam hải, nơi ấy là động thiên bậc nhất vậy. Núi thì đặc thù, nước thì tú lệ, cảnh trần tịch tĩnh, nơi cầu tự cầu tài, chốn chữa bệnh trừ tai. Mỗi năm Xuân về, không dưới ba vạn người, có người ở gần về dự, có người ở xa ngàn muôn dặm cũng đến. Tiếng linh diệu lớn lao, rung động mắt tai người, rõ ràng là “thần quyền thời đại”, thật lạ thường thay. Ngoài núi non và con người, Hương sơn mà xa cách một ngày như ép buộc đi đến trần cương; ba mươi năm qua trọn chẳng đến một lần, nỗi buồn nào như đây; ngày nay năm mươi sáu tuổi vẫn còn viện cớ. Sức thuyền từ một phen đưa chuyển, kết quả có thể xuyên qua, đến nước lên non, niềm vui có thể nhận biết.
21/01/2015(Xem: 10142)
1. Chân như đạo Phật rất mầu Tâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân, Hiếu là độ được song thân Nhân là cứu độ trầm luân muôn loài. 5. Thần thông nghìn mắt nghìn tay Cũng trong một điểm linh đài hóa ra,
06/01/2015(Xem: 10939)
Mẹ tôi tin “chắc như đinh đóng cột” vào sự linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Mẹ nhất quyết: bất cứ ai, hễ gặp bất trắc, tai nạn khổ đau mà thành tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì Ngài sẽ cứu độ cho tai qua nạn khỏi. Nếu không được ngay thì sớm muộn mọi sự cũng hanh thông tốt đẹp! Mẹ tôi nhắc nhở con cháu và mọi người quen lạ nên thành tâm cầu nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm! Và câu niệm “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” đã nhập tâm và theo mẹ tôi suốt cho đến cuối đời.
30/10/2014(Xem: 14605)
Lắng nghe giọt nước cành dương Tịnh bình ban rải tình thương muôn trùng Như lai Bồ Tát viên thông Thanh lương cam lộ tắt dòng khổ đau
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com