Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng gọi của biển khơi

16/04/202407:21(Xem: 1092)
Tiếng gọi của biển khơi

tieng goi cua bien
Tiếng gọi của biển khơi

 

Chiều về trên sông vắng, dòng sông Long Hồ chảy xiết vào mùa nước lũ, bao bọc quanh cái huyện Long Hồ, nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Vĩnh Long, bị Sông Tiền chia cắt thành hai khu vực trông giống như hình một con chó bông nhìn nghiêng. Về vị trí địa lý Long Hồ giáp với nhiều huyện lỵ, tỉnh thành nổi tiếng như: phía Đông giáp huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre, phía Tây giáp thành phố Vĩnh Long và huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp huyện Tam Bình và phía Bắc giáp 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang với ranh giới là Sông Tiền. Một vùng sông nước liên kết như thế là nơi bà Mộng Chi chọn lựa để kinh doanh kiếm tiền trong thời buổi gạo châu củi quế hồi sau giải phóng 75.

 

Nhưng sâu thẳm trong đáy tim, Mộng Chi đâu muốn làm giàu trong cái xã hội chủ nghĩa này đâu! Nàng đã quá chán ngán, chỉ muốn tìm đường vượt biên cùng đại gia đình với chồng và bốn người con, hai trai, hai gái, nếu được kéo theo các anh chị em trên dưới ít nhất mười người. Chưa kể bạn bè, họ hàng quyến thuộc cũng đến hơn ba chục người, đông thế làm sao đi được! Do đó Mộng Chi phải đứng ra làm chủ tàu, thuê tài công lái tàu, đi mua Lu ở lò gốm Bình Dương, đem về Sài Gòn - Thủ Đức bán sỉ cho các sạp tiệm. Nàng có giấy phép buôn bán hai chiều! Ngày nào tàu của nàng cũng lượn tới  lượn lui trên sông Tiền Giang mấy lượt.

 

Nói đến cái giấy phép kinh doanh của Hợp Tác Xã ở Quận 4 gần Cầu chữ Y khiến Mộng Chi muốn phì cười! Giao kèo song phương cơ đấy! Bên A tức bà chủ ghe Mộng Chi sẽ đem hàng hóa từ Sài Gòn, Bình Dương, thượng vàng hạ cám cái gì cũng quý, chở xuống Vĩnh Long đổi sản phẩm. Bên B tức cái Hợp Tác Xã thổ tả nằm gần chợ Vĩnh Long sẽ giao lại các hiện vật sản phẩm bóc lột từ sức lao động của người dân như chai lọ đồ Gốm, đến giỏ đan, chiếu mây... Người dân ở đây đa số là thành phần được gán cho danh hiệu con cháu "Ngụy quân, Ngụy quyền", sống trên thành phố với nhà cao cửa rộng. Nhưng từ khi làn gió "Giải Phóng" thổi đến, ông của họ, bố của họ bị bắt đi cải tạo gần hết, nghĩa là bị giam giữ, bị bắt đi lao động là vinh quang và tệ hơn nữa là bị tẩy não! Vợ con của họ bị đuổi đi vùng kinh tế mới và dĩ nhiên có người yêu núi yêu rừng thì khai khẩn trồng trọt, còn một phần tiểu thư chân yếu tay mềm thì vào Hợp Tác Xã đan giỏ, đan chiếu đánh đổi qua ngày. 

 

Mộng Chi đi buôn nhưng nàng thèm vào hợp đồng hai chiều với bọn chúng. Nàng chỉ lo sửa soạn các vật liệu đồ dùng cho chuyến vượt biên, chẳng hạn thuyền của nàng được trang bị thật kiên cố, đầu mũi thuyền và cả mạn thuyền được bọc sắt trắng để chống bão. Mỗi lần nàng ghé chợ Vĩnh Long mua sắm, các người chung quanh tình cờ thấy chiếc ghe của nàng đều xì xào bàn tán khiến nàng thấy „ốt dột“ làm sao:

 

-   Ghe bọc sắt như thế này là để vượt biên, chứ đi buôn bán gì?

 

Thôi để ngoài tai các câu khích bác, miễn sao công an không hỏi han gì là được. Khi đi ngang qua sông Trà Ôn, nàng nhớ tới ông hoàng cải lương Út Trà Ôn với giọng ca ngọt ngào da diết, không biết cậu Út bây giờ ra sao? Dư âm của vở tuồng cải lương Tuyệt Tình Ca tức Ông Cò Quận 9 của soạn giả Hà Triều Hoa Phượng còn văng vẳng bên tai. Sau "giải phóng", cơm không có để ăn phải đệm bo bo, lấy đâu ra cải lương với cải cách để coi! Mộng Chi chỉ muốn chửi thề:

 

-   Giải Phóng cái con mẹ gì! Đi xâm chiếm miền Nam thì có, làm bà đây mất hết!

 

Đi giữa trời sông nước mênh mông, không có tên cán bộ hay công an nào theo dõi nàng mới xả nỗi uất ức từ bấy lâu. Từ một tiểu thư con gái rượu của một vị Bác sĩ Khoa trưởng trông coi biết bao bệnh xá ở Quy Nhơn, lấy chồng tạo dựng biết bao cơ ngơi, ít nhất 3 cái nhà ở Phú Cát - Quy Nhơn, rồi Ban Mê Thuột và cuối cùng ở Thủ Đức, thế mà bị mất hết, phải bỏ của chạy lấy người, mất không còn manh giáp…!!! 

 

Chuyến đi buôn đầu tiên của Mộng Chi cũng là chuyến vượt biên đầu tiên của nàng. Trên chiếc ghe lớn chỉ được quyền chứa tối đa bốn người, bà chủ ghe và ba người tài công, thêm một cậu bé ba tuổi, con trai út của Mộng Chi và Thiện chồng nàng, một tài công giả chỉ có tên trên giấy tờ. Nếu chở đông công an biển sẽ tra hỏi và vu cho tội vượt biên trái phép chỉ có ở tù. Vậy làm sao chở thêm người? Đây là cả một đường dây chia chác, tòng phạm đưa người ra hải phận quốc tế, một canh bạc trắng đen chỉ có hai đường một sống hai chết mà thôi! 

 

Để chơi canh bạc này Mộng Chi phải trả với giá 18 cây vàng, cho nhóm người được gọi là "Đề-lô". Phận sự của họ chỉ là gom người vượt biên nấp trong các bụi cây đã hẹn sẵn, đưa ra các Taxi là những ghe nhỏ giao cho chủ ghe lớn, rồi chỉ đường cho tàu chạy ra hải phận quốc tế là an toàn, không sợ công an Việt Nam bắt lại. Dĩ nhiên họ phải mua bãi và giờ khởi hành là sau mười hai giờ đêm cho kín kẽ.

 

Chỉ có việc đưa ra hải phận quốc tế mà đòi đến 18 cây vàng thì hơi bóc lột, nhưng Mộng Chi phải chấp nhận vì sông ngòi vùng Vĩnh Long bị đóng cồn, rất khó ra hải phận quốc tế. Nếu không phải tay nghề vùng sông nước thì ghe sẽ loay hoay vướng vào các đụn cát hay rễ cây cho tới sáng để chờ ghe công an biển tới còng tay. 

 

Hôm đó là một ngày nắng đẹp và tốt trời, Mộng Chi đã nhờ thầy bói bí mật bấm đốt ngón tay xem tuổi rồi cho ngày tốt để khởi hành. Mười tám cây vàng đã giao đầy đủ, xăng dầu, thức ăn khô, thuốc say sóng và vũ khí để tự vệ ngoài dao kéo còn súng ống của các Sĩ quan thời Việt Nam Cộng Hòa, tất cả được giấu kín trong những kiện hàng trá hình của tàu buôn, toàn là lu, lọ để ngổn ngang. Ghe của Mộng Chi đang lượn tới lượn lui trên Sông Tiền rất nhàn nhã, đến xế chiều bỗng chú tài công "thiệt" hớt hải cầm tờ giấy nhầu nát đến báo tin, tài công "giả", chồng của Mộng Chi đã bỏ trốn về Thủ Đức, để lại hàng chữ chết người, mẹ chàng đang đau nặng phải trở về. 

 

Mộng Chi thở dài não nuột, đành quyết định hoãn chuyến đi và tiếc đứt ruột cho 18 cây vàng, mất toi một cách oan uổng! Thiện có lý do chính đáng, không thể không về nhìn mẹ lần cuối cho tròn chữ hiếu! 

 

Ba ngày sau, nàng đã móc nối lại với đường giây, trả đủ 18 cây vàng không thiếu một phân chỉ. Chuyến vượt biên lần thứ hai này nàng cũng đi coi ngày cho yên tâm, thầy nói ngày tốt là khởi hành thôi! Lần này Thiện cùng hai con nhỏ và các em gái trai rất đông, sẽ được đón bằng 2 chiếc Taxi (ghe nhỏ chở người ra). Chuyện giao người ra sông được tổ chức rất chu đáo, khoảng xế chiều mọi người đã tề tựu tại điểm hẹn, đợi trời tối sẽ chia nhau nấp trong những bụi cây ngoài bãi chờ giờ đổ quân khoảng 12 giờ đêm.

 

Ghe của Mộng Chi đã chờ sẵn ngoài sông, nhưng nàng phải chờ hoài chờ mãi chẳng thấy bóng dáng người thân thương, đặc biệt là hai đứa con nhỏ bé của nàng. Chưa bao giờ nàng cảm thấy thời gian như kéo dài đến thế! Khi tiếng súng hiệu bắn ra, báo tin đã hết giờ mua bãi, Mộng Chi muốn ngã quỵ bất tỉnh. Anh Hai của nàng ra quyết định phải nhổ neo cùng 40 người đồng hành trên tàu, nếu không anh sẽ bị ở tù! Câu nói chắc nịch của anh Hai làm nàng không dám phản kháng, chỉ đau đớn suy nghĩ. Tại sao chồng nàng không chịu xuống ghe cùng đi, lại còn cản trở những người khác nữa. Nguyên dòng họ nhà chàng và hai đứa trẻ nhỏ con chàng cũng nằm yên trong bụi chờ lệnh chàng. Bên ngoài bọn người "Đề-lô" kêu gọi thảm thiết, thế mà chàng vẫn nằm yên không chịu chui ra. Mộng Chi thề không hiểu được!

Thôi, cứ đổ cho định mệnh đã an bài! 

 

Ghe của bọn "Đề-lô" chạy trước chỉ đường, tàu của Mộng Chi cứ việc nhắm mắt chạy theo, nhưng chưa ra tới hải phận quốc tế họ đã nói dối là đến rồi và muốn phủi tay quay về. Nhóm người của Mộng Chi đã ngừa trước những sự dối trá của lòng người, nên không dễ để bị lừa. Ngay từ đầu họ đã bắt một con tin trong nhóm lên ghe lớn để chỉ đường, đối xử rất bình thường, nhưng khi họ muốn trở mặt thì một chú tài công đã lôi khẩu súng lục ra dí vào đầu bắt đi tiếp. Bọn họ xanh mặt tiu nghỉu như mèo mất đuôi! Tưởng gặp ai chứ đụng phải cô con gái ba mươi tuổi của bà cụ được mệnh danh là "Nữ Đại Tướng" của vùng chiến thuật Quy Nhơn ngày nào là tới số! 

 

Cuối cùng bọn đề-lô cũng đưa tàu của Mộng Chi đi thêm một đoạn nữa ra đến hải phận quốc tế an toàn. Tàu đi được một ngày một đêm trong tình trạng trời yên biển lặng, nếu cứ như thế mãi chắc nàng nghĩ hai từ vượt biên thật đáng yêu và đáng phải làm. Biết thế mình đã vượt biên từ sớm hơn rồi! Nhưng vui mừng chưa được bao lâu thì trời nổi cơn giông, sấm chớp chóe lên liên hồi khiến mọi người sợ hãi. Từng đợt sóng vũ bão đập vào mạn chiếc ghe nhỏ bé chứa gần bốn mươi người, khiến chiếc ghe chòng chành muốn lật. Những tiếng la, tiếng khóc của người lớn lẫn trẻ con làm mọi người thêm rắm rối, Mộng Chi bắt đầu niệm Phật và vái tứ phương, nàng nhớ tên Phật nào là gọi ra cho bằng hết, cứ Phật A Di Đà xong đến Quán Âm! Miệng thì niệm, tay thì xoay hết các phương khấn vái, mắt thì khóc đến nhòa cả mặt mũi. Trông nàng thật thảm thương, cộng thêm vết thương lòng vừa bỏ lại người chồng và hai con thơ dại. Cú sốc ấy đã khiến nàng ngã lăn bất tỉnh đến vài giây, nếu không nhờ cô Năm bôi dầu, giật tóc mai gọi hồn gọi vía chắc nàng đã chiêu diêu miền Cực Lạc rồi. Cơn bão tháng 10 quá khủng khiếp làm nàng sợ tới già, nàng nghĩ, sẽ không cho người nhà đi vượt biên nữa, với nàng là quá đủ làm gì có lần thứ hai! 

 

Ghe của nàng đang chiến đấu với Hà Bá hay quái vật nào đó của thủy cung đã gần ba tiếng đồng hồ. Đang thở dốc chờ chết thì có tin vui trước giờ tuyệt vọng, một chiếc tàu màu trắng thật to đang từ từ tiến tới. Chiếc tàu lớn quá, lại treo cờ lạ hoắc với ba màu đen đỏ vàng, không giống cờ Mỹ hay cờ Pháp. Anh Ba tài công la hoảng:

-   Dám tàu của Liên Xô lắm! Bọn công an bắt tay với họ để bắt người vượt biên đó bà con ơi! 

 

Lại nghe tiếng loa kêu gọi:

-   Alô, Alô! Đây là tàu Cap Anamur của Tây Đức, chúng tôi đến để cứu bà con đây! Xin tắt máy! Giữ yên lặng! Chúng tôi đến ngay!

 

Khi nghe được câu "Tàu của Tây Đức" mọi người mới reo hò mừng rỡ. Bao lo sợ bị bắt về Việt Nam ngồi tù đã tan theo mây khói.

Mộng Chi nghe được chữ „Cap Anamur“ đã mừng thầm trong bụng, Thủy bạn nàng đã báo cho nàng biết trước khi đi hai tuần cũng được chiếc tàu này cứu vớt.

Đàn bà, trẻ con được đưa lên trước, rồi từ từ từng người cũng được đưa lên tàu không sót một ai. Thật là cảnh giới khác thường, mới đâu đây còn đói rét lo âu như sống trong lâm bô địa ngục, thế mà bây giờ lại được phát chăn ấm, thức ăn ê hề, thuốc men chữa trị thật giống như trên tiên cảnh.

 

Đứng trên boong tàu nhìn xuống, Mộng Chi không khỏi đau lòng khi thấy các thủy thủ to lớn người Đức dùng các thanh sắt dài nhọn chọc thủng, nhận chìm chiếc ghe vượt biên của nàng. Ôi, biết bao kỷ niệm, tiền bạc bỏ vào, giờ đây phải cách chia. Nhưng không còn lựa chọn nào khác hơn, hoặc chiếc ghe bị nhận chìm đi theo Hà Bá, hoặc là nàng hay có thể cả hai ??!!

Mộng Chi và đoàn của nàng gồm 40 người đều sống sót, chẳng bị cướp biển, chẳng bị bỏ đói hay thuyền chìm, thê thảm như bao nhiêu người khác. Phải chăng phước đức của những người trên tàu quá lớn nên gặp vận may được thuyền Cap Anamur của ông Dr. Neudeck cứu rỗi. Ơn này lớn lắm, cứ để từ từ họ sẽ đền đáp sau.

 

Trên chiếc tàu Cap Anamur rộng lớn, nhóm người của Mộng Chi chỉ việc ăn rồi đi thơ thẩn trên boong tàu, nhìn trời, nhìn biển, nhìn đại dương sâu thăm thẳm, chứ không nhìn thấy đất liền. Họ phải ở trên đó bao lâu nữa mới được đưa tới các trại tỵ nạn? Tùy theo số người được vớt lên, ít nhất phải đạt được con số 410 đầu người như đã quy định, thế nhưng thời gian này tàu vớt không đủ số nên nhóm người của Mộng Chi phải chờ hơi lâu.

 

Sau ba tuần lễ được ăn không ngồi rồi đến phát sốt cả ruột, những lúc có cơ hội nói chuyện với bác sĩ Phi, sống ở vùng Koeln, thích làm thiện nguyện nên theo chiếc tàu "Bồ Tát" này lênh đênh trên biển cứu người. Nàng hay tâm sự, hỏi bác sĩ Phi, nên chọn nước nào đi định cư để bảo lãnh chồng con cho mau. Ông ấy cười rồi giải thích:

-    Nếu thế chị nên chọn nước Đức, chỉ tối đa hai năm là đoàn tụ ngay.  Còn sang Mỹ ư! Hơi lâu đấy! Có khi từ tám đến mười năm. 

 

Nghe xong câu này nàng yêu ngay nước Đức! Xin nhận nơi này làm quê hương thứ hai. 

 

Khoảng thời gian này thuyền vớt lên một nhóm người mới, có một nhân vật nổi trội ai cũng ưa thích và ngưỡng mộ mặc dù chưa biết mặt, đó là nhạc sĩ Từ Công Phụng với bài hát đầu đời "Bây giờ tháng mấy", thời kỳ đầu 70 ai ai cũng ra rả hát cả ngày, con nít ngoài ngõ thì đổi lời một cách vô văn hóa  "Bây giờ mấy tháng rồi hỡi em!". Từ ngày có chàng nhạc sĩ đẹp trai, đàn hay hát giỏi, tối nào cũng có màn văn nghệ bỏ túi giúp vui cho bà con đỡ nhớ nhà. Mộng Chi nhớ mãi hình ảnh chàng nhạc sĩ cầm đàn Ghi-ta đệm theo bài hát "Như chiếc que diêm", hát thật bay bổng truyền cảm và thiết tha. Nàng cũng có tâm hồn văn nghệ mà! Vào những năm mới tròn mười tám nàng cũng trong ban thi ca của Đài Phát thanh Quy Nhơn, giọng ngâm thơ của Mộng Chi cũng vang bóng một thời!

 

Anh Hai của nàng là Giáo sư Vạn Vật của Trường Cường Để ngoài Quy Nhơn, lúc trước anh dạy tại Trường Duy Tân ở Phan Rang, nên mối nhân duyên thầy trò với nhạc sĩ Từ Công Phụng mới được nối lại trên chiếc tàu Cap Anamur. Người học trò nghệ sĩ thành danh này gặp lại Thầy cũ rất vui mừng, tối nào cũng xáp lại trò chuyện nhắc lại chuyện xưa. Bên bàn bên kia thì hai nàng Mộng Chi và vợ của chàng nhạc sĩ tâm tình xứ thượng đến tận khuya, vì người đẹp của nhạc sĩ rất có khoa ăn nói! 

 

Họ ở chung với nhau trên tàu được 2 tuần thì phải chia tay. Người chọn khung trời Âu u ám nhưng hiền hòa, kẻ chọn xứ sở Hiệp Chủng Quốc rộng lớn để vẫy vùng. Mặc dù số người được vớt chưa đủ tiêu chuẩn để tàu nhổ neo, chỉ hơn quá nửa, nhưng Mộng Chi đã ở trên tàu gần 5 tuần, không thể chờ mãi. Mộng Chi được đưa đến trại tỵ nạn Galang của Indonesia chờ ngày đến nước Đức. Còn vợ chồng chàng nhạc sĩ được đưa tới Singapore để làm thủ tục đi Mỹ. 

Mộng Chi đến xứ Đức vào tháng 12 năm 1980, trên chuyến bay từ thủ đô Jakarta xứ Indonesia đến Frankfurt.

 

Về sau này Mộng Chi được anh Nguyễn Hữu Huấn, người làm việc chung với ông Dr. Neudeck trên chiếc tàu Cap Anamur, đã gửi cho một văn bản ghi rõ những chi tiết về chuyến cứu vớt chiếc tàu vượt biên của bà chủ ghe Mộng Chi:

 

. Ghe gồm 40 người, phát xuất từ Vĩnh Long ngày 2 tháng 10 năm 1980, chạy dọc theo sông Cổ Chiên, chạy ngang qua sông Cồn Phụng, Cồn Bần và Cồn Nghêu rồi ra cửa biển.

 

.  Ngày 5 tháng 10 năm 1980 được tàu Cap Anamur vớt tại tọa độ 06.37'N 106.56'E, cách phía Nam Côn Sơn ca. 250 km, cách phía Đông Nam Cà Mau ca. 300km và cách phía Đông Mã Lai ca. 400 km.

 

. Tổng cộng chuyến Cap Anamur 12 cứu được 8 ghe, tất cả gồm 389 người. Ghe của Mộng Chi là ghe thứ nhất được cứu trong chuyến này. 

 

.  Bản đồ địa điểm ghe được vớt (đánh dấu x).

 

 

Khả năng nhận diện tàu lạ của Radar tàu Cap Anamur chỉ trong vòng chu vi 70 cây số đường biển, cái ngày định mệnh mùng 5 tháng 10 năm 1980 ấy, nếu ghe của Mộng Chi không nằm trong vòng phủ sóng của Cap Anamur thì tất cả 40 thuyền nhân trên ghe đã theo Hà Bá xuống chầu Diêm Vương bằng đường thủy. Cái may của họ là Cap Anamur vừa nhận tin báo khẩn cấp, một cơn bão thần tốc sẽ thổi qua vịnh Thái Lan, nằm trên tuyến đường của các thuyền nhân xuất phát từ miền Nam, nên họ phải khởi hành gấp để cứu người và ghe của Mộng Chi là chiếc ghe mở hàng đầu tiên được vớt trong chuyến này.

 

Cuộc đời của Mộng Chi từ đây thay đổi như thế nào trên xứ Đức mến yêu, còn phụ thuộc vào khả năng sinh tồn và bản lĩnh có sẵn của nàng, cho đúng với câu vè dân giã thời bấy giờ:

 

"Một là Con nuôi Cá,

  hai là Con nuôi Má,

  ba là Má nuôi Con".

 

Thật là đơn giản cho 3 trường hợp sẽ xảy ra cho những người can đảm dám vượt biên, nếu thất bại sẽ chết dưới biển làm mồi cho cá, còn thành công sẽ đi làm lấy tiền gửi về nuôi má và xui xẻo nữa là bị bể bắt ở tù thì má sẽ lặn lội đi thăm nuôi. 

Cuộc đời của Mộng Chi từ đây thay đổi như thế nào trên xứ Đức mến yêu, còn phụ thuộc vào khả năng sinh tồn và bản lĩnh có sẵn của nàng, cho đúng với câu vè dân giã thời bấy giờ:

 

"Một là Con nuôi Cá,

  hai là Con nuôi Má,

  ba là Má nuôi Con".

 

Thật là đơn giản cho 3 trường hợp sẽ xảy ra cho những người can đảm dám vượt biên, nếu thất bại sẽ chết dưới biển làm mồi cho cá, còn thành công sẽ đi làm lấy tiền gửi về nuôi má và xui xẻo nữa là bị bể bắt ở tù thì má sẽ lặn lội đi thăm nuôi. 

Thật là đơn giản cho 3 trường hợp sẽ xảy ra cho những người can đảm dám vượt biên, nếu thất bại sẽ chết dưới biển làm mồi cho cá, còn thành công sẽ đi làm lấy tiền gửi về nuôi má và xui xẻo nữa là bị bể bắt ở tù thì má sẽ lặn lội đi thăm nuôi. 

 

Một nhà thơ sống trên cảng Hamburg, cũng được chiếc tàu Cap Anamur cứu vớt, đã cho ra những vần thơ tuyệt vời khi nhắc về Biển với bài thơ "Biển vẫn mang màu xanh" của Tùy Anh:

 

Kể từ khi tôi đứng lặng yên. 

Trên boong tàu Cap Anamur. 

Tôi mới thấy nước biển xanh.

Biển hiền lành. 

Nhưng biển đã nuốt bình yên, bao nhiêu sinh linh.

Từ thuở chúng tôi đi tìm Tự Do.

Người Việt Nam vượt biển bỏ cả cơ đồ.

Cho đến bây giờ, người Phi Châu vượt biển mưu tìm đất sống. 

Thì biển vẫn mang màu xanh bình yên. 

 

Nhưng trong màu xanh chấp chứa bao mầm chết. 

Bên trong màu xanh còn chứa bao nhiêu tàn độc. 

Mà như biển vẫn mang màu xanh bình yên, hòa bình, im lặng. 

 

Hoa Lan

Tháng 4 năm 2024



30 thang 4 nam 1975


30.4.2024
Tháng tư đen lại về 
Cầu cho người phương xa
Cầu cho những linh hồn 
Tử vong vì thoát chạy 
đến bến bờ tự do
bởi bàn tay cộng sản 
Sanh về cõi an lành 
Kính nguyện những anh linh 
Nhũng vị tướng giữ thành 
Cùng chiến sĩ Vô danh 
Quyện hồn thiêng sông núi 
Đất nước mình hồi sinh
Việt Nam trời bừng sáng 
Cờ vàng bay phất phới 
Màu ruộng lúa quê hương 
Lúa lên ngập cánh đồng 
Khói cơm chiều quê mẹ 
Tiếng diều bay trong gió 
Xóm làng vui bên nhau
Văng vẳng tiếng chuông chùa 
Người dân cùng đồng niệm 
Quán Thế Âm Bồ Tát 
Mắt từ, thôi bơ vơ
Diệu âm Quán Thế Âm 
Phạm âm, hải triều âm 
Dứt trừ lửa phiền não 
Oán thù đều lui tàn
Việt Nam ơi Việt Nam!
Nghe từ khi chào đời 
Câu hát trên vành môi 
Kêu gọi người thương nhau 
Lửa thiêng trời bừng sáng!
Việt Nam! Mẹ Việt Nam!


Nam Mô A Di Đà Phật 
Offenbach 15/4/2024
Diệu Danh








 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2011(Xem: 3333)
Suy cho cùng, kiếp người hay cuộc tu chỉ là những lần ghé lại đâu đó. Nói ở nghĩa nào thì người ta không ai có thể chung thân với một thứ gì miên viễn. Mình không bỏ nó thì nó cũng xa mình. Ta có thể mất nó, vì nhàm chán hay không còn cơ hội nắm níu. Và cái mà ta yêu nhất cũng có nhiều kiểu bỏ ta ở lại mà đi. Hồi xưa bắt chước theo kinh mà nói thì cái gì cũng là bè cỏ qua sông... Giờ có thêm tí tuổi, nhiều lúc nằm ngẫm nghĩ một mình, thấy câu nói ví von đó hay quá chừng, hay đáo để.
14/01/2011(Xem: 3769)
Cách đây hơn một tuần, trong lúc chuẩn bị nấu nước pha trà buổi sáng, tự dưng lòng tôi nhớ quay quắt những chén trà năm xưa tôi đã từng chia sẻ với Thầy Tâm Phương trong những buổi sáng tĩnh lặng tại ngôi chùa nghèo Quảng Đức ở Broadmeadows. Tôi đã vội gọi Thầy Tâm Phương và hết sức may mắn Thầy vẫn còn nhớ tên tôi..dù rằng Thầy đã quên mất giọng nói quen thuộc của tôi rồi! Thầy rất mừng vì nghe được qua một số Phật tử biết cuộc sống của tôi lúc nầy an nhàn lắm. Tôi thưa với Thầy về cuộc đời hưu của tôi mấy năm gần đây cũng như nói với Thầy là tôi thèm vô cùng được cùng Thầy nhâm nhi lại những chén trà xưa!
14/01/2011(Xem: 3329)
Tôi trở về Huế với một tâm trạng nôn nao bồi hồi! Ba mươi năm sau mới nhìn lại Huế thân yêu, nơi đã cho tôi mật ngọt của ngày mới lớn. Phi trường Phú Bài vẫn vậy, vẫn u buồn ảm đạm dù đã trải qua bao tháng năm cũng chẳng rộng lớn gì hơn. Đã thế, tôi đặt chân xuống phi trường khi trời đã về chiều nên quang cảnh càng hiu hắt thê lương.
07/01/2011(Xem: 3531)
Chuyện Tiền thân Bahiya (Jàtaka 420) kể lại rằng : “Thuở xưa, khi vua Bramadatta trị vì ở Ba-la-nai, Bồ-tát là một vị đại thần của triều đình. Có một nữ nhân thôn quê thân thể béo mập, ăn mặc lôi thôi, làm công ăn lương, đang đi ngang qua gần sân của nhà vua, cảm thấy thân bị bức bách ngồi xuống lấy áo đắp che thân, giải toả sự bức bách của thân và nhanh nhẹn đứng dậy”.
06/01/2011(Xem: 6523)
Tôi và chị chưa hề một lần gây thù chuốc oán với nhau. Vậy mà không hiểu sao ngay từ ngày chạm mặt đầu tiên ở trụ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh, bỗng dưng tôi thấy ghét chị thậm tệ. Và nhìn ánh mắt, vầng trán nhăn nhíu, điệu bộ của chị khi đứng gần tôi vào lúc cuộc họp chuẩn bị khai mạc, tôi cảm nhận, thấy biết được chắc chắn rằng chị cũng chẳng ưa gì tôi, có thể là ghét cay ghét đắng tôi, còn hơn cái mức mà tôi ghét chị. Sao kỳ vậy? Đố kỵ tài năng sao? Không phải.
05/01/2011(Xem: 3243)
Tôi sinh ra và trải qua những ngày tuổi thơ ở Huế. Như vậy cũng đủ để tôi tự hào đã chia sẻ cùng Huế với tất cả những thủy chung của lòng mình. Thế rồi, tôi cũng phải xa Huế đã 30 năm, quê hương đó vẫn rạng ngời trong tâm tưởng. Huế dấu yêu ơi! có bao nhiêu điều phải nhớ: thời thơ ấu ấm áp trôi đi, tuổi học trò thần tiên trong ngôi trường màu hồng ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm cùng với dấu chân của những chàng trai thích đón đưa mỗi khi tan trường. Tôi với Huế biết bao tình thương mến, mỗi con đường, mỗi dòng sông, núi đồi, lăng tẩm, thành quách, chùa chiền là của Huế, là của tôi... Mặc dầu phải tất tả trong dòng đời xuôi ngược và biết rằng Huế là xứ sở thật kỳ, ở thì có điều không ưa nhưng đi xa thì lại nhớ, trong tôi vẫn chan chứa nỗi niềm với Huế. Nói như ai đó: "nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ Huế", nỗi nhớ thấm vào máu thịt, sâu lắng vào tâm hồn của những kẻ tha hương lòng vẫn bùi ngùi mỗi khi nhớ đến và chỉ muốn quay về!
04/01/2011(Xem: 4010)
Bạt: Bài viết “Phật giáo, một sự thực tập” dưới đây là bài đầu tiên trong tập hợp năm bài viết đã được phổ biến trên nguyệt san Triết học (Filosofie), 2004-2005. Đây là những tiểu luận về Phật giáo nhìn từ phương Tây, được viết từ bối cảnh của một truyền thống Phật giáo rất mới, được gọi là Phật giáo Tây phương. Tác giả, tiến sĩ Edel Maex là một nhà tâm lý trị liệu làm việc ở bệnh viện Middelheim tại Antwerpen, Bỉ. Ông là một trong những người sáng lập và ở trong ban điều hành của Trường Triết học Tỉ giảo (School voor comparatieve filosofie) ở Antwerpen. Ông là một người thực tập Thiền.
20/12/2010(Xem: 9729)
Không sinh, không diệt. Không đến, không đi. Đó chính là ý nghĩa nền tảng về một tâm xuân miên viễn. Khi chúng ta nhìn sự vật có sinh có diệt, có đến có đi, lòng ta không khỏi sinh ra những luyến lưu tiếc nuối.
14/12/2010(Xem: 2698)
Đất Bắc Ninh xưa gọi là đạo Bắc Giang, rồi đổi ra trấn Kinh Bắc, một miền phong phú về mặt dân ca, cũng là một vùng nổi tiếng về phong quang cẩm tú, về điền địa phì nhiêu...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]