Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thái Lan và Cha Tôi và Chùa Phật và Chuyến Đi Vượt Biển và Quá Khứ và Hiện Tại

22/02/202420:38(Xem: 1360)
Thái Lan và Cha Tôi và Chùa Phật và Chuyến Đi Vượt Biển và Quá Khứ và Hiện Tại
trinh chinh


Thái Lan và Cha Tôi và Chùa Phật
và Chuyến Đi Vượt Biển và Quá Khứ và Hiện Tại






Tôi lấy tựa đề này vì tôi thích ý tưởng của Nam Lê khi anh đặt tên cho chương đầu tiên trong quyển sách của anh có tên là ‘The Boat’ (Chiếc Thuyền), một quyển sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đoạt được nhiều giải thưởng văn học ở Anh, ở Úc và ở Mỹ. Chương sách đầu tiên đó được tác giả đặt một cái tên khá dài: ‘Love and Honor and Pity and Pride and Compassion and Sacrifice’ (Tình Yêu và Danh Dự và Thương Hại và Kiêu Hãnh và Tình Thương và Hy Sinh).


Đây là một chương sách khá hiếm được tác giả viết rất chân thành và sâu lắng về sự xung đột mãnh liệt giữa anh và cha anh, một người lính trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa và những khó khăn to lớn mà cả hai đều phải trải qua trong những năm tháng đầu tiên đặt chân đến Úc. Giữa một người con trai được nuôi nấng theo tinh thần và giá trị của Á Châu nhưng lại được dạy bảo theo văn hóa của Tây Âu ở trường học lẫn cả trường đời.

Cái hay của những quyển sách cực hay là ở chổ đó. Nó nói lên được những gì mình muốn nói. Và nó ghi nhận lại những kỷ niệm, những chặng đường mà mình đã đi qua chính xác còn hơn là người trong cuộc. Cứ y như là chuyện của mình đã tìm ra được một người viết hộ.

Lúc tôi đọc chương sách này của Nam Lê vào những ngày cuối năm, đến những đoạn anh và cha anh cãi vả to tiếng, anh phải bỏ nhà ra đi trong tiếng khóc nghẹn ngào của người mẹ thì chính tôi cũng đã bị những kỷ niệm riêng tư của mình hơn 3 thập niên về trước tấp nập quay về làm cho tôi không thể nào chú trọng đọc tiếp được. Ba tôi và tôi cũng có những xung đột mãnh liệt như thế.

Là con trai độc nhất trong một gia đình được cho là ‘gia giáo’ (tôi rất ghét hai chữ này lúc mới lớn), cả hai ba mẹ tôi đều là thầy cô giáo có trên 20 năm trong nghề, vì vậy các anh chị em tôi từ nhỏ và đặc biệt là tôi, đã được toi luyện rất ư là kỹ lưỡng. Và điều đó có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là hình như từ nhỏ tôi đã luôn luôn được cây roi mây của ba mẹ chiếu cố một cách rất thắm thiết. Chiếu cố vì tội đi chơi không xin phép, về nhà muộn, đi chân không… thả diều. Cho đến tội trốn học đánh bài. Hoặc bực mình chửi bậy.

Có lẽ vì vậy mà cho đến giờ phút này ngay những lúc nóng giận nhất tôi vẫn không thể nào dùng từ ngữ Việt Nam để… ĐM!

Tôi vẫn còn nhớ mang máng kỷ niệm cuối cùng tôi bị ba tôi đánh ở Việt Nam. Đó là vào khoảng năm 78, 79 trước khi ba tôi vượt biên sang Thái Lan. Sau năm 75, ba tôi đã bị bắt đi học tập cải tạo và sau khi ông được thả ra, cả gia đình của tôi đã không được tiếp tục cho ở Sài Gòn mà phải dọn đi kinh tế mới. Lúc đó bên ngoại tôi ở Phú Quốc vẫn còn một khu đất trống ở gần rừng. Thế là ba mẹ tôi đã xin về ở đó. Cũng may là họ cho.

Dĩ nhiên là với số tuổi đời 7, 8 của tôi vào thời điểm đó, tôi đã không thể nào cảm nhận được những gì mà ba mẹ tôi đã vừa phải trải qua. Lúc ấy tôi chỉ không thể hiểu là tại sao ba mẹ tôi lại có thể từ bỏ một ngôi nhà tô có đầy đủ tiện nghi ở Gia Định để dọn về một nơi đồng không hiu quạnh dựng nhà, lấy tranh làm nóc, lấy đất làm nền. Cứ mỗi khi mưa to về là cả nhà lại đầy nhũng ra nước. Đã vậy lại không có điện, mà nước cũng không luôn. Mảnh đất trống khá to nhưng lại không được tốt cho lắm. Đào lên ở đâu thì cứ y như rằng chỉ thấy toàn là nước đục đầy phèn. Vì vậy cứ mỗi chiều nhiệm vụ của tôi là phải sang nhà hàng xóm bên cạnh gánh nước về cho cả nhà xài. Và sẵn tiện tưới luôn cây trái trồng quanh, nhất là giàn bầu trước nhà. Chỉ có 4, 5 gốc gì đó nhưng nó rất được thích ngốn nhiều nước, ít nhất cũng phải là 5, 7 đôi nước của tôi mỗi ngày. Cộng thêm khoản nước xài, tắm rữa cho cả nhà, mỗi chiều tôi nghĩ tôi gánh ít nhất cũng phải là 10, 15 đôi nước. Đã bảo tôi là con trai một trong nhà mà!

Lúc ấy tôi chưa cao như bây giờ nên việc gánh nước có phần khó khăn. Nếu tôi không cẩn thận thì đít của hai thùng nước có thể chạm mặt đất rất dễ dàng và không cần phải nói, nếu nó va vào đá (vì tôi lười nhón chân lên) thì coi như hỏng toét. Không những nước sẽ đổ vơi đi mà đít thùng sẽ lủng và khi về đến nhà thì trong thùng sẽ chẳng còn nhiểu nước.

Trong một lần xui xẻo như vậy, ghi vừa gánh thùng không về đến nhà thì tôi đã gặp ba tôi. Có lẽ hôm ấy ông mệt vì vừa đi làm cu li ở bến cảng về - từ hôm được thả ra khỏi trại cải tạo ông không được cho phép đi dạy lại. Cũng có thể ông đang bực mình vì bị gạt mất tiền một lần nữa sau bao nhiêu lần tổ chức vượt biên nhưng không thành của gia đình. Tôi thật không nhớ rõ là ông đã nói gì với tôi khi thấy thùng nước một lần nữa đã bị tôi làm cho thủng đáy. Hình ảnh duy nhất mà tôi vẫn còn ghi nhận lại trong ký ức của tôi vào thời điểm đó là cảnh tôi chạy vòng vòng chiếc võng mà mẹ tôi đang ngồi để tránh những đòn đánh của ba tôi, miệng la oai oải: ‘Con xin lỗi ba. Con không dám vậy nữa đâu. Mẹ ơi. Mẹ ơi. Xin dùm con’.

Không ít lâu sau đó thì ba tôi đã thành công trong chuyến vượt biển cuối cùng của ông. Tuy không còn tiền bạc để lo cho cả gia đình được đi chung như ý nguyện nhưng ông đã may mắn có một người bạn hảo tâm cho ông đi nhờ mà không cần phải trả một đồng nào cho chuyến đi không hẹn ngày trở lại.

Trên chiếc thuyền mỏng manh không dài quá 10 mét, ba tôi và hai người bạn cùng hai người con nhỏ của họ đã vượt đại dương cố đi tìm đến một bến bờ tự do tươi sáng hơn. Nhưng sau 10 ngày lênh đênh trên biển vì máy tàu bị hỏng, chỉ cần có một bến bờ, bất kỳ là ở đâu để tấp họ cũng không tìm thấy. Không nước, hết lương thực, cả tàu vỏn vẹn 5 người chỉ biết nằm chờ chết. Mắt hai đứa bé đã đứng tròng. Hàng chục tàu buôn, chiến hạm của thế giới đi ngang qua. Nhưng chẳng ai dừng lại cứu giúp.

Ngoại trừ duy nhất một chiếc tàu đánh cá người Thái. Họ cứu sống 5 mạng người mặc cho lúc ấy có lệnh của chính phủ là không được cứu vớt tỵ nạn Việt Nam. Và sẽ bị phạt rất nặng nếu như bị phát hiện.

Vì thế sau khi được chăm sóc tận tình, được cho ăn uống và nghĩ dưỡng để lấy lại sức, chiếc tàu nhỏ của họ đã được kéo vào gần đất liền trước khi được thả trôi để cập bến. Bước chân lên bờ, ba tôi và gia đình người bạn của ông đã lập tức được dân làng giúp đỡ và đem về một ngôi chùa gần cạnh lưu trú. Không ít lâu sau, họ được chuyển về trại tỵ nạn và chỉ sau 3 tháng, ba tôi đã được cho đi định cư ở Úc nhờ vào khả năng tiếng Anh lưu loát của một thầy giáo dạy ngoại ngữ từ lúc còn ở quê nhà.

Năm năm sau ngày ông bỏ nước ra đi thì gia đình tôi được đoàn tụ ở Úc. Vì thế có thể nói tuổi ấu thơ của anh chị em tôi lúc còn ở Việt Nam hầu như không có hình bóng của người cha nhà giáo. Là một người cha, ông luôn chu toàn đầy đủ cho cuộc sống của chúng tôi lúc còn ở Việt Nam cũng như cho đến khi chúng tôi vào trung học, lên đại học và ra trường ở Úc.

Nhưng nếu bảo tôi kể lại một kỷ niệm vui, đẹp giữa tôi và ba tôi thời tôi còn thơ ấu thì tôi chịu. Không có nhiều. Kỷ niệm đầu tiên mà tôi nhớ về ba tôi là lần tôi được đi theo mẹ để thăm ông trong một trại cải tạo ở Năm Căn, Cà Mau lúc tôi 6 tuổi. Đó là một chuyến đi rất xa, rất lâu, rất mệt và đối với riêng tôi thì có quá là… nhiều muỗi. Lần sau đó là lúc ông dắt tôi đi vào một vùng kinh tế mới cũng ở đâu đó rất xa, rất nắng, rất nóng và phải đi bộ cả ngày mới tìm được nước uống.

Sau này về Phú Quốc thì tôi chỉ nhớ những lần ông dắt tôi đi vượt biên, lội suối, trèo núi, ăn cơm thiêu, đi suốt đêm trong sợ hãi, sợ bị bắt nhưng cuối cùng thì cũng bị bắt và vào ngồi tù ăn bo bo lúc vừa mới 9 tuổi.

Và dĩ nhiên là tôi luôn nhớ trận đòn cuối cùng của ông dành cho tôi.

Có lẽ vì vậy mà khi tôi sang Úc năm 14 tuổi, tuổi bắt đầu của sự nổi loạn, thiếu hiểu biết nhưng lại hơi thừa nam khí (ý tôi muốn dùng chữ ‘testosterone’ ở đây), thì tôi đã không cảm thấy gần gũi với ông. Việc ông khó khăn từ cử chỉ cho đến lời nói, từ việc học cho đến cách dùng điện thoại tán dóc của tôi càng làm cho tôi có cảm giác như ông quá khắt khe, quá câu nệ, và nhất là có quá nhiều kiểm soát trong cuộc sống của tôi mà tôi lúc ấy rất thành tâm nghĩ rằng hoàn toàn không cần thiết.

Cứ mỗi khi đụng chuyện thì y như rằng ông sẽ bắt đầu bằng câu ‘Ở Việt Nam thì mày blah blah blah….’. Lúc ấy tôi nghĩ rất đơn giản: ‘Well, you are not in Vietnam anymore!’. Ba đâu có còn ở Việt Nam nữa đâu mà ‘tại’ ‘thì’ với ‘bị’. Tôi thật không thể nhớ rõ bao nhiêu lần tôi đã to tiếng với ba tôi, đã cãi vả, tức giận đến độ không thể nào khóc được. Và cũng như Nam Lê, tôi cũng đã từng phải bỏ nhà ra đi trong nước mắt ngậm ngùi của mẹ tôi, bị dằn xé giữa hai bên, chồng và con. Tôi thấy hình như điều này xảy ra trong khá nhiều gia đình Việt Nam. Người mẹ thường là người phải im lặng và nhịn nhục, nhẫn nại làm đầu cầu cho 2 bên chồng con được yên thắm và thông cảm cho nhau.

Nhưng rồi thì ngày qua ngày, tháng lại tháng và mọi chuyện cũng đi vào dĩ vãng. Vừa tốt nghiệp đại học xong thì tôi cũng khăn gói lên đường đi theo tiếng gọi của giang hồ cho mãi đến ngày hôm nay. Những khi có dịp về thăm nhà thì tôi và ba tôi cũng tâm sự cùng nhau, không sâu đậm lắm như những người bạn thân thiết, nhưng cũng không còn xung khắc như những ngày tháng cũ.

Ông vẫn thường nhắc đến chuyến vượt biển năm nào của ông, vẫn còn trăn trở đôi khi không cần thiết, và luôn tự đánh giá về sự đời, đôi khi có phần tiêu cực, mặc dù sự đời luôn không ngừng biến đổi. Thường thì tôi chỉ nghe và để lại đó, ít khi có dịp để tâm suy ngẫm. Phần vì cuộc sống của tôi quá bận rộn. Cũng có thể vì tôi đã nghe quá nhiều và bị nhàm chán từ những lúc tôi còn sống chung với ông trước khi dọn ra riêng.

Mãi cho đến khi tôi có dịp đi cùng ông tìm lại ngôi chùa nơi ông đã từng được cưu mang sau chuyến đi vượt biển hãi hùng.

Theo Phật giáo thì hầu như tất cả mọi chuyện xảy ra trên thế gian này đều do một chữ Duyên. Là một người có thể cho là khá sùng đạo, ba tôi cho là đã có duyên khi gặp lại người bạn cùng thuyền năm xưa ở Mỹ và được cho biết tên của làng chài lưới mà ông ta vẫn còn nhớ rõ lúc vừa được cứu lên bờ. Càng có duyên hơn nữa là trước đây tôi có dịp ở Thái Lan nhiều hơn những nơi khác. Thế là tôi và ba tôi đã gặp nhau trên đất Thái. Ba lần trước đến đây để mong tìm ra ngôi chùa từng cưu mang ông đều đã không thành công. Ông đã phải tạm cúng dường những ngôi chùa khác mà ông đặt chân đến.

Nhưng lần này thì không. Với cái tên Thái rất đầy đủ cùng hai người bạn thân của tôi nói rành tiếng Thái, sau bốn tiếng lái xe từ Bangkok, chúng tôi đã tìm lại được làng chài lưới và ngôi chùa khá dể dàng. Sau một lúc dò hỏi những người Thái trong làng, chúng tôi đã có thể xác nhận chắc chắn đây là nơi mà ba tôi đã được cứu sống hơn bốn thập niên về trước.

Bước xuống xe đi ngược về phiá biển để đến ngôi chùa, tôi nghe miệng ông lẩm bẩm: ‘Đúng là chổ này rồi. Đúng là chổ này rồi’. Đây là đồn cảnh sát nơi ông phải đến trình diện lúc tàu vừa mới cập bến. Đây là cầu tàu bằng gỗ của năm xưa nhưng bây giờ đã được xây bằng bê tông dài hẳn ra. Và đây là ngôi chùa nhỏ nằm bên cạnh một con lạch do một sư ông biết nói tiếng Anh trụ trì.

Nhưng tất cả đều đã thay đổi. Chùa đã được xây lớn và rộng hơn gấp nhiều lần, khá ồn ào vì có nhiều khách đến hành hương. Chỉ còn dãy nhà cũ ở tận phiá sau cùng là ông có thể ngờ ngợ nhận ra. Con lạch đã bị lấp đi từ lâu và theo nhà sư già nhất có mặt ở chùa thì sư ông, người đã tiếp xúc và trực tiếp nuôi dưỡng ba tôi, cũng đã viên tịch cách đây trên 10 năm. Nghe nói đâu ông từng là sĩ quan trong quân đội Thái Lan trước khi đi tu. Nhờ vậy mà ông biết nói tiếng Anh.

Ngồi nghe người sư già thuật lại câu chuyện của hơn 40 năm trước, tôi thầm tiếc cho ba tôi. Cuối cùng thì ông cũng đã được toại nguyện, đã tìm lại được một phần hồn của ông. Nhưng nó đã không còn nguyên vẹn như những gì ông tưởng nhớ sau bao nhiêu năm vật đổi, sao dời. Người xưa không còn mà cảnh cũ cũng bằng không. Có còn đâu chỉ là những kỷ niệm của một thời khó nhọc nơi xứ người và tôi nghĩ rằng những gì ông lưu luyến, ôm ấp những lúc ông cô đơn nhất, thiếu thốn nhất cũng đã không còn hiện hữu.

Đời người là thế. Kỷ niệm, vui hay buồn, chỉ đẹp, chỉ có một thời vì ta sẽ không bao giờ tìm lại được nó. Nếu như ta có đầy phép thần thông để đi ngược dòng thời gian, trở về quá khứ thì ta cũng sẽ không thể nào tìm lại được những cảm xúc của một thời đã qua.

Thế gian luôn thay đổi. Và ngay cả chính chúng ta cũng thay đổi theo thời gian.

Trước khi ra về, tôi theo ba tôi vào chùa lễ phật, thắp nhang cảm ơn Trời Phật đã cho ông một cơ hội sống để làm lại cuộc đời. Nếu không thì cũng chưa biết tương lai của chị em tôi sẽ ra sao. Cũng có thể là tôi vẫn phải lam lũ ở đâu đó bên quê nhà gánh nước tưới cây sống qua ngày, không tương lai, không nhà cửa. Tôi bước ra cổng chùa trong gió chiều lồng lộng nhìn về biển đông ở phiá xa và chợt nghĩ đến chữ Duyên trong cuộc sống.


trinh hoi va cha
Luật Sư Trịnh Hội & Thân Phụ, Ông Trịnh Chỉnh



Đúng là tất cả đều do một chữ Duyên mà ra. Ít có ai trong chúng ta có thể chủ động, kiểm soát được mọi khía cạnh trong đời. Nhất là đối với thế hệ của ba tôi. Cuộc sống đang sung túc, đầy đủ, bỗng nhiên ông mất tất cả. Mất nhà cửa, mất việc làm và mất cả gia đình yên ấm. Ông không là một tội đồ nhưng vẫn phải vào tù. Ông vào tù nhưng không biết ngày ra. Được tha ra nhưng ông lại không được trở lại nghề cũ. Để rồi bị hạch hỏi, bị ức chế đến cùng cực. Cuối cùng ông đã phải bỏ nước ra đi và cũng còn may, không phải bỏ thây trên biển cả.

Không may mắn như thế hệ của chúng tôi, cả cuộc đời ông hình như chẳng lúc nào ông có thể làm chủ cuộc sống của chính mình, của gia đình mà ông đã mãi mãi mất cơ hội làm gia trưởng. Có lẽ vì thế mà ông đã cố gắng hết sức kiểm soát chặt chẽ cuộc sống của những người con ông. Mặc cho những lời phản đối của đám trẻ đang trưởng thành trong một nền văn hóa mới. Mặc cho những xáo trộn trong gia đình vì hoàn cảnh của một thời loạn lạc. Ông phải cố nắm chặt lấy nó. Vì ông không còn một sự chọn lựa nào khác.

‘Con Hội’. Tôi quay lại và nhìn ba tôi đang chầm chậm bước ra cổng chùa đến đứng gần cạnh tôi. Ông xin được một lá sâm cho tôi và bảo tôi cầm lấy. Bỗng nhiên ông giơ cả hai cánh tay của ông và ôm tôi vào lòng. Lúc ấy tôi chỉ biết đứng yên để cho ông ôm chặt vai. Hình như tôi nghe có tiếng khóc thầm của một người cha mà trước đó chưa bao giờ trong đời tôi thấy ông xúc động. Hình như là ông đang cảm ơn tôi.

Nhưng tôi phải cảm ơn ba tôi mới đúng. Tôi phải có duyên mới được chia xẻ, được ở cạnh ba tôi ngày ông tìm lại được quá khứ, nơi ông được tái sinh. Tôi phải có duyên mới nhận thức được những cột mốc mà ba tôi đã đi qua trong cuộc đời. Và nhất là vì ông đã phải từng dùng mạng sống của chính mình để tìm một bến bờ mới cho riêng ông, cho gia đình.

Và cho cả riêng tôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/08/2014(Xem: 6350)
Mẹ : Trong vũng tối thả buồn hiu hắt, Mẹ bây giờ là hạt sương rơi, Sao cầm được đôi dòng nước mắt, Phận lẻ loi trong chốn chợ đời. Con : Còn nợ trần bờ vai đeo nặng, Con u buồn giữa phố đông vui. Vu Lan tới, Phật Đường thầm lặng, Nghe tiếng chuông, nhớ mẹ ngậm ngùi.
02/08/2014(Xem: 3400)
Tôi không đủ ngôn từ để diễn tả nhưng tôi vẫn cố gắng viết để tri ân và đền đáp những bạn bè cùng học sinh Trưng Vương thân yêu đã dành cho tôi những cảm tình thương mến, những tiếp đón quá ư nồng hậu, ngoài sự mong ước của mình trong chuyến đi U.S. vừa qua. Qua bao nhiêu Email thăm hỏi ân cần của Kim Dung rồi của Mai Phương - Hội Trưởng Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương Nam California – tôi quyết định bay qua Cali. tham dự “Đại Hội Trưng Vương Thế Giới 2014” và sau đó đi Cruise 4 ngày nữa (21 – 24.7.2014).
29/07/2014(Xem: 4319)
Không đo không lường được tình thương, người ta thường lấy vẻ bao la của trời biển để tạm so sánh. Nhưng kỳ thực, trời và biển có những giới hạn, biên tế. Trời, vẫn chỉ là một vòm không gian hữu hạn trong tầm mắt con người; biển, là bốn đại dương trên mặt địa cầu; không thể nói là vô biên, vô lượng. Tình thương của cha mẹ dành cho con cái, thì khác: không giới hạn.
24/07/2014(Xem: 9662)
Xuất gia không phải là nghèo Xuất gia là để noi theo Phật Đà Xuất gia lý tưởng cao xa Xuất gia để khỏi bôn ba chợ đời Xuất gia điều tốt tuyệt vời Xuất gia có nghĩa xa rời thế gian Xuất gia giải thoát nhẹ nhàng Xuất gia tự tại muôn ngàn bình yên
19/07/2014(Xem: 13065)
¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 ¨ THÔNG ĐIỆP CƯ TRẦN LẠC ĐẠO (TK. Thích Huyền Quang), trang 8 ¨ ĐẠO PHẬT VIỆT TK THỨ I VÀ THỜI KỲ BẮC THUỘC t.t. (HT. Thích Đức Nhuận), trang 9 ¨ BƯỚC XUỐNG TRẦN GIAN, DUYÊN NỢ (thơ Hàn Long Ẩn), trang 13 ¨ QUYẾT NGHỊ ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN LẦN II, NHIỆM KỲ II (GHPGVNTNHK), trang 14 ¨ HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI THƯỜNG NIÊN VÀ AN CƯ TẠI PHV QUỐC TẾ (Hophap.net), trang 16 ¨ PHỤC BÁI THƯỢNG VĂN (BHDTƯ GĐPTVN), trang 18 ¨ NIỀM VUI TU HỌC (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 19 ¨ TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ BẠN (HT. Thích Trí Chơn dịch), trang 20 ¨ NGÀY ĐẦU AN CƯ CỦA PHẬT GIÁO TẠI HOA KỲ (Thích Minh Dung), trang 23 ¨ HÌNH ẢNH KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ LẦN IV (Hoavouu.com), trang 24 ¨ CHÉN TRÀ TÀO KHÊ (Thích Nguyên Tạng), trang 26 ¨ ĐỒI MÂY (thơ Lý Thừa Nghiệp), trang 28
17/07/2014(Xem: 8396)
Trong sự đi hoang nào đó của tư tưởng, cảm xúc, ngôn ngữ, thì bản chất của ngôn ngữ, âm thanh đều là vô thường, giới hạn, và không thật, vì nó không có thực tính độc lập, phải nương với nhau mà thành, nhờ vào căn, trần, thức mở lối nên mới hiện hữu. Người ta tạm định nghĩa, “ngôn ngữ chỉ là một công cụ” dùng để biểu đạt ý nghĩ, trạng thái tâm sinh lý để người khác nhận biết, thấu hiểu, cảm thông. Có nhiều dạng ngôn ngữ, ta có thể tạm chia ra làm hai, ngôn ngữ xuất phát ở bên trong (nội tính) và ngôn ngữ thể hiện ở bên ngoài (ngoại tính). Cho dù phát xuất từ đâu, một khi xử dụng nếu ta không có trí tuệ, chân thật, ái ngữ, lợi hành, lợi người, thì không khéo sự biểu đạt ấy, đôi khi lại là mầm mống, nguyên nhân của những hiểu lầm, ngộ nhận, xích mích, đáng tiếc khác.
24/06/2014(Xem: 4447)
Vào một buổi sáng thật đẹp trời của ngày 26 tháng 11 năm 2012, phái đoàn nhỏ của chúng tôi gồm Thượng Tọa Quảng Đạo (Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc), tôi (Chùa Hương Sen, Hoa Kỳ) và vài nam nữ Phật tử nữa được Thượng Tọa Phổ Huân (Trụ trì chùa Pháp Bảo, Sydneys) đưa lên viếng cơ sở thứ hai của chùa Pháp Bảo là Tu viện Đa Bảo, tiểu Bang New South Wales, Úc Châu, và thăm Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Viên Giác, Đức Quốc, đang nhập thất tại đây.
21/06/2014(Xem: 10115)
Chúng tôi, Nhóm Học Phật chùa Quang Nghiêm, gồm một số thân hữu và những huynh trưởng Gia Đình Phật Tử trong vùng có cơ duyên gần gũi và học hỏi cùng thầy trong nhiều năm qua. Nhân đó, chúng tôi được biết, Thầy là một cây viết thường xuyên trên tập san: THEO DẤU CHÂN XƯA của Phật học viện Huệ Nghiêm, SÀI GÒN trước 1975. Nhưng sau những đợt đốt sách của chính quyền Cộng Sản, THEO DẤU CHÂN XƯA không còn nữa. Càng gần Thầy, chúng tôi nhận thấy những gì Thầy dạy và viết thật thực tế và giản dị trong việc áp dụng Đạo Phật vào đời sống hằng ngày cho chúng ta. Chúng tôi không muốn có sự thất thoát như xưa, nên mạo muội sưu tập một số bài mà Thầy đã viết trong thời gian qua. Đây là một món quà tinh thần của Thầy mà chúng tôi đã rút ra những bài học bổ ích cho cuộc sống hàng ngày. Có một điều quan trọng nữa là bài học thân giáo của Thầy: phong cách hiền hòa và đức độ lan tỏa từ Thầy êm đềm như dòng sông Thu Bồn xứ Quảng. Trong bất cứ lúc nào, nếu có dịp, Thầy thường nhắc nhở: “Học Phật có n
16/06/2014(Xem: 33465)
Ngày ấy cách đây 50 năm về trước, vào một sáng đầu mùa hè của năm 1964, tôi một mình đạp xe đạp từ làng Mỹ Hạc, Xã Xuyên Mỹ, Quận Duy Xuyên, trực chỉ xuống chùa Viên Giác tọa lạc tại Hội An, Quảng Nam. Hôm đó là ngày Rằm Tháng 5 âm lịch của năm Giáp Thìn. Một chặng đường dài 50 năm như vậy, nói cho đúng là nửa thế kỷ của một kiếp nhân sinh- đã, đương và sẽ có nhiều điều đáng nói. Hay có, dở có, không như ý cũng có
14/06/2014(Xem: 13926)
Xưa có bầy khỉ nọ Lội xuống hồ vớt trăng Vớt mãi hoài không được Nên mặt mày.. nhăn nhăn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]