- Kỳ 08: Học, Hiểu và Hành Phẩm Phổ Môn, tiếp theo kỳ 1 ( Tác giả: Lê Khắc Thanh Hoài; Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh)
- Kỳ 09: Học, Hiểu và Hành Phẩm Phổ Môn tiếp theo kỳ 2 ) Tác giả: Lê Khắc Thanh Hoài ; Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh
- Kỳ 10: Học, Hiểu và Hành Phẩm Phổ Môn tiếp theo kỳ 3 )
- Kỳ 11: Học, Hiểu và Hành Phẩm Phổ Môn tiếp theo kỳ 4 )
- Kỳ 12: Học, Hiểu và Hành Phẩm Phổ Môn tiếp theo kỳ 5 )
- Kỳ 13: Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda
- Kỳ 14: Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda
- Kỳ 15: Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda
Học Phật Trong Mùa Đại Dịch
( Kỳ 15 )
Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda
( Kỳ 3 )
Đến đây, chúng ta học bài Pháp cuối cùng, Nhập Xuất Tức Niệm :
Này Ànanda, thế nào là Nhập Xuất Tức Niệm ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng, rồi ngồi kiết già thẳng lưng, chánh niệm hướng ra phía trước, thở vào trong tỉnh thức và thở ra trong tỉnh thức. Khi thở vô dài, vị ấy biết rõ: Ta đang thở vô dài. Khi thở ra dài, vị ấy biết rõ: Ta đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn, vị ấy biết rõ: Ta đang thở vô ngắn. Khi thở ra ngắn, vị ấy biết rõ: Ta đang thở ra ngắn.
Vị ấy tâm niệm: Ý thức toàn thân ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Ý thức toàn thân ta sẽ thở ra.
Vị ấy tâm niệm: Với thân hành lắng đọng, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Với thân hành lắng đọng, ta sẽ thở ra.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm hỷ duyệt, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm hỷ duyệt ta sẽ thở ra.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm an lạc, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm an lạc, ta sẽ thở ra.
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm hành, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm hành, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Với tâm hành lắng đọng, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với tâm hành lắng đọng, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm thức, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm thức, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm thắng duyệt, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm thắng duyệt, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm định tĩnh, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm định tĩnh, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm giải thoát, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm giải thoát, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán vô thường, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán vô thường, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán ly tham, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán ly tham, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán tịch diệt, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán tịch diệt, ta sẽ thở ra
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán xả ly, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán xả ly, ta sẽ thở ra
Này Ànanda, đây được gọi là Nhập xuất tức niệm.
Để thực hiện Pháp Quán Niệm về hơi thở vào, thở ra này, Đức Phật khuyên tìm nơi thanh vắng, ngồi kiết già, thẳng lưng, chánh niệm hướng ra phía trước, có thể hiểu là mặt của chúng ta hướng phía trước, không nhìn ngang nhìn dọc, và có chánh niệm tức là chúng ta chỉ chú tâm, quan sát, không phán xét, cái thấy chỉ là cái thấy, cái biết chỉ là cái biết, không có vọng tưởng khởi lên. Chánh niệm đi đôi với tỉnh thức, cũng là tỉnh giác, hoàn toàn sáng suốt, tỉnh táo, nhận biết, nhận ra, ý thức rõ ràng, nơi Thân và Tâm, đang làm gì, nghĩ gì, cảm giác gì, cảm nhận gì, cái gì đang xảy ra và biết rõ ràng đối tượng ấy như thế nào. Chánh niệm tỉnh giác là chỉ sống với phút giây hiện tại, là đang chạm mặt với thực tại.
Nơi bài Kinh Girimananda này, Phật dạy chỉ có một điều cần chú ý là hơi thở của mình, không chú ý đến gì khác nhưng với nhiều đề mục khác nhau. Tất cả gồm 16 đề mục.
1.Chú ý hơi thở vào, hơi thở ra, dựa vào hơi thở là đối tượng :
Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng, rồi ngồi kiết già thẳng lưng, chánh niệm hướng ra phía trước, thở vào trong tỉnh thức và thở ra trong tỉnh thức.
2. Chú ý xem hơi thở vào ra, dài hay ngắn :
Khi thở vô dài, vị ấy biết rõ: Ta đang thở vô dài. Khi thở ra dài, vị ấy biết rõ: Ta đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn, vị ấy biết rõ: Ta đang thở vô ngắn. Khi thở ra ngắn, vị ấy biết rõ: Ta đang thở ra ngắn.
3. Ý thức toàn thân, nơi hơi thở vào, thở ra nhận biết được những gì xảy ra nơi toàn thân mình, nghĩa là từ nơi mũi, chỉ chú ý đến hơi thở, nhận biết hơi thở đang đi xuống cổ họng, xuống ngực, xuống bụng…ý thức rõ rệt từng chặng mà hơi thở đi qua, chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối :
Vị ấy tâm niệm: Ý thức toàn thân ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Ý thức toàn thân ta sẽ thở ra.
4. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết, cảm nhận nơi thân có sự lắng đọng, lắng dịu, là cảm giác hay cảm thọ nhẹ nhàng, yên lặng, thanh thản :
Vị ấy tâm niệm: Với thân hành lắng đọng, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Với thân hành lắng đọng, ta sẽ thở ra.
5. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết có cảm thọ hay cảm giác thoải mái, dễ chịu, vui sướng :
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm hỷ duyệt, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm hỷ duyệt ta sẽ thở ra.
6. Dựa vào hơi thở vào, ra mà nhận biết cảm giác hay cảm thọ bình an :
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm an lạc, ta sẽ thở vô.
Vị ấy tâm niệm: Trong niềm an lạc, ta sẽ thở ra.
7. Dựa vào hơi thở vào, ra mà nhận biết những gì đang xảy ra nơi tâm mình, tâm bình an hay bất an, sợ hãi hay vững vàng, dao động hay định tĩnh, buồn, vui, yêu, ghét…v.v…:
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm hành, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm hành, ta sẽ thở ra
8. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết tâm mình lắng dịu, nhẹ nhàng, thoải mái :
Vị ấy tâm niệm: Với tâm hành lắng đọng, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với tâm hành lắng đọng, ta sẽ thở ra
9. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết toàn bộ sự hoạt động của tâm thức, tâm ý, hay ý thức, suy tư, nghĩ tưởng, nhớ, hoài niệm quá khứ hay vọng tưởng về tương lai và cũng là những hiện tượng thuộc phần tâm lý :
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm thức, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Cảm nhận toàn bộ tâm thức, ta sẽ thở ra
10. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết tâm đang ở trong trạng thái vui sướng :
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm thắng duyệt, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm thắng duyệt, ta sẽ thở ra
11. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết tâm đang ở trong trạng thái vững vàng, yên tịnh, không dao động :
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm định tĩnh, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm định tĩnh, ta sẽ thở ra
12. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết tâm đang ở trong trạng thái không dính mắc, chấp trước :
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm giải thoát, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Với nội tâm giải thoát, ta sẽ thở ra
13. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết và hướng tâm về sự nhớ nghĩ về bản chất Vô Thường của vạn pháp :
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán vô thường, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán vô thường, ta sẽ thở ra
14. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết và hướng tâm về sự nhớ nghĩ ly tham, không dính mắc, tìm cầu, luyến ái các pháp của thế gian :
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán ly tham, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán ly tham, ta sẽ thở ra
15. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết và hướng tâm về sự đoạn diệt, vắng mặt hoàn toàn mọi tham dục, đưa đến trạng thái an lạc của Niết Bàn, bất sanh bất diệt :
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán tịch diệt, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán tịch diệt, ta sẽ thở ra
16. Dựa vào hơi thở vào, thở ra mà nhận biết và hướng tâm để buông xả, xả bỏ, không kẹt vào, bám víu, chấp thủ bất cứ trạng thái nào được cảm thọ, cảm nhận, được trải nghiệm, dù lạc, dù khổ, không khổ không lạc, dao động hay định tĩnh…Tâm được giữ trong thế quân bình, không quá cố gắng, không căng thẳng, không quá buông lơi, không thiên chấp, thành kiến… :
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán xả ly, ta sẽ thở vô
Vị ấy tâm niệm: Sống tùy quán xả ly, ta sẽ thở ra
Sau khi nhận rõ 16 đề mục kèm theo hơi thở vào thở ra là gì, chúng ta hiểu là Đức Phật đang chỉ dạy cho chúng ta tu tập Tứ Niệm Xứ, Bốn nơi mà chúng ta cần thường xuyên quán niệm là Thân, Thọ, Tâm và Pháp. Tứ Niệm Xứ thường được tóm tắt đơn giản, dễ nhớ là :
- Quán Thân bất tịnh
- Quán Thọ thị khổ
- Quán Tâm vô thường
- Quán Pháp vô ngã
Bốn điều này có đầy đủ trong phần Nhập Xuất Tức Niệm gồm 16 đề mục của bài Kinh Girimananda mà chúng ta đang học hỏi.
Tứ Niệm Xứ được tìm thấy trong nhiều bản kinh, Kinh Niệm Xứ, Kinh Đại Niệm Xứ, Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm ( Nghi Thức Lễ Phật, Thiền Viện Trúc Lâm, Paris ) Kinh Quán Niệm Hơi Thở ( TS Thích Nhất Hạnh, dịch và chú giải)
Theo Kinh Niệm Xứ, và cũng tìm thấy nơi các kinh khác, lời dạy tương tự :
Thế nào là bốn? Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời.
Sau khi quán đầy đủ Thân, Thọ, Tâm, Pháp thì hành giả nhận biết :
Có thân đây… Có thọ đây… Có tâm đây…Có những pháp ở đây, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời.
Qua những lời dạy như vậy thì chúng ta hiểu mục đích của sự tu tập Tứ Niệm Xứ không nằm ngoài sự chế ngự những tham ưu ở đời, không chấp trước một vật gì ở đời, và nói đến những gì ở đời thì chúng ta cũng cần hiểu rộng là tất cả những gì thuộc Pháp Hữu Vi mà Đức Phật cũng đã dạy nơi đoạn Hữu Vi Hoại Tưởng trong kinh Girimananda.
Thêm hai chi tiết mà chúng ta cần ghi nhớ là về ý nghĩa của Niệm và Xả thường được gặp trong các Kinh. Niệm không chỉ được hiểu là sự chú ý, nhận biết, thuần túy là sự nhận biết, không có vọng tưởng phân biệt, phê phán khởi lên, nhưng nghĩa của Niệm cũng là nhớ, ghi nhớ, nhớ lại quá khứ hay nhớ những gì đã huân tập, được chỉ dạy. Trong Bát Chánh Đạo, Thất Giác Chi, Ngũ Căn Ngũ Lực đều có yếu tố Niệm, nhờ nương vào Niệm, là sự tỉnh thức, không thất niệm, không mê mờ, biết rõ các pháp một cách trọn vẹn, biết rõ những gì phát sanh ngay trong mỗi giây phút của hiện tại. Biết rõ các pháp một cách trọn vẹn thì phải là Chánh Niệm vì có yếu tố Trí Tuệ kèm theo, không điên đảo vọng tưởng, không tà kiến. Chánh Niệm có Trí Tuệ dẫn dắt, không chỉ là một sự chú ý đơn thuần. Chú ý đơn thuần chỉ đưa đến trạng thái Định. Nhưng Định phải được Tuệ soi sáng mới đưa đến giác ngộ, giải thoát, như vậy Định ở đây cũng phải là Chánh Định. Một khi đã có Chánh Niệm, Chánh Định thì chắc chắn chúng ta đã có các chi phần khác trong Bát Chánh Đạo như Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn hỗ trợ và hoạt động cùng lúc. Như vậy tu tập Tứ Niệm Xứ cũng là tu tập Bát Chánh Đạo và cả Thất Giác Chi. Giới Định Tuệ đều trọn vẹn.
Tu tập Tứ Niệm Xứ bao gồm cả Thiền Chỉ và Thiền Quán. Tu tập Tứ Niệm Xứ là vừa làm chủ Thân, vừa làm chủ Tâm, không phải chỉ thụ động, thở vào thở ra mà không ý thức gì, ngược lại hoàn toàn ý thức tất cả mọi hoạt động của Thân, cô đọng nơi hơi thở, hơi thở làm cầu nối liền Thân và Tâm. Tâm sẽ chủ động hướng đến sự định tĩnh, không dao động, không cho vọng tưởng, phiền não khởi lên, Tâm nhớ nghĩ đến Vô Thường, sự sanh diệt của các Pháp, nhớ nghĩ không có gì là của ta, là ta, là bản ngã của ta, nhớ nghĩ đến sự Bất Tịnh, Nguy hại của cái thân Ngũ Uẩn mà không tham đắm, đeo đuổi, tìm cầu, giải thoát khỏi mọi nhân tố gây khổ đau, nhớ nghĩ đến Niết Bàn, trạng thái hoàn toàn vắng lặng, không sanh diệt, không khổ đau, thực sự an lạc, cuối cùng thì hướng đến Tâm Xả Ly, nếu không thì Tâm sẽ vướng vào sự tham đắm, tham đắm các trạng thái Lạc sẽ sinh sân hận đối với Khổ, hoặc có bám vào trạng thái không Khổ không Lạc thì trạng thái này cũng Vô Thường.
Tiếp đến là ý nghĩa về chữ Xả. Nơi bản kinh Girimananda, quán niệm cuối cùng là : « Vị ấy tâm niệm : Sống tùy quán xả ly, ta sẽ thở vô. Sống tùy quán xả ly, ta sẽ thở ra » Và yếu tố Xả này được tìm thấy nơi Thất Giác Chi, chi thứ bảy là Xả Giác Chi, Xả cũng được tìm thấy nơi Tứ Vô Lượng Tâm : Từ Bi Hỷ Xả. Điều này cho thấy là dù chúng ta có đạt được trạng thái cao nhất của Hỷ, của Khinh An, của Định, tâm Từ, tâm Bi rộng mở, niềm hoan hỉ, vui sướng ngập tràn nhưng chúng ta cũng không tham đắm, không chấp trước, chấp thủ, chấp ngã, có ta, có người. Tâm vững vàng, không dao động, hoàn toàn bình đẳng trước các Pháp, được hiểu là các Pháp Hữu Vi, các pháp có điều kiện, do duyên sinh, bản chất các Pháp này vốn Vô Thường, Vô Ngã, Khổ, bám vào tất yếu là khổ. Còn tham đắm, còn chấp trước, chấp thủ…thì chẳng phải là Chánh Niệm. Do đó mà cuối cùng của sự tu tập phải có Xả Ly. Thực hành Tâm Xả Ly không khác gì tu tập các Ba La Mật vậy.
Đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh với câu mở đầu : « Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật thời chiếu kiến Ngũ Uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách » Chúng ta nhận ra nơi Kinh Girimananda Đức Phật cũng dạy buông bỏ Ngũ Thủ Uẩn thì hết khổ.
Và nơi kinh Bốn Mươi hai Chương :
Phật dạy: “Giáo pháp của ta, tuy niệm nhưng không chấp niệm, phi niệm, hành nhưng không chấp hành, phi hành; ngôn nhưng không chấp ngôn, phi ngôn; Tu nhưng không chấp tu, phi tu. Người hiểu được thì được gần đạo, mà người mê thì bị xa đạo vậy ! Đường ngôn ngữ dứt, không thể bị bó buộc bởi sự vật. Thế nhưng, sai đi hào ly thì mất đi trong giây lát”. ( Chương 18, Niệm…vốn không.)
Lời dạy này giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa sâu xa của Xả Ly, được dạy ở phần cuối kinh Girimananda, chẳng khác gì với Tâm Vô Sở Đắc được dạy nơi Bát Nhã Tâm Kinh.
Trở lại với bản kinh Girimananda mà Tứ Niệm Xứ được dạy, là phần thực hành phương pháp thở vào, thở ra qua 16 đề mục sẽ giúp cho hành giả thành tựu viên mãn con đường tu tập được trình bày ngay từ đầu bài kinh : nhận ra Khổ, tức là nhận ra bản chất Vô Thường, Vô Ngã, Bất Tịnh, Nguy Hại của cái thân Ngũ Uẩn, tiếp đến cần phải nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để Đoạn Trừ Sân tầm, Dục tầm và Hại tầm, Ly Tham, tức là chấm dứt khát ái, ái nhiễm, cũng là đoạn trừ nguyên nhân của Khổ, đưa đến trạng thái Tịch Diệt, an lạc của Niết Bàn, tức Khổ Diệt, hoàn toàn vắng mặt mọi hi cầu, tham đắm những gì thuộc thế gian, thuộc pháp Hữu Vi, được dạy nơi đoạn Yếm Thế Tưởng và Hữu Vi Hoại Tưởng.
Bài Kinh Girimananda chấm dứt với các câu như sau :
Này Ànanda, nếu ngươi đến chỗ tỷ kheo Girimànanda và nói lại 10 phép niệm tưởng này, sự kiện này có thể xảy ra là sau khi nghe xong, bênh tình của tỷ kheo Girimànanda có thể lập tức thuyên giảm. Rồi tôn giả Ànanda, sau khi học xong 10 pháp niệm tưởng này từ nơi Thế Tôn, đã đi đến chỗ tôn giả Girimànanda và nói lại 10 pháp niệm tưởng này. Lúc bấy giờ, sau khi nghe xong, cơn trọng bệnh của tôn giả Girimànanda đã lập tức thuyên giảm. Bệnh tình của tôn giả Girimànanda đã chấm dứt với sự kiện như vậy.
Qua lời kinh trên, Đức Phật dạy là sau khi nghe lời Phật nhắc nhở thực hành Mười Pháp Quán Niệm mà bệnh tình của Tỳ Kheo Girimananda có thể được thuyên giảm và cuối đoạn kinh thì có câu khẳng định bệnh tình của Tỳ Kheo đã được chấm dứt. Cũng vì lý do này mà Kinh Girimananda được truyền tụng và xem là một bài kinh giải bệnh, một bài kinh Cầu An.
Chúng ta đã có dịp học nơi Kinh Châu Báu về Lời Chúc Phúc của Đức Phật vào cuối mỗi câu kệ : Mong với sự thật này, Được sống chơn hạnh phúc. Và điều đó đã thực sự xảy ra với dân chúng thành Vesali khi đang gặp hoạn nạn. Đức Phật đã dạy tôn giả Anan đọc tụng Kinh Châu Báu, nói về giá trị của Tam Bảo cho dân chúng đang gặp nạn kèm theo Lời Chúc Phúc. Giá trị của Lời Chúc Phúc, chúng ta cũng đã bàn qua, lời chúc đến từ Tâm Đại Từ Đại Bi của Đức Phật, Tâm Phật thì hoàn toàn thanh tịnh, chân thành, chân thật, là một Chân Ngôn, mang sức mạnh không thể nghĩ bàn, có hiệu lực làm cho điều mong cầu trở thành hiện thực.
Cũng vậy, khi Đức Phật truyền dạy tôn giả Anan đọc tụng bài kinh về Mười Pháp Quán Niệm cho Tỳ Kheo Girimananda, Đức Phật cũng có Lời Chúc Phúc là bệnh tình của Tỳ Kheo Girimananda sẽ thuyên giảm. Bài kinh đã phát xuất từ Tâm Đại Từ Đại Bi của Đức Phật, mang sức mạnh của Tâm Phật thanh tịnh, chân thành, chân thật, nên Lời Chúc Phúc là một Chân Ngôn có hiệu lực làm cho điều mong cầu trở thành hiện thực.
Lại nữa, chúng ta đừng quên, là một Tỳ Kheo thì chắc chắn tôn giả Girimananda cũng đã từng tu tập Tứ Niệm Xứ, không có gì lạ đối với ngài nữa. Nhưng trong lúc bệnh nặng, thân thể yếu đuối, sức lực hao mòn, khó lòng làm chủ Thân, Tâm, Tỳ Kheo Girimananda phải nương nhờ Tha Lực bên ngoài, tức là tôn giả Anan, đọc tụng cho nghe lời Phật nhắc nhở về các pháp hành để quân bình Thân, Tâm thì với cái tâm Hoan Hỉ nhận Pháp đó mà Tỳ Kheo Girimananda đã bứt mình ra khỏi sự hoành hành của cơn bệnh, đưa đến sự phục hồi sức khoẻ. Đức Phật đã bố thí Pháp, bài Pháp thoại là bài kinh về Mười Pháp Quán Niệm và tôn giả Girimananda đã nhận được nguồn Pháp Lạc, Pháp Hỷ tràn ngập Tâm mình. Tâm hoan hỉ, bệnh tình thuyên giảm là điều tất yếu. Chúng ta đã được biết Thân và Tâm liên hệ, ảnh hưởng nhau như thế nào.
Chúng ta có thể lượt kê những gì được Học, được Hiểu và cần phải Hành qua Kinh Girimananda như sau :
1. Bài kinh có thể chia làm ba phần, phần một gồm 4 Pháp Quán Niệm hay Quán Tưởng, giúp cho chúng ta nhận ra và ghi nhớ, tâm niệm về bản chất thật của tấm thân Ngũ Uẩn gồm Sắc và Danh đều là Vô Thường, không mãi mãi thường còn, Bất Tịnh, đầy dẫy sự dơ bẩn, Nguy Hại vì chỉ đem lại bệnh tật, Vô Ngã vì do Duyên Sinh, lệ thuộc vào các điều kiện để sanh và diệt.
2. Phần hai là sau khi nhận ra bản chất thật của cái thân Ngũ Uẩn rồi thì hướng tâm đến sự Đoạn Trừ, không chạy theo Dục Lạc của Lục Căn, Lục Trần, không khởi lên lòng Sân hận khi dục lạc không được thoả mãn, ngăn chận các hành động bất thiện, hại người và hại cả chính mình. Hướng tâm đến Ly Tham chính là đoạn trừ hoàn toàn nguyên nhân gây khổ đau chính là Ái, khát ái, ái nhiễm, chạy theo điều ưa thích, yêu thương, đúng ý mình muốn, không được như ý, ghét, thì tìm cách loại trừ, tìm cách loại trừ thì sẽ tạo nghiệp bất thiện, chịu khổ quả. Trôi lăn luân hổi sinh tử cũng từ Ái mà ra. Từ Ly Tham, tức là chấm dứt khát Ái, chúng ta sẽ tâm niệm không nắm níu, hi cầu gì hết đối với thế gian, được dạy nơi Yếm Thế Tưởng, nhưng sự không hi cầu này chỉ rốt ráo hoàn toàn một khi thực sự chán ngán các pháp Hữu Vi, do đó phải nhất quyết không tạo nhân, làm chỗ sanh y, chỗ dựa cho các Pháp Hữu Vi sanh khởi. Nói gọn lại cũng chính là nơi cái thân Ngũ Uẩn này, chẳng đâu xa.
3. Phần ba, phần cuối là phương pháp cụ thể và hữu hiệu để giải thoát hay giải phóng con người thoát khỏi khổ đau của sinh tử luân hồi, sự bức bách của các phiền não, các triền sử, kiết sử huân tập lâu đời lâu kiếp. Nơi cái thân Ngũ Uẩn mà khổ đau thì cũng từ cái thân Ngũ Uẩn mà chấm dứt khổ đau, chẳng phải tìm đâu khác, tìm đâu xa. Phương pháp Nhập Xuất Tức Niệm cũng tương đương với Tứ Niệm Xứ, dạy chúng ta thực hành phương pháp thở vào thở ra tức là từ nơi Thân, dựa vào hơi thở, nối liền Thân với Tâm mà chấm dứt phiền não, đoạn trừ triền sử, kiết sử đưa đến thực chứng trạng thái an lạc, tịch tĩnh của Niết Bàn Tịch Diệt.
4. Chú ý vào hơi thở, hơi thở thuộc về Thân, về Sắc hay Tứ Đại, nếu không có Tâm hay phần Danh nương vào phần Sắc, thì cái thân Ngũ Uẩn sẽ không mang một sự sống nào, chẳng có sự hiện hữu hay một mạng sống nào. Khi thực hành Pháp Nhập Xuất Tức Niệm này chính là lúc mà cái Tâm hoàn toàn chủ động. Tâm chú ý hơi thở vào ra, Tâm đang làm chủ cái Thân, Tâm nhận biết từng trạng thái, từng cảm giác, cảm thọ, cảm nhận, ý thức rõ rệt từng đối tượng hay hiện tượng vừa sinh lý vừa tâm lý đang luân chuyển nơi Thân. Hơi thở thì thụ động, có thể nói là tự động, thuộc về Khí và bản chất là sự chuyển động, nên có thở vào, thở ra, chỉ có Tâm là chủ động, vừa làm chủ Thân, dựa trên hơi thở, vừa làm chủ Tâm tức là Thọ Tưởng Hành Thức, với tất cả nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, chỉ một mục đích là đưa Tâm về nơi chốn tĩnh lặng, không có điều kiện để sanh diệt, không có khổ đau, không có tái sinh, luân hồi sinh tử, gọi đó là Vô Sanh, Niết Bàn Vô Vi Tịch Diệt.
5. Kinh Girimananda dạy chúng ta tu tập giải thoát ngay từ nơi cái thân Ngũ Uẩn này. Nhận ra Tam Pháp Ấn, nhận ra Tứ Diệu Đế và chú trọng vào phương pháp Tứ Niệm Xứ, quán Thân, Thọ, Tâm và Pháp đúng như bản chất thật của chúng, từ đó mới có thể Xả Ly, không tham, không chấp, không bám vào cái ta không có thật, nói rộng ra là không bám vào các Pháp Hữu Vi. Tu tập Tứ Niệm Xứ cũng là tu tập Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo. Nói giản lược là tu tập Giới Định Tuệ.
6. Học kinh Girimananda là phải thực hành, thực chứng. Phần tu, chứng là phần khó nhất, không phải ai cũng làm được, đạt được. Chúng ta cũng không xem thường người chỉ tụng, đọc kinh, xem như là bài kinh giải bệnh nên tụng đọc để cầu khỏi bệnh. Tụng, đọc có sự lợi ích của nó, lời Phật dạy cần phải có thời gian huân tập, có khi cả nhiều đời nhiều kiếp mới chợt ngộ ra ! Tụng, đọc mà chưa thực hành được vẫn có công đức, còn hơn là phí thời giờ qua những bàn luận thị phi, xem phim ảnh không bổ ích, dạo phố, dạo chợ…Nếu chẳng tụng, chẳng đọc mà chỉ nghe kinh nhưng lại sinh tâm hoan hỉ, vui mừng vì được Pháp Hỷ, Pháp Lạc thì công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chắc chắn Tỳ Kheo Girimananda lúc lâm trọng bệnh, sức lực suy tàn, chỉ có thể nghe Pháp Thoại qua trung gian của tôn giả Anan nhưng nhờ có được Pháp Hỷ, Pháp Lạc mà khỏi bệnh. Thân và Tâm ảnh hưởng qua lại mật thiết như thế nào chúng ta đều biết. Tâm hoan hỉ lạc quan hỗ trợ Thân khoẻ mạnh hơn, làm tiêu trừ bịnh tật. Tâm bi quan, chán chường làm cho Thân cũng mệt mỏi, yếu đuối, thiếu năng lượng tích cực, dễ sinh bịnh tật. Đức Phật không dùng một phù phép gì để chữa bệnh, chỉ cần ban Pháp Thoại mà Tâm người bệnh được an. Tâm an thì Thân cũng an ổn.
7. Chúng ta tìm thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh, Tập V - Thiên Đại Phẩm, chương II, có đoạn kể lúc tôn giả Ca Diếp và Mục Kiền Liên lâm trọng bệnh, Đức Phật đã thuyết giảng Thất Giác Chi mà các tôn giả đã bình phục, và đọan kể lúc Đức Phật lâm trọng bệnh, Ngài đã gọi tôn giả Cunda thuyết lại Thất Giác Chi mà chính Đức Phật đã dạy, cho Ngài nghe, sau đó Đức Phật cũng đã hết bệnh. Những sự kiện này cho chúng ta thêm vững lòng tin vào sức mạnh của Tâm, nhất là khi Tâm thanh tịnh, vui mừng, sung sướng mà trong trường hợp này là do nghe Pháp mà có, tức là có Pháp Lạc, Pháp Hỷ nơi Tâm mà Thân có thêm sức mạnh, tự thanh lọc cấu uế, thắng lướt bệnh tật. Tâm thanh tịnh thì Thân cũng thanh tịnh.
8. Học Kinh Girimananda, chúng ta hiểu rằng phần thực hành rất quan trọng và cần thiết, như đa số các kinh khác, song dù chỉ được đọc, được tụng hay được nghe, lợi ích vẫn có, công đức vẫn có, phàm phu chúng ta cần thời gian để huân tập lời Phật dạy, không như các Tỳ Kheo, các vị ấy là đệ tử của Phật, đã từng tu tập miên mật các Pháp của Phật, đối với các vị này không có gì khó hiểu cũng như thực hành. Chúng ta thì phải cần chư Tôn Đức giảng dạy, phải qua năm này tháng nọ mới hiểu được một câu kinh, bài kệ. Do đó khi chưa thực hành được thì đọc, tụng hoặc khi lâm bệnh, đuối sức thì chỉ nghe vậy. Chúng ta không xem thường bất cứ một hình thức tiếp cận kinh điển nào cả. Người đang hấp hối cũng có thể tụng kinh cho họ nghe, thậm chí, hồn lìa khỏi xác cũng có thể nghe kinh, do đó mà có thể tụng kinh cầu siêu.
9. Kinh Girimananda được xếp vào loại kinh cầu an, được tụng đọc để giải bệnh, không hàm chứa một lòng tin mù quáng, dị đoan, tin vào phù phép nhưng tin vào sự lợi ích thù thắng của sự tụng, đọc hay nghe kinh, vì đó là Pháp Phật. Trí Tuệ sẽ bừng sáng một lúc nào đó và việc thực hành sẽ dễ dàng. Chúng ta cũng có thể học thuộc lòng bản kinh, ghi khắc vào Tâm từng Quán Niệm một, dần dà sự thực hành sẽ không khó.
10. Học kinh Girimananda, với các pháp Quán Niệm, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của Tâm. Tu tập Tứ Niệm Xứ, bao gồm cả Bát Chánh Đạo, Thất Giác Chi, cũng là tu Tâm, làm chủ tâm, định rõ hướng đi cho Tâm. Trong Chánh Niệm mà quán Thân, Thọ, Tâm, Pháp, đầy đủ Giới Định Tuệ. Kinh Girimananda, nơi phần Nhập Xuất Tức Niệm dạy tu tập theo Tứ Niệm Xứ, như vậy là dạy cho chúng ta tu Tâm. Lời Phật dạy trước sau như một, cho dù có Tam Tạng Kinh Điển. Bài Kệ tìm thấy trong Kinh Pháp Cú, Phẩm Trí, cũng không nằm ngoài những gì Đức Phật muốn nói qua kinh Girimananda, có thể mượn bài Kệ này để kết luận cho việc Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda :
Những ai thường chính tâm
Tu tập Pháp Giác Chi
Xa lìa mọi chấp trước
Hoan hỷ không nhiễm Ái,
Sẽ sống không lậu hoặc
Sáng chói, chứng Niết Bàn
Ngay trong đời hiện tại.
Học Phật Trong Mùa Đại Dịch xin ngừng ở đây, giới hạn qua phần trình bày các Kinh chính, được học trong hai năm qua mạng lưới Internet. Kinh Châu Báu, Phẩm Phổ Môn, Kinh Girimananda đã an tâm Đạo Tràng chúng ta rất nhiều để tiếp tục tinh tấn trau dồi Trí Tuệ, hiểu đúng Chánh Pháp và hành trì đúng như lời Phật dạy.
Nay, sau hơn ba năm, có thể nói nhân loại đã thoát khỏi hoạn nạn tuy chưa hẳn là hoàn toàn, nhưng không còn trầm trọng, đáng ngại như giai đoạn khởi đầu nữa. Các buổi tu học của Đạo Tràng quay trở lại nơi ngôi chùa ấm cúng, nghiêm trang, thanh tịnh, vừa trau dồi lý thuyết vừa thực hành, với một ý thức mãnh liệt hơn về bản chất Vô Thường của cuộc đời nên dốc lòng tinh tấn, khắc ghi lời Phật dạy trước khi viên tịch :
« Hãy nghe đây, này các đệ tử, Như Lai khuyên các con, Tất cả các Pháp Hữu Vi đều Vô Thường. Hãy tận lực liên tục chuyên cần. »
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nhật Duyệt LKTH