Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Viết cho má sau thất thứ bảy

27/04/202304:51(Xem: 2124)
Viết cho má sau thất thứ bảy

nguyen thi cuc



Viết cho má sau thất thứ bảy




Má yêu dấu ơi,

Đã hơn 49 ngày qua, Má không còn biểu hiện nữa. Đã biết Vô Thường là quy luật thường hằng trên thế gian này, nhưng con vẫn thấy tim nhoi nhói đau, hai dòng nước mắt cứ tuôn rơi không sao cầm được mỗi khi nhớ đến thân phận mồ côi của chúng con trong hơn 7 tuần qua. Mặc dầu mỗi ngày con đều đọc thật chậm lời dạy của Bụt:“Ông Bà Cha Mẹ dù còn đang tại thế hay đã khuất núi, đều cũng đang có mặt nơi con cháu. Sự sống của con cháu là sự sống của ông bà cha mẹ. Sự sống của Tổ tiên và của ông bà cha mẹ được tiếp nối nơi sự sống của con cháu…“ như đang uống vào một thứ thuốc an thần, an tâm, giúp con bớt hục hẫng bơ vơ, tự dặn lòng, mình vẫn còn nơi nương tựa…

Và 49 ngày qua, các con của Má dù mỗi đứa vì hoàn cảnh sinh sống mỗi nơi, nhưng ngày ngày, các con đều đọc kinh, cầu nguyện xin Hồng Ân Tam Bảo, Đức Bụt A Di Đà tiếp dẫn, độ trì hương linh của má kính yêu Vãng Sanh Cực Lạc.

Má kính yêu ơi,
Con được ra đời trong tình thương yêu vô bờ của Ba Má, nhưng vừa 19 tuổi con phải rời mái ấm gia đình, xa vòng tay Ba Má để đi học thật xa, một sự đầu tư lớn lao của Ba Má dành cho con, với hy vọng sau vài năm về lại quê nhà, con sẽ là đầu tàu phụ giúp Ba Má kéo các chị em tiếp nối trên con đường cơm áo gạo tiền trong lúc quê nhà đang chìm đắm trong chiến tranh khốn khổ. Bôn ba nơi xứ người với những thử thách không nhỏ, nhưng lúc nào trong lòng con cũng luôn mang nặng hình bóng của Ba Má, những lời khuyên bảo, dạy dỗ của Má và cách sống đạo đức của Ba. Đó là hành trang quý báu con mang vào đời. Con tự hãnh diện, tự hào và tri ân Trời Phật có được đấng sanh thành như Ba Má, nhất là Má, một người mẹ tuyệt vời với đầy đủ đức tính tốt lành. Má rất thông minh, chịu khổ, chịu cực với tất cả mọi người, vượt ra ngoài vòng thân quyến bà con để đến với hàng xóm bạn bè, và đôi khi quên cả bản thân mình.

Ngày còn nhỏ, chỉ biết nghe lời Ba Má học hành cho Ba Má vui. Sau này, nghe Cậu, nghe Dì, nghe chị Hai kể lại, con mới biết thêm về Má hơn. Thời thơ ấu của Má không đẹp như thời thơ ấu của bảy chị em con. Má sinh ra từ ruộng đồng, tay lấm chân bùn, lam lũ và không được đến trường, Má không có thời thơ ấu lung linh cùng phượng đỏ hay lưu bút ngày hè bên mái trường vôi trắng; Má cũng không có được những chiều cùng chúng bạn rong chơi trên hè phố, không tha thướt trong chiếc áo dài màu trắng hay chụp ảnh lưu niệm với bạn bè…Nơi Má sinh ra cùng các Cậu các Dì và lớn lên là đồng ruộng mênh mông…được bao bọc bởi những con kênh nhỏ, lũy tre xanh, lụp xụp dưới mái tranh xúm xít bên Ngoại trong những bữa cơm chiều thanh đạm.
Có lần Má kể về con rạch do Cậu hai tự đào để dẫn nước vào chung quanh nhà Ngoại, cũng là nơi nuôi cá và chim nhiều đến nổi mỗi sáng tin sương, không ai có thể ngủ tiếp vì tiếng chim ríu rít ngoài vườn. Có khách đến chơi, cậu bơi cái xuồng con, tìm khúc quanh hay ngay cái xẻo, đặt rọ rồi dùng cây chèo đập trên mặt nước cho cá chung vô rọ, rồi dùng sào quéo mấy trái dừa xiêm mộng nước cho rơi xuống rạch để theo dòng nước trôi đến sàn bếp nhà…Thế là cây nhà lá vườn, nước dừa đãi khách và cơm gạo trắng với cá tôm nướng trui, rau sống ngoài vườn, thơm lừng cả khu vườn. Và như thế Má có một thời tuổi thơ trong vùng đất gian khó nắng sớm mưa chiều, trên đầu là chiến tranh bom đạn và dưới đất là cần lao nhọc nhằn, chân đất lấm phèn cùng với những đêm ngủ không yên giấc khi có giao tranh…Vậy mà cả nhà Ngoại đều vui làm sao.

Những hình ảnh này đôi khi làm lòng con lắng xuống, xót xa và yêu thương thời thơ ấu cho đến tuổi lớn khôn của Má vô cùng.

Rồi thì duyên phận đã khiến Ba đến với Má. Má đem cả tuổi thanh xuân riêng tặng cho Ba để chị hai của chúng con được mở mắt chào đời khi Má vừa tròn 20, một bà mẹ còn quá trẻ trong xã hội ngày nay, kết quả là bảy chị em chúng con được lành lặn, mạnh khỏe ra đời từng đứa một dưới một ngôi nhà nhỏ trong xóm nghèo lao động trên Sài Gòn. Cuộc sống tuy vất vả, đạm bạc, khó khăn, nhưng nhờ sự thương yêu chăm sóc của ba má, nhất là sự tần tảo, dè xẻn khéo léo vô cùng của Má, chúng con đứa nào cũng được cắp sách đến trường, học hành đến nơi đến chốn, đó là mục đích tối hậu của cả Ba lẫn Má, mong sao các con mình có học thức đàng hoàng, thấu hiểu đạo đức thánh hiền. Và sau này sẽ tung cánh bay trên bầu trời cao rộng. Ôi! Kể sao cho hết công ơn trời biển này.

Mười chín tuổi, chưa biết thương ai ngoài ba má và chị em trong nhà, Ba Má cho con đi học phương xa. Con đi, nghĩ là sau 5 năm sẽ về lại nhà như lời Ba dặn, mang theo trong tim „Mùi của Má“ với tình thương tràn đầy. Và 5 năm dự định trở thành 30 năm xa xứ, lần đầu tiên trở về lại quê nhà, Ba đã khuất núi . Mùi dầu xanh của Má vẫn còn đó, thỉnh thoảng hai má con ngồi nhắc chuyện xưa, Má cười hiền mủm mỉm hỏi con còn nhớ chuyện này vụ nọ không? Con cười cười giả đò không nhớ để nghe Má kể. Đặc biệt ở Má là trí nhớ của Má rất tốt, Má nhớ những câu chuyện trong vòng bà con, thân quen thật đẹp, những điều tốt lành nhất, đẹp đẻ nhất để kể tiếp cho các con cháu mà chẳng bao giờ nhớ tới những gì gì xấu dở của bất cứ một ai, ngay cả các cô bác hàng xóm.

Má ơi, hổm rày, chị em chúng con liên lạc với nhau rất nhiều, kể cho nhau nghe những kỷ niệm của từng đứa với Ba Má ngày xưa. Chị em con đều rất mang nặng ơn đức sâu dầy của Ba Má, nhất là Má, người luôn bên cạnh các con mình từ thưỡ lọt lòng, Má thật sự đã để lại một gia sản vô giá cho con cháu, đó là đức tính yêu thương, chịu cực chịu khổ, hy sinh thân mình để nuôi chúng con khôn lớn, nên người. Trong những năm tháng đổi đời gian khổ khó khăn nhất, Má không ngại sợ khó sợ cực mài mò nắn từng cái bánh ít, bánh bao bán ở trường học vì cái gia đình đông miệng ăn. Đời sống lao động đầy gập ghềnh sóng gió nhưng người tài công như Má đầy thông minh, bản lĩnh đã lèo lái vượt qua bao bão giông…đưa con thuyền đến chốn bình yên. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, với cách đối nhân xử thế của người có tình có lý như Má luôn thể hiện tính nhân đạo, vị tha và giúp đỡ mọi người.

Má kính yêu ơi, tuy không được gần Má hơn nửa thế kỷ, nhưng với con, cũng như Ba, Má lúc nào cũng có mặt bên con, con thở, con cười, con khóc đều có Má kề bên. Tình yêu kính dành cho Má không bao giờ vơi cạn trong con. Không gian và thời gian có xa cách nghìn trùng cũng không làm cho con vơi bớt niềm thương nhớ Má, nhất là ngay lúc này, mỗi lần nhìn vào bàn tay, con vẫn luôn thấy rõ nụ cười thật hiền hòa, đầy tha thứ bao dung của Má. Thật lòng mà nói, con vẫn luôn yêu kính Ba, nhưng Má lại là người con nhớ nhiều nhất.

Má yêu kính ơi,

Biết là Má đã sống trọn vẹn cuộc đời đầy nhân nghĩa của Má, và rồi Má sẽ ra đi, về lại cội nguồn. Và cũng biết là: „…Má chưa bao giờ từng sinh, mà cũng chưa bao giờ từng diệt…Chung quanh con, tất cả đều biểu hiện Má từ nguồn linh tâm thức…Chúng con vẫy tay chào Má, để rồi tức thì gặp lại, gặp lại hôm nay, gặp lại ngày mai, chúng ta đang găp nhau nơi suối nguồn, chúng ta sẽ gặp nhau trên muôn ngàn nẻo sống.“ Nhưng sao đôi lúc con cảm thấy bơ vơ, hụt hẩng và thấm thía làm sao với nỗi đau mất Má! Thấm thía làm sao khi nghe ai đó nói: „Vòng tay mẹ chính là chiếc nôi tuyệt vời nhất vỗ về tâm hồn con! Hay Con dù lớn vẫn là con của Mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con!“

Má ơi, trong cuộc đời này, Má mãi là ngọn đuốc soi đường, dìu dắt chúng con đi đúng hướng. Má an lòng ngủ một giấc dài bình an nha Má. Con đọc kinh cầu nguyện cho hương linh Má vui hưởng miền đất Tịnh. Nếu có kiếp sau, hay sau, sau nữa, con cũng xin nguyện mãi mãi được làm đứa con ngoan của

Má và Ba yêu kính.
Má về đất Bụt Di Đà
Nụ cười hiền dịu không phai trong lòng
Gia tài của Má còn đây
Chúng con chấp cánh tung bay khắp trời
Kính đến Má dấu yêu của chúng con.

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Con gái thứ ba của Má
tâm hải đức – hồng hoa
27.04.2023 (Mồng 8 tháng 3 Quý Mão)


nguyen thi cuc


Chung thất thứ 7


Má kính yêu ơi
49 ngày đã qua
Má không còn biểu hiện
Nhưng má vẫn còn đây
Trong từng tế bào này
Tháng tư rồi đó Má
Trời xứ Đức bên này
Hoa vàng bắt đầu nở
Đẹp như những cành mai
Sao lòng con ưu hoài
Bao nỗi niềm thương nhớ


Thời gian nào ngừng lại
Thất tuần Má trôi qua
Chúng con thật thấm thía
Thân phận kẻ mồ côi


Sáng nay qùy bên Má
Má cười thật hiền hòa
Nhẹ nhàng lời kinh kệ
Con tiễn Má về Quê


Nơi có Bụt Di Đà
Nơi không còn lo lắng
Má vui cùng Thánh chúng
Cứu độ người gần xa


Cội nguồn thật thanh tịnh
Sen vàng, trắng, đỏ thơm
Gió thổi đưa nhạc về
Văng vẵng những lời kinh


Trong bảy tuần vừa qua
Dâng Má lời kinh tụng
Mở lối cảnh Di Đà
Lòng chúng con thiết tha
Nguyện hồng ân Tam Bảo
Mẹ con mình không xa
Ân Đức Chư Tôn Đức
Cùng thiện nhân xa gần
Độ biết bao nhiêu người
Giữa thế gian Ta Bà
Chuyển khổ thành an vui
Con xin nguyện hồi hướng
Cho tất cả muôn loài
Đều trọn thành Phật đạo


Lạy Má ơn sanh thành
Chúng con thân mạnh lành
Với trí tuệ, lòng nhân
Nguyện đi theo chân Má


Má đã về Quê Hương
Cõi Tịnh Độ an hưởng
Ba Má cùng hái hoa
Đem cúng dường chư Bụt
Nghe Chim hót Chánh Pháp
Nhiếp niệm A Di Đà


Chung Thất thứ 7 của Má
23.04.2023 (mồng 4 tháng 3- Quý Mão)
7 đứa con của Ba Má cùng các cháu, chắt.



 

nguyen thi cuc


Nhớ mùi của Má



Chắc không riêng gì tôi, đôi khi ta vẫn cảm nhận một thứ mùi thoang thoảng ở đâu đó quanh mình, dù không rõ lắm, cũng không biết nó tỏa ra từ nơi nào…nhưng vẫn làm lòng tôi có chút gì thổn thức, khắc khoải bâng khuâng.

Và như thế, những mùi hương đầy hoài niệm đó bắt nguồn từ ký ức, từ miền nhớ sâu thẳm thoáng về, dù trôi qua bao tháng năm, tôi vẫn cứ mong tìm lại…Tìm lại để hạnh phúc vô vàn với một thời đã sống vô tư, hồn nhiên như tờ giấy trắng, và cũng để bùi ngùi với niềm nhớ, kỷ niệm về những người thân thương đã đi qua cuộc đời, để lại trong tôi những mảnh tình cũ, những nhớ thương bị phủ dưới lớp bụi thời gian.

Nơi này, xa Má hơn nửa vòng trái đất, tôi tìm cách đến với Má qua sự thăm viếng, gần gũi với các bác lớn tuổi nơi mình cư ngụ. Đến chơi với các bác mà trong lòng tôi luôn nghĩ là mình đang ở bên má, ôm hôn các bác mà trong tim tôi luôn thì thầm:“Má ơi, con đang hôn Má nè!“. Điều này tôi làm một cách tự nhiên và thường xuyên…đôi khi chợt giật mình:“mình lợi dụng các bác, mình không thành thật…!“

Rồi bây giờ, Má tôi như ngọn đèn sắp cạn, các cháu bay về để chơi với Nội, Ngoại (lần cuối?) Theo quán tính thường làm, tôi khuyên các cháu mình hôn Bà cho thật sâu, giữ mùi của bà cho kỹ trong tim để mang về trao lại cho các con…Cậu cháu nội của Má tôi viết ra những chữ làm tôi rơi nước mắt:“Dạ sáng hôm nay đút Nội ăn, con có nói Chú 8 là lúc con hun Nội cái mùi này y chang gần 30 năm trước trải chiếu nằm ngủ kế Nội“. Tôi thương cháu quá! Thâm trầm và sâu sắc vô cùng.

À, thì ra có những mùi hương trong quá khứ, đôi khi làm ta khó chịu hay ưa thích thoáng khi bắt gặp, để rồi trong cuộc sống bộn bè với cơm áo gạo tiền, ngược xuôi trên đất lạ, lòng ta lại day dứt kiếm tìm. Mùi chua chua, nồng nồng âm ấm qua chiếc áo của Ba mỗi chiều tối về đề có mặt đủ đầy cho bữa cơm cuối ngày. Mùi thức ăn quyện vào chiếc áo ngắn tay của Má…và còn rất nhiều mùi khác nữa…như vô vàn sợi dây ký ức đan xen, quyện lại ăm ắp chất đầy cả khoảng trời hồi tưởng riêng mình, rồi đôi khi có những lúc nhớ về, mắt tôi chợt cay cay …

Tôi chợt nhớ da diết đến mùi dầu nhị thiên đường của Má. Mùi nong nóng, cay cay, Má hay dùng ngón tay trỏ thấm chút dầu màu nâu đỏ rồi quẹt lên mũi. Lúc đó, chắc tôi cũng ghiền mùi này nên hay tìm cách áp mặt vào lòng Má, để được ngữi mùi nồng nồng, cay cay đến chảy nước mắt, ấm ấm len vào cánh mũi, tôi khoan khoái hít hà hương vị còn đâu đó trên ngực áo Má, tấm áo một nắng hai sương hòa lẫn mùi da thịt thân thương quen thuộc. Trong túi áo Má luôn có một chai dầu nhị thiên đường. Những lúc trở trời, đau lưng, mỏi mệt, má hay xức lên mũi, lên chỗ đau để xoa dịu những nhọc nhằn mưa nắng, như tìm cho mình cảm giác bình an, dễ chịu, vượt qua những nỗi đau thể xác, phấn chấn lại sức lực để ôm ấp đàn con thơ dại; dần dà đã thành một mùi hương sống hoài trong trí nhớ…và mỗi lần bất chợt gặp lại, lòng tôi lại nhớ Má quắt quay…

Tôi không biết Má bắt đầu có chai dầu nhị thiên đường từ khi nào, nhưng tôi nhớ rất rõ, đây là mùi hương mà tôi chờ đợi nhất, chờ đợi vô vàn sau 30 năm tôi trở lại quê nhà. Lúc đó tôi có chút hục hẫng vì Má không còn chai dầu nhị thiên đường trong túi áo nữa, mà Má có chai dầu xanh. Má đã có cháu nội, ngoại và tôi thì đã dạn dày, nhưng vẫn thèm ngã đầu lên ngực Má để được hít mùi dầu của Má, mặc dù không còn là mùi của ngày xưa…nhưng vẫn là mùi của Má, mùi bình yên. Và tôi để ý, thấy Má xài chai dầu xanh nhiều hơn, có lẽ để bớt nỗi nhớ con, nhớ cháu…quẹt chút dầu xanh lên mũi, lên hai màng tang để có mùi bầu bạn, san sẻ nỗi niềm. Và mùi dầu xanh ấy thầm lặng như Má một đời tất bật khuya sớm, nơi nào có bàn tay Má vun xén, bước chân Má đi qua là thoang thoảng mùi dầu xanh nồng nồng ấm ấm.

Bây giờ, con cháu vì hoàn cảnh sống và hầu như đã thật sự cắm rễ khắp nơi, bay nhảy ở những chân trời mới, còn Má? Má vẫn lặng lẽ trong xóm nhỏ bình dị, chiều chiều ngồi trên giường vuốt cho thẳng thớm, xếp lại từng cái áo, cái quần, cái khăn, bên chiếc máy nhỏ vang lên lời kinh, câu niệm Phật với mùi dầu xanh đậm đà, vấn vương, giản dị.

Nhớ đến Má, tôi chỉ muốn vỗ cánh bay về mái ấm ngày xưa, để mắt miệng được cười vô tư, mũi được hít hà mùi dầu xanh thân quen, chứ không phải mượn mùi của các Bác khác…Nhớ đến Má, lòng dạ cứ bồi hồi, nhớ những ngày ấu thơ được rúc mình trong vòng tay của Má và nhất là được xức dầu, đấm lưng, bóp tay cho Má.

Má ơi, cho đến bây giờ, dù ở đâu đi nữa, thi thoảng ngửi được mùi dầu xanh ở đâu đây là con nhớ ngay đến Má. Má neo đời mình vào hạnh phúc với Ba và của bầy con 7 đứa cùng đám cháu nội ngoại, và nhất là một tay Má nuôi dưỡng, chăm lo cho bà Ngoại lẫn bà Nội cho đến lúc mãn phần. Má rất vui mỗi khi gia đình mình có thêm một thành viên mới, dù đó là ruột thịt hay dâu rễ. Nhớ hoài, nhớ hoài ngày rời mái ấm gia đình, vòng tay qua ôm Má mà nghe mùi dầu nhị thiên đường tỏa lan rưng rức, mắt cay cay ràn rụa, nhưng tôi tự cắn môi, dặn lòng không được khóc để Ba Má an tâm.

Dù mùi dầu nhị thiên đường hay mùi dầu xanh có làm ai đó thấy khó chịu, dị ứng…nhưng đây vẫn là thứ mùi hương mà tôi trân quý nhất cả cuộc đời, và có lẽ bây giờ tôi cũng mang theo mùi dầu xanh nhật bổn theo bên mình để trao lại cho các con tôi. Mấy tuần nay, tôi đã thực sự về lại quê nhà, có mặt cả ngày bên giường Má, nhìn và cùng thở với Má, với các chị em, các cháu nội, ngoại của má. Mùi dầu xanh đã dẫn dắt tôi về mái ấm thân thương sau những bước chân lạc lối giữa trời xa đất lạ, có vui có buồn, có thành công, có thất bại, tôi đã về, ôm Má trong vòng tay như khi xưa Má đã ôm tôi, để được vỗ về nhau, để thủ thỉ với Má: Ba Má luôn có trong các con các cháu với tình yêu thương tràn đầy.

Cám ơn ĐỜI đã cho tôi được làm con gái thứ ba của Ba Má, cho tôi được sống trong tình thương bao la êm ái, cho tôi được hưởng những cử chỉ thân thương, với từng nhịp đập từ trái tim nhân hậu của bậc sinh thành, dìu tôi vào đời từng phút từng giây, với ước mong cho các con mình có cuộc sống bình an, suông sẻ hơn mình, luôn cho tôi có được cảm giác thương yêu chân thành, sâu sắc…., điều mà tôi chưa bao giờ cảm nhận được từ ai khác cả. Và nhất là tôi được làm một trong những gút thắt mà Ba Má đã tạo thành cho các con, các cháu, các chắt để thành một chuỗi thâm tình luôn được dưỡng nuôi và tiếp nối.

Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con

Viết dùm cho các chị em và con cháu. Cảm ơn cháu Tuân đã gợi ý giúp cô 3 viết ra những dòng này.

Hồng Hoa (Tâm Hải Đức) con của Ba má

Stuttgart, 04.03.2023



nguyen thi cuc

Chúng con mồ côi rồi

Kính dâng Má, Bà yêu kính của chúng con


Về với Ba, Má thơm mùi con gái
Mùi ruộng nương chân lấm tay bùn
Mùi cơm chín một tay Ngoại dạy
Đời thanh xuân Má tặng cho Ba
Bảy đứa con oằn mình nuôi dưỡng
Mùi tro than, hạt muối, củ gừng
Bảy đứa con đều ôm vú Má
Mùi sữa thơm thấm đẵm thân con
Cháu Nội cháu Ngoại, Má cho ngậm vú
Mùi của Bà, giấc ngủ bình yên…
Con chập chễnh Má vui khôn tả
Má thưởng con xôi nếp thơm lừng
Ngày đi học, áo Má thơm mùi mới
Dầu thiên đường thoang thoảng quanh con
Các con bệnh, Má thơm mùi nhang khói
Cầu Phật trời con nạn khỏi tai qua
Ngày các con đã xong trung học
Má thơm mùi nghề nghiệp mai sau
Khi các con có đôi có bạn
Má thơm mùi đạo vợ nghĩa chồng
Hành xử ở đời, Má đem trao tiếp
Má thơm mùi giúp đỡ bao người
Đàn chim nhỏ bay đi muôn lối
Vẫn mang theo mùi Má, tiếng Ba

Đời chúng con lên bờ xuống ruộng
Má vẫn hoài thơm những lộc non
Chiều chiều ngồi ở cửa sau
Mùi thương mùi nhớ…gửi từng đứa con
Cho dù năm tháng dần qua
Con luôn nhỏ dại, thèm mùi Má luôn
Nhà của mình, đầy mùi của Má
Mùi của Bà, mùi cái vú da
Cháu sống xa, nhưng vẫn nhớ Bà
Đàn chim nhỏ bay về tổ ấm
Hít mùi Bà bên giường chiếu ấm êm
Bà ơi, cháu ở bên Bà
Cháu luôn giữ mãi bóng Bà trong tim
Hôm nay ngày rằm tháng hai
Giữa nhà Má ngủ giấc dài thiên thu
Chín mươi lăm mùa làm Má làm Bà
Tháng năm lao nhọc, xếp đôi cánh cò
Mùi của Má vẫn bên giường chiếu
Mùi tình thâm khô kiệt xác thân
Mùi chở che, bên ướt Má nằm
Để suốt đời bên ráo con (cháu) an yên
Đêm nay trăng sáng ngoài sân
Chúng con quỳ xuống ôm chân Mẹ hiền
Hàng cau sân Ngoại lặng im
Trầu xanh nhỏ lệ trong tim khóc Bà
Gió qua liếp cửa hây hây
Mùi thương của Má vẫn còn đâu đây
Nhẹ nhàng, thanh thản trút hơi
Cánh Hạc đón Má về nơi an lành
Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Chúng con xin vẩy tay kính chào Má, chào Bà đã dành cả cuộc đời cho chúng con. Bảy ngón tay của Ba Má tuy có ngón dài ngón ngắn, nhưng ngón nào cũng mạnh khỏe lành lặn và sẽ luôn quấn quít, che chỡ, đùm bọc, thương yêu nhau và nhất là sẽ chăm sóc tiếp cho các ngón tay nho nhỏ nhưng rất đáng yêu để cây thương yêu gia đình Ba Má luôn được chăm sóc và nuôi dưỡng lâu dài bằng Đạo Đức của Ba Má đã trao truyền. Má đã xum họp với Ba rồi.

Các con và các cháu của Ba Má
Ngày 06.03.2023 ( Rằm tháng 02 Quý Mão 2023)
Đêm nay không còn được nhìn thấy Má nữa. Ngọn đèn đã khô cạn dầu rồi!
…………

Đêm rằm tháng 2. Quý Mão (06.03.23 – Sau khi liệm Má lúc 21:30 giờ)

Đêm nay con không còn được nhìn Má ngủ trên giường nữa rồi !

Má ơi, mùi Má đầy giường
Chiếu chăn thấm đượm mùi thương mẹ hiền
Đêm rằm trăng sáng ngoài hiên
Đèn Trời soi bước Má về cội xưa

Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Hồng Hoa (Tâm Hải Đức) con của Ba má
Stuttgart, 04.03.2023




nguyen thi cuc

Vần thơ kính tiễn
Cụ Bà Phật tử Diệu Tiến Nguyễn Thị Cúc
(1929-2023)
Lung linh ngọn nến hồng
Dưới tòa sen rực rỡ
Hương Linh Má về đây
Nghe lời kinh Thầy giảng
Lục tự A Di Đà
Lời kinh Thầy ngân xa
" Tử sanh là cửa ải
Ai rồi cũng phải qua
Đi sao đi đi mãi
Nhưng ai đã đến nhà?
Ba đường cùng sáu cõi
Ai muốn ra thoát khỏi
Hãy cấp niệm Di Đà "

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/02/2023(Xem: 6762)
Hôm nay thứ hai đầu tuần cũng là ngày bắt đầu cho tháng hai âm lịch nhuần của năm Quý Mão, người viết bổng dưng có ước nguyện sẽ ghi lại những lời chân ngữ của những bậc đại sư của nhiều tông phái theo từng ngày và nếu các bạn cảm thầy thích hợp với ngày nào đó trong tuần thì có lẽ bạn đã sống hợp với phong cách mà bạn đã trưởng thành khi đã thừa hưởng được đạo vị từ bậc chân sư đó. Thật ra đây chỉ là một sưu tầm trong các danh ngôn và chỉ là cách giải trí cho thư giản tâm hồn cũng là cách khuyến khích để giữ mình an lạc hoan hỷ tươi thắm mỗi ngày bạn nhé!
19/02/2023(Xem: 4377)
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác. Có thể kiếp trước tôi và Nguyên Giác là bạn vong niên đồng tu cho nên tôi đã dành nhiều thời giờ giới thiệu nhiều sách của ông
17/02/2023(Xem: 2064)
Người Việt Nam được nhiều bạn bè quốc tế đánh giá là những con người ham học hỏi, thông minh, chăm chỉ, có khả năng tiếp thu và ứng phó nhanh với hoàn cảnh. Quả thật đúng vậy, trong mỗi người dân đất Việt phần nhiều đều có những đức tính tối ưu đó. Hoàn cảnh càng khó khăn thì sự phấn đấu trong họ lại càng lớn mạnh. Trong mỗi tư duy của người Việt đều tin tưởng rằng:
15/02/2023(Xem: 3141)
Thế giới ngày nay mà chúng ta gọi là “thời đại mới” đổi thay đến chóng mặt, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống trong đó có tôn giáo. Tuy không có “thánh chiến” được công khai tuyên bố, nhưng cạnh tranh để bành trướng, giành giật tín đồ, mua chuộc dưới mọi hình thức để cải đạo, kể cả bằng bạo lực đã diễn ra hàng ngày và gần như trên quy mô toàn cầu.
15/02/2023(Xem: 13287)
Sau hơn một năm hoạt động kể từ khi Hội Đồng Hoằng Pháp (HĐHP) được hình thành với sự tán trợ của Viện Tăng Thống GHPGVNTN, cùng với sự thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời (HĐPDTTLT, do Hòa thượng Tuệ Sỹ chủ xướng), Lễ Giới Thiệu Thành Tựu Sơ Bộ Công trình Phiên dịch và Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam sẽ được tổ chức qua hệ thống Zoom, vào ngày 17/7/2022 – 10 giờ sáng, giờ Việt Nam trên hệ thống trực tuyến toàn cầu ZOOM
11/02/2023(Xem: 3401)
Có 7 câu hỏi mà một vị thánh trả lời một cách rất thâm sâu. 1.Vật gì sắc bén nhất trên thế giới này? Vật nhọn nhất là cái lưỡi của con người. Con người dùng lưỡi có thể dễ dàng làm tổn thương trái tim, cảm giác của người khác. 2. Nơi nào xa nhất trên thế giới này? Quá khứ là nơi xa nhất. Cho dù chúng ta là ai, chúng ta giàu cỡ nào, chúng ta không thể quay về quá khứ nên chúng ta phải sử dụng tốt ngày hôm nay và những ngày sắp tới. 3. Cái gì lớn nhất trên thế giới này?
11/02/2023(Xem: 3037)
Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn thường bắt gặp và nghe đâu đó những câu nói như: “mấy người đến Chùa thường làm ác mới hay đi Chùa cho hết tội” hoặc như “ mấy người hay nói đạo lý, nói lời từ bi thường sống giả tạo”, “Mình tu tâm là được, cần gì phải tới Chùa Chiền”.
09/02/2023(Xem: 6524)
Thư Mời Viết Bài cho Đặc San Văn Hóa Phật Giáo năm 2023
08/02/2023(Xem: 5132)
Người Việt có một câu nói, “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn.” Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn chương Việt khoảng 200 năm nay và đã được chuyển dịch từ nhiều thập niên trước qua nhiều thứ tiếng bao gồm tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý và Hoa. Truyện Kiều là một truyện thơ gồm 1627 câu lục bát. Truyện Kiều kể về một nàng thiếu nữ tuyệt đẹp và tài hoa đã hy sinh bản thân để chuộc tội cho cha nàng. Truyện thơ này, tựa nguyên thủy là “Đoạn Trường Tân Thanh”, do đại thi hào Nguyễn Du sáng tác, trong khoảng thời gian năm 1796 tới năm 1802. Truyện được dựa từ một truyện tình thể văn xuôi Trung quốc không mấy giá trị của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân.
31/01/2023(Xem: 9895)
Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh, là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]