Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc Tuyển Tập Giải Văn Học Hương Pháp: Hiệu Quả Thực Nghiệm Phật Pháp Trong Đời Sống

22/12/202217:20(Xem: 2030)
Đọc Tuyển Tập Giải Văn Học Hương Pháp: Hiệu Quả Thực Nghiệm Phật Pháp Trong Đời Sống

Huong Phap


Đọc Tuyển Tập Giải Văn Học Hương Pháp:

Hiệu Quả Thực Nghiệm Phật Pháp Trong Đời Sống

 

Huỳnh Kim Quang



 

Tôi may mắn có được duyên lành tham dự buổi lễ trao Giải Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp Trong Đời Sống do Ni Trưởng Thích Nữ Giới Hương, Trú Trì Chùa Hương Sen, Nam California, tổ chức vào chiều tối Chủ Nhật, 11 tháng 12 năm 2022, để mắt thấy và tai nghe những thành tựu có tính bước ngoặt trong sinh hoạt văn học Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại. Không những thế, tôi còn có được tuyển tập Hương Pháp để phát hiện một cách lý thú những tác phẩm văn học Phật Giáo mang nội hàm ứng dụng Phật Pháp trong đời sống hằng ngày qua ngòi bút của những Tăng, Ni và Phật tử từ khắp các nơi trên thế giới.

Tuyển tập Hương Pháp gồm 11 bài đã trúng tuyển trong Giải Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp Trong Đời Sống. Trong đó gồm có các bài: (1) “The Mustard Seeds,” Giải Xuất Sắc I, của tác giả Anh Hinh, mà đã được Cư Sĩ Nguyên Giác dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Những Hạt Cải”; (2) “Con Dịt,” Giải Xuất Sắc II, của tác giả Hà Thị Hòa Pháp danh Diệu Thuận; (3) “Có Những Niềm Vui,” Giải Xuất Sắc III, của tác giả Như Chiếu; (4) “Đạo Hữu Song Hành,” Giải Khuyến Khích I, của tác giả Tâm Không Vĩnh Hữu; (5) “Nghịch Duyên và Trợ Duyên,” Giải Khuyến Khích II, của tác giả Hoa Lan; (6) “Am Xưa Con Đã Trở Về,” Giải Hương Pháp 1, của tác giả Thích Nhật Minh; (7) “Vài Trải Nghiệm Trong Tu Tập,” Giải Hương Pháp 2, của tác giả Thích Nữ Như Như; (8) “Sắc Màu Cuộc Sống,” Giải Hương Pháp 3, của tác giả Trần Thị Nhật Hưng; (9) “Thơ Vui Đạo, Vui Đời,” Giải Hương Pháp 4, của tác giả Mộc Đạc; (10) “Nắng Chiều Đẹp Vô Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn,” Giải Hương Pháp 5, của tác giả Nguyễn Phương Lan; và (11) “Dạ Quỳnh,” Giải Hương Pháp 6, của tác giả Tâm Nhuận Phúc.

Ngoài ra, Ban Tổ Chức cũng đã trao 50 giải Hoằng Pháp để khích lệ các tác giả đã tham dự giải kỳ này. Tất cả những bài trúng giải Hoằng Pháp đều được in trong tuyển tập Hương Đạo cùng phát hành một lần vào đêm phát giải. Tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào tuyển tập Hương Pháp.

Một cách tổng thể, tất cả các bài trong tuyển tập Hương Pháp đều có chung một mẫu số: viết về những kinh nghiệm cá nhân trong việc ứng dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày. Điều này dẫn đến ba cảm nhận lý thú mà tuyển tập mang lại cho người đọc. Thứ nhất, mỗi bài viết mang sắc thái khác nhau tạo thành một tổng hợp đa dạng và phong phú cho tuyển tập. Thứ hai, chính sắc thái đặc dị của mỗi bài viết đã phản ảnh được tinh thần sáng tạo hoàn toàn mang tính cá biệt trong văn học. Hay nói cách khác, sắc thái đặc dị của mỗi bài viết chính là phẩm chất độc sáng và mới lạ trong văn học để lôi cuốn người đọc. Và, thứ ba, chính sắc thái đặc dị của mỗi bài viết chuyên chở những kinh nghiệm riêng tư, không ai giống ai, của từng tác giả diễn tả quá trình thực nghiệm Chánh Pháp trong đời sống hằng ngày. Điều này giúp cho người đọc có cơ hội chiêm nghiệm con đường tu tập đa dạng và phong phú của nhiều người sống trong nhiều môi trường khác nhau, từ môi trường cá nhân, gia đình đến xã hội.

Một cách tương đối riêng biệt, bài viết này sẽ trình bày cảm nghĩ của tôi một cách khái quát khi đọc từng bài viết trong 11 bài đăng trong tuyển tập Hương Pháp. Nhưng thay vì bắt đầu từ bài của Giải Xuất Sắc I và tiếp theo thứ tự, tôi sẽ đi ngược dòng để bắt đầu từ bài Hương Pháp 6.

Tác giả Tâm Nhuận Phúc, trong bài dự thi trúng Giải Hương Pháp 6 “Dạ Quỳnh,” đã rất sáng tạo để lồng từ câu chuyện hoa quỳnh nở vào câu chuyện học Phật và thực hành Phật Pháp của các thành viên trong gia đình anh, từ Bố Mẹ cho đến 6 anh chị em. Qua câu chuyện, người đọc cũng biết thêm về hoàn cảnh khó khăn nói chung của xã hội Việt Nam sau năm 1975 và những gian lao mà người dân phải chịu đựng để sinh tồn. Cái đặc sắc của câu chuyện Dạ Quỳnh còn ở chỗ tác giả Tâm Nhuận Phúc đã làm sống dậy sinh hoạt văn chương trong các anh chị em của gia đình làm cho câu chuyện thêm sinh động qua phần ứng đối thơ rất thú vị. Đó là chưa nói đến nội dung của những bài thơ đó mang đậm chất liệu Phật Pháp và đặc biệt tinh thần Thiền của nhà Phật. Tâm Nhuận Phúc đã có cái nhìn rất chính xác về con đường thực hành Phật Pháp khi anh viết rằng:

“Tu có khi đơn giản chỉ là thay đổi cách nhìn về đời sống cho đúng với thực chất. Nhận ra và chấp nhận vô thường trong cuộc sống đã là một bước tiến dài trên đường tu.”

“Nắng Chiều Đẹp Vô Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn” là bài dự thi của tác giả Nguyễn Phương Lan đã trúng Giải Hương Pháp 5. Tựa đề bài viết rất hay, rất văn chương, nhưng nghe ra dường như vẫn còn vương vấn một điều gì đó trong tâm tư của tác giả. Chính nỗi vương vấn này đã dệt thành một câu chuyện dài về cuộc đời của tác giả. Đó cũng là cuộc hành trình đầy bất ngờ trong một cơ duyên kỳ diệu đến với Phật Pháp của chị. Và sau cùng đó chính là con đường dò dẫm từng bước vững chắc để tu tập pháp môn Tịnh Độ của tác giả. Tôi thích nhất là đoạn tác giả kể về việc từ nhân duyên mổ cột sống mà chị đã gặp được một bà già kỳ bí khuyên chị đừng mổ. Rồi đến sự khuyến khích và thúc giục của chồng một người bạn khuyên chị nên lên Đại Ninh để gặp Hòa Thượng Thích Thiền Tâm để được cứu. Mà quả nhiên như thế, không những tác giả Nguyễn Phương Lan được cứu mà còn được dạy cho pháp môn niệm Phật và trì chú như một chuyển biến lớn trong cuộc đời của chị.

Tác giả Nguyễn Phương Lan, trong bài viết, cũng đã kể lại những gian truân của chị và gia đình từ Việt Nam sang Mỹ, trong đó có những trải nghiệm bằng bao đau thương và mất mát, với sự ra đi đột ngột của người chồng yêu thương, để tự thân chứng nghiệm được lẽ vô thường của cuộc đời và đạo lý nhân quả báo ứng của kiếp người. Bằng sự trải nghiệm lẽ sống hơn nửa đời người và bằng sự tu tập Phật Pháp mà cụ thể là pháp môn niệm Phật, tác giả Nguyễn Phương Lan cuối cùng đã có cái nhìn lạc quan và thẩm thấu hơn về nhân quả của nhà Phật. Chị viết như sau:

“Tôi biết NHÂN QUẢ sẽ là như vậy là với người không biết sửa đổi, còn với người Phật tử hằng ngày biết trì chú, tụng Kinh, niệm Phật và sám hối thì cái quả xấu của mình đã làm sẽ được cải thiện rất nhiều.”

Đúng vậy, từ nhân đến quả được nối kết bởi yếu tố duyên hay điều kiện. Luật nhân quả của nhà Phật cho rằng không đơn giản là hễ trồng dưa thì nhất định phải được dưa. Hạt giống gieo xuống đất mà nếu không có các duyên hỗ trợ như nước, phân bón, sự chăm sóc đúng mức, thời tiết, v.v… thì chưa chắc hạt giống đó sẽ nẩy mầm và phát triển để cho ra kết quả. Hơn nữa, kết quả thường là khác với cái nhân ban đầu (hạt dưa khác với trái dưa) cho nên trong Duy Thức gọi là “dị thục quả,” tức là khác khi chín muồi thành quả. Có như vậy, người tu tập theo Chánh Pháp của Đức Phật mới có thể chuyển nghiệp để được giác ngộ và giải thoát.

Bài trúng tuyển Giải Hương Pháp 4 là “Thơ Vui Đạo, Vui Đời” của tác giả Mộc Đạc, gồm hơn 70 bài thơ. Thơ của tác giả Mộc Đạc bình dị, dễ hiểu và rất gần với đời thường của một người Phật tử. Cái bút danh Mộc Đạc của ông đã nói lên hết ý nghĩa này, vì “mộc đạc” là cái mõ, là pháp khí phổ thông trong tất cả mọi ngôi chùa Việt Nam. Một trong những bài thơ của tác giả Mộc Đạc là bài “Ru Hồn Tục,” mà trong tuyển tập Hương Pháp có lẽ do lỗi đánh máy nên viết là “Du hồn tục,” trong khi trong bài thơ đã ghi là “ru hồn tục,” đã viết như sau:

“Lữ khách bâng khuâng trước cổng chùa

Lá vàng hiu hắt – lạnh trong mưa

Âm ba kinh mõ – ru hồn tục

Danh vọng – giàu sang – chuyện hóa thừa.”

Trong bài thơ trên, và nhiều bài thơ khác, tác giả Mộc Đạc đã dùng những dấu gạch ngang (-) để ngắt đoạn và nối kết câu. Đây là cách làm thơ của nữ thi sĩ người Mỹ nổi tiếng vào giữa thế kỷ 19: Emily Dickinson (1830-1886). Bà là người đầu tiên sử dụng dấu ngang trong câu thơ của nền văn chương Mỹ.

Tác giả Trần Thị Nhật Hưng đã trúng giải Hương Pháp 3, với bài viết “Sắc Màu Cuộc Sống.” “Sắc Màu Cuộc Sống” là những câu chuyện về ba người con của bà Hạnh, gồm cậu Hải, cậu Huy và cô Hoàng. Cả ba người con này của bà Hạnh, “Từ tính tình, sở thích, cách sống, nếp suy nghĩ không ai giống nhau cả,” như tác giả đã kể. Theo Trần Thị Nhật Hưng, cậu Hải thì “đam mê quyền lực và tiền tài,” giống như người cha; còn cậu Huy thì giống mẹ, “thích yên tĩnh, trầm lặng hơn là nơi xô bồ.” Cô gái út của bà Hạnh là cô Hoàng là một kết hợp hài hòa giữa cha và mẹ, nên đã chọn lối sống “trung dung, hay trung đạo.” Điểm khá đặc biệt của tác giả Trần Thị Nhật Hưng trong “Sắc Màu Cuộc Sống,” là ở chỗ miêu tả về nhân vật bà Hạnh như một người mẹ thấu hiểu hết tâm ý và khát vọng của ba người con, nhưng lại để cho các con tự quyết định lấy vận mệnh cuộc đời của họ. Đây là một tiến bộ trong thái độ và cách sống của một người phụ nữ Á Đông, mà cụ thể là bà mẹ Việt Nam: không can thiệp vào cuộc đời của các con mà để chúng tự do phát triển. Chỉ ở điểm này không thôi bài viết đã thể hiện phẩm chất của người con Phật đúng nghĩa: giáo dục con cái bằng tinh thần tự giác. Bậc làm cha mẹ chỉ quan tâm và hỗ trợ đời sống của con cái, và khi nào họ cần thì cho lời khuyên, nhưng không quyết định dùm vận mệnh của họ.

Trong số những lời khuyên của bà Hạnh dành cho các con của bà, qua ngòi bút của tác giả Trần Thị Nhật Hưng, lời bà khuyên cậu Huy lúc cậu đã đi tu và làm trú trì một ngôi chùa phản ảnh tâm thức được huân tập Phật Pháp rất thâm sâu. Chẳng hạn đoạn bà Hạnh khuyên người con đang làm Thầy trú trì như sau:

“- Thầy nên biết, lá sâu là... nạn nhân, không phải... phạm nhân. Phạm nhân là con sâu. Hãy tìm bắt con sâu nằm đâu đó trong bọng cây, trên cành lá mới trị được gốc. Con sâu có tên là vô minh khởi từ tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu thầy bắt được nó, chắc chắn cây bồ đề sẽ vững vàng trổ cành xanh ngọn.”

 “Vài Trải Nghiệm Trong Tu Tập” là bài dự thi trúng Giải Hương Pháp 2 của tác giả Thích Nữ Như Như. Trong bài, Ni Sư Thích Nữ Như Như đã thuật lại vài câu chuyện về sự trải nghiệm trong tu tập của Ni Sư, mà trong đó đề cập đến pháp môn tịnh khẩu để dẫn đến kinh nghiệm “tắt ý” tự chữa lành bệnh khủng hoảng thần kinh, nói đến kinh nghiệm tu tập thiền định, và chứng kiến sự kiện cận tử nghiệp xảy ra nơi chính thân mẫu của Ni Sư. Ni Sư đã kể về sự kỳ diệu của việc tự chữa lành khủng hoảng thần kinh bằng pháp môn tịnh khẩu như sau:

“3. Diễn tiến của năng lượng tự chữa lành. Qua đến ngày thứ ba thực hành tịnh khẩu, tôi nhận ra là tuy đang tịnh khẩu, giữ mồm giữ miệng không nói sàm nữa, nhưng trong đầu vẫn còn có những ý nghĩ lăng xăng này nọ! Khi trực nhận ra điều đó là lúc tôi đang đứng trong phòng, thơ thẩn nhìn lên bức tường trắng trước mặt. Liền khi đó tôi thấy trên tường cao xuất hiện một “linh ảnh” lạ lùng: một bàn tay đang cầm chiếc khăn, cứ lau đi lau lại một chỗ trên tường! Đứng trước linh ảnh kỳ lạ đó, trong đầu tôi chỉ còn có sự im lặng đầy sững sốt, kinh ngạc. Đột nhiên, ngay lúc đó, âm thanh hai tiếng “tắt ý” xẹt lên trong đầu! Lập tức, với phản xạ tự nhiên, tôi ngồi xuống cái phản gỗ ngay sau lưng, trong tư thế chuẩn bị ngồi thiền với “pháp tắt ý” đó. Nhưng thân chưa chạm vào cái phản, tôi đã có cảm giác từ hai bàn tay và hai bàn chân như có các luồng khí thi nhau chạy ra ngoài... Lập tức tôi nhận ra đầu óc mình đã trở lại trạng thái bình thường, y như chưa hề có bệnh. Thật kỳ diệu!”

Đó là những bài học quý giá cho thấy Phật Pháp vi diệu và hiệu quả như thế nào trong việc trị lành bệnh khổ cho chúng sinh, nếu được thực hành một cách nghiêm túc trong đời sống hàng ngày.

Thầy Thích Nhật Minh, từ Hà Nội, đã dự thi và được trúng Giải Hương Pháp 1, với bài viết “Am Xưa Con Đã Trở Về.” Bài viết kể câu chuyện một người đệ tử xuất gia sau bao năm xuống núi để “mải lang thang làm kẻ du tăng qua bao miền đất lạ,” nay đã trở về “am xưa,” nơi vị Thầy Bổn Sư đang sống, với bao nhiêu là cảm xúc tuôn trào theo từng bước chân và nhịp thở của người học trò. Xin mời độc giả đọc một đoạn trong bài “Am Xưa Con Đã Trở Về” để thưởng thức nét nghệ thuật trong văn chương của Thích Nhật Minh:

“Đêm nay!

“Vầng trăng thượng huyền đã treo lơ lửng trên hai hàng cây thông già trước cửa và tan ra trong màn đêm tĩnh lặng, chừng như vẫn còn lẩn khuất đâu đây với một làn hương thanh khiết nhẹ nhàng mộng mị, tiêu dao tự tại giữa núi rừng. Gió từ lòng suối thổi lên mang theo cả hơi sương lạnh ùa vào trong am khiến tôi khẽ rùng mình. Ngoài hiên, sư phụ đang lặng lẽ khơi bếp hồng để nấu một nồi nước pha trà, tiếng nổ tí tách từ đám củi khô đang cháy phả ra hơi ấm vấn vít với làn khói trắng đục mờ, lan tỏa khắp không gian, quyện vào những trang kinh cổ kính vẫn còn thơm mùi lá bối chờ người hữu duyên về khai thị.”

Đọc đoạn văn trên, tôi cứ ngỡ là mình vừa đi lạc vào một cõi tịch lặng xa xăm nào đó như thật như ảo vượt khỏi chốn trần gian xôn xao, náo động và não phiền. Nơi đó thật đúng là chốn già lam nhàn tịnh. Đọc đến đây tôi nhớ đến câu chuyện được kể trong kinh về một thời xa xưa khi Đức Phật còn tại thế. Có lần Vua A-xà-thế phải rùng mình kinh ngạc vì không khí quá mức yên lặng, không một tiếng động tại một tinh xá nơi có tới một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo và Đức Phật đang an trú.

Đoạt Giải Khuyến Khích II là tác giả Hoa Lan, Pháp Danh Thiện Giới, với bài viết “Nghịch Duyên và Trợ Duyên.” Ngay nơi đoạn đầu của bài viết, tác giả Hoa Lan đã đi thẳng vào vấn đề một cách không úp mở, khi viết:

“Đồng tiền có hai mặt sấp ngửa, vũ trụ đất trời có ngày và đêm, sáng và tối, con người có hai mặt thiện và ác. Chồng của tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh quán chiếu "Không dơ cũng không sạch" để sống còn đến ngày kỷ niệm 50 năm ngày cưới, một đám cưới vàng. Đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của đời tôi, và cũng nhờ Phật pháp nhiệm mầu, những giáo lý vi diệu của Đức Phật mà tôi đã học hỏi được để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng, trở thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.”

Độc giả chỉ cần để ý đến một số dòng trong đoạn văn trên thì cũng có thể đoán ra câu chuyện mà tác giả Hoa Lan sắp kể tiếp theo là gì và chứa đựng một nội dung sôi sục và hào hứng ra sao. Đó là những dòng: “Chồng tôi có hai mặt đối nghịch mà tôi phải dùng Bát Nhã Tâm Kinh để quán chiếu,” “để sống còn,” “đến thời điểm này tôi mới dám viết lại câu chuyện thật của tôi,” “để chuyển hóa một ông chồng Nghịch Duyên hạng nặng,” “thành một ông chồng Trợ Duyên hữu dụng.”

Với tôi, đây là một câu chuyện thú vị, mà trong đó nó cho người đọc thấy được tác giả Hoa Lan có một tín tâm bất hoại đối với Tam Bảo, và sự nhẫn nại phi thường của bà để có thể “chuyển hóa” được ông chồng “nghịch duyên” thành “trợ duyên.” Dường như bên sau thế giới ngôn ngữ văn chương của bài viết, vẫn còn phảng phất đâu đó cái dư âm “ấm ức” trong tâm thức của một người vợ hiền hết mực thương yêu chồng, vì ông có một cá tính hơi ngang tàng và phạm một lỗi lầm lớn trong tình cảm vợ chồng. Và đây cũng chính là điều đáng yêu nhất tiềm ẩn trong bài viết. Chính cái đáng yêu đó nói lên tính chân thật của câu chuyện, chứ không phải là một câu chuyện hư cấu.

“Đạo Hữu Song Hành” là bài dự thi trúng tuyển Giải Khuyến Khích I của tác giả Tâm Không Vĩnh Hữu. Bài viết kể về cuộc tình duyên thấm đẫm đạo tình (đạo hữu) của đôi trai gái tại các công trường thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa vào những năm cuối thập niên 1980s lồng trong bối cảnh nhọc nhằn của xã hội Việt Nam thời thời đó. Đọc “Đạo Hữu Song Hành” người đọc sẽ khám phá ra một mối tình phát sinh ngẫu hợp và ngày càng sâu đậm qua chất keo bền chặt của Phật Pháp, bất chấp hoàn cảnh sống khắc nghiệt chung quanh để cuối cùng họ nên duyên vợ chồng thương yêu và trợ duyên nhau trên con đường tu và học Phật Pháp. Ngoài chuyện tình yêu nam nữ, “Đạo Hữu Song Hành” còn kể về tình anh em ruột thịt gắn bó giữa tác giả và người em tên Huy trên cuộc hành trình mưu sinh và phát triển cuộc sống tâm linh trong những chốn Thiền môn cũng như ngoài xã hội. Thêm vào đó là một số sinh hoạt phản kháng chế độ Cộng sản tại ngôi Chùa Long Quang ở Long Thành vào những năm đầu thập niên 1980s mà hiếm khi được nhắc đến. Cách lồng những câu chuyện vào trong các tình tiết của cốt truyện chính với thủ pháp nhuần nhuyễn và mạch lạc cho thấy tác giả Tâm Không Vĩnh Hữu là một nhà văn vững vàng trong bút pháp.

Có thể nói rằng bài “Đạo Hữu Song Hành” là một bức tranh thu gọn của xã hội Việt Nam trong thời kỳ một thập niên đánh dấu giai đoạn đen tối nhất của lịch sử đất nước. Nhưng bức tranh ấy không hoàn toàn tăm tối mà có những điểm sáng rực rỡ nhờ Phật Pháp được ứng dụng linh động nơi những người con Phật. Hãy đọc lại một đoạn trong bài “Đạo Hữu Song Hành” để nghe tác giả Tâm Không Vĩnh Hữu nói về hiệu quả của Phật Pháp được ứng dụng trong cuộc sống phu thê:     

“Giáo lý nhà Phật, là chánh pháp, không cần phải mang ra thực hành ứng dụng những điều cao siêu trên mây tầng huyền ảo, mà chỉ cần nhớ đến, nhắc đến những pháp căn bản thực dụng gần gũi với đời sống thực tế trích ra từ kinh sách, như thiểu dục tri túc, độ lượng khoan dung, nhẫn nhục, vị tha, kiểm soát thân khẩu ý… Nhờ vậy mà bao nhiêu lần sai phạm, bao nhiêu lần lỗi lầm, bao nhiêu lần nghĩ sai làm lệch của cả vợ lẫn chồng đều được đem ra giải phẫu, phân tích, bàn bạc để rồi cùng dìu dắt nhau sám hối, từ bỏ, chỉnh sửa, tưới tẩm bón chăm những thiện lành, buông bỏ thói hư tật xấu, tiết chế kềm hãm sân hận, nhún nhường để tiêu trừ kiêu căng ngã mạn…”

Tác giả Võ Ngọc Thanh, Pháp danh Như Chiếu, đã đoạt Giải Xuất Sắc III, với bài viết “Có Những Niềm Vui.” Tác giả Võ Ngọc Thanh đã dẫn người đọc dạo qua những khu vườn của niềm vui, từ niềm vui thế tục của người cả đời phục vụ cho tha nhân, đến những niềm vui của người về hưu và cuối cùng là những niềm vui của người tỉnh ngộ cuộc đời biết rõ đâu là niềm vui tạm bợ thế gian và đâu là niềm hỷ lạc vượt thoát của đạo giải thoát. 

Đọc bài “Có Những Niềm Vui,” tôi không thể không thừa nhận rằng tác giả Võ Ngọc Thanh có kiến thức và kinh nghiệm già dặn về xã hội học và tâm lý học, cũng như về Phật học. Bà đã phân tích rành rọt một hiện tượng xã hội hay một căn bệnh thời đại là bệnh “nghiện công việc.” Dù theo bà, nó “thường được xem là một đặc điểm tích cực hơn là một vấn đề” như các chứng bệnh khác như “nghiện rượu,” “nghiện cờ bạc,” nhưng nó làm cho người ta “quan tâm quá mức đến công việc,” và “dành quá nhiều thời gian, năng lượng cũng như nỗ lực trong công việc.”

Bằng cái nhìn và kinh nghiệm của một Phật tử biết áp dụng Phật Pháp trong đời sống và thu hoạch được nhiều lợi lạc, tác giả Võ Ngọc Thanh đã có nhận định sâu sắc như sau trong phần kết của bài viết:

“Người biết sống tùy duyên là người an lạc nhất. Người biết sống tùy duyên thấy rõ rằng được mất vui buồn chỉ là hai mặt của một vấn đề. Người biết sống tùy duyên hiểu rõ rằng đời sống của chúng ta đầy biến động và đổi thay, thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã của vạn pháp rồi thì được cũng không quá vui, mất cũng không quá buồn. Nhờ thấy đúng (chánh kiến) mà vượt thoát được buồn vui. Chỉ khi nào sống tùy duyên thì ta mới sống an nhiên, tự tại.”

“Con Dịt” là bài dự thi đã trúng Giải Xuất Sắc II của tác giả Hà Thị Hòa, Pháp danh Diệu Thuận. Cách đặt tựa đề bài viết cho thấy tác giả là một người sử dụng bút pháp hài hước để tạo tâm lý dễ chịu và lôi cuốn người đọc, cũng như để làm nhẹ bớt tình trạng căng thẳng trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, mà ở đây là cơn đại dịch Covid-19. Đây là một ưu điểm của người cầm bút nếu biết sử dụng đúng chỗ và đúng lúc.

Trong bài “Con Dịt,” tác giả Hà Thị Hòa đã kể chuyện cuộc khủng hoảng của thời đại dịch Covid-19 vừa qua, mà gia đình bà đã bị ảnh hưởng như thế nào. Câu chuyện được tác giả thuật lại một cách trung thực chứ không phải hư cấu, vì chính bà là nhân chứng tai nghe mắt thấy những người thân trong gia đình bà bị dính Covid-19, từ cha con người con trai tới cái chết đau lòng của người mẹ ruột yêu thương, dù người mẹ ra đi không phải bị dính Covid-19 nhưng đã xảy ra ngay giữa trung tâm của thời kỳ khủng hoảng đại dịch. Lòng hiếu kính của tác giả Hà Thị Hòa đã đã được thể hiện qua đoạn bà viết về người mẹ như sau:

“Đối với tôi, mẹ là tất cả, mẹ là người tôi luôn yêu quí, kính trọng, thương yêu dù tôi ở xa mẹ, từ khi lấy chồng đến giờ, trong tâm luôn có mẹ, luôn nhớ về những lời dạy, lời yêu thương của mẹ, của cha. Bố mẹ là Phật trong con, là sức sống, là mọi thứ trên đời, con được như ngày nay là do công ơn dưỡng dục của cha mẹ chúng con rất biết ơn trời biển này, không bao giờ quên. Phật ơi! Mẹ ơi! Bố ơi! Hãy giúp chúng con có nghị lực, can đảm để con sáng suốt, và con mắc dịch không làm nỗi sợ hãi nữa. Tôi quyết tâm sẽ về Cali lo đám tang cho mẹ của tôi.”

Giải Xuất Sắc I, hay Giải Nhất là bài “The Mustard Seeds,” của tác giả Anh Hinh và được Cư sĩ Nguyên Giác dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Những Hạt Cải.”

Câu chuyện xoay quanh cách mà nhân vật Kim-Ly, có người mẹ tên là Sang, trải nghiệm và ứng dụng Phật Pháp để vượt qua những biến cố lớn đầy đau thương và mất mát trong một quãng đời của cô. Kim-Ly từ nhỏ đã được cha mẹ huân tập cho kiến thức và niềm tin đối với Đức Phật và giáo pháp của Ngài.

“Mỗi đêm mẹ đều đọc cho cô bé nghe những lời dạy của Đức Phật và Kim-Ly tò mò lắng nghe trong khi cô cảm thấy bình yên như thể những lời Phật dạy đã tạo thành một tấm chăn ấm áp bao phủ và che chở cho cô. Khi còn thơ ấu, cô bé đã nương tựa trong lời dạy của Đức Phật, một nơi nương tựa rất cần thiết từ một thế giới đôi khi tàn khốc.” (Nguyên Giác dịch Việt)

Sự tàn khốc của cuộc đời lần đầu tiên đến với cô bé 8 tuổi Kim-Ly qua cái chết bất ngờ vì tai nạn xe hơi của người cha. Từ đó, Kim-Ly bị suy sụp tinh thần trầm trọng khiến cho cô bé biếng ăn, bỏ học và buồn bã nhớ thương cha. Trong nỗi đau và tuyệt vọng không biết làm sao để cứu con gái, người mẹ bỗng nhớ tới câu chuyện “Những Hạt Cải” trong Kinh Phật và bà đã kể câu chuyện này cho Kim-Ly nghe với hy vọng đứa con gái sẽ tỉnh ngộ và hết khổ. Quả nhiên như thế, tác giả Anh Hinh đã kể lại phản ứng của cô bé khi nghe chuyện “Những Hạt Cải” như sau:

“Thật kinh ngạc, khi Sang kể câu chuyện Hạt Cải cho Kim-Ly nghe, Sang từ từ nhìn thấy ánh sáng lan rộng, xua những mảng tối trên khuôn mặt Kim-Ly vì Kim-Ly như dường đã từ từ tự thấy sức mạnh trong mình để thoát khỏi bùa phép đã bao trùm cô bé quá lâu. Kim-Ly ngồi dậy và gật đầu với mẹ rằng cô bé hiểu ý nghĩa của câu chuyện hạt cải và cô bé ôm mẹ thật chặt trong khi họ khóc cùng nhau và hứa sẽ giúp nhau thoát khỏi nỗi đau này và tìm thấy bình yên.” (Nguyên Giác dịch Việt)

Nhưng rồi một sự tàn khốc khác lại đến với Kim-Ly khi con chó Ni-Ni yêu quý của cô bị một người đàn ông tên Minh vô tình đạp chết trong một cuộc xô xác hỗn loạn tại một ngôi chợ trời gần nhà khi Kim-Ly và Ni-Ni đi ngang qua đây. Chứng kiến cái chết quá tàn nhẫn của Ni-Ni như một cú đánh trí mạng đối với Kim-Ly và lần này cô đã gục ngã thật sự. Tác giả Anh Hinh đã mô tả tình cảnh và tâm trạng suy sụp của Kim-Ly như sau:

“Nỗi đau và buồn của Kim-Ly luôn bám theo cô và xuyên suốt cuộc sống hàng ngày của cô, kể cả sau một năm để tang Ni-Ni. Sang từ từ nhận thấy những thay đổi nhỏ trong phong thái và cá tính của Kim-Ly. Sang không bao giờ thấy Kim-Ly nhanh nhẹn phóng tới lui nữa, mà thay vào đó cô bé thường đi bộ chậm rãi với đầu cúi xuống. Kim-Ly đã không còn chơi với búp bê, thay vào đó là chơi điện tử và ngồi hàng giờ một mình trong bóng tối với chiếc máy tính được bật. Cô nói với mẹ rằng cô muốn trông già hơn và để tóc dài và để nó che đi khuôn mặt ngây thơ một thời của cô. Ẩn sau mái tóc, cô mang một khuôn mặt thờ ơ, với đôi mắt nâu ủ rũ buồn tẻ tránh ánh nhìn từ người khác, và đôi lông mày nhíu lại thành một cái nhìn gần như cau có.” (Nguyên Giác dịch Việt)

Kim-Ly đã thật sự thay đổi cái nhìn và tình cảm của mình đối với con người, đối với cuộc đời. Cô hận thù thế gian. Cô đánh mất tín tâm đối với Phật Pháp. Cô muốn từ bỏ tất cả những gì mình có và chỉ muốn làm lại cuộc đời bằng nỗ lực tự thân. Cô rời xa người mẹ và đi tìm việc làm ở phương xa.

Trong một dịp rất tình cờ, Kim-Ly đã thấy tên ông Minh, người đàn ông đạp chết con chó Ni-Ni của cô năm nào, trong danh sách bệnh nhân tại bệnh viện mà cô đang phục vụ. Với nỗi ám ảnh về cái chết của Ni-Ni làm tăng thêm lòng thù hận của cô đối với ông Minh. Cho nên vừa thấy tên ông ấy trong bệnh viện thì Kim-Ly liền nghĩ tới việc trả thù. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi một cách bất ngờ khi Kim-Ly tới gặp ông Minh trong phòng bệnh. Biết người đàn ông này sắp chết và nghe ông hối hận về việc vô tình đạp chết Ni-Ni, Kim-Ly sau một giây lát trầm tư đã hốt nhiên mở tung cánh cửa nội tâm u ám từ bấy lâu và cô buông xả mọi ý niệm hận thù để dễ dàng tha thứ cho ông Minh.

Xua được bóng tối trong lòng, Kim-Ly cảm thấy thật giải thoát. Cô nhớ tới người mẹ, nhớ tới Đức Phật và “con đường của Đức Phật.” Cô đã vội vã lái xe về nhà mẹ. Tác giả Anh Hinh đã viết đoạn kết câu chuyện như sau:

“Mặt trời rực rỡ đang lặn khi cô lái xe đi, và cô đã quên bầu trời đẹp như thế nào, và cuộc sống có thể tươi đẹp như thế nào. Cô không còn cảm thấy bóng tối trong trái tim mình nữa và cùng với đó, cô thậm chí còn nhìn thấy vẻ đẹp trong cơn giận dữ và đau buồn của chính mình và những con quỷ đó đã trở thành bạn của cô, không còn nắm chặt và kiểm soát cuộc sống của cô.” (Nguyên Giác dịch Việt)

Đọc “Những Hạt Cải” của Anh Hinh, tôi thấy rất thích thú bởi vì đây là một chuyện ngắn bằng tiếng Anh được viết bởi một người Mỹ gốc Việt có bố cục chặt chẽ, có nội dung chuyên chở thông điệp mang ý nghĩa về giá trị của giáo pháp Đức Phật khi được ứng dụng vào cuộc sống thường nhật. Tác giả Anh Hinh đã có một bút pháp rất vững vàng từ ngữ pháp, chuyển mạch các tình tiết của câu chuyện đến việc mô tả tâm lý nhân vật trong truyện một cách tinh tế và sâu sắc. Chẳng hạn, khi mô tả trạng thái tâm lý bồn chồn và bất an của Kim-Ly, tác giả Anh Hinh đã viết như một chuyên gia tâm lý như sau:

“Khi Sang đọc Pháp của Đức Phật cho con gái nghe, Kim-Ly ngáp dài, bồn chồn tới lui, thở dài lớn tiếng và thậm chí ngủ gật nữa. Kim-Ly cố gắng chống lại ý muốn rời đi và muốn ngồi yên, nhưng tâm trí cô ấy bồn chồn đến mức bắt đầu cảm thấy dao động và vô cùng khó chịu.” (Nguyên Giác dịch Việt)

Tóm lại, có thể nói, tuyển tập Hương Pháp không những là một tuyển tập văn học Phật Giáo giá trị về mặt văn chương và sự hữu hiệu trong việc áp dụng Phật Pháp vào đời sống hàng ngày, mà còn là bước ngoặt mới cổ súy việc sáng tác văn học Phật Giáo, với tuyển tập của một giải văn học Phật Giáo lần đầu tiên được ấn hành khắp nơi. Vì vậy, nó thật xứng đáng để có mặt trong mọi tủ sách của các ngôi chùa và gia đình của người Phật tử Việt Nam.

Với niềm hoan hỷ ấy, xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả tuyển tập Hương Pháp. Chân thành cảm ơn các tác giả trong tuyển tập và Ni Trưởng Thích Nữ Giới Hương đã tổ chức cuộc thi viết văn ứng dụng Phật Pháp trong cuộc sống năm 2022.


 


California, ngày đầu đông năm 2022

Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang




*******************************

Bài liên quan:
- Lễ trao giải thi viết văn Hương Sen: Dùng văn học để hoằng pháp
- Hương Pháp 2022 (Tuyển Tập Các Bài Thi Trúng Giải Cuộc Thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp 2022)


 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/12/2022(Xem: 1882)
Thuở còn niên thiếu, ông Sáu đến với đạo Phật không phải vì niềm tin tôn giáo. Cách đây khoảng hơn 6 thập kỷ, chàng thiếu niên tên Sáu ở độ tuổi 15. Anh ta có một người bạn học cùng lớp rũ đi sinh hoạt Hướng Đạo. Sáu được người bạn kể qua chương trình sinh hoạt của đoàn thể nầy, khiến chàng rất thích thú. Bởi những hoạt động ấy Sáu thấy nó thích nghi với bản tính năng động ở độ tuổi thiếu niên đang tràn đầy sức sống của mình.
04/12/2022(Xem: 2227)
Vậy đó mà đã một năm, thời gian trôi qua thật nhanh mà con dường như không để ý Thời gian cứ lặng lẽ trôi, hôm nay nhờ Thầy gửi con mới biết là Tiểu Tường của Sư Bà Nhìn chân dung Sư Bà trong khung ảnh trái tim và 3 bông hồng rực đỏ, với gương mặt từ hòa, sống động , bao nhiêu hình ảnh trong quá khứ lại hiện ra trong con thật gần gũi Bao giờ cũng vậy, mỗi lần Sư Bà qua Đức, về chùa Phật Huệ, con luôn ngồi dưới chân Sư Bà, Sư Bà nắm tay con trong yên lặng, nhìn con thật ấm áp, như hình ảnh người mẹ hiền thương yêu con trẻ, những lúc ấy con chỉ hỏi " thưa, Sư khỏe không? Con thương Sư lắm" Sư Bà lại nhìn con thật âu yếm, xoa đầu và bóp nhẹ tay con, chỉ ngần ấy thôi là con đã cảm nhận được, tình thương trải dài, lưu chuyển theo từng tế bào mà Sư Bà đã truyền đến cho con, tâm từ bi loan toả con thấy chung quanh đều hiền hòa không còn những bụi bặm của thế gian.
04/12/2022(Xem: 2093)
Theo như tác giả Anh Vũ cắt nghĩa của từ ‘Cánh Cửa’ trong bài viết “Luận Về Cánh Cửa” có rất nhiều nghĩa nhưng ở đây người viết đưa ra hai nghĩa ấn tượng: thứ nhất là ‘chỉ chỗ ra vào, thông với tự nhiên bên ngoài’, cảm giác cách ngăn. Và thứ hai là ‘khi miêu tả cánh cửa gắn với thế giới tâm trạng con người đó là sự chờ đợi, mong ngóng, trông đợi một bóng hình’, gắn với cánh cửa là sự chia ly, giã từ. Trong bài viết này, cánh cửa sẽ tượng trưng cho sự khép lại và mở ra của cả thế giới thực bên ngoài và thế giới nội tâm bên trong của một con người.
03/12/2022(Xem: 4369)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
29/11/2022(Xem: 2659)
Nhân dọc một mẫu chuyện trên trang mạng điện tử nào đó, theo thuyết định mệnh có người đã cho rằng cuộc đời là một thước phim đã được quay sẵn. Vậy nếu ta chính là diễn viên thủ vai chánh với những nỗi buồn, niềm vui, kỷ niệm , nước mắt nụ cười mà tất cả đều cũng chỉ là những tình tiết trong KỊCH BẢN CUỘC ĐỜI thì ai sẽ là người đạo diễn đây?
23/11/2022(Xem: 2608)
Vẫn còn đây những gương niệm Phật linh ứng Được quý Giảng Sư trong pháp thoại ba ngày Lịch sử Tịnh Độ Việt Nam …hãnh diện thay Trao truyền lại cho thính chúng hàng hậu học
21/11/2022(Xem: 5563)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 2057)
Sau khi được hai thầy Thánh Thành và Thánh Trực cho đi theo bằng ô-tô ra đến chùa Phật Quang Sơn ở Lương Sơn, tôi mang máy ảnh rảo một vòng quanh ngôi chánh điện đang xây dựng, ngắm cảnh ghi hình, rồi được yết kiến đảnh lễ Ôn trụ trì ngoài thềm hiên. Đây là lần đầu tiên tôi được yết kiến Ôn chỉ một mình, chung quanh không có ai.
12/11/2022(Xem: 4227)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
07/11/2022(Xem: 7278)
Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]