HÀNH TRÌNH 10 NĂM ĂN NGÀY 1 BỮA, TRÌ TỤNG CHÚ ĐẠI BI
VÀ TÌM CẦU HỌC THIỀN VIPASSANA CỦA SƯ CÔ THÍCH NỮ GIỚI BẢO
Thích Nữ Giới Bảo (tự thuật)
Tiếp tục cuộc hành trình tìm cầu học Pháp. Bản thân đã tìm hiểu dòng thiền chuyên về Vipassana đó là trường thiền Panditarama trong rừng sâu và trường thiền Sew ohmin. Ở đây, chuyên tu tập về Niệm Tâm, 1 trong 4 đề mục của Thiền Tứ Niệm Xứ. Mình rất thích hợp với phương pháp này. Vì từ trước đến nay, mình luôn thể nhập Thể Tánh (Tánh Không hay còn gọi là Bát Nhã tánh) cũng thuộc về tâm. Nên mình theo đuổi dòng thiền Vipassana đến bây giờ. Và mới đây, nhờ vào các buổi giảng về đề tài Tứ Niệm Xứ nên bản thân đã nghiên cứu kỹ và sâu hơn. Bất chợt, trong Pháp mình đã thấy Pháp, một lần nữa đã ngộ được giáo lý của Đức Thế Tôn qua bài kinh Tứ Niệm Xứ.
LẤY TỊNH CHẾ ĐỘNG
Và TỪ ĐỘNG TRỞ VỀ TỊNH
Thích Nữ Giới Bảo (tự thuật)
Hôm nay 27/11/2022, như thường lệ mỗi chủ nhật mọi người cùng về dưới mái Chùa Việt Nam- Kanagawa thân thương để tu học và sinh hoạt.
Trước khi vào buổi lễ, nhìn xuống thiếu một vài học trò không lên chánh điện hành trì. Trong tâm có khởi lên vài câu hỏi; sao đến giờ rồi mà các con còn ở dưới? Công việc thì để sau thời khoá tu tập rồi tiếp tục. Chuyện Sanh tử là việc trọng đại nhất của đời người. Có tu tập thì mới biết con đường để đi ở kiếp này và kiếp kế tiếp được rõ hơn. Việc hành trì thật sự quan trọng lắm.
Nhưng lúc bắt đầu hướng dẫn mọi người hành thiền, bản thân đã nhiếp tâm vào hơi thở và ghi nhận tất cả mọi câu hỏi của mình đang có mặt. Không chạy theo những câu hỏi đó nữa và tiếp tục trụ tâm vào hơi thở. Chỉ sau vài cái hít vào và thở ra, tâm đã trở về với hơi thở thật nhẹ nhàng. Rồi tiếp tục thở đều và lan toả năng lượng bình an đến mọi người: “Hít vào, con nguyện đem năng lượng bình an này hướng đến tất cả. Thở ra, con nguyện cho muôn loài được an vui và giải thoát…” Đại chúng cùng toả năng lượng bình an và thanh tịnh cho nhau. Nương vào hơi thở và sự im lặng thánh thiện của đại chúng đã chế ngự được vọng tâm suy nghĩ của mỗi hành giả “Lấy tịnh chế động” là ở chỗ này. Lấy sự yên tĩnh của hơi thở để chế ngự cái vọng niệm lang thang bên trong của chúng ta.
Sau nửa tiếng hành thiền. Chư Tôn Đức tiếp tục hướng dẫn đại chúng tụng kinh Từ Bi Thuỷ Sám, đến đoạn:
“Đừng cho rằng trong đời này ta không gây tội, mà không ân cần cần Sám hối, vì trong Kinh nói: "Kẻ phàm phu mỗi khi động chân cất bước là đã có tội". Lại trong những đời quá khứ đã gây nên nhiều điều ác nghiệp, không thể kể xiết, nó thường theo ta như bóng theo hình. Nếu không, Sám hối thì tội ác càng ngày càng sâu. Sám hối các nghiệp chướng phiền não, vì những phiền não ấy đều do ý gây ra. Và khi ý nghiệp phát khởi, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp, theo đó phát động. Ý nghiệp có tham lam, có giận dữ, có ngu muội. Bởi ngu muội mới sanh tà kiến mà gây lắm việc ác. Vì vậy Kinh nói: "Ba nghiệp tham, sân, si làm cho chúng sanh đọa lạc trong ba đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu khổ vô cùng. Nếu được làm người cũng phải chịu những ác báo phiền não: nghèo nàn, túng thiếu, côi cút, lại thêm tánh nết hung hăng, càn bướng, ngu độn, không biết phải quấy".
Ý nghiệp đã gây nhiều ác quả như thế, nên ngày nay chúng con dốc lòng đem hết thân mạng nương về chư Phật, cầu xin Sám hối.”
Tụng đến đây, tâm con thật chấn động và tỉnh người. Vì do mê muội không biết những lỗi lầm đã từng gây ra từ tâm tham giận và si mê. Nay con chí thành đảnh lễ sám hối và phát nguyện sẽ luôn sống trong tỉnh thức và tuệ giác. Lúc này đây, nương nhờ lời kinh tiếng mõ con đã thức tỉnh và trở về với tâm sâu lắng. “Từ động trở về tịnh” là ở ý này, nhờ lời đọc tụng kinh của đại chúng, hiểu rõ thâm sâu ý Phật dạy nên tâm đã được soi thấu và tĩnh lặng.
Nương nơi sự hướng dẫn của chư Tôn Đức chúng ta sẽ rõ được bản đồ của sự hành trì. Một thời tu tập cùng đại chúng mình sẽ nhận biết bao nhiêu là lợi lạc.
Công phu tu tập sẽ có nhiều phương pháp nhưng thiết nghĩ; không đi ngoài hai phạm trù này: nương tịnh mà chế động và nương động để chế tịnh. Dùng sự tĩnh lặng của thiền quán mà hướng tâm đến chánh niệm và định tâm. Và dùng những âm thanh của lời kinh kệ và mật chú sẽ soi thấy rõ tâm mình một cách rõ ràng làm cho tâm trở nên thông suốt mọi vấn đề.
Nguyện đem công đức này hướng về khắp tất cả, luôn đi trên con đường bình an và hạnh phúc này.
BUÔNG ĐI CHÍNH LÀ ĐƯỢC TẤT CẢ
Thích Nữ Giới Bảo
Trong cuộc sống có những thứ lưu giữ lại để làm nền tảng cho sự phấn đấu. Nhưng có những thứ lưu giữ lại khiến tâm trạng của chúng ta càng thêm lo lắng, buồn phiền hoặc rơi vào trạng thái tâm bị khủng hoảng. Để đạt được sự quân bình trong cuộc sống, chúng ta nên cân bằng tâm thức từ sự buông bỏ. Những thứ làm mình buồn phiền, lo âu, sợ hãi, ganh ghét… thì nên buông bỏ. Buông hết những thứ đó chúng ta sẽ nhận được điều tốt đẹp hơn; đó là một tâm hồn tự do và hạnh phúc. Người hiểu biết là người luôn biết tái tạo cho chính mình những năng lượng tươi mát và thảnh thơi. Hãy buông những điều không vui đi để tâm mình sẽ nhẹ nhàng và bình thản trở lại.
Chúng ta không nên ngộ nhận rằng sự buông bỏ là trạng thái nhu nhược, yếu đuối và thất bại. Ngược lại người biết buông bỏ hợp thời và đúng phương thức sẽ tạo cho chúng ta một tâm hồn thoải mái, thông suốt và mạnh mẽ. Đối với những chuyện đau buồn ở quá khứ, chúng ta không nên kéo dài tâm trạng của sự dằng xé và ray rứt mãi trong lòng. Đối với những vật hoặc hoàn cảnh hay thậm chí một người thân thương không còn ở bên cạnh chúng ta nữa thì cũng nên chấp nhận để buông bỏ. Những việc vượt quá khả năng hữu hạn của chúng ta thì hãy học cách bằng lòng và không tham cầu. Từ sự buông bỏ đó nó lại mở cho ta nhiều hướng đi và nhiều mục đích cao đẹp hơn.
Giữa đời sống thực tại, có nhiều người vì quá mong cầu, lưu luyến và bám chặt vào một đối tượng nào đó và chính những thứ đó đã xiết chặt lấy thân và tâm của họ. Nó chiếm ngự hết khối óc và tinh thần của họ khiến bản thân trở nên mệt mỏi và đau khổ. Lý do là trong tâm ta có một rào cản của sự tham cầu và ảo tưởng và chính rào cản đó làm cho sự lưu thông về tư tưởng của chúng ta bị nghẽn đọng lại. Sự sáng suốt, lòng thương yêu và sự hiểu biết đều có ở trong ta, nhưng tại vì ta có một cái rào cản ở trong tâm, khiến cho tuệ giác đó, tình thương đó, hiểu biết đó không biểu hiện ra được.
Trong chuyến về thăm Việt Nam vừa rồi, bản thân người viết đã chứng kiến một tình huống rất đáng thương. Một người bạn thời tiểu học, trong cuộc sống hôn nhân của cô ấy đang trên bờ vực thẳm nhưng vì quá yêu thương chồng muốn níu giữ cuộc hôn nhân này. Ngược lại, người chồng luôn hờ hững và lạnh nhạt với cô ấy. Một sáng mai thức dậy, người bạn phát hiện trên bàn khách có một tờ giấy ly hôn của chồng để lại. Người bạn đã ngất xỉu, tay chân run rẩy. Khi tỉnh dậy cô ấy lấy dao rạch vài đường ở cẳng chân mặc cho máu chảy dài, cô ấy có ý định tự tử. Người bạn đã gọi điện cho mình đến nhà. Bạn đã kể lại cho mình nghe về những nỗi buồn trong cuộc sống, về những áp lực căng thẳng trong gia đình. Chồng của cô ấy dạo này thường tỏ thái độ lạnh nhạt và cũng thường nghe nhiều thông tin về chồng mình có người thứ 3 bên ngoài. Cô ấy không tin, bình thường chồng của bạn chỉ biết công việc vì là giám đốc của 1 công ty lớn phải quản lý hàng trăm công nhân. Vẫn chu cấp kinh tế đầy đủ cho gia đình và thi thoảng có đưa cả gia đình đi chơi. Bạn đã rất yên tâm và không tin lời đồn đãi về chồng mình có bạn gái. Hôm đó, vô tình cô ấy đi công việc và ghé vào công ty thì thấy cảnh chồng và bạn gái đang vui đùa với nhau. Cô ấy đã làm ầm lên tại công ty, sau đó người chồng về nhà và đã quyết định viết đơn ly hôn. Người bạn buồn quá nên làm chuyện dại dột như vậy. Mà không riêng gì bạn, trong thời buổi này, rất nhiều người lâm vào tình cảnh như bạn ấy. Những năm gần đây, tỷ lệ người tự tử tăng rất nhanh có thể nói đến là Nhật Bản và Hàn Quốc. Và nguyên nhân tự sát là sự mất quân bình về tâm lý, đời sống gia đình đổ vỡ và sự tranh đấu trong các thị trường kinh tế…
Sự phân vân mất định hướng của bạn. Đối trước tình cảnh đau khổ đó, người bạn đã tư vấn mình làm sao để vượt qua được nỗi kinh hoàng này. Mình trả lời; bạn nên học cách chấp nhận và hãy thả lỏng cơ thể, để tâm hồn bạn lắng dịu trong từng hơi thở vào và ra. Đối với người chồng không còn tình cảm với bạn nữa thì hãy dừng níu kéo để cả hai được bình yên và nhẹ lòng. Còn đối với những việc không thể làm được, đừng tự trách bản thân mà hãy để nó lắng đọng trong quá khứ. Bắt đầu với cuộc sống mới với thời điểm hiện tại. Và hãy hướng tâm của bạn liên tục đến sự buông xả. Khi tâm của bạn luôn hướng đến đối tượng của sự buông xả thì sự vọng tâm phiền não không kéo bạn chìm sâu trong sự khổ đau nữa. Bên trong của mình sẽ được cân bằng và an vui hơn. Khi tâm của bạn chìm đắm vào người mình yêu thương, nó sẽ dễ bị kích động và tổn thương khi người đó không còn ở bên cạnh. Hầu như trong mỗi chúng ta đều biểu lộ như nhau khi xúc cảnh như vậy. Trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc, chúng ta thường tưởng nhầm sự bám víu của tâm với hạnh phúc thực sự. Nhưng nếu cứ mãi đắm chìm trong sự bám víu đó, thì chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội để trải nghiệm sự bình an nội tại và những niềm hạnh phúc lớn hơn nữa. “BUÔNG ĐI CHÍNH LÀ ĐƯỢC TẤT CẢ” bạn muốn được tất cả thì phải buông, việc gì làm mình đau khổ và tổn thương thì nên buông. Buông được những thứ đó rồi thì tâm hồn của mình sẽ được thanh thản, nhẹ nhàng hơn cuộc sống sẽ không bị ràng buộc bởi những lo âu, sợ hãi hay tinh thần bị rối loạn…. Và bạn sẽ hiểu rõ được sự thật về bản chất của cuộc đời là khổ như Đức Thế Tôn thường dạy; xa rời người mình thương là khổ (ái biệt ly khổ), đau khổ về điều mình mong muốn không được như ý (cầu bất đắc khổ), sự thật về lý nhân duyên và vô thường trong cuộc sống… từ đó bạn sẽ hướng đến con đường tuệ giác và tình thương mà Đức Phật đã từng chỉ dạy.
Một con đường đang mở cho bạn phía trước, nào bạn tôi ơi hãy mạnh mẽ buông bỏ nhé! Nếu bạn sắp xếp được thì nên thường xuyên tham dự các khoá tu thiền Vipassana ở các trung tâm Thiền viện tổ chức. Các khoá thiền Vipassana này là liều thuốc hữu hiệu để chữa trị những căn bệnh về tâm rất thiết thực và bổ ích. Người bạn đã bắt đầu tìm hiểu về phương pháp thiền và cũng đang thực tập hằng ngày.
Buông xả không phải là trạng thái bàng quan, lãnh đạm hay không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, mà nó đơn giản chỉ là sự không thiên vị, không đặt nặng bất kỳ điều gì. Theo ngôn ngữ Pali, buông xả được dịch là upekkha nghĩa là “xem qua” và “không bám vào đối tượng” chỉ cho đức tính buông xả hay sự quân bình của tâm. Với trạng thái tâm này, khi đối diện với ngoại cảnh; đó là một hình ảnh, một hoàn cảnh hay một nhân vật nào đó, bạn sẽ không loại bỏ những gì mình không ưu thích (sân) và bám víu, phát cuồng vì những gì mình ưu thích (tham). Tâm sẽ luôn quân bình và bằng lòng với tất cả những gì đang xãy ra. Khi tâm được cân bằng, thì chúng ta sẽ buông bỏ được những phạm trù của từng cặp đối xứng: vui buồn, mừng giận, ưu ghét, hơn thua, được mất, vinh nhục. Chúng ta nên hiểu rằng; cái quan trọng nhất là làm cho tâm mình thảnh thơi, ngoài ra không có pháp môn tu học nào mầu nhiệm hơn thế nữa.
Với ý nghĩa “Buông đi chính là được tất cả” này tương đồng với tinh thần Kim Cương của nhà Phật “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”; tâm không bám víu vào bất kỳ một đối tượng nào thì sẽ sanh ra một cái tâm kỳ diệu của sự bình an và tự do đúng nghĩa.