Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nụ cười Hiểu và Thương

30/07/202221:08(Xem: 2631)
Nụ cười Hiểu và Thương

nu cuoi hieu va thuong


Nụ cười
Hiểu và Thương

 

Mùa hè năm 2000 tôi dẫn hai cậu con trai một lớn, một bé đi nghỉ hè tại một nơi thật đặc biệt tại miền Nam nước Pháp. Nơi có những khu vườn thoai thoải trồng nho bát ngát  và sản xuất rượu vang Bordeaux nổi tiếng. Nhưng chúng tôi không đi tìm rượu nho, mà tìm Làng Hồng (Plumvillage) của Sư Ông “Thiền Chánh Niệm“ để dự khóa tu một tuần. 

 

Đối với cậu cả Gia Thiện mới tròn mười tám của tôi, đây là cả một thế giới mới lạ đầy tâm linh mà cậu đã đọc được trong sách vở bằng tiếng Anh do tôi ký cóp đem về. Cậu đòi sang tận nơi, gặp tận mặt cái người đã nói cho cậu biết một sự thật cho dù đã xưa như trái đất là trong con người cậu cũng có Phật tánh, một  "Buddha-Natur". Thật chấn động! Thật khó tin!

 

Còn phần cậu út Gia Huy, mới tám tuổi chưa biết gì, chỉ biết hớt tóc thật  ngắn cho đúng mốt "À-la Làng Mai" và đánh Ping-Pong với các bạn ngoại quốc cùng tuổi tại Xóm Hạ mỗi tối. 

 

Chỉ có bà mẹ là được lợi lạc nhiều hơn cả và được phỉ chí tang bồng, dạo chơi thăm vãn các hồ sen tuyệt đẹp của Làng, đúng với hai câu thơ của Sư Ông:

 

 Chẳng biết rong chơi miền Tịnh Độ.

Làm người một kiếp cũng như không. 

 

Tôi nguyên thủy xuất thân từ gia đình truyền thống Tịnh Độ, lúc năm tuổi đã theo bà nội đi Chùa tụng kinh niệm Phật, rồi làm Oanh Vũ trong Gia Đình Phật Tử của Khuôn A Dục Vương ở Nha Trang. 

 

Sau này tìm Sư Phụ quy y cũng theo Tịnh Độ với pháp danh Thiện Giới, không hòa nhập với các bạn Đạo chuyên về Thiền với chữ Tâm, hay chữ Chân đứng đầu. Cứ nghe họ chia sẻ trong những buổi Pháp thoại, ngồi Thiền cả tiếng đồng hồ với "Thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười", khiến tôi cứ phục lăn quay mà khả năng mình không làm nổi! Tôi chẳng thể ngồi bó chân với tư thế kiết già, đến bán kiết già còn chưa được nửa tuần hương nữa là...!!! 

 

Ngồi một lát tôi thấy mỏi lưng, đau chân và buồn ngủ. Để tâm được an trú trong hiện tại và đừng ngọ nguậy làm phiền các bạn Đạo chung quanh, tôi phải đổi cách hít thở cho phù hợp với căn cơ: "Hít vào A Di, thở ra Đà Phật". Nhờ thế tôi mới không rơi vào trạng thái hôn trầm. 

 

Thời gian ấy gia đạo của tôi gần như "nát bấy như tương", để trốn tránh nợ đời lẫn nợ tình, tôi vào Chùa học hỏi chánh pháp của Đức Phật để chuyển hóa khổ đau. Học gấp rút, nghe thuyết pháp bằng băng giảng ngày đêm, cuối tuần tu học hai xuất: thứ bảy tại Thiền Đường Suối Thương của Sư Ông, đi thiền hành trong chánh niệm ; chủ nhật tại chùa Linh Thứu với Tịnh Độ Tông, đi kinh hành và niệm Phật nghiêm mật hằng giờ. Lúc ấy tôi chỉ nhớ câu "Thiền Tịnh song tu, như mãnh hổ thêm cánh" của Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền Sư, làm kim chỉ nam cho sự tu tập. Công lao lớn vẫn là bác Năm Trực Ngộ, đã dẫn dắt tôi vào ngôi nhà chánh pháp cả Thiền lẫn Tịnh.

 

Tuy nhiên tôi cũng bị va chạm chút xíu giữa hai tông phái. Tôi đã quen với câu niệm Phật từ thuở bé, bây giờ phải đổi lại là niệm Bụt, chẳng quen và chẳng nhập tâm chút nào! 

 

Tuy Sư Ông đã giải thích nhiều lần là chữ Bụt lấy từ chữ Buddha, là người tỉnh giác nghe rất thuận âm. Nhưng tôi đây đã bị ám ảnh từ thuở bé bởi câu chuyện cổ tích tấm cám do bà nội kể, đến đoạn cô Tấm ngồi khóc thì bỗng ông Bụt hiền lành với râu tóc trắng xóa hiện ra hỏi: "Làm sao con khóc?". Thế thì làm sao tôi có thể gọi Phật bằng Bụt cho được! Do đó Sư Ông cứ niệm Bụt, phần tôi cứ niệm Phật, chẳng sao cả trong rất nhiều khóa tu cho đến khi Sư Ông không còn sức khỏe để giảng dạy nữa. Và tôi đã học được rất nhiều phương pháp chuyển hóa khổ đau từ Sư Ông, chẳng hạn như "Hãy nhận diện khổ đau, ôm ấp và vỗ về, rồi từ từ chuyển hóa".

 

Tôi nhớ mãi hình ảnh của Sư Ông, dáng gầy gầy với nụ cười tươi sáng đầy Hiểu và Thương, giọng nói rất nhỏ nhưng ấm áp, phải chú tâm cho lắm mới nghe rõ những lời pháp nhũ. Trong óc tôi lúc ấy phải có sẵn một từ điển Phật học sống mới thích nghi được với hai môn phái Thiền Tịnh song tu. Này nhé! Khi đến Thiền Đường thấy hai bút pháp Hiểu và Thương của Sư Ông, phải liên tưởng ngay đến hai vế "Lưỡng túc tôn: Từ Bi và Trí Tuệ". Nam Mô Bụt Thích Ca Mâu Ni, phải đổi lại là Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật. Còn các tiểu tiết khác biệt không đáng kể khác, chỉ cần vài ba lần là tôi quen ngay. Nhất là trong cách xưng hô với các vị Tôn Túc, khi nào phải gọi là Sư Bác, Sư Chú, Sư Chị, Sư Em...

 

Tôi ngưỡng mộ nhất là tài văn chương thi phú của Sư Ông và điều này đã làm hao tổn hầu bao của tôi khá nhiều khi nghiện đọc sách của Sư Ông. Mỗi lần đến thiền đường sinh hoạt, tôi đều mua sách của Sư Ông, cuốn "Đường xưa mây trắng" viết về cuộc đời của Đức Phật dày đến 500 trang đâu phải rẻ, rồi lại "Thả một bè lau" viết về cuộc đời cô Kiều với dẫn giải thật thích hợp từng giai đoạn một. Tôi tâm đắc nhất đoạn Sư Ông trách Sư Chị Giác Duyên không chịu dạy dỗ Sư Em Trạc Tuyền giữ năm giới cho chu toàn, ai biểu đi ăn trộm chuông vàng khánh ngọc nhà Hoạn Thư rồi bỏ trốn để sau này cũng vì mấy món đồ phi pháp ấy mà phải vào thanh lâu lần thứ hai. Đúng quá đi chứ! 

 

Vào năm 2005 nhân chuyến về Việt Nam tôi lặn lội lên tận Lâm Đồng thăm viếng Thiền Đường Bát Nhã của Sư Ông, núi rừng bát ngát, tăng đoàn thanh tịnh, hạnh phúc là đây, đây là Tịnh độ, không thể tìm ra đâu nơi thứ hai! Thế mà vô thường ập đến, chỉ thời gian ngắn sau, Bát Nhã đã biến thành nơi... không đến, không đi, không tới...!!!

 

Rồi tăng đoàn của Sư Ông về xây dựng pháp môn Làng Mai tại chùa Từ Hiếu, nơi Sư Ông xuất thân vào Cửa Không ngày thơ ấu. Thời gian sau lại xuất hiện hai câu vè trong dân gian thật bí hiểm:

Sư Ông thả một bè lau.

Thầy trò Từ Hiếu nỗi đau mất Chùa. 

 

Lúc còn sinh thời Sư Ông Làng Mai rất nổi tiếng, chỉ đứng hạng thứ hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma mà thôi! Nhưng thiên hạ có một số người thích đem Sư Ông ra mài giũa: nào là thân cộng, nào là muốn hòa giải với phiến loạn phá tòa nhà Tháp Đôi...

 

Ôi! “Ở sao cho vừa lòng người. Ở rộng người cười, ở hẹp người chê“! 

Tôi cũng ráng học được ít nhiều về nụ cười Hiểu và Thương của Sư Ông để tránh tranh cãi thị phi về những chuyện "Thấy vậy mà không phải vậy". 

Hiểu càng sâu, thương càng rộng.

Hiểu càng rộng thương càng sâu

Những thư pháp như thế treo đầy chung quanh thiền đường, cứ việc lấy giấy bút ra ghi chép về nghiền ngẫm sẽ ngộ ra rất nhiều điều lợi lạc.

 

Ai bảo đi tu là dễ! Những bạn Đạo của tôi đã sang Làng tu tập nhiều lần, có người đã trở thành Giáo thọ hay Sư Chú, Sư Cô... Nhưng cũng có người rớt đài, được Sư Ông gửi về nhà lo chuyện gia đình. Tôi thầm gọi họ là những Pháp Rớt hay Cuối Nghiêm! Chỉ dám nghĩ thầm thôi nhé! 

 

Bài giảng hay Kinh Nhật Tụng của Làng Mai đa số đã được Sư Ông soạn bằng văn xuôi ít từ ngữ Hán Việt nên rất dễ hiểu và thấm vào lòng người. Những bài Pháp thuộc loại "gỡ rối tơ lòng" xóa bỏ các nội kết chất chứa trong lòng của các thành viên trong gia đình như vợ chồng, con cái... thì nhiều vô số kể! Đáng kể nhất vẫn là câu chuyện chiếc hộp bánh LU, chứa đựng những bức thư tình đầy kỷ niệm mà thời gian đã xóa nhòa bao tình cảm tốt đẹp thuở ban đầu. Sư Ông muốn nhắc nhở chúng ta qua câu chuyện "Chiếc hộp bánh LU" bằng thiếc đấy thôi!

 

Còn giảng về Duy Thức học trừu tượng, Sư Ông chỉ dùng một cây đèn cầy và một que diêm là đủ diễn tả cả một môn học phức tạp có đầy đủ các Tâm Sở và Tâm Vương mà chẳng cần nhắc đến các từ ngữ khó hiểu này. Hay những ví von đơn giản về những đám mây để đưa đến đề tài sinh tử như: Khi chết ta sẽ đi về đâu? 

 

Tại thiền đường của Sư Ông, tôi học được rất nhiều danh từ mới: Mỗi tuần vào thứ hai tôi có "Ngày làm biếng", nghĩa là được tự do cá nhân không phải làm gì hết! Nhưng mất quyền lợi không được nghe Sư Cô Chân Không hát ru ngủ trong giờ "Thiền buông thư", mà tôi cứ gọi nhầm là Thiền buông xuôi vì hai tay phải thả lỏng buông ra. 

Sau các buổi giảng đều có các buổi Pháp thoại ngồi quây quần bên nhau, để các Tăng Thân chia sẻ những gì mình đã thu thập được. Ôi thôi, mọi người được dịp giải tỏa nỗi lòng, kể hết các nỗi khổ niềm đau, mỗi nhà mỗi cảnh chẳng ai giống ai. Nhưng được cái mọi người đều cùng học hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Âm, nên người kể cũng bớt khổ! Câu hỏi hay được đặt ra là tại sao trong gia đình toàn những Bồ Tát tại gia, nhưng sao vẫn không ấm êm? Chắc tại cái tôi của các Bồ Tát này còn cao hơn cả núi Tu Di!

 

Để giúp chúng ta đối trị với cơn giận, Sư Ông đã viết cả một cuốn sách, dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Tôi chỉ áp dụng được mỗi một điều, mỗi khi Bồ Tát Chồng nổi cơn thịnh nộ, không nên phân giải biện bạch đúng sai, mà phải bỏ chạy ra vườn tìm góc vắng ngồi hít thở và niệm Phật. Chẳng mấy chốc "Hầm lửa sẽ biến thành hồ sen"!

 

Nhưng phương pháp "Làm mới" để giải tỏa các nội kết giữa hai bên, tôi không làm được! Làm sao tôi có thể mặc áo tràng, cầm bình hoa, trịnh trọng đến mời phe kia ra phòng khách để đàm phán. Chàng sẽ trợn mắt tưởng tôi đang đóng kịch hay có vấn đề? 

 

Một đề tài nhạy cảm gây nhiều tranh cãi đó là "Thiền ôm". Các tăng thân khi gặp nhau hay chia tay thường áp dụng phương pháp Thiền ôm để truyền trao năng lượng yêu thương cho nhau. Tôi cũng áp dụng nhiều lần nhưng với người cùng phái, vì chỉ sợ "Sáu căn tiếp xúc với sáu trần" không tốt. 

 

Với cái nhìn về Tịnh Độ với Tín Hạnh Nguyện của tôi từ bao lâu đã hơi đổi khác, tôi không phải chờ đến khi chết mới được Phật A Di Đà giơ tay đón tiếp đưa về cõi cực lạc, mà ngay bây giờ, hiện tại nơi đây tôi đã sống trong cảnh giới của Ngài. Sư Ông đưa ra một ví dụ rất thực tế, nếu ta làm việc chăm chỉ nhưng người chủ lại không trả tiền ngay mà hẹn ta sau khi chết mới chịu trả tiền. Do đó Sư Ông bảo ta phải hát:

Đây là Tịnh Độ. 

Tịnh Độ là đây. 

Chánh niệm bây chừ. 

An trú trong ta.

Bụt là lá chín.

Pháp là mây bay.

An vui khắp chốn.

Tiêu dao tháng ngày. 

 

Sư Ông bây giờ đã là "mây trắng thong dong" bay khắp nơi trong bầu trời vô định. Làm sao chịu nhốt mình trong tòa tháp nguy nga cho mọi người đến lễ bái như di chúc của Người, không cần xây Tháp. Sẽ có lúc nhân duyên hội đủ, một phần đám mây sẽ biến thành mưa và trận mưa Pháp này sẽ cho ra những nụ cười Hiểu và Thương với hai câu thơ ấm áp lòng người:

Về đến quê xưa tìm gốc rễ. 

Đi qua cầu hiểu, đến cầu thương. 

 

 

Hoa Lan - Thiện Giới. 

Mùa xuân 2022.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/05/2011(Xem: 3280)
Hãy sống như những người con Phật, mở lòng ra, nắm lấy những giờ phút đang có này, vứt bỏ mọi ức, hoài niệm, và nở nụ cười.
05/05/2011(Xem: 12014)
Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh là cơ quan ngôn luận dẫn đạo về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, mà mãi đến nay (2014) vẫn chưa có tạp chí Phật Giáo nào, trong và ngoài nước, có thể vượt qua được uy tín và ảnh hưởng lớn rộng của nó. Hiện Thư Viện Huệ Quang (Việt Nam) đã số hóa tạp chí này, bắt đầu từ số 1 năm 1967 cho đến số cuối cùng vào tháng 3 năm 1975 thì tự đình bản do hoàn cảnh đổi chủ của miền Nam Việt Nam.
11/04/2011(Xem: 3184)
Cái biết sáng ngời hay Phật tánh, Chân tâm, Tánh giác… thật ra không có tên gọi, không thể dùng lời diễn tả, không thể tưởng tượng suy lường.
10/03/2011(Xem: 2970)
Ngày xưa, có một người xay bột nghèo mà lại có một cô con gái xinh đẹp. Có lần, bác ta tình cờ được nói chuyện với nhà vua.
27/02/2011(Xem: 4116)
Tập sách này là một sự tập hợp các bài biên khảo đã được đăng trong các tạp chí Phật giáo. Các bài: Triết lý quanh đèn, Triết lý chiếc nôi, Cái nhìn...
19/02/2011(Xem: 17105)
Hết lòng trân quí và ghi nhớ ân đức sâu dầy của sư Sán Nhiên đã biên soạn và hiệu đính tập sách này, cũng như đã hoan hỷ cho phép Hội Thiện Đức ấn tống nhằm góp phần vào công cuộc hoằng hóa Phật pháp đem đến lợi lạc cho nhiều người. Hội Thiện Đức xin biết ơn sự ủng hộ tinh thần và tán thán sự phát tâm đóng góp tịnh tài của quý Phật tử và ân nhân cho công trình ấn tống này. Xin tri ân chị Thân Thục & anh Thân Phúc đánh máy tập sách; anh Thân Hòa trình bày sách bao gồm thiết kế bìa sách; anh Chúc Giới, anh Thiện Tánh, cùng anh Chúc Tùng cung cấp tài liệu và hình ảnh; Tâm Hân Huệ thỉnh ý sư Sán Nhiên; chị Tâm Thiện, chị Chơn Hạnh Bạch, chị Diệu Âm, Thân Hồng, cùng anh chị Lê Lộc (Lancaster, PA) phụ giúp sổ sách, liên lạc, và kêu gọi cho quỹ ấn tống.
02/02/2011(Xem: 9679)
Sự hiện hữu đột biến phản diện của một đóa mai đã đánh lay tâm thức của người đọc một cách bất ngờ, tạo ra một mối nghi tình cho hành giả, trong hai câu song thất kết thúc của bài kệ, mà thiền sư Mãn Giác đã trao cho những người đi sau, nhân lúc cáo bệnh thị chúng của ngài, chúng vẫn còn tiếp tục chảy không biết bao nhiêu bút mực để nói về sự hiện hữu của chúng.
21/01/2011(Xem: 3870)
Mỗi khi mỏi bước trên con đường mình đã chọn, hãy tự nhủ mình: ” Tiếp tục đi… đừng dừng lại. Mỗi bước có thể khó khăn hơn nhưng đừng dừng lại. Viễn cảnh đẹp nhất là lúc ở trên đỉnh”. Hãy luôn thúc đẩy mình bằng cách nghĩ về viễn cảnh hạnh phúc ở tương lai bạn nhé.
20/01/2011(Xem: 3336)
Thầy Ajahn Brahm có lần chia sẻ khi ông mới đến ở tu viện Wat Pah Pong của ngài Ajahn Chah, ông thường được nghe Ngài Ajahn Chah kể một câu truyện về làm thế nào để hái một trái xoài. Tu viện Wat Pah Pong là một vườn xoài. Và theo người ta kể thì những cây xoài ở đây được lấy hạt giống từ chính cây xoài được trồng bởi đức Phật. Vườn xoài lúc nào cũng đầy trái thơm chín chỉ chờ người hái. Nhưng theo lời Phật dạy thì chúng ta không nên leo lên cây hái trái. Và ta cũng không cần phải lấy cây sào vói hái, hay là rung lắc cho trái rụng xuống.
20/01/2011(Xem: 3189)
Đêm im lặng, lắng nghe hương về sáng Mùa xuân tràn, có vạn cánh chim bay Cành mai ngủ vừa giật mình thức giấc...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]