Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đọc bài viết nhớ nhà văn Võ Hồng của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

30/04/202221:19(Xem: 2819)
Đọc bài viết nhớ nhà văn Võ Hồng của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

nha van vo hong
Đọc bài viết
nhớ nhà văn Võ Hồng của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

-Trương kim Báu-

 

Đọc những bài thơ của Võ Hồng, tôi mất ngủ cả đêm, nhớ và thương Thầy thật nhiều.

 

Quạnh Hiu

Năm giờ sáng mở mắt

Nhìn quanh chỉ ghế bàn

Thèm thấy một khuôn mặt

Thèm nghe tiếng dịu dàng

Mười giờ đêm thâm u

Bóng tối như cõi chết

Tình yêu, tìm nơi đâu

Hạnh phúc, chào vĩnh biệt

  Võ Hồng

 

Nay các con nên người

Mỗi đứa đi một ngã

Mình cha căn nhà xưa

Trông vừa quen vừa lạ

Không còn ngày gian khổ

Chỉ dư ngày tiêu điều

Vắng con như cây cỏ

Héo úa giữa quạnh hiu

(Ba mươi năm sau)

 

Di Ngôn

....................

Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế

Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường

Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương

Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi

Đợi một người đi không hẹn trở lại

Hun hút đường dài...vun vút xe qua

Những dáng ngược xuôi...những cặp hẹn hò

Bầy chó lang thang...hàng cây đứng lặng

Chia sẻ nỗi niềm: Từng ngôi sao xa

............................

Võ Hồng

 
***


Chúng tôi là những nữ sinh vào lớp đệ thất khi trường Lê Quí Đôn Nha Trang mới mở. Thầy Võ Hồng dạy hai môn Vạn vật và Việt văn, Thầy cũng là người chỉ đạo coi sóc lớp tôi.

Thầy thường chạy chiếc velo đen, cao người, thật hiền và rất tế nhị. Thầy biết hết lý lịch và tánh tình từng học sinh trong lớp.

 

Chúng tôi 4 đứa con gái từ trường nữ tiểu học Nha Trang  đều vào đệ thất trường Lê Quí Đôn. Hôm đó đi qua một ngôi nhà gần trường, chúng tôi cứ lượn qua lượn lại vì ai cũng muốn hái những cành hoa tím. Đứa canh trước đứa canh sau, cuối cùng một bạn trong nhóm bẻ trộm được nhánh hoa. Đang tíu tít giành nhau để ngửi mùi thơm, từ xa xe Thầy chạy đến và thấy rõ, chúng tôi giật mình nên không đứa nào còn dám giữ cành hoa, vì vậy trước cổng trường tự nhiên ngạt ngào hương hoa tím.

Vào lớp, 4 đứa đều hồi hộp vì sợ Thầy đem chuyện này ra nói. Giờ vạn vật, Thầy giảng về nụ hoa, đài hoa, nhị hoa, noãn hoa v.v... Cuối cùng Thầy giảng về công lao của người làm vườn.  Hú hồn! Từ đó 4 chúng tôi bỏ tật hái trộm hoa.

 

Khi cô mất rồi, nhiều nhóm nam nữ học sinh trong lớp đến nhà Thầy. Con gái thì chơi với hai con của Thầy là Hằng và Thủy, chải tóc, bày em thắt bím, chơi đồ hàng. Con trai thì chơi với em Hào, con trai của Thầy. Lúc  chúng tôi chào Thầy ra về, bao giờ Thầy cũng đưa ra cổng và trong vườn có loại hoa nào nở là Thầy hái cho nhóm 1 cành hoa.

 

Trong trường có nhiều cô giáo miền Nam mới đến dạy, học trò xầm xì với nhau vì mong Thầy cưới vợ để Thầy không còn cô đơn và có người lo cho các em. Nhưng ngày tháng trôi qua Thầy vẫn đơn côi, một mình gà trống nuôi con dù thầy còn rất trẻ.

 

Hết thời trung học chúng tôi như đàn chim vỡ tổ, mỗi đứa đi một nơi. Mỗi lần trở lại quê nhà ở Nha Trang thăm Thầy là biết tin tức của nhau, vì Thầy biết rõ trong lớp có bao nhiêu người đi lính, đi binh chủng nào, học ngành nào.

 

Một hôm tình cờ tôi gặp lại người bạn thời trung học ở phi trường. Anh mừng đến ôm tôi và anh tự giới thiệu: “Cứ đây. Cứ đây”.  Tôi vẫn không nhận ra vì cách xa lâu quá. Nay anh trong bộ đồ bay màu cam của phi công lái máy bay khu trục cơ A1 Skyraider.  Anh cao to, đẹp trai và thật oai phong. Anh mới về nước mấy tháng, nay vào Nha Trang và sẽ làm ở đây luôn. Sau đó anh rủ tôi đến thăm Thầy Võ Hồng vào ngày thứ bảy và Thầy nhận ra anh ngay.

-        Đinh Quang Cứ phải không?

 Tôi phục Thầy quá! Thầy tỉnh bơ:

-        Có gì mà con phục. Trước khi đi Mỹ, Cứ có đến chào Thầy mà.

 

Rồi năm 1967, Cứ bị rớt máy bay, cánh dù không bung ra được. Cứ đã vào lòng đất mẹ.

Tôi tìm Thầy để báo tin thì Thầy đã biết trước rồi. Thầy ngồi bất động và đau buồn. Tôi nghĩ không phải thầy chỉ có 3 người con ruột, mà tất học trò đều là con của thầy.

 

Ngày Không Quân làm lễ để đặt tên con đường song song với phi đạo là đường Đinh Quang Cứ, vì anh đã anh dũng  chiến đấu cứu quân bạn đang bị vây được thoát hiểm.

Thật ngạc nhiên khi thấy Thầy bằng lòng đi dự buổi lễ đại diện cho nhà trường, vì bản tính Thầy không bao giờ khoe khoang hay muốn làm nổi bật. Tâm hồn Thầy vô cùng nhạy cảm. Trong khi bạn bè nhất là đám con gái không ai dám đi dự. Chỉ lặng lẽ đi sau đó.

 

Hôm đưa chồng tôi đến gặp Thầy. Tôi nói:

-        Thưa Thầy, con xin giới thiệu, đây là con rể của Thầy đó.

Thầy thật vui mừng và thân mật nói chuyện. Thầy biết nhiều về Không Quân, nhất là những loại máy bay chiến đấu hiện VN đang có và loại chồng tôi đang bay.

Lúc ra về chồng tôi phải khen là Thầy giáo mà Thầy rành máy bay quá!

-        Vì học trò Thầy có nhiều người là phi công. Mà nữ sinh cũng kết hôn với phi công như em đây. Thầy là Cha phải biết rõ nghề các con và rể của  mình chứ. Những nữ sinh khi chồng bị tử nạn, Thầy cũng đau buồn khôn xiết như nỗi đau con gái của mình.

 

Thầy xót xa vô cùng khi Thúy bắt các bạn đến chơi, phải cùng nhau ăn cơm cháy, để phần cơm trắng cho anh Dị đi bay về ăn, trong khi bên không quân đang tìm xác Dị vì anh vừa gãy cánh.

Thầy cứ thở dài than tội nghiệp cho con tôi! Còn quá trẻ mà đã thành góa phụ.

 

Đầu năm 1983 tôi trở về Nha Trang khi chồng tôi từ Bắc vừa ra tù được 3 ngày, vượt biên liền và thoát được rồi.

  

Về thăm má tôi lần cuối, tôi đến thăm Thầy để vào lại Sài Gòn theo chân chồng vượt biên, hy vọng gia đình đoàn tụ ở một xứ tự do, cho các con được đi học.

Gặp lại tôi, Thầy thật vui và nói:

-        Trong tuần này thầy rất hên, con là người học trò thứ 3 đến thăm. Xuân ngồi cuối lớp, con nhớ không? Xuân ưa bắt các con nhái, thằn lằn bỏ vào bàn nữ sinh đó. Và một người nữa, người này con không biết, đó là thầy tu, học sinh trường Bồ Đề.

 

Chiều đó Thầy ở bên trong rào đang săn sóc các cây hoa, nghe tiếng nói xôn xao bên ngoài, Thầy bước ra thì thấy 2 người. Một người đạp xích lô và một người mặc áo tù binh. Khi thấy Thầy hai người đều chắp tay:

-        Con chào Thầy.

Biết học trò mình, nhưng  hai người già và thay đổi nhiều quá.

-        Con là Xuân, cấp bậc đại úy Biệt Động Quân mới được ra tù 3 tháng nay. Hiện đang bị quản chế. Thưa Thầy, hôm khác con đến thăm thầy, vì đến giờ phải trả xe. Con thuê xe tính theo giờ. Lâu nay con không dám đến vì sợ liên hệ đến Thầy.

Anh tuyên úy, cứ ở chơi với Thầy. Sáng 5 giờ tôi đến chở anh ra xe lửa, đừng lo vụ tiền bạc, cùng là học trò của Thầy mà.

 

Người kia là thầy tu ở Viện Phật Học Nha Trang, học trò của Thầy. Sau này là tuyên úy Phật Giáo cấp bậc trung úy.

Thầy tuyên úy từ Bắc được tha về, đến Nha Trang muốn ghé thăm Thầy. Vì thầy tuyên úy người miền Nam, khi tu bị đổi ra Nha Trang. Nếu về trong Nam không có dịp ra lại.

Thầy hỏi thăm thì ngoài Bắc, thầy tuyên úy này cấp bậc nhỏ nhất nên ở tù 8 năm. Còn từ đại úy lên đến trung tá dù tuyên úy Phật giáo hay các tuyên úy tôn giáo khác không biết lúc nào về, vì Thầy có hai người bạn tuyên úy cấp bậc rất cao nên chẳng biết bao giờ được tại ngoại.

Tôi thưa Thầy:

-        Lúc sáng ghé chợ Đầm, con có gặp mấy người bạn cũ.  Con muốn mời Thầy và các bạn cùng ra biển uống nước và nói chuyện, Thầy thấy được không?

-        Không nên con à. Ai muốn thăm Thầy thì đến nhà.

 

Tôi cũng đã nghe Thầy bị công an mời thầy lên phường hỏi về bài viết (Trận Đòn Hòa Giải), đó là bài viết nói về 3 người con Thầy nhưng công an không chịu đọc bài viết mà cứ kêu thầy lên điều tra.

 

Lúc từ giã Thầy, nghe Thầy nói mà đau lòng.

-        Bây giờ con kiến nó cũng ăn hiếp Thầy được.

 

Qua Úc, tôi gặp lại Võ Thi người Vạn Giả. Học cùng với tôi mà lại cùng khóa không quân với chồng tôi, nên chúng tôi rất thân nhau. Hai đứa học trò cũ cùng viết thư về thăm Thầy Võ Hồng.

Thầy nói được thư của hai học trò cũ cùng một phong bì,  Thầy cảm động quá khi biết chúng tôi thân nhau.

 

Thầy vào trường Lê Quí Đôn tìm lại hình cũ lớp đệ thất B ngày xưa. Nhìn hình Võ Thi và tôi, một đứa tóc ngắn gần như trọc, một đứa tóc thắt hai bím như con xẩm.

 

Sau 75, sống ở Sài Gòn lo từng ngày nên đầu óc không còn nhớ gì. Nay ở xứ tự do tôi lại nhớ biển, nhớ Nha Trang thật nhiều.

Một hôm cả gia đình đi biển, tôi ào chạy xuống định bơi cho nước biển ôm tôi như ngày xưa. Nhưng tôi khựng lại và chạy lên bờ tìm khăn quấn quanh người vì nước biển ở  Melbourne lạnh như nước đá.

Tôi viết thư cho Thầy nói như vậy. Thầy an ủi và thương tôi vô cùng.

Rồi tôi cũng tìm được ở Queensland, nơi một hòn đảo, nước biển ở đó ấm như biển Nha Trang. Cũng bãi cát trắng cùng hàng dừa dưới trời xanh. Ngoài khơi vẫn có nhiều ánh đèn ban đêm như phố biển Nha Trang ngày nào. Trên đảo còn có những động cát cao như Hòn Khói quê tôi.

Tôi cũng viết thư kể cho Thầy. Thầy chúc mừng con đã tìm được quê hương Nha Trang của mình trên xứ Úc, quê hương thứ hai của con. Vô cùng diễm phúc!

 

 Bốn đứa học trò nhỏ ngày xưa mỗi đứa ở mỗi nơi. Tôi ở Úc. Yến, Oanh ở Mỹ nhưng 2 tiểu bang khác. Minh Châu ở Canada.

 

Tôi sống thật hạnh phúc bên chồng con. Tôi nghĩ nơi quê nhà Thầy cũng hạnh phúc vì luôn bận rộn đón học sinh cũ từ những trại tù cải tạo trở về thăm Thầy, rồi những năm sau, Thầy lại vui vẻ tiễn đưa những gia đình đó đi diện HO và đi đoàn tụ.  

 

Tôi biết các con Thầy đã ra nước ngoài học trước năm 1975 rồi. Nhưng tôi thật ngu ngơ không biết Thầy đã tiễn chân hết những gia đình học trò cũ đi HO và đi đoàn tụ. Đâu còn ai bên cạnh Thầy nữa! Có chăng là những cánh thư từ xa gởi về thôi.

 

Khi hay tin Thầy mất, năm 2015 tôi có trở về lại Nha Trang, nhưng không đến đường Hồng Bàng để thắp một nén nhang cúng Thầy, mà tôi ra ngồi ở biển, nhớ và nghĩ nhiều về Thầy, thương và cảm ơn Thầy, người đã dìu dắt chúng tôi thời thơ ấu.

Thầy ơi, con không ngờ Thầy cô đơn như vậy, con xin lỗi Thầy!

Cầu mong vị Thầy có bản tánh bao dung lịch sự, chỉ biết sống cho người khác, được về cõi bình yên. 


vo-hong_2

chung_toi_co_matchung toi co matKính mời xem tiếp

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/11/2019(Xem: 9438)
Vài cảm nghĩ chân thành nhân Ngày Nhà Giáo – 20/11 ( Huỳnh Phương – Huệ Hương )
01/11/2019(Xem: 4499)
Phật giáo Việt Nam với tư tưởng nhập thế hộ quốc an dân” luôn đồng hành cùng quá trình dựng nước, giữ nươc; luôn miệt mài vì độc lập, tự do cùng dân tộc. trong cuộc đồng hành đó phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 như một điểm nhấn rực rỡ, đánh dấu bước chuyển lớn trên con đường hướng nội và nhập thế đến tận cùng vì dân tộc.
31/10/2019(Xem: 5404)
Vào ngày 4/6/2018, nhà vẽ kiểu túi xách Kate Spade/ Kate Valentine thành công với tài sản ước lượng 200 triệu Mỹ Kim, bà đã treo cổ tự tử ở trong phòng riêng, để lại một tuyệt mệnh thư cho con gái, trong khi chồng ở một phòng khác. Điều này cho thấy “Thành công và tăm tiếng chưa chắc đã ngăn ngừa được sự buồn nản, chán đời” (Kate Spade's suicide is proof that money and fame can't deter depression).
29/10/2019(Xem: 5359)
Tuần qua tin tức thế giới chấn động khi được nhìn thấy 39 thi thể của những nạn nhân vì mục đích đi tìm hạnh phúc cho gia đình mình, cho mình và người thân theo quan niệm thường có ở thế gian ( của cải, vật chất) đã không màng đến tính mạng rủi ro xảy ra trên đường đến Anh Quốc . Chúng ta thường đã được nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận thức như sau khi đã tiếp xúc với nhiều dân tộc, ra nhiều thành phần trong xã hội " TẤT CẢ CHÚNG TA AI CŨNG MUỐN SỐNG CÓ HẠNH PHÚC CHỨ KHÔNG THÍCH KHỔ ĐAU " .
29/10/2019(Xem: 10799)
Kết thúc thời công phu sáng mặt trời cũng vừa ló dạng,những tia nắng ấm áp lan tỏa khắp nơikhiến cho mọi người thấy dễ chịu.Sự hội tụ của muôn ngàn tia nắng đang nhảy múa,chuyển động những tia sáng rực rỡ, trong thoáng giây,toàn thể không gian hoàn toàn biến đổi,và tất cả trở thành những dải ánh sáng đang rung động xoay vần trong một vũ điệu của thiên nhiên. Qua cửa sổ nhìn mây trôi bồng bềnh giữa trời xanh,tận hưởng cảm giác êm ả,hít thở những làn gió mát rượi vào buổi sớm mai, giữa không gian yên tĩnh,trong tôi bao niềm cảm xúc, thầm cảm ơn những gì có được của hiện tại:
24/10/2019(Xem: 6998)
Xưa và nay, ai sinh ra trong cuộc đời nầy cũng phải trải qua con đường giáo dục mà thành tựu những giai đoạn của sự học vấn, kể từ lớp mẫu giáo cho đến Đại Học hay hậu Đại Học. Cũng có nhiều người không qua sự giáo dục, nghĩa là không qua trường lớp đào tạo, nhưng cũng thành công ở xã hội và học đường, số người nầy cũng không phải là ít. Tuy nhiên những người nầy thuộc dạng cá biệt và đặc thù, nên không đề cập trong bài nầy về những người ưu tú như vậy, mà chỉ nhấn mạnh đến việc giáo dục chung chung để trở thành con người có văn hóa thực sự.
23/10/2019(Xem: 4386)
Chúng con/em là Tâm Thường Định, kính trình và thỉnh nguyện quý Ngài và quý anh/chị chung sức làm một Phật sự mới. Cuối tuần qua, trong buổi Có Mặt Cho Nhau 2 mà chúng con tổ chức, nhận ra sự lo ngại của các bậc Ba Mẹ, Ông Bà về thế hệ trẻ Phật giáo, và muốn tìm giải pháp cho các nan đề trong gia đình và cộng đồng, như: nghiện máy điện tử / smartphones, trầm cảm, tự sát, bạo lực học đường, tình yêu nam nữ, ứng xử trên mạng xã hội, gặp người khác tôn giáo, v.v…
22/10/2019(Xem: 13301)
Thời gian gần đây, “văn hóa đọc” dường như đã trở thành một mỹ từ thường xuyên được nhắc đến với nhiều bài viết rất tha thiết, rất nhiệt tình cổ xúy chuyện đọc sách giấy, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Thử vào Google và nhập từ khóa tìm kiếm là “văn hóa đọc”, chúng ta dễ dàng tìm thấy hàng loạt các bài viết loại này của nhiều tác giả trong cũng như ngoài nước. Mặc dù vậy, tác động thúc đẩy hay tạo chuyển biến trong thực tiễn dường như chưa được là bao.
22/10/2019(Xem: 4088)
Hôm nay, thứ Bảy 19-10-2019, tại Thư Viện Tully thành phố San Jose, California, nhóm Phật tử trẻ do Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ đến từ Sacramento, phối hợp cùng một số Huynh trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong vùng Bắc Cali tổ chức một “Hội Chợ Sách” (Book Fair). Đây là một sinh hoạt tương đối hiếm hoi trong sinh hoạt Văn hoá Phật giáo Việt Nam ở Hải Ngoại với ba thế hệ chung một con đường: Thế hệ Đàn Anh – Đàn Chị (Lão niên), thế hệ Bắc Cầu (Trung niên), thế hệ Đàn Em (Thanh thiếu niên).
21/10/2019(Xem: 4097)
Làm người quét lá dễ không? – Không dễ. Nếu dễ thì thiên hạ tranh nhau xuất gia, vào chùa hết rồi. Thiên hạ đã không làm như thế, bởi thú vui, dục lạc ở đời hấp dẫn hơn nhiều so với đời sống chay tịnh, lặng lẽ ở thiền môn. Những gì người thế tục đam mê theo đuổi thì người xuất gia tự nguyện từ bỏ. Nào là tiền bạc của cải, nào là sắc đẹp, danh thơm… nào là ăn ngon mặc đẹp, nào là ngủ nghỉ ngon giấc với nệm ấm chăn êm. Người đời chạy theo, người tu từ bỏ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]