Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 01: Cảnh Đức Truyền Đăng Lục

31/10/202119:02(Xem: 7848)
Quyển 01: Cảnh Đức Truyền Đăng Lục

canh duc truyen dang luc

CẢNH ĐỨC TRUYỀN ĐĂNG LỤC

QUYỂN 1

Sa-môn Đạo Nguyên đời Tống soạn

Việt dịch: Lý Việt Dũng

        

A- BẢY PHẬT:

1. Phật Tì Bà Thi

2. Phật Thi Khí

3. Phật Tì Xá Phù

4. Phật Câu Lưu Tôn

5. Phật Câu Na Hàm Mâu Ni

6. Phật Ca Diếp

7. Phật Thích Ca Mâu Ni

B- MƯỜI LĂM TỔ Ở TÂY TRÚC:

1. Tổ thứ nhất Ma Ha Ca Diếp

2. Tổ thứ hai A Nan

3. Bàng xuất Mạt Điền Để Ca

4. Tổ thứ ba Thương Na Hòa Tu

5. Tổ thứ tư Ưu Ba Cúc Đa

6. Tổ thứ năm Đề Đa Ca

7. Tổ thứ sáu Di Giá Ca

8. Tổ thứ bảy Bà Tu Mật

9. Tổ thứ tám Phật Đà Nan Đề

10. Tổ thứ chín Phục Đà Mật Đa

11. Tổ thứ mười Hiếp Tôn giả

12. Tổ thứ mười một Phú Na Dạ Xa

13. Tổ thứ mười hai Đại sĩ Mã Minh

14. Tổ thứ mười ba Ca Tì Ma La

15. Tổ thứ mười bốn Đại sĩ Long Thọ.

(Trong đó một Tổ bàng xuất không ghi chép)

 

BẢY ĐỨC PHẬT

Chư Phật cổ xưa ứng với thế gian, trải nối không cùng, chẳng thể lấy số chu kỳ mà tính hết được. Thời Hiền kiếp cận cổ tính được có 1.000 đấng Như Lai xuất hiện. Đến Đức Thích Ca tính được bảy Đức Phật. Theo kinh Trường A Hàm ghi: “Lực tinh tấn của bảy vị Phật phóng ra ánh sáng, diệt hết mọi tối tăm, các Ngài đều ngồi dưới gốc cây mà thành Chánh giác tại đó”. Lại có ngài Mạn Thù Thất Lợi, là Tổ sư trong thời bảy vị Phật. Đại sĩ Kim Hoa Thiện Huệ lên đỉnh Tùng Sơn hành đạo, cảm ngộ thất Phật dẫn đầu và ngài Duy Ma nối tiếp. Nay ghi lại sự việc kể từ bảy Đức Phật đến sau này.

 

 

PHẬT TÌ BÀ THI

 

Phật Tì Bà Thi, ở kiếp Trang Nghiêm thời quá khứ, là vị Phật thứ 998. Kệ rằng:

Phiên âm:

Thân tòng vô tướng trung thọ sanh

Do như huyễn xuất chư hình tượng

Huyễn nhân tâm thức bản lai vô

Tội phúc giai không, vô sở trụ.

Tạm dịch:

Thân thọ sanh từ nơi không tướng

Như trong ảo, nẩy sinh hình tượng

Người huyễn, tâm thức bản lai không

Tội phúc đều không, chẳng chỗ vướng.

Kinh Trường A Hàm ghi: “Vào lúc con người thọ đến tám vạn tuổi, Đức Phật Tì Bà Thi ra đời”. Ngài thuộc dòng Sát-đế-lợi, họ Câu-lợi-nhã, cha tên Bàn-đầu, mẹ là Bàn-đầu-bà-đề. Ngụ tại thành Bàn-đầu-bà-đê, Ngài ngồi dưới cội cây Ba-ba-la, thuyết pháp ba hội, độ được 348.000 người. Hai đệ tử đứng đầu là Kiển-trà và Đề-xá. Thị giả là Vô Ưu Tử, Phương Ưng.

 

 

PHẬT THI KHÍ

 

Phật Thi Khí xuất hiện vào kiếp Trang Nghiêm, thuộc hàng thứ 999. Kệ rằng:

Phiên âm:

Khởi chư thiện pháp bản thị huyễn

Tạo chư ác nghiệp diệc thị huyễn

Thân như tụ mạt, tâm như phong

Huyễn xuất vô căn, vô thực tánh.

Tạm dịch:

Pháp lành khởi sinh vốn là huyễn

Tạo nên nghiệp ác cũng là huyễn

Thân như bọt sủi, tâm như gió

Huyễn ảo không căn, tánh không hiển.

Kinh Trường A Hàm chép: “Vào lúc con người thọ tới 70.000 tuổi thì Phật Thi Khí xuất hiện”. Ngài thuộc dòng Sát-lợi, họ Câu-lợi-nhã. Cha tên Minh Tướng, mẹ là Quang Diệu. Ngụ tại thành Quang Tướng, Ngài ngồi dưới cội cây Phân-đà-lợi, thuyết pháp ba hội, độ được 250.000 người. Hai cao đệ là A-tì-phù và Bà-bà. Thị giả là Nhẫn Hạnh, Tử Vô Lượng.

 

 

PHẬT TÌ XÁ PHÙ

 

Phật Tì Xá Phù xuất hiện ở Kiếp Trang Nghiêm. Là Phật thứ 1000. Kệ rằng:

Phiên âm:

Giả tá tứ đại dĩ vi thân

Tâm bản vô sanh, nhân cảnh hữu

Tiền cảnh nhược vô, tâm diệc vô

Tội phúc như huyễn, khởi diệc diệt.

Tạm dịch:

Mượn bốn vật giả làm thân thể

Tâm vốn không, do cảnh thành thiệt

Cảnh chẳng có, tâm cũng biến mất

Tội phước như ảo, khởi rồi diệt.

Kinh Trường A Hàm chép: “Khi con người thọ mạng đến 60.000 tuổi, Phật Tì Xá Phù ra đời”. Ngài thuộc dòng Sát-lợi họ Câu-lợi-nhã. Cha tên Thiện Đăng, mẹ là Xứng Giới. Ngụ tại thành Vô Dụ, Ngài ngồi dưới cây Bà-la, thuyết pháp hai hội, độ được 130.000 người. Hai cao đệ là Phù-du và Uất-đa-ma. Thị giả là Tịch Diệt, Tử Diệu Giác.

 

 

PHẬT CÂU LƯU TÔN

 

Phật Câu Lưu Tôn xuất hiện đầu tiên trong Hiền Kiếp, là vị Phật thứ nhất. Kệ rằng:

Phiên âm:

Kiến thân vô thực thị Phật thân

Liễu tâm như huyễn thị Phật huyễn

Liễu đắc thân tâm bản tánh không

Tư nhân dữ Phật hà thù biệt.

Tạm dịch:

Thấy thân không thực - ấy Phật thân

Hiểu tâm như huyễn - ấy Phật huyễn

Rõ biết thân tâm bản tánh không

Loài người cùng Phật, nào khác gì.

Kinh Trường A Hàm ghi: “Lúc con người tuổi thọ đến 40.000 năm thì vị Phật này ra đời”. Ngài thuộc dòng Bà-la-môn, họ Ca Diếp. Cha là Lễ Đắc, mẹ tên Thiện Chi. Ngụ thành An Hòa, Ngài ngồi dưới cội cây Thi-lợi-sa giảng pháp một hội, độ được 40.000 người. Hai cao đệ là Tát-ni và Tì-lâu. Thị giả là Thiện Giác, Tử Thượng Thắng.

 

 

PHẬT CÂU NA HÀM MÂU NI

 

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni - Đức Phật thứ hai trong Hiền Kiếp. Kệ rằng:

Phiên âm:

Phật bất kiến thân tri thị Phật

Nhược thực hữu tri, biệt vô Phật

Tri giả năng tri tội tánh không

Thản nhiên bất bố ư sanh tử.

Tạm dịch:

Chẳng nhìn thấy thân biết là Phật

Nếu như hay biết, không phải Phật

Kẻ trí biết rằng tội tánh không

An nhiên nào sợ chi sinh tử.

Kinh Trường A Hàm ghi: “Khi con người thọ đến 30.000 tuổi thì Phật Câu Na Hàm xuất hiện”. Ngài thuộc dòng Bà-la-môn họ Ca Diếp. Cha là Đại Đức, mẹ tên Thiện Thắng. Ngụ tại thành Thanh Tịnh, Ngài ngồi dưới cội cây Ô-tạm Bà-la-môn, thuyết pháp một hội, độ được 30.000 người. Hai cao đệ là Thư-bàn-na và Uất đa-lâu. Thị giả là An Hòa, Tử Đạo Sư.

 

 

PHẬT CA DIẾP

 

Phật Ca Diếp - Đức Phật thứ ba trong Hiền Kiếp. Kệ rằng:

Phiên âm:

Nhất thiết chúng sinh tánh thanh tịnh

Tòng bản vô sanh, vô khả diệt

Tức thử thân tâm thị huyễn sanh

Huyễn hóa chi trung vô tội phúc.

Tạm dịch:

Hết thảy chúng sinh tánh thanh tịnh

Từ gốc không sanh nên chẳng diệt

Thân tâm này đây sanh từ huyễn

Trong chốn huyễn hóa, không tội phúc.

Kinh Trường A Hàm chép: “Khi con người thọ mạng đến 20.000 tuổi thì Phật Ca Diếp ra đời”. Ngài thuộc dòng Bà-la-môn, họ Ca Diếp. Cha là Phạm Đức, mẹ là Tài Chủ. Ngụ tại thành Ba-la-nại, Ngài ngồi dưới cây Ni-câu-luật, thuyết pháp một hội, độ được 20.000 người. Hai cao đệ là Đề-xá và Bà-la-bà. Thị giả là Thiện Hữu, Tử Tập Quân.

 

 

PHẬT THÍCH CA MÂU NI

 

Phật Thích Ca Mâu Ni - Đức Phật thứ tư trong Hiền Kiếp.  Ngài thuộc dòng Sát-lợi. Cha là Tịnh Phạn Thiên, mẹ là Đại Thanh Tịnh Diệu, ở cương vị thay thế Phật, Ngài sinh ra trên cõi trời Đâu-suất, có tên là Thắng Thiện Thiên Nhân lại tên khác là Hộ Minh Đại sĩ (Bồ-tát). Ngài đã cứu độ các chúng thiên trên cõi trời, giảng hạnh Bổ Xứ, hiện thân thuyết pháp trong khắp 10 phương thế giới. Kinh Phổ Diệu chép: Ban đầu, Phật sinh vào dòng vương gia Sát-lợi, phóng ra ánh sáng Đại Trí chiếu khắp 10 phương thế giới. Đất nẩy hoa sen vàng đỡ hai bàn chân đi. Theo bốn hướng Đông Tây và Nam Bắc, mỗi hướng Ngài đều đi bảy bước. Đoạn tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất, cất tiếng hùng hồn của con sư tử: “Trên dưới cùng bốn phương giáp, không ai tôn quý hơn ta”. Lúc ấy nhằm ngày mùng 8 tháng 4 năm Giáp Dần, đời vua Chiêu Vương nhà Chu (Trung Hoa) năm thứ 26.

Ngày mùng 8 tháng 8 năm thứ 42 (đời Chu Chiêu Vương) vừa khi 19 tuổi, Ngài muốn xuất gia, lòng nẩy sinh ý niệm: “Nay phải gặp ai đây ?”. Bèn đi dạo quanh ngoài bốn cửa thành, nhìn thấy bốn sự việc, lòng sinh ra buồn vui lẫn lộn, nghĩ rằng: “Đây là già lão, bịnh tật, chết chóc rốt cùng đều đáng chán”. Thế rồi, vào giờ Tý đêm ấy, có một vị Thiên nhân tên Tịnh Cư, chấp tay đi qua cửa sổ bạch: “Giờ xuất gia đã đến, đi được rồi đấy ! Thái tử nghe xong lòng rất hoan hỷ, bèn lén vượt thành ra đi.

Ngài đến núi Đàn-đặc tu hành, trước học đạo với A-lam-ca-lam trong ba năm, học định Bất dụng xứ; biết là không đúng được bèn bỏ ra đi.

Ngài lại đến học ba năm với thầy Uất-đầu-lam-phất, học Phi phi tưởng, cũng thấy là không đúng bèn bỏ ra đi. Thái tử đến núi Tượng Đầu sống cùng các ngoại đạo, mỗi ngày dùng hạt mè, hạt mạch. Trải sáu năm như vậy, cho nên Kinh mới viết: “Ngài đã dùng ý vô tâm, hạnh không chấp thụ mà nhiếp phục các ngoại đạo”. Thái tử trước hết đã thử mọi tà pháp, thực hiện các phương tiện loại trừ kiến chấp, khiến thành đạo vô thượng. Vì vậy mà kinh Phổ Tập chép: “Vào ngày mùng 8 tháng 2, khi ánh sao mai vừa xuất hiện thì Bồ-tát (Hộ Minh) thành đạo, hiệu là Thiên Nhân Sư vừa khi 30 tuổi, nhằm vào năm Quí Mùi, đời vua Mục Vương, năm thứ 3”.

Sau khi thành đạo, Phật đến vườn Lộc Uyển chuyển Pháp luân, giảng bốn Thánh đế cho năm người các ông Kiều Trần Như để chuyển đạo quả. Đức Phật đã trụ thế và thuyết pháp trong 49 năm, sau đó nói với Đại Ca Diếp:

- Nay ta đem Pháp nhãn thanh tịnh, diệu tâm Niết-bàn, thực tướng vô tướng, là chánh pháp vi diệu, giao lại cho ông, ông nên hộ trì.

Đoạn lại bảo A Nan:

- Ông là người thứ hai nối tiếp truyền bá, không nên để đứt đoạn.

Và Ngài nói kệ:

Phiên âm: 

Pháp bản pháp vô pháp

Vô pháp pháp diệc pháp

Kim phú vô pháp thời

Pháp pháp hà tằng pháp.

Tạm dịch:

Pháp gốc pháp không pháp

Pháp không pháp cũng pháp

Nay lúc trao pháp không

Pháp pháp đâu từng pháp ?

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ xong, Ngài lại bảo Ca Diếp:

- Ta trao cho ông chiếc y vàng Tăng-già-lê, nên nối nhau truyền cho người thừa kế cho đến khi Phật Di Lặc xuất thế, chớ làm hư hoại.

Ca Diếp nghe kệ, cúi đầu đảnh lễ chân Phật nói:

- Lành thay ! Lành thay ! Con nay y lệnh, vâng lời Phật dạy, vâng lời Phật dạy.

Lúc bấy giờ, Phật đến thành Câu-thi-na, bảo cùng đại chúng:

- Ta nay đau lưng, sắp vào Niết-bàn.

Ngài đến bên bờ sông Ni-liên, dưới gốc hai cây Sa-la, nằm nghiêng bên phải, chân duỗi xếp lên nhau, an nhiên thị tịch. Sau đó, Thế Tôn lại hiện hai chân thị hóa (Bà Kỳ) và tuyên thuyết bài kệ vô thường:

Phiên âm:

Chư hành vô thường

Thị sanh diệt pháp

Sanh diệt diệc dĩ

Tịch diệt vi lạc.

Tạm dịch:

Các hành vô thường

Là pháp sanh diệt

Sanh diệt diệt rồi

Tịch diệt là vui.

Các môn đồ bèn tranh nhau dùng củi hương trà tì. Sau khi thiêu xong, kim quan vẫn như cũ. Lúc bấy giờ, đồ chúng đứng trước Phật đọc lời tán thán:

Phiên âm:

Phàm tục chư mãnh xí

Hà năng trí hỏa nhiệt

Thỉnh Tôn Tam-muội hỏa

Xà duy kim sắc thân.

Tạm dịch:

Ngọn lửa mạnh thế gian

Làm sao thiêu đốt tan ?

Thỉnh cầu lửa Tam-muội

Trà tì sắc thân vàng.

Khi ấy, kim quan từ giàn cất lên, cao bảy cây Đa-la, bay tới lui trong  không trung, hóa thành lửa Tam-muội; phút chốc thành tro, thu được tám hộc bốn đấu Xá-lợi. Lúc ấy nhằm ngày 15 tháng 5 Nhâm Thân, đời vua Mục Vương, năm thứ 52. Từ khi thế Tôn nhập diệt, qua 1.017 năm, đạo pháp đã truyền đến Trung Quốc, nhằm vào thời Hậu Hán, niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 (Hán Minh Đế), năm Mậu Thìn.

PHẦN PHỤ LỤC

Khi Thế Tôn vừa mới sinh ra, một tay đã chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, bước quanh bảy bước, mắt nhìn bốn phương, nói:

- Trên trời dưới trời, duy có ta là tôn quý.

***

Ngày kia, Đức Phật lên pháp tòa, đại chúng tập trung xong đâu đấy. Ngài Văn Thù đánh kẻng hiệu nói:

Lắng nghe pháp vua pháp

Pháp vua pháp như vậy.

Thế Tôn bèn bước xuống tòa giảng.

Ngày nọ, Thế Tôn lên tòa giảng ngồi yên không nói, A Nan đánh kẻng hiệu bạch Phật:

- Kính thỉnh Thế Tôn thuyết pháp.

Thế Tôn nói:

- Trong hội chúng đây có hai Tỉ-kheo phạm giới nên ta không thuyết pháp.

A Nan bèn dùng tha tâm thông quán sát các Tỉ-kheo phạm giới, đoạn đuổi ra khỏi hội chúng. Thế Tôn lại vẫn im lặng.

A Nan lại bạch:

- Khi nãy vì có hai Tỉ-kheo phạm luật, giờ đây họ đã bị đuổi ra khỏi, sao Thế Tôn cũng không thuyết pháp ?

Thế Tôn nói:

- Ta đã thệ nguyện là sẽ chẳng vì hàng Nhị thừa, Thanh văn mà thuyết pháp.

Nói xong liền bước xuống tòa.

***

Ngày kia, Thế Tôn lên pháp đường, đại chúng tập họp lại xong xả. Ca Diếp đánh kẻng hiệu nói:

- Thế Tôn đã nói pháp xong.

Thế Tôn liền bước xuống tòa.

***

Đức Thế Tôn tại cõi trời Đao-lợi 90 ngày, giảng pháp cho thân mẫu, lúc từ giã cõi trời trở xuống thì lúc ấy bốn chúng và tám bộ đều lên giữa cõi không nghinh đón. Có vị ni cô tên Liên Hoa Sắc khởi lên ý niệm rằng: “Ta là thân ni, tất phải đứng sau chư đại tăng mà nhìn Phật, chi bằng dùng thần lực biến làm Chuyển luân Thánh vương - có 1.000 người con vây quanh” và bà được nhìn thấy Phật trước hơn hết, thật đã mãn ý nguyện mình. Thế Tôn quở rằng:

- Tỉ-kheo ni Liên Hoa Sắc ! Tại sao bà dám vượt qua các đại tăng để gặp ta ? Bà tuy nhìn thấy sắc thân, nhưng lại chẳng thấy được Pháp thân ta. Tu-bồ-đề tuy ngồi yên trong hang núi song vẫn thấy được Pháp thân Như Lai.

***

Trước Trước kia, Phật nhân Văn Thù đến chỗ chư Phật hội tập, gặp lúc chư Phật đều quay về lại chỗ của mình, duy có một nữ nhân ngồi gần bên tòa Phật, nhập định Tam-muội.

Văn Thù bạch Phật:

- Tại sao người ấy được ngồi gần bên tòa Phật mà con lại không được ?

Phật nói với Văn Thù:

- Ông hãy đánh thức được nữ nhân kia khiến ra khỏi pháp Tam-muội, rồi tự hỏi lấy.

Văn Thù đi quanh nữ nhân kia ba vòng, tróc tay một cái lại nhờ đến Phạm Thiên trổ hết thần lực mà bà ta vẫn không ra khỏi định. Thế Tôn nói:

- Giả như có trăm ngàn vạn Văn Thù cũng chẳng khiến nữ nhân kia xuất định được. Ở hạ phương trải qua 42 Hằng hà sa Quốc độ, có Bồ-tát Võng Minh là khiến được nữ nhân xuất định.

Trong phút chốc sau đó, đại sĩ Võng Minh từ đất vọt ra, đảnh lễ Thế Tôn. Thế Tôn bảo Võng Minh đánh thức nữ tử. Đại sĩ đến trước nữ nhân tróc tay một tiếng, nữ nhân liền ra khỏi định.

***

Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

- Trong chân đế có thế tục đế không ? Nếu nói không thì trí chẳng ưng hai, nếu nói có thì trí chẳng ưng một. Nghĩa của một hai là thế nào ?

Phật nói:

- Đại vương ! Trong quá khứ nơi pháp hội thời Phật Long Quan ông từng hỏi nghĩa này. Ta nay không nói, ông nay không nghe. Không nói không nghe, ấy gọi là nghĩa một nghĩa hai.

***

Ngày nọ, Thế Tôn trông thấy Văn Thù đứng ngoài cửa bèn nói:

- Văn Thù ! Văn Thù ! Sao không vào cửa đi ?

Văn Thù đáp:

         - Con chẳng thấy có pháp nào ngoài cửa thì sao lại bảo vào bên trong.

***

Ngày kia, Thế Tôn đang ngồi, thấy hai người khiêng con heo đi qua. Ngài hỏi:

- Cái đó là gì vậy ?

- Phật có trí toàn giác, thế mà con heo lại không biết ?

Thế Tôn nói:

         - Cũng nên hỏi qua.   

***

Có kẻ dị học đến hỏi Phật:

- Các pháp là thường chứ ?

Thế Tôn không đáp.

Lại hỏi:

- Các pháp vô thường đấy chứ ?

Phật cũng không đáp.

Kẻ dị học ấy nói:

- Thế Tôn là bậc toàn giác, sao không đáp lời tôi ?

Thế Tôn nói:

- Các điều ông hỏi, đều là ngôn luận vô nghĩa.

***

Ngày nọ, Thế Tôn cầm ngọc ma-ni tùy theo màu đưa lên, hỏi Thiên Vương năm phương:

- Hạt châu này có màu sắc gì ?

Thiên Vương năm phương mỗi người đáp màu sắc khác nhau. Thế Tôn cất châu vào tay áo, đoạn chìa tay ra, hỏi:

- Hạt châu này có sắc gì ?

Các Thiên Vương đáp:

- Trong tay Phật không có châu, làm sao có màu sắc ?

Thế Tôn than:

- Các ông thật quá mê muội đảo điên ! Ta đưa ra hạt châu trần thế thì các ông nói liền là nó màu xanh, vàng, đỏ, trắng; Khi ta đưa ra hạt chân châu thì lại không biết gì cả.

Lúc ấy Thiên Vương năm phương tức thì đều ngộ ngay lời Phật dạy.

***

Vua Càn-thát-bà dâng hiến nhạc đến Thế Tôn. Khắp cả núi sông, đất đai đều vang lên tiếng đàn. Ca Diếp đứng lên nhảy múa.

Vua hỏi Ca Diếp:

- Bậc A-la-hán há không phải đã diệt tận phiền não, cớ sao lại còn thói quen sót lại ?

Phật nói:

- Thực, không phải thói quen sót lại, xin đừng hủy báng Pháp.

Vua lại đánh đàn ba lượt thì Ca Diếp cũng lại nhảy múa ba lần. Vua hỏi:

- Ca Diếp nhảy múa đó, há chẳng phải sao ?

Phật đáp:

- Thật sự chẳng có thói quen sót lại.

Vua nói:

- Thế Tôn sao lại vọng ngữ.

Phật bảo:

- Không vọng ngữ đâu. Ông đánh đàn, khắp cả sông núi, đất đai, cây, đá, đều trỗi tiếng đàn. Có phải vậy không ?

Vua đáp:

- Đúng vậy !

         Phật nói:   

- Ca Diếp cũng như vậy đấy, nên thực ra không có nhảy múa.

Vua bèn tin thọ.

***

Ngoại đạo hỏi Thế Tôn:

- Hôm qua Ngài giảng pháp gì ?

Đáp:

- Nói về pháp định.

Ngoại đạo hỏi:

- Hôm nay thuyết pháp gì ?

- Pháp bất định.

Ngoại đạo nói:

- Hôm qua giảng pháp định, nay sao lại giảng pháp bất định.

Thế Tôn nói:

- Hôm qua định, hôm nay không định.

***

Ngũ Thông Tiên nhân hỏi Phật:

- Thế Tôn có lục thông, tôi có ngũ thông. Thế nào là một thông kia?

Phật bèn gọi Ngũ Thông Tiên nhân. Ngũ Thông ứng:

- Dạ !

Phật nói:

- Đây là thông ông hỏi đó !

***

Bồ-tát Phổ Nhãn muốn gặp Phổ Hiền mà không được, nên phải ba lần nhập định, quán sát 3.000 đại thiên thế giới song vẫn không thấy được Phổ Hiền, mới đến bạch Phật. Phật bảo:

- Ông hãy ở trong tịnh Tam-muội khởi niệm tất sẽ gặp Phổ Hiền.

Phổ Nhãn bèn khởi niệm liền gặp Phổ Hiền trên không trung đang cỡi con voi trắng sáu ngà.

***

Ngài Văn Thù trong ngày tự tứ trải ba nơi hạ an cư nên Ca Diếp muốn đánh kẻng xua đuổi. Vừa cầm trùy lên thì nhìn thấy trăm ngàn vạn ức Văn Thù. Ca Diếp giở hết thần lực song vẫn không nhấc nổi cái trùy. Thế Tôn hỏi Ca Diếp:

- Ông nghĩ đuổi Văn Thù nào ?

Ca Diếp không đáp được.

***

Trường Trảo Phạm Chí thách biện luận giáo nghĩa cùng Thế Tôn. Ông giao ước rằng:

- Nếu giáo nghĩa tôi thua, tôi sẽ tự cắt đầu chịu chết.

Thế Tôn nói:

- Giáo nghĩa của ông lấy gì làm tông ?

Phạm Chí đáp:

- Tôi lấy nhất thiết không thọ làm tông.

Thế Tôn hỏi:

- Đấy là tri kiến cảm thọ của ông phải không ?

Chí phất tay áo bỏ đi. Đi đến nửa đường bèn ngộ, ông bảo đệ tử:

- Ta phải quay trở lại, cắt đầu để tạ tội với Thế Tôn.

Đệ tử nói:

- Trước chúng nhân thiên, may mà đắc thắng, sao thầy lại cắt đầu ?

Chí nói:

- Ta thà chịu cắt đầu trước người có trí chứ không chịu đắc thắng trước kẻ vô trí.

Và ông cất tiếng than:

- Giáo nghĩa của ta, hai đàng đều hỏng, nếu nhận tri kiến cảm thọ thì thô quá, còn chủ trương không cảm thọ lại tế quá. Hết mọi hàng nhân, thiên, Nhị thừa đều không nhận ra giáo nghĩa ta sai lạc, duy có Thế Tôn, đấng Đại Bồ-tát mới biết ta sai lạc.

Ông quay trở lại trước Thế Tôn, bạch:

- Giáo nghĩa của tôi, hai đàng đều sai lạc nên đến đây cắt đầu để tạ tội với Ngài.       

Thế Tôn nói:

- Trong pháp của ta không có việc ấy, ông nên hồi tâm hướng đạo.

Vị du sĩ bèn cùng 500 môn đệ tức thì xin quy y theo Phật chứng quả A-la-hán.    

***

Ngày nọ, Thế Tôn muốn cùng Thánh chúng đến từng trời thứ sáu để thuyết giảng kinh Đại Tập, ra lịnh cho tất cả thần quỷ đanh ác trên Trời, dưới cõi, các phương khác và ngay quốc độ này, đều cùng tập hợp, nhận sự phó chúc của Phật mà ủng hộ Chánh pháp. Nếu có ai không đến hội thì Tứ Thiên Môn Vương quăng vòng sắt nóng lùa bảo phải đến hội. Khi tập hội xong, chẳng có ai là không vâng sắc chỉ của Phật, cùng phát thệ nguyện ủng hộ Chánh pháp. Chỉ có một Ma vương nói với đức Phật rằng:

- Cồ Đàm ! Tôi chờ cho tất cả chúng sanh đều thành Phật, không còn cõi của chúng sanh cho đến không còn tên gọi chúng sanh, khi ấy tôi mới phát Bồ-đề tâm.

***

Thế Tôn có lần cùng A Nan đang đi, thấy một tháp của cổ Phật. Thế Tôn làm lễ, A Nan nói:

- Bạch Thế Tôn ! Tháp này của ai đây ?

Thế Tôn nói:

- Đây là tháp của chư Phật thời quá khứ.

A Nan hỏi:

- Chư Phật quá khứ là đệ tử của ai ?

Thế Tôn đáp:

- Là đệ tử của ta.

A Nan nói:

- Phải nên như vậy.

***

Một ngoại đạo hỏi Thế Tôn:

- Không hỏi có lời cũng chẳng hỏi không lời.

Thế Tôn im lặng. Ngoại đạo tán thán:

- Thế Tôn đại từ đại bi, đã vén áng mây mê mù cho tôi, khiến tôi được vào chỗ ngộ.

Bèn làm lễ cáo từ. A Nan bạch Phật:

- Ngoại đạo kia hiểu được đạo lý gì mà xưng tán ra đi ?

Thế Tôn nói:

- Như con tuấn mã trong đời thấy bóng ngọn roi là cất vó.

***

Ngày nọ, Thế Tôn lệnh A Nan:

- Sắp tới giờ ăn, ông nên vào thành trì bát.

A Nan vâng theo. Thế Tôn nói:

- Ông đã trì bát, nên theo nghi thức bảy Phật xưa.

A Nan hỏi:

- Thế nào là nghi thức bảy Phật quá khứ ?

Thế Tôn gọi :

- A Nan.

A Nan vâng dạ. Thế Tôn bảo:

- Ôm bát đi !

***

Có một Tỉ-kheo hỏi:

- Con ở trong pháp Thế Tôn, chỗ thấy thì có mà chỗ chứng thì chưa. Thế Tôn chỉ dạy thế nào đây ?

Thế Tôn bảo:

- Thầy Tỉ-kheo kia, chỉ ra thế nào là câu ông hỏi đó ?

***

Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Ngài ngồi xếp bằng dưới một cội cây trong rừng Thệ-đa. Có hai thương buôn đưa 500 cỗ xe đi ngang qua bìa rừng, nhưng có hai chiếc xe, bò không chịu tiến bước. Thương nhân lấy làm lạ, ra mắt thần núi.

Thần bảo:

- Trong rừng có bậc Thánh đã thành đạo, qua 49 ngày chưa ăn uống, ông nên đến cúng dường.

Người lái buôn vào rừng quả thấy một người đang ngồi an nhiên bất động, bèn hỏi:

- Ngài có phải là bậc Phạm vương hay Đế Thích chăng ? Thần núi hay Thần sông đây ?

Thế Tôn mỉm cười, đưa góc vạt áo Cà-sa chỉ cho y. Người lái buôn làm lễ và dâng phẩm vật cúng dường.

***

Kỳ-bà giỏi phân biệt tiếng vang. Đến vùng mồ hoang, thấy năm cái đầu lâu. Phật bèn gõ vào một cái, hỏi Kỳ-bà:

- Cái này sanh ra từ đâu ?

- Sanh từ cõi người.

Thế Tôn lại gõ một cái khác, hỏi:

- Cái này sanh từ đâu ?

- Sanh từ Thiên đạo.

Thế Tôn lại gõ sang một cái khác hỏi:

- Cái này sanh từ đâu ?

Kỳ-bà không biết chỗ sanh ra.

***

Hắc Thị Phạm Chí vận thần lực, hai tay nhổ hai cây me và ngô đồng đầy hoa dâng Phật. Phật gọi:

- Tiên nhân !

Phạm Chí:

- Dạ !

Phật bảo:

- Buông xuống đi !

Phạm Chí bèn buông nhánh cây bên tay trái xuống. Phật lại gọi tiên nhân:

- Buông xuống đi !

Phạm Chí bèn buông cây tay phải xuống. Phật lại bảo tiên nhân:

- Buông xuống đi !

Phạm Chí nói:

- Bạch Thế Tôn ! Con nay hai tay đều không, vậy còn phải buông gì xuống ?

Phật bảo:

- Ta không bảo ông buông cành hoa mà nên buông bỏ đi sáu trần bên ngoài, sáu căn bên trong, khoảng giữa sáu thức. Buông bỏ cả một lúc đến chẳng còn gì để buông bỏ, như vậy ông sẽ thoát khỏi vòng luân lưu sanh tử.

Phạm Chí nghe vậy liền ngộ ngay Vô sanh pháp nhẫn.

***

Đại hội trên đỉnh Linh Sơn. Năm trăm vị Tỉ-kheo chứng đắc bốn thiền định, đầy đủ năm phép thần thông song chưa đắc pháp nhẫn; các Tỉ-kheo dùng phép túc mạng trí quán sát thì ai cũng tự thấy trong đời quá khứ mình đã giết cha, hại mẹ cùng nhiều tội nặng khác. Do đó, ai ai lòng cũng đâm ra hoài nghi, Vì vậy mà không chứng nhập vô thượng pháp.

Ngài Văn Thù khi ấy bèn nương vào thần lực của Phật, tai cầm thanh kiếm bén, tiến sát đến áp chế Như Lai. Thế Tôn bảo:

- Đừng ! Đừng ! Không được làm nghịch. Chớ nên hại ta! Ta bị hại là điều thiện bị hại. Văn Thù Sư Lợi ! Ông từ xưa đến nay không có Ta - Người, ấy mà nay trong lòng lại thấy có Ta - Người. Trong lòng khởi niệm, ta tất bị hại. Đấy gọi là hại đó.

Năm trăm Tỉ-kheo nghe vậy thì bản tâm tự ngộ. Như mộng ảo, trong mộng ảo thì không có Ta - Người, cả đến làm sống lại cha mẹ sinh ra mình. Do đó, năm trăm Tỉ-kheo cùng xưng tán:

Văn Thù Đại trí sĩ

Tay cầm thanh gươm báu

Đạt được tận đáy pháp

Ghìm ép thân Như Lai

Kề kiếm Phật cũng vậy

Một tức không có hai

Không tướng, không chỗ sanh

Có đâu điều giết hại ?

***

Thế Tôn thời nhân địa dùng tóc trải xuống bùn dâng hoa Phật Nhiên Đăng. Nhiên Đăng thấy chỗ trải tóc bèn quay lại những người theo sau, chỉ nơi ấy, nói:

- Chỗ này nên xây ngôi chùa Phật.

Trong chúng có ông trưởng giả Hiền Vu, tay cầm cây cọc đến cắm vào chỗ ấy, nói:

- Ngôi chùa đã xây xong.

Bấy giờ chư thiên rải hoa, ca ngợi:

- Ông này quả có đại trí.

***

Nhân bảy hiền nữ đi đến rừng Thi-đà. Một người chỉ vào xác chết, nói:

- Thây chết ở đây, còn người đi đâu rồi ?

Một nữ kêu lên:

- Sao thế ? Sao thế ?

Các bà chị quán xét và thảy đều khế ngộ, cảm kích Đế Thích rải hoa xưng tán, nói:

- Tôi nguyện chung thân cung cấp những gì các bà chị Thánh nữ cần đến.

Thánh nữ nói:

- Nhà tôi tứ sự, bảy báu đều đầy đủ, duy chỉ cần có ba thứ: một là một thân cây không rễ, hai là một mảnh đất chẳng âm dương, ba là một hang núi kêu lên tiếng vang không vọng lại.

Đế Thích nói:

- Mọi thứ cần thiết tôi đều có đủ, duy ba thứ ấy tôi thực không có.

Nữ nói:

- Nếu chẳng có những thức ấy thì lắm sao ngài giúp được người?

Đế Thích ngẩn ngơ, đoạn cùng đến bạch Phật.

Phật nói:

- Kiều-thi-ca ! Các đệ tử A-la-hán của ta đều không giải được nghĩa này, chỉ có các đại Bồ-tát mới hiểu được nghĩa ấy.

***

Đức Phật nhân Điệu Đạt hủy báng Phật phải sanh thân vào địa ngục, bảo A Nan hỏi ông ta:

- Ông ở địa ngục có an ổn không ?

Đáp:

- Tôi tuy ở địa ngục nhưng chẳng khác gì cái vui ở cõi trời tam Thiền.

Phật lại căn dặn A Nan, hỏi:

- Ông có muốn ra khỏi đấy không ?

Đáp:

- Tôi chờ Thế Tôn đến đây, mới ra.

A Nan nói:

- Phật là bậc đại sư ba cõi, há lại có thân phận vào địa ngục sao ?

Đáp:

- Phật đã không có phần vào địa ngục thì tôi há lại có phần ra khỏi đây sao ?

***

Văn Thù bỗng khởi tâm niệm Phật kiến, pháp kiến, tức thì bị uy lực Thế Tôn đưa đến ngọn núi Nhị Thiết-vi.

***

Phía Đông thành có một bà lão sống gần Phật song bà không muốn gặp Phật. Mỗi lần thấy Phật đến là né tránh đi. Dù vậy, khi bà quay mặt sang các hướng Đông, Tây gì đều trông thấy Phật. Bà bèn lấy tay che mặt song ở mười ngón tay cũng đều là Phật.

***

Ương Quật Ma La ôm bình bát đến trước cửa một trưởng giả. Nhà này chính đang có người phụ nữ gặp nạn sinh khó, mẹ con chưa biết ra sao.

Trưởng giả nói:

- Đệ tử của Cù Đàm, ông là bậc chí Thánh, ông có cứu được sản nạn không ?

Ương Quật đáp:

- Tôi vừa vào đạo, chưa biết được phép này. Hãy đợi tôi bạch Thế Tôn rồi sẽ đến báo lại cho ông.

Bèn trở về bạch Phật. Phật bảo:

- Ông mau đến báo, nói tôi từ theo pháp bậc hiền Thánh đến nay, chưa từng sát sanh.

Ương Quật vâng lời Phật vội vàng đến báo lại. Người đàn bà kia nghe xong tức thì sanh.

***

Thế Tôn có lần đang ngồi một mình dưới cội cây Ni-câu-luật. Nhân đó có hai người thương nhân hỏi:

- Thế Tôn có thấy xe đi qua không ?

Đáp:

- Không thấy.

Thương nhân hỏi:

- Có nghe không ?

Đáp:

- Không nghe.

Hỏi:

- Đó phải chăng đang Thiền định ?

Đáp:

- Không Thiền định.

Lại hỏi:

- Phải chăng đang ngủ ?

Phật đáp:

- Không ngủ say.

Thương nhân tán thán:

- Lành thay ! Lành thay ! Thế Tôn toàn giác chớ không trông thấy.

Bèn dâng Phật hai tấm lụa trắng.

***

Trên hội Linh Sơn, Đức Thế Tôn cầm cành hoa đưa lên thị chúng. Lúc ấy mọi người đều im lặng, duy có Tôn giả Ca Diếp là mỉm cười. Thế Tôn nói:

- Ta có Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, là pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo điển, nay trao cho Ma Ha Ca Diếp.

Thế Tôn đến trước tháp Đa Tử kêu Đại Ca Diếp chia chỗ ngồi rồi bảo ngồi xuống, lấy Y tăng-già-lê khoác lên người Ca Diếp đoạn nói:

- Ta đem Chánh pháp nhãn tạng giao cho ông. Ông nên hộ trì, truyền lại cho đời sau.

***

Thế Tôn sắp vào Niết-bàn. Bồ-tát Văn Thù thỉnh Phật thuyết pháp (chuyển pháp luân) lần nữa. Phật bảo:

- Văn Thù ! Ta 49 năm trụ thế, chưa từng nói một lời, nay ông lại thỉnh ta tái chuyển pháp luân, ắt cho là ta từng có chuyển pháp luân đấy ư ?

***

Tại hội Niết-bàn, Thế Tôn lấy tay xoa ngực, báo cùng mọi người:

- Các ông hãy quan sát kỹ thân thép ròng sắc vàng của ta, nhìn kỹ tay chân kẻo sau sẽ hối. Nếu nói ta diệt độ là không phải đệ tử ta. Nếu nói ta không diệt độ, cũng chẳng phải là đệ tử ta.

Lúc ấy, trăm ngàn thính chúng đều khế ngộ lời Thế Tôn.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 1)

 

 

CÁC TỔ SƯ Ở TÂY THIÊN

Tổ thứ nhất: TÔN GIẢ ĐẠI CA DIẾP

 

Tổ thứ nhất, Tôn giả Đại Ca Diếp, người nước Ma-kiệt-đà, họ Bà-la-môn, cha tên Ấm Trạch, mẹ tên Hương Chí. Trước kia ngài là thợ đúc vàng, hiểu thấu tính vàng, uốn nắn tuỳ ý.

Phó Pháp truyện ghi lại: Từng trong kiếp xa xưa, sau khi đức Phật Tì Bà Thi nhập Niết-bàn, tứ chúng xây tháp, mặt tượng Phật sắc vàng trong tháp lâu ngày bị sứt mẻ. Lúc ấy, có cô gái nhà nghèo đem vàng đến người thợ vàng, nhờ dát lại tượng Phật. Nhân đó, cả hai cùng phát nguyện:

Nguyện chúng ta hai người sẽ là vợ chồng không cưới hỏi.

Do nhân duyên đó nên qua 91 kiếp, thân sắc ngài đều một màu vàng. Sau đó sinh vào cõi Phạm thiên; hết tuổi thọ cõi trời, ngài thác sinh vào gia đình Bà-la-môn tại xứ Ma-kiệt-đà cõi Trung thiên tên Ca Diếp Ba - có nghĩa là Ẩm Quang Thắng Tôn (Ánh sáng của ngài che khuất các ánh sáng khác) bởi lấy sắc vàng làm hiệu vậy.

Ngài lập chí xuất gia, mong cầu cứu độ chư hữu tình.

Phật bảo:

- Tỉ-kheo khéo đến!

Lúc ấy, râu ngài tóc tự rụng, cà-sa khoác lên người, được xưng tán hạng nhất trong chúng.

Phật lại bảo:

- Ta đem pháp nhãn thanh tịnh trao lại cho ông. Hãy luôn truyền bá đừng để đoạn dứt.

Kinh Niết-bàn chép: Bấy giờ, khi Thế Tôn định vào Niết-bàn Ca Diếp không có mặt tại hội chúng. Phật bảo các đại đệ tử, đợi khi Ca Diếp đến mới tuyên dương Chánh pháp nhãn tạng.

Lúc ấy, Ca Diếp đang ở tại núi Kỳ-xà-quật, hang Tân-bát-la (Ngũ Đăng chép Tất-bát-la) thấy ánh sáng trưng bèn nhập định Tam muội, dùng Thiên nhãn thanh tịnh, quán thấy Thế Tôn đang bên bờ sông Hi Liên nhập Bát Niết-bàn. Ngài liền báo cùng môn đồ:

- Như Lai nhập Niết-bàn, sao mà mau quá vậy !

Bèn trở về bên khoảng hai cây Sa-la quyến luyến than khóc, Phật từ trong kim quan thò hai chân ra ngoài.

Ca Diếp nói cùng các Tỉ-kheo:

- Phật đã trà tì xong, phần xá-lợi kim cương không phải việc của chúng ta, việc chúng ta là kết tập Chánh pháp, không để đoạn diệt.

Bèn nói kệ rằng:

Đệ tử Như Lai

Đừng bát Niết-bàn

Ai đắc thần thông

Hãy dự kết tập.

Thế là kẻ đắc thần thông đều thảy đến kết tập tại hang Tân-bát-la, nơi núi Kỳ-xà-quật thành Vương Xá. Lúc bấy giờ, A Nan do lậu chưa dứt nên không được vào trong hội, phải đợi sau đó chứng quả A-la-hán mới được vào hội. Ca Diếp thưa với mọi người rằng:

- Tỉ-kheo A Nan đây, nghe rộng chính xác, có đại trí tuệ, thường theo Như Lai, Phạm hạnh thanh tịnh. Phật pháp mà ông nghe qua như nước đổ vào bình, không hề rơi sót, Phật từng khen là thông minh đệ nhất, nên mời kết tập tạng Tu-đa-la.

Đại chúng đều tán đồng. Ca Diếp bảo A Nan:

- Giờ, ông nên tuyên Chánh pháp.

A Nan nghe nói thọ nhận, quán sát tâm các chúng và đọc kệ:

Phiên âm:

Tỉ-kheo chư quyến thuộc

Ly Phật bất trang nghiêm

Do như hư không trung

Chúng tinh chi vô nguyệt.

Tạm dịch:

Tỉ-kheo các quyến thuộc

Lìa Phật, chẳng nghiêm trang

Như giữa trời hư không

Các sao không có trăng.

Nói kệ xong rồi, làm lễ đảnh túc chư tăng, lên pháp tòa mà nói lời này:

- Như vầy tôi nghe, một thuở nọ, Thế Tôn tại nơi kia thuyết kinh giáo ấy, cho đến trời, người đều lễ bái hoan hỷ tuân theo.

Bấy giờ, Ca Diếp bèn hỏi các Tỉ-kheo:

- Những điều A Nan nói, có phải chẳng sai trật không ?

Chúng đều đáp:

- Không khác với lời dạy của Thế Tôn.

Ca Diếp bảo cùng A Nan:

- Ta năm nay chẳng còn trụ lâu, nay đem Chánh pháp giao lại cho ông. Ông nên khéo gìn giữ lấy. Hãy nghe kệ của ta:

Phiên âm:

Pháp pháp bản lai pháp

Vô pháp vô phi pháp

Hà ư nhất pháp trung

Hữu pháp hữu hà pháp.

Tạm dịch:

Pháp pháp xưa nay pháp

Không pháp, không phi pháp

Cớ sao trong một pháp

Có pháp, có chẳng pháp.

Nói kệ xong, ngài bèn mang y Tăng-già-lê vào núi Kê Túc chờ đợi Phật Di Lặc xuất thế. Lúc ấy nhằm thời Chu Hiếu vương thứ 5, năm Bính Thìn.

PHẦN PHỤ LỤC

Tôn giả nhân có người ngoại đạo đến hỏi:

- Thế nào là cái ngã của tôi ?

Tôn giả đáp:

- Kẻ tìm cái ngã là cái ngã của ông đấy.

Ngoại đạo nói:

- Đấy là cái ngã của tôi, còn cái ngã của thầy ở đâu ?

Tôn giả đáp:

- Ông hỏi, ta tìm.

Lần nọ, Tôn giả dậm nền đất (đạp nê thứ). Một chú Sa-di nhìn thấy hỏi:

- Sao thầy tự làm vậy ?

Tôn giả nói:

- Nếu ta không làm thì ai làm việc đó cho ta.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 1)

 

 

Tổ thứ hai: TÔN GIẢ A NAN

 

Tổ thứ hai, Tôn giả A Nan, là người thành Vương-xá, thuộc dòng Sát-đế-lợi. Cha là vua Hộc Phạn chính là em họ với Đức Phật. Tiếng Phạn A Nan Đà có nghĩa là khánh hỷ, hoặc hoan hỷ vì ngài sinh vào đêm Như Lai thành đạo nên có tên như vậy.

A Nan là bậc đa văn bác đạt, trí lực thông suốt. Thế Tôn cho là Người nhớ giỏi bậc nhất nên thường khen ngợi. Lại thêm nhiều đời trước tích tập lắm công đức, thọ trì Pháp tạng như nước rót vào bình, do đó, được Phật nhận làm thị giả.

PHẦN PHỤ LỤC

Ngày nọ, A Nan bạch Phật:

- Hôm nay con vào thành, thấy một chuyện lạ.

Phật hỏi:

- Thấy chuyện gì lạ ?

Tôn giả đáp:

- Khi vào thành con thấy một đám ca hát nhảy múa, lúc ra thành thì thấy hết thảy đều đã chết.

Phật nói:

- Ta hôm qua vào thành cũng gặp một chuyện lạ lùng.

Tôn giả nói:

- Xin hỏi Thế Tôn thấy gì lạ ?

Phật bảo:

- Lúc ta vào thành thấy một đám ca hát nhảy múa, lúc ra khỏi thành vẫn thấy đám ca hát nhảy múa đó.

(Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 1)

A Nan ngày nọ hỏi Ca Diếp:

- Sư huynh ! Thế Tôn ngoài việc truyền chiếc y vàng cho huynh, còn truyền gì khác nữa ?

Ca Diếp gọi A Nan, Tôn giả ứng:

- Dạ !

Ca Diếp nói:

- Hãy hạ cột treo phía trước cửa chùa đi !

                           (Theo Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 1)

***

Về sau, vua A-xà-thế bạch:

- Này bậc nhân giả! Như Lai, Ca Diếp, hai thầy Niết-bàn rồi tôi vì bận nhiều việc nên không nhìn thấy, vậy khi nào Tôn giả Niết-bàn xin thương tình đến cáo biệt.

A Nan đồng ý.

Sau đó, ngài tự nghĩ: “Thân ta mong manh dễ hoại, tựa như bọt tụ, lại thêm đã già yếu, há có thể dài lâu, mà ta thì đã hẹn với vua A-xà-thế”.

Ngài bèn đi đến thành vua báo:

- Ta muốn vào Niết-bàn, nay đến từ biệt vua vậy.

Người gác cổng nói:

- Vua đã ngủ, không thể báo được.

Ngài nói:

- Đợi vua thức dậy nên báo lại giùm ta.

Lúc ấy, vua A-xà-thế đang trong mộng thấy chiếc lọng trang sức bảy báu với ngàn vạn ức người đến vây quanh chiêm ngưỡng; bỗng chốc mưa bão ập tới, xô gãy cán lọng, vàng ngọc chuỗi châu báu rơi vãi xuống đất, lòng hết sức kinh dị.

Khi tỉnh dậy, lính báo lại sự việc, vua nghe gào khóc thất thanh, cảm thương cả đất trời, bèn đến thành Tì-xá-li, thấy Tôn giả đang ở giữa dòng sông Hằng, xếp bằng an tọa. Vua bèn lễ bái và đọc kệ rằng:

Phiên âm:

Khể thủ tam giới tôn

Khí ngã nhi chí thử

Tạm bằng bi nguyện lực

Thả mạc Bát Niết-bàn.

Tạm dịch:

Cúi lạy Tôn ba cõi

Bỏ con mà đến đây

Nương nguyện từ bi lực

Đừng vội Bát Niết-bàn.

Lúc ấy, vua Tì-xá-li cũng đang ở bờ sông bên kia nói kệ:

Phiên âm:

Tôn giả nhất hà tốc

Nhi quy tịch diệt trường

Nguyện trụ tu du gian

Nhi thọ ư cúng dường.

Tạm dịch:

Tôn giả sao quá nhanh

Trở về tịch diệt trường

Nguyện xin dừng giây lát

Thọ nhận con cúng dường.

Tôn giả A Nan thấy hai vua đều thành tâm thỉnh nguyện, bèn đọc kệ:

Phiên âm:

Nhị vương thiện nghiêm trụ

Vật vi khổ bi luyến

Niết-bàn đương ngã tịnh

Nhi vô chư hữu cố.

Tạm dịch:

Hai vua hãy ở lại

Đừng buồn khổ luyến lưu

Ta an tịnh Niết-bàn

Chẳng có chi các hữu.

Tôn giả lại nghĩ: “Nếu ta thiên về một nước, các nước khác sẽ tranh nhau, không ở nơi nào mới là bình đẳng độ khắp chúng hữu tình”. Ngài bèn ở chỗ giữa sông Hằng mà tịch diệt. Lúc bấy giờ, khắp cả núi non đất đai, sáu điệu chấn động. Có 500 tiên nhân trên Tuyết Sơn thấy điềm lành ứng hiện bay trên không mà tới, làm lễ đảnh túc Tôn giả xong, quỳ dài (kiểu người Hồi) xuống nói:

Nay nơi trưởng lão

Nên chứng pháp lôi

Nguyện rũ đại từ

Độ thoát chúng tôi.

Tôn giả đương nhiên nhận lời thỉnh nguyện. Ngài biến sông Hằng hà thành đất vàng, thuyết đại pháp cho các chúng tiên. Tôn giả lại nghĩ: “Chúng đệ tử nào đáng được độ trước nên đến đây tập họp”. Trong phút chốc năm trăm La-hán từ trên không đáp xuống, làm lễ thọ giới cụ túc xuất gia cho chư tiên nhân. Trong số tiên nhân có hai La-hán là Thương Na Hòa Tu và Mạt Điền Để Ca mà Tôn giả biết là bậc pháp khí, bèn bảo họ rằng:

- Xưa, Như Lai đem đại pháp nhãn trao phó Đại Ca Diếp. Ca Diếp nhập định trao lại cho ta, ta nay sắp diệt nên giao lại cho ông. Ông nhận pháp của ta, nên nghe ta đọc kệ:

Phiên âm:

Bản lai phó hữu pháp

Phó liễu ngôn vô pháp

Các các tu tự ngộ

Ngộ liễu vô vô pháp.

Tạm dịch:

Xưa nay trao pháp không

Truyền xong, nói pháp không

Tất thảy nên tự ngộ

Ngộ xong pháp nào không.

Tôn giả truyền Pháp nhãn xong liền bay bổng lên hư không, tự hiện 18 biến, thể hiện uy lực dũng mãnh Tam-muội, phân thân làm bốn phần: một phần phụng cõi trời Đao-lợi, một phần phụng Ta-kiệt-la Long cung, một phần phụng vua Tì-xá-li, một phần cho vua A-xà-thế. Các nơi này đều lập tháp báu cúng dường. Khi ấy nhằm thời Lệ vương, năm thứ 12, Quí Tỵ.

 

 

Tổ thứ ba: TÔN GIẢ THƯƠNG NA HÒA TU

 

Tổ thứ ba, Thương Na Hòa Tu, người nước Ma-đột-la. Ngài còn có tên Xá-na-bà-tư. Họ Tì-xá-đa, cha tên Hương Thắng mẹ tên Kiều-xa-da; mang thai Tôn giả sáu năm mới sinh. Tiếng Phạn, Thương Nặc Ca có nghĩa “Tự nhiên y phục” là tên loại cỏ đẹp Cửu chi ở Tây Vức. Khi có Thánh nhân giáng sinh loại cỏ này mọc ở vùng đất tịnh khiết. Lúc Hòa Tu sinh ra, điềm cỏ lành ứng hiện.

Xưa, khi Như Lai hành hóa đến nước Ma-đột-la, thấy rừng xanh rờn cành lá chằng chịt, ngài bảo A Nan:

- Rừng này tên Ưu-lưu-tòa, sau khi ta diệt độ 100 năm, có tỉ-kheo Thương Na Hòa Tu sẽ chuyển Pháp luân nơi đây.

Sau 100 năm, Hòa Tu quả được sanh ra và xuất gia chứng đạo thọ nhận Pháp nhãn của ngài A Nan (Tôn giả Khánh Hỷ) giáo hóa các chúng hữu tình. Khi dừng tại rừng này, ngài đã hàng phục hai con rồng lửa quy thuận Phật giáo. Rồng nhân đó hiến cho đất này kiến lập ngôi đền Phật.

Tôn giả hóa đạo đã lâu, nghĩ phải truyền lại Chánh pháp. Sau đó, tại nước Sất-lợi thu nhận Ngài Ưu Ba Cúc Đa làm thị giả.

Ngài hỏi Cúc Đa:

- Ông bao nhiêu tuổi ?

Đáp:

- Con 17 tuổi.

- Thân ông 17 hay tánh 17 ?

Đáp:

- Tóc thầy đã bạc, vậy tóc bạc hay tâm bạc ?

Tôn giả nói:

- Ta tuy tóc bạc chứ tâm không bạc.

Cúc Đa đáp:

- Thân con 17 tuổi chứ tánh không phải 17.

Tôn giả biết là bậc pháp khí. Ba năm sau, Cúc Đa xuống tóc thọ cụ túc giới. Tôn giả nói:

- Xưa, Đức Như Lai đem Pháp nhãn vô thượng truyền lại Ca Diếp trao truyền nhau lần hồi cho đến ta. Nay ta trao lại cho ông, đừng để dứt đoạn. Ông thọ giáo pháp ta, vậy hãy nghe kệ ta đây:

Phiên âm:

Phi pháp diệc phi tâm

Vô tâm diệc vô pháp

Thuyết thị tâm pháp thời

Thị pháp phi tâm pháp.

Tạm dịch:

Chẳng pháp cũng chẳng tâm

Không tâm cũng không pháp

Khi nói tâm pháp ấy

Pháp ấy chẳng tâm pháp.

Nói kệ xong, ngài đến ở ẩn trong núi Tượng Bạch phía Nam nước Kế Tân.

Sau đó, trong định Tam-muội, ngài thấy học trò Cúc Đa có 500 chúng đồ đệ thường đâm ra biếng nhác, khinh mạn. Tôn giả bèn đi đến nơi, dùng uy lực dũng mãnh Tam-muội điều phục bọn họ, rồi nói kệ:

Phiên âm:

Thông đạt phi bỉ thử

Chí Thánh vô trường đoản

Nhữ trừ khinh mạn ý

Tất đắc A-la-hán.

Tạm dịch:

Suốt thông không đây đó

Chí thánh chẳng dở hay

Ông bỏ lòng khinh mạn

A-la-hán chứng ngay.

Năm trăm Tỉ-kheo nghe kệ vâng lời thực hành, thảy đều dứt được các lậu, Tôn giả bèn hóa lửa Tam-muội 18 biến tự trà tỳ lấy thân. Cúc Đa thu nhận xá-lợi táng tại núi Phạn-ca-la. Năm trăm Tỉ-kheo cầm cờ phướn nghinh đón đến đạo tràng của mình xây tháp cúng dường.

Lúc ấy nhằm thời vua Tuyên Vương, năm thứ 22, Ất Mùi.

 

 

Tổ thứ tư: TÔN GIẢ ƯU BA CÚC ĐA

 

Tổ thứ tư, Ưu Ba Cúc Đa, người nước Sất-lợi, ngài còn tên khác là Ưu-ba-quật-đa hay Ổ-ba-cúc-đa, thuộc dòng họ Thủ-đà, cha là Thiện Ý. Tổ xuất gia năm 17 tuổi đến năm 20 tuổi chứng đạo. Sau khi chứng đạo, Cúc Đa đi các phương truyền bá đạo pháp. Đến nước Ma-đột-la, người được ngài độ rất đông, do đó mà cung ma chấn động, chúa ma Ba Tuần rầu rĩ lo sợ, bèn đem hết ma lực làm hại Chánh pháp.

Tôn giả tức thì nhập định Tam-muội, quán sát nguyên cớ. Ba Tuần nhân đấy lén mang xâu chuỗi Anh Lạc quàng vào cổ Tôn giả. Khi Tôn giả ra khỏi định, Ngài đem ba xác chết người, chó, rắn hóa thành vòng hoa xinh đẹp, ủy dụ Ba Tuần:

- Ngươi cho ta xâu Anh Lạc thật là trân quý, kỳ diệu. Ta có vòng hoa đẹp đây tặng bù lại cho ngươi.

Ba Tuần mừng lắm, đưa cổ nhận tròng vòng. Vòng hoa tức thì biến ra ba loại thây hôi thối, giòi bọ lúc nhúc. Ba Tuần kinh tởm quá sinh ra buồn lo, y dùng hết thần lực cũng không tháo ra được, bèn bay lên cõi trời Lục Dục báo các Thiên chúa nơi này, lại đến nhờ Phạn vương giải thoát dùm.

Các thiên đều nói:

- Học trò Như Lai dùng thần lực biến hiện, bọn ta phàm lậu làm sao giải được ?

Ba Tuần hỏi:

- Vậy phải làm sao ?

Phạn vương bảo:

- Ngươi nên quy phục Tôn giả sẽ được giải thoát.

Và ngài bèn nói kệ khuyên hắn hồi hướng rằng:

Phiên âm:

Nhược nhân địa đảo

Hoàn nhân địa khởi

Ly địa cầu khởi

Chung vô kỳ lý.

Tạm dịch:

Nếu người ngã từ đất

Phải từ đất đứng lên

Muốn đứng không cần đất

Lý ấy tất không nên.

Ba Tuần nghe lời giáo hóa, liền rời cung trời đến làm lễ đảnh túc Tôn giả, thành tâm sám hối. Tôn giả nói:

- Ngươi từ nay trở đi, đối với Chánh pháp của Như Lai, chịu không còn nhiễu hại nữa chứ ?

Ba Tuần nói:

- Con nguyện hồi hướng theo Phật, vĩnh viễn đoạn trừ bất thiện.

Tôn giả bảo:

- Nếu thế, chính miệng người phải tự nói: “Quy y tam Bảo”.

Ma vương chấp tay xướng lên ba lần như vậy, vòng hoa biến mất. Ba Tuần hết sức hoan hỷ, hồ hởi làm lễ tạ Tôn giả và đọc kệ:

Phiên âm:

Khể thủ tam-muội tôn

Thập lực Thánh đệ tử

Ngã kim nguyện hồi hướng

Vật linh hữu liệt nhược.

Tạm dịch:

Đảnh lễ đấng Tam-muội

Thánh đệ tử thập lực

Con nay nguyện hồi hướng

Dũng mãnh thật hết mực.

Tôn giả truyền bá đạo pháp trong đời, rất nhiều người chứng đạo. Mỗi lần độ được một người là ngài đặt một thẻ tre vào thạch thất. Ngôi thất dài 18 thước, rộng 12 thước, chất đầy cả thẻ.

Sau hết có người con ông trưởng giả tên Hương Chúng đến làm lễ Tôn giả, xin được xuất gia, Tôn giả hỏi:

- Ông xuất gia cái thân hay xuất gia cái tâm ?

Người đó đáp:

- Con đến đây xuất gia chẳng vì thân tâm.

Tôn giả hỏi:

- Chẳng vì thân tâm thì vì ai mà xuất gia ?

- Phàm, kẻ xuất gia không có cái ngã của mình, không có bản ngã riêng mình, tức tâm chẳng sanh diệt; tâm không sanh diệt tức là đạo thường. Tâm chư Phật cũng chẳng hình tướng, cái thể cũng vậy.

Tôn giả nói:

- Ông đã đại ngộ, tâm tự thông đạt, nên quy y Phật pháp tăng làm rạng rỡ hạt giống Thánh.

Cúc Đa làm lễ xuống tóc cho rồi trao đủ các giới, nhưng dặn dò:

- Thân phụ ông nhân nằm mộng thấy mặt trời vàng mà sanh ra ông, vậy đặt tên là Đề Đa Ca.

Ngài lại bảo:

- Như Lai đem nhãn tạng đại Pháp lần lượt truyền trao mới đến ta, nay ta lại truyền cho ông. Hãy nghe kệ ta đây:

Phiên âm:

Tâm tự bản lai tâm     

Bản tâm phi hữu pháp

Hữu pháp hữu bản tâm       

Phi tâm phi bản pháp.

Tạm dịch:

Tâm từ tâm xưa kia

Ta đó không có pháp

Có pháp, có bản tâm

Không tâm, không bản pháp.

Truyền pháp xong, Tôn giả vọt thân trên không, hiện 18 biến rồi hạ trở lại chỗ ngồi cũ, ngồi kiết già mà tịch. Đề Đa Ca đem thẻ tre trong thất ra dùng trà tì xác thầy, đoạn thu nhặt xá-lợi, lập tháp cúng dường.

Lúc ấy, nhằm vào thời vua Bình Vương, năm thứ 30, Canh Tý.

 

 

Tổ thứ năm: Tôn Giả Đề Đa Ca

 

Tổ thứ năm, Tôn giả Đề Đa Ca, người nước Ma-già-đà. Hồi lúc mới sanh, thân phụ nằm mộng thấy ánh mặt trời vàng trong nhà ra, sáng chiếu khắp đất trời, phía trước hiện ra núi lớn, trang hoàng rực rỡ châu báu; trên núi có dòng suối phụt ra chảy tràn bốn phía. Sau đó Đề Đa Ca gặp Tôn giả Cúc Đa, ngài giải thích giùm điềm mộng.

- Núi báu ấy là thân ta. Ngọn suối là pháp vô tận. Mặt trời xuất hiện trong nhà là tướng của ông hôm nay vào đạo. Ánh sáng soi khắp trời đất là trí tuệ siêu việt của ông đấy.

Tôn giả nguyên tên Hương Chúng. Sư nhân đổi cho tên hiện nay. Tiếng Phạn Đề Đa Ca có nghĩa Thông Chân Lượng.

Tôn giả nghe thầy nói rất hoan hỉ hồ hởi, bèn đọc lên lời kệ:

Phiên âm:

Nguy nguy thất bảo sơn      

Thường xuất trí huệ tuyền  

Hồi vi chân pháp vị    

Năng độ chư hữu duyên.     

Tạm dịch:

Vời vợi núi bảy báu

Thường sanh suối trí huệ

Trở thành vị chân pháp

Độ được người có duyên.

Tôn giả Cúc Đa cũng đọc kệ:

Phiên âm:

Ngã pháp truyền ư nhữ       

Đương hiện đại trí hué        

Kim nhật tòng thất xuất      

Chiếu diệu ư thiên địa.        

Tạm dịch:

Pháp ta truyền cho ông

Hiện bày trí tuệ nhất

Mặt trời mọc trong nhà

Soi sáng khắp trời đất.

Đề Đa Ca nghe thầy đọc kệ tuyệt diệu thì làm lễ mà phụng trì. Sau đó, ngài đến vùng Trung Ấn Độ. Nước này có 8.000 đại tiên, Di Giá Ca đứng đầu. Nghe Tôn giả đến, Di Giá Ca liền dẫn chúng đến chiêm bái, nói với Tôn giả rằng:

- Xưa kia, tôi cùng thầy sinh trên cõi Phạm Thiên. Tôi gặp tiên A-tư-đà truyền dạy phép tiên, còn thầy gặp đệ tử Như Lai, tu tập phép Thiền. Từ đó phân cách nhau đã trải qua sáu kiếp.

Tôn giả nói:

- Chia tay nhiều kiếp, may thay chưa hư hoại. Nay ông nên bỏ tà quy chánh mà nhập vào Phật đạo.

Di Giá Ca nói:

- Xưa Tiên A-tư-đà có dự ghi tôi: “Ông 6 kiếp sau sẽ gặp bạn đồng học, chứng quả vô lậu”. Nay gặp nhau đây há không phải là duyên kiếp trước đó sao ? Kính xin thầy từ bi, dạy cho tôi được giải thoát.

Ngài bèn độ cho tiên xuất gia, khiến các Thánh trao thọ đủ các giới. Các chúng tiên còn lại đều nảy sinh lòng ngã mạn. Tôn giả thị hiện đại thần thông, khiến các chúng liền phát tâm Bồ-đề xin xuất gia một lượt.

Tôn giả nói cùng Di Giá Ca:

- Xưa Như Lai đem Đại pháp nhãn tạng truyền Ca Diếp, nối nhau truyền trao mới đến ta. Ta nay trao lại cho ông, vậy hãy hộ niệm lấy.

Và ngài đọc kệ:

Phiên âm:

Thông đạt bản pháp tâm

Vô pháp vô phi pháp  

Ngộ liễu đồng vị ngộ 

Vô tâm diệc vô pháp. 

Tạm dịch:

Thấu suốt nguồn tâm pháp

Không pháp, chẳng không pháp

Đã ngộ như chưa ngộ

Không tâm cũng không pháp.

Nói kệ xong, Tôn giả vọt thân trên hư không hiện 18 biến mà hóa hỏa quang Tam-muội, tự trà tì thân. Di Giá Ca cùng 8.000 Tỉ-kheo thu lấy xá-lợi, đến núi Ban-trà lập tháp cúng dường.

Lúc ấy nhằm vào đời vua Trung Vương, năm thứ 5, Kỷ Sửu.

 

 

Tổ thứ sáu: TÔN GIẢ DI GIÁ CA

 

Tổ thứ sáu, Tôn giả Di Giá Ca, người Trung Ấn Độ. Khi được truyền pháp rồi, Ngài đi du hóa đến phía Bắc xứ Thiên Trúc, thấy trên tường thành có mây lành sắc vàng. Ngài vui mừng thốt lên:

- Đây là vượng khí của đạo nhân, tất có bậc Đại sĩ nối tiếp pháp ta.

Ngài bèn vào thành. Đến cửa chợ, có một người tay ôm bình rượu đón ngài hỏi:

- Thầy từ đâu tới ? Muốn đi tới đâu ?

Tổ nói:

- Ta từ tự tâm mà đến, muốn đến nơi không xứ sở.

Hỏi:

- Biết vật trong tay tôi không ?

Tổ nói:

- Đấy là vật nếu đụng đến thì làm mất đi sự thanh tịnh.

Người đó lại hỏi:

- Thầy biết tôi không ?

Tổ nói:

- “Tôi” tức là chẳng biết, biết là chẳng phải “Tôi”.

Ngài lại bảo người đó:

- Hãy tự xưng tên họ sau đó ta sẽ chỉ ra căn nguyên trước kia của ông.

Người đó liền đọc kệ, đáp:

Phiên âm:

Ngã tòng vô lượng kiếp      

Chí vu sanh thử quốc 

Bản tính Phả-la-đọa   

Danh tự Bà Tu Mật.   

Tạm dịch:

Ta từ vô lượng kiếp

Sanh ra nước này thật

Vốn dòng Phả-la-đọa

Tên là Bà Tu Mật.

Tổ nói:

- Thầy ta Đề Đa Ca có nói: Xưa Thế Tôn đi đến Bắc Ấn Độ đã nói với ngài A Nan: “Tại nước này, 300 năm sau khi ta nhập diệt, có một Thánh nhân họ Phả-la-đọa, tên Bà Tu Mật sẽ làm Tổ Thiền đời thứ bảy”. Thế Tôn đã thọ ký cho ông, ông nên xuất gia.

Người ấy bèn quăng bình rượu, làm lễ Tôn giả, đoạn đứng sang bên, thưa:

- Con nhớ kiếp xưa, từng là đàn-na cúng dường, hiến một bảo tòa Như Lai. Đức Phật đó thọ ký cho con: Trong pháp Thích Ca ở Hiền kiếp ông sẽ truyền bá rốt ráo Phật pháp. Nay phù hợp lời thầy chỉ dạy, nguyện xin thầy độ thoát cho.

Tổ làm lễ cạo tóc cho, lại ban đầy đủ giới tướng, đoạn nói:

- Chánh pháp nhãn tạng nay truyền cho ông, chớ để đoạn dứt.

Và ngài đọc kệ:

Phiên âm:

Vô tâm vô khả đắc

Thuyết đắc bất danh pháp   

Nhược liễu tâm phi tâm      

Thỉ giải tâm tâm pháp.

Tạm dịch:

Không tâm, không thể được

Nói được, chẳng phải pháp

Nếu biết tâm chẳng tâm

Mới liễu tâm tâm pháp.

Tổ nói kệ xong bèn nhập định Tam-muội, uy mãnh vọt thân trên không cao bằng bảy cây Đa-la, đoạn hạ xuống ngồi trên tòa cũ hóa lửa tự thiêu. Bà Tu Mật thu lấy linh cốt, đựng trong bảy tráp, xây tháp thờ và đặt trên đỉnh tháp. Lúc ấy nhằm vào thời vua Tương Vương, năm thứ 15, Giáp Thân.

 

 

Tổ thứ bảy: TÔN GIẢ BÀ TU MẬT

 

Tổ thứ bảy, Tôn giả Bà Tu Mật, người phương Bắc xứ Thiên Trúc, họ Phả-la-đọa. Thường mặc y phục sạch sẽ, ôm bình rượu đi đó đây trong làng xóm, lúc ngâm nga, khi hút gió, người trông thấy cho là điên. Đến khi gặp Tôn giả Di Giá Ca, nhắc chuyện Như Lai thọ ký khi xưa nên tự tỉnh ngộ nhân duyên trước kia, bèn bỏ bình rượu xuất gia, thọ pháp và truyền bá. Đến nước Ca-ma-la rộng tuyên dương Chánh pháp.

Ngày nọ, trước pháp tòa chợt có một trí giả tự xưng:

- Tôi tên Phật Đà Nan Đề, nay xin cùng sư luận nghĩa.

Tổ bảo:

- Hễ nhân giả luận là không phải nghĩa, nghĩa là không luận. Nếu suy nghĩ định luận nghĩa thì rốt cùng không phải nghĩa luận.

Nan Đề biết Sư nghĩa lý thâm diệu hơn mình sinh tâm khâm phục, nói:

- Con nguyện cầu đạo, để nếm được vị cam lộ.

Tổ bèn thế độ cho, làm lễ thọ giới cụ túc lại nói với Nan Đề:

- Chánh pháp nhãn tạng của Như Lai, nay trao cho ông, ông nên hộ trì.

Và đọc kệ:

Phiên âm:

Tâm đồng hư không giới    

Thị đẳng hư không pháp     

Chứng đắc hư không thời   

Vô thị vô phi pháp.    

Tạm dịch:

Tâm đồng hư không giới

Cả hai hư không pháp

Khi chứng được hư không

Không pháp, không phi pháp.

Đọc kệ xong, Tôn giả bèn nhập ngay Tam-muội từ tâm. Lúc ấy, vua Trời Đế Thích cùng các chúng thiên đều đến làm lễ và đọc kệ:

Phiên âm:

Hiền kiếp chúng Thánh Tổ

Nhi đương đệ thất vị  

Tôn giả ai niệm ngã   

Thỉnh vị tuyên Phật địa.      

Tạm dịch:

Các Thánh Tổ Hiền kiếp

Ngài là vị đệ thất

Tôn giả thương chúng con

Thỉnh tuyên dương đạo Phật.

Tôn giả từ trong định trở dậy, báo cùng các chúng: 

Phiên âm:

Ngã sở đắc pháp

Nhi phi hữu cố

Nhược thức Phật địa

Ly hữu vô cố

Tạm dịch:

Pháp ta chứng đắc

Là chẳng có không

Muốn biết ý Phật 

Phải bỏ có không.

Nói xong lại nhập định Tam-muội, thị hiện tướng Niết-bàn. Nan Đề bèn lập tháp thất bảo ngay nơi tòa đó an táng trọn thân Tôn giả. Lúc ấy nhằm thời Định Vương, năm thứ 17, Tân Mùi.

 

 

Tổ thứ tám: TÔN GIẢ PHẬT ĐÀ NAN ĐỀ

 

Tổ thứ tám, Tôn giả Phật Đà Nan Đề, người nước Ca-ma-la, họ Cù Đàm. Trên đầu Ngài nổi lên lọn thịt, có tài biện luận trơn bén. Khi gặp Tôn giả Bà Tu Mật thì làm lễ thọ giới xuất gia. Sau khi nhận pháp, ngài bèn dẫn đồ chúng lên đường hoằng pháp. Đến nước Đề-gia, nhà Tì-xá-la, thấy trên mái nhà có luồng ánh sáng trắng xông lên. Ngài nói cùng môn đồ:

- Nhà này có Thánh nhân, miệng chẳng nói năng, đúng là căn khí Đại thừa, chẳng đi đó đây mà cảm biết điều uế trược.

Nói xong, có ông trưởng giả đi ra thi lễ, hỏi:

- Thầy cần gì ?

Tổ nói:

- Tôi cần thị giả.

Trưởng giả đáp:

- Tôi có người con tên Phục Đà Mật Đa, tuổi đã 50, miệng chưa từng nói, chân chẳng bước đi.

Tổ nói:

- Như lời ông nói thì đúng là học trò của tôi.

Phục Đà nghe nói liền nhổm dậy làm lễ và nói kệ:

Phiên âm:

Phụ mẫu phi ngã thân

Thuỳ thị tối thân giả   

Chư Phật phi ngã đạo

Thùy vi tối đạo ngã.   

Tạm dịch:

Cha mẹ chẳng thân thích

Ai kẻ tối thiết thân ?

Chư Phật chẳng đạo ta

Ai người đạo quí trân ?

Tổ đọc kệ đáp:

Phiên âm:

Nhữ ngôn dữ tâm thân

Phụ mẫu phi khả tỉ

Nhữ hành dữ đạo hợp

Chư Phật tâm tức thị.

Ngoại cầu hữu tướng Phật

Dữ nhữ bất tương tự

Dục thức nhĩ bản tâm

Phi hợp diệc phi ly.

Tạm dịch:

Lời ông cùng thân tâm

Mẹ cha không thể sánh

Hạnh ông cùng đạo hợp

Chư Phật tâm chính đó.

Vọng cầu Phật có tướng

Cùng ông chẳng giống nhau

Muốn biết bản tâm ông

Chẳng hợp, chẳng xa lìa.

Phục Đà nghe kệ xong, bèn đi bảy bước. Tổ nói:

Kẻ này xưa kia từng gặp Phật, bi nguyện rộng lớn, lo tình yêu cha mẹ khó lìa nên chẳng nói năng, chẳng đi đứng.

Trưởng giả nghe vậy bèn cho rời xa để xuất gia. Về sau Tổ làm lễ thọ giới cho, nói:

- Ta nay đem Chánh pháp nhãn tạng của Như Lai truyền lại cho ông, chớ nên để đoạn dứt.

Và ngài đọc kệ:

Phiên âm:

Hư không vô nội ngoại

Tâm pháp diệc như thử

Nhược liễu hư không cố

Thị đạt chân như ý.

Tạm dịch:

Hư không chẳng trong ngoài

Tâm pháp cũng như thế

Nếu hiểu rõ hư không

Là đạt lý chân như.

Phục Đà nhận sự phó chúc của thầy, đọc kệ tán dương rằng:

Phiên âm:

Ngã sư Thiền Tổ trung

Đương đắc vi đệ bát

Pháp hóa chúng vô lượng

Tất hoạch A-la-hán.

Tạm dịch:

Thầy ta trong Thiền Tổ

Đáng là vị thứ tám

Hóa độ vô số chúng

Đều được A-la-hán.

Sau đó, Phật Đà Nan Đề thị hiện thần biến, đoạn ngồi trở lại trên bản tòa, an nhiên tịch diệt. Các chúng bèn kiến lập bảo tháp táng toàn thân Tôn giả.

Lúc ấy, nhằm thời vua Cảnh Vương, năm thứ 10, Bính Dần.

 

 

Tổ thứ chín: TÔN GIẢ PHỤC ĐÀ MẬT ĐA

 

Tổ thứ chín, Tôn giả Phục Đà Mật Đa, người nước Đề-ca, họ Tì-xá-la. Sau khi được tổ thứ tám truyền pháp, ngài đến Trung Ấn Độ truyền giáo.

Bấy giờ, có ông Trưởng giả tên Hương Cái, dẫn đứa con tới làm lễ Tổ:

- Đứa con này nằm trong bào thai 60 năm nên có tên là Nan Sinh (sinh khó). Từng có một vị tiên bảo đứa bé phi phàm, sẽ làm pháp khí sau này. Nay gặp Tôn giả xin được xuất gia theo Thầy.

Tổ cho cạo tóc làm lễ thọ giới xuất gia. Lúc làm lễ thọ giới có ánh sáng báu hiện ra khắp phòng như có năm, bảy hạt xá-lợi tại chỗ vậy. Từ đó, ngài luôn tinh tấn, quên cả mỏi mệt. Sau, Tổ dặn dò, phó chúc:

- Đại pháp nhãn tạng Như Lai, nay truyền lại cho ông, ông nên hộ niệm.

Và Tổ đọc kệ:

Phiên âm:

Chân lý bản vô danh  

Nhân danh hiển chân lý      

Thọ đắc chân thực pháp      

Phi chân diệc phi ngụy.       

Tạm dịch:

Chân lý vốn không tên

Gọi tên hiển chân lý

Pháp chân thực nhận được

Không chân cũng không ngụy.

Truyền pháp xong, Tổ bèn nhập diệt tận Tam-muội Bát Niết-bàn. Các đồ chúng dùng dầu hương, gỗ quí trà tì, thu lấy xá-lợi lập tháp cúng dường tại chùa Na Lan Đà.

Lúc ấy nhằm thời Kính Vương, năm thứ 33, Giáp Dần.

 

 

Tổ thứ mười: TÔN GIẢ HÔNG (HIẾP TÔN GIẢ)

 

Tổ thứ mười, Tôn giả Hông, người Trung Ấn Độ. Ngài vốn tên Nan Sinh. Lúc sắp sinh, người cha mộng thấy con voi trắng, trên lưng mang tòa báu, trên tòa có viên minh châu, từ ngoài cổng đi vào, ánh sáng chiếu khắp mọi người, khi tỉnh lại thì ngài được sanh ra.

Sau khi gặp Tổ thứ chín, ngài theo hầu cận bên thầy rất chu đáo, chưa từng nằm ngủ. Do hông không chạm xuống chiếu nên ngài có tên hiệu Hiếp Tôn giả (Tôn giả Hông) là vậy.

Lúc nọ, Tôn giả đến nước Hoa Thị, ngồi nghỉ dưới gốc cây, tay phải chỉ xuống đất nói cùng môn đồ:

- Nếu chỗ đất đây biến thành vàng, tất sẽ có Thánh nhân vào hội ta.

Vừa nói xong thì đất biến thành vàng. Có người con ông nhà giàu tên Phú Na Dạ Xa đến đứng chấp tay trước ngài. Tổ hỏi:

- Ông từ đâu tới ?

Đáp:

- Tâm con chẳng đến.

Tổ hỏi:

- Dừng lại ở đâu ?

Đáp:

- Tâm con chẳng có dừng.

Tổ nói:

- Ông chẳng định ư ?

Đáp:

- Chư Phật cũng vậy.

Tổ nói:

- Ông đâu phải chư Phật ?

Đáp:

- Chư Phật cũng chẳng phải con.

Tổ nhân đó nói kệ:

Phiên âm:

Thử địa biến kim sắc  

Dự tri hữu Thánh chí 

Đương tọa Bồ-đề thọ 

Giác hoa nhi thành dĩ.

Tạm dịch:

Đất này biến sắc vàng

Biết rằng có Thánh độ

Ngồi dưới cội Bồ-đề

Hoa giác đà nở rộ.

Dạ Xa lại nói kệ:

Phiên âm:

Sư tọa kim sắc địa      

Thường thuyết chân thực nghĩa

Hồi quang nhi chiếu ngã     

Linh nhập Tam-ma-đề.       

Tạm dịch:

Thầy ngồi trên đất vàng

Giảng thuyết nghĩa thanh tịnh

Ánh sáng soi đến con

Khiến con vào đại định.

Tổ biết ý nên độ cho xuất gia, thọ đủ các giới, rồi ngài lại bảo:

- Đại pháp tạng Như Lai, nay truyền lại cho ông, ông nên hộ trì.

Và nói kệ:

Phiên âm:

Chân thể tự nhiên chân       

Nhân chân thuyết hữu lý

Lĩnh đắc chân chân pháp

Vô hành diệc vô chỉ.

Tạm dịch:

Chân thể tự nhiên chân

Do chân, nói hữu lý

Chứng được pháp chân thực

Chẳng đi, cũng chẳng nghỉ.

Tổ trao pháp xong thì biến hiện thần thông vào Niết-bàn, hóa lửa tự thiêu. Các chúng dùng y giới đựng xá-lợi, ngay nơi chỗ ấy xây tháp cúng dường. Nhằm đời vua Trinh Vương, năm thứ 27, Kỷ Hợi.

 

 

Tổ thứ mười một: TÔN GIẢ PHÚ NA DẠ XA

 

Tổ thứ mười một, Tôn giả Phú Na Dạ Xa, người nước Hoa Thị, Họ Cù Đàm, cha tên Bảo Thân. Sau khi nhận pháp từ Tôn giả Hông, ngài đến xứ Ba-la-nại, có Mã Minh Đại sĩ làm lễ tiếp đón. Đại sĩ hỏi:

- Tôi muốn biết Phật, người đó là ai ?

Tổ nói:

- Ông muốn biết Phật ư, kẻ không thể biết là Phật vậy.

Hỏi:

- Phật đã chẳng thể biết, thì sao biết đó là Phật ?

Tổ nói:

- Đã chẳng biết Phật, sao biết là chẳng phải Phật ?

Đại sĩ nói:

- Đấy là nghĩa phân cắt.

Tổ nói:

- Đấy là nghĩa cây.

Tổ lại hỏi:

- Nghĩa phân cắt là gì ?

- Cùng Thầy chia bằng.

Mã Minh lại hỏi:

- Nghĩa cây là gì ?

- Ông bị ta xẻ ra (phân cắt).

Mã Minh hoát nhiên tỉnh ngộ, cúi đầu đảnh lễ quy y, liền cầu độ cho cắt tóc.

Tổ bảo cùng mọi người:

- Đại sĩ đây, xưa là vua nước Tì-xá-lợi, ở nước này có một giống người như ngựa, hình lộ trần truồng; vua bèn vận thần lực phân thân thành tơ tằm, giống ấy nhờ vậy mà có y phục. Sau nhà vua sinh tại miền Trung Ấn Độ, giống người Ngựa cảm lòng từ của ngài nên kêu vang lên, nhân đó mà có tên là Mã Minh (tức ngựa kêu).

Như Lai có thọ ký: “Sáu trăm năm sau khi ta diệt độ, sẽ có hiền giả Mã Minh ở xứ Ba-la-nại, nhiếp phục ngoại đạo, độ vô số người, nối tiếp ta mà truyền bá đạo pháp. Nay là đúng lúc rồi đó”. Bèn bảo Mã Minh:

- Đại pháp tạng Như Lai, nay truyền lại cho ông.

Và Tổ đọc kệ:

Phiên âm:

Mê ngộ như ẩn hiển   

Minh ám bất tương ly

Kim phó ẩn hiển pháp

Phi nhất diệc phi nhị.

Tạm dịch:

Mê ngộ như ẩn hiện

Tối sáng chẳng lìa thay

Nay truyền pháp ẩn hiện

Chẳng một cũng không hai.

Tôn giả truyền pháp xong, hiện thần biến, an nhiên thị tịch. Chúng môn đệ xây tháp bọc lấy kim thân Tôn giả.

Lúc ấy, vào thời An Vương, năm thứ 19, Mậu Tuất.

 

 

Tổ thứ mười hai: TÔN GIẢ MÃ MINH

 

Tổ thứ mười hai, Đại sĩ Mã Minh, người nước Ba-la-nại. Ngài còn có tên là Công Thắng, tức hạnh công đức hữu tác, vô tác của ngài là thù thắng, vượt trội hơn tất cả, nên có tên thế.

Sau khi nhận pháp của thầy là Tôn giả Dạ Xa, về sau ngài đến nước Hoa Thị truyền bá giáo pháp.

Ngày nọ, có một ông lão bỗng ngã xuống đất trước tòa giảng. Tổ nói:

- Đây không phải loại người tầm thường, ắt có tướng lạ.

Nói vừa dứt thì chẳng thấy hình dạng ông lão đâu nữa. Lát sau từ dưới đất lại trồi lên một người rực sắc vàng, lại hóa ra là con gái, tay phải chỉ vào Tổ nói kệ:

Phiên âm:

Khể thủ trưởng lão tôn

Đương thọ Như Lai ký

Kim ư thử địa thượng

Tuyên thông đệ nhất nghĩa.

Tạm dịch:

Đảnh lễ bậc trưởng giả

Đang nhận lời Phật dạy

Ngay tại chỗ đất này

Tuyên dương nghĩa đệ nhất.

Nói kệ xong thì biến mất. Tổ nói:

- Sắp có ma đến, đấu sức cùng ta.

Phút chốc, mưa bão ập đến, trời đất tối tăm. Tổ bảo:

- Đấy là dấu hiệu ma đến, ta sẽ trị nó thôi.

Ngài chỉ tay lên không, tức thì có con rồng vàng xuất hiện vùng vẫy trổ thần uy làm chấn động cả rừng núi. Tổ vẫn ngồi yên lặng trên tòa, bọn ma rút đi hết. Trải 7 ngày sau, có một con sâu con to như con tiêu minh nép mình dưới tháp tòa. Tổ lấy tay nắm ra đưa cho mọi người xem, nói:

- Con sâu này là ma biến ra, đến đây trộm nghe pháp ta.

Và ngài thả ra bảo đi, nhưng ma lại nằm im bất động. Tổ bảo:

- Nếu ngươi quy y tam Bảo, tất sẽ chứng được thần thông.

Con sâu liền hiện nguyên hình mà làm lễ sám hối. Tổ hỏi:

- Ông tên chi ? Quyến thuộc có nhiều ít ?

Đáp:

- Con tên Ca Tì Ma La, họ hàng có 3.000.

Tổ hỏi:

- Trổ hết thần lực của ông thì biến hóa thế nào ?

Đáp:

- Hóa ra biển cả là chuyện nhỏ thôi.

Tổ hỏi:

- Ông hóa biển tánh được không ?

Đáp :

- Biển tánh thế nào, con chưa từng biết.

Tổ bèn nói về biển tánh:

- Sông núi đất đai đều y cứ biển tánh mà lập nên, lục thông Tam-muội cũng tự đấy mà phát hiện.

Ca Tì Ma La nghe nói sinh lòng tin tưởng, bèn cùng với 3.000 đồ chúng xin xuống tóc quy y. Tổ gọi 500 La-hán đến làm lễ thọ giới cho chúng.

Tổ lại nói với ma vương:

- Đại pháp nhãn tạng của Như Lai nay truyền lại cho ông. Hãy nghe kệ đây:

Phiên âm:

Ẩn hiện tức bản pháp

Minh ám nguyên bất nhị

Kim phó ngộ liễu pháp

Phi thủ diệc phi ly.

Tạm dịch:

n hiện tức bổn pháp

Tối sáng vốn không hai

Nay trao kẻ ngộ pháp

Không giữ cũng không thay.

Truyền pháp xong, Tổ nhập Tam-muội Long Phấn Tấn, vụt thân lên hư không, tựa như tướng mặt trời tròn, đoạn tịch diệt. Các chúng đem chân thể của Tổ đặt vào khám thờ. Lúc ấy nhằm thời Hiển Vương, năm thứ 42, Giáp Ngọ.

 

 

Tổ thứ mười ba: TÔN GIẢ CA TÌ MA LA

 

Tổ thứ mười ba, Tôn giả Ca Tì Ma La, người nước Hoa Thị. Thoạt đầu ngài là người ngoại đạo, có đến 3.000 môn đồ, vốn thông suốt các phép dị luận. Sau đó đắc pháp với Tôn giả Mã Minh, ngài dẫn đồ đệ tới miền Tây Ấn Độ, ở đây có một thái tử tên Vân Tự Tại, ngưỡng mộ danh tiếng Tôn giả nên rước về cung cúng dường. Tổ nói:

- Như Lai có dạy, Sa-môn không được gần gũi với quốc vương hay các đại thần cùng nhà quyền thế.

Thái tử hỏi:

- Phía Bắc thành nước ta có một ngọn núi lớn, trong núi có một hang đá, nơi đấy có thể dùng làm Thiền tịch được không ?

Đáp:

- Được.

Và ngài vào ngọn núi ấy.

Đi được vài dặm, chợt gặp con mãng xà thật lớn. Tổ cứ đi tới chẳng màng gì đến. Con rắn quấn quanh thân ngài, nhân đấy, Tôn giả thuyết tam quy y cho con rắn. Rắn nghe Tổ dạy xong liền bỏ đi.

Tổ đến gần hang đá, nơi đây có một ông lão mặc đồ trắng ra đón, chắp tay kính lễ.

Tổ hỏi:

- Ông ở nơi đâu ?

Ông lão đáp:

- Tôi xưa là một Tỉ-kheo, ưa thích nơi thanh tịnh. Có vài Tỉ kheo sơ học đến hỏi han, tôi bực mình chuyện ứng đáp, khởi lòng sân hận; do đó, khi chết bị đọa làm thân mãng xà, sống trong hang đá này đến nay đã được nghìn năm. Vừa rồi gặp Tôn giả, nghe được giáo pháp nên đến lễ tạ.

Tổ hỏi:

- Núi này còn có ai ở nữa không ?

Đáp:

- Cách 10 dặm về phía Bắc có cây đại thọ, tàng che 500 con rồng, vua đại thọ tên Long Thọ, thường giảng pháp cho chúng rồng nghe. Tôi cũng nghe nhận.

Tổ cùng đồ chúng đến nơi ấy. Long Thọ ra tiếp:

- Núi sâu cô lặng, nơi ở của loài rồng, rắn. Bậc đại đức chí tôn sao lại đến đây ?

Tổ nói:

- Ta không phải chí tôn, chỉ đến đây hỏi thăm hiền giả.

Long Thọ thầm nghĩ: “Đạo sư đây được tính quyết định, đạo nhãn có sáng không ? Có phải là bậc Đại Thánh nối tiếp chân tông ?”.

Tổ nói:

- Ông tuy thầm nghĩ trong lòng song ta đã ý biết. Chỉ cần xuất gia, cần gì lo ta không phải Thánh.

Long Thọ nghe nói liền tạ lễ, sám hối.

Tổ liền độ thoát cho Long Thọ cùng truyền giới cụ túc cho 500 chúng rồng. Tổ lại bảo Long Thọ:

- Nay ta đem đại pháp nhãn tạng Như Lai truyền lại cho ông. Nghe kỹ ta đọc kệ:

Phiên âm:

Phi ẩn phi hiển pháp

Thuyết thị chân thực tế

Ngộ thử ẩn hiển pháp

Phi ngu diệc phi trí.

Tạm dịch:

Pháp không ẩn, không hiện

Nói là chân thực tế

Ngộ pháp ẩn hiện này

Chẳng ngu cũng chẳng trí.

Trao pháp xong, Tổ hiện thần biến, hóa lửa tự thiêu. Long Thọ thu lấy xá-lợi ngũ sắc lập tháp cúng dường.

Lúc ấy nhằm thời Noãn Vương, năm thứ 46, Nhâm Thìn.

 

 

Tổ thứ mười bốn: TÔN GIẢ LONG THỌ

 

Tổ thứ mười bốn, Tôn giả Long Thọ, người xứ Tây Thiên Trúc. Ngài còn có tên là Long Thắng. Ban đầu đắc pháp với Tôn giả Ma La, sau ngài đến Nam Ấn Độ. Người xứ này đa số đều tin tưởng vào phúc nghiệp. Tổ đến giảng pháp, mọi người bàn tán:

- Con người có phước nghiệp là đệ nhất trên đời rồi. Nay nói đến Phật tánh thì ai thấy được.

Tổ nói:

- Các ông muốn thấy Phật tánh, trước tiên phải nên trừ đi lòng kiêu ngạo ở mình.

Bọn người kia hỏi:

- Phật tánh lớn hay nhỏ ?

Tổ nói:

- Không lớn không nhỏ, không rộng chẳng hẹp, không phúc không báo, không sống không chết.

Mọi người nghe thấu lý mầu hồi tâm ban sơ.

Tổ bước lên tháp tòa, hiện thân tự tại, như vầng trăng tròn đầy. Tất thảy hội chúng đều chỉ nghe lời nói pháp mà không nhìn thấy hình tướng của Tổ. Trong số người tham dự có người con ông trưởng giả, tên Ca Na Đề Bà, hỏi mọi người:

- Có biết tướng này không ?

Mọi người đáp:

- Mắt nhìn chưa thấy thì làm sao biết được.

Đề Bà nói:

- Đấy là Tôn giả hiện thể tướng Phật tánh để khai thị chúng ta. Làm sao mà biết ? Bởi vô tướng Tam-muội hình như trăng tròn. Nghĩa của Phật tánh là trống rỗng sáng suốt.

Vừa dứt lời thì vầng trăng biến mất, Tổ lại ngồi yên trên tháp tòa và nói kệ:

Phiên âm:

Thân hiện viên nguyệt tướng

Dĩ hiển chư Phật thể  

Thuyết pháp vô kỳ hình      

Dụng biện phi thanh sắc.    

Tạm dịch:

Thân hiện tướng trăng tròn

Hiện bày chư Phật thể

Nói pháp chẳng hình dáng

Sắc thanh đều chẳng kể.

Thính chúng nghe nói kệ, liền thâm ngộ phép vô sanh đều nguyện xin xuất gia, cầu lấy giải thoát. Tổ bèn cạo đầu và bảo các Thánh tăng đến làm lễ trao giới cụ túc.

Nước này trước đó có 5.000 ngoại đạo, làm rành huyễn thuật, được mọi người tôn ngưỡng. Tổ đều cải hóa hết, khiến họ đều quy y tam Bảo. Lại soạn Đại trí độ luận, Trung luận, Thập nhị môn luận truyền bá trong đời.

Sau Tổ nói cùng đệ tử ruột là Ca Na Đề Bà:

- Đại pháp nhãn tạng Như Lai, nay trao lại cho ông. Hãy nghe ta đọc kệ:

Phiên âm:

Vi minh ẩn hiển pháp 

Phương thuyết giải thoát lý

Ư pháp tâm bất chứng

Vô sân diệc vô hỉ.

Tạm dịch:

Có rành pháp ẩn hiện

Mới nói lý tới lui

Nơi pháp tâm không chứng

Không giận cũng không vui.

Nói kệ xong, ngài liền nhập Nguyệt Luân Tam-muội, hiện rộng thần biến, tọa trên pháp tòa, an nhiên tịch diệt. Ca Na Đề Bà cùng các chúng lập bảo tháp an táng.

Lúc ấy nhằm thời Tần Thủy Hoàng, năm thứ 35, Kỷ Sửu./.

 

 

🙏🙏🙏

facebook
youtube
 
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/12/2022(Xem: 2340)
Trân trọng giới thiệu Sách Mới: HƯƠNG PHÁP 2022 gồm 11 bài thi của các tác giả trúng giải Hương Pháp và Xuất Sắc trong Cuộc thi Viết Văn Ứng Dụng Phật Pháp do Chùa Hương Sen tổ chức năm 2022 và đã phát giải thưởng vào ngày 11 tháng 12 năm 2022. Giải thưởng Cuộc thi sẽ bao gồm bằng khen và tiền thưởng tượng trưng với giá trị khoảng 25,000.00 USD, được phân bổ thành các giải như sau: Giải I: $5,000.00, Giải II: $3,000.00, Giải III: $2,000.00 Hai giải Khuyến Khích, mỗi giải: $1,000.00 Sáu giải Hương Pháp, mỗi giải: $500.00 50 giải Hoằng Pháp, mỗi giải: $200.00
06/12/2022(Xem: 1877)
Thuở còn niên thiếu, ông Sáu đến với đạo Phật không phải vì niềm tin tôn giáo. Cách đây khoảng hơn 6 thập kỷ, chàng thiếu niên tên Sáu ở độ tuổi 15. Anh ta có một người bạn học cùng lớp rũ đi sinh hoạt Hướng Đạo. Sáu được người bạn kể qua chương trình sinh hoạt của đoàn thể nầy, khiến chàng rất thích thú. Bởi những hoạt động ấy Sáu thấy nó thích nghi với bản tính năng động ở độ tuổi thiếu niên đang tràn đầy sức sống của mình.
04/12/2022(Xem: 2217)
Vậy đó mà đã một năm, thời gian trôi qua thật nhanh mà con dường như không để ý Thời gian cứ lặng lẽ trôi, hôm nay nhờ Thầy gửi con mới biết là Tiểu Tường của Sư Bà Nhìn chân dung Sư Bà trong khung ảnh trái tim và 3 bông hồng rực đỏ, với gương mặt từ hòa, sống động , bao nhiêu hình ảnh trong quá khứ lại hiện ra trong con thật gần gũi Bao giờ cũng vậy, mỗi lần Sư Bà qua Đức, về chùa Phật Huệ, con luôn ngồi dưới chân Sư Bà, Sư Bà nắm tay con trong yên lặng, nhìn con thật ấm áp, như hình ảnh người mẹ hiền thương yêu con trẻ, những lúc ấy con chỉ hỏi " thưa, Sư khỏe không? Con thương Sư lắm" Sư Bà lại nhìn con thật âu yếm, xoa đầu và bóp nhẹ tay con, chỉ ngần ấy thôi là con đã cảm nhận được, tình thương trải dài, lưu chuyển theo từng tế bào mà Sư Bà đã truyền đến cho con, tâm từ bi loan toả con thấy chung quanh đều hiền hòa không còn những bụi bặm của thế gian.
04/12/2022(Xem: 2081)
Theo như tác giả Anh Vũ cắt nghĩa của từ ‘Cánh Cửa’ trong bài viết “Luận Về Cánh Cửa” có rất nhiều nghĩa nhưng ở đây người viết đưa ra hai nghĩa ấn tượng: thứ nhất là ‘chỉ chỗ ra vào, thông với tự nhiên bên ngoài’, cảm giác cách ngăn. Và thứ hai là ‘khi miêu tả cánh cửa gắn với thế giới tâm trạng con người đó là sự chờ đợi, mong ngóng, trông đợi một bóng hình’, gắn với cánh cửa là sự chia ly, giã từ. Trong bài viết này, cánh cửa sẽ tượng trưng cho sự khép lại và mở ra của cả thế giới thực bên ngoài và thế giới nội tâm bên trong của một con người.
03/12/2022(Xem: 4355)
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng nói: -Ta sống bằng nghề đánh bạc đã hơn hai mươi năm, chỉ có ăn mà không có thua. Nếu ta thua tức sòng bài gian lận. Yêu cầu quản lý trả lại 50 lượng vàng, nếu không ta sẽ thưa lên quan phủ.
29/11/2022(Xem: 2648)
Nhân dọc một mẫu chuyện trên trang mạng điện tử nào đó, theo thuyết định mệnh có người đã cho rằng cuộc đời là một thước phim đã được quay sẵn. Vậy nếu ta chính là diễn viên thủ vai chánh với những nỗi buồn, niềm vui, kỷ niệm , nước mắt nụ cười mà tất cả đều cũng chỉ là những tình tiết trong KỊCH BẢN CUỘC ĐỜI thì ai sẽ là người đạo diễn đây?
23/11/2022(Xem: 2603)
Vẫn còn đây những gương niệm Phật linh ứng Được quý Giảng Sư trong pháp thoại ba ngày Lịch sử Tịnh Độ Việt Nam …hãnh diện thay Trao truyền lại cho thính chúng hàng hậu học
21/11/2022(Xem: 5558)
Năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Đà Nẵng, bản thân phát nguyện ăn ngày 1 bữa (chỉ dùng đúng Ngọ 12h trưa, trước và sau Ngọ sẽ không dùng bất kỳ thức ăn gì). Lúc đó, không ngoài tâm nguyện “Trên tìm cầu tu học Giáo Pháp giải thoát và trong tâm luôn hướng nghĩ đến sự giác ngộ của muôn loài” do vậy mà bản thân phát nguyện ăn ngày 1 buổi và chuyên tâm trì tụng Chú Đại Bi tiếng Phạn.
12/11/2022(Xem: 2057)
Sau khi được hai thầy Thánh Thành và Thánh Trực cho đi theo bằng ô-tô ra đến chùa Phật Quang Sơn ở Lương Sơn, tôi mang máy ảnh rảo một vòng quanh ngôi chánh điện đang xây dựng, ngắm cảnh ghi hình, rồi được yết kiến đảnh lễ Ôn trụ trì ngoài thềm hiên. Đây là lần đầu tiên tôi được yết kiến Ôn chỉ một mình, chung quanh không có ai.
12/11/2022(Xem: 4227)
Có những bước chân đi chỉ để mà đi, nhưng có nhưng bước chân đi là để trở về. Trở về về với những nơi thân thương, trở về với chính bản thân mình, trở về với cội nguồn, trở về với miền đất Phật. Trong chuyến đi để trở về ấy, chúng tôi _ đoàn Thái Hà Books và gia đình “Thiền trong từng phút giây” đã có những khoảng khắc tĩnh tâm, những khoảnh khắc nhìn lại chính mình, và những khoảng khắc vô cùng xúc động.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]