Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảm Hoài Từ Những Cơn Mưa

30/09/202113:15(Xem: 1994)
Cảm Hoài Từ Những Cơn Mưa

CẢM HOÀI TỪ NHỮNG CƠN MƯA
 
Vĩnh Hảo
 
Person, Road, Street, Buildings, Rain, Rainy, Urban
Photo: trilemedia (pixabay.com)
 

 

Bên cửa sổ, tia nắng chiều thu len vào. Gió mơn man rung nhẹ lá cây vườn ngoài. Lá vàng lá xanh cùng phơi mình quanh cội cây già. Mùi cỏ thơm dìu dịu gây nỗi nhớ bâng quơ. Tiếng vĩ cầm du dương đâu đó dìu dặt đưa hồn về cảnh cũ quê xưa.

Cảnh cũ từng mảng thoáng ẩn thoáng hiện trong trí nhớ khi hoài niệm những mùa mưa qua đi… 

Những ngày mưa đông. Sấm động đâu đó làm con trẻ sợ hãi nép bên mẹ. Bão lớn quét qua thành phố biển hiền hòa. Mưa rơi ào ào. Gió giật giàn bông giấy trước ngõ. Nước ngập đầy sân. Nước cuồn cuộn trên đường. Trường học đóng cửa. Trời lạnh buốt da. Mẹ mặc áo ấm cho con mà vẫn hỏi con có đủ ấm không. Rồi mẹ ôm con, hát cho nghe bài Mưa Đông (1). “Mưa đông rơi từng cơn trong gió rét buốt / Có những em chưa từng vui thú nô đùa…” Giọng mẹ ấm êm ru trẻ chiều đông lạnh. Nước mắt con lăn dài, lăn dài. Mẹ dạy con chữ hiếu, chữ nhân đầu đời.

Những ngày mưa thu. Mưa lất phất bay trên đường từ phố biển về căn phòng nhỏ trên đỉnh đồi. Chú tiểu thong thả đi bộ dưới làn mưa càng lúc càng nặng hạt khi thiên hạ nhốn nháo tìm nơi trú ẩn. Trầm tư gì giữa cuộc đời đảo điên, lòng người man trá. Mưa rơi sũng ướt chiếc áo nhật bình lam. Vẫn thong thả bước đi, bước đi. Nước trên đường ngập cả đôi giép mòn gót, và ngập lên cả đôi bàn chân như chưa hề chạm vào thực tế của mặt đất trần gian. Dẫm lên dòng nước đục hay dẫm lên hồn nước mấy ngàn năm đớn đau oằn mình dưới sức nặng của cuồng vọng vô minh. Về núi phơi áo nhịn ăn, trà sen thơm ngát đêm trăng lạnh. Thầm lặng buồn một mình nỗi buồn không tên da diết. Tuổi mới lớn, suy nghĩ hay buồn gì nơi đời thường mà mắt xanh phóng về tận trời xa. Cùng trên núi này, những thiên thần tài hoa lần lượt đi về phương nam (2). Chú tiểu bơ vơ, khóc khô thân phận mồ côi hay khóc đau nhân sinh khổ lụy. Đường phương nam đày đọa gót lữ hành.

Chiều mưa công viên. Hẹn hò đời nhau, duyên nào níu gọi, ai biết. Mưa rơi tầm tã không thấy bóng xe qua. Dưới cây run lạnh, ướt đẫm những hồn lưu lạc. Tuổi trẻ tay trắng, chỉ có tình yêu là nơi gửi trọn tâm chí cuồng nhiệt, đắm say.

Quán trọ qua đêm, che dù dạo quanh phố lạ. Mỏi gót lữ hành, đường đi quanh mưa rơi rả rích. Ánh lửa nhìn sâu, hỏi đường quay về giấc mộng ngày xưa. Xa nhà, xa quê, sói đồng hoang đùa vui dưới ánh trăng mờ. Dằng dặc nỗi nhớ quê cha, thoảng đâu vọng về hồi chuông triêu mộ. Gậy nhà thiền gõ nhịp đêm thâu. Bước chân ai dội về mật ngôn bát-nhã. Chia tay, chia tay, lại chia tay. Vượt qua đời sinh-diệt.

 

Cơn mưa nào rơi mãi giữa hư không.
Con sông nào lưu luyến bờ bãi lạ.
Có một thời mưa đã rơi. Có một thời dòng sông băn khoăn, ngập ngừng.
Nhưng rồi mưa sẽ thôi không rơi, sông sẽ thôi không dừng.
Nhớ những ngày mưa không phải là nhớ những giọt mưa. 
Nhớ dòng sông không phải là nhớ luồng nước lặng lờ.
Mưa hay sông, rồi cũng về biển lớn.

Hoài niệm những ngày mưa là khơi lại tiếng hát mẹ ru, khơi lại hình ảnh chú tiểu dầm mưa dưới phố, để tìm về cái tâm sơ khai một thời trên đỉnh non cao—nơi chí nguyện ban đầu khởi phát.

Tất cả rồi sẽ qua đi; không gì lặp lại lần nữa trong dòng chảy xiết của thời gian; cũng không gì tái hiện y hệt trong cái vô cùng của không gian. Mộng trùng lai không có ở trên đời (3). Bóng cũ hình xưa, tiếng hát câu hò, hương thơm loài hoa dại, môi mọng tuổi xuân thì… chỉ một lần trình hiện rồi tan biến trong mộng dài thiên thu. 

Cái còn lại là một khoảnh khắc rỗng rang, cô liêu cùng tuyệt, hiển hiện từ chính cái chỗ mà ảnh tượng (hay ý niệm) vừa vuột mất. Cái đó không thể hoài niệm; cũng không thể đương niệm; càng không thể khởi niệm. Cũng không thể nói thành lời. Ngay nơi khoảnh khắc đó, hãy trực nghiệm. Không như vậy, sẽ tiếp tục nhớ rồi quên, tương phùng rồi chia xa, cười rồi khóc, dẫm đi dẫm lại bao lần những vết mòn của thế nhân: dệt gấm thêu hoa trong trường mộng, đắp xây lầu cát trên bãi biển sóng xô…

 

 

 

______________

 

  1. Ba thầy-trò, Thiền sư Tâm Như Trí Thủ cùng 2 môn đệ tài hoa Nguyên Tánh Phạm Công Thiện và Nguyên Chứng Tuệ Sỹ đều từ đồi Trại Thủy, rời thành phố Nha Trang, dấn thân vào phương nam, Sài-gòn, từ những năm xa xôi trước đó.

  2. Bài hát Mưa Đông của tác giả Hoàng Cang. Lời như sau: 
“Mưa đông rơi từng cơn trong gió rét buốt
Có những em chưa từng vui thú nô đuà
Đi lang thang lạnh lùng trong gió rét mướt
Bán bánh mì kiếm tiền nuôi nấng mẹ cha 
Điệp khúc: Nào ai vui sướng ấm cùng no
Nhìn bao em ấy lòng xót chăng
Đi lao đao ngập ngừng trong mưa ướt át
Sống bơ vơ không nhà không cửa lỡ làng
Áo manh đơn lạnh lùng trong cơn gió rét
Mang bánh mì đi ngoài đường khuya mùa đông.”
  1. Trích từ bài LỜI VĨNH BIỆT (L’Adieu), thơ Guillaume Apollinaire, Bùi Giáng dịch: 
“Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời…”

 

 

 

 

facebook-1
***
youtube
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 1897)
Với thế kỷ mà xã hội đang tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa, việc chúng ta nghiên cứu văn hóa Phật giáo Trung Quốc là việc làm có ý nghĩa gì? Làm thế nào để sự nghiên cứu của chúng ta có lợi đối với cuộc sống hiện thực và kiến thiết nền văn hóa mới cho đất nước Trung Hoa? Tôi cho rằng trong sự tồn tại trường kỳ một hiện tượng văn hoá thì tự bản thân văn hóa ấy đaõ có tính tất nhiên, sâu xa của nó.
08/04/2013(Xem: 13947)
Tôi viết tập truyện nhỏ này với niềm say mê thích thú chưa từng có. Một mình trên căn gác, suốt ngày tâm hồn đắm vào thế giới loài vật những cọp những beo, cáo, gấu, chìa vôi, bìm bịp, chèo bẻo... tôi tưởng như chúng đang chạy nhảy và đối thoại quanh tôi. Thật là những giờ phút kỳ diệu. Viết xong từng đoan, đọc lại, cười. Như đọc văn của ai. Thích hơn khi viết về Người, bởi nghĩ rằng viết về Người đã có nhiều ngòi bút khác viết rồi. Ðằng này do mình tưởng tượng dựng ra thì hy vọng chúng mang trọn vẹn bản sắc của tâm hồn mình.
08/04/2013(Xem: 10886)
Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, toàn thể Phật giáo đồ trên khắp năm châu bốn bể, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch).
08/04/2013(Xem: 1905)
Nếu như những suy nghĩ dưới đây không được hiểu theo nghĩa tích cực, trong sáng thì hãy xem như nỗi oan ức như chính thiện ý việc tổ chức cuộc "Tuyên Dương Công Đức" (TDCĐ) Ban Văn hóa Thành hội Phật giáo nhân Phật Đản 2544 vừa qua, đã không tròn vẹn tâm nguyện, tình ngay mà lý không thuận.
04/04/2013(Xem: 6751)
Hôm nay là ngày sám hối lệ. Tất cả các Phật tử đến đây tụng kinh, nghe thuyết pháp và hành thiền. Đây là chương trình tu học mỗi tháng hai kỳ vào ngày 14 và 29 Âm lịch cho cư sĩ. Những bậc xuất gia có 2 ngày là 15 và 30 hàng tháng để làm lễ sám hối.
03/04/2013(Xem: 3535)
Quán trọ là nơi tạm dung của người xa xứ. Hầu hết chúng ta là những người đang sống lưu vong và các quốc gia định cư, trong ý nghĩa nào đó cũng mang tính chất của một quán trọ bên đường. Tâm cảm nầy không phải duy nhất cho người Việt nam mà hầu hết di dân, nhất là người tị nạn khắp nơi trên thế giới đều chia sẻ trạng thái tâm lý nầy. Enrico Marsias, ca sĩ Pháp gốc Hi Lạp, đã mô tả tâm trạng nầy thật tuyệt vời qua bài hát Adieu Mon Pays:
02/04/2013(Xem: 4746)
Tôi được nghe nhiều người truyền tụng ngợi ca Trung niên thi sĩ từ lâu lắm rồi, dần dần tôi làm quen tìm đọc thơ của bác, lúc còn làm chú tiểu ở chùa Tường Vân-Huế.
01/04/2013(Xem: 8387)
Sư trưởng Như Thanh đã sáng tác, biên soạn và dịch thuật khoảng 20 tác phẩm Phật học.
01/04/2013(Xem: 2085)
Tôi đang đọc một bài thơ thì có tiếng gõ cửa. Người bạn đạo đến thăm như đã hẹn. Chắp tay xá nhau xong, tôi sẵn trớn, đọc luôn hai câu cuối.
01/04/2013(Xem: 16393)
Truyện Kiều (thơ)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567