Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng Việt thời LM de Rhodes - gió nam, gió nồm và chữ Nôm

08/02/202010:11(Xem: 4474)
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - gió nam, gió nồm và chữ Nôm

tieng Viet
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - gió nam, gió nồm và chữ Nôm

(phần 20)

Nguyễn Cung Thông[1]



Phần này bàn về một số cách dùng liên hệ đến thời tiết như gió nồm, gió nam, gió bắc/gió bớc. Đây là những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến đời sống xã hội/văn hóa dân Việt cũng như để lại dấu ấn trong lịch sử hình thành tiếng Việt hiện đại. Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), Bồ-Đào-Nha (B), L (tiếng La Tinh), CG (Công Giáo), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), chữ quốc ngữ (CQN), HV (Hán Việt), BK (Bắc Kinh). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Phần bàn về chữ Nôm liên hệ đến bài viết "Đôi điều về chữ Nôm và giọng Quảng Nam (phần 1)" cùng tác giả (Nguyễn Cung Thông, 2013). Có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19778 …v.v…

1. Ghi nhận các hướng gió trong VBL

1.1 Gió bắc ~ gió bớc

VBL ghi vento norte (gió từ hướng bắc/B), aquilo (gió từ hướng bắc/L - để ý VBL ghi thêm chính bắc septentrio/L, dùng đồng hồ đo bóng mặt trời của thủy thủ - xem hình chụp bên dưới). Gió bớcgió bắc[2] ghi hai lần trong VBL: trang 17 và trang 285. LM Béhaine/Taberd không ghi gió bắc nhưng lại ghi gió bấcboreas/L và ghi thêm cách dùng tương đương là gió heo.

 

VBL trang 17

LM Béhaine/Taberd (1773/1774-1838) sau này ghi gió bấc (so với bớc/VBL) và giải thích là boreas (gió từ phương bắc/L), tương đương với aquilo/L (VBL). Còn chính bắc (dùng dụng cụ đo chính xác) thì VBL và LM Béhaine/Taberd đều dùng septentrio/L.

1.2 Gió tây

VBL ghi gió tây là vento oeste (gió từ hướng tây/B) và favonius (gió từ hướng tây/L). Béhaine/Taberd ghi gió tây là ventus favonius (thêm chữ ventus/L là gió). VBL ghi gió tây hai lần: trang 285 và 716.

 

VBL trang 716

 

1.3 Gió đông

VBL ghi gió đôngvento leste (gió từ phương đông/B) và eurus[3] (gió từ phương đông/L – LM Béhaine/Taberd cũng ghi nghĩa này) ở trang 285, nhưng trang 235 lại ghi là orientalis ventus (gió từ phương đông/L).VBL cũng ghi gió đông bắc hai lần trong trang 17 và trang 285: vento nordeste (gió từ hướng đông bắc/B) và meses (gió đông bắc/L). LM Béhaine/Taberd cũng ghi gió đông bắc là meses/L (sđd).

Điều đáng nhắc ở đây là đông trong gió đông (CQN) có thể là đông 東 (phương đông) hay trong văn học lại còn là đông 冬 (mùa đông, gió đông là gió bắc), nghĩa là gió đông có thể có nghĩa khác nhau tùy văn cảnh và chữ Nôm viết ra sao! Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa (Hoàng Thị Ngọ, sđd trang 82) ghi

 

Sóc phong gió đông 冬           (NCT: sóc 朔 là phương bắc)

Cốc phong gió đông 東           (NCT: cốc phong 谷風 còn gọi là đông phong 東風)

 

Truyện Kiều câu 2748 ghi rằng

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

 

Bản Kiều năm 1866 ghi đông[4] là 冬, nhưng các bản Kiều sau đó lại ghi đông là 東. Có lẽ hiểu gió đông là gió bắc (bấc)  hay đông bắc vào mùa xuân (mới có hoa đào nở) thì thích hợp hơn thay vì gió hướng đông với những hậu quả khác với văn cảnh.

1.4 Gió may

VBL ghi gió may noroeste (tây bắc/B) và thraciozephyrus, xuất hiện hai lần ở các trang 285 và 447. LM Béhaine/Taberd sau đó cũng ghi gió may là thraciozephyrus/L ở mục may, nhưng thêm các nghĩa argestes/L và caurus/L. Caurus nghĩa là (gió) hướng tây bắc cũng như argestes, nhưng argestes còn có thể chỉ (gió) hướng tây-tây-bắc (WNW ~ west northwest/A) hay tây-tây-nam (WSW ~ west southwest/A). VBL còn ghi thêm là gió may thường đem theo mưa (trang 447).

Một cách giải thích từ nguyên của may trong gió may là từ Đại Nam Quốc Ngữ (Nguyễn Văn San, sđd trang 62-63): "Phong nhi vũ hạ viết mai ~ gió thổi mà lại có mưa xuống thì gọi là mai". Mai HV viết là 霾 hàm ý gió thổi mang cát bụi theo, hay ám chi gió từ sa mạc đến và hợp với mưa xuống (VBL) thì cho ta loại gió tây.  Ngoài ra âm mai trở thành may cũng không khó hiểu[5], nhất là khi đứng cuối một từ kép gió mai > gió may. Các trường hợp biến âm tương tự là 齋 trai > chay, 排 bài > bày, 曬 sái > sấy, 霾 mai > may ...v.v...

1.5 Gió giung

VBL giải thích gió giung là gió gây khó chịu (ventus iniucundus/L - xem hình chụp trang 285 VBL ở bên dưới) hay mang tính tiêu cực (gây khó chịu). Tuy nhiên các tác giả sau này đều giải thích gió giung là danh từ chung (chữ kép/tiếng đôi) cũng như gió máy hay đã đổi nghĩa phần nào. Gió giung có thể là một dạng Việt hóa của chung phong 終風, từng hiện diện trong Kinh Thi chỉ gió tây (tây phong 西風), sau này chỉ gió lớn (đại phong 大風) hay gió dữ (bạo phong 暴風) . Các trường hợp biến âm tương tự là 紙 chỉ > giấy, 正 chính > giêng (chính nguyệt > tháng giêng), 種 chủng > giống, giồng, chung > giung ...v.v...

1.6 Gió nam và gió nồm

VBL phân biệt rõ ràng gió namgió nồm. VBL ghi gió nam là sul (phương nam/B) và auster (phương nam, gió từ hướng nam/L), còn gió nồm là sueste (đông nam/B) và euronotus (phương nam cùng phương đông, gió nồm/L). LM Béhaine/Taberd ghi thêm euroausternotozephyrus[6] (gió nồm/L). Để ý là có tài liệu ghi euronotus[7] là gió tây nam (southeast wind/A) cũng như VBL: đây cũng bắt đầu cho thấy sự không chắc chắn tuyệt đối trong việc xác định hướng gió cách đây bốn thế kỉ, nhất là khi dựa vào kinh nghiệm con người so với khi dùng máy móc đo lường chính xác và khách quan hơn. Ngay cả eurus có thể là gió đông (east wind/A, tên gọi 4 hướng của Homer) nhưng còn là gió đông bắc (northeast wind/A, tên gọi 6 hướng của Homer), hay có thể là gió đông nam (southeast wind/A, tên gọi hướng theo Aristotle/Theophrastus/Timosthenes/De Mundo). Ngoài ra, sự phân bố không đồng đều của khí áp trên mặt đất là nguyên nhân gây ra gió, mà vị trí của áp cao và áp thấp cũng không ở một chỗ nhất định nên gió không có một chiều nhất định. Tuy nhiên, tính trung bình thì hướng gió trên mặt đất có khuynh hướng rõ ràng[8] như hình vẽ dưới đây.

Hướng gió mùa trên mặt trái đất - VN ở Bắc Bán Cầu nên có gió mùa đông bắc (NE Trade Winds) - trích trang http://www.diercke.com/kartenansicht.xtp?artId=978-3-14-100790-9&stichwort=zenith&fs=1

 

VBL trang 285 ghi gió giung, gió nam, gió nồm, gió may ...

 

Nên nhắc lại ở đây là theo giải thích của bachkhoatrithuc.vn thì gió nồm cũng là gió nam, xuất hiện về mùa hè, thổi từ hướng đông-nam, mang theo hơi nước từ biển, mát mẻ. Thật ra thì gió nam và gió nồm là hai thực thể khác biệt đã được ghi lại rõ ràng từ thời LM de Rhodes như đã viết bên trên. Sau gần 200 năm, cũng như LM Béhaine, LM Taberd ở Đàng Trong vẫn phân biệt hai loại gió nam và gió nồm[9] - xem hình chụp bên dưới:

 

 

Tên các loại gió (Taberd, 1838) bằng tiếng Anh, Pháp, La Tinh và Việt Nam

 

Ghi chú thêm từ bảng liệt kê (NCT): etesius thuộc về gió chướng[10] hay gió sóc (Taberd, sđd), boreas gió heo, gió bấc (Taberd, sđd)

 

Cách đây gần 90 năm, vấn đề này cũng được học giả Phan Khôi/PK phân tích trong các trao đổi sau đây, trích lại từ trang này http://lainguyenan.free.fr/pk1932/TenGio.html

 

1.6 Tên gió bốn hướng - giải thích theo Phan Khôi

 

Gần đây tôi có được thơ một vị độc giả hỏi một điều hơi cắc cớ mà cũng có ý vị. Vậy sau khi trả lời bằng thơ riêng cho người hỏi, tôi đăng luôn cả cuộc vấn đáp lên báo, vì tưởng là không đến nỗi vô ích vậy. Bức thơ hỏi như vầy:

 

« Bạc Liêu, le 8 Novembre 1932

Ông Phan Khôi,

Kính ông,

 

Từ ngày báo Phụ nữ tân văn thêm mục Hán văn độc tu, thì mỗi tuần tôi đều đọc kỹ. Nhờ vậy học thêm nhiều tiếng, phân biệt được nhiều nghĩa rõ ràng, nên tôi cảm bội vô cùng.

Bấy lâu nay chưa được nghe ai cắt nghĩa chuyện nầy, tuy là không ăn nhập vào những bài dạy của ông, nhưng nhờ ông là người đa văn quảng kiến, xin chỉ giùm câu chuyện sau đây, mà tôi đem hỏi ông, vì có thấy trong báo Phụ nữ số 175 ngày 3.11.1932, bốn chữ đông, tây, nam, bắc.

Tại sao gió hướng tây thổi đến, người ta lại gọi là gió nam? Còn gió hướng nam lại gọi là gió nồm?

Gió chướng bên phía đông thổi qua là tiếng đã thường nghe. Duy có hai tên gió nói trên đây không trùng với tên hướng, bởi vậy mỗi khi nghĩ đến mà cắt nghĩa không xuôi thì trí chẳng toại chút nào.

Muốn hiểu nghĩa cho cùng, vậy xin ông vui lòng giải giùm minh bạch, đặng giúp kiến văn cho người ít học...

 

Trần Văn Tìa

Conseiller provincial

Canton de Thạnh Hưng Bạc Liêu"

 

Bức thơ trả lời:

Saigon, le 11 Novembre 1932

Ông Trần Văn Tìa,

 

Tiếp được thơ ông hỏi tôi về mấy điều, vậy tôi xin trả lời cho ông như sau đây. Điều tôi nói đây chẳng do sách vở nào hết, chỉ đoán phỏng mà nói. Vậy xin ông coi như là một lời giảng giải chưa định, chớ khá tin trọn ở đó mà có khi sai chăng.

Ông hỏi tại sao gió hướng tây thổi đến lại gọi là gió nam, còn gió hướng nam lại gọi là gió nồm?

Xứ ta (nhứt là Trung kỳ) kêu bằng gió nam đó không phải là gió hướng tây như ông nói đâu, mà thật ra là gió tây nam. Từ tây nam sang cho nên nó đem hơi nóng sang, thành ra gió nam xứ ta thì nóng. Phía tây nam của xứ ta là một giải lục địa lớn (un grand continent), trong đó có mấy cái sa mạc (désert), cho nên gió đem khí nóng sang là phải; sách địa dư cũng nói gió lục địa là gió nóng. Tây nam mà tục ta lại quen kêu là gió nam, có lẽ là tại lúc đầu người mình không biện biệt phương hướng cho thật rõ, tưởng là gió chánh nam cho nên nói nam mà bỏ tây đi đó thôi.

Còn gió nồm là từ đông nam thổi sang chớ không phải chánh nam như ông nói. Đông nam của xứ ta là biển. Gió biển cho nên hễ nồm thì mát. Kêu bằng "nồm", có lẽ chữ "nồm" ấy do chữ "nam" mà ra. Gió nồm tức là gió nam vậy.

Chữ "nồm" do chữ "nam" ra, tôi lấy chứng cớ ở đây, có điều cái chứng cớ nầy hơi mong manh một chút:

"Tiếng Nam" hay là "chữ Nam", nghĩa là tiếng hoặc chữ của nước Nam, thì tục ta quen kêu bằng "tiếng nôm" hay "chữ nôm". Do chữ "nôm" ấy mà chuyển ra "nồm". Gió hướng nam thì gọi là "gió nồm".

Ai hiểu cái luật "chuyển âm" trong tiếng ta thì có thể tin cái thuyết ấy của tôi được một vài phần. Tiếng ta có nhiều tiếng chuyển như vậy. Như "miệng" là cái miệng thì chuyển ra "miếng", nghĩa là vật gì vừa một miếng bỏ vô miệng. Lại như "mang" vật gì là verbe neutre, chuyển ra "máng" là verbe actif, nghĩa là bắt cái gì mang vật gì, như máng ách cho bò, máng áo trên móc, v.v... Còn nhiều chữ như vậy không kể hết.

Vậy thì "nam" chuyển ra "nôm", chuyển một lần nữa ra "nồm", cũng có lẽ lắm, mà đều nghĩa là cái gì thuộc về phương nam cả.

Gió "chướng" tức là gió đông, song tại sao lại kêu bằng "chướng"? Là vì mỗi khi gió ấy thổi tới (gió nầy từ Trung Bắc kỳ nhằm vào mùa mưa lụt), làm cho nước các sông bị cản lại, bị chướng tắc (nghĩa là ngăn lấp) lại, mà lâu rót ra biển (tục gọi là hàn cửa biển), nên gọi là gió chướng.

Lại gió bắc thì gọi là gió bấc, gió tây thì gọi là gió may, cũng có gọi là gió tây may. Bấc hẳn bởi chữ "bắc" mà ra. Còn tây sao gọi là may thì tôi chưa hiểu. Trong Truyện Kiều có câu "mưa vạy gió may" tức là gió tây.

Tôi nhớ như có người đã dùng chữ "gió vàng" để chỉ gió tây. Ấy là dịch chữ (kim phong) ra. Theo thuyết ngũ hành, phương tây thuộc "kim", cho nên gọi 西 (tây phong) là (kim phong). Chữ (kim) nầy là métal chớ không phải or, thế mà người ta cũng nói bướng là "vàng" đi để cho đẹp lời.

Có mấy điều sau ông không hỏi, song tôi cũng nói luôn thể.

PHAN KHÔI   [Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 178 (24. 11. 1932)] - hết trích (NCT).

 

Ghi chú (NCT): không biết PK có lẫn lộn bụi vàng[11] (màu vàng, hàm ý có bụi/đất) với vàng (kim loại - phương tây/ngũ hành) như trong thư trả lời trên: gió từ sa mạc có khả năng mang theo bụi nên trở thành "vàng" (vàng đục vì có bụi bậm). Xem thêm các nghĩa của gió tây từ Petit Dictionnaire Francais Annamite (Trương Vĩnh Ký, 1920 SaiGon) trang 711:

 

 

 

 

Trong bức thư trên, có lẽ nên phân tích rõ hơn về quá trình biến âm của nam 南 với những hệ luận vì không phải theo chiều 'nam chuyển ra nôm' như cụ Phan Khôi đề nghị, mà lại là ngược lại! Chính cách phát âm nam là nôm của giọng Quảng Ngãi/Quảng Nam (phương ngữ tiếng Việt) đã bảo lưu âm cổ hơn của nam và hỗ trợ cho chiều biến âm nôm > nam.

2. Các biến âm của nam

2.1 Chữ nam (thanh mẫu nê 泥 vận mâu đàm 覃 bình thanh, khai khẩu nhất đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

那含切,音男 na hàm thiết, âm nam (TVGT, ĐV, QV, TV, LT, VH, TG 字鑑, CV, TVi, CTT)

奴含切 nô hàm thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 監咸 giam hàm (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 南 男 柟 楠 諵 喃 聃 (nam đam)

那沿切, 音年 na duyên thiết, âm niên (TVi) - duyên đọc là yán, yàn (BK bây giờ), niên đọc là nián (BK bây giờ). CTT cũng ghi 音年 âm niên

乃林切 nãi lâm thiết (CV, TVi)

尼心切,音寧 ni tâm thiết, âm ninh (CTT, KH)...v.v...

Giọng BK bây giờ là nán so với giọng Quảng Đông naam4 laam4 naam2 naa1 laam2 naa4 laa4 laa1 lam4 và các giọng Mân Nam 客家话: [宝安腔] lam2 [梅县腔] nam2 [陆丰腔] nam3 [客英字典] nam2 [东莞腔] lam2 [客语拼音字汇] nam2 [海陆丰腔] nam2 [台湾四县腔] nam2 [沙头角腔] lam2 潮州话:nam5 (nâm) 澄海」nang5「潮州、饶平」lam5, giọng Mân Nam/Đài Loan lam5, tiếng Nhật nan dan và tiếng Hàn nam.

Các biến âm trong tiếng TQ của nam đáng chú ý là nán (theo pinyin giọng BK, phụ âm cuối m > n), (mất phụ âm cuối -m) và lam5 (giọng Triều Châu, lẫn lộn n và l: nam ~ lam).

Dựa vào phiên thiết và các phương ngữ, một dạng âm cổ phục nguyên của nam*nəm (đọc giống như âm nôm tiếng Việt). Như vậy là nguyên âm a (của nam) có độ mở miệng lớn/không tròn môi có âm cổ hơn là nguyên âm sau/tròn môi ə hay ô/ơ/u (nôm, nơm ...). Như vậy nôm > nam, nhưng cũng có thể nôm > nồm (cùng âm điệu) so với các tương ứng nan > nàn, man (vạn) > vàn, can ~ càn (kiền)... và khan (khàn - đồng đại) …v.v…

2.2 Nơm bắt cá

Vết tích của âm cổ *nəm của nam còn thấy trong danh từ nơm (có nơi ghi là nôm), là dụng cụ bắt cá từ phương Nam. Nơm viết bằng bộ võng hợp với chữ Nam 罱 hiện diện trong vốn từ Hán cổ, là loại chữ hiếm vì không thích hợp với văn hóa ngôn ngữ của Hán tộc. Danh từ nơm đã có mặt từ thời Ngọc Thiên 玉篇 (năm 543 SCN), đọc là nữ cảm thiết/nãi cảm thiết/nô cảm thiết[12] (女感切, 乃感切, 奴感切). Chữ Nôm giai đoạn đầu kí âm và dùng chữ nam 南

 

Đường thuyên úp cá hiệu rằng cái nơm 丐南

(Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa, Mục Tát Võng)

 

Chữ Nôm sau này thêm bộ trúc[13] cho rõ nghĩa hơn

 

箔䈒 bạc nơm

筌䈒 thuyên nơm (Ngũ Thiên Tự - trang 80, 82, 90)

...

筌䈒 thuyên nơm (Tam Thiên Tự - trang 16)

 

 

Hình ảnh xưa đi ‘nơm’ ở Đông Kinh (Tonkin) - trích từ chùm ảnh xưa về các nghề mưu sinh ở Đàng Ngoài (Tonkin) trích từ trang http://www.indochine-souvenir.com/metiers/

 

 

VBL trang 569

Cái nơm là một loại thúng bắt cá, cũng như dủi (nhủi) theo VBL.

 

2.3 Nắm và núm

Từ cách dùng chữ nam 南 để kí âm như trên mà ta có thể thấy cấu trúc chữ hiếm *nớm/nắm 揇 : hiện diện ít nhất vào thời Ngọc Thiên (NT) và là loại chữ ít dùng (tha hóa) vì không thích hợp với văn hóa ngôn ngữ của Hán tộc. Chữ 揇 có các cách đọc như sau

 

奴感切 nô cảm thiết 搦也 nạch dã (NT, ĐV, QV, TTTH)

乃感切 nãi cảm thiết (TV, LT, TVi)

 

Chữ 揇 đọc là *nớm/nắm nghĩa là nắm lấy (tiếng Việt còn dùng dạng cổ hơn là núm lấy) - một dạng ngạc cứng hóa là nhắm (Việt Bồ La/1651). Các dạng nắm núm nuốm - lúm (má lúm đồng tiền) và nhóm (nhúm), tóm (túm) so với chòm (chùm, xóm - chòm còn là một đơn vị mường nhỏ/một xóm sđd), lờm (lùm) cho thấy khả năng nguồn gốc phương Nam (tiếng Việt cổ) của nắm/núm. Do đó chữ 揇 có thể là ký âm của *nớm (núm)/nắm của tiếng Việt nhập vào và làm vốn từ Hán (cổ) trở nên rất phong phú, cùng với chữ *nơm 罱.

Tiếng Mường Bi[14] nẳm là nắm (nẳm thay ~ nắm tay, nắm tao ~ chuôi dao, cán dao) nhưng cũng còn một dạng là nủnh cũng có nghĩa là nắm: Ói nưa ho nủnh cơm cho mà ăn (lát nữa tôi nắm cơm cho mà ăn). Tóm lại, ta có cơ sở rất vững chắc để phục nguyên âm cổ[15] của nam là *nəm (đọc gần như nôm tiếng Việt bây giờ) với nguyên âm a từng là nguyên âm sau với độ mở miệng lớn vừa và tròn môi.

3. Nam đọc là nôm trong 字喃 chữ Nôm

Phần trên cho thấy tại sao nồm trong gió nồm lại kí âm bằng chữ nam 南

 

Lạy trời cho cả gió nồm 𩙌

Cho kẹo tôi chảy cho mồm tôi xơi (Lý Hạng 18b)

 

Nhưng nồm cũng có lúc kí âm bằng bộ phong hợp với chữ nam, hay bộ vũ hợp với chữ nam 𩄑, bộ nữ hợp với chữ nam. Còn chữ Nôm 字喃, tại sao lại đọc là nôm từ Nam ra Bắc, từ Thừa Thiên đến Rạch Giá.... Đây cũng là giọng Quảng Ngãi/Quảng Nam khi phát âm làm thành lồm, Nam thành Nôm ... Không những thế, thời vua Trần Nhân Tôn (khi chữ Nôm khởi sắc như qua Cư Trần Lạc Đạo phú ...) được Chế Mân nhượng cho Châu Ô và Châu Rí thuộc địa bàn Quảng Nam: cũng là khi người Việt định cư ở các khu này (trong tiến trình Nam Tiến). Nên nhớ rằng là vào thời VBL, kẻ Quảng chỉ dân cư hay một khu vực rất lớn (đúng theo nghĩa của quảng 廣) hay là Đàng Trong đối lập với Đàng Ngoài - xem định nghĩa của VBL trang 622. Một điểm đáng chú ý ở đây là Đàng Ngoài có khi được gọi là An Nam so với Đàng Trong là Quảng Nam theo các tài liệu sử nhà Thanh[16]. Điều này cũng dễ hiểu vì những đợt di cư về phương Nam để tạo lập đời sống mới ổn định hơn. Chính những cư dân ở vùng địa đầu này, hay cách xa thủ đô Đông Kinh (Đàng Ngoài) nhất, đã bảo lưu một số vết tích âm cổ Việt, dĩ nhiên trong đó có âm nôm thay vì đọc là nam.

VBL trang 568 ghi hai mục nômnói nôm, đây là cách đọc cổ nhất của chữ 喃 - không có tự điển VBL (1651) thì tìm hiểu cách đọc cổ của chữ[17] 喃 cực kì khó khăn. Trích từ bản dịch ra tiếng Việt của VBL (sđd) "Nôm: chữ mà người An Nam quen dùng để viết phương ngữ thông dụng, họ dùng thứ chữ đó để viết thư từ thông thường và người Trung Hoa không hiểu được" - xem hình chụp bên dưới:

 

  VBL trang 568

 

VBL trang 622

 

Do đó, ta có thể nói cách đọc chữ Nôm (thay vì chữ Nam) là một dấu ấn thời-không-gian (time-space impression) của ngôn ngữ: thời gian là khi chữ Nôm khởi sắc và cho ra các tác phẩm giá trị (cần thiết cho một nhà nước và văn học độc lập cũng như truyền thông ở biên giới phía Nam) hay là vào khoảng thế kỷ XII, XIII; không gian là địa bàn tỉnh Quảng Nam (< nước Quảng[18], kẻ Quảng) nơi mà phương ngữ vẫn còn đọc Nam là Nôm.

Một thí dụ về dấu ấn thời-không-gian trong ngôn ngữ gần đây hơn là cách dùng cụm danh từ cao bồi. Gốc từ tiếng Mỹ cowboy chỉ người chăm nom trâu bò trong nông trại, không có ý nghĩa tiêu cực như trong tiếng Việt hiện đại. Cow là con bò cái, boy là thanh niên hay con trai, cho nên cowboy[19] có nghĩa là người chăn gia súc. Thời gian tiếng Việt dùng cao bồi là khoảng thập niên 1960 khi binh sĩ Mỹ ồ ạt vào Nam Việt Nam[20] (<  quân lực đồng minh) và báo chí ở miền Nam VN bắt đầu đưa nhiều tin tức xã hội liên hệ cũng như cao bồi bắt đầu dùng với nghĩa tiêu cực. Không gian dĩ nhiên là thành phố Sài Gòn (Nam VN).

 

Tóm lại, tự điển VBL đã cho thấy cách dùng gió may, gió bấc (bớc, bắc), gió giung; đặc biệt là gió nam và gió nồm có nghĩa khác nhau, cũng như cách dùng của dân địa phương hiện đang ở ven biển Nghĩa An (Nguyễn Đăng Vũ, sđd) chứ không phải đồng nghĩa như một số sách vở đã đề nghị - tuy nam và nồm (nờm) có cùng một gốc (ngữ căn). Ngoài ra, âm cổ của nam còn được bảo lưu qua cách gọi chữ Nôm, một di sản vô giá của tiền nhân trong quá trình duy trì ngôn ngữ văn hóa của nước nhà, không khéo thì bị đồng hóa với TQ. Thêm vào chiều dài của thời gian (lịch đại) là chiều dài của nước Việt Nam trong quá trình mở rộng bờ cõi: nôm ghi lại vùng không gian của tiền nhân khi di cư và ổn định đời sống ở kẻ Quảng. Các giọng Quảng Nam/Quảng Ngãi vẫn còn bảo lưu cách đọc cổ của nam là nôm (đồng đại). Do đó, cách đọc nôm trong chữ nôm có thể coi như là một dấu ấn thời-không-gian của ngôn ngữ vậy. Nếu một phương ngữ như giọng Quảng khó có thể dùng làm "chuẩn[21]" được trong lịch sử hình thành tiếng Việt của cả nước, thì cách dùng chữ Nômgió nồm đã hóa thạch cách đọc này trong văn hóa dân tộc mà ít người nhận ra.

 

4. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

                                    (1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Lê Văn Chương (2017) "Làng Huế nói giọng Quảng Ngãi" đăng trên mạng Quảng Ngãi http://baoquangngai.vn/channel/2024/201705/lang-hue-noi-giong-quang-ngai-2812542/. Xem thêm các bài viết liên hệ đến các ốc đảo giọng Quảng rải rác ở Trung Bộ như Mỹ Lợi trang này chẳng hạn https://tuoitre.vn/lang-hue-noi-giong-quang-518598.htm ...v.v...

3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) "Đại Nam Quấc Âm Tự Vị" Tome I, II - Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d'Adran (SaiGon).

4) J. F. M. Génibrel (1898) "Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

                                     (1906) "Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).

5) Lã Minh Hằng (2013) "NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 - QUA KHẢO SÁT TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU" - bài viết cho Hội Nghị thông báo Hán Nôm Học năm 2013 - có thể xem toàn bài trang này http://xuandienhannom.blogspot.com.au/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-qua-khao.html

                                      (2013) "Khảo cứu từ điển song ngữ Hán-Việt Đại Nam Quốc Ngữ - nguyên bản Nguyễn Văn San" NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

6) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

7) Gustave Hue (1937) "Dictionnaire annamite-chinois-français" Imprimerie Trung-hoà - NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.

8) Phan Khôi (1954) "Việt ngữ nghiên cứu" NXB Đà Nẵng in lại (1997).

9) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) "Petit dictionnaire francais annamite" Imprimerie de l'union Nguyễn Văn Của (SAIGON).

10) Nguyễn Thị Tú Mai (2012) "Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỷ XVII qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica" Luận án TS Ngữ Văn - Đại Học Sư Phạm Hà Nội

11) Hoàng Thị Ngọ (1999) "Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

                                    (1999) "Phật Thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh - chữ Nôm và tiếng Việt" NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội.

                                    (2016) "Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa" Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải - NXB Văn Học (Hà Nội)

12) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

                                     (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

                                    “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

                                    "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

13) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).

                                    (1838) "Dictionarium Anamitico-Latinum, primitus inceptum ab illustrissimo" P.J. Pigneaux, dein absolutum et ed. a J. L. Taberd, Serampore.

14) Nguyên Thanh (2015) "NHỚ NGỌN GIÓ NỒM QUÊ TÔI" đăng trên trang mạng Đồng Hương Phong Điền.

15) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể xem toàn bài trên các trang http://www.daophatngaynay.com/vn/tap-chi-dao-phat-ngay-nay/Bai-viet-chon-loc/9925-A-Di-Da-Phat-hay-A-Mi-Da-Phat.html ...v.v...

                                          (2016) "Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf

                                          (2016) "Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes" - có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf

                                           (2016) “Huyền Tráng, Huyền Tảng hay Huyền Trang? Hiện tượng đồng hóa âm thanh (phần 2)” - có thể tham khảo hai bài viết này trên các trang mạng như http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-qt/con-nguoi-qt/21409-huyen-trang-huyen-tang-hay-huyen-trang-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-2.html

                                          (2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

                                          (2013) "Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì" có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

                                          (2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo - vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" - có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/. Có thể đọc loạt bài "Tiếng Việt thời LM de Rhodes" trên trang http://chimvie3.free.fr/76/ncthong_TiengVietThoiDeRhodes.htm …v.v…

16) Thái Công Tụng (2019?) "Gió và con người" có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://viethocjournal.com/2019/04/gio-va-con-nguoi-2/ …v.v…

17) "Từ Nguyên" (2014) Bản cập nhật của bản gốc 1979 do một số học giả TQ soạn thảo - NXB Thương Vụ Ấn Thư Quán (Bắc Kinh) .

18) Pierre-Gabriel Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

19) Nguyễn Đăng Vũ (2016) "Lạy trời cho có gió nồm ..." Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Quảng Ngãi - có thể đọc toàn bài trang này http://dsvh.gov.vn/Upload/files/5723_Lay%20troi%20cho%20co%20gio%20Nom.pdf

 

Phụ Trương

 

Tên gọi 16 hướng vào TK 17 bằng tiếng Anh và La Tinh

Tên riêng gọi 16 hướng gió trích từ cuốn “A Copious Dictionary in Three Parts” Latin-English (1664 - tái bản nhiều lần) của tác giả Francis Gouldman (c. 1607–1688/89), trích trang này https://books.google.com.au/books?id=_n1FAAAAcAAJ&printsec=frontcover&dq=inauthor:%22Francis+Gouldman%22&hl=en&sa=X&ved=0ahUKEwii06mZhabnAhXLXCsKHWb9AHwQuwUITTAF#v=onepage&q&f=false . So sánh các tên gọi La Tinh trong bảng liệt kê này với các tên gọi gió thời LM de Rodes và Béhaine/Taberd cho ra nhiều kết quả thú vị. Tiếng Việt vào TK 17 không có nhiều danh từ gọi gió dựa vào 4 phương chính và tên riêng (điển tích Hi Lạp/La Mã) như thế - nhu cầu cần thiết cho hàng hải.

 

                                                       



[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email [email protected]

[2] Học giả Gustave Hue (1937, sđd) ghi gió bắc ~ aquilon/P, gió bấc ~ bise/P (có thể là gió bắc và gió đông bắc). Cụ Trương Vĩnh Ký (1886 sđd) ghi bise là gió bắc, gió bấc, gió mùa đông (nghĩa mở rộng so với gió đông bắc).

[3] eurus/L có gốc là tiếng Hi Lạp cổ εὖρος (eûros) nghĩa là chiều rộng, chiều ngang. Eurus còn là thần gió đông của Hi Lạp cổ đại (Greek god of the south-east wind). Các tên gió hay hướng gió thường gắn liền với tên một vị thần (có khả năng siêu phàm làm ra mưa, gió). Xem thêm bảng liệt kê tên gió bên dưới (Taberd).

[4] Có thể là chép lại lầm (tam sao thất bản) trong các bản Nôm và chữ quốc ngữ, nhưng trong bài "Đề đô thành nam trang" 題都城南莊 thì dùng xuân phong 春風 so với đông phong 東風. Xuân phong vào thời Thôi Hộ và gần Trang An có khả năng cao là bắc phong chứ không phải là đông phong!

[5] Giọng Nam Bộ vẫn đọc may như là mai, chay như là chai, bay như là bai ...v.v...

[6] Có tài liệu ghi notozephyrusgió tây nam như trong cuốn “A Copious Dictionary in Three Parts” Latin-English (1664 - tái bản nhiều lần) của tác giả Francis Gouldman (c. 1607–1688/89) - xem Phụ Trương.

[7] Nếu theo cách định vị 4 hướng (4-wind version/A) của văn hào Hi Lạp Homer thì eurus là phía đông, notos là phía nam: do đó chữ ghép euronotos là (gió) hướng đông nam.

[8] Nên TQ còn gọi gió đông bắc là tín phong 信風 hay là gió mậu dịch/mậu dịch phong 貿易風 ~ trade wind/A

[9] Học giả Huỳnh Tịnh Của (sđd) còn ghi thêm gió nồm nam là "gió thổi lấn về cạnh tây nam, kêu là nồm trên".

[10] Học giả Huỳnh Tịnh Của (sđd) ghi gió chướng là "gió đông bắc".

[11] Học giả Gustave Hue (1937, sđd) giải thích gió vàng vent d'automne/P (gió mùa thu/NCT).

[12] Cách đọc phiên thiết của NT cho thấy âm *nəm  罱 có thanh điệu là thượng thanh. Khi xem khoảng 14 chữ Hán dùng nam 南 làm thành phần hài thanh thì có 7 trường hợp bình thanh (cũng như nam, nôm) hay là khoảng 50%. Để ý là thanh điệu của một từ có thể thay đổi khi thời gian hiện diện trong ngôn ngữ của từ này đã rất lâu như 墓 mộ, mồ, mã so với mô; 繼 kế kề ké kè ghẻ ghé ghè, 共 cùng cũng củng cộng cung, 研 nghiên nghiến nghiền nghiện nghiễn nghiện ...v.v...

[13] 䈒 lại có nghĩa là trúc non (弱竹也 nhược trúc dã) vào thời Quảng Vận, nghĩa nguyên thủy thời Ngọc Thiên (夾魚具 giáp ngư cụ) đã mất dần đi! Không những thế, cách đọc chữ 䈒 cũng thay đổi và trở thành 魯敢切 lỗ cảm thiết (QV) và cũng là cách đọc chuẩn. Điều này cho thấy hiện tượng lẫn lộn n-l đã có hàng ngàn năm trước trong văn bản mà ta có thể đọc được.

[14] Trích từ cuốn "Từ điển Mường Việt" Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành - NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội, 2002).

[15] Các dạng âm cổ phục nguyên của chữ Nam 南 theo các học giả tiền bối không hoàn toàn thống nhất, như theo Karlgren là nu:m, Lí Phương Quế/Chu Pháp Cao: nəm, Vương Lực: niuəm, Baxter: nom, Trịnh Trương Thượng Phương: nu:m, Phan Ngộ Vân: noom, Schuessler/Đổng Đồng Hòa: nə̂m

[16] td. bài viết "TRẬN KỶ DẬU TỪ TÀI LIỆU GỐC CỦA NHÀ THANH" của tác giả Nguyễn Duy Chính.

[17] Một điểm đáng chú ý là trong mục chữ (VBL trang 116) thì ghi là "chữ viết Trung Hoa", phần nào cho thấy tâm lí LM de Rhodes/cộng sự viên không xem chữ Nôm là quan trọng so với chữ Hán! Ý kiến này còn thể hiện trong PGTN trang 104 "Lộn lạo tiếng nói đoạn thì mới ra nước Đại Minh, mà Annam thì chịu đạo bởi nước ấy"…v.v… Tâm lí này khác với LM Maiorica trong quá trình truyền đạo (khai thác chữ Nôm).

[18] cách dùng nước Quảng (chỉ Đàng Trong), kẻ Quảng ghi trong tài liệu/bảng từ vựng tiếng Đàng Trong và La Tinh "Lexicon Cochin-sinense Latinum" của giáo sĩ Josepho Maria Morrone trao lại cho trung úy hải quân Mỹ John White ở Sài Gòn trước khi ông này rời Việt Nam trở về Mỹ năm 1820. Bảng từ vựng này đã được chép lại trong cuốn "A DISSERTATION ON THE NATURE AND CHARACTER OF THE CHINESE SYSTEM OF WRITING" tác giả là Peter Stephen Du Ponceau, nhà in M’Carty and Davis (1838 - Philadelphia, Mỹ).

[19] Tiếng Pháp từ TK XIX đã dùng danh từ cowboy, nhưng từ này nhập vào tiếng Việt trễ hơn - như không thấy trong các tự điển Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký (1886, 1920), Vallot (1899, 1904) nhưng xuất hiện trong các tự điển Pháp Việt như của Đào Duy Anh (1952), Thanh Nghị (1961) ...v.v... Không thấy dùng dạng Việt hóa cao bồi cho đến thập niên 1960. Giai đoạn này cho thấy ảnh hưởng tiếng Mỹ (American English) lan tràn khắp nơi so với tiếng Pháp của những thập niên trước, cùng với những phim cao bồi (Western films) nhập vào và trình chiếu ở miền Nam VN. Cách dùng OK (và OK salem) cũng xuất hiện trong thời kì này.

[20] Đến ngày 30/4/1969, số quân Mỹ tham chiến ở VN lên đến kỷ lục: 543.400 người.

[21] Theo sách Sách “Đại Nam nhất thống chí”, quyển 5 (tỉnh Quảng Nam - mục phong tục) thì “Chí như ngữ âm bình lượng, thị chư tỉnh vi thích trung, tuy kinh sư diệc dĩ Quảng Nam âm vi chính” tạm dịch: “Còn như tiếng nói thì bình dị rõ ràng, so với các tỉnh thì đây vừa thích trung, tuy kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/05/2016(Xem: 16132)
Hằng triệu dân Miền Nam nói chung trong các tôn giáo, nói riêng Quân, Cán Chính VNCH, (KiTô Giáo, Tam Giáo), tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương, đều thấy biết chốp bu (VIP) của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, đều là Tướng, Tá các cấp trong Tam giáo, do Đại Tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch có lời hiệu triệu kêu gọi toàn quân binh chủng tham gia Cách Mạng nhưng, những Tướng, Tá các cấp Cần Lao KiTô Giáo ngồi im và có hành động chống lại. Tức thì liền bị bắn chết ngay. Như Đại Tá Quyền (Cần Lao – Bộ Tư Lệnh Hải Quân) bị bắn chết trên xa lộ, do không tham gia, chống lại HĐQNCM. Nói rõ hơn, Tướng, Tá gốc Cần Lao Thiên Chúa không ai lên tiếng xin tham gia, đánh điện ủng hộ. Đến khi nghe ĐT Quyền bị bắn chết, liền gọi điện thoại, đánh công điện về Bộ Chỉ Huy Cách Mạng xin tham gia, nói lời ủng hộ. Nhưng, tất cả đều giả vờ, không thật lòng, là ý tưởng chung của các ông Cần Lao, họ đã hội kiến với nhau, với các giới KiTô trong nhà thờ, ngoài xóm đạo, là cứ giả theo, để rồi sau đó
23/04/2016(Xem: 11221)
Các giới văn học Việt Nam xưa nay, thường nói : “Là thi sĩ, ai cũng có tâm hồn rất lãng mạn, đa tình trước trăng, sao, núi non, sông, hồ, suối reo, biển cả, trời xanh, đồng nội cò bay, sắc hương nữ nhân và ưa ru với gió, mơ theo trăng và lơ lững cùng mây . . .”.
21/04/2016(Xem: 18444)
Tôi đã đọc trên internet một bài viết rằng nhiều đọc giả nói tác giả của bài thơ “Mất Mẹ” được trích dẩn trong cuốn truyện rất nổi tiếng “Bông Hồng Cài Áo” là của chính tác giả Nhất Hạnh. Lại có bài viết rằng nhiều người đã nghe trong chương trình phát thanh cũng nói tác giả bài thơ “Mất Mẹ” là của Thích Nhất Hạnh.
08/04/2016(Xem: 18770)
Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới, số 53, tháng 04 năm 2016, Những ngọn gió cuối mùa (hay đầu mùa?) đi ngang vườn cây vừa đơm lá mới. Những cánh hoa rơi còn vương vãi nơi này nơi kia, dưới những gốc cây lớn, nhỏ. Thỉnh thoảng, bụi và rác tung mù mịt theo gió. Gió qua rồi, rác nằm im, mà bụi hãy còn lơ lửng trong không. Bầu trời cuồn cuộn mây xám như thể chuẩn bị cho một cơn mưa lớn. Nhưng không. Chỉ có những hạt nước, nhỏ như bụi, lất phất rơi xuống thềm rêu xanh.
05/04/2016(Xem: 7307)
Với những bậc cha mẹ Việt sống tại hải ngoại, được nghe con nói tiếng mẹ đẻ là hạnh phúc lớn lao, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ. Làm thế nào để gieo cho con tình yêu tiếng Việt là câu hỏi lớn với những người làm giáo dục.
26/03/2016(Xem: 4936)
Những ngọn gió cuối mùa (hay đầu mùa?) đi ngang vườn cây vừa đơm lá mới. Những cánh hoa rơi còn vương vãi nơi này nơi kia, dưới những gốc cây lớn, nhỏ. Thỉnh thoảng, bụi và rác tung mù mịt theo gió. Gió qua rồi, rác nằm im, mà bụi hãy còn lơ lửng trong không. Bầu trời cuồn cuộn mây xám như thể chuẩn bị cho một cơn mưa lớn. Nhưng không. Chỉ có những hạt nước, nhỏ như bụi, lất phất rơi xuống thềm rêu xanh. Đừng nói sáo ngữ rằng ta là cát bụi sẽ trở về với cát bụi, khi chúng ta tiếp tục tham lam, theo đuổi không ngừng ý muốn chiếm hữu, tranh đoạt cho phần mình. Đừng nghĩ suông rằng cuộc sống mong manh vô thường, khi chúng ta chưa thực sự mở lòng thương yêu, cảm thông, đón nhận quan điểm và lẽ sống của người khác.
10/03/2016(Xem: 10568)
Hiện tượng đồng hóa âm thanh (linguistic assimilation) trong ngôn ngữ rất thường gặp: từ thanh điệu (điều hòa thanh điệu) cho đến các âm đứng gần nhau, phụ âm hay nguyên âm, đều có thể ảnh hưởng qua lạ i- nhất là trong khẩu ngữ. Điều này không làm ta ngạc nhiên vì âm thanh phát ra cũng phải tuân theo một số định luật vật lí tự nhiên của con người, khi lưỡi và họng ở những vị trí phát âm sao cho trôi chảy (nói) và thuận tai (nghe).
10/03/2016(Xem: 10289)
“This is SBS Radio The many voices of one Australia Broadcasting in Vietnamese Đây là SBS Radio Và sau đây là chương trình phát thanh Việt Ngữ”... Đó là nhạc hiệu mở đầu của Ban Việt Ngữ SBS Radio vào thập niên 1990 - mười lăm năm sau ngày đàn chim Việt tan tác lìa bỏ bầu trời quê hương. Mới đó mà đoàn lưu dân lê bước chân mục tử đã 40 năm rồi! Với hành trang tị nạn trên vai khi đến với SBS Radio, trong tôi vẫn còn đọng lại những thanh âm thảng thốt, kinh hoàng, van xin cầu khẩn của các thuyền nhân đồng hành khi gặp hải tặc Thái Lan, chuyến vượt biên bất thành đưa những con người sắp đến bờ tự do quay trở về quê cũ để rồi tất cả đều bị bắt vào tù, dù là trẻ con còn bồng ẳm trên tay. Đất nước tôi như thế đó, những con người còn lại trên quê hương sống vất vưởng đọa đày, những con người bỏ nước ra đi không nhìn được trời cao mà lại chìm mình dưới lòng biển lạnh
10/03/2016(Xem: 10176)
Năm 1979 thường được coi là điểm khởi đầu của nền báo chí Việt ngữ tại Úc khi số đầu tiên của tờ Chuông Sài Gòn được phát hành tại Sydney. Tờ báo này xuất bản 2 tuần một lần và sau đó đã trở thành một tuần báo. Trong vòng bốn thập niên qua, truyền thông tiếng Việt đã trải qua thời kỳ phát triển không khác chi truyền thông của các cộng đồng văn hóa đa nguyên khác, theo nghĩa là ngành này đã phát triển về số lượng cũng như sức mạnh theo đà phát triển của cộng đồng nói tiếng Việt.
05/03/2016(Xem: 11703)
Chiều xuống giữa ngàn cây, Sương lam hòa trong mây Cỏ dại lấp lối đi Lữ khách dừng chân nghỉ Lắng nghe tiếng nước chảy Lần theo suối đi mãi Hết đường – một hồ vắng Nước lặng loáng trăng vàng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]