Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Người Đi Hắt Bóng Trong Tâm Ảnh - Vài Suy Nghĩ Nhân Đọc Tập Thơ “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” Của Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ

27/08/201906:28(Xem: 10987)
Người Đi Hắt Bóng Trong Tâm Ảnh - Vài Suy Nghĩ Nhân Đọc Tập Thơ “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” Của Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ

nguyen luong vy-2

Người Đi Hắt Bóng Trong Tâm Ảnh

Vài Suy Nghĩ Nhân Đọc Tập Thơ “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” Của Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ

 

Huỳnh Kim Quang


“People find out who they are by writing.” 
Grace Cavalieri

Tôi đến thăm nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, người vừa ra mắt tập thơ thứ 13, “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian,” hôm 24 tháng 8 năm 2019, tại một quán cà phê trong vùng Little Saigon.
Trông anh gầy đi sau nhiều lần giải phẫu tim và phải nằm tại viện điều dưỡng để được chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn. Nhưng nụ cười trên môi anh vẫn không hề suy suyển dù đôi mắt ngày càng ẩn kín sâu hơn trong cặp kính dày cộm.
Cầm tập thơ mới tinh còn nóng hổi mà anh tặng, đang nhìn chầm chập vào hình bìa có ngụm máu đỏ tươi phun vọt ra, tôi chưa kịp cảm ơn thì người bạn trẻ Tô Đăng Khoa đứng cạnh bên đã lên tiếng:
- Máu của Huệ Khả đó!
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ tiếp lời:
- Giọt máu ngộ đạo của Huệ Khả.
Tôi phụ họa theo:
- Nhờ máu từ cánh tay mới chặt đó mà Tổ Huệ Khả đã “tìm không thấy tâm ở đâu.”

Huệ Khả là tổ thứ hai nối nghiệp Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma. Truyền thuyết cho rằng khi Thần Quang (thế danh của Tổ Huệ Khả) đến Động Thiếu Thất cầu đạo, nhưng Tổ Đạt Ma cứ ngồi diện bích hoài mà không đoái hoài gì tới. Bấy giờ Thần Quang mới lấy thanh gươm chặt đứt một cánh tay và quăng trước mặt Bồ Đề Đạt Ma. Lúc đó Tổ Đạt Ma mới quay lại và hỏi Thần Quang đến đó cầu gì. Thần Quang nói đến để cầu pháp an tâm. Tổ Đạt Ma kêu Thần Quang đưa tâm cho ngài an. Thần Quang nói tìm tâm không thấy. Đạt Ma nói ta đã an tâm cho ngươi rồi, đặt Pháp Hiệu Huệ Khả, và truyền Kinh Lăng Già đề kế nghiệp Tổ Sư Thiền tại Đông Độ [tức Trung Hoa].

Hai câu nói của anh Nguyễn Lương Vỵ và Tô Đăng Khoa làm cho tôi ngộ ra một điều rất thực rằng là thơ của Nguyễn Lương Vỵ chính là máu huyết của anh tuôn ra thành lời.

Buổi chiều cuối hạ hôm đó, ngồi một mình ở quán cà phê vắng đọc “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” tôi mới thấy điều mình vừa ngộ ra quả thật không sai.
“Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” là bước lịch nghiệm tận cùng ý nghĩa sâu thẳm nhất về cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.

Khuya tháng tư thinh lặng uy nghi
cuối đời ta chẳng tiếc điều gì
phím gõ lăng nhăng như giẻ rách
thân già lãng đãng tợ âm ti
người đi hắt bóng trong tâm cảnh
kẻ ở in hình giữa loạn ly
lệ khô đêm tận ngồi như núi
một đống chiêm bao đến rủ đi…

Tôi giật mình khi đọc đoạn thơ thứ 3 này của bài thơ Không Đề Tháng Tư trong Âm Tuyết Đỏ Thời Gian! Sau giật mình là cảm giác “thích thú” khi bắt gặp một bài thơ có nội hàm Phật Pháp cao thâm như thế. Phải cả đời hít thở và sống với không khí của Phật Pháp thì mới có thể “ngộ” được những sự thật vi diệu như vậy. 


Nha tho Nguyen Luong Vy

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ trong buổi gặp gỡ bằng hữu ra mắt tập thơ “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian.” (Ảnh Tô Đăng Khoa)



Quả thật không sai. Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ trong bài thơ này đã cho chúng ta thấy rằng ông ngồi thiền cả đêm, “đêm tận ngồi như núi.” Ngồi như núi là thế ngồi thiền vững chãi trong pháp tu thiền xưa nay, đặc biệt Phái Thiền Tào Động. Khi ngồi vững chãi như núi thì thân mới an và tâm mới tịnh. 
Nhờ thiền quán, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã ngộ ra rằng “người đi hắt bóng trong tâm cảnh,” tức là sự hiện hữu của con người chỉ là cái bóng hay cái cảnh của tâm. Điều này giống như trong Duy Thức của nhà Phật nói rằng tất cả các pháp, gồm con người, chỉ là cái ảnh của thức biến, cũng có nghĩa là không có tự ngã, không có thật. Cho nên, ở tuổi 65 -- lúc ông làm bài thơ này, tháng 4 năm 2017, ông sinh năm Nhâm Thìn, 1952 – nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ có thể buông xả mọi thứ “chẳng tiếc điều gì,” và ngay cả những gì ông sáng tác trong đó chủ yếu là thơ cũng chỉ là “lăng nhăng như giẻ rách.” 
“Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” cũng là tựa đề của bản trường ca gồm khoảng 360 câu. Bản trường ca “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” là những lời độc thoại sâu sắc, đầy cảm thán nhưng không tuyệt vọng về cuộc đời. Đó là những bước đi lịch nghiệm cuộc đời của nhà thơ, từ lúc còn thơ ấu đến khi về già. Bàng bạc trong bài trường ca là những trầm tư về ý nghĩa cuộc đời, những trải nghiệm của cuộc sống, và tình mẹ “như đất trời bất tuyệt.”
Nhà thơ họ Nguyễn chiêm nghiệm cuộc đời có rất nhiều đau khổ, giống như đức Phật đã dạy về sự thật thứ nhất [khổ đế] trong bốn sự thật (Tứ Diệu Đế) rằng cuộc đời là khổ. Cuộc đời vốn đã khổ mà còn khổ hơn khi ở vào “thời mạt pháp.” Theo nhà Phật, “thời mạt pháp” là thời kỳ sau Phật ra đời khoảng một ngàn năm, phước đức con người suy vi, nhân tâm điên đảo, pháp nhược ma cường [pháp chân chánh thì suy yếu mà pháp tà ngụy thì mạnh]. Cho nên mới có cảnh “chân dung người chân dung ma sóng đôi,” hoặc là “chật ních chỗ ngồi ma về đông đủ, phủi chân vỗ tay và hát rân trời.”

kiếp người đó ư?!giữa thời mạt pháp
rất nhiều khi sầu ngất những hiên đời
hiên xám máu xô ngang triều gió giật
chân dung người chân dung ma sóng đôi

kiếp người đó ư?! đành thôi thế thôi
trùng vây oan khiên ta nuốt hết rồi
chật ních chỗ ngồi ma về đông đủ
phủi chân vỗ tay và hát rân trời

Ma loạn lên như thế thì làm sao cuộc đời yên ổn được! May mà nhà thơ đã học được pháp Phật có đủ bản lãnh để “trùng vây oan khiên ta nuốt hết rồi.”
Cảm nhận thân phận mình, có lúc nhà thơ đã thốt lên những lời cảm thán làm động lòng người, tưởng chừng như lời bộc bạch của kẻ sắp lên đường đi xa:

ta đã gửi suốt một đời lầm lũi
đời mồ côi thương hạt bụi điêu linh
bụi ca hát cùng ta mơ chin suối
mộng mười sông đông đủ gió thâm tình!!!

khuya nứt nở hồn sơ sinh rướm huyết
tuyết băng ơi và ngấn lệ kia ơi
lời tri ngộ cũng là lời vĩnh quyết
mở lòng tay nghe tỉếng nấc xa xôi

nghe thời khắc nhắn người đi kẻ ở
lá đầu cây rung máu lá trong cây
ta vẫn đợi người về trong hơi thở
tự nhủ thầm: Âm-tuyết-đỏ-trong-tay!!!...

Mấy chữ “âm tuyết đỏ trong tay” làm người đọc không khỏi liên tưởng đến một ngụm máu đỏ vừa phun ra trong lòng bàn tay. Đó phải chăng là lời tự tình phụt  ra từ máu huyết xương tủy trinh nguyên như băng tuyết! Có lẽ lúc đó nhà thơ đang trải qua thời khắc bi cảm nhất của một “hạt bụi điêu linh.”
Đứng trước giây phút sanh tử biệt ly của kiếp ngưởi khổ nhiều hơn vui, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ vẫn không bi quan quay mặt với cuộc đời, vẫn không chạy trốn khỏi trần gian:

chào ta nhé một kiếp người lầm lũi
ấy tuy nhiên xin kiếp nữa làm người
người với ngợm với ma ngồi đắm đuối
niệm vô thường niệm mãi vẫn khôn nguôi

chào ta nhé khẽ thôi rồi bặt tiếng
ấy tuy nhiên mộng huyễn đã vang lừng
âm đã vút trên tầng không én liệng
lá đầu cây sông cuối bến sương rung

chào ta nhé điệp trùng ta kẻ lạ
ấy tuy nhiên ta đã gặp ta rồi
thì cũng chẳng đặng đừng chi nữa cả
lá hừng đông sông chuyển dạ thế thôi

Thì ra là vậy. Thảo nào nhà thơ họ Nguyễn chẳng sợ kiếp người lầm lũi và điêu linh này! Ông đã tóm được bửu bối để đối trị với cuộc đời khổ đau, hay nói theo từ ngữ kiếm hiệp Kim Dung, là ông đã luyện xong bí kíp độc môn võ lâm của nhà Phật. Mỗi niệm đều quán các pháp vô thường. Đã vô thường thì sinh diệt không ngừng nghỉ. Đã sinh diệt liên tục thì không tồn tại ở một vị thế nào vĩnh viễn, không cố định. Điều đó cho thấy các pháp vốn không có tự ngã, không có tự thể. Chúng là không. Chúng chỉ là sương rụng khi cây rung. Chúng chỉ là mộng huyễn. Thế thì tại sao phải sợ mà lẫn tránh cuộc đời! 
Ngộ được điều đó, cũng có nghĩa là “đã gặp lại ta rồi.” Ta ở đây là “bản lai diện mục” [mặt mũi đích thực của mình xưa nay], như nhà Thiền đã nói. 
Tập thơ “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” ngoài phần chính là thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, còn có phần phụ lục các bài viết về Nguyễn Lương Vỵ của Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Thị Khánh Minh, Tô Đăng Khoa, và Lê Lạc Giao.

Tập thơ “Âm Tuyết Đỏ Thời Gian” dày 190 trang, bìa màu, giấy hẩm rất đẹp, do Nhà Xuất Bản Văn Học ấn hành tháng 8 năm 2019.
Độc giả có thể liên lạc với NXB Văn Học qua địa chỉ, điện thoại và email: 

Văn Học Press 
22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978
email: [email protected]  • Facebook: Van Hoc Press

Tập thơ Âm Tuyết Đỏ Thời Gian đề giá USD 15.00. Đặc biệt, thi tập đang để bán toàn cầu trên Barns & Noble, với Search Keywords: am tuyet do thoi gian. Hoặc bấm vào đường dẫn đã rút ngắn sau: https://pgvn.org/d_y6qsg5 
Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.



Ý kiến bạn đọc
29/01/202008:56
Khách
Con xin tỏ lòng biết ơn đến tác giả bài viết này. Con cũng đọc được một bài viết trên Hoavouu, con đang tìm mua tập thơ này nhưng chưa thấy. Nếu có thể xin cho con đăng ký.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/04/2012(Xem: 4001)
Tôi thường mong mỏi những người biết chữ tuổi chặng 50 trở lên thì giờ rảnh viết lại những gì mình nghe, mình thấy, mình biết ở nơi quê hương mình. Nay nhân 20.11, kỷ niệm Ngày nhà giáo, tôi xin khoanh gọn: hãy viết về những Thầy Cô giáo cũ ở địa phương mình, tả dáng dấp, nói qua đời sống gia đình của thầy, cả tính đặc biệt và vài mẫu chuyện về thầy.
30/03/2012(Xem: 3361)
- Bác gắng tăng thêm tốc độ. - Dạ. - Gắng tăng thêm nữa. - Dạ. Người tài xế bặm môi nhíu sát hai lông mày vào nhau. Những nếp nhăn hằn lên, khổ sở. Tôi chong mắt nhìn ra trước xe. Những cánh đồng trải rộng, trải dài, lác đác có thôn ấp nấp sau những lũy tre. Chúng nằm bất động, cản ngăn tầm mắt khiến tôi có cảm tưởng là xe vẫn còn chạy chậm. Tôi muốn giục thêm bác tài nhưng tự nhiên thấy mình khiếm nhã. Tôi đã giục nhiều lần rồi. Giục thêm, có khác nào bảo rằng bác ta thiếu thiện chí hay kém tài năng.
30/03/2012(Xem: 6301)
Ông bạn rót thêm tách trà đẩy về phía tôi: - Mời thêm tách nữa, trà này coi vậy mà uống được. Im lặng chợt ông ngước mặt nhìn tôi: - À! Chợt nhớ ra. Hôm Phật Đản cách nay mười năm, tôi lên chùa Long Sơn dự lễ. Lễ đường chật ních người. Các giáo phẩm, các đạo hữu, các khuôn hội, các thầy trò trường Bồ Đề, chuông trống vang rền, ai nấy quỳ xuống. Mà sao tôi thấy ông lẽ loi đứng chắp hai tay mắt hướng nhìn tượng Phật?
28/02/2012(Xem: 3161)
Kể từ khi khái niệm "toàn cầu hóa" ra đời, thế giới đã chuyển sự chú ý vào văn hoá. Và chỉ trong một thời gian ngắn, văn hóa truyền thống đã trở thành nền tảng cho mọi sự phát triển bền vững, toàn diện, trong khi trước đó không xa, người ta chỉ xem nó như một nét viền mờ nhạt của kinh tế. Lẽ ra thế giới phải nhận thức về vai trò quan trọng của văn hoá truyền thống từ lâu rồi mới phải. Nhưng vì sao lại có sự chậm trễ này?
18/02/2012(Xem: 13036)
Thiếu CHÁNH KIẾN trong sự tu hành chẳng khác gì một kẻ đi đường không có BẢN ĐỒ, không có ÁNH SÁNG rất dễ bị dẫn dụ đi theo đom đóm, ma trơi.
01/02/2012(Xem: 17578)
Một tấm lòng, một con tim hay một thông điệp mà Mặc Giang nhắn gởi: “Cho dù 10 năm, 20 năm, 30 năm. Năm mươi năm nửa kiếp còn dư, Trăm năm sau sỏi đá còn mềm...
01/02/2012(Xem: 10557)
Muôn nhờ Đức Phật từ bi Giải oan cứu khổ độ về Tây Phương (Nguyễn Du) Mỗi khi gặp nhau, những người Phật tử Việt Nam thường chào hỏi với nhau bằng cách chắp tay trước ngực và niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà, và khóa tụng kinh buổi tối thì gần như hầu hết các chùa, nhất là các chùa ở miệt nhà quê không gọi là đi tụng kinh mà gọi là đi Tịnh Độ. Điều ấy chứng tỏ rằng tín ngưỡng Di Đà đã gần như được tuyệt đại đa số xuất gia cũng như tại gia, trí thức cũng như bình dân đều hết lòng tin theo và thọ trì.
24/01/2012(Xem: 13811)
Vănhọc Phật giáo nói chung, văn học Phật giáo Việt Nam nói riêng dứt khoát phải thể hiện giáo lý nhà Phật, mà cụ thể là thểhiện vấn đề về bản thể luận, về giải thoát luận và những con đường tu chứng. Để biểu lộ nội dung trên, văn học Phật giáo phải có một nghệ thuật tương xứng. Ở bài viết này sẽ đề cậpmấy nét đặc sắc về nghệ thuật của văn học Phật giáo. Khi trình bày vấn đề, chúng tôi chọn văn học Phật giáo Lý-Trần đểminh họa, bởi lẽ văn học Phật giáo Lý- Trần là kết tinh của những tinh hoa văn học Phật giáo Việt Nam.
24/01/2012(Xem: 3021)
Trong nhiều năm tôi đã nhớ mình viết bài luận văn “Khai bút” vào đêm giao thừa. Bài đó được chấm mười một điểm rưỡi trên hai mươi. Trong khung lời phê, cô giáo ghi...
23/01/2012(Xem: 18167)
Xuân hiểu là một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt xinh xắn, trong trẻo, hồn nhiên, thuần túy tả cảnh buổi sớm mùa xuân thật thơ mộng. Bài thơ có lẽ được viết khi Trần Nhân Tông còn trẻ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]