Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Ngày Nắng Gắt

17/08/201907:22(Xem: 3163)
Những Ngày Nắng Gắt

Day 3_khoa tu ky 31-tai Bi (38)
Những Ngày Nắng Gắt

Thích Như Điển

 

Âu Châu nầy mỗi năm có 4 mùa rõ rệt. Đó là Xuân, Hạ, Thu và Đông. Mùa Xuân thường bắt đầu sau những tháng ngày lạnh giá của tháng Giêng, tháng Hai... Lúc ấy cây cỏ xanh tươi, cây cối đâm chồi nẩy lộc và muôn hoa đua sắc thắm. Chim đua nhau chuốt giọng trên cành, ong bướm tha hồ bay liệng đó đây để đón Chúa Xuân sang. Khung cảnh ở đây mấy mươi năm nay đều như thế. Mùa Hè bắt đầu với những đêm hầu như không bao giờ tối, và những ngày mới bắt đầu đón nhận ánh thái dương có khi từ hai hay ba giờ sáng cũng là chuyện thường tình. Nghe đâu ở Na Uy, thuộc miền Bắc của Âu Châu nầy, nhiều ngày mùa Hạ không có đêm tối. Nghĩa là khi mặt trời vừa lặn ở phía Tây thì kế đó mặt trời lại mọc lên ở phía Đông liền, khiến cho ai đó mới đến xứ nầy cũng sẽ ngỡ ngàng không ít.

 

Mùa Thu thì quá đẹp rồi. Có ai trong chúng ta không thích mùa Thu, dẫu cho người đó không là thi nhân đi chăng nữa, thì mùa Thu cũng sẽ mang lại không khí êm đềm của ánh trăng thanh lúc tối đến, với những chiếc lá vàng bay lờ lững trên không trung, lượn vòng nhiều lần trước khi gửi thân vào dòng nước hay mặt đất khô cằn. Vì vạn vật cũng như thiên nhiên đã trải qua một thời gian 3 tháng ít mưa hơn nắng của mùa Hạ, nên Thu đến mang cho ta bao cảm giác nhẹ nhàng, khiến cho ai đó dầu cho có khó tính đến mấy đi chăng nữa thì cũng dễ hòa nhập vào với cái lạnh nhè nhẹ thổi khắp bờ vai do gió Thu mang lại. Để rồi mùa Đông sang, những bông tuyết đầu mùa rơi lả tả đó đây, phả vào người, vào núi vào sông, vào cỏ cây vạn vật, như không chừa một ai cả. Đấy là năng lực của Đông sang. Con người thì có được sưởi ấm từ củi lửa hay máy sưởi hiện đại; nhưng cầm thú thì phải dùng trí thông minh của mình để tom góp thức ăn trong hang để dự trữ cho cả ba tháng dài. Tiếp đến là việc sinh con, đẻ cái để nối dõi dòng họ của mình. Ở Âu Châu ít có thú dữ như: Sư Tử, hổ, báo, mèo rừng, cá sấu v.v… nhưng những loài động vật cơ bản nhỏ hơn vẫn phải tìm cho mình một hang động để nương thân trong suốt thời gian 3 tháng Đông về giá buốt ấy.

 

Trên đây là 4 mùa rất rõ rệt về khí hậu và thời tiết của Âu Châu cũng như Mỹ Châu; còn Á Châu, Phi Châu và Úc Châu thì lại khác. Ví dụ trong khi Âu Châu mùa Hè thì Úc Châu lại là mùa Đông và ngược lại Úc Châu mùa Xuân thì Âu Châu mùa Thu. Đây là do cách sắp đặt của đất trời vạn vật. Xưa nay vẫn là như vậy; chỉ có con người, nếu chưa một lần đến đó thì sẽ ngỡ ngàng khi gặp phải chuyện khó tin nầy, nhưng nếu ai đó đã một lần trải nghiệm thì câu trả lời là: Ở đây là thế đó. Hãy chấp nhận nó như là. Còn Á Châu và Phi Châu, ngoại trừ những xứ như Nhật Bản, Hàn Quốc, phần Bắc của Trung Quốc thì Á Châu mỗi năm chỉ có hai mùa mưa nắng chứ không đầy đủ bốn mùa như tại Âu hay Mỹ Châu.  Con người sống trong những đại lục nầy bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên cũng như thời tiết không ít. Từ đó ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, tập tục, tín ngưỡng v.v… lại không đồng. Ấy là lẽ tự nhiên. Loài người phân chia với nhau qua ngôn ngữ và hình tướng; nhưng động vật hầu như không khác nhau bởi tiếng gáy, tiếng hót hay tiếng rống của muôn loài. Phải chăng vì loài vật chưa có văn hóa và tư tưởng riêng, trong khi loài người cũng là một động vật, nhưng động vật ấy có lý trí, khôn ngoan hơn loài cầm thú, nên mới thiết lập ra những phạm trù khác nhau như vậy để thể nghiệm cuộc sống tâm linh của mình? Nếu loài người không có văn hóa và văn minh thì chẳng khác nào những loài hoang dã khác, nhưng nhiều khi ngẫm nghĩ lại có nhiều loài thú bảo vệ thiên nhiên còn kỹ càng hơn cả loài người. Chúng giết hại nhau để sinh tồn, nhưng môi sinh và môi trường vẫn được bảo vệ tốt. Trong khi loài người tự cho mình là loài động vật có lý trí cao và văn hóa hơn những loài động vật kia, nhưng ngày nay nhìn khắp năm châu bốn biển, nơi nào cũng bị lụt lội, gió bão, Tsunami cuốn trôi đi những sinh mạng và tài sản của con người đã tạo ra bằng chính mồ hôi nước mắt của mình.

 

Thông thường mùa Hè ở Âu Châu ngày nóng nhất cũng chỉ lên đến 30 độ Celcus là nhiều, nhưng năm nay lại khác. Những ngày lễ của Chùa Viên Giác tại Hannover được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 30 tháng 6 năm 2019 vừa qua, ai ai cũng ngán với độ nắng nóng của Âu Châu lần nầy, ngay cả những vị đến từ Á Châu như Ấn Độ hay Việt Nam đã quen với khí hậu nhiệt đới, nhưng cũng phải than thầm hoặc thành tiếng khi cái nóng của Âu Châu lần nầy đâu có khác gì Á Châu là mấy. Tuy nhiên có một điều là cả mấy trăm Tăng Ni và mấy ngàn Phật Tử về dự 4 ngày lễ hội nầy, đều tiếp nhận được những pháp vị cam lồ tươi mát từ chư Tôn Đức tỏa ra, cũng như những gương mặt thuần hậu của Phật Tử bốn phương quy tụ về, nên ai ai cũng cảm nhận được rằng: Chính nhờ năng lượng từ bi và trí tuệ của chư Tôn Đức cũng như của mọi người về tham dự đã hóa giải được cái nóng sôi sục kia, mà Âu Châu trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng đã chưa từng hứng chịu như vậy. Người và cảnh, cảnh và người luôn là những hiện tượng đối đãi với nhau và tự nó đã như là những gì có thể nối kết cũng như cảm nhận để được là như vậy. Những tưởng những ngày lễ hội như vậy sẽ có nhiều vấn đề như hỏa hoạn, tai nạn có thể xảy ra, vì số người quá đông, nhưng được Phật từ bi gia hộ nên mọi khâu tổ chức đều hoàn thành một cách ngoài dự tưởng (xem thêm bài “Đức Chúng như hải“ cùng tác giả) cũng như bài (“Giấc mơ trở thành sự thật“ của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc).

 

Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 31 lần nầy được tổ chức tại Dinant, Bỉ Quốc cũng đã hứng chịu những tia nắng nóng ngất trời vào những ngày 23 đến 28 tháng 7 năm 2019 vừa qua; khiến cho gần cả ngàn học viên và chư Tăng Ni không thể nào bước ra ngoài nhà trai để lên Chánh điện kinh hành nhiễu Phật được. Những ngày nầy nhiệt độ ít nhất cũng là 37 độ C. Nhìn những cụ già lấy tay che nắng, nhìn những em bé đoàn sinh Gia Đình Phật Tử hay Đại Học Oanh Vũ mà cảm thấy thương thay, vì dường như tất cảchưa bao giờ chịu đựng cái nắng nóng ở Âu Châu như vậy. Hòa Thượng Đệ Nhất Chủ Tịch luôn nhắc gọi những người tham dự khóa tu, dù già hay trẻ, lớn hay bé phải uống nước nhiều vào để chống lại cái khát và làm cho cơ thể mát dịu hơn. Cũng rất may là  suốt cả 10 ngày ấy đã chẳng xảy ra một sự kiện nguy khốn nào, mặc dầu tất cả chư Tăng Ni và các học viên phải chịu đựng đến 7 ngày nắng nóng trong 10 ngày như thế. Cũng có thể nói đây là Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu bị hứng chịu cái nóng nhiều nhất ở độ cao như vậy. Kết quả rất khả quan, khi Thượng Tọa Trưởng Ban tổ chức khóa tu đọc lời bế mạc với bao thành quả đạt được qua việc tu cũng như việc học và hành trì, nên mọi người đã nhẹ nhõm ra về với gói hành trang nặng trĩu chất liệu yêu thương giữa con người và con người, cũng như giữa sự vật và ngoại cảnh. Nguyện sẽ tiếp tục cho hành trình tâm linh của mỗi người vào Khóa Tu Học Phật Pháp của năm tới.

Day 3_khoa tu ky 31-tai Bi (7)Day 3_khoa tu ky 31-tai Bi (9)

 

Mùa tu học cũng là mùa để tưởng nhớ đến ân đức giáo dưỡng của những bậc tiền bối hữu công với Đạo; đồng thời Giáo Hội Âu Châu lúc nào cũng không quên ơn gầy dựng Giáo Hội của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, nên buổi lễ tưởng niệm vào Chủ nhật ngày 28/7/2019 về bốn đời Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và lễ húy kỵ Hòa Thượng Cố Chủ Tịch, đã làm cho hàng ngàn con tim thổn thức và cũng có nhiều người không ngăn chận được những giọt lệ chảy dài trên hai gò má qua lời dẫn nhập thâm trầm của Thượng Tọa Thích Hoằng Khai, Tổng Thư Ký của Giáo Hội. Đây là những hình ảnh đẹp mà muôn đời Phật Giáo Việt Nam tại Âu Châu sẽ không bao giờ quên được cho “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng; nghĩa Ân sư muôn kiếp khó đáp đền“ là vậy. (xem thêm bài và tin tức của Thượng Tọa Hoằng Khai đã viết).

 

Nhật Bản là một quốc gia Á Châu, nhưng có khí hậu cũng tương tự như Âu Châu, nghĩa là một năm có 4 mùa rõ rệt. Nơi đó, gạo cơm, nước uống, vật thực…tôi đã cậy nhờ thọ dụng từ năm 1972 đến 1977, hơn 5 năm dài như vậy ở xứ mặt trời nầy, nên mỗi lần trở lại Nhật Bản là một kỷ niệm khó quên. Năm nay 2019 lễ Đại Tường giáp hai năm của Cố Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, người khai sơn nên Chùa Việt Nam đầu tiên tại Aikawamachi, huyện Kanagawa gần Tokyo và tôi đã cùng Thầy Hạnh Bổn và Thầy Trung Thành về đây cũng trong những ngày nắng Hạ từ 1 đến 4 tháng 8 năm 2019 vừa qua. Chuyến đi nầy cũng là một chuyến đi lịch sử, vì tôi chưa bao giờ bị cái nắng gay gắt của Đông Kinh, rồi Kyoto, Nara và Shimonoseiki hành hạ như vậy. Đúng là một năm có cả ba nơi cùng một mùa Hè; nhưng là một mùa Hè đáng ghi nhớ suốt đời của mình. Tôi sẽ cố gắng ghi lại đây từng chi tiết một để những vị nào chưa có duyên đi Nhật thì lấy đó làm một bản đồ nho nhỏ dò đường.

 

Chuyến bay A380 của hãng Emirates đã đưa Thầy trò chúng tôi bay từ Hamburg đến Dubai tốn độ hơn 6 tiếng đồng hồ vào tối ngày 1 tháng 8 năm 2019 vừa qua. Phi trường Dubai có thể nói là một trong những phi trường mới nhất và hiện đại nhất của thế giới ngày nay. Vì mới phát triển, nên sân bay cũng mới, rộng rãi, thoáng mát có thể chứa nhiều ngàn người trong một lúc và máy bay tất cả đều mới được mua của Âu Châu hay Hoa Kỳ, nên rất hiện đại và giá cả lại rất được lòng khách; nghĩa là không đắc quá mà cũng không rẻ quá so với các hãng khác; đặc biệt khâu phục vụ của các chiêu đãi viên trên máy bay thì không chê vào đâu được và có đến 14 ngôn ngữ có thể trao đổi trên máy bay, nếu hành khách ấy không biết tiếng Anh hay những ngôn ngữ Âu Châu khác. Chỉ có vấn đề ăn chay là hơi tệ hơn các hãng khác một chút, vì Dubai chỉ có một món chay duy nhất của Hindu, do vậy lúc nào cũng thấy curry Ấn Độ đi kèm, dầu cho đó là bữa sáng, bữa trưa hay buổi tối. Chúng tôi đợi tại phi trường Dubai chừng hai tiếng đồng hồ, sau đó bay tiếp đến phi trường Haneda, thuộc thủ đô Tokyo. Sau hơn 10 tiếng bay ngang qua Ấn Độ, Trung Quốc, Đại Hàn, cuối cùng chúng tôi đã đáp xuống phi trường mà cách đây 48 năm về trước chúng tôi lần đầu tiên đã đáp ở đó, nhưng lần nầy thì Haneda rất lớn và khác xa lần trước rất nhiều. Dĩ nhiên là trong thời gian từ năm 1977 cho đến 2019, trong khoảng thời gian hơn 42 năm ấy, sau khi rời Nhật Bản tôi đã nhiều lần trở lại Nhật, nhưng thường thì hạ cánh ở Osaka, hay Narita chứ không phải Haneda như lần nầy. Tất cả đều đổi mới, làm tôi ngạc nhiên vô cùng.

 

Khoảng 1 giờ khuya sáng sớm ngày 2 tháng 8 năm 2019, Thầy trò chúng tôi đã có mặt tại chùa Việt Nam, nơi Thầy Nhuận Ân đang Trụ Trì và trước đây do cố Hòa Thượng Thích Minh Tuyền khai sơn, nhưng Ngài đã ra đi cách đây 2 năm về trước, và lý do chính tôi đến Nhật Bản lần nầy là để tham dự lễ Đại Tường của Ngài. Buổi trưa hôm sau có lễ bạch Phật khai kinh, cung tiến Giác Linh. Buổi chiều tụng Kinh Vu Lan và tối ngày 3 tháng 8 là một đêm lễ hội đặc biệt nhằm tưởng nhớ đến ân đức sinh thành của Mẹ Cha, nên  Sư Cô Giới Bảo đã dàn dựng lên một lễ rửa tay chân cho Cha Mẹ để thể hiện người con hiếu hạnh. Hôm đó tôi đã nói chuyện với mọi người một hồi lâu bằng Nhật ngữ, vì có rất đông trẻ em Việt Nam sinh ra tại Nhật không rành tiếng Việt lắm; sau đó nhờ Thầy Triệt Học, là một học giả của Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản, dịch dùm ra Nhật Ngữ khi tôi bắt đầu bằng tiếng Việt về nhiều câu chuyện trong Nam Hải Phổ Đà Sơn Dị Truyện, nói về sự hiện thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là một người Mẹ bằng da bằng thịt của mình; cũng như câu chuyện về niệm ân và báo ân khi Phật còn tại thế của một ông già ăn xin. Ai nấy cũng đều lắng đọng tâm tư để nghe cả phần Nhật Ngữ và Việt Ngữ nầy. Hôm đó bên ngoài trời cũng nóng ghê hồn, nếu mở cửa ra là chịu không nổi với làn gió như lửa từ bên ngoài cửa sổ hắt vào. Xen kẽ vào đó có những bài ca, bài hát nói lên tình Mẹ bao la như biển Thái Bình. Nếu năm 1960 khi Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh đến thăm Hòa Thượng Thích Thiên Ân đang học tại Nhật nhân ngày Haha no Hi (ngày của Mẹ) và Thầy Nhất Hạnh đã được cài lên mình cành hoa Cẩm chướng màu đỏ, sau khi về lại Hoa Kỳ, Thầy Nhất Hạnh bắt đầu viết tác phẩm Bông Hồng Cài Áo từ những ngày đầu thập niên 60 của thế kỷ trước và nay tác phẩm nầy đã được dịch ra trên 50 ngôn ngữ của thế giới. Mặc dầu tác phẩm nầy không nhiều trang như những tác phẩm khác của Thiền Sư Nhất Hạnh, nhưng rất có giá trị sâu lắng về vấn đề tâm linh, khi Vu Lan về. Như vậy   việc cài bông hồng nhân ngày Vu Lan đã đi vào dân tộc Việt Nam và thế giới đã có nguồn gốc từ Nhật Bản nầy. Nay tại Nhật, nhân ngày Vu Lan cũng là ngày Đại Tường của cố Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam tại đây đã bắt đầu với nghi lễ rửa chân tay để tạ ân Cha Mẹ cũng là lần đầu. Biết đâu sau nầy phong tục nầy sẽ lan xa về Việt Nam và các nước Âu Mỹ nữa thì quả là Nhật Bản rất có duyên với người Phật Tử Việt Nam của chúng ta không phải là ít.

ht minh tuyen (2)ht minh tuyen (3)ht minh tuyen (4)ht minh tuyen (5)ht minh tuyen (6)ht minh tuyen (11)ht minh tuyen (15)ht minh tuyen (16)

 

Sáng ngày 4 tháng 8 là ngày Chủ nhật, mặt trời chưa ló dạng mà cái nóng ở đâu đã mang đến cho mọi người, mọi nhà. Đóng cửa lại thì mát mà mở cửa ra lại nóng, vì không khí cũng như nhiệt độ bên ngoài cao hơn bên trong rất nhiều. Mặc dầu bên cạnh chùa có dòng sông chảy xiết và cây cối ở núi rừng gần đó không ít, nhưng sao cái nóng của xứ mặt trời lần nầy lại khủng khiếp như vậy. Hầu như ai cũng thở dốc. Buổi lễ hôm ngày 4 tháng 8 năm 2019 vừa qua tại Chùa Việt Nam ở Nhật Bản có hai phần: Phần đầu là lễ Vu Lan, bông hồng cài áo, và Hòa Thượng Như Minh đến từ chùa Việt Nam tại Los Angeles Hoa Kỳ ban đạo từ; sau đó tất cả mọi người lên Chánh Điện đảnh lễ Giác Linh và cung tuyên tiểu sử của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền. Tôi đã nhắc lại những điều khi tôi gặp cố Hòa Thượng từ những năm 1972 tại Nhật, cho đến những ngày cuối đời của Ngài tại Úc Châu cũng như tại Đức. Ai nghe cũng mủi lòng cho một bậc Tôn sư đã vì Đời vì Đạo, hết mình hy hiến cả một thời gian dài suốt trong 50 năm qua tại Nhật Bản nầy. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản sẽ ghi lại đậm nét son của một thời như vậy. Buổi chiều hôm đó tôi có một thời pháp ngắn nói về “Hình ảnh của một ngôi chùa qua thi ca và văn học Việt Nam“, mọi người chăm chú lắng nghe như đưa hồn mình trở về nơi cố quốc,để sống lại với những hình ảnh xa xưa của một ngôi chùa nơi làng quê mộc mạc, nơi đó mình đã được sinh ra và một thời vang bóng như thế đã trôi về dĩ vãng…..

 

Từ  Aikawamachi, nơi có Chùa Việt Nam đi đến nhà gare Shinyokohama chỉ độ 50 cây số chạy bằng xa lộ, thế mà Thầy Nhuận Ân đã phải khó khăn lắm, sau hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ mới mang Ông cháu, Thầy trò chúng tôi gồm Thầy Tâm Như đang học tại Đại Học Kozasan; Thầy Hạnh Bổn và Thầy Trung Thành đến nhà gare.  Khi xe vừa đậu tại bãi, chúng tôi vội đi về phía soát vé để lên chuyến tàu khác, vì chuyến tàu dự định đi Kokura (Tiểu Sáng) thuộc miền Bắc Kuyshyu (Cửu Châu) đã chạy rồi. Shinkansen (Tân Cán Tuyến) là loại xe chạy nhanh nhất thế giới, nhanh hơn TGV của Pháp và nhanh hơn rất nhiều so với xe ECE của Đức, rất hiện đại và tiện nghi. Trước khi đi Nhật Bản lần nầy, chúng tôi mua vé “Japan Rail Pass“ đi trong vòng một tuần lễ cho khắp nước Nhật bằng tàu Shinkansen hay bất cứ loại xe công cộng nào của Nhật Bản, nhưng chỉ trả chưa đến 300 Euro, quá rẻ cho những chặng đường dài như vậy. Có loại 14 ngày và cũng có loại 21 ngày bán cho du khách từ ngoại quốc đến tham quan Nhật Bản. Ngược lại ở Âu Châu cũng có bán một loại vé Europa Rail Pass cho người ngoài vào Âu Châu trong vòng 3 tháng đi 27 nước bằng xe lửa chỉ có gần 300 đô Mỹ mà thôi. Quý vị đi xa và đi nhiều nên dùng những phương tiện như vậy thì đỡ tốn kém hơn cho túi tiền hành hương của mình. Khi đến nhà gare Kokura ở Bắc Kuyshu vào 2 giờ chiều ngày 5 tháng 8 năm 2019 đã có Giáo Sư Harada, người Nhật dạy Piano tại Đại Học Hildesheim đón chúng tôi và sau đó đi gửi đồ để vào thăm thành Kokura của những tướng quân Nhật Bản đời xưa. Hôm ấy cũng một ngày nắng cháy không bút mực nào diễn tả nổi. Chẳng biết tại sao hôm ấy trời lại đãi ngộ chúng tôi như vậy. Thầy Hạnh Bổn thấy biển là muốn bơi liền, hẹn lại ngày hôm sau, nhưng ngày hôm sau ấy không bao giờ nóng nữa để đi bơi, vì Taifu đã đến rồi. Về đến nhà Giáo Sư Harata cũng như 20 năm về trước tôi đã dẫn Thầy Hạnh Nguyện và Thầy Hạnh Tấn đến đây, cảnh vật không có gì khác mấy. Duy chỉ vắng mặt hai người, đó là Thân phụ của Giáo Sư đã quá vãng và Thân mẫu thì vào ở trong viện dưỡng lão gần đó. Ở nhà chỉ còn người em gái và em rễ lo quán xuyến một nhà trọ tương đối cũng đầy đủ tiện nghi. Tối đó chúng tôi được mời đi dùng cơm chay cùng với hai người đàn bà đặc biệt, đó là bà giáo cũ ngày xưa dạy Giáo sư Harata lúc còn ở vườn trẻ và một bà là bà con bạn dì của Giáo Sư. Sáng sớm hôm sau ngày 6 tháng 8 năm 2019, Thầy trò, Ông cháu chúng tôi tụng một thời Kinh Lăng Nghiêm và Vu Lan bằng tiếng Việt cho gia đình, có cả 4 gia đình đều có mặt để nghe tiếng Việt, nhưng phần hồi hướng cầu an cho Thân mẫu của Giáo Sư và cầu siêu cho những người trong các gia đình thì tôi xướng tên và Pháp danh họ bằng Nhật Ngữ. Thông lệ của người Nhật là khi chết mới có Giới danh (Pháp danh) do vị Trụ Trì một ngôi chùa thuộc Tông Phái  của mình theo đặt cho; nhưng  Mẹ của Giáo Sư Harata thì tôi đã cho Pháp danh là Thiện Liên, nói cho đủ là Viên Giác Viện Thiện Liên Đại Tỷ. Cho đến nay Giáo Sư Harata vẫn cầu nguyện cho bà với Pháp danh nầy. Kế đó tôi nói một ít tiếng Nhật về sự cầu nguyện cho mọi người cùng nghe nhân lễ Vu Lan báo hiếu theo truyền thống của Phật Giáo.

 

Gió thật mạnh, thổi rung đổ những cành lá bên đường, nhưng Giáo Sư Harata cũng chở chúng tôi đến được viện dưỡng lão gần đó để thăm Cụ bà, Mẹ của Giáo Sư. Nhìn người đàn bà 85 tuổi nằm bất động trên giường như chờ một điều gì đó thật vô vọng. Tôi nói thật lớn để cho Bà nghe và Bà cụ đã mở mắt ra nhìn, nhưng chắc rằng chẳng biết chúng tôi là ai, ngay cả người con ruột của mình hình như cũng vậy. Vì không ra ngoài được, nên chúng tôi đi vào Hải dương học viện, nơi nối liền hai eo biển của Kokura (Tiểu Sáng) và Shimonoseik (Hạ Quan), nơi đây cũng không khác Hải dương học viện của Singapore là mấy, vì cá vẫn ung dung bơi lội trong hồ và người vẫn đứng phía dưới cá trong lồng kính để xem. Người xem cá và cá xem người…. Đến trưa thì Giáo Sư Harata chở chúng tôi lên một nhà hàng nằm trên ngọn núi để dùng Tempura chay, thật là tuyệt hảo. Ngồi đó nhìn cây cầu bắt ngang qua đảo quốc Kyushu thật  đẹp; nhưng xe hơi không được thông hành, vì gió quá mạnh. Buổi tối đến một nhà hàng đặc biệt của Nhật, ở đó khách hàng tự làm Pizza cho mình thưởng thức. Chỉ có mấy ngày ở Shinshinoseiki mà quý Thầy Hạnh Bổn và Trung Thành đã biết khá nhiều về phong tục, tập quán cũng như cách ăn uống của người Nhật rồi. Đây cũng là chủ ý của tôi muốn quý Thầy hiểu thêm về một nền văn hóa đặc biệt như vậy của chuyến đi kỳ nầy.

 

Sáng sớm ngày 7 tháng 8 năm 2019, người tài xế taxi già đưa chúng tôi đến nhà gara Shimonoseiki để chuyển xe Shinkansen tại Shinshimonoseiki đi Fukuyama (Phước Sơn) và từ đó đổi xe để đi thăm Đức Địa Tạng không có đầu ở Fuchu. Tôi thì đã có nhân duyên đến đây nhiều lần rồi, trong khi đó Giáo Sư và hai Thầy chưa lần nào đến, họ chỉ nghe tôi kể chuyện hoặc đọc qua những quyển sách của tôi dịch ra Việt ngữ từ tiếng Nhật, nên ai cũng mong đến đây một lần để cầu nguyện. Sau khi làm lễ tại chỗ Đức Địa Tạng không đầu (Kubinashi Ojizosama) chúng tôi vào nhà hàng gần đó, mấy tô bánh canh chay thật tuyệt hảo nơi đồng quê thanh vắng đã giúp cho chúng tôi no lòng, tiếp đó lấy taxi trở lại nhà gare Fuchu để đi Fukuyama và đổi tàu đi Hiroshima (Quảng Đảo). Sau khi mọi việc đã ổn định Giáo Sư Harada từ giã chúng tôi, về lại nhà mình; còn Thầy trò, Ông cháu chúng tôi đi sang công viên Hòa Bình để vào viện bảo tàng lịch sử, đang triển lãm những hình ảnh mà quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ đã thả xuống thành phố nầy vào lúc 8 giờ 15 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945, đã có 140.000 người chết và cả thành phố đều ra tro bụi. Sau khi thăm viện bảo tàng, chúng tôi đến trước đài tưởng niệm để tụng cho những người đã quá cố một thời Kinh Bát Nhã và Vãng Sanh. Chúng tôi chỉ đến sau một ngày kỷ niệm (6/8) nên lều cũng như bàn ghế vẫn còn dựng ở những nơi công cộng cho những người đến tham dự lễ tưởng niệm ngày hôm qua.

 

Sáng sớm ngày 8/8/2019 chúng tôi bắt xe Shinkansen chạy từ Hiroshima đến Shinosaka (Tân Đại Phản) và đổi xe để đi Kyoto (Kinh Đô). Xe đến đúng giờ và nơi ấy đã có Thầy Ngộ Nguyên cũng như Cô Đức Huệ đón Thầy trò, Ông cháu chúng tôi. Sau khi gửi hành lý ở nhà gare, tất cả 5 người đi bộ đến Đông Bổn Nguyện Tự (Highashi Honganji), là Tổng Bổn Sơn của Tịnh Độ Chơn Tông do Ngài Thân Loan (Shinran) sáng lập từ thế kỷ thứ 13. Hôm ấy cũng là một ngày nắng nóng khủng khiếp. Ai cũng muốn ở bên trong nhà chứ ít người muốn ra đường, vì Kyoto là một vùng thung lũng, chung quanh là núi đồi, nên cái nóng lại càng gay gắt hơn. Đang chụp  hình kỷ niệm thì Thầy Nhuận Phổ, Trụ Trì chùa Hòa Lạc ở Kobe và chùa Đại Nam ở Himeiji cùng Thầy đệ tử Đức Trí đã lái xe đến kịp. Chúng tôi vào Đại điện có thể chứa 5.000 người để lễ Tổ và lễ Phật. Đặc biệt của chùa nầy có để lại một con cuối được bện bằng tóc của tất cả những người phụ nữ Nhật Bản tự phát nguyện cạo đầu, dâng hiến tóc của mình để bện lại thành những con cuối dàigần 60 mét, nhằm kéo được những cây gỗ lớn về dựng chùa. Quả thật ý chí của người xưa thật là vĩ đại, ngày nay ít có người có thể sánh kịp, mặc dầu ngày nay phương tiện đủ đầy, nhưng để xây một Đại điện như ở Đông và Tây Bổn Nguyện như vậy chắc phải tốn hàng khối công trình, hằng tá kỹ sư, kiến trúc sư mới có thể dựng nên được.

HT Nhu Dien_Nhat Ban_2019 (102)HT Nhu Dien_Nhat Ban_2019 (109)HT Nhu Dien_Nhat Ban_2019 (114)HT Nhu Dien_Nhat Ban_2019 (140)HT Nhu Dien_Nhat Ban_2019 (21)HT Nhu Dien_Nhat Ban_2019 (55)HT Nhu Dien_Nhat Ban_2019 (76)

 

Tiếp đến chúng tôi đi thăm Thanh Thủy Tự (Kyomizudera) rồi Tri Ân Viện (Chionin), nơi Ngài Pháp Nhiên, Tổ của Tịnh Độ Tông và là Thầy của Ngài Thân Loan khai sáng. Thầy thì chủ trương niệm Phật cần tự lực, nhưng trò thì chủ trương mới hơn là niệm Phật không cần tự lực, chỉ cần nương vào tha lực của Đức Phật A Di Đà là đủ. Bước lên hàng trăm bậc thang đá dựng ngược mới đến được cổng Tam quan, to hơn cả cổng Chùa Vĩnh Nghiêm, mà chùa nầy đã dựng lên hằng mấy trăm năm trước khiến cho mọi người đều phải thán phục, nhất là Thầy Ngộ Nguyên, Thầy Hạnh Bổn và Thầy Trung Thành. Lại cũng cái nắng Kyoto làm cho chúng tôi choáng váng mặt mày, cả hai cây dù của Thầy Ngộ Nguyên và Thầy Đức Trí che cho tôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy say nắng như thường. Chiều ngày 8/8 chúng tôi đi thăm chùa Vàng (Kinkakuji); thăm Đại Học Phật Giáo Otani (Đại Cốc), nơi Thầy Tường Nghiêm đang làm luận án Tiến Sĩ; và Đại Học Hanazono (Hoa Viên), nơi Thầy Ngộ Nguyên đang học Cao Học Phật Giáo tại đó. Kyoto có cả hằng trăm ngôi chùa, muốn đi thăm phải tốn ít nhất là 3 ngày, nhưng chúng tôi chỉ có chừng ấy thời gian, nên phải tận dụng hết mình để được đi tham quan như vậy. Thầy Nhuận Phổ chở chúng tôi về Chùa Đại Nam ở Himeiji để thăm và ở lại đó một đêm nơi đồng quê thanh vắng với tương chao đạm bạc, nhưng cũng nặng tình nghĩa quê hương của những người con Phật xa xứ. Tối đó tôi thăm viếng, hỏi han quý Phật Tử và Đại chúng, và đến sáng hôm sau, sau thời công phu khuya, một lần nữa tôi có mấy lời khuyến tấn Tăng chúng mới xuất gia và thọ giới, không ngờ sau đó có một đệ tử xuất gia của Thầy Nhuận Phổ Pháp danh là Đức Tuyền viết một bài ngắn nhan đề là “Hòa Thượng Thích Như Điển lưu lại dấu chân nơi chùa Đại Nam ở Himeiji”, được đăng trên trang nhà quangduc.com cũng như viengiac.de, khiến cho ai đó đọc đến cũng phải mủi lòng. Thầy Hạnh Bổn đại diện Chùa Viên Giác cúng dường Chùa Đại Nam và Tăng Ni chúng ở đây cũng như Quý Thầy Cô du học Tăng đang nghiên cứu tại Nhật Bản. Tiếp đến Thầy Trung Thành ra nhà gare về Tokyo trước để kịp đáp chuyến bay sang Đài Loan cùng ngày 9/8 nầy. Trong khi đó Thầy trò Thầy Nhuận Phổ chở chúng tôi đi đạp đất một cơ sở mới gần đó mà Thầy ấy định mua lại cho chùa để làm chỗ tịnh tu. Đây quả thật là một phước báu vô ngần, mà chuyện nầy gần 50 năm về trước ở tại Nhật Bản, chúng tôi chưa bao giờ có thể mơ ước đến; nhưng ngày nay thì đã có 11 ngôi chùa Việt Nam trên đất Nhật cũng như gần 400.000 người Việt đang sinh sống, làm việc tại đây. Quả là một phước báu không nhỏ vậy.

 

Chỉ còn 8 tiếng đồng hồ nữa thôi là Thầy trò chúng tôi phải bay về lại Đức trong ngày 9/8/2019, nhưng Thầy Nhuận Phổ, Thầy Tường Nghiêm và Thầy Đức Trí cũng đã đưa chúng tôi đến được Nara để thăm Chùa Todaiji (Đông Đại Tự), mà ngôi chùa nầy lúc Thiên Hoàng Thánh Vũ làm lễ khai nhãn cúng dường tượng đúc bằng đồng Ngài Tỳ Lô Giá Na Phật, đã phải sang nước Phù Nam của chúng ta để thỉnh hai Ngài Phật Triết và Bồ Đề Tiên Na đến dự lễ trọng đại nầy. Thầy Hạnh Bổn viết tên Chùa Viên Giác lên miếng ngói để cúng dường xây Chùa Đông Đại mà mồ hôi nhễ nhại, khiến Thầy Nhuận Phổ làm Livestream cũng động lòng. Có lẽ vì cảm động quá! Mà cũng có lẽ vì cái nóng khủng khiếp của vùng Nara ngày hôm ấy, nên Thầy Nhuận Phổ đã mua tặng cho Thầy trò chúng tôi hai cây dù Nhật Bản đem về Đức làm kỷ niệm. Lúc về thì không dám đi xe hơi nữa, vì sợ kẹt đường, nên Thầy Tường Nghiêm đã cùng đi xe lửa với chúng tôi về Kyoto, còn Thầy trò Thầy Nhuận Phổ lái xe về lại Himeiji. Ngồi chờ xe tại Nara, có một bà người Nhật hỏi thăm và tôi đã tự giới thiệu cũng như giới thiệu Thầy Tường Nghiêm đang làm luận án Tiến Sĩ tại Đại Học Otani ở Kyoto. Bà ta cảm động lắm và trước khi lên xe còn dúi vào tay Thầy Tường Nghiêm tờ giấy bạc 1.000 Yen (độ 10 USD) để uống trà. Vả chăng cái tình tự dân tộc là chỗ ấy. Nó không phải chỉ là chuyện tiền bạc, mà là một sự cảm thông giữa con người và con người. Tiếng Nhật của tôi sau 43 năm rời Nhật Bản chắc chắn còn đủ để diễn tả cho bà ta hiểu thế nào là một dân tộc Việt Nam bị chiến tranh trong nhiều năm tháng và bị bất hạnh như thế nào, mà điều nầy người Nhật cũng đã phải gánh chịu qua thời gian của đệ nhị thế chiến từ năm 1939 đến năm 1945. Kế đó tôi cảm ơn nước Nhật cũng như người Nhật và tôi bảo rằng: Sở dĩ tôi có được ngày hôm nay là nhờ cơm, gạo và nước uống của Nhật Bản đã nuôi tôi hơn 5 năm trường, cách đây gần 50 năm về trước và tất cả là nhân, là duyên, là quả để hôm nay tôi có cơ hội ngồi đây để hầu chuyện cùng Bà….

 

Chuyến đi Nhật Bản năm 2019 nầy tuy vỏn vẹn chưa đầy 10 ngày, nhưng tình người, tình đạo, tình dân tộc, tình Đạo pháp, tình Pháp lữ, tình Linh Sơn cốt nhục đã thể hiện đầy đủ ở mọi phương diện, nên riêng tôi rất mãn nguyện với chuyến đi nầy. Dẫu sao đi nữa thì cũng là một chuyến ra đi, dầu ngắn dầu dài, ít nhất phải làm cho tâm mình hoan hỷ và những người khác cũng cảm nhận được nguồn năng lượng nầy để trợ duyên trong việc tu hành của mỗi người. Tôi vẫn thường hay nói rằng: Cây cỏ là những loài thực vật, dẫu là cây nhỏ nhất đi chăng nữa, nó cũng nở ra được những bông hoa thật đẹp và thật thơm nằm nép vào nhau hai bên vệ đường, nhằm trang điểm cho đời, hay gần nhất là cho người đi đường có được cái nhìn thiện cảm hơn với thiên nhiên. Còn chúng ta là con người, nếu không làm được một cái gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời nầy, thì quả thật rằng chúng ta vô dụng biết mấy, so với cỏ cây còn kém xa rất nhiều. Do vậy tất cả chúng ta nên cố gắng để mang đến một sự lợi lạc nho nhỏ nào đó cho tha nhân bằng hữu. Ấy mới là chuyện đáng quan hoài.

 

Dòng chảy của những tia nắng gắt từ Đức, chảy mãi sang tận Bỉ, rồi sợi nắng nầy chảy dài đến Tokyo cũng như Kokura, rồi Shimonoseiki, tiếp đến Kyoto và Nara. Sức nóng ấy đã đốt cháy thiên nhiên, nhưng không đốt cháy được lòng người khi quan tâm đến Đạo và chính nhờ sức nóng ấy mà giúp cho  ta có cái nhìn thực tế hơn với những gì đang xảy ra chung quanh mình như: Hạn hán, lụt lội, tai trời, ách nước v.v… để chúng ta phải có bổn phận bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường trên quả địa cầu nầy, nơi chúng ta đang sống. Chính niềm hỷ lạc vô biên của dòng chảy tâm thức ấy đã mang tôi về lại Nhật Bản ngày nào và chính cái nóng gay gắt ở đây hay ở kia, cũng chính là những sự thử thách căn bản mà con người cần phải quan tâm nhiều hơn nữa về môi trường chung quanh, nơi chúng ta đang sống. Đó là ý thức trách nhiệm của mỗi người về những việc làm của mình trong hiện tại. Thiết nghĩ như thế cũng đã  đủ cho một chuyến đăng trình, dầu ngắn hay dài rồi.

 

Viết xong vào một sáng ngày Rằm tháng Bảy năm Kỷ Hợi tại thư phòng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc, nhằm ngày 15 tháng 8 năm 2019.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2014(Xem: 22311)
Đọc bản dịch Cảnh Đức Truyền Đăng Lục của anh Lý Việt Dũng, tôi không khỏi thán phục khi biết sức khỏe anh rất kém mà vẫn phấn đấu kiên trì để hoàn thành dịch phẩm khó khăn này một cách đầy đủ chứ không lược dịch như ý định ban đầu.
06/10/2013(Xem: 71539)
Trước khi Sài Gòn sụp đổ, tôi đã có một thời gian dài sống tại Lăng Cha Cả, gần nhà thờ Tân Sa Châu. Để đến được trung tâm Sài Gòn, từ Lăng Cha Cả phải đi qua những con đường Trương Minh Ký – Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sĩ). Ở đoạn chân cầu Trương Minh Giảng có một cái chợ mang cùng tên và sau này
22/09/2013(Xem: 16620)
Bản Tin Khánh Anh
19/09/2013(Xem: 27302)
Không biết tự khi nào, tôi đã lớn lên trong tiếng chuông chùa làng, cùng lời kinh nhịp mõ. Chùa An Dưỡng (xem tiểu sử), ngôi chùa làng, chỉ cách nhà tôi chừng 5 phút đi bộ. Nghe Sư phụ kể lại, chùa được xây dựng vào khoảng từ 1690 đến năm 1708, do công khai sơn của Hòa Thượng Thiệt Phú, người Tàu sang Việt Nam truyền giáo cùng với các thiền sư khác. Trong chuyến đi hoằng pháp vào đàng trong, Ngài đã xây dựng ngôi chùa này. Chùa nằm trên một khu đất cao nhất làng, quanh năm bao phủ một màu xanh biếc của những khóm dừa, những lũy tre làng thân thương.
11/09/2013(Xem: 6717)
Có phải bất công lắm không khi hằng năm vào dịp Vu Lan, trên thế gian này không biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ múa bút tán tụng tình Mẹ: Huyền thoại mẹ, Phật giáo tôn vinh giá trị những bà mẹ, lạm bàn về mẹ, tản mạn về mẹ v.v... và v.v... bên cạnh đó, dường như mọi người đã vô tình bỏ quên một thứ tình cũng nồng nàn không kém, đôi khi còn thắm thiết hơn, đó là tình cha. Vâng, tôi có một người cha như thế.
11/09/2013(Xem: 7716)
Khi bước xuống thuyền vượt biên ai cũng mang đầy hy vọng, mơ ước... Có kẻ mơ ước một tương lai xán lạn ở chân trời mới, có người chỉ mong những giấc mộng bình thường: Ngày hai bữa đủ no, tự do yên ổn...
28/06/2013(Xem: 2565)
Người lãng tử đã rong ruổi qua bao đoạn đường đời, trên những bước dài phiêu bạt. Đôi khi nghe trên vai hằn lên những dấu ấn, nặng nề, vương mang. Phải chăng cuộc làm người là ảo mộng, là phù du như sương đọng sớm mai, trên cành lá muôn lần thay hoa đổi lá.
27/06/2013(Xem: 3108)
GS TS Trần Văn Khê nói về âm nhạc Phật giáo Việt Nam
22/06/2013(Xem: 2993)
Hạc đi dọc theo con đường nhỏ, mặt trời đang xuống chầm chậm, cái nắng gắt gay của mùa hạ chỉ còn lại những oi nồng khó chịu. Cơn mệt từ đâu ập đến, Hạc chợt muốn ngồi bệt xuống lề đường, gục đầu vào hai cánh tay chìm thẳng vào giấc ngủ. Hai chân rời rã, cổ họng khát khô, cái mệt, cái buồn đổ ập lên cô, con đường thật vắng, cái nắng quái buổi chiều thật buồn, vậy mà trời đang vào Tết đó, cái Tết đang ở đâu khi cái tôi đang rã rời trong một khí hậu kỳ quặc ở đây.
22/06/2013(Xem: 4305)
Buổi sáng ra vườn, nhìn lên trời cao bồng bềnh mây trắng Nhìn xuống khu vườn, còn thơm ngát sương lan, Nhìn ra đầm sen, nở rộ những cánh sen hồng, Xin thành khẩn hái mười đóa sen dâng Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]