Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những vì sao lấp lánh trong đêm đen

01/04/201920:44(Xem: 4865)
Những vì sao lấp lánh trong đêm đen


ngoi sao lap lanh

Những vì sao lấp lánh
trong đêm đen
 
Nguyên Hạnh HTD





 

       Thời gian thắm thoát thoi đưa, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 40 năm, một thời gian khá dài cho một đời người. Bây giờ thỉnh thoảng gặp lại một vài em học sinh cũ, trong khi nói chuyện, nghe các em than mình đã già rồi. Tôi mới chợt nhớ " nhìn lại đời mình đã xanh rêu" (TCS).

  Quả thật, tôi đang ở giai đoạn xuống đồi “ down hill “, người ta thường nói: người già hay nhìn về quá khứ, tuổi trẻ hay hướng về tương lai. Thật đúng vậy! Hôm nay, tôi cũng nhìn về quá khứ nhưng với cái nhìn khác, không phải là cái nhìn than thân trách phận, kể lể khổ đau mà là cái nhìn lạc quan về những tình người tươi thắm trong những hoàn cảnh khốn cùng.

Nhìn lại những năm đầu sau 1975, quả là quá nhiều truân chuyên cho những người ở miền Nam Việt Nam với xã hội đảo lộn, mọi thứ vật đổi sao dời. Nhà nhà tan nát, người người điêu linh nhưng khổ hơn cả có lẽ là những người vợ có chồng đi học tập cải tạo; vì họ bỗng nhiên bị đẩy vào cái thế đơn lẻ phải chèo chống con thuyền gia đình vượt qua biết bao cơn bão táp của cuộc đời trong đêm đen dày đặc mênh mông.                                  

Nhưng dù là đêm đen mênh mông, đôi khi nhìn lên bầu trời, vẫn thấy đâu đó những vì sao lấp lánh. Đó là những câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay.

 Sinh hoạt của những người đi dạy sau 1975 vô cùng vất vả vì không chỉ có công tác chuyên môn mà còn công tác đoàn thể nữa. Các khóa học tập chuyên môn, chính trị được mở ra liên miên. Tuy rất bận rộn, nhưng tôi vẫn ghi tên tham gia dạy Bổ túc Văn hóa buổi tối, vì tôi muốn có thêm giấy chứng nhận nhiệt tình công tác để hy vọng may ra chồng được sớm thả về.

 Đúng là niềm tin và hy vọng dù mong manh nhỏ nhoi nhưng cũng rất cần thiết để con người có thể tiếp tục sống, vượt qua những nghịch cảnh và thử thách của cuộc sống thời đó. Và như thế, tôi đã gắng lên để sống với những chuỗi ngày bận rộn triền miên, hầu quên đi những nỗi đau dấu kín trong lòng.

Tôi tham gia dạy thêm ở trung tâm đêm trường Chu Văn An, học viên đa số đều lớn tuổi. Lớp trưởng là chị Hoa, chị thi vào sư phạm, ra đi dạy lâu năm, giữ chức Hiệu phó trường tiểu học Trần Phú trong cư xá Sĩ quan Chí Hòa. Chị được các bạn trong lớp bầu làm lớp trưởng, vì chị có tác phong của một nhà giáo, đi học đều đặn đúng giờ, bài vở lúc nào cũng chu toàn. Chị giúp tôi rất nhiều trong việc điều hành lớp, giữ sổ điểm danh sổ đầu bài ,mỗi ngày, thu bài, lấy điểm vô sổ. Nhưng quan trọng hơn cả là những tình cảm ưu ái chị dành cho tôi. Đó là một sự nâng đỡ tinh thần lớn lao cho tôi khi phải bươn chải đầu tắt mặt tối trong một xã hội đầy nhiễu nhương xáo trộn.

 Một buổi tối sau khi đi dạy bổ túc Văn hóa về, theo thường lệ, tôi vội vàng đạp xe nhanh về nhà. Vừa dắt xe vào, gài cửa lại, chưa kịp thay quần áo, tôi nghe tiếng gõ cửa, tim tôi thót lại, chắc là công an khu vực lại đến quấy rầy, yêu sách chuyện gì đây? Tôi hồi hộp ra mở cửa, vừa hé cửa đã thấy chị Hoa lên tiếng ngay:

-Thưa Cô, em xin lỗi đã làm phiền Cô, nhưng vì không còn cách nào khác. Cô đạp xe nhanh quá, em đạp theo Cô muốn hụt hơi, trời tối, vô hẻm em chỉ sợ lạc mất dấu Cô. Chỉ còn cách này em mới có thể đến nhà và gặp Cô.

-Trời ơi. Chị làm tôi hết hồn. Có chuyện gì vậy? Sao chị không nói ở trường?

- Dạ, không nói ở trường được.

 Nói xong, chị quay lại tháo ở phía sau xe đạp và khệ nệ bưng xuống một bao chứa đầy những củ khoai tây, khoai lang, cà rốt và nói với giọng xúc động:

- Những thứ này, em mua trong tiêu chuẩn của em ở trường và ở tổ dân phố tháng trước và tháng này, em dành dụm lại mang biếu Cô vì em nghĩ Cô và các em nhỏ cần hơn em.

 Tôi chưng hửng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, kêu lên:

 - Mọi thứ bây giờ đều hiếm hoi, sao chị không để dành ăn từ từ?

 - Cô ơi, mong Cô đừng từ chối, đừng phụ tấm lòng thành của em. Em phải suy nghĩ, sắp đặt kế hoạch mới thực hiện được. Hôm nay em phải ràng bịch khoai sẵn ở phía sau xe, rồi cố tình đi học trể để có thể để xe đạp ở phía ngoài cùng thì tan học mới lấy xe ra mà chạy kịp theo Cô.

  Những lời chị kể làm tôi xúc động không nói nên lời, không biết phải từ chối cách nào thì đã thấy bóng chị đạp xe khuất trong bóng đêm nhưng dư âm lời chị nói và tâm tình chị gởi trao vẫn còn vang động mãnh liệt trong trái tim tôi. Tôi đứng lặng người một hồi lâu rồi mới cúi xuống bưng cái bao khoai ân tình đó của chị vào nhà. Bao khoai nặng trĩu trên tay tôi nhưng ân tình của chị còn nặng gấp ngàn lần.

 Thời đó thực phẩm vô cùng khan hiếm; cái gì cũng vô tiêu chuẩn và tem phiếu; mọi thứ đều cân đo, đong đếm từng li từng tí, từng cọng rau, từng củ khoai, từng gram bột ngọt, thậm chí những con cá ươn, từng miếng thịt bầy nhầy; cái gì cũng trở thành quí giá hết. Dưới thời Xã hội Chủ nghĩa, người ta phải xếp hàng cả ngày để mua những thứ quý giá đó.

  Cám ơn chị Hoa đã cho tôi niềm tin vào tình người vẫn còn hiện diện quanh đây. Thỉnh thoảng chị vẫn đề nghị với tôi cuối tuần chị ở nhà; nếu Cô có bận đi đâu, Cô cứ đưa các em tới nhà, em sẽ chăm sóc giùm Cô, em sẽ rất vui khi giúp được Cô điều gì đó. Cuối năm học, chị còn tặng tôi một cuốn tập dày khổ lớn và nói:

    - Đây là những trang giấy trong tiêu chuẩn em nhận ₫ược trong năm học vừa qua, em xài tiện tặn, dành dụm lại, tự đóng thành tập để năm tới Cô soạn giáo án cho thoải mái mà không không phải bận tâm vì sợ thiếu giấy.

Không hiểu chị Hoa xài tiện tặn thế nào mà lại có thể để dành ra đóng một tập dày như vậy cho tôi. Tôi cảm động lật cuốn tập ra; chị đóng bìa và cuốn tập thật khéo, lại còn trang trí thật đẹp với những dòng chữ nắn nót công phu. Biết bao nhiêu công sức và tâm tình chị đã bỏ ra để hoàn thành cuốn giáo án này. Tôi nắm bàn tay chị, bàn tay ân tình đã làm ra cuốn giáo án tình nghĩa, siết chặt để cám ơn sự cảm thông và thương yêu chị đã dành cho tôi mà không nói thành lời; đôi khi lời nói có thể trở thành sáo ngữ và không cần thiết trong những trường hợp đáng trân quý như thế này.

 Quả là đời sống bao giờ cũng có nhiều điều tốt đẹp sẵn ở trong đó trong giai đoạn đen tối nhất của cuộc sống; tôi vẫn còn nhận được những tình người, nhiều yêu thương của bạn bè nữa; những yêu thương không hề nói bằng lời. Khi biết tôi sẽ đi thăm nuôi chồng, các bạn đồng nghiệp đã lặng lẽ nhét vào túi xách tôi một chút quà, một gói nui, một ít tiền; còn dặn dò khi nào có trả cũng được, không trả cũng không sao.

 Ôi! Những lời nói chí tình của bạn bè làm tôi thật cảm động, những ân tình này tôi xin ghi nhận mãi không phai vì người ta thường nói " đồng tiền liền khúc ruột ", đặc biệt là trong giai đoạn cực kỳ khó khăn lúc đó. Vậy mà bạn bè vẫn có thể tự nguyện mở hầu bao eo hẹp ra cho tôi.

Cám ơn Trời Phật, trong dòng đời nghiệt ngã vẫn luôn có những yêu thương tình người trổi dậy, đôi khi cả với người chưa từng quen biết như một lần tôi đi khám mắt ở bệnh viện Trưng Vương; thấy bác sĩ vui vẻ, tôi bèn hỏi thăm về bệnh luôn chảy nước mắt của đứa con trai lớn. Nghe tôi kể bệnh tình của cháu, bác sĩ vui vẻ nói:

 - Hôm nào rảnh, Cô giáo mang cháu đến đây tôi sẽ khám và điều trị cho cháu.

 Tôi mừng quá vội hỏi:

     - Nhưng làm sao tôi xin được giấy giới thiệu cho cháu đến bệnh viện này (thời đó đi khám bệnh phải có giấy giới thiệu và phải đi đúng tuyến nữa).

      - Cô giáo đừng lo chuyện đó, cứ mang cháu đến thẳng phòng này.

  Tôi mừng quá về thu xếp đem cháu đến, bác sĩ khám và soi tuyến lệ cho cháu. Dần dà vài tháng sau, cháu hết bịnh thật; có lẽ vì tình người cao đẹp của bác sĩ đã khiến cháu lành bệnh, tôi không còn phải chạy đôn chạy đáo đi mua thuốc nhỏ mắt cho cháu nữa.

 Vâng, tôi luôn may mắn có thêm những yêu thương như vậy, ai cũng hỏi tôi có quen biết trước với bác sĩ hay có tốn kém gì không? Thực tế là hoàn toàn không.

 Một tối vào lớp bổ túc Văn hóa dạy; tôi đã bị tắt tiếng từ chiều nên khi giảng bài, giọng tôi bị khan đặc; chị Hoa lớp trưởng lên xin tôi giao bài cho chị đọc cho cả lớp chép, cả lớp ùa lên tán đồng ý kiến và xin Cô nghỉ ngơi.

 Sau khi giao bài cho lớp trưởng, tôi ngồi xuống soạn bài cho lần tới. Bỗng nhiên, Loan - cô bé có cặp kính cận gọng đen, đi học rất đều và thường lặng lẽ, ít nói, từ chỗ ngồi của mình lên bàn gặp tôi và nói nhỏ:

   - Thưa cô, xin Cô cho em gặp riêng Cô vào giờ ra chơi.

Tôi gật đầu đồng ý. Đến giờ ra chơi, Loan đứng đợi tôi sẵn ở cuối lớp, tôi nghĩ chắc em có chuyện gì cần nhờ đến tôi nên gặp em tôi hỏi ngay:

 - Em có chuyện gì cần nhờ đến cô?

  - Dạ, em có chuyện cần nhờ Cô làm ngay giùm em là sáng mai Cô đến khoa Tai Mũi Họng ở bệnh viện Chợ Rẫy để bác sĩ khám họng cho Cô vì giọng Cô khàn đặc, Cô không nên coi thường để bịnh nặng khó chữa.

Em làm tôi bất ngờ nên lúng túng:

    - Cám ơn em, nhưng sáng mai cô phải đi dạy, hơn nữa tuyến khám bịnh của cô là bệnh viện Trưng Vương. Mỗi lần đi khám, phải xin giấy giới thiệu của trường rồi đến bệnh viện phải chờ làm thủ tục từ phòng này đến phòng kia lâu lắm nên cô rất ngại

  - Em làm y tá ở khu tai mũi họng của bệnh viện Chợ Rẫy nên sẽ nói với bác sĩ khám cho Cô mà không cần bất cứ thứ giấy tờ gì hết, Cô cũng không phải chờ đợi. Nếu buổi sáng Cô bận đi dạy thì Cô đi buổi chiều.

 Tôi nghĩ bệnh này không có gì quan trọng, lại ngại làm phiền người khác nên đã thoái thác:

   - Bệnh của cô chắc cũng thường, tối nay cô về uống thuốc cảm ho rồi ngậm chanh với muối chắc lẽ đỡ. Hơn nữa bệnh viện Chợ Rẫy lớn mênh mông cô đâu biết đường nào mà kiếm, rồi lại bị hỏi giấy tờ lôi thôi nữa.

   - Không được em biết chắc Cô tiếp tục đi dạy, giảng bài, bệnh của Cô sẽ

nặng hơn. Chiều mai 2g em sẽ đợi Cô ngoài cổng lớn bệnh viện đường Nguyễn Chí Thanh, Cô tới đó em sẽ dắt Cô vô, nghen Cô.

 Nhìn ánh mất nài nĩ của em, tôi thật khó xử vì thời khóa biểu mỗi ngày của tôi đều rất bận rộn, tôi bèn hoãn binh:

   - Để cô xem lại, cuối giờ học cô sẽ trả lời em.

     Đến cuối giờ, chuông tan học vừa vang lên, Loan ôm cặp chạy vội lên bàn tôi:

   - Cô ơi, chiều mai 2g em đợi Cô trước cổng bệnh viện. Cô làm ơn gật đầu giùm để em yên tâm đi Cô.

    
Không còn cách nào khác, tôi đành gật đầu vì không nỡ phụ lòng em, chỉ đợi có thế, em vội biến đi ngay vì sợ tôi đổi ý. Từ đó, đạp xe về nhà mà lòng tôi miên man suy nghĩ: Sao trong cái xã hội đêm đen đầy những thủ đoạn lừa lọc, dối trá, cái xã hội Công an trị, nhìn đâu cũng thấy nghi kỵ, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù mà vẫn còn có những tình người đáng quý như thế này? Quan hệ giữa tôi và Loan trong lớp không có gì đặc biệt, trước đó em chưa từng nói chuyện riêng với tôi bao giờ.Hôm nay, bỗng nhiên do cơn bệnh, tôi mới nhìn thấy được tấm lòng đặc biệt của em đối với tôi. Thôi thì vì em, ngày mai tôi sẽ thu xếp đi khám bệnh cho em vui lòng. Cám ơn em đã thắp lên trong tôi ngọn nến của tình người trong đêm tăm tối mênh mông của xã hội thời đó.

  Sáng hôm sau, tôi đến trường đi dạy, công việc lại ngập tràn. Đến giờ ra chơi, tất cả giáo viên đều được triệu tập lên phòng họp vì có một thông báo khẩn từ trên vừa gởi xuống. Chiều nay, tất cả giáo viên phải có mặt ở trường lúc 13h đi cùng sinh hoạt với chi đoàn, chuẩn bị cho đợt công tác đột xuất đặc biệt ( sau này tôi mới biết đó là công tác chuẩn bị cho vụ đổi tiền.)

 
Trưa đó tôi về nhà, chỉ ăn vội miếng cơm rồi trở lại trường, họp hành, công tác liên miên đến hơn 18h mới về đến nhà, lo tắm rửa, cơm nước cho con cái rồi lo soạn bài, chấm bài cho đến gần khuya, mệt nhoài mới đi nghỉ.

Những căng thẳng trong công tác liên miên ở trường, những mỏi mệt vì cuộc sinh tồn sao mà nhọc nhằn đã làm tôi quên hẳn lời hẹn đi khám bệnh với Loan. Cho đến đêm sau trở lại lớp bổ túc văn hóa, nhìn thấy Loan đứng đợi ở cuối lớp, tôi vẫn chưa nhớ ra tội của mình, cho đến khi Loan nói với giọng xúc động:

  - Trời ơi! Cô làm em lo quá, chiều qua em đứng dầm mưa đợi Cô ở ngoài cổng bệnh viện từ 2g đến 5g chiều. Em không dám vô trong trú mưa vì sợ Cô đến không thấy em Cô sẽ đi liền. Em vừa đợi vừa lo, không biết có chuyện gì xảy ra cho Cô không? Cô đang bệnh mà trời lại mưa, không biết Cô có nhớ đem áo mưa không rồi Cô lại bệnh nặng thêm hay là Cô đang trú mưa ở đâu đó, lát nữa Cô sẽ đến, vậy là em đứng đợi. Đợi lâu quá, em nghĩ có lẽ tại em trùm áo mưa nên Cô không nhận ra em, em vội cởi áo mưa và đứng dầm mình dưới mưa để Cô dễ nhận ra em. Ông gác cửa kéo em vô, bảo em điên hay sao mà đứng dầm mình trong mưa ướt hết nhưng em đã hẹn đứng đợi Cô ngoài cổng và Cô đã gật đầu thì Cô sẽ đến vì em biết Cô rất uy tín.

 
Ôi! Những lời em kể khiến tôi kinh ngạc không tưởng nổi. Sao tôi lại quá vô tâm thế này, tôi muốn ôm em vào lòng để nói vạn lời xin lỗi nhưng cổ tôi đã nghẹn. Tôi chỉ biết đứng chết trân như kẻ tội đồ sẵn sàng đón nhận hình phạt vì lỗi của mình đã phạm quá lớn, đã đem lại bao nhiêu phiền toái cho em. Thấy tôi đứng chết lặng không nói lời nào, Loan nắm tay tôi lắc lắc:

-Cô ơi! em giận Cô thì ít nhưng lo cho Cô thì nhiều, bây giờ thấy Cô bình yên là em mừng rồi. Em không trách Cô đâu, Chắc Cô có lý do gì đặc biệt nên mới quên hẹn.

Trời ơi! Sao lòng em bao dung quá. Đúng là khi người ta yêu thương thì người ta dễ tha thứ cho nhau như vậy. Sau khi nghe tôi kể đầu đuôi mọi việc, em cười nói:

- Cô biết không? Đã vậy sau 5g, em trở lại khoa mình mẫy ướt mem còn bị ông bác sĩ chọc quê:" Sao, cô giáo yêu quí của em đâu rồi? Vậy mà em đã bắt tôi phải chờ đợi mấy tiếng đồng hồ để sẵn sàng khám bệnh cho cô giáo em". Nhưng sau đó, ông đã đưa cho em mấy viên thuốc cảm, bảo em phải uống ngay kẻo dầm mưa rồi mắc bịnh, tối mai lại không đi học được để gặp cô giáo yêu quí đâu.

 
Tôi chỉ biết thở ra, chép miệng:

 - Em cho cô gởi lời xin lỗi bác sĩ của em. Chắc trời Phật thấy cô vất vả quá nên đã đuổi bệnh đi giùm cô nên cô không cần gặp bác sĩ nữa. May mà em không bị bệnh vì dầm mưa, nếu không cô sẽ ân hận biết chừng nào!


Thế là câu chuyện tưởng buồn phiền trách móc, nhờ sự thông cảm của em, cuối cùng lại hóa vui vì hiểu được nhau. Cô trò tôi, vui vẻ bước vào lớp.

Loan ơi, cám ơn em đã cho tôi niềm vui của tình người, giữa bao nhiêu lo toan căng thẳng của cuộc sống chung quanh, tôi vẫn thấy đời còn đáng yêu: " May mà có em đời còn dễ thương".

 
Đêm đó, nhìn lên bầu trời đen xa tít tôi thấy một vì sao nhỏ đang lấp

lánh. Đó có phải là vì sao tình người của em không hả Loan? Tạ ơn em, tạ ơn

những vì sao thương yêu đã cho tôi tình sáng ngời như sao xuống từ trời.

 Hôm nay, ngồi ghi lại những dòng này trong đầu tôi bỗng hiện ra 2 câu

thơ của ai đó:

Đêm thanh ngồi đếm sao trời

 Đừng đếm bóng tối cuộc đời khắt khe!

 

  Có như vậy cuộc sống của ta sẽ nhẹ nhàng hơn.

     Hãy mở toan cánh cửa u tối của quá khứ để đau khổ bay đi. Để xuyên qua khung cửa đó, ta vẫn còn nhìn thấy "những vì sao lấp lánh trong đêmđen!!!"



Nguyên Hạnh HTD

 ( Tháng 4 – 2019)




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/01/2024(Xem: 467)
Phần này bàn về các cách dùng Trì Trì, mlồi/mlô, chiem thành (~ Chiêm Thành/NCT) từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời hay sau đó. Nhân tiện nhìn rộng ra và bàn thêm về tên gọi Chàm, Chăm và *Lâm (trong quốc hiệu Lâm Ấp). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài
14/01/2024(Xem: 465)
Một buổi sáng, trên đồi hoang vu với tinh mơ còn vương chút nắng mới, những cánh hoa khép mình điêu tàn dưới bình minh tràn đầy nhựa sống. Tuy nhiên, cũng có những nụ hoa mới hé nở đang mơn trớn với thanh khí của đất trời giữa bao la thiên biến. Bên kia vòm trời, mây vẫn bay cho những cuộc mộng tàn phai trong từng phút giây sinh diệt. Con bướm đa tình cũng vờn dưới nắng mai giữa hoa tàn nguyệt tận của kiếp đời lưu biến. Sự sanh diệt của hiện tượng vạn hữu vẽ nên một bức tranh muôn màu cho thiên thu bất tận. Cái huyền diệu của cuộc đời hầu như phô diễn trùng trùng trước thiên di tuyệt náo. Khung trời mới của trăm nay hay nghìn năm về lại tắm gội dòng biến hiện giữa ngàn thu tuế nguyệt.
13/01/2024(Xem: 924)
Mời các bạn chiêm nghiệm nhưng danh ngôn để biết vị Thầy tốt nhất của mình bạn nhé! -“Cuộc sống là một chuỗi trải nghiệm, mỗi trải nghiệm lại giúp ta lớn lao hơn, dù đôi khi khó nhận ra điều này. Bởi thế giới được dựng lên để phát triển bản lĩnh và ta phải học được rằng những bước lùi và nỗi đau ta phải chịu đựng giúp ta tiến về phía trước." - Henry Ford -“Bạn phải sống trong hiện tại, ném mình lên từng con sóng, đi tìm sự vĩnh hằng trong từng khoảnh khắc." - Henry David Thoreau -“Chúng ta không học được từ trải nghiệm… chúng ta học được từ việc suy ngẫm lại về trải nghiệm." - John Dewey -“Sự tương tác giữa tri thức và kỹ năng với trải nghiệm là chìa khóa của việc học hỏi." - John Dewey -“Hối tiếc trải nghiệm của bản thân là ngăn chặn sự phát triển của chính mình. Phủ nhận trải nghiệm của bản thân là thì thầm lời nói dối trên môi cuộc đời của chính mình. Điều đó không gì khác chính là phủ nhận tâm hồn mình." - Oscar Wilde -“ Nguồn tri thức duy nhất là kinh nghiệm - Al
10/01/2024(Xem: 1783)
Tôi bắt đầu dịch thơ của Thầy Tuệ Sỹ vì khâm phục đức độ và lòng dũng cảm của Thầy. Khi nhận được những góp ý từ những người hâm mộ thơ Thầy là bài dịch của tôi giúp họ hiểu thơ Thầy hơn, thì khi đó tôi mong muốn dịch toàn bộ các bài thơ của Thầy sang tiếng Anh. Cuốn sách này được viết vì cái mong muốn này đã lớn thành cái đam mê. Có dịch thơ của Thầy, tôi mới thấy rất rõ ràng những bài thơ của Thầy là một cống hiến to lớn không chỉ cho văn hóa Việt Nam mà còn cho Phật giáo thế giới. Thầy đã đem Thiền vào thơ bằng ngôn ngữ của một con suối, một hạt cải hay hai kẻ yêu nhau. Sự trừu tượng hóa này khiến cho rất khó hiểu được thơ Thầy. Nhiều bài, tôi phải suy nghĩ cả ngày, đôi khi cả mấy ngày, mới hiểu ẩn ý của Thầy. Công việc này không đam mê không làm được.
07/01/2024(Xem: 659)
Nước Việt trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, ban đầu chỉ là vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, dần dần tiến về Nam sáp nhập nhiều phần lãnh thổ khác để có được diện mạo như hôm nay. Quá trình phát triển ấy cũng nhiều thăng trầm nghiệt ngã, có lúc tưởng như diệt vong nhưng rồi laị phục hồi và phát triển trở laị. Nước Việt chịu nhiều ảnh hưởng của các nền văn hoá: Trung Hoa, Ấn, Champa, Khme, Pháp, Mỹ…Ngay từ thuở ban đầu chỉ là thời đaị bộ lạc, bộ tộc. Tộc Việt cũng đã có một nền văn hoá riêng, tiếng nói riêng:
03/01/2024(Xem: 1614)
Nguyệt San Chánh Pháp số 145_tháng 12 năm 2023: Tâm chí nhỏ thì nhìn cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.
03/01/2024(Xem: 1860)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
05/12/2023(Xem: 3527)
Hôm qua chủ nhật, 5.12 là sinh nhật Thầy, nhìn hình ảnh mẹ Tâm Thái tiễn Thầy ra phi trường trở về Úc trong không khí thật vui cùng mọi người đưa tiễn. Mẹ Tâm Thái ngồi bên Thầy với bộ quần áo màu vàng nhạt, bên ly cà phê sữa đá. Rồi cả nhà chụp hình làm kỷ niệm. Thầy khoác đôi bờ vai Mẹ, nắm cánh tay Mẹ như nói rằng: "Mẹ ơi, rồi con sẽ về thăm Mẹ, con luôn bên Mẹ, Mẹ giữ gìn sức khỏe cho chúng con".
30/10/2023(Xem: 986)
Nhân loại cách đây khoảng vài triệu năm sống trong Thời Kỳ Đồ Đá (Stone Age). Đánh nhau chỉ ném đá, chắc chỉ bị thương và chết chẳng bao nhiêu. Rồi từ từ tiến lên Thời Đại Đồ Đồng (Bronze Age). Mũi giáo, mũi tên được chế bằng đồng, chắc đánh nhau chết khá nhiều. Rồi bắt đầu văn minh tiến vào Thời Kỳ Đồ Sắt (Iron Age) gươm, đao, cung nỏ đều bằng sắt, đánh nhau chết khá bộn. Rồi càng văn minh hơn nữa chế ra thuốc nổ, bắt đầu có súng, lựu đạn, bom, mìn. Đệ I Thế Chiến chết hơn 10 triệu người. Đệ II Thế Chiến chết khoảng 50 triệu người. Chỉ riêng hai trái bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki đã giết khoảng 100,000 người.
19/09/2023(Xem: 1950)
Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng, Ni, Kính thưa Quý Thiện Trí Thức Phật Tử và Văn Nghệ Sĩ, Để tri ân những đóng góp của một bậc cao Tăng thạc đức trong dòng sống của Dân tộc và Phật giáo Việt Nam suốt hơn 60 năm đầy biến cố vừa qua, chúng con (chúng tôi) đang chuẩn bị phát hành Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Qua lá thư này, chúng con (chúng tôi) xin thành tâm kính mời Chư Tôn Đức Tăng, Ni cùng Quý Thiện Trí Thức Phật Tử và Văn Nghệ Sĩ đóng góp vào tác phẩm có giá trị rất đặc biệt này. Chúng con (chúng tôi) thành thật xin lỗi trước nhưng yếu tố thời gian sẽ ảnh hưởng quan trọng đến việc phát hành. Kỷ Yếu Tri Ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ được phát hành trong vòng một tháng kể từ hôm nay 17 tháng 9, 2023. Bài viết xin gởi đến Ban Báo Chí & Xuất Bản thuộc Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN tại địa chỉ email hdhp.bbc@gmail.com. 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567