Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Huyền Giác thỏng tay vào chợ

03/03/201914:01(Xem: 10313)
Huyền Giác thỏng tay vào chợ
vinh gia huyen giac 
HUYỀN GIÁC
THÕNG TAY VÀO CHỢ

 

 

Cuộc đời là một cái chợ khổng lồ đầy xô bồ, hỗn độn mà toàn thể nhân loại đang sinh sống, hoạt động từ ngàn xưa cho đến bây giờ và mãi tận mai sau. Trong đó, con người phải chịu đựng đủ thứ cay đắng, mặn nồng, ngọt bùi, chua chát, đủ thứ khổ nạn, tang thương, đớn đau, hạnh phúc cứ mãi chập chùng, trùng trùng vô lượng, không thể nào diễn tả hết được. Nikos Kazantzakis, đại văn hào Hy Lạp phát biểu :“Con người sinh ra từ một hố thẳm đen tối, đó là tử cung. Con người đang đi đến một hố thẳm đen tối khác, đó là nấm mồ. Khoảng ánh sáng giữa hai hố thẳm đen tối đó, người ta gọi là cuộc sống.”

 

Cuộc sống là gì ? Một câu hỏi mà suốt xưa nay, chưa thấy một ai trả lời cho rốt ráo. Để rồi, phát sinh ra hàng chục tôn giáo, hàng trăm giáo chủ, hàng ngàn luận thuyết, triết lý hiện sinh, hư vô, duy vật, duy tâm, duy lý, duy thức… khắp nẻo Đông Tây đầy huyên náo, bề bộn, hỗn tạp, lu bù…

 

Như một con người trần truồng sinh ra trên mặt đất, Huyền Giác cũng lớn lên giữa chợ đời ấy như bất cứ một thanh niên nào khác, nhưng đặc biệt, độc đáo hơn, chàng mang tâm trạng khát khao đi tìm tuyệt đối. Sớm biết nung nấu sâu xa diệu lý phi thường của cuộc tồn sinh, luôn luôn thắp sáng trong tim hồn rực lửa, muốn đốt cháy tan hết những tăm tối, mịt mù đã vây phủ, giam nhốt con người trong bóng tối ngu dốt, u minh, hắc ám nghìn đời…

 

Với tinh thần cách mạng triệt để, ý chí mãnh liệt, chàng không thể nào chấp nhận một lối sống tẻ nhạt, khuôn mòn lối cũ, cha đặt đâu con ngồi đấy. Sinh ra rồi lấy vợ, đẻ con, làm ăn lam lũ, tần tảo, tiết kiệm kiếm tiền để nuôi con cái ăn học. Rồi thi đua tạo sự nghiệp, giật giành danh lợi, địa vị, suy tôn giáo chủ, cầu nguyện Thượng đế tối cao, sắp hàng vào một tổ chức, đảng phái, đoàn thể, phe nhóm này nọ… Chuyện cũ mèm, ấu trĩ đó, đã có hàng tỷ tỷ người làm rồi, từ thiên vạn cổ đến nay mà chẳng giải quyết được điều gì. Trái lại, làm tăng thêm khối lượng nặng nề, ám độn, thê lương, sầu thảm, khiến cho nhân loại càng ngày càng thêm bị vây khổn trong khốn đốn, lùng bùng khủng khiếp, chết lịm hồn trong nỗi khổ, niềm đau, trầm thống vô vàn…

 

Bằng trái tim cháy bỏng, rực ngời hùng tâm tráng khí hòa lẫn với dòng máu thi sỹ, mở toang cánh cửa tâm hồn đón gió lạ thi ca, tư tưởng mười phương thổi lại. Dung hòa, tiêu hóa mọi tri thức đa nguyên một cách uyển chuyển, biết rung động trước bao đoạn trường, bế tắt, tuyệt lộ, trước những lao đao, quằn quại, đầy máu lệ, tê tái của trần gian, Huyền Giác thao thức lên đường. Một cuộc lên đường, ra đi vĩ đại như Tất Đạt Đa xưa kia, đã vượt dòng sông Anoma vào nửa đêm khuya, bàng bạc ánh trăng ngàn, vất lại sau lưng tráng lệ lâu đài, ngai vàng, điện ngọc, cả ngôi vị hoàng đế cũng chối từ, xem như một sợi dây trói buộc, xích xiềng.

 

Huyền Giác làm cuộc lữ lang thang vô sở trú, buông mình vào vô thức tâm linh, trầm tư cội nguồn uyên nguyên khơi mở. Thở cùng sương ngàn gió núi, tắm nắng ăn mưa suốt mấy mùa đi xuôi ngược phong trần. Dấn bước phiêu lưu vào những phương trời mới lạ, tầm thầy học đạo, khổ công lặn lội trên rừng dưới biển, quyết tâm thấu triệt lẽ huyền vi. Kỳ cùng cuộc lữ, thi gan cùng tuế nguyệt, kiên trì dốc chí, một mình một bóng trong am cốc, lạnh rờn cô đơn, cô độc khốc liệt. Rồi một ngày đọc kinh Duy Ma Cật, bỗng hoát nhiên đốn ngộ, tuệ nhãn bừng sáng rực ngời, thông suốt cả ba ngàn thế giới, thấy ngay trước mắt cái thực tại hiện tiền :

 

Chơi biển cả dạo rừng thiêng

Tìm thầy hỏi lấy đạo tham thiền

Từ ngày rõ nẻo Tào Khê ấy

Mới hay sống chết chẳng tương can

 

Đi cũng thiền ngồi cũng thiền

Nói im động tịnh thảy an nhiên

Phỏng gặp gươm đao thường nhẹ hửng

Ví nhằm thuốc độc vẫn bồng tênh

 

Chết sống không còn là vấn đề nữa. Một bước nhảy trọng đại, nhảy tung vào đất Như Lai, bước đi tự do, tự tại giữa đang là. Kể từ ngày thưởng thức được hương vị suối Tào Khê, nơi phát xuất nguồn thiền Huệ Năng ấy, thì đi đứng, nằm ngồi, dù nói năng hay im lặng, dù yên tịnh hay ồn động, ví gặp gươm đao kề cổ, hoặc dẫu có uống nhằm thuốc độc đi chăng nữa, lòng cũng vẫn điềm nhiên, không sợ hãi. Nhà thơ Huyền Giác đã thành Thiền sư Huyền Giác.

 

Từ đây, thõng tay vào chợ với một cái thấy tinh khôi, sáng tỏ rõ ràng, hoàn toàn tân kỳ, chiếu tỏa mới lạ và mới lạ. Một cái thấy (kiến tánh) mầu nhiệm, nhìn đến đâu là nhiệm mầu tới đó. Tỏ tường, tịch chiếu, diệu dụng trên muôn loài, vạn vật, từng mỗi mỗi sát na. Quá tuyệt ! Huyền Giác bừng trổ nụ cười thiên thu, vĩnh cửu, cất lên tiếng hát vang lừng Chứng Đạo Ca. Một bản đại hòa tấu tuyệt hảo, vô song vọng lên giữa một chiều nhập cốt, xuất thần tận am sâu. Vươn vai đứng dậy như sư tử, thiền sư bỗng gầm lên dữ dội, sấm sét, bằng tiếng thơ cao vút, vụt bay qua cửa huyền vi, đi vào bản thể tự thân :

 

Dứt học vô vi ấy đạo nhân

Không trừ vọng tưởng chẳng cầu chân

Tánh thực vô minh tức Phật tánh

Thân không ảo hóa tức Pháp thân

 

Pháp thân giác rồi không một vật

Vốn nguồn tự tánh thiên chân Phật

Năm ấm : Ảo hư mây lại qua

Ba độc : Huyễn hoặc bọt còn mất

 

Đó là Như Lai vô thượng Thiền, hiện thực bằng trí quán chiếu vào thể tánh bình đẳng, Nhất Như của sai biệt giới. Một khi đã siêu việt qua thế giới hiện tượng, nhập vào bản thể Tự tánh thanh tịnh thì tuyệt đối chẳng còn chi phải học nữa. Bậc liễu đạt là người hoàn toàn vô sự, rỗng rang, nhàn nhã, hết còn phân biệt đúng sai, phải trái, chân vọng, thật giả… Bởi thấu hiểu giả thật, vọng chân… đều huyễn hóa. Chẳng nhọc lòng tiêu diệt vọng tưởng hay truy tìm chân lý gì thêm. Tâm thể vốn hiện hữu sờ sờ, đang tỏa chiếu hào quang, sáng rực ngời ra như thế. Mê thì không thấy, ngộ thì tức khắc thấy ngay trước mắt bản lai diện mục tận tường.

 

Ngộ rồi mới thông suốt lẽ “Tánh thực vô minh tức Phật tánh. Thân không ảo hóa tức Pháp thân” bởi vô minh chỉ là một khái niệm, không có tánh riêng biệt nào cả mà chỉ do mình bỏ quên, chẳng biết trong mình có Phật tánh, nên tạm gọi là vô minh đó thôi. Khi tuệ giác quán chiếu thậm thâm, lập tức tánh Phật hiển lộ huy hoàng thì vô minh tan mất. Cũng vậy, thân huyễn hóa và Pháp thân chẳng đối lập gì nhau mà vốn là bất nhị. Pháp thân ở ngay trong thân ảo hóa này, chứ tuyệt nhiên chẳng ở một nơi chốn nào khác cả, như Huệ Năng nói: “Phiền não tức Bồ đề” là vậy.

 

Thiền sư liễu ngộ Pháp thân, Phật tánh, nhìn đâu cũng không thấy một vật nào chướng ngại, nên thõng tay vào chợ, tùy duyên hóa độ chúng sinh. Chỉ rõ cho họ biết năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) ba độc (tham, sân, si) như ảo ảnh, huyễn mộng, như bọt nước mong manh, chẳng thật có. Đừng lầm chấp có thật mà sinh tâm dính mắc, ham muốn rồi tranh giành, chiếm hữu, đưa đến căm thù, nhẫn tâm tàn sát lẫn nhau, gây bao đổ nát, tang thương, sầu hận chất chồng, tạo nghiệp mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Thực ra, luân hồi, sinh tử cũng là giả danh, không có thật, khi tâm chứng Thiền Như Lai tịch lặng :

 

Thoắt giác rồi Như Lai Thiền

Sáu độ muôn hạnh thể tròn nguyên

Trong mộng lao xao bày sáu nẻo

Tỉnh ra bằn bặt chẳng ba nghìn

 

Không tội phước không thêm bớt

Tánh mình vắng lặng đừng hỏi bắt

Bấy lâu gương bụi chửa từng lau

Này lúc rõ phân cần dứt khoát

 

Tâm chứng Như Lai Thiền, mới biết trong đó vốn có sẵn đầy đủ sáu độ : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ và muôn công hạnh. Đó là những phương tiện pháp của hàng Bồ tát thường sử dụng. Sử dụng mà không vướng kẹt, quét sạch hết tất cả mọi tạo tác của tư tưởng so sánh, phân biệt nhị nguyên. Bặt hết mâu thuẫn, xung đột giữa tội phước, thêm bớt, hơn thua, tốt xấu, đúng sai, phải trái, thời gian, không gian (sáu nẻo luân hồi, ba nghìn thế giới).

 

Vậy nên, đừng đuổi bắt gì hết, đừng nắm bắt vật thể nào hết mà cứ tự nhiên thuận tánh, tùy duyên trong sinh hoạt hàng ngày. Thong dong, mỉm  cười vô niệm, nhưng vô niệm không có nghĩa là diệt niệm, lau tâm, vì tâm vốn không nhiễm, chẳng có gì phải lau cả. Tâm thể rỗng suốt tợ hư không, rỗng rang, vô quái ngại bất cứ sự vật gì. Huyền Giác đã thấy rõ được tâm thể ấy nên sống tự do theo từng bước đi thư thả ra vào :

 

Thường một mình thường tản bộ

Đạt giả lại qua Niết bàn lộ

Điệu xưa thần nhẹ dáng thanh thanh

Xương cứng thân gầy ai chiếu cố ?

 

Hèn con Phật miệng xưng nghèo

Rõ thực thân nghèo đạo chẳng nghèo

Nghèo ắt thân thường manh áo chắp

Đạo ắt tâm hằng châu báu đeo

 

Châu báu đeo dùng chẳng hết

Tùy duyên rải khắp thèm keo kiết

Ba thân bốn trí thể tròn nguyên

Tám giải sáu thông tâm ấn hiệp

 

“Cô thân vạn lý du” là hình ảnh Thiền sư đi du hóa đó đây. Thường cất bước bộ hành, một mình một bóng, rong chơi khắp cõi ta bà, chợ búa. Con đường chợ búa náo nhiệt, không còn là chợ búa nữa mà là con đường Niết bàn, thanh thản an nhiên. Muốn đi con đường ấy phải có bộ xương kim cương, ẩn dưới thân gầy tiều tụy. Bên ngoài càng tiều tụy thì bên trong nội lực càng sung mãn, thành tựu ba thân : Pháp thân, báo thân, hóa thân, tám bước giải thoát (Xem Danh Từ Phật Học. Tâm Tuệ Hỷ biên soạn. Tôn Giáo xuất bản, Sài Gòn 2005) chứng bốn diệu trí : Đại viên cảnh trí, bình đẳng tánh trí, diệu quan sát trí, thành sở tác trí và sáu thông : Thần túc thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thiên nhãn thông, túc mạng thông, lậu tận thông.

 

Tất cả những điều thân chứng ấy đều là diệu dụng tự nhiên của tuệ tâm. Cái tuệ tâm vi diệu này, có thần lực chuyển hóa mọi chướng duyên, nghịch cảnh, thay đổi toàn triệt hết các thứ phiền não, khổ đau từ bên ngoài đưa tới, ví dụ như bị người ta đố kỵ, khinh bỉ, nguyền rủa, chửi bới, nhiếc mắng :

 

Mặc ai biếm mặc ai gièm

Châm lửa đốt trời nhọc xác thêm

Ta nghe như uống cam lồ vậy

Tan hết vào trong chẳng nghĩ bàn

 

Xét lời ác ấy công đức

Đó mới chính là thầy ta thực

Chớ vì báng bổ nổi oan thân

Sao tỏ vô sanh nêu nhẫn lực?

 

Phần đông bọn phàm phu tục tử chúng ta, có thể chém giết nhau vì những lời cãi cọ, mắng nhiếc, nguyền rủa, khinh chê thậm tệ, vì mình còn ngã chấp nặng nề, cho rằng kẻ vô học kia xúc phạm mình. Còn Thiền sư, khi nghe ai đó vu oan, giá họa, xổ ra toàn những ngôn từ độc địa, hiểm ác, thì vẫn bình thản, xem như uống nước cam lồ vậy. Thay vì giận dữ, lại hài lòng, cảm ơn kẻ ấy, tôn họ lên bậc thầy đã cho mình được thể nghiệm cụ thể hạnh nhẫn nhục ba la mật, nhất là thấu thị lý Vô sanh. Vô sanh hay Không tướng là cái chưa từng sinh, chưa từng diệt, là Như Lai, Phật tánh vốn hằng hữu trong lòng :

 

Không cầu chân chẳng dứt vọng

Mới hay chân vọng không chẳng tướng

Chẳng tướng chẳng không không chẳng không

Ấy mới Như Lai chân thực tướng

 

Gương tâm sáng soi chẳng ngại

Suốt thông chiếu khắp hằng sa giới

Muôn tượng um tùm ảnh hiện trong

Một điểm viên quang không nội ngoại

 

Thực tướng Như Lai là không tướng, lìa cả hai mặt chân vọng. Vọng chân đều vắng lặng, chẳng cần phải mong cầu sự thật, Chân tánh hay trừ diệt vọng tưởng, vọng niệm chi cả. Bởi vì bản tâm vốn trong suốt như gương chiếu soi vạn cảnh, tỏ suốt muôn pháp giới. Toàn thể càn khôn, vũ trụ đều hiện trong tâm ấy, một điểm linh quang chiếu diệu ngời ngời. Thiền sư sử dụng tâm ấy trên tinh thần vô úy của bậc đại trượng phu, cầm cây tuệ kiếm Kim Cang Bát Nhã, khiến bọn tà ma, ngoại đạo phải kinh hồn, khiếp vía lùi xa :

 

Đại trượng phu cầm kiếm tuệ

Ánh Bát nhã hề Kim cang lóe

Đã hay ngoại đạo bạt tâm mê

Lại khiến thiên ma lùi khiếp vía

 

Nổi pháp lôi đánh pháp cổ

Bủa mây từ hề rưới cam lộ

Voi rồng dẫm bước nhuận ân sâu

Năm tánh ba thừa đều tỉnh ngộ

 

Đại hùng, đại lực là sức mạnh nội tâm thâm hậu, Thiền sư đánh pháp lôi, nổi pháp cổ, bủa từ vân, rưới cam lộ, tuyên dương tối thượng thừa. Thúc giục hàng đốn giáo (long tượng) hàng tiệm giáo (năm tánh, ba thừa) mau thức tỉnh trên thực tại tối thượng, thành tựu tâm toàn giác, viên mãn. Bậc long tượng thường đi trên thông lộ tối thượng thừa. Đó là cảnh giới dung thông vô ngại. Trong ấy, một tánh viên thông tất cả tánh, một pháp chứa đủ tất cả pháp. Ví như một mặt trăng chiếu sáng trên vô số mặt nước sông hồ thành vô số mặt trăng. Một tức tất cả và tất cả ánh trăng thâu nhập vào một mặt trăng thôi :

 

Một tánh viên thông muôn tánh hết

Một pháp bao gồm muôn pháp hết

Một trăng hiện khắp tất cả nước

Tất cả trăng nước một trăng nhiếp

 

Cũng vậy, tất cả pháp thân Phật, thể nhập trong tánh chúng sinh thành vô lượng báo thân và hóa thân Phật, tất cả đều tương ứng, tương hợp với thực tại Như Lai đại đồng. Tự tánh chúng sinh và chư Phật đều Nhất Như :

 

Chư pháp thân Phật vào tánh ta

Tánh ta cùng với Như Lai hiệp

 

Khi chúng ta biết mình và Phật, tự tánh đều bất nhị, thì liền vụt thấy một chân trời cao rộng, nhận diện được con người đích thực, cái bản lai diện mục của chính mình, giống như Thiền sư thấy mình là sư tử, dạo bước rong chơi giữa cảnh núi rừng im vắng ngao du :

 

Rừng chiên đàn không tạp thụ

Sâu kín um tùm sư tử trú

Cảnh vắng rừng im một mình chơi

Cao chạy xa bay chim cùng thú

 

Sư tử con chúng theo mẹ

Tuổi mới lên ba đà hống khỏe

Chó rừng dầu bén gót Pháp vương

Trăm năm yêu quái há mồm suông

 

Sư tử (ẩn dụ chỉ Phật) ở núi nào thì hươu, nai, dê, thỏ, chó rừng (ẩn dụ chỉ chúng sinh) đều bỏ chạy, trốn mất, vì những loài cầm thú hoang dã này mang tâm lượng nhỏ bé, hạn hẹp, không chịu nổi tiếng gầm rống dữ dội của sư tử. Tuy nhiên, nếu chúng ta ý thức thực chất của mình là sư tử thì trong chớp nhoáng thành sư tử ngay, bất chấp tuổi tác, thời gian, cũng như sư tử con mới ba tuổi đã rống khỏe như mẹ. Còn cứ mang mặc cảm mình là hươu, nai, dê, thỏ, chó rừng thì ngàn năm học rống cũng chẳng rống được. Pháp Thiền Viên đốn, chỉ thẳng vào thực chất sư tử, tức Phật tánh của hết thảy chúng ta, những con người bé nhỏ đáng thương :

 

Pháp Viên đốn vượt tình thường

Mọi niềm ngờ vực quyết không vương

Sãi tôi đâu sính bàn nhân ngã

Sợ lạc đường tu hố đoạn thường

 

Pháp Viên đốn vượt ngoài suy luận bình thường của thế nhân. Mọi sự hồ nghi, ngờ vực hãy dẹp hết. Thiền sư không thích luận bàn chuyện nhân ngã, chỉ e ngại người tu không tinh ý, rơi vào hai cực đoan là đoạn kiến (hư vô) và thường kiến (cố định) một cách nông cạn thì uổng phí, vì tà và chánh, chân và ngụy… chỉ cách nhau kẽ tóc đường tơ thôi. Nhắc nhở như thế, vì chính Huyền Giác cũng đã từng ngộ nhận :

 

Ta sớm bao năm chuyên học vấn

Từng viết sớ sao tìm kinh luận

Phân biệt danh tướng mãi không thôi

Vào biển đếm cát tự chuốc hận

 

Quả đáng bị Như Lai quở trách

Châu báu của người có gì ích ?

Lâu nay đắng đót rõ công suông

Uổng bấy làm thân phong trần khách

 

Huyền Giác trên đường cầu đạo cũng mắc phải cái bệnh chấp danh từ, chữ nghĩa, văn chương, triết học, lấy châu báu của người làm của mình, lấy trí mình lường trí Phật. Thật phí sức bao nhiêu công quả của một lữ khách phong trần. Nhiều người khác như hạng Thanh văn, Duyên giác dụng công quá nhiều (tinh tiến) mà không dụng tâm, còn bọn ngoại đạo, giỏi học giải mà không giỏi trí giải. Họ đều lấy hư làm thực, níu danh tướng, níu giác quan (căn cảnh) níu danh từ, không dám lìa danh ngôn nghĩa tướng để phát hiện Chân lý, nên bị hệ lụy. Phá trừ tất cả tướng, vật, những ảo ảnh do tâm tạo ra, không còn thấy một bóng dáng nào ngăn lấp, là thấy thực thể, thấy Như Lai :

 

Chẳng thấy một pháp tức Như Lai

Nên cũng kêu là Quán Tự Tại

Tỏ rồi nghiệp chướng hóa thành không

Chưa tỏ nợ xưa đành trang trải

 

“Nếu thấy hình tướng chẳng phải là hình tướng, tức thấy Như Lai” Đó là cái thấy của kinh Kim Cang. Cái thấy ấy là kết quả của một sức quán tưởng tối cao đến chỗ tuyệt đối, chỗ tự tại (Quán Tự Tại là đạo hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm.) Quán được như vậy thì lập tức giải trừ hết mọi nghiệp báo tự muôn đời, vì nghiệp báo vốn không cố định. Trong thế giới hiện tượng, tội lỗi là thật, nhưng trong thế giới Chân Như, tội lỗi là giả, không phải thật. Đừng mặc cảm tội lỗi mà tự mình che lấp mất Bồ đề tâm, tuệ trí :

 

Sư tử hống thuyết vô úy

Thương thay ai vẫn mê mờ rối

Mảng e tội chướng lấp Bồ đề

Chẳng được Như Lai mở kho bí

 

Có hai tỳ kheo phạm dâm sát

Đóm huỳnh Ba Ly thêm buộc siết

Bồ tát Duy Ma chốc giải ngờ

Như vầng dương chiếu tiêu sương tuyết

 

Huyền Giác kể lại, có hai thầy tu ở cốc núi nọ. Ngày kia, một ông đi xuống núi khất thực, một ông ở nhà. Bỗng có một sơn nữ đi qua, thấy ông nằm ngủ mê, bèn vào nhà và gây cuộc truy hoan. Ông thầy xuống núi trở về, thấy vậy, giận quá, lấy cây rượt đuổi cô gái. Sợ hãi, cô bỏ chạy, sẩy chân té xuống hố chết. Thế là cả hai thầy phạm dâm giới và sát giới.

 

Vội vàng cả hai liền đến sám hối, trình sự việc xảy ra với Ưu Ba Ly, một cao đệ của Phật, nổi danh đệ nhất trì giới. Ưu Ba Ly cứ y theo giới luật mà kết tội. Tội ấy không thể sám hối được, nhất định đọa xuống địa ngục A Tỳ. Hai thầy tuyệt vọng, nhưng còn ngờ, nên đến thỉnh giáo Bồ tát Duy Ma Cật. Nghe kể lại tự sự, Duy Ma Cật cười bảo: “Sự tình đó, không do bổn ý mà làm, nên tự nó không có tội.” Hai thầy bỗng thấu lẽ “tội tánh vốn không” liền được tự tâm giải thoát.

 

Câu nói của Duy Ma Cật như mặt trời chiếu tan sương tuyết, phút chốc mở cửa Diêu giác, khiến cho hai vị thầy kia thoát khỏi mặc cảm tội lỗi. Ơn ấy không đền được bằng vàng ngọc hay bằng bốn sự cúng dường (áo quần, thức ăn, chỗ tu, thuốc thang) bằng thịt nát xương tan. Một câu nói ngay tức khắc, giải thoát con người ra khỏi luân hồi, nghiệp quả từ muôn ngàn kiếp :

 

Bàn nghĩ chi sức giải thoát

Diệu dụng hằng sa như số cát

Bốn sự cúng dường dẫu nhọc bao

Muôn lượng vàng ròng dầu tiêu hết

Thịt tan xương nát chữa đền xong

Một câu thấu suốt siêu ngàn ức

 

Duy Ma Cật là bậc thượng thừa, tuy mang áo cư sỹ, sống giữa chợ đời, phồn hoa đô hội rối bù, phức tạp nhưng tâm hồn đã tự tri, liễu ngộ đạo lý Thiền siêu việt. Đạo lý ấy, vốn hằng hữu từ muôn thuở đến muôn nơi mà Đức Phật là người đầu tiên chứng ngộ, rồi khai mở, chỉ vạch ra cho tất cả thiên hạ, mọi người cùng thấy để sống an nhiên. Huyền Giác, một nhà trí thức cũng đã đốn ngộ giữa một chiều vạn đại, khi ngồi đọc kinh Duy Ma Cật trong am cốc tịch liêu. Hào hứng cất lên tiếng hát chan hòa, bát ngát giữa vô cùng, vô tận :

 

Đấng Pháp vương bậc Tối thắng

Hằng sa Như Lai cùng chung chứng

Ta nay giải vậy như ý châu

Người người tin nhận đều tương ứng

 

Suốt suốt thấy không một vật

Cũng không người cũng không Phật

Thế giới ba ngàn bọt nước xao

Mỗi mỗi thánh hiền như điện phất

 

Đức Phật được tôn là Pháp vương, Tối thắng cũng như vô số Như Lai đều chứng ngộ như vậy. Nay Thiền sư giảng giải lại theo sở đắc của mình. Ai tin nhận vậy là khế hợp với thực tại vô thượng, đều tương ứng với tự tánh Như Lai. Tự tánh ấy là bối cảnh đang diễn ra muôn sự, muôn vật, trùng trùng duyên khởi vô tận, nên không sự vật nào là một thực thể. Tất cả là duyên sinh, đều giả hợp giả tan, hư ảo vô thường, tuy có mà không thực có.

 

Dưới mắt Thiền sư, không đâu có vật, có người, có Phật, có ma… Toàn do nhân duyên mà hiện hữu, chợt đến, chợt đi, thoạt còn, thoạt mất như điện chớp. Cả đến ba ngàn thế giới vô lượng vô biên kia cũng chỉ là những bọt nước lao xao trên bối cảnh của tự tánh Như Lai.

 

Tự tánh hàm chứa toàn thể vũ trụ, nhân sinh, vốn rỗng lặng thanh tịnh, không nhiễm trước. Trên cái tịnh tuyệt đối, dấy lên cái động tương đối, nên dầu động như vành xe sắt chuyển trên đầu người chứng đạo, thì định và huệ vẫn viên minh và bất động. Dù cho mặt trăng bốc lửa, mặt trời hóa băng tuyết, quần ma nổi loạn, thì chân lý ấy vẫn bất động, bất diệt. Dẫu ngoại đạo (bọ ngựa) có gây ma chướng thì xe voi (Phật thừa) vẫn vững vàng tiến lên, không gì ngăn cản nổi, chẳng thế lực nào chặn được bước đi :

 

Ví phỏng thiết luân trên đầu chuyển

Định huệ sáng tròn luôn chẳng biến

Nguyệt dù thành lửa nhật thành băng

Ma nào phá được chân thuyết hiện ?

Xe voi dốc ngược vững đường lên

Sức mấy bọ trời ngăn sức tiến ?

 

Vô thượng Thiền là vậy, Thiền của bậc đại căn, đại trí. Cũng như voi không đi lối thỏ, bậc cao thủ không câu nệ tiểu tiết. Các bạn không nên nhìn qua cái ống tre mà chê bầu trời nhỏ hẹp. Với những ai chưa liễu đạt, khúc Chứng Đạo Ca này, vì các bạn mà mở ra những bí quyết cuối cùng :

 

Voi lớn đâu thèm đi lối thỏ

Ngộ lớn sá gì chút tiết nhỏ

Chớ dòm qua ống biếm trời xanh

Vì bạn còn mê ta nói rõ

 

Đó là Chứng Đạo Ca của Thiền sư thi sỹ Huyền Giác. Thi sỹ sinh năm 665, mất năm 713 tại Vĩnh Gia, Trung Hoa. Chứng Đạo Ca dài 266 câu thơ thất ngôn, tuy ra đời cách đây hơn 15 thế kỷ nhưng thần lực của thơ vẫn còn lan tỏa lạ lùng, âm thầm nhiếp dẫn tâm thức giữa muôn chiều diệu dụng, bừng lên sáng rực ngời ngọn lửa thiêng trong lòng người thời hiện đại. Ngay buổi đầu, Chứng Đạo Ca đã vang lừng trong thiên hạ. Từ Trung Hoa, khúc ca đã bay rợp trời khắp tòng lâm, thiền viện ra hải ngoại. Một pháp sư Ấn Độ, dịch ra chữ Phạn. Đến nay, Chứng Đạo Ca đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Tây phương, phổ biến trên toàn thế giới.

 

“Chứng Đạo Ca là một bản hòa tấu đồ sộ kết hợp bằng thơ và đạo. Thơ đem đến cho đạo những màu sắc, âm thanh trào ra từ vô thức, cháy bỏng theo tình người. Đạo đem đến cho thơ những chân trời bao la, huyền diệu, như có như không, bàng bạc trong ánh sáng thuở ban đầu.

 

Thơ là thơ của truyền thống Thịnh Đường, khi gắn bó như lời tâm sự, lúc quật khởi như sóng thét, gió gào, khi hoang vắng như vầng không tuyết gội, lúc sảng khoái như tòng bá đứng so gan. Quả là cây đàn muôn điệu !

 

Đạo là đạo của truyền thống Thiếu Lâm, cao khiết giữa vách đá cheo leo, ung dung giữa chợ búa, mát rượi dòng nước Tào Khê chảy qua lịch sử và lòng người như từ một nguồn bất tuyệt. Quả là đạo vô vi!” Trúc Thiên đã nói như thế, trong lời giới thiệu Chứng Đạo Ca.

 

Cảm hứng từ bài viết tuyệt vời của Trúc Thiên, tôi liền mần bài thơ Thiền Sư Thi Sỹ Huyền Giác này, gởi lên thiên thanh vĩnh thúy, bay theo mây trắng giữa bát ngát thiên thu, để lắng nghe tiếng Thiền sư còn đồng vọng trầm hùng trong thăm thẳm lòng sâu :

 

Như sư tử rống gầm thâm hậu

Thấu đạt rồi liễu ngộ mở sơ nguyên

Phát minh tâm địa nhờ tự lực

Chứng Đạo Ca vang dội tối thượng Thiền

 

Bừng hiển lộ cõi vô lượng thọ

Vô lượng quang tỏa chiếu rực ngời

Ơi chao ! Sống chết đâu có thực

Có vì lầm mê chấp ngã mà thôi

 

Lòng thanh thoát an nhiên liền thấy

Ngay vô minh là Phật tánh sờ sờ

Chơn Không mà vẫn thường diệu hữu

Nên huy hoàng sáng tạo suối nguồn thơ

 

Thơ huyết mạch tuôn trào bất tuyệt

Cuốn sạch làu muôn vạn kiếp sầu qua

Vô phân biệt trí cười khai thị

Chỉ ngay ra thực tại cái đang là

 

Tâm Nhiên

(Thiền viện Trúc Lâm Chánh Thiện 2. 3. 2019)

 

* Mời xem: Thơ Huyền Giác, trích trong Chứng Đạo Ca. Trúc Thiên dịch. Hồng Đức tái bản lần thứ 3, Sài Gòn 2014  

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/05/2021(Xem: 12575)
Kinh Đại Bát Nhã có tất cả 600 quyển, gồm 5 triệu chữ trong 25 ngàn câu, là bộ kinh khổng lồ trong tàng kinh cát của Phật Giáo Đại Thừa, do Đức Thế Tôn thuyết giảng trong 22 năm. Pháp Sư Huyền Trang dịch từ tiếng Phạn sang Hán và Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm (1911-2003) dịch từ Hán sang Việt. Lão Cư Sĩ Thiện Bửu đã dành 10 năm lao nhọc, vừa học Kinh vừa viết luận bản này để xiển dương tư tưởng Bát Nhã theo tinh thần truyền bá và lưu thông. Ông đã khiêm tốn tự nhủ rằng, không biết những gì mình viết có phù hợp với tinh thần của bộ Đại Bát Nhã Ba La Mật hay không, nhưng chúng tôi cho rằng việc làm của Lão Cư Sĩ là việc cần làm và thiết thực hữu ích, ông đã giúp tóm tắt ý nghĩa và chiết giải những chỗ chính yếu của Kinh. Có thể nói đây là bản sớ giải đồ sộ thứ hai (trọn bộ 8 tập) về Kinh Đại Bát Nhã, theo sau Đại Trí Độ Luận (5 tập) ở Việt Nam. Xin tán thán công đức của Lão Cư Sĩ đã đặt viên đá đầu tiên, để khuyến khích cho những hành giả khác, cùng phát tâm xây dựng nền mó
17/05/2021(Xem: 10557)
Có lẽ đây là bài thơ mà tôi đã khóc rất nhiều khi viết lời tán dương và kính mừng lễ Phật Đản như từ nhiều năm qua từ khi bước vào tu học Giáo Lý Phật Đà vì lẽ hơn một năm qua đại dịch đã bộc phát rất mãnh liệt và năm nay có lúc thảm hại tàn khốc như đang xảy ra tại quê hương của Đức Bổn Sư. ... Từ các Thông Bạch từ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT ÂU CHÂU do Đệ Nhất Chủ Tịch: HT Thích Tánh Thiệt và Đệ Nhị Chủ Tích : HT Thích Như Điển đã Thay mặt Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội gửi đi , Và Thông Bạch Phật Đản lần thứ 2645 (TL 2021) của Giáo Hội Úc Châu do HT Hội Chủ Thích Bảo Lạc và cảm động nhất là Thông Bạch của GHPGVNTN Hoa Kỳ do HT Thích Thắng Hoan thay mặt Hội Đồng Giáo phẩm ( kính mời xem chi tiết ) Kính đảnh lễ Chư Tôn Đức và kính tri ân lời chỉ dạy đã giúp con thấy rõ biết thực tại hiện tiền và vững niềm tin trước Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn sau khi Thành Đạo đã khai, thị , ngộ , nhập Phật tri kiến đến chúng sinh ...
17/05/2021(Xem: 11121)
Trong thế giới thi ca hiện đại Việt Nam, ngoài những nhà thơ nổi tiếng như Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư…thì Trần Xuân Kiêm, tuy ẩn mật nhưng hồn thơ lai láng, chan hoà cả trời thơ đất mộng mông lung. Một niềm thơ tình tự, tương tư trong nỗi sầu ca vô cùng xúc động cứ đồng vọng hoài trên mặt đất ngân rung. Không biết tự bao giờ, em đã đến giữa tồn sinh này, khiến cho thi nhân ngất say trong chén rượu nồng được rót từ suối tóc long lanh, từ biển mắt xanh biếc huyền diệu mông mênh. Em về đây từ một thế giới ban sơ vừa mộc mạc, giản dị vừa huy hoàng, diễm lệ. Thế giới của thơ và họa giao thoa trong tiếng nhạc của trời giữa thiên thu vời vợi… Nơi đây dư vang của huyền thoại quy hồi và em xuất hiện. Em về ngồi đó, lặng lẽ trong bóng chiều vĩnh cửu, thiên thu, đủ cho chàng thi sỹ ngây ngất, bàng hoàng, choáng váng, vội vã Quy Hàng: Em ngồi trong bóng thiên thu Nắng vui còn đọng lời ru suối ngàn Có ta cõi đó điêu tàn Đá khô đất sụp
16/05/2021(Xem: 10138)
Trước khi xuất bản, chúng tôi có duyên được đọc tác phẩm mới nhất, Triết Lý và Thi Ca, của Nguyên Siêu, tức là Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, một vị Thầy lớn hiện tại ở Hoa Kỳ. Thầy có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, trước tác và dịch thuật quan trọng như: Tư Tưởng Xã Hội Trong Kinh Điển Phật Giáo Nguyên Thủy (1994), Ưu Đàm Lướt Bão (1998), Tâm Nguyên Vô Đề (2012), v.v… có thể tìm thấy ở đây: (https://hoavouu.com/author/about/129/ht-thich-nguyen-sieu). Nhưng có lẽ chúng tôi trân quý nhất là 3 cuốn: Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng, tập I (2001, 2006), Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng, tập II (2006, 2020) và Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Mộng, tập III (2013, 2020) do Thầy biên tập. Chúng tôi còn nhớ, như là tiếng nói từ đáy lòng khi thầy Nguyên Siêu chia sẻ về Ôn Tuệ Sỹ, "Thầy đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam những công trình khảo cứu, dịch thuật, thi văn, tư tưởng Triết học để khu vườn văn hóa Việt Nam thêm nhiều hương sắc.” Cũng tương tự, Thầy Nguyên Siêu cũng
08/05/2021(Xem: 7312)
Kính dâng Thầy bài viết về ngày Mother’s Day. Cứ mỗi năm đến ngày Mother’s Day và lễ Vu Lan thì hình ảnh Thầy rơi lệ trong một bài pháp thoại mùa đại dịch lại hiện ra ...Tình thương Mẹ của Thầy đã biểu hiện trong ánh mắt, nụ cười qua những bức ảnh và khi nói về Niệm Phật Thầy luôn đọc bài thơ Sám Niệm Phật mà Cụ Bà Tâm Thái đã đọc từ kinh Tam Bảo của nhiều chùa xưa . Hôm nay nhân sưu tầm bài viết có một câu của bà mẹ gửi cho con ...kính ghi chép lại và kính dâng những ai từng rơi lệ dù là nam nhi .. " Con trai của Mẹ, nếu buồn hãy cứ khóc, đừng giấu nước mắt vào trong như những người thường chỉ dạy . Con trai khóc cũng không sao cả, nếu nước mắt này giúp cho điều lo lắng về mẹ và buồn bả không được gần Mẹ sẽ vơi đi và giúp con cảm thấy nhẹ nh
03/05/2021(Xem: 4560)
Sư Giác Phổ định lấy vé cho tại hạ về Huế, nhưng ông bạn “nhong nhong”, buộc phải lên Daklak đi xe với anh em, đâu được ưu tiên biệt đãi thế! 6g chiều vừa xuống sân bay, sư đã đón tại sảnh; Tịnh xá Ngọc Quang lẳng lặng trong màn đêm; đại hồng chung tiễn nhân sinh vào cõi mộng.Bận rộn bao việc để chuẩn bị mai lên đường, thế mà đích thân sư bê lên ly bột.
03/05/2021(Xem: 12200)
Báo Chánh Pháp số 114 (số đặc biệt mừng Phật Đản 2645, Tây lịch 2021)
30/04/2021(Xem: 7212)
Sáng cuối tuần trời nắng đẹp nên ăn sáng xong tôi mặc áo ấm đi dạo. Chợt thấy dọc đường cảnh lạ như vầy, xin kể cho vui. Trên lối đi, cạnh một góc hoa viên là chỗ đông người qua lại tôi thấy có mấy thùng cạc tông nằm lênh láng. Thời nay rủi ro tràn khắp, lúc nào thấy những thùng gì lạ nằm lênh láng hay những túi xách vô chủ là nghi ngờ. Khôn hồn thì tránh xa! Vì đó có thể là mấy trái bom nổ của nhóm quá khích. Nhất là ở đây, đoạn đường bãi biển thường rất đông người qua lại trong những ngày nắng đẹp này. Cái thói quen cẩn thận lo xa, xem ra đã tích lũy từ những ngày thơ ấu trong chiến tranh. Tôi rẽ ngoặt đi lánh ra xa ngay. Nhưng tò mò thì vẫn cứ tò mò. Chả lẽ ở đây là chợ trời? Vô lý, bao lâu nay chưa hề thấy. Lại có 5,7 người đứng ngồi cầm những vật trên tay giống như sách báo. Thôi, lo yên thân. Việc của mình là đi dạo thì cứ đi. Nửa giờ sau. Cái việc đi dạo xem như đã xong, nhưng thay vì đi ngõ khác về nhà như mọi hôm thì lại tôi cố ý quay lại đường cũ để xem cảnh cái “chợ ch
20/04/2021(Xem: 18759)
Kính bạch chư Tôn Đức, Thưa chư Pháp hữu, nhân mùa Phật Đản PL 2565, Viên Giác Tùng Thư Đức Quốc có ấn hành Đặc San Văn Hóa Phật Giáo chủ đề Chuyển hóa Khổ đau để chào mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni lần thứ 2645. Đặc San năm nay (lần thứ ba) được sự góp mặt của 50 văn thi sĩ và 3 họa sĩ trong và ngoài nước. Chúng tôi kính gởi đến quý Trang Nhà để nhờ phổ biến rộng rãi đến mọi độc giả gần xa. Độc giả muốn mua sách in có thể đặt trực tiếp trên mạng toàn cầu Amazon: https://www.amazon.de/gp/product/1716272939/ref=dbs_a_def_rwt_bibl_vppi_i7 Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật Kính Mail Nhóm Chủ Biên Phù Vân - Nguyên Đạo - Nguyên Minh
16/04/2021(Xem: 6581)
Kính bạch Thầy, do các bài thơ trình pháp về Tổ Sư Thiền càng về sau càng đi về công án nên con rất thích sưu tầm và tư duy . Nhân có trong tay 43 công án của Vua Trần Thái Tông do Sư Ông Làng Mai Thích Nhất Hạnh ghi lại con có bài thơ sau như bắt đầu tìm hiểu thêm . Kính mời Thầy xem cho vui vì con mới bắt đầu a b c để đi vào từng bước một . Kính chúc sức khỏe Thầy, HH Thượng đường giảng dạy chư Tổ Sư . Bao nhiêu công án ... quả không dư ! Tiếc ... trí vô sư chưa hiển lộ , Chừng nào rốt ráo được chữ NHƯ ? Giáo kinh, ngữ lục chưa niêm được ! Chưa hết phân vân ... vốn phàm tư! Khi nào vượt qua chỗ thấy biết Kệ tụng 4 câu ... ngộ THÁI HƯ !!!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]