Lăng Già Tâm, Tâm Nhiên cùng uống trà trong liêu vắng chùa Phi Lai, Biên Hòa, đêm tháng 2. 2019
LĂNG GIÀ TÂM
TRẦM MẶC TRĂNG NGÀN
Thơ là tiếng hát ngàn năm, thâm thiết, miên man trong tâm hồn nhân thế, còn mãi đồng vọng, âm vang cao vút tận trời mây lẫn trong sương gió, nắng mưa giữa mùa trăng ngời xanh biếc huyền mộng. Trăng là hơi thở sơ nguyên của vũ trụ, hòa quyện thiết tha, nuôi dưỡng lòng người muôn thuở, là nguồn cảm hứng muôn nơi cho biết bao thiền sư, thi nhân, nghệ sỹ đi về trên cung bậc sáng tạo, khơi mở dòng đời :
Trời mênh mông đất mênh mông
Ta ngồi ngoảnh lại chiều đông qua rồi
Xuân về khoe sắc nơi nơi
Nghe trong cổ lục tàng khơi trăng vàng
Xuân là Tâm xuân, đất trời mới mẻ, tinh khôi trong lòng mình. Trăng vàng chiếu ra từ những trang cổ lục, cảo thơm, là hình ảnh ánh trăng tuệ giác siêu việt của nhân loại đã kết tinh từ thiên vạn cổ đến nay. Đó là vầng trăng Đức Phật, trăng Long Thọ, trăng Bồ Đề Đạt Ma, trăng Huệ Năng, trăng Lâm Tế, trăng Tuệ Trung Thượng Sỹ, trăng Không Lộ, trăng Huyền Giác… vẫn sáng ngời ngời, soi bước cho biết bao con người vượt qua bóng đêm dài sinh tử…Phải chăng, đó cũng là “Vàng trăng như thị thiên thu dặm ngàn” mà nhà thơ Lăng Già Tâm cảm nhận, khi chiêm ngưỡng vầng trăng Tâm xuân giữa canh trường khuya vắng :
Trăng vô biên trăng hiện tiền
Nước trong trăng hiện ưu phiền lãng du
Nghiêng tay nhẹ vén mây mù
Vàng trăng như thị thiên thu dặm ngàn
Dặm ngàn thiên thu trên từng bước như thị về, bàng bạc ánh trăng thi ca lãng đãng, trông thật thanh thản, an nhiên, muôn chiều phiêu hốt. Còn gì hân hoan hơn, khi bất ngờ thấy ra nguồn cội, bản lai diện mục của mình, dưới ánh vàng trăng tỏa bừng quang đãng :
Nghe trong tự tánh âm vang
Cô luân nguyệt tỏa ánh vàng lung linh
Trăng soi mặt mũi chơn hình
Ngàn thu trăng chở vô thinh cội nguồn
Tự tánh thanh tịnh vốn sẵn hiện hữu tự bao giờ, luôn luôn có mặt sờ sờ ngay trước mắt đó. Thấy là thấy lập tức, diệu dụng ngay giữa thực tại hiện tiền (kiến tánh) còn không thấy thì cứ quờ quạng, lần mò trong xó xỉnh tối tăm, lẩn quẩn chung quanh cái ngã chấp thâm căn cố đế của mình (vô minh)mà thôi.
Từ khi “Nghe trong tự tánh âm vang” nhà thơ Lăng Già Tâm trầm nhiên thõng tay vào phố chợ Biên Hòa, vào ra ngôi chùa cũ, trà đạo cùng tao nhân, mặc khách, tùy duyên Chuyển Hóa* cõi người ta. Ra Phú Yên, về chốn miền thôn dã Hòa Thịnh, thinh lặng ngắm trăng rằm mát rượi, thoảng ngát hương đồng cỏ nội, tịch chiếu quanh vườn cổ tự Phi Lai. Lên núi rừng cao nguyên Đăk Lăk dạo chơi với hoang vu, thác đổ, sương mù. Rồi xuống biển Quy Nhơn, thả hồn thơ ngút ngàn bay theo mây trắng :
Chùa thiêng ngời im lặng
Chuông khuya vang tiếng không
Trăng xưa vờn biển mộng
Ta về trong mênh mông
Biển mộng vờn trăng xưa, long lanh lấp lánh màu vạn đại trước mông mênh đại hải, thấp thoáng bóng ta về, là hình ảnh “cô thân vạn lý du” của Lăng Già Tâm, một nhà sư tự tại, một nhà thơ an nhiên, đang cùng thiên địa Giao Cảm** trong một niềm trăng hằng cửu, chơn thường, bát ngát suối nguồn thương :
Trăng chơn thường
Trời mờ sương
Đời còn vương
Vạn tình thương
Trăng lung linh
Mắt lung linh
Nhập trang kinh
Vang bình minh
Tinh sương, sớm mai hồng lộng nắng vàng óng ánh, xanh biếc cỏ hoa trôi quanh gành đá, tuôn trào rào rạt xuống nguồn suối thương yêu, chảy tràn lan lai láng, bồi hồi. Suối nguồn yêu thương chan chứa giữa đại bi tâm, cuồn cuộn, róc rách reo ca theo dòng nước trong đục dung thông :
Rồi một sớm mai hồng
Đất trời bỗng sáng trong
Dòng suối ven bờ cỏ
Niềm vui rộn trong lòng
Thong dong là niềm vui mừng rỗng rang bừng dậy, để nụ cười bất tuyệt trổ mãi ngàn hoa lá trên đường về cố quận, nơi vườn Tâm ấm áp, chạm hồn trăng Chân Như ở đây và bây giờ, ngay trong từng hơi thở lạc an :
Sóng xao bờ cát
Trăng tỏ lối về
Vườn tâm sáng rạng đường quê
Trời Chân Như ấy bây giờ là đây
Vườn Lòng xưađã quy hồi, đã về đã tới thảnh thơi. Thi nhân trút sach hết bụi sầu vạn cổ, buông xuống chập chùng, nặng trĩu bao nỗi khổ, niềm đau, sau nghìn dặm lữ làm phong trần khách, lang thang từ vô lượng kiếp, chìm nổi, thăng trầm, chết đi sống lại giữa cuồng phong, sấm sét, ba đào :
Phong trần một kiếp lao đao
Nửa vành trăng khuyết biết bao nhiêu tình
Hỏi cây cây mãi lặng thinh
Hỏi mây mây cứ lênh đênh cuối trời
Đá mòn nhưng dạ chẳng rời
Tào Khê nước chảy sáng ngời Chân kinh
Chiều nay dừng bước phiêu linh
Bên con dốc đá tự tình rong rêu
Phiêu linh dừng gót bên dòng suối Tào Khê, bước lên thuyền Bát nhã, lắng nghe Huệ Năng thuyết Chân kinh: “Nếu thấy hết thảy pháp mà tâm không ô nhiễm cũng không vướng mắc, ấy gọi là Vô niệm. Hoạt dụng hết thảy chỗ mà chẳng mắc vướng chỗ nào, chỉ cần thanh tịnh bản tâm, để cho sáu thức ra vào sáu căn, đối với sáu trần không nhiễm, không dính. Đến đi tự do, ứng dụng vô ngại, tức là Bát nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là hạnh Vô niệm”. Mỉm cười, thi nhân nhận biết, thẩm thấu sâu xa và thực hành cái tâm không dính măc, kẹt vướng, một cách nhanh chóng :
Không vương không lụy ngoài trong
Vượt sinh tử mộng thoát vòng nhiêu khê
Qua rồi bể khổ sông mê
Thuyền neo bến giác đề huề gió trăng
Trăng gió vẫn đề huề trên đường thơ Lăng Già Tâm, thi nhân vẫn cất bước thung dung, thõng tay vào chốn bụi hồng :
Ta bà nặng gánh có không
Con thuyền Bát nhã thong dong lối về
Người đi rạng nét chân quê
Lời kinh vô tự đề huề gió trăng
Mai này trong cõi cô tung
Lắng nghe tiếng hát từ vùng Nguyên xuân
Có không nào để phân trần
Đến đi rồi cũng một lần ai ơi !
Trăng khuya chếch bóng mộng vời
Con đường sinh tử như lời ca dao
Trăm năm tiếng hát câu chào
Ngàn năm còn lại lời nào cho ta ?
Trăm năm là một kiếp người trong cõi ta bà, với đủ thứ mặn nồng, chua chát, đủ thứ ngọt bùi, cay đắng, lặng buốt tâm can, lòng dạ não nùng. Rồi ngàn năm vời vợi trong cõi vô cùng, vô tận kia, có còn gì nữa không, hỡi trời cao, biển rộng ? Nhà thơ tự hỏi rồi tự đáp, khi ngồi quán chiếu, xuyên suốt tam thế mộng, khắp mười phương, tám hướng, bốn bề :
Tâm nhiên rộn bước đường quê
Tâm Không là chính nẻo về trong ta
Tâm bình ấy bản trường ca
Tâm hòa nhẹ quyện thiết tha ru lời
Ai ơi ! Nhớ lấy nụ cười
Để thiên thu mãi sáng ngời Chân kinh
Chân kinh vô tự vốn không chữ mà đại thi hào Nguyễn Du đã đọc được nên phát biểu: “Khắp cõi là Không tánh thì đâu có tướng. Tâm này vốn thường định chẳng lìa thiền”. Thiên thu nụ cười chỉ có thể bừng nở rực rỡ, từ trên nền tảng tuyệt trần Chân Như tự tánh hay Pháp thân thường trụ mà thôi. Thấy như thế, nên nhà thơ Lăng Già Tâm nhập diệu vào bao la, cảnh giới bát ngát vô lượng thọ, vô lượng quang :
Dang tay đón ánh mặt trời
Nghe trùng dương gọi nụ cười thinh không
Nghe đồng vọng giữa mênh mông
Tiếng Chân Như hiện muôn trùng Pháp thân
Thật vậy,trời đất rộng lớn là do tâm ta lớn rộng, Thiền sư Suzuki đã nói như thế. Chữ tâm là chỉ cho tâm thức con người. Tâm thức quả thật bất khả tư nghì. Muốn nói về tâm, hiểu chữ tâm cho rốt ráo, đầy đủ ý nghĩa, thì không khác gì mình phải đọc lại toàn bộ tam tạng kinh điển, từ Nguyên thủy đến Đại thừa. Ở đây, chỉ cần mấy câu thơ, thi nhân đã miêu tả cái tâm, cái lòng thênh thang như mây trắng :
Kinh vàng tỏa sáng màu trăng
Xuân vàng kết nụ vĩnh hằng trong ta
Sáng nay lòng bỗng bao la
Ý xuân hòa quyện ý ta muôn trùng
Thế là, suốt từ đầu đến cuối, cõi thơ Lăng Già Tâm vẫn trầm nhiên đi giữa ngàn trăng xanh biếc. Trăng phiêu bồng trên tuyệt đỉnh Tâm cao rờn tuyết trắng. Trăng lồng lộng dưới biển Lòng sóng vỗ âm vang. Trăng bảng lảng, bàng bạc trên Đường Trở Về*** quê quán cũ. Trăng ru đưa trên cành trúc biếc, lũy tre xanh, thoảng nhẹ hương cau quanh mái chùa làng thơm rơm rạ, trổ rộ vàng ngát hương bông lúa :
Chùa tôi ngự ở giữa làng
Lũy tre ấm áp trăng vàng lung linh
Ai về ghé mái chùa xinh
Tắm trăng giữa tháng thắm tình quê xưa
Chùa tôi cõng nắng gánh mưa
Nhường cơm sẻ áo cho vừa lòng nhau
Chùa tôi nhẹ thoảng hương cau
Nhẹ điều thương ghét niệm câu Di Đà
Chuông khuya lay động trăng tà
Con chim cánh trắng la đà cõi tâm
Ai về ngọt lịm pháp âm
Ta về tự tánh thậm thâm suối nguồn
Muôn trùng giữa cuộc lữ đó đây, du sỹ này đã mấy lần ghé chùa Phi Lai ở Biên Hòa hay ra tận Phú Yên, về Hòa Thịnh viếng thăm Phi Lai cổ tự, như trở về cố quận tâm linh của mình vậy. Ngồi bên cỏ nội hoa ngàn, rót chén trà trên sân thượng, sương đêm lấp lánh ánh trăng sơ huyền thanh bạch, xanh trong. Thong thả, lắng nghe Lăng Già Tâm đọc những vần thơ đạo vị, cũng đủ cho du sỹ vô cùng phúc hạnh giữa bầu không khí mát lành, ở một vùng sâu heo hút cuối nẻo làng quê. Thế rồi, mấy hôm sau, trước khi lên đường, không quên để lại bài thơ : Phú Yên Miền Thôn Dã, kính tặng thi sỹ Lăng Già Tâm, đồng thời cũng là Hòa thượng Thích Thiện Đạo, bậc tôn túc trong chốn Thiền môn. Một vị thầy có tâm hồn phóng khoáng văn nghệ, rất bao dung và nhập thế :
Về Phú Yên qua mấy làng thôn xóm
Những cánh đồng sông nước lượn bờ tre
Rồi dừng lại cuối nhịp cầu Bến Củi
Hòa Thịnh đây rộn rã buổi quay về
Thơ mộng quá ! Phi Lai ngôi chùa cũ
Đứng cô liêu xanh lặng ngát hương đồng
Lồng lộng gió Tâm Kinh reo tịch mịch
Trăng Lăng Già tỏa rợp ánh mênh mông
Nghe chuyển hóa cả trời mây thấy được
Đường trở về cố quận giữa lòng sâu
Chiều phơi phới trổ hoa vườn tâm nội
Lối an nhiên rơi sạch hết bụi sầu
Ngồi lại đó cho thơ vào giao cảm
Tận đáy hồn đồng vọng khúc hoan ca
Là như thế viên dung cùng vạn hữu
Cười nhẹ thênh trên nhịp bước chan hòa
Tâm Nhiên
* Chuyển Hóa. Tản văn Thích Thiện Đạo. Văn Hóa Sài Gòn xuất bản. Sài Gòn 2009
** Giao Cảm. Thơ Lăng Già Tâm. Hồng Đức xuất bản. Sài Gòn 2016
*** Đường Trở Về. Tản văn Thích Thiện Đạo. Hồng Đức xuất bản. Sài Gòn 2016
Thơ Lăng Già Tâm, trích trong tập thơ Giao Cảm. Hồng Đức xuất bản. Sài Gòn 2016