Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Khoảng Khắc Bằng Hữu

30/01/201911:55(Xem: 3432)
Những Khoảng Khắc Bằng Hữu
 
hoa_sen (1)

NHỮNG KHOẢNH KHẮC BẰNG HỮU
TN. Huệ Trân

 

 

“Khoảnh Khắc Chiêm Bao”, cuốn sách mới nhất của tác gỉa Nguyên Giác, được Ananda Viet Foundation xuất bản đã nằm trong hộp thư Tào-Khê Tịnh Thất 3 ngày nay, mới vừa được mang ra. Lý do là người được tặng sách đã rời thất 3 ngày, khi đi dự khóa tu niệm Phật miên mật tại Trang Nghiêm Tịnh Độ Đạo Tràng, tỉnh Perris.

Cầm cuốn “Khoảnh Khắc Chiêm Bao” còn thơm mùi mực trên tay, tôi bỗng muốn viết về những khoảnh khắc bằng hữu giữa chúng tôi và tác giả.

Kệ sách trong Tào-Khê Tịnh Thất hầu như không thiếu cuốn nào của tác giả Phan Tấn Hải-Nguyên Giác, vì tình bạn văn, bạn đạo cũng đã ngót hai thập niên.

Tôi nhớ, khi tòa soạn Việt Báo còn nằm trong một kho hàng, vùng Santa Ana, PTH cho tôi địa chỉ để đến thăm. Dù đã biết trước tòa soạn tạm sinh hoạt trong kho hàng, nhưng tới nới, không ngờ lại khiêm nhường đến thế! Nhìn quanh, chỉ thấy 3 cái bàn mà PTH đang ngự một. Hai bàn kia là sách báo …

Tôi buột miện hỏi:

- Anh Từ, chị Nhã đâu? (Chúng tôi biết anh Trần Dạ Từ và chị Nhã Ca từ khi còn ở Việt Nam và vẫn thân mật gọi nhau như thế)

PTH lúc lắc đầu:

- Tới bất thường thôi!

Tôi cười:

- Bạn “trấn thủ lưu đồn” hả?

PTH nhún vai:

-Coi như thế!

Chính lần gặp này, PTH đã tặng tôi cuốn “Cậu Bé và Hoa Mai”, nay đã tuyệt bản gốc!

Thời tôi chưa xuất gia, còn phụ trách Phật nhạc tại tu viện Hoa Nghiêm, mỗi sáng chủ nhật, PTH lại dắt cậu con trai khoảng sáu tuổi, tới sinh hoạt với gia đình Phật tử Hoa Nghiêm. Trước khi cậu bé lên lầu với các bạn, dường như đã được dặn trước, cậu khoan thai, chậm rãi bước vào chánh điện. Đứng trước thùng Công Đức, cậu xòe tay, đã có sẵn một đồng bạc; rồi cậu khẽ cúi đầu, kính cẩn bỏ tịnh tài cúng dường vào thùng Công Đức. PTH thì vẫn đứng ở ngưỡng cửa bên ngoài, chờ cậu bé hoàn tất “Phật sự” mới dắt cậu lên lầu, giao cho cô giáo, rồi ra xe, về tòa soạn làm việc.   

Tôi còn nhớ cảm giác mình lần đầu khi tình cờ quan sát cậu bé. Tôi đã cảm động trước sự nghiêm túc, thành kính hiếm thấy ở tuổi còn thơ bé này. Về sau PTH có dịp, mới tâm sự là “để cậu bé biết ý nghĩa của sự cúng dường”

Khi Việt Báo có tòa soạn khang trang ở đường Moran cũng là khi tôi nhận lời phụ trách chương trình “Phật Giáo và đời sống” trên làn sóng 1190 AM của đài phát thanh “Sống trên đất Mỹ”, mỗi tối chủ nhật, từ 8 tới 9 giờ!

Nhận chương trình này cũng do tình bạn giữa chúng tôi và chủ đài, ông doanh gia Vạn Võ. Anh than,mình là Phật tử mà đài không có một giờ Phật Giáo nào! Anh có thỉnh mời nhưng qúy thầy không nhận phụ trách thường xuyên và giờ giấc cố định được vì Phật sự đa đoan, e rằng tới ngày giờ phát thanh mà còn đang thuyết giảng ở nơi khác!

Tôi phải làm gì, nói gì, để mỗi tuần có thể lấp đầy một giờ đồng hồ? Chắc chắn không dễ dàng chút nào!

Tôi đã quỳ lạy vị Bồ Tát tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm và tôi tin rằng Bồ Tát đã nghe được lời cầu cứu của tôi.

Hơn một năm phụ trách giờ “Phật Giáo và Đời Sống” tôi không bỏ sót một buổi nào vì ngoài những buổi may mắn thỉnh mời được Chư Tôn Đức về đài trực tiếp thuyết giảng, chúng tôi đã cặm cụi lục tìm những tác phẩm viết về đạo pháp, những hành trạng gian nan của bao vị Bồ Tát đã vào đời bằng lời phát nguyện “Xuất gia hoằng Phật Đạo. Thệ độ nhất thiết nhân

Đi theo phương thức này, chúng tôi tha hồ mà tìm tài liệu, rồi tùy nội dung bài viết, chúng tôi “chia vai”, diễn đọc. Như bài “Chú tiểu chùa Cổ Pháp’ của tác giả Ngô Viết Trọng, người bạn phụ trách vai Sư Khánh Vân đã “nhập vai” mà cảm động đến run giọng khi đọc lên hai câu thơ mà Sư tình cờ nghe chú tiểu Lý Công Uẩn phạm một lỗi nhẹ chi đó, bị phạt qùy hương trước chánh điện: “Ban đêm gối mỏi không dám duỗi. Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng”.

Một chú tiểu chỉ phạm lỗi vui đùa của tuổi trẻ thơ, bị phạt quỳ hương mà thốt lên hai câu thơ như vậy quả là đã hiển lộ khí phách bậc minh vương mà vận nước đã sắp đặt để trở thành vua Lý Thái Tổ, dựng nên triều Lý hưng thịnh về cả hai mặt Đạo và Đời trong suốt chiều dài lịch sự.

Những bài viết phổ biến trên báo và những sách đã xuất bản của PTH cũng đã giúp chương trình nhiều phần linh động. Thời đó, chúng tôi chỉ thâu lại trực tiếp bằng băng cassette. Mới đây, dọn garage, bất ngờ tôi thấy một hộp giấy nhỏ trong cái túi xách cũ. Mở ra, tôi ngạc nhiên thấy lại mấy băng cassette thâu chương trình đó từ hơn 15 năm trước. Tôi mang đến một người bạn có phòng thâu, nhờ kỹ thuật chuyển sang CD nhưng chỉ thực hiện được vài băng, vì âm thanh đã qúa rệu rạo. Rất may trong số này có buổi chúng tôi diễn đọc một truyện ngắn của PTH, tựa đề “Giọng nói trong tim” thì âm thanh lại còn rõ ràng và trung thực.

Thế là tôi vừa có món quà bất ngờ, mang tới Việt Báo tặng PTH.

 

Vốn cùng lỡ mang chút nghiệp viết lách (PTH viết siêng năng, nghiêm túc, còn tôi, chỉ “lách” nhiều hơn “viết”) nên chúng tôi thường “thấy” nhau trên văn đàn, trên báo chí; rồi chính những chia sẻ với bạn đọc, nhiều khi lại gây cảm hứng để chúng tôi viết về nhau khi đồng cảm về những vấn đề bạn mình chia sẻ đó. Chẳng hạn như một bài trong cuốn “Vô Tự Thị Chân Kinh”, xuất bản từ 2005:

“ … Hôm nay, tình cờ lang thang lên lưới, tôi gặp một bài thơ có tựa là

“Mỗi ngày lên rừng lượm hái” của Phan Tấn Hải. Không biết ông Hải này lên rừng lượm gì, hái gì, mà làm bài thơ khá dài. Có lẽ ông ta phải ở trong rừng cả buổi! Tò mò, tôi bèn đọc:

“Mỗi ngày tôi lên rừng lượm hái

lo nhặt chút gì về cho con

đỡ đói, lầm lũi giở trò khỉ

vượn bám cành níu nhánh, chen qua

 

Núi rừng chữ nghĩa mịt mù sương,

cân nhắc hai tay hai chân hai

đầu phải trái, này là quả ngon

trái ngọt rồi quả độc trái hại

 

này là lá măng lá trúc hái

về mong cho con ấm bụng giữa

kiếp người buốt lạnh. Mỗi ngày tôi

lên rừng lượm hái, nhặt qủa khô,

 

hái quả chin, chăm sóc qủa tươi,

hồi hộp theo dõi bọn thợ săn

dưới chân núi lăm le đốt rừng,

tôi lo sợ khi vượn nai mễn

 

rồi không còn đất sống, những tiếng

kêu la xé lòng mỗi ngày, vết

chân thú chạy kinh hoàng chen chúc

thấy rừng núi oằn mình đau đớn …”

 

Tôi hoảng kinh, đọc tới đây, ngừng lại thở. Những câu thơ mắc nghẹn cổ họng. Tôi ngừng lại thở, như tôi vừa cùng với cả một dân tộc cuống cuồng, hỗn loạn như đàn kiến bò quanh miệng chén đầy nước nóng sôi, đang sủi bọt … Bò đi đâu mà tìm ra sinh lộ, hỡi bầy kiến hiền lành?!?!?!

Thơ không theo luật chấm, phẩy, xuống hàng, bằng trắc, âm điệu gì cả, có lẽ  vì đói quá! Vì đau quá! Vì nhục quá! Vì phẫn nộ quá! Vì tang thương qúa! Chính cái kỹ thuật bất thường này đã lột tả sự hoảng loạn, sự thống hận tột cùng của một dân tộc  …

Tôi hết chữ để viết về nửa phần sau của bài thơ, xin chỉ chép tiếp ra đây cho trọn đoạn đường còn đầy khổ nhục:

“ … Có tôi nhìn mỗi ngày khóc theo.

Mỗi ngày tôi lên ngồi trên đỉnh

núi, cắm cúi đọc sách hy vọng

cho sớm qua một kiếp người, nghe

 

những tiếng trần gian vọng từ phương

xa tới, tiếng vui tiếng buồn, tiếng

than thở tiếng cằn nhằn,có cả

tiếng người vọng từ nghìn năm trước

 

còn khô khốc mùi giấy, vang vọng

chung với những tiếng người ngợi ca,

tiếng người la mắng. Mỗi ngày tôi

lên rừng lội suối, moi giữa tầng

 

tầng lá vàng lá xanh, nhặt ra

từng chữ, nâng lên ngắm nghía trầm

trồ, chữ này nặng, chữ kia nhẹ,

chữ nọ dịu dàng, chữ kia thương

 

tổn, chữ này tuổi thọ trăm năm

chữ kia xưa cổ nhiều thế kỷ,

chữ này bán được, chữ kia khó

bán, với ẩn hiện những khuôn mặt

 

người hốc hác, đớn đau, vui mừng …

 

trần gian buồn như tre trúc

có tôi giữa đời ngồi khóc

nghe sông suối chảy trong ngực

thấy rừng mọc dựng thành tóc

 

mỗi ngày lên rừng lượm hái …”

 

Ông Phan Tấn Hải ơi! Ông là ai? Ở đâu? Đã ra khỏi khu rừng thống khổ chưa? Có biết bọn thợ săn đã lập tức đốt rừng, vượn, nai, mễn không còn đất sống? (hết trích)

 

Và PTH khi cầm cuốn “Vô Tự Thị Chân Kinh” trong tay, đã ân cần giới thiệu qua bút hiệu Nguyên Giác:

“Cuốn sách Vô Tự Thị Chân Kinh vừa phát hành tuần qua đã hiển lộ ngay ở tự thân những dị thường: Không chữ là kinh chân thật, nhưng sách dày tới 236 trang, dày đặc những chữ, những thơ, những nốt nhạc và những ngôn ngữ nghịch thường của Thiền Tông. Ngay trang bìa sau, với bài thơ Vô Môn Quan (Cửa Không Cửa), nhà văn kết bằng các dòng sau:

Gươm Bát Nhã vô thanh mà nổi gió

Cây rừng lay lau sậy vô minh

Lửa-Trí-Tuệ cháy bùng gỗ mục

Bùi ngùi qua lớp tro than

Thấy cái-không-thấy

Là thấy Vô-Môn-Quan.

Trọn cuốn sách là lời ca ngợi Thiền Tông, cũng là lời ca ngợi những người sống cuộc đời tròn đầy tỉnh thức và là lời tán thán đầy chất thơ, chất nhạc, đối với trí tuệ bát nhã, mời gọi người đọc lắng nghe xuyên suốt giữa vô lượng âm vang của rừng lau sậy vô minh để nhận ra cái vô thanh vắng lặng, mời gọi nhìn cái vô thường gỗ mục cháy tàn hoại từng sát na để nhận ra cái-không-thấy, bát ngát không tàn hoại …..” (hết trích)

 

Phan Tấn Hải-Nguyên Giác-Trần Khải là nhà thơ, nhà văn, nhà báo nên ông không chỉ cống hiến những nét thơ mộng của thơ văn mà hàng ngày còn tận tụy đọc và chọn lọc tin tức đủ loại, khắp thế giới để cô đọng chia sẻ với đọc giả những nơi ông cộng tác, đặc biệt là trên tờ Việt Báo. Như một bài trong cuốn “Sông Núi Thì Thầm” xuất bản năm 2006, tôi đã viết vì đọc được một tin nhà báo Trần Khải phổ biến:

“Tôi ngồi lặng vì xúc động sau khi đọc bài viết “Đời khó bình yên”, nhà báo Trần Khải viết về Thupten Ngodup, người sinh viên trẻ Tây Tạng đã tẩm xăng, phựt lửa trên thân mình, chạy ra giữa phố chính ở New Delhi khi cảnh sát đang giải tán đoàn người Tây Tạng tuyệt thực, đòi độc lập, để sửa soạn đón tiếp một lãnh tụ Trung Quốc.

Cây-đuốc-sống xuất hiện bất ngờ, dùng tàn lực hô lớn: “Độc lập cho Tây Tạng” rồi chạy xuyên vào giữa đám đông khiến cảnh sát khó ngăn chặn nổi anh. Với lửa phừng phừng trên da thịt, anh cứ lảo đảo chạy và hô: “Độc lập cho Tây Tạng” … cho đến khi kiệt sức, ngã quỵ với hai tay chắp trước ngực. Ngay cả động tác cuối cùng, anh cũng dành để cầu nguyện cho quê hương.

Bài viết còn dẫn chứng những hình ảnh kiêu hùng khác của tuổi trẻ Tây Tạng khi họ nhận biết sự đòi lại lãnh thổ Tây Tạng ngày càng tuyệt vọng …” (hết trích)

 

Khi được tin tôi sẽ xuất gia ngày 18 tháng 8 năm 2007 thì hai ngày trước đó, Phan Tấn Hải đã gửi một điện thư ngắn, mà chứa chan tình bằng hữu:

“A Di Đà Phật

Nhiệm mầu thay! Kỳ diệu thay!

Hải xin chúc lành! Chúc lành!

Warm,

Hải”

Điện thư này tôi đã trân quý giữ lại cùng với bao lời chúc của Chư Tôn Đức và thân hữu gần xa khắp nơi gửi về. Hầu như ai cũng ngạc nhiên vì quyết định này tôi chỉ âm thầm chuẩn bị cho mình khi tự thân mơ hồ nghe thấy tiếng gọi thiêng liêng từ không gian bao la vô hình vô tướng …

Kể từ đây PTH đổi cách xưng hô, khi gặp nhau, tôi được chào bằng búp sen tay và nhẹ nhàng mở lời “Thưa Sư Cô”

Còn tôi, cũng phải nghiêm túc hơn, không “Bạn ơi!” nữa, mà là “Thưa đạo hữu”.Chỉ có điều không thay đổi là trên văn đàn, trên báo chí, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những bài viết của nhau, đủ gây cảm hứng để mình viết. Chẳng hạn như một bài trong cuốn Bước Chân Cùng Tử, xuất bản năm 2007:

“Những ngày cuối năm, khí hậu đột ngột bất thường. Mưa, gió, bão, tuyết, chẳng còn biết đâu là Xuân, Hạ, Thu, Đông nữa! Ngồi trong am thất, tôi đành mở cái máy sưởi cũ, hoan hỷ với âm thanh khò khè, rên rỉ của nó còn hơn là chịu lạnh. Hạnh phúc chán!

Phaly trà nóng để cầm cho ấm tay, uống cho ấm bụng rồi ngồi vào bàn viết, mở máy đọc báo “cọp” trên Internet. Bài đầu tiên tôi nhìn thấy là của nhà báo Trần Khải, với những giòng: “Không biết thế giới đã từng có thời nào người ta ngẩng đầu lên chỉ thấy mưa hoa khắp trời hay không; nhưng thời của chúng ta thì chỉ thấy phi tiêu rợp trời. Sơ sẩy một chút là trúng phi tiêu liền, mà không hề kịp thấy được phe nào phóng ra và nhắm vào phe nào! Trời ạ, cứ lên Internet mà xem, phi tiêu bắn như mưa, còn hơn là trong truyện Cô Gái Đồ Long …”

Nội dung bài báo nói về “phi tiêu rợp trời” nhưng người đọc như tôi, đọc qua đoạn này lại chỉ mơ màng liên tưởng tới câu “mưa hoa khắp trời”. Thế là tôi tạm ngưng đọc báo, thả hồn về những khung trời mưa hoa.

“… Bảy trăm Tỳ-kheo và bốn trăm Tỳ-kheo-ni đang trên đường đến vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, nới ngài Ưu Bà Di Hằng Hà Thượng đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin được giải mười hai điều nghi hoặc và đã được lần lượt chỉ bày. Sau đó Đức Thế Tôn truyền Tôn Giả A Nan rằng:

“Này A Nan, ta nhớ quá khứ có ngàn Đức Như Lai cũng ở tại xứ này, nói pháp như vậy. Kinh này tên là Vô Cấu Thanh Tịnh, các ông nên thọ trì”

Nghe tới đây, Chư Thiên cõi Dục đem muôn thứ hoa trời rải như mưa trên kim thân Đức Phật, bảy trăm Tỳ-kheo và bốn trăm Tỳ-kheo-ni đều dứt hẳn các lậu tâm, Hằng Hà Thượng Ưu Bà Di và hàng đại chúng Thiên Long Bát Bộ đều rất đỗi hoan hỷ, đón nhận mưa hoa và tín thọ phụng hành.

 

Mở tới Kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta đã từng vô cùng xúc động khi Tỳ-Kheo Pháp Tạng, tiền thân Đức Phật A Di Đà, quỳ trước Đức Thế Tôn – bấy giờ là  Đức Phật Thế Tự Tại Vương – để xin Từ Phụ chứng minh bốn mươi tám lời đại nguyện. Lời nguyện thứ bốn mươi tám vừa dứt thì đại địa rung chuyển, hoa trời rải xuống như mưa vì Chư Thiên biết rằng với tâm từ bi rộng lớn như vậy, Ngài Pháp Tạng phải vun trồng vô lượng công hạnh của bậc Bồ Tát, và Ngài sẽ thành Phật, độ vô lượng chúng sanh.

 

Nói đến hoa trời, làm sao không thể không nói tới không gian cực kỳ mầu nhiệm tại Pháp Hội Liên Hoa, trong núi Kỳ Đà Quật, thành Vương Xá. Pháp hội có mặt hầu hết các vị Đại A La Hán, các vị Đại Bồ Tát, các vị Thiên Tử, Đại Tự Tại Thiên Tử, các hàng Thiên Vương, A Tu La Vương, khắp hàng Chúng, Trời, Rồng … nghìn muôn ức đều về câu hội.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn vì hàng tứ chúng vây quanh, tôn trọng ngợi khen, vì lời thỉnh cầu của hàng Bồ Tát mà nói Kinh Đại Thừa là Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm.

Nói kinh này xong, Đức Phật ngồi xếp bằng, nhập vào chánh định Vô Lượng Nghĩa Xứ.

Khi đó, hoa Mạn-đà-la, hoa Ma-ha-mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa Ma-ha-mạn-thù-sa từ trên trời rơi xuống như mưa, rải trên kim thân Đức Phật và trên toàn thể đại chúng …

Nếu chúng sanh biết Tín, Nguyện, Phụng, Hành được cốt tủy lời Phật dạy trong pháp hội này thì thế giới nào, thời gian nào chúng ta ngẩng mặt nhìn trời mà chẳng thấy mãn-thiên-hoa-vũ (rợp trời mưa hoa). Tâm Phật tạo cảnh Phật thì làm sao mãn-thiên-phi-tiễn (đầy trời phi tiêu) có thể len vào được!

Có vị nào gặp nhà báo, thử nhắc khẽ về những thế giới mãn-thiên-hoa-vũ, may ra ông nhà báo đỡ buồn giữa thế giới mãn-thiên-phi-tiễn này…” (hết trích)

 

Cứ thế, chúng tôi chia sẻ thêm với nhau những gì chia sẻ cùng đại chúng bạn đọc. Nhưng có lần Phan Tấn Hải lại bật mí thêm, khi nhận cuốn “Soi Gương Không Thấy Bóng Mình”, phát hành mùa thu 2009, với những lời mở đầu, giới thiệu như vầy:

“Soi Gương Không Thấy Bóng Mình: Nhìn đời bằng mắt vô tướng.

Đó là những chữ được một vị Sư Cô lặng lẽ viết lên giấy với tấm lòng trân trọng đối với cuộc đời, vào những khi hết giờ thiền, những khi rời tay chuông mõ, hoàn tất thời tụng kinh, và ngay cả những khi thấy một cảm xúc cần ghi xuống để những câu thơ, những lời văn không kịp tan biến vào hư vô.

Tác giả tuyển tập “Soi Gương Không Thấy Bóng Mình” thường xử dụng 3 bút danh trên các cơ quan truyền thông Phật Giáo và đại chúng. Đó là: Diệu Trân, Hạnh Chi và Huệ Trân. Cả 3 bút danh đều được xử dụng tùy trường hợp, tùy bài viết cùa Sư Cô Huệ Trân. Đó không phải những bút hiệu do vị Sư Cô này tự đặt ra, mà là từ 3 vị Thầy ban cho. Bìa sau cuốn Soi Gương Không Thấy Bóng Mình chính là 2 chữ Hạnh Chi, thủ bút của Thầy Tuệ Sỹ …” (hết trích)

 

Thưa đạo hữu Nguyên Giác-Phan Tấn Hải-Trần Khải,

Nếu ôn lại những thân tình bằng hữu qua giấy mực, có lẽ phải là “trường thiên” chứ “khoảnh khắc” e không nhắc đủ.

Nhưng (lại chữ nhưng) nếu là “Khoảnh khắc chiêm bao” thì trong chiêm bao có thể nhắc, nhớ, về cả một chiều dài bất tận của lịch sử, của kiếp người, nên dẫu có ở “cuối ghềnh” rồi hành giả cũng quay về “đầu thác”, nếu muốn đi tìm chính mình. Đó là quay về với Tinh Thần Bát Nhã, là không trong, không ngoài, không thêm, không bớt, không ngắn, không dài … và sẽ không trường thiên, không khoảnh khắc!

Vị thân hữu đa tài, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật này còn làm tôi sửng sốt khi một lần ghé tòa soạn Việt Báo, Phan Tấn Hải đã trao tôi một bao thư khổ lớn.

Tôi vừa hỏi “Gì đây?” vừa mở bao thư, thì đó là 3 tấm phác họa chân dung, một bằng bút than đen, một bằng bút mực đen và tấm thứ ba bằng bút mầu vàng đậm. Cả 3 tấm được phác họa trên giấy trắng, cuối mỗi tấm đều có hàng chữ “Sư Cô Huệ Trân” và chữ ký “Phan Tấn Hải 2014”

PTH làm gì có hình chân dung tôi (vì tôi có chụp chân dung bao giờ!) chỉ là tình cờ gặp nhau trong những buổi sinh hoạt nào đó thôi! Vậy mà chỉ vài nét phác họa, tôi cũng nhận ra tôi!

Đáng nể thật!

 

Xin tặng Nguyên Giác-PhanTấnHải-Trần Khải những âm thanh vừa chợt hiện ra bằng chữ, ghi xuống để chúng không kịp tan biến vào hư vô:

Tôi ơi! Muôn dặm viễn trình

Tôi đi tìm lại chính mình, tôi ơi!

Thân tâm đã quá rã rời

Quay về trụ thất, mà ngồi tịnh tu!

 

Xuân qua, Hạ tới, vào Thu

Tôi tìm tôi dưới sương mù Đông sang

Vạn hữu thầm lặng mênh mang

Mà bao mầu nhiệm tương quan đất trời!

 

Bỗng nhiên!

Tôi thấy tôi rồi!

Giọt sương trên lá, ngàn lời vô ngôn!

Bông hoa dại nở bên đường

Tự-thân-bát-nhã, cúng dường ba-la!

 

Thế thôi!

Hãy chỉ Như-Là

Soi gương sẽ thấy bóng ta Như-Thị.

 

TN Huệ Trân

(Tào-Khê Tịnh Thất, thời khắc giao mùa)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/04/2021(Xem: 10660)
Đã hơn 45 năm kể từ 1975, nhắc lại chuyện vượt biên quả là xưa như trái đất, xưa quá rồi diễm, nhiều người chẳng muốn nghe, đôi khi còn trách, chuyện qua rồi hãy cho vào dĩ vãng nhắc lại làm gì cho thêm buồn, “quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, hãy nghĩ và sống với hiện tại”. Thế nhưng đâu ai hiểu cho rằng, hiện tại của tôi bây giờ chính là phải viết bài cho ngày 30/4 để đăng báo, mà 30/4 vấn đề tuy cũ kỹ nhưng muôn thuở vẫn luôn có giá trị vì đó là lịch sử và chuyện vượt biên cũng đóng góp trong phần lịch sử đó. Luẩn quẩn là như thế. Và biết đâu, giữa khi mọi người đã quên thì tôi nhắc lại cho mọi người nhớ, và biết đâu giúp các thế hệ sinh sau đẻ muộn hiểu chút ít về lịch sử nước nhà trong giai đoạn đau thương của đất nước, thống nhất lãnh thổ nhưng không thống nhất lòng người đã để lại hận thù, chia cách không biết khi nào mới hàn gắn được và là nguyên nhân tại sao cha mẹ ông bà chúng lại lưu lạc xứ người và ra đi làm sao. Cây có cội, nước có nguồn, là con người ai cũng muốn biết c
01/04/2021(Xem: 9682)
Bài chúc Tết của NS Hoài Linh gây xôn xao MXH: Tự làm thơ hơn 7000 chữ, nhắc đủ 63 tỉnh thành với kiến thức sử địa quá uyên thâm! Trong dịp đầu năm mới, đông đảo các nghệ sĩ trong showbiz Việt đã gửi những lời chúc bình an, sức khoẻ đến với người hâm mộ. Thế nhưng ấn tượng và được netizen chia sẻ nhiều nhất chính là bài thơ chúc Tết được đầu tư và vô cùng sáng tạo của NS Hoài Linh. Ngoài tài làm thơ, NS Hoài Linh còn chứng minh có kiến thức lịch sử và địa lý uyên thâm khi chúc Tết theo đặc trưng từng tỉnh thành ở Việt Nam. Từ những thành phố lớn, đến vùng núi xa xôi, loạt danh lam thắng cảnh, lịch sử thành lập hay đặc nét riêng vùng miền đều được NS Hoài Linh đưa vào bài thơ mang tên Chúc Xuân một cách tài tình. Ngay lập tức, màn chúc Tết có tâm nhất Vbiz của NS Hoài Linh được người hâm mộ "thả tim" và chia sẻ rầm rộ trên MXH. Sau hơn 1 giờ đăng tải, bài thơ chúc Tết hơn 7000 chữ và gần 500 câu của NS Hoài Linh đã nhận được 86 nghìn lượt yêu thích, hàng chục nghìn bình lu
22/03/2021(Xem: 6666)
Được Nhạc sĩ Minh Huy gửi tặng bản nhạc Tạ Tình với lời bài thơ và lời bản nhạc có khác nhau một ít. Lời nhạc tình hơn, nhưng lời bài thơ bảy chữ hay một cách tuyệt vời. Đọc lời bài thơ, người viết thật xúc động, nhưng khi lắng nghe tiếng hát như tự tình trang trải của Ca sĩ Chi Huệ thì tâm hồn người viết lại chìm vào khung trời ngày cũ của “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” trước năm 1975 tại Sài Gòn.
16/02/2021(Xem: 4711)
Kịch hài: Đưa Chồng Tây Về Quê Ăn Tết. Trần Thị Nhật Hưng Một màn. Diễn viên: Cô con gái Việt, cậu rể Tây và mẹ cô gái. Khung cảnh: Phòng khách nhà người mẹ tại Việt Nam *** (Vợ chồng cô con gái kéo va ly bước ra sân khấu.Người mẹ cũng vừa bước ra đối diện nhau). Mẹ (tíu tít): Sa luy...sa luy...(Salü...salü: Chào...chào...) Con rể Tây: Gút tơn tát. Vi kết ét tia. Ít phờ rôi mít tia khên nơn su le rờ nơn (Guten Tag. Wie geht es Dir? Ich freue mich Dir kennenzulernen: Chào mẹ. Mẹ có khỏe không? Rất hân hạnh được quen biết mẹ) Mẹ (trố mắt ngạc nhiên, nhìn con gái): Nó nói gì dzậy? Con gái: Sao má gọi ảnh là...nó, không lịch sự tí nào. Mẹ: Ảnh...nói gì dzậy? Con gái: Chồng con chứ đâu phải chồng má mà má gọi bằng...ảnh.
15/02/2021(Xem: 9414)
Trong vườn hoa thì có nhiều hoa và có muôn màu muôn sắc khác nhau. Vườn hoa lúc nào cũng đượm mùi thanh nhã, thì vườn thơ cũng không khác gì vườn hoa. Tuy nhiên nói về thơ hay định nghĩa về thơ thì rất khó ; do đó, chúng ta nhìn về thơ thì cũng tựa như ta nhìn vị họa sĩ qua cây cọ hay là nghe tiếng đàn qua vị nhạc sĩ đang hòa tấu. Những thập niên trước đây, khi ra hải ngoại, mỗi lần đi hướng dẫn những khóa tu tập, sau giờ giải lao, có những vị Phật tử vui tính xin giúp vui giải lao bằng những lời ca tiếng nhạc hay âm điệu ngâm nga những câu thơ của chư Tôn đức sáng tác, hoặc tự thân họ làm ra để giúp bầu không khí tu tập thêm phần sinh động. . . .
03/02/2021(Xem: 19140)
Vừa qua nhóm ảnh Nhất Chi Mai thuộc tu viện Phước Hòa (Đồng Nai), được sự hướng dẫn của Thượng toạ Viện chủ đã đến Buôn Mê Thuột để quay những thước phim đầu tiên về nhạc sĩ Hằng Vang. Cùng với cố nhạc sĩ Lê Cao Phan, Bửu Bác... được xem như lớp tiền phong của dòng tân nhạc Phật giáo. Nhạc sĩ Hằng Vang tên thật là Nguyễn Đình Vang, sinh năm 1933 tại Huế. Trong hơn 60 năm sáng tác, ông có hàng trăm ca khúc về đề tài này, nổi bật nhất là ca khúc Ánh Đạo vàng (1958) đã thấm sâu vào lòng Phật tử suốt thời gian dài từ khi ra đời.
01/02/2021(Xem: 6149)
Đối với những dân tộc sống trong nền văn minh lúa nước tại Đông Nam Á, nhất là đất nước và con người Việt Nam, hình ảnh con trâu, thường hay được nói đến, không phải “con trâu là đầu cơ nghiệp” mà đối với người nông dân là con vật gần gũi thân thiết, nên trong ca dao trâu xuất hiện trong bức tranh lao động của gia đình “trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”, trâu cũng trở thành bạn tâm tình của người nông dân: “trâu ơi ! ta bảo trâu này…” Người nông dân đã đồng cảm với trâu, qua việc cần mẫn lao động hằng ngày, không có lúc nào hưởng được sự thảnh thơi mà phải luôn vất vả nhọc nhằn. Hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng với lúa, mạ xanh tươi, hay đứng nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ xanh, cùng giầm mình trong vũng ao hồ sình lầy là hình ảnh quen thuộc, gợi lên nhiều cảm xúc thị vị thanh bình tạo cảm hứng cho biết bao thi nhân và họa sĩ.
01/02/2021(Xem: 6998)
Chữ “chùa” thường dễ khiến người ta liên tưởng đến những… chữ khác như kinh-kệ-chuông-mõ-sư-sãi…Xa hơn, có thể gợi nhớ đến chữ… thơ (vì, tu sĩ và thi sĩ vốn là bằng hữu, trong truyền t
01/02/2021(Xem: 8332)
Vào năm 1990, một nhà sư trẻ đến thị xã Lagi – Bình Thuận, dừng bước bên con suối Đó vắng vẻ, cảnh quan đơn sơ, mộc mạc, cách xa trung tâm Lagi. Con suối có cái tên hơi lạ, tên nguyên sơ là suối Đá do chảy qua nhiều tảng đá to, sau này khi người Quảng đến định cư, đọc chệch thành “suối Đó”. Vị sư trẻ dựng một thảo am bên cạnh con suối, cao hứng đặt tên thảo am là chùa Đây, tạo thành một cái tên hay hay và lạ mà du khách đến một lần không thể nào quên “suối Đó – chùa Đây”. Sau này, thảo am nhỏ được trùng tu dần thành một ngôi chùa trang nghiêm và tĩnh lặng với cái tên mang lại cho người ta cảm giác an nhiên tự tại khi nhắc đến như hôm nay – chùa Thanh Trang Lan Nhã.
01/02/2021(Xem: 9404)
Ngôi chùa nhỏ với không gian yên tĩnh nằm bên dòng suối Đó giáp ranh giữa xã Tân Phước và phường Tân An, thị xã La Gi có cái tên rất thanh vắng, tịch mịch “Thanh trang lan nhã” . Chùa do một vị Đại đức tuổi trung niên làm trụ trì, nhà sư Thích Tấn Tuệ. Sư Tấn Tuệ tên thật là Đinh Văn Thành (SN 1960), quê ở làng Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông quy y từ lúc còn nhỏ được đào tạo học hành chu đáo, đi lại nhiều nơi nên kiến thức sâu rộng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]