Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hàn Mặc Tử và Thơ Phật Giáo

03/08/201816:06(Xem: 11209)
Hàn Mặc Tử và Thơ Phật Giáo

han mac tu-6
Hội Thảo Phật Giáo và Văn Hóa Bình Định
***


HÀN MẶC TỬ & THƠ PHẬT GIÁO

(NNC Trí Bửu- Ủy viên Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN)

I.- Tác giả:

Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 – từ trần ngày 11 tháng 11 năm 1940 là nhà thơ nổi tiếng, khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn.

Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tổ tiên Hàn Mặc Tử gốc họ Phạm ở Thanh Hóa. Ông cố là Phạm Chương vì liên quan đến quốc sự, gia đình bị truy nã, nên người con trai là Phạm Bồi phải di chuyển vào Thừa Thiên – Huế đổi họ Nguyễn theo mẫu tánh. Sinh ra ông Nguyễn Văn Toản lấy vợ là Nguyễn Thị Duy (con cụ Nguyễn Long, ngự y có danh thời vua Tự Đức),
Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm khi mới 16 tuổi. Ông đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sĩ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông nhận một suất học bổng đi Pháp, nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại. Ông quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp, năm ông 21 tuổi; lúc đầu làm ở Sở Đạc Điền.

Đến Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.
Theo gia đình Hàn Mặc Tử, thì vào khoảng đầu năm 1935, họ đã phát hiện những dấu hiệu của bệnh phong trên cơ thể ông. Tuy nhiên, ông cũng không quan tâm vì cho rằng nó là một chứng phong ngứa không đáng kể. Cho đến năm 1936, khi ông được xuất bản tập "Gái quê", rồi đi Huế, Sài Gòn, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn lần thứ hai, được bà Bút Trà cho biết đã lo xong giấy phép cho tờ Phụ nữ tân văn, quyết định mời Hàn Mặc Tử làm chủ bút, bấy giờ ông mới nghĩ đến bệnh tật của mình. Nhưng ý ông là muốn chữa cho dứt hẳn một loại bệnh thuộc loại "phong ngứa", để yên tâm vào Sài Gòn làm báo chứ không ngờ đến một căn bệnh nan y. Năm 1938 - 1939, Hàn Mặc Tử đau đớn dữ dội. Tuy nhiên, ở bên ngoài thì không ai nghe ông rên rỉ than khóc. Ông chỉ gào thét ở trong thơ mà thôi. Trước ngày Hàn Mặc Tử vào trại phong Quy Hòa, Nguyễn Bá Tín, em ruột của nhà thơ cho biết tình trạng bệnh tật của anh mình như sau: “Da anh đã khô cứng, nhưng hơi nhăn ở bàn tay, vì phải vận dụng sức khỏe để kéo các ngón khi cầm muỗng ăn cơm. Bởi vậy, trông như mang chiếc "găng" tay bằng da thô. Toàn thân khô cứng.”

Ông Nguyễn Bá Tín, trong một chuyến thăm Bệnh viện Quy Hòa, có đến thăm bác sĩ Gour Vile - Giám đốc Bệnh viện Quy Nhơn. Bác sĩ nói rằng: Bệnh cùi rất khó phân biệt. Giới y học (thời đó) chưa biết rõ lắm. Tuy triệu chứng giống nhau, nhưng lại có nhiều thứ. Ông bác sĩ quả quyết bệnh cùi không thể lây dễ dàng được. Nhiều thông tin cho rằng, một hôm Hàn Mặc Tử đi dạo với bà Mộng Cầm ở lầu Ông Hoàng (Phan Thiết), qua một cái nghĩa địa có một ngôi mộ mới an táng thì gặp mưa. Bỗng ông phát hiện ra từng đốm đỏ bay lên từ ngôi mộ. Sau đó ông về nhà nghỉ, để rồi sớm mai ông phát hiện ra mình như vậy. Đó là căn bệnh do trực khuẩn Hansen gây nên.

Thời đó, vì thành kiến sai lầm rằng đây là căn bệnh truyền nhiễm nên bệnh nhân thường bị hắt hủi, cách ly, xa lánh, thậm chí bị ngược đãi. Hàn Mặc Tử cũng không ngoại lệ. Lúc này, gia đình ông phải đối phó với chính quyền địa phương vì họ đã hay tin ông mắc căn bệnh truyền nhiễm, đòi đưa ông cách ly với mọi người. Sau đó gia đình phải đưa ông trốn tránh nhiều nơi, xét về mặt hiệu quả chữa trị là phản khoa học vì lẽ ra phải sớm đưa ông vào nơi có đầy đủ điều kiện chữa trị nhất lúc bấy giờ là Bệnh viện phong Quy Hòa.. Trong câu chuyện với người em của thi sĩ Hàn Mặc Tử, bác sĩ Gour Vile cũng nói rằng kinh nghiệm từ các trại cùi, không có bệnh nhân nào chỉ đau có từng ấy năm mà chết được. Ông trách gia đình Hàn Mặc Tử không đưa nhà thơ đi trại phong sớm. Bác sĩ cho rằng, Hàn Mặc Tử qua đời do nội tạng hư hỏng quá nhanh vì uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm trước khi nhập viện phong Quy Hòa.

han mac tu (1)
Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn vào nhà thương Quy Hòa (20 tháng 9 năm 1940) mang số bệnh nhân 1.134 và từ trần vào lúc 5 giờ 45 phút rạng sáng 11 tháng 11năm 1940 tại đây vì chứng bệnh kiết lỵ, khi mới bước sang tuổi 28.

Cuộc đời Hàn Mặc Tử có duyên với 4 chữ Bình: sinh tại Quảng Bình, làm báo Tân Bình, có người yêu ở Bình Thuận và mất tại Bình Định. Ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông - có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.

II.- Tác phẩm:

Sáng tác của Hàn Mặc Tử:
• Lệ Thanh thi tập (gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật)
• Gái Quê (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả chưa qua đời)
• Thơ Điên (hay Đau Thương, thơ gồm ba tập: 1. Hương thơm; 2. Mật đắng; 3. Máu cuồng và hồn điên-1938)
• Xuân như ý
• Thượng Thanh Khí (thơ)
• Cẩm Châu Duyên
• Duyên kỳ ngộ (kịch thơ-1939)
• Quần tiên hội (kịch thơ, viết dở dang-1940)
• Chơi Giữa Mùa Trăng (tập thơ-văn xuôi)
• Và thơ Phật giáo…

Theo thi sĩ Quách Tấn (Nha Trang, mùa xuân Tân Sửu, 1961), t rong tâm hồn Hàn Mặc Tử, không có những bức thành kiên cố ngăn cách tôn giáo của mình và tôn giáo của người, nhất là đối với Phật giáo. Vì không có những bức thành kiên cố ngăn cách giữa tôn giáo mình và tôn giáo người, nên Tử đã đi tìm nguồn cảm hứng trong Đạo Bồ Đề. Và mặc dù tự xưng mình là “Thi sĩ của đạo quân Thánh Giá”, Tử vẫn không ngần ngại đem những từ ngữ, những hình ảnh của Phật giáo và dùng trong văn thơ mình, dùng cả vào trong những bài có tinh thần Thiên Chúa giáo nhiều nhất. Như bài Thánh Nữ Đồng Trinh là một.

Bài này Là những lời Tử dâng lên Đức Maria để ca ngợi “ơn phước cả”, mà Thánh Nữ đã ban cho Tử trong “cơn lâm lụy”. Trong bài có những chữ “Từ Bi”, “ba ngàn thế giới”, là chữ của nhà Phật, dùng một cách sướng khoái:
Lạy Bà là Đấng tinh truyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới
Hai chữ “Từ bi”, còn thấy dùng trong nhiều bài khác:
Thơ tôi thường huyền diệu
Mọc lên đạo từ bi
(Cao Hứng)


Trời từ bi cảm động ứa sương mờ
Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá
(Hãy Nhập Hồn Em)

Nhiều từ ngữ khác của Phật giáo, như “hằng hà sa số” “mười phương” cũng thường gặp trong thơ Tử:


Mây vẽ hằng hà sa số lệ
Là nguồn ly biệt giữa cô đơn
(Cuối Thu)


Đóng cửa mười phương lại
Dồn ánh sáng vào đây
(Điềm lạ)


Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muôn nghìn tinh lạc xuống mười phương
(Nguồn thơm)


Nhưng đó chỉ là những dấu tích bên ngoài. Trong thơ Hàn Mặc Tử có nhiều bài chịu ảnh hưởng cả hình thức lẫn tinh thần Phật giáo:
Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Suất,
Và lùa theo không biết mấy là hương.
(Phan Thiết)


Trở lại trời tu luyện với muôn đêm,
Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả.
(Phan Thiết)


Ngoài những ngôn ngữ phổ thông của nhà Phật, như “thành chánh quả”, “sông Hằng”, Tử vãi tung thơ lên tận sông Hằng (Phan Thiết). Ngoài những hình ảnh đẹp đẽ của trời “Đao Lỵ”, trời “Đâu Suất” – những cõi Phật xa xăm, đầy nhạc, đầy hương, đầy ánh trăng–chúng ta nhận thấy trong bài Phan Thiết, thuyết nghiệp báo và thuyết luân hồi được thi vị hóa một cách tài tình: con chim Phụng Hoàng vì Sân Si mà phải đoạn, và khi trở lại trời tu luyện thành chánh quả rồi, mà vì tập khí chưa tiêu trừ trọn vẹn, nên phải trở xuống trần gian, “nơi đã khóc đã yêu đương da diết” để mà “chôn hận nghìn thu” và “sầu muộn ngất ngư”.

Trong bài Phan Thiết, chúng ta còn nhận thấy rằng Hàn Mặc Tử đã nhìn đời bằng con mắt giác ngộ: những hiện tượng trong cõi đời này đều là những tuồng ảo hóa:

Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao,
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao
Hoá đại điện đã rất nên tráng lệ
(Phan Thiết)


Và cõi đời này–mà Phan Thiết là tượng trưng–là nơi đau khổ, là nơi “chôn hận nghìn thu”, là nơi “sầu muộn ngất ngư”. Vì nhận biết cõi đời là giả tạo, là nơi khổ lụy, Tử đi tìm nơi giải thoát và đã tìm thấy Cực Lạc Quốc Độ của Phật A Di Đà.
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
(Ngoài vũ trụ)


Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác
Rất phương phi trên hết cả anh hoa
(Ra đời)


Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho,
Thêm nghĩa lý sáng trưng như thất bảo
(Đêm xuân cầu nguyện)


Những “ánh sáng vô cùng” “sáng láng cả mọi miền”, những tiếng “nhạc thiêng liêng dồn trỗi khắp hư linh”, những điệu nhạc “rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác” những “cây bằng gấm và lòng sông bằng ngọc”, ở trong Tử là vang bóng của “vô lượng quang” của “thiên nhạc”, của “hoa sen đủ màu sắc và đủ hào quang mọc trong ao Thất bảo” trên thế giới Cực Lạc mà Tử đã nhìn qua kinh A Di Đà.


Tinh thần Phật giáo còn ảnh hưởng trong nhiều văn thơ của Tử, nhưng nhiều khi hoặc quá tiềm tàng, hoặc bị hình ảnh thơ lấn đi, nên chúng ta không thấy nếu chúng ta không chú ý, không lưu tâm. “Ôi trời hạo nhiên đây không phải là công trình châu báu của Người sao? Lòng vô lượng đây không phải do phép màu nhiệm của Đấng Vô Thỉ Vô Chung?” (bài tựa Xuân Như Ý). Đó chẳng phải là chữ Tâm được thi vị hóa bằng những hình ảnh tượng trưng? Hàn Mặc Tử đã xác nhận tính chất vô thỉ vô chung của Tâm (lòng vô lượng), mà biểu hiện mầu nhiệm là Mùa xuân thơm tho, trong đẹp, tràn lan khắp không gian (trời muôn trời) chen lấn vô tận hồn tạo vật, và tồn tại cùng thời gian (năm muôn năm). Nhưng vì là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, Tử đã quan niệm cái Tâm bất sanh bất diệt là Đấng Vô Thỉ Vô chung, và coi những hiện tượng do “lòng vô lượng” đã “đưa ra” kia là “công trình châu báu” của Đức Chúa Trời, nên Tử “cao rao danh Cha cả sáng”. Như thế Hàn Mặc Tử có phải là một nhà thơ của đạo Thiên Chúa? Nghĩa là Tử phải có một tín đồ dùng thơ để phụng sự tôn giáo mình? Thưa không phải. Tử tìm vào Đạo – Đạo Thiên Chúa cũng như Đạo Phật chỉ để tìm nguồn cảm hứng, để tìm nguồn an ủi khi bị tình đời phụ rẫy hoặc thể xác dày vò. Lý tưởng chính của Tử là Thơ. Tôn giáo chỉ là những yếu tố phụ vào để làm cho thơ thêm giầu sang và trọng vọng. Do đó nhiều khi bị hứng thơ lôi cuốn, Tử đã thốt ra những lời có thể gọi là “phạm thượng” đối với những Đấng Thiêng Liêng mà Tử phụng thờ. Ví dụ đương quỳ trước Thánh Nữ Maria để ca ngợi ơn cứu nạn, mà Tử dám nói:

Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ;
Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua

Thật chẳng khác nào đứng nói cùng một người ngang hàng ngang lứa hoặc Nàng Thơ! Thậm chí trong khi cầu nguyện lúc đêm xuân, mà chàng vẫn để tứ thơ ngang tàng theo hứng:

Ta chắp tay lạy quỳ hoan hảo,
Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian,
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế
(Đêm xuân cầu nguyện)

Còn đối với Đạo Phật? Hàn Mặc Tử đi vào Đạo Từ Bi không phải để tu, mà cũng không phải để tìm hiểu những gì cao siêu huyền diệu. Tử vào Đạo Từ Bi cũng như một lãng nhân vào vườn hoa nghìn hương muôn sắc. Vào không phải với mục đích của nhà vạn vật học hay nhà làm vườn, mà vào với tấm lòng con nhà nghệ sĩ khoáng đạt phong lưu. Vào để thưởng thức những cái Đẹp khác thường vừa giàu sang vừa thanh thoát. Hoa có bao nhiêu hương giống, cũng không cần biết. Vườn hoa có tự bao giờ và rộng đến đâu, cũng không cần biết nốt. Mà chỉ biết rằng có nhiều hương lạ, nhiều sắc lạ, và chỉ biết trải lòng mênh mông. Rồi những gì đã thấm vào tâm khảm thỉnh thoảng trào ra ngọn bút những lúc Thơ về, khi thì đượm đà, khi thì phảng phất, khi thì hiển hiện, khi thì ẩn tàng và tràn ra một cách tự nhiên, khiến lắm lúc nhà thơ rưởng rằng đó là do mình sáng tạo ra chớ không ngờ rằng mình đã chịu ảnh hưởng.

Và tất cả những gì đã thâu nhập được trong tôn giáo, trong Phật giáo, cũng như trong Thiên Chúa Giáo – một khi đã vào thơ Tử thì không còn giữ nguyên chất, vì đã bị tâm hồn Tử biến thể, pha trộn theo quan niệm và sở thích của mình. Tử thường nói cùng bạn rằng: “Tôi lợi dụng văn chương và triết lý nhà Phật để làm thơ mà thôi. Tôi dung hòa cả hai thể văn và tôn giáo: Thiên Chúa và nhà Phật. Đó chính là muốn làm giàu cho nền văn chương chung.”

Bởi vậy, khi đọc Hàn Mặc Tử, chúng ta nên mở tấm lòng cho rộng rãi, đừng chấp về mặt tư tưởng cũng như về mặt ngôn từ, thì mới dễ cảm động cùng con người thơ phức tạp, mới tận hưởng được tất cả những gì sâu kín ẩn khuất dưới những hàng mây ráng lung linh.

III.- Lời kết:

Xin được mượn đánh giá và bình luận về tài thơ của Hàn Mặc Tử để kết thúc bài tham luận:
• "Sẽ không thể giải thích được đầy đủ hiện tượng Hàn Mặc Tử nếu chỉ vận dụng thi pháp của chủ nghĩa lãng mạn và ảnh hưởng của Kinh thánh. Chúng ta cần nghiên cứu thêm lý luận của chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Trong những bài thơ siêu thực của Hàn Mặc Tử, người ta không phân biệt được hư và thực, sắc và không, thế gian và xuất thế gian, cái hữu hình và cái vô hình, nội tâm và ngoại giới, chủ thể và khách thể, thế giới cảm xúc và phi cảm xúc. Mọi giác quan bị trộn lẫn, mọi lôgic bình thường trong tư duy và ngôn ngữ, trong ngữ pháp và thi pháp bị đảo lộn bất ngờ. Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc."
(Nhà phê bình văn học Phan Cự Đệ)
• "Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi...."
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)
• "...Theo tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng góp xứng đáng vào Thơ mới."
(Nhà thơ Huy Cận)
• "...Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng..." và "Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh..."
(Nhà phê bình văn học Hoài Thanh
• "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình"
• "Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử."
(Nhà thơ Chế Lan Viên)

Tham luận: Hội thảo Khoa học Phật giáo và Văn học Bình Định – thành tựu và giá trị.
NNC Trí Bửu- Mùa Hạ, 2018

-------------------------------------------------------------------------------------


Tái liệu tham khảo:

1.-Đau thương, NXB Hội Nhà văn, 1995
2. -Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3.- Tuyển tập Thơ Hàn Mặc Tử - Nguyễn Trọng Trí
4. Quách Tấn (Nha Trang, mùa xuân Tân Sửu, 1961
5.- Từ điển mở Wikipedia Tiếng Việt

_______________

* Bài liên quan:

 

Hàn Mặc Tử và Thơ Phật Giáo (Cư Sĩ Trí Bửu)

Phật Giáo và con người đất Bình Đinh (Cư Sĩ Dương Kinh Thành)

  Sự Đóng Góp của Chư Tăng Bình Bịnh .... (TT TS Thích Hạnh Bình)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/04/2013(Xem: 4268)
Quán trọ là nơi tạm dung của người xa xứ. Hầu hết chúng ta là những người đang sống lưu vong và các quốc gia định cư, trong ý nghĩa nào đó cũng mang tính chất của một quán trọ bên đường. Tâm cảm nầy không phải duy nhất cho người Việt nam mà hầu hết di dân, nhất là người tị nạn khắp nơi trên thế giới đều chia sẻ trạng thái tâm lý nầy. Enrico Marsias, ca sĩ Pháp gốc Hi Lạp, đã mô tả tâm trạng nầy thật tuyệt vời qua bài hát Adieu Mon Pays:
02/04/2013(Xem: 8841)
Tôi được nghe nhiều người truyền tụng ngợi ca Trung niên thi sĩ từ lâu lắm rồi, dần dần tôi làm quen tìm đọc thơ của bác, lúc còn làm chú tiểu ở chùa Tường Vân-Huế.
01/04/2013(Xem: 11447)
Sư trưởng Như Thanh đã sáng tác, biên soạn và dịch thuật khoảng 20 tác phẩm Phật học.
01/04/2013(Xem: 2576)
Tôi đang đọc một bài thơ thì có tiếng gõ cửa. Người bạn đạo đến thăm như đã hẹn. Chắp tay xá nhau xong, tôi sẵn trớn, đọc luôn hai câu cuối.
01/04/2013(Xem: 19018)
Truyện Kiều (thơ)
29/03/2013(Xem: 3913)
Khi tơi đang dịch “Nhân Kiếp và Tai Kiếp” (Human Life And Problems, do hịa thượng tiến sĩ K. Sri Dhammananda) vào giữa tháng 09/2001 tại Toronto thì bất ngờ được biết thầy Thích Tâm Quang bên Mỹ đã dịch xong với tựa đề là “Các Vấn Đề Của Xã Hội Hơm Nay” (web www.budsas.org)
29/03/2013(Xem: 3572)
Trong một bài viết về tác phẩm nước non Bình Định (viết tắt NNBĐ) của Quách Tấn, cố học giả Nguyễn Hiến Lê có nói rằng, ông vốn rất mê các cửa biển miền Trung.
29/03/2013(Xem: 3792)
Khi Huyền Quang được Pháp Loa chính thức trao truyền y bát, làm tổ thứ 3, kế thừa Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (1330), năm ấy, Huyền Quang đã 77 tuổi.
29/03/2013(Xem: 3764)
Tôi còn nhớ vào khoảng cuối năm 1973 hay đầu năm 1974 gì đó. Tuần báo văn nghệ Tìm Hiểu tại Sài Gòn có đăng một bài phỏng vấn Bùi Giáng, người phỏng vấn là Phan Quốc Sơn.
29/03/2013(Xem: 10649)
Truyện “Quan Âm Thị Kính” không rõ xuất hiện từ thời nào và do ai sáng tác ra. Thoạt tiên truyện là một khúc hát chèo gồm nhiều đoạn, với ngôn từ rất bình dị và tự nhiên, rõ ràng là một khúc hát của dân quê, của đại chúng. Về sau mới có truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” xuất hiện, được viết bằng thể thơ “lục bát”, mang nhiều ý nghĩa thâm thúy của cả đạo Nho lẫn đạo Phật. Người ta phỏng đoán rằng tác giả chắc phải là một người có học thức.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]