Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bốn Mươi Năm Định Cư: Người Việt Trên Đất Úc - Bối Cảnh và Chân Dung - Phần 2

09/06/201821:01(Xem: 6780)
Bốn Mươi Năm Định Cư: Người Việt Trên Đất Úc - Bối Cảnh và Chân Dung - Phần 2

Bốn Mươi Năm Định Cư: Người Việt Trên Đất Úc - Bối Cảnh và Chân Dung
Phần 2
* Ls Lưu Tường Quang, AO


                     Phần 1: https://quangduc.com/a30218/bon-muoi-nam-dinh-cu-nguoi-viet-tren-dat-uc-boi-canh-va-chan-dung

Tóm lược
Khác với hầu hết những cộng đồng sắc tộc tại Úc Châu, người Việt đã đến đây thật đông đảo trong một thời gian tương đối ngắn, khi xã hội văn hóa đa nguyên của đất nước định cư nầy hãy còn trong tình trạng non trẻ. Sự hiện diện của một cộng đồng thiểu số Châu Á mà hình dáng bên ngoài dễ nhìn thấy, dễ nhận dạng, đã là một thách đố lớn lao cho giới lãnh đạo chính trị tại Úc, và sự bao dung của công chúng Úc nóí chung.

Trong sự thiếu vắng của các cơ sở yểm trợ lúc khởi đầu, người Úc gốc Việt đã học hỏi phương cách thích nghi vào môi trường văn hóa xã hội mới để trở thành một cộng đồng sinh động, có nhiều đóng góp vật thể và phi vật thể cho nước Úc.

Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển tương lai, người Úc gốc Việt hình như đang đối diện với một thách thức lớn vì thành phần di dân từ Việt Nam ngày nay có thể không chia sẻ nhiều điểm chung trong kinh nghiệm sống cũng như tầm nhìn trước mặt với cộng đồng người Việt mà hầu hết là thuộc thành phần tị nạn trong mấy thập niên vừa qua.
Phần 2
Tiến Trình Phát Triển Cộng Đồng Người Việt: Khó Khăn và Thành Tựu, Đóng Góp và Thử Thách
(Xem Phần 1 trong Tập san Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai & Cửu Long Số 11, Sydney, 2017).
Tại những quốc gia dân chủ phương Tây – có lẽ ngoại trừ Nước Pháp và thuộc địa của Pháp như New Caledonia – tập thể người Việt là cộng đồng mới hình thành và phát triển sau tháng 4 năm 1975. Trong cốt lõi, đây là những cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản mà thành phần hậu duệ mỗi ngày một gia tăng - và do đó bản chất cộng đồng cũng dần dần thay đổi theo tiến trình tự nhiên của di dân như là một yếu tố nội tại.

Cộng đồng người Việt hải ngoại còn phải đối diện với yếu tố bên ngoài: đó là sự hiện diện mỗi ngày mỗi đông đảo của di dân kinh tế hoặc theo diện đoàn tụ gia đình từ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kể từ khi chương trình người tị nạn Việt Nam chính thức kết thúc vào giữa năm 1996, qua Chương trình Hành Động Toàn Diện (CPA) của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Hai đợt định cư khác nhau và có thể có tầm nhìn không hẳn tương đồng về đất nước cội nguồn.

Ngoài ra còn có một thành phần khác, mỗi ngày một đông đảo, đó là du sinh Việt nam. Trên nguyên tắc, họ là tập thể tạm trú, nhưng trong thực tế, chính phủ Úc cho thành phần du sinh được định cư sau khi tốt nghiệp, với một số điều kiện. Làm thế nào để kết nối với tập thể du sinh nầy từ Việt Nam cũng là một thách đố lớn cho cộng đồng Người Việt tại Úc trong khi cộng đồng còn rất bận tâm đối phó với hậu quả của quyền lực mềm mà nhà cầm quyền Hà Nội đã và đang tích cực theo đuổi, theo Nghị Quyết Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam số 36/2004 và Nghị Quyết Chính Phủ Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam số 27/2016.

Nhưng ngay từ khởi điểm, người Việt đặt chân đến Úc không có truyền thống di dân và chưa có cấu trúc hỗ trợ cộng đồng.

A. Khó Khăn và Thành Tựu: “Off the boat and on to the tram”

Tuy đây là tựa một bài báo trên tờ The Age, Melbourne, liên hệ đến một người gốc Việt, nhưng trong thực tế, phản ảnh đúng giai đoạn khởi đầu của tiến trình định cư mà đa số trong tập thể thuyền nhân Việt Nam tại Úc Châu và khắp nơi trên thế giới, đã phải trải qua.

Giai đoạn vượt biên bằng thuyền hay bằng đường bộ vô cùng khó khăn và cực kỳ nguy hiểm. Nếu may mắn sống sót – và khoảng nửa triệu người Việt đã ra đi mà không đến, theo ước tính của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc – và được chấp thuận định cư thì điểm khởi đầu cũng là thực tế có thể phủ phàng đối với một số người, tức là chấp nhận bắt đầu lại ở bậc thang thấp nhất trong giai tầng xã hội, bất kể đó là việc lái xe điện (the tram) quanh thành phố hay những công việc tay chân khác tại cơ xưởng. Đây không phải là trải nghiệm duy nhất của người Việt. Các thế hệ người tị nạn sau Thế Chiến Thứ Hai và nói chung là tập thể di dân (ngoại trừ di dân tay nghề ngày nay) đều không có công ăn việc làm chờ sẵn phù hợp với kinh nghiệm, khả năng và trình độ học vấn. Tuy vậy, di dân nói chung có sự lựa chọn ở lại hay ra đi, trong khi người tị nạn thì không có lựa chọn nào khác.

Trường hợp người tị nạn Việt Nam từ sau tháng 4 năm 1975, rõ rệt là họ đã ở trong hoàn cảnh bị bắt buộc phải vượt thoát, sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản hóa. Vì lý do ấy mà các tác giả của một Phúc Trình do Australian Research Council [1] tài trợ, đã đồng ý với phân loại người Việt là một cộng đồng hải ngoại “nạn nhân” (a “victim” diaspora) so với các cộng đồng khác có thể là vì lý do “lao động, thương mại, đế quốc, hoặc văn hóa” (“labour, trade, imperial or cultural” diasporas).

Vạn sự khởi đầu nan

Sự hiện diện của Người Việt tại Úc theo Thống Kê Dân Số / Census 1976 là 2 427 người so với khoảng 1 000 vào thời điểm Sài Gòn thất thủ (gồm 335 sinh viên học bổng Colombo, 130 du sinh tự túc và phần còn lại là con nuôi và phụ nữ Việt kết hôn với chồng Úc [2]

Lê Thành Nhơn là một trong nhóm người tị nạn Việt Nam đầu tiên này và định cư tại Melbourne giữa năm 1975 cùng vợ và 4 con nhỏ. Ở tuổi trung niên 34, anh đã bắt tay ngay vào công việc và hàng ngày tươi cười đón khách lên xuống trên tuyến đường xe Tram [3]. Mấy ai biết được đàng sau nụ cười ấy là một tài năng nghệ thuật hiếm có. Từ giữa thập niên 1980, tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ anh tại Melbourne và đôi khi tại Sydney. Có lúc anh tâm sự là đã bị hành hung khi lái xe tram, nhưng anh không hề than trách trong suốt 15 năm làm công việc tay chân ấy. Đối với anh, việc nào cũng tốt để nuôi gia đình, nhưng đam mê của anh quan trọng hơn và lúc nào cũng là nghệ thuật trong quãng đời tại Việt Nam cũng như tại Úc.

Lê Thành Nhơn (1940-2002) là một họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng, đã từng giảng dạy tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn-Gia Định và giáo sư thỉnh giảng tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế và trường Đại học Cộng Đồng Duyên Hải tại Nha Trang. Anh đã để lại một di sản điêu khắc và hội hoạ rất đáng kể tại Việt Nam và tại Úc.

Từ một nhân số nhỏ nhoi ấy, nhưng 5 năm sau cộng đồng người Việt đã tăng vọt lên đến 49 616 theo Census 1981. Trong lịch sử di dân Úc Châu, chưa bao giờ có một cộng đồng sắc tộc nói chung chứ đừng nói chi là một cộng đồng Châu Á, có thể gia tăng nhanh như vậy.

Nguyễn Bình, sau 30.04.1975, đã phải đi tù "cải tạo". Vượt biên trên một chiếc ghe chạy sông với 152 người, anh cùng vợ và 3 con nhỏ đến đảo Bi Dong, Malaysia, và được định cư tại Melbourne hồi cuối tháng 12 năm 1978.  Tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Hải Quân, ngành Hải Hành tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang, anh đã tham dự các cuộc hành quân vượt biên Kampuchia cũng như vùng sông rạch đồng bằng Miền Nam và được coi là một trong số nhiều sĩ quan ưu tú của Hải Quân QLVNCH.   

Ở tuổi 30, công việc đầu tiên của Nguyễn Bình là công nhân hãng Rượu Beer Carlton, kế đến là công ty sản xuất xe hơi Holden. Nhưng công việc mà anh giữ lâu nhất trong 11 năm là lái xe lửa điện, xe bus nội thành, trước khi được “thăng chức” vào Phòng Nhân Viên Bộ Vận Tải tiểu bang Victoria.
 
Sau nhiều năm tháng lăn lộn với các công việc tay chân, Nguyễn Bình miệt mài học lại nghề chuyên môn hàng hải. Tuy vẫn ôm ấp giấc mộng hải dương, nhưng sau khi tốt nghiệp, anh lại chọn một con đường khác và trở thành một viên chức dân chính cao cấp nhất gốc Việt trong lực lượng Cảnh Sát Tiểu Bang. Như anh đã kể lại, anh chọn thêm một nghề tay trái, vì đã xuất thân từ một gia đình doanh thương. Theo đúng phương châm gia đình trước kia tại Việt Nam là “phi thương bất phú”, anh nghiên cứu thị trường chứng khoán và luật lệ đầu tư rồi dấn thân vào lãnh vực địa ốc. Gia đình rất thành công về mặt tài chánh, nhưng điều làm gia đình anh hài lòng nhất là sự thành đạt học vấn của 3 người con và đám hậu duệ này đang có đóng góp chuyên môn cụ thể vào xã hội định cư.

Tại Sydney, Nguyễn Mạnh Tiến, Ái Minh và Ngọc Hân cũng trải qua tiến trình định cư tương tự.

Trước ngày 30.04.1975, Nguyễn Mạnh Tiến là Y Sĩ Trưởng Liên Đoàn 32 Biệt Động Quân VNCH. Trong tuần lễ trước ngày định mệnh ấy, anh bị bắt làm tù binh tại mặt trận Tây Ninh và sau đó bị giam cầm gọi là để “học tập” trong trại tù cải tạo cộng sản. Ái Minh tốt nghiệp Trường Quốc Gia Âm Nhạc tại Sài Gòn với tư cách là một nhạc sĩ dương cầm – a concert pianist. Sau khi Trường Quốc Gia Âm Nhạc Việt Nam bị tiếp thu, Ái Minh còn được chế độ mới lưu dụng để giảng dạy ngành chuyên môn. Tuy nhiên, Nguyễn Mạnh Tiến không có sự lựa chọn nào khác hơn là liều lĩnh vượt biển tìm tự do cùng với người vợ sắp cưới, Ái Minh. Cả hai may mắn thoát nạn và định cư tại thủ phủ Tiểu bang New South Wales năm 1980.

Công việc đầu tiên của Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến là tại công ty Hunter-Douglas, chuyên sản suất những mảnh nhôm làm màn cửa sổ (producing strips for venetian blinds). Còn công việc đầu tiên của nhạc sĩ dương cầm Ái Minh là quét dọn tại Bệnh Viện Westmead. Anh chị kết hôn tại Sydney và hoạch định một kế hoạch gia đình. Một người thay phiên làm việc để “nuôi” người kia đi học trở lại. Sau nhiều năm tháng tay làm hàm nhai, Nguyễn Mạnh Tiến tốt nghiệp y khoa một lần nữa tại Viện Đại Học NSW và Ái Minh tốt nghiệp dương cầm tại Sydney Conservatorium of Music, phân khoa âm nhạc của Viện Đại Học Sydney.

Ngọc Hân vốn là một khuôn mặt quen thuộc của khán giả truyền hình tại Sài Gòn. Cô trình bày bản Tin Tức Buổi Tối trên Đài Truyền Hình Quốc Gia và Bản Tin Chiến Sự trên Đài Truyền Hình Quân Đội. Sau năm 1975, Ngọc Hân cũng đã từng nếm mùi tù tội cộng sản, sau một chuyến vượt biên bất thành. Lần thứ nhì may mắn hơn, nhưng gia đình Ngọc Hân đã phải trải qua nhiều tháng đìu hiu trên Đảo Kuku hoang vắng của Indonesia trước khi được chuyển trại và định cư tại Sydney năm 1980.

Truyền thông tại Úc là một lãnh vực mà nhiều năm sau vẫn có ít người gốc Việt có thể bước chân vào. Công việc đầu tiên của Ngọc Hân là “test” các bộ phận điện tử rời tại một công ty sản xuất dụng cụ điện tử thuộc vùng Tây Nam thành phố. Với một số lương không cao vì làm part-time, Ngọc Hân phải làm thêm một “job” thứ nhì, để vừa nuôi gia đình tại Sydney vừa phải tiết kiệm để gởi hàng hóa thuốc men về gia đình tại Việt Nam.
Cả chục năm sau ngày gọi là “giải phóng”, hàng triệu gia đình tại Việt Nam đã phải phần nào sống nhờ vào những kiện hàng do thân nhân ở nước ngoài gởi về. Những vật phẩm và thuốc men này nhiều khi đã phải được bán lại để gia đình có tiền chi dụng.

Nguyễn Mạnh Tiến đã gọi đùa đây là “nghĩa vụ quốc tế” vì anh chị đã phải thường xuyên gởi quà về cho gia đình hai họ.

Tình trạng suy sụp kinh tế tại Nam Việt Nam sau năm 1975 ảnh hưởng trực tiếp đến việc định cư của người tị nạn Việt Nam ở nước ngoài kể cả Úc Châu. Đó là hậu quả của các đợt “đánh tư sản mại bản”, đổi tiền và vùng kinh tế mới, mà Hà Nội đã áp đặt trước thời kỳ gọi là Đổi Mới năm 1986. Tiến sĩ Võ Nhân Trí gọi đây là chính sách “Bắc kỳ hóa” nền kinh tế Nam Việt Nam – một chính sách đã bần cùng hóa nhân dân Miền Nam xuống mức bần cùng của nhân dân Miền Bắc, thay vì nâng cao đời sống nhân dân Miền Bắc lên ngang tầm với đời sống nhân dân Miền Nam trước 1975 [4].

Năm 1978, Ts Nguyễn Kim Hồng được biệt phái vào Nam để phục vụ tại Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Bốn mươi năm sau ông hồi tưởng: “Cảm giác đầu tiên là rất lạ, mà nói thật là cú sốc. Tôi không nghĩ là Sài Gòn lại lớn và đẹp đến như vậy”. Đây là một Sài Gòn sau 3 năm đã bị lột xác và mất tên. Về cuộc sống lúc ấy, ông mô tả:

“Việc mua lương thực và thực phẩm không giản đơn vì chính sách “ngăn sông, cấm chợ”…Còn nhớ có lần đi xuống dạy ở Cà Mau, tôi đã dùng toàn bộ tiền mời giảng và lương để mua gạo thơm và nếp, bỏ vào vali mang về ăn Tết. Giữa đường về thì bị quản lý thị trường kiểm tra, bắt lại. May tôi là giáo viên lại có có công lệnh đi dạy nên họ thông cảm mà cho qua. Thế là có một cái Tết có gạo trắng, nếp thơm” [5].

Đối với Ngọc Hân và những người đồng cảnh ngộ, đây không hẳn là tình trạng ‘lá lành đùm lá rách’ mà thật ra là ‘lá rách đùm lá nát’. Cô nhận xét: “Gánh nặng này không có gì đặc biệt đối với tôi, vì hàng trăm ngàn đồng hương khác cũng ở hoàn cảnh như vậy”. Đúng vậy, nhưng khi sự giúp đỡ thân nhân còn ở Việt Nam là một nhu cầu phổ quát, là một thách đố đáng kể về mặt tình cảm và kinh tế, thì nó lại trở thành một nét riêng của tập thể người Việt tị nạn lúc bấy giờ, so với các cộng đồng di dân khác đến trước hoặc những công nhân lao động Việt Nam xuất khẩu sau này. Đây cũng là một yếu tố ít khi được các nhà nghiên cứu chính mạch quan tâm khi họ viết về cộng đồng người Úc gốc Việt. Ngày nay, cộng đồng gốc Việt tại Úc cũng như tại Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn tiếp tục trợ giúp thân nhân bạn bè ở Việt Nam vì lý do tình cảm nhưng việc này không còn là một gánh nặng kinh tế [6].

Ngọc Hân cũng trở lại ghế nhà trường sau khi đời sống kinh tế gia đình đã tạm ổn định và tốt nghiệp đại học Western Sydney University (WSU). Mười hai năm sau khi đến Úc, Ngọc Hân có cơ hội trở lại nghề cũ, khi được bình chọn làm Trưởng Ban Việt Ngữ, SBS Radio Sydney.

Sau khi tốt nghiệp, Ái Minh cũng trở lại nghề cũ là giảng dạy âm nhạc và trình diễn. Sinh hoạt đáng kể trong lãnh vực này là Ái Minh cùng các con đã từng tổ chức và trình diễn âm nhạc cho cộng đồng chính mạch tại Ashfield Town Hall, Sydney.

Nguyễn Mạnh Tiến trở lại nghề bác sĩ gia đình tại Cabramatta phục vụ phần lớn cho cộng đồng người Việt tại vùng Tây Nam Sydney.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến và Ngọc Hân còn là khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng. Sau khi giữ nhiệm vụ thiện nguyện Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu Bang (VCA/NSW) trong 4 năm, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến trở thành Chủ tịch thứ 5 của Cộng Đồng Người Việt Tự Do liên bang (Vietnamese Community in Australia) từ năm 2004 đến 2008. Cả hai người đều đã nhận được Huân Chương Order of Australia vì những thành tựu phục vụ cộng đồng và xã hội. Cho đến nay, khoảng 30 người Úc gốc Việt đã nhận được huân chương cao quí nầy.

Lê Thành Nhơn, Nguyễn Bình, Nguyễn Mạnh Tiến, Ái Minh và Ngọc Hân đã vượt qua những trở ngại để tạo dựng lại cuộc sống mới. Họ có thể được coi như tiêu biểu cho hàng trăm ngàn người gốc Việt định cư thành công tại Úc Châu, mà nhân số hiện nay là 294 798 (kể cả thành phần du sinh từ Việt Nam) theo Census năm 2016. Tất nhiên, “thành công” theo lập luận của các chuyên gia xã hội học, có nghĩa là người tị nạn hoặc di dân đạt được vị trí tương xứng với khả năng và hoài bão của mình và không nhất thiết phải có học vị cao hoặc trở thành “đại gia” tỉ phú.

Nhân dáng một cộng đồng còn bị thiệt thòi

Nói chung sau hơn 40 năm, cộng đồng người gốc Việt có thể không còn cảm nghĩ sâu đậm của tình trạng “nạn nhân” (a “victim” diaspora) nhưng từ góc nhìn định cư, vẫn còn là một cộng đồng bị thiệt thòi về mặt xã hội-kinh tế (socio-economically disadvantaged).

Một cách chính thức, việc định cư người tị nạn Đông Dương đã chấm dứt từ năm 1996 khi nhân số người gốc Việt tại Úc đã lên đến 150 941 tức là gia tăng gấp 62 lần nhiều hơn chỉ trong vòng 2 thập niên (Census 1996).

Tiến trình định cư cần có thời gian. Những ai đến trước 1996 là người tị nạn từ các trại UNHCR ở Đông Nam Á và Hồng Kông hoặc rời khỏi Việt Nam theo chương trình ODP. Còn những ai đến Úc sau 1996 thì hầu hết là di dân kinh tế hoặc theo diện đoàn tụ gia đình. Lấy năm 2011 làm mốc điểm khi nhân số người gốc Việt là 233 390 [7] và gộp chung hai nhóm người gốc Việt, chúng ta vẫn có nhân dáng một cộng đồng còn bị thiệt thòi, theo dữ liệu thống kê.
Về mặt tuổi tác và phái tính, trong năm 2011, tuổi trung đoạn người gốc Việt (median age) là 43 tức là trẻ hơn 2 tuổi so với tập thể người sinh đẻ ở nước ngoài là 45, nhưng già hơn 6 tuổi so với cộng đồng Úc Châu nói chung là 37. Con số tương đương trong năm 2006 là 41, 46.8 và 37.1. Đến năm 2014, tuổi trung đoạn người gốc Việt là 44.5 [8] so với 37.2 trong cộng đồng Úc nói chung.

Trong năm 2011, chỉ có 84.6 đàn ông gốc Việt cho mỗi 100 phụ nữ gốc Việt. Con số tương đương trong năm 2006 là 89 và 100. Đây là một sự đảo ngược của Census 1991, khi nhân số nam giới cao hơn nữ giới. Dữ kiện nầy phản ảnh cấu trúc gia đình Việt Nam và phù hợp với chiều hướng di dân thông thường là người đàn ông hoặc con trai đi trước để bảo lãnh gia đình theo sau.

Có thể chênh lệch giữa phái nam và phái nữ không ảnh hưởng nhiều đến công ăn việc làm, nhưng tiến trình lão hóa trong cộng đồng gốc Việt có vẻ tăng nhanh hơn cộng đồng Úc nói chung, tạo thêm nhu cầu an sinh và chăm sóc sức khỏe.

Về mặt học vấn, vào năm 2006, có 35.1% người gốc Việt từ 15 tuổi trở lên có chứng chỉ sau trung học đệ nhất cấp (lớp 10) hoặc văn bằng so với 52.5% cộng đồng nói chung. Năm năm sau, chỉ số này được cải thiện đôi chút với 37.5% so với 55.9%.

Về trình độ tiếng Anh, vào năm 2006, 56.1% khai là nói giỏi hoặc khá giỏi (very well or well) trong khi 43.3% khai là không khá hoặc không biết nói tiếng Anh (not well or not at all). Con số tương đương trong năm 2011 là 56.5% và 42.1% tức là không thay đổi đáng kể.

Về mặt công ăn việc làm trong năm 2006, chỉ số sinh hoạt nhân dụng (participation rate in the labour force) của người gốc Việt là 61.9% và chỉ số thất nghiệp là 11.4% so với 64.6% và 5.2% của cộng đồng Úc nói chung. Con số tương đương trong năm 2011 là 61% nhân dụng so với 65% và thất nghiệp 9.9% so với 5.6%. Trong tất cả mọi ngành chức nghiệp, chỉ số tham dự của người gốc Việt đều thấp hơn cộng đồng Úc nói chung, ngoại trừ trong nhóm thợ chuyên môn (technical & trades) thì ngang nhau. Rõ rệt nhất là trong lãnh vực công việc tay chân không chuyên môn (labourers) chỉ số người gốc Việt gần 20% so với khoảng dưới 10% tức là gần gấp đôi cộng đồng Úc nói chung.

Bởi thế, lợi tức trung đoạn (median income) năm 2006 của người gốc Việt là $349 mỗi tuần so với $431 của người Úc sinh đẻ ở nước ngoài và $488 của người Úc thổ sanh. Con số tương đương trong năm 2011 là $390, $538 và $577.

Hầu hết những dữ liệu thống kê Census đều được thu thập và đúc kết từ những lời tự khai. Trong giả thiết lời khai về trình độ học vấn và khả năng tiếng Anh – hai trong số những yếu tố quan trọng trong lãnh vực nhân dụng – là chính xác, người gốc Việt còn gặp nhiều khó khăn, vì không có kinh nghiệm làm việc tại Úc (Australian working experience) và văn bằng không được công nhận hoặc chỉ được công nhận tương đương một cách tổng quát, nhưng không thể hành nghề tại Úc. Thí dụ cụ thể là bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, luật sư. giáo viên, kỹ sư vv… tốt nghiệp tại Nam Việt Nam (chứ đừng nói chi tại Bắc Việt Nam) đều không thể hành nghề tại Úc.

Vấn đề được nêu lên là phải chăng người gốc Châu Á và riêng người gốc Việt bị kỳ thị chủng tộc trong vấn đề nhân dụng?

Ít có những trường hợp cụ thể được phán xét khách quan bởi cơ chế độc lập – chẳng hạn như Ủy Hội Nhân Quyền và Cơ Hội Bình Đẳng – nhưng có nghiên cứu cho thấy rằng những người làm đơn xin việc mà tên họ không thuộc nguồn gốc Anglo-Celtic hoặc Italian (cũng từng là một cộng đồng di dân nhưng định cư lâu dài và hầu như hội nhập hoàn toàn vào cộng đồng chính mạch) đều phải nộp thật nhiều đơn hơn mới có thể được cơ hội phỏng vấn (job interviews) ngang bằng với người Úc chính mạch, mặc dầu trình độ học vấn, chuyên môn và kinh nghiệm đều tương đương [9]. Đây chỉ là cơ hội được phỏng vấn còn kết quả có thể tệ hại hơn.

Về mặt chính sách , cộng đồng gốc Việt đôi khi bị trực tiếp kỳ thị, nhưng phần lớn bị kỳ thị như là thành phần đông đảo của tập thể di dân từ Châu Á. Giáo sư Geoffrey Blainey đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi năm 1984 về chính sách di dân trên căn bản chủng tộc.

Ông John Howard, trong tư cách lãnh tụ đối lập hồi năm 1988, đã gói ghém sự phân biệt chủng tộc bằng một nhận định có vẻ hợp lý là nước Úc chỉ có thể định cư di dân tùy theo khả năng mà xã hội Úc có thể chấp nhận. Chính Ông John Howard đã bày tỏ hối tiếc về phát biểu bị coi là kỳ thị di dân Châu Á tại một sinh hoạt cộng đồng người Hoa ở Sydney, khi ông vận động tranh cử hồi năm 1996 (mà tôi có mặt tham dự).

Nhưng kỳ thị rõ rệt nhất và công khai là phát biểu của Bà Pauline Hanson, dân biểu độc lập đơn vị Oxley (Qld) khi bà nói trong bài diễn văn đầu tiên trước Hạ Viện liên bang hồi tháng 9 năm 1996 là “Nước Úc đang có nguy cơ bị tràn ngập bởi di dân Châu Á - I believe we are in danger of being swamped by Asians". Lập trường chống di dân Hồi Giáo và Châu Á lại được Nghị sĩ Pauline Hanson lập lại trong năm 2016 với tư cách lãnh tụ Đảng One Nation.

Nỗi buồn và Niềm Vui cộng đồng

Nước Úc là một quốc gia di dân mà cộng đồng sắc tộc nào cũng có nhiều ưu điểm và khuyết điểm và cộng đồng gốc Việt không phải là một ngoại lệ.
Về mặt tiêu cực, chỉ số thất nghiệp cao đã từng là một vấn nạn trong cộng đồng người Việt, đặc biệt là giới trẻ trong hạn tuổi 15-24. Ngoài ra, số người phạm pháp và tù tội cũng rất cao với 3% nhân số cộng đồng trong năm 2010 tức là gấp 3 lần nhiều hơn so với cộng đồng Úc Châu nói chung. Tù nhân phụ nữ gốc Việt chiếm 14% trong tổng số tù nhân phụ nữ – chỉ đứng sau phụ nữ gốc Thổ dân mà thôi. Theo Bà Cẩm Nguyễn (Huỳnh Bích Cẩm), sáng lập viên kiêm Giám Đốc Điều Hành Hội Phụ Nữ Việt Úc (AVWA Inc.) tại Melbourne, nhiều phụ nữ gốc Việt đã bị tù tội vì buôn bán, vận chuyển ma túy, trộm cắp và lừa đảo để trả nợ đánh bạc tại casinos [10].

Tại Sydney, Ni sư Hải Triều Hạnh, một trong số lãnh tụ tôn giáo kể cả Thượng Tọa Thích Phước Tấn và Linh Mục Paul Chu Văn Chi, làm công tác "tuyên úy" thiện nguyện suốt 14 năm, đã từng ủy lạo và chăm sóc tù nhân tại một khám đường NSW có khoảng 200 người Việt hoặc gốc Việt, kể cả những người vượt thoát từ Miền Bắc đến Hồng Kông và định cư tại Úc. Theo lời kể, tù nhân gốc Bắc sau 1975, thường e dè lo sợ vì nghĩ rằng các vị tuyên úy Phật giáo và Thiên Chúa giáo người Việt có thể là điềm chỉ viên cho Cảnh Sát, trong khi tù nhân gốc miền Nam thì không có thái độ ấy [11].

Trong số những tù nhân gốc Việt, còn có một người đã từng đóng vai trò nổi bật trong sinh hoạt cộng đồng người Việt tại Sydney: đó là Phương Ngô (Ngô Cảnh Phương). Phuơng Ngô đã bị kết án tù chung thân hồi năm 2001 và bản án này đã được xác nhận sau một cuộc duyệt xét tư pháp năm 2008 như là một án mạng chính trị đầu tiên tại Úc. Phuơng Ngô bị truy tố về tội âm mưu giết chết một đối thủ, Dân biểu Tiểu bang NSW John Newman, vào chiều tối ngày 05.09.1994 tại Cabramatta, thuộc Vùng Tây Nam Sydney và được coi là ‘thủ phủ’ của cộng đồng người Việt tại Úc. Định cư với tư cách người tị nạn năm 1982, Phuơng Ngô đã trở thành nghị viên gốc Việt đầu tiên tại Úc khi đắc cử vào Hội Đồng Thành Phố Fairfield NSW hồi tháng 10 năm 1987 và trở thành Phó Thị Trưởng thành phố này năm 1990.

Một vụ án khác cũng đã làm công luận Úc Châu và cộng đồng người Việt rúng động. Đó là trường hợp Nguyễn Tường Vân bị xử tử tại Singapore ngày 02.12.2005 về tội chuyển vận ma túy, khi tử tội nầy chỉ mới 25 tuổi. Nước Úc đã bỏ án tử hình từ lâu và có chính sách can thiệp cho công dân Úc bị án tử hình ở nước ngoài. Thủ tướng John Howard đã đích thân vận động với Thủ tướng Lý Hiển Long mà không có kết quả.

Cộng đồng gốc Việt cũng bị nhiều tai tiếng – có thể nói một cách bất công - vì Cabramatta bị giới truyền thông chính mạnh gán cho danh hiệu “thủ phủ ma túy” là địa bàn hoạt động của nhóm tội phạm 5T. Nhờ sự quan tâm của chính phủ Tiểu Bang và giới chức thẩm quyền Cảnh Sát địa phương, Cabramatta được phục hồi và trở nên một khu thương mại sầm quất. Tiến trình biến đổi này đã được mô tả trong tài liệu truyền hình ‘Once Upon A Time In Cabramatta’ [12].

Về mặt tích cực, ít nhất có hai sự kiện cần được nhắc đến: đó là sự thành công của giới trẻ gốc Việt trong lãnh vực học vấn và sự thay đổi trong vị thế xã hội của nữ giới gốc Việt.

Ngoài lý do chính trị, người tị nạn Việt Nam còn có hoài bão kinh tế cho gia đình và giáo dục cho con cái. Những yếu tố kinh tế và văn hóa này không làm giảm tư cách người tị nạn, miễn là họ hội đủ các điều kiện trong định nghĩa người tị nạn của Công Ước Liên Hiệp Quốc 1951.

Tất nhiên, trong tình trạng thiệt thòi xã hội kinh tế của gia đình, giới trẻ gốc Việt - dù là thuộc thế hệ 1.5 tức là sinh đẻ tại Việt Nam nhưng trưởng thành tại Úc hoặc là thế hệ thứ hai – không thể thoát khỏi hoàn cảnh nghèo khó trong tiến trình học vấn. Bằng chứng rõ rệt là phần đông họ sinh sống cùng với gia đình tại những khu vực có đông người Việt mà lợi tức trung bình rất thấp – chẳng hạn như Vùng Tây Nam Sydney (Bankstown, Fairfield, Cabramatta), Vùng phía Tây Melbourne (Footscray, Maribyrnong, St Albans) hay vùng Inala tại Brisbane, thủ phủ Tiểu bang nắng ấm Queensland.
Trong cuộc tranh luận về Dự luật Phụ Cấp Sinh viên Austudy hồi tháng 11 năm 1996, Dân Biểu Andrew Southcott đã nhận xét rằng trong số 2 600 sinh viên gốc Việt tại các viện đại học ở NSW trong năm 1995, gần 1/3 cư ngụ tại khu lao động “working class” Cabramatta [13]. Nói chung, điểm đáng chú ý khác là tính về mặt tỉ lệ, nhân số sinh viên gốc Việt tương đối cao hơn so với cộng đồng chính mạch. Một cuộc nghiên cứu khác của Bộ Di trú và Văn hóa Đa nguyên (DIMIA) còn cho thấy rằng không những giới trẻ thuộc thế hệ 1.5 mà cả thế thứ 2 cũng có nhân số đông đảo ở bậc đại học, mặc dầu cha mẹ có thể thuộc tầng lớp không khá giả và không có trình độ học vấn cao, nhưng có quyết tâm và coi trọng vấn đề giáo dục [14].

Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non. (Khuyết danh)

Phụ nữ Việt Nam rất tháo vác trong mọi hoàn cảnh, mặc dầu xã hội phong kiến, với quan niệm khắc khe “tam tòng tứ đức” đã không cho phép họ cải thiện thế đứng xã hội bên ngoài phạm vi gia đình. Sự xung đột của nhân vật Loan, một phụ nữ tân học, với gia đình nhà chồng (còn theo tập quán cổ xưa tại Miền Bắc) trong quyển ‘Đoạn Tuyệt’ (1934) của nhà văn Nhất Linh (trong Tự Lực Văn Đoàn) dần dần biến dạng trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là tại Miền Nam Việt Nam sau năm 1954, nhờ vào nền giáo dục mới, bình đẳng phái tính và tiến bộ.

Tuy vậy, khi định cư ở nước ngoài, phụ nữ Việt vẫn cảm thấy đối diện với một thực tế khác vì điều kiện xã hội và kinh tế đã phát triển nhanh hơn và sâu rộng hơn. Người chủ gia đình có thể vẫn còn là người chồng, người cha, nhưng trong thực tế ảnh hưởng của người vợ, người mẹ gia tăng khá nhiều, nhất là khi họ là nguồn tài chánh gia đình – bread winner.

Trong bài viết “Phụ nữ Việt giữa hai Dòng Văn hóa”, và qua kinh nghiệm làm việc, tôi tin rằng sự tồn tại của gia đình Việt Nam tại Úc trong mười lăm năm định cư (1975-1990) đã cho thấy phụ nữ Việt ở nước ngoài có nhiều khả năng linh động và hội nhập thành công trong môi trường xã hội, văn hóa mới mà không bị vong bản [15]. Gần hai thập niên sau, tôi trở lại đề tài này với tư cách là một diễn giả cùng với Tiến sĩ Barbara Ferguson, OAM, cựu Trưởng ngành Xã Hội Học (Head of the Social Work Department) Viện Đại Học NSW và Giáo sư Trang Thomas, AM, cựu chủ tịch Ủy Hội Văn Hóa Đa Nguyên Victoria, tại Đại Hội Liên Bang Phụ Nữ Việt Nam, do Hội Phụ Nữ Việt Nam NSW tổ chức hồi đầu tháng 9 năm 2009 tại Sydney. Nhân dịp này, tôi đã thảo luận vai trò phụ nữ Việt và tương quan của họ đối với con gái thế hệ thứ hai. Cuộc thảo luận được thực hiện riêng rẽ qua điện thoại, emails hoặc mặt-đối-mặt tùy cơ hội với 17 phụ nữ tại Melbourne, Canberra và Sydney thuộc nhiều lớp tuổi, thành phần xã hội và trình độ học vấn.

Nhìn chung, không còn ai quan tâm đến vấn đề “tam tòng” (tại nhà tùy thuộc vào cha, trong hôn nhân, tùy thuộc vào chồng và khi trở thành góa phụ, tùy thuộc vào con trai) vì nó đã hoàn toàn lỗi thời ngay cả tại Việt Nam.

Trong lãnh vực “tứ đức” (công dung ngôn hạnh), hầu hết cũng coi là không còn thích hợp, tuy vài người tin rằng cung cách hành xử này không nên từ bỏ hoàn toàn mà nên thay đổi để thích nghi với xã hội mới, để phụ nữ có thể đóng vai trò tích cực hơn bên ngoài môi trường gia đình.

Tuy “tứ đức” không còn được coi là khuôn mẫu, nhưng tất cả đều đồng ý phụ nữ Việt cẩn trọng với lời ăn tiếng nói và có cung cách đối xử thích hợp trong nhà ngoài ngõ. Thành phần con gái thế hệ thứ hai nói rằng các em chịu ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ về vai trò của nữ giới gốc Việt trong xã hội Úc. Tuy nhiên, Bà Cẩm Nguyễn chỉ trích một góc cạnh thụ động trong tiến trình cải thiện thế đứng xã hội của một số phụ nữ gốc Việt, bất kể là họ có đóng vai trò chủ động (bread winner) hay không. Đó là khả năng tiếng Anh để mở rộng giao tiếp xã hội và nghề nghiệp.

Trong hoàn cảnh biến đổi, phần lớn các gia đình Việt Nam muốn duy trì tập quán tốt của dân tộc như những lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa và duy trì ngôn ngữ [16]. Tuy nhiên, có lẽ như là một thực tế ảnh hưởng bởi nhu cầu kinh tế tài chánh gia đình mà phụ nữ Việt phải đóng vai trò chủ động hơn. Nếu người chồng, người cha không đủ sức mạnh thể chất để làm những việc tay chân nặng nhọc, người vợ, người mẹ có thể bước chân vào lãnh vực lao động này dễ dàng hơn, hoặc là vì những năng khiếu sẵn có của phụ nữ, hoặc năng khiếu có thể thủ đắc nhanh chóng mà không cần trình độ tiếng Anh cao. May mặc là một lãnh vực cụ thể và sự hội nhập của phụ nữ Việt xảy ra vào thời buổi mà ngành này đang suy sụp tại Úc.

Theo Giáo sư Andrew Jakubowicz, phụ nữ Việt và gia đình của họ đã đóng vai trò thiết yếu trong việc phục hồi ngành công nghệ may mặc, mà nhiều khi phải hi sinh cao độ về mặt thể chất để có khả năng tài chánh giúp con em thành công trên con đường học vấn và tạo khả năng lãnh đạo tương lai [17].

Theo FairWork Australia, một bộ phận của nghiệp đoàn Tơ Sợi May Mặc và Giày Dép gọi tắt là TCF, chỉ riêng tại Sydney, ngành lao động này hoàn toàn chi phối bởi phụ nữ gốc Việt với 80% và gốc Trung Hoa với 20%. Theo Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Nghiệp Đoàn TCF tại 3 Tiểu Bang NSW, Nam Úc và Tasmania, thì riêng tại NSW, 40% trong tổng số 8 000 thành viên may mặc là phụ nữ gốc Việt. Tất nhiên, con số 3 200 người này không phản ảnh nhân số phụ nữ gốc Việt sinh hoạt trên căn bản gia công – outworkers, tức là may mặc tại nhà riêng của chính mình và không gia nhập nghiệp đoàn [18].

Sự hi sinh to lớn của người mẹ trong ngành may mặc không đâu thể hiện rõ rệt và cảm động bằng phim truyện Ngày Giao / Delivery Day (2001) do đạo diễn kiêm diễn viên Đỗ Khoa thực hiện. Đỗ Khoa xác nhận là anh đã xây dựng truyện phim nầy dựa vào kinh nghiệm bản thân và sinh hoạt thường nhật trong gia đình. Người mẹ đã phải trăn trở giữa việc hoàn tất số lượng quần áo để kịp ngày giao hàng và thời gian phải gặp gỡ giáo viên để thảo luận việc học của con cái.

Nhìn từ góc cạnh bảo vệ quyền lợi công nhân, Ts Mandy Thomas cáo buộc đây là một lạm dụng và khai thác sức lao động của người thấp cổ bé miệng. Đối với phụ nữ Việt, may mặc theo phương thức gia công (outworkers), quả thật họ bị bóc lột vì họ nhận được tiền công rẻ mạt dưới mức lương tối thiểu, trong điều kiện làm việc thiếu an toàn tại nhà (thường là trong garage hoặc một phòng khách hay phòng ngủ), không được hưởng thời gian nghỉ thường niên và hưu bổng. Thành phần bóc lột đôi khi cũng là do một công ty hoặc cá nhân người tị nạn Việt Nam trong vai trò chủ thầu [19].

Cũng theo Ông Nguyễn Đình Hùng, do vận động liên tục và sức ép của nghiệp đoàn cũng như xã hội dân sự Úc Châu, chính phủ liên bang và nhất là các chính phủ tiểu bang đã ban hành luật lệ cải thiện điều kiện làm việc của công nhân ngành may mặc. Ngày nay, họ được hưởng quyền lợi luật định. Tuy nhiên, sự cải thiện này có thể đã quá trễ cho nhiều phụ nữ Việt khi họ đã đến tuổi nghỉ hưu. Ông Nguyễn Đình Hùng cho biết nhân số thành viên gốc Việt trong nghiệp đoàn TCF tại NSW đã giảm 50%.

Sự hi sinh của những bà mẹ Việt càng có nhiều ý nghĩa hơn nữa, khi họ đặt tương lai con cái trước tương lai của chính mình.

Năm 1980, Bà Nguyễn Ngọc Hiền đến Úc định cư ở tuổi 25 cùng với chồng và hai con trai lớp tuổi nhà trẻ. Ngay trong thời gian hãy còn tạm trú tại Trại East Hills Migrant Hostel thuộc vùng Tây Nam Sydney, Bà Ngọc Hiền đã bắt tay làm việc trong ngành may mặc. Sau khi đứa con gái chào đời tại Sydney, gia đình chẳng may bị đổ vỡ và bà phải tiếp tục làm việc trong ngành may mặc gia công để nuôi dưỡng, dạy dỗ 3 con như là một người mẹ đơn thân. Bà Ngọc Hiền nói: “Bây giờ 3 con đã trưởng thành và cải thiện thế đứng xã hội tốt hơn so với thế hệ cha mẹ, nên tôi nghỉ hưu để đi học tiếng Anh mà trước kia tôi đã lỡ cơ hội, và hi vọng viết lại câu chuyện cuộc đời mình”. Ba người con này là Đỗ Anh, một tác giả và kịch sĩ hài, Đỗ Khoa, đạo diễn kiêm kịch sĩ điện ảnh và Trâm Anh, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Họ thuộc thành phần trẻ lãnh đạo mà Giáo sư Andrew Jakubowicz đã tiên liệu [20].

B. Đóng Góp và Thử Thách

Thành tích cộng đồng người Úc gốc Việt không vượt trội hơn mà cũng không thua kém so với các cộng đồng di dân khác. Tuy vậy, nếu được đánh giá trên mức độ khó khăn của một cộng đồng “nạn nhân” vào thời điểm phôi thai của xã hội văn hóa đa nguyên, những thành quả này có thể được coi là đặc biệt. Đây không phải là những khen ngợi từ miệng lưỡi chính trị gia mà chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong sinh hoạt cộng đồng. Đây là kết luận khách quan của nhiều công trình nghiên cứu. Tất nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý như vậy.

Giáo sư Geoffrey Blainey chỉ trích tập thể người Úc gốc Việt, vì đây là cộng đồng Châu Á đầu tiên định cư với một nhân số đông đảo ngay sau khi chính sách Nước Úc Da Trắng – The White Australia Policy – vừa chấm dứt. Tiến sĩ Bob Birrell và nhóm chuyên gia xã hội học tại Monash University, Melbourne, coi bản chất nội tại cộng đồng người Việt (như thiếu khả năng chuyên môn và trình độ tiếng Anh cần thiết) là nguyên nhân của tình trạng thiệt thòi xã hội kinh tế (an underclass), chứ không phải vì bất cứ sự kỳ thị nào tại Úc.

Ngược lại, cũng có thành phần trí thức như Ts Gerald Henderson, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu The Sydney Institute, hoặc cơ quan truyền thông như SBS Corporation, coi sự thành công của người tị nạn Việt Nam có tác dụng thay đổi xã hội Úc theo chiều hướng tích cực [21].

Một trong những đóng góp quan trọng về mặt vật thể (những tự viện với kiến trúc Việt Nam) cũng như phi vật thể (nhu cầu tín ngưỡng) là sự hình thành và phát triển của Phật Giáo Việt Nam tại Úc mà tôi không lập lại trong bài này [22]. Cũng không nhắc lại trong bài này là sự phát triển và vai trò của Truyền Thông Việt Ngữ tại Úc cần thiết cho tiến trình định cư thành công của người Việt [23].

Khả năng đóng góp và tiếp nối sự đóng góp tuỳ thuộc vào tiến trình trẻ trung hóa tổ chức cộng đồng về mặt tập thể cũng như nỗ lực cá nhân thuộc thành phần thế hệ 1.5 và thế hệ thứ hai. Vào thời điểm Census 1996 đã có 46 756 người Úc gốc Việt thổ sanh tại Úc và vào năm 2001 thành phần nầy chiếm ¼ trong cộng đồng gốc Việt [24].

Tại Úc, cộng đồng Người Việt được đánh giá là có tổ chức chặt chẽ [25]. Cộng đồng Người Việt Tự Do cấp liên bang và tiểu bang (The Vietnamese Community in Australia – the VCA) được thành lập rất sớm và sinh hoạt liên tục từ năm 1977 cho đến nay nên tạo được uy tín và được chấp nhận tư cách đại diện tập thể người Úc gốc Việt bởi 3 cấp chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang. Lãnh đạo VCA cũng bắt đầu trẻ trung hóa rất sớm, khởi đầu tại Tiểu Bang Tây Úc hồi thập niên 1990, nhưng sau đó phát triển mạnh hơn tại Victoria trong các nhiệm kỳ của Châu Xuân Hùng, Nguyễn Thế Phong, Nguyễn Văn Bon và Nguyễn Phượng Vỹ. Họ đã dấn thân đảm nhiệm trọng trách tại tiểu bang và liên bang, đôi khi tuổi đời chỉ ngoài 30. Cũng vậy tại NSW, trong các nhiệm kỳ của Ls Nguyễn Văn Thân, Ls Võ Trí Dũng, Ts Hà Cao Thắng và hiện nay với Ban Chấp Hành của Paul Huy Nguyễn. Tại Queensland, Bác sĩ Bùi Trọng Cường, Chủ tịch VCA tiểu bang và Chủ tịch liên bang thứ nhì (1982-1991), cũng đã có thành phần trẻ gia nhập vào ban chấp hành từ nhiều năm nay. Trong vài năm gần đây, điều này cũng đang xảy ra tại Nam Úc.

Lãnh đạo trẻ thu hút được giới trẻ và từ đó nảy sinh ra những sáng kiến và chương trình dành cho thế hệ trẻ không những hữu ích cho sự phát triển cộng đồng mà còn góp phần vào sinh hoạt trong xã hội dòng chính. Chương trình Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc tại Victoria (DILP) và sáng kiến VCAY tại NSW là thí dụ cụ thể.

Khởi xướng trong năm 2014 với một cuộc hội thảo về vai trò giới trẻ trong xã hội văn hóa đa nguyên do Ban Chấp Hành VCA/Victoria tổ chức (mà tôi tham dự với tư cách là một diễn giả), khóa huấn luyện Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc tiếp tục được phát triển mạnh trong năm kế tiếp khi Cô Phượng Vỹ kế nhiệm Ông Nguyễn Văn Bon trong nhiệm vụ Chủ tịch.

Tính đến nay chương trình khoá lãnh đạo Hai Nguồn Gốc đã được 5 tuổi, và hơn 150 bạn trẻ tuổi từ 18-35 đã tham dự chương trình. Hàng năm, ban tổ chức chương trình thay đổi nhân sự phần vì muốn các bạn trẻ thực hiện 1 chương trình cho giới trẻ, và của giới trẻ, phần vì muốn có những tiến bộ và thay đổi cần thiết về chương trình nhưng không thay đổi mục đích. Cô Phượng Vỹ nhận xét:

“Nhìn chung, các bạn trẻ khám phá một điều mà Ban Tổ Chức chúng tôi rất lạc quan: đó là vì những gì các bạn đã học hỏi được từ nội dung, diễn giả, các projects cũng như qua những cuộc bàn thảo, tranh luận trong một bầu không khí an toàn, không định kiến, các bạn đã có thêm kiến thức, tự tin ở bất cứ môi trường nào để có những cuộc đối thoại, chẳng hạn như về cuộc chiến Việt Nam và cảm thông chia sẻ những trăn trở của thế hệ thứ nhất”.
 
Từ 2 năm qua, chương trình cựu thành viên DILP Alumni cũng đã hình thành, và có những sinh hoạt cụ thể giúp các bạn một cách thiết thực, networking, hay những sinh hoạt văn hóa, thể thao lành mạnh và quan tâm về quê hương Việt Nam, Phượng Vỹ nói tiếp.

Một trong những tham dự viên trẻ ngay từ đầu của Chương trình DILP là Bác sĩ Jenny Trần. Sinh đẻ tại Sydney năm 1988 trong một gia đình thuyền nhân Việt tị nạn định cư từ cuối thập niên 1970, Jenny Trần đã tốt nghiệp Y Khoa tại Viện Đại Học Melbourne. Điểm nổi bật là Jenny Trần tạo nên lịch sử khi được bình chọn người gốc Việt đầu tiên làm Rhodes Scholar tại Úc. Tiêu chuẩn chọn lựa ứng viên Rhodes scholarship cực kỳ khó khăn trên căn bản học vấn xuất sắc, tinh thần thể thao và dấn thân phục vụ cộng đồng. Rhodes Scholars như Jenny Trần được học bổng để theo học ban Cao Học (thạc sĩ) và tiến sĩ tại Viện Đại Học Oxford, Vương Quốc Anh. Jenny Trần nhận xét và cho biết cảm tưởng khi tham dự Khóa Huấn luyện DILP:

“Theo ý tôi, không phải chỉ quan trọng là mình đạt được điều mình muốn trong bối cảnh tại Úc, mà còn để tạo lại liên hệ với nguồn gốc của mình và tiếp cận với các bạn mà tôi gặp hôm nay - giới trẻ phần đông sinh đẻ tại Úc nhưng có liên hệ mạnh mẽ với Việt Nam như tôi vậy… Họ đối diện với những vấn đề tương tự như tôi là bản sắc đôi. Tôi không nghĩ đây là vấn đề tiêu cực. Trái lại, bản sắc đôi nên được nhìn từ góc cạnh tích cực. Chúng ta có thể sử dụng bản sắc đôi để làm cho xã hội thêm phong phú. Và đây là cơ hội rất tốt. Đây là phương cách hữu hiệu để nối kết, thảo luận những ý kiến khác nhau, và hướng về tiềm năng lãnh đạo” [26].

Roma đã không thể xây dựng được trong một ngày. Các Ban Chấp Hành VCA đương nhiệm thừa hưởng di sản của những Ban Chấp Hành tiền nhiệm và sẽ để lại những thành quả cho các thế hệ lãnh đạo cộng đồng tương lai.

Tại Sydney, Ban Chấp Hành mới VCA/NSW gồm nhiều thành phần trẻ năng động và và dám thử nghiệm những phương thức làm việc mới, chẳng hạn như Kate Khánh Hoàng và Trần Mỹ Vân trong vai trò phó chủ tịch. Hàng mấy chục ngàn người tham dự Hội Chợ Tết Mậu Tuất 2018 có thể đã nhìn thấy sự đổi mới ấy.

Một sáng kiến đáng kể khác là nỗ lực kết nối với thành phần trẻ cộng đồng. Chủ tịch Paul Huy Nguyễn nhận xét rằng, tuy cộng đồng người Việt đã thành công rất nhiều, nhưng sinh hoạt cộng đồng vẫn còn thiếu sự tham gia đông đảo của giới trẻ gốc Việt và đây luôn là mối quan tâm và niềm trăn trở, không chỉ của ban chấp hành VCA/NSW mà còn là vấn đề chung của tất cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Câu hỏi được nêu lên là làm sao để khuyến khích giới trẻ tham gia tích cực hơn?

Cô Kate Khánh Hoàng cho biết: “Để góp phần tích cực trong việc xây dựng một sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, đồng thời giúp các em có cơ hội đến gần hơn với cộng đồng người Việt, xuyên qua các chương trình giáo dục kỹ năng, kiếm việc, và phát triển tư duy, VCA/NSW đã thành lập một chi hội, dành riêng cho các sinh hoạt của giới trẻ gọi là VCAY- Vietnamese Community in Australia Youth.

“VCAY nhằm mục đích giúp xây dựng và hướng dẫn các em hoàn thiện kỹ năng cá nhân, cũng như tạo sự gắn bó và khuyến khích các em tham gia các sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi sẽ có rất nhiều các chương trình dành riêng cho giới trẻ trong tương lai”.

VCAY trực thuộc sự quản lý và điều hành của VCA. Nhưng tất cả các hoạt động, kế hoạch và ngân sách đều do các em trẻ quyết định và điều hành, nhằm có thể đáp ứng được đúng nhu cầu và mong muốn của các em một cách thiết thực và gần gũi nhất, Kate Hoàng nhấn mạnh.

Chỉ trong vài tháng đầu, VCAY đã có vài sinh hoạt đáng khích lệ, nhưng là một sáng kiến mới, tất nhiên VCAY cần thời gian để phát triển.

Mới đây, tôi đã chứng kiến một sinh hoạt thường niên khác, tuy không đặc biệt nhắm vào giới trẻ, nhưng lại thu hút được sự tham dự đông đảo của họ. Đó là Gánh Hàng Rong – một sinh hoạt dân gian quan trọng tại Việt Nam và đã từng được tái tạo bất định kỳ tại những nơi có nhiều người Việt định cư. Ls Nguyễn Quốc Toàn, Phó Chủ tịch VCA Liên Bang, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử và cựu Phó Thị Trưởng thành phố Bankstown NSW cho biết:

“Cách đây 5 năm, ‘Gáng Hàng Rong’ đã bắt đầu trên căn bản định kỳ tại một công viên bên cạnh một hồ nước thiên nhiên có khá nhiều phương tiện giải trí ngoài trời. Tuy vậy, để sinh hoạt không bị giới hạn theo qui định địa phương, Gánh Hàng Rong đã dời về Trung Tâm Văn Hóa và Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt NSW. Tại địa điểm thuận lợi mới, Gánh Hàng Rong đã bộc phát và thu hút hàng ngàn người tham dự để hồi tưởng và thưởng thức hương vị quê hương”.

Đây có thể là một phương thức ít tốn kém nhưng có thể tạo môi trường giải trí lành mạnh mà giới trẻ gốc Việt đang thiếu. Cộng đồng Người Việt có thể cho Gánh Hàng Rong vào lịch sinh hoạt hàng năm, bên cạnh Hội Chợ Tết và Lễ Hội Nhi Đồng.
Article.40-Nam-Dinh-Cu.Part-2-007

Image Lễ Hội Nhi Đồng Sydney 2018 – Photo:Vi Phat



Lễ Hội Nhi Đồng – The Children’s Festival là một sinh hoạt tái tạo từ Tết Nhi Đồng Việt Nam và khởi thủy do sáng kiến của một thuyền nhân tị nạn – Trưởng Hướng Đạo Nguyễn văn Thuất, OAM. Điểm khác biệt quan trọng là Tết Nhi Đồng đậm nét quốc gia trong khi Lễ Hội Nhi Đồng (Lễ Hội Thiếu Nhi) tại Úc là một sinh hoạt đa văn hóa phản ảnh xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu. Với tôn chỉ “Playing Together and Living in Harmony” Lễ Hội nầy nối kết nhiều thành phần sắc tộc và đến nay được 20 tuổi với 30 Lễ Hội mà lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1999 tại thành phố Bankstown, NSW. Lễ Hội Nhi Đồng, một đóng góp đáng kể của cộng đồng Người Việt, có cơ may trở thành một diễn tiến văn hóa toàn Tiểu Bang NSW. Trưởng Nguyễn Văn Thuất nói:
“Trong 20 năm qua, Children’s Festival Organisation (CFO) đã tổ chức thành công 30 lễ hội thiếu nhi đa văn hóa với ngót 250,000 người tham dự tại Bankstown, Canterbury, Marrickville và Trung Tâm Đô Thị Sydney. Lễ hội thiếu nhi là cơ hội để các em thiếu nhi vui chơi, gặp gỡ, kết bạn, thi thố tài năng, học hỏi lẫn nhau, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa nguồn cội, thưởng ngoạn những giá trị văn hóa mới cùng chung sống hài hòa với các cộng đồng văn hóa khác trong nước Úc đa văn hóa”.

Lễ Hội được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng và ba cấp chính quyền. Ông Mike Baird, trong tư cách Thủ Hiến NSW (2016), đã viết: “Lễ Hội Nhi Đồng phản ảnh những kinh nghiệm văn hóa độc đáo và phát huy sự hài hoà xã hội”. Toàn Quyền NSW, Cựu Đại Tướng David Hurley cũng có nhận định tương tự khi Ông chuyển lời chúc mừng Lễ Hội năm 2017 trong việc xây dựng hài hòa và kết nối mọi thành phần sắc tộc và truyền thống văn hóa.

Song song với sự đóng góp tập thể của cộng đồng, nhiều đóng góp cá nhân cũng rất đáng kể và tạo nên hình ảnh tốt cho người Việt tại Úc.

Thành công cá nhân rất đa dạng và bao gồm nhiều lãnh vực mà phạm vi nhỏ hẹp của bài này không thể nêu ra đầy đủ một cách công bằng. Trên căn bản “người đầu tiên” – chẳng hạn như trường hợp Bác sĩ Jenny Trần, hoặc trên căn bản giải thưởng xuất sắc, chúng ta có thể ghi nhận những khuôn mặt nổi bật mà cộng đồng hãnh diện.
Article.40-Nam-Dinh-Cu.Part-2-005
Image * Điêu khắc gia Lê Thành Nhơn là tác giả gốc Việt đầu tiên có tác phẩm được trưng bày và lưu trữ tại National Art Gallery of Australia ở thủ đô liên bang Canberra và nhiều cơ sở văn hóa khác [27].

Họa sĩ Lê Thành Nhơn cũng là người có triển lãm tranh sơn dầu rất sớm, hồi năm 1977. Đối với Lê Thành Nhơn sáng tác hội hoạ và điêu khắc là lối thoát để anh tìm lại sự an bình, sau biến cố tháng 4 năm 1975 [28].

* Trong lãnh vực nghệ thuật phim ảnh, Đỗ Khoa là đạo diễn gốc Việt đầu tiên tại Úc với tác phẩm ‘Missing Water – Cuốn Theo Làn Sóng’ được vào chung kết Liên Hoan Điện Ảnh Sydney lần thứ 56. Đây là câu chuyện vượt biên kinh hoàng của thuyền nhân Việt Nam. Missing Water là phim truyện thứ 4 của Đỗ Khoa. Anh còn được biết đến nhiều với những tác phẩm khác, như Ngày Giao/Delivery Day, The Finished People / Những Kẻ Tàn Đời và Footy Legends.

Trong cuộc phỏng vấn với Ngọc Hân Đài VOA, Đỗ Khoa cho biết trước khi quay thành phim, Missing Water đã được trình diễn trên sân khấu dưới hình thức kịch bản nhan đề ‘Mother Fish – Cá Mẹ’. Trong năm 2005, Đỗ Khoa đã được bình chọn làm Người Úc Trẻ Xuất Sắc – The Young Australia of the Year, một phần là vì những thành đạt trong lãnh vực nghệ thuật thứ 7 nầy [29].

* Thơ văn có lẽ là lãnh vực phong phú mà cộng đồng người Việt khắp nơi có nhiều sáng tác nhất. Tại Úc, một luật sư trẻ đã rời khỏi môi trường tòa án và trở thành nhà văn nổi tiếng.

Nam Lê sinh năm 1978 tại Rạch Giá, thuộc vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, Việt Nam. Thân phụ anh đã từng bị tù trong trại giam cộng sản gọi là ‘học tập cải tạo’ sau năm 1975. Khi anh chưa đầy một tuổi, gia đình anh phải vượt biển tị nạn và đến Úc định cư vào năm 1979 tại thành phố Melbourne.

Nam Lê đã tạo lịch sử khi đánh bại nhưng ngòi bút lão thành khác với tập truyện ngắn nhan đề ‘The Boat – Con Thuyền’. Với tác phẩm này, Nam Lê đã đoạt Giải Văn Học của Thủ Hiến NSW, Giải Văn Học của Thủ Tướng Australia và rất nhiều giải thưởng văn học quốc tế, nhất là tại Mỹ [30].
Image



Nam Lê, tác giả The Boat (Penguin Books, 2008)



* Cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là tại Mỹ, đã sản sinh rất nhiều tài năng về mặt khoa học và y học. Có thể khiêm tốn hơn vì nhân số ít hơn, nhưng người Việt tại Úc cũng có thể hãnh diện với những thành đạt của hai anh em Giáo sư Tiến sĩ Võ Bá Ngự và Giáo sư Tiến sĩ Võ Bá Tường tại Viện Đaị Học Western Australia, Perth và Giáo sư Tiến sĩ Y khoa Phan Giang Trí tại Viện Nghiên Cứu Garvan, Sydney.

Do công trình nghiên cứu gọi là “Random Sets”, tạm dịch là “Tập hợp Ngẫu nhiên”, và những ứng dụng của nó trong khoa học-kỹ thuật mà phần lớn là về vấn đề quốc phòng, hai giáo sư họ Võ đã được bình chọn nhận lãnh Giải thưởng Eureka Prize 2010, một giải thưởng khoa học quan trọng tại Úc Châu. Xuất thân từ một gia đình người Việt tị nạn mà cha là cựu quân nhân và mẹ là một nhà giáo, Giáo sư Võ Bá Ngự tỏ ra rất khiêm tốn. Ông nói: “Tôi sống ở Úc hơn 28 năm. Nước Úc đã cưu mang gia đình chúng tôi cũng như bao nhiêu gia đình Việt Nam tị nạn khác. Tôi đã được hưởng được nền giáo dục của nước Úc mà nếu sống ở Việt Nam tôi sẽ không được hưởng những quyền lợi này. Người Việt chúng ta có câu ‘Ăn quả nhớ kẻ trồng cây’. Cho nên, theo tôi, đóng góp cho nước Úc là chuyện đương nhiên. Đây là nhiệm vụ của một công dân Úc” [31].

Giáo sư Tiến sĩ y khoa Phan Giang Trí, một nhà khảo cứu y học trẻ gốc Việt tạ̣i Viện Nghiên Cứu Garvan, Sydney, là thành viên một nhóm chuyên viên khám phá chức năng chống cancer của loại thuốc chữa trị loãng xương. Trong suốt 20 năm kể từ khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa, Tiến sĩ Phan Giang Trí đã nhận được 9 giải thưởng quốc gia và quốc tế, theo tài liệu của Viện Garvan, kể cả Giải Thưởng Eureka Prize năm 2014 (cùng với một đồng nghiệp tại Viện Đại Học Quốc Gia Úc – ANU).

Là chuyên viên về miễn dịch học và kỹ thuật kính hiển vi (immunologist and microscopist), ông đã theo học hậu-tiến sĩ tại University of California ở San Francisco, sau khi đã đạt được thành tích xuất sắc tại Viện Đại Học Sydney, Úc Châu.

Ts Phan Giang Trí đã định cư tại Úc từ khi chưa được 7 tuổi cùng với gia đình tị nạn mà cha mẹ và anh chị em đều là chuyên viên trong ngành y dược [32].

* Thương mãi là một sinh hoạt kinh tế tạo nhiều cơ hội ăn nên làm ra cho người tị nạn Việt Nam tại Úc, mà không cần khoa bảng. Bởi vậy, một bác sĩ y khoa làm thương mại thành công và được bình chọn cho một giải thưởng thương mại là điều hiếm có.

Sau tháng 4/1975, Nguyễn Văn Minh đã từng bị tù cộng sản khi chỉ mới 11 tuổi vì một chuyến vượt biên bất thành. Vào đầu thập niên 1980, anh được chấp nhận định cư tại Úc cùng với một đứa em trai. Trong hoàn cảnh ‘quyền huynh thế phụ’, Nguyễn Văn Minh phải làm việc cực nhọc mà phần lớn là công việc tay chân, kể cả việc rửa chén bát tại nhà hàng và quét dọn tại bệnh viện. Vừa làm vừa học, nhưng hoàn cảnh tài chánh eo hẹp không làm giảm quyết tâm của một thanh niên trẻ là muốn trở thành bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh không dừng lại khi hoài bão đã trở thành hiện thực. Thành lập công ty Dyvest Group, ông đầu tư và phát triển 16 Trung Tâm Y Khoa chữa trị trên 1 triệu bệnh nhân mỗi năm. Ngoài ra, Dyvest Group còn sở hữu nhiều bất động sản thương mại và gia cư. Năm 2017, Bác sĩ Nguyễn Văn Minh thắng Giải Thương Mại Sắc Tộc – Ethnic Business Award cho những thương vụ có số thu nhập trên 5 triệu dollars mỗi năm [33].

* Cộng đồng người gốc Việt tại Úc không hiện diện đông đảo trong các quân binh chủng như tại Mỹ. Nhưng trong số ít ỏi này lại có một ngôi sao sáng, Trung Úy Hải quân Nguyễn Khoa Nam, 22 tuổi, đã tốt nghiệp khóa sĩ quan hiện dịch 2013 với tư cách Thủ Khoa của Viện Đại Học Quân Sự Hoàng Gia Úc Châu tại Canberra, sau một học kỳ 4 năm. Nhân dịp này, Trung Úy Nguyễn Khoa Nam còn nhận được huy chương cho những thành tích suất sắc.

Nguyễn Khoa Nam thuộc thế hệ thứ hai sinh trưởng tại Melbourne trong một gia đình tị nạn, là một khuôn mặt trẻ năng động trong cộng đồng và nói tiếng Việt thông thạo

Ba Thử Thách Quan Trọng

Cộng đồng Người Việt là một tập thể sinh động, định cư trong xã hội dân chủ không ngừng phát triển. Cộng đồng đã chứng tỏ có khả năng thích nghi với nhiều hoàn cảnh, kể cả biến thái về mặt đối ngoại của Úc Châu. Trong bang giao song phương từ sau 1975, Canberra, dưới thời chính phủ Malcolm Fraser (1975-1983), đã ủng hộ chính sách cô lập cấm vận cộng sản Việt Nam mà Washington đã áp đặt đến năm 1995. Nhưng từ thời chính phủ Bob Hawke và Paul Keating (1983-1996), Canberra đã giúp đỡ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Bốn thập niên sau, bang giao này đã lên đến mức đối tác chiến lược như đã thể hiện trong Bản Tuyên Bố Chung mà Thủ Tướng Malcolm Turnbull và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 15.03.2018 tại thủ đô liên bang.

Mức độ bang giao hiện nay không thể không tác động đến cộng đồng người Úc gốc Việt, nhất là khi chính quyền Hà Nội đang tận dụng sức mạnh mềm như là một võ khí kiều vận lợi hại.

Người Úc gốc Việt với tư cách cử tri có thể trình bày quan điểm với chính phủ và quốc hội Úc, nhưng sự thiếu vắng tiếng nói tại nghị trường, đã phần nào làm suy yếu thế đứng của cộng đồng. Vượt qua được trở lực nầy cũng là một thử thách quan trọng đối với tập thể người gốc Việt.

Trong khi đó, sự hiện diện mỗi ngày một đông đảo của du sinh từ Việt Nam là một cơ hội để tập thể người Việt lớn mạnh và trẻ trung hóa, nhưng đồng thời cũng là một thử thách mà cộng đồng Người Việt cần quan tâm để kết nối những giai đoạn nhập cư khác nhau trong tập thể người Việt.

Hội nhập chính trị như là một giai đoạn của tiến trình định cư

Người Việt tại Úc đã bắt đầu hội nhập chính trị khá sớm. Năm 1987 đã có nghị viên đầu tiên tại hội đồng thành phố địa phương (Fairfield, NSW) và năm 1991 đã có thị trưởng thành phố đầu tiên (Fitzroy, Victoria). Bước nhảy vọt kế tiếp là vào năm 1996, khi một công dân gốc Việt (Đảng Lao Động) đắc cử vào Thượng Viện Tiểu bang Victoria. Thập niên 1990 có thể coi là cao điểm, vì lúc bấy giờ cộng đồng có nhiều nghị viên gốc Việt tại NSW và Victoria hơn hiện nay. Victoria tiếp tục có thêm thị trưởng gốc Việt và vào đầu năm 2018, có thêm một nghị sĩ Thượng Viện (thuộc Đảng Xanh).

Nam Úc và Tây Úc nối gót Victoria ở cấp chính quyền địa phương cũng như tại Thượng Viện Tiểu Bang. Tây Úc đã có và Nam Úc đang có một nghị sĩ Tiểu Bang gốc Việt (cả hai đều thuộc Đảng Lao Động).

Thế nhưng, NSW là nơi có đông người Việt định cư nhất và Queensland là nơi cộng đồng gốc Việt đứng hàng thứ ba, lại chậm chân vì chưa có người gốc Việt nào đắc cử thị trưởng thành phố hoặc dân biểu hay nghị sĩ tại hai tiểu bang nầy. Ở cấp liên bang, người gốc Việt hoàn toàn vắng bóng.

Cộng đồng gốc Việt không thể so sánh với các cộng đồng sắc tộc lớn và định cư lâu năm, nhưng một vài cộng đồng nhỏ hơn và định cư đồng thời, như người Úc gốc Lebanese, đạt được nhiều thành quả hội nhập chính trị hơn là người gốc Việt ở cả ba cấp chính quyền.

Hội nhập chính trị đòi hỏi tập thể người gốc Việt thay đổi thái độ và nâng cao tinh thần dấn thân. Có lẽ vì kinh nghiệm sống tại Việt Nam, người gốc Việt thường thờ ơ với sinh hoạt chính trị quốc nội Úc Châu. Tất nhiên, đó là sự chọn lựa và quyền quyết định của mọi người trong xã hội tự do dân chủ pháp trị.

Nhưng, thế đứng chính trị của cộng đồng chỉ có thể được cải thiện:

(a) Khi người gốc Việt – đặc biệt là thành phần trẻ thổ sanh (Australian-born second generation) – gia nhập đảng (political parties) đông đảo hơn, vì chính trị là sân chơi con số (numbers game) và networking. Cộng đồng gốc Việt không thiếu nhân tài, nhưng nhân tài gốc Việt không thể được sơ tuyển tranh cử (pre-selection) trừ phi được đa số đảng viên tại đơn vị bầu cử ủng hộ (hoặc được đảng bộ cấp tiểu bang chỉ định).

(b) Khi cử tri gốc Việt đầu phiếu linh động trên căn bản chính sách, thay vì theo thói quen và sẵn sàng thay đổi sự ủng hộ. Đơn vị an toàn (safe seats) ít khi được chính đảng và chính phủ quan tâm đúng mức, vì kết quả bầu cử thắng bại phần lớn tùy thuộc vào những đơn vị bấp bênh (marginal seats). Bởi vậy, kết quả bầu cử thường tùy thuộc vào lá phiếu của khoảng 10% cử tri gọi là swinging voters, tức là tập thể cử trí không gắn bó với đảng hoặc liên đảng nào cả.

(c) Như một thái độ sống, tập thể người gốc Việt mạnh dạn phát biểu ý kiến và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng. Một vài chính trị gia có đông cử tri gốc Việt, chẳng hạn như tại đơn vị bầu cử liên bang Blaxland (bao gồm thành phố Bankstown NSW) có nhận xét rằng người gốc Việt tương đối “thụ động” và ít “đòi hỏi” so với người gốc Lebanese [34].

Kết Nối với Tập thể Du Sinh từ Việt Nam

Trong tổng số trên nửa triệu du sinh nước ngoài tại Úc, Việt Nam đứng hàng thứ 4 với một nhân số trẻ khoảng trên dưới 25 ngàn và có thể gia tăng. Đây là con số đáng kể trong cộng đồng 300 ngàn người Việt và gốc Việt. Do hoàn cảnh chính trị và kinh nghiệm sống khác nhau trước và sau năm 1975, quan hệ giữa thành phần mới và đa số người gốc Việt tị nạn cộng sản chưa được phát triển và hãy còn nhiều nghi ngờ lẫn nhau. Đối với cộng đồng người Việt, đây là diễn tiến cá biệt, nhưng tại Úc, đây không phải là diễn tiến chưa từng có. Cộng đồng Ba Lan tị nạn cộng sản sau Thế Chiến thứ Hai và cộng đồng người Hoa tị nạn cộng sản sau năm 1949 đều đã tiếp nhận làn sóng nhập cư trong thời kỳ biến động Phong trào Solidarity tại cộng sản Poland và sau cuộc thảm sát Quảng Trường Thiên An Môn Bắc Kinh năm 1989 tại Trung Cộng [35].

Thành phần du sinh Việt Nam khá phức tạp, nhưng điều mà cộng đồng gốc Việt tại Úc cần phân biệt là thành phần cán bộ và COCC (con ông cháu cha) hoặc 5C (con cháu các cụ cả) chỉ chiếm khoảng 10%. Đa số còn lại 90% là sinh viên du học tự túc mà cộng đồng có thể tiếp cận dễ dàng hơn [36]. Đấy cũng là thành phần có nhu cầu vừa học vừa làm để giảm bớt gánh nặng tài chánh cho gia đình tại Việt Nam.

Trên căn bản cá nhân, nhiều cơ sở thương mại do người Việt làm chủ hoặc điều khiển đã tạo cho du sinh cơ hội làm việc bán thời. Chẳng may là đã có cáo buộc họ bị lạm dụng về mặt lương bổng và điều kiện làm việc [37]. Nhưng, nhìn chung, đây là liên hệ hài hòa và đôi bên cùng có lợi.

Cộng đồng gốc Việt có thể giúp liên hệ này phát triển rộng rãi hơn và có thể bắt đầu từ giới trẻ gốc Việt cùng trang lứa đang theo học đại học. Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc DILP tại Melbourne và VCAY tại Sydney có thể là môi trường sơ khởi tốt giúp du sinh tiếp cận với sinh hoạt dân chủ. Họ cũng có thể là thành phần có ít động cơ trở về nước sau khi hoàn tất học trình.

Vấn đề hồi hương nầy đã từng được nêu lên và tranh luận tại Việt Nam. Ngày 02.11.2015, một đại biểu từ Sài Gòn đã nêu câu hỏi tại Quốc Hội “Tại sao du sinh Việt Nam từ chối trở về nước?” Ông đã dẫn chứng thí dụ cụ thể là chỉ có 1 trong số 13 người trúng giải thi đố truyền hình gọi là “Road to Mt. Olympia’s Peak" là du sinh trở về nước sau học kỳ tại Úc Đại Lợi [38].

Để trợ giúp du sinh một cách cụ thể, vài dịch vụ thiện nguyện mà cộng đồng gốc Việt ngày nay có thể làm, nhưng trước kia đã không thể làm cho tập thể người tị nạn Việt Nam mới đến, là trợ giúp pháp lý về di trú. Luật sư Trần Công Thúy Định đã gợi ý là tổ chức Luật Gia Việt-Úc (VALA, Sydney) có thể bắt đầu dịch vụ này cho người Việt, kể cả du sinh.

Nhưng gay góc nhất có lẽ là thách đố từ phía chính quyền Hà Nội.

Nghị Quyết 36/2004 và Quyền Lực Mềm Đảng Cộng sản Việt Nam

Xuyên qua ‘Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài’ và kế hoạch kiều vận, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã bắt đầu chiến dịch xâm nhập để gây ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt hải ngoại theo Nghị Quyết 36 (Nghị quyết của Bộ Chính trị số 36-NQ/TW: "Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", ngày 26 tháng 3 năm 2004).

Nghị Quyết 36 có đoạn như sau: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hoá - nghệ thuật. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được đổi mới và đạt được những kết quả đáng kể cả ở trong và ngoài nước. Công tác thông tin, văn hoá phục vụ cộng đồng từng bước được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và qua mạng Internet”.

Kế hoạch được cụ thể hóa bởi Nghị quyết số 27/NQ-CP, ngày 5/4/2016 của Chính phủ ban hành “Chương trình hành động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020”.

Dưới chiêu bài Kỷ Niệm 45 năm bang giao với một số quốc gia dân chủ, giới lãnh đạo cấp cao cộng sản Việt Nam đã công du nước ngoài mà sinh hoạt cũng như phát biểu của họ cho thấy rõ họ tăng cường thực hiện Nghị Quyết 36 và 27: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp hồi cuối tháng 3/2018, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tại New Zealand và Australia hồi giữa tháng 3/2018, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Úc hồi tháng 11/2017 và tại Hòa Lan hồi cuối tháng 3/2018 [39]. Tại Pháp, Ông Nguyễn Phú Trọng đã ‘chiêu dụ nhân tài gốc Việt’ và đã khai trương trụ sở mới của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Quận 13 Thủ đô Paris. Quận 13 Paris là nơi có rất đông người Việt định cư. (Nguồn: Báo Điện Tử VTV, Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 28/03/2018 21:13 GMT+7)

Tại Úc, Ông Nguyễn Xuân Phúc đã bạo miệng như sau: “Trong buổi tiệc trọng thể của Thủ tướng Úc, tôi công bố ta có 300 000 người Việt ở Australia với những nhà khoa học tinh hoa nhất. Tuy nhiên việc sử dụng tài năng của người Việt còn mỏng, chưa đóng góp nhiều cho khoa học cụ thể. Cái chung thì tốt, cái cụ thể chưa tốt.Các nhà khoa học Việt Nam ở Australia kết nối tương trợ nhau, kết nối hiệu quả với nhà khoa học trong nước. CLB trí thức mới thành lập năm ngoái nhưng hoạt động mạnh…Việc ra mắt CLB trí thức Úc, tập hợp trí tuệ là cách làm rất mới mẻ” (Nguồn: VietnamNet ngày 17.03.2018)
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu những lời lẽ vô liêm sỉ, vì 300 000 người Việt ấy đã định cư thành công tại Úc không phải vì có sự trợ giúp hoặc khuyến khích của chính quyền Hà Nội, mà trái lại, mặc dầu họ đã bị chế độ cộng sản đàn áp và phá rối. Đảng Cộng Sản và chính quyền Hà Nội đã từng miệt thị tập thể người tị nạn Việt Nam như là những “tội phạm chống cách mạng”, đã vượt thoát ra nước ngoài “theo chân quan thầy đế quốc Mỹ” (Nguồn: [1979] The Boat People An Age Investigation, with Bruce Grant, Penguin Books Ltd, p.28), nhưng ngày nay họ được coi là “khúc ruột ngàn dặm”.

Tại Sydney, Ông Nguyễn Xuân Phúc còn chủ toạ Lễ khánh thành Văn Phòng Đại diện Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV). Cũng tại Sydney từ nhiều năm nay, Thông Tấn Xã Việt Nam cũng đã có văn phòng đại diện sinh hoạt bên cạnh Tổng Lãnh Sự Quán. Cả hai đều là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam mà người trưởng nhiệm thường là đảng viên cấp Ủy Viên Trung Ương.

Nhà cầm quyền Hà Nội có lẽ cũng biết chiêu dụ và đôi khi đối xử đặc biệt dưới hình thức ưu đãi hoặc đe dọa là một việc, còn thành công ở mức độ nào là một việc khác. Giáo sư Võ Bá Ngự nói: “Theo thiển ý của tôi, điều kiện này cũng rất đơn giản. Nếu Việt Nam thật sự có tự do dân chủ và nhân quyền thì nhân tài khắp nơi sẽ kéo về đóng góp phát triển đất nước chứ không cần phải có những chính sách thu hút” [40].

Nhân số người Việt ở nước ngoài nói chung và riêng tại Úc trở về Việt Nam rất ít. Theo dữ kiện tương đối cũ của Bộ Ngoại Giao và Thương Mại Úc (DFAT) hồi năm 2001, chỉ có 3 950 người Úc gốc Việt sinh sống tại Việt Nam [41]. Giả sử như con số này đã tăng gấp 2 hoặc gấp 4 lần thì 8 000 hay 16 000 cũng không phải là con số đáng kể trong một cộng đồng gồm 300 000. Dữ kiện nầy phù hợp với kết quả cuộc nghiên cứu của SBS Corporation trong cuộc thăm dò cộng đồng người Úc gốc Việt, theo đó 70% cộng đồng không có ý định sinh sống bên ngoài đất nước định cư [42]. Công trình nghiên cứu của Australia Research Council cũng xác nhận là người Việt tại Úc duy trì mạnh mẽ bản sắc Việt (Vietnamese identity) nhưng lại không có gì gắn bó với Việt Nam dưới chế độ cộng sản và quan hệ thương mại đầu tư tư nhân hãy còn yếu kém [43]. Tất nhiên, tất cả những dữ kiện nầy có thể thay đổi, đặc biệt là khi Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam sử dụng quyền lực mềm trên qui mô rộng lớn.

Trong nỗ lực lâu dài để giữ vững và đẩy mạnh lập trường bảo vệ cộng đồng và vận động tự do dân chủ cho Việt Nam, cộng đồng người Úc gốc Việt cần một kế hoạch linh động, uyển chuyển và theo một thứ tự ưu tiên thực tế. Nguyên tắc và cứu cánh sẽ không thay đổi, nhưng chiến lược và nhất là chiến thuật tranh đấu không nhất thiết phải giống nhau từ năm nầy sang năm khác.

Có nhiều con đường dẫn đến Thành La Mã.

Ls Lưu Tường Quang, AO
Sydney, ngày 20.05.2018

Disclosure / Công báo:

Trước năm 1975, tác giả là viên chức Ngoại Giao VNCH. Sau năm 1975, tác giả định cư tại Úc với tư cách người tị nạn.

Sinh hoạt cộng đồng và xã hội dân sự:

Tác giả là chủ tịch liên bang đầu tiên của VCA/Australia (1977-1982), là thành viên Hội Đồng Quản Trị / Board of Directors hoặc Hội Đồng Uỷ Thác / Board of Trustees của The Refugee Council of Australia, The Australian Refugee Foundation, Austcare, ActionAid Australia, Avacs (Nursing Home Project for the Vietnamese Aged).

Ngoài ra, tác giả còn được Thủ Hiến NSW bổ nhiệm làm Trustee của The Australia Museum, Sydney (cơ quan chủ quản Giải Thưởng khoa học Eureka Prize) và được Thủ Tướng Úc bổ nhiệm làm thành viên Board of Directors of The National Australia Day Council (cơ quan bình chọn The Australian of the Year và The Young Australian of the Year).

Công vụ liên bang:

Tác giả đã giữ các chức vụ: Giám Đốc Pháp Lý, Phụ tá Tổng Thư Ký Bộ Di Trú và Văn Hóa Đa Nguyên tại Canberra, State Director tại NSW của Bộ Di Trú & Văn Hóa Đa Nguyên liên bang và Head of SBS Radio - Australia.

Tài liệu tham khảo / Selected Biography:

[1976] Parliament of Australia, Australia and the Refugee Problem
www.aph.gov.au/Parliamentary_Business/Committees/Senate/.../refugee/index
https://www.google.com.au/webhp?sourceid=chrome-instant&ion=1&espv=2&ie=UTF-8
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:fpUrRIPWn_QJ:www.aph.gov.au/Parliamentary_Business/Committees/Senate/Foreign_Affairs_Defence_and_Trade/Completed%2520inquiries/pre1996/refugee/index+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=au[1976] Parliament of Australia, Report “Australia and the Refugee Problem”, December 1976. ISBN ... Appendix 4, The Vietnamese Study, Jean I Martin, 1 June 1976 - (PDF format).

[PDF] Report - Australia and the Refugee Problem - Parliament of Australia, 1976
www.aph.gov.au/~/media/wopapub/senate/.../fadt.../refugee/00contents_pdf.ashx

Australia, Fraser Government, Cabinet Papers, 1976, 1977, 1978, 1979

[2013] Parliament of Australia – Parliamentary Library, Janet Phillips and Harriet Spinks, Social Policy Section, Boat Arrivals in Australia since 1976
https://www.google.com.au/webhp?sourceid=chrome-instant&ion=1&espv=2&ie=UTF-8
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:UOpAqxrTFt8J:www.aph.gov.au/~/media/wopapub/senate/committee/fadt_ctte/completed_inquiries/pre1996/refugee/00contents_pdf.ashx+&cd=2&hl=en&ct=clnk&gl=auThe Whitlam Institute, 1971 Labor Delegation - 'We Have Come Here to Work'

[1977] Denis Warner, Not With Guns Alone: How Hanoi won the War, Hutchinson of Australia, Richmond, Vic

[1980] Clyde Cameron, China, Communism and Coca Cola (Memoir), Hill of Content, Melbourne

[1984] Viviani, N., The Long Journey: Vietnamese Migration and Settlement in Australia, Melbourne University Press, Carlton Vic
[1991] Tran, M-V, Holton R J & Office of Multicultural Affairs, 1991, Sadness of Losing Our Country, Happiness is Knowing Peace: Vietnamese Social Mobility in Australia 1975-1990, Canberra, Office of Multicultural Affairs
[1993] Thomas, T., Balnaves, M., New Land, Last Home: The Vietnamese elderly and the family migration program, Bureau of Immigration and Population Research, Melbourne
[1996] Viviani, N., The Indochinese in Australia 1975-1995: from burnt boats to barbacues, Oxford University Press, Melbourne

[2006] Gerard Henderson, How Whitlam closed the door on refugees, Sydney Morning Herald, 18.04.2006

[2010] Hal G P Colebatch, The Left Rewrites Its History on Refugees, Quadrant, Oct 2010 (Volume LIV, Number 10)

[2013] Australia, Parliamentary Library, Janet Phillips and Harriet Spinks (Social Policy Section), Boat Arrivals in Australia since 1976

[2014] Hal G P Colebatch, The Whitlam Government and the Betrayal of the South Vietnamese, Quadrant, June 01, 2014
[2015] The Age Melbourne, Vietnamese community mourns the passing of Malcolm Fraser, 22.03.2015
[2015] Greg Sheridan, Malcolm Fraser was no saint for Vietnamese Refugees, The Australian, 26.03.2015
[2015] AFP/APP Australia bids farewell to former PM Fraser at State Funeral, 27.03.2015
[2016] Peter Edwards, Australia’s forgotten Foreign Minister: Don Willesee, ASPI The Strategist, 29.07.2016
Ghi Chú / Footnotes

[1] Report of an Australian Research Project - The Vietnamese Diaspora in Australia:
Current and Potential Links with the Homeland, by Associate Professor Danny Ben-Moshe, Deakin University, and Dr Joanne Pyke, Victoria University, August 2012 (ARC Report 2012)

[2] ARC Report 2012, p.18.

[3] The Age, Off the boat and on to the tram, Melbourne, January 5, 2003

[4] Dr Vo Nhan Tri, Vietnam’s Economic Policy since 1975, Institute of South East Asian Studies, Singapore, 1990; Allen & Unwin, Sydney, 1978]

[5] VietnamNet, 'Cú sốc' của cựu hiệu trưởng đại học ngày đầu vào Sài Gòn, ngày 30/04/2018 02:10 GMT+7]
[6] Tuổi Trẻ Online, 5,2 tỉ USD kiều hối về TP.HCM trong năm 2017, ngày 22/12/2017 20:41 GMT+7 - Tuổi Trẻ Online, Việt Nam đứng thứ 5 châu Á về nhận tiền kiều hối, ngày 07/05/2018 23:06 GMT+7. Kiều hối chuyển về Vùng Sài Gòn bao gồm cả các ngân khoản đầu tư. Trái với nguồn tin báo Tuổi Trẻ do nhà nước kiểm soát, nguồn lớn nhất kiều hối là từ Bắc Mỹ – tức là từ cộng đồng người Việt Tị Nạn chớ không phải là do lao động xuất khẩu mà phần lớn là tại Trung Đông và Bắc Á.
[7] Số liệu thống kê thay đổi tùy theo các tiêu chuẩn nguồn gốc sắc tộc / ethnicity or ancestry hoặc sinh quán / birth place hay ngôn ngữ nói tại nhà / language Trong bài này, tác giả chọn con số nào cao nhất. Thí dụ: Census 2011 ghi nhận 185 039 người gốc Việt trên căn bản sinh quán, 221 114 trên căn bản sắc tộc và 233 390 trên căn bản ngôn ngữ.
[8] Department of Home Affairs: Country Profiles 2014 – Vietnam

[9] Community Profiles for Health Care Providers. Vietnamese Australians
https://www.health.qld.gov.au/__data/assets/pdf_file/0029/157439/vietnamese2011.pdfwww.health.qld.gov.au/multicultural.]
[10] ARC Report 2012 pp 6 & 20 - Ian Munro, Gambling turns Vietnamese women to crime, The Age, June 22, 2910
[11] Tác giả phỏng vấn Ni Sư Hải Triều Hạnh ngày 05.09.2009 tại Ni Viện Cát Tường, Sydney
[12] SBS Corp’s three-part documentary TV series, January 2012.
[13] Student and Youth Assistant Amendment (Waiting Periot) Bill 1996 Second Reading, Hansard – House of Representatives - Thursday, 7 November 1996 Page: 6780.
[14] ARC Report 2012, p.20
Andrew Jakubowicz, University of Technology Sydney, Vietnamese in Australia: a generation of settlement and adaptation, May 2004 (Andrew Jakubowicz)

[15] Lưu Tường Quang, Phụ Nữ Việt Giữa Hai Dòng Văn Hóa, Đặc san Xuân Canh Ngọ 1990 - Chủ bút: Ngọc Hân, Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do NSW, Sydney 1990.

[16] ARC Report 2012

[17] Andrew Jakubowicz

[18] Rosie Squires, Designers' suburban sweatshop shame, The Sunday Telegraph, August 23, 2009 12:00am
Ngọc Hân, Tường Trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney, Chương trình 10 giờ tối Thứ Hai 13.07.2015.
[19] Mandy Thomas, Stitching at the Boundaries: Vietnamese Garment Industry Workers in Transnational Spaces, Intersections: Gender, History and Culture in the Asian Context, Issue 5, May 2001
[20] Tác giả phỏng vấn Bà Nguyễn Ngọc Hiền ngày 04.09.2009.
[21] Xem: Gerard Henderson, Thirty years on, an occasion for some to say sorry, Sydney Morning Herald, April 26, 2005 SBS Corporation, Jason Thomas, The Vietnamese refugees who changed white Australia, 28 April 2015.
[22] Lưu Tường Quang, Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, Sydney, Số 9 năm 2015 & quangduc.com (tiếng Việt và tiếng Anh) – Tuong Quang Luu, Buddhism in Australia – Traditions in change, Edited by Cristina Rocha and Michelle Barker, Routledge, London, 2011 (pages 134-139).
[23] Lưu Tường Quang, Kỷ niệm 40 năm định cư người Việt – Truyền thông Việt ngữ tại Úc châu (tiếng Việt và Tiếng Anh), Kỷ Yếu 40 Năm (NSW), VCA, Sydney, 2015 & quangduc.com
[24] Andrew Jakubowicz
[25] ARC Report 2012
[26] Ngọc Hân, Tường Trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney, Chương trình 10 giờ tối ngày 14.04.2014.

[27] Nguyễn Hưng Quốc, VOA Blog, ngày 03.11.2009
[28] The Sun, Melbourne, A Viet’s Art of Peace, Sept 26, 1977.

[29] Ngọc Hân, Tường Trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney, Chương trình 10 giờ tối ngày.01.06.2009

[30] Ngọc Hân, Tường Trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney, Chương trình 10 giờ tối ngày.02.11.2009

[31] Trà Mi, Tạp chí Thanh Niên, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, ngày 31.08.2010

[32] Ngọc Hân, Tường Trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney, Chương trình 10 giờ tối ngày 24.11.2014

[33] Báo Indian Link, Sydney, ngày 08.11.2017
[34] Thảo luận giữa một phái đoàn VCA/NSW và Dân biểu Jason Clare tại văn phòng đơn vị bầu cử ngày 03.05.2018
[35] Lưu Tường Quang, Quyền Lực Mềm Bắc Kinh: Úc Châu bị đe dọa về mặt an ninh và những giá trị độc lập tự do dân chủ * Bài học gì cho cộng đồng gốc Việt? Việt Luận, Giai Phẩm Xuân Mậu Tuất 2018, trang 48-50)
[36] ICEP Monitor, Number of Vietnamese Students abroad up 15% in 2013, November 4, 2014
[37] ABC Australia, Hunters Loretta Florance & Ashlynne McGhee, High Fees, Low Pay: International Students ‘shocked’ by Australian working conditions, Melbourne, 13.07.2016

SBS Corporation, Trinh Nguyen, Olivia Nguyen, Exploitation of Vietnamese students rampant among Melbourne businesses, 20 APR 2017 - 6:27 AM   
[38] Tuổi Trẻ Online ngày 11/09/2015 17:22 GMT + 7
[39] Tuần báo Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang, Sydney, ngày 20.04.2018 trang 46 & 47)

[40] Trà Mi, Tạp chí Thanh Niên, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, ngày 31.08.2010
[41] Dr Nguyen Anh Tuan, Vietnamese Australians’ Community: Realities and Prospects, Modern Diplomacy, Nov 18, 2014
[42] SBS, Living Diversity: Australia’s Multicutural Future, Sydney, 2002
[43] ARC Research 2012.
Nguồn: Tập san Nghiên Cứu Văn Hoá Đồng Nai & Cửu Long, Số 12, Sydney, 2018

Ý kiến bạn đọc
29/03/201912:38
Khách
Nửa đêm đọc bài này thật tự hào là người Việt Nam trên đất Úc. Con là thế hệ chắc cũng mấy chục vừa đến Queensland theo học thạc sĩ tại University of Queensland.

Một bài viết truyền cảm hứng để cố gắng hơn nữa trong từng phút giây vì ngoài kia các dân tộc khác cũng rất xuất sắc không thua gì dân tộc mình.

Chân thành cảm ơn Luật sư vì các phát hiện sâu sắc này và cảm ơn Tu viện Quảng Đức!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/05/2017(Xem: 4260)
Như Lai dạy : ở khắp trong trời đất Không gì hơn, “không ai sánh bằng Ta” Nay kỷ niệm ngày Đản Sanh Đức Phật Con học ôn những đạo lý sâu xa. Nào ai biết : Ta là ai vậy nhỉ?
07/05/2017(Xem: 12533)
Dịch thơ vốn là chuyện khó. Dịch thơ chữ Hán của một đại thiền sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam là Tổ Sư Trần Nhân Tông (1258-1308) lại còn vô vàn khó khăn hơn nữa, bởi vì thơ chữ Hán của Thiền SưTrần Nhân Tông ngoài phẩm chất văn chương trác việt còn chứa đựng nội dung uyên áo của Thiền, của Phật Pháp.
01/05/2017(Xem: 5339)
Giới thiệu sách ”Hoàng đế ASOKA: từ Huyễn thoại đến sự thật”
28/04/2017(Xem: 15609)
Trong cuộc sống con người, không phải lúc nào cũng may mắn, suôngsẻ, có khi người ta đứng trên đỉnh vinh quang nhưng cũng có khi rớt xuống bùn. Vẫn có câu: Khi con chim còn sống, nó ăn kiến. Khi chim chết, kiến ăn nó. Thời gian và hoàn cảnh có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vì vậy, đừng nhục mạ, đừng làm khổ bất cứ ai trong đời sống này, vì những hành vi đó đều quay ngược lại với ta.
21/04/2017(Xem: 10377)
Sao lại soi trăng tìm vết cũ Mà không là vết cũ trăng soi Nhân ảnh mờ sương phảng phất non đoài Nghiệp thức đó dõi theo từng gót ngọc
16/04/2017(Xem: 10514)
Trong kho tàng thi ca cổ điển Việt Nam, Trần Nhân Tông là nhân vật lịch sử rất đặc biệt: Ngài không chỉ là một bậc minh quân lỗi lạc hiếm có, mà còn là một vị thiền sư đã liễu ngộ Phật pháp (được người đương thời tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng hay Phật Hoàng, trở thành vị tổ sáng lậpdòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo Việt Nam), đồng thời, cũng là một nhà thơ lớn của dân tộc.
11/04/2017(Xem: 6392)
Khác với hầu hết những cộng đồng sắc tộc tại Úc Châu, người Việt đã đến đây thật đông đảo trong một thời gian tương đối ngắn, khi mà xã hội văn hóa đa nguyên của đất nước định cư nầy hãy còn trong tình trạng non trẻ. Sự hiện diện của một cộng đồng thiểu số Châu Á mà hình dáng bên ngoài dễ nhìn thấy dễ nhận dạng, đã là một thách đố lớn lao cho giới lãnh đạo chính trị tại Úc, và sự bao dung của công chúng Úc nóí chung. Trong sự thiếu vắng của các cơ sở yểm trợ lúc khởi đầu, người Úc gốc Việt đã học hỏi phương cách thích nghi vào môi trường văn hóa xã hội mới để trở thành một cộng đồng sinh động, có nhiều đóng góp vật thể và phi vật thể cho nước Úc.
06/04/2017(Xem: 5394)
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô Nhậm vận thịnh suy vô bố uý Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
02/04/2017(Xem: 4691)
Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long là một nhóm đặc thù trong cộng đồng Việt-Úc mà Tập san được xuất bản và phát hành mỗi năm lại còn là một nét riêng hiếm có trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ngọc Hân tiếp xúc với hội trưởng sáng lập và đương nhiệm, trưởng ban kỹ thuật và một bỉnh bút bên ngoài tổ chức để tìm hiểu về động cơ thành lập, tiến trình phát triển và tương lai của Nhóm và Tập San nghiên cứu trong xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu.
01/04/2017(Xem: 3571)
Dọc suốt hai bên xa lộ, trên những cánh đồng hoang, trên những triền núi đổ xuống thung lũng, và đây đó nơi những khu vườn nhỏ nép bên đường, hoa bướm, cúc dại, cúc vạn thọ, cho đến thủy tiên vàng, và nhiều loài hoa dại khác đã cùng trổ sắc vươn lên, chào đón mùa xuân mới. Từ vệ đường, vươn khỏi những ngọn lá xanh mướt là những cánh hoa vàng, đặc biệt là bồ-công-anh, như hàng triệu mặt trời nhỏ, tủa cánh mạnh mẽ, vàng rực, sáng cả một vùng trời đất (*). Nắng ấm mùa xuân tưởng chừng như tô thêm sắc vàng óng ả cho muôn hoa. Xuân trên đồng hoang, hoa vàng, hoa trắng trải dài bất tận.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]