Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng Việt thời LM de Rhodes - sinh thì là chết?

10/03/201807:18(Xem: 3902)
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - sinh thì là chết?



LM de Rhodes

Tiếng Việt thời LM de Rhodes - sinh thì là chết?

Nguyễn Cung Thông[1]


 

Các phần trước của loạt bài "Sinh thì là chết?" (11.1, 11.2 và 11.3) đã ghi nhận khả năng liên hệ sinh 生 trong sinh thì với cách đọc Hán Việt thăng[2] 升 và phương ngữ ở phía Nam Trung Quốc (TQ) qua dạng sing/seng (shēng bình thanh, giọng BK bây giờ), hay là một cách dùng nhầm của tiếng Việt[3] (so với nghĩa sinh thì/sinh thời trong tiếng Việt hiện đại). Phần này bàn về khả năng sinh thì là kết quả thể hiện qua ngôn ngữ từ tư duy tổng hợp của người VN: kết hợp lòng tin Công giáo với truyền thống tôn trọng người đã ‘qua đời’ qua uyển ngữ Hán Việt (HV). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false . Các chữ viết tắt khác là NCT (Nguyễn Cung Thông), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh), PG (Phật Giáo), CG (Công Giáo), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su), TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông), CTTr (Các Thánh Truyện, Tháng mười hai), MACC (Mùa Ăn Chay Cả), TCTM (Thiên Chúa Thánh Mẫu), KNLMPS (Kinh Những Lễ Mùa Phục Sinh), TOTINX (Truyện Ông Thánh I-Na-Xu), LM (Linh Mục), VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), HV (Hán Việt), Bắc Kinh (BK), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê Su). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm.

1. Nói tránh/kiêng kị về cái chết

LM de Rhodes đã nhận ra hiện tượng kiêng kị hay nói tránh này trong tiếng Việt, ông ghi rõ ràng trong mục quê[4] (VBL trang 624):

về quê: nghĩa là chết, cách nói lịch sự của quần chúng, không muốn nói (thẳng ra) cái chết

Đây chỉ là một cách nói trong nhiều từ dùng chỉ cái chết[5] vào thời VBL như chết, tử (à tử vong 死亡), về quê, toi, mất, xong chân xong tay (chân tay cứng lại/không nhúc nhích), trút linh hồn, qua đời, tắt nghì, tắt hơi, hết hơi, chẳng còn, nát bàn/bất sinh/chẳng sống (VBL trang 510), sang (trong cách nói "bà sang" = bà thiếp của vua qua đời – VBL trang 16) ... Không kể các từ HV mà VBL không ghi như tốt 卒, một 沒, vẫn 殞 hay 隕 (rơi, rớt à chết), tử 死, ế 殪 (giết, chết, hết, ngã/té), tịch 寂 (thị tịch, viên tịch PG), thệ 逝 (đi qua không trở lại à chết), tồ 殂 徂, vong 亡, tử vong, cố 故, thệ 逝 (đi qua), khứ thế 去世, thệ thế 逝世, tuẫn 殉 (chết theo), chung 終 (chấm dứt), băng 崩 (vua chết), thăng hà 升遐 (vua chết)... v.v... Đặc biệt không thấy các tài liệu chữ Nôm hay chữ quốc ngữ thế kỷ XVII dùng cụm từ thăng thiên[6] 升天 để chỉ cái chết, có thể phản ánh hoàn cảnh lịch sử của VN thời đó (một vua hai chúa) chăng? Thăng thiên 升天 có các nghĩa (a) lên trời (cụ thể) - đốt thăng thiên ~ đốt ống pháo (VBL trang 743) (b) nghĩa mở rộng là chết. Lí Ước 李約 đời Đường (Ngọc liễn thăng thiên nhân dĩ tận, Cố cung do hữu thụ trường sanh 玉輦升天人已盡, 故宮猶有樹長生 (trong "Quá Hoa Thanh cung" 過華清宮) Xe ngọc (vua đi) lên chầu trời, người đã hết, Cung xưa còn lại cây sống lâu. Tương tự như các cách dung tiên du 仙遊, khứ thế 去世, thệ thế 逝世, viên tịch 圓寂 ...v.v...

Một nhận xét ở đây là từ ghép (hai chữ trở lên) thường làm cho nghĩa "chết" hay "mất" nhẹ nhàng và lịch sự hơn, và làm giảm cường độ (sốc) của cái chết. ngoài ra, từ HV thường được chuộng để thêm "trang trọng", như vào thời VBL quốc và danh dùng thay cho nước và tên. Nhiều tác giả đã nêu ra các cách dùng chỉ "cái chết" như Bằng Giang từng liệt kê hơn 1001 cách diễn đạt cái chết trong cuốn "Tiếng Việt phong phú" (NXB Văn Hóa, 1997), hay trong tiếng Anh có hơn 1000 từ chỉ cái chết như trong bài viết[7] "A thousand words for death" (đăng trên báo The Guardian, cập nhật 18/9/2014). Có thể nói cách dùng từ chỉ cái chết là một hiện tượng phổ quát (universal), như tiếng Anh vẫn dùng go home (về nhà, so với "về quê" thời VBL) nghĩa là chết, hay cease to breathe (ngưng thở, so với "tắt hơi" thời VBL) …v.v… Các cách dùng cụ thể và liên hệ đến tri nhận sinh lý thì khá dễ hiểu như xong chân xong tay, hết thở ... Nhưng các từ liên hệ đến tôn giáo hay truyền thống văn hóa xã hội lâu đời thì cần phải tìm hiểu thêm cho rõ nghĩa.

2. Giao thoa tôn giáo và ngôn ngữ

Mục đích bài này không phải là khẳng định sự chính xác và khách quan của các thuyết luân hồi (PG) hay thiên đàng/địa ngục (CG), cũng như không đặt vấn đề thần học ra để tranh luận. Tuy vậy, ta cần phải ý thức tình hình tín ngưỡng trong dân gian khi CG truyền đến VN: td. tam giáo[8] được ghi nhận hai lần trong VBL trang 717 và 281, "ba đàng cả" trong PGTN trang 104... Các bài viết về sinh thì (Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Văn Trung ...) cho đến nay hầu như không chú trọng vào vấn đề trên. Vào thế kỷ XVI và XVII, khi CG truyền đến Việt Nam thì cái chết lại mang một ý nghĩa khác với truyền thống PG và văn hóa lâu đời của người dân (td. phong tục thờ cúng tổ tiên). Sau khi chết, Phật tử tin vào vòng sinh tử của luân hồi, hay sáu con đường (lục đạo/lục thú) tùy theo nghiệp của mỗi người: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, A-tu-la (cõi thần), nhân gian (cõi người), thiên thượng[9] (cõi trời). Ngoài ra, khái niệm vô ngã (anatta) cũng là một trong ba pháp ấn của PG, hoàn toàn xa lạ với văn hóa Tây phương. Rất khác biệt với CG, sau khi chết (thân xác) thì linh hồn người có đạo (không bao giờ chết) có thể lên thiên đàng hằng sống[10] hay sa địa ngục hằng chết, tùy theo công nghiệp của từng cá nhân khi còn sống trên thế gian. Khi thân xác con người đã chết, thì linh hồn có chết theo hay rời xác đã chết để đi về đâu? Vì thế mà cần một động từ chỉ cái chết đặc thù này của bổn đạo CG, và cách dùng từ ghép HV sinh thì ra đời. Tuy hai dạng sinh thìgiờ lên đều có mặt vào thời VBL, dạng HV sinh thì được chuộng hơn khi xem tần số xuất hiện qua văn bản Nôm và quốc ngữ. Cũng nên nhắc lại vào thời VBL và trước đó, người VN đã dùng "sinh Tịnh Độ" nghĩa là chết và được vào/lên cõi Tịnh Độ (cõi trời nơi các bậc Thánh ở):

Trong "Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh" có câu

沒生淨土 một sinh tịnh độ[11] (mất sinh Tịnh Độ, trang 44a).

Như vậy thì ai đã sáng chế ra cụm từ sinh thì vào thời LM de Rhodes? Câu trả lời nằm trong mục sinh, sinh thì của VBL trang 688 "chúng tôi mượn cách nói đó nơi người lương dân (ab Ethnicis/L) để chỉ ý nghĩa sự chết của người Kitô hữu, như đi lên với chúa". Ethnicis[12] là một dạng (dative case) của danh từ La Tinh ethnicus cũng như các dạng ethnicoram (genitive case) ...v.v...  Ethnicus dùng để chỉ những người không theo đạo CG, phần nào phản ánh tín ngưỡng của đa số dân chúng vào thời kì các nhà truyền đạo CG đến VN. Trong các ghi nhận của VBL liên hệ đến lương dân, ta thấy các cách dùng như

... đang niên tháng sở tri (VBL trang 200); thiên sinh nhin nhin thành thiên (trang 746); thiên phủ - địa phủ - thuỷ phủ (trang 606); chúc đài (trang 119, 192); thiên thai ư tí, địa tích ư sử, nhên sinh ư dần (trang 853); tống sao, nhương sao (trang 827); đa hành ác nghiệp (trang 314); linh hồn, giác hồn, sinh hồn (trang 337); khâm, thượng khâm, hạ khâm (trang 360); mục đồng (trang 483, nhệt (nhật) thực (trang 782); nguyệt (ngoệt) thực (trang 542); sinh kí tử qui, sống thì gởi, chết thì về (trang 687); người lương dân nói, tạo thiên lợp địa (trang 724), Cẩu vương (tượng thần của ngường Đông-Kinh, trang 92) ...v.v…

Rõ ràng là ‘lương dân’ thời này biết nhiều chữ (và âm) Hán Việt[13], cũng chính là các vị đã chế ra cụm từ sinh thì[14] thật là sâu sắc vậy.

2.1 Phạm trù nghĩa của sinh thì

Xem lại các tài liệu chữ Nôm (chữ quốc ngữ cũ) và chữ quốc ngữ cùng số lần cụm từ (động từ) sinh thì xuất hiện:

KNMLPS (110 trang) - 6 lần

TOTINX (113 trang) - 29

PGTN (314 trang) - 11

VBL (900 trang/cột) - 2

TCTGKM (158 trang) - 13

CTTr (tháng 12, 154 trang) - 34

ĐCGS (quyển 9/10 - 145 trang) - 6

MACC (112 trang) - 12

TCTM (quyển thượng, 110 trang) - 10

TCTM (quyển trung, 177 trang) - 22 lần

Điều đáng chú ý là các tác phẩm gần đây hơn như "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" của LM Béhaine (1774, tái bản 1837) lại không thấy dùng sinh thì[15] (so với chết), cũng như tự điển "Dictionnaire annamite-chinois-français" của LM Gustave Hue (1937) không ghi nghĩa của sinh thì là chết. Điều này cho thấy nghĩa "lúc còn sống" của sinh thì/sinh thời/sanh thì đã bắt đầu trở nên phổ thông cho đến ngày hôm nay, và dĩ nhiên nghĩa nguyên thuỷ của sinh thì cũng trở nên lỗi thời, chi được bảo lưu trong những văn bản CG cổ.

VBL trang 687 (1) định nghĩa sinh thì là

sinh ascendo (lên), sinh thì ascensus hora (giờ lên) - đã sinh thì iam mortuus est (đã chết)

VBL trang 661 (2) ghi đức chúa blời (trời) rước ~ sinh thì.

(người CG) ... khi sinh thì, ấy là khỏi nơi thung khốn nạn mà về quê trên trời ... (nơi ĐCT ... hằng sống) - PGTN trang 49 (3) - đây là lần đầu tiên sinh thì được dùng trong PGTN.

Thì phải biết, khi Người sinh thì, hồn lìa khỏi xác - TCTGKM trang 52 (4) - đây là lần đầu tiên sinh thì được dùng trong TCTGKM.

(có một Vít-Vồ) ... Khi sinh thì, thì hiện đến cùng người kia tên là Si-Ki-Nô - TCTGKM trang 82 (5).

Đoạn người ấy xưng tội cùng chịu Cô-Mô-Nhong, liền sinh thì lên nơi vui vẻ vô cùng - TCTGKM trang 93 (6).

Linh hồn người lìa xác mà sinh thì - TCTGKM trang 60 (7).

cùng thấy con giã Mẹ mà sinh thì, thì linh hồn Đức Mẹ ra khỏi xác sinh thì với nữa - TCTM quyển thượng trang 92 (8).

một trông giờ sau này, ấy là khi sinh thì đoạn, cho được vui cùng sang thật - KNLMPS trang 96 (9).

(Bà Thánh Viniphida) ... mà sống lâu đến già mới sinh thì, lên thiên đàng chịu phúc vô cùng - CTTr trang 96 (10).

Đoạn thì gục đầu xuống bên Đức Mẹ đứng, như giã Đức Mẹ vậy mà linh hồn cực trọng ấy ra khỏi xác liền sinh thì - Ngắm 13 trong "Ngắm 15 sự thương khó ĐCGS" (tương truyền là từ thời LM de Rhodes) (11).

Tuổi già chất nặng lên vai, Ra-Ham[16] hạc thọ đến ngày từ qui. Trăm bẩy lăm tuổi sinh thì - Tạo Đoan Kinh (Genesis) trong Sấm Truyền Ca (khoảng 1670) (12)

…v.v…

12 định nghĩa và các giải thích bên trên (1) à (12) trích từ các tài liệu chữ Nôm và quốc ngữ đủ để ta thấy khá rõ phạm trù nghĩa của sinh thì, hàm ý chết nhưng linh hồn được lên cùng ĐCT (thiên đàng). Ngoài ra, sinh thì (chết và linh hồn lên thên đàng) chỉ áp dụng cho con người (theo đạo CG, chịu nghi thức hiệp thông/Communion, Đức Mẹ, ĐCGS, các Thánh) chứ không dùng cho loài vật hay cây cỏ[17] (không có linh hồn); so sánh với cách dùng mất, qua đời khác với động từ chết có thể dùng cho vạn vật. Chính vì chỉ hiểu sinh thì là chết (mất, qua đời) một cách đơn giản mà ‘sinh’ ra nhiều lần cấn về sau! Cũng có lúc, vì tỏ ý kính trọng người trước mà không cần biết người trước có đạo CG hay không mà động từ sinh thì lại được dùng như "Sao người An nam mỗi năm mỗi có giữ ngày cha mẹ, ông bà, ông vải sinh thì, mà làm giỗ chạp hết sức?" PGTN trang 119. Có khi cả ba cách dùng chết, sinh thì qua đời xuất hiện trong cùng một đoạn văn:" ... mà thấy con mình rất kính yêu mà chết làm vậy, ta suy chẳng đến, cho nên Người cũng hầu sinh thì. Bấy giờ quân dữ có đến ... song đến cùng ĐCGS thì thấy đã qua đời" PGTN trang 231. Điều này cho thấy cách dùng sinh thì không hoàn toàn thay thế các động từ chết và qua đời. Ngoài ra, kiểm tra bảng liệt kê các chữ La Tinh có cùng nghĩa chết dùng trong VBL như morior/mortuus cũng không thấy LM de Rhodes/cộng sự viên ghi sinh thì. Do đó, sinh thì không được phổ biến cho lắm vào thời này.

2.2 Các trường hợp dùng sinh thì đáng chú ý

(xác ĐCGS sau khi bị đóng đinh được mang vào trong hang đá) … Người đã sinh thì sống ở đây (hang đá) - KNMLPS trang 20.

chép sự lành kẻ sinh thì làm khi còn sống cho người ta bắt chước - CTTr tháng 12 trang 69.

Hay thử xem một câu nói trong tiếng Việt hiện đại: “Khi một đứa bé mới sinh thì người mẹ phải lo đủ chuyện”. Vấn đề là phải hiểu câu trên như sao: (a) khi đứa bé mới sinh (ra) thì người mẹ phải lo (chăm sóc) đủ thứ công việc, theo đa số người Việt hiện nay - hay (b) khi đứa bé mới chết (sinh thì) thì người mẹ phải lo đủ điều, theo nghĩa của sinh thì là chết trong các kinh CG cổ?

Nếu hiểu sinh thì theo nghĩa thông thường của tiếng Việt hiện nay thì các câu trên trở nên rất khó hiểu hay tối nghĩa. Điều này không gây ngạc nhiên vì ngôn ngữ con người thay đổi theo thời gian và không gian, cũng như trường hợp của cách dùng mực tàu. Vào thời VBL tàu không có nghĩa là Trung Hoa/Trung Quốc (như một nét nghĩa trong tiếng Việt hiện nay) và mực tàu chỉ một dụng cụ kẻ đường thẳng. Vì vậy, ta có thể cảm thông hàm ý của thành ngữ "thẳng mực tàu đau lòng gỗ".

Một nhận xét thêm là có khi sinh thì được xem như là một đơn vị độc lập như "có ý xin cho được nghĩa ĐCT cho đến giờ sinh thì" TCTM quyển trung trang 94; giờ lặp lại nghĩa của thì!

Tóm lại, sinh thì là một từ ghép Hán Việt để chỉ sự qua đời của thân xác bổn đạo CG và linh hồn thì được lên thiên đàng, phù hợp với cách dùng nôm na tương đương là giờ lên[18]. Tuy nhiên dạng Hán Việt sinh thì vẫn được chuộng hơn vì mang tính cách "trang trọng" của truyền thống văn hoá Á Đông. Cụm từ sinh thì là kết quả thể hiện qua ngôn ngữ của một tư duy tổng hợp[19]: mang dấu ấn của cộng đồng (người có đạo CG so với ngoại đạo), tôn trọng người đã mất (dùng từ Hán Việt) và niềm tin vào linh hồn bất tử, một khái niệm mới nhập vào xã hội VN. Đây là kết quả của sự kết hợp niềm tin tôn giáo (CG) mới hội nhập[20] với tín ngưỡng lâu đời của xã hội VN vào thế kỷ XVII. Do đó, cách dùng sinh thì trong CG rất thâm trầm và khó có thể là một sự nhầm lẫn so với nghĩa hiện tại và rất khác trong tiếng Việt đại chúng. Nếu có nhầm lẫn thì có thể là do người ngày nay đã không hiểu rõ hoàn cảnh phái sinh ra cụm từ này vào thời kỳ đầu khi CG truyền đến Á Đông.

3. Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM - 1999).

                                    (1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837)

"Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ" 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Nguyễn Tài Cẩn (2001) "Kỷ niệm 350 năm tự điển Ạ de Rhodes - về hai chữ sinh thì" đăng trên "Diễn Đàn" số 110 (9/2001).

3) Trần Thị Hồng Hạnh (2015) "ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ - VĂN HOÁ CỦA UYỂN NGỮ TIẾNG VIỆT" đăng trên tạp chí NGÔN NGỮ & ĐỜI SỐNG - Số 8 (238)-2015.

4) Lã Minh Hằng (2013) "NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 - QUA KHẢO SÁT TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU" - bài viết cho Hội Nghị thông báo Hán Nôm Học năm 2013 - có thể xem toàn bài trang này http://xuandienhannom.blogspot.com.au/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-qua-khao.html

5) Đoàn Tiến Lực (2013) "Sự tri nhận về cái chết của người Việt qua uyển ngữ" đăng trong Tạp Chí Văn Hoá, số 1, tháng 9 năm 1012

6) Nguyễn Thị Tú Mai (2012) "Chữ Nôm và tiếng Việt thế kỷ XVII qua Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Jeronimo Maiorica" Luận án TS Ngữ Văn - Đại Học Sư Phạm Hà Nội

7) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) "Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh", “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”, "Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003 - LM Nguyễn Hưng).

8) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

                                     (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

                                    “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

                                    "Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên - Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

9) Nguyễn Long Thao (2012) "Tuần Thánh: Tại sao người Công Giáo hiểu Sinh Thì là chết mà không phải là sống?" đăng trên mạng như http://vietcatholic.com/News/Html/96767.htm

10) Nguyễn Cung Thông (2015) "Sinh thì là chết?" - có thể tham khảo ba bài viết này (đánh số 11.1 đến 11.3) trên các trang mạng như http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21612

                                          (2013) "Tản mạn về từ Hán Việt thời-thì" có thể xem toàn bài trang này https://khoahocnet.com/2013/06/15/nguyen-cung-thong-tan-man-ve-tu-han-viet-thoi-thi-phan-6-2/

                                          (2012) "Những đợt sóng giao lưu ngôn ngữ Việt-Trung qua con đường tôn giáo - vài vết tích sau thời nhà Nguyên trong từ điển Việt Bồ La (phần 1.3)" - có thể xem toàn bài trang này http://pgvn.vn/nghien-cuu/201508/Nhung-dot-song-giao-luu-ngon-ngu-Viet-Trung-qua-con-duong-ton-giao-vai-vet-tich-sau-thoi-nha-Nguyen-trong-tu-dien-Viet-Bo-La-phan-1-3-49809/

- Nguyễn Cung Thông/Phan Anh Dũng (2016) "Tản mạn về nghĩa của mực tàu (phần 1)" - có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/ngon-ngu-hoc/5947-t%E1%BA%A3n-m%E1%BA%A1n-v%E1%BB%81-ngh%C4%A9a-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B1c-t%C3%A0u-%E5%A2%A8%E8%89%9A-qua-t%E1%BB%AB-%C4%91i%E1%BB%83n-vi%E1%BB%87t-b%E1%BB%93-la-ph%E1%BA%A7n-1.html  hay trang  http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyencungthong/ncthong_TanManVeMucTau1_a.htm

11) Nguyễn Văn Trung (2002) "Góp ý với GS Nguyễn Tài Cẩn về hai chữ sinh thì" đăng trên "Diễn Đàn" số 114 (1/2002)



[1] Nghiên cứu tiếng Việt độc lập ở Melbourne (Úc). Địa chỉ email [email protected]

[2] Chữ thăng 升 (thanh mẫu thư 書 vận mẫu chưng 蒸 bình thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết: 識蒸切 thức chưng thiết (TVGT, ĐV, QV), 書蒸切,音陞 thư chưng thiết, âm thăng (TV, VH), 舒丞切 thư chưng thiết (NT, TTTH)

TNAV ghi vận bộ 庚青 canh thanh (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 聲 升 昇 陞 勝 (thanh thăng thăng/*thắng)

祖冬切 tổ đông thiết (CV), 書征切 thư chinh/trưng thiết (CV), 式呈切,音聲 thức trình thiết, âm thanh/thinh (TVi), 尸羊切,音商 thi dương thiết, âm thương (TVi), 方中切,音風 phương trung thiết, âm phong/phúng (TVi, CTT), 審征切,音聲 thẩm chinh thiết, âm thanh/thinh (CTT) ...v.v... Giọng Bắc Kinh bây giờ là shēng so với giọng Quảng Đông sing1 và các giọng Mân Nam 客家话: [梅县腔] shin1 [海陆丰腔] shin1 [客英字典] shin1 [东莞腔] sin1 [客语拼音字汇] sin1 [宝安腔] sin1 [沙头角腔] sin1 [台湾四县腔] siin1 [陆丰腔] shin1 潮州话:sêng1 (seng). Để ý sinh 生 đọc là shēng (giọng BK bây giờ) cũng giống như thăng đọc theo giọng BK bây giờ. Tuy nhiên các cách đọc phiên thiết của thăng/thưng/thinh có khác với cách đọc phiên thiết của sinh: 所庚切 sở canh thiết (TVGT, ĐV, QV, LT), 師庚切,音甥 sư canh thiết, âm sanh (TV, VH, CV, TVi), 所京切 sở kinh thiết (NT, TTTH), 所敬切 sở kính thiết (QV, CV, TVi)...v.v...

[3] Có tác giả như cố BS Nguyễn Văn Thọ đề nghị sinh thì là phiên âm của tiếng Bồ santificar (phong thánh/hiển thánh) qua thư từ liên lạc riêng với anh Nguyễn Vinh Quang (2015 - California); hay Đinh Văn Tuấn (tạp chí NGÔN NGỮ số 3 - 2014) đề nghị sinh thì là sinh thiên đọc theo giọng Triều Châu. Người viết/NCT đã bàn luận nhiều lần về ảnh hưởng của các phương ngữ Nam TQ trong tiếng Việt và Hán Việt (td. diễn đàn Viện Việt Học khi còn hoạt động, đầu thập niên 2010 …), tuy nhiên các tương quan ngữ âm trong trường họp sinh thì cần phải xem lại cẩn thận trong bối cảnh tôn giáo và xã hội vào thế kỷ XVI-XVII. Sinh 生 có phạm trù nghĩa rất rộng, một nét nghĩa là lên (hay nên - lẫn lộn n/l vào thời VBL): "hoá sinh ~ hoá nên" (VBL trang 329). Nét nghĩa này lại trùng hợp với nghĩa chính của thăng 升, cho nên tạo ra nhiều nghi vấn và cũng tốn khá nhiều giấy mực viết về các tương quan này.

[4] Trong ngữ hệ Mon-Khme, tiếng Khme cũng có cách dùng tương tự ទៅស្រុកដើម /tɨv~toh srok daəm/ nghĩa là trở về nguyên quán (về quê) hay là chết, động từ រលត់ /rɔlʊət/ có nghĩa là mất đi (biến mất) hay là chết …v.v… Trong bối cảnh truyền đạo CG, các LM dòng Tên/cộng sự viên đã khá sắc bén trong các văn bản Nôm khi giải thích "lên thiên đàng" (sinh thì) là "về quê thật".

[5] Không kể các từ ghép trong VBL như chết lụn, chết lích (chết phân thây), chết rũ (chết vì già), chết tươi ...

[6] Thời Đông Hán, học giả Vương Sung đã dùng thăng thiên để chỉ cõi trời (thiên giới) trong Luận Hành (mục Long Hư) 世稱黃帝騎龍升天, 此言蓋虛  thế xưng hoàng đế kị long thăng thiên,thử ngôn cái hư.

[8] Tam giáo 三教 là đạo Thích (Thich-Ca, PG), đạo Nhu (nho, Không giáo) và đạo Đạo (Lão giáo). Cách dùng tam giáo đã hiện diên vào thời Sử Kí hày khoảng đầu CN. Ngoài ra, LM de Rhodes còn ghi nhận lòng tin của dân chúng thời đó vào sự hiện hữu của linh hồn của thực vật (sinh hồn), linh hồn của súc vật (giác hồn), như trong VBL trang 337:"Blai (trai) có ba hồn bảy vía ... Gái có ba hồn chín vía", hay bàn luận chi tiết về giác hồn/sinh hồn trong PGTN trang 116-117, 119 …

[9] Cõi trời (deva) lại chia ra làm 26 loài (hay 27/28 loài) là cõi hạnh phúc, tuổi tho rất cao nhưng không bất tử - rất khác với cõi trời (thiên đàng à hằng sống) của CG. Tất cả chúng sinh đều luân lưu (tái sinh) trong 6 cõi, và cõi trời vẫn còn nằm trong vòng luân hồi (khi chưa được giải thoát hay chưa nhập niết bàn). Để ý luân hồi còn gọi là lộn về (transmigratio animarum/L ~ hồn luân lưu/NCT - VBL trang 430). Ngay trên mục luân hồi, LM de Rhodes ghi mục "trầm luân" với định nghĩa là sự luân lưu các khổ hình, hết khổ hình này đến khổ hình khác.

[10] Hằng sống là sống đời đời (kết hợp vĩnh viễn với Thiên Chúa), dịch từ tiếng La Tinh vitam serpiternam (PGTN trang 5): một khái niệm rất lạ với truyền thống người Việt vào thời LM de Rhodes. Ngay trong PGTN, trang đầu (trang 5) đã viết "vậy ta nên tìm đàng nào để sống lâu, là kiếm hằng sống vậy".

[11] Niềm tin vào Phật A-Di-Đà và niệm danh hiệu ngài, theo truyền thống Tịnh Độ (thuộc Đại Thừa), có thể giúp người lâm chung sinh vào cõi Tịnh Độ.

[12] So với từ La Tinh populus cũng chỉ lương dân, dân lành hay dân chúng một cách tổng quát, VBL cũng dùng chữ này cho mục thứ (dân).

[13] Cũng có thể LM de Rhodes ghi chép lại qua cộng sự viên người Việt giỏi chữ Nho. Tuy nhiên ảnh hưởng của tiếng HV rất rõ nét trong ngôn ngữ đại chúng vào thời VBL. Ngay cả khi định nghĩa "chữ", LM de Rhodes không ngần ngại ghi là chữ của người Trung Hoa (VBL trang 116-117), chữ rẻ là chữ dễ viết (ít nét/NCT) và chữ mắt là chữ khó viết (nhiều nét/NCT).

[14] Sinh thì   生時 trong các tài liệu Hán cổ (bây giờ rất ít dùng trong tiếng Trung/Quốc) có các nghĩa là ngày-tháng-năm sinh hay lúc còn sống (như sinh tiền : (1) 出生的年、月、日、時. 宋秦觀《望海潮》詞之四:“但恐生時註著,合有分於飛。” 許地山《凶手》第一幕:“上面寫的是大哥底生時本命" (2) 活著的時候;生前。元 武漢臣《老生兒》第三折:“他今死了,也道的個生時了了,死後為神。”《廿載繁華夢》第三回:“大人生時,曾説過有三十來萬帶回京去” (1) Xuất sinh đích niên、 nguyệt、 nhật、 thì。 Tống Tần Quan 《 Vọng hải triều》từ chi tứ:“ đãn khủng sinh thì chú trứ, hợp hữu phân vu phi。” Hứa địa san 《 Hung thủ》 đệ nhất mạc: “ thượng diện tả đích thị đại ca để sinh thì bổn mệnh。” (2) Hoạt trứ đích thì hậu;sinh tiền。 Nguyên Vũ Hán Thần 《 Lão sinh nhân》 đệ tam chiết:“ tha kim tử liễu, dã đạo đích cá sanh thì liễu liễu, tử hậu vi thần。”《 Nhập tái phồn hoa mộng》đệ tam hồi:“ đại nhân sinh thì , tằng thuyết quá hữu tam thập lai vạn đái hồi kinh khứ”.

[15] Tuy nhiên các LM Béhaine/Taberd đều có ghi sinh thì là chết: 生時 sinh thì - fato concedere/L (tuỳ vào số mệnh/an bài) - mục "sinh"; 生時 sinh thì - mori/L (chết) - mục "thì". LM Gustave Hue ghi sinh thì là temps de la vie/P (thời còn sống).

[16] Ông Ra-Ham hay Áp-Ra-Ham (Abraham, Ibrāhīm) được xem như là tổ phụ của nhiều dân tộc như Do-Thái và Ả-Rập. Ông sống rất thọ (được 175 năm) cũng như một số nhân vật khác sống vào thời Kinh Thánh: ông Nô-Ê sống đến 950 tuổi, ông A-Đam sống 930 tuổi ...v.v...

[17] Động từ chết tiếng Việt tương ứng với động từ die tiếng Anh: dùng cho con người, máy móc, loài vật hay thực vật. Các mỹ từ khác chỉ cái chết như pass away, rest in peace chỉ dùng cho con người. Trong ngữ hệ Mon-Khme, tiếng Khme ស្លាប់ /slap/ là không còn sống (dùng cho con người), nhưng cho máy móc thì dùng ងាប់ /ŋoap/, cũng như có nhiều từ khác dùng khi vua, tu sĩ PG chết - như khi tu sĩ/tăng qua đời thì dùng ទទួលអនិច្ចធម្ម /tɔtuəl ʔaʔnɨccaʔ tʰoammeaʔ~tʰoam/ có gốc tiếng Phạn ... Xem thêm chi tiết trang http://sealang.net/khmer/dictionary.htm hay bài viết "So sánh từ kiêng kị, uyển ngữ về những điều không mong muốn trong tiếng Việt với tiếng Khmer" của Đào Thị Kim Duyên, đăng trên tạp chí "Science & Technology Development" Vol. 18 Nọ X3-2015. Tiếng Khme cũng dùng nhiều gốc tiếng Phạn để chỉ sự chết như មរ /mɔɔ/ có gốc tiếng Phạn mara ... Tương tự như tiếng Việt cũng dùng các từ Hán Việt với cùng hiệu quả.

[18] So với cách dùng "giờ chết" (trong các bản Nôm), "giờ lên" cho thấy một kết quả lạc quan và tích cực hơn, dễ hiểu hơn vì phù hợp với tư duy phân tích (hay logic thẳng/linear logic).

[19] Tham khảo thêm về tư duy tổng hợp trong bài viết cùng tác giả/NCT "Tiếng Việt thời LM de Rhodes - cách dùng đỗ trạng nguyên, trên/dưới… (phần 4)" trang này chẳng hạn http://conggiao.info/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes---cach-dung-do-trang-nguyen-trenduoi%E2%80%A6-phan-4-d-42592

[20] Nếu CG được truyền đến Á Đông vào thế kỷ XVI, XVII thì sau đó khá lâu PG mới thật sự truyền đến phương Tây (Âu và Mỹ Châu) hay vào những thế kỷ XIX và XX. Điều đáng nhắc ở đây là khi các giáo sĩ CG Tây phương đến Á Châu truyền đạo thì kiến thức của họ về PG rất "thô sơ" (xem PGTN trang 105-111 chẳng hạn) và nhiều khi rất "khiếm khuyết", một phần là vì tài liệu tham khảo (bằng tiếng La Tinh, Bồ-Đào-Nha, Anh, Pháp ...) rất hiếm hoi. Nhưng cũng chính công trình của các vị giáo sĩ tiên phong này đã bắt đầu gây sự quan tâm của Tây phương đến giáo lý PG.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2010(Xem: 13731)
Có, không chỉ một mà thôi, Tử, sinh đợt sóng chuyển nhồi tạo ra. Trăng nay, trăng cũng đêm qua, Hoa cười năm mới cũng hoa năm rồi. Ba sinh, đuốc trước gió mồi, Tuần hoàn chín cõi, kiến ngồi cối xay. Tới nơi cứu cánh sao đây ? Siêu nhiên tuệ giác, vẹn đầy “Sa ha” (Thích Tâm Châu dịch )
01/10/2010(Xem: 5032)
Là con người, ai cũng có đủ tính tốt và xấu, nên thực tế rất khó nhận định về tính cách của chính mình, của một người khác, huống chi là nói về tính cách của cả một dân tộc. Tuy vấn đề phức tạp và đôi khi mâu thuẫn, nhưng tôi cũng xin cố gắng đưa ra một số nét tiêu biểu của người Nhật.
28/09/2010(Xem: 7198)
Bao gồm nhiều ngạn ngữ dân gian phản ánh đời sống tâm lý của người dân TQ trong xã hội xưa, “ Tăng quảng hiền văn” là sự thể hiện tư tưởng của Nho Giáo, Đạo Giáo, Lão Giáo, mang tính triết lý cao. 1 Tích thì hiền văn, hối nhữ truân truân, tập vận tăng quảng, đa kiến đa văn. Lời hay thuở trước, răn dạy chúng ta, theo vần cóp nhặt, hiểu biết rộng ra. 2 Quan kim nghi giám cổ, vô cổ bất thành kim. Xem nay nên xét xa xưa, ngày xưa chẳng có thì giờ có đâu. 3 Tri kỷ tri bỉ , tương tâm tỷ tâm. Biết mình phải biết người ta, đem lòng mình để suy ra lòng người. 4 Tửu phùng tri kỷ ẩm, thi hướng hội nhân ngâm. Gặp người tri kỷ ta nâng cốc, thơ chỉ bình ngâm mới bạn hiền. 5 Tương thức mãn thiên hạ, tri tâm năng kỷ nhân. Đầy trong thiên hạ người quen biết, tri kỷ cùng ta được mấy người. 6 Tương phùng hảo tự sơ tương thức, đáo lão chung vô oán hận tâm. Gặp lại vui như ngày mới biết, chẳng chút ăn năn trọn tới già.
27/09/2010(Xem: 4153)
Có người không hiểu Phật, than Phật giáo tiêu cực, nói toàn chuyện không vui. Từ đó Tăng ni chỉ được nhớ tới trong những ngày buồn như đám tang, cúng thất, cầu an cho người sắp đi. Rồi thì người ta còn đi xa hơn, xuống thấp hơn một tí, là khi nói đến Tăng ni là họ tưởng ngay đến những người mất sạch, một cọng tóc cũng không có. Thậm chí họ cho mình cái quyền châm chọc khiếm nhã khi nhìn thấy Tăng ni đâu đó. Một chuyện mà có uống mật gấu họ cũng không dám làm đối với những người thế tục cạo trọc.
06/09/2010(Xem: 10977)
Văn Tế Thiên Thái Trí Giả Tác giả Đại Sư Tuân Thức Việt dịch: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm *** 1. Nhất tâm đảnh lễ Thiên Thai Trí Giả trong núi Đại Tô tu Tam Muội Pháp Hoa Tâm tâm tịnh thường lại qua pháp giới Như mặt nhật trên không chẳng trụ không Ba ngàn thật tướng tức khắc viên thông Tám vạn trần lao đều đồng chân tịnh. Xưa hội kiến Linh Sơn còn hoài niệm Nay toàn thân bảo tháp thấy rõ ràng Nếu chẳng cùng sư Nam Nhạc tương phùng Ai biết được tướng thâm sâu thiền định?
01/09/2010(Xem: 3253)
Vườn hoa Phật Giáo mênh mông, với nhiều sắc thái thành muôn màu rực rỡ. Mỗi đóa hoa đều có sắc có hương, để thành vẻ đẹp đặc thù của Phật Giáo. Chúng ta thấy đại dương rào rạt bao la không bờ bến, nhưng giọt nước nào cũng mang vị mặn của muối. Chánh Pháp của Đức Như Lai vô lượng vô biên, nhưng pháp nào cũng đều mang hương vị của giải thoát.Mỗi Vị Tôn Đức hoằng pháp đều có một phong cách riêng, có những tư tưởng nhận định riêng. Vị nào còn trẻ khoẻ thì thích đi hoằng pháp các nơi.
28/08/2010(Xem: 2895)
Du Hôn (truyện ngắn của Nhật Hưng)
27/08/2010(Xem: 3291)
Tuy không phải là bạn thân nhưng tôi quen biết anh ấy từ lâu, thời còn ở trung tiểu học. Anh ấy thuộc một gia đình khá giả, bố mất sớm, thông minh học giỏi. Ra trường, làm việc cho một công ty lớn, được cấp nhà ở, và ai cũng có thể thấy ngay anh là một người thành đạt, có một tương lai xán lạn và là niềm hãnh diện cho gia đình. Nhưng…những chữ nhưng thường làm dang dở cuộc đời. Có nhiều chuyện thật oái oăm và không thể lường trước được có thể xảy ra làm thay đổi một cuộc đời. Và những chuyện không ngờ đó một hôm đã xảy ra, đã đưa anh vào cảnh tù tội một cách oan ức.
17/08/2010(Xem: 13671)
Lâu nay tôi thường cùng các thi văn hữu trao đổi với nhau những bài thơ, câu đối như là một thú vui tao nhã. Về thơ thì tôi vừa mới tập hợp thành tác phẩm Mưa Hè (nhà xuất bản Hồng Đức - quý hạ 2013). Riêng về câu đối, với tính chất riêng của nó, tôi tập hợp thành tập Thiền Lâm Ứng Đối hợp tuyển này, bao gồm một số câu đối trước đây đã được in và phát hành dưới dạng “Lưu hành nội bộ”, và một số câu đối đã được làm trong thời gian sau này. Những câu đối trong tập cũ in lại có hiệu đính, phần nhiều ở câu dịch nghĩa. Đa số những câu đối có nhân duyên từ các chùa trong tỉnh, ngoại tỉnh và một số chùa ở nước ngoài nhờ làm để trang trí. có câu còn ghi chú rõ, có câu tôi không còn nhớ làm cho chùa nào, ở đâu. Kính xin chư Tôn đức cùng quí chùa hoan hỉ.
10/08/2010(Xem: 6089)
Diễn văn của luật sư Georges Graham Vest tại một phiên tòa xử vụ kiện người hàng xóm làm chết con chó của thân chủ, được phóng viên William Saller của The New York Times bình chọn là hay nhất trong tất cả các bài diễn văn, lời tựa trên thế giới trong khoảng 100 năm qua.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]