Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

TT. Thích Nguyên Tạng và Cuộc Đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma (bài viết của Cư Sĩ Đào Văn Bình; Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

20/01/201805:41(Xem: 5039)
TT. Thích Nguyên Tạng và Cuộc Đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma (bài viết của Cư Sĩ Đào Văn Bình; Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc)


bia_dalailama-1
TT. Thích Nguyên Tạng
và Cuộc Đời Của Đức Đạt Lai Lạt Ma


Bài viết của Cư Sĩ Thiện Quả Đào Văn Bình (từ Cali, Hoa Kỳ)
Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc (từ Hannover, Đức Quốc)
Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước
Ngày nay trái đất đã thu hẹp lại, đó là nhờ phương tiện di chuyển và phương tiện thông tin. Người ở bên này trái đất có thể rất gần gũi với người ở bên kia trái đất, giống như hai người kề cận nói chuyện với nhau, như cùng một nhà hay hàng xóm láng giềng. Cho nên quan niệm xa-gần chỉ là tương đối. Ngày xưa mẹ tiễn con, em tiễn chị lấy chồng ở bên kia sông (sang ngang) coi như “nghìn trùng xa cách” với những câu ca dao nghe đứt ruột:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Ngày nay câu ca dao “gả chồng xa” được các màn hài kịch/chọc cười sửa lại rất vui và rất thấm thía như sau:
Mẹ ơi đừng gả con xa.
Gả con đi Mỹ,
Con gửi đô-la mẹ xài.

Xin nhớ Việt Nam cách Mỹ 19 giờ bay của máy bay phản lực, chứ không phải là chuyến đò qua bên kia sông. Như vậy tiền bạc và tình cảm đã làm cho xa thành gần và gần thành xa mà Phật Giáo cho rằng mọi chuyện trên cõi đời nay do Tâm mình tạo ra “Nhất thiết duy tâm tạo”. Cho nên mặc dù ở xa vạn dặm, chưa một lần gặp mặt, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng thuộc Tu Viện Quảng Đức, Úc Châu có gửi tặng tôi ba cuốn sách thì đó là chuyện rất thường của duyên văn nghệ và duyên Phật pháp. Ba cuốn sách đó là:

1) Đức Đạt Lai Lạt Ma: Con Trai Của Tôi (Dalai Lama, My Son) xuất bản năm 2015 (PL 2559) tại Úc Châu.


2) Kỷ Yếu “Hai Mươi Năm (1990-2010) Thành Lập Tu Viện Quảng Đức”. Đây là cuốn sách bằng hình, bìa cứng, khổ lớn ấn loát rất đẹp ghi lại hình ảnh ngày lễ kỷ
 niệm chu niên 20 năm của Tu Viện Quảng Đức với sự tham dự của đông đảo chư Tôn Đức và rất nhiều viên chức cao cấp của chính phủ Úc, bài viết, sinh hoạt của Tu Viện Quảng Đức, sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử  trong 20 năm. Tu Viện này do Thầy Tâm Phương kiến tạo năm 1990 lấy tên Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để tranh đấu cho quyền bình đẳng tôn giáo năm 1963. Thượng Tọa Thích Tâm Phương sinh năm 1955 tại Vĩnh Thái, Nha Trang, cựu huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, xuất gia với Hòa Thượng Thích Như Ý, tu học tại Chùa Linh Sơn Pháp Bảo, Nha Trang và  rồi Chùa Pháp Vân Gia Định, Sàigòn. Năm 1986 thày vượt biển tới Đảo Pulau Bidong của Mã Lai rồi định cư vào Úc (Tôi cũng vượt biển tới đảo này năm 1984). Dù không phải là một kiến trúc sư, theo tôi, kiến trúc của Tu Viện Quảng Đức là một sự pha trộn giữa kiến trúc có chiều cao, đầy màu sắc của Tây Tạng phối hợp với kiến trúc cổ của Việt Nam khiến cho tu viện trở nên tráng lệ, phù hợp với cảm quan của người Úc. Có lẽ không gì quý hơn là trình bày ở đây Lời Giới Thiệu được in trên sách về Tu Viện Quảng Đức,”Khi tới Thành Phố Moreland, tây bắc Tiểu Bang Victoria, khách hành hương sẽ nhìn thấy một quần thể kiến trúc nổi bật trên thành phố. Đó là Bảo Tháp Tứ Ân và Cổ Lầu, chánh điện của Tu Viện Quảng Đức, tọa lạc tại 105 Lynch Road, vùng Fawkner, tu viện Phật Giáo duy nhất của thành phố, do TT. Thích Tâm Phương khai sơn năm 1990 trên xứ sở Nam Bán Cầu này.”

Ky_yeu_20_nam_tu_vien_quang_duc


3) Chết và Tái Sinh (Death and Rebirth) sách xuất bản nhân Mùa Vu Lan báo hiếu năm 2007.

            Đối với các nhà khoa học, các bác sĩ và người thường thì chết bắt đầu từ giai đoạn người ta tắt thở và sẽ không còn gì nữa. Thế nhưng theo Phật Giáo sau khi người ta tắt thở nhưng sự chết chưa chấm dứt mà người chết còn trải qua giai đoạn gọi là “Trung Ấm” kéo dài một tuần lễ. Trong thời kỳ  này, thần thức của người chết vẫn còn luyến nhớ xác thân và luẩn quẩn ở đó trước khi đi đầu thai.
            Sự sống và sự chết là hai vấn đề lớn nhất của con người, nhất là ”Sau cái chết con người đi về đâu?”  Để giải quyết vấn đề này tác giả đã sưu tầm những tài liệu bằng Anh Ngữ, phiên dịch rồi biên soạn thành sách. Tác giả đã căn cứ vào tài liệu của Thượng Tọa Pende Hawter- Sáng Lập Dưỡng Đường Tiếp Dẫn Karuna (Từ Bi) để chăm sóc người sắp lâm chung ở Thành Phố Bisbane, Tiểu Bang Queenland. TT. Pende Hawter đã phỏng vấn các bậc đại sư Tây Tạng như: Dalai Lama, Dilgo Khyentse Rinpoche, Kirti Tsen-shab Rinpoche, Garje Khamtul Rinpoche, và Geshe Lamrimpa, về tiến trình hấp hối, chết và tái sinh của con ngườị. Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 5 năm 1995 tại tỉnh Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ.
Quý vị muốn biết thân Trung Ấm như thế nào, cách chăm sóc người sắp lâm chung, sự tái sinh, sự tái sinh ở Tây Phương, xin tìm đọc sách.
sach-chet-taisinh
            Tôi đặc biệt chú ý tới cuốn Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi (Dalai Lama, My Son). Đây là cuốn tự truyện (Biography) của cụ bà Diki Tsering - thân mẫu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, do Khedroob Thondup (cháu nội cụ bà) viết bằng tiếng Anh và được tác giả Thích Nguyên Tạng dịch ra Việt Ngữ. Sách được Ananda Viet Foundation ấn tống và phát hành nhân dịp kỷ niệm sinh nhật năm thứ 80 của Đức Đạt Lai Lạt Ma tổ chức tại Irvine, California Tháng 7, 2015. Sách được Hòa Thượng Thích Như Điển- Viện Chủ Chùa Viên Giác, Đức Quốc giới thiệu. Sách kèm rất nhiều hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ lúc tấm bé còn bồng trên tay, hình ảnh của phụ thân, mẫu thân ngài, sinh hoạt của ngài, hình ảnh chùa chiền, đời sống của dân Tây Tạng v.v.. Chúng ta hãy xem Phần Mở Đầu của dịch giả Thích Nguyên Tạng:

 Đức Đạt Lai Lạt Ma, Con Trai Của Tôi” là một tập tự truyện của mẫu thân Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một tập sách hấp dẫn do Cụ bà Diki Tsering (mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma) kể lại những chi tiết sinh động trong cuộc đời của mình, từ một phụ nữ nông thôn bình thường, bỗng chốc đã trở thành một người đàn bà có địa vị cao nhất trong xã hội, làm Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo quốc gia Tây Tạng.
Trong cuốn sách này, cụ bà Diki Tsering đã kể lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của mình, từ những năm đầu khiêm tốn của bà ở làng quê Amdo xa xôi ở miền đông Tây Tạng, những phong tục, những lễ nghi của người Tây Tạng, cho đến mười sáu người con mà bà đã sinh hạ (chỉ có bảy người con còn sống). Lời kể của bà thật cảm động về những vị khách đã đến ngôi làng Amdo của bà để tìm hậu thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13; về hành trình di chuyển gian khổ của gia đình bà đến thủ đô Lhasa trước khi Trung Quốc xâm chiếm và kể lại cuộc trốn chạy và cuộc sống tỵ nạn lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ. Đây là những lời kể của một người đàn bà Tây Tạng với những chi tiết về lịch sử, văn hóa, hình ảnh, những kỷ niệm, những sự kiện mà không có ai khác ngoài người Mẹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chính thức bày tỏ cho thế giới bên ngoài biết được những gì đã và đang xảy ra cho quê hương và dân tộc của bà.
Danh hiệu "Đạt Lai Lạt Ma" có nghĩa là "Đạo sư trí huệ như biển cả". Theo truyền thống của người Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân lòng từ của chư Phật và Bồ Tát, người chọn con đường tái sinh trở lại kiếp người để cứu giúp chúng sanh. Danh hiệu Đạt Lai Lạt Ma cũng được hiểu là "Hộ Tín" có nghĩa là Người bảo vệ đức tin, "Huệ Hải" là Biển lớn của trí tuệ, "Pháp vương" là Vua của Chánh Pháp, "Như ý châu" là Viên bảo châu như ý...
Danh hiệu "Đạt Lai Lạt Ma" được vua Mông Cổ Altan Khan tấn phong cho Ngài phương trượng của Tông Phái Hoàng Mạo Giáo (Gelugpa, phái Mũ Vàng) vào năm 1578. Từ năm 1617 đến nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 đã trở thành người lãnh đạo chính trị và tôn giáo của dân tộc Tây Tạng. Và kể từ đó, người Tây Tạng xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm và Đức Ban Thiền Lạt Ma (hóa thân Phật A Di Đà) là người giữ chức cao thứ hai sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đức Ban Thiền Lạt Ma giữ nhiệm vụ đi tìm hóa thân mới của Đạt Lai Lạt Ma và ngược lại.
Việc đi tìm hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma, hay nói chung là việc tìm bất cứ hóa thân nào, luôn luôn là một nghi lễ tôn giáo thiêng liêng và Đức Đạt Lai Lạt Ma là người quyết định cuối cùng của sự lựa chọn. Mỗi một vị Đạt Lai Lạt Ma được xem là tái sinh của vị trước đó. Có lần Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 được báo chí Phương Tây hỏi Ngài bao nhiêu tuổi. Ngài trả lời rằng mình hiện đã năm trăm tuổi. Câu trả lời này hàm ý nói rằng dòng truyền thừa Đạt Lai Lạt Ma qua con đường tái sinh đã hơn 500 năm không hề gián đoạn.
Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay là vị thứ 14, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sự xuất hiện của Ngài như là một định mệnh, đã thừa kế tước vị Đức Đạt Lai Lạt Ma ở trong một giai đoạn bấp bênh nhất trong toàn bộ lịch sử của danh hiệu cao quý này. Vì đất nước của Ngài đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tranh chấp quyền lực trong thời gian Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 viên tịch và bản thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 còn quá nhỏ để đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, trong khi các vị nhiếp chính thiếu tu, không có tài đức lãnh đạo, yêu nước thương dân, cuối cùng đã đưa đất nước Tây Tạng đi đến hố thẳm diệt vong của ngoại bang. Đến khi ngài đủ tuổi lên nắm quyền thì mọi việc đã quá trễ. Năm 1959, ngài đến tỵ nạn và thành lập chính phủ lưu vong tại Dharamsala, miền bắc Ấn Độ. Từ đó, ngài đã ủng hộ triệt để cho chính sách bất bạo động. Chính vì thế mà năm 1989, ngài được trao giải thưởng Nobel về hòa bình và hiện nay, cũng trong thận phận người tỵ nạn, ngài thường xuyên đi đến nhiều miền đất trên thế giới để kêu gọi hòa bình, và khi có thể ngài nói lên tiếng nói tự do giải phóng cho dân tộc Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vượt qua những ngăn cách của địa lý, tôn giáo và chính trị bằng đạo phong oai nghiêm, giản dị, sâu sắc và giàu lòng từ bi của mình. Trong những bài giảng và những lần đi vòng quanh thế giới, mọi người đều cảm mến và kính phục. Ngài được xem là người đại diện Phật giáo xuất sắc nhất trên thế giới hiện nay.
Có thể nói Đức Đạt Lai Lạt Ma là nhà hoằng pháp vĩ đại nhất của Phật Giáo trong thời hiện đại, và được xem là người có nhiều tác phẩm Phật học được người Tây Phương tiếp nhận và tìm đọc nhất. “


Diki TseringDalai_Lama (21)Diki Tsering 2abia_dalailama-1

(xem nội dung sách này)






Sách gồm 32 Chương nhưng tôi chỉ liệt kê một số chương tiểu biểu và thích thú:

-Con gái nông thôn
            Trong chương này cụ Diki Tsering kể rằng tên thật của cụ là Sonam Tsomo và “ Từ khi sống ở Lhasa, tôi cố gắng trở thành Diki Tsering với tất cả ý nghĩa của cái tên này. Vì bổn phận trong địa vị mới của mình, tôi dần dần thôi là Sonam Tsomo, một cô gái đơn sơ với đời sống đơn sơ và ước vọng đơn sơ, làm một người vợ và một người mẹ tốt. Tôi cảm thấy nhớ cô gái mà tôi đã tự bắt mình phải quên… Và tôi  cũng không biết mình sinh năm nào. Bởi vì khi hỏi thế sẽ bị bà nội hay bà ngoại mắng dữ dội vì tội bất kính.”
-Những năm đầu đời
            Cô gái Sonam Tsomo (có nghĩa là Phồn Thịnh và Nữ Thần Trường Thọ) nhớ lại đời mình như sau: “Tôi không bao giờ quên những ngày thơ ngây và tự do của mình ở Amdo (một trong hai tỉnh miền đông Tây Tạng). Tôi lớn lên với bảy em gái và ba anh em trai trong tình thương nồng ấm. Cha mẹ tôi là những nông dân hiền lành và giàu có. Tầm mắt và ý thức của tôi bắt đầu và chấm dứt với đời sống của ông cha tôi, những người làm nghề canh tác ruộng đất. Đất là phương tiện sống của chúng tôi. Khi số mạng thay đổi đời sống của tôi một cách bất ngờ và mau chóng như vậy, tôi chỉ là cô gái nông thôn.”
-Tuổi thơ
            Chương này mô tả những chi tiết lạ của xã hội Tây Tạng, “Đa số các gia đình Tây Tạng cho một con trai đi tu, trừ những gia đình có ít con trai, phải ở nhà để làm công việc đồng áng. Những gia đình nghèo thường cho con trai nhỏ tới sống ở chùa vì nuôi con trai ở nhà cho đến khi trưởng thành rất tốn kém. Ở Tsongkha người ta không nghe nói có ai cho con gái đi tu, mà cũng không có chùa nào trong vùng dành cho người nữ. Ở Lhasa, nhiều nhà cho con gái đi tu, một số vì lý do kinh tế, khi cha mẹ thấy việc nuôi con gái rồi gả chồng là nặng nhọc.”
-Xã hội ở Amdo
Những gia đình giàu thì có nông trại lớn và nhiều người giúp việc, nhưng thành quả kinh tế được phân chia tương đối đồng đều cho mọi người, và không có ai thực sự nghèo đói. Chúng tôi không có hạng nông nô, mà phải mướn người hầu hay tá điền. Làng chúng tôi có khoảng một trăm gia đình, mỗi gia đình có một miếng đất riêng, chúng tôi phải trả một món tiền thuế cho chính phủ Trung Hoa, và viên quan cai trị địa phương người Trung Hoa tên là Ma Pu Fang.” Nếu như thế này thì Tây Tạng đúng là một thứ Chủ Nghĩa Xã Hội Bắc Âu theo tinh thần “Lợi hòa đồng quân” của Phật Giáo.
-Những món ăn trong nhà
Bánh mì là một loại thực phẩm quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi cũng làm bánh mì mặn nhân thịt "timomo'' trong sáu cái xửng hấp đặt chồng lên nhau. Một loại bánh mì khác là "kansho", được nướng trong lò. Chúng tôi cho cát trắng khô vô lò lửa rồi đặt củi lên trên cát. Khi cát và củi đã cháy đỏ, chúng tôi cho bánh mì vào trong lửa. Bánh mì nướng kiểu này thì ngon và không bao giờ cháy và luôn luôn có màu nâu vàng. Một loại bánh mì nữa là "kuki", được nướng trong nồi đất. Loại bánh mì này có màu đỏ, vì được cho thêm bột nghệ, mật mía và hạt walnut (quả hạch).”
-Lấy chồng
Qua chương này chúng ta thấy phong tục tập quán của Tây Tạng cũng giống như xã hội cổ kính Việt Nam những thế kỷ trước. “Những đứa con gái như chúng tôi đã được dạy rằng tương lai và hy vọng độc nhất của mình là lấy chồng và một đời làm việc cực nhọc. Thật vậy, chúng tôi đã sống một cuộc đời nặng nhọc, có thể rất nghèo nàn, không có một sự giải trí hay giúp vui nào. Ngay cả thú vui xem người ta diễn tuồng chúng tôi cũng không được tham dự trừ khi có cha mẹ đi cùng. Chúng tôi không bao giờ được đi ra ngoài một mình. Ở những quán trọ bên đường, chúng tôi không được đụng vào những món ăn, vì tất cả đầu bếp đều là người Hoa, cha tôi nghĩ rằng thịt ở những nơi đó là thịt lừa. Khi đến tuổi trưởng thành, nếu có khách tới nhà, chúng tôi phải ở yên trong phòng làm công việc của mình, không được giao tiếp với những người khách, dù chúng tôi tò mò muốn biết về họ. Nhìn ngó khách tới nhà bị xem là vô lễ.”
-Bổn phận làm vợ
                Đây là hình ảnh của bà mẹ chồng Tây Tạng và cái khổ của nàng dâu, “Mẹ chồng tôi không bao giờ đụng tay làm một việc gì. Bà là người phô trương uy quyền và không sợ một ai cả. Bà sống theo cảm xúc và ý tưởng bất chợt của mình, bà thích ăn ngon, mặc đẹp và sống sang trọng. Bà rất sạch sẽ, dù nếu chỉ có một cọng cỏ ở trong nhà, bà cũng lượm nó liệng đi. Bà cũng nóng tính và đôi khi bạo động…. Trong mấy năm đầu lập gia đình, tôi chỉ được ngủ ba giờ hay bốn giờ mỗi đêm. Mỗi lần đi xay lúa từ tám đến mười ngày, chúng tôi không ngủ gì được cả. Chúng tôi sàng bột từ một giờ sáng đến lúc mặt trời mọc, và đó là lúc bắt đầu công việc trong ngày của chúng tôi. Tôi thường cảm thấy mệt không thể chịu đựng nổi, có nhiều khi đi lấy phân cho lò sưởi, tôi phải ngồi tạm xuống đâu đó ở bên đường để tìm một giấc ngủ ngắn. Thỉnh thoảng, quá mệt nhọc, tôi đi tìm một chỗ vắng vẻ để nhỏ vài giọt nước mắt tủi thân, vì bản thân tôi có tính kiêu hãnh, không bao giờ khóc trước mặt mọi người. Trong những năm cực khổ đó, tôi không bao giờ kể lể với bất cứ ai, ngay cả chồng tôi, là mình đang chịu đau khổ.”
-Những cái tang
Chương này cho biết lễ nghi, tang chế của xã hội Tây Tạng cũng chẳng khác gì tang chế Thọ Mai Gia Lễ thời Việt Nam cổ xưa, “Trong gia đình của người quá cố, các bà các cô không được trang điểm mái tóc với những dải lụa nhiều màu thông thường, cũng không được gội đầu trong một tuần sau khi người thân qua đời, tóc của chúng tôi chỉ được cột sơ sài bằng một sợi len trắng. Chúng tôi chỉ được mặc y phục cũ, và không được đeo một món trang sức nào. Khi cha chồng tôi chết, tấm ở lưng được bỏ ra, tấm "hari" được đeo như vậy trong suốt thời kỳ để tang. Khi chồng chết, tấm nhung ở cả hai bên được lấy ra trong ba năm để tang.”
-Sinh con
            Cũng giống như phong tục tập quán theo luân lý Khổng Mạnh, người Tây Tạng trọng nam, khinh nữ, “Mẹ chồng cho tôi nghỉ làm việc một tuần sau khi sinh đứa con đầu lòng. Khi tôi sinh mấy đứa con nữa thì bà qua đời, không có ai làm việc nhà, vì vậy tôi chỉ có thể nghỉ một hay hai ngày rồi cõng con trên lưng để làm công việc. Bà mẹ chồng nổi giận vì tôi đã sinh con gái chứ không sinh con trai, và cơn giận của bà đổ xuống đầu chồng tôi. Ông ta an ủi mẹ của mình bằng cách nói với bà rằng sinh con gái hay con trai đó là số mạng, không phải muốn là được, nhưng bà vẫn bất mãn. Anh trai của bà, Đại Sư Taktsen Rinpoche đã qua đời, bà rất muốn tôi sinh con trai để đứa bé có thể là hóa thân của vị này.”
-Một vị Tuku ra đời
            Trong chương này cụ bà Diki Tsering cho biết trong trường hợp nào con trai của cụ được công nhận là Lạt Ma tái sinh, “Khi ông anh chổng tôi đến gần Tsongkha, các tăng sĩ ở tu viện Kumbum đến tiếp đón ông và ông hỏi họ về vị hóa thân mới. Họ nói rằng đứa trẻ đó đã chết rồi. Lúc bấy giờ ông mới thấy sự minh triết của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Rồi ông hỏi đứa con của tôi đã ra đời chưa và ông vui mừng khi họ cho biết là tôi đã sinh con trai. Ông nghĩ rằng chắc chắn con trai tôi là hóa thân của Taktsa Rinpoche. Năm đó tôi được 21 tuổi khi sinh con trai Norbu vào năm con chó (Nhâm Tuất 1922). Một vị lạt ma đặt tên cho con trai tôi là Tashi Tsering, nhưng sau đó được đặt tên theo tên của một vị tu sĩ là Thubten Norbu, nên được gọi là Thubten Jigme Norbu.
Năm sau đoàn đại biểu trở lại Lhasa để yết kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma một lần nữa, ngài đưa cho họ một bức thư được niêm phong và bảo họ chuyển bức thư của ngài cho tôi, nói rằng con trai của tôi, Tashi Tsering được chọn là Taktsen Rinpoche kế tiếp. Đã có 16 ứng viên cho vị trí này, tất cả đều sinh cùng năm con chó. Những đứa trẻ này là con của những gia đình mà tôi quen biết, một số là họ hàng, một số là bạn bè. Tất cả những gia đình của các ứng viên đều được mời đến nhà chúng tôi để nghe lời phán quyết chính thức.
-Biển Trí Tuệ
            Chúng ta không hiểu tại sao khi một bậc vĩ nhân ra đời các bà mẹ thường có những giấc mộng lạ, chẳng hạn như Hoàng Hậu Ma Gia nằm mơ thấy con voi trắng sáu ngà đâm vào hông và bà thụ thai, sinh Thái Tử Tất Đạt Đa. Ở đây cụ bà Tashi Tsering cũng có giấc mơ lạ trước khi sinh ra Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cụ kể rằng, “Một hôm ngài (Dalai Lama) nói với chúng tôi rằng ngài là người từ trên trời xuống. Lúc đó tôi nhớ đã có một điềm báo kỳ lạ, đó là một tháng trước khi sinh ngài, tôi nằm mộng thấy có hai con sư tử tuyết màu lục và một con rồng màu xanh bay ở trên không, chúng cười với tôi và chào tôi theo kiểu Tây Tạng truyền thống: hai bàn tay đưa lên trán. Về sau tôi được biết rằng con rồng là Đức Đạt Lai Lạt Ma và hai con sư tử tuyết là vị tiên tri Nechung (vị tiên tri của quốc gia Tây Tạng) hướng dẫn Đức Đạt Lai Lạt Ma về nơi tái sinh. Qua giấc mộng này, tôi biết rằng đứa con của mình sẽ là hóa thân của một vị lạt ma cao cấp nào đó, nhưng tôi đã không dám mơ tưởng rằng con của mình sẽ là Đức Đạt Lai Lạt Ma.” Và đây là thiên tư của cậu bé Dalai Lama lúc còn nhỏ, “Ngay từ lúc đầu đứa con này đã khác với những đứa con của tôi. Ngài là một đứa trẻ trầm tư, thích ở một mình trong nhà, ngài luôn gói ghém quần áo và những vật dụng nhỏ của mình, khi tôi hỏi ngài đang làm gì vậy, ngài nói rằng đang chuẩn bị để đi Lhasa và sẽ đưa tất cả chúng tôi đi cùng. Khi chúng tôi đi thăm họ hàng hay bạn bè, ngài không bao giờ uống trà trong một cái chén nào khác ngoài cái chén trà của tôi, ngài không bao giờ để cho ai ngoài tôi đụng vào những cái mền của mình, và ngài không bao giờ để chúng ở một nơi nào khác mà chỉ để ở cạnh mền của tôi. Nếu gặp một người gây sự, ngài sẽ lượm một cái que và đánh người đó. Nếu có người khách nào của chúng tôi châm thuốc lá, ngài sẽ nổi giận. Bạn bè nói với chúng tôi rằng vì một lý do nào đó không rõ, họ sợ ngài dù ngài còn nhỏ tuổi. Tất cả những điều này diễn ra lúc ngài mới hơn một tuổi và chưa biết nói nhiều.”
-Mẹ Từ Bi- một chuyến đi
            Chuyến đi tới Lhasa kéo dài mấy tháng trời, vượt qua những vùng trộm cướp, đồng có độc tới nỗi ngựa ăn sẽ ngã bệnh chết. Và đây là nghi thức tiếp đón một vị Lạt Ma, “Đức Đạt Lai Lạt Ma đi cùng với anh Lobsang Samten, sáu tuổi, trong một chiếc kiệu do ngựa kéo. Tôi ngồi ở một cái kiệu riêng được bốn con la kéo. Những chiếc kiệu được thêu rất đẹp, với những cửa sổ nhỏ có lưới sắt tréo nhau. Kiệu của Đức Đạt Lai Lạt Ma được làm bằng gấm vàng, còn kiệu của tôi làm bằng vải bông màu lục. Lúc đó Gyalo Thondup được mười một tuổi. Dù tôi hết sức bảo cậu đi kiệu với tôi, cậu ta vẫn cưỡi ngựa. Cậu ta thừa hưởng tính thích cưỡi ngựa từ cha của cậu. Không nói cho tôi biết, cậu ta đã đi cùng với mấy người giữ lều từ sáng sớm.”
-Đến Lhasa
            Nghi thức tiếp đón một Lạt Ma còn cung kính và trang nghiêm hơn đón một ông vua, “Tôi đã để lại cái kiệu của mình ở Reting, và bây giờ tôi cưỡi ngựa. Đức Đạt Lai Lạt Ma được cung thỉnh đi trên một cái kiệu mạ vàng cầu kỳ hơn cái kiệu trước, và được tám người khiêng trên vai. Khi chúng tôi tiến vào Lhasa, những đám đông tràn ngập khắp đường phố chào đón chúng tôi. Có nhiều người đến nỗi chúng tôi khó mà tiến đến phía trước. Nhưng mọi người hoàn toàn im lặng, chắp tay và cúi đầu tôn kính Đức Đạt Lai Lạt Ma của mình. Nhiều người khóc vì vui mừng. Tôi cũng gần rơi nước mắt. Tôi, một người đàn bà nông thôn, bây giờ được đưa lên địa vị cao nhất trong xã hội mà một người mẹ có thể đạt tới.”
-Một đời sống mới bắt đầu
            Trong chương này cụ bà mô tả về cung điện Potala,  “Năm tháng sau khi chúng tôi đến Lhasa, Đức Đạt Lai Lạt Ma chuyển tới cung điện Potala. Đây là một kiến trúc trông thật to lớn, nhất là vì cung điện này được xây dựng trên một quả đồi. Lúc đầu tôi đã sững sờ khi nhìn thấy Potala. Tôi mất hai mươi phút để đi lên những bậc đá tới tầng trên cùng của mười ba tầng. Dường như có vô số những món trang trí bằng vàng, bạc và những bức tranh "thangka" treo đầy trên tường những căn phòng. Đây là một viện bảo tàng mà sự vĩ đại của nó tôi sẽ không bao giờ được nhìn thấy lại.” Và Dalai Lama cũng phải trải qua những cuộc thi sát hạch về giáo lý, “Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được mười một hay mười hai tuổi, ngài dự những kỳ thi về giáo lý Phật học đầu tiên của mình ở Drepung. Tôi đã ở đó mười ngày với ngài. Vì phụ nữ không được ở trong những tòa nhà chính của tu viện, nên tôi ngụ ở một nhà khách trong khuôn viên gia đình tôi. Mấy ngàn người chứng kiến cuộc thi của ngài. Những kỳ thi tương tự cũng được các học giả của Sera và rồi Ganden tổ chức. Là một người mẹ, tôi chỉ lo Đức Đạt Lai Lạt Ma không làm tốt khi trả lời những câu hỏi của các vị học giả hàng đầu, nhưng nỗi lo của tôi dường như vô ích, vì ngài luôn luôn làm tốt như được mong đợi.
-Những tục lệ lạ
            Dù là một dân tộc thấm nhuần giáo lý của Đức Phật đến tận xương tủy, nhưng ở Thủ Đô Lhasa vẫn hiện diện một giai cấp quý tộc, sống đời kiểu cách, khinh rẻ kẻ bần hàn, phấn son lòe loẹt, ăn bận diêm dúa. Điều này dạy chúng ta rằng, dù một đất nước 100% là Phật Giáo cũng cần có những bài học về đạo đức, công dân giáo dục và xây dựng một tinh thần bình đẳng xã hội. “Lhasa là một xã hội kiểu cách, và chắc chắn tôi có vẻ hơi lạc hậu đối với họ. Các bà vợ của các nhà quý tộc và các viên chức có đầu óc thời trang, và có vẻ cố gắng ăn mặc sang trọng hơn người khác. Hồi mới tới đây, tôi đã sững sờ khi thấy họ mặc quá đẹp với những món trang sức rực rỡ. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sự trang điểm của họ. Trước đó tôi chưa bao giờ thấy đàn bà tô son đánh phấn. Tôi đã tưởng là mấy cô đào hát tuồng, và tôi rất ngạc nhiên khi được biết họ không phải là đào hát gì cả. Họ trông giống như búp bê. Tôi nghĩ trang điểm như vậy là giả tạo.”
-Lễ hội Tết ở Lhasa
            Đây là Tết của Tây Tạng, “Buổi lễ (Tết Losar) bắt đầu với mọi người hiện diện ở đó đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo thứ tự đẳng cấp: viên chức chính phủ, nhân viên tòa Công Sứ Anh Quốc, các đại biểu Hồi Giáo và Trung Hoa. Mỗi người dâng lên Đức Đạt Lai Lạt Ma một cái khăn lễ, và ngài ban lời chúc phúc, tất cả kéo dài từ hai tới ba tiếng đồng hồ. Trong cuộc lễ chúng tôi được tiếp đủ loại món ăn, lần lượt từng món một: trà Tây Tạng, bột "tsampa" với thịt, bánh "domadesi" với sữa chua. "Tsampa" mềm và ngon, trà được làm bằng lá trà tươi và loại bơ ngon nhất.”
-Một cuộc biến động chính trị
                Trong Xứ Phật không phải không có tranh chấp quyền lực. Lãnh đạo một đất nước Phật Giáo vẫn phải có nghệ thuật cai trị chứ không phải chỉ là ăn chay, tụng kinh, niệm Phật. Cụ bà mô tả biến động chính trị đó như sau, “Trong khoảng thời gian này, ngoài sự thanh toán đẫm máu để tranh quyền Nhiếp Chính, có lời đồn Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là vị Đạt Lai Lạt Ma thật, và đã có sự lầm lẫn trong việc chọn vị Đạt Lai Lạt Ma. Người ta nói rằng Ditru Rinpoche mới là vị Đạt Lai Lạt Ma thật. Ditru Rinpoche là con của một thân nhân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười ba. Cuối cùng mọi người quyết định để hai cái tên vào trong một cái bình, rồi đặt ở trước hình Tổ Sư Tống Khách Ba  (Je Tsongkhapa, 1357-1419, là vị Tổ sư của phái Hoàng Mạo và định lập chế độ chuyển thế tái sanh của Đạt Lai Lạt Ma), rồi lắc cái bình cho một cái tên rơi ra ngoài ba lần, và thế là nhiếp chính Taktra và Hội Đồng Kashag không thể nói gì cho mình được nữa. Lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma mới mười bốn tuổi.”
-Chính quyền Trung Quốc xâm chiếm
Người Trung Hoa cai trị Tây Tạng giống như Pháp cai trị Việt Nam bằng viên Toàn Quyền ở đây gọi là Tổng Trấn. Thế nhưng chính quyền Hoa Lục luôn luôn tìm cách tiêu diệt dân tộc nhỏ bé này.  “Người Trung Hoa lấn chiếm tỉnh Tsongkha vào năm 1950. Dân Lhasa hốt hoảng với những tin đồn quân lính Trung Hoa đang chuẩn bị tấn công chúng tôi qua Chamdo, là nơi sắp rơi vào tay họ. Đức Đạt Lai Lạt Ma rời Lhasa và dựng trại ở Dromo (còn gọi là Yatung). Trước khi chúng tôi đi Dromo, các đại biểu của Cộng Sản Trung Hoa đã tới đóng ở Lhasa với máy truyền tin vô tuyến điện của họ. Đức Đạt Lai Lạt Ma, các viên chức, các nhà quý tộc và gia đình tôi rời đi Dromo cùng với nhau. Đầu năm 1951, Hội Đồng Bộ Trưởng Kashag khuyến cáo rằng vì sự an toàn của ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma hãy thành lập chính phủ lâm thời ở Dromo, một thị trấn nhỏ ở cách biên giới Ấn Độ và Sikkim khoảng bốn mươi cây số. Ở ngay bên kia biên giới là những khu định cư của người Tây Tạng ở Kalingpong và Darjeeling, Ấn Độ. Tám tháng sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma quyết định trở về Lhasa, vì ngài không muốn ở xa những người dân của mình quá lâu. Đầu năm 1951, Hội Đồng Bộ Trưởng Kashag khuyến cáo rằng vì sự an toàn của ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma hãy thành lập chính phủ lâm thời ở Dromo, một thị trấn nhỏ ở cách biên giới Ấn Độ và Sikkim khoảng bốn mươi cây số. Ở ngay bên kia biên giới là những khu định cư của người Tây Tạng ở Kalingpong và Darjeeling, Ấn Độ. Trước khi ngài chỉ định hai thủ tướng ở Lhasa, dành cho họ trọn quyền điều hành chính phủ và bảo họ chỉ hỏi ý kiến của ngài về "những vấn đề quan trọng nhất". Ngài dự định trở về Lhasa ngay khi đạt được thỏa thuận với người Trung Hoa.”
-Đi thăm Trung Quốc
            Cuộc hành trình này do chính quyền Trung Hoa đài thọ. “Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma và Đức Ban Thiền Lạt Ma có cuộc gặp đầu tiên với Mao Trạch Đông (Mao Tse Tung) thì tôi cũng tham dự. Mao Trạch Đông có một ngôi nhà giữa cái hồ. Tôi thấy ông ta không gây được ấn tượng gì cả. Hình như cổ họng ông ta có vấn đề gì đó, vì cứ nói được vài câu ông ta lại phải thông cổ họng. Tôi ngạc nhiên vì ngôi nhà của ông giống một cái nhà Nga hơn là nhà Trung Hoa. Tất cả những món trang trí và đồ đạc đều có nguồn gốc Nga. Chu Ân Lai thì lại có vẻ là một chính khách hơn Mao, ăn nói khôn khéo và là một nhà ngoại giao tinh tế. Bà Tống, vợ của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, gây ấn tượng nhiều cho tôi. Bà ta đã sáu mươi tuổi nhưng trên mặt không có một nếp nhăn nào. Tôi cũng gặp bí thư Khrushcher của Liên Xô trong khoảng thời gian này.”
Và đây là cảnh nghèo đói dưới thời Mao Trạch Đông, “Cảnh nghèo ở nông thôn Trung Quốc làm cho tôi phải chú ý. Không bao giờ chúng tôi được đưa đi thăm những vùng nghèo nàn, nhưng có khi điều này không thể tránh được. Người dân sống trong những nhà tranh nhỏ, không có đồ đạc gì cả. Có những lần, khi chúng tôi ra khỏi chiếc xe hơi, những người dân quê này chìa tay ra xin tiền. Tôi cũng kín đáo đặt vào tay họ một chút tiền, và họ lặng lẽ xin tôi đừng nói một tiếng nào, nếu không họ sẽ bị phạt nặng. Một nông dân nói với tôi rằng, nếu chính quyền biết người đó xin tiền, người đó sẽ bị giết ngay chúng tôi thấy những quan tài trống rỗng nằm rải rác dọc đường, những người nghèo đã đào trộm mộ của những cái quan tài này. Vì nông dân không có trâu bò hay ngựa nên họ phải tự kéo cày.”
-Phật Lịch 2500
Sau chuyến công du Ấn Độ, gặp gỡ Thủ Tướng Nehru, cụ bà trở về và tình hình Tây Tạng lúc đó như sau, “Khi chúng tôi trở về Tây Tạng thì người Trung Quốc đã trở nên rất mạnh. Họ đã ra lệnh đưa các con trai của tôi về. Tôi lo lắng đến mức không ăn ngủ được. Con rể và con gái của tôi phải tham dự những cuộc họp tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, khuân vác đá để làm đường và cày ruộng. Người Trung Quốc lấy của chúng tôi bất cứ cái gì họ muốn, và họ còn bắt đầu đốn cây của chúng tôi. Tất cả các nhà quý tộc phải lao động chân tay, kể cả bà Ragashar. Bà thường nói với tôi rằng bà sẽ không chịu đi lao động, dù có phải trả giá bằng cái chết. Nhưng sau đó bà bị cưỡng bách lao động như một phần công việc của hội phụ nữ.”
-Đào thoát
Chúng tôi vượt qua sông Tsangpo bằng những chiếc xuồng làm bằng da thú và đợi chờ đoàn của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở bên kia. Ngựa của chúng tôi đã có sẵn ở đó. Chúng tôi có tất cả một trăm người, và tiếng vó ngựa chạy trên sạn nghe như tiếng sấm. Tôi cầu nguyện và bảo mọi người gây tiếng động càng ít càng tốt. Thật là một phép lạ khi người Trung Quốc không nghe thấy những con ngựa chạy trên đường.
Sau khi đi xa khỏi sông Tsangpo, chúng tôi sợ người Trung Quốc đã biết về cuộc chạy trốn nên chúng tôi cho ngựa chạy nhanh. Nhưng cho tới ngày hai mươi ba người Trung Quốc mới biết, tức là ba ngày sau khi chúng tôi trốn khỏi cung điện Norbulingka. Họ đã pháo kích vào Norbulingka trong ngày hôm đó, và chỉ khi họ tiến vào tòa nhà, nhìn quanh họ mới biết là Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi rồi. Họ đi tìm ngài ở Chensaslinka, rồi ở Chomolungo và Drepung. Máu đã đổ nhiều ở Lhasa sau khi chúng tôi chạy trốn. Một trong những người giúp việc cho chúng tôi đã trốn đi sau chúng tôi, nói với tôi rằng khi rời khỏi Lhasa ông ta thấy như mình đang đi trên một cánh đồng có những trái đậu khô. Đó là những vỏ đạn nằm rải rác suốt mấy dặm đường.”
-Tị nạn ở Ấn Độ
            Nếu không có Ấn Độ chắc chắn dân tộc Tây Tạng đã bị hủy diệt mà không có đường trốn chạy. “Có một cuộc đón rước long trọng ở Tawang, ngay bên kia biên giới Tây Tạng và Ấn Độ, nơi các viên chức Ấn Độ đến gặp chúng tôi. Không có người nào ở Ấn Độ biết là chúng tôi đã trốn khỏi Lhasa, trừ con trai tôi, Gyalo Thondup, vì cậu ta đã liên lạc với các chiến sĩ Khampa. Ở Tawang, một viên chức Ấn Độ biết nói một chút tiếng Hoa cứ nói "hang hao" (rất tốt) mỗi lần tôi cho ông ta bánh mì mà tôi đã nướng. Sau ba ngày ở Tawang, chúng tôi đi Bomdila, rồi đi Tezpur, nơi chúng tôi được Gyalo Thondup và các viên chức chính phủ chào đón, kể cả Thủ Tướng Nehru. Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp ở đó. Rồi chúng tôi đi Siliguri, nơi nhiều người Tây Tạng chào đón chúng tôi. Khi gặp con gái Jetsun Pema và các cháu, tôi không thể nói được gì cả, mà chỉ rơi nước mắt.
-Lời cuối sách
Đây là lời của tác giả và cũng là cháu nội bà cụ, “Khi mẹ của ngài mãn phần, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã báo tin này cho hội chúng đang tham dự tu học ở Bồ Đề Đạo Tràng. Ngài nói về cuộc đời đức hạnh của bà, và số lần niệm chuỗi thần chú "Om Mami Pademe Hum" (Án Ma Ni Bát Di Hồng) của bà trong những năm cuối đời. Ngài nói là ngài không buồn, vì tin rằng bà sẽ có một sự tái sinh hoàn hảo. Tôi biết chắc là bà đã trở lại với chúng ta lúc này, mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh với tinh thần bất khuất của bà.”

thich nguyen tang and duc dat lai lat ma
Kết Luận:
            Đây là một cuốn sách cảm động, có giá trị mà chúng ta cần có, không phải chỉ biết về thời tấm bé của Đức Đạt Lai Lạt Ma - mà còn về văn hóa, đời sống của dân Tây Tạng - một dân tộc hiền lành - có thể nhất hành tinh này, nhưng chưa biết tới ngày nào mới có được một nền tự trị để được sống hiền hòa trong giáo lý của Đức Phật. Xin cám ơn Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng và kính mời quý vị đọc sách theo các link kèm bên trên.
 
Đào Văn Bình
(California ngày 19/1/2018)



DaoVanBinh


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/04/2022(Xem: 3368)
Các nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cho rằng Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ niên hiệu Vĩnh Bình đời Hán Minh Đế (58-75) căn cứ vào sự kiện vua nằm mộng thấy một người thân vàng ròng bay vào cung điện. Có vị cận thần tâu đó là đức Phật ở xứ Thiên Trúc - đấng Giác ngộ trên cả trời người. Vua liền sai người đến Tây Vực tìm cầu Phật pháp. Thật ra, Phật giáo vào Trung Quốc trước cả đời Hán Minh Đế. Lúc bấy giờ, Đạo giáo đang rất thịnh hành. Thời điểm này, Phật giáo chỉ thuần là một loại tôn giáo tế tự, học thuyết đặc thù của Phật giáo chỉ là quỉ thần báo ứng, gần với thuật cúng tế, bói toán của Trung Quốc. Vì thế, tăng sĩ Phật giáo cùng hoạt động song hành với các đạo sĩ của Đạo giáo. Tín đồ Phật giáo yêu chuộng cả đạo sĩ của Đạo giáo, nên cả hai đều hoạt động mạnh mẽ trong hoàng tộc, chứ không ảnh hưởng lớn đến dân chúng.
09/04/2022(Xem: 5884)
Mục đích của cuộc thi giải thưởng là khuyến khích việc sáng tác cá nhân, xuất phát từ nguồn cảm xúc đối với các việc xảy ra trong đời sống xã hội hàng ngày, được miêu tả, bằng nhận thức, lý giải và thái độ ứng dụng sống động qua những lời dạy của Đức Phật. Các thể tài có thể gợi ý như là chuyện công ăn việc làm, chuyện gia đình, học đường, chuyện về đại dịch hay chuyện trong nhà ngoài phố.v.v.. Bài tham dự có thể trình bày dưới nhiều hình thức như tác phẩm nghệ thuật, truyện ký, truyện ngắn, tạp bút, thơ… Người viết hoàn toàn tự do chọn đề tài, miễn có liên quan đến tư tưởng Đạo Phật và nội dung có thể chuyển tải được cách ứng dụng giáo lý vào đời sống hàng ngày.
01/04/2022(Xem: 8789)
Nếu có những khúc ngâm đoạn trường trong văn học thi ca làm cho người đọc qua nhiều thế hệ trải mấy nghìn năm vẫn còn cảm xúc đòi đoạn thì Chinh Phụ Ngâm và Cung Oán Ngâm Khúc là hai khúc ngâm tiêu biểu trong văn chương Việt Nam; cũng như Trường Hận Ca, Tam Lại Tam Biệt và Tần Phụ Ngâm được xem là “tam bi hùng ký” trong văn chương Trung Quốc thời Hậu Đường. Người Việt yêu thi ca thường ưa chuộng dư âm cùng ý vị lãng mạn và bi tráng giàu kịch tính hơn là vẻ bi phẫn và hùng tráng của hiện thực máu xương trong thi ca đượm mùi chinh chiến. Tâm lý nghệ sĩ nầy giúp lý giải một phần câu hỏi còn nằm trong góc khuất văn học là tại sao cho đến nay, hơn cả nghìn năm sau, tác phẩm Tần Phụ Ngâm vẫn chưa có người dịch ra tiếng Việt.
20/03/2022(Xem: 3893)
Với tập sách nhỏ nầy – tác giả không hề nghĩ đó là công trình nghiên cứu; mà chỉ xin được gọi là nén tâm hương, là tấc lòng cảm cựu dâng lên anh linh của người thiên cổ - biểu tỏ sự ngưỡng mộ văn tài và xin được chia sẻ nỗi đau đời, đau người của tiền nhân và hậu học. Sỡ dĩ không gọi là công trình nghiên cứu về Nguyễn Du vì tôi không làm theo hệ thống chương mục của tổng thể tác phẩm, mà chỉ viết theo ngẫu cảm của người đọc đối với mỗi nhân vật trong tác phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh”, lại nữa; tôi cũng là một cá thể quanh năm đau yếu – khi viết đề tài này là tôi đang nằm tại chỗ, vì xẹp cột sống lưng và bao chứng bệnh khác – phải chăng là đồng bệnh tương lân???
20/03/2022(Xem: 5694)
Những tưởng Ninh Giang Thu Cúc sẽ gác bút sau tập nhận định “Đọc Kiều Thương Khách Viễn Phương” nhưng nào có được - bởi nghiệp dĩ đeo mang nên mới có Kiều Kinh gởi đến quý vị. Với tuổi tác và bệnh trạng – tác giả muốn nghỉ viết để duy dưỡng tinh thần, trì chú niệm kinh và chung sống an yên cùng căn bệnh nghiệt ngã là xẹp cột sống lưng... Thế nhưng; với tiêu chí – còn thở là còn làm việc, tác giả không cam chịu là người vô tích sự vì thế NGTC vẫn viết (dù trong tư thế khó khăn) mong đóng góp chút công sức nhỏ nhoi cho nền Văn học nước nhà.
24/02/2022(Xem: 8528)
Tác giả tác phẩm này là Tỳ Kheo Sujato, thường được ghi tên là Bhikkhu Sujato, một nhà sư Úc châu uyên bác, đã dịch bốn Tạng Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Anh. Bhikkhu Sujato cũng là Trưởng Ban Biên Tập mạng SuttaCentral.net, nơi lưu trữ Tạng Pali và Tạng A Hàm trong nhiều ngôn ngữ -- các ngôn ngữ Pali, Sanskrit, Tạng ngữ, Hán ngữ, Việt ngữ và vài chục ngôn ngữ khác – trong đó có bản Nikaya Việt ngữ do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ Tạng Pali, và bản A-Hàm Việt ngữ do hai Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng dịch từ Hán Tạng.
13/02/2022(Xem: 3426)
Gần đây khi nhận được những tập kỷ yếu về các chuyến hành hương (từ các địa điểm tâm linh) gửi tặng từ TT Thích Nguyên Tạng, một lần nữa tôi mới chợt nhận ra tại sao một người tu hay bất cứ một người phàm phu nào cũng cần phải cầu nguyện cho mình có đủ Tam Phước ( Phước vật - Phước đức và Phước Trí ). Trộm nghĩ khi có đủ tam phước rồi thì làm việc gì cũng thành tựu vì đã sử dụng đúng thái độ và cách cư xử của ta trong cuộc sống . Và hạnh phúc là mục đích chính của con người, tiêu biểu cho sự phát triển đầy đủ các đức tính đạo đức của con người ...Nhất là trong Triết lý Phật giáo, hạnh phúc là chủ đề rất quan trọng nghĩa là muốn có hạnh phúc thì phải có bình an ( vật chất lẫn tinh thần ) và nhất định là hạnh phúc này phải phát xuất từ giá trị cuộc sống với sự hoàn thiện nhân cách và luôn giữ 3 nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh.
13/02/2022(Xem: 6020)
Hiện nay chúng ta đang có 2 cách tính thời gian theo : Âm Lịch và Dương Lịch. Phương Tây và nhiều nước trên thế giới sử dụng Dương Lịch, lịch này tính theo chu kỳ tự quay xung quanh trục mình của Trái Đất và Trái Đất quay xung quanh mặt trời. Trong khi đó cách tính Âm Lịch sử dụng Can Chi, bao gồm thập Can và thập nhị Chi. Trong đó, 10 Can gồm: Canh, Tân, Nhâm, Quý, Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ được tạo thành từ Ngũ hành Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ. 12 Chi được lựa chọn từ các con vật gần gũi với con người hoặc thuần dưỡng sớm nhất. Có một sự khác nhau trong 12 Chi giữa Âm Lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam,.... đó là Chi thứ 4 là con Mèo hay con Thỏ. Ở Việt Nam, 12 con giáp gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi, tương ứng với 12 con vật : Chuột, Trâu, Hổ, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Lợn. Khi ghép lại sẽ tạo thành 60 năm (bội số chung nhỏ nhất của 10 và 12) từ các tổ hợp Can - Chi khác nhau, gọi chung là Lục Thập Hoa Giáp.
31/01/2022(Xem: 5673)
Truyện này viết về một người anh, và nhiều phần là hư cấu. Nghĩa là, chỉ một phần có thực. Nhưng tôi không thể nào nói rõ là phần nào thực, phần nào hư. Nói rõ có khi lại hỏng. Đã viết truyện thì, chẳng tác giả nào nói rõ đâu. Ngay như nhan đề “Bên Trời Đại Lý” cũng thấy là bên kia sự thật rồi, vì Việt Nam mình làm gì có thị trấn Đại Lý, nơi sẽ là bối cảnh của truyện ngắn này. Nhưng, nếu nói thiệt ra là Chợ Lớn, thì lại trần gian quá, chẳng thơ mộng tí nào.
05/01/2022(Xem: 7583)
Khi khoa học ngày càng phát triển, con người càng rời xa tâm linh và phủ nhận tất cả những gì không dựa trên nền tảng khoa học. Tuy nhiên, thế giới tâm linh dù được khẳng định bởi người hữu duyên hoặc phủ nhận bởi người chưa đủ duyên tồn tại song song với thế giới vật chất. Sự nối kết tâm linh là một đề tài sôi nổi trong dòng chính cũng như trong cộng đồng tôn giáo. Trên thực tế, hiện tượng siêu nhiên vẫn là những điều huyền bí mà không phải bất kỳ ai cũng có thể trải nghiệm hay giải mã. Vì vậy, người có khả năng nối kết với thế giới tâm linh và cảm nhận được hiện tượng tâm linh càng trở nên đặc biệt dưới các trường hợp sau đây:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com