Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tỳ Hải Đìu Hiu, Kính nhớ Lão Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ

12/10/201707:04(Xem: 11478)
Tỳ Hải Đìu Hiu, Kính nhớ Lão Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ
TỲ HẢI ĐÌU HIU
Kính nhớ Lão Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ

 

 

Bay về ổ chín tầng cao

Con chim giã biệt quên chào mái hiên

(Bùi Giáng)

 

 
bui giang-2

Thi sĩ Bùi Giáng

(1926-1998)

 qua nét vẽ của

họa sĩ Đinh Cường

Viết về anh Bùi Giáng là một việc làm cần lòng can đảm. Thậm chí cần rất nhiều can đảm, có khi phải nói nôm na là liều mạng mới dám viết. Những người có thời gần gũi và thương mến anh ai cũng có lần cảm nhận điều đó. Anh thích người ta đọc sách anh, thưởng thức thơ văn anh, nghiền ngẫm tư tưởng của anh. Nhưng ngược lại anh hay nổi nóng nếu ai hiểu sai ý anh. Anh rất giận khi có ai viết sai một chữ, kể cả sai một dấu phẩy, những câu thơ của anh. Có rất nhiều khi anh cho đó là một sự xuyên tạc có hậu ý. Dù sao, anh và tôi đã từng sống chung gần ba năm trời ở Vạn Hạnh chả lẽ không có gì để nói, lâu nay tuy rất muốn viết nhưng tôi vẫn cố tránh, cho đến khi có người nhắc.

Trước tiên phải nói rõ, tôi không phải là người trong làng văn nghệ. Cũng có thể do vậy nên trong gần ba năm ở chung với anh chúng tôi khá gần gũi bình yên bên nhau và dẫu „phải nghe“ anh rất nhiều. Dù sao những câu chuyện trong những buổi chiều ngủ gà ngủ gật ấy anh đã gởi gắm đến tôi rất nhiều, mặc kệ tôi có muốn nghe hay không.

Tôi cũng đã phải lưu lạc nhiều nơi. Hoàn cảnh và cuộc sống đã đẩy tôi đi. Tôi đã gặp và đã lao vào sống cùng, đã tiếp xúc với rất nhiều người nhiều tầng lớp khắp cùng đất nước và cả trên cả mọi miền châu lục. Rốt cuộc ở tuổi bóng xế mới bình tĩnh ngồi điểm quanh lại những kẻ thân người sơ. Trong rừng người thân sơ ấy có những người mình rất thân, thật thân. Trong rừng người rất thân lại có những người mình rất mến. Trong số những người mình rất mến ấy có những người mình rất phục. Rồi trong những người mình rất phục kia có những người mình rất kính trọng. Và lại còn có, tuy rất ít,  những người mình vừa phục vừa kính trọng. Tâm phục khẩu phục. Đếm lại con số những người ấy chỉ vỏn vẹn trên đầu ngón tay. Và trong số họ có tên anh Bùi Giáng.

Tôi đã thật sự bàng hoàng khi hay tin anh Bùi Giáng ra đi, dù biết rằng lúc nào đấy ngày ấy chắc chắc sẽ đến. Anh đã vung tay phung phí sức khỏe của anh quá nhiều cho những cuộc du hí. Tôi cũng đã thật sự ngạc nhiên khi thấy thiên hạ viết rất nhiều về anh, về văn nghiệp, về thi nghiệp, về „điên-đảo-nghiệp“ của anh. Thiên hạ còn tổ chức hội thảo về anh, tại đại học dù anh chưa hề là giáo sư đại học bao giờ. Đối với con người anh Bùi Giáng thật quá xứng đáng, không thể nói lời nào được nữa. Cũng như có thời một tờ báo văn nghệ nổi tiếng của miền Nam đã từng trang trọng có số báo đặc biệt về anh. Đây là một biệt lệ: đến ngày ấy báo Văn chưa hề có số đặc biệt viết về một người còn đang sống. Tất cả những điều đó chứng tỏ thiên hạ rất trân quý tài năng và con người Bùi Giáng. Chưa có một văn nhân, thi sĩ nào ở Việt Nam có được sự trân trọng ấy!

Nhưng tôi cũng quá đỗi ngạc nhiên khi thấy bên cạnh những người xưng là bạn, là người quen, là đủ thứ quan hệ thân thiết gì gì đó với anh, tôi không thấy ai từ Vạn Hạnh xưa viết về anh. Dù sao, không ai có thể chối cãi được, giai đoạn ở tại Đại học Vạn Hạnh ở Trương Minh Giảng là giai đoạn „đẹp“ nhất, giai đoạn „tiên“ nhất và quan trọng nhất của cuộc đời ông Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi này. Nhưng không, sau một thời gian dài chờ đợi, tôi thấy đã có hai người làm việc đó. Thầy Chơn Nguyên đã viết bài: Bùi Giáng, những chuyện chưa kể và anh Nguyễn Hiền bỏ công „làm“ một sưu tập „Hoàng Tử Bé Bùi Giáng“, dù chỉ để cho mình đọc. Sau này tôi nghe nói Thầy Phước An có viết nhưng tôi chưa đọc được. Trong những tháng ngày „đẹp“ ấy, theo thiển ý,  cũng có chút dấu vết của bước chân tôi. Bởi vậy tôi sẽ cố không nói gì về chuyện văn chương thơ phú của anh mà - như Thầy Chơn Nguyên - chỉ nhắc vài kỷ niệm về/với anh.

 

Giờ khép mắt nhớ một lần ngẫu nhĩ (BG)

Tôi gặp anh Bùi Giáng vào năm 1972, nhưng phải nói thật là trước đó tôi biết rất ít về anh. Lúc đầu anh ở một phòng riêng nên thỉnh thoảng tôi gặp anh ở cầu thang và chỉ chào hỏi bâng quơ như chào một người hàng xóm. Giữa bầu trời nhiều những vì sao lớn của Vạn Hạnh thời ấy thì thêm một vì sao cũng không lấy gì làm mình chói mắt cho lắm. Mãi đến khi anh dọn vào ở chung phòng với tôi, hai chiếc giường đặt kế song song thì mới có dịp chuyện trò nhiều hơn. Nói đúng hơn, anh nói và tôi nghe, dù giai đoạn này anh rất ít nói, ít đi chơi, ít tiếp khách.

Thật ra trước đó tôi đã có đọc một vài bài thơ, và một cuốn sách do anh dịch. Những bài thơ dù quá hay, nhưng đọc rồi cũng thoáng qua. Ở tuổi mười tám hai mươi, khi vừa biết yêu người ta thích học thuộc thơ tình của Nguyễn Bính, của Nguyên Sa… hay nhiều nhất là của Hoài Khanh hơn. Đọc thuộc vanh vách những bài thơ tình như „áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc…“ của Nguyên Sa, rồi chép trộm vài câu nhét vào những lá thư tình vụng trộm. Cái tên Bùi Giáng bất đầu rõ nét trong tôi là lúc tôi đọc được tác phẩm „Khung Cửa Hẹp“ của André Gide do anh dịch. Cuốn sách tình cờ do một người quen cầm trong tay và tôi lật thử ra xem, đọc một mạch hết hai trang Lời Nói Đầu. Những ngôn ngữ tuyệt vời và rất lạ của dịch giả đã gây chú ý cho tôi. Sau này có dịp đọc hết tác phẩm tôi lại càng thích thú hơn. Nói rõ hơn, cái tôi đắc ý nhất vẫn là Lời Nói Đầu của tác phẩm ấy. Bài này tôi còn thuộc lòng đến bây giờ. Mở đầu bài viết (và dĩ nhiên là mở đầu cuốn sách) anh viết: “Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu?“. Chỉ chừng ấy chữ cho câu hỏi nọ, đã đeo đuổi tôi suốt mấy mươi năm rồi. Chỉ có Bùi Giáng mới có thể đặt ra một nghi vấn như thế để mở đầu cho một cuốn sách của một ông André Gide ở tận bên Pháp quốc. Hai chữ đẩyở đây anh dùng một cách tài tình, tuyệt diệu.

Thời đó, tôi vừa bước chân vào đại học. Khung trời đại học không những đã mở mắt, đã cho tôi chân trời mới mà nếp sống sinh viên xa nhà cũng mang cho tôi những khoảnh tự do đầy hứng thú. Tôi một thân một mình giữa cái hòn ngọc viễn đông, tha hồ khám phá thế giới và khung trời mới mà không phải lo về đúng giờ hay ai chờ cửa. Rồi may mắn tôi được ở Vạn Hạnh cùng anh Bùi Giáng và một vị giáo sư cơ hữu của Viện ở phòng 412. Đây là phòng duy nhất trong nội xá cho cư sĩ, chứ không có vị sư nào trong phòng chúng tôi như một vài vị đã viết lầm. Căn phòng ước chừng hơn ba mươi thước vuông, khá tiện nghi và mát mẻ, yên tĩnh. Vào cửa, phía bên phải là góc của vị giáo sư kia, bên trái kê hai giường của anh Giáng và của tôi kế sát bên nhau. Cũng như tôi, anh có một chiếc giường đặt sát cửa sổ, một chiếc bàn và một kệ sách, tất cả đều của Viện cấp. Chỉ có điểm đặc biệt là trên bàn anh để những đồ lỉnh kỉnh, như nồi cơm, ly tách. Kể cả hai ngăn kệ sách anh cũng không để sách mà để nồi niêu, hũ lọ, chén bát v.v… Vậy sách vở để đâu? Anh để tất cả dưới gầm giường và anh chỉ ngồi dựa trên giường để viết hay đọc. Tôi cũng ít quan tâm anh viết gì đọc gì, chỉ khi nào anh nhờ thì tôi chở anh đi đâu đó, ví dụ như đi đến các nhà xuất bản để „xin“ sách và mang đi bán, hay đi thuê sách kiếm hiệp ở Chợ Lớn thì tôi giúp anh. Trong những năm này anh Bùi Giáng không tiếp khách, không giao du ra ngoài, cũng không uống rượu (có chăng chỉ một chai bia lave), không đi lang thang. Anh chỉ lủi thủi trong phòng, đọc và viết, thường là đọc kiếm hiệp của Kim Dung và Ngọa Long Sinh. Anh đọc bằng chữ Hoa, tôi thường chở anh đi vào Chợ Lớn và thuê sách ở đó. Có khi khách đến viếng anh, anh chỉ ngước nhìn rồi cuối xuống đọc tiếp, coi như người kia không có mặt ở đó. Lúc có tôi ở trong phòng thường tôi hay tiếp những vị đó (một thói quen lịch sự thông thường), mời họ ly nước, mời ngồi rồi cũng lo học. Ngay cả với những vị có tiếng tăm (anh nói tôi nghe sau khi họ đã đi) anh cũng làm vậy. Có một thời gian tôi để ý chỉ có hai người đến thăm là anh cùng đi uống cà phê với họ ngay, đó là thi sĩ Nam Chữ và một người tên là Ký mà anh giới thiệu là em của anh. Những người khác thì cạy miệng anh cũng không nói mà rủ đi đâu anh cũng không đi.

Trước khi anh Giáng dọn vào chung phòng với tôi thì buổi tối tôi đi ăn cơm tháng tại nhà anh chị Tư ở hẻm 220 Trương Minh Giảng. Khi anh giáo sư từ Pháp về cùng ở chung phòng ba người thì anh ta cũng cùng đi ăn cơm tháng ở đấy chung với tôi. Sau tuần đầu nhận thấy trên bàn ăn mười người chỉ toàn là sinh viên, anh thấy không tiện nên mới mua cà-men và trả tiền giao cơm tận phòng. Tôi vẫn tiếp tục đi ăn cơm ở ngoài (buổi trưa thì ăn ở câu lạc bộ Vạn Hạnh). Có khi ăn còn dư anh giáo sư hỏi anh Giáng có muốn dùng không, anh Giáng nhận lấy và nấu thêm cơm để ăn. Một lần nhìn thấy cảnh ấy, tôi quyết định cũng mang phần cơm của mình về phòng và anh Giáng nấu thêm chút cơm rồi chúng tôi cùng chia nhau phần thức ăn của tôi. Những bữa cơm tối chúng tôi vẫn thường ăn chung với nhau (chỉ những trường hợp đặc biệt thì người ăn trước và dành phần lại kẻ ăn sau). Khi anh chị Tư biết việc ấy họ cũng rất rộng rãi cho thêm vài muỗng nước kho, nước sốt hay nước canh để hai chúng tôi đủ ăn. Gia đình tôi biết chuyện này, mới đầu cũng ái ngại sợ tôi ăn không đủ, nhưng sau thấy tôi vẫn khỏe mạnh nên không nói gì. Giai đoạn ấy nghĩ lại thấy cực khổ thật nhưng rất vui và kéo dài cả năm.

Có lần tôi dịch được hơn nửa cuốn sách. Lý do là tôi nghe có người khuyên, tự dịch sách là cách trau dồi vốn Anh văn hữu hiệu nhất. Mà cũng đúng vậy. Tôi chọn cuốn sách viết về Vua A Dục của một vị Thượng Tọa và là giáo sư đại học ở Ấn Độ. Dịch đã gần 2/3 cuốn sách, nhân một hôm nói chuyện vui tôi có tâm đắc kể về việc ấy và một vài giai thoại về Vua A Dục. Trong số những người ngồi chơi hôm ấy có một vị làm nhà xuất bản. Anh ta lật lật vài trang và đọc say sưa thêm chừng mười trang rồi nói: „chú mày đưa anh Bùi Giáng đọc và xin ý kiến, nói ảnh viết vài lời giới thiệu và tôi sẽ cho xuất bản“. Tuy không quan tâm chuyện ấy lắm nhưng cũng vui nên ngay hôm đó tôi kể anh Bùi Giáng nghe và đưa tập bản thảo cho anh. Anh nhận, yên lặng không nói gì và để tập bản thảo dưới gầm giường.  Sau một tuần, rồi hai, ba, bốn tuần không thấy anh nói gì tôi mới hỏi, anh cũng chẳng trả lời trả vốn gì. Tôi hơi tự ái nên cũng không thèm hỏi nữa, bản thảo cứ để anh giữ và tôi vẫn cứ làm những việc của tôi, dù mỗi ngày chúng tôi vẫn gặp nhau và ăn cơm chung với nhau. Gần hai tháng sau, anh kêu tôi dậy lúc tôi ngủ trưa, trả bản thảo ấy cho tôi và nói: Chú mày viết khá, không tuyệt vời nhưng cũng thơ mộng, nhưng để làm chi? In sách là đặt chân vào giới văn gừng văn nghệ. Mà lũ tụi tao là nòi đã mang lấy nghiệp vào thân. Chú mày còn trẻ, đẹp-trai-con-nhà-giàu-học-giỏi không có nghiệp ấy thì đừng lết vào. Nó không đẹp đẽ như chú mày tưởng đâu. Dù có mang nghiệp ấy thì chú cũng còn quá trẻ, đủ thì giờ để giải nghiệp. Tao thương chú mày nên tao nói thế. Chừng nào chú mày „lục thập nhi nhĩ thuận“ thì muốn viết chi hãy viết. Tôi hiểu và tin ngay lời ấy, đó là những lời nói chí tình. Tôi hứa sẽ không nói đến chuyện viết lách gì nữa và chỉ lo học. Bởi vậy khi Giai Phẩm Văn đặc biệt Bùi Giáng năm 1973 ra đời, có người hỏi sao tôi không kể gì về những kỷ niệm sống chung với Bùi Giáng, tôi chỉ cười và trả lời: xin hai chữ bình an.

Gần ba năm trời sống chung với anh, cũng có đôi mươi lần anh nói huyên thuyên với tôi đủ thứ chuyện, những tâm sự của anh. Cũng có thể anh cần có một người để nghe, dù tôi ít quan tâm hay ít hiểu những nỗi niềm của anh. Dù sao vẫn hơn là nói với đầu gối. Vả lại anh biết tôi rất thương mến và kính trọng anh.

Những lần nói chuyện say sưa như thế có vài lần anh nhắc về một vùng Tỳ Hải.

- Chú mày có biết sao tao gọi là Trăng Tỳ Hải không?

- Không, làm sao tôi biết được.

- Chú mày thử tưởng tượng. Trăm sông, sông cái sông con sông lớn sông bé đều chảy về biển cả. Sông có nước ngọt và biển có nước mặn, đúng không?

- Đúng. Tôi gật gù nửa tỉnh nửa mơ ngủ.

- Vậy chú mày biết chỗ nào là ranh giới, là biên địa giữa sông và biển? Chỗ ấy có vầng trăng nhìn suốt thấy sông là sông và biển là biển. Chú mày có hiểu không?

- Dạ …

- Chỗ đó là Tỳ Hải. Ông Trăng cũng sẽ thấy sông cũng là biển mà biển cũng là sông. Ông Trăng còn thấy Nước là Nước và Nước không phải là Nước.

Lúc đó nghe chỉ để nghe vì lịch sự. Giờ nghĩ lại, hay anh muốn nói về một lý duyên khởi của nhà Phật? Sóng với nước nhìn theo kiểu thơ mộng của thi sĩ: sông và biển. Đến giờ này tôi vẫn chưa có cơ hội lục tìm thử kịch tác gia William Shakespeare người Anh viết gì trong nguyên văn tác phẩm Antony & Cleopatra  mà anh Bùi Giáng dịch là Trăng Tỳ Hải.

Đại khái những câu chuyện như vậy rất thường. Có khi mỗi tuần, có khi ba bốn tuần một lần. Thường là vào những buổi chiều, lúc tôi đang ngủ trưa và bị anh dựng đầu dậy. Anh gọi dậy theo kiểu gọi riêng của anh: Này chú thanh niên, dậy nói chuyện đi, đừng ngủ nữa. Mai mốt chú sẽ có một giấc miên trường, tha hồ! (và cũng từ đó mấy vị ở Vạn Hạnh gọi tôi là Thanh Niên Tuấn). Rồi tôi phải thức dậy nói chuyện, mà thật ra chỉ anh ấy nói và tôi chỉ nghe thôi, chỉ thỉnh thoảng mới có đôi lần cãi lại. Anh thường đi qua đi lại lúc nói. Tôi ngồi ở giường tôi, nhìn sang hướng giường anh phía cửa sổ, trước làn nắng chiều chiếu sang tôi thấy anh râu tóc bù xù mặt căng thẳng, miệng nói say sưa. Hình ảnh tuyệt đẹp, ánh sáng mặt trời chiếu từ sau đến, như đèn sân khấu chiếu vào diễn viên, khán giả chỉ nhìn thấy bóng mà thôi. Tiếc là tôi không biết vẽ!

Rồi mấy hôm sau lại tỳ hải, lần này không phải Trăng mà là Sương Tỳ Hải. Những vùng sương khói ảo mờ trên một vùng tỳ hải. Sương Tỳ Hải là một tuyển tập những tiểu luận và tùy bút của ba tác giả: Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger. Anh chọn lựa và dịch theo kiểu phiêu bồng của anh. Tôi biết chắc rằng, những tác giả kia nếu hiểu được tiếng Việt chắc cũng sẽ giật mình vì không biết mình từng viết thơ lục bát tiếng Việt lúc nào. Hay nói như Albert Camus (tôi chỉ biết câu tiếng Đức): Diejenigen, die wirklich etwas zu sagen haben, sprechen nie davon - chính những kẻ có thẩm quyền phát biểu thì họ chẳng hề nói gì cả.

Dĩ nhiên có lúc anh còn nói về những chuyện khác, chuyện thơ văn, chuyện triết học, chuyện dĩa bay đến từ hành tinh lạ, chuyện bom nguyên tử nổ, chuyện ông Khổng ông Trang ông Lão rồi cả ông Công Tôn Long bên Tàu, chuyện mấy ông triết gia bên Tây, kể luôn chuyện mấy “thằng” Quảng Nam cứ lo mấy chuyện hội hè gì đâu… Anh nói chỉ để nói, có thể cho anh nhiều hơn là cho tôi. Có khi anh nói say sưa, quay lại thì tôi đã nằm xuống ngủ lại lúc nào. Anh lại kêu dậy, lại nhắc chuyện giấc miên trường!

Cũng có những khi chúng tôi “nói chuyện” với nhau mà không có một tiếng động, không một âm thanh. Đó là những hôm tôi thấy anh rất buồn. Anh gọi tôi, rồi không hiểu sao cứ ngồi thừ người ra yên lặng. Còn tôi thì ngồi trên giường của mình nhìn sang giường bên kia lim dim ngủ gà ngủ gật. Với một thanh niên hiếu động mà ngồi yên như thế thật không dễ chút nào. Nhưng tôi phần vì lịch sự, phần vì tôn trọng anh nên cứ ngồi như thế cho đến lúc có ai tới, hay cháu Ti con chị Tư mang cơm chiều đến. Thật ra thì tôi cũng ít khi có mặt ở phòng mình. Tôi đi làm ở thư viện nửa buổi, lại đi dạy kèm thêm, rồi rảnh thì đi chu du qua những phòng khác (Vạn Hạnh vui lắm) hay xách xe Honda chạy khắp nẻo Sài Gòn, hoặc có khi đi chơi thể thao. Dĩ nhiên chuyện chính của tôi là còn phải học, phải thi nữa nên lúc nào mệt thì mới về phòng. Tuổi thanh niên mười chín hai mươi ai mà chẳng làm như thế! Giờ nghĩ và nhớ lại, đa số nội dung những cuộc nói chuyện như thế tôi đã quên tuốt luốt từ lâu, nhưng những buổi ngồi yên lặng, ngồi không làm gì cả đã “thấm” vào tôi. Từ nhiều năm nay ở hải ngoại, tôi vẫn còn mãi thói quen vào mỗi buổi sáng, chỉ ngồi yên lặng thật lâu như thế trước khi ra xe đi làm.

 

Sẽ đi cùng bước chân mùa (BG)

Cuộc đời anh Bùi Giáng có hai „biến cố“ vô cùng quan trọng. Biến cố thứ nhất là người vợ yêu quý của anh, bà Phạm Thị Ninh, đã mất khi lâm bồn sinh đứa con đầu lòng (chết cả hai mẹ con) lúc mới hai mươi mốt tuổi. Thơ anh viết về vợ mình cũng nhiều, nhưng tôi thích nhất là hai câu:

Mình ơi! tôi gọi bằng nhà

Nhà ơi! tôi gọi mình là nhà tôi”.

Làm sao có thể hiểu được hết trọn nghĩa hai chữ „nhà tôi“ này. Ấy là một cõi lòng, một khối tình hay là một tổ ấm, một nơi quay về khi vừa bước đi thì đã thấy „nhớ nhà“? Hay là tất cả những thứ đó? Những từ ngữ quá ư đơn giản nhưng khi dệt thành thơ thì vô cùng tuyệt diệu.

Biến cố thứ hai là vụ cháy nhà ở đường Trương Tấn Bửu Sài Gòn, cháy hết cả tủ sách và bản thảo, đẩy anh vào cơn khủng hoảng. Với một tâm hồn và thể chất nhạy cảm thì chuyện buồn chuyện vui gì cũng có thể tạo ra những khúc quanh đáng nói trong cuộc sống. Cho nên nếu sự kiện nhà cháy làm tiêu bao nhiêu bản thảo là một khúc quanh quan trọng, thì việc tạp chí (bị đổi thành “giai phẩm”) Văn số 11 thực hiện một số đặc biệt về Thi Sĩ Bùi Giáng vào tháng 5 năm 1973 cũng là một khúc quẹo đáng kể của cuộc đời ông Trung Niên Thi Sĩ. Giai đoạn này là thời gian tôi ở rất gần anh.


Ở đây xin mở ngoặc nói thêm là ở miền Nam Việt Nam trước 1975 tạp chí Văn là một trong những tờ tạp chí hàng đầu trong lãnh vực văn học nghệ thuật. Tờ bán nguyệt san Văn ra số đầu tiên vào ngày 01.01.64 với chủ đề “Tuyển tập thơ văn”.  Số cuối cùng phát hành ở trong nước mang tên Giai phẩm Văn có phần đặc biệt : “Văn học và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại”. Trang cuối tờ giai phẩm Văn số này có ghi: " Sàigòn ngày 13.03.75. Phát hành ngày 26.03.75. Số lượng in 6.000 cuốn”. Bán nguyệt san Văn do ông Nguyễn Đình Vượng làm chủ nhiệm. Thời kỳ đầu (1964- 1971) thư ký tòa soạn là ông Trần Phong Giao. Từ 1972, thư ký tòa soạn là ông Nguyễn Xuân Hoàng. Tạp chí Văn từng ra nhiều số đặc biệt về những nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa, nhưng hầu hết đã quá cố. Lần đầu tiên Văn ra số đặc biệt về một nhà thơ còn sống, ở tuổi trung niên (47 tuổi) là Bùi Giáng. Thật tình hôm tôi nghe anh kể lại việc ông Nguyễn Xuân Hoàng tiếp xúc trao đổi về việc thực hiện số này tôi cứ tưởng anh nói đùa (vì anh vẫn thường hay đùa vui như vậy, như chuyện anh gặp và uống trà với Nguyễn Du hay Khổng Tử, Trang Tử v.v…). Đây là một quyết định táo bạo của Văn và cũng xứng đáng khi họ chọn ông thi sĩ họ Bùi cho số đặc biệt này. Anh bồn chồn hồi hộp lắm. Anh cứ bâng khuâng và tò mò hỏi tôi mãi rằng Thầy Tuệ SỹThầy Phước An (Trần Hữu Cư) viết gì về anh, nhưng làm sao tôi biết được. Tôi cũng đâu hỏi hai vị ấy được.

Cuối cùng Giai Phẩm Văn số 11, ra ngày 15.05.1973 số đặc biệt về Nhà Thơ Bùi Giáng gồm những bài viết của các tác giả: Thanh Tâm Tuyền, Tuệ Sỹ, Nam Chữ, Cao Huy Khanh, Trần Hữu Cư, Thục Khưu, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Xuân Hoàng ra đời. Trang bìa in hình chân dung lớn của anh. Thật là một Giai Phẩm tuyệt vời với những bài viết công phu của nhiều cây viết gạo cội của văn học Việt Nam lúc ấy.

 Như những người xem đá banh vui cùng cực khi đội bóng nhà thắng trận, nhất là những trận gay go. Có thể họ la hét, đập phá điên cuồng, có khi sinh tử thương. Thi hào Nguyễn Du từng lo rằng không biết ba trăm năm sau có ai khóc mình không. Anh Bùi Giáng không có nỗi lo như thi hào Nguyễn Du vì báo Văn đã khiến tên tuổi anh trong văn học sử Việt Nam, từ trước vốn đã nổi danh nay lại càng nổi danh hơn. Cái niềm vui ấy đến với anh chầm chậm, nhưng miệng núi lửa của ngọn hỏa diệm sơn chôn kín bên dưới đã hé mở để rồi bộc phát dữ dội. Những xúc cảm tưởng chôn vùi mấy năm nay bây giờ thức dậy đã đẩy, đã anh vào trận rong chơi mới không biết mỏi mệt. Chỉ sau vài tháng anh bắt đầu đi lang thang khắp Sài Gòn Chợ Lớn rồi khắp luôn đến lục tỉnh. Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi, đi lên đi xuống đã đời du côn (BG). Anh mang theo trong túi rất nhiều số báo này, biếu cho những ân nhân dọc đường. Họ là những bà bán hàng xén, anh xích lô, em bé bán cà rem… Anh đi chơi cả trong những giờ giới nghiêm, gặp cảnh sát hay quân cảnh hỏi giấy thì thay vì trình căn cước, anh chỉ vào hình bìa tờ báo Văn và nói “ta không có căn cước chỉ có cái này”.

Và từ đó bắt đầu cuộc du hí của Thần Tiên Xuống Núi (trước kia là Thần Tiên Trên Núi, như anh viết). Sau lúc đi lang thang, dần dần vui quá anh mua thêm chó và khỉ dắt đi cả bầy, lúc hứng chí múa may quay cuồng. Chỉ thời gian ấy, lúc nào tôi gặp anh nhảy múa giữa đường thì tôi thấy xót lắm nên đến nhắc anh và gọi anh về (anh dùng chữ: tôi la anh), thì anh lại nghe và không nhảy múa nữa. Chúng tôi lại cùng về phòng, anh tắm rửa tử tế và chúng tôi lại ăn cơm chung. Vài hôm sau lại đi tiếp. Tôi biết, không phải anh “sợ” gì tôi nhưng anh biết những tình cảm và những lo lắng của tôi, một con người rất bình thường, không ham những trò thần tiên du hí, có khi tôi còn thấy quê nữa là khác.

 


Bui giang

Hình bìa Báo Văn “Số Đặc Biệt Về Nhà Thơ Bùi Giáng“

[ Nguồn: xem ghi chú cuối bài (* ]  ]

 

Rồi ngày 30 tháng tư 1975 đến, chúng tôi mỗi người mỗi ngã.

Nghĩ lại từ ngày ấy đến lúc anh mất là hai mươi ba năm. Hơn hai mươi năm ấy anh mặc tình  lang thang du hí, và không biết bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu chùa chiền sư sãi đã thương, đã quý, đã đón tiếp nồng hậu anh. Tôi biết làm việc ấy không phải dễ vì tiếp một vị khách dị thường như thế cần phải có nhiều kiên nhẫn và dũng cảm. Kể cả nghệ sĩ Kim Cương cũng một mặt lo lắng chăm sóc cho anh. Rồi gia đình người cháu rể là anh Nguyễn Thanh Hoài đã lo lắng chăm sóc những khi anh đã mỏi mệt sau những cuộc đi hoang. Việc ấy không phải ai cũng làm được. Thật đáng phục.

 

***

Tôi còn muốn ghi lại một kỷ niệm nữa, một câu chuyện nhiều ấn tượng, một câu hỏi chưa tìm ra đáp án và cứ vang đọng mãi trong tôi.

Một buổi chiều kia, anh Giáng dặn tôi hôm sau cố gắng về để anh có việc muốn hỏi. Tôi y theo lời về sớm hơn thường lệ.

- Chú mày có đọc truyện Kiều không?

- Dạ không, à mà có. Nghĩa là tôi chỉ học ở trung học thôi.Tôi đậu tú tài đàng hoàng mà anh.

- Vậy là chú mày cũng kém như lũ ấy. Ông Nguyễn Du sống dậy cũng sẽ ngã lăn ra chết tức tưởi ngay vì chúng mày.

- Nghĩa là sao?

- Mới chỉ hơn hai trăm năm mà chúng bay không hiểu gì về Nguyễn Du. Một trăm năm nữa sẽ không còn ai khóc Nguyễn Du là cái chắc. Ông Tố Như đã đoán biết như thế.

Giọng anh trở nên giận dữ.

- Làm sao tôi biết là chuyện gì?

- Tại sao nàng Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường, chú mày nói tao nghe thử?

Anh Bùi Giáng hỏi gằn giọng.

- Tại vì nàng ta muốn chết. Tôi trả lời ngay không cần suy nghĩ (thì muốn chết mới tự tử chứ).

- Tao biết, chú mày khá lắm.

- Tôi khá làm sao? Tôi chỉ học như vậy và nói lại thôi.

- Chú mày khá là chú mày biết được, cụ Nguyễn Du muốn Thúy Kiều chết. Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường là nàng muốn chôn vùi cuộc đời nàng ở đó. Chuyện ngư ông giăng lưới vớt nàng, rồi đem về Am Chiêu Ẩn chỉ là trò giả ngụy. Sông ơi em bỏ sa mù, đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau.

Rồi anh tiếp tục sang sảng đọc thơ, giảng thơ. Lúc ấy tôi chỉ lơ mơ, nghĩ trong bụng rằng may là tôi không học Việt văn của ông Thầy nầy chứ viết văn như ông nói thì Bộ Quốc Gia Giáo Dục sẽ cho tôi rớt tú tài và sẽ phải xách gói đi Thủ Đức nhập ngũ, không biết chừng đã gởi thây nơi chiến địa. Những năm ấy cuộc chiến đã lên cao độ, biết bao nhiêu bạn học thời trung học của tôi đã bỏ mình trên các mặt trận.

Bây giờ ngồi đọc lại cuốn “Sương Tỳ Hải” do anh dịch, phần thứ ba của Martin Heidegger, giúp tôi hiểu thêm ra ít nhiều về điều ấy. Anh viết như sau (tr.166):

Dặm khuya ngất lạnh mù khơi

Bóng hoa đầy đất ngang trời vẻ ngân

Mây Tỳ Hải dội lên ngàn

Càn khôn ở lại bên làn Tồn Lưu.

Cõi người Mặt Đất ưu tư…

Bên mình phố thị Lan ừ hay vâng?

Was soll das heissen? Nichts weniger als: „der Weite des Himmels sich öffnen und zugleich in das Dunkel der Erde wurzeln…

Tôi (Thanh Niên Tuấn) xin tạm dịch nguyên ngữ đoạn tiếng Đức:

Điều đó nghĩa là gì? Chẳng qua nó chỉ là: cái cõi Thiên Không kia tuy thênh thang rộng mở, nhưng cùng lúc  Bóng Tối cũng đã cắm rễ sâu vào miền Đại Địa ấy rồi.

Thúy Kiều đã kinh qua tận cùng khắp cõi những nỗi đau của nhân thế, khi đã trầm mình vào dòng Tiền Đường thì nàng đã chết. Đây là trạm cuối cùng. Vở kịch đã đến hồi kết thúc. Màn phải kéo lại. Chuyện chết đi sống lại chỉ là chuyện dựng ra trong một vở kịch thường tình kiểu Happy End. Một giải pháp hình nhi hạ. Cụ Tố Như đã quá lịch sự và từ bi nên phóng bút thêm mấy trăm câu thơ phỏng theo Kim Vân Kiều Truyện chứ theo anh Bùi Giáng thì cụ đã cho Thúy Kiều chết ở đấy rồi.

Nghĩ ra vậy, tôi mới hiểu thêm tại sao anh Bùi Giáng đã chọn cuộc rong chơi điên đảo nhảy múa khắp Sài Gòn để hứng chịu bao nhiêu đắng cay và đau đớn khi thiên hạ đánh đập la mắng hay bị bắt bớ. Anh đã sống tận cùng để cảm nhận những điều anh suy tư. Có triết gia nào, có thi sĩ nào đã can đảm làm như thế? Nghĩ ra vậy, tôi mới hiểu được tấm lòng Chúa Giê-Su khi chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá. Nghĩ ra vậy tôi mới cảm nhận được tâm tình của Thái Tử Tất Đạt Đa khi rời bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu thực hành khổ hạnh cho đến lúc chỉ còn da với xương.

Thể nghiệm bước tận cùng của khổ đau cũng chính là lúc trở mình chuyển sang bước thăng hoa.

 

Dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau (BG)

Mới mấy tháng trước, có người bạn phương xa gọi điện thoại hỏi thăm, rồi câu chuyện tự nhiên đậu lại những câu thơ tuyệt vời của Bùi Giáng.Bạn hỏi tôi: tao hỏi thật, ông ấy có điên không? Sợ bạn buồn nên tôi im lặng không trả lời, nhưng lại nghĩ thầm trong bụng: bộ mày điên rồi hay sao mà hỏi vậy?

Trong cuộc sống quanh ta, một cuộc sống bình thường, có những con người rất bình thường (tôi cũng thuộc vào số đó). Rồi trong số những người bình thường ấy cũng có những người không bình thường, ta gọi là bất thường. Trong số những người bất thường kia rồi sẽ có những người phi thường.  Những con người phi thường lại có khi sống bất thường và hành động thất thường.  Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng của chúng ta là tổng thể của những con người ấy. Vui chơi nhảy múa viết văn làm thơ cho đời vì cuộc đời vốn vô thường. Hay ta gọi ấy là một người dị thường? Chắc cũng không đúng! Xin bình tâm đọc lại.

Ai đẩy Thúy Kiều vào lầu xanh? Ai xô Alissa vào khung cửa hẹp? Định mệnh hay nghi ngẫu? Hoàn cảnh xã hội, tư tưởng tôn giáo, hay ý thức quyết tuyển tự do của con người, hay tâm thức của thiên tài sáng tác? Hay mọi thứ đó phối hợp?

Một lần nữa ngồi đọc kỹ những câu văn ấy, tôi chợt nhận rõ ra rằng, trần gian không phải chỉ có những khung cửa hẹp. Đằng sau những khung của hẹp còn có rất nhiều những chấn song. Con người tự do là người dám vượt thoát ra khỏi cả những chấn song sau những khung cửa hẹp ấy. Và những con người can đảm ấy thường bị người đời gán cho tên gọi là „những người điên“.

Xưa, thời chiến quốc bên Tàu, có chuyện ông thần y tên là Văn Chí chữa bệnh cho ông Long Thúc. Thần y Văn Chí nổi tiếng một thời, từng chữa khỏi cơn bệnh hiểm nghèo cho Tề Hy Vương. Cụ Nguyễn Hiến Lê kể lại trong tác phẩm Liệt Tử - Dương Tử (tr.172-177) câu chuyện ấy như sau:

Long Thúc bảo Văn Chí: Y thuật của ông thật huyền diệu! Tôi bị một bệnh, ông trị cho được không?

Văn Chí đáp: Xin vâng, nhưng ông cho biết bệnh gì đã.

Long Thúc đáp: Người trong làng khen tôi, tôi không lấy làm vinh, người trong nước chê tôi, tôi không lấy làm nhục; được đã không mừng, mất cũng không buồn; tôi coi sống chết như nhau, giàu nghèo như nhau; coi mọi người khác như loài heo, mà tự coi tôi cũng như mọi loài khác. Tôi ở trong nhà tôi mà tự coi là quán trọ, coi làng tôi như nước ngoài. Ngoài mấy tật đó, tôi lại còn coi thường tước quí, chẳng sợ hình phạt; thịnh suy lợi hại không làm thay đổi được lòng tôi, vui buồn cũng không động được lòng tôi, cho nên tôi không thể thờ vua giúp nước được, không thể thân với bà con bạn bè được, kiềm chế vợ con, sai khiến tôi tớ được. Tôi có bệnh gì vậy ông? Có phương nào trị được không?

Văn Chí bảo Long Thúc quay lưng ra chỗ sáng, rồi mình đứng ở phía sau hướng ra phía sáng mà xem xét.

Xem kĩ rồi bảo:  A! Tôi thấy con tim của ông rồi, nó rỗng như một tấc vuông, gần như tim một bậc thánh. Sáu lỗ tim của ông đều thông, chỉ có một lỗ nghẹt thôi. Ngày nay người ta cho cái trí sáng suốt của thánh nhân là một thứ bệnh, có lẽ đó là bệnh của ông chăng? Y thuật của tôi không trị được thứ bệnh đó.[1]

(Chú thích của cụ Nguyễn Hiến Lê: Người thời đó cho rằng trái tim bậc thánh chỉ có bảy lỗ, đều thông cả nên rất minh trí)

Bởi thế, ai nói gì mặc ai. Có kẻ nói Bùi Giáng là người điên, thậm chí còn nói là giả điên. Có người nói ông là thiên tài, là tiên ông, là thiền sư thi sĩ, là thi thánh, là kỳ nhân. Và là gì đó nhiều tên nhiều chữ khác nữa. Với tôi, anh luôn là “người hàng xóm” ít lời và dễ thương. Còn nếu nói về văn nghiệp hay thi nghiệp của anh, thì tôi chỉ có thể mượn chữ của anh thôi: “Ông Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ”. Gọi thế để tôi vẫn còn là “Thanh Niên Tuấn” của năm nào còn ở Vạn Hạnh, dù đã bước vào lục thập.

 

Thác là thể phách còn là tinh anh (Nguyễn Du)

Anh Giáng ơi! Giờ anh lại xách gói ra đi. Lần này anh đi thiệt và đi lâu.

Đi về đi ở đi đi

Đi là đi biệt từ khi chưa về (BG).

Ai biết anh sẽ đi đâu? Chính anh còn không biết nữa thì ai biết.

Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại

Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu

Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi

Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu (BG).

Có điều tôi biết chắc, đi đâu anh cũng cứ vui đùa du hí chọc phá theo thể điệu đười ươi cho đến khi ngã quỵ. Những điều anh muốn và những điều tôi hứa với anh ngày ấy năm 73 tôi đã làm. Giờ, vào đã đến tuổi lục thập nhi nhĩ thuận tôi mới thu hết can đảm ngồi ghi lại lai rai những sự việc xảy ra trong đời mình (mình đã ngoéo tay như vậy). Tôi không còn phải lo học hành thi cử gì nữa, có chăng thì chỉ lo tu tập thôi. Và rồi sẽ có một hôm đẹp trời nào đó tôi cũng sẽ không đọc không viết luôn, để thì giờ làm một việc gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời mình hơn.

Tôi thương nhớ và trân quý những ngày ấy lắm. Ngẫm lại, thời gian ngắn ngủi chỉ khoảng một ngàn ngày ở Vạn Hạnh ấy chính là khoảng thời gian đẹp nhất đời tôi. Anh cứ tưởng đầu đường thương xó chợ; Ai có ngờ xó chợ cũng thương nhau (BG). Xó chợ kia là góc chợ Trương Minh Giảng ngày nào hay cũng chính là những xó chợ đời?

Bây giờ anh làm một giấc “miên trường”, thật bình yên và thơ mộng tại nghĩa trang Gò Dưa ở Thủ Đức sát bên chùa Quảng Bình. Mộ anh còn nằm sát mộ thi sĩ Tạ Ký và gần mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rốt cuộc rồi anh cũng về nằm gần chùa để khuya sớm được nghe tiếng mõ câu kinh.

Trước mộ chí, tôi đã cung kính đốt một nén hương trước và rồi một điếu thuốc lá đặt vào bức tượng đá của anh sau (dù tôi đã bỏ hút thuốc 25 năm nay rồi). Bỗng dưng lòng tôi chợt vui vô hạn. Tôi nhớ ngay hai câu thơ đã từng nghe anh đọc và nằm kín đâu đó trong xó ký ức tôi (tiếc là bây giờ tôi không có tài liệu tra cứu nguồn và lời thơ cho chính xác. Xin cứ ghi ra, nếu không đúng hẳn xin anh đừng trách, chỉ một lần này thôi).

Du hí thần thông tam muội tận

Hồi đầu ngộ kiến Thích Ca thân.

Nghĩa: Dạo chơi đến tận cùng cõi thần thông tam muội, lúc quay về chợt gặp pháp thân (tượng) Thích Ca đã nằm ở đó.

-----------

(*) Ghi chú: Tấm hình bìa báo Giai phẩm Văn phía trước tôi tìm thấy trên mạng và tải xuống giữ trong máy như một kỷ niệm trân quý với thi sĩ Bùi Giáng và sơ ý quên ghi nguồn. Bây giờ cần trích dẫn đi tìm lại thì không còn thấy nữa. Nguyên gốc hình hơi mờ, có con dấu đóng tên người cũng mờ, có thể là Phan Kim Thịnh và ghi chồng một chữ lên, hình như là chữ “bỏ”. Thấy phiền nên tôi đã tẩy nó đi và chỉnh sửa lại cho đẹp. Xin cáo lỗi cùng chủ nhân.

(**) Tất cả những nhan đề tiểu mục trong bài này là các câu thơ của Bùi Giáng, có ghi chữ BG trong ngoặc.

 

Viết thêm:

Bài viết vừa xong thì anh Nguyễn Hiền gởi Email cho biết thêm, vào năm 1997 tập san Thời Văn trong nước cũng có ra một số đặc biệt về Bùi Giáng. Thời Văn viết trong “Thay Lời Vào Tập”: Ở đây, Thời Văn chỉ mạo muội nhìn thi sĩ như ngắm một hiện tượng văn học. Lúc ấy ở hải ngoại tôi không biết và không đọc được đặc san này. Nhưng, sao lại gọi là một “hiện tượng văn học” và lại “nhìn” rồi “ngắm” ??? Không biết trong năm cuối đời này anh Giáng đã nghĩ sao (anh mất năm 1998) nhưng khi tôi đọc những chữ này thấy sao chua xót quá. Tôi một lần nữa cám ơn ông Đười Ươi Trung Niên Thi Sĩ họ Bùi ngày ấy đã chận không cho tôi lún chân vào làng văn nghệ. Ơn ấy lớn lắm!

Thôi, tôi xin học hạnh “ngồi yên lặng” của anh.

Tôi cũng đang buồn lắm đây!

Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.

Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân

(Bùi Giáng – Chào Nguyên Xuân)

 

 

--

Văn Công Tuấn

 (Trích từ tác phẩm Cổ Thụ Lặng Bóng Soi. Nxb Tôn Giáo, 2016)

 

 



[1] Nguyễn Hiến Lê: Liệt Tử - Dương Tử. Long Thúc vị Văn Chí (tr.175-177). Nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/04/2018(Xem: 2963)
Lá và cành khô đã gẫy đổ, giạt theo mặt hồ từ những ngày tàn xuân. Một số cành khác đã mục rữa từ dưới nước, nhưng vẫn gắng bám rễ nơi sình lầy, đong đưa những chiếc lá khô teo rúm cho đến khi thực sự bật gốc. Rồi một ngày, hai ngày, rồi nhiều ngày qua đi... khi nắng hạ oi ả nóng bức bắt đầu thiêu đốt những lá khô sót lại cuối mùa, những chồi xanh mơn mởn của lá sen vươn lên; từng lá, từng lá, mở ra tròn đầy, mạnh mẽ như thể đang chuẩn bị bảo vệ, chào đón sự xuất hiện phát tiết của những cành hoa. Và khi lá đủ lớn, màu trở nên xanh thẫm hơn, thì những nụ sen cũng vừa trồi khỏi mặt nước, đong đưa theo làn gió nhẹ trưa hè.
10/04/2018(Xem: 3518)
Đọc: Hạt Nắng Bồ Đề Ký sự hành hương của Văn Công Tuấn, Đọc: Hạt Nắng Bồ Đề Ký sự hành hương của Văn Công Tuấn Chữ bay từng cánh chim ngàn Mỗi câu là mỗi Niết bàn hóa thân. Xin phép được “tựa” vào hai câu thơ của cố Giáo sư Vũ Hoàng Chương, để bước vào thế giới văn chương của Văn Công Tuấn. Vì rằng, có lẽ, anh đã có nhiều duyên lành để dung thông với tư tưởng uyên áo của các bậc Thầy khả kính nơi ngôi trường Vạn Hạnh của ngày xưa Sài Gòn. Cũng như sau nầy có nhiều thuận duyên để tìm hiểu thêm về tư tưởng các danh nhân trên thế giới. Trong đó anh đã dành cảm tình đặc biệt với văn hào Hermann Hesse. Người đã được thừa hưởng “gia tài tâm linh” của một “ông lái đò” qua câu chuyện dòng sông. (“Khi dòng sông phẳng lặng thì bóng dáng chân như sẽ hiển bày”).
01/04/2018(Xem: 15327)
Chánh Pháp, số 77, tháng 4.2018, ¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2 ¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3 ¨ XUÂN ĐẾN VUI GÌ? (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 8 ¨ NỘI DUNG KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA, t.t. (HT. Thích Thắng Hoan), trang 9 ¨ KHI GIỮA ĐỜI THƯỜNG (thơ Mặc Phương Tử), trang 12 ¨ BẢN TÍNH CON NGƯỜI VỐN VỊ KỶ HAY VỊ THA? (Nguyên Hạnh dịch), trang 13 ¨ THƯ CUNG THỈNH CHỨNG MINH/THAM DỰ ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PL.2562 (TK. Thích Pháp Tánh), trang 15 ¨ HOÀI NIỆM HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ THỦ (Quách Tấn), trang 16 ¨ CÔ ĐỘC HÀNH, HOÀI HƯƠNG (thơ Phù Du), trang 18 ¨ ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ PHẬT GIÁO ỨNG DỤNG, t.t. (Tuệ Uyển dịch), trang 19 ¨ KHÓC TỐ NHƯ (thơ Diệu Viên), trang 22 ¨ ĐIỆN THƯ PHÂN ƯU: NI SƯ THÍCH NỮ NHƯ THỦY VIÊN TỊCH (Tổng vụ Ni Bộ), trang 23 ¨ TƯỞNG NIỆM NI TRƯỞNG THÍCH NỮ NHƯ THỦY (TN Như Đức), trang 24 ¨ NHỮNG BÀI HỌC TỪ CÁCH ỨNG XỬ (TN. Như Bảo), trang 26 ¨ MỘT VẦNG TRĂNG (thơ Vĩnh Hảo), trang 27 ¨ VEN. SANGHARAKSHITA (1925 -)
25/03/2018(Xem: 4130)
Khi dòng sông phút trước không còn là dòng sông phút sau, thì đời người phút trước cũng không giống đời người phút sau. Theo dòng thời gian, mọi thứ trôi qua còn nhanh hơn thế nữa. Nhưng thời gian có không, trong sự dịch chuyển của đơn vị vật chất nhỏ nhất (neutron, proton, quantum, photon...)? Một phần triệu giây, hoặc ngắn hơn! Có đơn vị thời gian nhỏ nhất hay không? Có tên gọi cho một khoảnh thời gian quá nhỏ nhiệm như thế không? Thời gian, đối với lý thuyết vật lý hiện đại, chỉ còn là một khái niệm, dường như có, dường như không, hoặc không hề tồn tại, hoặc tồn tại như một ảo tưởng, ảo giác từ tâm thức, hoặc như là một mộng ảo từ sự sinh diệt của một lượng tử, một hạt ‘ánh sáng’ hay ‘sóng’ mơ hồ tức-hữu tức-vô. Long Thọ (1) từ thế kỷ thứ hai chẳng đã từng nói là không làm gì có thời gian hay sao! (2) Vì thời gian do nơi vật thể mà có; mà vật thể như photon (hạt căn bản—elementary particle) còn không thể nói là có hiện hữu như là một “vật” thì thời gian làm gì hiện hữu? (3)
24/03/2018(Xem: 3868)
Nghe, lắng nghe, và không nghe khác nhau ở điểm nào? Nghe. Dĩ nhiên là bằng đôi tai rồi. Nhĩ căn tiếp nhận, giao lưu với Thanh trần. Nhưng có kiểu nghe mà không nghe. Âm thanh vẫn chảy vào, chui vào, tấn công vào hai bên màng nhĩ, mình cảm nhận được là mình đang có nghe, nhưng mình chỉ biết là có nghe vậy thôi, chứ không rõ là mình đang nghe cái chi chi, cái gì gì. Nhà thiền có một công phu, thôi, gọi là phương pháp cho dễ hiểu, là phương pháp mở rộng hết, mở toang ra cả lục căn (nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý) để đón nhận lục trần (sắc thanh hương vị xúc pháp) trong cùng một lúc.
16/03/2018(Xem: 15396)
Bí Mật Xứ Tạng (sách pdf) Thích Minh Thế
13/03/2018(Xem: 14431)
Cùng là một tảng đá, một nửa làm thành tượng Phật, một nửa làm thành bậc thang. Bậc thang không phục hỏi tượng Phật rằng: - Chúng ta vốn dĩ cùng là đá, tại sao người ta chà đạp tôi, nhưng lại sùng bái người?! Tượng Phật trả lời: - Vì người chỉ chịu 4 nhát dao đã có được hình hài đó, còn ta lại trải qua trăm ngàn ngọn dao đục đẽo, đau đớn muôn vàn. Lúc đó bậc thang im lặng... Cuộc đời con người cũng thế: Chịu được hành hạ, Chịu được cô đơn,Gánh được trách nhiệm, Vác được sứ mệnh, Thì cuộc đời mới có giá trị...
12/03/2018(Xem: 6872)
Tắt máy. Xuống xe, Mỉm cười. Bình yên. Dạ thưa, con đã đi, mới vừa thượng sơn, và con đã đến. Lạy Phật. Lạy Pháp. Lạy Tăng. Những bước chân khẽ khàng, nhẹ bổng của con đi trên đất, qua sân chùa, theo Thầy từng bậc cấp lên gác chuông, đều cảm nhận được nguồn năng lượng của an lạc.
10/03/2018(Xem: 3924)
Tiếng Việt thời LM de Rhodes - sinh thì là chết?, Các phần trước của loạt bài "Sinh thì là chết?" (11.1, 11.2 và 11.3) đã ghi nhận khả năng liên hệ sinh 生 trong sinh thì với cách đọc Hán Việt thăng[2] 升 và phương ngữ ở phía Nam Trung Quốc (TQ) qua dạng sing/seng (shēng bình thanh, giọng BK bây giờ), hay là một cách dùng nhầm của tiếng Việt[3] (so với nghĩa sinh thì/sinh thời trong tiếng Việt hiện đại). Phần này bàn về khả năng sinh thì là kết quả thể hiện qua ngôn ngữ từ tư duy tổng hợp của người VN: kết hợp lòng tin Công giáo với truyền thống tôn trọng người đã ‘qua đời’ qua uyển ngữ Hán Việt (HV). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là ba tác phẩm của LM de Rhodes soạn: cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC) và từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn
03/03/2018(Xem: 18223)
Vừa qua, bản thảo cuốn sách này, « Con Người và Phật Pháp » được tác giả Lê Khắc Thanh Hoài gởi đến cho tôi với lời đề nghị tôi có vài dòng đầu sách. Tôi có phần e ngại, vì có thể tôi không nắm rõ hết ý tưởng của tác giả và cũng có thể không nêu hết ý nghĩ của mình. Thế nhưng đối với một tác giả, một nữ cư sĩ Phật tử trí thức thuần thành, một nhà văn, một nhà thơ và là một nhạc sĩ mà tôi vẫn lưu tâm, cảm phục, cho nên tôi quên đi phần đắn đo mà mạnh dạn có mấy dòng, gọi là chút đạo tình và lòng trân trọng đối với chị Thanh Hoài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]