Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Spring, Summer, Fall, Winter... And Spring

25/01/201505:13(Xem: 5831)
Spring, Summer, Fall, Winter... And Spring

spring-summer-fall-winter-and-spring

Buổi chiều ghé ngang bưu điện, ngoài những thư từ tạp nhạp, còn có một gói giấy mỏng như cuốn sách, không biết của ai gửi. Tôi quẳng tất cả vào chiếc thùng giấy sau xe. Trên đường về, có một cú phone đường dài, thì ra anh Dũng, một người quen đã lâu không gặp mặt. Anh bảo vừa gửi tôi một cuốn phim và hỏi đã nhận được chưa. Anh nói lúc xem phim cứ nhớ đến tôi và bất chợt muốn nghe tôi chia sẻ đôi điều gì đó.

Tôi không phải tín đồ của điện ảnh, chẳng mấy khi xem, nói gì là nghiện. Nhưng lúc xem xong cuốn phim đó, xem và hiểu theo cách riêng của mình, chẳng hiểu sao cứ bâng khuâng mấy giờ liền...

Cuốn phim của Hàn Quốc, cái tựa thậm thượt và nghe phát nản: Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring. Và đúng như cái tựa, chuyện đời của các nhân vật trong phim cứ từng bước phù trầm đổi thay qua từng dấu mốc thời gian hệt như bốn mùa trong năm. Cả cuốn phim cơ hồ chỉ nói đến hai người, mà nổi bật có lẽ chính là nó!

Nó hồn nhiên lớn khôn như một hòn cuội, một cánh bướm, một con nhái bén bên hồ. Sư phụ là tất cả đối với nó, và chỗ ở của hai thầy trò có lẽ thơ mộng đáng vào bậc nhất thế giới: Một am gỗ xinh xắn và cổ kính nằm giữa hồ nước mênh mông, bốn bề là cây rừng và đá núi ([1]).

Nó nghịch ngợm đáo để, nhưng cũng nhiều ngộ tánh. Có lẽ đó là lý do để sư phụ xem nó như chút bận lòng của ông giữa cuộc phù sinh nhất thiết giai không này. Nó lầm lỗi, ông phạt nó, dạy nó. Nó khóc một, ông đau mười, nhưng ông vui vì nó hiểu chuyện nhanh lắm và cũng giàu lòng nhân. Hai cái đó cộng lại cũng đủ biến nó thành ông thầy tu rồi còn gì.

Dòng đời nhanh và gọn như từng mùa mưa nắng trong cõi nhân gian. Thoắt cái, cậu bé kháu khỉnh ngày nào bây giờ đã ra một chàng trai trẻ vạm vỡ, khôi ngô, dù vẫn tiếp tục hồn nhiên tắm gội trong suối nguồn đạo tình thâm hậu của người sư phụ mà mái đầu giờ đã pha sương. Một chuyện nhỏ nhưng lại là một biến cố lớn đã xảy đến với chốn thanh tu tịch mịch này vào một ngày có khách đàn việt ghé chân.

Họ là hai người phụ nữ, một khỏe một bệnh. Sau cuộc thương lượng đơn giản, cô gái mắc trọng bệnh kia được gửi lại chùa để uống thuốc núi. Cô ở lại một mình và sau dăm ngày lạ lẫm với nếp sống tẻ nhạt lặng lẽ ở đây, cô đã tìm thấy một niềm vui mới. Vị sư già xem cô như một đứa con, và chàng thanh niên vô tư lự kia đã đem cái hồn hậu của núi rừng mà đối xử với cô như một cô em gái. Thế rồi tiếp nối theo đó là những ngày vui bất tận của hai người. Con thuyền nhỏ của chàng đã đưa nàng đến từng bờ cây, hốc đá, nơi đã một thời là thế giới tuổi thơ của chàng, để cùng nghe chim hót, nước chảy.

Chàng lần đầu gặp mặt và sống gần một người không phải sư phụ, và đó lại là một thiếu nữ có nhiều cá tánh. Chàng đã chết ngất trong ánh mắt, nụ cười và cả giọng nói của người bạn mới. Đổi lại, cơn bệnh trầm kha của nàng đã bay biến đâu mất, và thay vào đó là một sức sống mãnh liệt với một thứ ân tình khó gọi tên, đã kín đáo nẩy mầm với ngay người bạn khác phái vẫn gặp gỡ, rong chơi với nhau mỗi ngày. Vào một chiều nắng quái bên hồ, giữa khung cảnh trời nước bao la gợi cảm, họ đã cuồng nhiệt yêu nhau ngấu nghiến, quên mất người sư phụ bên kia hồ đang sửa soạn buổi kinh chiều.

Chuyện vụng trộm giữa hai người dĩ nhiên không thể giữ kín mãi. Hôm đó, sau một cuộc vui cháy bỏng ngay trên con thuyền nhỏ giữa hồ, hai cô cậu đã hồn nhiên ôm nhau ngủ say, bỏ mặc sóng nước vô tình muốn đưa đẩy về đâu cũng được. Chẳng biết cơn gió quái ác nào đã xô con thuyền tự trôi về phía am. Và người sư phụ đã nhìn thấy cảnh tượng mà ông tuyệt không ngờ được. Ông đã gọi hai người đến để hỏi thăm bệnh trạng của nàng, và sáng hôm sau đã buộc nàng rời am về phố. Nàng đã ra đi trong cái dõi nhìn đau đớn của chàng.

Đạo tâm của gã tiểu tăng bây giờ chỉ còn là một bọt nước sẵn sàng vỡ tan. Hắn đã từ một phút rong chơi bến tục mà quên mất nẻo về bờ giác. Trách gì người Trung Hoa xưa giờ vẫn truyền khẩu câu nói tiểu Hòa thượng miệng niệm Phật mà lòng không có Phật. Phật vẫn ngồi đấy thiêng liêng trong ánh nến của ngôi cổ am, nhưng trong mắt gã tiểu tăng kia, giờ chỉ còn một bóng hồng áo lục đã khuất nẻo từ lâu, mà đến tận buổi khuya này, chừng như vẫn còn lẫn khuất đâu đây với một làn hương nhẹ nhàng mộng mị. Rạng sáng hôm sau, lặng lẽ rời am với bức tượng Phật cổ trên tay như chút vốn liếng trên đường đời trước mặt, gã tiểu tăng đã bỏ am, bỏ thầy lên đường không một lời chào. Gã đi theo tiếng gọi của Vô minh.

Nhưng tất cả những tình tiết nhiều kịch tính từ đầu bài đến đây, thực ra, chỉ là cái nền cho một nội dung nằm ngoài mọi dự tưởng.

Năm tháng lại trôi đi như từng mùa xuân thu. Người sư phụ ngày nào giờ đã là một lão tăng quắc thước. Một chân nhân thâm hậu đạo lực và một cụ già hom hem hẩm hiu – cùng lúc tồn tại trong một hình hài còm cõi già yếu đó. Ông vẫn sáng sáng chèo thuyền vào xóm hóa duyên, lặng lẽ mong manh trên con thuyền nhỏ giữa hồ như một cái bóng câm lặng. Sáng hôm đó, mở gói giấy báo đựng bánh khất thực để chuẩn bị độ trai, ông bất chợt đọc được lệnh truy nã của nhà đương cuộc đối với một hung thủ sát nhân. Tin đăng kèm ảnh. Ông lặng lẽ đưa mắt nhìn ra mặt hồ mênh mông, như để cố nhớ lại khuôn mặt bầu bĩnh của cậu đệ tử bé xíu năm nào. Ông thấy hết, biết hết, nhưng không sao đổi khác chuyện đời.

Rồi đúng như nhà sư già đã định liệu, hắn đã trở về. Gã đệ tử vô hạnh kia đã trở về ngôi cổ am để gặp ông và mang trả lại thầy bức tượng Phật ngày nào. Ông hỏi chuyện, hắn khóc như đứa trẻ và trả lời không giấu diếm. Bỏ chùa ra đi ngày ấy, hắn đã tìm gặp được nàng và lấy nhau hạnh phúc. Nhưng cái hồn hậu, đơn bạc của núi rừng đã không cho hắn biết được cái mặt trái nghiệt ngã của chợ đời, khi hắn thật ra không có được những gì nàng muốn. Tình phai rồi tình phụ, nàng bỏ hắn để theo một người khác. Yêu cho nhiều để hận cũng lắm, hắn giết nàng rồi tìm về với sư phụ như một phản ứng tự nhiên của đứa bé nhớ mẹ.

Bây giờ hắn đã trở về, đang ngồi đó đau đớn trước mặt ông. Chiều nay hắn khóc vì đã giết nàng, hận nàng, như ngày xưa hắn đã từng khóc vì yêu nàng, xa nàng. Nhà sư già đã lặng lẽ và kiên nhẫn xoa dịu những cơn bồng bột ngu khờ của hắn như vẫn xem hắn bé bỏng như thuở nào. Ông biết tất cả những gì phải đến nhưng không thể sửa được chuyện đời. Ông chỉ có tấm lòng và tận lực, thế thôi. Ông đã nuôi hắn từ bé, nhìn hắn lớn khôn và vụng dại. Trước sau, với hắn, ông như một người mẹ già góc núi: Cưu mang, đỡ nâng, tha thứ và chờ đợi. Bao năm qua ông chẳng phải vẫn đợi chờ ngày hắn trở về đó sao. Chỉ vì ông hiểu, ông biết, và ông có cõi lòng một bà mẹ.

Như đã đọc được một tương lai nào đó, ông lặng lẽ pha mực rồi khẽ khàng chép lại từng chữ bài Bát-nhã Tâm Kinh ngay trên khuôn sân bằng gỗ của ngôi cổ am, và vẫn bằng thứ khẩu lệnh nghiêm khắc ngày nào, ông bắt hắn dùng chính con dao đã gây án kia để khắc lại từng chữ đại tự mà ông vừa phóng bút trên sân. Hắn khắc chưa xong chục chữ, người ta đến đọc lệnh bắt. Nhà sư già bình thản như không, ông nghiêm trang đề nghị họ hãy đợi hắn khắc xong bài Tâm Kinh, như lời ông bảo đảm, chỉ một đêm thôi. Thời gian chờ đợi đó của mọi người, có lẽ là một trong những giây khắc đẹp nhất trong phim. Đẹp và thật nhiều ý nghĩa.

Sáng hôm sau hắn bị áp giải lên đường và bắt đầu những ngày tù tội. Thời gian trôi đi bao lâu không ai nói được, nhưng rồi gì cũng qua. Mùa đông năm kia, có một viễn khách phong trần ghé về cổ am.

Khách bồi hồi bước qua mặt nước hồ giờ đã đóng băng, và trước sau cổ am vắng ngắt như tờ. Nhìn ra mặt hồ bát ngát, khách chết điếng khi nhìn thấy xác con thuyền xưa đang khuất trong băng giá với những vết lửa cháy nham nhở dở dang. Khách chắp tay cúi đầu như cố hình dung một chuyện cũ. Ngày đó, nhà sư già đã âm thầm hóa thân ngay trên con thuyền với một mồi lửa ngay sau lúc tiễn biệt đứa học trò trên sân.

Vậy là phút cuối, hắn cũng đã trở về. Có điều là lần trở về muộn màng, hắn về cho chính hắn. Sư phụ đã không còn nữa. Hắn quyết định lớn khôn lần nữa trước vong linh của người sư phụ mà hắn không còn cơ hội gặp lại, dù đâu đó quanh quẩn trong ngôi cổ am lúc nào cũng có một con rắn lặng lẽ nhìn hắn như chứng minh, như chia sẻ và cùng vui buồn. Sư phụ đấy chăng?

Hắn đã quay lại con đường mà ngày xưa hắn chưa từng bước đi, dù nó luôn thuộc về hắn. Hắn trần trụi phơi mình trong băng tuyết để tạc tượng, luyện công và sớm chiều hai buổi tụng niệm, như thể không còn kịp nữa. Hắn đi tìm mình, và cũng để gặp lại bóng hình của người sư phụ tình thâm tợ hải. Từng mẩu nến khuya, những tiếng mõ canh tàn hay trong chiều muộn đã từng phút giây đưa hắn trở về ngôi nhà ấu thơ với tất cả niềm nỗi thống hối, bùng vỡ.

Và giai đoạn cuối cùng của cuộc trở về ấy đã đến lúc hoàn mãn. Trong một buổi kinh khuya hắn bỗng nghe tiếng người gọi cửa. Chút bụi trầm luân đã rớt xuống bên hiên cổ am để đưa hắn lại cuối đường. Người thiếu phụ với đứa bé mủm mỉm trên tay đã tìm đến chùa giữa một đêm tuyết lạnh. Không sao nhìn thấy khuôn mặt của nàng. Ở đó lúc nào cũng là một tấm lụa mỏng màu tím. Nàng là ai? Hắn tò mò muốn biết nhưng đành chịu. Lo cho mẹ con nàng một chỗ nằm tạm trong cổ am, một bên bàn Phật, hắn không biết phải làm gì hơn. Chỉ còn biết nhìn nàng và nghe nàng khóc. Giá còn sư phụ!

Sáng hôm sau, nghe tiếng trẻ con khóc bên ngoài, hắn chạy vội ra sân chùa. Trên mặt nước hồ giờ đã thành băng ấy, đứa bé không mẹ đang từng bước bò về phía cổng, nơi hắn đã khoét băng làm một giếng nước dùng qua mùa đông.

Hắn kéo cái xác người lên khỏi giếng. Người thiếu phụ đêm qua đã lọt chân xuống đây khi muốn bỏ con lại cổ am và một mình lẻn đi trong khuya. Đến bây giờ thì tấm lụa che mặt nàng đã có thể gỡ xuống. Hắn đã thấy gì, đó vẫn là một ẩn số của câu chuyện.

Chỉ trong một tích tắc, câu chuyện ấu thơ của hắn từ mấy mươi năm trước bất ngờ sống dậy mãnh liệt với từng chi tiết nhỏ. Ngày đó thằng bé trong cổ am đã trốn thầy vào núi xuống hồ rong chơi. Như điềm báo của một định nghiệp, nó đặc biệt thích thú trò chơi cột đá vào bất cứ con gì bắt được để xem con vật phải vất vả ra sao mà sống còn với một gánh nặng quá sức mình. Sư phụ đã phạt thằng bé đeo một hòn đá nặng trên lưng để hiểu được nó đã làm gì trên chúng sinh khác. Ngày ấy, trong tâm tưởng một thằng bé, đó chỉ là một bài học về hạnh từ bi. Nó đã biết khóc khi không kịp cứu sống con rắn đã bị nó cột đá. Nó cứ tưởng suốt đời mình sẽ không bao giờ tái phạm trò chơi độc ác đó nữa. Nhưng ngày trưởng thành, biết yêu biết ghét, nó đã làm ngược lại.

Hắn lạnh người khi thấy rõ mình đã cột đá vào không biết bao người. Hai người thân thương nhất trong cuộc đời hắn đã phải vì hắn mà oằn lưng với những hòn đá nặng chết người. Lẽ ra hắn chỉ nên để mọi người, kể cả chính hắn, cùng được thanh thản nhẹ nhàng mà đi. Nhưng tất cả đều ngược lại. Bây giờ sư phụ không còn nữa, hắn phải tự phạt mình, để thấm thía tận cùng cái gì là vướng vít, đè nặng.

Thật khó lòng tìm thấy một hình ảnh nào trong đời có thể bi tráng hơn thế. Hắn một mình kéo lê một hòn đá lớn, tìm lên đỉnh núi giá lạnh không người. Trên tay ôm ghì bức tượng Quán Âm. Một hình ảnh khốc liệt. Tôi muốn gọi hắn lúc này là một hành giả, một hành giả vác tượng lên ngàn. Một hành giả đang ngược nguồn để hành hương giữa mùa đông cuộc đời, mà cũng là mùa đông tâm linh. Nhạc phim lúc này cũng bất chợt trầm hùng vang vọng một thứ âm thanh xa vời, mộng mị. Bài Bát-nhã Tâm Kinh trong giọng đọc tiếng Hàn của người con gái nào đó như đi về từ một cõi chiêm bao với từng câu chữ Xá-lợi Tử! Sắc Bất Dị Không, Không Bất Dị Sắc... Lần đầu tiên tôi cảm nghe dòng kinh Bắc truyền đó thơ mộng và quyến rũ đến vậy.

Theo từng bước lê chân nặng nhọc của hắn qua những ngõ mòn sỏi đá, lời kinh kia như nương gửi gió rừng mà lan tỏa, phủ đầy một cõi huyền âm. Tiếng kinh thấm đẫm lòng người, len vào từng khe đá, thớ gỗ. Lời kinh làm rung chuyển mọi cõi miền không gian, đánh thức mọi mê lầm ngái ngủ, cho tất cả cùng bật dậy một sức sống tỉnh thức. Biển khổ mênh mông, mà quay đầu lại là bờ. Và bến bờ ấy đã hiện ra trong mắt hắn. Hắn cung kính an vị bức tượng lên mỏm đá trang trọng nhất trên đỉnh núi và cúi đầu chiêu niệm. Hắn đã bỏ lại tất cả gánh nặng trên từng dặm đường đến đây. Hắn đã diễn dịch huyền nghĩa bài Tâm Kinh ra nhiều tâm ấn cụ thể giữa đời: Tha thứ, can đảm, bao dung, thấu hiểu, cưu mang và buông bỏ. Hắn muốn vác thay cho muôn loài tất cả những gánh nặng. Hắn sám hối và đáp đền cho vạn hữu đã cưu mang hắn, trong đó sư phụ và người đàn bà đã đi qua đời hắn đang là hai giọt nước cùng hòa tan vào đại dương. Và lần đầu tiên trong đời mình, hắn bất chợt thấu hiểu tận cùng câu minh chú ở cuối bài Tâm Kinh đó: Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāha. Lên đường, lên đường đi, hãy qua sông để tìm về bờ bến khác!

Hắn về lại cổ am, và một mùa xuân mới lại bắt đầu trên chính cậu bé mồ côi vừa nhập môn bất đắc dĩ kia. Nó chính là hắn mấy mươi năm trước. Một chu kỳ mới, một tuần hoàn mới. Mọi thứ lại tái hiện trong bối cảnh hồ nước tan băng, hoa cỏ sung mãn, hồ rộng núi xanh và mọi thứ lại bắt đầu. Ngoài kia nắng đã lên giữa một mùa xuân có rừng phong và núi đá xanh rêu. Trong cổ am, con rắn già chậm rãi bò ngang bàn Phật, lặng lẽ, thành kính.

TOẠI KHANH


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/01/2022(Xem: 7226)
Trên đất nước ta, rừng núi nào cũng có cọp, nhưng không phải vô cớ mà đâu đâu cũng truyền tụng CỌP KHÁNH HÒA, MA BÌNH THUẬN. Tỉnh Bình Thuận có nhiều ma hay không thì không rõ, nhưng tại tỉnh Khánh Hòa, xưa kia cọp rất nhiều. Điều đó, người xưa, nay đều có ghi chép lại. Trong sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1) của Thượng Thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn xong vào năm 1806 và dâng lên vua Gia Long (1802-1820), tổng cộng 10 quyển chép tay, trong đó quyển II, III và IV có tên là Phần Dịch Lộ, chép phần đường trạm, đường chính từ Kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy. Đoạn đường ghi chép về ĐƯỜNG TRẠM DINH BÌNH HÒA (2) phải qua 11 trạm dịch với đoạn đường bộ đo được 71.506 tầm (gần 132 km)
03/01/2022(Xem: 11930)
CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC THE STORY OF PHILOSOPHY – WILL DURANT Cau Truyen Triet Hoc-1971 Nguyễn Hiền-Đức thực hiện theo bản của Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương ngày 25/07/2012 Santa Ana, CA tháng 12 năm 2021
29/12/2021(Xem: 2947)
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở vào năm 2019 của chính quyền Việt Nam. Phật giáo chỉ có 4,6 triệu tín đồ. Những người theo đạo Phật giảm hơn 30% so với thống kê năm 2009 nên trở thành tôn giáo đứng hàng thứ hai sau Ki Tô giáo với số con chiên 5.9 triệu Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng tín đồ đạo Phật bị giảm sút. Kẻ viết xin nêu ra một vài sự việc tạo nên sự kiện nầy:
29/12/2021(Xem: 2999)
Bóc vài tờ lịch cuối ... lòng dâng trào cảm xúc ! Phước duyên gì được an lạc phút này đây Khi bao người vì đại dịch …sầu não bao vây Chắp tay sen…rưng rưng kính tri ân Phật Pháp !
27/12/2021(Xem: 2993)
Bắt đầu một năm mới tinh khôi, nghĩa là phải có một tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút, một giây hoàn toàn mới, từ tương lai bước vào hiện tại. Nhưng một cái gì hoàn toàn mới, xuất hiện một cách mơ hồ trên lịch, chỉ là một ý niệm, một quan điểm. Do người ta đặt để, đo lường, tạo một qui ước về thời gian — căn bản dựa trên sự chuyển dịch của địa cầu qua hai vầng nhật nguyệt (1) — để ổn định sinh hoạt xã hội, mà từ hàng ngàn năm trước đến nay, ngày-tháng-năm được xuất hiện trên những tấm lịch, những cái đồng hồ (mặt trời, cát, nước, đeo tay, treo tường), máy vi tính và điện thoại.
25/12/2021(Xem: 10611)
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương - 86 tuổi, tác giả tập "Còn gặp nhau" - qua đời lúc 4h sáng 24/12 tại nhà riêng. Ông Trần Bá Thùy - chồng nhà thơ - cho biết bà qua đời vì nhiều bệnh nền như suy thận, viêm gan siêu viên B, xuất huyết dạ dày. Cách đây vài tháng, bà nhập viện điều trị nhưng sức khỏe yếu, gia đình đưa về nhà chăm sóc hồi tháng 10. Do không ăn uống được, truyền đạm không vào nên thể trạng bà ngày càng suy giảm. Những ngày cuối đời Tôn Nữ Hỷ Khương thương nhớ người con đã qua đời cách đây hai năm. Trên giường bệnh, bà thường nhắc về con. Hay tin Hỷ Khương lâm bệnh nặng, nhiều tuần qua, các đồng nghiệp, bạn bè ghé nhà, khiến bà xúc động. Gia đình mong muốn lưu giữ dấu ấn thơ ca của Hỷ Khương, để con cháu sau này nhớ đến. Ông Bá Thùy cho biết năm nay có in một cuốn lịch, bìa là ảnh của Hỷ Khương, nội dung gồm những câu thơ được yêu thích của bà như: "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/Lợi danh như bóng chim chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời...
22/12/2021(Xem: 10315)
Trong các khóa tu dù ngắn hay dài hạn, chúng ta cần nên giữ sự yên lặng. Chúng ta cần phải thực tập cho kỳ được sự im lặng. Bởi "Im lặng" là một phương pháp tạo cho ta có thêm nguồn nội lực phong phú hùng tráng. Đó là một sức mạnh trọng đại của tâm linh. Im lặng không có nghĩa là chúng ta không được quyền nói. Ta được phép nói, nhưng chỉ nói trong giới hạn khi cần thiết. Và chỉ nói trong phạm vi ái ngữ, yêu thương và hòa kính. Không nên nói những lời có ác ý công kích chỉ trích phê bình, gây bất hòa tổn hại cho nhau. Nói trong sự ôn hòa nhỏ nhẹ từ ái.
22/12/2021(Xem: 7699)
Từ xưa, thi ca là nguồn cảm hứng của bao văn nhân thi sĩ. Xúc cảnh sanh thơ, phơi bày những tâm sự, gởi gắm tất cả những tâm tình rạt rào chứa đựng những bi thiết, những hoạt cảnh của những xã hội đương thời mà tác giả hiện sống. Những cảm tác ấy, dệt thành đủ màu sắc hương vị. Nó xuất phát từ những tâm hồn cao thượng tự chứng, hay những tâm hồn bình thường mang nặng mặc cảm tự tôn, tự ty, hoặc bất mãn theo từng nếp nghĩ. Tất cả, đều tùy theo quan điểm của mỗi thi nhân. Song cho dù diễn tả dưới bất cứ dạng thức nào chăng nữa, tựu trung, cũng nhằm nói lên chiều hướng xây dựng xã hội, làm đẹp con người và cuộc đời. Mọi sắc thái hiện tượng của vũ trụ như: mây, nước, trăng, sao, núi non, chim kêu, suối chảy v.v…đều là những gợi cảnh nồng nàn mà thi nhân đã gởi lòng hòa điệu.
27/11/2021(Xem: 2674)
Những rộn ràng họp hội mấy giờ trước đã lắng xuống. Tiếng nói, giọng cười ai đó, đã tan vào hư không. Người thân, người sơ, từng gặp, chưa từng gặp, nhìn nhau chào mừng, nói đôi câu, rồi cuối cùng cũng vẫy tay tạm biệt, chia xa. Không còn ai. Trăng khuya soi rạng vườn sau. Những cánh hồng từ các bồn hoa vươn dậy như được tắm gội dưới ánh sáng dìu dịu, tịnh yên. Một mình ngắm hoa dưới trăng. Một mình ngắm trăng trên hoa. Bất chợt, trong một thoáng nhìn mờ ảo, ánh trăng như vỡ thành những bụi tuyết, lãng đãng rơi trên những cánh hoa dưới sương đêm lóng lánh[1].
25/11/2021(Xem: 9058)
1-Linh giác thường minh, xua tan màn hôn ám, dìu chúng sanh lên thuyền Bát Nhã -Bửu quang phổ diệu, chiếu khắp chốn trầm luân, dắt muôn loại hướng cõi Niết Bàn 2--Huyền Huệ ngời soi quét sạch mê lầm, thẳng qua bến giác -Quang Tâm tỏa chiếu xua tan tục luỵ, hoà nhập nguồn chơn 3--Thanh đức minh minh phổ chiếu khổ luân hồi giác ngạn -Tâm nhiên hạo hạo đồng quy chơn cảnh xuất mê đồ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]