Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thử bàn về Trí & Ngu

25/11/201408:39(Xem: 4543)
Thử bàn về Trí & Ngu
phong canh 3
Có một “truyện cổ Khờ-me”, như sau:“- Ngày xửa, ngày xưa có ông vua, một đấng minh quân, cùng với mấy vị quan trọng thần rong thuyền ngoạn du sông nước. Trời nắng như đổ lửa, dòng nước ngược chảy xiết nên những người phu chèo đầm đìa mồ hôi, mặt mũi đỏ au, ráng tận sức lực để chèo đẩy con thuyền đi.

Nhìn mấy vị quan cận thần của vua nằm thung dung trong mái che, có mấy cô thị nữ đẹp như tiên nga hầu trà rượu, anh trưởng phu chèo phơi mình giữa cái nắng nóng như thiêu đốt, tựa hồ ngồi trong chảo rang, tức giận nói nhỏ với người bên cạnh:

- Thật chẳng công bằng chút nào cả. Mình cũng là người như họ, cũng là thần dân của vua, nhưng sao mình khổ thế này mà họ lại sướng thế cơ chứ?

Tiếng ấy tuy nhỏ nhưng nhà vua nghe được. Khi thuyền ghé bến một ngôi đền nguy nga, tráng lệ, mọi người được nghỉ để dùng cơm trưa. Vua và các quan trọng thần được ăn những món sơn hào hải vị, còn những phu chèo thì mỗi người tự lôi ra một đùm cơm với thức ăn khô trộn mắm sẵn. Anh trưởng phu chèo lại bực mình, nói nhỏ: - Xem họ kìa! Một bữa ăn của họ, mình dành dụm một năm không ăn thua! Sao bất công vậy trời! Vô tình, tiếng nói ấy cũng lọt vào tai vua. Lát sau, bỗng có tiếng ồn ào rồi có tiếng một bầy chó sủa vang inh. Vua đã có dụng ý nên đi đến nói nhỏ với người trưởng phu: - Ngươi hãy lên trên đó xem có chuyện gì mà ồn ào dữ vậy?

Người trưởng phu hối hả chạy lên, một hồi rồi chạy xuống: - Tâu bệ hạ! Có mấy con chó mà ồn ào vậy đấy!
- Thế có bao nhiêu con?
Người trưởng phu lại chạy lên, lát về báo:
- Dạ, có bảy con ạ!
- Thế chó đực hay chó cái?
Người trưởng phu lại chạy lên rồi chạy xuống:
- Thưa, bốn con chó đực và ba con chó cái ạ!
Vua lại hỏi nữa:
- Thế lông chúng màu gì ông có biết không?
Người trưởng phu lại cất công lên và xuống nữa:
- Tâu bệ hạ! Lông chúng màu đen, màu vàng và màu trắng ạ!

Đức vua mỉm cười:- Ngươi ngồi đây, trẫm thưởng một chén rượu!

Rồi vua bước vào bên trong thò cây quạt đánh thức một vị quan còn trẻ, đang ngủ:
- Này, ông lên trên kia xem cái gì mà ồn ào vậy?
Vị quan kia thung dung bước đi, lát sau về trình:
- Tâu bệ hạ! Có bốn con chó đực và ba con chó cái gây ồn ào. Mấy con chó con thì màu trắng, đen và nâu còn mẹ nó thì màu đen xám. Đấy là đàn chó của người giữ đền, thấy khách đến, chúng sủa um lên như thế đó!

Bây giờ, nhà vua mới quay sang người trưởng phu, chậm rãi nói: - Ngươi lên xuống cả thảy bốn lần mới có thông tin về bốn câu hỏi của trẫm! Còn ông quan này chỉ đi một lần mà lấy đầy đủ thông tin còn nhiều hơn ngươi. Đây là lý do tại sao ông ta làm quan, còn ngươi chỉ làm phu chèo, mặc dù ai cũng là người cả! Vậy từ nay đừng than cuộc đời là không công bằng, là bất công nữa nhé!”

Thấy nội dung câu chuyện rất có ý nghĩa nên cách đây mười mấy năm, tôi thử đem áp dụng trong đời sống của tu viện. Có hai chú bé ở thôn Đồng Chầm, Hương Hồ sang chùa xin tu học, đều là con nhà nghèo khổ thiếu cơm thiếu áo. Nhìn sơ về “nhân tướng” thì rõ ràng cái “gène” di truyền và dư nghiệp xấu ác từ quá khứ đã hiện rõ trên mặt mũi chúng nên chắc hẳn cũng khó mà thông minh sáng láng, có trí, có tài được. 
 
Nhận những chú bé nầy mà rèn giũa để trở thành những “sứ giả Như Lai” trong mai hậu thì quả thật, còn khó hơn “mài sắt nên kim”. Mà thôi kệ, hãy cho chúng gieo một chút duyên lành cũng là việc nên làm của nhà chùa. Mà quả thật vậy, cả ba thôn làng nghèo khổ quanh vùng như Long Hồ, Ngọc Hồ, Hương Hồ gởi con cháu đến tu học có năm lên tới 22 trẻ, tuổi từ 10-11 đến 14-15. Chùa sắm đến 22 chiếc xe đạp cho chúng đi học hằng ngày. Chỉ vài năm sau, do hoàn cảnh này, hoàn cảnh khác chúng về nhà gần hết và 22 chiếc xe đạp cũng tiêu tùng luôn, do chúng phá phách, do chạy ẩu đứt phanh rơi xuống hố hoặc hư đâu quăng đó...

Trở lại chuyện hai chú điệu. Một chú có vẻ rất khôn, lanh có pháp danh là CH. Đ; một chú lại rất dại, chậm, có pháp danh là CH. N. Để thử “trí”  hai chú điệu, hôm nọ, nghe phía bìa rừng ngoài có tiếng chặt cây (thường là chặt trộm), tôi bảo điệu CH. N. (chú chậm chạp):
- Con ra xem tại sao lại có tiếng cây đổ?
Lát sau, trở vào, chú thưa:
- Bạch thầy, người ta chặt cây!
- Ai chặt?
CH. N. lại chạy đi một hồi rồi về thưa:
- Dạ, ông Ất, người ngoài đội 7.
Tôi hỏi tiếp:
- Thế họ chặt cây to hay cây nhỏ.
Điệu lại chạy đi một hồi nữa mới có lời đáp:
- Dạ, cây to!
Tôi mỉm cười:
- Thôi, cảm ơn con, con đi ra ngoài chơi, nhân tiện gọi điệu CH.Đ (chú lanh lẹ) vào cho thầy có việc.

Điệu CH.Đ vào, tôi cũng bảo tương tự. Điệu CH.Đ đi hồi lâu mới về, rồi thưa:
- Bạch thầy, cái cây “lười ươi” hoa đỏ đẹp nằm bên tảng đá góc đường, chú Ất chú chặt rồi. Con hỏi, tại sao cây của chùa mà chú lại chặt? Chú Ất nói: “Ối chào! Rừng chùa cả vạn vạn cây, tôi đói, tôi nghèo, tôi chặt một cây về làm củi thì đã chết ai nào! Nhà chùa thì phải có lòng từ bi chứ?” (tôi chỉ ghi lấy cái “ý”chứ điệu không có ngôn ngữ diễn đạt được như thế).

Thấy “thông tin” mà được vậy thì quả là có “trí”, vượt cả “nội dung” yêu cầu, tôi bèn hỏi tiếp để thử khả năng ứng xử ra sao.
- Vậy thì khi chú Ất bảo như thế thì con trả lời làm sao?
- Dạ... dạ... con chịu!
Tôi cũng mỉm cười:
- Con chịu thì thầy cũng chịu!
Như vậy, tôi kết luận trong tâm: Điệu CH.Đ lanh lẹ, có trí; điệu CH.N chậm chạp, trí kém. 
 
Thời gian sau, quan sát, điệu được gọi là có trí, thì quả thật có sáng trí, miệng lưỡi mau mắn, lanh lẹ... nhưng các sư trong chùa ai cũng phải dè chừng! Thứ nhất là làm việc gì cũng cẩu thả, qua quít, làm cho xong như tưới nước thì thấy ướt lung tung nhưng không thấm cây, thấm đất; như quét sân, quét vườn thì bỏ bỏ sót chỗ này, chỗ khác. Thứ hai là thường ăn cắp vặt trong cốc liêu của các sư nhưng rất khó phát hiện. Thứ ba lại hay nói ba hoa, không thật như tục ngữ: “Mười voi không có một bát nước xáo!” Lại còn phải nói là từ “xạo” cho đến “xảo” được biểu hiện rất chỉnh chu, qua mặt rất nhiều người trong chùa...

Nơi chỗ tôi ở, Phật tử thường cúng dường bì thư này, bì thư khác có tiền ở trong, và tôi thường bỏ lung tung, khi thì trong quyến sách, khi thì để nguyên trên bàn, trong “gièm” (túi vải đựng đồ) hoặc nơi chỗ ghế nằm. Vài lần đầu tiên, khi được cắt cử dọn dẹp, quét phòng, điệu CH.Đ lượm các bì thư trao hết cho tôi để chứng tỏ mình thật thà. Thấy mắt cậu ta thường đảo ngược, đảo xuôi như chớp, tôi nghi cái tính thật thà ấy nên các bì thư để chỗ này, chỗ kia, tôi ghi nhớ hết và nhớ cả số tiền bên trong lúc đến phiên chú. Lần này, cậu ta cũng trả lại nhưng thiếu một bì thư có “tiền ít nhất!” Thế là tôi biết chú gian nhưng khôn; tuy nhiên, tôi cứ để bụng vậy, không nói với ai! 

Có lần, tôi và chư sư đang uống trà ở phòng ngoài, cửa “Phong Trúc Am” khép hờ. Thế mà điệu CH.Đ quành ra ngã sau, lên mái, “lòn” (lách, luồng) kẽ hở tam giác nơi nóc nhà (địa phương ngữ Thừa Thiên, Quảng Trị gọi là “khu đị” ) leo xuống rồi lấy tiền nằm trong thùng gỗ phước sương, không nghe một tiếng động, ma chẳng biết, quỷ chẳng hay! Khôn, lanh và “xảo trí” như vậy đó!

Còn chú CH.N thì rõ ràng là chậm, ngu, đần (thiểu năng), một câu niệm Phật Pāḷi mà một tháng cũng không thuộc, học hành ở trường luôn đội sổ. Lớp nào cũng học“đúp” cả! Điệu này có trí kém, phát triển“thân” chứ “óc” thì lại teo tóp. Có ai tưởng tượng cái bụng của cậu bé 13, 14 tuổi mà ăn một lần 7 gói mì tôm, còn 3 gói để trong túi, cất dành nhai chơi, nhai luôn miệng! Mỗi lần ăn cơm phần mình xong, trên bàn còn gì, chú làm sạch, đôi khi mất luôn phần ăn của cả chó và mèo! 
 
Còn nắm bắt, ghi nhớ công việc thì là kẻ “đặc biệt” nhất trong chùa. Rất nhiều lần, tôi sai công việc, ví dụ dặn ba việc thì thường là chú chỉ nhớ việc cuối - tức là việc vừa nói xong - còn hai việc trước óc chú không lưu trữ! Đã như vậy, điệu còn gian, nhưng mà gian ngu. Khi nào khều tiền được trong thùng phước sương hoặc lấy cắp của các sư, chú ra chợ mua đồ ăn ngay hoặc sắm cái này, cái kia rồi còn đem khoe với mọi người, như kiểu “lạy ông tôi ở bụi này!” 
 
Biết máu ngu gian ở sẵn trong dòng nghiệp nên các sư nhiều lần chỉ phạt cảnh cáo rồi tha thứ... nhưng tánh tật cũng không chừa. Hôm nọ, thấy thùng gỗ phước sương mất, các sư đi tìm thì thấy thùng gỗ nằm ở bìa rừng, còn nguyên! Đến xem nơi “miệng”, chỗ nhét tiền thì thấy tờ một ngàn nửa trong nửa ngoài.
- Đúng thủ phạm là ông CH.N rồi!
Một sư phát biểu.
Một sư khác:- Đúng là ngu! Ngu kiểu này chỉ có ông CH.N! Sao không đập thùng gỗ luôn mà lấy tiền, đã vác ra tận đây rồi mà còn “kiên nhẫn” lấy que cây khoèo từng đồng một!

Mấy năm sau rồi chú nào cũng về đời. Chú lanh lẹ thì đi theo con đường trộm cắp, đâm chém rồi xì-ke, ma tuý, tội tù. Chú chậm chạp học nghề sửa xe đạp ba năm cũng không thành. Có lần, chú CH.Q. trong chùa bị nổ lốp xe đạp, vào quán học việc của CH.N để sửa. Chủ đi vắng. Thấy CH.N “mày mò” xoay trở hoài cái lốp vẫn không mở ra được. Bực mình, chú CH.Q phải đích thân ra tay, tự tháo lốp rồi vá xe luôn nhưng vẫn trả tiền công cho chú ấy kẻo tội.

Nhiều năm ở chùa, dạy dỗ, hướng dẫn cả trăm giới tử, nghiệm lại, tôi thấy rằng, gặp người sáng trí thì coi chừng trí xảo. Gặp người nom có vẻ hiền lành nhưng chưa chắc là thật thà, chơn chất đâu! Gặp một người vừa sáng trí vừa chân thật, hiền thì xem quý hơn kim cương!

Trở lại với câu chuyện cổ Khờ-me, rõ ràng là có cái gì bất ổn. Kẻ ngu thì không nói làm gì, nhưng kẻ có trí, trí nhanh, trí sáng như ông quan kia thì mới chỉ đúng một vế (lanh, có trí) mà bỏ quên cái tâm, cái đức ở vế đi sau! Và dường như thế gian người ta thường chọn người tài trí để phụ trách các công việc, từ vĩ mô cho đến vi mô, không có nơi nào đào tạo cái đức, cái tâm, các giá trị nhân văn, nhân bản như ông cha ta thuở trước (Thân Nhân Trung) đã lập ngôn: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia!”  
 
Hiền tài chứ không phải chỉ có cái tài, như người ta “đào tạo nhân tài!” như hiện nay. Nội hàm chữ “hiền” rất quan trọng, như hiền nhân, hiền giả, hiền sĩ... là tinh hoa cốt cách của đạo học Đông phương. Bỏ quên chữ hiền, quả thật là thiếu sót rất lớn, cái thiếu sót nền tảng: Đấy là đạo đức, nhân cách, cái làm nên chuẩn mực con người, thật sự là Con Người viết hoa!

 Mấy ông quan trong truyện cổ kia cũng là tiêu chuẩn cho xã hội ngày nay tuyển chọn những bậc “phụ mẫu chi dân” ăn trên ngồi trước trong các nấc thang giá trị vật chất - nhưng nếu họ không lương thiện, không có đạo đức, họ chưa hoàn thiện hai chữ Con Người thì sao nhỉ? Hy vọng đấy không phải là câu hỏi tu từ!

Như vậy thì cái trí, cái tài kia là cần nhưng chưa đủ. Và nếu cái trí ấy là trí xảo, và cái tài ấy không phải là cái tài của sở học, của khoa học, của chuyên môn mà là cái tài của mưu ma chước quỷ thì quả là hiểm hoạ cho nhân gian! Và hiện nay, cái hiểm hoạ kia còn chồng thêm một tầng nữa: Một nơi nào đó, chúng ta có thấy chăng, những người có trí, có tài thật sự, đôi khi cả đức, cả tâm nữa vẫn không được“thế gian mắt sáng” sử dụng: Họ vẫn còn ngồi chèo đò đổ mồ hôi, ăn cơm vắt như các phu chèo trong truyện cổ Khờ-me kia! 
 
Rồi lại còn biết bao nhiêu kẻ vô trí, vô tài, vô đức lại được ăn sơn hào hải vị, được ngơi nghỉ cùng vua, được mỹ nữ cúc cung hầu hạ ca vũ nhạc kịch làm vui! Ôi! Nhân quả vốn công bằng, phân minh nhưng tại sao, thời đại văn minh này, chúng lại điên đảo, “lộn tùng xèo” như thế?

Còn Phật học thì sao nhỉ? Với Phật học thì hiền tài như thế cũng chỉ là chuyện của thế gian. Thước đo, tiêu chuẩn để phân biệt đâu là xấu ác, kẻ ngu si, đâu là người lành tốt, bậc trí hiền thì nó có khác. Như trong kinh Hiền Ngu (Bālapaṇḍita-sutta):

“- Này các thầy! Kẻ xấu ác, người ngu (bāla), chúng có ba đặc tướng, ba đặc điểm rất rõ ràng, chân xác: Ấy là suy nghĩ xấu ác, nói lời xấu ác và hành động xấu ác. Khi thấy một người có ba dấu hiệu ấy thì ta sẽ biết ngay, đây là kẻ xấu ác chớ không phải bậc trí hiền (paṇḍita). Ngược lại, người lành tốt, bậc trí hiền cũng có ba đặc tướng, ba đặc điểm rất rõ ràng, chân xác: Ấy là suy nghĩ lành tốt, nói lời lành tốt và hành động lành tốt. Khi thấy một người có ba dấu hiệu ấy thì ta sẽ biết ngay, đấy là người lành tốt, là bậc trí hiền chứ không phải là kẻ xấu ác!”

Tiêu chuẩn Phật học là vậy, về con người, về phẩm chất cần và đủ của tác phong, của nhân cách trọn lành ba nghiệp thân, khẩu ý - khi muốn làm sứ giả Như Lai giữa thời đại mạt pháp nầy. Vậy nơi nào đi ngược, đi nghịch với thước đo nêu dẫn ấy thì không còn là Phật giáo nữa. Và nếu họ là tỳ-khưu, là tỳ-khưu-ni thì chỉ là kẻ trộm tướng, là người ngu, là kẻ xấu ác tương đồng với thế gian thôi!

Ôi! Trí và ngu! Nội hàm ngữ nghĩa đích thực của nó, bây giờ, người đời thường cũng khó nhìn ra chân tướng, nhưng người trí hiền, kẻ học Phật chơn chính thì họ thấy ngay, biết ngay - dù là mũi tên lao đi, muốn giấu mình giữa đêm đen!

MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/01/2023(Xem: 9588)
Kinh Châu Báu, thuộc kinh điển Nam Truyền, Tiểu Bộ Kinh, là một bài kinh Hộ Trì hay Cầu An, do Đức Phật Thích Ca nói ra khi Ngài được thỉnh đến thành Vesali, dân chúng đang chịu ba thứ nạn, nạn dịch bệch, nạn đói và nạn Phi Nhân. Dân chúng ở đây cầu mong nhờ ân đức cao trọng của Đức Phật, nhờ Phật Lực mà các hoạn nạn được tiêu trừ.
30/01/2023(Xem: 4008)
Như ngay lúc này đang nằm bệnh viện lọc máu thì đánh máy bằng 1 ngón tay (vì 1 tay bị châm 2 kim lọc máu thì hầu như không nhúc nhích được), khi về nhà thì dùng 2 ngón! Một tuần cứ 3 lần đi lọc máu 4 tiếng rưỡi, coi như quãng thời gian không làm việc gì thì bắt buộc làm việc thông thường là vẫn đọc, nghe tin, textchat và biên soạn được, nhưng không nói được vì làm ồn chung quanh.
17/01/2023(Xem: 1947)
Tôi đến đây ngày 10.12.2022 tham dự lễ trao giải nhân quyền, buổi lễ diễn ra trong bầu không khí thật trang nghiêm và thật cảm động. Đã có rất nhiều bài tường thuật, và video hình ảnh trao giải nhân quyền, chắc có lẽ quý vị đều đã được đọc, xem và tham dự, nên chắc rằng tôi không thể nào diễn đạt được hay bằng hình ảnh cũng như những người có tâm huyết, hoặc những nhà báo viết phóng sự, tôi muốn nhắc đến một vị lãnh đạo tinh thần cho Phật Giáo đó là Hòa Thượng Thích Như Điển, người xây dựng lên ngôi chùa Viên Giác, và là người đầu tiên đến Đức cho bà con chúng tôi có chỗ nương dựa tinh thần trong những tháng ngày còn rất mới nơi xứ lạ quê người.
15/01/2023(Xem: 4134)
Thiệu Trị là vị hoàng đế thứ ba của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi khi tình hình đất đất nước đã đi vào ổn định, được thừa hưởng một di sản rất lớn, nền chính trị ổn định, vững chãi do vua Gia Long và Minh Mạng đã dày công vun đắp, cải cách và phát tiển. Vì vậy, trong thời gian 7 năm trị vì ngắn ngủi của mình, ông cũng không có cải cách gì mang tính đột phá mà chỉ là người tiếp nối đường lối trị nước của hai vị tiên vương như đúng tên của ông. Ngoài thành tựu về mặt văn học nghệ thuật, trong thời gian trị vì của vua Thiệu Trị còn nổi bậc lên với thành tựu về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc trên đá đã đạt đến trình độ đỉnh cao so với các đời vua trước.
11/01/2023(Xem: 2484)
Tôi xin hân hạnh giới thiệu với quý vị và các cháu một công trình Hướng Dẫn Học Đánh Vần Tiếng Việt đột phá và hết sức hữu dụng cho mọi gia đình Người Việt ở hải ngoại có con cháu đang độ tuổi học trò. Công trình này là kết tinh những sáng nghĩ, cùng với kinh nghiệm nghề nghiệp dạy Vietnamese as A Second Language, trong suốt 25 năm tôi hành nghề Giáo Viên Trung Học và một năm Đại Học, trong Hệ Thống Chính Mạch (Main Stream) tại Melbourne, cho các học sinh hoàn toàn sinh trưởng tại Úc. Trong suốt ¼ thế kỷ, chúng tôi cùng trong một Department of Languages, gồm các đồng nghiệp dạy Italian, Spanish và English as a Second Language, tôi đã học hỏi được rất nhiều phương pháp thực tập từ những bạn đồng nghiệp này.
11/01/2023(Xem: 2202)
Biết được mình ngu, Nhờ vậy thành bớt ngu. Không biết mình ngu, Đó mới là đại ngu.
09/01/2023(Xem: 2438)
Bà Hạnh có ba người con, hai trai một gái. Ba người con là ba thế giới khác nhau. Từ tính tình, sở thích, cách sống, nếp suy nghĩ không ai giống nhau cả. Đúng là, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Nhưng nhiều khi ngẫm nghĩ rồi phân tích cá tính mỗi người con, bà Hạnh nhận ra cũng không xa tâm tính của cha mẹ. Như cậu Hải, con cả, cậu khá giống tính cha, một người cha đam mê quyền lực, tiền tài. Ông quan niệm trên cõi đời này điều kiện ắt có và đủ để ngẩng đầu cao cùng thiên hạ là không thể thiếu một trong hai điều đó. Mà hễ được một, quyền lực, đương nhiên sẽ có hai, tiền, vì quyền sẽ sinh ra tiền và ngược lại.
08/01/2023(Xem: 3117)
Quý Mão, con mèo… Chúng ta đang tới gần Tết Nguyên Đán 2023. Nếu có ai hỏi rằng thế giới có sáng tác văn học nào thơ mộng về mèo hay không. Không, chúng ta không có ý nói gì về những chuyện đời thường lãng mạn hay tiểu tam hay tiểu tứ gì hết. Chúng ta chỉ muốn nói về một cõi thơ mộng y hệt như thời của Cha Rồng và Mẹ Tiên. Có đấy chứ, có một truyện về một cô mèo tam thể của một chàng họa sĩ Nhật Bản trong một thời nào xa xưa lắm, khi người ta chưa xài Tây lịch. Và truyện do một nhà văn Hoa Kỳ kể lại.
06/01/2023(Xem: 2388)
Một buổi sáng Trời còn lờ mờ sương đêm, bóng tối vẫn còn bao trùm trên những con đường, tôi đã thức dậy thật sớm trong ngày đầu năm mới để tham gia một hoạt động vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình, đó là tham dự khóa tu “Sống Tỉnh Thức” tại Tu Viện Khánh An và tham gia Lễ quy y Tam Bảo. Giữa cái lạnh của cơn mưa lất phất cuối mùa, tôi chạy xe đi qua một con đường khá dài từ nhà đến Tu Viện,
06/01/2023(Xem: 2003)
Không hiểu sao dù bị bao nhiêu bạn đồng tu chỉ trích nếu đã theo nguyên thủy lại còn nghiên cứu đại thừa và đôi khi còn làm những bài thơ xưng tán các vị Bồ tát, đó là quên Phật mà chỉ lo nhớ Tổ, thì con đường tu đã sai lầm…
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]