Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04. Chữ Hiếu và Tình người

27/02/201104:26(Xem: 4258)
04. Chữ Hiếu và Tình người

NHỮNG HẠT SƯƠNG
Thích Chơn Thiện
Sài Gòn, 2000

[04]

Chữ Hiếu và Tình người

-ooOoo-

Hằng năm, cứ đến ngày Vu Lan, ngày báo hiếu của toàn thể Phật tử Việt Nam, quý Phật tử tại Thiền Viện Vạn Hạnh lại được nghe chư Tăng nói chuyện về chữ hiếu trong đạo Phật. Năm nay có thêm sinh hoạt của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Viện đóng góp thêm vào màu sắc nghiên cứu qua bài nói chuyện về tình người và đạo đức con người trong ngày lễ truyền thống này, ngày của sự tỏa sáng hạnh đức giải thoát của chư Tăng và Phật tử sau một mùa hạ tu tập trí tuệ và từ bi vô ngã.

Chúng tôi gọi ngày hiếu là ngày đẹp nhất của nghĩa sống, tình người. Bởi vì ngày hôm nay con tim nói lên tiếng nói đích thực của nó, tiếng nói mà trần gian mong tìm. Thật là ý nghĩa, mùa giải thoát của chư Tăng lại kết thúc với sự mở đầu của tiếng nói ấy. Bước đầu tiên đi ra khỏi phiền não lại là bước đầu tiên đi vào tình người và nghĩa sống thiêng liêng của con người.

Lịch sử dân tộc cho thấy Phật giáo đến Việt Nam đã gắn bó hài hòa với dân tộc này. Suốt gần 2000 năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã đóng góp con tim và khối óc của mình vào sự nghiệp dân tộc và văn hóa dân tộc. Đó là tiếng nói của từ bi vô ngã, vị tha và con đường sống Giới, Định, Tuệ.

Hôm nay chúng tôi chỉ nói lên tiếng nói của con tim Phật giáo.

Như con tim nắm giữ sinh mệnh một cơ thể, thì tình người nắm giữ sinh mệnh của nghĩa sống, là linh hồn của văn hóa nhân loại. Có thể nào có một nền văn hóa con người mà không ca ngợi tình người mở đầu là tình mẹ con, cha con?

Ở nước ta, hai dòng văn học dân gian và trí thức đều nhiệt tình ca ngợi hiếu đức. Người mẹ đã nuôi dưỡng, ấp ủ con từ đầu nguồn cuộc sống bằng cả tinh thần và thể chất của mình với sự chia xẽ trách nhiệm ấn cần dạy dỗ của người cha. Người mẹ đã chuyển sang cho con những dòng sửa ngọt ngào với trọn tình yêu thương: đã mớm cháo, cơm với tâm tư trìu mến cho con từng cử chỉ ấu yếm, từng ánh mắt khích lệ nâng đỡ, đã dìu dắt từng bước đi, từng ngày đi học cho đến khi không lớn. Hầu như toàn bộ hành trang vào đời của người con là thuộc về bố mẹ. Tình sâu nghĩa nặng ấy đã được nhân dân ta cảm kích sâu xa và đã hát thành những lời ca dao của truyền thống dân tộc "uống nước nhớ nguồn", như là:

- Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

- Đội ơn chín chữ cù lao,
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa.

- Ân hoài thai to như bể,
Công dưỡng dục lớn tợ non.

- Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

- Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.

- Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn.
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn,
Lên non xắn đá xây lăng phụng thờ.

- Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người ta phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.

Đó là gia tài tình người mà bố mẹ đã trao cho người con từ đầu cuộc sống. Các ý thức về các mối liên hệ tình người khác đều nẩy mầm từ tình mẫu tử và phụ tử. Các ý thức về trách nhiệm, bổn phận, lương tâm, vị tha và công bằng hẳn là được đánh thức dậy từ thái độ biết ơn, đáp đền các ân nghĩa của cuộc sống mà sự khởi đầu là sự đáp đền ân nghĩa mẹ cha.

Lớn lên, khi nhận thức và kinh nghiệm sống trưởng thành người con nhận rõ ra tình thương cha mẹ không phải chỉ là ân nghĩa lớn mà còn là lẽ sống của mình. Còn cha mẹ là hạnh phúc, mồ côi cha mẹ là bất hạnh:

- Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

- Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha thác gót con đen sì.

- Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây.

Vì ân nghĩa mẹ cha là cao quý thiêng liêng. Vì tình thương của mẹ cha là lẽ sống, nên sự đáp đền là thiêng liêng được người con coi trọng. Nhân dân Việt Nam xem việc hiếu thảo có giá trị ngang bằng với việc tu tập giải thoát đem lại hạnh phúc cho bản thân:

-Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ cũng là chân tu.

Hàng trí thức dân tộc cũng đề cao truyền thống hiếu đạo. Tiêu biểu như thi hào Nguyễn Du và nhà chí sĩ Nguyễn Trãi. Thi hào Nguyễn Du đã đặt nàng Kiều trước một sự chọn lựa nghĩa sống giữa lòng hiếu kính đối với mẹ cha và cuộc đời tình cảm nhiều hứa hẹn hạnh phúc của nàng, thành hôn với Kim Trọng. Nàng đã quyết định vì chữ hiếu mà bán mình chuộc cha, một chọn lựa nói lên nét truyền thống đặt nặng hiếu đức của dân tộc.

Nguyễn Trãi tiên sinh thì giáo dục tình người mở đầu:

- Cù lao đội đức cao dày
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.

- Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc,
Xem cháo cơm, thuốc thang mọi bề.
Ra vào thăm hỏi từng khi,
Người đà vô sự ta thì an tâm. -- (Gia Huấn Ca, Tân Việt, 1953, tr 14)

Truyền thống tình người đạo đức của dân tộc Việt là thế. Phương chi Phật giáo, với giáo lý đầy tình người, nhân ái, xem trọng chữ hiếu, đặt chân lên xứ sở này liền được nhân dân ta chấp nhận, và đã chung sống gắn bó với dân tộc trên suốt cuộc hành trình lịch sử ngót 20 thế kỷ qua.

Đức Phật đã dạy những gì về hiếu đạo?

Kinh Phân Biệt (Bắc Tạng), ghi:

"Ta trãi qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của cha mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu với mẹ cha".

Kinh Nhẫn Nhục, ghi:

"Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu."

Kinh Tăng Chi I, trang 75, ghi:

"Có hai hạng người, này các Tỷ kheo, ta nói không thể trả ơn được ! Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ, làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ, và dù tại đó cha mẹ vãi tiểu tiện, cũng chưa làm đủ để đáp đền ơn mẹ và cha."

Kinh Đãnh lễ Sáu Phương (Trường bộ I) gọi mối liên hệ giữa mẹ cha và con cái là mối liên hệ thiêng liêng đáng được tôn kính, đảnh lễ. Người con có bổ phận đáp đền bằng những việc làm thiết thực như:

- Vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ khi cần.
- Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc.
- Giữ gìn gia phong, danh dự gia đình.
- Giữ gìn tài sản của cha mẹ.
- Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già.
- Lo đám tang đúng phong tục khi cha mẹ mất.
- Khích lệ, giới thiệu đạo giải thoát, chánh kiến đến với cha mẹ...

Kinh Hạnh Phúc (Nam tạng), ghi:

"Phụng dưỡng mẹ và cha là vận may tối thượng".

- Truyền thống giáo lý Nam truyền và Bắc truyền đều xếp tội giết cha, giết mẹ vào 5 tội lớn nhất ở đời gọi là 5 cực trọng tội hay "ngũ nghịch tội".

- Chẳng những xem hiếu hạnh là quan trọng, đức Phật còn dạy hiếu hạnh là hạnh đức cao cả nhất của con người:

- Giữa các loài hai chân,
Chánh giác là tối thắng,
Trong các hàng con trai,
Hiếu thuận là tối thắng. -- (Tương Ưng I, tr 8)

Kệ Pháp Cú 332, ghi việc hiếu kính cha, hiếu kính mẹ là hai trong bốn niềm vui sướng, hạnh phúc của người Phật tử:

- Vui thay hiếu kính mẹ !
Vui thay hiếu kính Cha !
Vui thay kính sa môn !
Hòa hiệp Tăng vui thay ! -- (Dhp, 332)

Hạnh hiếu ấy, không phải đức Phật chỉ dạy bằng lời mà bằng chính hành động của Ngài. Sinh thời, động cơ Ngài xuất gia tầm đạo là để cứu Phụ hoàng, mẫu hậu và chúng sinh thoát khỏi khổ đau của sinh, lão, bệnh, tử (Kinh Đại Bổn, Trường bộ III, tr 25). Sau ngày thành đạo, đức Phật đã về thăm phụ vương Tịnh Phạn, thuyết pháp giúp phụ vương đắc Tư-đà-hàm quả, trước giờ vua Tịnh Phan băng hà, đức Phật lại viếng thăm và thuyết pháp giúp nhà vua đắc A-la-hán quả trước lúc xả báo thân. (theo Trưởng lão Ni kệ, Tiểu bộ I, tr 225)

Kinh tạng còn ghi rõ hai vị đệ tử lớn nhất của Ngài cũng là hai gương hiếu hạnh bậc nhất. Bắc truyền ghi lại gương hiếu hạnh của tôn giả Mục-kiền- liên vị đại đệ tử thứ hai, biểu tương hiếu hạnh của ngày truyền thống Vu Lan của Phật tử cho đến nay. Nam tạng ghi rõ gương hiếu hạnh của tôn giả Xá-lợi- phất, vị tướng quân Chánh pháp. Tôn giả sinh thời thường viếng thăm thân mẫu đang tôn thờ tín ngưỡng Ni-kiền-tử (đạo lỏa thể), thuyết pháp độ mẹ và thường bị thân mẫu từ chối. Nhưng trước giờ phút nhập Niết-bàn, Tôn giả nghĩ rằng Tôn giả không nên nhập Niết-bàn khi thân mẫu chưa giác ngộ Chánh pháp. Tôn giả định sẽ đảnh lễ vị tu sĩ nào có thân duyên với mẹ để xin vị tu sĩ ấy độ mẹ. Sau cùng, bằng tuệ nhãn, Tôn giả nhận ra người có khả năng độ mẹ chính là mình. Vị tướng quân Chánh pháp bèn đãnh lễ từ biệt Thế Tôn và xin phép Thế Tôn được nhập Niết bàn tại nơi người mẹ đang trú. Lần này thì Tôn giả đã thuyết phục được mẹ nghe pháp, chứng ngộ pháp và đắc quả nhập lưu. Bấy giờ tôn giả mới nhập Niết bàn. (theo The Life of Sariputta, by Nyanaponika, bản dịch của Tỷ kheo Thiện Quả, 1966, tr 79).

Như thế, tâm hiếu là tâm tu căn bản từ đó các thiện tâm và giải thoát tâm phát triển, nhất là đối với hàng Phật tử tại gia. Thật hiển nhiên rằng một người không hiếu kính đối vớ mẹ cha mà lại có thể thực sự là một người cư xử đầy tình người đối với những người khác, đối với nhân quần, xã hội là điều khó có thể hình dung. Hiếu hạnh rõ là đức hạnh đứng hàng đầu của những đức hạnh của con người.

Từ tâm hiếu, tình người được giáo dục, tôi luyện và phát triển. Trong thể nghiệm cuộc sống hiện thực, con người thể hiện tình người trong sáng và đẹp đẽ ấy qua người bạn đời chí thiết gọi là tình, qua anh chị em ruột thịt gọi là để, qua bà con xóm làng gọi là nghĩa, qua xứ sở gọi là trung, qua mọi người gọi là nhân. Cũng chính từ tình người ấy mà có tình cảm hữu nghị quốc tế và tình yêu thiên nhiên và muôn thú.

Tình cảm ấy biểu lộ ra hành động, ra các hành vi cư xử ở đời nhằm xây dựng tốt các mối tương giao xã hội, an lạc, hạnh phúc chung cho gia đình, tập thể gọi là các hành vi đạo đức. Nội dung của đạo đức đúng là tình người chân thực. Con suối tình người ấy chảy vào văn hóa, giáo dục tạo nên các nền văn hóa, giáo dục nhân bản. Trong các nền văn hóa này không có mâu thuẩn từ thực chất của hiếu tình trung nghĩa, bởi vì thực chất của hiếu tình trung nghĩa là chỉ một tình người cao đẹp ấy. Người có mặt tâm hiếu, là có nhân , có tình, trung nghĩa. Như tâm hiếu của Kiều chính là tấm lòng trinh bạch của nàng mà bụi của 15 năm đoạn trường cũng không thể làm hoen ố. Vì thế mà thi hào Nguyễn Du viết:

- Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho vẩn được mình ấy vay.

Và vì thế mà cụ Nguyễn Phi Khanh đã dạy tiên sinh Nguyễn Trãi khi theo chân cụ khóc lóc trên đường cụ bị quân Minh áp tải ra Bắc Hà rằng:

"Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu. Mựa là cứ mãi đi theo cha khóc lóc như đàn bà mới là hiếu sao?" (Nguyễn Trãi toàn tập, Hà Nội, 1976, tr 14)

Ngày nay xã hội ta gọi là "hiếu với dân, trung với nước". Quan niệm như thế là có giá trị nhân bản hơn quan niệm có tính cách ước lệ về giá trị của trung hiếu tiết nghĩa ngày xưa của các nhà nho, cái giá trị đã đẩy đưa con người trong nhiều trường hợp đến các chổ xử thế bế tắc kết thúc bằng các hình thức tuẩn tiết đầy bi thương.

Nay chúng ta tìm hiểu thêm về chữ hiếu, Phật giáo có cống hiến nào khác cho dân tộc ta và mở ra những phương trời mới nào?

Về mặt ân nghĩa mẹ cha, ngoài các công ơn mà xã hội ghi nhận, Phật giáo còn ghi nhận thêm một ân nghĩa lớn khác; cha mẹ đã đưa con vào đời, nhờ đó mà người con có nhân duyên học đạo, hiểu đạo và hành đạo giải thoát khổ. Về mặt đền đáp, vì thế ngoài những trách nhiệm, bổ phận của người con mà người đời ghi nhận. Phật giáo còn ghi thêm một trách nhiệm và bổn phận nữa cho người con, Phật tử, bổn phận quan trọng nhất là giới thiệu con đường Chánh pháp đến với mẹ cha hiểu đạo để đi ra khỏi các căn bản khổ đau như tham lam, sân hận và tà kiến. Cho đến như vậy người con mới đáp đền được ân đức của cha mẹ. Đức Phật dạy:

"Nhũng ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải vật chất tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin Tam bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam bảo, đối với cha mẹ sống tà giới, thì khuyến khích vào chánh giới, đối với cha mẹ sinh khởi tham thì khuyến khích bố thí, đối với cha mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến, cho đến như vậy, này các Tỷ kheo, là làm đủ và đền đáp đền ơn đủ cho mẹ và cha." -- (Tăng chi I, tr 75)

Như thế, ở đây hiếu hạnh đi cùng hướng với hướng giải thoát của Chánh pháp.

Tại sao việc phụng dưỡng cha mẹ bằng hình thức dâng cúng cha mẹ chánh tín, và chánh kiến lại có thể đáp đền ơ nghĩa nặng ấy?

Tại đây, Phật giáo mở ra một hướng nhận thức mới cho cuộc đời. Không ai có thể phủ nhận rằng mọi người đều có khát vọng hạnh phúc, và sống là đi tìm hạnh phúc tại trần gian. Nhưng hầu như hạnh phúc luôn luôn ở ngoài tầm tay con người. Trước cuộc vô thường, biến dịch, nổi khổ của già, bệnh, chết vẫn còn đó. "ái biệt ly, oán tắng hội, và cầu bất đắc" vẫn còn đó.... Người con không thể bằng mọi phương tiện vật chất có thể đem lại cho cha mẹ an vui, và hạnh phúc, ngoại trừ chánh pháp, chỉ có chánh pháp, trí tuệ mới giúp cha mẹ lìa xa khỏi tham sân si, tác nhân của mọi phiền não khổ đau. Chỉ có chánh pháp chỉ rõ gốc khổ đau là chính các niệm tưởng hữu ngã trong tâm mình để loại bỏ. Chỉ có chánh pháp mới cống hiến cho mẹ cha một nếp sống đạo đức an trú vững chắc vào giới đức, tâm đức và tuệ đức, từng bước đi ra khỏi khổ đau và từng bước đi vào hạnh phúc của tâm hồn trong "hiện tại và tại đây". Đem lại hạnh phúc lâu dài cho cha mẹ như thế mới thật là chí hiếu.

Hạnh phúc đó là kết quả của nỗ lực loại trừ tâm chấp ngã, vị kỷ đó là con đường sống vị tha, vô ngã, con đường sống vì hạnh phúc của tha nhân, gia đình và xã hội. Cuộc đời sẽ chiêm nghiệm về con đường sống này và sẽ khám phá ra rằng: "Hạnh phúc là mục tiêu cao thượng ở đời."

- Con đường sống đạo đức là con đường dẫn tới hạnh phúc cho mình và người trong từng bước đi, hay chính đạo đức ấy là hạnh phúc.

- Hạnh phúc đồng nghĩa với vị tha, vô ngã. Do đó, mà bổ phận, trách nhiệm đối với hạnh phúc bản thân trở thành bổ phận, trách nhiệm đối với hạnh phúc của tha nhân, tập thể, nhân quần và xã hội. Phạm vi vị tha hoạt động càng lớn càng đem lại nhiều hạnh phúc và hạnh phúc lâu dài. Khi mở rộng lòng vị tha đến mọi người thì bấy giờ hạnh phúc của ta chính là hạnh phúc của mọi người, và ngược lại hạnh phúc của mọi người là hạnh phúc của chính ta. Tại đây, không có mâu thuẩn giữa cá nhân và tập thể hay giữa tập thể với cá nhân.

Đức Phật trong kinh Tăng chi II, đã giới thiệu một sự thật rằng trong cuộc luân hồi dài vô hạn này, tất cả những người xung quanh ta không thể tìm thấy một ai chưa từng đã là cha me,ĩ anh chị em, vợ chồng, con cái thân thuộc của ta. Như thế, đúng theo lời dạy của bậc Thiện Thệ, hiếu thảo đối với cha mẹ trong nhiều đời quá khứ chính là việc thương yêu, quý trọng và giúp đỡ mọi người quanh ta. Hiếu ở đây là tình nghĩa con người, nâng cao tình nghĩa con người đến một cấp độ thấm thiết tình người hơn.

Khi mà người Phật tử có thể quý trọng, phục vụ mọi người với tình thương yêu chân thật thì đó là hạnh Bồ tát của người Phật tử đang ở trên đường đi về chánh giác. Vì thế, kinh Địa Tạng (Bắc truyền) đã giới thiệu hạnh tu giải thoát khởi đầu bằng hạnh hiếu của con người, tiền thân của Đia Tạng đại sĩ. Từ hiếu tâm tu luyện chuyển đến từ tâm, bi tâm và giải thoát tâm. Ngày Vu Lan hay ngày hiếu giờ hiện ra như ngày "sinh nhật" của một cuộc đời giải thoát khổ đau vậy.

Quan niệm hạnh hiếu và tình người như thế sẽ dẫn đến một thái độ sống của người Phật tử xem bổn phận đối với gia đình, xã hội, quốc gia là bổn phận đối với tự thân và hạnh phúc của tự thân. Đây chính là điều mà các nhà đạo đức đang tìm đến.

Cái nhìn từ bi vô ngã và trí tuệ vô ngã của Phật giáo như thế đã tiếp thêm sức sống cho con tìm dân tộc và khơi nguồn thêm cho dòng thác nhân bản dân tộc Việt Nam chảy mạnh vào nghĩa sống vô cùng.

Chúng tôi có thể ngưng tại đây để kết luận rằng Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam có chung một hướng nhìn của con tim mở đầu là lòng hiếu thảo. Hai thực tế ấy sẽ có điều kiện để tiếp tục gắn bó suốt dòng lịch sử lâu dài.

Thời đại của chúng ta đang bàn về vấn đề đạo đức, tình người cho thế kỷ 21. Có nhiều ý kiến cho rằng văn minh của thế kỷ 21 sẽ là văn minh của đạo đức, tình người. Nhân đây chúng tôi lại tìm hiểu xem ngày truyền thống Vu Lan có thể có tiếng nói ý nghĩa nào cho thế kỷ ấy.

Vấn đề đạo đức và tình người đã được các nền văn hóa trên thế giới bàn từ lâu, nhưng hầu như vấn đề ấy luôn luôn trở nên mới mẻ, nhất là đối với thời đại ngày nay, một thời đại đã thể nghiệm các hậu quả đầy tác hại của sự dung dưỡng các tác nhân gây ra mâu thuẩn, hận thù và bất công áp bức. Sự thể hiện chúng vào cuộc sống văn minh vật chất đang phát triển nhanh chóng lại càng có nhiều yếu tố mới mẻ hơn nũa.

Một triết gia Hy lạp vào thế kỷ thứ III, trước TL, Aristote đã nói: "Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người." (A story of philosophy, by Will Durant, bản dịch của Tu thư Vạn Hạnh 1971, tr 18)

Spinoza, triết gia thông thái người Do Thái, thế kỷ 17 thì viết: "Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của các cảm giác thoải mái, và là sự vắng mặt của khổ đau". (Ibid, tr 228)

Hai nhà tư tưởng ấy sống xa cách nhau đến 20 thế kỷ đã có cùng một cái nhìn: hạnh phúc chính là đạo đức.

Banzeladze, nhà đạo đức người Nga, 1973 viết:

- "Vấn đề lý tưởng tối cao và ý nghĩa của cuộc sống, thực chất là vấn đề hạnh phúc." (bản dịch, nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 1975, tr 232)

- "Con người là giá trị cao nhất, là cơ sở ngọn nguồn của mọi giá trị. Mọi thứ đều là phương tiện cho con người và cuộc sống của con người. Sự cải tạo thế giới là mục đích, nhưng không phải là sự cải tạo vì bản thân nó, mà là sự cải tạo vì con người." (tr 242)

Hẳn nhiên là các tư tưởng trên rất là nhân bản và hữu ích, nhưng cũng chỉ là những tư tưởng, mà chưa phải là một con đường nhân loại cần có để sống và thể nghiệm hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Phật giáo, với toàn thể giáo lý nhằm đoạn tận khổ đau là con đường từng bước dẫn đến hạnh phúc, từng bước đi của tình người vô hạn. Điều đó đã hé mở cho thời đại thấy đó là một con đường sống đạo đức và tình người, đi đến hạnh phúc chân thật mà con người thời đại đang mong chờ. Điểm mong chờ thứ nhất là gốc người.

- Đức Phật rất nhiều lần khuyên con người "trở về nương tựa mình, và nương tựa pháp, không nương tựa một nơi nào khác". (Dhp XII, tr 4)

Điểm mong chờ cơ bản thứ hai là tình thương:

- Đức Phật dạy: "Ta ra đời vì an lạc, lợi ích cho chư Thiên và loài Người, vì lòng thương tưởng đời." (trong nhiều kinh)

Điểm mong chờ thứ ba là chỉ hướng sống đi vào hạnh phúc ngay trong hiện tại, tại đây.

- Đức Phật chỉ rõ gốc của mọi phiền não, khổ đau là tham sân si. Mà tham sân si thì dấy khởi từ chấp thủ các ngã tướng, nên con đường đi vào hạnh phúc là con đường dập tắt các ngã tưởng, các chấp thủ ngã tướng, dập tắt tham sân si. Kết quả đó con người có đủ điều kiện để thực hiện ngay trong hiện tại và tại đây. Con người hoàn toàn chịu trách nhiệm do chính tự thân, mà không một đấng thiêng liêng nào can thiệp vào khổ đau hay hạnh phúc của con người.

Điểm mong chờ thứ tư là tôn trọng sự sống của mọi loài chúng sinh và xây dựng hòa bình thế giới.

Pháp bố thí, và trì giới của Phật giáo được xây dựng trên căn bản lòng từ bi, bảo vệ sự sống cho các loài hữu tình, đem lại an lạc hạnh phúc cho hữu tình. Bàng bạc khắp cả kinh tạng Phật giáo không có lời dạy nào của đức Phật đi chệch ra ngoài mục tiêu ấy. Cú phân tích bài kệ tóm tắt về giáo lý Phật giáo thì ý nghĩa trên sẽ trở nên rõ ràng.

- Từ bỏ các điều ác
Làm tất cả điều lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy. -- (Dhp 183)

Từ bỏ tất cả điều ác là ý nghĩa rời xa tham ái, hận thù và si mê vốn là tác nhân của mọi cuộc mâu thuẩn và chiến tranh, thiết lập được hòa bình ở nội tâm và ngoại giới.

Làm tất cả điều lành là ý nghĩa xây dựng an vui hạnh phúc cho xã hội và mọi người, mọi loài.

Giữ tâm ý thanh tịnh là ý nghĩa thực sự thiết lập vững chắc giải thoát hòa bình và hạnh phúc của mỗi người để từ đó giúp mọi loài hữu tình làm được như thế.

Nếu hiểu tình người, lòng nhân ái, vị tha, từ bi là nội dung của hành vi đạo đức (hẳn nhiên trong đó có mặt trí tuệ) thì toàn bộ giáo lý Phật giáo là một hệ thống đạo đức.

Nếu hiểu đạo đức đồng nghĩa với hạnh phúc thì đạo đức của Phật giáo là con đường sống đạo đức của một nếp sống đem lại an lạc, hạnh phúc cho mỗi người, mỗi loài chúng sinh. Nếp sống đó đã được đúc Phật giáo dục, xây dựng trên căn bản hiếu hạnh và lòng từ bi, vô ngã, vị tha (bố thí và trì giới) mà nói gọn là tình người đích thực, không lạc vào một hư tưởng nào.

Tình người đó cũng được nhân dân ta ca ngợi:

-Dẫu xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người. -- (Ca dao, truyện Kiều, Quan Âm thị Kính)

-Thương người như thể thương thân. -- (Gia Huấn Ca, Nguyễn Trãi)

-Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn.

Ca dao còn có rất nhiều câu nói tình nghĩa như thế không thể kể hết được.

Chừng nào con người còn khát vọng hạnh phúc, chừng đó tình người và đạo đức còn là giá trị chuẩn, và các giá trị khác phải xoay chung quanh nó, chừng đó giáo lý từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo còn rực sáng niềm tin cho cuộc đời, và ngày Vu Lan vẫn là ngày đẹp nhất của đời sống; điều thiện sẽ ngự trị trái tim, và trái tim có trí tuệ sẽ ngự trị trái đất này.

Hôm nay, Phật tử chúng ta ý thức rằng xây dựng an lạc, hạnh phúc cho tha nhân, gia đình, tập thể và xã hội cùng là một hình thức thể hiện hiếu hạnh một cách cao thượng. Hiểu như thế và hành như thế cũng là ý nghĩa cử hành ngày lễ một cách thiết thực vậy./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/07/2020(Xem: 13466)
Mô Phật- Xin thầy giảng giải về sự khác nhau giữa Phước đức và Công đức? - Công đức là sự xoay nhìn lại nội tâm,(công phu tu hành) dùng trí sáng suốt, thấu rõ sự thật, dứt trừ mê lầm phiền não. - Công đức có thể đoạn phiền não, có thể chứng được bồ đề, còn phước đức thì không. Phước đức là những việc làm lành thiện được làm ở bên ngoài hình tướng như bố thí, cúng dường, từ thiện, giúp ích cho mọi người… - Phước đức không thể đoạn phiền não cũng không thể chứng bồ đề, chỉ có thể mang đến cho bạn phước báu. “Do đó chúng ta nhất định phải phân biệt rõ ràng công đức và phước đức.”
12/07/2020(Xem: 8348)
Mẹ từ giã cõi đời vào những ngày cuối năm biến không khí đón tết vui tươi giờ đây càng thêm lặng lẽ. Nhìn Cha già ngồi niệm Phật, cúng lễ phẩm mỗi ngày 3 lần cho Mẹ, trông ra phía trước sân những chậu vạn thọ hoa đã nở tròn, khiến tôi càng thấy buồn và nhớ Mẹ nhiều hơn. Tôi ngồi xem mấy món đồ Mẹ để lại được đựng trong chiếc hộp gỗ đã bạc màu, lòng tôi cảm xúc dâng trào khi nhìn thấy xâu chuỗi bằng hạt bồ đề tự tay tôi làm và những lá thư tôi viết gởi về thăm Mẹ cũng như những bài thơ võ vẽ tập làm từ tuổi ấu thơ. Những bài thơ từ khi tôi viết đến khi Mẹ qua đời đã gần hai mươi năm, tưởng chừng đã hư mất thuở nào nhưng được Mẹ gói trong mấy lớp bao ni lông thì giờ đây cũng đã ố vàng. Đây là rất ít số bài thơ còn sót lại trong thời tuổi thơ của tôi. Cảm xúc nhớ Mẹ dâng trào theo từng câu chữ, những kỷ niệm thuở ấu thơ bên Mẹ hiền đầm ấm, hồn nhiên, hạnh phúc biết bao. Đặc biệt, “Đôi Gánh trên vai Mẹ” là một trong những hình ảnh thiêng liêng của cuộc đời và là nguồn động lực vô cùng lớn
03/07/2020(Xem: 4810)
Trong cuộc sống hiện thực có rất nhiều người không hề biết trân quý một cái bánh bao, một bát cơm, một tờ giấy hay một ly nước. Họ cho rằng bỏ đi một chút thức ăn, nước uống cũng chỉ là chuyện nhỏ mà thôi. Nhưng, hôm nay chúng ta lãng phí một chút, ngày mai lại lãng phí một chút, cả một đời tích cóp lại sẽ là một con số không nhỏ.
26/06/2020(Xem: 4351)
Có vẻ như con người thời nay càng lúc càng trở nên lười biếng, thụ động; nhất là từ khi nhân loại bước vào kỷ nguyên tin học, truyền thông liên mạng. Tin học đã đem con người khắp hành tinh gần lại với nhau, nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chính nó bị con người lạm dụng để bóp méo, biến dạng sự thực cho những mục tiêu bất chính của cá nhân, bè phái. Kỹ nghệ thông tin toàn cầu ở thế kỷ 21 đã cung cấp phương tiện nhanh chóng và thuận lợi cho người dùng đến nỗi từ lời nói, hành động, cho đến ý nghĩ... người ta phó mặc hoặc mượn người khác nói giùm, làm giùm, thậm chí suy nghĩ giùm. Nghĩa là khỏi cần phải xét lại xem thông tin trên mạng có đúng không, lời nói của người kia có đáng tin không, hành động của người nọ có thật không. Thông tin nào không thuận với ý kiến, quan điểm của mình thì lập tức bác bỏ, cho rằng tin giả, không cần kiểm tra sự thật; thông tin nào hợp ý nghĩ, lập trường của mình thì tin ngay, khỏi cần biết có hợp lý hay không trên thực tế.
24/06/2020(Xem: 10312)
Là người con Phật phải tin tưởng sự tái sanh trong sáu nẻo luân hồi. Trong hơn 7 tỷ người trên toàn thế giới , thì loài người chúng ta có thấm gì đâu so với loài súc sanh, chỉ một loài kiến thôi , thì loài người chúng ta đã không sánh bằng , huống gì các loài côn trùng nhỏ khác cho đến loài lớn trong trái đất này; Thế mới biết sự nguy hại đến cỡ nào trong vòng luân hồi sinh tử. Đức Phật dạy chúng sanh sau khi chết, số người sinh lên cõi người và trời thì ít như sừng bò, chúng sanh sinh vào cõi khổ thì nhiều như lông con bò là vậy .
20/06/2020(Xem: 7013)
Mẹ ơi ! nỗi cảm niềm thương Con về thăm lại mảnh vườn ngày xưa Vu Lan, hoa nở dậu thưa Hương thơm biết mấy nắng mưa tạo thành Đây rồi, gốc khế gốc chanh Ươm trời vào đất cho xanh thuở nào.
12/06/2020(Xem: 2911)
Sau một ngày mệt nhoài trong, ngoài việc Đạo, việc đời tôi thường tìm đến thứ vui âm nhạc để thả hồn lâng lâng theo những giọng hát mà mình cảm thấy rất là ... còn mãi với thời gian . ( dù đôi khi là những bài hát tình cảm lãng mạn ) Chợt nhớ đến lời của HT Thích Thiện Trí thường gặp trong những bài pháp thoại “ Tăng sĩ xuất gia hành đạo cũng phải là những diễn viên thật đại tài không phải chỉ ở trí tuệ sâu sắc có được mà còn vào hình tướng oai nghi tế hạnh “ Trong mùa đại dịch này, phải nói là có một điều lợi ích cho người muốn tu học Phật Pháp là các giảng sư uyên bác đã xuất hiện trên YouTube hoặc qua Livestream và tuỳ theo căn cơ cao thấp của mình người tu học có thể cảm thông và tiến tu .
04/06/2020(Xem: 7164)
HOA VẪN NỞ-TÂM KINH MẶT TRỜI của Hoà Thượng THÍCH THIỆN ĐẠO do Nhà xuất bản HỒNG ĐỨC ấn hành Tháng 4- 2020 đúng vào Mùa Khánh Đản Phật lịch 2546 . Đóa hoa nơi HOA VẪN NỞ là một đóa hoa ẩn dụ; và DỤ là một trong mười hai thể loại kinh điển Phật giáo . Hoa trong HOA VẪN NỞ là : “ Đóa hoa tình thương và giác ngộ,là hương vị của chánh pháp “. Là tinh hoa tư tưởng Phật giáo . Tác phẩm HOA VẪN NỞ chia làm ba phần, mỗi phần căn bản đều là những pháp thoại ngắn gọn, súc tích. Mỗi pháp thoại được ghi một chữ số . Nội dung tư tưởng mỗi phần tương dung, tương nhiếp, tương liên lẫn nhau; … Vì thế , cần thiết có những dẫn nhập cho một số những chủ đề bàng bạc trong HOA VẪN NỞ .
02/06/2020(Xem: 8598)
Sáng thức dậy mở cửa nhìn ra đường thấy cảnh nhiều người qua lại tấp nập, xe cộ dập dìu xuôi ngược không hề ngưng như dòng nước chảy mãi không dứt; dòng đời cũng chỉ như thủy triều lên xuống mỗi ngày hai lượt liên lỉ kéo dài. Quan sát dòng người tất bật di chuyển ấy ta có thể tạm phân ra hai thành phần: thành phần khá giả và thành phần nghèo khó qua cách ăn mặc và phương tiện giao thông của họ rất dễ nhận ra. Có khi nào quí bạn tự hỏi tại sao nhìn số đông người lại biết thừa hay thiếu?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]