Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Trí Tuệ Hay Sự Thấy Biết Chân Thật

13/12/201017:45(Xem: 13628)
Trí Tuệ Hay Sự Thấy Biết Chân Thật

 

Đức Phật thấy rõ hoàn cảnh xã hội và tâm linh bế tắc đó. Ngài muốn tìm lời giải đáp chân thật không dựa trên sự suy luận, cảm xúc hay niềm tin không căn cứ. Do đó, sau sáu năm tu tập trong rừng và bốn mươi chín ngày thiền định dưới cội bồ-đề, Ngài đã đại ngộ, nhìn thấu rõ mọi sự vật (vạn pháp) trong vũ trụ như sau:

– Sự thấy biết mọi sự kiện trong vũ trụ và đời sống con người một cách chân thật (như thực tri kiến) xuất hiện tự nhiên khi ta không còn dính mắc với các ý tưởng đối nghịch, mâu thuẫn làm khơi dậy lòng ham muốn, giận dữ, thù hận,v.v... đưa đến xáo trộn và khổ đau.

– Chủ trương tận hưởng dục lạc hay sống đời khổ hạnh, hành hạ thân xác mình chỉ là hai cực đoan của sự trốn chạy cuộc sống. Sống phải là sống hạnh phúc, vì hạnh phúc vốn là tánh tự nhiên, chân thật hay là Phật tánh sẵn có nơi mỗi chúng ta. Khi ta sống tỉnh thức với sự chú tâm tự nhiên, với sự thấy biết trực tiếp không lựa chọn (trực thức vô trạch) mọi sự kiện, thì mọi sự vật đều hiện ra một cách chân thật, trong sáng, tràn đầy. Những xáo trộn, mâu thuẫn, xung đột do sự thấy biết sai lầm đều tan biến. Tâm ta quay về với sự trong sáng tự nhiên của nó, với niềm hạnh phúc bao la tràn đầy.

Thực hành lối sống an lành và hạnh phúc đó là sống Trung đạo, là đi ở giữa, tránh cả hai sự cực đoan sai lầm nói trên. Đó cũng chính là sống đời giải thoát hay giác ngộ.

– Do đó, con người không cần phải hy sinh cho một ước mơ được sung sướng trên thiên đàng mai sau mà quên đi cuộc sống hiện tại, nhưng cũng không nên đắm mình vào khoái lạc vật chất để tìm kiếm sự thỏa mãn dục lạc mãi mãi không ngừng. Sự khổ hạnh, ép xác để mong lên thiên đàng cùng sự hưởng thụ vật chất theo chủ nghĩa khoái lạc đều làm cho tâm trí mê mờ và thân xác mệt mỏi. Người thực hành đạo giác ngộ sống hạnh phúc nơi Trung đạo. tức là ở giữa hai sự cực đoan sai lầm của các chủ trương khổ hạnh hoặc hưởng lạc nói trên, và sống an vui thoải mái với sự hiểu biết chân thật trong đời sống hằng ngày.

– Sự hiểu biết chân thật đó không dựa vào lý luận viễn vông mà do nơi kinh nghiệm tâm linh: tánh tự nhiên của mỗi chúng ta là chân tánh hay Phật tánh. Tánh ấy vốn không có bắt đầu và tận cùng (bất sinh bất diệt), rộng lớn bao la, trong sáng, an vui, tràn đầy tình thương yêu (từ bi) và sự hiểu biết chân thật (trí tuệ). Chân tâm hay Phật tánh nơi mỗi chúng ta luôn luôn rỗng lặng, tinh sạch, trong sáng, linh động, tràn đầy, đồng thời rộng lớn bao la nên không có một cái gì gọi là Tiểu ngã (Atman), một cái tôi nhỏ bé cần phải thanh lọc dần dần để trở về với Đại ngã (Brahm hay Thượng đế).

– Sống an vui giác ngộ ngay trong cuộc đời này là sống với tâm hiểu biết chân thật: thấy biết rõ ràng mọi thứ, mọi hiện tượng nhưng với tâm buông xả, không dính mắc vào các ý tưởng phân biệt như hay dở, tốt xấu, làm khơi dậy các tình cảm như vui buồn, thương ghét, thân thù... thì tâm luôn luôn tĩnh lặng. Cái tôi (ngã) mà lâu nay ta luôn luôn bảo vệ, đề cao chẳng qua là sự tiếp nối không ngừng của các ý tưởng và cảm xúc. Khi các ý tưởng và cảm xúc lắng dịu đi thì cái tôi nhỏ bé (ngã) cũng tan biến, nên ta trực nhận được cái tôi ấy (ngã) vốn là rỗng lặng (không) hay vô ngã. Các ý tưởng và cảm xúc thường là các đám mây che mờ chân tâm. Phật tánh luôn luôn tỏa sáng nơi ta. Mây tan đi thì mặt trời chiếu sáng. Sự mê mờ (vô minh) tan đi thì chân tâm, Phật tánh, cũng chính là niềm hạnh phúc trong sáng bao la sẽ tràn đầy nơi ta.

– Tính cách vô ngã hiện hữu nơi mọi sự vật. Mọi sự vật hiện hữu đều là do nhiều yếu tố hợp thành. Chúng ta có thể lấy ví dụ như một chiếc xe hơi là do sự kết hợp của khung xe, mui xe, động cơ, bình xăng, dây điện, cảng xe... Rồi nhờ có người thợ lắp ráp, thiết kế của các kỹ sư, quyết định sản xuất của công ty sản xuất, vật liệu do các công ty khác cung cấp, v.v... Chiếc xe hiện hữu được là do nhiều yếu tố như trên hợp thành. Nó không tự có mặt và không có cá tính riêng biệt. Nếu các yếu tố hợp thành chiếc xe thay đổi thì nó cũng thay đổi theo. Như mỗi năm công ty sản xuất có thể thay đổi hình dáng, máy móc, màu sơn... để hấp dẫn khách hàng thì mỗi năm xe cũng đổi mới liên tục. Cùng một hiệu xe như Mercedes, Ford hay Toyota Celica nhưng tùy theo các yếu tố hợp thành chiếc xe theo năm sản xuất, chúng hoàn toàn khác nhau về màu sắc, hình dáng, máy móc, độ bền... Cùng một tên gọi nhưng chúng hoàn toàn khác nhau về phẩm chất cũng như hình dáng. Tuy nhiên, chúng ta thường có thói quen cho rằng mỗi sự vật đều có tánh riêng biệt và không thay đổi, trong khi sự thật là mọi sự vật đều liên tục thay đổi. Sự thay đổi không ngừng đó gọi là vô thường.

– Sự thay đổi của sự vật xảy ra từng giây phút một. Lấy ví dụ như khi nói đến “chiếc xe của ta” thì ta liền hình dung ra một hình ảnh cố định về chiếc xe ấy. Nhưng thật ra thì kể từ khi mua xe cho đến nay ta đã thay các bánh xe mới, bộ thắng mới, bình điện mới, bình lọc dầu mới... nước sơn cũng không còn bóng như trước và khung xe đã bắt đầu có những chỗ han gỉ.

Các bộ phận kết hợp thành chiếc xe (sinh), chiếc xe tồn tại trong một thời gian (trụ), chiếc xe biến đổi, hư hao (dị), và cuối cùng nó bị tan rã (diệt). Chiếc xe phế thải được kéo vào nghĩa trang xe. Người cần các bộ phận còn tốt sẽ đến mua về ráp lại vào xe khác. Cuối cùng, người ta ép dẹp những phần còn lại, chuyển đến các nhà nấu thép, đúc thành các bộ phận xe mới và ráp thành chiếc xe khác.

– Tính cách sinh diệt, diệt sinh đó là tính cách vô thường của mọi sự vật. Vô thường có nghĩa là các sự vật không tồn tại mãi mãi và luôn luôn biến đổi. Chiếc xe đạp tồn tại khoảng 10 năm, xe hơi trên 20 năm, tuổi thọ con người khoảng 100 năm, mặt trời tồn tại khoảng 10 tỷ năm... Từ một vật thật nhỏ như tế bào trong cơ thể, đến một vật lớn như mặt trời, cũng đều chuyển biến qua bốn giai đoạn: do nhiều yếu tố kết hợp thành (sinh), tồn tại trong một thời gian (trụ), biến đổi và hư hao (dị), cuối cùng là tan rã (diệt). Và những yếu tố sau khi tan rã lại kết hợp để thành các sự vật khác, tiếp nối mãi mãi không ngừng. Tính cách vô thường ấy diễn ra khắp mọi nơi, ở cả bên trong và bên ngoài chúng ta.

– Khi đã hiểu rõ tính cách vô thường, vô ngã của các sự vật, chúng ta không còn sợ hãi trước sự thay đổi, chuyển biến, và lòng ta trở nên thoải mái, tâm ta trở nên tỉnh thức hơn trong mối tương quan với người và vật. Ta không nhìn sự vật hay con người theo thói quen máy móc dựa vào những định kiến sẵn có về người hay vật đó. Thói quen ấy ngăn cản ta tiếp xúc với thực tại, những gì đang thực sự có mặt trong đời sống.

Trong mỗi giây phút, mỗi cành lá, đám mây, bông hoa, cánh bướm, dòng sông, điệu nhạc, người đàn ông, đàn bà, trẻ em, hòn sỏi, chiếc xe... đều hiện hữu hoàn toàn, như thế ấy. Tất cả đều không dính dáng gì đến các ý tưởng khen chê, phê phán, cùng các cảm xúc dấy lên từ sự phê phán ấy làm ta vui, buồn, thương, ghét. Nếu có dịp nhìn sâu vào lòng mình (quán chiếu nội tâm) thì chúng ta sẽ thấy các ý tưởng và cảm xúc thường lặp đi lặp lại mãi theo khuynh hướng như sau: Điều gì ta nghĩ là hay, tốt thì ta ưa thích, ca ngợi; điều gì ta cho là dở, xấu thì ta ghét bỏ, thù hận hay phỉ báng.

Nhưng cái mà ta cho là tốt hay xấu ấy lại thay đổi không ngừng. Hôm nay ta nghĩ nó là tốt thì ngày mai ta có thể chê là xấu; hôm nay ta cho là đúng nhưng ngày mai lại thành ra sai. Do đó mà các cảm xúc vui, buồn, thương, ghét, thân, thù... luôn luôn trỗi dậy như những luồng sóng mãi mãi nối tiếp trên mặt biển, làm ta chịu nhiều áp lực do sự xung đột bên trong và sự đụng chạm bên ngoài.

– Nếu ta thực hành sự tỉnh thức, sự thấy biết chân thật thì tâm tự buông xả, không để mình dính mắc vào các ý tưởng đối nghịch, những sự phê phán, phân biệt thường xuyên kéo đến. Khi ấy, tâm ta tự nhiên lắng dịu dần, như khi mặt biển không còn gió thổi thì trở nên yên tĩnh. Đó là sự tỉnh thức đã có mặt nơi ta. Với tâm tỉnh thức ấy ta nhìn mọi sự vật thì chúng đều hiện rõ tánh chân thật: trong sáng, rỗng lặng, tươi mát, tràn đầy. Đó là tánh chân thật tự nhiên, tánh rỗng lặng hay là tánh không của vạn pháp. Thấy biết như thế gọi là sự thấy biết chân thật hay trí tuệ. Như thế, khi tâm ta thanh tịnh thì mọi sự vật (vạn pháp) trở nên thanh tịnh. Khi ta khởi lên sự phân biệt ưa ghét thì lập tức ta phân chia mọi thứ thành hai phía đối đãi: thân thù, cao thấp, sang hèn, thân sơ... từ đó nổi lên các cảm xúc thương yêu - thù hận, thích thú - sợ hãi, thân tình - xa lạ, sung sướng - khổ đau, ưa muốn - ghét bỏ...

– Sự phân biệt ấy là một thói quen do sự điều kiện hóa từ lúc chúng ta sinh ra cho đến nay, làm chúng ta phản ứng như một người máy, như một máy điện toán đã được lập trình cách giải quyết các vấn đề theo những công thức nhất định. Sự lặp đi lặp lại những cảm xúc thương ghét, vui buồn... ấy dần dần trở thành một thói quen mà ta nhầm tưởng đó là con người thật sự của mình. Sự tỉnh thức, sự chú tâm thoải mái tự nhiên đưa tâm ta trở về với sự tươi mát linh động, rỗng lặng, tinh sạch, rộng lớn tự nhiên của nó. Từ đó ta nhìn thấy rõ ràng mọi sự vật, thoát ra khỏi mọi sự lôi kéo, ràng buộc, mê hoặc của các ý tưởng, cảm xúc nơi ta hay những người quanh ta. Chúng ta thoát ra được thói quen phản ứng theo điều kiện quy định sẵn như kiểu máy điện toán nói trên.

–Sống tỉnh thức như thế thì sự hiểu biết chân thật (trí tuệ) tự hiển bày, tự biểu lộ. Tâm ta tự nó quay về với sự an ổn, thoải mái, trong sáng, rộng lớn và rỗng lặng của chính nó. Từ chốn ấy, tình thương yêu bao la, nồng ấm (từ bi) bừng dậy. Mọi sự vật trở thành linh động, tươi sáng, yên ổn, tươi mát, khi ta nhìn chúng với con mắt thương yêu: hoa lá rực rỡ, cảnh vật vui tươi, mây trời trong sáng, người vật nhộn nhịp...

Khi tình thương yêu bừng dậy thì nguồn hạnh phúc chảy tụ lại thành biển lớn, đưa ta đến chốn an lạc vô cùng. Từ đó ta kinh nghiệm được, hiểu biết được một cách cụ thể và trực tiếp rằng: sự hiểu biết chân thật (trí tuệ), tình thương yêu rộng lớn (từ bi) và nguồn hạnh phúc trong sáng, bao la là ba khía cạnh của chân tâm, Phật tánh. Khi một trong ba yếu tố này xuất hiện thì hai yếu tố kia cũng xuất hiện, như một bó đuốc lớn cháy rực rỡ không thể tách lìa thành ba ngọn lửa khác nhau.

Như mặt trời tỏa ra ánh sáng cùng khắp, ánh sáng ấy cũng là năng lượng có sự ấm áp. Ta không thể tách rời ánh sáng và sự ấm áp được. Cũng thế, tình thương yêu bao la, sự hiểu biết chân thật và nguồn hạnh phúc trong sáng vốn là một, không thể tách lìa. Một thứ có mặt thì hai thứ kia cũng có mặt.

– Khi tâm quay về với tánh tự nhiên rộng lớn, an lạc của nó thì ta trực nhận, thấy biết một cách rõ ràng, cụ thể và chân thật: khổ đau không có thật. Khổ đau là một yếu tố không cần thiết cho đời sống. Nó chẳng khác gì những sự cay đắng ta tự thêm vào đời sống, mà vì mê mờ (vô minh) nên ta thấy là quá buồn chán và tẻ nhạt.

– Tình thương yêu trong sáng, bao la (từ bi) luôn luôn tỏa sáng rực rỡ nơi ta. Do đó, ta làm các điều tốt đẹp cho đời: giúp đỡ người bị nạn, đói khổ; chăm sóc những kẻ không may. Đó cũng là sự hiểu biết chân thật (trí tuệ), nhận biết rõ rằng mọi sự vật vốn vô thường, vô ngã, nên thấy rõ mỗi sự vật đều hiện hữu một cách chân thật, tràn đầy, trong sáng và rỗng lặng. Từ bi và trí tuệ cũng chính là suối nguồn hạnh phúc trong sáng bao la (chân lạc) luôn luôn tỏa đầy, chiếu sáng và có mặt nơi ta.

– Tình thương yêu rộng lớn, sự thấy biết chân thật và nguồn hạnh phúc trong sáng tràn đầy là tánh tự nhiên sẵn có nơi chúng ta. Đó là tánh chân thật tự nó hiện hữu, đó là chân tâm, là Phật tánh, mãi mãi có mặt (chân thường), không chút đổi thay từ giây phút này qua giây phút khác (chân ngã), không có gì làm cho nó trở thành nhơ bẩn, sứt mẻ hay mê mờ (chân tánh). Tánh chân thật tự nhiên đó là nguồn an vui kỳ diệu, thâm sâu, tươi mát, linh động, tràn đầy, bất tận (chân lạc). Vì ta vô tình lãng quên nên không nhận biết, không sống với niềm an lạc kỳ diệu có sẵn nơi ta mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/01/2012(Xem: 4058)
Thoáng chốc mà đã bamươi sáu năm, như ba sáu ngày nhẹ nhàng trôi trên dòng thời gian vô hình vunvút. Cũng một buổi chiều xuân với bầu trời trong vắt, ánh mặt trời rãi màu vàng lốm đốm trong vườn đào đầy thơ mộng này, và cũng dưới cội đào già này, Đông và Xuân đã gặp nhau…
08/01/2012(Xem: 6048)
Người,cũng là muôn loài trong cái thế giới ta bà, vẫn mang tứ khổ của cuộc đời, vẫnphải chịu bao cảnh trầm luân, vẫn phải nỗ lực tu tập để thoát khỏi luân hồi.Tôi cũng thế. Có lúc tôi chịu đớn đau, chịu bao phiền não. Tôi nào thoát đượcchốn trần gian đầy khổ ải...
07/01/2012(Xem: 3977)
Chiều nay, chủ nhật 25/5/2003, dù trời Sydney đổ mưa từng cơn nặng hạt, nhưng vẫn không làm chùn bước người về tham dự buổi phát hành Thi phẩm Giấc mơ Trường Sơn của Thầy Tuệ Sỹ, được long trọng tổ chức tại Trung Tâm Tiếp Tân Crystal Palace, Canley Heights, tiểu bang NSW, Úc Châu.
27/12/2011(Xem: 3658)
Trong việt nam phật giáo sử luận, tập một, khi bàn về sự liên hệ giữa thiền và thi ca, giáo sư Nguyễn Lang viết: “Thi ca không có hình ảnh thì không còn là thi ca nữa, cũng như đi vào lý luận siêu hình thì thiền không còn có thể là thiền nữa.”
07/12/2011(Xem: 2425)
Tôi có thói quen cứ những ngày cuối năm thường thích lật những chồng thư cũ của bạn bè ra đọc lại, thích tìm kiếm dư âm của những tấm chân tình mà các bạn đã ưu ái dành cho tôi. Lá thư của anh vẫn gây cho tôi nhiều bâng khuâng, xúc động và ngậm ngùi nhất!
27/10/2011(Xem: 12641)
Bùi Giáng, Người viết sách với tốc độ kinh hồn
04/10/2011(Xem: 2960)
Vài năm qua trên báo chí và sách vở xuất hiện một số thảo luận về câu niệm (Nam Mô) A Di Đà Phật hay (Nam Mô) A Mi Đà Phật. Có lẽ khởi đầu từ cuốn "Hương Sen Vạn Đức" của HT Thích Trí Tịnh1(2006), và "Ý Nghĩa Hoằng Pháp và Hộ Pháp" của tác giả Diệu Âm - Diệu Ngộ được ghi nhận trong bài viết trên mạng Thư Viện Hoa Sen (21/6/2011). Phần này chú trọng đến sự khác biệt ngữ âm giữa Di (trong A Di Đà Phật) và Mi (trong A Mi Đà Phật) và không đi vào chi tiết các giáo pháp liên hệ cũng như phạm vi tâm linh tín ngưỡng dân gian. Thanh điệu ghi bằng số ngay sau một âm như số 3 trong min3 hay mǐn (giọng Bắc-Kinh hay BK ghi theo hệ thống pīnyīn thông dụng hiện nay), không nên lầm với số ghi phụ chú (superscript) như min3; dấu hoa thị * (hình sao/asterisk) đặt trước một âm tiết để chỉ dạng cổ phục nguyên (reconstructed sound). Hi vọng bài này cho thấy phần nào khuynh hướng ngạc hóa nói riêng, văn hóa ngôn ngữ Phật giáo nói chung đã đóng góp không nhỏ trong quá trình hình thành tiếng Việt hiện đại.
19/09/2011(Xem: 7768)
Những ai đã đạt được lòng từ bình đẳng tuyệt đối như vậy thì chẳng những đã đạt được an vui cho chính bản thân mình mà tình thương ấy còn lan toả đến tất cả, kể cả những kẻ khuất mặt đang sống trong tối tăm mà lòng lúc nào cũng sục sôi căm thù nữa.
28/08/2011(Xem: 2548)
Tình mẹ và con, một tình yêu thiêng liêng trong nhân loại. Tình yêu ấy gắn bó thiết tha như sóng và nước. Nước là mẹ và sóng là con. Sóng ôm lấy nước...
11/08/2011(Xem: 2559)
Em ơi, anh đã từng đọc những vần thơ đầy sự day dứt của nhà thơ Trụ Vũ khi ông mong muốn diễn đạt một tình yêu dành cho mẹ nhưng đành phải bất lực trước sự giới hạn của ngôn từ và hình ảnh:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567