Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngôi sao khiêm tốn

13/02/201310:21(Xem: 3995)
Ngôi sao khiêm tốn
hoa_ly_1Thầy không chỉ là thầy học của tôi, thầy còn dạy cả cậu mợ tôi học ở bậc Trung học. Thầy dạy môn Sinh vật từ năm lớp Sáu. Nhìn cung cách thầy trình bày dạy, tôi nghĩ rằng thầy chọn dạy môn này là do tấm lòng thầy yêu sinh vật quanh mình, thầy thưởng thức cái Ðẹp quanh thầy, cái Ðẹp nơi những vật tầm thường nhất. Phải nhìn thầy say mê chỉ cho chúng tôi xem nghệ thuật pha màu của Thiên Nhiên nơi thân thể của một con Sâu rọm, những màu rực rỡ như thế nào được chọn lọc, sắp xếp, hòa hợp ra sao. Chớ cái đẹp của một đóa hoa thì ai cũng thấy... Phải nghe thầy ca tụng nét thẩm mỹ nơi cái chân của con Heo, bắp đùi nở, cẳng chân thon, bàn chân nhỏ xỏ trong chiếc giày xinh gọn (cái móng Heo!).

Những đóa hoa dại vô danh chúng tôi hái ngẫu nhiên ở đồng đem đến lớp để khảo sát, được thầy nâng niu nhìn ngắm, sờ mó và giảng cho chúng tôi nghe về cánh đài, cánh tràng, nhị đực, nhị cái...

Thầy không dừng lại ở những kiến thức, thầy còn nghĩ đến lợi ích cho chúng tôi. Như khi dạy về Trùng ký sinh, thầy giảng rằng theo kinh nghiệm dân gian thì người ta khuyên nên uống thuốc vào những ngày Rằm và mồng Một. Thầy nói tiệm thuốc Bắc có bán một thứ thuốc xổ lãi dưới dạng bánh in hình ngọn tháp, nghe khen rất công hiệu mà rẻ tiền. Mỗi em hãy xin cha mẹ mua cho uống trong ngày Rằm này. Khi xổ lãi, hãy bỏ vào cái lọ đổ chút rượu cồn, - nếu không có thì tạm dùng dầu lửa - đem tới lớp để khảo sát.

Bài học mang lợi thực tế là những bạn đã xổ được lãi. Nhiều bạn không thực hiện liền kỳ đó, nhưng chắc chắn sau này họ biết nên làm gì cho họ, cho em họ, cho con cháu họ... đối với Trùng ký sinh.

Chương trình Sinh vật ở lớp Chín là Giải phẩu và sinh lý cơ thể con người. Thầy lại đặc biệt lưu ý ở những điểm lợi ích thiết thực. Như đối với bộ răng; răng sâu nên đi chữa như thế nào, nhổ răng bừa bãi có hại gì, người thợ trồng răng ít học làm hỏng những răng lành mạnh như thế nào, đeo thử đôi gương mà thấy đọc chữ quá rõ, chữ to gấp đôi thì vì sao mà đừng mừng, đừng chụp mua liền. Vân vân. Tất cả đều là những kinh nghiệm cụ thể, hoặc thầy đã trải qua, hoặc thầy đã học hỏi kỹ lưỡng.

Cuối năm học, thầy dặn:

- Tuần sau, giờ Sinh vật, chúng ta sẽ tổ chức một "Ðại hội Ðông y".

Toàn là chuyện lạ hoắc! Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau.

- Các em về nhà hỏi cha mẹ và người quen, một hai kinh nghiệm về chữa bệnh, dễ nhất và hiệu quả nhất. Phải kinh nghiệm thật, có công hiệu thật và mình ngạc nhiên kính phục thật. Chớ không phải kinh nghiệm sách vở. Biên sơ lược vài hàng vào mảnh giấy nhỏ rồi đem tới lớp.

Ðúng ngày hẹn, thầy cầm phấn vẽ nhanh mươi nét trên bảng đen hình một tấm màn lớn bị kéo vẹt ra hai bên để lộ hàng chữ thật to ÐẠI HỘI ÐÔNG Y. Thầy gom các mảnh giấy "mách thuốc rồi lần lượt xướng to:

- Bệnh nấc cụt: lấy xơ mướp già, sắc sao nước cho uống.

Thúi tai (cả lớp cười): Lấy que nhọn đâm vô thân cây chuối hột, hứng nhựa rót vô lỗ tai.

Nhức răng: lấy 3 gram băng phiến ngâm nước tiểu trẻ con. Ngậm 15 phút.

Mắc cổ xương cá: nhờ một người đẻ ngược cào cổ dùm.

Thầy kêu:

- Võ thị Hồng Loan, em thấy ai làm vậy? Và có hiệu nghiệm cụ thể không?

Hồng Loan đứng dậy bẽn lẽn:

- Dạ... dạ... chính em làm. Trong xóm hễ có ai mắc cổ xương cá là họ nhờ em tới cào cổ dùm. Má em nói hồi nhỏ em bị đẻ ngược.

Cả lớp cười rộ lên và thầy cũng cười ngon lành. Thầy nói:

- Bữa nào thầy viết một tấm bảng nhỏ đem treo trước cửa ngõ nhà em.

- Viết cái gì vậy thầy? - Cả lớp nhao nhao hỏi.

- Thầy viết thế này: "Bà thầy chữa mắc cổ xương cá. Hiệu nghiệm như thần. Giá phải chăng. Xin hỏi nơi đây".

Thầy thường minh họa bài giảng bằng những hình vẽ đơn giản, thường chỉ bằng một nét. Ví dụ cái bụng con bò khác bụng con ngựa như thế nào, sừng con trâu khác sừng con dê như thế nào. Dáng đứng của con cò, cách đậu hút mật của con ong, điệu ngồi của con cóc, bộ chân của con nhện, con cua... Chúng tôi vẽ nhanh theo thầy vừa cảm thấy thêm yêu thương các con vật.

Một hôm thầy kêu một lượt 6 học sinh lên bảng, đứng xếp thành hàng, vẽ hình con nhái. Sau hai phút, trên bảng đã có 6 con nháichồm nhảy giống nhau. (Thầy đã chọn dạy hình này, đơn giản, dễ vẽ, dễ giống). Thầy kêu tiếp 6 học sinh khác đứng cao hơn. Cũng vẽ nhái. Rồi tiếp một lược 6 học sinh nữa, đứng cao hơn đợt trước. Kết quả làm chúng tôi cười ngả nghiêng vì bầy nhái 18 con trên bảng đang "nhái" nhau một vũ điệu độc đáo bất ngờ.

Nhớ năm đệ Tứ thầy có dạy Văn cho lớp tôi. Khi nạp bài luận làm tại lớp, có lần thầy bắt nạp luôn cả tờ giấy làm nháp. Nhiều bạn quýnh quíu vì quen tật làm luận không nháp hoặc nháp sơ sài 5-10 hàng rồi thôi. Chưa hết. Thầy còn kiểm soát cách làm nhápnữa. Thông thường thì làm nháp nghĩa là phải xóa, gạch, thêm, sửa... chớ phải để sạch sẽ trơn tru. Kiểm soát kiểu đó đã đủ chết rồi, đằng này, thầy còn kiểm soát ngay tận gốc. Ðề luận đưa ra, chép xong thì mỗi người lôi vở ra làm nháp. Sau 10 phút thầy bảo ai đã làm nháp được nhiều rồi thì đưa lên thầy chấm. Năm, ba anh chị vội chạy lên đưa. Thầy liếc đọc loang loáng rồi vòng những con số không. Hoảng. Nhiều người đang cầm vở chạy lên chợt khựng lại. Thầy giải thích cho cả lớp:

- Ðã dặn: đối với đề nghị luận thì 3 phút đầu chỉ ngồi im suy nghĩ để hiểu đề. 2 phút sau, suy nghĩ về phạm vi bao quát của bài làm. 5 phút tiếp theo là dàn bài sơ lược trên giấy. Chớ chưa đặt thành câu. Vậy mà, nhiếu em đã chụp viết say sưa. Bài làm lạc đề thì có bao nhiêu tai họa, bao nhiêu cảm hứng cũng coi như đổ xuống sông, xuống biển. À, trên tờ nháp mà ghi chữ Bài làm? Ðịnh để ai đọc vậy?

Mà làm sao cẩu thả khi thầy dạy làm văn như người ta dạy toán, ra những bài tập nhỏ, tuần tự, bắt chúng tôi phải làm. Ví dụ:

- Hãy chọn 5 chi tiết để tả một người đang băn khoăn lưỡng lự.

- Hãy tìm những động từ và trạng từ để tả các động tác của một cầu thủ bóng tròn đang chơi trên sân cỏ.

- Ðể giọng văn khỏi nhàm, phải biến chuyển cách đặt câu. Với nội dung "Tôi yêu mái trường của tôi", hãy đặt thành:

1- Câu xác định 2- Câu phủ định 3- Câu nghi vấn 4- Câu tán thán.

Thật là khổ sở. Từ các lớp Tiểu học, chúng tôi đã tảtha hồ, tả cái gì cũng không biết ngán, song suốt vẹn toàn, sáu điểm bảy điểm vèo vèo, mà nào có thầy cô bắt chúng tôi phải nêu chi tiết đặc biệt đâu? Hôm thi tấn íchhọc kỳ 1 thầy bắt chúng tôi mỗi người đem theo một con tem chết, con nào mà mình thích. Ðể làm chi... chúng tôi nài hỏi nhưng thầy không trả lời. Ðến hôm thi mới rõ cớ sự. Ðề thi "tả con tem". Ðể khỏi véo von theo kiểu "Con tem có vẽ hình thật đẹp... tô đủ màu thật đẹp", thầy cho chuyển một lọ hồ và bảo dán ngay con tem đang tả trên tờ giấy làm bài. Ôi thế là có bao nhiêu túi phép mầu, văn sáo, văn rỗng, văn mông lung chúng tôi tích trữ từ trước, nay trở nên vô dụng.

Ðể tập thói quen quan sát, một hôm tới giờ làm văn, thầy vô lớp. Học sinh ngồi yên vị, thầy mời mở vở nháp ra... Rồi ra lệnh cho Trưởng lớp đóng kín hai cửa sổ nhìn ra sân. Ai nấy đều ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau. Thầy cầm phấn viết lên bảng đen: "Hãy vẽ cây mít đứng trong sân trường".

- Giờ làm văn mà, thầy?

- Bọn em đâu có học vẽ? Ở đệ Thất không có dạy vẽ.

Thầy nói:

- Ðúng là giờ làm văn. Văn miêu tả đòi hỏi phải quan sát. Cây mít trong sân trường các em nhìn thấy hằng ngày. Nay vẽ lại thử xem các em có đôi mắt biết quan sát hay không.

- Em vẽ xấu lắm!

- Em không có bút chì màu!

- Em không đem theo gôm!

Thầy:

- Không cần vẽ đẹp. Chỉ cần vẽ đúng. Vẽ đơn giản thôi: gốc cao tới chặng nào thì tẻ ra cành... Có mấy cành lớn, chĩa lên hay đâm ngang thế nào, rễ bò ra mặt đất như thế nào v.v... chỉ vẽ đại khái trong 5 phút.

Sau 5 phút, thầy đi soát từng bàn, thu được bốn cuốn vở có hình vẽ tương đối gần với sự thật. Còn thì, ôi thôi, toàn những cây mít trừu tượng, có cây tẻ làm bốn, làm năm nhánh, - thực tế thì chỉ có hai -, có cây cụt ngọn, có cây lại tàng lá xum xuê như cây đa, cây bàng. Dựa vào thực tế bi đát đó, thầy tập cho chúng tôi quan sát, nhìn kỹ, nhìn lâu, kỳ cho đến lúc nhận thấy nét đặc biệt của vật định tả. Thầy mời nhìn cây đu đủ nơi vại nước nhà ông Cai trường, và một học sinh đã nhận xét "những trái đu đủ bâu quanh thân cây như một bầy chó con nằm bâu vú mẹ". Một lần khác thầy mời nhìn ra cánh đồng trước trường, và một học sinh đã ghi "hàng cây dừa chạy dài qua cánh đồng xa (cách chúng tôi có tới 500 thước), lá dừa phản ánh mặt trời (lúc đó vào khoảng hai giờ chiều), lóe trắng từng đốm tưởng như có bầy bướm trắng lao xao". Những nhận xét tinh tế đó, thầy mời cả lớp chép vào vở, kèm theo tên người học sinh đã sáng tác. Rồi thầy đặt cho chúng tôi mỗi người phải tìm cho được 5 nhận xét tinh tế vẽ những vật quanh mình. Tuần sau, anh Nguyễn Văn Chính, nhà bán đồ gỗ ở đường Phước Hải báo cáo "cái ghế xa lông nó vòng hai cánh tay hai bên, nó ưỡn cái ngực ra, trông như người ngồi bật ngửa". Tuần sau nữa, anh Ðỗ Văn Năm nhà ở chợ Mới đứng dậy lắp bắp: "Thưa thầy xóm em trồng dừa. Hôm qua em nhìn cái ao trong vườn em, có nhiều trái dừa khô rớt xuống nổi lềnh bềnh ngó như những cái đầu của ai lội dưới nước".
Bài thi tấn ích cuối niên khóa, đề ra "Một người đi lính được về thăm nhà bất ngờ vào buổi chiều cuối năm". Thầy đòi hỏi bài văn phải có tỷ ngữ, ám tỷ, nhân cách hóa, tiếng tượng thanh, đảo trang, câu nghi vấn, câu tán thán. Rõ ràng là khó, khó hơn lớp người ta, dễ thường toàn quốc không đâu khó bằng. Lại còn bắt "chỗ nào tỷ ngữ, chỗ nào đảo trang v.v... xin gạch dưới và ghi chú nơi lề giấy". Ðâu còn cách nào ấm ớ lộn sòng?

Hôm thầy trả bài, Nguyễn Thị Liên được điểm cao hơn hết. Thầy đọc cho cả lớp nghe chỗ nào ám tỉ, chỗ nào văn đối thoại... Liên thực hiện đầy đủ và sinh động, đầy nghệ thuật.

Liên bây giờ không biết làm gì ở đâu. Cuối năm đệ Ngũ, chị theo cha mẹ về quê ở Quảng Nam hay Quảng Ngãi gì đó. Chẳng biết có hồi nào chị nhớ lại bài văn thành công đầu tiên của chị ở lứa tuổi mười hai ngây thơ đó không.

Sang năm đệ Ngũ, tôi nhớ có lần thầy bắt tả một cuộc đá gà với điều kiện "sử dụng những từ ngữ chuyên môn thuộc ngành đá gà". Phải chạy đi tìm hỏi trối chết. Hôm trả bài, tôi nghe tới tấp những từ ngữ mới lạ. Một học sinh được cử lên bảng để ghi những từ ngữ chuyên môn nhặt từ bài làm của học sinh;

Gà ô... gà tía... gà kiến... chịu đòn... trả đòn... nạp theo... chém phản... đá me... đá hầu... kèo cổ... đá vắt... đá vó... đá lòn cánh... đá so... đá rẻo... đá kiệu... đá phủ... đá quáng... cho nước... vỗ đờm...

- Gà ô, 10 ăn 5, - Con gà tía, 1 chai 5 hớp (đồng nghĩa với 100 ăn 50), -Cáp con gà kiến 500, - Bắt bắt!

- Nhất thời chân chúm giãn ra. Nhị thời vát tắc, thứ ba bé đòn

Thật không thua một bài khảo cứu!

Mà đâu phải chỉ tả suông một cuộc đá gà? Ðể thấy ra là: "Một cuộc đá gà trong ngày đầu xuân, ở ngôi đình một làng ven biển". Vậy mới ác. Phải có chi tiết, - vài thôi, không được nhiều,- về quần áo mới, guốc dép mới và miếng bánh tét cầm tay, phải có sân đình lát gạch và bàn thờ ông Thần, phải có sóng vỗ rì rào, khuôn mặt rám nắng và cái khăn lông to quấn đồ sộ lên đầu, đặc biệt của bà con miền biển. Tôi nhớ hôm trả bài, thầy còn nói:

- Ðáng lẽ thầy còn đòi thêm một chi tiết về thời gian nữa. Chẳng hạn: "vào cuối thế kỷ thứ 13, sau khi quân ta đánh tan năm mươi vạn quân Mông cổ".

Chúng tôi lẻn đưa mắt nhìn nhau le lưỡi.

Một tâm hồn tinh tế như vậy khiến những lời khuyên dạy của thầy cũng mang một nét thâm thúy riêng. Nhớ năm lớp Tám có lần giờ chơi thấy chứng kiến cảnh một nữ sinh nhăn mày, nhíu mặt, trề môi chê bai, nói xấu ai đó với một cô bạn. Vô lớp dạy xong bài, thầy mượn 5 phút chót kể gọn lại những điều đã thấy rồi cầm phấn, vừa suy nghĩ vừa viết, vừa xóa vừa sửa: "Ðừng ưa chê bai kẻ khác. Con hãy nhìn vào gương. Khi chê ai, mặt con nhăn nhíu xấu xí. Khi khen ai, mặt con rạng rỡ xinh tươi. Hỏi còn có thuật trang điểm nào đơn giản mà hiệu quả hơn không?".

Thầy quay lại:

- Các em ghi lời dặn này để nhớ. Thầy mới chợt nghĩ ra. Chắc cũng chưa hay lắm. Cốt để sửa mình thôi mà.

Cạnh cái chân thật, nét nổi bật nơi thầy là tính hài hước.

Nhà má tôi ở sát vách nhà thầy, chung sân chung giếng nên những nét khôi hài của thầy tôi gần như được thưởng thức trọn vẹn. Nhờ có lần một người cháu họ xa của thầy ở tận nhà quê La Hai tới thăm, lần đầu tiên. Anh ta cỡ 35 tuổi. Lanh lẹ, làm nghề mổ heo. Câu chuyện hàn huyên, hỏi thăm sức khỏe cô Bốn Phú Vang, anh Diễn Quảng Ðức, bà Bông Xóm Ðường... chợt giọng thầy chậm rãi hỏi:

- Tiền vé xe lửa vô đây bao nhiêu?

- Dạ, có 8 ngàn rưởi. Rẻ quá, chớ cậu?

Giọng thầy chậm rãi:

- Ðường dài 150 cây số... giá 8 ngàn rưởi ... Cũng chẳng rẻ quá... Mà, tại cháu chuyên môn bán thịt heo, miếng thịt đùi dày một tấc, nặng một ký, giá 15 ngàn thì dài tới 150 cây số mà trị giá có 8 ngàn rưởi thì quá là rẻ thiệt.

Kim Nhã em tôi một hôm đi học quên mang theo áo mưa, bị ướt lóp ngóp. Thầy cười:

- Mình chợt nghĩ đến mấy cô ăn diện mà nhà nghèo. Chịu hy sinh để mưa ướt vai, vải áo sẽ dính sát vào da trông nõn nà tựa bận sơ mi xoa xuýt (Soie suisse). Ðầu ướt lạnh xuýt xoa nhưng lại được bận Xoa Xuýt.

Bên cạnh cái hài hước, cứ đôi ngày là có một câu chuyện Dại Khôn. Như có hôm thầy kêu dặn em tôi:

- Khi mẹ sai đem tiền trả cho ai, con nhớ xin phép người đó cho con được đếm lại trước mặt họ. Ðể phòng người đó có thể ném bỏ bừa bãi và con cháu lén lấy cắp. Khi đếm lại thấy thiếu, vậy là tội tham lam đổ lên đầu mẹ con.

Một hôm tôi lên phòng thầy để hỏi nghĩa một từ ngữ lạ, - tôi chuyên môn quấy thầy, nhiều nhất là ở mục Tầm Nguyên, - thì thấy phòng đã khóa. Lạ. Từ sáng đến giờ không nghe cổng bên thầy mở. Nhưng rõ ràng cái ống khóa đồng vàng rực trước mắt tôi kia. Tôi đi về phía phòng làm việc. Cũng khóa. Tôi rẽ sang phía cuối hành lang. Có tiếng "cộp" trong một căn phòng. Cửa đóng. Chuột ? Ăn trộm ? Tôi nhẹ nhàng và hồi hộp bước lại gần. Can đảm cầm tay nắm quay nhẹ. Thật bất ngờ, cánh cửa hé mở. Và thật bất ngờ, thầy đang ngồi một mình trong đó. Thầy quay ra nhìn tôi.

Căn phòng này tôi chưa hề bước vào một lần. Cứ tưởng là cái kho chứa đồ. Thầy dịu dàng bảo tôi:

- Con cứ vô.

Thầy ngồi trong một chiếc ghế bành bọc da. Căn phòng khá rộng, không có đồ đạc. Trên tường màu vôi xanh nhạt treo những tấm hình, có tấm khổ lớn, có tấm trung bình, có tấm là hình màu, có tấm là tranh màu. Trong là một tượng bán thân bằng thạch cao.

Tôi lại đứng cạnh thầy.

- Lần đầu tiên con bước vô phòng này, - giọng thầy nhẹ nhàng - . Ðây là phòng riêng của thầy. Chỉ có những bức ảnh. Ðể thầy giới thiệu cho con.

Thầy đưa tôi lại đứng gần bức ảnh chụp một thiếu nữ cỡ 20 tuổi, mặc áo đầm trắng, đứng nơi cầu thang bước lên của một biệt thự. Xung quan nhà là những thân cây ngo đứng thẳng. Tôi đoán người trong ảnh là ai.

- Vợ của thầy đó. Ðã rời bỏ cuộc sống êm đềm nơi khung cảnh êm đềm này để chia xẻ với thầy những ngày cực nhọc. Và đã từ trần, giao ba đứa con lại cho thầy nuôi. Những đứa con hiện phải sống xa thầy.

Thầy tôi nhích thêm một bước. Ảnh màu phóng đại khuôn mặt một thiếu nữ. Màu son nhạt nơi môi, màu phấn hồng nhạt trên má và đôi mắt đen có tia nhìn dịu dàng.

- Lê Khương, một cô học trò cũ có nhiều cảm tình với thầy. Dáng mảnh mai. Giọng Huế ngọt ngào. Theo cha đi nhận chức Tỉnh trưởng Ðồng Nai Thượng. Nửa năm sau nghe tin Lê Khương tự tử vì bị cha ép gả cho một người mà em không bằng lòng. Thầy còn giữ bức thư hơn 20 trang, trên giấy pơ-luya màu ngọc bích Lê Khương gởi khi phải xa thầy.

Tôi nhìn lâu, nhìn kỹ hơn khuôn mặt. Chừng như đôi mắt tôi bắt đầu xốn xang.

- Ảnh này chụp một cảnh đi cắm trại. Cậu học sinh đứng vẫy tay cười là Nguyễn Văn Khéo. Học lớp đệ Nhị. Lười biếng một cây. Chuyên môn cúp cua. Nhà ở gần Mả Vòng, bán buôn nhộn nhịp nên có nhiều dịp để trốn học, đi đánh xóc dĩa, đi đá banh. Có điều là rất thương thầy. Hễ gặp đâu là móc gói thuốc Cotab rút một điếu mời thầy. Cả gan vậy đó. Thầy chợt im lặng. Giọng nhỏ lại:

- Năm 71 bị động viên. Chết ở mặt trận Quảng Nam.

Một tấm ảnh chụp đám cưới, màu rực rỡ. Cô dâu choàng khăn voan trắng. Chàng rể mặc lễ phục. Phù dâu phù rẻ vây quanh. Các khách dự sang trọng.

- Cô dâu là bạn thân của con thầy, là con của bạn thân thầy. Giàu tỉ phú. Chàng rể đỗ bác sĩ. Cô dâu đậu Cao học. Dự tính đám cưới xong là cả hai đi tu nghiệp và học tiếp ở Thụy Sĩ.

Tôi rụt rè:

- Hạnh phúc trọn vẹn.

- Phải. Nếu không có chữ "Nhưng", những chữ "Nhưng" bất ngờ, những chữ "Nhưng" vô lý. Lễ cưới quá linh đình: lễ ở nhà thờ, lễ giữa hai họ, lễ bàn thờ tổ tiên, lễ giữa quan khách, lễ... lễ.. và vào một lúc bất ngờ, cô bị vướng chân vì những khăn voan áo choàng, vì những tapis rèm cửa... cô dâu bị vấp té. Cô dâu bất tỉnh. Cô dâu đuợc đưa đi cấp cứu... và cô dâu không về lại nữa. Người ta nói cô dâu vì nín không đi tiểu nên cái té đã làm bể bàng quang. Lũ bạn vừa chung tiền mua quà mừng đám cướithì lại vội góp tiền để viếng đám tang.

Tôi lại nhìn kỹ khuôn mặt cô dâu.

Ảnh một thiếu phụ trạc 40 tuổi, ngồi ở tay lái một chiếc Peugeot 404. Trang điểm kỹ. Ðôi găng da trắng. Cái mũ cát-két.

- Người bạn gái "chịu chơi". Chủ nhân một hiệu Âu dược ngay ở đường Lê Lợi. Chủ nhân một hiệu may y phục thời trang. Tự lái xe đi nghỉ cuối tuần, đều đều ở Vũng Tàu, Ðà Lạt. Thỉnh thoảng vọt ra Nha Trang ở với thầy vài ngày. lần cuối cùng xe bị lọt hố, lăn xuống đèo vì đêm trước ham vui, thức khuya, sáng ngủ gục trên tay lái.

... Thầy đưa tay một vòng chỉ những tấm tranh và ảnh còn lại:

- Hôm nay thầy giới thiệu cho con từng ấy người đã. Những người khác dành phần cho những hôm sau. Dãy này là những người có quan hệ tình cảm. Dãy bên mặt là những người quen biết. Số này đông vì trong đó có những người học trò cũ. Dãy bên trái là những người quen tên biết tiếng, có thể gặp đôi lần. Như cô vũ nữ Cẩm Nhung thanh sắc một thời, bị tạt át-xít, đã lê tấm thân tàn tạ và chết trong tăm tối. Như nữ Thủ tướng Indira Gandhi, cô đào chiếu bóng Marylin Monroe... Những khi gặp điều phiền muộn, tâm trạng bi quan, thầy thường ngồi đây, giữa những tấm ảnh. Chúng lặng lẽ nhắc thầy nhớ ý nghĩa cuối cùng của cuộc đời, xoa nhẹ những đau buồn, an ủi những thất vọng chua cay. Luôn luôn khóa kỹ cửa để khỏi bị ai quấy rầy, vậy mà hôm nay bất ngờ quên khóa, khiến con bắt gặp. Nhưng cũng hay, vì con đã lớn, con sắp bước vào đời, nhận những cái Vui cạnh cái Khổ thầy muốn bày cho con cái phương pháp "Giải Khổ" nhẹ nhàng đó của thầy. Ðúng là giải khổ, cởi bỏ cái khổ, khi nhìn thấy những gương khổ của người khác. Ngày còn đi dạy học, thầy thường đưa học sinh đi thăm một nhà thương, một viện dưỡng lão, một viện mồ côi... dạy học sinh rút bài học âm thầm từ những cảnh khổ đau đang thấy.

Tối hôm đó tôi bâng khuâng khó ngủ. Bao nhiêu năm sống gần thầy, hễ mỗi khi tôi sắp gặp cái gì khó là y như thầy đã biết trước, thầy đã lo bày vẽ chuẩn bị cho tôi rồi. Với tôi, thầy như ngôi sao Bắc đẩu dành cho người thủy thủ. Nhưng... nhưng làm sao thầy vĩnh viễn được như một ngôi sao?... Và hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy hồi nào, tôi không hề hay biết, mãi đến khi chảy thấm mặn đầu lưỡi tôi mới chợt giật mình, nhẹ cầm vạt áo lên lau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/05/2011(Xem: 3274)
Hãy sống như những người con Phật, mở lòng ra, nắm lấy những giờ phút đang có này, vứt bỏ mọi ức, hoài niệm, và nở nụ cười.
05/05/2011(Xem: 12014)
Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh là cơ quan ngôn luận dẫn đạo về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, mà mãi đến nay (2014) vẫn chưa có tạp chí Phật Giáo nào, trong và ngoài nước, có thể vượt qua được uy tín và ảnh hưởng lớn rộng của nó. Hiện Thư Viện Huệ Quang (Việt Nam) đã số hóa tạp chí này, bắt đầu từ số 1 năm 1967 cho đến số cuối cùng vào tháng 3 năm 1975 thì tự đình bản do hoàn cảnh đổi chủ của miền Nam Việt Nam.
11/04/2011(Xem: 3183)
Cái biết sáng ngời hay Phật tánh, Chân tâm, Tánh giác… thật ra không có tên gọi, không thể dùng lời diễn tả, không thể tưởng tượng suy lường.
10/03/2011(Xem: 2970)
Ngày xưa, có một người xay bột nghèo mà lại có một cô con gái xinh đẹp. Có lần, bác ta tình cờ được nói chuyện với nhà vua.
27/02/2011(Xem: 4116)
Tập sách này là một sự tập hợp các bài biên khảo đã được đăng trong các tạp chí Phật giáo. Các bài: Triết lý quanh đèn, Triết lý chiếc nôi, Cái nhìn...
19/02/2011(Xem: 17053)
Hết lòng trân quí và ghi nhớ ân đức sâu dầy của sư Sán Nhiên đã biên soạn và hiệu đính tập sách này, cũng như đã hoan hỷ cho phép Hội Thiện Đức ấn tống nhằm góp phần vào công cuộc hoằng hóa Phật pháp đem đến lợi lạc cho nhiều người. Hội Thiện Đức xin biết ơn sự ủng hộ tinh thần và tán thán sự phát tâm đóng góp tịnh tài của quý Phật tử và ân nhân cho công trình ấn tống này. Xin tri ân chị Thân Thục & anh Thân Phúc đánh máy tập sách; anh Thân Hòa trình bày sách bao gồm thiết kế bìa sách; anh Chúc Giới, anh Thiện Tánh, cùng anh Chúc Tùng cung cấp tài liệu và hình ảnh; Tâm Hân Huệ thỉnh ý sư Sán Nhiên; chị Tâm Thiện, chị Chơn Hạnh Bạch, chị Diệu Âm, Thân Hồng, cùng anh chị Lê Lộc (Lancaster, PA) phụ giúp sổ sách, liên lạc, và kêu gọi cho quỹ ấn tống.
02/02/2011(Xem: 9662)
Sự hiện hữu đột biến phản diện của một đóa mai đã đánh lay tâm thức của người đọc một cách bất ngờ, tạo ra một mối nghi tình cho hành giả, trong hai câu song thất kết thúc của bài kệ, mà thiền sư Mãn Giác đã trao cho những người đi sau, nhân lúc cáo bệnh thị chúng của ngài, chúng vẫn còn tiếp tục chảy không biết bao nhiêu bút mực để nói về sự hiện hữu của chúng.
21/01/2011(Xem: 3864)
Mỗi khi mỏi bước trên con đường mình đã chọn, hãy tự nhủ mình: ” Tiếp tục đi… đừng dừng lại. Mỗi bước có thể khó khăn hơn nhưng đừng dừng lại. Viễn cảnh đẹp nhất là lúc ở trên đỉnh”. Hãy luôn thúc đẩy mình bằng cách nghĩ về viễn cảnh hạnh phúc ở tương lai bạn nhé.
20/01/2011(Xem: 3335)
Thầy Ajahn Brahm có lần chia sẻ khi ông mới đến ở tu viện Wat Pah Pong của ngài Ajahn Chah, ông thường được nghe Ngài Ajahn Chah kể một câu truyện về làm thế nào để hái một trái xoài. Tu viện Wat Pah Pong là một vườn xoài. Và theo người ta kể thì những cây xoài ở đây được lấy hạt giống từ chính cây xoài được trồng bởi đức Phật. Vườn xoài lúc nào cũng đầy trái thơm chín chỉ chờ người hái. Nhưng theo lời Phật dạy thì chúng ta không nên leo lên cây hái trái. Và ta cũng không cần phải lấy cây sào vói hái, hay là rung lắc cho trái rụng xuống.
20/01/2011(Xem: 3185)
Đêm im lặng, lắng nghe hương về sáng Mùa xuân tràn, có vạn cánh chim bay Cành mai ngủ vừa giật mình thức giấc...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]