Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời sám hối của Cha

11/02/201300:25(Xem: 3710)
Lời sám hối của Cha
vo-hong_2
Nhà văn Võ Hồng

Đã đến lúc cha viết những lời sám hối chân thành gởi đến con. chắc con rất ngạc nhiên. Con dang xót xa vì cha cô đơn, ân hận vì không được gần cha đề săn sóc tuổi già, cũng có thể tưởng tượng cha đang nhẹ nhàng trách con... Vậy mà làm sao nghe có sự ngược đời. Con hãy nghe cha nói.

Là con gái lớn của một gia đình mất mẹ, con đã chịu bao nỗi thiệt thòi. Mẹ mất khi con mới lên chín và gia đình chỉ gồm một người cha và ba đứa con dại. Đâu có còn ai để trông cậy nhờ vả? Thường thì một người nghèo khó nhất cũng có ông hay bà, chú bác hay cô dì cậu mợ, không họ gần thì họ xa, ở kề cận láng giềng. Đằng này gia đình ta vừa định cư ở thành phố mới được một năm, chỗ láng giềng qua lại không hơn ba nhà lân cận.

Cha đi dạy học ở trường tư, lương tính trả theo giờ, nghỉ dạy giờ nào miễn trả giờ ấy. Đã vậy mà chỗ dạy đâu có gí bảo đảm. Ai cũng có thể thay thế cha được bất cứ lúc nào. Nhà trường là một cơ sở của hội Phật giáo mà má con và phía ngoại con lại là người Thiên Chúa giáo. Rồi thằng em của con, mãi lên tám mới được chính thức đi học và phải cho học ở một trường tư thục gần nhà. Lại nhằm một trường của Thiên Chúa giáo. Cha biết có bao nhiêu khó khăn rồi rắm cứ tuần tự dệt thành tấm lưới bủa vây cha. Cứ mỗi cuối năm học là chuẩn bị nhận một bức thư "cám ơn" của Ban quản trị nhà trường. Cứ đầu năm học là hồi hộp đợi coi niên khóa này mình được phân phối cho dạy bao nhiêu giờ một tuần. Có những lần phiền muộn, cha lặng lẽ ra ngồi ở cuối sân, lần nhổ những bụi cỏ dại. Cho quên đi, cho lắng xuống, cho tan loãng... Cha tránh không dám gặp các con ngay lúc đó, sợ đang cơn bực bội phiền muộn, nếu lỡ gặp điều trái ý mà không giữ được bình tĩnh.

Vậy mà cái "lỡ" đã xảy ra. Hôm đó cha vừa về, vừa bỏ mũ, vừa tháo nịt thì con chạy lên mét cha nghe cái gì đó. Đang uất ức vì việc ở trường, con lại gây thêm điều rắc rối nên sẵn cái nịt trên tay cha vụt con một cái. Cha vội vàng dừng lại. Nhìn con mở to mắt, mặt nhăn đau đớn... con ơi, hình ảnh đó cứ theo mãi cha, ám ảnh cha suốt hơn ba mươi năm nay.

Có thể con đã quên, chắc chắn là con không giận, nhưng mà cha thì cha cứ nhớ. Con có lỗi, bắt nằm xuống năm roi ba roi, cách phạt đó ngó vậy mà vẫn thanh nhã vì đánh có kèm theo lời dạy, có nảy sinh lời hứa. Cái roi bẻ từ một cành cây còn dính đôi lá xanh non vẫn được nhìn như một người bạn chơi của đứa nhỏ phạm lỗi. Chớ cái nịt! -Nó được chế tạo ra hàng loạt để cột, đề siết, để bó.. Nó lạnh lùng, nó vô tri, nó mang dáng vẻ một dụng cụ giảo hình.

nha van vo hong va cac con
Nhà văn Võ Hồng, vợ và các con

Sao cha nỡ có hành động tàn bạo như vậy với con? Mới lên chín, con đã nhận trách nhiệm lo lắng cho gia đình. Con tính tiền chợ, con trả tiền điện, con đưa tiền rác, con ngó chừng em, nhắc chị Hai tắm em, tự tay bôi thuốc vào mụt lở của em. Rồi cái nhìn đi xa hơn một chút: dọn dẹp cái này cho gọn gàng, xếp đặt cái kia cho tươm tất.

Con đâu có hưởng nhiều êm đềm tuổi thơ với cha? Lúc nhỏ thì con lúc thúc bên gối ông bà. Có lẽ đó là những ngày ngọt ngào nhất của con bởi ông bà thương vồ vập, đòi cái gì cũng có, muốn cái gì cũng cho. Sáu tuổi theo cha mẹ về Đà Lạt con phải một mình coi chừng em giúp mẹ. Rồi mẹ con bệnh, gia đình bị xé nát, con lại theo ông bà về quê, cha đưa mẹ xuống Sài Gòn chữa bệnh. Ba năm sau mẹ con mất, con biến thành người quản lý của gia đình.

Chín, mười tuổi là cái tuổi nhớ trước quên sau, cái tuổi miệng hay ăn vặt và hát nghêu ngao, là dàn bày đồ chơi ra rồi bỏ vãi đó không dẹp, là tuổi đi chơi phố có mẹ cầm tay. Con thì không. Con phải đứng vững như một thân cây che hai cây nhỏ đứng kề. Không có mẹ nhẹ nhàng vuốt ve và nói lời dịu ngọt, không có kinh nghiệm về cái không khí yêu thương, con phải tự tìm lấy. Đi chợ qua hàng trứng vịt lộn, thấy có cái trứng quá già bị nứt phát ra tiếng kêu chíp chíp từ bên trong, con nài nỉ mua về gỡ con vịt bé xíu ra nuôi. Ngày hè năm đó cha có việc phải đi Quảng Ngãi nửa tháng, nhà vắng cha, con ghé chợ mua về một con heo nhỏ để nuôi cho vui nhà. Săn sóc chơi đùa với heo để quên niềm cô quạnh.

Sao nỡ giận con, trách con mà tàn bạo với con? Đâu có dễ để xử sự minh bạch, giải quyết rạch ròi ở đời? Thì ngay chính cha: chị Hai cầm cũng số tiền đó đi chợ mà có bữa ăn được, có bữa chẳng ra chi, nhưng cha biết nói sao? Con thúc cha nói nhưng cha cứ ngại ngùng. Sợ lỡ chị giận, chị bỏ đi nơi khác. Từ khi mẹ con mất, cha thêm rụt rè cam phận. Đã có quá nhiều âu lo và bổn phận dành cho cha rồi mà. Thằng em của con mới vừa bị sốt. Cha vẫn phải đi dạy cho hết buổi rồi đạp xe hấp tấp về nhà, kêu xích lô chở nó đi bác sĩ. Đầu năm, con Út bị chó nhà bạn cắn nơi đùi. Vậy là cha suốt đêm nằm lo lắng, mãi đến khi trở mình mới hay nước mắt đã chảy đầm đìa.

Cha có cảm tưởng là chưa bao giờ con nhận được một sự dịu dàng nào từ cha. Một người đàn ông nghiêm trang thật khó biết nên dịu dàng như thế nào. Không thể pha chế giọng nói, "biên tập" câu nói, hoa hòe điều nói. Cha chân tình thường chỉ lo nghĩ đến bổn phận nên nhiều khi quên mất sự dịu dàng. Thương yêu tha thiết trong lòng nhưng khó tìm cách nào để biểu hiện cho tinh tế, tránh xa công thức. Thành ra cha con ta sống âm thầm, cha gắng lo sao cho các con không thiếu thốn về vật chất, được đầy đủ về học vấn. Nhưng còn về tình cảm thì, mất đi người mẹ là tối sầm hết một nửa bầu trời. Cha cố gắng giữ cho nửa còn lại được sáng bằng cách ở vậy nuôi con. Nếu tục huyền, sợ chỉ còn một phần tư còn sáng. Nhưng giữ cho được một nửa cũng không dễ, bởi bao nhiêu thiếu sót, bao nhiêu khuyết điểm phần cha! Chỉ cần một nét mặt trầm ngâm, một cái nhíu mày u uất là đủ làm tắt đi nụ cười nơi mắt các con. Chỉ lỡ dùng một tiếng la rầy hơi nặng là tiếng đó cứ đè nặng dài ngày trên tâm hồn các con.

Bức thư ân hận của nhà văn Livingstone Larnod đã làm xúc động những người cha. Người cha trong truyện đã rầy con vì cách con lau mặt, mắng con vì giày không đánh bóng, la con vì trong bữa ăn sáng đã làm đổ sữa, ngồi tì tay lên bàn, nhai không kỹ càng. Khi con chào đi học, cho lại rầy "đi thẳng lưng". Trên đường ở trường về con lại bị rầy vì chơi bi dọc đường để làm rách bít tất. Buổi tối con bước vào phòng, giọng cha còn bất bình hỏi "cái gì?", và bất ngờ con chạy lại ôm chặt cổ cha, đầy tình thương yêu rồi bỏ chạy lên gác. Người cha bất giác thấy cái tâm đại lượng của con, thấy cái hẹp hòi của mình, -con còn con nít mà cha bắt làm người lớn- , cha ngồi bên giường nhìn con ngủ mà lòng đầy ân hận.

Con ơi, những cái lỗi dồn dập trong một ngày của người cha Larnod vẫn quá nhẹ so với chỉ mợt cái vụt dây nịt của cha. Và nhã nhặn quá, đẹp quá, cái hôn của đứa nhỏ so với cái nhăn mặt đau đớn của con. Cuộc sống của họ sung túc nên dẫu khuyết điểm mà chúng vẫn thuộc loại sang, chúng như được son phấn điểm trang, như được bọc trong nhung lụa: giày đánh bóng, ngồi bàn ăn làm đổ sữa. Như nàng công chúa đầm đìa nước mắt khóc vì một cành hoa héo. Phần cha con tathì niềm đau lớn hơn, bởi cuộc sống thưòng ngày của một đứa nhỏ chín tuổi mồ côi mẹ đã phải mang chằng chịt những vết roi vô hình.

Mẹ con chết, cha ở vậy nuôi con, người ta khen cha và mừng cho các con. Thì cũng có đúng, nhưng mấy ai tìm hiểu sâu để thấy cho bao nhiêu cái khó khăn. Dẫu không làm ra đồng tiền đi nữa, không đẹp như á hậu, không giỏi như bà Curie, dẫu ốm đau không giúp ích được gì cho chồng cho con nhưng sự có mặt của mẹ tựa viên đường làm cho chén nước mắm thêm ngon, như ngọn gió làm cho căn phòng thêm mát. Những đêm mưa sụt sùi, những đêm gió ào ào, mưa từng trận vã rào rào trên lá cây ngoài hiên, tiếng gió rít qua khe cửa, ba đứa con chắc thèm mong có được mẹ ngồi giữa, ba đứ bu quanh, hơi ấm từ mẹ tỏa ra, bàn tay mẹ vuốt ve, tiếng nói mẹ êm nhẹ... Tất cả những cảnh đó, mỗi đứa con có thể đang nằm trong chăn mà tưởng tượng, hai đứa lớn dễ tưởng tượng hơn vì có thời gian sống cạnh mẹ, tội cho con Út, chỉ biết mặt mẹ qua tấm hình. Thiếu thốn nhiều lắm. Mùa hè ngọt ngào với đủ thứ trái cây chín bày đầy chợ: xoài, thơm, cam, mít, vú sữa... Nhưng ai nhớ cho, ai lưu ý mua giùm cho các con ăn? Cha thì chỉ lo được cái bao quát, làm được cái đại khái. Đặt vào thưc tế, nhiều khi thật thà lúng túng như con rùa bị lật ngửa. Ai lại đi tin lời bà bán hàng, như mua pyjama con trai đem về cho con gái bận. Hoặc vô tâm tới mức đi chợ Tết, cứ tuột quần thằng con lên bảy, mặc thử cái quần mới để trả mua.

Nhưng rồi năm tháng lặng lẽ trôi, các con lớn lên và cha già đi. Kỷ niệm gần nhất là kỳ cha bị bệnh, con chạy lo hết mọi mặt để đưa cha vào bệnh viện. Cha được thong thả không ngờ, chỉ cần làm theo lời con, đưa tay lên, hả miệng ra, co chân lại, đứng thẳng dậy, bước chầm chậm. Khỏi lo, khỏi nghĩ, khỏi cân nhắc tính toán, khỏi trù liệu trước sau. Trời ơi, sao mà dễ chịu vậy! Khỏi phải tìm đến Niết Bàn, Thiên Đường, cứ được thế này là đã hạnh phúc quá rồi. Con đang đóng vai người mẹ và cha trở thành đứa nhỏ lên bốn lên năm.

Sau một tháng lành bệnh trở về, cha nhìn những đứa nhỏ gặp trên đường với con mát khác. Dẫu nó ốm o ghẻ lở, mẹ nó vừa ẵm vừa phát vôđít, dẫu nó đi lững chững cha nó vừa dắt vừa la, dẫu nó nằm ngo ngoe trong nôi vừa khóc ằng ặc... thì cha cũng cứ tưởng tượng vài chục năm sau đứa nhỏ đó sẽ lớn khôn, sẽ dìu trở lại người cha hôm nay, sẽ bế trở lại người mẹ hôm nay đi bệnh viện; lo lắng bữa cơm, chạy mua hộp thuốc. Chắc không đứa con nào giận cái phát vào đít, cái trót ngang lưng.

Gần đây, một cô hàng xóm có tổ chức mừng sinh nhật, bùi ngùi nhờ lại mới ngày nào. Cô nói: "Mới ngày nào... hồi em lên 12 tuổi... má em tắm cho em... Da em không được trắng, "bả" cứ tưởng còn đất, "bả" cứ kỳ hoài..." Mười hai tuổi mà còn được mẹ tắm? Lòng cha xúc động cơ hồ nước mắt muốn rơi. Vì cha nghĩ đến con, đến đứa nhỏ mới lên chín đã phải quằn vai trách nhiệm. Và đã nhận sự bất công tàn bạo của người cha, dẫu chỉ một lần.

Này con, mỗi cơn mưa, nước cuốn đi chỉ bò sót lại một viên sỏi, nhưng sau ba mươi năm đủ thành một đống sỏi lớn rồi.

Hãy thứ lỗi cho người cha cô đơn tự xét thấy mình đầy khuyết điểm.









Không Còn Dây Chuông

Đ Gọi Võ Hồng

L Quỳnh

Những ghi chép như một nén hương tưởng niệm nhà văn Võ Hồng (*)

 

 

Ngôi nhà của nhà văn Võ Hồng trước đây mang số 53 Hồng Bàng Nha Trang. Cái địa chỉ này quen thuộc tưởng như gắn liền với tên tuổi anh. Lần nào ghé Nha Trang tôi cũng đến thăm anh. Đứng ngoài đường, vóitay vào phía sau cánh cổng sắt, nắm sợi dây chuông giựt vài cái, tiếng leng keng vang lên, và từ trên lầu anh nhòai người ra nhìn xuống, anh hỏi nhưng không đợi khách trả lời, chân đã bước xuống cầu thang. Đó lànhững ngày giữa năm 1995, anh còn khỏe mạnh. Thường thì khi gặp, anh mừng rỡ ồ lên thành tiếng rồi kéo nhau lên gác, vừa đi vừa hỏi chuyện. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn kê sẳn ở khoảng sân hẹp trước phòng ngủcủa anh. Anh nói chuyện vui vẻ, kể về những tác phẩm tái bản, cả một cuốn mới, đang hỏi nhà xuất bản để in. Anh đưa tôi vào phòng, chỉ cho xem kệ sách nhỏ, nhiều tờ báo cũ có những bài viết về anh. Căn phòngngổn ngang chăn màn, radio, chén ly, sách  báo. Lộn xộn chẳng khác nào của một chàng thanh niên độc thân lười biếng!

nha van vo hong-1

Võ Hồng trước cổng nhà (1995).

nha van vo hong 2LQ và Võ Hồng (1995)


Qua năm 2005, khoảng sau tết âm lịch tôi từ Mỹ về, khi ra Nha Trang ghé lại thăm anh.  Lần này anh tiếp tôi trong phòng. Vẫn căn phòng trên gác ấy, với bề bộn sách báo, tưởng như không thay đổi dù nhiều nămtháng đã qua. Anh hỏi thăm tôi về vài bạn văn cùng quê ở hải ngoai.

Anh hỏi nhiều chuyện không đâu, và điều này làm tôi rất ái ngại nhìn anh lo lắng. Anh nghe tôi trả lời và cẩn thận ghi vào sổ tay, từng chi tiết. Tôi buồn vì biết anh bắt đầu lẫn!

Anh chỉ cho tôi cái sân nhỏ trước phòng được anh căng dây thép treo khoảng mười mấy cái bìa lịch màu đỏ chói. Anh có vẻ thích trò chơi này. Anh nói ngày tết treo lên màu đỏ thế này cho vui mắt  Tôi xin anh chụp vài tấm hình . Anh kéo tôi rasân, đứng trước những tấm bìa lịch. Rồi sực nhớ ra cần phải thay chiếc mũ đang đội, anh nói toa đợi moa một chút rồi bước vội vào phòng loay hoay tìm chiếc mũ quen thuộc mà anh thường đội, nhưng không thấy. Tôi thầm nghĩ, anh Võ Hồng điệuquá. Thôi anh ạ, chiếc mũ đang đội cũng đẹp chán rồi. Anh cười hồn nhiên. (**) Dịp này anh ký tặng tôi cuốn “Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm” của Nguyễn thị Thu Trang. Tôi cũng xin anh cuốn “Một bông hồng cho cha”, bản  copy đang nằm lẩngiữa đám sách báo trên giường.

Từ giả anh lần ấy không ngờ là lần cuối cùng từ giả một Võ Hồng còn tỉnh táo, nói cười. 

 

Bởi ba năm sau khi tôi ghé lại thì anh đã nằm liệt giường trong căn phòng nhà dưới, không còn nhận ra những người đến thăm mình là ai nữa ./.

 

(*) Nhà văn Võ Hồng mất lúc 2 giờ chiều, ngày 31-3-2013 tại Nha Trang.

(**) Ảnh nhà văn đứng trước những tấm bìa lịch và trong phòng ngủ của anh, được Trần Hoài Thư đưa lên Tạp chí Thư Quán Bản Thảo, số đặc biệt về nhà văn Võ Hồng, 2005.

 LỮ QUỲNH

San Jose, 1-4-2013.

***


Tiễn đưa nhà văn Võ Hồng...
09:04 | 05/04/2013

15 giờ chiều hôm qua (4-4-2013), ở thành phố Nha Trang, nhà giáo - nhà văn Võ Hồng (Tuổi Trẻ ngày 1-4) đã rời căn nhà thân thuộc cùng gác văn của ông tại số 51 đường Hồng Bàng, TP Nha Trang, đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Suối Đá, ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.



nha van vo hong

Trong cuộc tiễn đưa, có con trai và con gái lớn trong ba người con của ông ở nước ngoài đã về lo hậu sự cho cha, cùng thân quyến và rất đông bạn bè cố tri, học trò, xóm giềng, nhiều đồng nghiệp là nhà giáo ở những trường mà ông đã từng dạy, nhiều nhà văn, nhà thơ ở Khánh Hòa và những người mến mộ ông...

Trong bài thơ Di ngôn (1989) của mình, Võ Hồng đã viết và dặn dò: “Sau khi tôi chết/Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết/Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi/Đây: cây bút màu đen sớm tối không rời/Đây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt/Kia: chồng sách không bao giờ ngăn nắp/Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi/Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì/Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế/Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường/Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương/Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi/Đợi một người đi không hẹn trở lại/Hun hút đường dài... vun vút xe qua/... Cho đến một ngày kia... tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ/Hạnh phúc yêu thương... Băng giá mây mù.../Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó/Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu”.

Chiều qua, trên sân cũ trước phòng văn của Võ Hồng hoa vẫn nở, lá vẫn xanh và nhẹ rung theo từng làn gió biển thổi vào. Chỉ những trái xoài non từ nhà hàng xóm rụng xuống sân văn của ông là vẫn nằm im bên những chậu hoa không có người kịp nhặt... Trong căn phòng nhỏ nhắn, đơn sơ của ông đã bớt đi bừa bộn, sáng sủa hơn. Trên đầu giường của ông vẫn là tủ sách để nguyên cho tiện tay với. Phía vách cuối giường là ba chiếc kệ kê sát vào nhau chứa đầy những tác phẩm của Võ Hồng cùng rất nhiều sách và sách... Căn gác là nơi không chỉ gắn bó với nhà văn Võ Hồng suốt mấy mươi năm và là “xuất xứ” nhiều tác phẩm của ông ở quãng đời sau này cho đến ngày ông dừng bút, mà còn là chốn thân thương với nhiều nhà giáo, nhà văn nổi tiếng, với nhiều học trò, người ngưỡng mộ nhà giáo - nhà văn Võ Hồng tìm đến để được nghe ông chuyện trò, giảng giải... mỗi khi đến thành phố biển Nha Trang.

Cuộc tiễn đưa nhà văn Võ Hồng về nghĩa trang Suối Đá vào chiều hôm qua không có lộ trình đi vòng ra đường Trần Phú ven biển Nha Trang như nhiều đám tang khác ở thành phố này. Thế nhưng, trong cả cuộc đời và văn chương của ông thì thấm đượm rất nhiều tấm lòng, tình yêu của Võ Hồng với những vùng đất ông sống, với dải đất miền Trung và cả nước Việt mến yêu...

Đó cũng chính là những giá trị không chỉ về mặt văn chương mà còn sẽ là sử liệu cho nhiều thế hệ mai sau, khi muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa, muốn dựng lại những hình ảnh về cuộc sống một thời, về con người với những vùng đất đã đọng lại chân thật trong văn chương Võ Hồng. Tiễn biệt ông và cũng chính là một lần ta tạ ơn ông về những giá trị nhân văn mà ông đã để lại, góp cho cuộc đời...  

Theo PHAN SÔNG NGÂN - TTO



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/03/2024(Xem: 183)
Trên tay bạn,chiếc đồng hồ đeo tay đắt giá, hoặc người yêu, người thân quý tặng...bạn không thể không dùng nó. Có thể, bạn phải đeo mang nó suốt đời... Bạn muốn buông đi, hơi khó buông : Vì, e bạn đã tự coi thường bạn mình. Khi trao tặng bạn, sở hữu chủ đã hàm ý: Tôi yêu quý bạn trọn cả đời tôi.
27/03/2024(Xem: 808)
Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác của danh sĩ Đặng Trần Côn, diễn nôm song thất lục bát của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là một áng thơ tình kiệt tác của Việt Nam và thế giới. Tập thơ diễn tả nỗi thương nhớ chồng, người chinh phu nơi quan ải, và những đau khổ người khuê phụ thời chiến loạn phải chịu đựng trong sự sự bạo tàn của chiến tranh. Tiếp tục sự đóng góp cá nhân cho công trình bảo tồn và phổ biến văn hóa Việt mà tôi bắt đầu từ tập thơ nhạc song ngữ “A Garden of Vietnamese Lyrics & Verse”, gồm khoảng 150 bài thơ và nhạc của nhiều tác giả, tiền chiến và hiện đại, xuất bản năm 2019, cho đến tác phẩm song ngữ “The Tale of Kiều” được phổ biến năm 2023 qua ebook, sách in, trang mạng và youtube videos, rồi năm giáp thìn này, tôi vừa hoàn tất tập thơ song ngữ “Chinh Phụ Ngâm / Lament Song of a Soldier’s Wife”.
08/03/2024(Xem: 440)
Vào hồi 5h chiều ngày 6/3/2024, trên đỉnh núi Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà (tp Đà Nẵng), tôi rất vui và hạnh phúc được tổ chức buổi thiền trà cho tỷ phú Bill Gates và bạn gái của ông, bà Paula Hurd. Hơn 20 năm làm trà và truyền bá văn hóa trà Việt Nam, tôi đã đi hầu khắp các tỉnh thành và nhiều nước trên thế giới, tổ chức hàng ngàn buổi thiền trà cho đủ các tầng lớp: các nhà chính trị, các doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các bậc tu hành… trong và ngoài nước. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi tổ chức buổi thiền trà cho vị khách là tỷ phú Mỹ và đây cũng là lần đầu tiên, không gian thưởng trà diễn ra trên một đỉnh núi tràn ngập mây bay, gió thổi, ráng chiều hoàng hôn và tiếng sóng biển rì rầm khi gần, khi xa. Đứng trên đỉnh núi Bàn Cờ có thể nhìn thấy biển xanh, cát trắng và toàn cảnh thành phố Đà Nẵng. Cảnh sắc nơi đây vô cùng đẹp đẽ, thơ mộng và yên tĩnh như chốn bồng lai tiên cảnh. Buổi thiền trà trở nên đặc biệt, một phần vì thế.
08/03/2024(Xem: 499)
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, (8/3/2024) một ngày quan trọng để tôn vinh những đóng góp to lớn và đa dạng của phụ nữ đối với xã hội, mỗi năm Liên Hợp Quốc thường chọn một chủ đề nhằm tập trung vào những vấn đề cụ thể và thúc đẩy sự tiến bộ đối với quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, Thường chủ đề hàng năm thường nhấn mạnh việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong khoa học và công nghệ, quyền kinh tế, hoặc bình đẳng giới trong lãnh đạo và quyết định.
28/02/2024(Xem: 719)
Trong cuộc sống ngày nay, giữa rất nhiều những bộn bề lo âu, giữa thật giả lẫn lộn, con người dường như mất đi rất nhiều niềm tin, mất đi nhiều những giây phút để tìm cho mình một sự bình lặng trong cuộc sống, bởi suy cho cùng, sự cộng hưởng giữa nguyên nhân chủ quan và khách quan, đó là “môi trường áp lực và sự phức tạp của con người” khi hợp lại, nó sẽ trở thành lý do để người ta dễ dàng hoài nghi và buông ra những lời cay độc, nuôi dưỡng tâm tính muốn triệt hạ lẫn nhau nếu có ai đó gán chân mình. Người ta dễ dàng hằn học đấu tố nhau từ ngày này qua ngày khác và xem đó như một phần sự sống, dường như không gian tĩnh lặng và thấu cảm trở nên chật hẹp trong ánh mắt người đời.
28/02/2024(Xem: 388)
Lâu lắm rồi hai tháng nay con không được thấy hình ảnh Mẹ Tâm Thái, hôm nay thầy Nguyên Tạng gửi hình Mẹ chuẩn bị đón Xuân Tết quê nhà, thấy Mẹ tươi vui con biết rằng Mẹ vẫn khỏe, vẫn an lạc từng giờ, từng phút, con mừng lắm. Nhìn Mẹ Tâm Thái treo những chiếc lồng đèn đỏ trên cành mai vàng đã điểm những nụ hoa vừa hé nhụy, con biết rằng đó là do bàn tay Mẹ đã săn sóc, đã tỉa cành, chăm bón cho hoa nở đúng ngày đầu của một năm mới, con biết đó là cách Mẹ chúc phúc cho mọi người, những chiếc lồng đèn đỏ xen lẫn màu vàng của hoa Mai hòa quyện vào nhau làm cho thêm phần rực rỡ. Rực rỡ như tâm của các bà Mẹ Việt Nam chứa đầy sự thương yêu, chăm sóc cho đàn con cháu.
24/02/2024(Xem: 547)
Bạn ơi, Do sự tiến bộ vượt bực của y khoa. Ngành phẫu thuật như một bà tiên huyền diệu. Biến người xấu thành người đẹp dễ dàng. Mắt một mí biến thành hai mí. Da ngăm ngăm biến thành da trắng nõn nà. Lông mày chổi xể biến thành lông mày cong vút.
22/02/2024(Xem: 522)
Tôi lấy tựa đề này vì tôi thích ý tưởng của Nam Lê khi anh đặt tên cho chương đầu tiên trong quyển sách của anh có tên là ‘The Boat’ (Chiếc Thuyền), một quyển sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và đoạt được nhiều giải thưởng văn học ở Anh, ở Úc và ở Mỹ. Chương sách đầu tiên đó được tác giả đặt một cái tên khá dài: ‘Love and Honor and Pity and Pride and Compassion and Sacrifice’ (Tình Yêu và Danh Dự và Thương Hại và Kiêu Hãnh và Tình Thương và Hy Sinh).
21/02/2024(Xem: 460)
Cuộc đời của mỗi người ai cũng có cho riêng mình một vùng trời ký ức, chỉ là một đời sống bình dị thôi, nhưng lưu lại và đọng sâu trong trí nhớ. Giữa cuộc sống bộn bề ở nơi xứ người, có thể khiến người ta quên đi rất nhiều thứ. Nhưng chắc chắn rằng, tận sâu trong một góc của trái tim, luôn có hình ảnh quê nhà và hình bóng của Mẹ của cha. Nhớ những con đường dẫn vào nhà, trở về với những điều thân thuộc, về cùng với Mẹ bữa cơm chiều .....Và ký ức của tuổi thơ trở về .
07/02/2024(Xem: 437)
Ngược dòng thời gian năm 1984, tôi viết quyển sách đầu tiên ‘Chìa Khóa cho người Tỵ Nạn’ dành cho những người tỵ nạn Đông Nam Á, giúp họ giữ vững niềm tin và hiểu biết tường tận hơn về tôn giáo của mình để đối đầu với các hành động có hậu ý của các nhà truyền giáo Ki tô muốn họ cải đạo. Sau đó vài năm, tôi viết thêm vài mục với lời tựa mới là ‘Thực Tiễn’. Bây giờ sau 10 năm, quyển sách lại được ‘tái sanh’ lần thứ ba với tựa mới ‘Kẻ Sống Lang Thang trên Bờ Biển’. Tôi đã thay tên mới, tên mà tôi cảm thấy thích hợp hơn cả. Từ trước đến nay, tôi luôn thích đi bộ dọc theo bờ biển nhìn sóng biển đưa vào đủ thứ thập vật: vỏ sò, đá cuội, gỗ mục, v.v.. . Đây là một lối nhìn khác về cuộc sống, mở ra cho thấy những điều không ngờ tới, rút ra được những bài học, tự hỏi ta có thể biến thành hữu dụng, những gì mà người khác cho là vô dụng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567