Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bốn Mươi Năm Định Cư: Người Việt Trên Đất Úc - Bối Cảnh và Chân Dung

11/04/201702:04(Xem: 6474)
Bốn Mươi Năm Định Cư: Người Việt Trên Đất Úc - Bối Cảnh và Chân Dung



    Bốn Mươi Năm Định Cư:  

Người Việt Trên Đất Úc - Bối Cảnh và Chân Dung

         * Ls Lưu Tường Quang, AO

          (English version)



Tóm lược

Khác với hầu hết những cộng đồng sắc tộc tại Úc Châu, người Việt đã đến đây thật đông đảo trong một thời gian tương đối ngắn, khi mà xã hội văn hóa đa nguyên của đất nước định cư nầy hãy còn trong tình trạng non trẻ. Sự hiện diện của một cộng đồng thiểu số Châu Á mà hình dáng bên ngoài dễ nhìn thấy dễ nhận dạng, đã là một thách đố lớn lao cho giới lãnh đạo chính trị tại Úc, và sự bao dung của công chúng Úc nóí chung.

Trong sự thiếu vắng của các cơ sở yểm trợ lúc khởi đầu, người Úc gốc Việt đã học hỏi phương cách thích nghi vào môi trường văn hóa xã hội mới để trở thành một cộng đồng sinh động, có nhiều đóng góp vật thể và phi vật thể cho nước Úc.

Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển tương lai, người Úc gốc Việt hình như đang đối diện với một thách thức vì thành phần di dân từ Việt Nam ngày nay không chia sẻ nhiều điểm chung trong kinh nghiệm sống cũng như tầm nhìn trước mặt với cộng đồng người Việt mà hầu hết là thuộc thành phần tị nạn trong mấy thập niên vừa qua.

                            


40 nam nguoi viet tai Uc (3)
 Cổng Chào Sài Gòn 2015, Footscray (Melbourne) Victoria



Phần 1

Bối cảnh chính trị và xã hội Úc trong thập niên 1970 và 1980 và vấn đề thuyền nhân người Việt

Nước Úc đã được độc lập hồi năm 1901 theo thể chế Liên Bang gồm sáu tiểu bang mà trước kia đã từng là thuộc địa của Hoàng triều Anh Quốc vào những giai đọan khác nhau, kể từ khi người da trắng đến đây định cư hồi năm 1788, là khởi điểm với đoàn tàu đầu tiên gọi là The First Fleet, chuyên chở tội phạm từ nước Anh đến lãnh địa phương Nam này.

Nước Úc đã có một hồ sơ lâu dài, và nhiều lúc không lấy gì tốt đẹp với chính sách và phương thức áp dụng đầy tính kỳ thị chủng tộc. Ngoài việc đối xử vô cùng tệ bạc đối với người thổ dân trước và sau khi được độc lập, quốc hội liên bang đã thông qua đạo luật đầu tiên gọi là The Immigration Restriction Act of 1901 để làm nền tảng pháp lý cho chính sách gọi là Nước Úc Da Trắng, mà chính phủ thuộc mọi khuynh hướng chính trị đã áp dụng cho đến cuối thập niên 1950.

Bước đầu tiên quan trọng có thể dẫn đến sự cáo chung của chính sách Nước Úc Da Trắng, là vào năm 1958, luật di trú The Migration Act đã được tu chính để hủy bỏ trắc nghiệm chính tả tức là Dictation Test, vốn là một phương tiện hủ lậu mà viên chức di trú Úc đã buộc những ai không thuộc nguồn gốc Châu Âu muốn di dân sang Úc phải trải qua. Các ứng viên này phải viết một bài chính tả ngắn bằng một ngôn ngữ Châu Âu mà viên chức di trú Úc tùy hứng chọn lựa. Tất nhiên hầu hết các ứng viên đều thất bại, vì không ai có thể biết được tất cả mọi ngôn ngữ của các nước Châu Âu.

Vào năm 1966, đạo luật di trú The Migration Act 1958 lại được tu chính một lần nữa bởi chính phủ liên đảng dưới quyền Thủ tướng Harold Holt, để cho phép di dân không thuộc nguồn gốc Châu Âu, chẳng hạn như người Trung Hoa, có thể đến định cư tại Úc trong một số trường hợp nào đó. Và sau cùng đến năm 1972, chính phủ Lao Động Gough Whitlam tuyên bố hoàn toàn hủy bỏ chính sách một “Nước Úc da trắng”.

Thời kỳ chính phủ Lao động Gough Whitlam

Ông Gough Whitlam được nhiều người Úc ngưỡng mộ như là một nhân vật đầy viễn kiến, và đã làm lãnh tụ đảng Lao động ở thế đối lập từ năm 1967. Với chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 02.12.1972, Ông Edward Gough Whitlam AC, QC (1916 -2014), đã đưa đảng Lao Động lên nắm chính quyền sau 23 năm ở thế đối lập. Trong thời kỳ ở thế đối lập, Ông Whitlam đã chống đối việc tham chiến của quân đội Úc tại Việt Nam. Sau khi trở thành thủ tướng, ông đã từ chối chấp nhận nhiều người tị nạn Việt Nam định cư tại Úc, sau khi Thủ đô Sài Gòn thất thủ vào ngày 30.04.1975.

Gough Whitlam là một vị thủ tướng cải cách và tuy rằng ông chỉ cầm quyền được 3 năm, nhưng ông đã để lại một di sản lâu dài với những cải tổ về mặt văn hóa xã hội trong khi biến nước Úc thành một quốc gia kết hợp và văn hóa đa nguyên. Bởi lý do ấy mà người ta không khỏi thất vọng rất nhiều, khi Ông Whitlam đã không coi làn sóng thuyền nhân tị nạn Việt Nam như là một vấn đề nhân đạo.

Thật vậy trong cương vị một chính trị gia Lao Động, Ông Whitlam đã bị ảnh hưởng, theo ý tôi, bởi hai yếu tố dài hạn, một là yếu tố chính trị quốc nội, và yếu tố kia là bang giao quốc tế trong bối cảnh địa lý chính trị. Tôi đã phục vụ tại Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hoà ở Canberra, và đã theo dõi quan sát Ông Gough Whitlam trước và sau khi ông trở thành thủ tướng, từ tháng 3/1970 đến tháng 10/1974.

Trong lãnh vực chính trị quốc nội, Ông Whitlam tin rằng người tị nạn Việt Nam có khả năng trở thành những cử tri chống cộng ủng hộ đảng Tự Do, tương tự như di dân từ ba nước Bắc Âu, tức là Baltic States sau Thế chiến Thứ Hai. Bởi lý do ấy mà ông đã từng gọi người tị nạn Việt Nam‘Asian Balts’ mà ông không muốn cho định cư đông đảo tại Nước Úc.

Trong quyển hồi ký của Ông Clyde Cameron, vốn là Bộ trưởng Lao Động và Di Dân trong chính phủ Gough Whitlam, tác giả đã ghi nhận lại cuộc thảo luận ngày 21.04.1975 tại văn phòng Thủ Tướng giữa Ông Whitlam và Nghị sĩ Don Willesee (1916-2003), Bộ trưởng Ngoại giao. Với tư cách là một nhân chứng, Ông Clyde Cameron đã viết:

 “Sau cùng Ông Whitlam đã lên giọng hét lớn: Tao không muốn hàng trăm người ‘Vietnamese Balts’ đến định cư tại nước này, với lập trường chính trị và tôn giáo thù ghét và chống lại chúng ta - Ông Don Willesee đã nhìn sang phía tôi muốn được tôi giúp đỡ, nhưng tôi đã trả lời “Không, tôi rất tiếc là trong vấn đề này, tôi đồng ý với Thủ tướng Gough Whitlam”.

                                                   Clyde Cameron [1]

Về điểm thứ hai, Ông Whitlam không những chống đối cuộc chiến Việt Nam, mà còn cho rằng Bắc Việt có khả năng trở thành lực lượng chính trị và quân sự chính yếu tại Đông Dương. Tất nhiên Ông Whitlam biết rõ hoặc đã phải biết rõ rằng Bắc Việt đã nhận được viện trợ ào ạt và liên tục từ toàn thể khối cộng sản để mở cuộc chiến chống Miền Nam Việt Nam [2].

Vào ngày 26.02.1973, tức là chỉ một tháng sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào ngày 27.01.1973, chính phủ Gough Whitlam là một trong nhóm các quốc gia dân chủ phương Tây đầu tiên đã công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức là Bắc Việt.                                                                                      

Đây là một phương thức chính trị thực tế Realpolitik, và phù hợp với viễn kiến của Ông Whitlam đối với Châu Á. Hồi tháng 7/1971, Ông Whitlam đã hướng dẫn một phái đoàn đảng Lao Động Úc thăm viếng Bắc Kinh. Ông đã được Thủ tướng Chu Ân Lai tiếp đón và trong cuộc thảo luận này, Ông Whitlam đã nói rằng một chính phủ Úc do ông lãnh đạo sẽ chuyển đổi sự công nhận pháp lý từ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan, về Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ở Bắc Kinh. Sự thay đổi của việc công nhận pháp lý này đã xảy ra vào ngày 21.12.1972 trên căn bản chính sách ‘Một Nước Trung Hoa’, và do đó cùng một lúc Nước Úc đã cắt đứt liên hệ ngoại giao với Đài Bắc [3].

Việt Nam là một trường hợp khác biệt [4]. Úc Châu đã công nhận Quốc gia Việt Nam vào ngày 08.02.1950 và vào năm 1952, nhiệm sở ngoại giao của Úc đã bắt đầu sinh họat tại Sài Gòn, thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Sự công nhận pháp lý này được tiếp tục sau khi Việt Nam bị chia đôi vào năm 1954, cho đến Ngày ANZAC 25.04.1975 khi Đại sứ quán Úc Châu, theo lệnh của Thủ tướng Whitlam, đã đóng cửa và di tản khỏi thủ đô của Việt Nam Cộng Hoà. Trong cuộc di tản này, cũng theo lệnh của Ông Gough Whitlam, Đại sứ quán Úc đã không đem theo nhiều thành phần người Việt có liên hệ với Úc, và do đó có nhiều rủi ro cho họ sau khi cộng sản chiếm Miền Nam Việt Nam [5].

Tuy vậy, cũng có một ngoại lệ. Do sự can thiệp của Đức Hồng Y Sydney, Sir James D Freeman, Whitlam đồng ý cho một nhóm Nữ tu Dòng Trinh Vương ở Sài Gòn đến Úc để "du học". Nhân vật thứ nhì tại Đại sứ quán Úc, Ông Alan Deacon thông báo với tôi quyết định của Whitlam và yêu cầu chính phủ VNCH đồng ý. Trong tư cách Quyền Tổng Thư Ký Bộ Ngoại Giao, tôi liên lạc với Văn Phòng Tổng Thống Trần Văn Hương và nhóm 34 nữ tu may mắn này đã được phép xuất cảnh đi Úc.

Truyền thông đã tường thuật lời Ông Whitlam trước thời điểm Sài Gòn thất thủ như sau:

 “Chúng tôi tin những sự thay đổi về mặt chính trị, kinh tế và xã hội tại Châu Á sẽ xảy ra, và thật ra thay đổi này đáng được mong đợi. Chúng tôi tin rằng nước Úc không nên can thiệp quân sự, mặc dầu trong cuộc chiến giành quyền lực và kiểm soát, có thể dẫn đến tình trạng bạo lực”.

                                                 Gough Whitlam [6]

Nhật báo The Age ngày 14.01.1975 trích dẫn lời Ông Gough Whitlam là sự an ninh và quyền lợi lâu dài của nước Úc không bị ảnh hưởng bởi màu sắc chính trị của chính quyền tại Sài Gòn, và đó là tình trạng đã có từ trước đến nay [7].


        Luu Tuong Quang                   
Lưu Tường Quang và Cựu Thủ tướng Gough Whitlam, Sydney, 1989


Vào thời điểm khác và trong một hoàn cảnh khác, sau khi tôi được bổ nhiệm từ Canbera đến Sydney hồi năm 1987, với tư cánh giám đốc tại NSW của Bộ Di trú Hành chánh địa phương và Sắc tộc sự vụ liên bang, tôi đã gặp lại Ông Gough Whitlam khi cả hai chúng tôi đều là khách mời của Cộng đồng người Úc gốc Trung Hoa, gọi tắt là ACCA. Ngồi cạnh bên ông trong dịp này, tại một hội trường tiếp tân ở Phố Tàu Sydney, tôi tự giới thiệu với ông là “một cựu thuyền nhân tị nạn Việt Nam”. Tôi cũng nhắc lại cơ hội mà tôi đã gặp ông vào thời điểm mà ông có đầy quyền lực hồi tháng 7/1973, nhân Hội nghị Lưỡng Niên của Đảng Lao Động tại Surfers Paradise, Tiểu bang QLD. Tất nhiên, Ông Gough Whitlam không nhớ sự kiện ấy nhưng cuộc trò chuyện đã diễn ra một cách thân thiện.

Tuy nhiên, khi tôi muốn nhắc đến chính sách của ông đối với Việt Nam vào tháng 4/1975, và đặc biệt là đối với làn sóng người Việt Nam tị nạn, thì ông Whitlam có vẻ như không còn muốn tiếp tục cuộc đối thoại. Tôi có cảm tưởng là ông không cảm thấy thoải mái đối với một phần trong di sản rất đáng kể của ông.

Thế nhưng, Ông Whitlam không phải là người duy nhất đã từ chối và mạ lị thuyền nhân tị nạn Việt Nam, trong khi ông nắm quyền. Nhiều thành viên khác trong chính phủ của ông còn tệ hại hơn nhiều, ví dụ như Phó Thủ tướng - Tiến sĩ Jim Cairns, các vị bộ trưởng như Clyde Cameron và Tom Uren, cũng như các Nghị sĩ John Wheeldon và Tony Mulvihill vv…

Bộ trưởng ngoại giao Nghị sĩ Don Willesee là tiếng nói ôn hòa duy nhất, có thiện cảm với người tị nạn Việt Nam [8], cũng như một vài dân biểu khác trong đảng Lao Động chẳng hạn như Tiến sĩ Richard E Klugman, Dân biểu liên bang của đơn vị Prospect (NSW) mà tôi quen biết và rất ngưỡng mộ. Dick Klugman (1924-2011), sinh đẻ tại Thành phố Vienna thuộc nguồn gốc Do Thái - Italy, nhưng đã phải thoát thân tị nạn tại Úc lúc 14 tuổi cùng với gia đình, để khỏi bị ám hại bởi chế độ Đức Quốc Xã.

Chính phủ Liên Đảng Malcolm Fraser

Sau chính biến ngày 11.11.1975 khi Thủ tướng Gough Whitlam bị Toàn quyền John Kerr sa thải, lãnh tụ đối lập Malcolm Fraser được cử làm thủ tướng trong tư cách xử lý để tổ chức bầu cử, và đây cũng là cơ hội để chính phủ mới thay đổi chính sách đối với làn sóng người tị nạn Đông Dương. Liên đảng Tự Do và tiền thân của Đảng Quốc Gia trong thế đối lập đã chủ trương một chính sách di tản rộng rãi hơn trước khi Thủ đô Sài Gòn thất thủ đối với những người Việt có nguy cơ bị bách hại dưới chế độ cộng sản và sau đó là tập thể người tị nạn Việt Nam đào thoát khỏi chế độ cộng sản này. Trước năm 1972, Ông Malcolm Fraser với tư cách Bộ trưởng Lục Quân (1966-68), và Bộ trưởng Quốc Phòng (1968-69), đã là một trong những người đã lập đề án kế hoạch cho sự tham chiến của quân đội Úc tại Việt Nam.

Trọng tâm của chính phủ xử lý là tổ chức bầu cử quốc hội để Thủ tướng Malcolm Fraser có được sự ủy nhiệm của công chúng. Ông Fraser đã chiến thắng với đa số áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 13.12.1975. Tuy nhiên sau khi thất cử, Ông Gough Whitlam vẫn được đảng Lao Động tín nhiệm trở lại với tư cách lãnh tụ đối lập để tranh cử một lần nữa vào tháng 12 năm 1977, khi thủ tướng Malcolm Fraser quyết định tổ chức bầu cử trước kỳ hạn.

Ngay cả trong thời kỳ xử lý, Ông Fraser đã đảo ngược chính sách của Ông Whitlam đối với người tị nạn Việt Nam. Trên căn bản cá nhân, tôi đã được cấp qui chế thường trú nhân, sau khi thời hạn tạm trú 6 tháng đã mãn vào tháng 11/1975. Chính phủ mới cũng đã giải tỏa điều kiện buộc phải cam kết không tham dự vào sinh hoạt chính trị, mà chính phủ tiền nhiệm đã áp đặt đối với một vài cựu viên chức Việt Nam Cộng Hoà, kể cả cựu Ngoại trưởng và Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Úc, Ông Trần Văn Lắm (1913-2001), và Đại sứ Việt Nam Cộng Hoà cuối cùng tại Canberra, Ông Đoàn Bá Cang.

Tuy nhiên trong năm đầu tiên cầm quyền, chính phủ Malcolm Fraser quan tâm nhiều hơn về những người Lebanese là nạn nhân của cuộc nội chiến tại Lebanon.

Văn kiện của Hội Đồng Nội Các năm 1976, được phổ biến sau 30 năm vào ngày 01.01.2007 theo qui luật của văn khố quốc gia, cho thấy rằng chính phủ Fraser đã đồng ý hồi tháng 9 trong năm đó, những biện pháp nhân nhượng đối với những điều kiện nhập cư, như sức khoẻ và hạnh kiểm tốt, cũng như kinh nghiệm làm việc để chấp nhận 4 000 người Lebanese, mà phần đông là những người theo Hồi Giáo.

Trong những năm kế tiếp, Thủ tướng Malcolm Fraser, Bộ trưởng Di trú và Sắc tộc sự vụ đầu tiên – Ông Michael MacKellar, AM (1938 - 2015), và Ngoại trưởng Andrew Peacock là những nhân vật chính có trách nhiệm soạn thảo phương cách đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt Nam được gọi là “Thuyền nhân – the Boat People”, tại Đông Nam Á và Hồng Kông, cũng như người tị nạn Lào và Campuchia mà phần lớn tạm dung tại Thái Lan.

1977 là một năm đầy thách đố cho chính phủ Malcolm Fraser vì đây là thời gian sắp có bầu cử, mà vấn đề định cư người tị nạn Việt Nam gặp nhiều phản ứng tiêu cực, trong khi Đảng Lao Động đối lập đã mở chiến dịch tấn công trở lại bằng cách khai thác mối quan tâm truyền thống của người Úc - là nước Úc đang bị thuyền nhân người Việt “xâm lăng”.

Thông điệp “xâm lăng” ngắn gọn nhưng rất mạnh bạo này đã được sử dụng lúc bấy giờ, và đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho đến ngày nay bằng những ngôn từ tương tự, hoặc những phát biểu ẩn dụ dưới nhiều hình thức bởi một số chính trị gia, chẳng hạn như Bà Pauline Hanson, Dân biểu độc lập đơn vị Oxley (Qld) hồi năm 1996 và là một nghị sĩ Tiểu bang Queensland, lãnh tụ của Đảng One Nation vào năm 2016.

Vào ngày 26.04.1976, tức là gần một năm sau khi Sài Gòn thất thủ, thì mới có chiếc tàu tị nạn Việt Nam đầu tiên đi thẳng đến vùng phía Bắc lục địa Úc Châu gần Darwin, mà không bị giới chức thẩm quyền phát hiện và báo chí tường thuật rộng rãi. Đây là chiếc tàu Kiên Giang với 6 thuyền nhân người Việt, đã được phép nhập cảnh và định cư tại Adelaide [9]. Tuy nhiên sau đó lại có thêm 7 chiếc thuyền tị nạn khác chuyên chở 204 người Việt Nam đến Úc trong năm tài chánh 1976-1977. Vào thời điểm của cuộc bầu cử vào tháng 12/1977, nước Úc đã tiếp nhận 868 thuyền nhân tầm trú người Việt đến thẳng Úc Châu mà không qua bất cứ thủ tục thanh lọc nào tại Đông Nam Á [10].

Đảng Lao Động ở thế đối lập đã đẩy mạnh chiến dịch chống đối những thuyền nhân tầm trú đến thẳng Úc Châu như là một vấn đề tranh cử, và họ đã khá thành công khi vấn đề này đã được công luận truyền thông phổ biến rộng rãi.

Phát ngôn viên về di trú của Đảng Lao Động, Nghị sĩ Tony Mulvihill đã lên tiếng đòi hỏi là những thuyền tị nạn Việt Nam cần được Hải Quân Úc kéo ra khỏi vùng biển Úc Châu. Và quan trọng hơn là vì danh tiếng và uy tín, Ông Bob Hawke, chủ tịch Tổng công đoàn Úc Châu ACTU, và cũng là thủ tướng trong tương lai, đã tuyên bố trên trang nhất của nhật báo The Australian ngày 29.11.1977, là “những người tị nạn giả mạo nên được tống xuất ra khỏi nước Úc” [11].

.Rõ ràng là chính phủ Malcolm Fraser có vẻ đang ở thế yếu về mặt chính trị, vì cuộc thăm dò công luận của công ty Morgan Gallup vào tháng 12/1977, cho thấy rằng 80% những người được hỏi ý kiến muốn chính phủ chặn đứng làn sóng thuyền nhân hoặc giới hạn chấp nhận người tị nạn Việt Nam ở mức độ thấp hơn.

Theo hồ sơ Hội Đồng Nội Các 1977, chính phủ Malcolm Fraser đã hoạch định một chính sách và chương trình hành động để định cư người tị nạn Đông Dương, được coi là rộng rãi và đi trước công luận của thời bấy giờ. Ba mươi năm sau, vị thủ tướng thứ 22 của Nước Úc đã hồi tưởng lại quyết định của chính phủ ông, khi những quyết định này được phổ biến, và ông nói:

 “Tôi cảm nhận mạnh mẽ rằng chúng ta đã chiến đấu bên cạnh những thuyền nhân ấy, và đặc biệt là người Mỹ đã có những cam kết bảo đảm cho họ và chúng ta cũng có nghĩa vụ đối với họ, thay vì bỏ rơi họ đằng sau như chính phủ tiền nhiệm Whitlam đã làm”.

                                                                      Malcolm Fraser [12]

Tuy nhiên sau đó Ông Malcolm Fraser đã nói thêm trong cuộc phỏng vấn với báo The Australian là khi chính phủ ông đã có những quyết định khác thì Ông Gough Whitlam đã không chống đối [13].

Từng là đối thủ không đội trời chung vì chính biến ngày 11.11.1975, hai cựu Thủ tướng Malcolm Fraser và Gough Whitlam đã trở nên rất gần gũi với nhau vào những năm sau cùng nghỉ hưu. Tuy nhiên lời bênh vực của Ông Malcolm Fraser dành cho cựu Thủ tướng Whitlam trong vấn đề người tị nạn Việt Nam, khi Ông Whitlam đã trở thành lãnh tụ đối lập lần thứ hai thì thật rất khó mà kiểm nhận. Ông Whitlam và nội các đối lập đã chống đối cực kỳ mạnh mẽ chính sách của chính phủ Malcolm Fraser, và cũng đã cực lực chỉ trích chính sách này trong cuộc tranh cử vào tháng 12/1977 - một cuộc tranh cử mà Ông Gough Whitlam đã thất bại, và sau đó đã được thay thế bởi Ông Bill Hayden trong vai trò lãnh tụ đảng.

Trong những năm kế tiếp, chính phủ Malcolm Fraser vẫn phải tiếp tục dung hoà thực tế của chính trị quốc nội, và quyền lợi của nước Úc về mặt bang giao quốc tế. Thực tế của chính trị quốc nội là vấn đề chấp nhận định cư đông đảo người tị nạn Việt Nam, không phải lúc nào cũng được quần chúng Úc Châu ủng hộ, đặc biệt là phong trào nghiệp đoàn đã chống đối rất mạnh mẽ tạo ra nguy cơ phân rẽ trong xã hội. Nhưng mặt khác, các quốc gia tạm dung thì lúc nào cũng tạo sức ép đối với các nước định cư, kể cả Úc Châu được coi là một nước giàu có trong vùng. Vào năm 1978, chính phủ Malcolm Fraser đã cứu xét nhiều đề nghị, kể cả việc thành lập những trại giam di trú trên lãnh thổ Úc để kiểm soát thuyền nhân đến thẳng Úc Châu, hoặc chính sách kéo tàu tị nạn trở ra biển khơi, hoặc giới hạn những trợ cấp an sinh xã hội. Đây là những biện pháp quyết liệt mới mẻ lúc bấy giờ, nhưng đây cũng là những biện pháp quyết liệt mà các chính phủ kể từ sau năm 1991 đã phải cứu xét và phần nào áp dụng.

Tuy nhiên chính phủ Malcolm Fraser lúc bấy giờ đã bác bỏ những giải pháp nghiêm ngặt ấy. Ngoại trưởng Andrew Peacock đặc biệt nhạy cảm với quan điểm của các nước tạm dung tại Đông Nam Á, nên đã chống đối giải pháp kéo tàu ra khỏi vùng biển Úc Châu, khi điều này được cứu xét trở lại vào năm 1979. Ông Peacock và Bộ Ngoại Giao lúc bấy giờ nói rằng nếu Canberra theo đuổi giải pháp mạnh bạo này, thì nước Úc khó có thể tránh khỏi việc bị coi là một đất nước “bần tiện - pariah status” [14].

1979 cũng là một năm quan trọng cho Bộ trưởng Michael MacKellar, vì đây là lần đầu tiên mà hội nghị quốc tế về người tị nạn Đông Dương được triệu tập vào ngày 21 và 22 tháng 7 tại Geneva - Thụy Sĩ. Đây là một nỗ lực của toàn thế giới do Liên Hiệp Quốc phối hợp để tìm một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng thuyền nhân tại Đông Nam Á. Ngoài Việt Nam là một quốc gia nguồn, 65 nước khác đã tham dự hội nghị. Kết quả gồm 3 điểm chính, thứ nhất là các ‘nước định cư thứ ba’ cam kết thu nhận người tị nạn nhiều hơn, thứ hai là các quốc gia tạm dung đồng ý tôn trọng nguyên tắc bảo vệ người tầm trú, và không kém phần quan trọng là hội nghị tán đồng biện pháp ra đi có trật tự gọi là ODP mà Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR đã ký với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hồi tháng 5/1979.

Tại Úc, việc thương thuyết dai dẳng với nhà cầm quyền Việt Nam để áp dụng chương trình ODP là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ông Ian Macphee, được bổ nhiệm làm bộ trưởng di trú và sắc tộc sự vụ thay thế Ông Michael MacKellar. Trong vấn đề ODP này, tôi đã có cơ hội với tư cách chủ tịch toàn quốc đầu tiên của Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu, trình bày đóng góp của cộng đồng, cũng như trước đó tôi đã có cơ hội vận động và trình bày ý kiến của cộng đồng đến Bộ trưởng Michael MacKellar, trong chương trình định cư người tị nạn Việt Nam hàng năm.

Ông Ian Macphee là một chính trị gia có nguyên tắc đạo đức cao. Sau khi rời khỏi chính trường, ông vẫn tiếp tục quan tâm đến chính sách xã hội ảnh hưởng đến tập thể những người thấp cổ bé miệng, chẳng hạn như người Thổ Dân, người tị nạn và người tầm trú. Một trong những điều đầu tiên mà ông đã làm sau khi được bổ nhiệm bộ trưởng di trú và sắc tộc sự vụ là tìm sự hợp tác với đảng Lao Động ở thế đối lập để tạo nước Úc thành một quốc gia tốt đẹp hơn.

Hồi năm 2012, do những sáng kiến và thu xếp của Bác Sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, OAM, cựu chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do /NSW và  liên bang Úc Châu, Ông Ian Macphee, AO, và phu nhân đã được mời làm khách danh dự tại đại hội lưỡng niên của Cộng Đồng được tổ chức ở Sydney. Cũng trong vai trò là diễn giả chính vào dịp này, cựu Bộ trưởng Ian Macphee đã nói như sau:

“Khi tôi được hỏi về cao điểm của thời gian tôi làm bộ trưởng di trú thì tôi tức khắc trả lời rằng, đó là việc định cư người Việt Nam tại Úc, và tôi còn nhớ rằng: trước khi tôi rời khỏi chức vụ bộ trưởng di trú, tôi đã đến thăm người tị nạn Việt Nam tại một trung tâm bên ngoài Adelaide và tôi đã nói với họ rằng: quý bạn đã làm cho cuộc đời tôi trở nên phong phú hơn”.

Ông Ian Macphee nói tiếp:

“Hồi năm 1979, bộ trưởng đối lập về di trú Ông Mick Young và tôi đồng ý với nhau rằng đối xử một cách nhân đạo sẽ giúp người tị nạn hòa nhập vào cộng đồng. Mick Young đã thu xếp cho tôi tham khảo ý kiến với một uỷ ban của Đảng Lao Động, và với cả lãnh tụ đối lập Ông Bill Hayden. Chúng tôi đã đạt được điểm thuần nhất quan trọng trong việc tuyển chọn người tị nạn từ các trại tạm dung của UNHCR ở bên ngoài Úc Châu, và tại Úc Châu”.

                                                             Ian Macphee [15]

Vậy là sau cùng thì chính sách lưỡng đảng đối với người tị nạn Việt Nam đã đạt được với Lãnh tụ Bill Hayden và Ông Mick Young. Tuy nhiên Ông Bill Hayden đã không lãnh đạo đảng Lao Động đến chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 3/1983, vì ông đã bị thay thế bởi Ông Bob Hawke trong vai trò lãnh đạo.

Bất kể là Ông Bob Hawke đã phát biểu như thế nào hồi năm 1977, Thủ tướng Bob Hawke (1983 -1991), cùng với Ngoại trưởng Bill Hayden và Ông Mick Young với tư cách là bộ trưởng di trú văn hóa đa nguyên, đã không thay đổi nhiều chính sách của chính phủ Malcolm Fraser đối với người tị nạn Việt Nam.

Chính phủ Lao động Bob Hawke

Ông Mick Young (1936 -1996) xuất thân là một công nhân cắt lông cừu, nhưng được coi là một trong những bộ óc chính trị nổi bật nhất của đảng Lao Động. Ông đã thăng tiến từ hàng ngũ công đoàn để trở thành một tổng thư ký toàn quốc của đảng Lao Động. Trong tư cách này ông đã góp phần lớn lao vào chiến dịch tranh cử gọi là “It’s time” để đem lại chiến thắng cho Thủ tướng Gough Whitlam hồi tháng 12/1972.

Tôi đã gặp Ông Mick Young lần đầu tiên vào cuối năm 1972, khi ông mời các nhà ngoại giao nước ngoài đến dự cuộc thuyết trình của ông tại khách sạn Canberra Rex  về chính sách của một chính phủ Lao Động trong tương lai. Sau đó tôi đã nhiều lần gặp gỡ Ông Mick Young trong thời gian ông làm dân biểu liên bang đơn vị Port Adelaide – Nam Úc từ năm 1974. Trong thời gian đảng Lao Động ở thế đối lập, ông đã từng giữ chức phát ngôn viên về vấn đề di trú và sắc tộc sự vụ.

Sau tháng 3/1983, Ông Mick Young được thăng tiến vào chính phủ Bob Hawke, và một trong những nhiệm vụ mà ông đã đảm nhận là bộ trưởng Di trú Chính quyền địa phương và Sắc tộc sự vụ trong khoảng thời gian mà tôi phục vụ tại Sydney với tư cách là giám đốc của bộ này.

Thủ tướng Bob Hawke đã cải tổ chính phủ 4 lần trước khi bị Ông Paul Keating thay thế vào năm 1991. Qua những cải tổ này 5 vị bộ trưởng di trú đã được bổ nhiệm, gồm: Ông Stuart West, Ông Chris Hurford, Ông Mick Young, Ông Clyde Holding và Nghị sĩ Robert Ray.

Một vài diễn tiến quan trọng trong lãnh vực chính sách xã hội của chính phủ Bob Hawke là việc thành lập Nha Văn Hóa Đa Nguyên Sự Vụ gọi tắt là OMA vào năm 1987, mà Tiến sĩ Peter Shergold, AC, là giám đốc sáng lập. Cũng trong lãnh vực này, chính phủ Bob Hawke đã ban hành Nghị trình Quốc gia cho một Xã hội văn hóa đa nguyên vào năm 1989. Ngoài ra thì chính sách của Thủ tướng Bob Hawke vẫn tương tự như chính sách của Thủ tướng Malcolm Fraser đối với vấn đề người tị nạn Việt Nam.

Tất nhiên là mỗi bộ trưởng đều có quan tâm riêng, và đề nghị chính sách cũng như chương trình nhập cư hằng năm theo các ưu tiên của chính phủ và viễn kiến về phương diện chính trị và kinh tế của Nước Úc. Thành phần người tị nạn Việt Nam trong chương trình di trú mỗi năm có thể thay đổi ít nhiều từ năm này qua năm khác, nhưng nói chung thì nhân số vẫn tiếp tục được giữ ở mức đều đặn, vì đó là cam kết của nước Úc, nhằm tiếp tục định cư người tị nạn từ Đông Nam Á và Hồng Kông, song song với việc gia tăng di dân từ Việt Nam theo chương trình đoàn tụ gia đình ODP. Chúng ta cũng cần ghi nhận rằng trong khoảng thời gian 6 năm từ 1982 đến 1988, không có một tàu thuyền nhân Việt Nam nào đã đến thẳng Nước Úc [16].

Sự thay đổi quan trọng nhất đã diễn ra vào tháng 6/1989, không những tại Úc mà còn tại nhiều nơi trên thế giới khi 77 quốc gia đã đồng ý tại hội nghị quốc tế lần thứ nhì ở Geneva, về một chương trình gọi là “ Kế hoạch Hành động Toàn diện CPA”. Kế hoạch CPA cốt lõi nhằm vào nỗ lực giảm hạ và chấm dứt làn sóng người tị nạn Đông Dương. Thuyền nhân Việt Nam không còn được coi là người tị nạn khi họ đến các quốc gia tạm dung sau thời hạn qui định của Kế họach CPA. Thời hạn qui định này là tháng 6/1988 tại Hồng Kông, và tháng 3/1989 tại Malaysia, Thái Lan, PhilippinesIndonesia. Sau các thời điểm này thuyền nhân người Việt được cứu xét đơn xin tị nạn trên căn bản cá nhân, và nếu họ bị bác thì sẽ bị cưỡng bách hồi hương trở về Việt Nam.

Vào năm 1983, chính phủ Bob Hawke đã chấp nhận chính sách 3 thành phần cho một giải pháp lâu dài đối với làn sóng người tị nạn, thứ nhất là tự nguyện hồi hương, thứ hai là được định cư tại quốc gia tạm dung, và thứ ba là định cư tại các nước thứ ba, chẳng hạn như Mỹ, Canada và Úc Châu [17]. Đây không phải là một chính sách mới mẻ. Trong thực tế, UNHCR đã theo đuổi kế hoạch này từ trước đến nay, tuy nhiên vấn đề khó khăn là làm thế nào để áp dụng được hai bước đầu. Nếu những nguyên nhân đã tạo ra hoàn cảnh người Việt Nam phải thóat ly chế độ cộng sản, vẫn còn tồn tại ở Việt Nam thì thuyền nhân Việt Nam làm sao có thể trở về nước một cách tự nguyện? Và điểm thứ 2 là định cư tại quốc gia tạm dung chỉ có thể thực hiện nếu các nước này đồng ý và chấp nhận, một điều đã không xảy ra. Hậu quả là theo Kế hoạch CPA, hầu hết những người Việt tầm trú bị bác đơn đều đã bị cưỡng bách hồi hương về Việt Nam.

Kế hoạch CPA chấm dứt vào ngày 06.03.1996 khi tất cả các trại tị nạn do UNHCR bảo trợ cho người tầm trú Đông Dương, đều chính thức bị đóng cửa. Bốn ngày trước đó ông John Howard đã trở thành Thủ tướng Nước Úc sau khi đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 02 tháng 3 và chấm dứt giai đoạn 13 năm cầm quyền của Thủ tướng Bob Hawke và Thủ tướng Paul Keating.

Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc thay đổi giữa các chính đảng để nắm chính quyền. Kể từ năm 1996 trở đi chính phủ Úc, bất kể là thuộc khuynh hướng chính trị nào cũng đều đã theo đuổi chính sách khắc nghiệt đối với người tầm trú toan nhập cảnh nước Úc bằng thuyền.

Trong khoảng hai thập niên vừa qua, thỉnh thoảng vẫn có một số tàu thuyền người Việt tầm trú, chuyên chở hàng trăm người từ Việt Nam đến Indonesia hoặc đến vùng biển Úc Châu. Tuy nhiên nhìn chung, thì người Việt Nam không còn là thành phần nổi bật trong tập thể thuyền nhân tầm trú trong thế kỷ thứ 21 nữa.

Thật ra, thành phần người Việt Nam trong chương trình di trú hàng năm đã bắt đầu giảm hạ đáng kể từ dưới thời chính phủ Lao Động Paul Keating (1991-1996). Do hậu quả của kế hoạch hành động toàn diện CPA, Việt Nam không còn là một quốc gia nguồn đáng kể. Tuy vậy, hai Bộ trưởng Di Trú và Văn Hóa Đa Nguyên của chính phủ Paul Keating, Ông Gerry Hand và Nghị sĩ Nick Bolkus vẫn tiếp tục có liên hệ gần gũi với Cộng đồng Người Việt qua các chương trình định cư.

Vào năm 1991, người Việt đã có nhân số đông đảo đứng hàng thứ 6 trong số các cộng đồng sắc tộc tại Úc, nhờ vào chương trình tiếp nhận và định cư người tị nạn Việt Nam của chính phủ Liên đảng Malcolm Fraser và chính phủ Lao Động Bob Hawke [18].

Trong một nền dân chủ đại nghị như Nước Úc, chính trị gia thuộc ba cấp chính quyền đều mong muốn hiểu biết được nhu cầu của các cử tri. Nhưng các dân biểu có tầm nhìn lâu dài, như Ông Mick Young của Đảng Lao Động và Ông Phillip Ruddock của Đảng Tự Do thì đã có quan tâm vượt ngoài quyền lợi cá nhân, và phạm vi đơn vị bầu cử của họ.

Ông Mick Young khi hãy còn là một Dân biểu thường vẫn có những nỗ lực dành thì giờ trong chương trình bận rộn của mình, để tiếp xúc với cộng đồng người Việt qua những người làm việc tình nguyện, như Ông Chu Văn Hợp (nay đã mãn phần), và cá nhân tôi. Ông Chu Văn Hợp, vốn là người sáng lập tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Úc Châu gọi là Chuông Sài Gòn tại Sydney vào năm 1979. Vào năm 1987, ông trở thành cố vấn sắc tộc sự vụ cho Ông Barrie J Unsworth lúc bấy giờ là thủ hiến NSW.

Hiểu được chính sách của chính phủ Whitlam đối với người tị nạn Việt Nam, Ông Mick Young cố gắng tiếp cận với cộng đồng người Việt với hai thông điệp rõ ràng - thứ nhất là đảng Lao Động, một đảng Dân chủ Xã hội không phải là một chính đảng thân cộng, và cũng không hề có quan hệ gì với Đảng Cộng Sản. Và thứ hai là Đảng Lao Động Úc phục vụ tất cả mọi người Úc, đặc biệt là những người Úc thuộc thành phần di dân và người tị nạn.

Cũng không có gì khác lạ khi người Việt đã nối tiếp con đường của những thế hệ di dân trước kia. Họ có khuynh hướng mua hoặc thuê nhà để sinh sống tại những vùng không khá giả, xung quanh các trại tiếp cư di dân, là nơi mà họ có những tiếp xúc đầu tiên tại Úc. Nếu người Việt Nam quả thật là “Asian Balts” theo như nhận xét của cựu Thủ tướng Gough Whitlam, thì việc phân phối đời sống kinh tế và xã hội tại các vùng này đã biến nhiều người trở thành những cử tri ủng hộ đảng Lao động.

Ông Mick Young với tư cách là Bộ trưởng, vẫn duy trì quan tâm của ông đối với các cộng đồng văn hóa đa nguyên. Mỗi khi ông đến Sydney, tôi thường tổ chức những cuộc tham khảo ý kiến cộng đồng khi chương trình sinh hoạt của ông cho phép. Ông muốn đích thân lắng nghe phát biểu từ những thành viên của các cộng đồng sắc tộc này. Các vị Bộ trưởng kế nhiệm cũng vậy, kể cả Nghị sĩ Robert Ray, một nhân vật rất có ảnh hưởng và là một chiến lược gia tài giỏi của chính phủ Hawke-Keating.

Nghị sĩ Robert Ray có một khối óc bén nhạy và một trí nhớ tuyệt vời. Trước khi đến Sydney tôi đã từng có cơ hội làm việc với ông tại hội trường Thượng Viện ở Canberra, khi Thượng Viện tranh luận về một dự luật của chính phủ trong lãnh vực di trú.

Tại Sydney vào tháng 3/1989, tôi nhớ rõ một cơ hội khi Bộ trưởng Robert Ray được mời làm khách danh dự tại buổi Lễ Tưởng Niệm Hai Bà Trưng do Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự Do ở NSW tổ chức tại hội trường cộng đồng ở Cabramatta. Thay vì trực tiếp đến địa điểm buổi lễ, ông đã đến văn phòng của tôi tại trung tâm thành phố Sydney. Từ đây ông đã cùng đi với tôi trong chiếc xe do tôi lái, trong khi chiếc xe dành cho Bộ trưởng của chính phủ có tài xế thì chạy theo đằng sau. Trong cuộc hành trình kéo dài  một tiếng đồng hồ, ông đã hỏi tôi nhiều vấn đề và tôi đã trình bày nhiều chi tiết về các cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người Việt. Sau khi đến nơi, ông đã đọc một bài diễn văn đi vào vấn đề khiến chủ tọa chăm chú theo dõi, và Ban tổ chức gồm Bà Đặng Kim Ngọc, Cô Ngọc Hân, Phạm Ánh Linh, Dương Xuân Hương, rất tán thưởng. Ông đã ca ngợi vai trò quan trọng của hai vị nữ anh thư trong lịch sử Việt Nam, và ghi nhận vai trò đáng kể của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình định cư của gia đình họ tại Úc Châu.

Về phía Đảng Tự Do, và có lẽ cũng nhờ sự thôi thúc và quan tâm dài hạn đối với cộng đồng văn hóa đa nguyên, mà Dân biểu Philip Ruddock cũng đã rất năng động trong lãnh vực này, rất lâu trước khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Di Trú và Văn Hóa Đa Nguyên trong chính phủ John Howard hồi năm 1996.

Ông Philip Ruddock đã làm Dân biểu liên bang đơn vị Parramatta (NSW) từ năm 1973 đến 1993 là nơi mà ông có cử tri sắc tộc. Tuy nhiên từ năm 1993 cho đến khi ông hồi hưu trước kỳ bầu cử 02.07.2016 với tư cách là “Cha Già của Hạ Viện”, ông là Dân biểu của đơn vị Berowra (NSW), một đơn vị an toàn của Đảng Tự Do thuộc vùng khá giả Đông Bắc thủ phủ Sydney. Như là một Dân biểu thường trong thời gian chính phủ Malcolm Fraser, ông cũng đã bắt đầu tham dự vào tiến trình định cư người tị nạn Việt Nam qua chương trình cộng đồng gọi là CRSS, là một sáng kiến của Bộ trưởng Ian Macphee.

Ông Philip Ruddock đã rất thành công trong tư cách Dân biểu liên bang cũng như trong tư cách Bộ trưởng, tuy rằng cũng có lúc ông trở thành một đề tài tranh cãi. Ông có quan hệ gần gũi với các cộng đồng người Úc gốc Châu Á và gốc Trung Đông, đặc biệt là cộng đồng người Việt, người Hoa và người Lebanese. Ông cũng có giao tiếp thân hữu với nhiều vị lãnh tụ Phật Giáo và Hồi Giáo.

Chẳng bao lâu sau khi ông rời khỏi chính trường, cộng đồng sắc tộc gồm nhiều thành phần đã tổ chức một Lễ vinh danh Ông Philip Ruddock vào ngày 29.07.2016 tại Hội trường Tiếp tân Le Montage thuộc nội thành Sydney. Nhiều người Úc gốc Việt cũng đã tham dự để vinh danh ông Philip Ruddock cho những đóng góp quí báu của ông vào xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu.

Ăn Trái Nhớ Kẻ Trồng Cây

Tôi cảm thấy rất buồn khi hay tin Ông Mick Young mãn phần rất sớm hồi năm 1996. Cộng đồng người Việt cảm thấy không bao giờ có thể cảm ơn đầy đủ nước Úc và người Úc về sự giúp đỡ cưu mang trong lúc khẩn thiết mà họ cần được giúp đỡ để sống sót. Cộng đồng người Việt cũng cảm thấy mang nặng ơn sâu, đối với những lãnh tụ chính trị và cộng đồng tại Úc. Nhưng cũng đã có một vài ý kiến ngược lại, cho thấy những lãnh tụ chính trị này không phải là những người tốt bụng, đặc biệt nhất là đối với nhân vật nổi bật cựu Thủ tướng Malcolm Fraser, như chủ bút tin quốc ngoại Greg Sheridan của nhật báo The Australian đã nêu lên [19].

40 nam nguoi viet tai Uc (1)

 Món quà tri ân kỷ niệm - (từ trái): Ông Lê Quang Hiển, Cựu Thủ tướng Malcolm Fraser,
Ông Nguyễn Văn Thanh và Ls Nguyễn Văn Thân, Sydney, 2011


Dù sao đi nữa, chính trị vẫn là một lãnh vực đầy khó khăn và chính trị gia đôi khi phải có những phát biểu mạnh mẽ về mặt chính trị để có thể thực hiện một chính sách tốt. Tất nhiên chúng ta không thể cải chánh là chính phủ Fraser cũng như chính phủ Bob Hawke đôi khi cũng có những lời lẽ mạnh mẽ chống đối thuyền nhân tị nạn Việt Nam, mà phần lớn là nhằm vào các mục đích quốc nội. Nhưng khi chúng ta nhìn vào kết quả của những chính sách mà họ đã thi hành thì không ai mà không kết luận rằng: chính sách và kế hoạch của họ có tính nhân đạo nhiều hơn bất cứ chính phủ nào khác trong năm 1975, cũng như các chính phủ kế nhiệm kể từ năm 1996.

Ngay cả trong chính phủ Whitlam, Ngoại trưởng Don Willesee, theo các tài liệu đã phổ biến, cũng đã bày tỏ thiện cảm đối với số phận hẩm hiu của người dân miền Nam Việt Nam. Cũng tương tự như vậy nhưng ít được biết đến và không hẳn đã được nhắc đến trong các văn bản, bởi vì ông không chịu trách nhiệm về chính sách ngoại vụ và di trú nhưng Ông Kim E Beazley AC (1917-2007), thật ra cũng đã rất ủng hộ người Việt ở miền Nam Việt Nam. Trong tư cách Bộ trưởng Giáo dục, Ông Kim Beazley cha đã lặng lẽ thành lập một quỹ học bổng, tuy ít được nhắc đến nhưng rất hữu hiệu nhằm giúp đỡ con em học sinh người Việt và người Miên lúc bấy giờ gặp khó khăn tài chánh tại Úc, bởi lý do thủ đô Phnom Penh thất thủ hồi giữa tháng 4/1975 và thủ đô Sài Gòn bị chiếm đóng 2 tuần lễ sau đó.

Vài ngày sau khi tôi trở lại Canberra hồi cuối tháng 5/1975 với tư cách người tị nạn và chỉ được tạm trú, tôi nhận được lời mời của Ông Kim E Beazley để trò chuyện qua một tách cà phê buổi sáng. Khi tôi đến văn phòng ở quốc hội, vị Bộ trưởng Giáo dục rất nhân ái này đã bắt tay tôi và nói rằng: “Quang, mừng anh đã trở lại nhà”. Lời lẽ này quả thật làm tôi rất xúc động. Tôi đã biết Ông Kim E Beazley trong thời gian tôi phục vụ với tư cách một nhà ngoại giao, và ông đã đối xử với tôi một cách rất thân thiện trước sau như một.

Vào năm 2005, khi cộng đồng người Úc gốc Việt kỷ niệm 30 năm định cư tại Úc, Ông Kim C Beazley còn được biết như là Kim Beazley con, vốn là Phó thủ tướng trong chính phủ Paul Keating, và với tư cách lãnh tụ của Đảng Lao động ở thế đối lập lúc bấy giờ, đã yêu cầu tất cả thành viên của hội đồng nội các đối lập, hãy đứng lên để vỗ tay chào mừng sự thành công của người Úc gốc Việt. Đây là cuộc tiếp tân trong đại sảnh đường tại trụ sở quốc hội liên bang ở Canberra do Cộng đồng người Việt Tự Do tổ chức, với sự yểm trợ của Dân biểu Peter McGauran, Bộ trưởng Công dân và Văn hóa đa nguyên sự vụ, đại diện cho chính phủ liên đảng John Howard. Đấy cũng là dịp để cộng đồng người Úc gốc Việt bày tỏ lòng tri ân đối với một trong các ân nhân, là cựu Bộ trưởng Michael MacKellar tham dự với tư cách là một khách danh dự và diễn giả chính trong buổi lễ tiếp tân này.

Đối với cựu Thủ tuớng Malcolm Fraser, cộng đồng người Úc gốc Việt là nhân chứng sống của di sản nhân đạo mà ông đã để lại. Trong thời gian nghỉ hưu, Ông Fraser đã thay đổi quan điểm về tình hình thế giới, nhưng vẫn một mực theo đuổi lập trường nhân đạo đối với tập thể người tị nạn và tầm trú. Trước kia ông đã từng ủng hộ mạnh mẽ liên minh Úc / Mỹ, nhưng sau này ông trở nên bất mãn với một vài chính sách ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ, và do đó ông đã bắt đầu lập luận là nước Úc cần thay đổi phương cách ứng xử với cộng sản Trung Quốc. Về mặt quốc nội, ông chỉ trích mạnh mẽ chính sách gọi là “Giải pháp Thái Bình Dương”, và những chính sách tương tự kế tiếp mà các chính phủ tại Úc đã theo đuổi và áp dụng kể từ sau vụ Tampa hồi tháng 8 năm 2001. Tampa là chiếc tàu hàng lớn của Na Uy, đã cứu vớt 438 người tầm trú trên biển nhưng đã bị chính phủ John Howard không cho tiến vào vùng biển Úc Châu.

Ông Fraser đã dành nhiều thời giờ để tiếp xúc với người Úc gốc Việt, đặc biệt là các ban chấp hành của Cộng đồng người Việt Tự Do tại Victoria. Cô Nguyễn Phượng Vỹ đã nói với tôi rằng ban chấp hành đã nhiều lần hỏi ý kiến ông Fraser như là một nhân vật linh hướng, và đồng thời cũng đã cố gắng thuyết phục vị cựu thủ tướng đã ngoài 80 tuổi rằng, theo quan điểm của Cộng đồng người Việt, thì Trung Quốc chớ không phải Hoa Kỳ mới thật sự là mối đe dọa trong dài hạn đối với nền an ninh của Úc Châu.

Vào năm 2005, Ông Fraser đã được vinh danh bởi Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Victoria nhân lễ kỷ niệm 30 năm định cư của người Việt. Ông Fraser đã cảm thấy thú vị khi nghe Chủ tịch cộng đồng Châu Xuân Hùng kể lại một cuộc phỏng vấn tại trại tị nạn ở Đông Nam Á. Trả lời một câu hỏi nhằm chứng tỏ sự hiểu biết về Nước Úc, ông Châu Xuân Hùng chỉ đáp rằng “Ông Fraser là Thủ tướng”.Với câu trả lời ngắn gọn này, người tị nạn trẻ đã được chấp nhận định cư tại Úc ngay lập tức, mặc dầu thật ra anh đã không biết gì khác về nước Úc lúc bấy giờ!

Lần kế tiếp mà tôi được gặp Ông Fraser là tại Hội Chợ Tết người Việt ngày 5 tháng 2 năm 2011 ở Sydney, khi ông được vinh danh bởi Cộng đồng người Việt Tự Do Tiểu bang New South Wales. Trong bài diễn văn chính tại Lễ khai mạc, Ông Fraser đã khẩn thiết kêu gọi một chính sách nhân đạo đối với thuyền nhân tầm trú, và đồng thời ông cũng khuyến khích người Úc gốc Việt, như là những người đã từng hưởng chính sách nhân đạo của ông, hãy tham gia cùng ông vào chiến dịch này.

Ông Fraser tỏ ra hài lòng khi ông nhận được món quà từ Ông Nguyễn Văn Thanh, OAM, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại NSW. Món quà này có tính cách biểu tượng và đó là bức tranh vẽ một chiếc tàu tị nạn Việt Nam. Ngồi bên cạnh ông, tôi nghĩ rằng ông một lần nữa cảm thấy chính sách của mình là đúng khi nhiều diễn giả khác từ phía Đảng Lao Động đã hết lời ca ngợi di sản của Ông Fraser, và đề cao sự thành công của người Úc gốc Việt. Gương mặt ông không hề bày tỏ một chút quan tâm gì khi ông biết rằng những chính trị gia Lao Động này đang giữ những đơn vị bầu cử tại vùng Tây và Tây Nam Sydney, mà nay trở thành an toàn nhờ vào cử tri mà Thủ tướng Gough Whitlam đã gọi là “Asian Balts” hồi tháng 4 năm 1975.

Lần sau cùng mà tôi gặp Ông Fraser là vào ngày 17.08.2012 tại Toà Thị Chính Melbourne, khi chúng tôi được mời làm diễn giả để đánh dấu kỷ niệm 50 năm khi chiến đoàn ANZAC bắt đầu tham dự vào chiến tranh Việt Nam. Lễ kỷ niệm này do Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu bang Victoria tổ chức, và Chủ tịch Nguyễn Văn Bon cũng đã thay mặt Cộng đồng để cảm tạ và tri ân không những đối với cựu Thủ tướng Malcolm Fraser, mà còn đối với phu nhân, Bà Tamara Fraser, AO. Mặc dầu Ông Malcolm Fraser đã thay đổi quan điểm chính trị sau mấy thập niên nhìn lại về chính sách của Mỹ lúc bấy giờ, nhưng vị cựu Bộ trưởng Lục quân và Bộ trưởng Quốc phòng đã hết lời ca ngợi lòng dũng cảm, và khả năng thiện chiến của các đơn vị quân lực Úc và Tân Tây Lan trong chiến đoàn ANZAC tại miền Nam Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1972.

Tất nhiên toàn thể cộng đồng người Úc gốc Việt khắp nơi trên nước Úc đã rất đau buồn khi cựu Thủ tướng Malcolm Fraser mãn phần vào ngày 20 tháng 3 năm 2015. Ông Fraser đã được nhiều người coi là người “Cha Già” của Cộng đồng người Úc gốc Việt. Ông Nguyễn Thế Phong, cựu Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria và Liên Bang Úc Châu, khi suy ngẫm lại hành động chính trị can đảm của Ông Fraser, đã kết luận nhân dịp Lễ Quốc Tang: “Nếu không vì tài lãnh đạo, thái độ kiên tâm và bênh vực người tị nạn Việt Nam của Ông Fraser, thì chúng tôi đã không có mặt trên đất nước này” [20].

Khi Ông Malcolm Fraser trở thành thủ tướng hồi tháng 11 năm 1975, nhân số người Việt tại Úc chưa đến 2 000, nhưng khi ông rời khỏi chức vụ thủ tướng hồi tháng 3 năm 1983 thì đã có hơn 55 000 người tị nạn Việt Nam định cư trên quê hương thứ hai tốt đẹp này [21].                                   

40 nam nguoi viet tai Uc (2)

  Trống Đồng Việt Nam, 2016 - Cổng Chào Quảng Trường Sài Gòn, Bankstown (Sydney) New South Wales, Australia

 

Kỳ tới     

Phần 2 - Cộng Đồng Người Việt: tiến trình phát triển, đóng góp và thử thách

* Bài viết này cập nhật phần thuyết trình cùng đề tài của tác giả tại Thư Viện Whitlam ngày Thứ Bảy 08.10.2016 như là một phần của ‘Chương trình Di Sản’ Thành phố Fairfield, Tiểu Bang New South Wales, Australia.




Tài liệu tham khảo:

[1976] Parliament of Australia, Australia and the Refugee Problem

www.aph.gov.au/Parliamentary_Business/Committees/Senate/.../refugee/index

[1976] Parliament of Australia, Report Australia and the Refugee Problem”, December 1976. ISBN ... Appendix 4, The Vietnamese Study, Jean I Martin, 1 June 1976 - (PDF format).

 

[PDF] Report - Australia and the Refugee Problem - Parliament of Australia, 1976

www.aph.gov.au/~/media/wopapub/senate/.../fadt.../refugee/00contents_pdf.ashx

 

Australia, Fraser Government, Cabinet Papers, 1976, 1977, 1978, 1979

 

[2013] Parliament of Australia – Parliamentary Library, Janet Phillips and Harriet Spinks, Social Policy Section, Boat Arrivals in Australia since 1976

The Whitlam Institute, 1971 Labor Delegation - 'We Have Come Here to Work'

 

[1977] Denis Warner, Not With Guns Alone: How Hanoi won the War, Hutchinson of Australia, Richmond, Vic

 

[1980] Clyde Cameron, China, Communism and Coca Cola (Memoir), Hill of Content, Melbourne

 

[1984] Viviani, N., The Long Journey: Vietnamese Migration and Settlement in Australia, Melbourne University Press, Carlton Vic

[1991] Tran, M-V, Holton R J & Office of Multicultural Affairs, 1991, Sadness of Losing Our Country, Happiness is Knowing Peace: Vietnamese Social Mobility in Australia 1975-1990, Canberra, Office of Multicultural Affairs

[1993] Thomas, T., Balnaves, M., New Land, Last Home: The Vietnamese elderly and the family migration program, Bureau of Immigration and Population Research, Melbourne

[1996] Viviani, N., The Indochinese in Australia 1975-1995: from burnt boats to barbacues, Oxford University Press, Melbourne

 

[2006] Gerard Henderson, How Whitlam closed the door on refugees, Sydney Morning Herald, 18.04.2006

 

[2010] Hal G P Colebatch, The Left Rewrites Its History on Refugees, Quadrant, Oct 2010 (Volume LIV, Number 10)

 

[2013] Australia, Parliamentary Library, Janet Phillips and Harriet Spinks (Social Policy Section), Boat Arrivals in Australia since 1976

 

[2014] Hal G P Colebatch, The Whitlam Government and the Betrayal of the South Vietnamese, Quadrant, June 01, 2014

[2015] The Age Melbourne, Vietnamese community mourns the passing of Malcolm Fraser, 22.03.2015

[2015] Greg Sheridan, Malcolm Fraser was no saint for Vietnamese Refugees, The Australian, 26.03.2015

[2015] AFP/APP Australia bids farewell to former PM Fraser at State Funeral, 27.03.2015

[2016] Peter Edwards, Australia’s forgotten Foreign Minister: Don Willesee, ASPI The Strategist, 29.07.2016

Ghi chú:

[1] Clyde Cameron’s Memoir, quoted by Colabatch 2014

[2] Denis Warner 1977

[3] Whitlam’s Labor delegation to China 1971

[4] Lưu Tường Quang, Kỷ Niệm 40 Năm Bang Giao Canberra-Hanoi: Nhìn lại những nét chính trong quan hệ Việt Nam-Australia từ 1950, Tập san Đồng Nai & Cửu Long Số 7 năm 2013

 [5] Parliament of Australia 1976, “Australia and the Refugee Problem” – According to this Report of the Senate Committee on Foreign Affairs and Defence, Prime Minister Whitlam announced on 22.04.1975 the categories of Vietnamese eligible to temporary entry to Australia. As at 25th April, among 3 667 Vietnamese nominated by their relatives in Australia, 342 were approved but only 78 were evacuated by the Australian Embassy.

Denis Warner 1977 - Whitlam took control of all aspects of the Vietnam issue on 2nd April 1975.

[6] Quoted by Colabatch 2014

[7] Quoted by Colabatch 2014

[8] Peter Edwards 2016

[9] Kỷ Yếu Cộng Đồng Người Việt tại Nam Úc / Vietnamese community in South Australia, 2000

[10] Janet Phillips and Harriet Spinks, Boat Arrivals in Australia since 1976

[11] Quoted by Colabatch 2010

[12] Mike Steketee, Howard in war refugee snub: Fraser, The Australian, 01.01.2008

[13] See [12]                                                                                                      

[14] Mike Steketee, Risk of ‘pariah status’ over Vietnam, The Australian 01.01.2010

[15] The Hon Ian Macphee, AO, Opening Remarks, Sydney, 09 June 2012

 [16] See [10]

[17] See [10]                                                                                                                                  

[18] Australia, Census 1991 (121 813 Vietnamese recorded)                                                         

[19] Greg Sheridan, 26.03.2015                                                                                                  

[20] The Age 22.03.2015 & AFP /APP 27.03.2015                                                                  

[21] Australia, Census 1976 (2 427 Vietnamese recorded) - Census 1981 (41 096 Vietnamese recorded) & Census 1986 (83 028 Vietnamese recorded).







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/07/2024(Xem: 1102)
Với truyền thống từ ngàn xưa “Khi đến tuổi trưởng thành phải dựng vợ, gả chồng”, phải “yên bề gia thất” mới được xem là một người có đời sống hoàn hảo, trọn vẹn, và dường như tư tưởng đó vẫn tồn tại đến tận ngày nay, dù xã hội đã được xem là văn minh tiến bộ, tư tưởng con người đã được khai phóng đi rất nhiều so với những thập niên về trước nhưng ẩn sâu đâu đó, trong suy nghĩ nhiều người vẫn giữ quan điểm không ủng hộ, thậm chí một người còn bị xem là dị biệt nếu chọn đời sống độc thân, không lập gia đình. Có người còn cho rằng khi không có vợ chồng con cái thì người đó không thể được xem là người có đời sống thật sự hạnh phúc.
22/07/2024(Xem: 939)
Bão bùng mưa gió rồi cũng qua đi, giọt xí thoát ra khỏi mọi hệ lụy của hình tướng ở thế gian này, không còn ràng buộc bởi bất cứ sự dụ hoặc nào. Giọt Xí sung sướng ngao du khắp mười phương, không chỗ nào là không có mặt, có mặt khắp mọi nơi mà như thể không hề có mặt. Giọt Xí ung dung tự tại trong trời đất, núi rừng, sông hồ, biển khơi, đô thành, tiểu trấn, đồng quê kể cả ở sa mạc hoang vu, tha ma mộ địa…
22/07/2024(Xem: 2955)
“Lo hoán cốt”. Lo nghĩa là chăm lo. Hoán nghĩa là làm thay đổi. Cốt là xương. Lo làm thay đổi xương cốt của mình. Xương cốt của mình là xương cốt của nghiệp. Bởi thân mình là thân nghiệp. Vì vậy tham dự khóa học, hằng ngày hằng giờ hằng phút hằng giây mình tu tập tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, sám hối, nghe pháp, công phu công quả làm các việc lành là nhằm để chuyển hóa xương cốt của thân nghiệp của mình để cho thân của mình mỗi ngày mỗi nhẹ mỗi giờ mỗi nhẹ, mỗi phút mỗi nhẹ mỗi giây mỗi nhẹ.
15/07/2024(Xem: 5354)
Ba Mươi Năm vun bồi ngôi nhà Tâm Linh Phước Huệ Hạt giống Phật tưới tẩm thương yêu hiểu biết đơm hoa Chữ Duyên trong đạo Phật thật thâm trầm áo nghĩa, đất Thục-quỳnh-mai, nơi Đạo Tràng Phước Huệ thành lập và sinh hoạt đến nay đã tròn Ba Mươi Năm, cũng từ chữ “duyên” đó. Khởi đi là, vào một ngày đẹp trời đầu tháng 8, năm 1994, Thầy Tâm Ngoạn lái xe từ Seattle về Los Angles, mời chúng tôi lên xe, cùng Thầy thăm viếng miền Tây Bắc Hoa Kỳ vì, trước đây đã ba lần, mỗi lần về LA, Thầy rất chân thành mời chúng tôi đến Seattle lập chùa, nhưng, chúng tôi đều một mực từ chối
30/06/2024(Xem: 4076)
Trúc Lâm Đầu Đà, Ngài tên thật là Trần Khâm. Sinh năm 1258, lên ngôi năm 1278, ở ngôi 15 năm từ 1278 đến 1293, nhường ngôi cho con lên làm Thượng hoàng 6 năm từ 1293 đến 1299, sau đó ngài đi tu 9 năm từ năm 1299 đến năm 1308. Năm 1308 ngài viên tịch. Trụ thế 50 tuổi Tây, 51 tuổiTa. Đó là cuộc đời của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là anh hùng dân tộc, là một bậc minh quân, là vị tổ khai sáng ra dòng thiền Việt Nam. Hồi Thứ Nhất:
30/06/2024(Xem: 966)
Hôm nay, chúng con lại có duyên lành đến cúng dường Tăng an cư tại trú xứ Tăng Già lam-Quảng Hương, Phật lịch 2568, thấy chư Tôn đức Tăng hiện tiền hòa hợp thanh tịnh; nhưng nhìn lên Hương thất, thấy Tôn dung Trí Quang Thượng nhân không còn mà vẫn còn phảng phất hương thơm; nhìn kỹ trong đại chúng, không thấy hình ảnh từ hòa, đôn hậu của Hòa thượng Thích Đức Chơn, người mà mới ngày nào đó dạy dỗ chúng con và cùng chúng con đi Canada dự lễ về nguồn tại chùa Phổ Đà Sơn của Hòa thượng Thích Bổn Đạt và lại cũng không thấy bóng dáng Hòa thượng Thanh Huyền đang ở nơi đâu, giữa cõi đời “Không không sắc sắc” này. Nhìn vào Thị ngạn am, bậc Thượng sĩ đã “Thiên lý độc hành”, chỉ thoáng thấy bóng dáng hao gầy và nghe tiếng đàn Dương cầm hay Piano từ tâm thức kính thương của chúng con vọng lại
29/06/2024(Xem: 2852)
Những tháng đầu năm 2021, Út Bình bên Mỹ vẫn thường âm thầm theo dõi Facebook của tôi, thấy biết tôi đang tích cực phụng sự Đạo pháp, theo chư Tăng lên các chùa ở sâu vùng xa để chụp ảnh, viết bài, đưa tin đến các trang Phật giáo trong và ngoài nước, liền nhắn tin tặng tôi chiếc laptop của Út còn cất trong tủ ở nhà từ đường. Ý của em là tiếp sức cho tôi có phương tiện hiện đại hơn để truyền tin tại chỗ, chứ đi dự lễ các chùa trên vùng núi cả buổi, chiều về mới ngồi vào máy tính viết tin bài, chọn ảnh để gửi đi thì chậm quá
27/06/2024(Xem: 3175)
Phát hành vào tháng 7 năm 2024 Nhân Kỷ Niệm 45 Năm Thành Lập Chùa Viên Giác Đức Quốc và 45 Năm Xuất Bản Báo Viên Giác, Viên Giác Tùng Thư Đức Quốc ấn hành Đặc San Văn Hóa Phật Giáo chủ đề "Người Cư Sĩ Phật Giáo" để chào mừng những sự kiện nêu trên. Đặc San năm 2024 này (lần thứ sáu) được sự góp mặt của 50 văn thi sĩ và 4 họa sĩ, nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước. Sách in màu, 658 trang, khổ 6x9 inches.
24/06/2024(Xem: 1106)
Đến, vào rồi ra khỏi trên 100 ngôi già lam thánh chúng trong tỉnh, tôi đều gặp thuận duyên. Thuận, có nhiều kiểu thuận khác nhau. Nếu đến các ngôi chùa mình đã từng thường lui tới, xem là "chùa nhà" (như Hải Ấn Ni Tự, Kỳ Viên Trung Nghĩa, Sắc Tứ Kim Sơn...) thì đương nhiên là quá thuận rồi. Đến các ngôi chùa với tờ giấy giới thiệu của Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội, tờ giấy có con dấu đỏ như giấy thông hành, như "bùa hộ mệnh", khi trình ra là được đón tiếp cho dù là niềm nở và cởi mở hay thận trọng và nghi ngại, thì rốt cuộc cũng là được thuận lợi, nhiệm vụ hoàn thành. Đến những ngôi chùa được các vị trụ trì có nhã ý mời tham dự lễ lạt thì dĩ nhiên không có gì là chướng ngại, là rào cản. Có nhiều chùa tôi thuận duyên đến mà không được gặp vị trụ trì, phải lần thứ hai, thứ ba mới được yết kiến, nhưng đó cũng là thuận, là chưa đúng thời điểm, chưa hội đủ duyên lành chứ không phải nghịch duyên, chướng duyên.
22/06/2024(Xem: 2362)
Có nhiều người khi sinh con ra, bên cạnh tên thật hay, thường có một tên khác gọi ở nhà dí dỏm dễ thương, hay tên thật dở để khỏi bị “bà” bắt. Bà ở đây là bà nào không ai biết được, thế nhưng nhiều người vẫn sợ rồi kiêng. Riêng đối với bà Thịnh, bà không tin như thế, ngược lại, bà cần con cháu bà tên thật hay, phải có ý nghĩa nữa để đem may mắn vận vào cuộc đời nó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]