Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhật Bản Trong Lòng Tôi

20/03/201520:18(Xem: 4439)
Nhật Bản Trong Lòng Tôi



Nhat Ban Trong Long Toi_HTNhuDien
Nhat Ban Trong Long Toi_HTNhuDien2


 

Bắt đầu viết sách nầy vào ngày 6 tháng 6 năm 2014

nhân mùa An Cư Kiết Hạ tại Chùa Viên Giác

Hannover - Đức Quốc

 

 

***

 

 
Trình bày bìa :  Đh. Quảng Pháp Tấn
Layout            :  Đh. Như Thân
Đánh máy       :  Đh. Lương Hiền Sanh
Sửa bản in      :  ĐĐ. Thích Hạnh Lý
Lo việc in ấn  :  ĐĐ. Thích Hạnh Bổn


***



LỜI NÓI ĐẦU

 

 thichnhudien

Quyển sách thứ 64 nầy tôi bắt đầu viết vào ngày 6 tháng 6 năm 2014 nhằm ngày mồng chín tháng năm năm Giáp Ngọ tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, nhân mùa An Cư Kiết Hạ tại đây. Trong đầu đang dự định là mỗi năm sẽ viết một cuốn về nước Nhật, nước Đức, nước Úc, nước Mỹ v.v… để giới thiệu với quý độc giả xa gần, nhất là những vị nào chưa có cơ duyên đi và đến cũng như ở tại các nơi ấy nhiều năm tháng, thì đây là những quyển sách nhằm giới thiệu một khía cạnh nào đó dưới cái nhìn chủ quan của Tác giả, chưa hẳn đã đúng toàn diện. Tuy nhiên, muốn hoàn thành một việc lớn, không thể thiếu những ý niệm lúc ban đầu, dầu cho việc ấy có nhỏ nhiệm đến đâu đi chăng nữa, nhiều khi cũng là một vấn đề cần thiết.

Ví dụ như nước Úc; nơi tôi đã có 10 lần cư ngụ, mỗi năm 2 tháng và nếu kể từ năm 1979 đến năm 2014 nầy, suốt trong 35 năm ấy, hầu như năm nào tôi cũng đi Úc ít nhất là một lần, có nhiều năm đi đến 2 lần. Mỗi bận đi và về như vậy bằng máy bay từ Đức qua Úc phải tốn 2 đêm một ngày mới đến và thời gian kể cả chờ đợi, nhiều khi lên đến hơn 30 tiếng đồng hồ. Nếu kể cả vòng đi và về, con số mỗi lần là 34.000 cây số; nghĩa là bằng một vòng tròn của quả đất. Nếu đem nhân con số nầy với 35 năm như vậy, sẽ có số thành là: 1.190.000 Km đường bay. Đó là chưa kể những chuyến bay thêm trong các năm khác, cần đến việc cho Giáo Hội. Với trên một triệu cây số đường bay của riêng nước Úc và đã có nhiều năm lưu lại Úc nhiều tháng; nên tôi sẽ viết về nước Úc một quyển sách, cũng như viết về Nhật Bản lần nầy vậy.

Nếu ai đó có hỏi rằng: Tôi sống ở đâu lâu nhất – thì có thể trả lời là nước Đức. Vì nơi nầy tôi đã dừng chân lại đây từ hơn 37 năm nay (1977-2014). Vì vậy cho nên nước Đức, tôi cũng sẽ quan tâm để viết nên một tác phẩm như vậy, mặc dầu trước đây tôi đã viết quyển “Cảm Tạ Xứ Đức” rồi. Nước thứ hai tôi sống lâu hơn, đó là quê mẹ Việt Nam, trong vòng gần 23 năm; nghĩa là từ khi sinh ra (1949) đến năm 1972 khi tôi từ giã quê mình để sang Nhật Bản du học. Đây là một đề tài không nhỏ, tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành một tác phẩm về quê nhà trong nỗi nhớ ở một tương lai gần. Nước thứ 3, nơi tôi đã sống nhiều năm, đó là Nhật Bản, kể từ đầu năm 1972 đến gần giữa năm 1977. Nghĩa là hơn 5 năm như vậy; nên tôi sẽ có nhiều vấn đề để viết trong tác phẩm nầy.

Còn nước Mỹ, một đại cường quốc trên thế giới ở nhiều phương diện khác nhau như khoa học kỹ thuật, đời sống tự do, văn minh v.v… nơi tôi đã gần 40 lần đi về như vậy và mỗi lần ít nhất là một tuần lễ và nhiều nhất là 2 tháng. Đây cũng là lý do để tôi sẽ hoàn thành một tác phẩm khác.

Ngoài ra Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Canada v.v… nơi tôi đã đi và đã đến nhiều lần, có lẽ sẽ viết về những nước nầy chung một tác phẩm để giới thiệu đến mọi người khắp nơi; nhằm triển khai nhiều phương diện dưới cái nhìn của một người tu, nhằm góp phần vào gia tài văn hóa của nước nhà. Nhiều khi người ta phải tốn thật là nhiều tiền và dành ra rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành những công việc như vậy; nhưng tôi, với một Tăng sĩ bình thường sống cuộc đời phụ thuộc  nơi sự cúng dường của đàn na thí chủ mà có được một nhân duyên như vậy, dĩ nhiên là phải có nhiều điều kiện đi kèm. Vậy lý do ấy là gì? Xin quý vị đọc sâu vào nội dung những quyển sách nầy thì sẽ rõ.

Bây giờ ở tuổi 65 (1949-2014) sức khỏe vẫn còn tương đối tốt, tôi cố gắng viết được những gì thì viết, để lại cho đời sau. Vì chẳng ai biết được, ngày mai sẽ như thế nào mà chờ đợi. Vì ngày mai ấy có thật mà cũng chẳng thật. Vì thế giới nầy luôn biến đổi, đâu có khi nào ngừng nghỉ. Nếu chúng ta tự dừng; nghĩa là chúng ta tự làm thoái hóa mình với thời gian và năm tháng. Tôi vẫn còn lễ bái kinh Đại Bát Niết Bàn quyển thứ 2 phẩm Ca Diếp, mỗi đêm trong những mùa An Cư Kiết Hạ từ 300 đến 350 lạy của từng chữ trong kinh, vẫn đứng lên ngồi xuống cho nhịp điệu nầy suốt trong 30 năm tại chùa Viên Giác nầy như vậy; nên tôi sẽ cố gắng hoàn thành những dự tính của mình, khi tuổi đời và sức khỏe còn cho phép.

Nhìn những người già cả, trở nên lú lẫn, nhớ trước, quên sau, rồi cũng phải chạnh lòng để nghĩ đến phận mình chứ! Biết đâu sẽ có một ngày như vậy và ngày ấy dĩ nhiên là tôi không muốn; nhưng nghiệp lực của bao đời còn lại trong dư báo của ngày xưa. Ai biết được!!! Rồi thấy những mầm non của đạo pháp hay tuổi trẻ ngày nay, tôi thấy thương họ nhiều hơn. Vì họ cũng chính là mình, khi hình ảnh của thời trai trẻ lại hiện về khi có dịp để so sánh. Thật ra chúng ta chỉ có một cơ hội duy nhất là củng cố những gì đang có trong hiện tại mà thôi. Vì hiện tại tốt thì tương lai sẽ tốt. Còn  quá khứ ư? Quá khứ là những gì đã qua, ta không thể hoán cải được, mà ta chỉ có thể thọ nhận, để biết rằng: Cái nhân trong quá khứ ta đã làm gì, mà hiện tại cái quả ấy ta đang gặt hái đấy!!!

Đạo Phật  không mơ hồ. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử, không phải là một Đức Phật thuộc về huyền thoại; nên những gì Ngài dạy, những gì chúng ta thực hành theo sự chỉ bảo ấy, chính là kim chỉ nam để giúp những hành hoạt trong cuộc sống hằng ngày đầy đủ ý nghĩa hơn. Có như vậy chúng ta mới thực sự biết rõ được chân giá trị của thời gian là gì?

Tôi đang sống cũng có nghĩa là tôi đang đi đến chỗ chết. Vì trong tôi có những tế bào đang sinh ra và đồng thời cũng có những tế bào đang hoại diệt. Chính sự sinh diệt, diệt sinh nầy làm cho chúng ta không dừng bước được trong 6 nẻo luân hồi. Ai có đến, tất có đi. Ai có hiện hữu, sẽ có ngày bị tan rã hoại diệt. Khi hiểu được nguyên lý nầy, chúng ta sẽ không than thân trách phận, đổ lỗi cho trời, cho người v.v… mà hãy tự nhìn vào bản thân của mình, để chiêm nghiệm càng thâm sâu bao nhiêu thì càng quý báu bấy nhiêu. Vì chính mình khi quán chiếu như vậy sẽ tự hiểu mình nhiều hơn. Có như vậy tha nhân mới được lợi lạc.

Ý định thì như vậy; nhưng có làm được hay không. Nó cũng giống như lời dạy của một người cha cho con trẻ rằng: “Nếu con không tìm một cơ hội tốt để đi vào đời, thì đời nầy sẽ kéo lê con vào cuộc sống ấy”. Vậy chúng ta nên làm chủ mình hay để cho ngoại duyên làm chủ, đây là một chủ đề mà mỗi người trong chúng ta phải cần quan tâm đến.

Chính mình, không hiểu mình là ai thì làm sao hiểu được người khác một cách chính xác được. Do vậy tất cả mọi phương diện trong cuộc đời nầy nó chỉ có tính cách tương đối, chứ không có tính cách tuyệt đối; ngoại trừ chân lý mà Đức Phật đã tìm ra. Đó là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Chân lý nầy muôn đời vẫn đúng, không sai một mảy may, dầu cho bạn có tin theo Nam Tông, Bắc Tông hay Kim Cang Thừa đi chăng nữa, thì Tứ Diệu Đế vẫn là một chân lý tuyệt vời, không ai và không có không gian hay thời gian nào có thể làm thay đổi được chân lý nầy.

Bởi vì tất cả chúng ta đều đứng trên nhân sinh quan và tự ngã là cái ta để nói và viết về người khác hay Tôn Giáo khác, nó cũng có giá trị tương đối. Vì ta không là gì cả. Chính vì vậy mà những nhận định hay lập luận của tôi trong bất cứ một quyển sách nào của tôi viết là do sự hiểu biết giới hạn của mình và nó không là kim chỉ nam cho ai cả. Ai muốn chọn tư tưởng nào là tùy ở người đối diện, nhất thiết không có một sự áp bức nào cả; nhất là vấn  đề tự do tư tưởng của mỗi cá nhân ngày nay thế giới đã đưa lên hàng đầu trong mọi bản tuyên ngôn về quyền tự do của con người.

Đúng hay sai vẫn là một công việc mà các nhà phê bình, phân tích cần quan tâm; nhưng không vì cái sai ấy mà đánh lạc mất vai trò công tâm của tri thức, khi nhìn thấy một vấn đề, chỉ qua nhận thức của mình. Ngay cả cái đúng của ngày hôm nay đã là cái sai của ngày trước; nếu người ấy biết cải tà quy chánh và cái đúng của ngày hôm nay, chưa hẳn là cái đúng của ngày mai, nhất là những thể chế chính trị. Do vậy chúng ta hãy vượt lên trên mọi đối đãi để nhận thức hay phê phán một vấn đề thì giá trị của sự bình luận ấy đáng quan tâm hơn.

Mỗi năm tôi cố gắng hoàn thành một tác phẩm như vậy và những dịch phẩm từ tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật hay chữ Hán, nếu có cơ duyên thích hợp và những tác phẩm đáng được dịch ra Việt ngữ thì tôi cũng sẽ cố gắng. Vì biết rằng: “Dịch cũng chính là phản dịch”, nếu chúng ta hiểu sai ý của tác giả; nhưng nếu không có những viên gạch đơn sơ lót đường, thì làm sao chúng ta có thể có được những tòa nhà cao ốc về sau được. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần như vậy, nên đã cũng như đương và sẽ cố gắng phần của mình để chỉ làm một nhiệm vụ như con tằm nhả tơ, tạo nên những nhung gấm cho cuộc đời. Còn người đời có dùng đến lụa, là, nhung, gấm hay không, thì đó lại là một việc khác nữa.

Những ngày đẹp trời tôi hay đi dạo bên ngoài, sau giờ dùng sáng. Cứ mỗi lần như vậy, nếu có gặp người láng giềng Đức nào đó thì chào hỏi và bắt đầu nói một vài câu chuyện hỏi thăm. Nhiều khi đề tài liên quan đến chiến tranh đệ nhứt, đệ nhị thế chiến hay chiến tranh Việt Nam. Đôi khi đề tài xoay quanh vấn đề đời sống thanh thiếu niên ngày nay tại Đức; hoặc giả những người già của Đức sau khi họ về hưu sẽ sống như thế nào. Có lúc nói về thời tiết, về môi sinh, về việc ăn chay, về niềm tin Tôn Giáo. Nhiều khi họ mời tôi giới thiệu về những rau cải trồng trong Cốc Vô Học nầy. Thế nào là bí đao, thế nào là bầu, là tần-ô, là rau ngò, rau húng, rau diếp cá v.v…

Ở Nhật Bản cũng vậy, tôi sống trong chùa Nhật, cho nên những đề tài như vậy vẫn được Hòa Thượng Trù Trì chùa Bổn Lập (Honryuji) tại thành phố Bát Vương Tử (Hachioji) gần Tokyo đề cập đến hằng ngày; nên tôi có cơ hội để nói tiếng Nhật. Nhờ vậy mà ngày nay, mặc dầu đã xa Nhật Bản gần 40 năm; nhưng tôi chưa bao giờ nói lộn giữa tiếng Nhật và tiếng Đức cả. Ơn đức ấy khôn cùng. Cho nên tôi lấy tựa đề của quyển sách nầy là “Nhật Bản trong lòng tôi” là vậy. Ngày xưa khi mới đến Nhật, tôi có viết một tiểu luận bằng tiếng Nhật nhan đề là “Nihon no watashi no me no sita ni” (Nhật Bản dưới mắt tôi). Sau gần 40 năm ở Đức, tôi lấy tựa đề khác hơn xưa để nhớ và nghĩ về nước Nhật ngày xưa cũng như nay. Mong rằng quý vị đọc tác phẩm thứ 64 nầy sẽ thấy rõ nét được những điều tôi vừa mới trình bày.

 

Viết tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc, ngày 6 tháng 6 năm 2014.

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG MỘT

 

Người Nhật

đối với người ngoại quốc

 

 

Từ đầu thế kỷ thứ 6, lúc nhà Đường bên Trung Hoa thịnh hành, Nhật Bản đã gởi nhiều vị Sư sang Trung Hoa để học đạo. Thời gian nầy kéo dài cả hằng mấy trăm năm như vậy, cho đến thế kỷ thứ 17, 18, các vua chúa của Nhật Bản mới hướng đến phương Tây; nhất là kể từ thời duy tân đất nước của vua Minh Trị từ năm 1868 đến nay. Ngược lại Trung Hoa cũng đã có nhiều nhà Sư như Giám Chân Hòa Thượng (Kanrin Osho) đã tự một mình, cùng đoàn tùy tùng (dĩ nhiên là lúc bấy giờ đã không có giấy phép của triều đình hai nước Trung Hoa và Nhật Bản), Ngài đã đến Nhật bằng con đường hàng hải rất nguy hiểm; nhưng đã thành công và Luật Tông tại Nhật Bản được truyền qua từ Trung Quốc do Hòa Thượng Giám Chân nầy.

Vào năm 752 Thánh Vũ Thiên Hoàng làm lễ Khai Nhãn cúng dường tượng Phật Tỳ Lô Giá Na đúc bằng đồng, được tôn trí tại chùa Đông Đại (Todaiji) ở Nara (Nại Lương). Hai vị Thầy người nước Ấn Độ là Bồ Đề Tiên Na và vị Thầy còn lại đến từ nước Phù Nam tên là Phật Triết. Các Ngài đều giỏi tiếng Ấn Độ, tiếng Việt Nam và tiếng Trung Hoa. Các Ngài khi đến đây, nhân lễ khánh thành chùa Đông Đại đã dạy cho những Phật Tử người Nhật những điệu múa Vu Lan, mà ngày nay tại Nhật Bản vẫn còn tồn tại. Họ gọi là Obondori. Ngoài ra những lễ nhạc của Phật Giáo miền Trung Việt Nam (Phù Nam quốc thuở ấy) cũng được Viện Nhã Nhạc Hoàng Cung Nhật Bản lưu giữ tận đến ngày nay.

Đồng thời từ bán đảo Triều Tiên, Phật Giáo cũng đã được du nhập vào Nhật Bản bằng con đường hàng hải từ thế kỷ thứ 6, khi mà Thánh Đức Thái Tử (Shotoku Taisi) là một vị vua luôn khuyên dân chúng nên quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới trong Hiến Pháp 17 điều của ông và triều thần đã soạn ra lúc bấy giờ; nghĩa là cách nay (2014) hơn 1.500 năm về trước. Như vậy người Nhật không xa lạ gì với người ngoại quốc, kể từ khi thời điểm xa xưa ấy đến nay. Một điều dễ hiểu là nước Nhật thuở xưa cũng như Đại Hàn và Việt Nam chúng ta đều dùng chữ Hán để viết thành những bài tấu, bài kinh; nên dẫu cho cách phát âm ngôn ngữ ấy có khác; nhưng cách viết thì không khác. Họ, những dân tộc nầy có thể trao đổi với nhau bằng bút đàm. Từ đó họ có thể hiểu nhau một cách dễ dàng mà không cần đến thông dịch viên nữa.

Khoảng giữa thế kỷ thứ 13, Ngài Không Hải (Kukai) người Nhật đã sáng chế ra chữ Hiragana (bình giả danh)  và Katakana (dùng để phiên âm tiếng ngoại quốc ra tiếng Nhật). Từ đó người Nhật, ngoài chữ Hán (Kanji) ra còn có thêm 3 loại chữ nầy nữa (sau nầy có thêm chữ Romaji viết theo ngôn ngữ Tây Phương cho người ngoại quốc dễ đọc). Như vậy Nhật Bản đã bắt đầu ly khai văn tự Hán ngữ, không còn giữ nguyên như xưa nữa. Tuy nhiên trong các chùa viện, mãi cho đến ngày nay tại Nhật Bản vẫn còn tụng đọc chữ Hán; nhưng phát âm ra Nhật ngữ.

Đại Hàn cũng thế, họ dùng chữ Hán làm căn bản; nhưng đến thế kỷ thứ 13 những nhà Sư đã chế ra tiếng Đại Hàn; đến thế kỷ thứ 19, 20 vẫn còn thấy tụng một câu văn có một nửa chữ Hán và một nửa tiếng Đại Hàn; nhưng đến đầu thế kỷ thứ 21 nầy hầu như ngôn ngữ Đại Hàn đã thay thế toàn bộ cho chữ Hán. Mặc dầu vậy trong các chùa lớn thuộc Tông phái Tào Khê, hay các chùa cổ như: Heiinsa (Hải Ấn Tự); Bukkokusa (Phật Quốc Tự) hay Tondosa (Thông Độ Tự) các thời kinh mai hay chiều, tại các tự viện nầy cũng đều tụng đọc bằng chữ Hán với ý nghĩa được hiểu bằng ngôn ngữ Đại Hàn.

Còn Việt Nam chúng ta thì sao? Dĩ nhiên cũng không khác Đại Hàn và Nhật Bản mấy. Nghĩa là cho đến thế kỷ thứ 13 chúng ta vẫn dùng chữ Hán ở mọi nơi. Từ trong chùa ra đến học đường, công sở, trong khi chúng ta vẫn nói tiếng Việt Nam. Do vậy chữ Nôm qua bài Văn tế cá sấu của Hàn Thuyên không biết có phải chính do ông sáng tác hay không; nhưng kể từ đó Việt Nam chúng ta có thêm một ngôn ngữ khác, vốn vẫn lấy chữ Hán làm căn bản, mà ta gọi là chữ Nôm. Chữ nầy khó hơn chữ Hán, vì viết theo lối phiên âm qua Việt ngữ. Do vậy chữ Nôm có thể thịnh hành trong các thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 17, 18 và cuối cùng thì chữ Hán cũng không còn, mà kể từ giữa thế kỷ thứ 20 trở lại đây, người Việt Nam chỉ viết tiếng Việt theo lối Tây Phương và hầu như không còn ai hiểu chữ Hán hay chữ Nôm là gì cả; ngoại trừ các phân khoa ngôn ngữ học vẫn còn dạy tại các Đại Học và ngôn ngữ ấy vẫn còn lưu hành trong các chùa ở trong cũng như ngoài nước Việt Nam hiện nay.

Kể ra thì văn học, thi ca v.v… ngày xưa tại Trung Hoa cũng như Đại Hàn, Nhật Bản hay Việt Nam đều xuất phát từ chùa cả. Thuở ấy không ai có thể học được chữ Hán nhiều hơn các nhà Sư và cũng không có nơi nào rộng rãi hơn nơi thờ Phật; nên vua chúa Trung Hoa đã phải tiếp các Sứ Thần của Ấn Độ, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam tại một nơi thờ Phật, được gọi là Tự. Tự có nghĩa là chùa và những lời nói hay ho, trong sáng, có ý tứ sâu xa đi kèm và ở ngay tại chùa ấy, chữ Hán gọi là thi hay thơ (詩). Như vậy cho nên chúng ta cũng chẳng ngạc nhiên gì, tại sao có các vị Sư giỏi mà các vua nhà Đinh phải phong cho Khuông Việt Thái Sư, nhà Lý, nhà Lê phải phong cho Vạn Hạnh Quốc Sư hay giữa thế kỷ thứ 13 phải phong cho Phù Vân Quốc Sư, v.v…

Trước khi đi Ấn Độ để thỉnh kinh vào đầu thế kỷ thứ bảy (619), Ngài Huyền Trang đã được Vua Đường Thái Tông ban cho danh tự là Đường Ngự Đệ; chính thị như em ruột của nhà Vua. Một triều đại nhà Đường nguy nga tiếng tăm như vậy, cũng đã không thiếu bàn tay và khối óc về ngôn ngữ cũng như Tôn Giáo học mà Ngài Huyền Trang sau 21 năm đi về cũng như ở lại tại Ấn Độ (gần 17 năm ở Ấn Độ và 4 năm đi cũng như về) nhằm học hỏi tinh hoa Phật Giáo của Ấn Độ lúc đương thời và đã giúp cho nhà Đường vai trò lãnh đạo của các nước Đông Phương cũng như văn học Phật Giáo nổi bật hơn cả ở các thời đại đông tây kim cổ cũng như ngay cả lịch sử cận đại nữa. Một chốn triều đình; nơi đủ mặt bá quan văn võ, mà một nhà tu như Trần Huyền Trang đã chinh phục hết tứ bề qua tài thuyết pháp giảng kinh của mình, thì thử hỏi có còn  ai hơn nữa?

Ngài Pháp Hiển, Ngài Pháp Xứng, Ngài Ma Đằng Trúc Pháp Lan v.v…những tên tuổi ấy, một thời đã làm nên lịch sử Phật Giáo Trung Hoa. Chính từ đó nền văn hóa nầy mới lan tỏa đến các nước như: Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản, để rồi Nhật Bản cũng như Việt Nam hay Đại Hàn có những ông vua thương dân như con ruột của mình, nếu không có tinh thần Phật Giáo mớm cho những người cai trị muôn dân nầy thì làm sao Việt Nam có thể độc lập và thịnh trị gần 400 năm như vậy? (1010-1400). Âu đó cũng là do Phật Pháp mà nên.

Một nhà vua bỏ ngôi báu để đi xuất gia vào cuối thời nhà Lý như Lý Huệ Tông là thân phụ của Lý Chiêu Hoàng, đã trở thành Thiền Sư Huệ Quang và muốn quên đi tất cả dĩ vãng dưới chủ trương của Trần Thủ Độ để chỉ cốt mong sao cho một dãy giang sơn bền vững, mà không nhất thiết phải được cai trị bởi nhà Lý chứ không phải họ Trần. Rồi một Trần Thái Tông cũng đã rời cung cấm vào núi Yên Tử để tìm Phật; nhưng đã bất thành qua lời khuyên của Quốc Sư Phù Vân cũng như sự quyết tâm của Trần Thủ Độ; nhưng lịch sử không dừng ở đó, đến khi Trần Nhân Tông lên ngôi, sau khi đã thắng Tống bình Chiêm đến 3 lần, vào cuối thế kỷ thứ 13 (1296) đã xuất gia tại chùa Chân Giáo, nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông để trở thành Thái Thượng Hoàng và ông cũng đã trở thành người đứng đầu của Phái Thiền thứ 4 của Phật Giáo Việt Nam, gọi là Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Để từ đó chống gậy đi về phía Nam, mục đích thăm dân và dạy dân biết bỏ tà quy chánh, tu theo 10 giới cấm của người Phật Tử tại gia; nhất là sau khi đã gả Huyền Trân Công Chúa về cho xứ Chiêm Thành.

Nhật Bản cũng không khác gì Trung Hoa hay Việt Nam và Đại Hàn là mấy. Vì Đạo Phật đã ăn sâu vào trong các giai tầng của xã hội Nhật, trên từ vua quan dưới cho đến thứ dân muôn họ với dân tộc có lá cờ mặt trời nầy. Người Nhật ngày xưa gọi mình là Nipponjin (người Nhật Bản); nhưng ngày nay đa phần họ dùng chữ Nihonjin để chỉ cho người Nhật. Cách viết cả hai chữ bằng Hán văn vẫn giống nhau (日本人); nhưng cách phát âm lại khác nhau. Cả hai đều đúng. Ví dụ như người Việt Nam chúng ta gọi là người Nhật Bản cũng đúng mà người Nhựt Bản cũng không sai. Hán tự nó phong phú như vậy, không như tiếng Anh chỉ có một. Đó là Japenese hay tiếng Pháp cũng gọi như thế là Japonnaise. Nếu nói nước Nhật thì ngày xưa người Nhật gọi là Nippon – cách gọi nầy nó hàm chứa một chút gì của một Đế quốc; cho nên ngày nay đa phần người ta gọi là Nihon; chứ không gọi là Nippon nữa.

Cũng như nước Úc tiếng Anh gọi là Australia; nhưng cũng có hai cách gọi khác nữa là Aussie (gọi tắt) hay Down Under (miệt dưới). Tùy theo cách nói của mỗi thời đại mà người ta có thể hiểu theo cách riêng của mỗi người vậy.

Người Trung Quốc khi gọi các dân tộc phía Tây của mình là rợ Hồ hay các nước phiên, thì phương Nam họ gọi là người Mán, người An Nam. Họ gọi như thế để chỉ cho mình một chính danh, còn những nước khác là thuộc quốc, vì văn hóa, kinh tế, học thuật kém hơn nước của họ.

Từ khi lập quốc đến bây giờ trên dưới 2.000 năm lịch sử, người Nhật hình như chỉ có một tên gọi nầy và xa hơn nữa họ thuộc thế hệ con cháu của Thần Mặt Trời; ngoài ra quốc hiệu và quốc kỳ không có thay đổi nhiều như Việt Nam của chúng ta. Trong khi những danh từ kép ví dụ như lịch sử, văn hóa, Tôn giáo, xã hội v.v… thì cách dùng không khác mấy với Đại Hàn, Việt Nam hay Trung Quốc; nhưng khi viết thành câu văn, tiếng Nhật không giống văn phạm với bất cứ nước nào có ảnh hưởng bởi văn hóa của Trung Hoa. Thông thường muốn tạo thành một câu văn phải đầy đủ chủ từ, động từ và túc từ; nhưng tiếng Nhật chủ từ đi trước, túc từ đi giữa và động từ đi sau cùng. Ví dụ như nói rằng:

Watashi wa Nihonjin desu.

Watashi là chủ từ - wa là trạng từ, Nihonjin là túc từ và desu là động từ “da”. Động từ của Nhật Bản chia ở 5 thể thuộc a, i, u, e, o. Trong khi đó tiếng Trung Hoa không cần chia và ngay cả động từ của tiếng Việt cũng vậy. Quá khứ, hiện tại, vị lai… tiếng Nhật chia rất rõ; trong khi đó tiếng Trung Hoa và tiếng Việt không cần. Tôi không rành tiếng Đại Hàn nên không dám lạm bàn ở đây. Nhưng tại sao như vậy thì xin các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học cố gắng giải thích dùm.

Cũng như vậy, khi người Nhật gặp người ngoại quốc thì nói rằng:

Anohito wa gaikkokujin desu

Anh ta là người ngoại quốc

Thế nhưng nếu họ nói chuyện với người thứ ba thì họ chỉ kêu kẻ ấy là “gaisin” có nghĩa là người ngoài; người ngoại cuộc, không phải là Nhật Bản chánh hiệu thì cần gì phải quan tâm; nhưng cũng có một điều họ quên đi rằng: Tất cả chúng ta đều là người ngoại quốc trên quả địa cầu nầy, nếu chúng ta sống ra ngoài biên cương, lãnh thổ của ta, nơi ta đã cất tiếng khóc chào đời. Do vậy người ngoại quốc cảm thấy cô đơn khi sống tại xứ Mặt Trời nầy, nhất là khi ngôn ngữ chưa thông, phong tục, tập quán, thức ăn… chưa rõ, chưa thấm thì quả là điều nan giải vô cùng.

Năm 1904 Nhật Bản thắng Nga và sau đó là chiến tranh nha phiến với Trung Quốc và kế tiếp là chính sách Đại Đông Á (Daitoa) của Thiên Hoàng Chiêu Hòa (Showa Tenno) đã làm cho không biết bao nhiêu người chết chóc và quê hương của Á Châu đã lâm vào cảnh chiến tranh khốc liệt chưa từng có. Cho hay khi người ta thắng trận, cái uy dũng ấy nó đã làm chất kích thích tự tôn và cứ thế, nếu người lãnh đạo thiếu sự kềm chế như Hitler ở Đức, Nhật ở Á Châu v.v… thì thế giới nầy sẽ hoang tàn đổ nát. Tất cả cũng chỉ là giấc mộng tranh bá đồ vương của một Thành Cát Tư Hãn của Trung Hoa ngày xưa, mà ngay cả bây giờ vẫn còn thấy lảng vảng đâu đó trên quả địa cầu nầy, với những chủ nghĩa phi tự do, phi nhân bản.

Thuở ấy Việt Nam của chúng ta bị người Pháp đô hộ (1868-1945), gần 100 năm như vậy; cho nên khi Nhật thắng Nga vào năm 1904 thì các cụ trong Phong Trào Đông Du như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng v.v… đã cổ động, khuyến khích dân ta sang Nhật để du học. Lúc ấy đa phần các sinh viên mà các cụ đã gởi đi đều học ở trường võ bị Đông Kinh Nghĩa Thục, mong mỏi ngày sau, khi học thành tài trở về lại quê hương để giành lại độc lập từ tay người Pháp; nhưng điều ấy đã không thành, khi mà người Pháp đã đặt được nền cai trị vững chãi tại Đông Dương thì họ muốn chính quyền Nhật phải giao trả những nhà cách mạng đang lưu vong tại Nhật như cụ Cường Để chẳng hạn về cho Pháp. Thế nhưng đã đi làm cách mạng thì thà chết chứ không hàng trước giặc; cho nên mỗi người tự tìm cho mình một chỗ để nương thân, chứ không hy vọng gì nơi một quốc gia đã che chở cho mình lâu nay nữa.

Đến khi quê hương đất nước chúng ta chia đôi lần thứ hai vào ngày 20.7.1954 thì người Nhựt cũng chỉ vì mối lợi mà họ đã đem trở về lại quê hương của mình sau khi chính sách Daitoa, có nghĩa là Châu Á của người Á Châu đã bị thất bại. Thế rồi thời thế đổi thay. Nhật đã bị Mỹ dội bom nguyên tử vào năm 1945 tại Hiroshima và Nagasaki, để cuối cùng quân đội Nhật phải đầu hàng quân đội Mỹ. Đúng là nhân nào quả nấy. Trong khi hùng mạnh, lo đi chiếm cứ Đại Hàn, Đài Loan, Trung Hoa, Việt Nam… đến khi thất thế, bị Hoa Kỳ phong tỏa và mãi cho đến ngày nay nước Nhật đang lép vế trước nước Mỹ, không như một nước Đức, tuy cũng thua Mỹ; nhưng sau khi thống nhất Đông Tây Đức vào năm 1990 (bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 9.11.1989). Họ, những người Đức rất tự hào là đứng ngang hàng với Mỹ và đang cùng với Pháp lãnh đạo Âu Châu, trả người Nga, người Anh, người Pháp, người Mỹ về cho quê hương của họ mà còn tạo ra công ăn việc làm, lo bảo hiểm y tế cho những quân nhân nầy sống và chiến đấu cho nước Đức sau chiến tranh. Điều nầy người Đức rất hãnh diện mà Nhật Bản chưa có được một cơ ngơi như vậy.

Chính phủ Nhật sau năm 1954 đã công nhận nền Đệ Nhất Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (1954-1963), rồi Đệ Nhị Cộng Hòa (1964-1975) và sau nầy là chế độ Cộng Sản. Nghĩa là không cần quan tâm đến vấn đề chủ nghĩa, miễn sao dân tộc họ có lợi là được rồi.

Nước Nhật sau khi cải cách ở mọi phương diện vào thời vua Minh Trị (1868), họ đã chấp nhận văn hóa Âu Mỹ cũng như khoa học và kỹ thuật. Do vậy nước Nhật tiến rất nhanh, nhanh đến nỗi mà nhiều khi qua mặt cả các nước Âu Châu luôn. Cho nên thế giới rất ngưỡng mộ và từ đó thế giới trẻ đổ xô về hướng Nhật Bản để cố gắng học hỏi cũng như tìm tòi những cái hay cái đẹp của quê hương nầy; nên sau năm 1954 đã có không ít những sinh viên đi từ Miền Nam Việt Nam đến Nhật Bản du học.



(Còn tiếp)

 

Kính mời quý độc giả trở lại đọc trọn tác phẩm vào mùa An Cư năm 2015



***

Kính mời quý độc giả vào

xem tác phẩm khác của HT Thích Như Điển


htnhudien (15)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/09/2021(Xem: 4942)
Thanh Lương là bút hiệu của Thích Thiện Sáng, một hành giả Thiền tông. Thế danh Trương Thượng Trí, sinh năm 1956, lớn lên trên cù lao Ông Chưởng, bên dòng sông Hậu giữa trời thơ đất mộng An Giang. Bản chất thông minh, mẫn tuệ, có trực giác bén nhạy, ngay từ thời còn bé nhỏ đã có những biểu hiện khác thường như trầm tư, ưa đọc sách đạo lý suốt ngày, thích ăn chay trường, thương súc vật và học hành ở trường lớp thì tinh tấn, luôn luôn dẫn đầu, xuất sắc.
03/09/2021(Xem: 7307)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
31/08/2021(Xem: 7766)
Di tích cổ đại Phật giáo Ấn Độ A Chiên Đà Thạch quật (Ajanta, 印度古代佛教阿旃陀石窟) vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt nghìn năm tuyệt tác, tọa lạc trên vách núi Maharashtra Dayak, phía Bắc của bang Maharashtra, Ấn Độ với 30 hang động được xây dựng từ thế kỷ thứ 2-7 trước Tây lịch. Trong A Chiên Đà Thạch quật có rất nhiều tranh cổ và một số bức bích họa được xem là ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo. Hang động vòng vách núi hình lưỡi liềm, tường thấp, trải dài hơn 550 mét. Với kiến trúc mỹ thuật tráng lệ, nét chạm khắc và bích họa tinh tế hoành tráng, là một Thánh địa Phật giáo, một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất phía Nam Ấn Độ. Di tích cổ đại Phật giáo Ấn Độ A Chiên Đà Thạch quật là một trong những di sản lớn nhất về đạo Phật còn lưu giữ được đến ngày nay. Theo UNESCO, đây là những kiệt tác của Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo có ảnh hưởng đến nghệ thuật Ấn Độ sau này. Các hang động được xây dựng thành hai giai đoạn, giai đoạn đầu được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 TCN và giai đoạn
25/08/2021(Xem: 8509)
Do sự cố vấn chỉ đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Hội Đồng Hoằng Pháp của chúng con/chúng tôi rất hoan hỷ để kính trình Quý Ngài và Quý Vị chương trình giảng dạy tiếng Phạn cơ bản cho Tăng Ni cũng như Quý Phật Tử nào có tâm muốn trau dồi Phạn ngữ trên hệ thống Online như thư chiêu sinh của Giáo Sư Đỗ Quốc Bảo có gửi kèm theo thư nầy. Mục đích chính là để tiếp nối truyền thống đọc được kinh điển trực tiếp từ tiếng Phạn và có khả năng đọc cũng như dịch giải những bản Kinh bằng tiếng Phạn về sau nầy; nên bắt đầu từ tháng 9 năm 2021 việc chiêu sinh được thực hiện, nếu số lượng Tăng Ni và Phật Tử ghi danh đầy đủ như về số lượng và những điểm yêu cầu khác cho một người muốn học Phạn ngữ (xin xem điều kiện có gửi kèm ngay bên dưới). Vậy kính xin Quý Ngài tạo điều kiện cho tử đệ của mình tham gia học ngôn ngữ nầy để tiếp nối con đường của những bậc tiền nhân đã đi trước. Việc học nầy không hạn chế là Tăng Ni hay Phật Tử, miễn sao Quý Vị đáp ứng thỏa đáng được nhu cầu cần có và đủ của một người
23/08/2021(Xem: 2630)
Sau giờ tan trường, Dung thong thả đạp xe về nhà dọc theo đại lộ Thống Nhất. Đến ngã tư Thống Nhất-Hai Bà Trưng gặp đèn đỏ, Dung rẽ phải về hướng Tân Định. Với mái tóc thề đen mướt xõa trên vai áo dài màu tím của trường Nữ Trưng Vương làm cho nhiều người đang chờ đèn xanh không khỏi chú ý. Vài phút sau, bỗng có một chiếc xe Jeep chạy qua mặt Dung rồi dừng lại. Dung đạp xe đến gần, bất ngờ một thanh niên trong bộ quân phục sĩ quan Hải quân màu trắng từ trên xe nhảy xuống chặn làm Dung hốt hoảng dừng lại, lảo đảo suýt ngã xe. Anh chàng vội vàng đỡ xe cho Dung và nói: - Xin lỗi cô về cử chỉ đường đột của tôi. Cô cho tôi hỏi thăm, cô có phải là Dung, người Phan Rang không? - Xin lỗi, anh là ai mà hỏi tôi như thế? - Tôi là Thanh, bạn ngày xưa của Đạt, anh của Dung… - Vậy sao?… Dung chau mày, cơn bàng hoàng sợ sệt chưa dứt, trong đầu cố nhớ lại vì đã lâu lắm rồi không nghe anh Đạt nhắc đến. Thanh giải thích thêm để trấn an và chờ cho Dung hồi tưởng
23/08/2021(Xem: 3168)
Cơn mưa phùn đêm qua còn đọng nước trên đường. Gió thu đã về. Lá vàng theo gió lác đác vài chiếc cuốn vào tận thềm hiên. Cây phong đầu ngõ lại chuẩn bị trổ sắc đỏ ối như mọi năm. Người đi xa từ những mùa thu trước, sẽ không trở về. Những người bạn lâu không gặp, thư gửi đi bị trả lại, nhắn tin điện thoại không thấy trả lời. Có lẽ cũng đã ra đi, không lời từ biệt.
19/08/2021(Xem: 7604)
Phật Đản và Vu Lan là hai ngày lễ lớn nhất của Phật giáo trong năm. Riêng đối với tuổi trẻ thì Phật Đản là gốc rễ mà Vu Lan là hoa lá cành. Gốc rễ giữ cội nguồn và hoa lá cành làm giàu thêm vẻ đẹp. Phật Đản là ngày lễ trọng đại mừng Đức Phật Thích Ca ra đời. Vu Lan là ngày kỷ niệm Mục Kiền Liên tâm thành hiếu hạnh. Tích Mục Kiền Liên cứu mẹ đã trở thành biểu tưởng bái vọng của tinh thần báo hiếu tâm linh và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong đạo Phật.
17/08/2021(Xem: 7477)
Thật là một điều kỳ diệu và lý thú khi được tin báo trên Viber là Tuyển Tập pháp Thoại vừa hoàn thành và đã sẵn sàng đến tay Phật Tử khi đến dự Lễ Vu Lan tại Tu Viện Quảng Đức (nếu không bị lockdown). Vì sao gọi là kỳ diệu? Chỉ sau khi tôi được học xong 10 duyên mà Đức Phật cho là quan trọng nhất theo thứ tự của 24 duyên, mà chúng ta ai cũng phải gặp trong thời gian còn làm người phàm, và nếu hiểu rõ tường tận thì mình có thể sẽ không bao giờ thốt lên câu “Học muôn ngàn chữ nghĩa nhưng không ai học được chữ Ngờ” của bộ Đại Phát Thú / Vi Diệu Pháp, do Giảng Sư Thích Sán Nhiên đã thuyết giảng qua 61 video, mỗi video kéo dài từ 3: 00 đến 3:50 giờ. Chính vì thế, nhờ đó tôi chợt nhận ra nhân duyên gì đã làm trưởng duyên và đẳng vô gián duyên, để tôi đến với Đại Gia Đình Quảng Đức Đạo tràng nói chung, và tiếp xúc liên hệ với TT Trụ trì Tu viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng và được cộng tác với Ngài trên trang website Phật Giáo, Trang Nhà Quảng Đức, để rồi hôm nay lại có duyên
06/08/2021(Xem: 9684)
Cũng như chuông, trống cũng được coi như là một loại pháp khí không thể thiếu trong văn hóa tín ngưỡng của đa số dân tộc theo Phật giáo. Phật tử Việt Nam chúng ta rất gần gũi với thanh âm ngân vang thâm trầm của tiếng chuông; tiếng trống thì lại dồn dập như thôi thúc lòng người...Tại các ngôi chùa, trống Bát Nhã được đánh lên là để cung thỉnh Chư Phật, Chư Bồ Tát quang giáng đạo tràng chứng tri buổi lễ. Thông thường trống Bát Nhã được đánh lên vào ngày lễ Sám hối và trong những ngày Đại lễ. Ba hồi chuông trống Bát Nhã trổi lên để cung thỉnh Chư Phật và cung đón Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni quang giáng đạo tràng, đồng thời cũng nhắc nhở mọi người nên lắng lòng, buông bỏ mọi tạp niệm. Bà kệ trống Bát Nhã được đọc như sau: Bát Nhã hội Bát Nhã hội Bát Nhã hội Thỉnh Phật thượng đường Đại chúng đồng văn Bát Nhã âm Phổ nguyện pháp giới Đẳng hữu tình Nhập Bát Nhã Ba La Mật môn Ba La Mật môn Ba La Mật môn.
05/08/2021(Xem: 6540)
Trước đây Tôi không hề nghĩ rằng: “mình sẽ có ngày trình pháp với Giảng Sư TT Thích Nguyên Tạng sau mỗi bài pháp thoại của Ngài”, dù cho tôi không mang một tư tưởng phân biệt Nam Tông và Bắc Tông, nhưng có lẽ tri thức tôi có rất nhiều sai lầm và vướng mắc do không tiếp xúc nhiều với các đạo tràng, mà chỉ quẩn quanh đọc kinh sách và chỉ là cái túi đựng sách! Có ngờ đâu đại dịch của thế kỷ 21 bắt đầu....theo như đa số mọi người lầm tưởng (trong đó có tôi) ....chỉ là cơn bão thoáng qua, không ngờ đã diễn biến càng ngày càng trầm trọng. Và với lòng từ bi, TT Giảng Sư đã tổ chức các buổi nghe pháp thoại online và ...với thì giờ nhàn rỗi trong những ngày bị lockdown, tôi đã chăm chú nghe từ một vài lần trong tuần sau đó, đổi thành liên tục mỗi ngày và bắt đầu nghiện ... khi thiếu vắng mỗi khi Giảng Sư có Phật Sự bên ngoài ...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]