Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nỗi niềm với Huế

05/01/201118:37(Xem: 3253)
Nỗi niềm với Huế


hue-3

Nỗi niềm với Huế

 

(Riêng tặng Từ Nguyên, người bạn từ thuở ấu thơ)


Tôi sinh ra và trải qua những ngày tuổi thơ ở Huế. Như vậy cũng đủ để tôi tự hào đã chia sẻ cùng Huế với tất cả những thủy chung của lòng mình.

Thế rồi, tôi cũng phải xa Huế đã 30 năm, quê hương đó vẫn rạng ngời trong tâm tưởng. Huế dấu yêu ơi! có bao nhiêu điều phải nhớ: thời thơ ấu ấm áp trôi đi, tuổi học trò thần tiên trong ngôi trường màu hồng ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm cùng với dấu chân của những chàng trai thích đón đưa mỗi khi tan trường. Tôi với Huế biết bao tình thương mến, mỗi con đường, mỗi dòng sông, núi đồi, lăng tẩm, thành quách, chùa chiền là của Huế, là của tôi...

Mặc dầu phải tất tả trong dòng đời xuôi ngược và biết rằng Huế là xứ sở thật kỳ, ở thì có điều không ưa nhưng đi xa thì lại nhớ, trong tôi vẫn chan chứa nỗi niềm với Huế. Nói như ai đó: "nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ Huế", nỗi nhớ thấm vào máu thịt, sâu lắng vào tâm hồn của những kẻ tha hương lòng vẫn bùi ngùi mỗi khi nhớ đến và chỉ muốn quay về!

Tôi yêu Huế có lẽ vì mùa đông ở đây buồn lê thê, buồn đứt ruột. Thành phố như chịu tang mùi mẫn trong tiếng khóc không muốn dứt. Mưa rơi và mưa rơi suốt ngày, chao ơi là da diết! Huế của tôi ướt át, mưa nhỏ hạt, mưa lớn hạt, mưa ngày đông tháng hạ. Mưa nhức nhối, mưa dai dẳng, mưa lê thê, mưa đến cô gái xuân thì cũng thẩn thơ sầu nhân thế! Mưa Huế là mưa của tình bạn, không thân không ai đội mưa mà đến. Mưa Huế chắp cánh cho tình yêu, những người yêu nhau thường thích đi lang thang trong cơn mưa. Tình yêu của người Huế nghĩ thật lạ kỳ, từ An Cựu về Thành Nội chỉ để mượn một cây bút chì trong một chiều mưa tầm tã! Có lẽ vì thế cho nên mối tình nào của Huế phần lớn đều sũng nước mưa, không lấy được nhau dù cả chục năm sau nằm nghe mưa rơi mà vẫn nhớ! Ngày ấy, tôi thích đọc "Mưa Trên Cây Sầu Đông" của Nhã Ca vô cùng, những giọt nhựa sầu đông chính là những giọt lệ khóc cho những mối tình ngang trái đắng cay.

Lạ thật, cứ nghĩ đến Huế tôi khó quên những vọng âm từ quá khứ của những tiếng hò khoan ai oán ở bến Văn Lâu, những điệu Nam Ai Nam Bình rên rỉ. Hình như vẻ đẹp ở đây là vẻ đẹp tàn tạ khói sương, Huế có tiếng hò ru con buồn thúi đất như cơn mưa rả rích. Đặc biệt vào những mùa đông, nằm nghe mưa rơi tí tách trên máng xối, đâu đó từ làng xóm vẳng tiếng à ơi là nước mắt có thể trào ra được!

Ngày nhỏ, tôi hay về quê ngoại ở Lương Quán, nhìn qua bên kia sông làng Long Hồ với tiếng gà xao xác, hàng cau thưa im vắng lòng cũng đã thấy bâng khuâng trong nỗi buồn diệu vợi! Tôi thích những buổi chiều đứng bên này đồi Vọng Cảnh nhìn sang bên kia điện Hòn Chén mù sương, vài con đò lặng lẽ xuôi về trong hoàng hôn mà bâng khuâng cả tấc lòng! Có một lần tò mò theo mấy người bạn lên điện Hòn Chén dự lễ vía vào tháng bảy âm lịch, tôi đã nhìn thấy những cô hầu đồng lộng lẫy xiêm y, rỡ ràng son phấn. Ai cũng xì xụp khấn vái rất tâm thành hạnh phúc, thứ hạnh phúc ngắn ngủi trước điện thờ. Tàn hương lễ bái, chạm mặt với cuộc sống trăm bề vất vả, họ lại thấy thực tế quá phũ phàng! Tôi đã tham dự với nhiều ngạc nhiên lẫn thích thú và suy nghĩ cho cùng có lẽ họ nghèo một phần cũng vì những tốn kém cúng lễ một cách cuồng tín. Hình như họ miệt mài đi tìm những mê cung huy hoàng trong hoang tưởng để quên đi nỗi khổ đau nghèo đói. Vào những ngày vía lớn, chợ Đông Ba chất ngất vật dụng và tiền bạc của thế giới vô hình; đi ngang đó mình tưởng như đang dự một buổi triển lãm trong một thành phố hoang đường đầy huyễn hoặc!

Hue

Tuy Huế bị mang tiếng "mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm" nhưng có lẽ ngôn ngữ cũng bất lực khi nói về cái đẹp huyền diệu của những đêm trăng xứ Huế. Trong vườn khuya, trăng sáng mà ấm áp, lung linh mà soi rõ cỏ cây. Dưới bến sông, trăng mơ màng; yên lặng một mình nhiều đêm tôi đã ngồi như thế và dệt mộng. Huế đẹp nhất là mùa sương. Đứng bên ni bờ nhìn qua bên tê bờ sông là hai thế giới. Cầu Trường Tiền như cầu vồng trên trời, ngó về bến Thừa Phủ chẳng khác sông Ngân Hà, mờ mờ ảo ảo, ẩn ẩn hiện hiện trong làn sương mù trắng xóa. Riêng tôi, tôi tương tư tiếng chuông chùa Thiên Mụ, tiếng chuông trong trẻo, ngân nga, đã đánh thức tôi nhiều đêm suốt bao tháng năm thơ dại.

Làm sao tả hết nỗi bàng hoàng xao xuyến khi trở về chốn xưa mà qua ngàn trùng xa cách, lòng tôi hằng lưu luyến! Tôi ngỡ ngàng giữa chốn xưa yêu dấu, khi chiều xuống một chút nắng vàng còn vương trên tóc, tiếng thông reo vi vu, đất  trời, núi đồi cây cỏ và con người như hòa lẫn vào nhau. Hoặc trong gió sớm ru mát, cảnh trí hai bên đường nên thơ, đồng ruộng xanh tươi, làng quê với mái ngói đỏ au hay những túp lều tranh xơ xác, người dân quê đang cắm cúi trên những mảnh ruộng nhỏ nhoi của cuộc đời họ. Con trâu già lười biếng nhai cỏ, vài cánh cò trắng chập chờn bay lên. Rồi thẩn thờ nhìn nước sông Hương phát xuất từ thượng nguồn, dòng sông từng xao xuyến để rồi có lúc phải chia lìa đôi ngả. Huế dạt dào tình thương và ngàn đời khó quên cho những ai đã trót sinh ra và làm người dân xứ Huế!

hue-2

Tôi muốn trở về đi lại những con đường xưa, ngồi thật lâu bên bờ bến cũ, vốc những ngụm nước trong xanh mà rũ bớt bụi đời phiền muộn! Trong những tia nắng hanh vàng còn sót lại của mùa Xuân xứ Huế, tôi sẽ đi dọc con đường Lê Lợi, con đường có lá hôn nhau trên cao, con "đường phượng bay mù không lối vào" lòng bồi hồi xúc động run rẩy nghẹn ngào!

Có phải Huế là khu vườn ướt đẫm mồ hôi lưng áo mẹ, là con đường chói lòa nắng trưa in dấu chân mẹ về, là đêm trăng trên mặt hồ thăm thẳm với tiếng dế trong bờ cỏ bụi cây như Bùi Bích Hà đã viết không? hay Huế cũng là những chiều mưa âm thầm với nỗi niềm thương nhớ ray rứt không nguôi!

Nói mãi cũng không hết được những nhớ thương chất ngất về Huế đẹp, Huế thơ, về quê hương nghèo lắm ai ơi của tôi! Huế là rứa đó, hờ hững mà da diết, chua chát mà ngọt ngào, dịu dàng mà dữ dội! Huế lãng mạn, Huế đoan trang, Huế đa tình mà vẫn chung tình và mãi mãi Huế là kho tàng vô giá trong trái tim của những con người Huế:

Khi mô anh về thăm xứ Huế,

Nhớ gói giùm em một chút mưa,

Gói thêm mớ lạnh từ chân tóc,

Buốt thấu buồng tim vẫn chưa vừa.

 

... Hẹn đến mùa sau sẽ về thăm,

Thăm từng cái lạnh giấu trong chăn.

Nghe mưa rả rích trong đêm vắng,

Để nhớ vô cùng những tháng năm.

                (Thơ - Thiếu Anh)

 

NH HTD

(München - Đức Quốc)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 10790)
Truyện “Quan Âm Thị Kính” không rõ xuất hiện từ thời nào và do ai sáng tác ra. Thoạt tiên truyện là một khúc hát chèo gồm nhiều đoạn, với ngôn từ rất bình dị và tự nhiên, rõ ràng là một khúc hát của dân quê, của đại chúng. Về sau mới có truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” xuất hiện, được viết bằng thể thơ “lục bát”, mang nhiều ý nghĩa thâm thúy của cả đạo Nho lẫn đạo Phật. Người ta phỏng đoán rằng tác giả chắc phải là một người có học thức.
29/03/2013(Xem: 7902)
Hôm trước, một người bạn gửi một bài thơ Hai-ku, thấy hay hay tôi cũng bắt chước làm vài câu…
29/03/2013(Xem: 17155)
Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Cảo thơm lần giở trước đèn, Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
29/03/2013(Xem: 4019)
Có những cái chết mà dù đã cách xa thời đại chúng ta đến những 6 thế kỷ rồi, vậy mà cứ mỗi lần nhắc đến là trong mỗi người chúng ta dường như vẫn còn đau đớn xót xa.
28/03/2013(Xem: 4988)
Mười phương một cõi đi về Lòng con mang nặng tình quê hương nhiều Tưởng chừng phách lạc hồn xiêu Từ trong đau khổ những điều thấy ra.
28/03/2013(Xem: 10558)
Ðây là hình ảnh Thượng Tọa Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh năm 1943, xuất gia tiểu đồng khi còn cư ngụ bên Lào. Thầy là một trí thức Phật giáo mà tâm thức và hành sử hướng về Dân tộc và Ðạo pháp ...
27/03/2013(Xem: 6722)
Có những cánh tay già nua đưa ra giữa chợ Chờ đợi những đồng tiền từ những thương hại rớt rơi Những ánh mắt thâm u, không thấy một nét cười Đời vô vọng, nên người không hy vọng ...
05/03/2013(Xem: 5636)
Điểm đặc biệt của dân tộc ta là suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ xưa đến nay, người Kinh đều nói một thứ tiếng và tất cả các dân tộc thiểu số, ngoài tiếng nói riêng của dân tộc mình, họ cũng nói rành tiếng Việt. Hơn thế, trên toàn quốc, người Việt Nam đều dùng một thứ chữ viết. Tuy nhiên, nước ta trải dài qua nhiều vĩ tuyến, điểm cực bắc thuộc xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang ở 23º 23' phút Bắc vĩ tuyến, điểm cực nam (không tính hải đảo) là mũi Cà Mau ở 8º 30' Bắc vĩ tuyến
14/02/2013(Xem: 8857)
Khi tiếp cận với Kim Cang, tôi bỡ ngỡ và chưng hửng không ít. Lâu nay cứ nghe người ta đọc câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như một câu thần chú để quên đi bao nội muộn phiền, rồi đọc Lục tổ Huệ Năng cũng thấy ngài kể chuyện một hôm đi bán củi, chỉ nghe lóm người ta đọc có câu kinh đó thôi mà đại ngộ, thế mà mình càng nghe càng mơ hồ, mù tịt.
13/02/2013(Xem: 4068)
hoa_ly_1Thầy không chỉ là thầy học của tôi, thầy còn dạy cả cậu mợ tôi học ở bậc Trung học. Thầy dạy môn Sinh vật từ năm lớp Sáu. Nhìn cung cách thầy trình bày dạy, tôi nghĩ rằng thầy chọn dạy môn này là do tấm lòng thầy yêu sinh vật quanh mình, thầy thưởng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]