Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

GS TS Trần Văn Khê nói về âm nhạc Phật giáo Việt Nam

27/06/201313:33(Xem: 3130)
GS TS Trần Văn Khê nói về âm nhạc Phật giáo Việt Nam

GS TS Trần Văn Khê nói về âm nhạc Phật giáo Việt Nam

Nhuận Bình và (xem tiểu sử Trần Văn Khê)
Nguồn: www.quangduc.com


tranvankhe4Được mệnh danh là một vị Tổ, một con chim đầu đàn, một cuốn từ điển sống trong làn điệu âm nhạc Việt Nam, GS.TS Trần Văn Khê (TVK) còn có một đặc ân lớn đối với dân tộc là ông đã đem nền âm nhạc Việt Nam đến với thế giới được người người đón nhận, tán thưởng. Với âm nhạc Phật giáo, lời kinh, nhịp mõ, các bài tán tụng… đã đến với ông như một thiện duyên kỳ ngộ. Chính ông là người thổi luồng gió mới vào âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Để từ đó, âm nhạc Phật giáo có một vị trí không thể thiếu, không thể tách rời với âm nhạc Việt Nam. Sau đây là cuộc trò chuyện thú vị của GS.Trần Văn Khê với Đạo Phật Ngày Nay.

Thưa giáo sư! Nhân duyên gì đưa giáo sư đến với Âm nhạc Phật giáo?

TVK: Nhà ông nội của tôi ở sát vách nhà của một người thầy cúng. Mỗi ngày thầy đều có tụng, tán để dạy học trò. Tôi lúc đó mới lên 4,5 tuổi, rất thích nghe kinh nên thuộc nhiều kinh trong truyền thống Phật giáo. Đặc biệt, tuy còn nhỏ nhưng tôi thuộc cả bài kinh “Vãng sanh”, nên lối xóm, nhà ai cần phải làm thịt gà, đều nhờ cậu bé Hai lại tụng kinh “Vãng sanh” cho con gà được thoát kiếp.

Ngoài ra, tôi còn thuộc những bài “Khai kinh” và lúc nào rảnh lại đến gần bàn thờ tụng và tán. Má tôi sợ tôi sẽ bỏ nhà đi tu nên bảo tôi không nên tụng kinh, mà bắt tôi phải học cửu chương và mỗi lần muốn tụng kinh là phải trả bài cửu chương. Nhưng ông nội lại cưng tôi, nên sắm cho tôi một áo tràng nhỏ, mua chuông mõ nhỏ, có cả một cái đẩu vừa tay tôi. Khi má tôi đi chợ, ông tôi mặc áo cho tôi rồi ngồi nghe, tôi đến gần bàn thờ tán – tụng thong thả, ông tôi ra cửa xem chừng, lúc má tôi đi chợ sắp về tới nhà, thì ông tôi báo cho tôi biết. Tất cả áo tràng và chuông mõ ông cất trong rương riêng của ông tôi. Nhờ vậy, mỗi ngày cậu bé 5 tuổi tha hồ tán – tụng, lối xóm đến nghe ai cũng khen.

Như vậy, không có nhân duyên nào đưa tôi đến với Âm nhạc Phật giáo, mà tôi nghĩ đó là một cơ duyên, có thể là một thiện duyên. Tuy vậy, khi lớn lên, đi học ở các trường, lo học bài và từ 6 tuổi về sau, tôi lại mê đàn Tài tử (6 tuổi biết đờn Kìm – 8 tuổi biết đờn Cò – 12 tuổi biết đờn Tranh – 14 tuổi học đánh Trống nhạc với cậu Năm tôi) nên tôi không còn tán – tụng nữa.

Đến năm 1967, tôi đang dạy âm nhạc tại Đại học Sorbonne, nhà xuất bản Labergerie định xuất bản một Bách khoa từ điển nhạc Tôn giáo. Ông Jacques Porte chủ biên có viết thư cho hai miền Nam, Bắc Việt Nam, yêu cầu các chuyên gia nghiên cứu âm nhạc viết một bài về “Âm nhạc Tôn giáo tại Việt Nam”, nhưng sau 3,4 tháng vẫn không được hồi âm.

Biết tôi chuyên môn về âm nhạc truyền thống Việt Nam, ông đến hỏi tôi có thể viết một bài về “Âm nhạc Phật giáo” hay không? Tôi không dám nhận, vì thuở nhỏ chỉ biết tán – tụng theo cách thầy cúng miền Nam. Ông tỏ ra rất tiếc và nói với tôi trong quyển Bách khoa về Âm nhạc Tôn giáo trên Thế giới đã có gần ba bốn chục nước tham gia, mà Việt Nam vắng mặt. Tôi nghe vậy cũng xốn xang trong lòng, nên hỏi ông bao giờ có bài cho kịp ngày xuất bản, ông trả lời trong 6 tháng nữa nên tôi bằng lòng sẽ góp bài về Âm nhạc Phật giáo trong 6 tháng sau.

Từ đó tôi dẹp tất cả công việc nghiên cứu về Âm nhạc truyền thống Việt Nam, để tập trung sưu tầm và nghiên cứu Âm nhạc Phật giáo. Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn có gửi cho tôi một số băng ghi âm những buổi lễ “Thỉnh linh” và “Tiến linh”. Bạn tôi (cố GS. Nguyễn Hữu Ba) gửi cho tôi một cuộn băng lớn ghi lại những bài “Khai kinh”, “Tụng kinh Lăng Nghiêm”, bài tán “Khể thủ”, “Dương chi tịnh thủy”. Nhạc sĩ Vĩnh Phan gửi cho tôi một cuộn băng ghi cả thời cúng ngọ.

Lúc đó, tại Paris, HT.TS Thích Thiện Châu và tôi rất thân nhau. Thầy tổ chức nhiều cuộc lễ Phật đản, mùa Vu lan báo hiếu … và luôn mời tôi đến dự. Thiền sư Nhất Hạnh, lúc đó có mặt tại Pháp, lại ở không xa nhà tôi lắm, tôi đến tìm thầy và xin thọ giáo để thầy giảng cho tôi biết các cách tụng – tán.

Trước kia, dưới bút tự Minh Hạnh, thầy đã có đề cập về cách tán – tụng trong nhạc Phật giáo Việt Nam. Nhờ sự giảng dạy của hai Hoà thượng Nhất Hạnh và Thiện Châu, tôi biết rõ về giai điệu và tiết tấu của các cách tán (tán rơi, tán xấp, tán trạo) và trong lúc giảng về cách tán – tụng Hoà thượng Nhất Hạnh lại còn cho tôi biết rõ sự khác nhau giữa “Thiền tông” và “Tịnh độ”, giữa “Bắc tông”, “Nam tông”, “Mật tông”. Tôi ký âm bài “Tụng Lăng Nghiêm” và bài “Tán Nhứt điện”, lại trình cho thầy Nhất Hạnh và tôi phát âm 2 bài cho thầy nghe, thầy khen là tôi ký âm chính xác.

Sau khi viết xong bản thảo, tôi xin hai thầy đọc lại và phê bình để tôi sửa chữa, bổ sung nếu cần. Khi thầy Nhất Hạnh cho rằng bản thảo đã có đủ những yếu tố cho một bài đăng trong Bách khoa từ điển, tôi đem nộp bài “Âm nhạc Phật giáo” cho nhà xuất bản Labergerie, ông Jacques Porte rất mừng. Bài này được đăng trong Bách khoa từ điển Âm nhạc Tôn giáo, quyển thứ I, từ trang 222 đến trang 240.

Sau đó, Viện Thiên Chúa (Institut Catholique) tại Paris có một môn về Âm nhạc Tôn giáo. Linh mục Le Bihan thay mặt cho Viện Thiên Chúa mời tôi đến Viện giảng về “Âm nhạc Phật giáo Việt Nam”. Linh mục tổ chức mỗi năm có 10 buổi giảng về “Âm nhạc Phật giáo”. Sau khi Tòa thánh Vatican II có chánh sách tìm hiểu các tôn giáo khác, Viện Thiên Chúa mời tôi giảng về Âm nhạc Phật giáo trong 10 năm.

Như vậy, tôi nghĩ rằng có một “thiện duyên” đưa tôi đến Âm nhạc Phật giáo, vì lúc đó tôi không phải là một Phật tử, lại không đặt Âm nhạc Phật giáo là trọng tâm nghiên cứu Âm nhạc của tôi.

Phật giáo đồng hành cùng dân tộc tồn tại và phát triển gần 2.000 năm qua, trong đó lễ nhạc Phật giáo đóng vai trò khá quan trọng trong việc truyền bá chánh pháp. Vậy giáo sư nghĩ gì về điều này?

TVK: Trong cả vùng Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên) đều có nhiều lễ hội Phật giáo, trong đó Âm nhạc giữ một phần quan trọng. Việt Nam, mặc dù về mặt địa lý ở trong vùng Đông Nam Á, nhưng về mặt văn hóa và Âm nhạc, lẽ tất nhiên nhạc Phật giáo Việt Nam rất gần với nhạc Phật giáo của các nước Đông Á, nhưng trong truyền thống Phật giáo không có một bài tụng hay bài tán nào được dùng làm mẫu cho tất cả các nước Đông Á. Lời kinh giống nhau, nhưng cách thể hiện và nhiều nét nhạc khác nhau.

Lễ nhạc là một dịp cho Phật tử (dù tại gia hay xuất gia) gặp gỡ nhau và cùng tụng một bài kinh, như vậy là sự truyền bá chánh pháp dễ dàng hơn.

tranvankhe3

GS TS Trần Văn Khê trong chương trình ca nhạc Phật giáo chủ đề “Bóng trăng xưa” tại chùa Hoằng Pháp 11/2011

Theo giáo sư, âm nhạc dân tộc Việt Nam và âm nhạc Phật giáo có gì tương đồng – dị biệt?
TVK: + Nét tương đồng giữa Âm nhạc Dân tộc Việt Nam và Âm nhạc Phật giáo :
- Các thang âm đều thuộc về hệ thống ngũ cung.
- Trong các điệu thức cũng chia ra làm hai điệu thức chánh để diễn tả tình cảm vui buồn.
- Trong các tiết tấu: vô phách (không có nhịp nhất định, ngân nga), nhịp nội, nhịp ngoại, nhịp chu kỳ đều có dùng.
- Giai điệu của những bài tán – tụng đều gắn liền với giai điệu của các thanh giọng trong ngôn ngữ Việt Nam.
+ Nét dị biệt giữa Âm nhạc Dân tộc Việt Nam và Âm nhạc Phật giáo :
- Dị biệt quan trọng nhứt là Âm nhạc Dân tộc có mục đích nghệ thuật và dùng vào những buổi hòa nhạc nghe chơi, tiêu khiển. Âm nhạc PG có mục đích giúp sự gặp gỡ mật thiết giữa các Phật tử, tạo nên trạng thái tâm hồn yên tĩnh, thư thái, dễ dàng hiểu thấu giáo lý của những câu kinh, chứ không phải để Phật tử tiêu khiển.
- Dị biệt trong ngôn ngữ âm nhạc :
* Thang âm trong Âm nhạc Dân tộc Việt Nam rất phong phú và đa dạng, tùy theo bộ môn Âm nhạc truyền thống dân gian hay bác học, dùng trong nhạc thính phòng hay trên sân khấu, trong dân chúng hay trong cung đình. Thang âm trong Âm nhạc Phật giáo tùy theo tụng hay tán, theo phong cách miền Trung hay miền Nam đều đồng nhứt.
* Điệu thức trong Âm nhạc Dân tộc Việt Nam rất đa dạng, có hơi Bắc vui tươi, hơi Nhạc nghiêm trang, hơi Quảng bay bướm, hơi Xuân thanh thản, hơi Ai thoảng buồn, hơi Oán sầu thảm và còn nhiều hơi khác nữa. Điệu thức trong Âm nhạc Phật giáo chỉ có hơi Thiền thanh thản, nghiêm trang giống hơi Nhạc và hơi Ai (thật ra rất gần với cách hát ru miền Nam và các hơi Nam Bình, Nam Ai Huế)
* Tiết tấu trong Âm nhạc Dân tộc Việt Nam rất phong phú và đa dạng, lại theo phong cách “chân phương hoa lá” mà biến hóa thiên hình vạn trạng. Tiết tấu trong Âm nhạc Phật giáo thường đơn giản trong các bài tụng, chỉ có trong các bài tán thì tiết tấu phức tạp và tinh vi hơn.
Xin giáo sư cho ví dụ cụ thể về nét độc đáo và sự tương quan trong âm điệu giữa câu tụng kinh với lời hát ru của mẹ…?
TVK: Sự tương quan trong cấu trúc âm thanh giữa lời hát Ru của mẹ và cách niệm A Di Đà rất rõ ràng. Trong miền Nam câu hát Ru:
Ầu ơ ví dầu con cá nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm
Cấu trúc âm thanh của tiếng hát Ru đó là :
hò xự (non) xang (già) xê cống (non) liu.
sol la (-) do (+) rê la (-) sol
* Dấu (-) là thấp hơn một chút, dấu (+) cao hơn một chút.
Cách niệm A Di Đà Phật theo miền Nam cũng có một cấu trúc âm thanh như câu hát Ru miền Nam.
Trong miền Bắc câu hát Ru:
Ả à ời, à a ạ à ơi
Cái ngủ mày ngủ cho say
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày
Cấu trúc âm thanh của câu hát ru đó là:
hò xự (non) xang (già) cống (non)
sol la (-) do(+) la (-)
thường thì vắng mặt chữ xê, mà chữ cống (non) có thường hơn và quãng xang (già) cống (non) làm thành một quãng 3 trung bình giữa thứ và trưởng.
Cách niệm A Di Đà Phật theo miền Bắc cũng có một cấu trúc âm thanh như câu hát Ru miền Bắc.

Giáo sư đã từng phát hiện những nét riêng, nét đặc thù trong làn điệu âm nhạc Phật giáo. Vậy theo giáo sư Âm nhạc Phật giáo có những đóng góp gì cho Âm nhạc dân tộc?

TVK: Âm nhạc Phật giáo không có mục đích nghệ thuật, tức là tạo nên những giai điệu thật hoa mỹ để người nghe thưởng thức về mặt nghệ thuật. Âm nhạc Dân tộc vì mục đích nghệ thuật, nên có nhiều cách luyến láy điêu luyện hơn, nhưng Âm nhạc Dân tộc không có hơi nào diễn tả tâm trạng vừa tôn nghiêm, thanh thản như hơi Thiền. Nếu muốn ngâm những bài thơ Thiền thì Âm nhạc Dân tộc không lột tả được tinh thần của bài thơ, do đó, hơi Thiền trong Âm nhạc Phật giáo có thể giúp cho Âm nhạc Dân tộc có thêm một cách diễn tả trung thực lời thơ mang chất Thiền.

Trong Âm nhạc Phật giáo có cách Thài rất độc đáo, trong Âm nhạc Cung đình khi ca công hát các “chương” phải dùng cách Thài, ngày nay cách ấy đã thất truyền, chỉ còn cụ Lữ Hữu Thi là còn nhớ một vài bài. Khi thầy Từ Phương còn sanh tiền, một hôm gặp tôi tại Huế, hôm đó cụ Lữ Hữu Thi cũng đến thăm tôi, tôi nêu ra cách Thài trong Âm nhạc Phật giáo, thầy Từ Phương minh họa, thì cụ Lữ Hữu Thi rất thích và chúng tôi có cảm giác rằng Thài trong Phật giáo rất gần với Thài trong âm nhạc Cung đình. Ngày nay nếu Thài trong Cung đình bị quên lãng, có thể nhờ Thài trong Phật giáo mà tìm lại những nét nhạc ngày xưa.

Trong các điệu múa Cung đình, có điệu múa đèn “Hoa Đăng” mà các nghệ nhân thường gọi là “Lục cúng hoa đăng”, nhưng Lục cúng là các điệu múa đặc biệt trong Phật giáo, nên tôi thấy rằng muốn xây dựng, chấn chỉnh hay phát triển Lục cúng hoa đăng nên tham khảo các điệu Lục cúng của Phật giáo.

Nhiều dư luận cho rằng Âm nhạc Việt Nam hiện nay có nhiều cách tân quá, do đáp ứng thị hiếu của xã hội mà nhất là giới trẻ. Đến nỗi một tác phẩm vừa “khai sinh” thì không bao lâu sau đó đã “khai tử”, giáo sư nghĩ gì về điều này?

TVK: Tân nhạc Việt Nam chưa có bề dày của lịch sử, ngôn ngữ âm nhạc, cách sáng tạo, bài bản lại dựa vào những qui luật của phương Tây, không thể coi đó là mẫu mực. Một truyền thống không phải bất di bất dịch, truyền thống có thể thay đổi theo thời đại, môi trường sống, quan điểm thẩm mỹ. Nhưng nếu thay đổi từ bên trong, vẫn dùng nhạc khí dân tộc, ngôn ngữ Âm nhạc Dân tộc với một phong cách mới, vừa có kỷ luật, vừa có những phóng túng, thì hơn là vay mượn truyền thống bên ngoài, nhứt là sử dụng một cách bừa bãi không ý thức.
Bảo tồn, bảo vệ vốn cổ không có nghĩa là nệ cổ. Tiến bộ, phát triển không đồng nghĩa với “Âu hóa” hay “ngoại lai”.

Với tư cách là một người thầy luôn mong muốn cống hiến cho đời những chất liệu cuộc sống bằng âm nhạc, điều gì làm giáo sư hạnh phúc nhất?

TVK: Hạnh phúc nhứt trong đời tôi là Âm nhạc truyền thống Việt Nam có được một vị trí xứng đáng trong các truyền thống trên Thế giới. Được tất cả các tầng lớp trong nước Việt Nam tôn trọng, giữ gìn, học hỏi, tập luyện, biểu diễn, phát triển, truyền dạy cho thế hệ sau.

Giáo sư có ước nguyện gì cho âm nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc Phật giáo nói riêng trong thời hiện tại cũng như tương lai?

TVK: Như tôi đã trình bày, ước nguyện của tôi là Âm nhạc Việt Nam nói chung và Âm nhạc Phật giáo nói riêng có được một vị trí xứng đáng trong và ngoài nước. Nói một cách cụ thể tôi mong rằng chánh quyền quan tâm thật sự một cách cụ thể đến Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tôn vinh những nghệ nhân hiến cả cuộc đời cho Âm nhạc truyền thống.

Âm nhạc truyền thống được đưa vào chương trình học trong các trường tiểu học, trung học, đại học. Các phương tiện truyền thông đại chúng, những nhà xuất bản sách báo và hiện vật văn hóa cũng góp phần trong công việc quảng bá và giải thích Âm nhạc truyền thống. Nhứt là cần thay đổi tư duy trong tất cả người dân Việt, đặc biệt trong giới thanh niên, trừ bỏ tự ti mặc cảm, tìm hiểu học hỏi Âm nhạc Dân tộc, và khi biết được những ưu điểm trong đó sẽ biết tự hào với Văn hóa Việt Nam nói chung và Âm nhạc Việt Nam nói riêng.

Là một bậc thầy từng đứng lớp giảng dạy về môn âm nhạc, giáo sư có gặp khó khăn gì trong việc truyền đạt kiến thức về Âm nhạc Phật giáo cho Tăng Ni sinh?

TVK: Tôi thật sự có thiện duyên với Âm nhạc Phật giáo. Công việc của tôi là giảng dạy về Âm nhạc về mặt lịch sử, Âm nhạc học cho sinh viên các Trường Đại học Âm nhạc Viện trong nước và ngoài nước.

Những lần tôi được mời truyền đạt kiến thức về Âm nhạc Phật giáo cho Tăng Ni sinh tại chùa Từ Đàm ở Huế, Đại học Vạn Hạnh… là những trường hợp đặc biệt. Công việc này không có gì khó khăn, vì các Tăng Ni rất nghiêm túc và công việc tổ chức các lớp học rất hoàn hảo.

Cám ơn giáo sư về buổi trò chuyện thú vị này. Kính chúc giáo sư luôn tìm thấy niềm an lạc, sức khỏe và hanh thông trong cuộc sống.

Nhuận Bình (daophatngaynay.com)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/01/2022(Xem: 7230)
Trên đất nước ta, rừng núi nào cũng có cọp, nhưng không phải vô cớ mà đâu đâu cũng truyền tụng CỌP KHÁNH HÒA, MA BÌNH THUẬN. Tỉnh Bình Thuận có nhiều ma hay không thì không rõ, nhưng tại tỉnh Khánh Hòa, xưa kia cọp rất nhiều. Điều đó, người xưa, nay đều có ghi chép lại. Trong sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1) của Thượng Thư Bộ Binh Lê Quang Định soạn xong vào năm 1806 và dâng lên vua Gia Long (1802-1820), tổng cộng 10 quyển chép tay, trong đó quyển II, III và IV có tên là Phần Dịch Lộ, chép phần đường trạm, đường chính từ Kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy. Đoạn đường ghi chép về ĐƯỜNG TRẠM DINH BÌNH HÒA (2) phải qua 11 trạm dịch với đoạn đường bộ đo được 71.506 tầm (gần 132 km)
03/01/2022(Xem: 11933)
CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC THE STORY OF PHILOSOPHY – WILL DURANT Cau Truyen Triet Hoc-1971 Nguyễn Hiền-Đức thực hiện theo bản của Hội Khoa Học Lịch Sử Bình Dương ngày 25/07/2012 Santa Ana, CA tháng 12 năm 2021
29/12/2021(Xem: 2947)
Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở vào năm 2019 của chính quyền Việt Nam. Phật giáo chỉ có 4,6 triệu tín đồ. Những người theo đạo Phật giảm hơn 30% so với thống kê năm 2009 nên trở thành tôn giáo đứng hàng thứ hai sau Ki Tô giáo với số con chiên 5.9 triệu Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng số lượng tín đồ đạo Phật bị giảm sút. Kẻ viết xin nêu ra một vài sự việc tạo nên sự kiện nầy:
29/12/2021(Xem: 2999)
Bóc vài tờ lịch cuối ... lòng dâng trào cảm xúc ! Phước duyên gì được an lạc phút này đây Khi bao người vì đại dịch …sầu não bao vây Chắp tay sen…rưng rưng kính tri ân Phật Pháp !
27/12/2021(Xem: 2993)
Bắt đầu một năm mới tinh khôi, nghĩa là phải có một tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút, một giây hoàn toàn mới, từ tương lai bước vào hiện tại. Nhưng một cái gì hoàn toàn mới, xuất hiện một cách mơ hồ trên lịch, chỉ là một ý niệm, một quan điểm. Do người ta đặt để, đo lường, tạo một qui ước về thời gian — căn bản dựa trên sự chuyển dịch của địa cầu qua hai vầng nhật nguyệt (1) — để ổn định sinh hoạt xã hội, mà từ hàng ngàn năm trước đến nay, ngày-tháng-năm được xuất hiện trên những tấm lịch, những cái đồng hồ (mặt trời, cát, nước, đeo tay, treo tường), máy vi tính và điện thoại.
25/12/2021(Xem: 10620)
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương - 86 tuổi, tác giả tập "Còn gặp nhau" - qua đời lúc 4h sáng 24/12 tại nhà riêng. Ông Trần Bá Thùy - chồng nhà thơ - cho biết bà qua đời vì nhiều bệnh nền như suy thận, viêm gan siêu viên B, xuất huyết dạ dày. Cách đây vài tháng, bà nhập viện điều trị nhưng sức khỏe yếu, gia đình đưa về nhà chăm sóc hồi tháng 10. Do không ăn uống được, truyền đạm không vào nên thể trạng bà ngày càng suy giảm. Những ngày cuối đời Tôn Nữ Hỷ Khương thương nhớ người con đã qua đời cách đây hai năm. Trên giường bệnh, bà thường nhắc về con. Hay tin Hỷ Khương lâm bệnh nặng, nhiều tuần qua, các đồng nghiệp, bạn bè ghé nhà, khiến bà xúc động. Gia đình mong muốn lưu giữ dấu ấn thơ ca của Hỷ Khương, để con cháu sau này nhớ đến. Ông Bá Thùy cho biết năm nay có in một cuốn lịch, bìa là ảnh của Hỷ Khương, nội dung gồm những câu thơ được yêu thích của bà như: "Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/Lợi danh như bóng chim chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời...
22/12/2021(Xem: 10321)
Trong các khóa tu dù ngắn hay dài hạn, chúng ta cần nên giữ sự yên lặng. Chúng ta cần phải thực tập cho kỳ được sự im lặng. Bởi "Im lặng" là một phương pháp tạo cho ta có thêm nguồn nội lực phong phú hùng tráng. Đó là một sức mạnh trọng đại của tâm linh. Im lặng không có nghĩa là chúng ta không được quyền nói. Ta được phép nói, nhưng chỉ nói trong giới hạn khi cần thiết. Và chỉ nói trong phạm vi ái ngữ, yêu thương và hòa kính. Không nên nói những lời có ác ý công kích chỉ trích phê bình, gây bất hòa tổn hại cho nhau. Nói trong sự ôn hòa nhỏ nhẹ từ ái.
22/12/2021(Xem: 7700)
Từ xưa, thi ca là nguồn cảm hứng của bao văn nhân thi sĩ. Xúc cảnh sanh thơ, phơi bày những tâm sự, gởi gắm tất cả những tâm tình rạt rào chứa đựng những bi thiết, những hoạt cảnh của những xã hội đương thời mà tác giả hiện sống. Những cảm tác ấy, dệt thành đủ màu sắc hương vị. Nó xuất phát từ những tâm hồn cao thượng tự chứng, hay những tâm hồn bình thường mang nặng mặc cảm tự tôn, tự ty, hoặc bất mãn theo từng nếp nghĩ. Tất cả, đều tùy theo quan điểm của mỗi thi nhân. Song cho dù diễn tả dưới bất cứ dạng thức nào chăng nữa, tựu trung, cũng nhằm nói lên chiều hướng xây dựng xã hội, làm đẹp con người và cuộc đời. Mọi sắc thái hiện tượng của vũ trụ như: mây, nước, trăng, sao, núi non, chim kêu, suối chảy v.v…đều là những gợi cảnh nồng nàn mà thi nhân đã gởi lòng hòa điệu.
27/11/2021(Xem: 2675)
Những rộn ràng họp hội mấy giờ trước đã lắng xuống. Tiếng nói, giọng cười ai đó, đã tan vào hư không. Người thân, người sơ, từng gặp, chưa từng gặp, nhìn nhau chào mừng, nói đôi câu, rồi cuối cùng cũng vẫy tay tạm biệt, chia xa. Không còn ai. Trăng khuya soi rạng vườn sau. Những cánh hồng từ các bồn hoa vươn dậy như được tắm gội dưới ánh sáng dìu dịu, tịnh yên. Một mình ngắm hoa dưới trăng. Một mình ngắm trăng trên hoa. Bất chợt, trong một thoáng nhìn mờ ảo, ánh trăng như vỡ thành những bụi tuyết, lãng đãng rơi trên những cánh hoa dưới sương đêm lóng lánh[1].
25/11/2021(Xem: 9062)
1-Linh giác thường minh, xua tan màn hôn ám, dìu chúng sanh lên thuyền Bát Nhã -Bửu quang phổ diệu, chiếu khắp chốn trầm luân, dắt muôn loại hướng cõi Niết Bàn 2--Huyền Huệ ngời soi quét sạch mê lầm, thẳng qua bến giác -Quang Tâm tỏa chiếu xua tan tục luỵ, hoà nhập nguồn chơn 3--Thanh đức minh minh phổ chiếu khổ luân hồi giác ngạn -Tâm nhiên hạo hạo đồng quy chơn cảnh xuất mê đồ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]