Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3 : Những Cái Cân Cũng Thường Sai

14/05/201316:35(Xem: 10803)
Phần 3 : Những Cái Cân Cũng Thường Sai
chung_toi_co_mat

Chúng Tôi Có Mặt


Phần 3




11. Những Cái Cân Cũng Thường Sai

Diêm Vương nhìn chồng đơn cao nghễu trên bàn, hất hàm hỏi Ngự tiền Lục sự:
- Ðơn kiện của đứa nào mà nhiều vậy?
Lục sự cong lưng khúm núm thưa:
- Dạ của lũ Bò, lũ Heo, lũ Gà, Vịt, Cá, Tôm...
- Sao của nhiều đứa mà khanh xếp chung một chồng?
- Mọi lá đơn đều kiện một đứa.
- Thằng nào vậy?
- Dạ kiện thằng Hoàng Kim Phú.
- Báo cáo tỉ mỉ Trẫm nghe.
Lục sự ho một tiếng khẽ, đẩy lui một cục đờm cho trong giọng:
- Dạ lũ này kiện thằng Hoàng Kim Phú đã sát sanh, đã ăn thịt chúng nó.
Diêm vương chép miệng gật gù:
- Trâu bò nó kiện thì còn nghe được, chớ lũ Gà, Vịt cũng hùa theo. Tụi nó ăn biết mấy chục triệu, mấy trăm triệu côn trùng. Cào cào, Châu chấu, Dế, Trùn... Rồi ai kiện lại tụi nó? Mà thôi, thằng Hoàng Kim Phú nó ăn thịt một lần cả con Bò, cả con Heo?
- Dạ, con đã bác đơn, lấy cớ như Bệ hạ vừa phán. Ăn mỗi bữa, giỏi lắm là ba lạng thịt, một con Bò phải kiện cả vài trăm đứa đã ăn thịt nó. Một con Heo cũng vậy, xẻ thịt ra thì cả trăm đứa chia nhau, đứa mua miếng gan, đứa lựa miếng nọng, đứa ăn miếng đùi. Nhưng lũ này có người bày biểu, mỗi đứa nạp cả trăm lá đơn kiện cả trăm đứa ăn thịt nó.
Diêm vương trầm ngâm suy nghĩ.
Nhác thấy lũ Quỷ sứ đang cong lưng gồng gánh những đôi thùng to chất đầy tờ giấy, xăm xăm đi thẳng lại bàn, Diêm vương hỏi Lục sự:
- Lũ kia dọn nhà đi đâu đó?
- Dạ muôn tâu, đó là những lá đơn kiện. Thần đã chất một số đơn nhận trước, nơi đây.
Nhìn theo ngón tay chỉ của Lục sự. Diêm vương hoảng hồn luôn, vì cả một núi đơn mà vì vô ý ngài đã không thấy.
- Chớ có biến cố gì vậy? Lục sự? Ðơn của đứa nào vậy, Lục Sự?
- Dạ của lũ Ruốc, lũ Tép, lũ Cá cơm, lũ Ốc gạo...
- Kiện ai?
- Kiện thằng Nguyễn Mót. Cũng tội sát sanh, giết hại tụi nó.
- Tát nước ao vô ruộng làm tụi nó chết khô hả?
- Dạ bẩm không. Dạ Nguyễn Mót ăn thịt chúng nó. Mỗi đứa mỗi lá đơn.
- Cả thảy có mấy lá?
- Dạ nhiều quá, thần đếm không xuể. Quỉ sứ còn phải gánh ba, bốn chuyến nữa mới
- hết số đơn.
Diêm vương lại trầm ngâm suy nghĩ. Một lát ngài hỏi:
- Thằng Hoàng Kim Phú chết rồi hả?
- Dạ.
- Còn thằng Nguyễn Mót?
- Dạ cũng chết rồi. Thần nhận đơn kiện lai rai cả chục năm nay, đợi hai đứa nó chết xuống, điểm diện rõ ràng mới dám trình Bệ hạ xét đơn đòi mạng.
Diêm vương gật gù:
- Một vụ kiện quan trọng:
Rồi quay bảo Lục sự:
- Cho nguyên đơn vô.
Lục sự rung chuông hô lớn:
- Cho nguyên đơn vô.
Tức thời nghe tiếng Quỉ sứ “Nghiêm! Thẳng hàng! Bước đều!”. Rồi tục tục, lục cục những Bò, những Heo, những Gà, Vịt lủi thủi đi tới. Chẳng bước đều, còn hàng thì đâu có mà thẳng. Uở, có cả Cá Thu! Và Mực Ống! Thằng cha này ăn sang dữ. Có cả Chó nữa! Thượng vàng hạ cám, sao cái gì nó cũng đớp vậy, không biết.
Nhóm nguyên cáo do Quỉ sứ mang số 711 dẫn vô thì xơ xác quá: bò lổn ngổn, lết lạch bạch, số đông thì vô kể mà thể tích thì gom lại chẳng quá vài chục vắt. Ruốc, Tép, Cá cơm, Cá lòng tong, Ốc quắn, Ốc gạo, Ốc bươu... chẳng biết lễ phép gì ráo, cái lũ thiếu giáo dục này. Vua Diêm vương vừa hỏi:
- Bởi tụi bay nhỏ nên mỗi miếng cơm thằng Mót nó chỉ gắp một lần là có tới 30 con Ruốc vô miệng...
Tức thì có tiếng của một mụ Tép:
Chớ gắp Tép ít lắm hả? Giá chót mỗi gắp cũng 40 con.
Quỷ sứ trợn mắt. Nói với Vua mà nó nói kiểu đó! Quỷ sứ vội suỵt suỵt, giơ ngón tay bắt im. Thì liền một tiếng khác ré lên:
- Im cái gì? Ðể cho người ta nói chớ. Thằng Mót nó bắt họ hàng Ốc gạo nhà tao, nó ngồi lể ăn, mỗi lần đem đổ cả một rổ vỏ.
Ðược thể, bốn phía rào rào. Lục sự lật đật rung chuông. Yêu cầu trật tự.
Bò ở sát gần người hơn nên có dịp bắt chước người. Nó giơ chân trước xin nói:
- Muốn tâu Bệ hạ, phàm sát nhân giả tử, giết người thì phải đền mạng...
Diêm vương ngắt lời:
- Thằng Phú và thằng Mót đã “tử” rồi, còn “giả” cái gì nữa?
Vậy là Bò khựng. Sắp đặt câu đó cả tháng nay, những tưởng khi nói ra sẽ được trầm trồ bái phục, nào ngờ bị ngắt ngang. Diêm vương quay lại Lục sự:
- Kêu bị cáo vô hầu.
Hoàng Kim Phú vô trước. Mặt mập nung núc thịt, thịt đè sụp luôn hai con mắt. Cái bụng tròn vo, phải nới lỏng nịt. Nguyễn Mót thì ốm nhom mặt tái mét. Nhìn đâu cũng thấy lòi xương. Diêm vương vỗ bàn hỏi:
- Kim Phú, mày chết vì bệnh gì?
- Dạ, huyết áp cao, thận suy, đái đường.
- À, tại mày ăn chơi vô độ. Còn thằng Mót?
- Dạ con bị thiếu máu. Ðói.
Mắt Diêm vương chợt hiền từ:
- Này Kim Phú, tao xét đơn thấy mà cũng có chỗ mắc hàm oan. Một con Heo một tạ, mày ăn giỏi lắm ba lạng thịt. Một con Vịt...
- Dạ, cũng gần như Heo. Làm thịt con Vịt, con Gà, cả nhà cùng ăn, con sắp nhiều nhất cũng chỉ được 40 miếng là cùng.
- Nhưng cúng có lúc mày “làm” luôn cả con. Tao biết hết, đừng qua mắt tao. Ðó là những khi mày chưng Gà giò, Vịt áo lá với thuốc Bắc: hoài sơn, kỷ tử, ý dĩ, hột sen. Thuốc bổ thận của mày mà, tao còn lạ gì.
Hoàng Kim Phú giật mình. Diêm vương ngài cũng thạo y lý, biết mình thận thủy thận hòa đều suy, lưỡng xích trầm sắc, thang Bát vị phải phục được thường xuyên.
- Thôi thì tao đổ đồng suốt đời mày... À, mày chết năm mấy tuổi?
- Dạ, bốn hai.
- Ðó, ăn chơi cho lắm. Ðổ đồng suốt đời mày, mày sát sanh 50 con bò, 50 con heo, 5000 con Vịt, 200 con Cá Thu, còn Tôm, Cua, Mực, Hàu, Hến... vv... cho đi 4 vạn con. Thầy Lục sự, lấy máy tính cọng lại coi bao nhiêu.
Thầy Lục sự miệng lẩm nhẩm, ngón tay bấm bấm.
- Muôn tâu: 45.300 con.
Diêm vương day qua Nguyễn Mót:
- Còn mày, đơn kiện chất thành núi thấy không? Ai mà ngồi đếm cho xuể? Có điều mày nuốt con nào là nuốt trọn con đó nên nếu tính phỏng thì cũng dễ tính. Ðổ đồng mỗi bữa ăn mày gấp 30 gắp, mỗi gắp 30 con Tép, vị chi là 1000 con.
- Nguyễn Mót cãi:
- Mới có 900.
Diêm vương nạt:
- Im! Tao tính tròn con số cho dễ cộng trừ. Mỗi ngày hai bữa ăn, vi chi là 2000 con. Một năm là 700 ngàn con. Mười năm là 7 triệu con. Mày chết hồi mấy tuổi?
- Dạ, băm mốt.
- Bằng tuổi ông Nhan Hồi. Nhưng ông Nhan Hồi có chữ Thành Hiền đầy bụng, còn mày chỉ có đói. Coi khí sắc đủ biết. À tao lấy tròn cho mày 30 năm thôi. Vậy là “tam thất nhì nhứt” mày sát sanh hai mươi mốt triệu.
Tất cả cử tọa giật mình. Kể cả lúc nhúc lũ nguyên cáo. Tới 21 triệu? Nguyễn Mót đứng dậy, run lập cập:
- Nhưng từ ngày mẹ mới sinh còn cho bú cho tới hồi lên mười tuổi, con đâu có gắp Tép nhiều như vậy?
- Tao đã nói là tao tính đại khái mà.
- Mà đâu có phải ngày nào con cũng ăn tép?
- Không ăn Tép thì mày ăn Ruốc. Ăn Cá Lòng tong. Cũng nhỏ như nhau.
- Có nhiều bữa con nhịn đói.
Diêm vương quắc mắt:
- Uở, thằng này bướng. Tao đã tha không kể những bữa mày ngồi lể Ốc gạo, mày ngồi đập Óc quắn, ăn chơi, bưng đổ cả rổ vỏ. Lục sự, đi lấy cuốn Hình luật canh cải lật coi phần tội trạng, coi giết bao nhiêu sinh mạng thì đến tội bấy nhiêu.
Lục sự “Dạ” rồi đi lại cái kệ cao, bắc ghế leo lên, khệ nệ bưng xuống một cuốn sách to bằng cái giạ đong lúa. Trịnh trọng lật từng tờ. Rồi dõng dạc xướng.
- Xét điều 38 của Luật hình cũ “Phàm giết dưới 5000 mạng thì tha bổng, từ 5000 đến 50.000 mạng thì bỏ ngục tối, từ 50.000 đến 50 vạn mạng thì nằm bàn chông, trên 50 vạn mạng thì bỏ vạc dầu. Nay xét thấy ở cõi Nhân, sự giết chóc gia tăng, người với người mà chiến tranh giết hại hàng vài chục triệu nên Thiên tào hội thập phương chư Tiên chư Thánh, quyết định canh cải như sau cho hợp với thực tế: cứ tăng số sinh mạng ở mỗi mục lên gấp mười. Như vậy có nghĩa là “Phàm giết dưới 5 vạn thì được tha bổng... giết từ 5 triệu mạng trở lên thì bỏ vạc dầu vân... vân...”
Diêm vương giơ tay ngăn lại:
- Ðủ rồi. Khỏi cần đọc thêm.
Uy nghi đứng dậy giọng nói dõng dạc, Ngài cất lời:
- Cả phiên tòa im lặng nghe Trẫm tuyên xử: nay xét điều... điều mấy, Lục sự?
- Dạ muôn tâu, điều 52 Hình luật canh cải.
- ... điều 51 Hình luật canh cải, can phạm Hoàng Kim Phú giết 4 vạn rưỡi sinh mạng nghĩa là dưới số 5 vạn, được tha bổng. Nguyễn Mót giết hai mươi mốt triệu sinh mạng bị vạc dầu. Truyền Quỷ sứ thi hành án lệnh. Phiên tòa bế mạc.
Gà nhảy lên mổ vào bắp vế Bò:
- Hồi nãy mày véo von luật pháp, những là “sát nhân” những là “đền mạng” rồi cuối cùng thằng Phú nó đền cái mạng gì cho mày? Cho lũ tao?
Bò nghệch cái mặt dài:
- Sao không thấy Hình luật canh cải nói về cái chuyện đó hè?
Ốc gạo, Ốc quắn thì lùi lũi bò ra về. Miệng lẩm bẩm chửi rủa:
- Mồ tổ thằng Tép. Vậy mà cũng rủ đi kiện. Thằng Mót nó chết nát thây trong vạc dầu thì nó còn đền mạng bằng cách nào?
- Một mụ Rắn Hổ mang ì ạch lết cạnh mấy lão Ba ba, lão Chình mập ú (- à, té ra Hoàng Kim Phú nhậu rượu với cả thịt Rắn nữa) – thở phì phò, vừa lết vừa thở, vừa triết lý.
- Mình biết trước mà... phì phò... có cái ông Hiền triết Hy Lạp nào đo*ù đã nói “Luật pháp giống như... phì phò... những cái mạng nhện, chỉ bắt được lũ ruồi, nhỏ... phì phò... Dịch vật thằng Bò, già đầu mà còn u mê... phì phò... báo hại... Trong khi đó Quỷ sứ mang số 711 tiến tới kéo áo Nguyễn Mót lôi đi. Mót hất tay, la lớn:
- Bất công. Xin Bệ hạ xét lại. Sinh mạng có lớn có nhỏ, một con Tép mà tính bằng một con Bò thì ức cho con quá.
Diêm vương: - Trong Luật chỉ nó sinh mạng chớ đâu có phân biệt lớn nhỏ? Trẫm cũng thương mày nghèo chỉ ăn toàn Tép toàn Ruốc. Trẫm cũng ghét thằng kia giàu, ăn toàn Cá toàn thịt. Nhưng Luật chỉ nói sinh mạng chớ không có phân biệt lớn nhỏ. Thôi. Quỷ sứ số 711, nghiêm nhặt chấp pháp, cứ y luật mà thi hành.
* Solon: một trong bảy vị hiền triết củ Hy Lập (640-558 trước công nguyên)


12. Nơi Kẻ Có Quyền Cái Xấu Cũng Ðẹp (^)

Sau khi Phụ vương Cọp thăng hà, Ðông cung Thái tử Cọp lên ngôi nối nghiệp thay cha. Hồi thiếu thời, nhảy qua cái hố tập săn mồi, Ðông cung hụt chân, ngã lăn xuống hố, bị thương nơi lưng. Chạy chửa mãi, vết thương lành nhưng sau đó cái lưng không duỗi thẳng được, phải chịu lom khom. Thể chất không được mạnh bạo như tiên vương nên tính trầm lặng, không ham xông xáo chiến đấu.
Các vị đại thần trong triều do sinh thời tiên vương tín nhiệm phong chức, nay đều giữ y như xưa. Gấu vẫn làm Thừa tướng, Beo làm Thái sư, Heo rừng làm Nguyên soái, Voi làm Gián nghị đại phu. Cuộc đời bình thản trôi. Cứ mỗi tháng hai lần, ngày Sóc và ngày Vọng, thiết đại triều, bá quan đông đủ đến bái mạng.
Một đêm, tân quân vi hành ra bến sông. Nghe có tiến vợ Hà mã mè nheo:
- Ngày nào, đêm nào cũng thấy ông tập thể dục. Trưa không nghỉ trưa, tối không ngủ sớm. Già rồi còn muốn đi thi lực sĩ đẹp hay sao?
- Hà mã chồng im lặng, cứ cong lưng cúi đầu gục gục nhiều lần một cách nặng nhọc và chăm chỉ.
Giọng vợ chuyển sang mỉa mai:
- Dẫu là lực sĩ đẹp, ngực nở, bụng thon, bắp thịt nổi vồng thì cũng còn phải cần cái mặt cho thanh tú, điển trai. Ông không đạt nổi tiêu chuẩn chót đâu. Cứ soi nhìn xuống mặt nước khắc biết.
Hà mã chồng vẫn im lặng, nhẫn nại tập tiếp phần cái lưng. Cong nữa. Rán cong nữa.
Giọng Hà mã vợ bắt đầu cáu kỉnh:
- Hay là ông mê con nào? Mùa này nóng bức, ao suối cạn khô nên bờ sông sáng chiều tấp nập. Có nhiều con nhỏ nhỏng nhảnh, xí xọn. Chắc là ông...
Hà mã chồng gừ một tiếng ngắn: “Bậy! Nói bậy!”. Rồi lại tiếp tục luyện tập. Hết tự kềm chế nổi, giọng Hà mã vợ the thé:
- Bậy cái gì? Tôi nói vậy không đúng sao? Từ ngày triều đình ban cho cái chức hiệu úy tí tẹo, đi theo hầu ông phò mã để ông sai vặt, ông đã tưởng là ông oai lắm. Ông...
Nghe vợ nói động tới triều đình, Hà mã chồng lật đật “suỵt” một tiếng rồi đi lại gần, kề sát đầu nói nhỏ:
- Chuyện quốc gia trọng sự. Ðứt đầu như chơi, đừng có ồn ào.
Hà mã nheo mắt, tỏ vẻ nghi ngờ.
- Nguyên là tân quân có cái lưng không thẳng. Muốn vừa lòng ngài, các đại thần khi triều bái đều đứng cong lưng. Mỗi khi dự bàn quốc sự đều ngồi cong lưng.
Ðôi mắt Hà mã vợ hơi dịu lại.
- Thừa tướng Gấu làm việc đó không khó, vì lưng ngài vốn cong. Ngài Thái sư Beo cũng vậy vì ngài đã ngoại tứ tuần. Chỉ tội nghiệp ngài Ðô thống Tê giác. Hình như ngài không có cái cổ nên đầu và lưng thẳng băng.
Giọng Hà mã vợ có vẽ lo lắng:
- Còn ông?
- Tôi cũng khổ tương tự? Nhìn lưng tôi ngó cũng thẳng băng, thấy không? Nên tôi cứ phải tập hoài.
Hà mã vợ mặt nung núc lại gần mặt chồng, cạ cái hàm vuông bạnh vào hàm chồng, tỏ sự âu yếm, thông cảm:
- Bây giờ, em mới hiểu. Mình đừng trách em.
Mặt Hà mã chồng vẫn giữ nét ưu tư.
- Hồi tiên vương còn tại vị, ngài xông pha chiến trận, tuy lớn tuổi mà ngực nở, bụng thon, lưng thẳng, dáng ngồi uy nghi. Các cận thần già nua phải gắng sức bình sinh ngồi thẳng như ngài. Sang triều đại này thì các cụ tha hồ thoải mái, thong dong bởi khom lưng là cái thế tự nhiên của tuổi tác. Các cận thần trẻ tuổi thì ngược lại, ngồi thẳng lưng lúc nào không hay, bỗng chợt nhớ ra, lật đật khom lưng trở lại.
- Vua bắt cận thần phải nô lệ đến vậy sao?
- Hà mã chồng lắc đầu:
- Vua không bắt. Nhưng muốn được vua thương, các cận thần thường làm theo các điều vua thích. Vua thích ca hát thì các cận thần cũng làm ra thích hát. Vua chuộng màu đỏ thì cận thần không dám thích màu xanh.
- Nghĩa là phải nịnh...
Hà mã chồng gật đầu:
- Có thể nói vậy cũng... không sai. Như tân vương có lần vui miệng kể rằng hồi nhỏ khi ngài bị tai nạn lệch khớp xương lưng, ngài phải nằm trong hang điều trị hàng tháng. Trong vắng vẻ cô đơn, suốt ngày ngài nằm nhìn ra cửa hang, nơi đó có một cây mè nở những đóa hoa cánh mỏng màu hồng lợt, trông tựa những cái chuông nhỏ. Ngài mượn nó làm bạn và ngài yêu nó hơn mọi loài hoa khác.
Giọng Hà mã vợ dịu dàng:
- Tân vương cũng mơ mộng vậy sao?
- Một thể chất yếu đuối dễ thiên về mơ mộng. Nhưng điều này mới là đáng nói: Kể từ ngày đó, cả triều đình ai cũng đổ xô yêu hoa cây mè.
Hà mã vợ “ồ” lên một tiếng nhỏ ngạc nhiên rồi im lặng, không có ý kiến để phát biểu. Câu chuyện có vẻ gì “triết” quá, văn chương quá, cao quá tầm suy nghĩ của khối óc bằng hột cau của mụ. Hà mã chồng nói tiếp:
- Mà nào mè có phải là một cây hoa quý! Nó là thứ cây người ta trồng lấy hột làm muối, làm tương, chắc có con chim nào ngậm hột bay qua hang đánh rơi, hột nẩy mầm mọc thành cây. Báo hại triều thần phải đi kiếm cho được cây mè để trồng. Cụ gấu lò mò xuống xóm, xuống làng để kiếm, gặp lũ tuần đinh vác hèo rượt một bữa chạy trối chết. Nhưng rồi, không hiểu bằng cách nào mà các ngài cũng kiếm được giống mè. Thế là: quan gián nghị trồng cây mè, quan đô thống trồng cây mè, quan thừa tướng trồng cây mè, cho đến Quốc bửu Beo lang, lông mặt đã ngã màu bạc, lông cổ da rụng gần trụi mà cũng ngồi khom lưng moi đất trồng cây mè.
Nghe đến đây, tân vương nhẹ nhàng bước lui. Những điều bất ngờ biết được đè nặng lên tâm hồn, đang giăng một màn mỏng màu xám trước mặt. Tân vương yêu lý tưởng, yêu cái đẹp, yêu điều thiện, yêu cái gì cao hơn cuộc sống vật chất khôn ngoan tầm thường. Vậy mà cuộc sống thấp hẹp đó đang bao vây chính mình!
Từng bước chậm, tân vương đi tới như người mộng du. Không ngờ những bước chân lững thững đưa tân vương đi ngang cái hang của Ðô thống Tê giác. Kìa, rõ ràng có một cây mè đang ra hoa đứng kề miệng hang. Tân vương bước mau về hướng tư hang của Nguyên soái Heo rừng, mau gần như chạy, vì trong lòng đã chớm nỗi bực bội. Quả đúng ý dự đoán, trước hang nguyên soái có cây mè. Còn cao hơn dự đoán nữa: đến những hai cây trồng hai bên lối vào.
Tân vương lắc đầu nhiều lần, đôi mắt chong chong nhìn thẳng vào hai cây mè lạc lõng, yếu đuối. Ngài buồn bã đi tiếp. Ở đằng xa, nghe có tiếng cãi cọ. Nép mình bước lại gần. Có ngờ được không? Thừa tướng Gấu và Văn thái sư Beo đang ôm nhau vật. Ðấm đá túi bụi một lát, cả hai dãn ra đứng thở. Thừa tướng vừa vuốt ngực vừa hổn hển nói đứt quãng:
- Ðường đường một thái sư mà giữa khuya lén qua nhổ trộm cây mè.
Thái sư:
- Thứ đồ cây mè, thiếu gì trên bãi bên kia sông... phù phù... quý giá gì. Chẳng qua tao già, lội qua sông không nổi... phù phù... tao có nói cho tao xin một cây... phù phù.
- Ông có hỏi xin nhưng tôi có hứa sẽ cho ông đâu?
- Thủy cúc, hồng nhung, thu mẫu đơn, lan bạch hạc... thiếu gì thứ hoa vương giả... phù phù ...
- Này, ông đừng có đánh trống lảng. Nửa đêm lén qua cửa hang của người ta nhổ trộm, bị bắt quả tang. Ai đi xin hoa giờ đó?
Thừa tướng cúi lượm cây mè bị đứt gãy ngang hông, chùm rễ lưa thưa (chắc lén nhổ lật đật nên dứt hết rễ) giơ lên cao:
- Thân danh nhất phẩm triều đình mà tồi tệ như vậy!
Tân vương không muốn nghe tiếp những tồi tệ. Bấy nhiêu đó đã đủ, đã quá đủ, đã dư. Cho một ngày.
Về hang, ngài nằm trằn trọc suy nghĩ. Cái tồi tệ bắt đầu do sự tranh sống. Vượt quá giai đoạn tranh sống là tranh chức vị, quyền lực. Cái tồi tệ bủa vây khắp cuộc sống sinh vật. Giữa núi rừng này, chỉ còn có cây cỏ là sinh vật thoát được sự trói buộc của nó. Thảo mộc vô tình, thảo mộc bình thản, thảo mộc cao quý!
Tân vương ngồi dậy, bước ra khỏi hang, lại gần cây mè thân yêu của mình. Dưới ánh trăng, chùm hoa hình chuông sáng lên những ánh bạc. Thân bụ bẫm, lá dày, toàn thân là một sự mộc mạc, hồn nhiên, trong sạch. Miễn nhiễm, vô ưu.
Chợt cây mè nghiêng mình:
- Thánh hoàng muôn tuổi.
Tân vương ngạc nhiên, trố mắt nhìn. Có thể tin ở tại mình không? Ở mắt mình không? Một cây mè biết nghiêng mình và biết tung hô vạn tuế. Lần đầu tiên trong đời...
Thấy cây mè vẫn cúi đầu, cong lưng, tân vương ôn tồn nói:
- Mời cô cứ tự nhiên. Như bình thường trước đây.
Nhưng cây mè vẫn cúi đầu, cong lưng.
- Muôn tâu thánh thượng, lâu nay thần thiếp không dám cất lời vì chưa thuộc hết nghi thức của triều đình. Phải cần mẫn nghe, nhìn các cận thận mà bắt chước, mà học theo.
Tân vương lạnh nhạt buông một tiếng.
- Ờ...
- Thần thiếp trộm biết bệ hạ riêng có lòng đoái thương phận hèn của thần thiếp. Ðể đền đáp ơn trên, thần thiếp cố tập luyện cho cái cọng hoa của thần thiếp cong xuống, cọng thêm cho đúng với tư thế phủ phục triều nghi. Nhưng thân thực vật không có khớp xương, tự mình không dễ làm được, không thể ngày một ngày hai mà thực hiện được. Cúi xin bệ hạ rộng dung mà ân thứ cho. Cho thần thiếp thêm thời gian để tiếp tục luyện tập thêm nữa.


13. Khi Tiểu Nhân Ðắc Thế (^)

Cáo vừa bước trờ tới trảng tranh thì bất ngờ bị một con Gấm Sao đứng sẵn đó nhảy ào tới chụp. Hụt, Cáo nhảy trớ qua một bên, hớt hải la lên:
- Chụp đây mà! Cháu là Cáo đây. Chú lầm với ai sao?
Gấm Sao gừ lên:
- Không lầm. Tao quyết giết mày.
- Cháu có làm gì chú đâu?
- Ờ, không làm gì.
Nói xong, Gấm Sao lại nhào tới. Lần này thì trúng. Vuốt sắc bấu vào thịt, Cáo hét lớn:
- Trời ơi! Chết cháu! Ðau quá!
Tiếng hét chói tai làm Gấm Sao khựng lại một phút. Thừa dịp, Cáo tung mình vọt lên cành ô rô gần đó. Gấm Sao nhảy theo, thét lên. Cáo hoảng vía lúng túng rớt bịch xuống đất, ngã ngửa mặt nghểnh lên trời. Gấm Sao nhảy xuống chụp được. Sẵn miệng hả, Cáo cắn một miếng vào chân. Gấm Sao rụt chân lại, Cáo lăn mình ra xa. Gấm Sao nhảy theo, chụp trọn Cáo đè xuống. Cáo vùng vẫy nhưng thân Gấm Sao to lớn đè trọn không có lối thoát. Cáo xoay qua trở lại, cắn bên tả nhá bên hữu, lộn đầu ra sau xoay đầu ra trước, còn Gấm Sao thì cứ lổm ngổm phủ phục lên trên, vuốt sắc tới tấp bấu vào mình Cáo.
Hỗn đả một lúc, Gấm Sao kẹp được thân Cáo giữa hai chân sau và vậy là vuốt sắc của hai chân trước cứ tha hồ mà đâm, mà cào, mà xước. Cáo bị khóa chặt giữa hai khối thịt vạm vỡ, cứ hét lên đau đớn từng hồi khi vuốt của Gấm Sao cấu vào mình.
Gấm Sao chủ động vừa cào xé vừa kể tội, cứ nói xong một câu là cào một cái:
- Mày nói không làm gì. Không làm gì nè!
- Ái chà đau! Cháu oan thật mà.
- Oan! Hôm tháng trước tao ngồi nói chuyện với cô bé Gấm hàng xóm, mày rình mò ngồi nghe. Rình nghe nè!
- Ái cha! Cháu có đi ngang qua nhưng cháu nhắm mắt, không thấy. Rồi cháu đi thẳng luôn.
- Mày nói chuyện Phong Thần. Ði qua mà nhắm mắt. Mày mách lẻo với vợ tao. Khiến nó ghen nó cắn tao cả đêm. Không mày thì ai vô đó mà mách lẻo? Nè, mách lẻo, nè!
- Ối cha! Tội quá chú ơi! Bấu nhè nhẹ dùm chú ơi! Cháu thề không có mách. Cháu chỉ nói có gặp chú đang ngồi chơi một mình ở gốc cây dầu Ðồng Bà Thìn.
Gấm Sao cười gằn:
- Lại có chuyện ngồi chơi một mình. Cái miệng mày, có một mày nói tới ba, tới năm. Chớ ở đó mà “một mình”. Mày phá gia cang sự nghiệp nhà người ta. Tao phải giết mày phen này.
Nói xong, Gấm Sao siết mạnh hai đùi, hai chân trước đập tới tấp, vuốt sắc cào tới tấp. Cáo lăn lộn la khóc, xoay tới lộn lui, vừa khóc vừa năn nỉ lạy chú tha tội, lạy chú tha mạng. Gấm Sao thì thích chí, vừa siết vừa kẹp vừa đập, vừa cào, miệng thì đánh nhịp:
- Này tha mạng này! Này nhắm mắt này! Này ngồi chơi một mình này!
Còn phần Cáo thì lăn lộn đủ phương đủ kiểu.
Chợt bất ngờ Gấm Sao hét to:
- Ái cha!
Rồi nặng nhọc ngồi dậy, sải mạnh, phóng tuốt. Lá cây rừng lao xao trên lối chạy qua của Gấm Sao.
Kẻ ngạc nhiên đầu tiên là Cáo. Không hiểu vì sao mà đang siết chặt mình giữa hai đùi, chặt đến nghẹt thở, bỗng nhiên Gấm Sao lại la lên hốt hoảng bỏ chạy. Kẻ ngạc nhiên thứ hai là những thú rừng kế cận đã tụ hội về dự cuộc quần thảo.
Thỏ nói trước:
- Cũng lạ. Ðang không, Gấm bỗng bỏ chạy. May cho anh Cáo. Nhưng Cáo liền vênh mặt:
- Sao lại may? Thắng hay bại đều có cơ sở tất yếu. Sao lại có may rủi? Phàm ra giữa ba quân, hễ giỏi thì thắng, dở thì bại.
Heo rừng ngứa miệng:
- Giỏi chỗ nào? Mới xáp vô đã nhảy vọt lên cành cây chạy trốn.
- Sao ông biết là tôi chạy trốn? Ông có hiểu thế nào là “phi thân du lịch” không?
- Phi thân thì có, ai cũng thấy anh thót lên cây. Còn “du lịch” thì không. Gấm nhảy lên theo và anh sợ quá lăn cù xuống đất.
Cáo lắc đầu chầm chậm nhiều lần, tỏ ý miệt thị:
- Hiểu chỉ đến vậy thì “yếu” quá. Tôi vừa nhảy lên thì chợt nhớ là loài Beo Gấm chuyên môn leo trèo. Giỏi hơn tôi. Tôn Ngô binh pháp có dạy biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Tôi phải vội đảo người hạ xuống theo thế “Thu phong diệp lạc”. Lá rụng lượn theo gió thu, nhẹ nhàng.
Nhím:
- Thu phong nhẹ nhàng chỗ nào? Té ngửa một cái “rầm”. Tôi ngồi gần đó, lật đật nhảy tránh, sợ ông té rớt, đè trúng.
Cáo cười lạt:
- Lại một sự đánh giá nông cạn! Một thế lừa địch tinh tế mà không mấy ai thấy. Gấm sao nó cũng lầm như quý vị.
Gấu:
- Nó nhào theo cắn gần chết mà còn lầm còn lỡ cái chỗ nào?
- Nhưng há quý vị không để ý thấy tôi té nằm ngửa là cố ý, là một thế võ đã nghiên cứu kỹ? Nó chụp lên là sẵn răng tôi cắn liền.
Lại Gấu:
- Ừ, thì thấy có cắn đó. Nhưng nó hất cho một cái lăn cù.
- Tưởng dễ lăn lắm hả? Hễ muốn lăn là lăn ngay được hả? Thử vô đó mà lăn.
Ðến đây Beo Già đằng hắng một tiếng khiến Mèo rừng mới mở miệng vội rụt lại. Beo Già nhớ tuần trước Cáo nó có ghé biếu mình một con cuốc. Nhằm con cuốc mái đang ấp trứng, ốm nhom, nhiều lông mà ít thịt. Nhưng dẫu sao cũng là lòng thành của nó. Nên Beo già phải góp lời:
- Té ngửa, cái thế đó dễ bị đối phương áp đảo lắm... hừ hừ... các môn phái đều kỵ.
Cáo cung kính:
- Dạ thưa Cố, Cố dạy như vậy chí phải. Ðúng kinh điển. Con rất chú ý đề phòng nên khi nằm ngửa, con hé rộng hai môi, hé tét ra cho lòi răng lởm chởm. Thằng Gấm Sao nhìn thấy phải thất đảm.
Ðến lượt Mèo rừng:
- Mình biết tài cậu. Té ngửa cũng là thế võ. Lăn cù cũng thế võ. Ðể người ta cào mặt chảy máu cũng thế võ. Ðưa ngực cho người ta đập bình bịch cũng thế võ. Tất cả đều thuộc hạng võ thượng thừa.
Chị Sóc vừa huơ đuôi phủi đít đứng dậy, vừa chêm một câu:
- Thôi đừng nói nữa bà con. Mới xáp lại ảnh đã la “Trời ơi... Chết cháu. Ðau quá”, chỉ bấy nhiêu đó đã đủ biết là võ nghệ ảnh cao cường.
Cáo đưa mắt liếc nhanh về phía Sóc. Tự nhủ: “Ðịch thủ này lợi hại đây. Vì nó đẹp. Sắc đẹp làm cử tọa có cảm tình với nó hơn với mình”. Nghĩ vậy nên Cáo mỉm cười nhã nhặn:
- Rõ ràng đó là một lời phê bình thâm thúy. Chị Sóc đã tinh tế lưu ý đến đòn chiến tranh tâm lý, chiến tranh cân não phủ đầu của tôi. Vừa xáp chiến là tôi lung lạc tinh thần của đối phương ngay bằng tiếng hét lên, xé tai, khiến đối phương hoang mang ít nhất một phút. Trong thời gian đối phương lấy lại bình tĩnh, tôi đã thừa thế tấn công. Xin chân thành cám ơn chị.
Vậy là Cáo trả lời trót lọt. Hùng biện hay ho nữa. Có điển tích văn chương, có binh pháp chiến lược chiến thuật đủ hết. Nhưng khi cử tọa giải tán, riêng mình đối diện với mình, riêng mình thành thật với mình, thì Cáo ngẩn ngơ tự hỏi không biết do đâu mà Gấm Sao vụt hét lên bỏ chạy. Do đâu? Do đâu?
Cáo, đương sự, chịu thua không trả lời được. Câu trả lời giấu nơi miệng của Gấm Sao, ở nơi hang của Gấm Sao.
Sau khi hét lên đau đớn và nén dằn cơn đau để phóng chạy về hang, Gấm Sao nằm vật ra rên rỉ. Vợ lật đật chạy lại hỏi lý do:
- Sao vậy? Bị thương hả?
Gấm Sao chỉ còn đủ sức để lắc đầu.
- Bị Sư tử vồ hả? Bị Cọp chụp hả? Bị rắn hổ mang mổ hả?
Gấm Sao lại lắc đầu. Miệng rên hừ hừ. Mặt nhăn nhó vì những cơn đau.
Vợ Gấm bắt đầu hốt hoảng:
- Chớ tại đâu? Ðâu, đưa coi vết thương? Hay là đau dạ dày? Hay là sưng túi mật? Hay là sạn ở bàng quang? Ðâu, coi có sốt không?
Gấm vợ đưa chân trước ra rờ trán chồng, nhưng Gấm Sao giựt phắt ra. Gấm vợ nói:
- Lạnh ngắt mà. Ðâu có sốt?
Gấm Sao gắt:
- Thì tôi đâu có nói là tôi sốt?
- Chớ sao ngó tệ hại vậy?
Gấm Sao rên hừ hừ vừa trả lời đứt quãng:
- Tôi trị tội thằng Cáo... chụp, cắn nó... kẹp chặt nó... quyết bóp cổ cho chết. Nó bị nghẹt thở, giãy dụa... hừ hừ... bất ngờ cái mỏ nhọn của nó thúc trúng nhằm cái nhọt lở trong háng của tôi... trời ơi, đau thấu mây xanh... hừ hừ... tôi phải bỏ chạy...


14. Huy Chương Nào Cũng Có Mặt Trái (^)

Rệp nằm nép mình ở kẹt giường. Chợt có một con bọ chét kềnh không biết từ đâu rớt đánh cộp trước mặt. Liền hỏi:
- Ở đâu đến vậy? Có đau không?
- Hơi ê lưng một chút. Ở từ lưng của một con chó Xù búng ra.
- Ðịnh đi đâu?
- Chưa biết. Mình cũng đang tự đặt câu hỏi đó cho mình.
- Thì cứ ở đây. Giường này có nhiều kẹt.
- Ðâu có được? Mình phải bám vào lưng chó mới sông.
- Vậy thì búng đi đâu?
- Mới hỏi rồi. Chưa trả lời được. Ðang nằm yên hút máu, bỗng nó nỗi ngứa, nó gãi, nó cào. Mình rớt xuống đất. Vội búng nhảy lên bám lại, nào ngờ nó đã bỏ chạy. Vội búng theo, búng hơi mạnh, văng cha nó tới đây.
Suy nghĩ một phút, Bọ Chét chép miệng:
- Ðáng lẽ mình hút máu vừa vừa thôi. Ðáng lẽ mình làm siêng bò qua chỗ khác mà hút. Hút ít ít, nó không biết. Mà nầy, đằng ấy cứ nằm yên một chỗ suốt ngày, suốt tháng, suốt năm làm sao chịu được?
- Sao lại chịu không được? Khỏi ra nắng, ra mưa, khỏi đi xa một bước, cứ nằm yên một chỗ, đứa nào đưa thịt gần miệng thì hút máu, hết hút máu thì ngủ. Ở dưới thế gian này, hỏi có cuộc đời nào nhàn hơn?
- Nhưng sinh thú không chỉ có ăn. Như tôi, ăn đã thừa mứa mà còn được du lịch đó đây, nhìn cảnh, nhìn người.
- Bằng cách búng lên rồi rớt xuống như vừa rồi hả?
Nghe câu hỏi ngây thơ, Bọ Chét cười:
- Nói bậy. Mình nằm trên mình chó rồi chó nó đi đây, đi đó... vô nhà, ra sân.
Gặp có con nó chạy rong ra chợ, chạy sải dọc đường, chạy băng cả cánh đồng nữa. Tha hồ mình nhìn: con bò, cây đa, ruộng lúa, cô hàng xén, cái giếng. Cả cái xe đạp.
Trí óc Rệp trống rỗng khi nghe Bọ Chét gọi tên những thứ mà nó gặp. Rệp đều không hề biết. Nó rụt rè hỏi về con bò, về ruộng lúa, về cây đa... và trong óc nó vẽ thêm nhiều chi tiết, tô thêm nhiều màu sắc. Nó bảo Bọ Chét.
- Thôi đừng nói nữa. Anh nằm xuống đó nghỉ một lát.
- Ờ, mày cũng nghỉ đi.
- Dạ.
Tuy trả lời vậy nhưng nó mông lung suy nghĩ tiếp. Từ xưa đến giờ, mình chỉ biết cái kẹt giường này và tưởng trên đời chỉ có kẹt giường này. Biết được loài Bọ Chét cũng do một ngẫu nhiên. Trước đây có một lần một con bọ chét cũng búng rơi cạnh như vậy. Lân la hỏi mới biết trên đời có thêm một loài Bọ Chét. Chỉ biết bấy nhiêu đó thôi, vì con Bọ Chét lật đật búng đi nơi khác... Vui thích, hạnh phúc của mình chỉ có máu, quanh quẩn ở bộ máy tiêu hóa. Cuộc đời như vậy, ngày đêm xuôi dòng Mình bằng lòng. Nhưng hôm nay cái kẹt giường trở nên vô vị. Ngày nào cũng...
Rệp cảm thấy mình đang buồn bã, chán nản. Rệp thở dài. Bọ chét xoay mình hỏi:
- Sao chú em thở dài?
- Em thấy anh nói đúng, đời em vô vị.
- Anh vẫn giữ ý kiến đó.
- Em muốn được sống như anh.
- Nhưng em đâu phải là Bọ Chét?
- Nhưng em cũng sống bằng cách hút máu như anh, giống anh. Anh cho em theo anh.
- Sao... được?
- Em còn nhỏ, nhỏ người. Em bám theo lưng anh. Anh búng vào một thân chó. Em bám vào da chó mà hút máu như mọi con Bọ Chét khác.
Sáng kiến ngộ nghĩnh hợp với óc phiêu lưu của Bọ Chét nên Bọ Chét kềnh đồng ý liền.
Và sự việc xảy ra đúng y tính toán của Rệp, không gặp một chút khó khăn. Có ôm eo ếch... có búng... có bay lững lơ... và thoáng chốc đã ở trên lưng chó. Qua đi cơn hồi hộp, Rệp vụng về bắt đầu lối sống Bọ Chét. Cũng hút máu. Cũng được đi đó đi đây.
Ái chà, cái cây! Bọ Chét kênh dạy:
- Cây này không phải là cây đa. Nó là cây đu đủ. Nhưng phàm là cây thì chúng giống nhau. Có lá mỏng màu xanh, có thân đứng thẳng. Có khi có hoa, có trái.
Ôi chao những “con” con bò, con ngỗng, con cóc... ôi chao những “trời” trời mưa, trời gió, trời có nắng... còn biết bao nhiêu là “ôi chao” nữa! Thật kỳ diệu.
Nhưng sau chừng một tháng, những kỳ diệu lần lần quen đi, nhìn thấy mãi, thưởng thức hoài hóa... nhàm. Trong khi những bất tiện, những bất ổn lần lượt hiện đến. Ðầu tiên là mỗi khi nổi ngứa, con chó Xù cứ cào gãi như điên. Bọ Chét bám hút dẫu chặt mà đành chịu thua, rơi rụng xuống đất cả đám. Thứ đến là hai hàm răng trắng nhởn của Xù. Nếu chỗ ngứa vừa tầm thì Xù dùng hai hàm răng mà nhai. Nhiều vị Bọ Chét vong mạng? Chính Rệp con cũng một lần suýt lâm nạn. Than phiền với anh Bọ Chét kênh, ảnh nói:
- Hữu thân hữu khổ mà, em! Huy chương nào mà lại chẳng có hai mặt?
- Nhưng hồi trước anh không cho em biết – anh chưa kịp cho em biết, chớ anh nào định không cho? Thôi em đừng buồn, người ta sao mình vậy.
Tuy biết lời khuyên của anh Bọ Chét kênh là phải nhưng Rệp không thể không buồn khi nhớ rằng nơi cái khe giường ngày xưa không có chân Xù và hàm răng Xù nhai. Cho tới một hôm bất ngờ có nước dội ào ào vào mình Xù. Có bột gì nhờn nhờn chà vào lông Xù nổi bọt. Có bàn chải xát vào da Xù xoạc xoạc. Rồi sau đó nước lại dội ào ào, cuốn phăng những lông, những đất, những xác Bọ Chét thoi thóp ngất ngư. Hú vía lần này Rệp con lại may mắn thoát nạn. Than phiền với Bọ Chét kềnh, ảnh nói:
- Lâu lâu mới tắm cho một lần mà. Chớ đâu có tắm hoài?
- Một lần đủ chết.
Bọ Chét kềnh cười:
- Chứ mày tưởng ở trong kẹt giường, mày không thể chết vì nạn nước sao? Chủ nhà nó đun nước sôi, nó chế vô kẹt giường.
Em chưa thấy.
- Vậy là may phúc cho mày, trúng thằng chủ nhà Dại lăn. Chớ xét cho cùng, làm Bọ Chét vẫn sướng hơn Rệp. Mày có nghe nói ai tắm chó bằng cách đun nước sôi chế lên mình nó đâu?
Lý luận rất hay – Rệp thầm nghĩ, - nhưng lý luận thường để nghe cho khoái tai chớ nhiều khi không phải để làm theo. Bởi nỗi ám ảnh về nguy hiểm cứ đeo mãi không rời, còn có thích thú nào nữa mà nhìn cây đa với cái xe đạp?
Một đêm, Rệp nghe có tiếng nói chuyện gần mình, giọng nói lạ tai, khàn khàn.
- Thú thiệt với chị bữa nay em mới thở được.
- Sao vậy?
- Uở chị không phân biệt hả? Chị không nhớ hôm kia cô bạn của bà chủ mượn cái áo này mặc đi chơi với bồ sao? Trời ơi, con gái gì mà ở dơ hôi hám, em phải áp mũi sát vào gấu áo cho đỡ ngạt thở.
Ðúng là giọng khàn khàn của Rận. Nó ở đâu mà tiếng nghe rõ vậy?
Rệp bò ra khỏi chồm lông xù, nhón gót nhìn, thấy rồi. Trời nóng, bà chủ trải chiếu nằm hóng gió trên sân thượng, và chó xù chạy theo nằm kế bên.
Giọng của cô Rận nói tiếp:
- Trong khi thịt của bà chủ mình thì thơm ngào ngạt. Tắm bằng xà bông thơm, tắm xong xát nước hoa, đi đâu thì bôi nước hoa lên da, xịt nước hoa lên tóc, lên áo. Tối bôi kem thơm. Sáng đánh phấn thơm.
- Tao thích máu của bà, vừa ngon, vừa bổ. Nhờ bả ăn uống sang. Máu có mùi cà phê sữa. Có bữa bay mùi sâm banh. Tao say ngất ngư một lần.
Giọng Rận chợt ưu tư.
- Những hồi thưởng thức cái ngon, tao nghĩ đến lũ Rệp.
Rệp con giật mình, tưởng Rận nhìn thấy mình. Nhưng không, giọng Rận vẫn đều đều:
- Núp trong kẹt giường gỗ, chúng nó chịu sự hôi hám, bởi người hôi hám ở dơ mới có nhiều Rệp nơi giường nằm. Rồi chúng nó hút thứ máu gì? Chắc chắn phải là máu nghèo chất đạm, nghèo chất mỡ, nghèo chất bột, nghèo cả ốc xy...
Rệp kia cướp lời:
- Còn hơn Bọ Chét. Hút máu gì? Xin thưa: máu chó!
Hí hí... hả hả... hai giọng cười trộn lẫn vào nhau, cười dòn, cười thích thú, cười quên thôi.
Rệp không muốn nghe tiếp, không cần nghe tiếp. Không cần nghe cũng biết hai cô rận kể những nỗi khổ nào của thân Bọ Chét. Ðiều đáng suy nghĩ là Rệp nên làm gì bây giờ. Kế cũng không khó, chỉ có dám quyết định không. Con đường rộng mở: Xù đang nằm tựa vào vạt áo bà chủ, chỉ bước qua là mình sống sung sướng. Có cần hỏi ý kiến Bọ Chét kềnh? Uẩy, thân mình mình lo. Tới nước này rồi. Dịp may không đến hai lần. Rệp dứt khoát bò qua luôn. Hơi ân hận một chút là không kịp giả từ anh Bọ Chét kềnh tốt bụng. Nhưng kệ, ở đời đâu có dễ làm tròn mọi bổn phận?
Sống cuộc đời Rận quả thật thần tiên! Thơm ơi là thơm. Béo ơi là béo. Lúc nào là có sắc máu đó, mà là thứ máu thượng hạng. Nhớ hồi mình chỉ hưởng máu chó, nghĩ mắc cỡ thầm. Còn những bò, những cây, những trời gió đêm trăng thì tha hồ thấy. Không thiếu. Còn được ngồi ô tô và nghe nhạc rủ rỉ bên tai nữa. Chỉ có lần đầu tiên thấy khổ là khi bà chủ thay áo xếp bỏ vào tủ cả tuần. Ðói phờ râu. Nhà sang mà, thay mỗi ngày một bộ cũng cả tuần, cả tháng mới trở lại bộ cũ. May bà chủ này cũng chưa sang lắm. Một lần khác chị ở đem ngâm áo một đêm, đợi sáng ngày mới vò xà bông. Tưởng chết đuối, may nhờ cái áo cứng đứng chổi lên khỏi mặt nước. Lần nữa bị cái bàn ủi. Chị ở, - Lại chị ở, lại cũng chị ở mê nói chuyện với nhân ngãi cứ đè cái bàn ủi xuống một chỗ mà quên đẩy đi, suýt cháy cái áo, may thằng nhân ngãi ngó thấy, la lên chị vội rút bàn ủi ra. Thoát chết. Lần nữa phơi áo quên kẹp, gió thổi bay xuống góc sân, tiếp tùới mưa tầm tã ba ngày. Vừa đói vừa lạnh. May có bà vú quét sân trông thấy, lượm lên, lén đưa chị ở giặt lại. Chị ở! Chị ở! Luôn luôn là chị, cái chị báo hại này chuyên môn gây khốn khó khiến Rệp bắt đầu hết thấy “đời rận” thần tiên. Chớ bà chủ thì tuyệt. Phải chi khỏi rời bà một bước. Luôn luôn ở cạnh bà, thịt bà lúc nào cũng thơm, mà béo, mà trắng. Da laiï mềm.
Rệp suy nghĩ nhiều ngày nhiều đêm. Một hôm nhìn lên trên cao, Rệp suýt la “Ơ - rê - ka! Ơ - rê - ka!” và Rệp lật đật bò lên, lủi nhanh vào đống tóc bù xù. Tóc thì làm sao mà xa người? Thật không có cách giải quyết nào lanh, gọn mà thông minh hoàn hảo bằng. Còn cuộc đời nào hơn đời của chấy? Tha hồ mà thơm. Lại khỏi rời bà chủ một bước. Chỉ tiếc là da đầu hơi mỏng, xương sọ hơi cứng, khi hút máu hơi ê ẩm miệng mồm. Với mỗi sáng sợ bộ răng của cái lược. Thôi, thì cũng được đi, nhớ anh Bọ Chét kềnh có lần dạy “Huy chương có hai mặt”.
Nửa tháng sau gặp một cái khổ: xà bông gội đầu làm tối tăm mặt mũi. Sau xà bông tới trận đại hồng thủy. Sau trận đại hồng thủy là trận hỏa thiêu. Ðời sống văn minh hành hạ thân súc vật. Gội đầu xong thì hong tóc ngàn xưa vẫn vậy, nay bày máy sấy tóc, chạy điện khiến Chấy bị phỏng gần chết.
Hai tháng sau gặp nạn lưỡi kéo của tiệm uốn tóc. Lơ mơ ra đứng chơi ở chót tóc là có cơ bị lưỡi kéo cắt tuốt, thân không đứt làm hai thì cũng rơi theo lọn tóc chui vào thùng rác. Thôi thì phải đề phòng chớ biết sao? Có điều khi đã dùng chữ “biết sao” tức có nghĩa là không sung sướng lắm, không thoải mái nữa.
Một hôm nghe có tiếng mấy cô Chấy chuyện trò. Cô thứ nhất:
- Chiều này đưa đám cô dược sĩ. Tội nghiệp, đẹp mà chết trẻ.
Cô thứ hai:
- Khéo thương viển vông! Sao không thương lũ Chấy bà con mình chết lây chết chùm theo cô dược sĩ?
Cô thứ ba:
- Ðứa nào khôn thì gấp chạy xa khi người ta tắt thở, tội cái là chỉ tự thả rơi xuống đất chớ đâu phải thả rơi trúng ngay một cái đầu có tóc?
Cơ hồ như đất sụp dưới chân Rệp. Rệp sợ chết. Còn nhỏ tuổi quá mà, cơ thể chỉ hơi nhích hơn một con Chấy mén. Ờ nhỉ, nếu bà chủ thơm tho của mình chết? Người ta sẽ đem chôn bà dưới đất và mình sẽ bị chôn theo. Dễ sợ chưa! Biết lạy trời lạy đất thế nào cho bà chủ sống lâu, sống mãi?
Vậy là từ ngày đó Rệp chú ý đến sức khỏe của bà chủ đáo còn hơn cả ông chủ. Có ngờ không? Bữa nào bà bỏ cơm là Rệp sợ cuống cuồng. Bữa nào có bác sĩ tới thăm là Rệp rầu rĩ quên ngủ. Nhằm trúng bà chủ được chồng cưng, hơi một chút là đã mời bác sĩ, nhảy mũi quá bốn cái, mời bác sĩ, một đêm đi tiểu quá hai lần: mời bác sĩ.
Sống cái kiểu này thì sống sao cho nổi? Bị lo âu thường xuyên, Rệp ốm nhom trông thấy. Chịu không kham. Rệp quyết định trở lại đời sống Rệp.
Một đêm, khi bà chủ ngủ yên trong giường. Rệp rời mái tóc bò xuống đi tìm khe giường. Nhưng bò mãi mà tìm không thấy. Bò nữa. Cũng không thấy. Tại sao lạ vậy? Cái khe giường đâu rồi? Ai lấy mất cái khe giường? Rệp hồi hộp bò tiếp. Bò mau, không còn tin tưởng bò thẳng trước mặt mà hăm hở bò chệch qua tay trái, rồi lật đật đổi hướng bò chếch qua tay mặt. Vẫn không thấy cái khe giường!
Rệp bắt đầu run. Bò đã xa rồi mà đã lâu rồi mà, mà sao không thấy? Không nghe mùi gỗ quen thuộc đánh vecni là nghe mùi lạ. Hình như mùi cao su. Ðúng là mùi cao su. Chết rồi! Cái nệm Mút! Trời ơi! Muốn trở lại với bà chủ nhưng đâu còn nhớ đường? Biết bà chủ có còn nằm ngủ y chỗ cũ nữa hay không? Còn muốn làm Rệp cũng không được nữa rồi. Bơ vơ, tuyệt vọng, Rệp khóc òa lên, tưởng như cái chết đang đứng rình đó để sắp chụp mình.
Có tiếng ồ ồ:
- Ai khóc đó?
- Dạ... con, Rệp.
- Sao mà khóc?
- Con đi kiếm cái kẹt giường. Mà chỉ thấy nệm mút.
- Kẹt giường hả? Bò thẳng thêm hai tấc nữa thì hết cái nệm mút. Có cái kẹt giường ở ngay đó.
Rệp nghe lời lật đật bò liền, quên nói lời “cám ơn”. Hồi hộp bò. Hớt hãi bò. Hai tấc mà sao dài quá! A! Ðến đây rồi! Từ bờ nệm mút, Rệp thả mình rớt thẳng xuống lớp vạt gỗ. Mùi vec ni quen thuộc. Kẹt giường đây, Rệp vội vã bò ẩn mình vào. Rồi bò xa thêm một chút. Rồi bò trở lại. Yên ổn. Quen thuộc. Ôi, cái kẹt giường êm ái! Cáùi kẹt giường thnân ái! Cái kẹt giường an toàn! Cái kẹt giường cứu khổ! Cái kẹt giường thiên đàng.


15. Nỗi Lòng Thái Sử (^)

Vương quốc Hội Tín tuyên chiến với vương quốc Hà Yến. Không chịu thua, vương quốc HàYến tuyên chiến lại. Hai bên động quân. Vua Hội Tín là một con Cọp. Vua Hà Yến cũng là một con Cọp. Giang san kề cận, diện tích đất đai không đến nỗi hẹp, thức ăn không đến nỗi thiếu nhưng mộng bá chủ thúc đẩy, hai Cọp dàn trận thế.
Hội Tín dựa vào thế núi. Cọp Hội Tín hội quần thần bàn kế hoạch phòng ngự. Beo đưa ý kiến:
- Tập trung quân nơi cao điểm, giữ chặt chỏm núi này.
Heo rừng xua tay:
- Khỏi cần. Quân địch muốn tràn vào nội địa ta, dại gì húc vào cứ điểm có núi cao hào sâu này?
Cọp gật đầu. Heo rừng tiếp:
- Ðịch quân sẽ tràn theo ngả thung lũng thấp kia. Khi tràn sâu vào nội địa, cắt đứt đường liên lạc chuyển quân của ta thì tự nhiên quân đoàn ở núi cao bị cô lập, chúng không cần đánh mình cũng phải tháo chạy. Lúc đó tổn thất không kể xiết.
Cọp hỏi:
- Vậy có nghĩa là phải tập trung đại quân chống giữ thung lũng?
Heo rừng:
- Muôn tâu Bệ hạ. Thánh ý rực sáng như ánh thái dương. Nhất định là phải chống giữ thung lũng.
Beo tức khí:
- Việc cầm quân kỳ kỳ ảo ảo, thiên biến vạn hóa, dương Ðông kích Tây, có khi buông chỗ mềm mà nắn chỗ rắn.
Chồn Ðèn, Chuột chũi hả miệng nhăn mặt, không hiểu nổi ý nghĩa uyên áo của những từ ngữ chiến thuật. Gấu Ngựa khịt khịt đứng lên:
- Vâng, thì rằng là cũng có kỳ ảo biến hóa. Nhưng kỳ ảo cũng chừng mực, cũng theo đúng luật binh cơ. Có thằng tướng ngu nào lặi đâm sầm húc vào một địa hình như vậy? Núi đã cao chớn chỏ mà hào sâu nằm cạnh. Tiếp theo sau là bãi sình, vũng lầy. Còn có địa thế thiên nhiên nào hiểm trở hơn?
- Hội nghị im lặng, nghe rõ tiếng muỗi vo ve. Muỗi va vào mặt, vào tai Vua Cọp khiến ngài cứ đập túi bụi. Thấy hội nghị không phát biểu thêm, vua Cọp tổng kết:
- Vậy là ta đưa đại binh trấn đóng thung lũng. Xây công sự kiên cố. Bố trí nghiêm nhặt. Tiền đồn mặt núi chỉ để một tiểu đội nghi binh. Các quan tùy chức vụ khẩn trương thi hành. Quyền tổng chỉ huy giao cho Gấu Ngựa tùy nghi điều động các doanh, trấn. Hội nghị bế mạc.
Bên phía Hà Yến, sự việc có phần phức tạp hơn, bởi có Hoàng hậu Cọp Cái lấn vào quốc sự. Nguyên hôm ấy vua Cọp lui vào hậu cung mà mặt Rồng (à quên, mặt Cọp) lộ vẻ ưu tư. Hoàng hậu vấn an thì được nghe Cọp Vua thổ lộ:
- Chưa biết nên giao cho ai chỉ huy cuộc tấn công Hội Tín.
Hoàng hậu nói liền:
- Nên giao cho Tê Giác.
Vua Cọp quay phắt lại nhìn Hoàng hậu:
- Ái khanh nói đùa? Thằng Tê Giác nó có biết gì về quân sự?
- Muôn tâu Bệ hạ, em không nói đùa. Em đã hứa với vợ nó rằng sẽ vận động Bệ hạ giao chức chỉ huy cho thằng chồng.
- Chuyện quân quốc mà ái khanh làm như bếp núc việc nhà.
Nhưng em đã lỡ hứa.
- Ðó là chuyện riêng giữa ái khanh với vợ nó.
- Không phải. Bệ hạ có dính dáng tới.
Mắt Rồng trợn tròn:
- Sao có chuyện lạ? Trẫm đâu có ưa thằng Tê Giác?
- Vợ nó đã hối lộ em cả tháng nay. Bằng thịt nai, thịt Hươu, thịt nai mà Bệ hạ thưởng thức khen ngon.
Vua Cọp than trời. Nhưng sự việc đã lỡ rồi, phải im hơi giấu nhẹm, vừa tìm phương dàn xếp. Nếu để đổ bể tùm lum ra...
Hôm vua Cọp Hà Yến thiết triều, chương trình nghị sự là tiếp tục thảo luận việc để cử Nguyên soái chỉ huy Ðông chinh. Thừa tướng Voi tâu:
- Thần trộm nghĩ Beo là hơn cả. Uy dũng mà gan dạ, nhảy cao sải mau, luồn lỏi thoăn thoắt nhẹ nhàng, dịch chưa kịp thấy mà hàm răng của Ngài đã ngoạm đứt cổ, mà tay của Ngài đã đập bể sọ.
Mọi con mắt thán phục xoay nhìn về hướng Beo. Ria mép Beo hơi rung rinh. Vua Cọp thì trầm ngâm. Một lát, chậm rãi phán:
- Nhưng Beo chỉ giỏi dạ tập. Nghĩa là tập kích ban đêm. Ban ngày chỉ giỏi ngủ. Thủy chiến lại dở. Lội nước không ra gì.
Nhiều tiếng thì thầm:
- Ðức vua có con mắt Thánh. Biết rõ quần thần như biết bàn tay mình.
Thừa tướng lại tâu:
- Nếu Beo không được thì thần đề cử Heo rừng. Ngài gan dạ khét tiếng. Kẻ thù dẫu to lớn, cũng húc luôn, tới đâu thì tới. Ðến Sư Tử mà cũng phải né. Mà phàm dụng binh, mình sợ nó thì nó không sợ mình, mình không sợ nó thì nó trở lại sợ mình.
Vua Cọp gật gù:
- Hữu dõng nhưng tiếc thay, lại vô mưu. Tổ tiên ta xưa cũng chỉ vì vô mưu mà bị thằng người ta nó trói vô gốc cây nó đốt. Những nét văn trên lưng còn ghi cái nhục. Heo rừng lại bị nhãn lực kém. Ði thị sát trận địa, chẳng lẽ lại phải cầm kính lúp bò sát xuống mà nhìn?
Nhiều tiếng thì thầm:
- Trí tuệ Ðức vua thật mẫn tiệp. Ứng đối lanh hơn cả.
Trương Nghi, Tô Tần.
Hội nghị bế tắc. Sau hai phút im lặng, Vua Cọp đằng hắng:
- Không có ai đề nghị thêm thì trẫm đề cử Tê Giác.
Cử tọa rào lên, lao xao như có cơn gió thổi qua rừng cây. Vua Cọp chậm rãi nhấn mạnh từng tiếng:
- Tê Giác tuy xưa nay chưa lập công trận, nhưng xét dũng lực thì không thua Heo rừng, điềm đạm ít ba hoa thì không thua Gấu Ngựa. Còn lội nước thì hơn hẳn Beo.
Thừa tướng quì xuống – Nhưng mắt Tê Giác không sáng hơn mắt Heo rừng:
Vua Cọp:
- Kẻ trí đâu phải chỉ nhìn bằng mắt? Mắt thịt đâu đủ để phản ảnh sự thật? Còn cần cặp mắt vô hình của Trí tuệ.
Ðã quì sẵn, thừa tướng tâu luôn:
- Cũng không hơn Beo về tài nhảy cao, sải mau.
Vua Cọp cười lạt:
- Nhảy cao sải mau để làm gì? Ðó mới là điều đáng nói. Nếu để chạy trốn thoát thân thì Khanh có còn khen nữa không?
Thấy giọng Vua hơi xẳng, nhưng bởi mình đã đề cử Gấu Ngựa nên vì uy tín, Thái sư phải khúm núm thưa:
- Thần trộm nhớ có nhiều lần ngài Tê Giác cũng đào củ trộm nơi vườn của Lão tiều phu.
Vua Cọp nhã nhặn:
- Nhưng không bị bắt gặp. Không bị nện gậy trên lưng.
Thấy ý vua đã rõ, quần thần không nói nữa. Vậy là sắc chỉ phong Tê Giác làm Nguyên soái được vua ký liền đó, dấu son đỏ đóng liền đó, và Tê Giác được mời lên lãnh ấn.
Thị vệ oang oang hét:
- Kính mời Nguyên soái Tê Giác lên điện. Mời Nguyên soái lên điện.
Nhưng Tê Giác cứ đứng yên, mặt ngẩn ra như người đang tính chuyện buôn bán làm ăn. Ðiếc tới cở đó. Phải đợi tới lúc Ngựa Vằn lén đá một cái mạnh vào mông mới giật mình, chậm chậm quay lại:
- Cái... gì? Bãi trào... rồi hả?
Ngựa vằn phải vội cúi mặt xuống nín cười. Rồi kề miệng vào tai hét:
- Lên điện để lãnh ấn.
- Hẽ! Lên điện nào? Lãnh cái ấn gì? Sao mày không lên lãnh?
Thấy chậm quá và thấy cử tọa đã rúc rích nhiều tiếng cười, Thừa tướng phải xuống kéo Tê Giác lên. Y như thầy giáo dẫn một tên học trò lười biếng đem lên bảng đen để phạt đòn.
Mọi thủ tục trao ấn, lãnh ấn, chúc từ, diễn từ, huấn từ, thổi kèn, vỗ tay... được tiến hành tuần tự, không thành công mỹ mãn lắm, nhưng cũng đầy đủ.
Bãi trào.
Trên các nẻo đường, ý kiến rào rào:
- Trời ơi! Bửa nay tôi mới biết ổng. Té ra ổng điếc còn hơn cái cán cuốc.
- Rồi làm sao mà ra trận? Chẳng lẻ khi nghe địch quân ào ạt hô “xung phong” ổng lại tưởng cận vệ mời... đi tắm?
- Chà chà! Cái điệu này khó chơi rồi ta! Ổng ấm ớ nói đâu có ra câu ra cú. Rồi làm sao mà hiệu triệu binh sĩ, mà trình bày chiến thuật, mà đúc kết kinh nghiệm?
- Ổng bưng cái ấn cũng không nên thân nữa. Cúi chào cũng không biết cách chào. Ði quay lui thì đâm sầm vào ông Thừa tướng, thiếu điều ông này ngã chổng gọng.
- Mà ổng hồi giờ có học được chút vỏ nghệ nào đâu? Không chừng ổng còn lộn vỏ nghệ với vỏ gừng... Vỏ riềng và dám ổng nói tối nào cũng ngồi gọt vỏ nghệ để vợ ổng bôi mặt trị mụn.
Vậy đó, sơ lược hình ảnh sự tín nhiệm của quần thần dành cho Nguyên soái.
Khi được tin lành. Tê Giác vợ chọn một đứa cháu thông minh lanh lợi bắt đi theo sát Nguyên soái để nhắc chừng. Ngài phải làm gì vào giờ nào, vào trường hợp nào. Nguyên soái phu nhân đã dự phòng mọi việc, nghĩ trước mọi cách giải quyết. Tiếc rằng bà không biết chữ để viết những lời dạy bảo chồng thành một cuốn cẩm nang bắt đem theo.
Ngày xuất quân. Các đội ngũ chỉnh tề dàn hàng. Nguyên soái lên đứng ở gò cao, hiệu triệu. Thằng cháu đóng vai hầu cận đứng cạnh nhắc chừng.
- Cúi đầu chào... Quay qua trái, chào... Quay qua mặt, chào... Ngước mặt lên.
Nguyên soái làm y theo.
- Bây giờ nói “Hỡi binh sĩ! Sau những ngày...
- Hỡi binh thĩ! Thau những ngày...
Chết nữa! Lại còn nói ngọng nữa! Vậy là cả sân cười ré lên, cười hô hố, cười ngả nghiên. Thú rừng đâu có biết xã giao ý tứ như người?
- Hôm nay chúng ta đồng cương quyết siết chặt hàng ngũ tiến lên...
- Hôm nay chúng cương đồng chặt quyết lên tiến lên...
- Ðập tan thành lũy, Dương đừng quất đuôi trúng mặt cháu – đánh đuổi...
- Ðạp thành lũy dượng đừng quất đuôi...
Cả sân lại ré lên cười. Nguyên soái biết mình vừa nói bậy nên đổ quạu, đứng khựng không nói nữa. Rồi bất ngờ hét to:
- Thôi, không nói nữa. Tiến lên! Nhào đại vô! Theo tao!
Nói xong, đâm đầu chạy trước, chạy thẳng về phía thành lũy nơi đầu núi. Ðội ngũ ngơ ngác nhưng cũng lật đật rầm rầm chạy theo chủ tướng.
Các đại thần ra tiễn chân vội vàng chạy theo kêu lại, nhưng tiếng ào ào như thác đổ làm sao nghe được? Sao lại tấn công vào đồn lũy ở đầu núi? Ban tham mưu đã họp, Vua Cọp đã chỉ thị rõ là đại quân phải tiến chiếm thung lũng rồi mà. Hôm đó Nguyên soái cúi đầu nhận lệnh, một điều dạ vâng, hai điều dạ vâng, té ra là Nguyên soái điếc đặc, chỉ nghe tiếng được tiếng mất chớ gì? Nguy chưa? Có ai dại đem cả đại quân đi nạp mạng kiểu này?
Trong khi các đại thần binh cờ đầy óc, mưu lược đầy bụng đang than trời thì Nguyên soái Tê Giác cứ hùng hục chạy tới, gặp vũng sình thì nhào xuống lội qua, lặn hụp nhớp nháp, bùn bắn tứ tung. Cả một bầy Tê Giác dưới trướng cũng ùn ùn làm theo, khiến trận địa đối phương rối loạn. Có ai ngờ bị tấn công kiểu này? Có chuẩn bị đối phó gì đâu? Kết quả tất nhiên phải là mạnh ai nấy chạy thoát thân.
Nguyên soái và đoàn quân tha hồ mà rượt theo, mà húc, mà dậm, mà ủi, mà chà xát, rồi sẵn đà cứ rượt, rượt xa, rượt sâu vào hậu phương. Ðội ngũ địch quân đang ở thung lũng được tin cấp báo, sợ quá, tan rã trong nháy mắt, phần ai nấy chạy, sợ bị bọc hậu. Trong khi nguyên soái Ngài nào có biết bọc hậu là gì! Ngài chỉ biết chạy càn trước mặt, gặp gì phá nấy. Ðức vua Cọp Hội tín cùng triều thần được hung tin phải gấp gáp phò hậu cung mà chạy bán mạng.
Ðến trưa tròn bóng, Nguyên soái Tê giác mới thấm mệt, dừng lại thở. Toàn một vùng đất đai rộng mà Ngài đã chạy qua, coi như là đất đai đã chiếm được. Còn có chiến thắng nào hiển hách hơn? Trong lịch sử của vương quốc Hà yến có vị tướng nào chiến tích lừng lẫy hơn?
Trong đại lễ mừng chiến thắng, Nguyên soái được đón tiếp như một vị anh hùng. Tiếng hoan hô vang dậy. Nhưng nguyên soái cứ lùi lũi bước tới, không ngó ngang ngó ngửa như một tên xu thời gặp may khác. Người ta khen:
- Tai cao mà đức trọng.
Vua Cọp bước xuống ngai nghênh tiếp, tỏ lòng ân cần. Nguyên soái cứ nghểnh đực cái mặt không biết phủ phục lạy tạ. Người ta khen:
- Xương sống của người quân tử không có pha cao su.
Vua cọp dịu dàng hỏi:
- Khanh có thể tóm tắt nguyên lý chỉ đạo chiến dịch vừa rồi?
Nguyên soái “ờ... ờ” một hồi lâu rồi vụt miệng:
- Nhào tới.
Thái sư vội vàng đỡ lời:
- Hiền huynh có thể rút ra từ chiến thắng lừng lẫy vừa rồi một quy luật mới về “công đồn đả viên”? Bởi rõ ràng chiến thuật vừa rồi của hiền huynh rất độc đáo.
Nguyên soái lại “ờ... ờ” rồi, lần này thì biết mĩm cười:
- Dạ... nhào tới
- Thừa tướng thấy mình cũng cần khen một tiếng lấy lòng:
- Nhưng thưa đại huynh, tuy cũng là nhào tới, nhưng có ba, bảy đường nhào tới. Cái nhào tới của đại huynh đây là thứ nhào tới bằng vàng, bằng ngọc, bằng kim cương.
Nguyên soái ngẩng mặt không hiểu Thừa tướng muốn nói gì. Nhưng khi Thừa tướng dứt lời. Nguyên soái cũng biết bắt chước nghiêng mình mà nói được bốn tiếng:
- Thì cứ... nhào tới.
Vua Cọp ra lệnh nữ nhạc tấu khúc “Ðăng đàn” và mời các quan dự yến. Tiền hung hậu kiết, mọi việc tưởng dở mà lại hóa hay, đó là nhờ hồng phúc của Tiên vương Cọp Hà yến vốn ăn hiền ở lành.
Mọi người yến ẩm vui ca, không ai ngờ cái khổ đang rơi nhằm Thái sử Cồng Cộc. Ngài Thái sử nhúng cái mỏ dài vào bình mực nhiều lần, nhíu mày tập trung suy nghĩ nhiều giờ mà chịu không biết nên chấp bút ra sao để tường thuật chiến công rực rỡ của Tế Giác. Nói là Ngài cứ hùng hục nhào tới, chẳng có chiến thuật, chiến lược gì ráo trọi, vậy mà thành công, một trường hợp ‘chó ngáp trúng ruồi’? Hay phải tô điểm vẽ vời sao cho mỗi bước tiến bước thoái như đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, tuyệt vời?
Ngài Thái sử cứ như vậy loay hoay cân nhắc, chấm mực liên tiếp bằng cái mỏ nhọn mà Ngài dùng làm bút, cái mỏ cứ gõ “cốc... cốc” cơ hồ làm lủng cả đáy bình mực.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/01/2023(Xem: 3892)
Như ngay lúc này đang nằm bệnh viện lọc máu thì đánh máy bằng 1 ngón tay (vì 1 tay bị châm 2 kim lọc máu thì hầu như không nhúc nhích được), khi về nhà thì dùng 2 ngón! Một tuần cứ 3 lần đi lọc máu 4 tiếng rưỡi, coi như quãng thời gian không làm việc gì thì bắt buộc làm việc thông thường là vẫn đọc, nghe tin, textchat và biên soạn được, nhưng không nói được vì làm ồn chung quanh.
17/01/2023(Xem: 1928)
Tôi đến đây ngày 10.12.2022 tham dự lễ trao giải nhân quyền, buổi lễ diễn ra trong bầu không khí thật trang nghiêm và thật cảm động. Đã có rất nhiều bài tường thuật, và video hình ảnh trao giải nhân quyền, chắc có lẽ quý vị đều đã được đọc, xem và tham dự, nên chắc rằng tôi không thể nào diễn đạt được hay bằng hình ảnh cũng như những người có tâm huyết, hoặc những nhà báo viết phóng sự, tôi muốn nhắc đến một vị lãnh đạo tinh thần cho Phật Giáo đó là Hòa Thượng Thích Như Điển, người xây dựng lên ngôi chùa Viên Giác, và là người đầu tiên đến Đức cho bà con chúng tôi có chỗ nương dựa tinh thần trong những tháng ngày còn rất mới nơi xứ lạ quê người.
15/01/2023(Xem: 4045)
Thiệu Trị là vị hoàng đế thứ ba của triều đình phong kiến nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông lên ngôi khi tình hình đất đất nước đã đi vào ổn định, được thừa hưởng một di sản rất lớn, nền chính trị ổn định, vững chãi do vua Gia Long và Minh Mạng đã dày công vun đắp, cải cách và phát tiển. Vì vậy, trong thời gian 7 năm trị vì ngắn ngủi của mình, ông cũng không có cải cách gì mang tính đột phá mà chỉ là người tiếp nối đường lối trị nước của hai vị tiên vương như đúng tên của ông. Ngoài thành tựu về mặt văn học nghệ thuật, trong thời gian trị vì của vua Thiệu Trị còn nổi bậc lên với thành tựu về mặt kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc trên đá đã đạt đến trình độ đỉnh cao so với các đời vua trước.
11/01/2023(Xem: 2444)
Tôi xin hân hạnh giới thiệu với quý vị và các cháu một công trình Hướng Dẫn Học Đánh Vần Tiếng Việt đột phá và hết sức hữu dụng cho mọi gia đình Người Việt ở hải ngoại có con cháu đang độ tuổi học trò. Công trình này là kết tinh những sáng nghĩ, cùng với kinh nghiệm nghề nghiệp dạy Vietnamese as A Second Language, trong suốt 25 năm tôi hành nghề Giáo Viên Trung Học và một năm Đại Học, trong Hệ Thống Chính Mạch (Main Stream) tại Melbourne, cho các học sinh hoàn toàn sinh trưởng tại Úc. Trong suốt ¼ thế kỷ, chúng tôi cùng trong một Department of Languages, gồm các đồng nghiệp dạy Italian, Spanish và English as a Second Language, tôi đã học hỏi được rất nhiều phương pháp thực tập từ những bạn đồng nghiệp này.
11/01/2023(Xem: 2158)
Biết được mình ngu, Nhờ vậy thành bớt ngu. Không biết mình ngu, Đó mới là đại ngu.
09/01/2023(Xem: 2399)
Bà Hạnh có ba người con, hai trai một gái. Ba người con là ba thế giới khác nhau. Từ tính tình, sở thích, cách sống, nếp suy nghĩ không ai giống nhau cả. Đúng là, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Nhưng nhiều khi ngẫm nghĩ rồi phân tích cá tính mỗi người con, bà Hạnh nhận ra cũng không xa tâm tính của cha mẹ. Như cậu Hải, con cả, cậu khá giống tính cha, một người cha đam mê quyền lực, tiền tài. Ông quan niệm trên cõi đời này điều kiện ắt có và đủ để ngẩng đầu cao cùng thiên hạ là không thể thiếu một trong hai điều đó. Mà hễ được một, quyền lực, đương nhiên sẽ có hai, tiền, vì quyền sẽ sinh ra tiền và ngược lại.
08/01/2023(Xem: 3065)
Quý Mão, con mèo… Chúng ta đang tới gần Tết Nguyên Đán 2023. Nếu có ai hỏi rằng thế giới có sáng tác văn học nào thơ mộng về mèo hay không. Không, chúng ta không có ý nói gì về những chuyện đời thường lãng mạn hay tiểu tam hay tiểu tứ gì hết. Chúng ta chỉ muốn nói về một cõi thơ mộng y hệt như thời của Cha Rồng và Mẹ Tiên. Có đấy chứ, có một truyện về một cô mèo tam thể của một chàng họa sĩ Nhật Bản trong một thời nào xa xưa lắm, khi người ta chưa xài Tây lịch. Và truyện do một nhà văn Hoa Kỳ kể lại.
06/01/2023(Xem: 2350)
Một buổi sáng Trời còn lờ mờ sương đêm, bóng tối vẫn còn bao trùm trên những con đường, tôi đã thức dậy thật sớm trong ngày đầu năm mới để tham gia một hoạt động vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình, đó là tham dự khóa tu “Sống Tỉnh Thức” tại Tu Viện Khánh An và tham gia Lễ quy y Tam Bảo. Giữa cái lạnh của cơn mưa lất phất cuối mùa, tôi chạy xe đi qua một con đường khá dài từ nhà đến Tu Viện,
06/01/2023(Xem: 1966)
Không hiểu sao dù bị bao nhiêu bạn đồng tu chỉ trích nếu đã theo nguyên thủy lại còn nghiên cứu đại thừa và đôi khi còn làm những bài thơ xưng tán các vị Bồ tát, đó là quên Phật mà chỉ lo nhớ Tổ, thì con đường tu đã sai lầm…
05/01/2023(Xem: 5947)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 CẢM NIỆM VỀ XUÂN, MỪNG XUÂN.. (thơ Thắng Hoan), trang 4 MÙA XUÂN VẠN THỤ KHAI HOA (Nguyễn Thế Đăng), trang 5 ĐÔI LỜI TÂM SỰ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 7 THÔNG BẠCH TẾT QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Giáo Phẩm), trang 8 THƯ CHÚC XUÂN QUÝ MÃO – 2023 (Hội Đồng Điều Hành), trang 9 THƯ CHÚC TẾT (HT. Thích Nguyên Trí), trang 10 NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HÓA PHẬT GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM (HT. Thích Thắng Hoan), trang 11 NHỮNG NƠI MÀ NGƯỜI TU NÊN BỎ ĐI VÀ NÊN Ở LẠI (Quảng Tánh), trang 14 THÔNG TƯ PHẬT ĐẢN LẦN THỨ 2647 (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 15
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]