Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Khánh Anh sau 30 năm

01/10/201410:50(Xem: 14201)
Chùa Khánh Anh sau 30 năm

Vài lời mở đầu: Nói "Chùa Khánh Anh sau 30 năm" có nghĩa là đã bắt đầu bước sang năm thứ 30+1... Thật vậy, chùa Khánh Anh bắt đầu sinh hoạt từ Lễ Phật Đản 1974, tức 1 năm trước biến cố lịch sử 30/4/1975.

Tại sao lại không phải là sau ngày 30/4/75 như nhiều nơi khác, và nhiều chùa khác ở hải ngoại ? Thưa quý vị và bà con cô bác, đó mới là có chuyện để kể lại. Và cái đoạn này có nhiều chuyện để kể lắm. Nghĩa là nguyên nhân do đâu, và từ bao giờ đưa đến việc thành lập chùa Khánh Anh trước năm 75 và sinh hoạt cho đến ngày hôm nay?

30 năm qua được coi là quá đủ cho một thế hệ tiếp nối. Nếu không được ghi lại, kể lại thì lớp người sau chắc chắn sẽ đi vào quên lãng hay hiểu một cách lờ mờ hoặc qua trung gian một người khác kể trong khi lớp người trực tiếp sinh hoạt khi trước cứ từ từ ra đi. Kiểm điểm thì thấy đã vắng bóng một phần lớn, từ quý Thầy cho đến Phật tử và bà con đồng hương lúc ban đầu. Do đó chúng tôi muốn có dịp để tường thuật lại cho bà con xa gần được nghe, được biết đầu đuôi gốc ngọn của ngôi chùa Khánh Anh, nhất là cho thế hệ mới trưởng thành. Dĩ nhiên, tự mình kể lại chắc không tránh khỏi phần chủ quan, nhìn từ một phía. Mong có người thấy chỗ thiếu sót bổ túc cho, để được có cái nhìn khách quan, quân bình hơn.

Khi vừa tròn 30 năm (2004) chúng tôi đã có ý muốn thực hiện điều đó. Nhưng rồi công việc bề bộn, lại thêm công tác kiến thiết ngôi chùa mới ở Evry còn dở dang. Nên cứ thế cho trôi qua, hứa và tự hứa rồi đâu vẫn còn đấy!

Bỗng nhiên, năm nay (năm Dậu - 2005) một cơn bệnh bất ngờ ập tới, báo hiệu cho thấy việc xả bỏ thân tứ đại này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không thể đoán trước được. Chính đây là nguyên nhân gần nhứt thúc đẩy cần phải kể lại ngay. "Nhớ đâu nói đó" không nên chần chờ nữa. Biết đâu chẳng còn cơ hội để kể lại được một tý nào!

Như vậy, chắc chắn đây không phải là một thiên hồi ký đúng nghĩa. Cũng không phải là một quyển tự truyện hay một lối tiểu thuyết lâm ly ướt át, có đầu đuôi, nhân quả.

Chúng tôi tự nghĩ hơn 30 năm qua, sinh hoạt của chùa Khánh Anh giữa tập thể người Việt hải ngoại, nhất là tại Âu Châu và tại vùng Paris, Pháp Quốc, không phải đơn thuần chỉ có việc chùa, việc đạo mà còn có nhiều việc liên quan đến sinh hoạt cộng đồng, nhất là lúc đầu trải qua những giai đoạn của người vượt biển, vượt biên, boat people "bỏ phiếu bằng chân" cho chế độ Cộng Sản Việt Nam. Lúc ấy, chắc mọi người còn nhớ, quốc tế hồ hởi hoan nghênh đón rước. Nhưng 10 năm sau lại sinh ra hiện tượng cưỡng bách hồi hương rồi "ra đi có trật tự" (ODP) rồi đoàn tụ gia đình v.v... ôi thôi, đủ thứ hình thức diễn ra trong những thập niên 80, 90.

Tiếp đến là pháp nạn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt tại quê nhà, âm ỉ sau biến cố 75 rồi bộc phát vào khoảng 81, 82 và sau này. Nhân quyền, dân chủ, tự do tư tưởng, nhất là tự do tôn giáo cho đến bây giờ vẫn còn là những điều cấm kỵ trên đất nước Việt Nam. Cho nên kể lại chuyện chùa Khánh Anh sau 30 năm không làm sao tránh không nói đến các lãnh vực nêu trên trong những năm tháng vừa qua.

Có những việc được coi như sôi nổi một thời, bây giờ đã lắng dịu, giảm thiểu dần dần đến chỗ gần như chấm dứt (như vấn đề tỵ nạn). Nhưng những vấn đề khác vẫn ù lì nằm đó chưa có lối ra, dầu có ma giáo chuyển đổi dưới nhiều hình thức. Không phải chỉ có Giáo Hội PGVNTN mà nhiều tôn giáo khác cũng đều là nạn nhân của một chế độ khắc nghiệt, dai dẳng còn sót lại trên quả địa cầu.

Rồi từ một ngôi chùa sinh hoạt ở Pháp dần dần lan tỏa ra khắp các nước Âu Châu, khi người tỵ nạn Việt Nam đến định cư ở các xứ này, chấp nhận xây dựng lại cuộc đời, trong đó có sinh hoạt tôn giáo. Chẳng bao lâu sau đó, các hội Phật tử, các hội Phật giáo Việt Nam được lập ra. Các chùa Việt bắt đầu thành hình ở Đức, ở Thụy Sĩ, ở Hòa Lan, rồi các nước Bắc Âu. Ngày nay còn lan đến các vùng khác ở Đông Âu và xa hơn nữa, ở Liên Sô cũ, tức nước Nga bây giờ.

Trong sinh hoạt của chùa Khánh Anh 30 năm qua, tuy không phải trực tiếp xây dựng và điều hành tất cả các chùa ở Âu châu, nhưng ít ra, cũng đã có ít nhiều nhân duyên hoạt động liên hệ, để rồi 10 năm sau (1980-1990) kết hợp hình thành một tổ chức chính thức. Đó là GHPGVNTN Âu châu...

Bây giờ, lớp người cũ lần lượt nằm xuống (và sắp nằm xuống). Rồi công việc tiếp nối sẽ ra sao? Có đúng như ước muốn của những người xây dựng lúc ban đầu hay không? Hay là và... hay là, nhiều thứ "hay là" lắm. Thế thì kể lại chuyện sau 30 năm ở đây, làm sao tránh khỏi những ưu tư, những lo lắng cho ngày mai, cho thời gian sắp tới...

Cụ thể là cố gắng xây một ngôi chùa Việt trên đất Pháp cho có bề thế một chút (để lưu niệm về sau), mà đã thiên nan, vạn nan. Hơn 10 năm rồi, vẫn chưa hoàn tất. Nhưng thế nào rồi cũng phải xong. Vấn đề còn lại là duy trì và phát triển sẽ ra sao đây, theo chiều hướng nào theo phương pháp nào để khỏi phụ lòng các bậc tiền bối đã hướng dẫn và góp phần, lao tâm nhọc sức xây dựng ra. Ôi thôi bao nhiêu thứ suy nghĩ vẩn vơ, mông lung mờ mờ ảo ảo. Tuy không hoàn toàn bi quan bỏ cuộc, nhưng cũng không thể nào lạc quan phấn khởi mỗi khi nghĩ tới.

Việc trước mắt là phải xây dựng cho xong ngôi chùa, trả hết nợ nần vay mượn và nhất là cầu nguyện Chư Phật, Bồ Tát, Long Thiên, Hộ Pháp phò trì gia hộ cho có một lớp kế thừa "như luật, như pháp" để tiếp nối cho lớp già cổi lẩm cẩm này. Chỉ có chút công khai phá mà không biết làm sao để duy trì, chưa biết làm sao tìm ra cho được con đường để tiếp nối hữu hiệu.

Lại lẩn thẩn nữa rồi! Lẫn lộn giữa thực và mơ. "Thực" là những khó khăn trước mặt, những nợ nần phải nhớ, những bệnh tật phải lướt qua. Còn "" là chuyện tương lai, là thế hệ kế thừa "như pháp, như luật". Đó là do phước báo của toàn thể chớ đâu phải riêng một mình lo là được. Tức còn phải tùy thuộc vào cộng nghiệp của tất cả.

Mỗi người chỉ có một trách nhiệm phải hoàn thành. Nhưng không phải là quyết định cho tất cả. Biết như vậy nhưng rồi vẫn cứ lo...

Tóm lại: chúng tôi sẽ cố gắng viết lại. Tại sao và bao giờ sinh ra chùa Khánh Anh trên đất Pháp? Và mục đích để làm gì? Tùy theo tình trạng sức khỏe và công việc cho phép, chúng tôi sẽ đề cập đến những sự việc có liên hệ xa gần với ngôi chùa vừa bước qua khỏi tuổi 30 :

1/. Giai đoạn thành lập (1969-1975).

2/. Bước đầu sinh hoạt khi có phong trào người tỵ nạn Việt Nam trên thế giới (1975-1989).

3/. Sinh hoạt mở rộng ra các nước Âu châu đi đến hình thành GHPGVNTN Âu Châu (1980-1990).

4/. Sinh hoạt trong lòng Giáo Hội Âu Châu sau khi thành lập (1990-2005).

5/. Những dự phóng về sinh hoạt tương lai của Giáo Hội ở Âu châu (2005 trở đi).

Thật quả là một tham vọng (chưa dứt hết lòng tham, dù là tham viết). Nhưng xin nhắc cho "người viết" hãy tự biết rằng: tình trạng hiện tại (của sức khỏe) chỉ là giai đoạn xin "gia hạn (prolongation)" mà chưa có con dấu chuẩn y. Nói thế để chư Tôn Đức và bà con Phật tử xa gần thông cảm mà hoan hỉ cho, nếu có điều gì nói quá đà, quá đáng, trật đường rầy (xe lửa) xin điều chỉnh lại giùm. Hoặc là nửa chừng đứt bóng, gãy gánh tan hàng cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm. Vậy xin chân thành sám hối, đa tạ trước.

Vì không có sức viết nhanh, viết nhiều cùng một lúc, cứ mỗi kỳ có bản tin Khánh Anh (3 tháng 1 lần) chúng tôi xin phép dành 2,3 trang để kể chuyện cà kê. Và, nếu còn được "gia hạn" dài dài sẽ kể thêm nhiều kỳ, rồi "góp gió thành... tập" cho bà con xem chơi, đỡ buồn.

Và bây giờ chúng tôi xin bắt đầu, nhưng lại cũng bằng câu chuyện "ngoài lề" chứ chưa chịu đi vào bố cục chính thức. (lại lẩn thẩn nữa)

Thứ nhứt là nói về Bản tin Khánh Anh. Kỳ này quý vị nhìn thấy có cái gì lạ lạ. Đó là Bản tin Khánh Anh tháng 1/2006 (3 tháng 1 lần). Vẫn là chuyện cũ. Lạ là ở chỗ có thêm "số 66" trên đầu. Tại sao lại là "số 66", tính từ đâu ra? Mà từ đầu đến đây không thấy ghi 1,2,3 gì ráo. Bỗng nhiên có "số 66" nghĩa là sao ? Đó là đầu mối của những câu chuyện rắc rối sẽ được lần lượt kể hầu quý vị am tường sau đây.

Số là trong những ngày vừa qua, khi cơn bệnh báo hiệu còn lơ lửng như 1 "bản án treo", chúng tôi cố gắng ngồi gom góp lại tất cả báo chí, bản tin do chùa Khánh Anh in ra từ khi bắt đầu sinh hoạt (1974) đến nay (đầu năm 2006) mới thấy rằng trong các số báo và bản tin đó có ghi lại khá đầy đủ nhiều sự việc xảy ra từ chuyện trong đạo ra việc ngoài đời, từ trong chùa ra ngoài xã hội hơn 30 năm qua, tức gần 1/3 thế kỷ. Nếu không đánh số thứ tự và xếp loại rõ ràng thì người sau rất khó mà theo dõi. Bởi vậy chúng tôi xin phép bắt đầu đánh lại số thứ tự và sắp xếp theo thời gian. Xin cố gắng tóm lược tổng quát như thế này cho quý vị dễ nhớ :

Khi ngôi Niệm Phật Đường Khánh Anh được biểu quyết thành lập, qua một phiên họp thu hẹp trong vùng Paris vào cuối tháng 10/1973 đưa đến việc đi tìm chỗ nơi để thuê mướn. Và sau gần 6 tháng tìm kiếm, Lễ An Vị Phật được thông báo cử hành vào dịp Đại lễ Phật Đản ngày Chủ nhựt 5/5/1974 (nhằm ngày 14/4 năm Giáp Dần - Phật lịch 2518) tại ngôi Niệm Phật Đường tạm thời thuê mướn ở số 27 ter Av Paul Doumer 94110 Arcueil - Val de Marne - vùng ngoại ô Nam Paris.

Và bắt đầu từ tháng 5/1974, cho ra đời 1 tờ báo lấy tên là "Pháp Luân". Nói là báo "cho oai", chứ thực ra chỉ có 8 trang khổ A4 in lối Ronéo "lưu hành nội bộ" vào khoảng 200 số mỗi kỳ. Mỗi kỳ là 1 tháng. Báo "Pháp Luân" dưới tiêu đề có câu "Cơ quan phổ biến giáo lý và hướng dẫn tu học của Phân bộ hải ngoại GHPGVNTN".

Thế là rõ ràng: Niệm Phật Đường Khánh Anh thuộc về cơ sở hoằng pháp của GHPGVNTN - Phân bộ hải ngoại. Phân bộ này gồm có những ai, thành lập từ lúc nào với mục đích gì... sẽ được nói đến ở những bài kế tiếp.

Kỳ này xin được nói đến phần báo chí và bản tin. Nó là cái xương sống chạy xuyên suốt từ đầu đến bây giờ như một cuốn phim thời sự. Nhưng chúng ta có quyền thắc mắc: Tại sao cho tới ngày hôm nay (đầu năm 2006) trong 30 năm mà chỉ có 66 số báo và bản tin hay sao ?

Xin thưa: Như trên đã nói, báo "Pháp Luân" số 1 ra ngày 26/5/1974 (sau lễ An vị Phật 5/5/74) trong đó có phổ biến một bản thông bạch gởi đến bà con phật tử xa gần tại Pháp và trong vùng Paris được biết rằng có một ngôi Niệm Phật Đường lấy tên Khánh Anh vừa được thành lập tại thị xã Arcueil ngoại ô Paris (ga RER : La Place) đã bắt đầu sinh hoạt do Đại Đức Thích Minh Tâm làm trụ trì. Thông bạch này do Phân Bộ Hải Ngoại GHPGVNTN phổ biến đề ngày 16/5/1974.

Nhưng báo "Pháp Luân" đến số 8 (nghĩa là sau 8 tháng) thì chấm dứt, chuyển thành báo Khánh Anh số 1 ra ngày 27/2/1975 với câu phụ đề ở dưới, hơi ngắn 1 chút là: "Cơ quan hoằng pháp GHPGVNTN Hải Ngoại".

Báo Khánh Anh cũng ra hàng tháng khổ A4, in lối Ronéo nhưng số trang nhiều hơn: 16 trang. Tại sao có sự thay đổi này? Dĩ nhiên cũng có nhiều lý do nội bộ sẽ có dịp đề cập đến trong những bài kế tiếp.

Nhưng sau khi ra đến số 28 (ngày 25/9/1977) báo Khánh Anh chuyển thành Khánh Anh bộ mới khổ lớn 44x29, bắt đầu ghi trở lại số 1 ngày 21/4/1978. Báo Khánh Anh bộ mới này cũng ra mỗi tháng 1 kỳ, 8 trang. Vào các dịp lễ lớn như Phật Đản thì cho ra Đặc san đóng thành tập. Có 2 Đặc san số 18 cho Phật Đản 2526-1982 và Đặc san số 21 cho Phật Đản 2527-1983.

Rồi báo Khánh Anh khổ lớn này qua khỏi số 24 (ra ngày 3/6/84) lại phải "lột xác" 1 lần nữa chuyển thành tập san Khánh Anh khổ A4 đóng tập, 40 trang. Không hiểu vì sao, kỳ này, Tập san Khánh Anh không bắt đầu trở lại số 1 (như trước) mà tiếp tục đánh số thứ tự tiếp theo Khánh Anh khổ lớn trước đây. Khánh Anh khổ lớn chấm dứt ở số 24 thì Tập san Khánh Anh (40 trang khổ A4) tiếp theo bằng số 25. Hiện nay sưu tầm trở lại chúng tôi thấy còn thiếu số 23 và 25 trong bản lưu. (số 23 ra ngày 5/3/84 và số 25 ra ngày 9/9/84. Nếu vị nào còn giữ, cho chúng tôi xin lại hay xin copy lại 1 bản để lưu trữ cho đủ toàn bộ. Xin cảm ơn trước)

Trở lại chuyện Tập San Khánh Anh, tưởng là "oai" lắm, mỗi tháng ra 1 kỳ, 40 trang. Nhưng dần dần tài chánh thâm thủng, phải gồng lên, chịu đựng. Riết rồi, chịu hết nổi, phải ra bất định kỳ, nghĩa là 2,3 tháng ra 1 kỳ, có khi gần cả một năm sau mới thấy bóng dáng báo Khánh Anh xuất hiện. Quý Thầy và bà con phật tử quở trách quá. Vừa thiếu tiền, lại thiếu người chuyên lo báo chí, trong khi chùa Khánh Anh lại phải mở rộng các hoạt động ra toàn vùng Âu châu (khoảng thập niên 80).

Nhu cầu cấp thiết để thông báo cho nhanh chóng kịp thời đến các chùa và bà con phật tử xa gần nên phải ra Bản tin bổ túc vừa ngắn gọn vừa ít tốn kém về tiền bạc lẫn công sức. Đó là lý do chánh đáng để hình thức Bản tin ra đời. Lúc đầu gọi là Bản tin bổ túc ra số 1 (4 trang) vào tháng 1/1989. Bên cạnh đó, tờ Tập san Khánh Anh vẫn tiếp tục ra lai rai, cầm cự. Cho đến Khánh Anh số 41 (ra đầu năm 1992) Tập san Khánh Anh chịu hết nổi, đành chấm dứt hẳn, nhường chỗ cho Bản Tin Khánh Anh đi một mình.

Mỗi năm 4 kỳ, tức 3 tháng 1 lần Bản Tin Khánh Anh ra trước các ngày Đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Trung Thu và Tết Nguyên Đán. Và Bản Tin Khánh Anh ra tháng 5/1992, (trước lễ Phật Đản năm này), chính thức thay thế cho tờ báo Khánh Anh và cứ tiếp tục đều đặn như vậy cho đến ngày nay.

Có điều là bản tin cứ ra đều đặn 3 tháng 1 lần, mà không có đánh số thứ tự, chỉ ghi ra tháng nào. Chẳng hạn Bản Tin Khánh Anh đầu năm trước ghi là ra tháng 1/2004 cho đến số đầu năm sau lại ghi là Bản Tin Khánh Anh ra tháng 1/2005. Bây giờ ngồi gom trở lại, xếp theo thời gian để dễ bề tham khảo, mới thấy số thứ tự là rất ư cần thiết. Nếu tính từ Bản Tin Khánh Anh bổ túc số 1 ra tháng 1/1989 đến nay là Bản Tin Khánh Anh ra tháng 1/2006 mà quý vị đang cầm trên tay, có tất cả là 66 số. Vậy xin phép quý vị được đánh số thứ tự kể từ số này là số 66. Đó là nguyên nhân tại sao có thêm "số 66" ghi trên đầu bản tin Khánh Anh kỳ này.

Tổng kết lại chúng ta có:

1/- 8 số báo Pháp Luân (từ tháng 5/1974 đến tháng 1/1975).

2/- 69 số báo Khánh Anh (từ 27/2/75 đến đầu năm 1992).

trong này gồm có:

- 28 số báo Khánh Anh khổ A4, Ronéo (từ 27/2/75 cho đến 25/9/77).

- 24 số báo Khánh Anh bộ mới khổ 44x29 - 8 trang (từ 21/4/78 cho đến 3/6/84).

- 17 số báo Khánh Anh Tập san khổ A4 - 40 trang (từ 2/9/84 cho đến đầu năm 1992).

3/- 66 Bản Tin Khánh Anh (3 tháng 1 kỳ - từ 4 đến 32 trang) (từ tháng 1/1989 cho đến ngày nay, tháng 1/2006).

Và kể từ Bản tin ra tháng 7/2001 (nếu tính theo thứ tự là Bản tin số 48) cho đến bây giờ được in 4 màu, 32 trang. Số in ra mỗi kỳ tăng lên đến 12.000 số (riêng số ra tháng 10/05 vừa qua in 13.000 số). Phân nửa gởi trong nước Pháp, và phân nửa gởi đi các nước ở Âu châu và các châu khác.

Nhìn lại trong phút chốc, chúng ta cũng được một chút tự hào là đã có cả một sự nghiệp "khổng lồ". Đó là 143 số báo và bản tin (đối với người khác và nơi khác thì chẳng có gì đáng kể). Trong đó chuyên tải không biết bao nhiêu thông tin về Phật sự và thời sự cũng như bao nhiêu kỷ niệm vui buồn lẫn lộn trải qua hơn 30 năm trên đất Pháp cũng như ở Âu châu.

Thỉnh thoảng đọc lại một vài số, một vài đoạn, không khỏi xao xuyến, động tâm. Có bài gợi lại không biết bao nhiêu chuyện cũ mà ngôi chùa đã phải trải qua. Có bài đọc xong, không cầm được nước mắt vì nó gắn liền với những "biến cố lịch sử" của Giáo hội và của ngôi chùa không thể nào quên được. (Và cũng không thế nào diễn tả cho hết để người khác biết được)

Có số báo phải hoàn thành bản maquette ngay trong bệnh viện (khoảng cuối năm 74), có số phải đem in nhờ ở một nhà thờ Thiên chúa (khoảng đầu năm 1975), vì chưa có đủ phương tiện để in riêng, dù chỉ có 10 trang Ronéo khổ A4 và in ra 500 số!

Trong Khánh Anh số 1 khi vừa đổi tên, bài mở đầu, có đoạn nhắc lại lời Tổ Khánh Anh như sau :

"...Hoằng pháp lợi sanh là sự nghiệp của hàng Tăng sĩ. Hộ trì Chánh Pháp là bổn phận của người phật tử tại gia. Chúng ta hãy xem đó như việc nhà. Chúng ta hãy cố gắng tiếp dẫn đoàn hậu lai duy trì Chánh pháp. Chúng ta hãy luôn luôn tâm niệm rằng: Xây dựng Phật giáo bằng chính sự thực hành tu học và bằng những hoạt động xã hội phù hợp với Chánh pháp".

Đó là lời dạy của Cố Hòa Thượng Thượng Thủ Khánh Anh khi Ngài được suy tôn vào ngôi vị Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc (1959-1961).

Thích thú nhất là câu chuyện của 4 thầy trò Đường Tăng Tam Tạng, trích từ Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân (1500-1582) đời nhà Minh, bên Trung quốc. Đoạn này kể rằng 4 thầy trò Tam Tạng trên đường đi thỉnh Kinh, gặp phải 1 ngọn núi lửa chận đường.

Sa Tăng la lớn: Lửa cháy đón đường đi không đặng, biết làm sao đây ?

Bát Giái vốn tính lười nhác, xen vào ngay: Xem ngõ nào không có lửa thì đi !

Tam Tạng hỏi các đệ tử: Ngõ nào không có lửa?

Bát Giái trả lời liền: Thiếu gì! Phía Nam, phía Bắc, phía Đông đời nào có lửa.

Tam Tạng: Kinh ở phía nào?

Bát Giái: Kinh ở phía Tây.

Tam Tạng quyết định: Ta chỉ đi về phía có Kinh mà thôi. (Tây Du Ký, hồi thứ 60)

Nếu đem đối chiếu với bộ Đại Đường Tây Vực Ký do chính Ngài Huyền Trang (600-664) kể lại sau 17 năm du hành sang Ấn Độ học đạo và thỉnh Kinh đem về Trung quốc phiên dịch, thì sẽ thấy rằng giữa truyện chính và truyện viết phỏng theo (Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, sống cách 900 năm sau) phần cốt lõi về sự thật lịch sử và triết lý không có gì thay đổi. Nhưng phải nói một cách thẳng thắng rằng về mặt hấp dẫn, lôi cuốn người đọc say sưa theo dõi từ đầu đến cuối, từ bình dân đến trí thức, vẫn thích đọc Tây Du Ký nhiều hơn là Đại Đường Tây Vực Ký (Đại Chánh Đại Tạng Kinh, quyển 51 số 2087).

"...Theo truyện Tây Du, sau 17 năm trải qua các thứ gian lao khổ ách do đủ loại yêu quái gây ra như Ngưu ma vương, Thiết Phiến Công chúa, Hồng Hài Nhi, Quốc trưởng nước Tỳ khưu.., bốn thầy trò Ngài Tam Tạng mới đến được chùa Lôi Âm, lạy Phật thỉnh kinh. Nhưng nào đã hết nạn. Nỗi mừng chưa trọn, giở kinh ra thấy toàn là giấy trắng, không có một chữ. Thế là thầy trò phải quày quả trở lại chùa Lôi Âm một lần nữa. Rồi trên đường đưa kinh về Đông Độ, bốn thầy trò còn bị con rùa yêu quái cho "chìm xuồng" giữa sông khiến tất cả kinh đều bị ướt và một số bị trôi mất. Thế là thầy trò lại lục tục phơi kinh và thêm một phen đánh ma trừ quỷ...

Đủ mọi thứ gian lao vất vả nhưng sự quyết tâm của Đường Tam Tạng trước sau như một. Và như thế, ngọn đèn tinh tấn đã được chính Ngài Huyền Trang đốt sáng tỏ rạng bằng dầu của các thứ hoạn nạn chông gai!

TINH TẤN là một trong 6 hạnh của Bồ Tát (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ). Thiếu tinh tấn tức thiếu sự quyết tâm, thì một việc dù nhỏ đến đâu cũng dễ dàng bị bỏ dở.

Việc hoằng dương Chánh pháp cũng như hộ trì Tam Bảo mà chúng ta đang cố gắng thực hiện tại hải ngoại lúc này (đầu năm 1975) quả còn là một việc làm rất nhỏ. Chính vì thế mà rất cần đến hạnh tinh tấn.

Tinh tấn như những giọt nước, cứ liên tục nhỏ mãi thì thế nào cũng đầy những thùng lớn. Không hấp tấp vụt chạc, không tùy hứng bốc đồng, người Phật tử sau khi suy xét cẩn thận, rồi định lấy hướng đi và cất bước lên đường. Bước từng bước vững chắc, đều đặn và liên tục, không thối thoát, không trốn tránh. Đó là tinh tấn..."

(Trích bài Ngọn đèn Tinh Tấn - Báo Khánh Anh số 2 ra ngày 27/3/1975).

Ngày nay 30 năm sau, đọc lại bài báo kể trên, rồi kiểm điểm những Phật sự đã làm tại Pháp và Âu châu trong phạm vi hạn hẹp của ngôi chùa Khánh Anh, vẫn thấy còn bao nhiêu thứ khó khăn, hoạn nạn, tai ương, chờ đón khắp nơi. Mặc dù hướng đi còn nhìn thấy rõ ràng trước mắt nhưng bước tiến thì rất chậm, rất chậm, nhiều khi còn muốn đứng lại là đằng khác. Lực bất tùng tâm. Chắc chắn phải là do nghiệp chướng còn nhiều và phước báo chưa đủ. Nếu không có một quyết tâm kiên cố, không có một sức tinh tấn liên tục thì sẽ dễ dàng bỏ cuộc, buông tay.

Nhưng đó lại là công việc của nhiều thế hệ tiếp nối, chứ không phải một đời người. Một đời người chỉ có giới hạn trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi.

Tuy nhiên, nếu là đời của một người có đầy đủ khả năng và đức độ cũng có thể mở mang khai phá ra nhiều con đường sáng giá cho thế hệ tương lai. Nhưng ngẫm nghĩ lại, cá nhân chúng tôi phước mỏng nghiệp dày, chưa phải là những người có tầm cở như thế, cho nên cứ theo kiểu ông bà ta thường nói: "Đại phú do thiên, tiểu phú do cần". Mình thuộc loại muốn đủ ăn đủ mặc là phải ra sức siêng năng cần kiệm cho đến phút cuối cùng. Còn những gì to lớn hơn nữa, tốt đẹp hơn nữa, hoành tráng hơn nữa, xin trông chờ ở thế hệ đến sau.

Cầu nguyện Tam Bảo chứng minh Bồ Tát, Long Thiên phò trì "bổ xứ" cho một lớp kế thừa vững vàng hơn, tiến bước dõng mãnh hơn để không làm tủi lòng những người đi trước, đã "khai sơn phá thạch" (hay còn nói theo lối văn chương bóng bẩy: Trồng sen trên tuyết) trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ phải làm ra một lối đi, không có gì rộng rãi cho lắm lại còn đủ thứ sạn sỏi gai góc, mặc dầu lúc đầu bao giờ cũng có nhiều tham vọng, ôi thôi, đủ thứ! (nói ra mà mắc cở!)

Nói thế không có nghĩa đổ trút hết trách nhiệm cho lớp người sau. Mà như tục ngữ Việt Nam thường nói "còn nước, còn tát", có nghĩa là còn được "gia hạn" đến đâu, chúng tôi xin hết tâm hết sức đến đó, nhưng phải luôn luôn tự nhắc nhở rằng: Đã gọi là "gia hạn" thì không thể nào lâu dài vĩnh viễn cho được.

Chùa Khánh Anh sau 30 năm (bài số 2)

 

Giai đoạn thành lập 1969-1976 (phần 1 = 1969-1974)

 

Theo thông báo chánh thức của Phân bộ Hải ngoại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt đề ngày 16/5/74 thì Niệm Phật Đường Khánh Anh được thành lập và bắt đầu sinh hoạt từ Đại Lễ Phật Đản ngày 5/5/74, Phật lịch 2518. Nhưng tại sao giai đoạn thành lập chùa Khánh Anh (mà bắt đầu là Niệm Phật Đường) lại kéo dài tới những 5 năm từ 1969 đến 1974?

Đây mới là đầu mối của nhiều câu chuyện. Xin được phép bà con cho nói dông dài một chút cho... có đầu có đuôi.

Số là vào đầu năm 1969, tôi còn đang học năm thứ 2 của chương trình MA về Phật học và Triết Đông tại Nhựt Bổn và chuẩn bị cho một luận án tốt nghiệp vào cuối năm thì nhận được một thơ mời qua Pháp từ phái đoàn của GHPGVNTN tại Paris. Lý do: Vân tập chư Tăng Ni Việt Nam đang du học ở ngoại quốc về Paris làm một lễ cầu nguyện để nói lên tiếng nói chánh thức của Giáo Hội PGVNTN bên cạnh hội nghị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam (về chiến tranh VN) đang diễn ra tại thành phố này.

Tại Việt Nam lúc bấy giờ chiến cuộc tăng tốc đến một giai đoạn khốc liệt. Thương vong thiệt hại không thể nào kể cho hết được, nhất là mặt dân sự. Hàng ngày truyền thông quốc tế loan tải những hình ảnh đau thương đi khắp nơi làm xúc động lương tâm loài người trên khắp địa cầu, nhất là Nhật Bổn là một dân tộc vừa mới thoát khỏi cuộc chiến đau thương dưới sự tàn phá khủng khiếp của 2 quả bom nguyên tử vào năm 1945. Cho nên khi thấy hình ảnh thời sự Việt Nam hàng ngày chiếu trên ti vi, họ rất xót xa, chia sẻ những đồng cảm với chúng tôi khi gặp gỡ, khi nói chuyện, hay khi làm lễ cầu nguyện chung trong các chùa hay các nơi sinh hoạt cộng đồng.

Bởi vậy, khi nhận được thơ mời qua Paris, thực lòng phải nói phân vân hết sức. Bởi thấy trước rằng ra đi, nhất là đi Pháp thì chắc chắn khi trở về Nhật sẽ không còn suôn sẻ, về mặt giấy tờ và tâm trí cũng khó bề an ổn để lo việc học. Còn không đi thì trong lòng không yên vì hoàn cảnh của Giáo Hội và nói chung là của dân chúng Việt Nam trong nước nhất là sau biến cố Mậu Thân 68 cứ mỗi ngày mỗi nhìn thấy qua ti vi. Hay cố ý không nhìn thấy đi nữa, cũng bị những giáo sư, những bạn hữu người Nhựt và ngoại quốc xung quanh trong trường hỏi thăm...

Cuối cùng, chúng tôi đánh bạo lên tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Tokyo làm đơn xin đi Pháp nghiên cứu trong vòng 3 tháng với lý do tìm kiếm tài liệu cho luận án tốt nghiệp chương trình MA. Cũng có thêm một điều trùng hợp lý thú vì đề tài của luận án là so sánh giữa 2 bản dịch Pháp văn và Hán văn của bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Bản dịch Pháp văn do học giả Eugène Burnouf dịch từ bản chữ Phạn ra tiếng Pháp vào năm 1840 với tiêu đề:  Le Lotus de la Bonne loi. Còn bản thứ 2 do Pháp Sư Cưu Ma La Thập (344-413) cũng dịch từ bản Phạn nhưng ra chữ Hán vào đời Dao Tần (Trung quốc), TK thứ 5. Bản này hiện đang lưu hành phổ cập trong các xứ Phật giáo Bắc tông mà hầu hết người phật tử Việt Nam đều trì tụng hàng ngày. Hai bản có nhiều chỗ giống và cũng có nhiều chỗ khác nhau.

Tôi trình bày ý kiến nầy lên giáo sư Viện Trưởng Sakamoto và giáo sư hướng dẫn luận án Nakamura. Hai ông hết sức hoan hỉ khuyến khích và viết thơ giới thiệu. Tôi kèm thơ này trong đơn xin đi Pháp 3 tháng nộp về Bộ giáo dục qua ngõ Sứ quán Việt Nam tại Nhựt. Nhưng hy vọng trong lòng không có bao nhiêu, bởi lẽ liên hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ không lấy gì làm nồng ấm, lại thêm thái độ của Chánh phủ VN đối với GHPGVNTN lúc đó cũng gần như cảm mạo thương hàn lúc nóng lúc lạnh...

Tính ra đã ba tháng nạp đơn trôi qua mà vẫn chưa thấy tăm hơi trả lời từ Bộ Giáo dục Việt Nam. Cho đến ngày trước khi lên đường đi Paris, tôi còn điện thoại lần chót đến phòng Lãnh Sự Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Tokyo để hỏi thăm tin tức. Tôi còn nhớ câu nói trong điện thoại với vị hữu trách ở phòng này. Vị này là một phật tử quen biết (sau biến cố 75 cũng có mặt tại Pháp): “Tôi đã gởi đơn xin 3 tháng rồi, nhưng bây giờ sắp đến ngày đi vẫn chưa thấy trả lời. Tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Qúy vị thông cảm cho.”

Đầu tháng 6/1969, tôi và Thầy một nữa đến Paris với một giấy thông hành riêng (laissez-passer) của Bộ Ngoại giao Pháp cho phép lưu trú 3 tháng. Cuộc hành trình này khá dài, so với 2 năm trước khi rời Việt Nam sang Nhựt. Lúc bấy giờ chưa có máy bay lớn đi nhanh như ngày nay. Japan Airlines của Nhựt phải đi vòng, ghé qua Alaska của Mỹ để tiếp liệu rồi mới bay xuyên Bắc cực (pole Nord) đến Âu châu, ghé Hamburg (Đức) rồi mới sang Pháp.

Không làm sao nói lên hết được cảm tưởng hồi hộp thích thú vì lần đầu tiên đến một nước tự do ở phương Tây, cứ tưởng như là trong một giấc mơ. Nhất là nước Pháp, được biết qua sách vở thời còn là học sinh ở nhà, không ngờ bây giờ lại là sự thật, đến tận nơi, thấy tận mắt...

Nhưng qua mấy ngày đầu tiên đầy thích thú ấy, còn lại là những bỡ ngỡ và lo lắng. Bỡ ngỡ vì từ một lối sống, một lối làm việc sinh hoạt trong một xã hội như Nhựt, bỗng nhiên rơi vào một hoàn cảnh sinh hoạt của Pháp thì gần như đảo lộn tất cả. Hai xã hội, hai cách sống gần như hai thái cực. Còn lo lắng vì không biết rồi đây mình có làm được gì hay không, khi nhìn ra trước mặt, thấy không biết bao nhiêu vấn đề khó khăn chồng chất, ngoài tầm tay của mình.

Qua những giờ phút mừng lo lẫn lộn ấy, rồi những gì dự định thực hiện cũng phải diễn ra. Đó là buổi lễ cầu nguyện trong chương trình, tổ chức tại một địa điểm ở Trung tâm thành phố Paris, với sự hiện diện của khoảng 10 vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam (Nam tông + Bắc tông) du học rãi rác khắp nơi trên thế giới: Hoa Kỳ, Nhựt bổn, Ấn Độ và Pháp. Cộng thêm vào đó là những bạn hữu ngoại quốc có quan tâm đến tình trạng đau thương của Việt Nam và một số người Việt tại Paris. Buổi lễ không đông lắm nhưng tôi nhớ rất là trang nghiêm, thành kính vì ai ai cũng nghĩ đến giờ phút này trên xứ sở Việt Nam ra sao, Giáo hội Việt Nam ra sao? Dĩ nhiên giới báo chí truyền thông đều có mặt để lấy tin tức chuyển đi khắp thế giới...

Sau buổi lễ chúng tôi được đưa lên xa ca chạy về Fontainebleau, một thành phố nhỏ cách Paris khoảng 70 km về phía Nam. Tôi có nghe tên thành phố này qua những bài học lịch sử Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh căng thẳng giữa 2 bên Việt Pháp. Tại đây có một lâu đài cổ kính của một triều đại vua chúa Pháp thời xưa. Nhưng phái đoàn tu sĩ chúng tôi chỉ đến ở trọ trong một hotel nhỏ bên cạnh lâu đài. Và ngày mai sẽ khai mạc hội nghị trong một phòng họp cũng bên cạnh lâu đài này.

Thì ra, sau buổi lễ cầu nguyện, còn có 1 "Hội nghị quốc tế" có tên là Đại hội Phật tử Việt Nam hải ngoại gồm có chư Tăng Việt Nam du học các nước trên thế giới (như trên đã nói), cùng với 1 số phật tử Việt Nam tại Pháp và một vài nước Âu châu. Trong giờ lễ khai mạc hội nghị vào ngày 9/6/1969, tôi thấy có nhiều bạn bè ngoại quốc đến từ Hoa Kỳ, Hòa Lan, Bỉ... và Pháp. Về phía báo chí truyền thông thì thiếu vắng. Hỏi ra, thì được biết, vì nhằm vào thời điểm vòng 2 cuộc bầu cử Tổng Thống của Pháp (dường như giữa 2 ông Pompidou và ô. Mitterand). Và lúc đó rơi vào những ngày chót trước khi bỏ phiếu nên tất cả các cuộc vận động đều phải chấm dứt và truyền thông gần như im lặng để dân chúng được tự do lựa chọn. Không biết lối giải thích này có "ổn" hay không ? Vì thật tình chân ướt chân ráo như chú cuội từ cung trăng vừa rớt xuống nào có biết luật lệ sinh hoạt của một xứ gọi là "dân chủ văn minh" này ra làm sao đâu!

Thế rồi, hội nghị cũng yên lặng tiếp diễn trong 2 ngày.

Cảm động nhất là khi nghe Thông điệp của Đức đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết gởi cho hội nghị, trong đó có đoạn:

"...Quý vị hãy nhân danh dân tộc Việt Nam đau khổ, nói lên với thế giới, thức tỉnh lương tâm con người, nhất là những người đang trực tiếp hay gián tiếp có ảnh hưởng tới cuộc chiến tranh hiện nay, xin hãy lắng nghe tiếng nói khát vọng hòa bình của dân chúng VN mà ngưng ngay cuộc bắn giết này lại.

Dân chúng Việt Nam mong được sống trong tình thương tự do và no ấm. Tất cả chiêu bài đang khoác lên cho cuộc chiến tranh tại Việt Nam đều không phải là của người Việt Nam, không phát xuất từ nhu cầu đích thực của dân chúng Việt Nam..." (Thông điệp đề ngày 23/5/1969 gởi cho Hội nghị quốc tế hải ngoại).

Trong phần thảo luận, cũng có nhiều bàn cãi sôi nổi về sinh hoạt Giáo hội ở trong nước, ở ngoài nước, phạm vi giáo dục, phạm vi tín ngưỡng, Nam tông, Bắc tông, hoạt động xã hội... ôi thôi đủ thứ! Rồi cuối cùng anh em xúm lại bầu tôi làm... Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam Hải Ngoại. Trời đất quỷ thần ơi, đã lo lắng sợ hãi gần như muốn chạy trốn mà bây giờ anh em chụp lại "quàng" cho một chức mênh mông thiên địa. Thật là chới với. Từ chối mãi cũng không được, còn bắt tay vào việc thì biết làm gì đây?

Nhân chỗ này, xin được phép cho lang bang ra ngoài lề một chút về hoàn cảnh tại đây. Tại đây là xứ Pháp. Theo chỗ tôi biết lúc đó, đã có nhiều hội Phật giáo Việt Nam rồi, chứ không phải đây là hội đầu tiên. Nổi trội hơn cả là Hội Phật tử Việt kiều hải ngoại. Hội này có đa số là sinh viên, trí thức và người Việt lâu đời ở Pháp. Khuynh hướng nghiêng về phía tả, ủng hộ mạnh mẽ cho phái đoàn bên kia trong các phiên họp 4 bên đang diễn ra ở Paris. Còn các hội Phật giáo khác như (hội Phật giáo Pháp Việt, Pháp Á...) hầu hết là những cựu công chức của Pháp và những người Pháp đã từng làm việc hay sinh ra tại Đông Dương tụ họp lại như những sinh hoạt ái hữu trong những ngày lễ lớn. Còn lại những sinh viên và công chức phía Việt Nam Cộng Hòa thì không biết sinh hoạt làm sao trong các dịp lễ như Phật Đản, Vu Lan, hoặc khi có người qua đời...

Bây giờ nghe thêm có Hội Phật tử VN hải ngoại thuộc GHPGVNTN, rồi có người "ưu ái" móc thêm cái đuôi "phái Ấn Quang" mà giữa chính phủ Sàigòn và Giáo hội này không mấy gì thân mật gắn bó cho lắm nên nhiều người công chức hay sinh viên Việt Nam tại Paris muốn tới gần nhưng cũng vẫn còn e ngại. Chỉ những người không còn sợ nạn "bắt bí" của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa (như có quốc tịch Pháp rồi chẳng hạn) và cũng không mấy gì ưa phía tả thì mới ung dung đến gần chúng tôi, tiếp tay, học hỏi, sinh hoạt Phật sự. Nhưng con số này thì còn quá ít... mà hầu hết là người lớn tuổi, đã rời Việt Nam khá lâu, gần nhứt là sau 1954, khi quân đội Pháp rút về.

Trong một hoàn cảnh phức tạp và phân hóa trầm trọng như vậy, thì phải hoạt động làm sao đây? Đó là chưa kể đa số quý Thầy chúng tôi đều mới đến Pháp chưa quá 3 tháng, chưa quen biết nhiều, nhân sự còn lạ, tài chánh không có thì lấy gì để hoạt động. Tôi nhìn vào quý Thầy, quý Thầy nhìn vào tôi. Tất cả đều như là khách trọ qua đường. Nhưng bây giờ bỗng dưng phải gánh vào công việc thì phải làm sao, chớ chẳng lẽ ngồi không!

Chúng tôi họp lại bàn với nhau: Công việc quan trọng khó khăn rắc rối đòi hỏi nhiều phương sách ngoại giao tế nhị về vấn đề vận động hòa bình, thì đã có phái đoàn hòa bình (Délégation de Paix) của Giáo hội lo rồi. Một số trong chúng tôi cũng là thành viên của phái đoàn, nhưng chỉ là cho có số đông thôi. Còn công việc chính yếu thì đã có một số vị chuyên môn lo lắng. Phần còn lại, chúng tôi thấy thiếu vắng, đó là một cơ sở cho tín ngưỡng. Nói rõ hơn, 1 ngôi chùa Việt Nam trong vùng Paris.

Cuối cùng, chúng tôi đi tới một quyết định là vận động xây một ngôi chùa Việt Nam tại Pháp, trong vùng Paris mà từ trước đến nay chưa có. Nhưng nhìn lại, thì gặp cái vòng luẩn quẩn: Tài chánh đâu? nhân sự đâu? Hay là bây giờ chúng ta dùng nơi đang ở (thuê) làm ngôi chùa tạm đặt tên chùa Pháp Hải (có ý là Pháp quốc, hải ngoại) rồi tìm thêm một mục tiêu gần nhất là nhân ngày lễ Vu Lan Rằm tháng Bảy sắp tới (trong vòng tháng 8 dương lịch) sẽ đưa ra lời kêu gọi vận động bà con phật tử Việt Nam quanh Paris về chùa làm lễ Vu Lan. Cũng có chương trình tụng kinh Vu Lan, cúng Hương linh những người quá cố và cúng thí thực cô hồn. Thế là có việc làm chút đỉnh. Thỉnh thoảng có được một ngày rỗi rảnh tôi đi vào Thư viện Quốc gia (Bibliothèque Nationale) ở Paris tham khảo thêm tài liệu cho đề tài của luận văn tốt nghiệp.

Mặt khác chúng tôi làm thư trình về Giáo hội Trung Ương báo cáo rõ ràng sinh hoạt Phật sự tại Paris và dự án sẽ thành lập một ngôi chùa Việt Nam. Việc trước tiên là xin Giáo hội cho một pho tượng Phật để thờ và các thứ pháp khí (chuông mõ) kinh sách, báo chí Phật giáo. Chư Tôn túc bên nhà nghe được tin này rất là hoan hỉ, viết thơ khuyến khích. Cố Hòa Thượng Thiện Hòa, Viện Chủ Tổ Đình Ấn Quang lúc ấy, gởi tặng ngay một tượng Bổn Sư bằng đường thủy (Pho tượng này hiện nay thờ tại chùa Khánh Anh như một di tích lịch sử).

Thế là Đại lễ Vu Lan năm 1969 diễn ra trong không khí vui mừng phấn khởi, bằng những hình thức thô sơ, thiếu thốn trong một ngôi nhà nhỏ thuộc vùng Maisons Alfort, ngoại ô Đông Nam Paris. Gọi là chùa Pháp Hải hiểu ngầm như vậy nhưng chưa được phép trưng bảng ra. Bà con phật tử người Việt đến dự lễ không được đông lắm, vì lẽ chưa quen biết nhiều và chưa được thông tin đầy đủ nên vẫn còn e ngại.

Sau lễ Vu Lan, chúng tôi họp lại xem xét thành quả rồi đưa ra kết luận. Rõ ràng là sinh hoạt Phật sự muốn phát triển tại đây không phải đơn giản mà phải "trường kỳ kháng chiến" chấp nhận mọi thứ khó khăn, chịu đựng đủ loại chỉ trích, chụp mũ và nghi kỵ... Nhưng những thứ đó chưa phải là khó nhất. Khó nhất là nội bộ lủng củng phân hóa, và thiếu thốn nặng nề trong lúc này là về mặt tài chánh.

Cụ thể, ngôi nhà bé nhỏ thuê tạm làm chùa đây, nếu không đủ để trả tiền thuê 1 tháng thôi, thì lấy đâu ra chỗ để sinh hoạt tiếp tục. Đó là chưa kể tập trung đến sáu bảy Thầy ở đây, thì sinh hoạt phí lấy đâu trang trải, trong khi chưa quen biết nhiều, chưa có sinh hoạt gì nhiều. Và một khi tài chánh không "độc lập" được thì mọi hoạt động Phật sự của chùa làm sao "độc lập". Nếu cứ dựa mãi vào một vài người hay cơ quan tổ chức "mạnh thường quân", dẫu rằng những người này hay cơ quan tổ chức nọ vẫn thuộc về Phật giáo, vẫn là Phật tử.

Cho nên kết luận cuối cùng được đưa ra: Phải tìm cách giảm bớt gánh nặng mới có thể bảo đảm sinh hoạt lâu dài. Một số quý Thầy chọn ở lại Pháp đưa đề nghị vừa đi làm vừa hoạt động Phật sự tại đây. Một số khác, còn lở dở chương trình học tại quốc gia mình học trước đây, có thể trở về xứ đó, hoàn tất chương trình học và đồng thời cũng có thể phát triển hoạt động Phật sự tại đó trở thành 1 Chi bộ của Giáo hội sau này.

Kết luận này đối với tôi là một nỗi mừng to lớn, vì vừa được "thoát nạn" trách nhiệm lại vừa có thể hoàn tất chương trình học còn bị bỏ dở. Chúng tôi họp nhau lại lần chót, sắp xếp chương trình hoạt động cho quý Thầy ở lại Pháp. Và chỉ có 3 vị trở về Ấn Độ và Nhật Bổn trong đó có tôi. Rồi hẹn nhau liên lạc thường xuyên và sẽ có ngày gặp lại, chưa biết lúc nào và ở đâu nhưng chắc chắn với mục tiêu phục vụ Giáo hội và hoằng dương chánh pháp.

Từ đó trở đi, tôi siêng đi thư viện nhiều hơn. Ngoài Thư viện Quốc gia Pháp, tôi còn tìm ra thêm một vài thư viện và bảo tàng viện Đông phương khác để tham khảo thêm tài liệu. Tiếp theo là sắp đặt chương trình trở về Nhựt Bổn vì đã quá thời hạn xin đi cũng như khóa học đã bắt đầu trở lại cả tháng hơn rồi.

Tôi viết thơ về nhà trường xin được phép trễ hạn ít lâu vì có "chương trình phải nghiên cứu thêm". Nhưng nói dễ mà không phải dễ. Cũng năm lần, bảy lượt đi ra phi trường mà lần nào cũng phải hoãn lại vào phút chót. Và cuối cùng Bồ tát Long thiên cũng độ cho mọi việc đều được êm xuôi trót lọt. Bà con vui vẻ, quý Thầy hoan hỉ tiễn đưa đàng hoàng ra sân bay Orly, chứ không phải lén lút trốn đi như những lần trước...

Ngày 20/10/1969 tôi trở lại phi trường Haneda (Nhựt) bằng 1 visa "tái nhập quốc" với một lộ trình cũng dài dòng giống như lúc ra đi. Chỉ có tâm trạng lúc về là khác lúc đi một chút. Không còn hồ hởi phấn khởi nữa, mà lúc này có vẻ an phận, quyết tâm cho cái chương trình còn bỏ dở. Mặc dầu cái học không phải là mục tiêu chính yếu. Nhưng lúc này, không tìm thấy con đường nào khác hơn, thì cố co cụm vào con đường học để chờ nhân duyên thích hợp. Còn con đường trở lại Pháp gần như không còn thấy hấp dẫn như xưa nữa!

Tháng 5/1970, tốt nghiệp chương trình MA, tôi xin ghi tên ngay vào chương trình Ph D, mà tiếng Nhật gọi là "Bác sĩ khóa trình" với thời gian bắt buộc phải có mặt để lấy đủ các đơn vị (Unit) tối thiểu là 3 năm. Sở dĩ tôi phải "ghi tên ngay" lên khóa trên, vì tự cảm thấy sẽ có vấn đề xảy ra mà mình dẫu có muốn yên thân cũng khó mà yên được.

Vui mừng nhất có lẽ là giáo sư Nakamura, người hướng dẫn luận án cho tôi. Ông đề nghị lập tức một đề tài khác cho luận án tiến sĩ. Ông còn ưu ái lục lạo cho nhiều sách vở, tài liệu để tham khảo ngay. Ông còn thêm: Nên đệ trình sớm sớm trước 10 năm, vì sau 10 năm là hết hiệu lực thời gian và ông cũng sẽ về hưu, không còn giúp đỡ gì được nữa.

Thật là biết ơn ông. Nhưng phần tôi, thì chắc không còn tâm trí đâu để mà theo đuổi con đường này tới cùng. Sau này, ông lên làm Khoa trưởng rồi về hưu và bây giờ có tin ông đã qua đời. Tôi viết vào đây vài hàng để xin tạ lỗi và không bao giờ quên lòng ưu ái đặc biệt của ông.

Khi niên học thứ nhứt bắt đầu ít lâu thì sổ thông hành (passeport) của tôi hết hạn và đồng thời thẻ cư trú tại Nhật cũng hết hạn luôn. Tôi đến Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Tokyo để xin gia hạn. Thì tại đây, vấn đề gì xảy ra, chắc bà con cũng đoán trước được. Phòng lãnh sự giữ lại Passeport của tôi và trao cho quyết định của Bộ Giáo Dục Việt Nam (qua phiên họp của Hội Đồng Du Học ngày 17/6/70). Họ còn nói thêm một câu: “Khi nào Thầy đem vé máy bay về Sàigòn đến đây, chúng tôi sẽ hoàn lại passeport với visa về nước!”

Tôi không ngạc nhiên mấy về sự việc này, vì cũng dự đoán một phần nào rồi, như trên đã nói. Tôi nhìn qua nội dung quyết định của Bộ Giáo Dục. Chỉ ngắn gọn, đơn giản có mấy chữ: "Bác, lớn tuổi, tốt nghiệp".

Tôi nói với vị phụ trách phòng lãnh sự: “Tôi không có gì ngạc nhiên về quyết định này. Có điều những lý lẽ mà Bộ đưa ra nghe nghịch cái lỗ tai quá. Nói rằng "tốt nghiệp" thì tôi có "tốt nghiệp" cấp thấp (MA) và bây giờ tôi đang học lên cấp cao hơn (có giấy chứng nhận của trường tôi mang theo) tối thiểu là 3 năm và có thể còn lâu hơn nữa mới "tốt nghiệp" nổi cấp Ph D, theo chế độ Đại học của Nhựt. Chẳng lẽ việc này Tòa Đại sứ Việt Nam ở đây và Bộ Giáo Dục ở nhà không biết. Còn nói "lớn tuổi" thì bao nhiêu gọi là lớn tuổi. Tôi gặp nhiều nhà ngoại giao lớn hơn tôi nhiều vẫn còn xách cặp đến trường Đại học hay trường Nhật ngữ để bổ túc thêm sau những giờ làm việc ở Sứ quán. Có luật nào cấm người lớn tuổi không được đi học? Còn các vị có đùa dai không, hơn 4 tháng nay, quý vị đã cắt chuyển ngân sinh viên của tôi rồi, tôi phải đi làm "arubaito" (làm thêm kiểu sinh viên) để sống qua ngày. Lấy đâu ra tiền mà mua vé máy bay về Sàigòn?”

Tôi cầm thẻ cư trú đến sở nhập quốc (Immigration) của Nhựt ở Shinagawa để làm gia hạn theo thường lệ hàng năm. Khi thấy không có sổ thông hành kèm theo, họ từ chối liền, vì không đúng thủ tục. Thế là tôi sống "bất hợp pháp". Trong người chỉ có một thẻ sinh viên là còn hiệu lực, vì đang học giữa niên khóa.

Một hôm tôi đánh bạo đi vào Bộ Ngoại giao Nhựt. Tôi tìm đến phòng Nam Á Sự Vụ. Không ngờ tại đây tôi gặp nhiều nhà ngoại giao biết rõ vấn đề Việt Nam và hoạt động của GHPGVNTN. Có vị còn nói rất rành tiếng Việt và cả tiếng Pháp nữa. Họ hứa sẽ nghiên cứu hồ sơ và giúp đỡ tôi.

Thế là yên tâm ra về. Cuối tuần hoặc xách gói đi làm thuê kiếm sống, hoặc hoạt động lai rai với các tổ chức Phật giáo Nhựt hay với các tổ chức sinh viên trong trường. Trong các thứ làm mướn, tôi lại thích làm lao động công trường xây cất hơn, vì công việc tuy có nặng nhọc về thể xác nhưng được nhẹ nhàng cái đầu.

Tưởng rằng thời gian, cứ êm ả như thế mà trôi đi. Nhưng không, vào một ngày đẹp trời không lâu sau đó, có tin "Thượng Tọa Thích Thiện Minh được chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp chiếu khán sang Nhựt chữa bệnh".

Hiện nay, Cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã được truy phong lên phẩm vị Hòa Thượng sau khi bị cộng sản Việt Nam sát hại trong nhà tù VN vào năm 1978. Sinh thời, Ngài là một trong những vị lãnh đạo cao cấp của GHPGVNTN được xem như một bộ phận đầu não về kế hoạch và ngoại giao sâu sắc nhất của Giáo hội. Do đó mà thế lực nào cũng muốn hại Ngài, vì Ngài không chịu tuân thủ theo đường lối áp đặt của họ. Vào thời Cộng Hòa, Ngài bị mưu sát bằng lựu đạn tại Trung tâm Quảng Đức (đường Công Lý cũ) vào năm 1966 nhưng chỉ bị thương nặng mà không chết. Bị tù dưới chế độ Ô. Diệm rồi dưới chế độ Ô. Thiệu. Bỗng nhiên, bây giờ được phóng thích ra và được phép sang Nhựt "chữa bệnh". Nhưng gần nhất, Ngài còn là vị Ân sư hướng dẫn dạy dỗ chúng tôi từ ngày còn là chú tiểu tại Phật học đường Nha Trang và sau là Phật học viện Trung Phần. Khi tôi ra làm việc cho một tỉnh Giáo hội tại miền Trung, Ngài được đề cử giữ chức Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Phật tử, rồi Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN.

Bởi vậy khi tin này đưa ra, quý Thầy du học sinh tại Nhật có họp lại đề cử tôi và một Thầy nữa, vì có thời gian rỗi rảnh hơn (học lớp trên, giờ học ở trường ít hơn) đứng ra lo liệu mọi việc cho Thượng Tọa trong thời gian Ngài "chữa bệnh" tại Nhựt.

Từ đó trở đi, tôi đóng vai vừa thị giả vừa phụ tá cho Thượng Tọa trong các buổi tiếp xúc xã giao thăm viếng từ cơ quan tôn giáo cho đến các cơ quan Quốc hội, Ngoại giao, kể cả tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Nhựt Bổn. Rồi chẳng bao lâu, vào khoảng giữa tháng 10/70, một Hội nghị quốc tế về tôn giáo và hòa bình (World Conference of Religions For Peace) diễn ra tại Kyoto, cố đô Nhựt Bổn mà Việt Nam là một đề tài nóng bỏng nhất được Hội nghị đề cập tới.

Trước ngày khai mạc, thêm một vị Thượng Tọa nữa cũng được phép chánh phủ VN Cộng Hòa cho xuất ngoại sang Nhựt dự Hội nghị. Đó là Thượng Tọa Tổng Thơ Ký Thích Huyền Quang (hiện nay là Đức Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN). Ngài cũng là vị Ân sư của tôi khi còn dưới mái Phật học Đường Nha Trang (1955-1960). Do đó công việc của tôi được tăng lên. May thay lúc ấy có thêm một Thầy nữa chia đôi công tác. Sau đó còn có "Phái đoàn hòa bình" của Giáo Hội từ Pháp sang phó hội nữa.

Bởi vậy, chúng tôi có bận, là bận rộn chuyện bên lề Hội nghị nhiều hơn là nội dung Hội nghị. Tôi chỉ sơ lược Hội nghị mà không đi sâu vào nội dung vì chưa phải là mục tiêu chính của loạt bài này. Và những điều tôi đề cập tới đây chỉ là những gì có liên quan đến giai đoạn thành lập chùa Khánh Anh mà thôi.

Sau những ngày Hội nghị, quý Ngài có dịp ngồi lại, nghe qua phúc trình sinh hoạt của chư Tăng Việt Nam ở hải ngoại. Từ đó đưa đến quyết định thành lập Phân Bộ hải ngoại GHPGVNTN (mà văn bản chánh thức sẽ gởi đến sau). Tôi được đề cử giữ chức Phó chủ tịch Phân Bộ hải ngoại Kiêm Chi bộ Trưởng GHPGVNTN tại Nhật.

Số chạy trời cũng không khỏi... nắng. Bao nhiêu chức vụ chồng chéo lung tung. Nhưng đáng buồn nhứt là được tin quý Thầy ở lại Paris không còn sinh hoạt được nữa, vì thiếu tài chánh nên đã trả nhà (thuê làm chùa) đem Phật đi gởi, và mỗi người đi làm mướn mỗi nơi để kiếm sống!

Bước sang những năm 1971, 1972, cuộc sống của quý Thầy du học Tăng Việt Nam tại Nhựt cũng như cá nhân tôi cứ đều đặn trôi qua. Vừa đi làm, vừa đi học. Có khác chăng là những năm sau này, đã chánh thức thành lập Chi bộ GHPGVNTN tại Nhật (quyết định công nhận của Viện Hóa Đạo ngày 20/2/71), nên trong năm vào các dịp lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan chúng tôi đều có họp nhau tổ chức lễ ở một ngôi chùa, thường là chùa Joenji ở gần Trung tâm Shinjuku - Tokyo (ngôi chùa này, trước đây tôi có tạm trú một thời gian).

Có một điều đặc biệt khó quên được, đó là theo lời thỉnh cầu của Chi bộ GHPGVNTN tại Nhật, Cố Hòa Thượng Thiện Hòa, Viện Chủ Tổ Đình Ấn Quang, cũng như lần trước đối với phật tử Việt Nam ở Pháp, Ngài gởi cho liền 1 pho tượng Bổn Sư bằng đường thủy đến Tokyo (Pho tượng này về sau được rước qua thờ ở chùa Viên Giác - Đức quốc).

Cũng trong hai năm về sau này, tình hình chiến cuộc ở Việt Nam từ ngày Tết Mậu Thân đến mùa hè năm 1972 gia tăng đến độ khủng khiếp. Hàng ngày trên khắp báo chí, truyền thông đầy dẫy những hình ảnh đau thương mà ở Việt Nam (thường bị kiểm duyệt) không thể thấy hết những góc cạnh của chiến tranh tàn phá. Từ chết chóc thương vong cho đến băng hoại xã hội đủ mọi thứ hình ảnh lọt ra bên ngoài. Người có chút lương tri không thể nào có thể ngồi yên mà nhìn cho được.

Nhiều tổ chức Phật giáo Nhựt Bổn kêu gọi cứu trợ nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Trong số này có một nhóm gồm năm sáu vị trụ trì trẻ thuộc đủ tông phái ở Yokohama và phụ cận liên hệ với Chi bộ chúng tôi đề nghị làm một cuộc "xuống đường khất thực" với khẩu hiệu "xin mỗi người một gói mì ăn liền cho nạn nhân chiến tranh Việt Nam". Trước đó nhóm này cũng có đứng ra tổ chức các buổi ca hát, hòa nhạc với mục tiêu tương tự. Chúng tôi, quý Thầy trong Chi bộ họp lại quyết định đồng tình hỗ trợ ngay.Vấn đề còn lại là kế hoạch thực thi đề án, định ngày và phân công nhau cùng xuống đường với nhóm "trụ trì trẻ" này. Họ mang bảng (bằng tiếng Nhựt) đi trước, chúng tôi mang thùng đi sau, qua các đường phố đông người ở Yokohama và các thị xã lân cận. Việc làm này tuy không lâu, nhưng kết quả rất khả quan. Số tiền thu được, họ trực tiếp giao thiệp với các hãng sản xuất "mì ăn liền" để mua một số nhiều với giá đặc biệt, rồi cho xuống tàu gởi sang Việt Nam. Một hai người trong nhóm của họ đại diện sang Việt Nam phân phát cho nạn nhân chiến tranh qua các tổ chức nhân đạo.

Trong khi đó cuộc hòa đàm tại Paris cho thấy có dấu hiệu đi gần đến chỗ kết thúc mà kết quả thì ai cũng biết: Lợi thế nghiêng về phiá bên kia nhiều hơn.

Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết tại hội trường Kléber ở trung tâm thành phố này giữa các bên lâm chiến và các cường quốc liên hệ. Một biến cố thời sự nổi bật được truyền đi ào ạt khắp thế giới. Tôi nhớ lại đêm hôm đó (tính theo giờ Paris là ban trưa) các trung tâm sinh hoạt sinh viên ở các cư xá quốc tế, các câu lạc bộ báo chí và các nơi công cộng (ở Nhựt) đều được xem trực tiếp truyền hình về buổi lễ ký kết Hiệp định lịch sử này.

Dĩ nhiên, buồn vui lẫn lộn, có kẻ cười, có người khóc. Phần tôi, vừa mừng vừa lo. Mừng là chiến tranh chấm dứt. Nhưng lo cho ngày mai, sẽ kéo theo đen tối cho đất nước Việt Nam, nhất là miền Nam.

Bởi vậy con đường dự định trở về VN sau khi hoàn tất 3 năm (70-73) "Bác sĩ khoá trình" không còn tươi sáng gì mấy đối với tôi nữa. Ở lại Nhựt thì không có lý do hợp lệ, mà đi xứ khác thì biết đi đâu bây giờ?

Trong lúc còn đang phân vân lưỡng lự giữa ngã ba đường thì vào khoảng cuối tháng 2/1973, nhận được văn thơ của Viện Hóa Đạo trong nước gởi ra đề cử tôi sang Pháp đảm trách văn phòng của Giáo Hội ở Paris để cho vị Trưởng phái đoàn sẽ trở về nước trực tiếp điều khiển chương trình tái thiết (hậu chiến) của Giáo Hội tại Việt Nam.

( bài này còn rất dài, xin quý vị xem trên quangduc.com và viengiac.de tại trang tưởng niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm

Viết tại Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc.

HT Thích Minh Tâm




Chùa Khánh Anh Evry (3)
Ý kiến bạn đọc
01/10/202022:01
Khách
A DI Da Phat,
Con la mot Phat tu o tai My. Xin qui Thay cho biet Ban Tin Khanh Anh co con duoc san xuat va lam sao con co the xin thi?nh.
Nay ki'nh,
Dieu Tuyen
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/12/2018(Xem: 1587)
Ánh nắng vàng đang rong chơi trên những đồi thông mộng mơ, ru tình rơi những hạt sương long lanh còn đọng trên những cành thông, khiến cho ai khi nhìn thấy chúng cũng thổn thức trong tất dạ mang về.
20/10/2018(Xem: 3501)
Bão mạnh và sóng thần ở châu Á khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng ngàn người mất tích; tàn phá nhà cửa, tài sản công và tư, thiệt hại vô kể. Bão lớn quét qua miền Đông và Đông nam nước Mỹ cũng lấy đi mạng sống của ba mươi người và hàng ngàn người còn mất tích… Hàng trăm ngàn người vẫn còn phải chịu đựng sự lụt lội, mất điện, lạnh giá, thiếu nước uống. Trong khi đó, gió Santa Ana như mọi năm đã thổi về, mang hơi nóng hầm hập sau cơn mưa rỉ rả một ngày một đêm của miền Tây nam.
15/10/2013(Xem: 25614)
(Báo Viên Giác, Số 197, tháng 10-2013, Số Đặc Biệt tưởng niệm Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm (1940-2013)
11/08/2013(Xem: 10676)
Được tin Ôn Từ Mãn viên tịch, tôi giật mình, định lên Đà Lạt đảnh lễã kim quan Ôn lần cuối, nhưng vì bận việc kết thúc năm học, tôi không đi được, lòng áy náy hoài. Sáng sớm hôm sau, tôi mở computer, bỗng dưng truy cập Trang Nhà Quảng Đức của thầy Nguyên Tạng bên Úc, thấy hình Ôn hiện trên trang web trong bộ y hậu vàng tươi, mũ Quan Âm thẳng tắp với khuôn mặt hồng hào, tươi đẹp như đang ngồi truyền giới cho bốn chúng quy y. Tôi vừa xúc động vừa sung sướng, ngắm Ôn chăm chăm một hồi, chắp tay xá Ôn ba xá, rồi đi công phu.
11/08/2013(Xem: 13221)
Hòa thượng thế danh là Trần Đại Quảng, pháp danh Tâm Trí, tự Viên Giác, hiệu Chiếu Nhiên, thuộc đời thứ 43 dòng Lâm Tế, Liễu Quán. Ngài sinh năm Nhâm Tý (1912), tại làng Dương Nổ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, trong một gia đình Nho phong đức hạnh nhưng có chí cách tân, theo hướng Tây học. Thân phụ là cụ ông Trần Đại Dật, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mĩu (pháp danh Tâm Mỹ).
08/08/2013(Xem: 44028)
Cho mãi đến ngày hôm nay, 40 năm sau Cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức, vị pháp thiêu thân (ngày 20/4 năm Quý Mão - 1963) bóng cây Bồ Đề của Ngài vẫn còn mát mẻ gội nhuần khắp cõi nhân gian, nhất là trong hàng Phật tử Việt Nam, trong nước cũng như ở hải ngoại. Kể cả người ngoại quốc, Âu, Mỹ khi nghe nói đến Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam, ít nhiều gì họ cũng nhắc đến hình ảnh hy sinh bất khuất của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Nhắc đến với một niềm kính phục, trân quý.
02/08/2013(Xem: 24508)
Do tuổi cao sức yếu đã an nhiên thị tịch tại trụ xứ chùa Dược Sư, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, vào lúc 11 giờ 56 phút, ngày 24 tháng 6 năm Quý Tỵ (thứ Tư, 31/7/2013). Trụ thế 94 năm, 60 hạ lạp.
21/07/2013(Xem: 6246)
Sa Di Ni THÍCH NỮ CHÂN NGÔN Thế danh: VŨ THỊ BẮC; nguyên sinh: Quý Dậu (1933) đã xả bỏ huyễn thân trong chánh niệm ngày 18/7/2013 (nhằm 11-6-Quý Tỵ) Thọ thế: 81 Tuổi Lễ nhập liệm: thứ sáu 19-07-2013 lúc 3:00PM Lễ trà tỳ: Chủ nhật 21-07-2013 Linh cửu quàn tại: Chùa Phước Hải,1818 Little Rock Road, Charlotte, NC, 28214. U.S.A. Phone: 704 394 6869
24/12/2010(Xem: 1480)
Ngày 21 tháng Ba năm Nhâm Thân (23.04.1992), Đại Lão Tôn sư thượng Trừng hạ Nguyên Đôn Hậu viên tịch. Từ ấy đến nay, thấm thoắt đã 14 năm trôi qua. Thời gian tuy cứ chìm dần trong quá khứ, nhưng Pháp thân vòi vọi của Tôn sư vẫn hiển hiện uy nghi trong niềm ngưỡng vọng vô biên của muôn triệu Tăng Ni và Phật tử chúng con.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]