Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đức Phật dạy cách lang thang chơn chánh

30/07/202407:58(Xem: 1038)
Đức Phật dạy cách lang thang chơn chánh


Phat thuyet phap-3



Đức Phật
dạy cách lang thang chơn chánh

Cư Sĩ Nguyên Giác

 

Lang thang, nơi đây có nghĩa là đi lang thang. Đức Phật đã dạy các nhà sư nên đi lang thang thế nào? Các bản tiếng Anh thường dùng chữ “wander” để nói về hành vi lang thang. Có phải đây chỉ là một ẩn dụ, không hoàn toàn có nghĩa là rời chùa để bước xuống phố, rồi đi từ làng này tới xóm nọ, từ tỉnh này tới tỉnh kia? Bất chợt, có một vài Phật tử ngộ nhận rằng phải đi lang thang mới là nhà sư chơn chánh. Bài viết này sẽ ghi lời Đức Phật dạy về cách lang thang chơn chánh của các nhà sư, không phải là một hành trình “đường bộ” mà phải là một hành trình về tâm.  

Có thể thấy, khi chúng ta mở kinh ra đọc, đa số lời dạy chỉ thấy Đức Phật nói rằng, “này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến căn nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt; vị ấy chánh niệm hơi thở vô, chánh niệm hơi thở ra...” Nghĩa là, chủ yếu là dạy ngồi, không khuyến tấn đi lang thang. Giữa hành vi đi bộ từ ngày này tới ngày nọ, với hành vi tìm tới gốc cây hay căn nhà trống, ngồi xuống, lưng thẳng, đặt niệm trước mặt… là cả một trời mênh mông cách biệt.

Hành động bước đi trong Kinh Phật cũng có một ý nghĩa khác với chuyện bước đi ngoài đường lộ. Kinh SN 47.6 ghi rằng “hành xứ” -- tức là “cõi bước đi” – của người tu không có nghĩa là đưa chân bước tới, mà chỉ có nghĩa là cõi của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý… Đức Phật cảnh giác rằng chớ có đi tới chỗ ngoài hành xứ của mình, vì đi chệch ra là Ác ma sẽ chộp lấy cơ hội quậy phá. Như thế, đi lang thang nơi Kinh này chỉ có nghĩa là chuyện của “tâm hành” chứ không có nghĩa bộ hành. Cho nên, nói “đi” thực sự không có nghĩa là “đi” theo nghĩa đời thường. Ngộ nhận một chút, là sẽ hỏng.

Kinh SN 47.6, bản dịch của Thầy Minh Châu trích như sau: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, chớ có đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, chỗ cảnh giới của người khác. Này các Tỷ-kheo, đi đến chỗ không phải hành xứ của mình, đi đến cảnh giới của người khác, thời Ác ma nắm được cơ hội, Ác ma nắm được đối tượng. Này các Tỷ-kheo, chỗ nào không phải hành xứ của Tỷ-kheo? Chỗ nào là cảnh giới của người khác? Chính là năm dục công đức. Thế nào là năm? Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Có các tiếng do tai nhận thức … Có các hương do mũi nhận thức … Có các vị do lưỡi nhận thức … Có các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là chỗ không phải hành xứ của Tỷ-kheo, chỗ cảnh giới của người khác.” (1)

Trong truyền thống Theravada Thái Lan, ý nghĩa của đời sống lang thang được hiểu theo một nghĩa nhất định. Trong bài viết nhan đề “Mange in the Mind” nhà sư Thanissaro, một vị sư gốc Hoa Kỳ tu học ở Thái Lan và là người đã dịch Tam Tạng Pali ra tiếng Anh, viết, trích dịch như sau:

Cuộc sống của một nhà sư thiền định là một cuộc sống lang thang. Nhưng nếu bạn nhìn chúng tôi từ bên ngoài, có vẻ như chúng tôi không lang thang nhiều như vậy. Tuy nhiên, nhà sư Ajaan Maha Boowa nhận định rằng nơi thực sự để lang thang, nơi thực sự để khám phá, không phải là bên ngoài. Đó là những gì đang diễn ra bên trong thân và tâm của bạn. Đối với hầu hết chúng ta, đó là terra incognita, vùng đất mà chúng ta không biết…

…Cách ẩn dụ của nhà sư Ajaan Maha Boowa là, thân như một thành phố, với các đường phố và những tòa nhà. Các giao lộ bốn chiều là Tứ thánh đế; các giao lộ ba chiều là ba đặc tướng. Mọi thứ bạn cần biết đều ở ngay đây. Tất cả các công cụ bạn cần để biết, để giúp bạn biết, cũng ở ngay đây. Chỉ là bạn chưa dành đủ thời gian để khám phá về thân.” (2)

Nên ghi chú rằng, ba đặc tướng trong đoạn vừa dẫn có nghĩa là ba pháp ấn, nằm sẵn trong tất cả các pháp hữu vi: Khổ, Vô thường, Vô ngã. Như thế, Therevada Thái Lan (theo lời vị Tam Tạng Pháp Sư Thanissaro) không xem nặng chuyện đi bộ hành, vì “cuộc sống lang thang” được hiểu là nhìn vào thân và tâm để thấy sự thật chuyển biến nơi thân tâm, và để kinh nghiệm lời dạy của Đức Phật trong hành trình khám phá thân và tâm của mình.

Chỗ này không hề mơ hồ. Vì Đức Phật nói trong Kinh SN 35.23 về cái “tất cả” của ba cõi, sáu đường mà chúng ta đang sống và có thể kinh nghiệm thực ra chỉ là mắt và cái được thấy, tai và cái được nghe, mũi và cái được ngửi, lưỡi và cái được nếm, thân và cái được chạm xúc, ý và cái được tư lường. Ngoài cái “tất cả” đó ra, là ngoài thế giới bản thân từng người. Như vậy, khi nói lang thang, là chỉ trong giới vực này.

Trong Kinh SN 35.23, bản dịch Thầy Minh Châu viết: “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả. Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác”, thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn. Và bị hỏi, người ấy không thể chứng minh gì. Và hơn nữa, người ấy có thể rơi vào ách nạn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, như vậy ra ngoài giới vức (avisaya) của người ấy!(3)

Trong nhóm Kinh Tập trong Tiểu Bộ Kinh, có một kinh dễ bị hiểu nhầm về ý nghĩa “đi lang thang.” Đó là Kinh Snp 1.3. Còn gọi là “Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng” theo bản dịch của Thầy Minh Châu. Bản tiếng Anh là Kinh "The Horned Rhino" theo bản Anh dịch của Sujato, có tên là Kinh "The Rhino Horn: A Teaching for the Hermit-minded" theo bản Anh dịch của Laurence Khantipalo Mills, và có tên là Kinh "Khaggavisana Sutta: A Rhinoceros" theo bản dịch của ngài Thanissaro.

Hình ảnh con tê ngưu một sừng theo Đức Phật nói không có nghĩa là khuyến tấn các vị sư hãy đi lang thang trong rừng, mà chỉ có nghĩa là hãy tìm nơi vắng lặng để cư trú, bởi vì, trong Kinh này, Đức Phật lặp đi lặp lại tới 40 lần hai câu này:

Hãy sống riêng một mình

Như tê ngưu một sừng.”

---- Trích Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng, bản dịch Thầy Minh Châu (4)

Bản Anh dịch của Sujato viết rất rõ, rằng không hề có chuyện đi bộ hành hay đi lang thang: “Live alone like a horned rhino.” (Dịch: Hãy sống đơn độc như con tê ngưu một sừng). Nghĩa là, nên sống đơn độc, sống tịch lặng. Trong khi Đức Phật lặp đi, lặp lại 40 lần rằng hãy sống đơn độc trong 40 đoạn thơ, chỉ có một đoạn thơ chen vào giữa nói rằng chỉ khi tìm được bạn lành, thì mới nên “Hãy sống với bạn ấy / Hoan hỷ, giữ chánh niệm.” Hiển nhiên, ngay cả khi sống đơn độc, hay ngay cả khi sống với bạn đồng tu, không có nghĩa là đi bộ lang thang.

Có một Kinh dạy về cách chơn chánh để lang thang, nhưng đọc kỹ, chúng ta cũng thấy không phải là Đức Phật khuyến tấn bộ hành, mà chỉ là những khảo sát về tâm. Kinh này, ký số Snp 2:13, trong bản tiếng Anh:

. của Sujato có nhan đề là “The Right Way to Wander” (Cách chơn chánh để lang thang);

. của Laurence Khantipalo Mills nhan đề là “Perfection in the Wandering Life” (Toàn hảo trong đời sống lang thang);

. của Thanissaro (ký số: Sn 2:13) nhan đề là “Right Wandering” (Lang thang chơn chánh).

. và bản tiếng Việt của Thầy Minh Châu nhan đề là “Kinh Chánh xuất gia(5) (Lang thang hiểu là xuất gia).

Đọc kỹ Kinh Snp 2:13, chúng ta không thấy nói chuyện bộ hành, mặc dù nhan đề có chữ “lang thang” (wandering) mà Thầy Minh Châu dịch là du hành. Nơi đây, xin phép dịch lại “Kinh lang thang chơn chánh” dựa vào ba bản Anh dịch và bản tiếng Việt của Thầy Minh Châu để cho rõ nghĩa như sau.

… o …



Phat thuyet phap-4


Sammāparibbājanīyasutta:
Kinh lang thang chơn chánh



Người hỏi: Con xin hỏi bậc ẩn sĩ, có trí tuệ vô lượng, đã vượt qua, tới bờ kia, đã tịch lặng, định tĩnh. Rằng khi một nhà sư đã xuất gia, rời bỏ các dục, cách nào chơn chánh để vị đó lang thang trong thế gian này?

Đức Phật đáp: Khi vị đó đã xóa bỏ niềm tin mê tín, về những điềm báo từ cõi trời, từ giấc mơ hoặc từ dấu hiệu trên cơ thể; khi đã rời bỏ sau lưng những vết nhơ của mê tín dị đoan, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Một nhà sư phải xua tan lòng tham đối với những niềm vui cõi người hay cõi trời; với sự tái sinh đã vượt qua và với sự thật đã hiểu, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Bỏ lại sau lưng mọi chuyện chia rẽ, một nhà sư từ bỏ sân hận và lòng keo kiệt; bỏ lại sau lưng mọi chuyện ủng hộ và kình chống, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Rời bỏ tất cả những gì được yêu thích và cả những gì không được yêu thích, không nắm giữ hay nương dựa vào bất cứ những gì; được giải thoát khỏi mọi thứ trói buộc, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Không tìm thấy cốt lõi nào trong các chấp trước, xa lìa ham muốn với những thứ họ đã có được, độc lập, không nương dựa vào ai hướng dẫn nữa, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Không còn chút gì gây hấn trong lời nói, tâm ý và hành động, vị đó chơn chánh hiểu được Diệu pháp. Khát khao sống chứng ngộ Niết Bàn, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này. 

Không kiêu ngạo hả hê rằng, ‘người ta tôn kính tôi’; khi bị xúc phạm, vị đó không để bận tâm; không vui mừng khi được cúng dường thức ăn, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Rời bỏ lòng tham và lòng khao khát sống, vị đó xa lìa bạo lực và không còn khống chế ai; không còn nỗi nghi ngờ nào, đã gỡ bỏ xong mũi tên, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Biết những gì phù hợp với mình, vị đó sẽ không làm hại ai trên thế gian; ngộ nhập Chánh pháp như thực, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Vị đó không còn xu hướng tiềm ẩn nào, đã nhổ xong những gốc rễ bất thiện; xa lìa hy vọng, và không cần hy vọng, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Vị đó đã chấm dứt tất cả những ô nhiễm, đã từ bỏ lòng kiêu ngạo, đã vượt qua mọi tham dục; được thuần hóa, đã tịch lặng và định tĩnh, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Có lòng tin, có học vấn uyên bác, nhìn thấy đường đạo chắc thật, người trí không chọn phe phái giữa nhiều bộ phái; xa lìa tham, sân và thù nghịch, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Vị đó chiến thắng, thanh tịnh, đã gỡ bỏ bức màn che, tự tại trong các pháp, đã qua bờ kia, tịch lặng; là bậc thầy biết đoạn tận các sở hành, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Vị đó vượt qua tất cả những suy đoán về tương lai hoặc quá khứ, và hiểu thế nào là thanh tịnh; đã giải thoát ra khỏi tất cả những căn trần, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Vị đó hiểu tận tường trạng thái an lạc, hiểu thấu Chánh pháp, nhìn thấy rõ ràng những ô nhiễm được buông bỏ; và với sự chấm dứt của mọi sự bám víu, vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.

Người hỏi: Bạch Thế Tôn, hiển nhiên, đúng như lời Thế Tôn dạy. Người sống như thế là một vị sư thuần thục, đã vượt qua mọi xiềng xích; vị đó sẽ lang thang chơn chánh trong thế gian này.


Hết Kinh Sammāparibbājanīyasutta



GHI CHÚ:



(1) Kinh SN 47.6: https://suttacentral.net/sn47.6/vi/minh_chau

(2) Thanissaro, Mange in the Mind: https://www.dhammatalks.org/audio/evening/2006/060309-mange-in-the-mind.html

(3) Kinh SN 35.23: https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau

(4) Kinh Tê Ngưu Một Sừng: https://thuvienhoasen.org/p15a1544/chuong-01-pham-ran

(5) Kinh Chánh Xuất Gia: https://thuvienhoasen.org/p15a1545/chuong-02-tieu-pham

Kinh Snp 2:13: The Right Way to Wander: https://suttacentral.net/snp2.13/en/sujato   

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/10/2010(Xem: 6793)
Người ta luôn hỏi câu này, Phật đã đi đâu và hiện nay ngài đang ở đâu? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời cho những ai không có một sự tu tập về đời sống tâm linh. Bởi vì người đời thường nghĩ về cuộc sống theo cách của thế gian. Họ khó có thể hiểu được khái niệm một vị Phật. Vài nhà truyền giáo nào đó tiếp cận các Phật tử và nói rằng Phật không phải là một vị thần mà chỉ là một con người. Ngài đã chết và không còn nữa. Vậy thì làm sao người ta có thể tôn sùng một người cũng đã chết? Những chúng ta phải hiểu rằng, Đức Phật được tôn xưng là Thiên Nhân Sư, vị thầy của chư thiên và loài người. Bất cứ khi nào chư thiên có gặp khó khăn, họ đều gặp ngài để xin lời khuyên. Thế rồi họ nói rằng vị chúa tể của họ vẫn hằng sống, và đó là lý do tại sao người người cầu nguyện với Ngài.
06/10/2010(Xem: 2714)
Đức Phật tướng hảo trang nghiêm, kim dung từ bi, hàng sơ học chỉ có thể dựa vào thánh tượng mới có thể nhận thức được Phật. Chủng loại thánh tượng của Đức Phật rất nhiều...
03/10/2010(Xem: 2424)
Ngài luôn luôn cổ súy tinh thần tự lực của mỗi người để tìm lấy sự giải thoát cho chính mình và điều này như là một sợi chỉ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật...
30/09/2010(Xem: 2975)
Tiếng Phạn Sarìra, PàliSarìra có nghĩa làtử thi, di cốt:dịch ý là thể, thân, thân cốt, di thân.Thông thường xá lợi dùng để chỉ cho di cốt của Phật, nên gọi là Phật cốthay Phật xá lợi.Chữ này về sau cũng dùng để chỉ cho phần xương đầu của các bậc cao tăng sau khi viên tịch hỏa thiêu còn lại. Hơn nữa, bảo tháp dùng để tôn trí xá lợi của Phật gọi làTháp xá lợi; nơi an tri bình xá lợi của Phật gọi là Bình xá lợi; Pháp hội cúng dường xá lợi Phật gọi làHội xá lợi.
29/09/2010(Xem: 5835)
Ngoài việc nói pháp đúng đối tượng nghe, Thế Tôn còn nói pháp đúng thời và đúng chỗ, khiến cho tác dụng của thời pháp được tăng thêm hiệu quả.
25/09/2010(Xem: 10185)
Theo lời đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật chỉ dạy trong kinh A Di Đà, cách thế giới Ta-Bà của chúng ta 10 muôn ức cõi Phật về hướng Tây rất xa, có một thế giới tên là Cực Lạc, Đức Phật giáo chủ cõi đó làPhật A-Di-Đà hiện đang thuyết pháp độ sanh. Đức Phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi LạcBang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻchúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ.
22/09/2010(Xem: 12877)
Cuộchành trình miên viễn của kiếp sống trầm luân sáu nẻo luân hồi đã thôithúc rất nhiều người đi tìm những phương pháp để thoát ly khổ não. Hạnh phúc và khổ đau là hai thực trạng của cuộc sống mà con người luôn đề cập tới. Nhưng để biết được hạnh phúc là gì thì con người phải trực nhận ra được bản chất của khổ đau như thế nào rồi mới bàn tới phương pháp giải quyết khổ đau... Sau khi nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, đức Phật dùng tri kiến thanh tịnh quan sát khắp cả thế giới. Bằng tuệ nhãn, Ngài thấy chúng sanh có nhiều căn tánh bất đồng...
17/09/2010(Xem: 5144)
Trung đạo (madhyamŒ-pratipad) là con đường tránh xa hai cực đoan: hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh, nó là kinh nghiệm rút ra từ bản thân của Ngài, sau khi sống hưởng thụ trong hoàng cung, và trải qua 6 năm tu khổ hạnh, nhờ con đường này mà Ngài thành đạt giác ngộ và giải thoát dưới cội cây Bồ đề.
17/09/2010(Xem: 2402)
Sau khi Thái tử Tất-Đạt-Đa đản sinh, vua cha Tịnh-Phạn triệu tập các vị tinh thông tướng số đến tiên đoán vận mệnh cho Thái tử. Các vị xem tướng xong, đồng tâu lên rằng: “Thái tử có đủ 32 tướng tốt của một Bậc Đại nhân, thật hiếm có trên đời.Đây là những dấu hiệu báo trước Ngài sẽ là Bậc vĩ nhân đệ nhất trong thiên hạ. Nếu Ngài làm vua, sẽ là vị Chuyển luân Thánh vương; nếu xuất gia tu hành, Ngài sẽ là Bậc Đại Giác Ngộ”... Kinh Phạm Võng Trường Bộ tập I, Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, thân của Như-Lai còn tồn tại, nhưng cái khiến đưa đến một đời sống khác đã bị chặt đứt.
10/09/2010(Xem: 59416)
Một cuộc đời một vầng nhật nguyệt (quyển 3) Vào thời không có đức Phật Chánh Đẳng Giác ra đời, tại vùng Allakappa bị dịch bệnh hoành hành, lây lan từ người này sang người khác, nhà này sang nhà khác làm cho rất nhiều người chết, đói kém xảy ra khắp nơi. Những người còn mạnh khỏe, chưa bị lây nhiễm
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]