Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

17. Hạ thứ 9 tại tinh xá Ghosita, Kosambi (năm -581)

02/03/201419:08(Xem: 20133)
17. Hạ thứ 9 tại tinh xá Ghosita, Kosambi (năm -581)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


4- Hạ thứ 9 tại tinh xá Ghosita, Kosambi (năm -581)

Tại thủ đô Kosambi, thuộc vương quốc Vatsa, nằm trên tả ngạn sông Yamunà, có một giám đốc ngân khố tên là Ghosaka dâng cúng rừng cây simsapà của ông để làm tinh xá Ghosita. Ngoài ra còn có ông giám đốc ngân khố tên Kukkuta cúng dường tinh xá Kukkuta, và ông giám đốc ngân khố tên Pàvàriya cúng dường tinh xá Pàvàriya[1].

Bà Màgandiyà, thứ hậu vua Udayana, phỉ báng Phật[2]

Vài năm trước, ở Kosambi có một thiếu nữ xinh đẹp tên Màgandiyà sanh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn. Cha mẹ cô rất hãnh diện về sắc đẹp tuyệt trần của cô, chỉ muốn gả cô cho một người thật xứng đáng. Một hôm đức Phật đến nơi vị Bà-la-môn đang cúng tế thần lửa ngoài trời. Nhìn thấy hình dáng tốt đẹp của đức Phật, ông Bà-la-môn nghĩ thầm rằng đây quả thật là người rể đông sàng mà ông hằng mong ước từ lâu. Ông liền ân cần thỉnh Phật ở nán lại chờ ông đi một chốc sẽ trở lại, rồi ông vội vã chạy về nhà kêu con gái. Lúc ấy đức Phật cố ý dẫm dấu chân trên mặt đất rồi đi sang một chỗ khác gần đó. Khi người Bà-la-môn dẫn vợ và cô con gái ăn mặc đẹp đẽ đến nơi thì chỉ nhìn thấy dấu chân Phật. Bà vợ, giỏi về khoa tướng số, biết rằng dấu chân này không phải của người tầm thường mà phải là của người rất thanh tịnh, đã tận diệt mọi dục vọng. Ông Bà-la-môn chế nhạo vợ hay tin bói toán, kế thấy đức Phật đứng cách đó không xa, ông bèn dẫn con gái đến đề nghị gả cho ngài. Đức Phật muốn độ hai ông bà Bà-la-môn này nên thuật lại lúc ngài thành đạo và chiến thắng ba cô con gái của Ma Vương như thế nào, rồi ngài nói kệ :

“ Đã nhận thấy Ái-Dục, Bất-Mãn và Tham-Vọng[3],

“ Ta không thích thú gì trong dục lạc của ái tình.

“ Thể xác chỉ là túi da chứa đầy nước tiểu và phẩn dơ,

“ Ta không bao giờ muốn rờ đến nó, dù chỉ rờ bằng chân.

Nghe đến đây hai ông bà Bà-la-môn liền chứng quả A-na-hàm (Anàgàmi). Nhưng cô Màgandiyà bị chạm tự ái, cho đó là lời sỉ nhục, nên lấy làm tức giận, cô nghĩ:

Nếu người này không cần đến ta thì cứ nói thật ra. Tại sao ông ta lại nói thể xác ta đầy nước tiểu và phẩn dơ ? Hay lắm, đến chừng ta có một người chồng danh giá ta sẽ có cách đối xử với sa môn Gotama.

Ít lâu sau, hai ông bà Bà-la-môn giao cô Màgandiyà cho chú ruột của cô nuôi, rồi xuất gia đi tu đắc quả A-la-hán. Người chú đưa cô vào triều làm thứ hậu cho vua Udayana[4]xứ Vatsa.

Trong hạ thứ 9, bà Màgandiyà dùng tiền mua chuộc ngoại đạo và xúi giục những người nô lệ mắng chưởi, xua đuổi Phật ra khỏi thành phố Kosambi. Khi thấy đức Phật vào thành khất thực, họ xúm lại hô to :

Ông là tên trộm, là tên khờ dại, là người điên cuồng, là con lạc đà, là bò, là lừa, là người ở địa ngục, là thú vật. Ông không mong gì được lên nhàn cảnh (cảnh trời). Ông sẽ chịu khổ hình ở địa ngục.

Đại đức Ànanda không thể chịu đựng được những lời nguyền rủa đê tiện, hung ác như vậy. Thầy bạch Phật :

Bạch đức Thế Tôn, người ta đang chưởi rủa và nhục mạ chúng ta thậm tệ. Xin ngài cho dời đi nơi khác.

Này Ànanda, bây giờ ta nên đi đâu ?

Bạch đức Thế Tôn, đến một thị trấn khác.

Nếu ở đó người ta cũng chưởi rủa và nhục mạ ta như vậy thì ta sẽ đi đâu?

Bạch đức Thế Tôn, lại đi đến một nơi khác nữa.

Này Ànanda, không nên nói như vậy. Nơi nào chúng ta gặp chuyện khó khăn thì chúng ta phải dàn xếp ổn thỏa ngay tại nơi ấy. Và chỉ khi dàn xếp xong ta mới có quyền đi nơi khác. Nhưng, này Ànanda, ai chưởi rủa nhục mạ thầy vậy ?

Bạch đức Thế Tôn, ai cũng chưởi rủa ta. Những người nô lệ, tôi tớ và ... tất cả mọi người.

Đức Phật nhân cơ hội này dạy ngài Ànanda thực hành pháp nhẫn như sau :

Này Ànanda, như một thớt tượng lâm trận phải bị lằn tên mũi đạn từ bốn phía dồn dập bắn tới. Như thế ấy, ta phải chịu đựng những lời nguyền rủa chưởi mắng từ mọi nơi. Thật vậy, người ta phần đông sống không giới đức.

“Nhiều voi ngựa được dẫn đến trước vua quan để chọn lựa. Giữa đám đông voi ngựa ấy, vua chọn con nào thuần thục nhứt để cỡi. Giữa đám người, người xứng đáng nhất là người thuần thục, chịu đựng được những lời nguyền rủa.

“Những con lừa thuần thục, những con ngựa rặt giống xứ Sindh và những thớt tượng sang trọng có ngà, đều thật xứng đáng và quý báu. Nhưng con người thuần thục, giới đức trang nghiêm là hơn tất cả.[5]

Rồi đức Phật nói tiếp :

Này Ànanda, thầy nên an lòng, những người này chỉ chưởi mắng thầy trong bảy ngày thôi, đến ngày thứ tám họ sẽ lặng im. Một chuyện khó khăn xảy đến cho một vị Phật không thể kéo dài quá bảy ngày.[6]

Không xua đuổi Phật được, lại thấy hoàng hậu Samavati là người rất cung kính và tin tưởng Phật, Màgandiyà lập mưu cho chú mình gây hỏa hoạn đốt chết Samavati. Vua Udayana biết được chuyện này, ra lệnh dùng rơm thiêu sống Màgandiyà và những người đồng lỏa.[7]

Nắm lá simsapà và Tỳ kheo Malunkyaputta[8]

Trong mùa an cư thứ chín, các đại đệ tử như Mahà Kassapa, Moggallàna, Sàriputta không có ở bên Phật vì phải chủ trì các trung tâm kiết hạ khác. Chú Ràhula phải theo học với thầy Sàriputta. Kề cận Phật có thầy thị giả Nagita và thầy Ànanda.

Tinh xá Ghosita nằm trong rừng cây simsapà. Một buổi chiều từ rừng về, đức Phật cầm trong tay một nắm lá simsapà. Ngài đưa nắm lá lên và hỏi các vị khất sĩ có mặt :

Này các thầy, lá trong tay Như Lai nhiều hay lá trong rừng nhiều ?

Bạch đức Thế Tôn, số lá trong tay Thế Tôn rất ít, còn lá trong rừng thì nhiều vô số không sao đếm xiết.

Đúng vậy, này các thầy, tri kiến của Như Lai nhiều như số lá trong rừng, nhưng những điều Như Lai chỉ dạy quý thầy chỉ như số lá trong nắm tay. Tại sao vậy? Vì Như Lai chỉ muốn trình bày với quý thầy những gì thật sự có ích lợi cho sự tu tập để đạt đến giác ngộ và giải thoát mà thôi. Một khi đã hoàn toàn giác ngộ rồi thì đương nhiên quý thầy có đầy đủ tri kiến của một vị Phật mà không cần phải học. Nhưng bây giờ quý thầy nên để hết tâm trí vào công phu tu học Bốn Thánh Đế và thiền quán có lợi ích cho sự giác ngộ và giải thoát, không nên bận tâm và để mất thì giờ trong các cuộc hý luận vô bổ.

Sở dĩ Phật có lời khuyên như thế là vì trước kia ở tinh xá Jetavana thầy Malunkyaputta và vài vị khất sĩ khác, sau khi tranh luận với nhau khá sôi nổi, kéo nhau đến hỏi Phật :

Bạch Thế Tôn, vũ trụ này là hữu biên hay vô biên ? Hữu hạn hay vô hạn ? Như Lai còn hay không còn tồn tại sau khi chết ?

Đức Phật làm thinh không đáp. Malunkyaputta không chịu nổi sự im lặng của Phật, nói tiếp :

Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn trả lời những câu hỏi của con thì con nguyện sẽ tiếp tục theo học với ngài suốt đời. Nếu không, con sẽ xin từ bỏ giáo đoàn khất sĩ. Nếu quả thật ngài biết vũ trụ là hữu biên hay vô biên, thì xin ngài cứ nói ra. Còn nếu ngài không biết thì cứ nói thẳng là ngài không biết.

Đức Phật nhìn thầy Malunkyaputta thong thả nói :

Này Malunkyaputta, hồi thầy xin xuất gia, Như Lai có hứa với thầy là sẽ giảng giải cho thầy về những câu hỏi như thế không ? Như Lai có nói “Này Malunkyaputta, anh cứ xuất gia đi, rồi Như Lai sẽ dạy cho anh về những vấn đề siêu hình” không ?

Bạch Thế Tôn, không.

Vậy sao bây giờ thầy lại đặt điều kiện với Như Lai ?

“Này Malunkyaputta, ví như có một người nọ bị trúng một mũi tên có tẩm thuốc độc. Bà con mời một ông thầy thuốc tới để nhổ mũi tên ra rồi băng bó và cho uống thuốc trừ độc. Nhưng người bị trúng tên không cho ông thầy thuốc đụng vào vết thương mình. Người ấy nói "Khoan đã, trước khi chữa vết thương, tôi muốn biết ai đã bắn mũi tên này, tên họ người đó là gì, mấy tuổi, ở đâu, làm nghề gì, thuộc giai cấp nào, vì cớ gì mà bắn tôi. Tôi cũng muốn biết cây cung làm bằng loại gỗ gì, và thuốc độc đó được chế biến ra sao." Này Malunkyaputta, người bị thương sẽ chết trước khi anh ta tìm hiểu được hết những điều đó. (Trung A hàm: Kinh Tiễn Dụ; Trung Bộ 63)

“Người xuất gia cũng vậy. Những điều mà người xuất gia phải biết và phải thực hành là những điều căn bản mà Như Lai đã và đang dạy các thầy. Còn những điều khác, vì không có ích lợi thiết thực cho sự tu học và hành trì để đi đến giác ngộ và giải thoát, cho nên Như Lai không nói tới.

Nghe đến đây, thầy Malunkyaputta thành tâm xin sám hối, rồi lạy tạ lui ra.

Tranh chấp giữa một vị kinh sư và một vị luật sư[9]

Sau khi mãn hạ độ một tuần, tại tinh xá Ghosita ở thủ đô Kosambi, xứ Vatsa, có xảy ra một vụ tranh chấp giữa một vị kinh sư và một vị luật sư trong giáo đoàn khất sĩ. Kinh sư là các thầy chuyên ôn tụng và giảng dạy các khế kinh mà Phật đã nói, như kinh Chuyển Pháp Luân, kinh Vô ngã tướng, kinh Nhân Duyên, kinh Bát Chánh Đạo ... Luật sư là các thầy chuyên ôn tụng và giảng dạy các giới luật, như các giới của người xuất gia, các giới của người tập sự xuất gia, các quy chế nhập hạ, tự tứ, tụng giới ...

Một hôm, sau khi tắm xong, một vị kinh sư quên ra giếng múc nước đổ vào cho đầy lu trong nhà tắm. Một vị luật sư vào tắm sau đó, thấy không có nước liền quở vị kinh sư :

Này đạo hữu, có phải đạo hữu đã tắm xong rồi quên xách nước vào nhà tắm không ?

Thưa đạo hữu, phải.

Đạo hữu không biết làm như thế là sái nội quy à ?

Thưa đạo hữu, tôi lỡ quên. Vậy để tôi đi xách nước vào cho đầy lu.

Tốt lắm ! Này đạo hữu, nếu phạm lỗi mà không biết, không cố ý, thì không có tội.

Sau đó vị luật sư nói với học trò mình :

Thầy kinh sư phạm lỗi mà không biết.

Học trò thân của vị luật sư nói với học trò thân của vị kinh sư :

Thầy dạy luật nói thầy dạy kinh có tội mà không biết.

Học trò thân của vị kinh sư nói lại với thầy mình :

Thầy luật sư nói thầy có tội mà không biết.

Tôi chỉ lỡ quên xách nước vào lu sau khi tắm. Hôm qua ông ấy nói tôi không có tội, sao hôm nay lại nói tôi có tội ? Ông ấy nói dối !

Học trò thân của vị kinh sư đến gặp học trò thân của vị luật sư nói :

Thầy kinh sư nói thầy luật sư nói dối.

Hai bên lời qua tiếng lại. Cuối cùng vị luật sư tuyên bố vị kinh sư đã phạm lỗi mà không sám hối thì theo luật sẽ không được phép tham dự các khóa lễ Bố-tát tụng giới mỗi nửa tháng nữa. Cách đây vài năm, tại giảng đường Migàra (Lộc Mẫu) ở tinh xá Pubbaràma (Đông Viên) đức Phật đã thiết chế luật không cho các tỳ kheo không thanh tịnh dự lễ Bố-tát[10]. Vị kinh sư nói ông ta không có tội, chính vị luật sư ăn nói hàm hồ mới là người có tội cần phải sám hối. Cuộc tranh luận từ nhỏ xé ra to. Các vị khất sĩ chia ra làm hai phe tranh cãi sôi nổi. Tình trạng trở nên căng thẳng. Các khất sĩ không theo phe nào, than thở với nhau :

Chết mất ! Chết mất ! Thế nào cũng có chia rẽ trầm trọng trong giáo đoàn.

Vài vị khất sĩ trình lên Phật hiện tình chia rẽ trong đại chúng. Đức Phật gọi vị luật sư đến trình bày sự việc xảy ra như thế nào, rồi ngài nói :

Đã đành việc gìn giữ giới luật phải thật nghiêm minh để thân tâm được thanh tịnh. Nhưng giới luật chỉ là phương tiện để giúp cho việc tu tập được dễ dàng và nhanh chóng tiến đến mục tiêu cứu cánh là giác ngộ và giải thoát. Nếu vì giới luật mà động tâm, tranh cãi, sanh ra bất hòa, thối bồ-đề tâm, làm chia rẻ Giáo đoàn thì giới luật đã mất hết ý nghĩa và mục tiêu cao thượng của nó. Trong trường hợp này thầy nên hỷ xả và tìm cách hòa giải là tốt đẹp hơn hết.

Đức Phật lại cho gọi vị kinh sư đến trình bày sự việc, rồi ngài nói :

Đã đành việc thầy quên lấy nước vào lu cho đầy sau khi tắm là việc nhỏ nhặt. Nhưng nếu thầy chịu nhẫn nhục sám hối với thầy kia ngay từ lúc đầu thì mọi việc đã được ổn thỏa. Nhưng cũng chưa muộn, bây giờ thầy nên nhẫn nhục sám hối đi để mọi việc trở nên tốt đẹp giữa hội chúng và Giáo đoàn.

Nhưng sự can thiệp của Phật không có hiệu quả. Cả hai bên vì lời qua tiếng lại đã nhiều nên bị chạm tự ái trầm trọng. Mỗi bên đều tìm cách gây ảnh hưởng để kéo thêm các vị khất sĩ khác về phe mình. Các vị khất sĩ không theo phe nào thuộc thiểu số, không đủ khả năng dàn xếp một cuộc hòa giải. Nhóm luật sư họp lại xử vị kinh sư bị án treo, không được dự lễ tụng giới (Uposatha) kỳ tới. Đến kỳ tụng giới, nhóm vị kinh sư chiếm đa số nên tổ chức tụng giới ngay tại giảng đường; nhóm vị luật sư ít hơn phải tổ chức tụng giới bên ngoài.

Nội vụ tới tai các cư sĩ tại gia, và chẳng bao lâu các giáo phái bên ngoài đều biết. Uy tín của giáo đoàn khất sĩ bị tổn thương nặng. Đại đức thị giả Nagita lại đem nội vụ trình lên Phật và yêu cầu Phật tới can thiệp một lần nữa. Sáng hôm sau, đức Phật khoác y, đi thẳng tới giảng đường, bảo thầy thị giả Nagita đánh chuông triệu tập đại chúng. Khi mọi người đã tụ họp đông đủ tại giảng đường, Phật nói:

Này các thầy, xưa kia vua xứ Kosala là Dìghìti bị vua xứ Kasi là Brahmàdattà đánh bại. Vua Dìghìti cùng với con là Dìghàvu giả dạng trốn đến Benares ẩn náu. Nhưng Dìghìti bị người thợ hớt tóc thân tín làm phản, tố cáo, nên bị bắt giết. Trước khi chết, ông ta căn dặn con là Dìghàvu như sau : “Này con, chớ nên nhìn xa, chớ nên nhìn gần[11]; hận thù không thể chấm dứt bằng hận thù, hận thù chỉ có thể chấm dứt bằng hành động khoan dung tha thứ.” Về sau Dìghàvu trở nên người hầu cận thân tín của vua Brahmàdattà. Một hôm, trong lúc đi săn trong rừng vắng, Dìghàvu đang ở thế mạnh, nói cho Brahmàdattà biết mình là con của Dìghìti, và theo lời cha dặn, ông đã hoàn toàn xóa bỏ hận thù. Vua Brahmàdattà liền cho Dìghàvu trở về làm vua xứ Kosala.[12]

“Này các thầy, hận thù là liều thuốc độc cho chính bản thân mình. Tự ái, giận hờn và chia rẽ là ba trở ngại lớn cho sự tu tập. Các thầy hãy chấm dứt ngay việc tranh chấp cãi cọ vì một chuyện không đâu làm mất sự hòa hợp giữa chúng tăng. Hòa hợp tăng là điều kiện thiết yếu để thực hành thiền định và quán tưởng. Các thầy không nên để lửa sân đốt hết công đức tu tập của các thầy. Các thầy không nên bước lên con thuyền si mê cố chấp, vì nó sẽ đưa các thầy vào cõi địa ngục tối tăm. Thái độ sân si của các thầy đã làm thương tổn đến sứ mạng hoằng hóa của giáo đoàn, và thái độ đó chỉ mang đến đau khổ luân hồi cho các thầy mà thôi. Các thầy nên chấm dứt ngay sự chia rẽ đố kỵ. Các thầy hãy cùng nhau sám hối để trở về với Chánh Pháp.

Một vị khất sĩ đứng lên, nói :

Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy đứng ra ngoài vụ tranh chấp này. Xin ngài cứ an trú trong niềm vui tịnh lạc của thiền định. Chúng tôi đã lớn, chúng tôi có thể tự mình giải quyết vụ này, chúng tôi cần phải tranh luận để làm sáng tỏ ai phải ai quấy. Xin ngài chớ can thiệp vào việc riêng giữa chúng tôi.

Vị khất sĩ nói xong, mọi người đều im lặng. Đức Phật cũng im lặng. Một chốc sau, ngài đứng dậy, rời giảng đường, trở về am lấy y bát, rồi một mình đi vào thành phố Kosambi khất thực. Khất thực xong, Phật vào rừng một mình để thọ trai. Thọ trai xong, Phật đứng dậy, ôm bát đi dọc theo bờ sông Yamunà, rời thành phố Kosambi. Không ai được phép đi theo Phật, kể cả thầy thị giả Nagita và thầy Ànanda.[13]

Đại đức Bhagu gặp Phật tại thành phố Balaka[14]

Đức Phật đi lần tới thành phố Balaka (Bàlakalonakàra). Tại đây ngài gặp đại đức Bhagu. Thấy Phật, đại đức Bhagu rất vui mừng. Thầy rước Phật vào một cụm rừng, mời Phật ngồi, rồi đi lấy nước và khăn cho Phật rửa mặt và tay chân. Phật hỏi thăm về sự tu học của thầy. Thầy đáp :

Bạch Thế Tôn, con cảm thấy rất thoải mái, an lạc, mặc dù chỉ ở một mình.

Ở một mình đôi khi mà khỏe hơn là ở với nhiều người.

Rồi Phật nói bài kệ sau đây :

“Nếu gặp thiện tri thức,

“Nên sống chung hòa hợp,

“Tương trợ và hoan hỉ,

“Cùng nhau vượt hiểm nguy. (Pháp Cú, bài 328)

“Không gặp thiện tri thức

“Đáng sống chung hòa hợp,

“Thà sống riêng một mình

“Như vua bỏ nước bại,

“Voi chúa giữa rừng sâu. (Pháp Cú, bài 329)

“Nếu biết sống một mình,

“Không bạn với ngưới ngu,

“Thảnh thơi, không làm ác,

“Không lo, như voi rừng. (Pháp Cú, bài 330)

Sau khi giảng dạy thêm về giáo lý và khích lệ đại đức Bhagu về sự tu học, Phật từ giã thầy để đi về hướng đông đến Ràjagaha (Vương xá).

Đại đức Anuruddha gặp Phật tại núi Pàcìnavamsa[15]

Lúc đến cổng công viên ở Pàcìnavamsa[16], Phật bị người gác vườn ngăn lại. Ông ta nói :

Sa môn, ông đừng vào công viên lúc này, e làm phiền các thầy đang thiền định trong đó.

Phật chưa biết nói sao thì thấy đại đức Anuruddha từ trong công viên đi ra. Thấy Phật, đại đức mừng rỡ vái chào, rồi nói với người gác vườn :

Đây là thầy của chúng tôi, xin ông cứ để cho người vào.

Đại đức đưa Phật vào công viên gặp đại đức Nandiya và Kimbila. Thầy Nandiya nâng bát, thầy Kimbila nâng áo sanghàti cho Phật. Họ thỉnh Phật đến ngồi bên cạnh một khóm tre vàng, đem nước và khăn đến cho ngài rửa mặt và rửa chân. Rồi cả ba chấp tay đảnh lễ Phật. Phật hỏi :

Các thầy ở đây có được an tịnh không ? Sự tu học có thuận lợi không? Việc khất thực và hoằng hóa có dễ dàng không ?

Bạch Thế Tôn, thầy Anuruddha đáp, chúng con ở đây rất an ổn, khung cảnh thật an tịnh, việc khất thực và hoằng hóa cũng không có gì trở ngại. Nhờ khung cảnh thuận lợi nên chúng con đã đạt được nhiều tiến bộ trong sự tu học.

Các thầy có thương mến và hòa hợp với nhau không ?

Thưa Thế Tôn, chúng con rất thương mến nhau. Chúng con hòa hợp với nhau dễ dàng như nước với sữa. Mỗi khi có điều gì quan trọng chúng con đều họp nhau lại để lấy quyết định chung. Trong khi học tập về Giáo Pháp, nếu có điều gì còn nghi ngờ hoặc không hiểu rõ, thì chúng con cùng nhau thảo luận để tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Thưa Thế Tôn, nhờ có ba người ở chung nên chúng con thấy việc tu học của chúng con được dễ dàng và thuận lợi hơn.

Tốt lắm, Đức Phật nói, ở chung mà có sự hòa hợp với nhau là điều kiện thuận lợi nhất cho việc tu học.

Đức Phật ở lại công viên Pàcìnavamsa một tháng để quan sát cách ăn ở và tu học của ba thầy. Phật được biết các đại đức đã đạt đến bậc thiền cao nhất là Diệt Thọ Tưởng định. Trước khi từ giã các đại đức Anuruddha, Nandiya và Kimbila, đức Phật nói :

Này các thầy, nếu tất cả khất sĩ trong giáo đoàn có thể đối xử với nhau như các thầy thì rất lợi lạc và dễ dàng cho việc tu học chung. Từ nay Như Lai đề nghị áp dụng phápLục Hòasau đây đối với các khất sĩ ở chung[17]:

1- Thứ nhất là thân hòa đồng trú, nghĩa là cùng hòa thuận chia xẻ với nhau một trung tâm tu học, một khu rừng hay một mái nhà.

2- Thứ hai là lợi hòa đồng quân (chia đều), nghĩa là cùng chia đồng đều với nhau các thức ăn và các tiện nghi trong cuộc sống.

3- Thứ ba là giới hòa đồng tu, nghĩa là cùng nhau tôn trọng những giới luật chung.

4- Thứ tư là khẩu hòa vô tránh, nghĩa là nói chuyện với nhau phải dùng lời hòa nhã, không được dùng lời lẽ gây xích mích và tranh cãi.

5- Thứ năm là kiến hòa đồng giải, nghĩa là cùng nhau học hỏi và trao đổi kiến thức trong sự ôn hòa, không được dấu diếm hoặc tranh luận.

6- Thứ sáu là ý hòa đồng duyệt, nghĩa là khi có ý kiến khác nhau thì phải cùng nhau duyệt lại để mọi người cùng hòa thuận và thông cảm với nhau.

Này các thầy, từ nay về sau, tất cả khất sĩ trong giáo đoàn phải lấy sáu nguyên tắc hòa hợp này mà đối xử với nhau.

Ba vị khất sĩ hoan hỉ nghe lời Phật dạy. Đức Phật từ giã ba thầy, lên đường đi về hướng tây bắc. Bảy ngày sau Phật đến khu rừng Rakkhita, gần thành phố Pàrileyyaka. Phật đến ngồi nghỉ dưới một gốc cây sàla tươi đẹp, cành lá sum sê. Nhận thấy phong cảnh nơi đây thật thanh nhàn, khí hậu mát mẻ, Phật quyết định ở lại đây một mình trong mùa an cư sắp tới.



[1]Xem Buddhist Legends, quyển I, trang 280.

[2]Xem Trung Bộ 75; Đức Phật và Phật Pháp, trang 190-192; The Life of Buddha as Legend and History, trang 115; Buddhist Legends, quyển III, trang 31-32 và 199-200.

[3]Đó là tên ba người con gái của Ma Vương: Tanhà(Ái dục), Arati(Bất mãn) và Raga(Tham vọng).

[4]Vua Udayana còn gọi là Udena có hoàng hậu là Samavati và hai thứ hậu là Vasuladattà và Màgandiyà. (Buddhist Legends, quyển I, trang 247-293).

[5]Dhammapada (Kính Pháp Cú) bài 320, 321, 322.

[6]Buddhist Legends, quyển 1, trang 282-288.

[7]Buddhist Legends, quyển 1, trang 288-290.

[8]Xem Trung Bộ 63; Trung bộ 48: Kosambìya sutta; Tương Ưng Bộ, chương 56, kinh 31: Simsapà; Trung A Hàm 221: Tiễn Dụ Kinh; Đại Chánh TTĐT Kinh 94: Phật thuyết Tiễn Dụ Kinh.

[9]Xem Buddhist Legends, quyển I, trang 175-183; Trung Bộ 128; Tiểu Bộ, Jàtaka 428; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 2: 238-260; Đường Xưa Mây Trắng, trang 296-298.

[10]Xem Tạng Luật, Tiểu Phẩm, tập 2: 447, 448 và 466; Tiểu Bộ, kinh Udàna V.5.

[11]Nghĩa là: Chớ nên đắn đo, do dự.

[12]Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 116; Tiểu Bộ, Jàtaka 371: Dìghìtikosala.

[13]Xem Tương Ưng Bộ, chương 22, kinh 81: Parileyya; Tiểu Bộ, Udàna IV.5.

[14]Xem Trung Bộ 128; Đường Xưa Mây Trắng, trang 298; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 2: 248.

[15]Xem Trung Bộ 31, 128; Trung A Hàm 72; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 2: 248; Đường Xưa Mây Trắng, trang 298-301.

[16]Pàcìnavamsa là một tên huyền thoại của núi Vepulla tại Ràjagaha. Nhưng theo kinh Trung Bộ 31 thì đức Phật gặp đại đức Anuruddha, Nandiya và Kimbila tại công viên Gosinga ở thành phố Ginjakavasatha gần Nàdika.

[17]Xem Trung Bộ (Majjhima nikàya) 48.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2023(Xem: 21034)
Kinh Ma-ha Ca-diếp độ bần mẫu1 kể lại câu chuyện rất thú vị về một bà lão nghèo, nhờ cúng dường ngài Ca-diếp một chút nước cơm mà được sinh về cõi trời Đao-lợi. Phước cúng dường ấy còn lớn lao đến mức hiện thành hào quang sáng rực như bảy mặt trời đồng thời soi chiếu, khiến cho vị vua cõi trời ấy là Đế-thích cũng phải kinh ngạc. Và sau khi tìm hiểu biết được nhân duyên cúng dường được phước lớn lao này, đích thân Đế-thích cùng phu nhân của mình đã phát tâm hiện xuống cõi người, hóa thân thành một đôi vợ chồng già nghèo khổ để được có cơ hội cúng dường lên ngài Ca-diếp, vun bồi thêm phước báu của chính mình.
15/03/2023(Xem: 5286)
Từ khi con người bắt đầu quy tụ sống thành nhóm, thành đoàn, và sau này phát triển đông đảo thành cộng đồng, xã hội, quốc gia, người ta đã biết tổ chức phân quyền, đưa ra những nguyên tắc luật lệ chung để mọi người dân sống trong cộng đồng quốc gia phải tuân theo. Những ai phạm tội phá rối trị an sẽ bị đem ra xét xử và trừng phạt theo nội quy luật lệ của quốc gia nơi họ cư ngụ. Có như thế thì mọi sinh hoạt trong cộng đồng xã hội mới giữ được trật tự, đời sống cá nhân mới được bảo đảm an toàn.
15/03/2023(Xem: 3806)
Có phải bạn rất đỗi ngạc nhiên về tiêu đề của bài viết này? Có thể bạn nghĩ rằng chắc chắn có điều gì đó không ổn trong câu chuyện này, bởi vì lịch sử về cuộc đời của đức Phật xưa nay không hề thấy nói đến chuyện đức Phật đi tới Châu Âu và Châu Phi. Bạn nghĩ không sai. Không phải đức Phật bằng xương bằng thịt đã đến hai lục địa đó lúc Ngài còn tại thế. Nhưng đó là một câu chuyện vô cùng thú vị về một hiện tượng lịch sử đã được sử sách nói đến cách nay cả ngàn năm.
07/03/2023(Xem: 2419)
Hôm nay ngày 15/2 năm Quý Mão (6/3/2023) kỷ niệm Ngày Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, con có đôi dòng nghĩ tưởng về lời dạy của Ngài. Đấng Cha lành của Trời, Người.
06/03/2023(Xem: 2385)
Con chính thức trở thành Phật tử sau khi thọ lễ qui y Tam Bảo một cách hiểu biết rằng -Đức Phật là vị Thầy cao quí nhứt đã vạch ra con đường giải thoát. -Giáo Pháp là con đường duy nhứt hỗ trợ cho mặt tâm linh đi đến thanh tịnh. -Tăng Già đại diện cho các vị Thinh Văn đã theo đúng con đường và trở thành những gương sống hầu đạt sự giải thoát cho mình khi vượt qua khỏi phiền não
23/02/2023(Xem: 4159)
Hạnh phúc thay ngày Phật xuất gia Vì thương cứu độ cõi Ta Bà Đâu màng điện ngọc cùng châu báu! Nỡ đắm con xinh đến tháp ngà! Thử ngẫm ai hoài mà chẳng bệnh! (*) Xem chừng kẻ sống mãi không già! (*) Quần sanh chuốc nạn đều chưa rõ Pháp thế lưu tồn giúp khổ qua.
26/12/2022(Xem: 2130)
“Sống gửi thác về”, câu tục ngữ mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc về kiếp sống con người của dân tộc Việt Nam. Không chỉ riêng người Việt, nhiều dân tộc có nền văn minh lâu đời trên thế giới cũng đã có nhiều câu hỏi tương tự: Chúng ta đang sống ở đâu? Chết sẽ đi về đâu? hầu hết những câu hỏi ấy đều đã có lời giải đáp qua các học thuyết hay quan điểm của một tôn giáo nào đó. Theo quan niệm Phật giáo, sau khi con người “mãn duyên trần thế” sẽ có rất nhiều nơi đến như Tam giới cửu địa [1], các cõi Tịnh độ của chư Phật, đặc biệt là cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, còn gọi là cõi Cực lạc hay nước An Dưỡng, tức là nơi không còn khổ đau bệnh tật, có đời sống an vui tự tại.
11/12/2022(Xem: 2601)
Sen thơm miền Cực Lạc Sen thơm cõi ta bà. Tìm ra; đây đó khác, Ngồi lại; Phật hằng sa.
04/11/2022(Xem: 3075)
Sau hai ngày 14 và 15 tháng 5 năm 2022, nhằm ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch, đúng vào ngày Đản Sanh năm 2646 của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, trước khi trở về Hamburg, Hòa Thượng Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác tặng cho tôi cuốn “Tôi Đọc Đại Tạng Kinh.” Đây là tác phẩm 69 của ngài vào độ tuổi 73. Trên xe lửa, tôi vội đọc ngay lời Dẫn nhập của Thầy ở đầu sách. Thầy viết: “Tất cả chúng ta đều bình đẳng về thời gian, dầu nam hay nữ, Tăng hay Ni, người lớn hay trẻ thơ..., mỗi ngày đều có đúng 24 tiếng đồng hồ như nhau, không hơn không kém. Tuy nhiên có nhiều người làm được rất nhiều việc trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ đó, mà cũng có nhiều người đã bỏ phí thời gian một cách vô ích...”
24/10/2022(Xem: 2871)
Tâm không bịnh thì làm sao thân có bịnh ? Các pháp vận hành theo quy luật thiên nhiên Sẽ mất cân bằng khi rối loạn bởi não phiền Bộ máy sinh học ngàn tỉ tế bào sẽ lỗi nhịp! Nhân ngày vía Phật Dược Sư …nhớ về Nghiệp! Đừng bao giờ than trách những mối oan khiên Hãy tạo nhiều lợi tha bòn Phước làm duyên Gắng gần gũi, thân cận ba ngôi Tam Bảo!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]